Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Trì Giới Độ
(Sīla Pāramitā)

Tỳ khưu Chánh Minh

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


 III- Các học giới.

A) Giới hai chi.

1 -Giới nên làm (cāritta sīla) và giới không nên làm(vāritta sīla).

Chữ cāritta nghĩa là: "thói quen", "hạnh kiểm thực hành".

Chữ vāritta nghĩa là: "sự rỗng không", "sự tránh né", "điều không nên làm".

Giới nên làm hay hạnh giới là những gì Đức Phật dạy: "điều này nên làm", như: "thực hành các phận sự đối với thầy tế độ (upajjhāya), đối với thầy nương nhờ (nissaya)" hay  "chồng đối với vợ, vợ đối với chồng...".

Giới không nên làm: Là những điều Đức phật cấm chế, như: "điều này không nên làm".

Giới không nên làm có hai điều:

- Khi vi phạm không còn cơ hội sữa chữa" như: "Vị tỳ khưu không được vi phạm vào 1 trong bốn điều tẩn xuất." Hay: "không  được vi phạm vào ngũ nghịch đại tội: giết cha, giết mẹ, giết vị Alahán, làm chảy máu Phật và chia rẽ Tăng".

- Khi vi phạm còn cơ hội sữa chữa, như Ngài Aṅgulimala sát hại 999 người, sau cùng nổ lực tu tập chứng quả Alahán.

Đối với hạnh giới (cāritta sīla), một số người đã diễn dịch sai lệch rằng: "Giới nên làm, nếu không thực hành cũng vô tội, nhưng thực hành sẽ giúp giới người ấy thêm trong sạch."

Sự diễn dịch này chứng tỏ người ấy "không thật sự nhận biết lợi ích cùng không lợi ích của giới".

Chúng ta hãy xét một điều nên làm: "nên giúp đở người khác", giả sử một trú xứ nào đó, "không ai giúp đở ai" thì trú xứ ấy như thế nào? nạn trộm cắp có tăng trưởng không?. Vậy không giúp đở người khác tốt hay không tốt? có tội hay không?. Trong cộng đồng sinh hoạt chư Tăng, Đức Phật dạy "Chư Tăng nên sống trong pháp lục hòa"[1], các tỳ khưu không thực hiện thì tăng đoàn sẽ ra sao?

Hoặc giả: "Thầy đối với trò có năm điều, trong đó có:

- Sabbasippesu taṃ  samakkhāyino bhavanti: Dạy hết sự hiểu biết của mình cho học trò (không dấu nghề).[2]

Nếu như vị thầy không thực hiện điều này thì những tinh hoa nghiệp nghệ sẽ mai một, thất truyền.

Đức Phật đã ban hành điều luật rõ ràng liên quan đến các phận sự phải thực hành của đệ tử đối với thầy Tế độ hay thầy Y chỉ, đồng thời thầy Tế độ hay thầy Y chỉ cũng có những phận sự đối với người đệ tử.

Bất cứ "thầy hay trò" không trú trong những điều học này, không những không làm tròn hạnh giới (cāritta sīla) mà còn phạm tội, vi phạm các điều học liên quan đến các phận sự bắt buộc phải thực hành (vatta bhedaka dukkata āpatti - phạm tội tác ác). Đó là nói về các bậc xuất gia trong Pháp luật này, đối với bậc xuất gia hạnh giới (cāritta sīla) được Đức phật đã ban hành, là giới bắt buộc phải thực hành.

Hoặc " Này các tỳ khưu, bao giờ tỳ khưu còn hội họp trong niệm đoàn kết và giải tán trong niệm đoàn kết thì tăng chúng còn hưng thịnh"[3]. Nếu không thực hiện thì Tăng chúng sẽ ra sao?

Còn đối với hàng tại gia cư sĩ thì sao? Cư sĩ có nên "tôn kính bậc đáng tôn kính, như các bậc trưởng thượng trong gia tộc không?", không "tôn kính bậc nên tôn kính sẽ có hậu quả ra sao?"

"Này thanh niên, ở đây có người nam hay người nữ ngạo nghễ, kiêu mạn, không đảng lễ người đáng đảnh lễ, không đứng dậy đối với người đáng đứng dậy, không mời ngồi người đáng mời ngồi, không nhường chỗ cho người đáng nhường chỗ, không tôn trọng người đáng tôn trọng,không cung kỉnh người đáng cung kỉnh, không đảnh lễ người đáng đảnh lễ, không cúng dường người đáng cúng dường. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mệnh chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục..."[4]

 Do đó, có thể nói rằng: "Giới nên làm cũng là điều cần phải thực hiện, để trở thành một thói quen tốt trong hiện tại lẫn vị lai."

"Này các tỳ khưu, tỳ khưu không cung kỉnh, không thận trọng, không sống tương hòa với các vị đồng phạm hạnh, sẽ làm viên mãn thắng hạnh pháp, sự kiện này không xảy ra...

"Này các tỳ khưu, tỳ khưu có cung kỉnh, có thận trọng, có sống tương hòa với các vị đồng phạm hạnh, vị ấy sẽ làm viên mãn thắng hạnh pháp, sự kiện này có xảy ra..."[5]

Đức Phật dạy "điều nên làm" ví như "ngừa bịnh" hay ví như "đấp đê" phòng ngừa nước lũ. Những điều "nên làm" cần phải thực hiện để dần dần trở thành một hạnh tốt, làm "tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học. tăng thượng tuệ học".

Giới kiêng tránh (vāritta sīla) của người cư sĩ là năm giới.

Về 5  giới:

Các vị Luận sư giáo thọ có giải thích: "Đối với năm giới, chủ yếu chính là tâm sở Tư (cetanācetasika)".

1-Học giới lánh xa sự sát sanh (pāṇātipātā veramaṇī sikkhāpada).

Chữ veramaṇī (tránh xa) đồng nghĩa với tâm sở Tư. Giới không sát sanh là tâm sở Tư đi với tâm sở vô sân (adosa cetasika) làm trưởng, khi nhận cảnh là "vật có mạng sống (chúng sinh)".

Chúng sanh trong điều học này ám chỉ "người, tất cà loài thú, chí đến những chủng tử trong phôi thai đã tượng hình".

Không sát hại mạng sống của chúng sinh khác là nuôi dưỡng tâm Từ (mettā), dập tắt sân hận. Tâm Từ là pháp giúp mình và người khác sống an vui, thoát khỏi ác nghiệp, thoát khỏi tai họa.

Đức Phật có dạy:

"Sukhakāmani  bhūtāni
Yo daṇḍena vihiṃsati.
Attano sukhaṃ esāno
Pecca so na labhate sukhaṃ

"Kẻ tìm hạnh phúc cho mình bằng cách hành hạ chúng sanh khác - cũng ưa thích an lạc - Kẻ ấy sẽ không được hạnh phúc".

"Sukhakāmāni bhūtāni
Yo daṇḍena na hiṃsati
Attano sukhaṃ  esāno
Pecca so labhate sukhaṃ

 "Người nào tìm hạnh phúc cho mình mà không dùng gậy gộc hành hạ chúng sanh khác - cũng ưa thích an lạc - người ấy sẽ được hạnh phúc."[6]

Có câu hỏi rằng: "loài thú có tâm từ không?"

Đáp: Loài thú vẫn có tâm từ, bằng chứng rất rõ là "sự nuôi và chăm sóc con của chúng". Nhưng tâm từ của loài thú không mở rộng biên giới như loài người.

Giới sát sanh được xét theo ba khía cạnh: tâm (tức tâm sở Tư), đối tượng và hành động.

Tùy theo sự cố ý (tâm sở Tư) và đối tượng sát hại mà tội nặng hay nhẹ. Ở đây ngoại trừ những đối tượng như: cha mẹ, vị Alahán, Đức Phật, dù cho có cố ý hay vô ý phạm vào ngũ nghịch tội, vẫn phải bị sa đọa địa ngục, ví như thuốc độc cực mạnh, dù cố ý uống hay vô tình uống, cũng thiệt mạng như nhau. Chỉ khác nhau là đọa địa ngục nặng với thời gian lâu do cố ý, còn vô ý thì rơi vào địa ngục khổ ít hơn với thời gian ngắn hơn. Mặt khác, nếu người này biết tạo những thiện nghiệp để cản bớt quả của nghiệp ác đại nghịch, cũng làm giảm thiểu ác quả. Như trường hợp vua Ajātasattu (Axàthế) cố ý giết cha là vua Bimbisāra (Bình Sa vương), sau đó hối hận, ra sức ủng hộ Phật Pháp, tuy nhiên ông cũng phải rơi vào địa ngục Đồng sôi (thay vì địa ngục Vô gián (avīci)), với thời gian là 60 ngàn năm (thay vì trọn kiếp trái đất còn lại).

Sự cố ý và không cố ý được xác định trước khi thực hiện.

Như không có ý định sát hại, nhưng bất ngờ bị tấn công nên tự vệ, hoặc bất ngở bị khiêu khích nên nổi  giận sát hại, gọi là không cố ý. Còn như có ý sát hại trước khi thực hiện, gọi là "cố ý".

Chữ veramaṇī mang ý nghĩa là "cố ý lánh xa", là "có tư tưởng - không hại đến chúng sanh khác", cho dù chúng sanh có xuất hiện hay không xuất hiện. Nếu như gặp những chúng sanh dữ, những kẻ nghịch, do có cố ý này vị ấy sẽ lánh xa, để tránh vi phạm vào học giới không sát sanh.

Đức Phật có dạy: "Có những lậu hoặc do tránh né được đoạn trừ"[7] là nói lên ý nghĩa này.

 Sự cố ý có thể d0 tham ác dẫn dắt, như trường hợp kẻ cướp giết người, cướp của, hay do tham đắm trong vị ngon vật thực nên sát hại con vật, hoặc vì tham lợi mà sát sanh như thợ săn sát hại thú rừng để có lợi nhuận sinh sống...

Sự cố ý  có thể do sân dẫn dắt, như "muốn" sát hại kẻ thù.

Sự không cố ý có thể do tâm thiện. Như trường hợp dạy bảo con, vô tình đánh trúng chỗ nhược, khiến con mệnh chung.

Sự không cố ý có thể do mục đích nào đó, như luyện tập nghệ thuật bắn cung, mũi tên đi lạc mục tiêu làm chết chúng sanh khác....

Nghiệp sát sanh có cố ý nặng hơn nghiệp sát sanh không cố ý.

Lại nữa, sau khi thực hiện xong, có sự hoan hỷ hài lòng, như khi sát hại được kẻ thù thì thỏa thích, hoặc sau khi làm rồi lại ăn năn hối hận thì quả nặng và nhiều hơn.

Một điều nên ghi nhận rằng: "Trong giới sát sanh, khi thực hiện (dù là cố ý hay không cố ý) là do tâm sở Tư phối hợp với tâm sở sân, vì sân có trạng thái hủy diệt đối tượng", cần phân biệt rõ: trước khi làm, trong khi làm và sau khi làm.

Mặt khác: "sự cố ý đi chung với phiền não mạnh sẽ có tội nặng hơn sự cố ý không có phiền não mạnh". Như trường hợp vì tham tiền nhận giết người vô tội sẽ có ác quả nặng và nhiều hơn đao phủ thủ giết tội nhân theo lịnh vua".

Có câu hỏi rằng: "Sau khi giết hại chúng sanh khác, có sự ăn năn ray rứt là tốt, sao lại có tội nặng hơn?".

Đáp: Theo luận Atỳđàm (abhidhamma): sự ray rứt, ăn năn khi việc ác đã làm. đó là trạng thái của tâm sở Hối (kukuccacetasika). Loại tâm sở này chỉ có trong tâm sân mà thôi, trong khi tực hiện sát hại chúng sanh khác là tâm sân, sau khi thực hiện xong cũng là tâm sân, Vì thế quả nghiệp sát sanh này mạnh và nhiều hơn.

Trong Sớ giải kinh Pháp cú có mẫu truyện "gã đao phủ Nanh đồng (tambadāṭhika)" hành nghề đao phủ suốt 55 năm. Vào ngày ngưng chức, ông cúng dướng đến Đức Sāriputta (Xálợiphất), khi Ngài phúc chúc bằng pháp thoại, Nanh đồng không thể đưa tâm theo dõi pháp thoại vì mãi nhớ đến hành động sát hại của mình.

Đức Xá Lợi Phất hỏi:

- Này gia chủ, vì sao ông không thể an tâm theo dõi pháp thoại?

- Bạch Ngài, vì tôi hành nghề đao phủ thủ lâu năm, nay nhớ lại hành vi của mình, nên không thể đưa tâm theo dõi pháp thoại.

- Này gia chủ, ông có cố ý giết người không?

- Bạch Ngài, tôi chỉ làm theo lịnh vua.

- Nếu thế thì ông không có tội nặng.

Ông Nanh đồng nghe vậy, lại hiểu lầm rằng "mình vô tội", tâm ông hân hoan nghe pháp và chứng đắc quả Dự lưu.[8]

- Giết người vì tự vệ mang nghiệp nhẹ hơn so với giết do nóng giận (tuy cùng không cố ý).

Về đối tượng sát hại.

Sát hại người có tội nặng hơn sát hại loài vật.

Đối tượng là người:

- Người vô tội và người có tội.
- Người có lợi ích cho người khác và người không có lợi ích cho người khác.
- Người có đạo đức và người không có đạo đức.

Người vô tội: Là người không phạm vào luật nước hay không đe dọa kẻ khác. Giết người như thế tội nặng hơn người phạm luật nước hoặc đang đe dọa đến sinh mạng, tứ chi hay tài sản kẻ khác.

Người có lợi ích cho người khác: Là người đang nuôi dưỡng cha mẹ, hay là người trụ cột sinh sống cho một số người khác. Giết người như thế là có tội nhiều, ngoài sự hủy diệt mạng sống của người ấy, còn hủy diệt sự an vui cho những người còn sống như cha, mẹ, thân tộc... của người ấy.

- Giết người có đạo đức có tội nhiều vì đã hủy đi tấm gương sáng cho người khác noi theo.

Có câu hỏi rằng: "tự sát có mang nghiệp sát sanh không?".

Đáp: Vẫn mang nghiệp sát sanh, vì trọn đủ năm chi:

- Chúng sanh có thức tánh.
- Biết chúng sanh có thức tánh.
- Cố ý giết.
- Rán sức giết.
- Chúng sanh ấy đã chết.

Đối tượng là súc sinh:

- Giết thú có chủ gìn giữ, quả báo nặng hơn giết thú vô chủ. Vì ngoài nghiệp sát sanh, còn thêm "nghiệp phá hoại tài sản người khác."

- Giết thú có lợi ích như trâu, bò, chim sẽ (ăn sâu bọ), quạ, ăn xác chết... mang nghiệp nặng hơn giết thú không có lợi ích.

- Giết thú lớn mang nghiệp nặng hơn thú nhỏ.

- Giết thú hiền lành như nai, hươu.. mang nghiệp nặng hơn giết thú hung dữ (như cọp, beo...).

Về cách thức:

- Hành hạ chúng sanh cho chết dần, mang nghiệp nặng hơn so với chết ngay.

2- Học giới lánh xa lấy của không cho (adinnādānā veramaṇī sikkhāpada).

Vật không cho ngoại trừ vô thức như vàng ngọc...,  có thể  là những sinh vật như những loài thú quý hiếm....

Giới lấy của không cho diễn ra theo nhiều cách:

1- Trộm: Là không có chủ lấy đi, chủ không biết.

2- Cướp: Là uy hiếp chủ nhân, buộc phải trao tài sản ấy.

Sự cướp diễn ra theo hai cách:

- Phá hoại tài sản của người khác, làm cho họ không được lợi ích. Trong Tạng Luật có ghi: "có vị tỳ khưu tháo nước từ ruộng này sang ruộng khác, phạm vào tội tẩn xuất (pārājika)" [9].

- Đoạt lấy tài sản bất kể chủ nhân có đồng ý hay không.

Sự uy hiếp có nhiều cách như: dùng vũ khí, dùng vũ lực, bắt lấy người thân của kẻ ấy để uy hiếp (làm con tin), dùng quyền lực, dùng hình phạt...

3- Giật lấy: Là đoạt tài sản trên tay người chủ.

4- Mạo nhận: Tự nhận là người thân, bạn bè... để lừa người lấy tài sản, hoặc nhận tài sản ấy là của mình (trong khi là của người khác).

5- Lừa gạt: Là nói dối để lấy của người, cách thức khác là: "mượn nhưng không bao giờ trả".

6- Gian lận: Là cân, đo, đong, đếm không đủ số lượng.

7- Giả mạo: Cũng là cách lừa gạt, nhưng diễn ra theo cách khác. Tức là dùng hàng giả (như vàng giả, tiền giả...) hay hàng kém phẩm chất để buôn bán như hàng đúng phẩm chất.

8- Xén bớt: như nàng Khujjuttarā chỉ mua hoa có 5 đồng, trong khi vua Udena ban cho 8 đồng để mua hoa.[10]

9- Trốn thuế.

Tùy theo tâm tư (cetanā), hành động và vật trộm(vatthu), nghiệp lấy của không cho nặng nhẹ khác nhau, như:

- Cố ý đi với tham ác, hay sân ác (là phá hoại tài sản người khác) mang nghiệp nặng.
- Hành động trộm, hoặc cướp có vũ khí... mang nghiệp nặng.
- Vật trộm có giá trị lớn, mang nghiệp nặng.

Giới không trộm cắp hàm ý "nuôi mạng chân chánh", tức là tài sản tìm được do nỗ lực chân chánh.

"Này gia chủ, có bốn pháp này khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó được ở đời. Thế nào là bốn?.

"Mong rằng tài sản khởi lên cho ta đúng pháp.."[11]

Và thế nào là tài sản khởi lên đúng pháp?

"Ở đây, này gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra (sedāvakkhittehi), thâu được một cách hợp pháp"[12].

Sự nuôi mạng bằng những tài sản chân chánh có được, những tài sản không do những cách thức trộm cắp (như đã nói trên) có được, gọi là nuôi mạng chân chánh.

Có lần vua Pasenadi kiểm tra tài sản của một người giàu có đến 8oo triệu đồng tiền vàng, nhưng không có có và tài sản ấy được sung vào công khố.

Sau khi kiểm tra xong, vua Pasenadi (Batưnặc) đến yết kiến Đức Thế Tôn, trình bày lên Đức Thế Tôn vì sự kiện này. Đức Thế Tôn dạy:

"Người triệu phú giàu vì có lần cúng dường bát cơm đến Đức Phật Tagarasikkhi. Quả còn dư sót nên được làm trưởng giả bảy lần trong thành Sāvatthi (Xávệ) này.

Người triệu phú ấy đoạt mạng sống của người con độc nhất của người anh để chiếm gia tài, nên bị nung nấu trong địa ngục nhiều trăm ngàn năm. Quả còn dư sót, nên gia tài không người thừa tự, bị sung vào công khố 7 lần.

Người triệu phú này "phước cũ đã hết", phước mới chưa được cất chứa thêm. Sau khi mệnh chung bị rơi vào địa ngục Đại nhiệt thán (Mahāroruva)."[13]

3- Học giới lánh xa tà hạnh trong dục (kāmesu micchācārā veramaṇī sikkhāpada ).

Theo nguyên nghĩa là: "lánh xa sự thực hành sái quấy trong dục (sắc, thinh, hương, vị xúc)". Giới này có phạm vi rất rộng như: đam mê cờ bạc... cũng là "làm quấy trong dục", nên trong Tạng luật, Đức Phật có cấm chế các tỳ khưu "không được đi xem duyệt binh, không được tham dự các cuộc lễ hội vui chơi".

Trên phạm vi hẹp, đó là "lánh xa sự quan hệ tình dục bất chánh giữa nam và nữ".

Về bậc xuất gia là tỳ khưu, bất kỳ một quan hệ tình dục nào, với bất kỳ đối tượng nào, đều phạm vào tội tẩn xuất (pārājika).

Đối với cư sĩ: có ba hạng người nữ (nói gọn, nói rộng có đến 20 hạng) không nên quan hệ tình dục bất chánh là:

- Nữ nhân sống trong sự bảo hộ của gia tộc, như: bà, mẹ, con, cháu, chắt...

- Nữ nhân có lễ giáo bảo hộ, như các tỳ khưu ni, các nữ đạo sĩ...

-  Nữ nhân có luật pháp bảo hộ, như những nữ nô lệ thời xưa...

Tương tự cũng có ba hạng nam nhân "không nên quan hệ tình dục bất chánh" như trên.

Đức Phật có dạy:

"Mal' itthiyā duccaritaṃ:  Tà hạnh nhơ nữ nhân"[14]

Bằng lòng với vợ nhà (hay chồng), gọi là chánh hạnh. Không quan hệ tình dục gọi là phạm hạnh.

Về lãnh vực vi phạm:

- Nếu chỉ để thỏa mãn dục tính, không có tình nghĩa chi cả (như cưởng hiếp) thì nghiệp nặng so với có tình nghĩa.

- Tà hạnh với bậc có giới đức thì nghiệp nặng so với thường nhân. Chàng thanh niên Nanda đã cưởng bức vị nữ Thánh Uppalavaṇṇā, sau đó bị đất rút là điển hình.

Lại nữa, trong 10 điều tẩn xuất của Sadi có điều thứ 10 là: "dâm vải tỳ khưu ni" và điều thứ 3: "phạm tà dâm". Tuy hình thức hai điều này giống nhau, nhưng nội dung thì khác nhau:

- Sadi phạm tà dâm bị tẩn xuất, sau đó có thể xuất gia lại trong Giáo pháp này, đồng thời có thể thọ giới tỳ khưu.

- Sadi phạm tà hạnh với tỳ khưu ni, vĩnh viễn bị tẩn xuất khỏi phẩm mạo xuất gia.

Nữ nhân quan hệ bất chánh với các tu sĩ sẽ phạm nghiệp tà dâm nặng hơn so với những nam nhân bình thường.

Dĩ nhiên, vị tỳ khưu đã "tự hủy đời sống phạm hạnh" dù có hay không có người thứ ba biết, cũng xem như "chiếc lá rụng" không thể nào gắn dính vào cây được nữa.

Riêng nữ nhân ấy phạm vào 2 trọng nghiệp: tà hạnh trong dục và hủy hoại đời sống phạm hạnh của Samôn, vị ấy có thể chứng được đạo quả nếu duy trì được đời sống phạm hạnh.

Thanh niên Sundasamudda người thành Xávệ (Sāvatthi), xuất gia trong giáo pháp này, Ngài tinh cần tu tập và trì hạnh đầu đà "đi khất thực từng nhà". Chỉ vì dính mắc vào vị ngon vật thực, suýt nữa ngài đã bị cô gái giang hồ kéo lôi trở về đời sống thế tục. Đức Thế Tôn phóng hào quang đến trước mặt Trưởng lão Sundasamudda (Mỹ Hãi). dạy kệ ngôn:

"Yo' dha kāme pahatvāna
Anāgaro paribbaje.
Kāmabhava parikkhīnaṃ
Taṃ ahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ.

"Ai ở đời, đoạn dục.
Bỏ nhà sống xuất gia.
Dục hữu được đoạn tận.
Ta gọi Bàlamôn"[15]

Trong sách Minh giải thiền quán d0 trưởng lão Asābha biên soạn[16] có nêu:

"Vị tỳ khưu phạm vào tội tẩn xuất, khi hoàn gia hoặc xuống phẩm mạo sadi, tinh tấn hành đạo có thể chứng đắc đạo quả".

Tuy nhiên, "vị ấy rất khó khăn và gặp nhiều chướng ngại trong việc hành pháp".

Học giới này, nhằm rèn luyện pháp "ít ham muốn thụ hưởng dục lạc".Vì các dục lạc vui ít khổ nhiều.

Người phạm vào giới này thường rơi vào bốn điều khổ:

- Gặt hái tội khổ.
- Ngủ không yên.
- Bị khiển trách.
- Rơi vào khổ cảnh.

Attāri ṭhānāni  naro pamatto.
Āpajjati paradārūpasevī.
Apuññalābhaṃ na nikāmaseyyaṃ
Nindaṃ tatiyaṃ nirayaṃ catutthaṃ

"Bốn điều bất hạnh đến với người khinh thường, có hành động tà dâm: Gặt hái tội khổ, ngủ không yên giấc, ba là bị khiển trách và bốn là ở khổ cảnh".[17]

Lại nữa: các Giáo thọ sư có giải thích ý nghĩa " kāmesu micchā cārā: làm sái quấy trong dục lạc" như sau:

- Là vợ nhà nhưng quan hệ tình dục ở nơi tôn nghiêm như: đền, miếu, tự viện.. là hành sái quấy trong dục lạc.

- Là vợ nhà nhưng nữ nhân ấy đang trong tình trạng bịnh (hoặc kinh nguyệt), suy nhược cơ thể, đang mang thai (cận ngày)... không thể giao hoan được, nhưng người chồng vẫn giao hoan, là hành sai trong dục lạc.

Theo quan niệm cổ của Bàlamôn giáo, vì mục đích duy trì nòi giống, nên các nam Bàlamôn chỉ đi đến nữ Bàlamôn trong thời kỳ có thể thụ thai mà thôi, về sau vì ham mê dục lạc các nam Bàlamôn đi đến nữ Bàlamôn bất kể thời kỳ, nên giới này ra đời. Và giới nảy, theo nghĩa nghiêm khắc thì "chỉ quan hệ tình dục với vợ trong thời có thể thụ thai".

"Này các tỳ khưu, thuở xưa các nam Bàlamôn chỉ đi đến các nữ Bàlamôn trong thời có thể thụ thai, không có đến trong thời không thể thụ thai".[18]

Và:

"Này Dona, nếu vị Bàlamôn đi đến người đàn bà trong thời không thể thụ thai, thời nữ Bàlamôn ấy trở thành một phương tiện để thỏa lòng dục (kāmatthā), để vui đùa (davatthā), để thỏa thích (ratatthā)."[19]

4- Học giới lánh xa nói dối (musāvādā veramaṇī sikkhāpada).

Dối trá (musā) có hai cách:

- Biểu lộ bằng thân như viết thư, hoặc ra dấu hiệu đánh lừa sự hiểu biết của người khác, như: Vị tỳ khưu ác giới nhưng thân ra vẻ nghiêm trang đạo mạo...

Câu truyện tiền thân Sigāla[20] hay truyện tiền thân Godha[21] là điển hình cho cách dối trá bằng thân.

Có một vị tu khổ hạnh giả dối đến ở tại một am thất, Bồ tát bấy giờ sanh làm con cắc kè, Ngài thường đén đảnh lễ vị ấy .

Một hôm thọ dụng món thịt cắc kè do người trong làng cúng dường, vị tu sĩ khổ hạnh giả hiệu tham đắm trong vị, nảy sinh ác ý. muốn giết con cắc kè thường hay đến đảnh lễ mình.

Vị tu sĩ cầm cái vồ giấu trong áo, ngồi trước của chòi lá chờ Bồ tát đến với dáng điệu hết sức an tịnh.

Như thường lệ, vào buổi chiều Bồ tát đến đảnh lễ vị tu sĩ, Ngài thấy dáng điệu khác lạ hơn những ngày trước, Ngài đề phòng và thoát khỏi tai nạn. (Bổn sanh Godha).

Đức Phật có dạy kệ ngôn:

"Kiṃ te jaṭāhi dummedha
Kiṃ te ajinasātiyā.
Abbhantaraṃ te gahaṇaṃ.
Bāhiraṃ parimajjasi.

"Này hỡi người kém trí, thắt tóc bính ích gì? Mặc y phục bằng da dê ích gì? Bên trong còn đầy dục vọng, bên ngoài lại điểm tô"[22].

- Biểu lộ qua lời nói. Sự nói dối có những cách như sau:

*- Nói dối: Là nói điều không có thật, như: thấy nói không thấy, nghe nói không nghe, không biết nói biết...Nói dối để hai bên có sự bất hòa, gọi là nói đâm thọc, nói để gạt người để có tài vật, gọi là lường gạt, nói để tâng bốc người khác không đúng thực trạng người ấy có, gọi là xiểm nịnh...

*- Trân tráo: Là thường xuyên nói dối hay điều dối trá được nói đi nói lại nhiều lần.

*- Khoa trương (satheyya): Là khoe khoang những điều người ấy không có, như: "có bí thuật trường sinh...".

*- Phóng đại: Là nương chút ít sự thật rồi thêu dệt thêm những điều không có thật. Hoặc nương một sự kiện có thật rồi "vẽ ra" những tình huống không có thật.

*- Xảo ngữ: Là nói theo cách lánh né sự thật, như: "khi thấy một người, thay đổi oai nghi không nhìn người ấy đi, có ai hỏi sẽ nói: Từ khi tôi đứng (hay ngồi) đây, tôi không thấy ai cả...".

Cách này xét về sự kiện thì không phải là "nói dối", nhưng nội tâm kẻ ấy biết rõ "sự thật bị che giấu, người nghe đã bị đánh lạc sự hiểu biết". Nên cũng được liệt vào nói dối.

*-Tráo trở: Là không xác định vấn đề, đây cũng là hình thức ngụy biện luận: "Tôi không nói như thế này, tôi cũng không nói như thế kia..." hay "điều này là như thế này, cũng không là như thế này, cũng không là như thế kia..."

Không nói dối, hàm ý  "tuân thủ theo sự thật". Đức Phật có dạy:

"Ekaṃ dhammaṃ atītassa
Musāvādissa jantuno.
Vitiṇṇaparalokassa.
Natthi pāpaṃ akāriyaṃ.

"Ai vi phạm một pháp.
Ai nói lời vọng ngữ.
Ai bác bỏ đời sau.
Không ác nào không làm".[23]

Theo bản sớ giải "vi phạm một pháp" là vi phạm vào "sự chân thật". Đời sau có nhưng cho là không có, tức là phủ nhận "sự thật".

Như vậy, nói dối là biểu hiện "bác bỏ sự thật" và thế là làm duyên cho "mọi ác sự (không ác nào không làm)".

Tùy theo tâm sở Tư, hành động và đối tượng, nghiệp tạo ra qua nói dối nặng nhẹ khác nhau, như:

- Với sự cố ý đi chung với tham ác hay sân ác thì nghiệp nặng, như vu cáo gian để hại người...

- Là lập đi lập lại nhiều lần, cố gắng làm cho người khác tin vào điều không thật thì nghiệp nặng.

"Này các tỳ khưu, nói láo được thực hiện, được tu tập, được làm cho sung mãn đưa đến địa ngục, đưa đến loài bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả hết sức nhẹ của nói dối là được làm người, bị vu cáo không đúng sự thật."[24]

- Dối trá với người có ân đức với mình: cha, mẹ, thầy... hay bậc có giới hạnh thanh cao thì mang nghiệp nặng so với người ác giới, người không có ấn đức cao trọng với mình.

Có câu hỏi rằng:" Sự thất hứa có phải là nói dối không?"

Đáp: Thất hứa có hai cách:

- Do quên nên không thực hiện lời hứa, như vua Bình Sa vương hứa cúng dường liêu thất cho Trưởng lão Subhūti, nhưng rồi quên.[25]

Sự thất hứa này không kể vào nói dối.

- Do hủy bỏ lời hứa. Có hai cách:

a- Do nhận thấy việc sắp thực hiện là ác quấy, nên hủy lời hứa.
b- Do những điều kiện ngoài ra.

Cả hai cách này đều xem như nói dối. Tuy nhiên, nếu thấy điều sắp thực hiện theo lời hứa thì càng tạo nhiều ác nghiệp, mang đến tai hại cho mình và nhiều người thì nên hủy lời hứa (dù phạm vào nói dối, nhưng ác nghiệp nhẹ hơn).

5- Học giới lánh xa uống rượu và các chất say (surāmeraya veramaṇī).

Học giới này có mục đích ngăn trử phóng dật (appamāda) do tâm hưng phấn gây ra.

Rượu và chất say là những dược chất kích thích tâm, làm cho tâm mất tỉnh giác, mất điềm tỉnh dễ dàng rơi vào tội lỗi hoặc bất thiện. Học giới này nhằm mục đích "gìn giữ trí", không làm cho trí hư hoại, vì rượu hay chất say làm trí tuệ hao mòn. Đức Phật có dạy:

"Uống rượu men, rượu nấu, này các tỳ khưu, được thực hiện, được tu tập, được làm cho sung mãn đưa đến địa ngục, đưa đến bàng sanh, đưa đến ngạ quỷ. Quả hết sức nhẹ của uống rượu men, rượu nấu là được làm người với tâm điên loạn (ummaltaka)."[26]

Các Giáo thọ sư dạy rằng: "Trong năm giới. giới uống rượu là nặng nhất". Vì rằng: rượu làm hủy hoại trí, người không có trí không thể đắc đạo quả, trái lại tuy sát sanh sẽ là người yểu tử nhưng chứng được đạo quả trước khi "sự chết  đến". Chúng ta hãy hình dung: một người thiếu trí (do uống rượu) nhưng thọ mạng dài (do không sát sanh), người này vẫn không thể chứng đạo quả. Trái lại, một người có đủ trí tuệ (do không uống rượu) khi nghe phật pháp có thể chứng Đạo quả, dù thọ mạng ngắn (do sát sanh). So sánh như thế, thấy rõ giới không uống rượu và chất say rất quan trọng.

Một số người cho rằng "uống rượu không say thì không sao".

Đây là một quan kiến sai lầm, vì chất say âm thầm hủy hoại trí người ấy, một ngày nào đó trí sẽ bị chất say này tiêu diệt, như hình ảnh cán búa bị mòn. Sự bào mòn cán búa qua sử dụng hằng ngày không thấy rõ, nhưng một ngày nào đó, khi nhìn lại thì cán búa đã mòn. Cũng vậy, uống rượu và chất say tuy không thấy rõ tai hại "hoại trí" ngay, nhưng một ngày nào đó "sự hoại trí" sẽ thành sự thật.

Trong hiện tại, người uống rượu  có năm quả báo:

a- Sandiṭṭhikā dhanajāna: Hiện tại tài sản bị hao mòn.
b- Kalahappanavaḍḍhanī: Làm sanh khởi bất hòa.
c- Rogānaṃ āyatanaṃ: Sáu cơ quan (lục căn) sanh bịnh
d- Akittisañjanī: Mất danh tiếng.
e- Hirikopīnaniddamsanī: Đánh mất sự hổ thẹn ( mất nết, lả lơi, có khi nằm dưới đất, có khi lõa thể...).

Ngoài ra còn kéo theo:

f- Paññāya dubbalīkaraṇī: là nhân khiến trí tuệ hư hoại.[27]

" Này các tỳ khưu,một số samôn, Bàlamaôn uống rượu men, uống rượu nấu, không từ bỏ (apaṭivirata) rượu men, rượu nấu. Này các tỳ khưu, đây là uế nhiễm thứ nhất của Samôn, Bàlamôn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các samôn, bàlamôn không có chói sáng... không rực sáng". [28]

Hay:

"Người đắm say nữ nhân.
Đắm say rượu, cờ bạc.
Hoang phí mọi lợi đắc.
Chính cửa vào bại vong"[29].

Ngoài năm giới "xa lánh (vāritta sīla)" căn bản, người cư sĩ cũng thọ trì tám giới gồm:

Bốn giới chánh: không sát sanh, không trộm cắp, không nói dối và không dùng rượu và chất say.

Thêm bốn giới phụ: không hành dâm (abrahmacariya), không ăn sau khi mặt trời đứng bóng (vikāla bhojanā - dùng vật thực không đúng thời), không múa hát, thổi kèn, đàn, không thưởng thức chúng. Và không nằm ngồi quá cao và xinh đẹp.

Những nghiệp thuộc về bốn giới phụ này không nhất thiết dẫn đến các khổ cảnh, những cư sĩ bậc thánh Dự lưu, Nhất Lai cũng quan hệ tình dục hợp pháp với chồng vợ của họ, cũng ăn sái giờ, khiêu vũ, hát hò ... và ngũ trên giường cao - sang trọng.

Nhưng những vị ấy làm với tâm không kết hợp tà kiến (diṭṭhi vippayutta citta), nên những nghiệp ấy không cho kết quả tái sanh trong các khổ cảnh.

Nhưng người phàm tục làm những việc này với tâm kết hợp tà kiến (diṭṭhi sampayutta citta) có thể dẫn xuống khổ cảnh.

Vũ kịch sư Tālaputa đi đến yết kiến bạch hỏi Đức Phật:

"Có phải một kịch sĩ khi trên sân khấu giả danh sự thật, làm cho khán giả ưa thích vui cười, người ấy khi chết được sanh về cõi chư thiên hý tiếu (hay cười) không?".

Đến lần thứ tư, Đức Phật mới dạy:

"Những ai khiến người khác thiên về tình dục, tiêu cực, tâm hoang mang. Sau khi chết sinh về địa ngục. Nhưng nếu có tà kiến thì bị sanh vào địa ngục và bàng sanh"[30]

Do đó, bốn giới: không hành dâm, không ăn sái giờ, không múa hát thổi đờn kèn, xem múa hát nghe đờn kèn (giới thứ 7 của bát quan giới) và không nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp,  được xem là  giới nên hành (cāritta sīla).

Khi cận sự nam (upāsaka) hay cận sự nữ (upāsikā) đã quy y Tam Bảo và giữ gìn ngũ giới một cách rất thận trọng. Nếu tinh tấn hơn nữa nên thọ trì tám giới, sự thọ trì này nhằm mục đích thực hành đời sống phạm hạnh, là sự tinh tấn ở mức độ cao trong việc thực hành "tăng thượng giới học".

Nhưng Đức Phật không hề nói rằng: sự thọ trì tám giới sẽ giúp người ta thoát khỏi tái sanh vào khổ cảnh và cũng không nói "thọ trì năm giới là đủ an toàn để thoát khỏi mối hiểm họa bị tái sanh vào khổ cảnh".

Bốn giới phụ của cư sĩ, đối với tỳ khưu, Đức Phật nghiêm cấm không được dễ duôi, những giới này là "kiêng tránh giới (vāritta sīla)" đối với tỳ khưu.

Điều cần quán xét.

Nếu không quán xét kỹ hoặc suy xét một cách hời hợt về hai loại giới: "nên làm và kiêng tránh". Nhất là "việc các đệ tử bậc Thánh như: bà Visakhā, Isidatta[31] quan hệ tình dục hợp pháp, ăn sái giờ, múa hát đờn kèn...  (bà Visākhā cũng đi dự lễ hội, để rồi đến Kỳ viên tinh xá (Jetavanavihāra) để quên món nữ trang đệ nhất, là duyên cho Đông phương tự hiện khởi) có thể dễ dàng phát sanh nghĩ sai rằng "tất cả những hành động như vậy là vô tội", để rồi có khuynh hướng buông thả với những hành động như vậy sâu hơn.

Những nghiệp tạo ra từ sự vi phạm 5 giới: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và dùng những chất say, những ác nghiệp này chắc chắn dẫn đến các khổ cảnh. Đó là lý do khiến các bậc Thánh không bao giờ vi phạm. Dù cho có sự  tai họa đến tính mạng, các vị Thánh sẵn sàng từ bỏ mạng sống, nhất quyết không vi phạm vào 5 giới này [32], vì với đạo tuệ Dự lưu, các Ngài đã đoạn diệt tất cả những pháp ngũ ngầm xui khiến tạo các ác nghiệp.

Cái nhìn của các bậc thánh về các dục lạc không giống như phàm phu, cái vui thích dục lạc của bậc Thánh cũng khác với phàm phu.

Theo Sớ giải kinh Tăng Chi, bài kinh:

"Thấy vị ngọt có thể khởi lên kiết sử. Và thấy nhàm chán trong các pháp có thể khởi lên kiết sử..."[33] .

Phàm nhân nhìn dục lạc có thể bị dục lạc trói buộc, còn bậc Thánh thì thấy nhàm chán trong các pháp ấy.

Bản Sớ giải nói rằng: Thái độ của bậc Thánh đối với dục lạc giống như thái độ của vị Bàlamôn thích sạch sẽ, khi bị voi dữ rượt, miễn cưỡng phải trốn vào hố xí rất nhờm gớm.

Cũng vậy, do chưa đoạn tận tùy miên ái dục đối với các dục lạc, nên các bậc Dự lưu, Nhất lai khi bị ái dục lạc đòi hỏi, các Ngài cư xử dục lạc bằng tâm tham không có tà kiến, với mục đích làm dịu sự thiêu đốt của phiền não đó thôi. Ví như người bịnh đau nhức cần phải uống rượu thuốc để bớt đau nhức, thâm tâm không thích uống rượu chút nào.

Do đó, đối với bốn giới: quan hệ tình dục (đối với vợ hay chồng), ăn sái giờ, ca múa... và nằm, ngồi chỗ quá cao và xinh đẹp,  người cư sĩ nên thọ dụng với tâm "không thích thú" và "không có tà kiến" sẽ không cho quả tái sanh vào khổ cảnh. Trái lại, thọ dụng với tâm thích thú và có tà kiến dễ dẫn vào khổ cảnh.

Sự phân chia tám giới ra thành bốn giới "nên thực hành", bốn giới nên "xa lánh", chỉ khi nào phát nguyện thọ trì riêng từng giới.

Nhưng nếu thọ trì chung tám giới như: "con nguyện thọ trì bát quan trai giới", thì cả tám giới đều là "giới kiêng tránh (vārittasīla)".

Riêng năm giới, dù thọ trì riêng từng giới hay thọ trì chung cũng đều là "giới kiêng tránh".

Giới nên hành (cārittasīla) thành tựu do nương vào đức tin và tinh tấn cao. Nghĩa là tin rằng kết quả thiện sẽ đi theo nghiệp thiện trong việc thọ trì giới và cố gắng giữ gìn những giới ấy.

Còn giới kiêng tránh, không cần thiết phải có cố gắng cao, chỉ cần có đức tin với sự cố gắng trung bình là đủ. Tức là vào những ngày uposatha không thực hành giới bát quan.

- Hạnh giới tối thắng (abhisamācārika sīla), cũng được xem là giới kiêng tránh.

Đây là "thiện hạnh giới" bao gồm tất cả mọi hình thức thân, ngữ và nuôi mạng.

Giới này còn có tên gọi là: "tám giới chánh mạng (ājīvaṭṭhamaka sīla)", sở dĩ có tên gọi như thế vì có Chánh mạng giới dẫn đầu.

Giới này hình thành đời sống thanh tịnh, cũng được gọi là căn bản hạnh giới.

Hạnh giới tối thắng (abhisamācārika sīla) gồm: ba thân nghiệp giới (không sát sanh, trộm cắp, không tà hạnh trong dục lạc), bốn ngữ nghiệp giới (không nói dối, không nói đâm thọc, không nói thô lỗ chữi mắng, không nói phù phiếm vô ích) và nuôi mạng chân chánh.

Bộ Visuddhimagga giải thích rằng: Tám giới này phải được thực hành viên mãn trong giai đoạn đầu của sự tu tập thánh đạo, nên được gọi là "căn bản  hạnh giới (giới khởi đầu phạm hạnh)".

Rất có thể nhiều người hiểu sai lệch rằng: "giới phải thọ trì trước là ngũ giới, bát giới hay thập giới, còn "hạnh giới tối thắng" là những giới thành tựu sau khi chứng đạt đạo quả Siêu thế".

Nói cách khác, có người này chưa hề nghe một loại giới nào được gọi "căn bản phạm hạnh giới" cả, có thể họ cho rằng: giới ấy không phải do Đức Phật giảng dạy, giới ấy được lập thêm về sau, không có giá trị đặc biệt chi cả.

Thực tế thì "căn bản phạm hạnh giới" được chính Đức Phật giảng dạy. Sách Visuddhimagga có trích dẫn như sau:

"Tenāha pubbevakho pan' assa kāyakammaṃ vācikaṃmaṃ ājīvo suparisuddho hotīti: Ở đây, trước tiên là thân nghiệp thanh tịnh, ngữ nghiệp thanh tịnh và nuôi mạng thanh tịnh."[34]

 Đức Phật xuất hiện trong thời thế gian bị bao trùm bởi bóng tối của vô minh và ái dục, đời sống con người do không giữ giới nên bị suy đồi, chìm trong thân ác, ngữ ác cùng với sự nuôi mạng không chân chánh.

Đức Phật muốn in sâu một nếp sống đạo đức trong tâm trí mọi người, qua sự thực hành giới.

"Ở đây, này các tỳ khưu, các học pháp thắng hạnh (abhisammācārikā) được ta chế định cho các đệ tử, để những ai ít lòng tin phát khởi lòng tin, để những ai có lòng tin, được tăng trưởng lòng tin....[35]

Vào buổi sơ thời, khi đại chúng chưa hiểu về Phật pháp nhiều (tức là giai đoạn khởi đầu của việc truyền bá giáo pháp), đối với người chưa có niềm tin nơi Đức Phật, Giáo pháp, Tăng chúng, Đức Phật dạy loại giới thích hợp với tâm tư bình dị cùng sự hiểu biết của phần lớn đại chúng là: "căn bản phạm hạnh giới", để họ lánh xa những thói quen ác xấu ở dạng thô thiển.

Về sau, những chúng sanh này đã thuần thục như ngựa chiến khéo huấn luyện, voi dữ khéo thuần hóa, Đức Phật dạy ngũ giới và bát quan trai giới.

Nói cách khác, 5 giới hay 8 giới là loại giới dành cho người đã đạt đến mức độ thanh tịnh cần thiết, còn "căn bản phạm hạnh giới" dành cho người sơ cơ chưa biết gì. Những vị A xà lê từ thời Đức Phật cho đến nay không còn truyền "căn bản phạm hạnh giới", vì "căn bản phạm hạnh giới" chỉ dành cho những người có đạo đức suy đồi.

Có câu hỏi rằng: "Căn bản phạm hạnh giới, là pháp hành đầu tiên dành cho người suy đồi đạo đức.Vậy có còn thích hợp để thọ trì trong thời hiện tại không?".

Câu nói "pháp hành đầu tiên", chỉ có thể áp dụng đối với người chưa thọ trì loại giới nào cả.

Những người vừa từ bỏ tà kiến, bắt đầu tin theo Phật, sẽ tự thanh lọc mình qua "căn bản phạm hạnh giới". Nhưng khi đã an trú tốt trong đức tin giáo pháp, và được tiến bộ trong giới thì "căn bản hạnh giới" không còn gọi là "pháp hành đầu tiên" nữa.

Nói cách khác, "căn bản phạm hạnh giới" là bước cần thiết dành cho người không quen sống đạo đức, họ cần phải gìn giữ thân, ngữ để loại bỏ những thói quen thấp hèn.

Đối với những người có giáo dục bởi những bậc cha mẹ thực hành theo giáo pháp của Đức Phật, rõ ràng đã có phần nào giới hạnh, do đó không cần thiết phải thọ trì "căn bản giới", tuy không "nguyện thọ trì như năm giới", nhưng vẫn phải giữ gìn thân, ngữ trong sạch.

Và như thế: thân không làm ác, ngữ không nói ác và nuôi mạng chân chánh vẫn được áp dụng trong hiện tại.

Dầu lớn lên trong gia đình theo đạo Phật và được khuyên dạy tránh xa những tà nghiệp thô thiển. Nếu tự thấy thiếu sót về thân giới, ngữ giới.. phạm vào những điều cấm kỵ quan trọng, người ấy không còn chọn lựa nào khác, chỉ còn cách "tự thọ trì" căn bản phạm hạnh giới. Không có vị Tỳ khưu hay Sadi nào truyền "căn bản phạm hạnh giới" như truyền năm giới cả.

Người có tánh dễ duôi (pamāda - khinh thường), có thể thấy "căn bản phạm hạnh giới" hấp dẫn, vì không phải kiêng tránh uống rượu, khiêu vũ, đàn hát, đi xem văn nghệ ... và thọ trì giới ấy không khó khăn lắm.

Thật ra, đây là quan niệm sai lầm, chính do quan niệm "dễ dãi" này, họ rơi vào giáo lý hư ngụy của những tà sư, hoặc những thiền sư không chân chánh, thường khoa trương "sẽ giúp những người theo họ đạt Thánh quả Dự lưu hoặc Nhất lai nếu họ có sự phát triển đầy đủ về trí tuệ".

Sau khi hành xong vài khóa thiền nào đó, vị thiền sư thọ ký cho môn đồ của mình là bậc Dự lưu hoặc Nhất lai và dĩ nhiên người tín đồ kia rất hoan hỷ với những hạnh quả giả tạo đó.

Ở đây, chúng tôi muốn đưa ra một lời cảnh báo. Như vàng đã pha đồng, qua thuật luyện kim, bên ngoài dù có "dáng dấp giống vàng" nhưng thật ra khác xa với vàng nguyên chất.

Cũng vậy, bậc Thánh Dự lưu rất dễ phân biệt so với kẻ phàm phu về thái độ, lời nói, cử chỉ.

Hơn nữa, các Ngài tự biết rõ mình, ví như người bịnh biết rõ mình còn hay hết bịnh.

Đức Phật dạy bài pháp về Pháp kính, để nếu muốn vị ấy tự tuyên bố về mình như sau:

"Đối với ta sẽ không còn địa ngục, sẽ không tái sanh cõi bàng sanh, ngạ quỷ, ác xứ, ác thú. Ta đã chứng quả Dự lưu nhất định không đọa ác đạo, sẽ đạt chánh giác".[36]

Tức là vị Thánh Dự lưu tự biết mình qua những chi phần của bậc Dự lưu.

 Thay vì mù quáng chấp nhận lời công bố của ông thầy là đã chứng đắc tầng thánh Dự lưu hoặc Bất lai, bằng sự nội quán người ấy nên tự xét lại bản chất chân thật của mình để xem mình có tiến bộ hơn không và thật sự có kết quả hay không khi thực hành những pháp "thiền dễ dãi" (không cần phải nghiêm trì Giới luật, chỉ cần phát triển tuệ quán).

Chỉ qua "tự đánh giá mình" theo cách này, người ta mới có thể thoát khỏi sự dẫn dắt sai lạc của những vị đạo sư đáng nghi ngờ.

Như vậy, ngoại trừ Giới - định -tuệ, không có con đường tắt hay phương pháp dễ dàng nào để thành đạt mục tiêu đáng hài lòng của hành giả cả, không thực hành giới thanh tịnh, lại mong mỏi chứng đắc pháp thượng nhân, đó là điều không tưởng.

Một người nghiện rượu sẽ không thể nào thọ trì trọn vẹn năm giới, nói gì đến những pháp hành cao hơn.

Ngoài Chánh mạng giới, 7 giới còn lại (thân ba, ngữ bốn) là những giới làm phát triển thiện hạnh. Và ngũ giới được xem là cao hơn "căn bản phạm hạnh giới".

Có thể có câu hỏi rằng:

- Vì sao "không nói dối" trong ngũ giới, lại có thể hơn "bốn ngữ giới" trong căn bản phạm hạnh giới?.

Câu trả lời là:

- Trong bốn giới ngữ thì nói dối làm nền tảng cho sự "bể vụn" tất cả những điều kiêng tránh về lời.

Đức Phật có dạy:

" Ekaṃ dhammaṃ atītassa.
Musāvādissa jantuno
Vitiṇṇaparalokassa.
Natthi pāpaṃ akāriyaṃ.

"Không có điều ác nào mà người vọng ngữ vi phạm định luật (chân thật), và dửng dưng trước thế giới bên kia, không làm được".[37]

Kệ ngôn trên cho thấy rằng: "không nói dối hàm ý tôn trọng chân thật, có tôn trọng sự thật thì nói đâm thọc, nói ác và nói nhãm không thể thực hành."

 Điều này giải thích lý do tại sao trong 5 giới thì thân giới có ba, ngữ giới chỉ có một.

Lại có câu hỏi khác: "Chánh mạng giới không nằm trong ngũ giới, vì sao ngũ giới lại cao hơn Chánh mạng giới?".

Câu trả lời vắn tắt là:

"Người thọ trì cẩn trọng năm giới, không cần dụng công để thọ trì thêm giới kiêng tránh tà mạng.

Xét kỹ, tà mạng là sự nuôi sống bằng phương tiện bất chánh bao gồm: sát sinh, trộm cắp và nói dối. Do cẩn trọng thọ trì ngũ giới, tự nhiên người ta đã kiêng tránh sát sanh, trộm cắp và nối dối."

Như vậy trong "căn bản phạm hạnh giới", dù có Chánh mạng giới cũng không thể nói rằng cao hơn ngũ giới được.

Nên lưu ý rằng: "Đây là luận xét về cư sĩ giới".

Đối với hàng Tăng sĩ, giới luật mà Đức Phật đã ban hành, được ghi lại trong tạng Luật gọi là điều học (sikkhāpada). Tùy theo tánh chất của học giớ, các tội được phân thành bảy loại:

1- Parājika (bị tẩn xuất).
2- Saṅghadisesa (tăng tàn).
3- Thullaccaya (trọng tội).
4- Pācittiya (ưng đối trị).
5- Patidesanīyā (ưng phát lộ).
6- Dukkata (tác ác).
7- Dubbhāsita (ác ngữ).

Loại một xem như Và loại thứ hai: Tăng tàn (saṅghadisesa) được xếp vào những tội nặng (garukāpatti).

Năm loại tội còn lại được gọi là những tội nhẹ (lahukāpatti).

- Giới bị tẩn xuất và giới Tăng tàn, được xép vào căn bản phạm hạnh giới, là giới phải gìn giữ ngay từ buổi đầu.

- Năm loại giới còn lại, là "hạnh giới tối thắng (abhisamācārika sīla).

Có lần trưởng lão Udāyi trú ở Kāmandāya, trong vườn xoài của Bàlamôn Todeyya.

Nữ Bàlamôn thuộc giòng họ Verabaccāni, sau khi cúng dường vật thực đến trưởng lão xong rồi, bà ngồi nơi cao, trùm đầu. Bạch rằng:

- Này samôn, hãy thuyết pháp.

Trưởng lão Udāyi trả lời:

- Này chị, thời gian như vậy sẽ đến.

Nói xong, Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Sau đó, nữ bàlamôn ấy được biết: Do bà đi trên dép, ngồi nơi cao hơn trưởng lão, trùm khăn đầu, trưởng lão giữ gìn học giới (vì nữ Bàlamôn không kính trọng pháp) nên không giảng pháp.

Lần sau, nữ bàlamôn khắc phục những khuyết điểm trên, trưởng lão Udāyi đã giảng pháp thoại và an trú nữ Bàlamôn ấy vào Tam bảo.[38]Theo bản Sớ giải "nữ Bàlamôn ấy chứng quả Dự lưu sau khi nghe pháp thoại từ trưởng lão Udāyi".

Trong năm bộ sách của tạng Luật, bộ Pārājika pāli và bộ Pācittiya pāli, gọi chung là bộ Ubhāto vibhaṅga, bàn về phần luật thuộc loại căn bản phạm hạnh.

Bộ Mahāvagga pāli và bộ Cullavagga pāli gọi chung là Khandhaka vagga, mô tả nhóm giới thuộc loại "hạnh giới tối thắng".

Bộ cuối cùng là Parivāra, đưa ra sự kết luật và phân loại các điều luật trong bốn cuốn trước.

Các vị tỳ khưu phải thành tựu căn bản phạm hạnh giới trước tiên, rồi hoàn thành việc thọ trì "hạnh giới tối thắng". Khi vị tỳ khưu đã nghiêm trì giới luật nghiêm ngặt không để phạm phải dầu một lỗi nhỏ, không cần nói vị ấy sẽ rất cẩn thận không để phạm phải những tội nặng.

Ngoài ra còn có:

2- Giới ngăn trừ (viratī sīla) và giới không ngăn trừ (aviratī sīla).

Giới ngăn trừ: Là chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng.

Chánh ngữ ngăn trừ tà ngữ, chánh nghiệp ngăn trừ những hành động sái quấy và chánh mạng ngăn trừ sự nuôi mạng không chân chánh.

Sở dĩ gọi là giới ngăn trừ vì ba loại giới này ngăn trừ  được những khổ - ác quả.

Chánh nghiệp: Ngoài ý nghĩa là "những việc làm chân chánh về thân như: không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh trong dục lạc", còn nói lên những việd làm "không đem đến khổ cho kẻ khác", vì những hành động cũng có thể cho quả xấu, như mẫu truyện sau đây. Câu chuyện sau đây là minh chứng:

Một thương gia giàu có trong thành Vesāli, là người có giới hạnh, không nóng giận và thường khen ngợi những ân đức của người khác có được. Gần cửa tiệm của ông có một vũng lầy, gây trở ngại cho nhiều người, có người khi nhảy qua vũng lầy đã làmbắn tung bùn lên, vì không đủ sức nhảy qua. Thương nhân cho đặt trong vũng lầy chiếc đầu con bò không còn hôi thối đểmọi người bước qua vũng lầy.

Có lần, những người bạn của thương nhân đi tắm, để trêu cợt họ thương nhân dấu hết quần áo của họ. Chỉ cho lại, sau khi những người này chịu khổ sở vì lạnh do không có quần áo để trở về nhà, phải ngâm mình dưới nước.

Khi mệnh chung, thương nhân tái sanh làm chư thiên địa cầu, có con bạch mã phi nhanh như tâm ý (do quả làm chiếc cầu bằng đầu con bò), mùi hương từ thân tỏa ra (do có lời tán thán ân đức người khác). Nhưng vị thiên nhân này bị trần truồng (do quả dấu quần áo để trêu đùa).[39]

Chánh ngữ ngoài ý nghĩa "ngăn trừ 4 ác ngữ: không nói dối, không nói ác, không nói đâm thọc, không nói nhãm nhí", vì những loại ác ngữ này có thể dẫn xuống khổ cảnh.

Trong Sớ giải Ngạ quỷ sự (petavatthu - atthakathā), có câu chuyện như sau:

"Trong thời kỳ Giáo pháp của Đức Phật Kassapa, có vị tỳ khưu thân thu thúc nhưng thường lăng mạ các tỳ khưu có giới hạnh. Sau khi mệnh chung bị thiêu đốt trong địa ngục với thời gian một vị Phật. Đến thời hiện tại tái sanh làm ngạ quỷ mặt heo, nhưng thân vàng óng ánh.[40]

Chánh ngữ còn hàm ý nói những điều có lợi ích, đó là mười loại chánh ngữ dẫn đến giải thoát:

1- Appiccha kathā: nói về thiểu dục.
2- Santutthi kathā: nói về tri túc.
3- Pavivekha kathā: nói về đời sống độc cư.
4- Asamsagga kathā: nói về không ô nhiễm.
5- Vīriyārambha kathā: nói về sự tinh tấn.
6- Sīla kathā: nói về giới.
7- Samādhi kathā: nói về định.
8- Pañnā kathā: nói về tuệ.
9- Vimutti kathā: nói về những trạng thái quả và giải thoát.
10- Vimuttiñāṇadassaṇa kathā: nói về giải thoát tri kiến, quán sát trí (paccavekkha nañāṇa).[41]

Chánh mạng ngoài ý nghĩa: "nuôi mạng chân chánh", còn hàm ý "đời sống tâm linh được trong sạch. Tức là không có tham, sân trong ý nghĩ". Đức Phật chủ trương ý nghiệp là quan trọng[42]

Giới không ngăn trừ:

Là những giới không thuộc phạm vi của chánh mạng, chánh nghiệp và chánh ngữ, như giới "không ăn phi thời "chẳng hạn.

 3- Giới (có) nương tựa (nissita sīla) và giới không nương tựa (anissita sīla).

Giới có nương tựa:Là giới được thực hành dựa trên ái dục hoặc tà kiến.

Khi người ta thọ trì giới với mục đích đạt được một kiếp sống hạnh phúc trong tương lai với đầy đủ tài sản, uy quyền... là giới dựa trên nền tảng ái dục.

Sự thọ trì các điều kiên tránh hoặc các giới điều (như bắt chước theo cách sống của bò và chó)... với ý nghĩ rằng "thanh lọc linh hồn cho kiếp sau tốt đẹp", gọi là giới dựa trên tà kiến.

Những người theo đạo phật không thể nào thực hành giới dựa trên tà kiến, nhưng cần phải cẩn thận, không để giới rơi vào "nương tựa ái dục".

Giới không nương tựa:

Là thực hành giới không dựa trên ái dục hoặc tà kiến, thực hành chỉ với mục đích duy nhất là tu tập pháp của bậc Thánh. Nghĩa là từ phàm giới làm căn bản để đạt đến Thánh giới.

4- Giới tạm thời (kālapariyanta sīla) và giới chung thân (apānakoṭika sīla).

Giới tạm thời: Là giới thọ trì trong một thời gian nhất định.

Giới chung thân: Là giới thọ trì suốt đời.

Khi nói về giới tạm thời, sách Thanh tịnh đạo chỉ nêu ra chung chung:

"Kālaparicchedam katvā samādinnaṃ sīla: Giới thọ trì có thời hạn".

Nhưng Hậu sớ giải (ṭīka) của bộ Thanh tịnh đạo thì nêu rõ chi tiết hơn về thời gian thọ trì, như: Suốt ngày hoặc suốt đêm, hoặc suốt ngày đêm... (kālaparicchedaṃ katvā ti imañ ca rattiṃ ca divaṃ ti ādinā viya kālavasena paricchedaṃ katvā).

Thọ giới nhưng không ấn định thời hạn, sự thọ trì ấy xem như là trọn đời.

Có người có ý định "chỉ thọ trì một giới nào đó trong một ngày hoặc trong thời gian nào đó", như phát nguyện thọ đầu đà (dhutaṅga) "ngăn oai nghi nằm" trọn đêm, hay trọn ba tháng an cư mùa mưa..

Theo Sớ giải và Hậu sớ giải chú giải thì nghi thức nguyện thọ trì giới tạm thời, phải được nêu rõ thời gian thọ trì. Tuy nhiên, nếu không làm vậy cũng không lỗi lầm gì, vẫn là sự thực hành giới tạm thời tùy theo ý đã định.

Theo Sớ giải của bộ Paṭisambhidā magga: "Người ta có thể thọ trì giới trong lúc đang ngồi", như những thiện nam tín nữ đã quy y Tam Bảo, thọ trì giới trong thời gian một, hai ngày (hay lâu hơn) khi trú trong chùa để cúng dường vật thực đến chư tỳ khưu.

Tất cả những hình thức thực hành này đều là sự thọ trì giới tạm thời.

Theo bộ Sớ giải này: "dầu thọ trì giới trong một thời gian rất ngắn vẫn có kết quả lợi ích".

Các Giáo thọ sư có nêu ý kiến rằng: "Đối với trẻ em không thể nhịn ăn buổi chiều, có thể khuyên chúng thọ trì bát quan trai giới chỉ trong buổi sáng, cũng được phước báu".

Và "Này các Thích tử, đâu phải là nửa tháng. Ở đây, đệ tử của Ta trong 19 đêm 10 ngày... 9 đêm 9 ngày.... 8 đêm 8 ngày...trong 1 đêm 1 ngày..."[43]

Điều đáng lưu ý ở đây là " Đức Phật nói đến đêm-ngày". Và Bồtát Mahājanaka nhìn thấy trăng  ngày uposatha, đã súc miệng và nguyện thọ trì uposatha.Và điều này nói lên ý nghĩa đặc biệt của 3 giới sau của 8 giới bát quan.

Hai câu truyện trong bộ Sớ giải bộ Ngạ quỷ sự chứng minh quan điểm này.

Trong thời Phật hiện tại, trong thành Vương Xá (Rāgajaha), có một người thợ săn nai để sinh sống, y săn bắn suốt ngày lẫn đêm.

Một cận sự nam là bạn của y, khuyên y từ bỏ nghề săn thú. Nhưng y từ chối vì chỉ biết nuôi mạng bằng nghề săn thú.

Không nản chí, vị cận sự nam đề nghị người thợ săn "đừng săn vào ban đêm" và thay vào đó chuyên tâm vào việc thọ trì giới.

Người thợ săn cuối cùng đã nghe theo lời thuyết phục đầy kiên trì của người bạn và từ bỏ tất cả mọi công việc săn bắt trọn đêm, ông ta chỉ chuyên tâm vào việc thọ trì giới.

Sau khi chết, người thợ săn  tái sanh ở gần thành Vương Xá, làm một ngạ quỷ tên là Vemānika, ban ngày thì thọ lãnh nhiều nỗi khổ to lớn, còn ban đêm sống hạnh phúc, thọ hưởng đầy đủ dục lạc.[44]

Câu chuyện ngạ quỷ thứ hai cũng tương tự, chỉ khác chi tiết là:

- Vị trưởng giả ngày đêm ham mê săn thú như một trò tiêu khiển, không phải để kiếm sống.

- Vị Thánnh Alahán thuyết phục trưởng giả thọ trì giới vào ban đêm.

Sau khi chết, vị trưởng giả tái sanh làm ngạ quỷ, cũng đồng cảnh ngộ như ngạ quỷ Vemānika (sđd, truyện thứ 8).

Từ hai câu truyện này chúng ta rút ra bài học rằng, dầu giới chỉ thọ trì trong thời gian ngắn của ban đêm, vẫn có kết quả lợi ích.

Do vậy, nên tranh thủ những thời gian ngắn có được, để thọ trì giới tạm thời.

5- Giới hữu hạn (sapariyanta sīla) và giới vô hạn (apariyanta sīla).

Giới hữu hạn: Là giới kết thúc trước thời hạn đã nguyện ra lời. Sự kết thúc này, do một lý do nào đó tác động, như "bị người khác thuyết phục", "bị tiền tài cám dỗ", "thân tộc, tứ chi hay mạng sống bị đe dọa"...

Trong loại giới này, cần lưu ý rằng: Tuy sự thọ trì bị đứt đoạn, nhưng phước của giới đó vẫn có, tương xứng với thời gian đã thọ trì.

Giới vô hạn: Là giới được duy trì đến hết thời gian đã nguyện, không bị cắt ngang bởi bất cứ ảnh hưởng bên ngoài nào.

"Một người không vì lợi mà khởi tâm vi phạm, huống hồ thực sự vi phạm một học giới đã thọ".[45]

6- Phàm giới (lokiya sīla) và Thánh giới (lokuttara sīla).

Phàm giới: Là giới còn đắm nhiễm trong sự ngâm tẩm (āsava) như dục lậu, hữu lậu, kiến lậu và vô minh lậu. Phàm giới là những giới bắt lấy cành thế gian.

Thánh giới: Là giới không dính mắc đến các pháp ngâm tẩm (āsava). Thánh giới là giới nhận cảnh Nípbàn.

Phàm giới dẫn đến sự tái sanh trong nhàn cảnh (như người hoặc Chư thiên) và cũng là điều kiện tiên quyết để thoát khỏi vòng luân hồi.

Thánh giới đem lại sự giải thoát luân hồi, là đối tượng thiền quán của tuệ quán sát trí (paccavekkhanā ñāṇa).

"Này Visākhā, vị Thánh đệ tử suy tư như sau:

- Cho đến trọn đời, các vị Alahán từ bỏ sát sanh....

- Cho đến trọn đời vị Thánh Alahán từ bỏ lấy của không cho..."[46]



[1] - D.iii, kinh Đại bát Nípbàn (mahāparinibbānasutta).

[2] - D.iv, kinh Thi Ca La Việt (Sigālovāda suttanta).

[3] - D.iii, kinh Đại bát Nípbàn (parinibbāna).

[4] - M.iii, kinh  Tiểu nghiệp phân biệt (Cūlakammavibhangasutta).

[5] - A.iii, 15

[6] - Dhp - câu 131 - 132. Đại trưởng lão Nārada soạn, ông Phạm kim Khánh dịch.

[7] - M.i, Kinh Đoạn trừ lậu hoặc (sabbāsavasutta).

[8] - DhpA,  câu số 100 - Đại trưởng lão Pháp Minh dịch.

[9] - Luật phân tích tỳ khưu, điều học tẩn xuất thứ ba - Đại Đức giác Giới dịch

[10] - DhpA- câu số 21-22-23.

[11] - A.ii, 65.

[12] - A.iii, 45.

[13] - S.i, 91

[14] - Dhp - câu 242

[15] - Dhp - câu 415. HT. Thích minh Châu dịch.

[16] - Sư Giác Nguyên dịch.

[17] - Dhp - câu số 309 - Ông Phạm kim Khánh dịch.

[18] - A.iii, 221.

[19] - A.īi, 223.

[20] - JA. truyện số 142 - Bà Trần Phương Lan dịch

[21] - JA. truyện số 136 - Bà Trần Phương Lan dịch.

[22] - Dhp- câu số 394 - Đại trưởng lão Nārada soạn, ông Phạm kim Khánh dịch.

[23] - Dhp - câu 176 - HT. Thích Minh Châu dịch.

[24] - A.iv, 247.

[25] - Khud, - Trưởng lão Tăng kệ, truyện Trưởng lão Subhūti.

[26] - A.iv, 247

[27] - Kho tàng pháp bảo - Đại trưởng lão Bửu Chơn soạn.

[28] - A.iii, 53.

[29] - Khud- Kinh bại vong (106).

[30] - Khud- Trưởng lão Tăng kệ (Theragāthā) - Trưởng lão Tālaputa.

[31] - A.iii, 347.

[32] - Câu chuyện "tru diệt dòng Thích ca" là điển hình.

[33] - A.i, 50.

[34] - M.iii. 289

[35] - A.iii, 243.

[36] - D.iii, kinh Đại bát Nípbàn (Mahāparinibbāna).

[37] - Dhp - câu 176 . Ông Phạm Kim Khánh dịch.

[38] - S.iv, 121

[39] - Chú giải Ngạ quỷ sự - Chương IV - câu truyện 1. Đại đức Minh Huệ dịch

[40] - Chú giải Ngạ quỷ sự - Chương I - câu truyện 2. Đại đức Minh Huệ dịch.

[41] - M.i, Kinh trạm xe (Ratthavivūtasutta).

[42] - M.ii, kinh Upāli.

[43] - A.v, 83.

[44] - Chú giải Ngạ quỷ sự. Chương III, truyện thứ 7.

[45] - Ps.i, 44.

[46] - A.i, 205.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01| 02 | 03.a | 03.b | 04

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 11-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 03-01-2005