BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Năm chữ vàng trong Kinh tạng Pali

Như Quang


- 01 -

CHỮ MÙ TRONG KINH TẠNG PALI

Trên chuyến buýt đến sở làm sáng nay tôi vừa đọc xong một quyển sách nhỏ có tựa đề là "Tôi mù?" Đây là tự truyện của một cô gái mù do bệnh tăng nhãn áp bẩm sinh. Cô đã cố gắng luyện tập để nhìn người, vật, bằng một thứ khả năng đặc biệt thay cho đôi mắt hư đã bị hoại bỏ của cô. Trong cuộc hành trình đi tìm ánh sáng đầy gian nan, cô đã dũng mãnh, kiên trì, cố đạt cho được cái mục đích là được thấy, được tìm lại ánh sáng của cuộc đời.

Chính tựa đề quyển sách, không phải cái thông điệp cô gửi đến đọc giả, đã khiến tôi nhìn lại mình. Một cô gái biết mình không có nhãn quan, nhãn căn mà vẫn hoài nghi, tự vấn có phải thực sự mình mù bằng cái dấu chấm hỏi đi sau hai chữ “Tôi mù?" Còn tôi, một người được thấy cảnh, thấy sắc, sao chưa từng tự hỏi mình có phải mình là người sáng? Với nỗi thắc mắc này, vừa vào đến sở làm, tôi nhìn ngay vào mảnh gương nhỏ treo trên vách trong văn phòng. Trong gương hiện ra đôi mắt có đầy đủ tròng trắng, tròng đen, với cặp kính cận thị lực vẫn đạt gần 100%. Đôi mắt này đã và đang nhìn rõ người thương, người ghét, vật gần, vật xa, cảnh tịnh, cảnh bất tịnh. Nhưng khi quán sát thật kỷ những điều mình thấy, tôi bàng hoàng nhận ra tôi thực sự mù! Lâu nay tôi chỉ thấy những điều tôi muốn thấy, thấy với tâm phân biệt, thấy với hỉ, nộ, ái, ố, đan quyện vào trong nhãn quan của mình. Tôi chưa áp dụng được câu Phật ngôn: “Thấy chỉ là thấy." Tôi quyết định dấn thân vào cuộc hành trình đi tìm ánh sáng cho mình. Do cơ duyên đưa đẩy, tay tôi mở đúng trang kinh Tăng Chi, Phẩm mù lòa. Tôi bị cuốn hút ngay vào những lời dạy vàng của Đức Thế Tôn.

Người như thế nào mới gọi là mù? Theo nghĩa thông thường, mù có nghĩa là không có mắt hoặc có mắt nhưng không nhìn thấy. Nhưng theo định nghĩa của Đức Phật, người mù là người không có mắt để “có thể với mắt như vậy, thâu hoạch được tài sản chưa được thâu hoạch hay làm cho tăng trưởng tài sản đã được thâu hoạch; không có mắt để có thể với mắt như vậy, biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không tội, pháp liệt và thắng, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người mù." Đây là hạng người mù thứ nhất. Hạng người mù thứ hai là hạng người chỉ có một mắt. "…người có mắt để có thể với mắt như vậy, thâu hoạch được tài sản chưa được thâu hoạch hay làm cho tăng trưởng tài sản đã được thâu hoạch; nhưng không có mắt để có thể với mắt như vậy, biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không tội, pháp liệt và thắng, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người một mắt." Một hạng người khác nữa có mặt ở đời là hạng người có hai mắt bao gồm cả trần nhãn lẫn huệ nhãn; là hạng người "có mắt để có thể với mắt như vậy, thâu hoạch được tài sản chưa được thâu hoạch hay làm cho tăng trưởng `tài sản đã được thâu hoạch; và có mắt để có thể với mắt như vậy, biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không tội, pháp liệt và thắng, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người có hai mắt."

Và Ngài dạy thêm:

Vậy hãy tránh thật xa
Người mù, người một mắt
Thân cận bậc hai mắt
Bậc tối thắng trượng phu!
-- (Kinh Tăng Chi, Phẩm Mù Lòa)

Ngoài ba loại người kể trên ra, Bậc Đạo Sư còn phân ra ba loại mắt:

- Này các Tỷ-kheo, có ba con mắt này. Thế nào là ba? Mắt thịt, mắt chư Thiên và mắt trí tuệ. Này các Tỷ-kheo có ba loại mắt này. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.

Mắt thịt, mắt chư Thiên,
Vô thượng mắt trí tuệ,
Có ba loại mắt ấy,
Ðược bậc Vô thượng nhân,
Ðã tuyên bố trình bày,
Sanh khởi của mắt thịt,
Con đường mắt chư Thiên,
Từ đấy, trí khởi lên,
Tuệ nhãn là tối thượng,
Ai chứng được mắt ấy,
Giải thoát mọi đau khổ.

-- (Kinh Phật Thuyết Như Vậy, Chương Ba Pháp)

Trong Kinh Pháp Cú có tích truyện một sa di bảy tuổi chứng đắc A La Hán cùng các thần thông khác ngay khi lưỡi dao cạo tóc vừa chạm vào đầu chú. Vị sa di theo hầu trưởng lão thầy của mình vô cùng tôn kính. Hàng đêm chú ngồi kiết già ngay dưới chân giường của thầy và một sáng thầy chú ném chiếc quạt vào chú để đánh thức chú dậy. Không may, chiếc quạt trúng vào mắt chú làm cho chú bị mù. Tuy vậy chú vẫn một tay ôm mắt, một tay dâng khăn, nước hầu hạ thầy. Khi bị thầy quở tội bất kính chỉ dùng một tay dâng đồ vật đến thầy chú mới trình bày những gì đã xảy ra. Với tuệ nhãn chú đã nhìn thấy được sự việc xảy ra là do lỗi của luân hồi, không do nơi chú hay người thầy của chú và chú không hề để tâm oán trách thầy mà còn xin thầy không phải ăn năn.

Qua tích truyện Pháp Cú kể trên và theo định nghĩa về ba loại mắt của Đức Thế Tôn, tuệ nhãn là tối thượng. Người mù là người thiếu trí tuệ hay không có tuệ nhãn. Đem áp dụng lời dạy này vào đời sống hàng ngày ta thấy vô cùng chính xác. Mỗi chúng ta nhìn sự việc một cách khác nhau và cho rằng nhận định của chúng ta là đúng, nhận định của kẻ khác là sai. Điều quan trọng là hình như chúng ta đã mù từ lúc mới sinh ra khỏi lòng mẹ nhưng không nhận biết! Bậc Đạo sư đã chứng minh sự mù của chúng sanh bằng câu chuyện những người mù xem voi ở thành Savatthi.

Vị vua ở thành Savathi bảo một vị quan hãy tập họp tất cả những người mù trong thành lại. Ông ta đưa ra một con voi cho những người mù và bảo: "Này các người mù, đây là con voi". Với một số người mù, ông ta đưa cái đầu và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lỗ tai con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa các ngà con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái vòi con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái thân con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái chân... Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lưng... Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái đuôi... Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lông đuôi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Này các Tỷ-kheo, rồi người ấy sau khi đưa con voi cho các người mù, đi đến ông vua ấy, sau khi đến tâu với vua: "Thưa Ðại vương, con voi đã được các người mù thấy, nay Ðại vương hãy làm những gì Ðại vương nghĩ là hợp thời! " Rồi này các Tỷ-kheo, ông vua đi đến các người mù ấy, sau khi đến nói với họ: "Này các người mù, các ông đã thấy con voi chưa? " - "Thưa Ðại vương, chúng tôi đã thấy con voi". - Này các người mù, hãy nói con voi là như thế nào? " Này các Tỷ-kheo, những ai thấy đầu con voi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái ghè! " Này các Tỷ-kheo, những ai được thấy cái tai con voi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái rổ sàng gạo. " Này các Tỷ-kheo, những ai được thấy cái ngà con voi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái lưỡi cày. " Những ai... được thấy cái vòi..."... như cái cày". Những ai... được thấy cái thân..."... như cái kho chứa. " Những ai... được thấy cái chân..."... như cái cột. " Những ai... được thấy cái lưng..."... như cái cối. " Những ai... được thấy cái đuôi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái chày". Những ai được thấy cái nhóm lông đuôi, chúng nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái chổi " - "Con voi các ông nói như vậy không phải là con voi. Con voi không phải như vậy. Con voi không phải vậy. Như thế này là con voi". Cho đến khi họ đánh lộn nhau bằng tay.

Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:

Có một số Sa-môn,
Cùng với Bà-la-môn,
Họ chấp trước, giành giật,
Trong các luận thuyết này,
Họ tranh luận tranh chấp,
Họ nhìn chỉ một phía.

-- (Kinh Phật Tự Thuyết, Phẩm Mới Sanh Ra Đã Mù)

Vì sự tăm tối của chúng sanh như thế, một vị giác ngộ đã ra đời. Vị giác ngộ này ra đời với một mắt nhưng lại là một mắt lớn, một đại nhãn, đại quang. Đó là Đức Như Lai vi diệu.

Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang, là sự xuất hiện của đại minh, là sự xuất hiện của sáu vô thượng, là sự chứng ngộ bốn vô ngại giải, là sự thông đạt của nhiều giới, là sự thông đạt của các giới sai biệt, là sự chứng ngộ của minh và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự Lưu, là sự chứng ngộ quả Nhất Lai, là sự chứng ngộ quả Bất Lai, là chứng ngộ quả A-la-hán. Của một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang... là sự chứng ngộ quả A-la-hán. -- (Kinh Tăng Chi, Phẩm Một Người)

Như vậy, chữ mù trong kinh tạng Pali chính là mù chân lý, mù sự thật, mù tuệ tri. Kẻ không mù là kẻ nhìn được với tuệ giác. Tuệ giác này chúng ta có thể có được nhờ tu tập. Đức Phật đã chỉ cho chúng ta phương thức tu tập để tìm ra ánh sáng cho chính mình. Bước đầu tiên để thoát ra khỏi cảnh mù lòa là phải biết quy ngưỡng Tam Bảo, có lòng tịnh tín với Tam Bảo và nhất là phải "thấy" được bốn sự thật:

Ai quy y đức Phật,
Chánh Pháp v
à chư Tăng,
Ai d
ùng chánh tri kiến
Thấy được Bốn sự thật,
Thấy Khổ v
à Khổ tập,
Thấy sự khổ vượt qua,
Thấy đường Thánh tám ngành
Ðưa đến khổ não tận.
Thật quy y an ổn,
Thật quy y tối thượng,
Có quy y như vậy
Mới thoát mọi khổ đau.
-- (Kinh Tiểu Bộ)

Bước thứ hai sau Tam Quy là chúng ta phải biết tu tập để trở thành người trí vì người có trí sẽ tránh được những hiểm nguy rình rập, có khả năng tránh được các tai họa, nguy khốn nhờ sống đúng pháp và an trú trong chánh pháp:

"Như vậy, này các Tỷ-kheo, người ngu có sợ hãi, người trí không sợ hãi, người ngu có nguy hiểm, người trí không có nguy hiểm, người ngu có tai họa, người trí không có tai họa. Này các Tỷ-kheo, không có sợ hãi đến với người trí, không có nguy hiểm đến với người trí, không có tai họa đến với người trí.”

Nhưng làm thế nào để trở thành người hiền trí? Cách giản dị nhất là "suy nghĩ thiện, nói thiện và hành động thiện.” Nhưng suy nghĩ thiện, nói thiện và hành động thiện không vẫn chưa đủ. Chúng ta còn phải gần gũi, giao du với hạng người đồng đẳng với mình, nghĩa là đồng đẳng về giới, định, tuệ và sự giao du như thế sẽ đem lại lợi lạc cho cả đôi bên.

"Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đồng đẳng với mình về giới, định, tuệ. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Với ý nghĩ: "(Cả hai) thiện xảo về giới, câu chuyện của chúng ta sẽ thuộc về giới, được diễn tiến (lợi ích) cho cả hai chúng ta, và sẽ làm cho hai chúng ta được an lạc. (Cả hai) là thiện xảo về định ...... (Cả hai) là thiện xảo về tuệ, câu chuyện của chúng ta sẽ thuộc về tuệ, được diễn tiến (lợi ích) cho cả hai, và chúng sẽ làm cho hai chúng ta an lạc". -- (Kinh Tăng Chi)

Vì sự quan trọng của trí tuệ như thế, Đức Phật đã nhấn mạnh rằng: Cái khốn cùng giữa các mất mát là mất mát trí tuệ. Cái tối thượng nhất của các sự tăng trưởng là sự tăng trưởng trí tuệ. Do đó, chúng ta cần phải làm tăng trưởng sự tăng trưởng trí tuệ, để trí tuệ chói sáng trong nếp sống của mình như lời Phật dạy:

"Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như sau: "Chúng ta sẽ làm tăng trưởng sự tăng trưởng trí tuệ". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập." -- (Kinh Tăng Chi)

Trong quá trình học tập này nếu chúng ta có cơ duyên gặp bậc hiền trí chỉ dạy cho những điều sơ sót của chúng ta thì đó chính là ta đã đào được một kho vàng chôn dấu vậy.

"Nếu thấy bậc hiền trí,
Chỉ lỗi và khiển trách,
Như chỉ chỗ chôn vàng
Hãy thân cận người trí!
Thân cận người như vậy,
Chỉ tốt hơn, không xấu."
-- (Kinh Pháp Cú số 76, Phẩm Hiền Trí)

Với tinh thần học tập này, một số Bà la môn ở tại làng Bà-la-môn tên Ekanàlà đã tán thán Đức Phật đã "đem đèn sáng vào trong bóng tối, cho người có mắt có thể thấy sắc" khi ngài chỉ rõ cho họ những sai lầm của họ khi trách Đức Thế Tôn không cày ruộng mà lại xin thực phẩm của những người cày bừa cực khổ:

"Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối cho người có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Vậy nay con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng! "

Những người Bà la môn ngoại đạo này đã học được chánh kiến nơi Đức Phật và họ đã biết được giá trị kho vàng mà họ vừa tìm thấy nên xin trọn đời quy ngưỡng. Nếu Đức Phật đã đem được ánh sáng đến cho những người ngoại đạo thì tại sao chúng ta là những người con Phật lại không biết thọ lảnh ánh sáng từ Đức Thế Tôn để triển khai tuệ nhãn của mình?

Với nguyện ước giúp chúng sanh sớm thoát khỏi cảnh mù lòa giáo pháp, mỗi khi giúp ánh sáng cho ai Đức Thế Tôn thường chú nguyện cho người nhận có được năm nhãn quan là mắt thịt, mắt trí tuệ, thiên nhãn, mắt của một vị Phật, và tri kiến thông suốt chân lý vạn pháp.

Nguyện cho tất cả chúng sanh đều có được năm nhãn quan này.

NHƯ QUANG

Tài liệu tham khảo:

Đức Phật và Phật Pháp
Kinh Tăng Chi Bộ
Kinh Tiểu Bộ
Kinh Trung Bộ
Kinh Trường Bộ

Truy cập từ trang web: www.budsas.org

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05

Chân thành cám ơn đạo hữu Như Quang đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 02-2007)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 10-03-2007