Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

THERAVĀDA
PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

CÔNG HẠNH BA LA MẬT

Thích Nữ Ngọc Duyên biên soạn

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


5- Bồ Tát JANAKA hành pháp TINH TẤN BA LA MẬT
VIRIYA PĀRAMĪ

1- Viriya pāramī:

Bồ Tát tinh tấn trong việc tu tập không nghĩ đến vợ con và tài vật, gọi là Ngài bổ túc tinh tấn đến bờ bên

2- Viriya Upapāramī:

Bồ Tát tinh tấn không nghĩ đến tứ chi lớn nhỏ của Ngài, gọi là bổ túc tinh tấn đến bờ trên.

3- Viriya Pāramī:

Bồ Tát tinh tấn không nghĩ đến sanh mạng của Ngài, gọi là bổ túc tinh tấn đến bờ cao thượng.

Thưở ấy, Đức vua Mahājanaka xứ Mithilā có hai Hoàng Tử:

- Người con trưởng Arikhajanaka lên ngôi kế nghiệp đế vương.

- Còn người con thứ Pojanaka nhận chức phó Vương.

Về sau em giết anh đoạt ngôi, lúc đó Bồ Tát từ cõi Trời giáng sanh vào lòng bà Hoàng hậu của Vua Arikhajanaka.

Hoàng hậu nghe tin Đức vua chết, liền tìm đường tẩu thoát. Lúc đó nhờ đức Bồ Tát tái sanh trong thai bào, nên khiến trời Đế Thích hiện xuống, giả làm xa phu mời Hòang Hậu lên xe, đưa bà sang kinh đô khác tỵ nạn, rồi từ biệt biến mất. Khi đi bà mang theo 3 viên ngọc báu. Về sau bà được hai vợ chồng Giáo sư trứ danh tiếp nhận làm em nuôi. Thời gian không lâu, bà hạ sanh được một Hoàng nam khôi ngô xinh đẹp, có màu da như vàng ròng, nên đặt tên là Janaka. Khi Bồ Tát Janaka được 16 tuổi, lệnh bà bèn trao cho con 3 viên ngọc báu làm bằng chứng và đi chung với người thương buôn để trở về vương quốc.

Khi thuyền ra được giữa biển cả Sidantana, bị sóng to gió lớn thuyền chìm mọi người đều chết, chỉ còn Bồ Tát Ngài ráng sức lội. Đến ngày thứ bảy, thấy trăng tròn, biết đúng là ngày Trai tịnh nên Ngài phát nguyện thọ trì Bát Quan Trai giới trong sạch không sợ hãi. Đây gọi là "Tinh Tấn đến bờ trên." Trọn 7 ngày đêm trôi giạt trong biển, khi đó có nàng Thiên nữ Manīmekhalā là người trấn thủ ở biển ấy hiện đến cứu Ngài, đem Bồ Tát đến cây xoài gần vườn Thượng uyển.

Lúc ấy, triều thần văn võ đang đi tìm kẻ đại phước để nối vị đế vương, vì vua đã thăng hà; trước đó Vua có di chúc 4 điều, nếu ai thực hiện được, người ấy có thể kế thừa sự nghiệp đế vương. Tức là:

* Chiều chuộng vừa ý con gái ta.
* Nhắc nổi báo kiếm.
* Biết nhận thức cái giường có 4 góc cho rõ rệt trên dưới.
* Cạy được cả 16 hầm tài sản .

Đức Bồ Tát đáp ứng được bốn điều này một cách dễ dàng. Cho nên các Đại thần dâng hiến vương vị và cho Ngài đính hôn cùng Công Chúa Sīvalī.

Từ khi lên ngôi vua, quốc dân được thái bình thạnh trị, Bồ Tát nhớ lại lúc bị nạn bảy ngày ở biển khơi, Ngài phát tâm hoan hỷ, phỉ lạc, tuyên bố rằng: "Người có trí tuệ hằng siêng năng tinh tấn không bỏ qua thiện pháp, là một đức tánh thanh cao, đem đến nhiều lợi ích cho chính mình và cho kẻ khác. Những người lười biếng, không thực hành thiện pháp, đi cùng với ta đều phải chịu làm mồi cho cá. Còn ta không dể duôi, dù gặp cảnh khổ thân, khổ tâm đến đâu, cũng không bỏ sự tinh tấn nên gặp được tiên nữ cứu giúp về đến kinh thành này". Nghĩ vậy, Ngài cai trị nước đúng theo 10 pháp là một vị "Minh Vương". Ở tại hoàng cung, Ngài tu hạnh cư sĩ 7000 năm, tinh tấn dứt của bố thí và trì giới không gián đoạn.

Dù sống trong nhung lụa bên cạnh vợ đẹp, con xinh, nhưng Ngài luôn có tâm chán ngán và có nguyện vọng tinh tấn thoát ly. Ngày nọ, khi đi dạo vườn Thượng Uyển nhằm mùa hoa trái, Đức vua nhìn thấy hai cây xoài, một cây không trái và một cây có trái. Cây xoài có trái khiến mọi người ưa thích đến hái ăn, làm cho cây gãy cành, trơ trụi. Còn cây không trái thời đứng vững vàng và xanh tươi. Bồ Tát chợt nhận hiểu rằng: "Sự nghiệp Đế Vương của ta cũng giống như cây xoài có trái, ngai vàng này không có quả lành, không có lợi ích đến ta, biết bao kẻ ưa thích và cũng có nhiều kẻ nghịch chực sẵn muốn giết hại ta để tranh giành!" Nay nếu ta xuất gia làm Đạo Sĩ, vô tài sản, chỉ có tam y, quả bát, không nhà không cửa, thì sẽ được an vui như cây xoài không trái, cành lá vẫn được xanh tươi, không ai hảm hại." Nghĩ thế, Ngài bèn tinh tấn giữ giới trong cung điện trọn 4 tháng nữa.

Đôi khi Ngài nhớ đến Đức Phật Độc Giác, là một vị Sa Môn ngự trong lâm sơn thanh vắng, mới là hạnh phúc cao thượng. Các Ngài không còn bận lòng lo đến hạnh phúc thế sự ảo huyền, cũng không bị phiền não cuốn lôi trong đường tội lỗi. Các Ngài chỉ tham thiền, quán tưởng.

Ta xin hết lòng thành kính lễ bái các Ngài. Ngẫm nghĩ đến cuộc đời vô thường, thật là đáng chán.

Không biết bao giờ ta mới được xuất gia ra khỏi đền vàng, vào tu trong non cao tuyết lảnh, cho tâm thần được an tĩnh. Bao giờ ta mới thoát ly được ngôi rồng, gác tía, quan quân, cung phi mỹ nữ, họ làm cho ta phải bận lòng mệt trí. Bao giờ sự đi đứng đó đây một mình không bị ràng buộc sẽ có kết quả đến ta!

Một hôm, Ngài dạy quân hầu mua y cà sa và bình bát, đừng cho một ai hay biết. Ngài mặc y, mang bát lấy làm thỏa thích và tuyên ngôn rằng: "Sự xuất gia này là hạnh phúc cao thượng nhất". Đến sáng sớm Ngài ngự ra khỏi thành. Hoàng hậu và cả trăm phi tần hay được lập tức đi theo, họ khóc than thảm thiết và khẩn cầu Đức vua trở lại, nhưng Ngài vẫn không dừng bước.

Thưở đó, có vị đạo sĩ biết Bồ Tát đang xuất gia tầm đạo thanh cao, nhưng khó làm cho Hoàng hậu và đại chúng trở về được, sợ Ngài thối chuyển, nên vị đạo sĩ bèn đến sách tấn khích lệ rằng:

- Này Sa Môn! Ngươi không nên cho rằng mình đã vượt khỏi phiền não. Bậc xuất gia chẳng phải mặc y cà sa, cạo tóc đó là đủ đâu; khi người ấy chưa lìa bỏ được lưới phiền não. Phiền não làm hư hại đường lối trời, người.

- Tình trạng ngủ nghĩ, là điều nguy hiểm.
- Lười biếng là điều nguy hiểm.
- Tình trạng mơ màng, ưa thích ngũ dục là điều nguy hiểm.
- Tình trạng ưa thích nhục dục là điều nguy hiểm.
- Tình trạng tham ăn là điều nguy hiểm.

- Này Sa Môn! Không nên cẩu thả, cho rằng có tăng tướng rồi là vượt khỏi hẳn phiền não!

Người chẳng nên chán nản trong sự xuất gia, hãy cố gắng tinh tấn, phát tâm hoan hỷ thực hành Chánh pháp cho đến ngày mãn nguyện. Người nên tinh tấn tu pháp "Tứ vô lượng tâm" đừng bỏ qua. Nên bổ túc Giới, Định, Tuệ cho viên mãn, chẳng nên ngã mạn rằng ta là vị vua xuất gia tu hành. Cần phải thọ trì pháp "Nhẫn nại", quan tâm về sự dập tắt phiền não, không nên tự cao mà hại người, phải hành Ngũ thiền, Bát thông cho hoàn bị chu toàn. Như thế sự xuất gia của người mới đem lại nhều kết quả tốt. Giảng xong, vị đạo sĩ từ giã trở về núi.

Khi ấy Bồ Tát rất hoan hỷ bèn nói với Hoàng hậu:

- Nay ta đã từ bỏ ngai vàng, quan quân thân quyến không còn bận lòng điều gì cả. Này Sìvalì! Nàng nên suy xét, nên nghe ta chỉ giáo, xuất gia là điều thoát khổ, người ở trong của cải là nhân khiến mình gây nghiệp ác.

Đến gần núi, Bồ Tát liền nhổ một cọng cỏ, cho Hoàng hậu xem và thốt rằng: "Cọng cỏ này không còn dính liền với gốc nữa được, nàng với ta cũng không phải là vợ chồng nữa, như cọng cỏ ấy. Nàng theo gót ta chỉ luống công, hãy trở về ở một mình đi, ta cũng chỉ ở riêng một mình mà thôi. Như thế mới mong thoát khổ được. Muốn giải thoát, nàng hãy tu hành giống như ta vậy." Nghe Bồ Tát nói những lời tuyệt vọng như thế, Hoàng hậu khóc nức nở, từ nay ta và Ngài chẳng còn là vợ chồng nữa, hẳn rồi. Nàng nhào lăn ra khóc vô cùng thảm thương khổ não đến bất tỉnh. Thừa dịp Hoàng hậu hôn mê, Bồ Tát đi nhanh vào rừng sâu tuyết lảnh, sau đó xuất gia làm đạo sĩ tu trọn 1000 năm đắc thiền và lục thông được an vui như ý nguyện. Khi hết kiếp Ngài được sanh lên cõi Phạm Thiên.

Riêng Hoàng hậu trở về triều, tôn vương cho Đông cung lên kế vị xong, bà cạo tóc xuất gia tu trong vườn ngự uyển, thực hành theo lời dạy của Bồ Tát, tham thiền đắc định, khi mệnh chung cũng được sanh lên cõi trời Phạm Thiên.

-ooOoo-

6. BỒ TÁT CANDA hành pháp NHẪN NẠI BA LA MẬT
Khantī Pāramī

1. Khantī Pāramī:

Sự nín nhịn không nóng giận đối với kẻ hại vợ con của Ngài, như thế gọi là nhẫn nại đến bờ bên.

2. Khantī Upapāramī:

Sự nín nhịn không nóng giận đối với kẻ làm hại đến tứ chi thân thể của Ngài, như thế gọi là nhẫn nại đến bờ trên.

3. Khantī Paramatthapāramī:

Sự nín nhịn không nóng giận đối với kẻ muốn đoạt mạng sống của Ngài, như thế gọi là nhẫn nại cao thượng.

Câu chuyện hiện tại:

Khi đức Đại Bi ngự trong thạch động Gijjhakūta. Một ngày nọ, Chư tỳ kheo tụ hội nơi phước xá, đàm thoại cùng nhau về câu chuyện Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) làm việc không tốt rằng: "Đề Bà Đạt Đa là kẻ bạc nghĩa vong ân đức Thế Tôn, luôn tìm dịp giết hại Ngài, cũng vì có tâm buộc oan trái với Đức Thế Tôn. Nhờ nương với Đức Phật mà kẻ ấy mới thoát nạn." Đức Phật biết được câu chuyện, Ngài bèn phán rằng: "Này các tỳ kheo! Chẳng phải Đề Bà Đạt Đa chỉ qên ơn Như Lai trong kiếp này mà thôi, từ bao kiếp trước Đề Bà Đạt Đa cũng vô ơn Như Lai như vậy rồi." Sau đó, với lòng từ bi, Đức Phật bèn giảng câu chuyện trong quá khứ, khi Như Lai là tiền thân Candakumāra như sau:

Thưở xưa, có một Đại vương tên là Vasavatti trị vì xứ Bārānasī, có một vị đông cung con của vua tên là Candakumāra, là nơi rất yêu mến vừa lòng. Đức vua cử Bồ Tát lên địa vị vương ngoại đặng xem xét vương sự thay thế cho Ngài.

Thưở ấy, có một quân sư Bà La môn tên Kandahāla, được làm quan xử kiện cho dân trong toàn quốc, nhưng ông không chơn chánh, thường ăn hối lộ xử kiện thiên vị. Một hôm có người bị thất kiện do xử oan bèn cầu cứu đến Bồ Tát, Ngài xét kỹ vụ kiện rồi xử đúng đắn theo pháp. Tất cả nhân dân đều tán dương ca tụng Bồ Tát.

Ông quan ấy bị mất chức đem lòng thù hận Bồ Tát luôn tìm cách hại Ngài. Một hôm đức phụ hoàng nằm mộng thấy được lên cung trời trên ấy có nhiều Ngọc nữ quý báu và các ngọc nữ vây quanh hầu hạ. Tĩnh giấc Ngài cho hỏi ông Bà la môn Kandahāla: Trẫm cần làm việc phước gì đặng sanh trong cõi trời?

Ông Bà la môn không chú ý câu hỏi ấy là gì cả, chỉ nghĩ đến sự cựu thù mong sẽ giết hại Đức Đại Bồ Tát thôi, mới tâu rằng: "Tâu Đại Vương, nếu người nào muốn được lên cõi trời, cần dứt bỏ sản vật quý giá là nơi mà mình yêu mến vừa lòng. Nghĩa là Đức vua phải giết chết tất cả 4 Đông cung Thái tử, 4 Công Chúa, 4 Hoàng hậu, 4 nhà triệu phú, luôn cả một số súc vật voi, bò, ngựa khác đặng lấy máu "Tế Thần". Cúng đại lễ như thế mới được lên cõi trời và những người bị giết đó cũng được lên cõi trời, xin tâu Đại vương được rõ."

Nghe qua Đức vua chấp nhận, vì bị thế lực của tà kiến si mê, ái dục bao phủ. Mặc dù khi ấy có sự ngăn cản của Hoàng Tổ và Mẫu hậu cũng vô hiệu quả, vua vẫn khăng khăng nghe theo sự chỉ bảo của vị cố vấn, làm điều tội lỗi, mặc cho mọi người sợ hãi, khóc la, kể lễ vang động khắp hoàng cung

Khi ấy Đức Bồ Tát xét nghĩ rằng: "Đại chúng bất bình buồn khổ, chỉ vì sự cừu hận của vị đại thần đối với Ta mà gây ra như thế. Vậy Ta nên vào tâu, xin phụ vương ân xá cho mọi người". Đức Bồ Tát bèn vào chầu vua cha và quỳ trước bệ rồng cầu xin:

- Tâu phụ vương, lời vị cố vấn nói, sự cúng thần lửa bằng cách giết người và giết thú để được lên cõi trời, nếu đúng là như vậy, thì cớ sao vị ấy không giết vợ đẹp, con yêu của mình. Lời nói của ông ta như giòng thác lủ không đứng vững ngập tràn. Tâu phụ hoàng, kẻ nào cúng thần lửa bằng cách này họ sẽ sa địa ngục, người nào có tâm hoan hỷ theo, cũng sẽ bị khổ y như thế. Tâu phụ hoàng, nên bỏ tà kiến ấy. Nếu phụ hoàng không suy xét nghe theo lời độc ác của ông ấy, hành động tội lỗi, rồi đây nước mất nhà tan, mọi người phải đau khổ vì cảnh phân ly chồng vợ con cái. Đến lúc lâm chung, phụ hoàng không sao tránh khỏi bốn đường ác đạo.

Đức Bồ Tát Canda trình bày cạn lời, mà cũng không làm cho vua cha động lòng thương xót.

Khi ấy nàng Canda, vợ của Bồ Tát cũng van xin Đức vua:

- Tâu, nếu phụ hoàng không thương xót định giết Hoàng Tử, xin phụ hoàng giết con trước, đừng để con quá khổ tâm, não nề, thê thảm như vầy khi phải xa chồng. Con nguyền chết theo chàng.

Đức vua phán với nàng rằng:

- Này con, con đây là dâu, trẫm rất thương yêu. Song ta chỉ mong lên cõi trời nên phải giết Hoàng Tử. Con chớ khóc lóc, kể lễ, những người bị chết đây, cũng sẽ gặp nhau ở cõi trời cả thảy.

Nghe vua cha phán như vậy, nàng vật vả than khóc và hoảng hốt đến bất tỉnh trong nơi ấy. Khi đó, ông Kandahāla đã làm xong cái hầm để tế thần lửa, liền bảo các quân dẫn Bồ Tát đến gần miệng hầm. Ông lấy sẵn mâm vàng để hứng máu, rồi vội đứng dậy đi lấy gươm, định chặt đầu tất cả.

Lúc đó, nàng Candà thấy cử chỉ ông Kandahāla như thế, nàng hoảng hốt không biết đâu là nơi nương tựa. Nàng nghĩ rằng: "Giờ đây không có chi nương cậy bằng sự ngay thật, cái quả của sự ngay thật là nơi nương nhờ vững chắc của chồng ta, có thể đem lại sự an vui được." Nghĩ vậy nàng đưa hai tay lên khỏi đầu rồi cầu nguyện: "Thưa Chư Thiên, đây là lời thành thật của tôi, ông Kandahāla này là kẻ vô trí tuệ, không có giới đức, là người không chân thật, không hạnh kiểm, sự thật là thế. Do lời thành thật này, cầu mong oai lực Chư Thiên, nhất là Đức Đế Thích và Tứ Đại Thiên vương hãy ủng hộ chồng con cho thoát khỏi tay kẻ độc ác, đừng cho con lìa xa chồng con trong lúc này."

Ngay khi Kandahāla cầm gươm định cắt cổ Bồ Tát trước, khi ấy khiến ngai vàng đức Đế Thích nóng lên, Ngài hiểu rõ nguyên nhân ấy mới hiện xuống cầm cái dùi bằng sắt, cở lớn như cây dừa và một cái đục phát hoả cháy đỏ rồi bay qua bay lại trên hư không la lớn dọa rằng:

- Ông vua ngu si và ông Bà la môn ác độc kia! Các ngươi được thấy rỏ từ xưa đến nay trong nơi nào, ai dạy bảo "Cúng dường lửa bằng máu rồi được sanh lên cõi trời?" Ai chỉ dạy các ngươi đường lối này. Cả hai người hãy mở thả Hoàng hậu và tất cả các vị hoàng gia, nhất là Hoàng tử Canda cho mau, nếu còn chần chờ ta sẽ đục cái đầu các ngươi bằng cái đục cháy đỏ nầy cho bể vụn ra bảy mảnh.

Vua và ông Bà la môn Kandahāla sợ hãi vội tha tất cả. Ông Bà La môn bị mọi người đánh tới chết đi thọ khổ trong cõi địa ngục. Mọi người định giết vua nhưng Bồ Tát ngăn cản chỉ đuổi khỏi xứ. Sau đó, Bồ Tát lên làm vua. Ngài bèn tu chỉnh việc triều chính, tha tội các tù nhân, giúp đỡ dân nghèo, nên trong nước toàn dân đều được an cư lạc nghiệp, thái bình. Đức Bồ Tát trị nước theo vương pháp, sau khi mãn tuổi thọ được sanh lên cõi trời.

-ooOoo-

7- Bồ Tát VIDHURA hành pháp CHÂN THẬT BA LA MẬT
Sacca Pāramī

1. Sacca pāramī:

Tư cách không nói dối bởi vì lý do vợ con hay tài sản, như thế gọi là chơn thật đến bờ kia.

2. Sacca Upapāramī:

Tư cách không nói dối bởi vì lý do tứ chi lớn nhỏ của Ngài, như thế gọi là chân thật đến bờ trên.

3. Sacca Paramattha pāramī:

Tư cách không nói dối bởi vì lý do sanh mạng của Ngài, như thế gọi là chân thật đến bờ cao thượng.

Câu chuyện hiện tại:

Tại Kỳ Viên tịnh xá gần thành Sāvatthi. Một hôm, Chư tỳ kheo tụ họp trong giảng đường bàn luận về Trí Tuệ Ba La Mật của Đức Thế Tôn: "Ôi! Thật là hết sức phi thường, đức Thế Tôn của chúng ta đây, Ngài có rất nhiều trí tuệ tối thượng."

* Trí tuệ của Phật dầy dặn không thể đo lường.

* Trí tuệ của Ngài vượt quá quyền hạn của trời và người.

* Trí Tuệ Ba La Mật của Ngài, có sự hiểu biết xuất chúng, vô ngại trong tất cả các pháp, giác ngộ chân chánh trong Níp bàn. Chẳng có một ai có thể lướt qua trí tuệ của Ngài được.

Các câu đố của Sa Môn, Bà La Môn, vua, triệu phú, toàn những bậc có trí tuệ, đến tìm hiêu những điều thắc mắc, vi tế rất nan giải, Ngài đều giảng được tất cả và giảng rất phân minh. Ngài từ bi tế độ những kẻ ngã mạn dứt bỏ sự tưởng lầm, hiểu quấy, trở nên ưa thích, phát tâm trong sạch có đức tin chân chánh trong Tam Bảo và thọ trì Tam quy, ngũ giới, thực hành chánh pháp, đạt đến Đạo quả Níp Bàn. Thật là kỳ diệu theo trí tuệ của Ngài.

Khi ấy, Đức Thế Tôn ngự trong hương thất, nhờ nhĩ thông Ngài hiểu rõ, rồi ngự đi đến phước xá, vào ngồi trên bảo tọa rồi bảo rằng: "Trí tuệ của Như Lai trong kiếp cuối cùng này, dầu là xuất chúng nhưng cũng không xuất chúng bằng, vì nay Như Lai đã giác ngộ Chánh Đẳng Chánh Giác rồi. Thuở trước Như Lai trí tuệ còn kém là còn tu hạnh Bồ Tát, mà trí tuệ đã sắc bén. Ta đã chinh phục được Dạ Xoa Purannaka, khiến Dạ xoa quy phục, từ bỏ tà kiến, ngã mạn, trở nên bác ái, đây mới đáng là huyền diệu.

Câu chuyện quá khứ:

Thưở xưa, có vị vua tên Dhanañjaya Koraba, trị vì xứ Campāka. Ngài có một vị trí thức tên Vidhura dạy đạo pháp cho Ngài và những vị vua khác luôn cả toàn dân trong quốc độ.Vị ấy có lời nói tao nhã, là một pháp sư cao quý. Ngài thuyết pháp rất du dương trong khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối, làm cho công chúng nhất là đức vua rất vừa lòng ưa thích. Ai được nghe pháp của Bồ Tát Vidhura rồi cũng không muốn trở về nhà.

Vị thức giả Vidhura có thể giải đáp câu hỏi về pháp lý của tất cả người trời Phạm Thiên.

Nguyên trước kia có bốn người Bà la môn quý phái có đức tin trong sạch xuất gia tu làm đạo sĩ ẩn nơi rừng tuyết sơn. Cả bốn vị đều đắc thiền định thần thông giống nhau.

Thời gian sau, bốn vị đạo sĩ đi đến quốc độ Campāka gặp được bốn nhà phú gia là bạn thân. Bốn vị này thấy các đạo sĩ lục căn đều thanh tịnh nên phát tâm hoan hỷ thỉnh về nhà mình, họ chia nhau mỗi người một vị để cúng dường hộ độ. Sau khi các đạo sĩ thọ thực xong mỗi vị tìm nơi an nghĩ khác nhau. Một vị đạo sĩ nghĩ trưa tại Thiên cung Đao lợi, một vị tại Long cung, một vị bay lên núi tuyết sơn, nghĩ tại cảnh giới của Đại bàng vương (Kim Xí Điểu), vị còn lại nghĩ tại vườn thượng uyển của Vua. Mỗi vị đạo sĩ thấy sự nghiệp đế vương của mỗi vị Vua ấy là nơi đáng ngưỡng mộ. Nên trở về ngợi khen sự sang cả của bốn Đức vua ấy cho mỗi vị thí chủ của mình nghe. Cả bốn người cận sự nam đó, sau khi nghe đều phát tâm ưa thích mong muốn được sanh trong những cõi ấy. Do vậy, họ cố gắng tinh tấn làm nhiều việc công đức như: Bố thí, trì giới, tham thiền luôn khi. Sau khi chết, họ được sanh vào cảnh giới như ý nguyện, mỗi người được sanh vào một cõi khác nhau do năng lực của phước báu. Cả bốn người đều được sanh lên làm vua trong mỗi xứ khác nhau. Một vị được sanh làm đức Đế Thích, một vị được sanh làm chúa rồng, một vị được sanh làm chúa Đại bàng, vị nữa được sanh làm Hoàng tử Koraba, con của vua Dhanañjaya ở cõi người.

Mỗi quốc độ đều khác nhau, song một ngày nọ các vị vua đều có sự suy nghĩ giống nhau, họ muốn tìm nơi thanh tịnh để thọ trì "Bát quan trai giới". Bốn vị vua ở bốn cõi đến tu thiền trong vườn thượng uyển của đức vua. Sáng sớm ngày ấy, bốn vị ra khỏi chỗ tọa thiền đến gặp nhau gần ao sen. Khi thấy nhau bèn phát tâm yêu mến thích nhau và được kết bạn thân ái với nhau một cách chặt chẽ. Đây là do kiếp trước họ đã là bạn thân với nhau. Bốn vị Đế Vương cùng nhau ngồi đàm đạo nhưng có sự nghi ngờ lẫn nhau.

Vua trời Đế Thích cho rằng: "Giới tôi trong sạch hơn tất cả bởi vì tôi dám bỏ sự dục lạc quý cao của Chư Thiên, lại giữ giới trai tịnh tại chỗ này."

Vị Long Vương lại nói: "Giới của tôi mới cao thượng, vì Điểu vương là kẻ thù của Long Vương, nhưng tôi không oán giận; do thế tôi cao thượng."

Điểu Vương thì cho rằng: "Giới của tôi mới cao thượng vì Long Vương là thức ăn ngon mà tôi nhịn bụng không làm tội, do thế tôi cao thượng hơn."

Cả 4 vị vua đều giành lấy sự trong sạch phần hơn của mình, mỗi vị không dứt khoát được, vì không biết ai trong sạch hơn. Bèn dẫn nhau đến vị trí thức Vidhura là Bồ Tát xin Ngài xử cho.

Khi ấy Bồ Tát Vidhura được nghe lời tường thuật của bốn Đức vua rồi, bèn tâu rằng: "Giới đức của bốn vị vua đều có phước báu bằng nhau, không cao không thấp, vì các Ngài thọ trì giới trong sạch giống như nhau, bốn vị đều dứt bỏ phiền não dục và vật chất thế gian trong sự sang cả của đế vương giống nhau. Người nào dứt tánh lười biếng và không ưa thích sự cao sang trong ngũ dục, không nói lời nhảm nhí vô ích, không tô điểm thân thể, tiết độ trong thực phẩm. Như thế, cả bốn Đức vua chỉ khác hoàng tộc Đại vương cao thấp nhưng đều thọ ngày trai giới như thế này, nên được gọi là thanh tịnh giới giống nhau cả."

Khi được nghe Đức Bồ Tát trả lời như thế, các vị vua đều rất phỉ lạc và thoả thích trong sạch, đồng tán dương hoan hỷ Ngài. Rồi mỗi vị vua cúng dường pháp bảo bằng những viên ngọc vô giá.

Vua trời Đế Thích ban cho Bồ Tát một bộ y báu có màu như hoa sen tinh khiết và nói rằng: "Tôi xin dâng cúng một bộ y vô giá đến pháp trí của Ngài."

Điểu Vương cũng nói "Tôi xin dâng cúng hoa vàng có đủ 100 mùi hương, có nhụy như ngọc báu đến pháp trí của Ngài.

Long Vương cúng dường ngọc Mani có hào quang sáng chói và nói: "Tôi xin cúng dường đến pháp trí của Ngài."

Vua Dhanañjaya cúng dường 1000 bò sửa, 1 tượng bạch, một long xa và mười ngưạ tốt để kéo long xa...

Bốn vị vua sau khi dâng tặng cho Bồ Tát với tâm phỉ lạc thỏa thích, bèn từ giả Ngài để trở về cung điện của mình.

Trong khi long vương Varuma về đến xứ rồi, nữ long vương là Hoàng hậu không thấy ngọc Mani thường đeo ở cổ nên tâu hỏi ngọc ấy. Long vương mới kể lại sự việc.

Hoàng hậu trong khi nghe thì tỏ ý muốn được thính pháp của bậc trí tuệ, bà bèn giả vờ lâm trọng bệnh muốn dùng gan, tim của vị thức giả Vidhura nếu không chắc chết. Long vương buồn rầu không biết tính sao. Lúc ấy công chúa của Long vương vì thương cha mẹ nên xin phụ hoàng cho nàng lãnh trách nhiệm đi lấy lá gan của Bồ Tát. Nàng mới trang điểm mình rất đẹp xong lễ tạ ra đi. Đến núi Kàlàgiri, nàng hát bằng giọng thanh tao lảnh lót rằng: "Nếu người nào có thể lấy lá gan của Vidhura bậc trí giả được cho tôi, thì tôi sẽ phụng sự bên chân người ấy suốt đời."

Giờ phút ấy Dạ xoa Puranaka là cháu của một trong bốn vị Tứ Đại thiên vương, cởi con như ý mã bay trên hư không. Vừa khi được nghe giọng hát quá hay của nàng Long nữ, Dạ xoa gần như quên mình mới giục ngựa xuống hỏi. Sau khi biết được rõ cớ sự ấy, Dạ xoa cùng Long nữ bèn dẫn nhau đi giao kết đối trước Long vương Varuna là phụ hoàng của nàng rằng:

- Tôi có thể đi lấy lá gan của bậc đại trí thức Vidhura lại dâng cho Hoàng hậu dùng.

Nói về vua Dhanañjaya Koraba, trị nước theo vương pháp, luôn bố thí trì giới, tu thiền, không vi phạm điều ác, song Ngài còn mê đánh cờ tướng ăn cuộc. Hôm ấy, Vua đang cùng với 101 vị vua chơi cờ trước sân rồng. Dạ xoa hóa mình làm người nam vào xin chơi cờ, cá cuộc rằng: "Nếu tôi thua xin dâng viên ngọc ma ni với con như ý mã, nếu Đức vua thua thì giao hết cả tài sản trong nước chỉ trừ bà Hoàng hậu và vương vị."

Kế đó Dạ xoa làm cho Đức vua lẫn lộn trí nhớ do oai lực của mình khiến Đức vua phải thua. Song Dạ xoa không thọ dụng tài sản gì cả, hiến lại cho Đức vua cả thảy chỉ xin lấy một vị trí thức Vidhura mà thôi, Đức vua không bằng lòng. Dạ xoa thấy Đức vua phân vân, nên tâu rằng:

- Thưa Đại vương, thông thường sự đánh cá khi ăn lúc thua. Nếu Đại vương thắng thì được vật báu, hôm nay chẳng may Đại vương thua, thì hãy cho đến tôi đức Bồ Tát đừng thương tiếc.

- Này thanh niên, Ta không quên lời hứa, Ta sẽ cho ngươi tất cả, ngọai trừ ngai vàng, thân của ta và Hoàng hậu.

- Tâu, tôi không dùng các báu vật ấy, tôi chỉ xin Đại vương hãy cho tôi Đức Bồ Tát Vidhura mà thôi.

- Này thanh niên, vị trí thức Vidhura là thân của ta, là nơi nương tựa tiến hóa của ta. Đức Bồ Tát tương đương với sanh mạnng của ta.

- Tâu Đại vương, vậy chúng ta hãy cùng đi đến gặp đức Bồ Tát để Ngài phân xử.

Khi ấy Đức vua cùng với 101 vị vua khác cùng đi với người thanh niên đến Đức Bồ Tát. Ngài bèn cho mời Bồ Tát đến phân xử. Dạ xoa gọi Bồ Tát hỏi rằng:

- Tôi có nghe các vua và Đại thần khen Ngài là bậc có thiện pháp và duy trì thiện pháp rất chân chánh, không nói lời giả dối để bảo vệ mạng sống. Danh tiếng của Ngài bay khắp cả thiên hạ. Hôm nay tôi được biết Ngài là người hằng gìn giữ thiện pháp, tôi hết lòng tin tưởng trong việc xử đoán của Ngài. Thưa bậc thiện trí, xin Ngài phân xử theo công lý, vậy có phải Ngài là thân quyến của Đức vua không?

Bồ Tát nghĩ, nếu ta tự xưng là thân quyến của Vua, thì mọi việc đều vô hại, ta sẽ không bị Dạ xoa bắt, nhưng lời nói đó không ngay thật. Ta không nên nghĩ đến thân và sanh mạng này, ta phải nói lời chân thật không được giả dối. Nghĩ thế rồi Bồ Tát xử đoán một cách ngay thẳng không chênh lệch rằng:

- Ta là bề tôi của đức vua, không phải là hoàng thân quốc thích. Ta sẽ phải đi với ngươi.

Nghe sự phán xử của Bồ Tát, Dạ xoa vỗ tay reo mừng, chỉ riêng Đức vua lòng buồn ngậm ngùi thương tiếc đức Bồ Tát, nếu để người thanh niên dẫn Bồ Tát đi theo ý muốn của hắn. Từ nay ai sẽ là người thuyết pháp cho ta nghe, vậy ta nên thỉnh đức Bồ Tát thuyết pháp lần cuối cùng. Nghĩ vậy, Đức vua thỉnh Bồ Tát lên bảo tọa để thuyết pháp.

Đức Bồ Tát liền thuyết bốn pháp tại gia để hiến Đức vua là:

1. Đừng thọ dụng tài sản một mình, đừng đọc sách vô ích.
2. Thấy con, vợ kẻ khác nghĩ cũng dường như mẹ của mình chớ dễ duôi.
3. Thấy tài vật của người khác cần quán tưởng rằng giống như cục đất.
4. Tinh tấn dứt của bố thí luôn khi.

Sau đó, Bồ Tát giáo huấn vợ và những người con bằng pháp sẳn giành cho nhà vua.

Làm công việc gì cần phải có trí tuệ, có giới đức trong sạch, phải suy xét cho chu đáo cẩn thận, xem điều nào là quấy phải, tội phước rồi hãy làm. Đừng quá lo sợ, cũng đừng quá dạn dĩ, không nên thiên vị vì thương, vì ghét, vì sợ hay vì si mê phải sáng suốt trong công việc.

Sau khi dặn dò thân bằng quyến thuộc xong, Bồ Tát bái tạ Đức vua là chủ của mình. Đức vua nghe qua lấy làm cảm động, đau lòng trước cảnh biệt ly với Bồ Tát. Vợ con của Bồ Tát, cùng chúng dân cũng đều than khóc, kể lễ trước giờ phút tiễn đưa. Bồ Tát dùng trí tuệ quán tưởng ba tướng "Vô thường, Khổ, Vô ngã", Ngài bèn giảng giải cho mọi người thấy rõ tất cả vạn vật trên thế gian nay đều thay đổi không bền vững. Do đó mọi người hãy tu tập thiện pháp, lánh dữ làm lành, bố thí, trì giới cho trong sạch..

Giảng giải xong, Bồ Tát xoay qua nói với Dạ xoa, Ta đã làm xong bổn phận, vậy ông hãy dẫn Ta đi tùy theo ý muốn.

- Vậy bậc trí tuệ, người hãy nắm chặt đuôi ngựa của tôi đi. Đường mà chúng ta phải đi rất xa, Ngài đi chuyến này không mong gì trở lại gặp được người thân trên thế gian này nữa.

- Này thanh niên, Ta không lo sợ chi cả, vì những nghiệp ác dẫn người đi thọ sanh trong cảnh khổ, Ta đã tránh khỏi rồi. Do vậy, tâm Ta không hối hận lo sợ chi cả.

Đức Bồ Tát tỏ lời như thế, tâm Ngài không còn chi lo sợ, rất dạn dĩ như sư tử vào rừng. Bồ Tát chú tâm phát nguyện rằng: "Xin cho y phục dính chặt vào thân ta mãi mãi, dù cho thanh niên này mang ta đi đến bất cứ nơi nào."

Khi ấy Dạ xoa cho đức Bồ Tát theo sau đuôi ngựa rồi bay lên không trung. Dạ xoa nghĩ nên đi theo đường núi Tuyết Sơn cố ý làm cho Bồ Tát va vào đá vào cây cho chết, để mổ tim đem dâng đến Hoàng hậu. Dạ xoa đập Ngài vào núi đá ba lần, quăng lên trên gió độc rơi xuống ba lần, nhưng nhờ pháp Ba la mật bảo vệ Bồ Tát vẫn vô hại, tuy nhiên Bồ Tát rất khổ thân vì phải bám chặt đuôi ngựa, bay qua bay lại trên không trung. Dù khổ thân đến đâu, Bồ Tát vẫn bình tỉnh điềm nhiên không chút lo sợ, gương mặt Ngài luôn trong sáng ví như đóa hoa sen vừa chớm nở. Biến hóa đủ cách mà không giết được Bồ Tát, nên Dạ xoa nghĩ rằng: "Ta giết người này không được, vậy ta phải dùng tay." Rồi Dạ xoa nắm chân liệng Bồ Tát lên không trung rơi xuống đất ba lần như vậy Bồ Tát vẫn không chết. Giết cả thảy chín lần Bồ Tát vẫn an nhiên vô hại, do nhờ oai lực pháp chân thật của Bồ Tát đó vậy.

Dạ xoa dừng ngựa xem thấy Bồ Tát vẫn tươi tỉnh như thường, khiến Dạ xoa khiếp sợ oai đức, bèn đem Bồ Tát để lên đỉnh núi và cúi đầu lễ bái xin lỗi đức Bồ Tát. Bậc trí thức Vidhura bèn giáo huấn cho Dạ xoa dứt trừ những thói dữ và thọ trì 5 giới.

Với oai nghiêm thanh nhã như bậc chánh Đẳng Chánh giác, Đức Bồ Tát thuyết về pháp Sādhudhamma (Pháp tốt đẹp). Này ông Sādhudhāma có 4 phần là:

1- Phải đi theo người đã đi trước.
2- Không nên đốt tay ướt.
3- Đừng phản bạn, đừng hại bạn,
4- Đừng ở trong quyền lực của người có ác pháp.

Được nghe pháp tóm tắt như thế, Dạ xoa không hiểu bèn hỏi rằng: Bốn điều này là thế nào?

1- Điều thứ nhất có ý dạy rằng: Người nào có ân với mình, mình phải tìm dịp báo ân, dầu người ấy mình chưa quen biết, chưa từng sống chung, nhưng khi gặp ta họ lại niềm nở mời ngồi, chỉ có bấy nhiêu, dù là chưa được ăn uống chi, cũng gọi là người đi trước. Những người biết ơn, không cẩu thả, luôn nhớ ơn, được gọi là kẻ đi theo người đi trước.

2- Không nên đốt tay ướt: Mình được nương ngụ trong nhà người rồi, nên tỏ lòng tri ân người đã giúp đỡ mình.

3- Không nên phản bạn, hại bạn: Ám chỉ người nào đã thi ân đến ta, thì ta đừng mưu tính hại họ, chỉ nên nghĩ đến điều tốt của họ và tìm cách làm điều lợi ích đến họ. Kẻ bạc nghĩa quên ơn người, làm hại người ân gọi là phản bạn, là kẻ đê tiện, tội lỗi. Không riêng về người ân, dù là dưới cội cây mà mình đã vào nghĩ mát, cũng không nên quên ân mà làm cho rụng lá, gãy cành.

4- Điều nói: "Đừng ở trong quyền lực của người có ác pháp" là dạy người không nên chìu theo phụ nữ. Thông thường phụ nữ mà người nam đã cho gia tài của cải, hoặc của cải nhiều như vua Chuyển Luân vương có đủ bảy báu cho đến người nữ rồi, cũng không nên tin lòng họ, nghĩ rằng người ấy chỉ yêu thương riêng một mình ta. Phụ nữ khi có bạn trai hằng khinh rẽ chồng. Nhân đó, gọi là người có ác pháp. Người có trí tuệ không bao giờ ở trong quyền lực của phụ nữ, không phạm tà dâm gọi là không chiều theo quyền lực của người có ác pháp.

Khi Bồ Tát thuyết bốn pháp vừa dứt, Dạ xoa suy nghĩ rằng: "Bậc trí tuệ, đã hóa độ ta trong bốn pháp."

Thật vậy, bậc trí tuệ đã có cúng dường đến ta rồi. Ta với bậc trí tuệ chưa từng gặp nhau lần nào. Bậc trí tuệ đã thi ân đến ta, nay ta làm hại Ngài cũng vì phụ nữ. Nếu xét rỏ ta là kẻ phản bạn, hại bạn trong lúc này. Thế gọi là không được đi theo người đi trước, là kẻ đốt tay ướt, là kẻ phản bạn và cũng là kẻ ở trong quyền lực của phụ nữ có ác pháp. Ôi! càng xét càng thấy ta là người không tốt, rất xấu xa.

Rồi Dạ xoa bèn tỏ lời rằng: "Kính bạch Ngài! Sở dĩ tôi cố ý sát hại bậc trí tuệ, là vì mong lấy lá gan của Ngài dâng cho Hoàng hậu Vimala đặng lấy nàng Irandati làm vợ vậy xin Ngài đừng đi đến đó. Hễ đi chắc là Long Vương Varuna bảo giết Ngài lấy gan cho bà Hoàng hậu ăn chẳng sai, tôi xin đưa Ngài trở về cõi người."

Đức Bồ Tát nghe những lời như thế thì hiểu liền rằng chắc Long nữ ấy muốn nghe pháp, mới bảo Dạ xoa Puranaka cho đưa Ngài đến cõi rồng đừng lo nghĩ đến sự chết.

Dạ xoa chở đức Bồ Tát đến cõi rồng, Vua Long vương cùng Hoàng hậu vui thích cho sửa soạn vật thực và pháp tọa rồi thỉnh đức Bồ Tát thuyết pháp.

Tâu Đại vương là bậc vua chúa cõi rồng, khi Đại vương đã nhận sự hạnh phúc cao sang quyền quý, thì chẳng nên cẩu thả, say mê đế vị. Điều này là tội, Đại vương đừng bận lòng tạo những nghiệp ác ấy, nên cố gắng gieo trồng cội phúc. Nghiệp lành nào làm cho đế vương được bền vững và hạnh phúc trong kiếp vị lai lâu dài, Đại vương hãy tinh tấn tạo thêm đừng bỏ qua và quyết tâm không cho vi phạm, dù là tội ác nhỏ nhen.

- Này bậc trí tuệ, trẫm muốn bố thí, nhưng cõi Long cung không có Sa môn và Bà la môn, vậy phải làm thế nào, để bổ túc các điều thiện, nhờ bậc trí tuệ giảng giải!

- Tâu, nếu Đại vương ước mong như vậy cần phải đè nén sự sân hận, thấy tội phát sanh trong tâm nên chế ngự cho giảm bớt, đừng chiều theo tâm ác, nên rãi tâm từ đến tất cả đừng phân biệt giai cấp, nên cố gắng hành thiện pháp bằng thân, khẩu, ý trọn lành. Khi Đại vương thực hành như thế rồi sẽ được an vui, đến hết tuổi thọ sẽ được sanh lên thiên giới.

Ngài thuyết pháp giáo huấn cho tất cả, nhất là Long Vương và Hoàng hậu có tâm phỉ lạc thỏa thích nguyện làm môn đệ của Ngài. Riêng Dạ xoa cũng được nàng Irandati làm vợ.

Chú giải:

Đức Bồ Tát nói bằng sự thật: "Ngài là bề tôi của Đức Vua" cho kết quả mười Ba La mật:

1- Đức Bồ Tát không lo ngại với của cải và sanh mạng chỉ mong Đức vua giữ được lời hứa với Dạ xoa nên nói lời chân thật, đó là Bố thí Ba la mật.

2- Nói lời chân thật không giả dối là Trì giới Ba la mật,

3- Có tâm suy nghĩ chín chắn rồi mới nói ra. Vì suy xét thấy điều tội lỗi của nói dối nên phải tránh xa dù có phải dứt bỏ sự sống, đó là Xuất gia Ba la mật.

4- Suy xét theo trí tuệ rồi mới nói ra, là Trí tuệ Ba la mật,

5- Có tâm vô ngại không hổ thẹn với tiếng "Ta là bề tôi của Đức Vua", không ngã lòng vì quyền lực mà nói, là Tinh tấn Ba la mật.

6- Sẵn sàng chịu đựng những điều khổ cực mà Dạ xoa sẽ hành hạ Ngài, là Nhẫn nại Ba la mật.7- Nói ra lời ngay thật, không tự xưng là thân quyến với Đức vua để thoát chết, đó là Chân thật Ba la mật.

8- Nói lời chánh đáng, chỉ quyết định nói theo chân lý, tránh không nói lời dối trá, chỉ nói lời xác thật, rồi giữ vững quyết tâm, đó là Quyết định Ba la mật.

9- Không oán giận Dạ xoa sẽ làm hại mình, đó là Bác ái Ba la mật.

10- Đức Bồ Tát nghĩ rằng Dạ xoa đem ta đi làm điều gì cũng mặc tình tùy sở thích, ta sẽ gắng chịu những khốn khổ. Suy xét như vậy rồi, Ngài vẫn điềm nhiên, dù cho khổ não có xảy ra, đó là Xả Ba la mật.

-ooOoo-

8- BỒ TÁT NEMIRĀJA hành pháp CHÍ NGUYỆN BA LA MẬT
Adhiṭṭhāna Pāramī

1. Adhiṭṭhāna Pāramī:

Dù cho vợ con của Bồ Tát có gặp cảnh khốn khổ đến đâu chẳng hạn, Ngài cũng không thay đổi bỏ các thiện pháp đã thọ trì ấy . Sự nhất tâm chắc chắn như thế gọi là nguyện lực đến bờ bên.

2. Adhiṭṭhāna Upapāramī:

Dù cho có sự khốn khổ về thân thể đến đâu, Bồ Tát cũng không thay đổi các thiện pháp, gọi là chí nguyện đến bờ trên.

3. Adhiṭṭhāna Paramattha Pāramī:

Dù cho có sự khốn khổ đến sanh mạng cũng không thay đổi, bỏ các thiện pháp, gọi là chí nguyện đến bờ cao thượng.

Câu chuyện hiện tại:

Thưở Đức Thế Tôn là đấng giáo chủ của trời người khi Ngài ngự nơi Kỳ Viên Tịnh Xá. Một hôm, Chư Tăng hội họp trong giảng đường, tán dương oai lực của Đức Thế Tôn. Nhờ nhĩ thông, đức Thế Tôn hiểu được, Ngài ngự đến giảng đường hỏi Chư Tăng rằng: "Các ngươi luận bàn điều chi?"

Các vị tỳ kheo bạch rằng: "Chúng con không nói chi khác hơn là bàn về Đức Thế Tôn đã từ bỏ ngai vàng xuất gia tầm đạo."

- Như Lai không chỉ xuất gia trong kiếp cuối cùng này đâu, trong các kiếp trước cũng có xuất gia.

Một hôm, đức Thế Tôn ngự nơi vườn xoài của đức vua, Ngài bảo rằng:

- Này Ānanda, đây là kinh đô mà ngày xưa Như Lai đã sanh ra là Hoàng Đế Maghadevarāja. Rồi đức Thế Tôn giảng tiếp:

Câu chuyện quá khứ:

Trong thời quá khứ, có vị Vua Maghadevarāja trị vì xứ Mithilā tuổi thọ rất lâu, nhưng Ngài không say mê danh lợi, Ngài thường xuyên xuất tài sản bố thí và luôn giữ giới trong sạch, thường tu tập lòng từ bi và niệm về thiền định. Vua dặn người thị thần hớt tóc: "Khi nào thấy có tóc bạc thì tin cho hay để trẫm đi xuất gia."

Thời gian sau, khi thấy tóc bạc vua truyền ngôi lại cho con, Ngài từ giả xuất gia làm đạo sĩ. Trước khi ra đi, Đức vua dặn dò Hoàng Tử: "Này con thân! Khi nào thấy có tóc bạc, con nên xuất gia ngay, chớ bỏ qua truyền thống nhà ta." Rồi Bồ Tát xuất gia tu thiền về "Tứ vô lượng tâm" hết 24.000 năm, đắc 8 Thiền chứng (Samapatti) và thần thông thế gian, đến khi hết tuổi thọ được sanh về cõi trời Phạm Thiên. Cộng tuổi thọ của Đức vua là 9 muôn 6 ngàn tuổi.

Các Hoàng tử về sau làm vua kế nghiệp theo đường lối xuất gia, luôn đến 84.000 vị, đến lúc thăng hà cũng sanh lên Phạm Thiên cả thảy. Về sau có 2 vị vua kế nghiệp đế vương không theo truyền thống ấy nên gia phong bị tiêu hoại. Khi ấy Maghadeva Đại Phạm Thiên xét thấy sợ truyền thống cao thượng bị tiêu hoại, nên tái sanh vào bụng bà Hoàng hậu của Đức vua xứ ấy. Khi được sanh ra, Ngài được đặt tên là Nemirāja vì các quân Sư tiên đoán: Hoàng tử ở đây đi rồi trở lại nối giòng cũ.

Lớn lên, Ngài kế vị vua cha hằng sống theo thiện pháp và thuyết pháp dạy dân về những điều thiện hạnh nên làm và những điều bất thiện không nên làm. Hể ai thực hành theo Ngài đều được sanh thiên giới sau khi chết. Một hôm Ngài suy xét: "Có quả báu chi cao thượng hơn bố thí, trì giới, tham thiền mà ta đã làm chăng?"

Khi ấy có vị trời đáp rằng: "Xuất gia là cao thượng, như tôi đây, tôi chỉ hộ độ cho các đạo sĩ nên được sanh trong cõi trời Đạo lợi Dục Giới thiên, còn các vị đạo sĩ ấy thì được sanh về cõi trời Phạm Thiên Sắc Giới."

Nói xong, đức Đế Thích trở về cõi Chư Thiên và thuật lại tự sự, liền đó Chư Thiên đang hội họp ở thính pháp đường, yêu cầu vua trời Đế Thích rước Đức vua Nemirāja đến đây, vì chính Ngài là thầy của chúng tôi. Khi ấy, Chư Thiên đồng tâu rằng: "Nhờ Đức vua Nemirāja khuyên bảo, chúng tôi mới tạo được nhiều phước đức, nhờ những nghiệp lành này, nên sau khi thác chúng tôi đều được sanh lên cõi Đạo Lợi thiên cung này, hưởng phước cõi trời như mong muốn. Nay chúng tôi nhớ đến công đức của vua và muốn thấy mặt Ngài lắm". Thiên tử Mātali bèn vâng lệnh đức Đế Thích sửa soạn xe trời đón Đức vua và đưa cho Ngài đi xem các cõi Trời và các cõi Địa ngục. Sau thời gian 7 ngày, Đức vua trở về cõi nhân gian và thuật lại cuộc hành trình mà Ngài đã được thấy rồi giáo huấn cho nhân dân cùng biết.

Cõi trời có nhiều đền đài cao đẹp bằng bảy báu, rất là an vui và hạnh phúc. Nếu ai mong được sanh về cõi trời, cần phải tu hành tinh tấn như: Bố thí, trì giới, nghe pháp, thọ Bát Quan trai cho trong sạch, khi hết tuổi thọ sẽ được sanh vào cõi an vui.

Ngược lại, nếu chúng sanh vì vô minh ái dục không tin có cõi trời và địa ngục, gây tạo biết bao nghiệp ác như: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, chắc chắn người ấy sẽ phải chịu muôn vàn đau khổ sau khi từ trần.

Đức vua Nemirāja không say mê sự nghiệp đế vương, và không bao lâu khi thấy tóc bạc đã phát sanh rõ rệt, Ngài liền từ bỏ vương vị xuất gia làm đạo sĩ nhất tâm trong chí nguyện tuệ giác (Bodhināna) hành pháp "Tứ Vô Lượng Tâm", đến khi mạng chung được sanh lên cõi Phạm Thiên.

-ooOoo-

9. BỒ TÁT SUVANNASAMA hành pháp TỪ ÁI BA LA MẬT
METTĀ PĀRAMĪ

1. Mettā Pāramī:

Sự rãi lòng từ ái đến tất cả chúng sanh, dù kẻ ấy có hảm hại vợ con của Ngài, Ngài cũng không hại lại, như thế gọi là Ngài tu hạnh từ ái đến bờ kia.

2. Mettā Upapāramī:

Sự rãi lòng từ ái đến tất cả chúng sanh, dù kẻ ấy có hảm hại đến các tứ chi lớn nhỏ của Ngài, như thế gọi là Ngài tu hạnh từ ái đến bờ trên.

3. Mettā Paramatthapāramī:

Sự rãi lòng từ ái đến tất cả chúng sanh, dù kẻ ấy có hảm hại đến sanh mạng của Ngài, như thế gọi là Ngài tu hạnh từ ái đến bờ cao thượng

Câu chuyện hiện tại:

Tại chùa Kỳ Viên (Jetavana), có một thanh niên con ông Bá Hộ xuất gia tu hạnh ở rừng 12 năm không kết quả. Sau được tin cha mẹ bị sa sút thành người ăn xin, tỳ kheo đó bèn từ rừng trở về, đi khất thực nuôi dưỡng cha mẹ, lắm khi tự nhịn ăn. Đức Thế Tôn biết được liền ngợi khen vị tỳ kheo đó như sau: "Người phụng dưỡng cha mẹ thật đúng đắn theo đường lối của Như Lai vậy", Thế Tôn mới dẫn tích đạo sĩ Suvannasāma là tiền kiếp của Như Lai trong quá khứ như sau:.

Câu chuyện quá khứ:

Có người nam tên Dukura và người nữ tên Pārikā

Được cha mẹ đôi bên đính hôn từ thưở nhỏ. Nhưng vì hai vị này từ cõi Phạm Thiên giáng sanh xuống làm người, nên không có sự luyến ái ngũ dục dù sống chung với nhau. Lúc cưới hỏi xong cả hai liền từ giả cha mẹ đi xuất gia làm đạo sĩ và đạo sĩ ni.

Vua trời Đế Thích hiểu rõ tiền nghiệp cả hai đạo sĩ ấy khi đến già cả hai sẽ bị mù mắt, không có người hộ độ nên hiện xuống yêu cầu hai vị gần gũi cho có con.

Đức Bồ Tát được sanh ra từ hai vị Đạo Sĩ đó và có tên là Suvannasāma. Lớn lên vừa biết được mọi việc thì cha mẹ bị mù. Ngài phụng dưỡng cha mẹ hết lòng, mỗi ngày vào rừng hái trái ngon ngọt dâng đến cha mẹ. Phần Ngài thì luôn khi tham thiền về "Tứ vô lượng tâm". Những loài thú thấy Bồ Tát có tánh hiếu đạo và nhất là hiền lành có từ tâm đối với mọi loài nên chúng hằng sống loanh quanh theo Ngài.

Một hôm trong khi đi lấy nước, Bồ Tát bị Đức vua Karaliyakkha xứ Bārānasī đi săn thú bắn nhầm. Vì tên có tẩm thuốc độc, làm cho Bồ Tát rất đau đớn, khổ sở, nhưng Ngài nghĩ rằng đây là quả khổ của nghiệp ác mà ta đã tạo, nên Ngài nhẫn chịu không oán trách chỉ than rằng: "Ai là người giết tôi? Từ khi tôi sanh ra đến nay được 16 tuổi. Cha mẹ tôi và tôi chẳng bao giờ làm điều ác. Nay tôi chịu chết đã đành nhưng rất thảm thương, cha mẹ tôi đều mù biết lấy ai nương nhờ, người là ai mà đến đây hại tôi thế này? Cha mẹ tôi chắc sẽ từ trần, vì không ai phụng dưỡng". Thở than bay nhiêu rồi Ngài bất tỉnh.

Đức vua nghe được hối hận lỗi mình làm, đi tìm hai vị đạo sĩ mù xin chịu lỗi và xin thay thế Bồ Tát nuôi dưỡng Cha Mẹ của Ngài.

Hai vị đạo sĩ sau khi nghe tin Bồ Tát chết, lấy làm thương cảm khóc than bèn nói lời chân thật và chú nguyện rằng: "Con của ta đây luôn thực hành tâm từ Ba La mật, là đứa con hiếu kính … Do lời chân thật này xin cho thuốc độc tiêu tan!"

Lúc ấy có nàng Thiên nữ từ núi Gandhamādana cũng bay đến phát lời chân thật nguyện rằng: "Tôi trú trên núi này rất lâu, chỉ có đạo sĩ Suvannasàma là nơi yêu mến vừa lòng của chúng sanh. Do oai lực lời chơn thật này, xin cho thuốc độc được tiêu tan." Liền khi ấy, nhờ đức tu trong sạch và tiền nghiệp đã hết nên Đức Bồ Tát được bình phục và hai mắt của cha mẹ Bồ Tát cũng được sáng tỏ như xưa.

Sau đó, Đức vua xin thọ giới tu theo Bồ Tát và trở thành vị đạo sĩ.

-ooOoo-

10. Bồ Tát NĀRADA hành pháp XẢ BA LA MẬT
UPEKKHĀ PĀRAMI

1. Upekkhā Pāramī:

Tâm của Bồ Tát an trú không thiên vị đối với tất cả chúng sanh, dù có ân đức hoặc vô ân với Ngài, hay vô ân đối với vợ con của Ngài chẳng hạn, như thế gọi là xã đến bờ bên.

2. Upekkhā Upapāramī:

Tâm của Bồ Tát an trú không thiên vị đối với tất cả chúng sanh, dù có ân đức hoặc vô ân với Ngài, nhất là đối với tứ chi lớn nhỏ của Ngài chẳng hạn, như thế gọi là xã đến bờ trên.

3. Upekkhā Paramatthapāramī:

Dầu có kẻ nào hại đến mạng sống hoặc cứu tử Ngài, nhưng Ngài vẫn giữ tâm điềm nhiên không xao động đối với những người ấy, như thế gọi là xã đến bờ cao thượng.

Câu chuyện hiện tại:

Một thưở nọ, Đức Thế Tôn ngự an trong rừng tre gần thành Rājagaha. Sau khi Ngài thuyết Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammaca-kkappavanasutta) xong, Đức Thế Tôn ngự đi hóa độ ba anh em Kassapa thờ cúng thần lửa, nhất là Uruvelakassapa bỏ tà kiến và xuất gia trong giáo pháp, quy y làm đệ tử của Đức Phật.

Đại chúng đến xem Đức Thế Tôn dùng uy lực thần thông phi thường để nhiếp phục Uruvelakassapa, rất lấy làm khâm phục và ngợi khen Đức Phật có nhiều uy đức.

Đức Thế Tôn nghe được những lời như thế bèn nói rằng: "Này chư thiện tín! Như Lai nay đã giác ngộ rồi, hóa độ Uruvelakassapa không có gì là lạ thường đâu. Thưở xưa, khi Như Lai sanh làm Nàrada Đại Phạm Thiên còn tham, sân, si, nhưng cũng đã chinh phục Uruvela-kassapa từ bỏ việc cúng dường thần lửa."

Câu chuyện quá khứ:

Thuở quá khứ có Đức vua hiệu là Aṅgati trị vì kinh đô Mithilā xứ Videha. Ngài có 3 vị đại thần đó là Vijeya, Sumāna Ālata, những vị này thường xuyên luận bàn về việc triều chính trong nước.

Đại thần Vijeya và Sumāna là người chánh kiến. Riêng Ālata là người có tà kiến hiểu sai theo kiến thức của thầy Bà la môn Gunājīvaka và thầy Vijakadāsa.

Đức vua có một nàng công chúa tên Rucādevī là quốc sắc, thiên hương, dù là nữ nhân nhưng đầy đủ trí tuệ và đại phúc đức nên Đức vua rất yêu mến, mỗi nữa tháng Ngài đều cấp cho công chúa 1000 lượng vàng để tạo phước tùy sở thích.

Các vị đại thần ấy hằng đem sự hiểu biết riêng biệt của mình mà tâu với vua lắm chuyện khác nhau.

Một hôm, vị đại thần Vijeya tâu rằng: xin bệ hạ hãy đi tìm kiếm để thân cận với các bậc Sa môn, Bà la môn hoặc bậc trí tuệ học cao hiểu rộng để được học hỏi và hành theo chánh hạnh. Đó là nơi trong sạch để được lợi ích trong đời này và kiếp sau.

Nhưng Đức vua lại nghe theo đại thần Ālata đến gặp thầy Gunājīvaka là người tà kiến, không biết pháp gì mà giảng bèn nói lời tà kiến rằng: "Chẳng có phước, chẳng có tội, không có quả báu, không có đời này, không có đời sau, dù có tinh tấn, bố thí, trì giới chỉ uổng công vô ích, không có thiên đàng hay địa ngục ..."

Lệ thường, vào ngày rằm, công chúa hay vào chầu vua cha. Nàng tâu: "Thưa phụ Hoàng! Ngày mai này là ngày Bát Quan trai giới có chư Thiên tụ họp, xin Phụ Vương cấp cho con 1000 đồng tiền vàng để con bố thí!"

Đức vua thấy con vào chầu, cùng ngồi chung với các bạn gái dung nhan xinh đẹp như ngọc nữ trên thiên cung, Vua rất hài lòng. Thường khi, Đức vua hay ban cho công chúa Rucā tiền của và nhắc nhở con bố thí. Nay Vua không cho nữa, vì tin theo tà sư thuyết rằng không có phước không có tội. Đức vua nói:

- Này Rucā, con đã bố thí nhiều rồi, nay con đừng bố thí nữa, hãy nghĩ ngơi vui hưởng vật chất. Trước kia cha không biết, tưởng lầm rằng bố thí là có phước mới khuyên con làm, nay cha được gặp thầy đạo sĩ Gunā là vị giáo sư cao quý chỉ dạy cho cha biết không có phước, không có tội, không có lợi ích...

Lúc ấy, công chúa nghĩ đến ân đức của phụ hoàng: "Ta chẳng nên phó mặc cho cha ta lỡ rơi mình vào trong địa ngục không gian (Lokantara - naraka) bởi vì tin theo thầy lỏa thể ấy." Công chúa thấy cha chấp chặt theo tà sư, mới thương hại phục tấu khuyên rằng:

- Xin phụ hoàng rộng lượng từ bi đừng tin theo lời ông Gunājīvaka ông ấy hiểu quấy, thấy sai, xin cha hãy từ bỏ tà kiến nếu không sẽ bị sa vào địa ngục không gian.

Tâu Phụ hoàng, thưở xưa bậc hiền trí có khuyên rằng, kẻ nào gần người si mê thì sẽ trở thành si mê tà kiến, phụ Vương thuộc dòng cao sang, có trí tuệ lại tin theo kẻ thấp hèn vô trí. Những lời của ông Gunājivaka là tội lỗi.

Tâu phụ hoàng! Con nhớ lại nhiều kiếp của con trong quá khứ, con xin hiến phụ hoàng nghe:

Trong kiếp quá khứ, con đã sanh làm người nam và đã hành động sái về tình dục với vợ kẻ khác. Con bị đọa vào địa ngục Roruva khổ một thời gian lâu dài, muôn phần thê thảm, không sao tả xiết. Sau khi mãn kiếp ra khỏi địa ngục cũng chưa hết tội con lại sanh làm lừa của vị đại thần, họ bắt thiến và dùng để cỡi hoặc kéo xe rất nặng nề, khó nhọc. Khi chết khỏi kiếp lừa lại tái sanh làm con khỉ đực trong rừng, rồi làm dê đực, làm bò đực, làm kiếp lừa, khi ra khỏi lòng mẹ không bao lâu cũng bị người ta đem thiến. Đây là do tội tà dâm trong kiếp trước.

Sau được tái sanh làm người, thời con bị sanh làm người bán nam bán nữ, rất nhiều kiếp nữa như thế, bây giờ đây con tái sanh làm con của phụ hoàng, lại là thân nữ, do nghiệp quấy khi xưa.

Xin tâu phụ hoàng, thiên đường địa ngục hẳn thật có rõ rệt lắm, xin Ngài tin đi.

Đức vua nghe xong lấy làm thương con lắm, song chưa có thể dứt ác tà kiến, bởi do thân cận với tà sư ngoại đạo.

Công chúa Rucā đã hết cách khuyên cha, bèn dùng lời nói chơn thật chú nguyện cầu khẩn: "Chư thiên nam, chư thiên nữ và chư vị phạm thiên, có tuệ nhãn với tâm từ bi rộng lớn, là bậc tịnh giả, (Sappurisa) xin tiếp cứu khổ cha con hết tà kiến." Lời cầu nguyện của công chúa cảm ứng đến vị Đại Phạm Thiên Nàrada là đức Bồ Tát của chúng ta. Ngài có tâm Đại bi vô lượng và có pháp không thiên vị đối với tất cả chúng sanh không phân biệt. Dù Đức vua là người tà kiến, nhưng Ngài cũng hóa thân làm đạo sĩ hiện xuống thuyết pháp cứu độ Vua, để đem hạnh phúc đến cho mọi người.

Khi thấy Phạm Thiên, Đức vua không thể nào ngồi trên bảo tọa được bèn ngự xuống nơi đất mà hỏi rằng:

Ngài có tướng mạo quang minh, sáng chói, Ngài là ai?

- Này Đại Vương, ta là vị trời Phạm Thiên.

Đức vua ngạc nhiên bèn hỏi rằng:

- Bạch Ngài, cõi Chư Thiên Phạm Thiên, cõi này và cõi khác có thật hay không?

- Này Đại vương có thật, Đức Đế Thích có thật, người mà không nhìn nhận thiện nghiệp là kẻ vô trí tuệ. Nếu Đại vương không có giới đức, không chân thật, Đại vương có tâm ác, lánh xa thiện pháp, từ trước đến giờ chỉ có si mê, tham sân, theo tà kiến tạo tội ác, thì không sao tránh thoát bốn đường ác đạo sau khi chết, sẽ phải sa vào địa ngục chịu khổ não muôn phần, lâu đời nhiều kiếp.

Rồi vị trời Phạm Thiên Bồ Tát diễn tả những cảnh khổ hải nơi địa ngục cho Đức vua nghe.

Nhờ thần lực của đức Bồ Tát, tất cả nhân dân trong thành Mithilā rộng hơn 6 do tuần, đều được nghe đức Bồ Tát Nārada giảng đạo. Đại chúng rất hân hoan sung sướng, cho rằng Bồ Tát có nhiều uy lực khiến cho Đức vua có thể bỏ tà kiến được.

Đức vua được nghe Bồ Tát giảng pháp như thế, kinh hãi vô cùng, mong tìm sự nương tựa nơi Bồ Tát, bèn tỏ lời khẩn cầu rằng:

- Tôi đã nhận biết mình là người si mê lầm lạc rồi, tôi rất sợ khổ trong địa ngục. Nay tôi không nơi nương nhờ, ví như người bị chìm thuyền trong biển cả, cầu Ngài từ bi cứu vớt tôi, từ bi thương xót chỉ dẫn tôi, giảng giải con đường trong sạch, để tôi tinh tấn thực hành theo.

Thấy Đức vua đã hối cải ăn năn, bỏ tà theo chánh, đức Bồ Tát bèn chỉ rõ con đường tu hành trong sạch, và dẫn dắt Đức vua như vầy:

Này Đại vương! Các đế vương thời xưa hằng bố thí đến các vị Sa môn, Bà la môn, nên sau khi tan rã ngũ uẩn đều được sanh lên sáu cõi trời Dục giới thiên. Do vậy Đại vương hãy bố thí, nên cho cơm nước, y phục đến những kẻ nghèo, cúng dường đến các vị tu hành chơn chánh. Các trâu, bò, ngựa đã già yếu, Ngài nên cho thả đừng bắt chúng kéo xe. Với những quan quân già yếu, Đại vương phải cho nghĩ ngơi và ban ân huệ nhiều hơn trước. Do phước báu bố thí, Đại vương sẽ được thiên hạ yêu mến quý kính, tương lai sẽ được sanh làm người giàu sang phú túc, của cải dồi dào và được sanh về cõi trời.

Tuy nhiên, trì giới có nhiều quả báu hơn bố thí. Giới làm cho người được tinh khiết khỏi phiền não. Giới có thể giúp chúng sanh thoát khỏi bốn đường ác đạo. Giới cũng giúp chúng sanh đến cõi trời và Níp Bàn.

Hãy chế ngự thân, đừng làm nghiệp dữ, đừng sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Hãy chế ngự miệng đừng nói chuyện nhiều, chỉ nói những lời hữu ích, ngay thật, hiền lành, nhã nhặn. Hãy có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tìm nghe thuyết pháp, đừng để ác pháp phát sanh lên. Hãy tu thiền, đừng để tâm phóng túng theo trần cảnh, tinh tấn tu tập để trí tuệ phát sanh diệt trừ phiền não, nhất là tà kiến, ngã mạn.

Muốn cho các đức tánh ấy mau tiến hóa, cần phải thân cận bậc trí tuệ, làm người dễ dạy, thật tâm vâng theo lời chỉ giáo của các Ngài, đó là điều cần thiết.

Đức Bồ Tát khuyến giáo vua từ bỏ tà kiến như thế, rồi khuyên Đức vua thọ trì Bát quan trai giới. Ngài cũng tỏ lời ngợi khen công chúa và khuyên bảo các cung nữ, rồi Ngài trở về cõi Phạm Thiên.

Khi ấy Đức vua diệt trừ tà kiến, thực hành theo giáo huấn của đức Đại Phạm thiên Bồ Tát Nārada. Từ đó, Đức vua dứt của vương sản bố thí luôn khi, nguyện trì giới và tu thiền, sau khi thăng hà vua được sanh lên cõi thiên cung.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02

 

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
24-06-2005