BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


THIỀN MINH SÁT BẰNG TIẾNG VIỆT THÔNG THƯỜNG

 Trưởng Lão (Bhante) Henepola Gunaratana
Chơn Quán Trần Ngọc Lợi dịch


  

 Chương 10

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

Mọi người thiền đều gặp phải vấn đề. Bạn cũng vậy. Vấn đề xất hiện dưới nhiều hình thức nên bạn khó tránh khỏi. Gặp vấn đề, bạn nên giải quyết và học hỏi hơn là trốn tránh. Mẹo chánh để đối trị với vấn đề xảy ra là chọn thái độ đứng đắn.

Lý do chúng ta bị lún vô vũng bùn đời là vì chúng ta tìm cách chạy theo dục vọng và lẫn tránh khổ đau. Trong đời buồn vui lẫn lộn. Không có niềm vui nào mà không có chút đau khổ đi kèm theo. Bạn có lúc vui, lúc buồn, lúc hân hoan, lúc sợ hãi. Thiền giúp bạn cơ hội thí nghiệm để bạn có thể quan sát hội chứng đó và chọn phép chế ngự nó.

Vì vậy, bạn đừng ngạc nhiên khi gặp phải kinh nghiệm mà bạn có cảm tưởng như một vạn lý trường thành. Cũng đừng nghĩ rằng chỉ có mình bạn mới gặp trường thành đó. Mỗi thiền giả đều có một bức trường thành riêng. Nó có sẵn đó rồi và hiện diện liên tục. Bạn nên sẵn sàng ứng phó thì hơn. Và khả năng ứng phó tùy thuộc nơi thái độ của bạn. Nếu bạn xem các khó khăn là cơ hội để học tập, bạn là người tiến bộ vậy. Đối phó với những vấn đề xảy ra trong lúc hành thiền là một cách rèn luyện để bạn đối phó hữu hiệu với nhiều vấn đề to lớn hơn trong đời. Nếu bạn tìm cách tránh né mỗi lần gặp phải khó khăn là bạn nuôi dưỡng những tập quán gây cho đời bạn thêm khổ não.

Phải tìm cách giải quyết những khía cạnh kém vui của cuộc sống. Rất quan trọng. Nhiệm vụ của bạn là phải nhẫn nhục với mình, phải nhìn mình bằng mắt không có thiên kiến và nhìn phiền não một cách trọn vẹn. Bạn phải biết tử tế với mình. Trực diện với phiền não, về lâu về dài, là một cách đối xử tử tế với bạn đó. Nghịch lý nhưng là sự thật. Thông thường, khi có vấn đề xảy ra, người ta thường lẩn tránh bằng cách dùng sự tự kỷ ám thị (autosuggestion) và tự nói với mình rằng nó dể chịu thay vì khó chịu. Đức Phật dạy cách ngược lại. Thay vì dấu hay bóp méo, quan sát chúng tới cùng. Phật giáo khuyên bạn không nên tạo ra cảm thọ mà bạn thật sự không có hay trốn tránh cảm thọ mà bạn đang có. Nếu bạn khốn khổ, bạn khốn khổ; đó là sự thật, đó là gì đang xảy ra, nên đối đầu với nó. Nhìn thẳng vào nó không nháy mắt. Khi bạn gặp khó khăn, quan sát sự khó khăn bằng tỉnh thức, nghiên cứu nó, và tìm hiểu sự vận hành của nó. Muốn ra khỏi bẫy, phải tìm hiểu bẫy được thiết kế thế nào. Bạn làm vậy bằng cách tháo tung bẫy ra; bẫy bị tháo tung không còn bẫy được nữa. Kết quả là bạn được tự do.

Điểm vừa nói rất quan trọng nhưng rất ít được hiểu rõ. Người có tầm hiểu biết không sâu về Phật giáo thường cho Phật pháp là những lời dạy yếm thế, luôn luôn nói về khổ đau, và khuyên nên suy tư về sanh, lão, bệnh, tử. Phật tử chơn chánh, trái lại, không yếm thế bao giờ. Họ biết khổ xảy ra trên thế gian không thể tránh được, rồi tìm cách đối trị khổ, họ đâu có thái độ yếm thế mà rất thực tế và lạc quan. Bạn phải sử sự thế nào trước cái chết của người thân? Bạn có cảm giác gì nếu bạn bị mất mẹ vào ngày mai? Hoặc chị hay người bạn thân của bạn ra đi? Thữ nghĩ, nếu bạn mất việc, mất hết tiền bạc dành dụm, bạn sẽ thế nào? Cùng lúc ấy bạn mất luôn hai bàn tay làm việc của bạn, có thể nào bạn trực diện với ý nghĩ suốt đời ngồi trên xe lăn không? Bạn bị ung thư vào thời kỳ cuối, bạn nghĩ thế nào về cái chết gần kề? Bạn có thể không gặp những hoàn cảnh đó, nhưng không thể tránh tất cả. Ai trong chúng ta cũng có lúc mất ngưới thân hay bạn; có lúc bịnh; và rốt cuộc ai cũng chết. Bạn muốn sống đau khổ triền miên với các khổ đau ấy hay bạn muốn nhìn thẳng rồi giải quyết--sự chọn lựa do nơi bạn đó.

Đau không thể tránh, nhưng khổ thì có thể. Đau và khổ là hai dã thú riêng biệt. Nếu một trong những tai ương ví dụ trên đến với bạn, bạn sẽ khổ. Tập quán đang chi phối tâm bạn sẽ nhốt bạn trong cái lồng khổ ấy và bạn không có cách nào thoát nổi. Hãy dành một chút thời giờ tìm hiểu một vài lối khác khả dĩ thay thế con đường của tập quán, rồi bạn sẽ thấy. Người ta thường có khuynh hướng tìm cách gia tăng dục lạc và làm giảm khổ đau. Phật giáo không khuyên bạn đừng làm vậy. Được tiền tài và an lành, rất tốt. Tránh đau, rất nên. Tuy nhiên, Phật giáo khuyên bạn nên dành chút ít thì giờ và sinh lực để học cách đối phó với phiền não, vì có nhiều phiền não không thể tránh được.

Khi thấy xe tải (phiền não) đâm sầm tới, bạn phải nhảy bằng mọi cách. Nhưng rồi bạn cũng nên dành thì giờ cho thiền nữa, bởi vì học đối đầu với phiền não (bằng thiền) là cách duy nhứt giúp bạn sẵn sàng để tránh chiếc xe tải vô hình trong tâm bạn.

Lúc bạn vào thiền vấn đề thường sanh khởi. Chúng có nguồn gốc từ thân hoặc từ tâm; có một số liên hệ tới thái độ. Mỗi loại có phản ứng riêng biệt nhưng bạn có thể ứng xử với bất kỳ loại nào. Làm việc với chúng là cơ hội để bạn giải thoát mình.

VẤN ĐỀ 1: THÂN ĐAU

Khôn ai thích thân mình bị vầy vò đau đớn, vậy mà mọi người đều đã biết đau là gì. Nó là một kinh nghiệm rất thông thuờng của người đời, và có thể xảy ra ngay lúc bạn ngồi thiền. Hãy giải quyết chúng qua hai giai đoạn. Trước tiên, tìm cách giảm thiểu chúng tối đa; nếu còn đau, trong giai đoạn hai, dùng chúng làm đối tượng của thiền.

Giai đoạn một là diệt đau bằng phương pháp vật lý trị liệu. Ví như bạn dùng thuốc để trị nhức đầu, nóng lạnh, trầy tay, vân vân, trước khi ngồi xuống thiền. Trong trường hợp bị khó chịu vì ngồi lâu (có một số đau nhức không thể tránh được khi ngồi lâu), bạn nên tìm nguyên nhân rồi chỉnh sửa. Nếu bị tê chân hay đầu gối, xem lại quần coi có chật quá không? Nếu quần chật hay bằng vải dày, đi thay quần. Cũng cần xem gối kê; chỉ nên ngồi trên gối cao chừng một tấc (lúc gối bị ngồi xẹp xuống còn một tấc). Nếu đau ngang thắt lưng, nới dây nịt hay dây lưng quần. Cũng có thể là thế ngồi của bạn không đúng; phải thẳng lưng (nhưng đừng gồng); ngồi cong lưng thế nào cũng bị đau lưng. Đau cổ hay đau vai có thể do để tay không đúng thế; phải đặt hai tay nằm thoải mái trên đùi; đừng kéo chúng lên khỏi thắt lưng; để thỏng tay và thư giãn cơ cổ; đừng ngồi chồm ra phía trước mà hãy để đầu thẳng đứng với cột sống.

Sau khi thay đổi thế như chỉ trên mà bạn còn bị đau, hãy sang giai đoạn hai: dùng cái đau làm đối tượng thiền. Nhưng xin đừng quá hớn hở. Hãy dùng tỉnh thức để biết rõ và thấy rõ bản chất của cái đau là gì. Khi bị đau thật đau, bạn không còn chú ý nơi hơi thở được nữa. Bạn đừng chống lại mà chỉ ghi nhận cảm giác đau, rồi kinh nghiệm cái đau, và quan sát cảm giác đau ấy. Bạn nên đi sâu vô, qua khỏi phản ứng tránh đau, đến tận cảm giác đau nằm ngay dưới phản ứng tránh đau đó. Bạn sẽ khám phá hai điều: thứ nhứt là cảm giác đau đơn thuần, tức cái đau; thứ hai là sự chống lại cảm giác đau đó. Chống đau có tánh cách vừa vật lý vừa tâm lý. Phần vật lý gồm sự làm căng các cơ nơi và chung quanh vùng bị đau. Hãy thư giãn từng cơ một và thư giãn hoàn toàn. Sau bước nầy bạn có thể bớt đau nhiều lắm rồi đó. Kế tiếp, quay sang khía cạnh tâm lý của sự chống đau. Trong lúc bạn gồng (tức làm cơ nơi chỗ đau căng thẳng) để tránh đau, bạn cũng làm tâm bạn căng thẳng luôn. Tâm bạn giữ chặt cảm giác đau để tìm cách thanh lọc và thảy nó ra khỏi tâm thức. Sự chống lại cái đau không có lời để mô tả chính xác và là thái độ của "Tôi không thích cảm giác đó" hay "Hãy đi đi". Nó rất vi tế. Nhưng nó có đó và bạn sẽ thấy nó nếu tìm nó. Tìm nó và thư giãn nó luôn.

Bước tâm lý vừa nói trên rất tế nhị. Không có lời nào diễn tả nó một cách chính xác cả nên tôi xin thử dùng phép loại suy (analogy) sau đây cho dễ hiểu. Quan sát những gì bạn đã làm cho các cơ bị căng thẳng, rồi áp dụng các động tác đó lên lãnh vực tâm linh; thư giãn tâm bằng cách mà bạn đã dùng để thư giãn thân. Theo tinh thần Phật giáo, thân và tâm là một phức hợp, một sự thật khiến nhiều người không bao giờ coi sự thư giãn thân tâm là hai bước riêng biệt. Đối với họ, thư giãn thân là thư giãn tâm, và ngược lại. Do đó họ kinh nghiệm sự thư giãm hoàn toàn, thân và tâm cùng một lúc. Bất luận thế nào, chỉ cần thư giãn hoàn toàn cho đến khi sự tỉnh giác của bạn vận hành chậm lại và buớc qua chướng ngại do bạn dựng lên. Chướng ngại ấy là cái hố, cái khoảng cách giữa ta và người, giữa "'ta" và "cái đau". Triệt tiêu khoảng cách ấy, sự phân biệt sẽ tan biến. Bạn chậm lại trong biển cảm giác lặng dần kia rồi hòa hợp với cái đau. Bạn trở thành cái đau. Bạn nhìn nó tăng giảm rồi không còn cảm thấy đau nữa. Cái khổ vì đau không còn nữa. Chỉ còn cái đau, một chứng nghiệm, không hơn không kém. Cái "tôi" bị đau không còn nữa. Kết quả là bạn hết đau.

Tiến trình trên cần thời gian mới có kết quả. Lúc đầu, bạn có thể loại trừ một ít đau đớn lặt vặt, còn với những đau đớn to lớn chắc bạn chưa thể vượt qua. Nhưng thành công sẽ đến với sự tập tành. Cũng xin bạn hiểu cho rằng phương pháp tôi vừa chỉ không phải là một sự hành xác. Cũng không phải là sự đi tìm khoái lạc trong đau khổ (masochism).

Đây là một sự thực tập về tỉnh giác chớ không phải về ác đạo (sadism). Nếu cơn đau trở thành nhức nhối, thay đổi thế ngồi; nhưng nên thay đổi chầm chậm và tỉnh thức. Theo dõi mọi hành động khi thay đổi. Xem bạn có cảm giác gì khi thay đổi thế. Quan sát kết quả. Không nên chuyển đổi nhiều quá để giữ yên sự tỉnh thức, bởi càng chuyển đổi nhiều càng dễ bị xao lãng. Người mới thiền nhiều khi không thể kiềm giữ sự chú ý khi đau nhức tới. Khó khăn này phát xuất từ sự hiểu lầm. Họ xem tỉnh thức và cái đau là hai kinh nghiệm riêng biệt. Không đúng vậy. Tỉnh thức không bao giờ tự hiện diện nếu không có một đối tượng, đối tượng gì cũng được. Đau là một trạng thái tâm linh. Bạn có thể tỉnh giác về cái đau cũng như bạn tỉnh giác về hơi thở.

Qui tắc trình bày trong chương 4 có thể áp dụng cho bất cứ trạng thái tâm linh nào. Bạn chỉ cần cẩn thận không nên đi xa hơn cảm giác. Đừng thêm gì vào đó và cũng đừng nhìn thiếu phần nào cả. Đừng lầm lẫn cái kinh nghiệm thuần túy với quan niệm hay hình ảnh của sự suy tư. Và phải giữ sự tỉnh thức trong giây phút hiện tại, ngay với cơn đau, để biết rõ lúc bắt đầu cũng như lúc chấm dứt của nó. Không được nhìn rõ ràng bằng sự tỉnh thức, cơn đau sẽ tạo nên nhiều xúc cảm như lo âu, sợ hãi, hay giận giỗi. Nếu cơn đau được nhìn thấy rõ ràng bằng tỉnh thức, các xúc cảm kia không thể xãy ra. Cơn đau chỉ là một cảm giác, một hình thức năng lượng thông thường. Khi học được phép đối trị cơn đau thể xác, bạn có thể áp dụng phép đó trong mọi trường hợp, ví như cho cảm giác bất an, lo âu, hay trầm cảm kinh niên, vân vân. Phương pháp này rất hữu dụng trong đời. Đó cũng là sự nhẫn nhục.

VẤN ĐỀ 2: CẶP GIÒ ĐI NGỦ

Người mới thiền hay bị tê chân; cặp giò họ đi ngủ! Chỉ vì họ chưa quen với thế ngồi tréo chân. Nhiều người rất bâng khuâng và muốn đứng dậy đi tới đi lui. Một ít lo bị phù chân vì tưởng mạch máu dẫn đến đó bị nghẻn. Tê chân là do dây thần kinh bị ép chớ phông phải do thiếu máu; bạn không có gì phải lo lắng cả. Các cơ chân của bạn không hề hấn gì đâu; bạn yên tâm. Khi bị tê, bạn hãy quan sát hiện tượng tê, xem nó như thế nào. Nó có thể khó chịu, nhưng sẽ không đau nếu bạn không làm nó căn thẳng. Chỉ yên lặng quan sát nó. Tê có thể kéo dài suốt suất thiền, nhưng chân bạn chẳng sao hết. Sau khi thiền một thời gian, bạn sẽ hết tê chân, bởi cơ thể con người có khả năng thích nghi với sự luyện tập hằng ngày. Sau đó, bạn có thể ngồi lâu thật lâu mà không thấy tê chân tê cẳng gì ráo.

VẤN ĐỂ 3: CẢM GIÁC LẠ THƯỜNG

Người thiền có thể kinh nghiệm đủ thứ cảm giác. Người nghe ngứa, người nghe nhột, người có cảm giác thư giãn, nhẹ nhàng, hay lâng lâng. Bạn có thể có cảm tưởng mình lớn ra, hay nhỏ lại, hay bay bổng. Người chưa đủ kinh nghiệm thiền thường hay phấn khởi với các cảm giác ấy bởi tưởng mình đã đạt. Nên biết rằng khi thư giãn, hệ thần kinh có cơ hội truyền tín hiệu hữu hiệu hơn. Rồi nhiều dữ kiện bị giam hãm trước đây có dịp tuôn ra, tạo nên nhiều cảm giác khác nhau chớ những cảm giác ấy thật sự không có ý nghĩa gì đặc biệt hết. Chỉ thuần túy là cảm thọ. Do đó, chỉ cần áp dụng phép đã học: nhìn chúng đến rồi đi; không can dự vào.

VẤN ĐỀ 4: BUỒN NGŨ

Buồn ngủ là một trạng thái rất thông thường của người thiền. Bạn ngồi yên lặng và thư giãn, tức bạn đang ở trong trạng thái thường tình của giấc ngủ. Dĩ nhiên bạn cảm thấy buồn ngủ, chỉ là vậy thôi. Khi gặp tình trạng này, áp dụng tỉnh thức và chú ý vào sự buồn ngủ. Sự buồn ngủ có một số đặc tính riêng ảnh hưởng tới tiến trình tư duy; hãy tìm xem chúng là gì. Lúc buồn ngủ, thân thể cũng có cảm giác bị ảnh hưởng; cũng quan sát các cảm giác ấy luôn. Bạn tỉnh thức đi lục lọi, thế là bạn hết buồn ngủ, vì tỉnh thức là đối nghịch của buồn ngủ.

Nếu bạn vẫn còn buồn ngủ, nên lưu ý đến lý do vật chất. Vừa ăn no, bạn có thể dễ buồn ngủ. Vừa khiêng xong đống gạch, bạn mệt mõi và dễ buồn ngủ. Thiếu ngủ, bạn cũng dễ ngủ gục trong lúc thiền. Nếu là vậy, bạn phải chăm lo cho thân xác bạn trước khi ngồi xuống thiền.

Trong lúc thiền, đừng chịu thua sự buồn ngủ. Và đừng vừa ngủ vừa thiền vì hai sự việc này không thể đi đôi. Bạn không thể đạt được chút nội quán nào trong giấc ngủ, chỉ trong thiền mà thôi. Nếu bạn buồn ngủ, hãy hít thật sâu và giữ hơi thở càng lâu càng tốt. Xong thở ra chầm chậm. Hít một hơi thở sâu thứ nhì, giữ lại một đỗi, rồi thở ra chậm. Lập lại nhiều lần cho đến khi bạn cảm thấy ấm lên, và sự buồn ngủ sẽ biến mất. Xong, trở lại với hơi thở.

VẤN ĐỀ 5: KHÔNG THỂ TẬP TRUNG

Thỉnh thoảng người thiền có thể kinh nghiệm một số trạng thái phấn khởi đặc biệt. Những trường hợp này sẽ được đề cập nơi chương nói về xao lãng. Cũng nên biết có nhiều yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến hiện tượng đó. Và cách giải quyết tốt nhứt là thay đổi thời khóa.

Tưởng tượng là những tâm sở có thể tồn tại rõ rệt trong tâm một khoảng thời gian. Kỷ thuật kể chuyện là một ví dụ điển hình. Người kể khéo léo tạo ra một số nhân vật và hình ảnh gây ấn tượng trong tâm. Nếu bạn có dịp đi xem một phim hay, hình ảnh trong phim sẽ được "nhớ lại" trong lúc bạn thiền. Đọc sách kinh dị, bạn có cơ "thấy lại" hình ảnh yêu quái trong các suất thiền. Do đó, bạn nên thay đổi thứ tự, tức là thiền trước rồi hẵng đi xem phim hay đọc sách.

Một yếu tố có ảnh hưởng quan trọng khác là cảm thọ. Nếu bạn gặp một sự xung đột nào đó trong cuộc sống thường ngày, xung đột ấy sẽ tái xuất hiện (cảm nhận lại) trong lúc bạn thiền. Bạn nên giải quyết các khó khăn hằng ngày trước, nếu được, rồi hẵng ngồi xuống thiền. Làm vậy, đời bạn sẽ trôi chảy dễ dàng hơn và bạn khỏi phải nghĩ ngợi gì trong lúc thiền. Lời khuyên này dĩ nhiên không có nghĩa là bạn nên hoản thiền chờ giải quyết xong các vấn đề trước, bởi ai cũng biết làm sao giải quyết được hết mọi vấn đề thường nhựt! Cứ ngồi xuống rồi dùng thiền xả ly các thái độ tự kỷ đang giam hãm bạn trong cái tôi của bạn. Có nhiều lúc bạn có cảm tưởng như tâm mình không bao giờ ngơi nghỉ mà bạn không biết tại sao. Không có gì lạ hết, thiền có chu kỳ của nó, có ngày tốt cũng có ngày xấu.

Thiền minh sát trên căn bản là một sự thực tập về tỉnh thức. Trút hết cho tâm trống rỗng không bằng biết rõ tâm đang làm gì. Nếu bạn lo lắng không biết phải làm sao cho tâm không động, cứ quan sát là đủ rồi. Hãy dùng cái động của tâm làm một đề tài quan sát. Vậy thôi.

VẤN ĐỀ 6: BUỒN CHÁN

Thông thường ai cũng nghĩ rằng không có gì nhàm chán hơn là ngồi im lặng một chỗ hằng giờ để chỉ nghe hơi thở mình ra vô qua mũi. Bạn có thể chán. Nhiều người khác cũng vậy. Buồn chán là một tâm trạng và nên được giải quyết như một trạng thái của tâm bằng một số phương cách như sau:

Phương cách A: Lập lại sự tỉnh giác thực sự

Lúc nào bạn thấy sự theo dõi hơi thở là một việc làm nhàm chán, lúc ấy bạn không còn sự tỉnh thức chân chánh nữa. Vậy hãy quan sát lại hơi thở, đừng nghĩ rằng bạn đả hiểu thấu bản chất của hơi thở và đã biết hết về hơi thở rồi. Nếu bạn có ý nghĩ ấy tức là bạn đã quan niệm tiến trình của hơi thở chớ không thật sự quan sát cái thực thể sống đó. Khi bạn thật sự quán xét hơi thở (hay bất kỳ đối tượng nào), bạn tỉnh thức và không thể buồn chán được. Sự tỉnh thức nhìn sự vật bằng con mắt của trẻ thơ và với sự kinh ngạc. Tỉnh thức nhìn mỗi giây như giây đầu tiên và duy nhứt của vũ trụ. Bạn hãy thử nhìn lại xem.

Phương cách B: Quan sát tâm trạng của bạn

Nhìn vào sự buồn chán của bạn bằng chánh niệm. Buồn chán là gì? Buồn chán ở đâu? Buồn chán như thế nào? Nó gồm các thần phần (pháp) danh hay sắc nào? Nó ảnh hưởng tiến trình tư duy của bạn như thế nào? Hãy xem xét sự buồn chán như bạn mới kinh nghiệm nó lần đầu tiên.

VẤN ĐỀ 7: SỢ HÃI

Tâm sợ hãi xảy ra trong lúc thiền thường không có lý do rõ ràng. Hiện tượng này thông thường, nhưng nguyên nhân của nó rất khác biệt. Một sự dồn nén lâu ngày cũng có thể là một nguyên nhân. Nên biết rằng trong quá trình hình thành, một niệm (ví như niệm sợ hãi) dấy lên trong tiềm thức trước tiên, nhưng phần cảm xúc của niệm rò rĩ ra tâm thức khá lâu, trước khi niệm thực sự xuất hiện. Nếu bạn ngồi suốt quá trình của niệm sợ hãi, ký ức tự nó có thể ghi nhận ngay lúc mà bạn có thể chịu đựng được cái cảm xúc sợ hãi đó. Ký ức nhớ lại "sự chịu đựng đuợc" sẽ giúp bạn vượt qua sự sợ hãi.

Bạn cũng có thể làm việc trực tiếp với "cái sợ" mà tất cả ai cũng đều sợ là "sự sợ hãi cái không biết". Vào một lúc nào đó của lộ trình thiền, bạn có thể bị vấn rằng bạn đang làm gì đây. Bạn đang đập tan đôi kính ảo tưởng mà bạn thường dùng để nhìn đời; đôi kính từng ngăn che không cho bạn thấy "sự thật như là". Bây giờ bạn thiền tức là bạn đối diện với sự thật. Bạn sợ là phải. Nhưng trước sau gì cũng phải đối diện, vậy hãy đi thẳng vào vấn đề, đừng sợ.

Trường hợp thứ ba: bạn sợ hãi vì bạn tạo ra cái sợ hãi đó. Cái sợ hãi do bạn tạo ra xuất phát từ sự tập trung chú ý không đúng cách của bạn. Ví như bạn đang có một lập trình trong tiềm thức để "xem xét một cái gì đó sẽ xảy ra". Bấy giờ có ảo tưởng sợ hãi chợt đến, sự chú ý của bạn bỏ đối tượng dự tính và quay sang dán chặt vào ảo tưởng sợ hãi. Ảo tưởng sợ hãi vô tình được tiếp tế bằng năng lượng của sự chú ý và phát triển. Kết quả là sự sợ hãi xãy ra. Trong lộ trình nầy, sự tỉnh thức có năng lực yếu, chớ nếu có đủ năng lực, nó sẽ ghi nhận sự đổi hướng của sự chú ý ngay khi bắt đầu, rồi giải quyết theo cách thông thường. Bất luận sợ hãi từ đâu đến, tỉnh thức đều là liều thuốc trị nó. Bằng tỉnh thức, bạn quan sát và hiểu rõ các cảm thọ đi theo đó. Đừng can dự vào mà nên xem mình như một người quan sát bàng quan. Điều quan trọng nhứt là đừng đấu với hay xóa bất cứ ký ức, hay cảm thọ, hay ảo tưởng nào. Hãy đứng qua một bên để chúng nổi lên rồi tắt lịm. Bạn không bị hề hấn gì đâu. Chỉ là ký ức, chỉ là ảo tưởng, chỉ là sự sợ hãi đơn thuần.

Khi bạn cho chúng dịp nổi lên trong tâm thức bạn, chúng sẽ không chìm lại trong tiềm thức nữa và sẽ không trở lại ám ảnh bạn về sau. Chúng sẽ lặn mất tiêu luôn.

VẤN ĐỀ 8: BỊ ĐỘNG

Bồn chồn là một biễu hiện của sự che dấu kinh nghiệm hiển thị trong tiềm thức. Con người thường có khuynh hướng hay che dấu. Thay vì đối diện với ý tưởng không vui thích, chúng ta hay tìm cách vùi nó xuống một nơi nào đó. Tưởng rằng sẽ tránh được, nhưng không mấy khi thành công, nhứt là thành công trọn vẹn. Chúng ta dấu nhưng năng lượng dùng để chôn nó có sẵn đó để tiếp sức cho nó. Kết quả là sự bồn chồn xảy ra. Chúng ta không thư giãn được, không cảm thấy thoải mái. Khi gặp phải tình trạng này trong lúc thiền, bạn hãy quan sát nó. Đừng để nó lấn áp bạn. Đừng trốn chạy. Đừng tranh với nó và cũng đừng xua đuổi nó. Để tự nó trồi lên cho bạn thấy biết là cái gì đã làm bạn khó chịu.

Kinh nghiệm khó chịu mà bạn tìm cách xóa bỏ kia có thể là bất cứ cái gì: tội lỗi, tham ái hay khó khăn. Cũng có thể là một chứng bịnh sơ sơ hay cơn bịnh sắp đến. Dầu là gì, cũng nên để chúng nổi lên và dùng chánh niệm quan sát chúng. Nếu bạn chỉ ngồi yên và quan sát, chúng sẽ đi qua. Bạn sẽ thấy sự bồn chồn chỉ là một tình trạng tâm linh hời hợt, vốn rất phù du, đến rồi đi một cách dễ dàng. Nó không thể tác hại bạn được.

VẤN ĐỀ 9: CĂN THĂNG

 Người thiền lâu năm thường có tánh tình cởi mở, vui vẻ. Họ hay hài hước, một đặc tính quý báu của con người--không phải cái tính nói năng diễu cợt hời hợt của các hoạt náo viên đâu nhá. Họ có thể tự cười với những thất bại của họ. Họ có thể cười mĩm với những tai ương đến với họ. Còn người mới thiền thường có phong thái nghiêm nghị. Họ ít biết cười. Bạn nên thư giãn trong lúc thiền. Bạn nên đi theo dòng. Bạn không thể trôi theo những gì xảy ra nếu bạn cứng nhắc[1]. Người mới thiền thường hay mong cầu; họ muốn kết quả ngay. Họ tự thúc bách, họ bị căn thẳng. Nên biết sự căn thẳng là đối cực của tỉnh thức. Vì vậy mà họ đạt được ít kết quả. Rồi họ cho rằng thiền không thú vị và muốn dẹp thiền qua một bên. Cần nên nhắc lại rằng chỉ học thiền bằng cách thiền. Thiền dạy bạn hiểu thiền là gì và đi đến đâu, bằng kinh nghiệm trực tiếp. Thiếu kinh nghiệm, người mới thiền không biết họ sẽ đi về đâu vì họ không biết thiền đi về đâu.

Mong cầu của người mới thiền vốn không thực tế và thiếu căn bản hiểu biết. Thiền mẫn cán quá sẽ dẫn người mới thiền đến sự cứng nhắc và không thích thú, đến sự cảm thấy tội lỗi và tự kết tội mình. Lúc bấy giờ, cố gắng của bạn trở nên máy móc và làm chết sự tỉnh thức trước khi nó bắt đầu. Bạn nên bỏ tất cả. Bỏ mong cầu và cố gắng qua sức. Chỉ cần thiền đều đặn. Nên vui khi ngồi xuống thiền. Cần tỉnh thức. Để cho thiền giải quyết các chuyện tương lai.

VẤN ĐỀ 10: NẢN CHÍ

Hậu quả của cố gắng quá độ là sự nản chí. Bạn bị căn thẳng, bạn không tiến được, bạn đâm ra chán nản, bạn nghĩ mình thất bại. Lẩn quẩn. Nhưng vòng lẩn quẩn này có thể tháo gở được, bởi nguyên nhân của nó là mong cầu quá đáng. Bạn đã được khuyên ngay từ lúc đầu không nên mong cầu nhưng mong cầu là một hội chứng thường tình, nên bạn đừng ngạc nhiên khi thấy nó đến với bạn. Đã biết vấn đề rồi, thì sẽ có giải pháp cho vấn đề. Khi cảm thấy chán nản, bạn hãy quan sát tâm trạng bạn một cách rõ ràng. Nên nhớ chỉ quan sát chớ không thêm bớt gì cả. Cảm tưởng thất bại cũng chỉ là một phản ứng tâm lý nhứt thời. Nếu bạn can dự vào, bạn sẽ thêm sức cho nó, và nó sẽ phát triển. Nếu bạn đứng nhìn, nó sẽ đi qua.

Bạn nản chí vì nghĩ mình thất bại với thiền? Bạn có cảm tưởng bị thất bại trong việc thực hành, hay thất bại trong việc tỉnh giác? Không có gì khó giải quyết hết. Chỉ cần tỉnh thức về cảm tưởng thất bại đó rồi lập lại sự tỉnh thức về bước thất bại đó. Ý nghĩ thất bại đó là một ký ức hơn là một sự thất bại thực sự. Trong thiền không có cái gọi là "sự thất bại". Có khó khăn, có vấn đề, nhưng không có "sự thất bại", ngoại trừ bạn bỏ thiền luôn. Dầu bạn mất hai mươi năm dài không đi đến đâu hết, bạn có thể thỉnh thức bất cứ lúc nào bạn muốn. Không hối hận. Hối hận chỉ là một cách không tỉnh thức khác mà thôi. Khi bạn nhận thức được rằng mình không tỉnh thức chính là lúc bạn tỉnh thức. Do đó, không còn nản chí nữa, và tiếp tục. Đừng bị nhiễu loạn vì một phản ứng tâm lý.

VẤN ĐỀ 11: KHÔNG MUỐN THIỀN

Có lúc bạn không muốn ngồi xuống thiền. Cái ý nghĩ đó chính nó thật không hay chút nào hết. Mất một suất thiền thật sự không có gì quan trọng, nhưng là đầu mối của thói quen. Do đó, gạt bỏ cái ý không muốn, ngồi xuống, và quán sát cái ý không muốn đó. Trong hầu hết trường hợp, đó là một cảm xúc phù du, tan biến trong nháy mắt. Nó biến mất sau khi bạn ngồi xuống. Trong trường hợp khác, như một ngày không đẹp trời chẵng hạn, nó kéo dài lâu hơn. Bạn giải quyết nó cũng bằng cách ngồi xuống, hành thiền 20-30 phút, hơn là cưu mang nó suốt ngày. Rồi nó cũng sẽ tan. Lần khác, bạn không muốn thiền có thể vì một vài khó khăn gặp phải trong lúc hành thiền. Nếu bạn biết khó khăn đó là gì thì giải quyết theo cách chỉ dẫn trong sách này. Khi khó khăn hết, ý không muốn thiền cũng chấm dứt. Nếu bạn không biết, cũng cứ ngồi xuống thiền (chớ đừng bỏ suất) và quan sát. Có thể nguồn gốc của khó khăn sẽ hiển lộ, và bạn ứng xử với nó. Hết suất thiền, khó khăn kể như đi qua.

Nếu ý không muốn thiền của bạn kéo dài nhiều ngày, bạn nên nghĩ đến những sai trái tế nhị trong thái độ thiền căn bản của bạn. Thiền không phải là một nghi thức, hay một thực tập gây đau đớn, hay một thời khoảng gây nhàm chán mà bạn bị bắt buộc phải thực hành. Thiền là tập tỉnh thức, một cách nhìn mới, một trò chơi. Thiền là bạn. Hãy nghĩ như vậy. Rồi mọi chống đối sẽ tan biến như khói lam chiều.

Nếu sự chống đối vẫn còn, có thể bạn có vấn đề thật sự, ví như một trở ngại siêu hình, mà chúng ta không thể giải quyết được ở đây. Trường hợp nầy rất hiếm đối với người mới thiền, nhưng nếu xảy ra, bạn nên nhờ một thiền sư cao minh chỉ giáo. Quý thiền sư không phải là không có, và họ rất sẵn sàng giúp bạn.

VẤN ĐỀ 12: SỮNG SỜ VÀ TỐI TĂM

 Tập trung chú ý thật thâm sâu đôi khi có phản ứng nghịch: tâm có thể bị vẫn đục bởi một sản phẩm phụ không cần thiết của sự tập trung ấy. Khi bạn thư giãn, cơ và thần kinh bớt căn thẳng, cho bạn cảm giác an tịnh, thanh thoát, nhẹ nhàng như bay bổng lên chín từng mây (không còn cảm giác về thân xác nữa). Cảm giác đó cho biết bạn đã tập trung chú ý tuyệt diệu vào hơi thở. Được tiếp tục, nó sẽ gia tăng nhưng lại làm xao lãng sự chú ý vô hơi thở. Sự tập trung chú ý loảng dần và tan biến dần trong đám mây cảm giác thanh thản. Kết quả là sự tỉnh thức bị mờ đục dần khiến bạn rơi vào tình trạng sững sờ. Để chửa trị, hãy dùng tỉnh thức. Dùng tỉnh thức để quan sát, rồi hiện tượng tâm ấy sẽ biến mất. Khi cảm giác thanh thản đến, nhận chúng. Đừng lẫn tránh chúng. Nhưng đừng quấn quít với chúng. Chúng là những cảm thọ vật lý, giải quyết chúng như là hiện tượng vật lý. Quan sát cảm thọ như cảm thọ. Quan sát sự mờ đục như sự mờ đục. Nhìn chúng đến và nhìn chúng ra đi. Đừng can dự vào.

Bạn có vấn đề trong lúc thiền, như mọi người thiền khác. Bạn có thể xem chúng như những dày vò đau khổ hay những thách thức để vượt qua, tuỳ bạn. Nếu bạn xem chúng là cực hình, bạn chắc chắn sẽ đau khổ. Nếu bạn xem chúng như cơ hội để học hỏi và tăng trưởng, viễn tuợng tâm linh của bạn sẽ vô tận.

-ooOoo-

Chương 11

GIẢI QUYẾT XAO LÃNG (I)

Xao lãng trong lúc thiền là chuyện rất thường xảy ra. Có một số phép giúp bạn trở lại với định ngay mà không cần phải vận dụng tới ý chí. Định và tỉnh thức luôn luôn đi song đôi và hỗ trợ lẫn nhau. Nếu một bị suy, cái kia cũng sẽ yếu theo. Ví dụ bạn sẽ khó tập trung khi gặp phải ngày không vui; tâm bạn cứ như ở đâu đâu không thế nào chú ý được. Có nhiều phương cách để tái lập sự tập trung và đem sự chú ý trở về. Sau đây là một ít cách thức thông thường có thể giúp bạn như ý.

Cách Thức 1: Đo Thời Gian

Bạn đang ngồi thiền. Có sự nhiễu loạn đến lôi bạn ra khỏi sự tập trung vào hơi thở. Đột nhiên bạn chiêm bao ngày! Bấy giờ bạn phải làm sao? Hãy dùng chiến thuật tự tách mình ra khỏi giấc ngủ ngày ấy để trở về với hơi thở, bằng cách đo thời khoảng bạn bị xao lãng. Cũng cần nói ngay rằng bạn không cần phải thật chính xác, chỉ tính sơ bằng phút hay một thời gian nào đó là đủ rồi. Bạn có thể ghi nhận: "À, tôi xao lãng ba phút." hoặc "Tôi xao lãng từ lúc chó sủa.", hoặc "Tôi xao lãng từ lúc nghĩ tới tiền bạc." Khi bắt đầu tập sử dụng cách thức này, bạn tự thầm nói với mình, nhưng đến lúc quen rồi, bạn sẽ thấy nó đến tự nhiên và không còn cần nói thầm nữa. Mục đích chính là để tách bạn ra để bạn trở về với hơi thở. Bạn tách mình ra khỏi sự xao lãng bằng cách lấy sự xao lãng làm đề mục của sự kiểm tra thời gian, đủ lâu để từ đó ước tính thời gian xao lãng. Thời khoảng tự nó không có gì quan trọng hết, nên khi bạn ra khỏi xao lãng rồi, buông bỏ tất cả để trở về với hơi thở. Không nên nghĩ ngợi lại.

Cách Thức 2: Thở Sâu

Khi tâm loạn động, bạn có thể chế ngự nó bằng cách thở vài ba hơi sâu. Thở vô mạnh và nhanh cho đến khi phổi căn phồng, rồi thở ra cũng mạnh và nhanh cho đến khi phổi xẹp. Bạn sẽ thấy nơi xúc chạm trên mũi rõ ràng và dễ tập trung chú ý. Cố tập trung chú ý. Bạn có thể điều khiển sự tập trung, và sự chú ý sẽ trở về với hơi thở tức thì.

Cách Thức 3: Đếm

Đếm hơi thở qua mũi là một phương cách rất cổ điển mà nhiều trường phái thiền không ngần ngại chỉ dạy ngay cho người mới tập hành thiền. Thiền minh sát dùng cách đếm để gia tăngđịnh chú ý và tái lập sự tỉnh thức. Có nhiều cách đếm (xem chương 5). Ở đây, tôi chỉ xin nhắc lại một điểm quan trọng: lúc đếm bạn đừng quên trụ sự chú ý nơi hơi thở. Có lẽ bạn đã thực tập cách đếm và đã ghi nhận được một số thay đổi khi bạn đếm, ví như hơi thở trở nên chậm, tinh tế và nhẹ nhàng hơn. Đó là dấu hiệu tốt cho biết bạn đã chú ý đúng cách. Lúc bấy giờ bạn có thể sẽ không còn phân biệt thở vô và thở ra vì hai hơi tinh tế đến nổi như quệnh vào nhau, và bạn đếm chúng như một chu kỳ thở hơn là hai hơi riêng biệt. Tiếp tục đếm, nhưng chỉ đếm tới con số 5 thôi rồi đếm trở lại. Về sau, bạn có thể bỏ luôn con số và quên luôn quan niệm thở vô thở ra. Bạn chỉ nắm cái cảm giác thuần túy của hơi thở. Hơi thở vô hòa quệnh với hơi thở ra, và hơi thở trước hoà quệnh với hơi thở sau thành một dòng thở êm dịu bất tận.

Cách Thức 4: "Thở vô, thở ra"

Cũng là một cách đếm nhưng đặc biệt. Bạn tập trung sự chú ý vào hơi thở bằng cách tự nói "thở vô, thở ra" hay "vô, ra" cho đến khi nhuần nhuyễn và không còn cần phải nói nữa.

Cách Thức 5: Dùng Ý Để Khử Ý

Ám ảnh là bịnh của con người. Có một số ý tưởng (tâm sở) cứ khư khư bám chặt vào tâm, như mơ mộng dục lạc, lo âu, tham ái, vân vân. Chúng dính mắc khó gở cũng phải, bởi chúng ta nuôi dưỡng chúng từ năm này sang năm khác và huân tập chúng mỗi khi có dịp. Rồi tới lúc ngồi xuống thiền, chúng ta bảo chúng "đi chỗ khác chơi" và ngạc nhiên sao chúng không vâng lời!

Đối với loại ý tưởng nói trên, bạn phải có giải pháp trực tiếp mới mong thành công. Tâm lý Phật giáo phân loại tâm sở thành nhóm "thiện" và nhóm "bất thiện", thay vì "tốt" và "xấu" như thường tình. Đuợc gọi là thiện vì chúng dẫn đến bờ giác và bất thiện vì chúng đưa tới bến mê. Tâm sở bất thiện thường có căn nguyên là tham, sân và si. Ba độc này rất dễ bị tâm chuyển thành những ám ảnh. Tâm sở thiện, trái lại, làm phát sanh lòng từ, lòng bi và trí tuệ. Tâm sở thiện thường được dùng để đối trị tâm sở bất thiện.

Bạn không thể điều kiện hóa sự giải thoát (Niết Bàn) vì đó không phải là một trạng thái của thế giới ý tưởng. Bạn cũng không thể điều kiện hóa quả (Thánh Quả) của sự giải thoát. Ý tưởng từ bi có thể tạo ra "một cái như" (a semblance of) từ bi, nhưng không phải là sự từ bi thật sự. Ý tưởng hỷ xả chỉ tạo ra một hình thức hỷ xả bề ngoài. Vì vậy, những ý tưởng thiện ấy không thể tự chúng giải thoát bạn được. Nhưng chúng có thể được dùng để đối trị (khử trừ) ý tưởng bất thiện. Ý tưởng bố thí có thể khử ý tưởng tham lam. Ý tưởng thiện có thể che giấu ý tưởng bất thiện một thời gian đủ dài để tâm tỉnh thức của bạn không gặp trở ngại trong lúc thiền. Rồi khi tỉnh thức đi sâu xuống tận gốc rễ của "tiến trình cái tôi" tâm sở tham lam sẽ tan dần và nhường chỗ cho tâm sở quảng đại.

Nguyên tắc nói trên chỉ áp dụng được cho những truờng hợp thông thường. Nếu tâm bạn không thể thoát khỏi một ám ảnh đặc biệt nào đó, bạn phải dùng phương cách đặc biệt mới mong có kết quả. Ví như bạn không thể quên cái bản mặt phát ghét của "thằng răng hô mã tấu", bạn thử tạo nên một dòng ý tưởng thương và thân thiện với nó, rồi có thể hình ảnh phát ghét kia sẽ không đến quấy phá bạn trong lúc thiền nữa.

Nếu cách vừa nói không hiệu nghiệm, sự ám ảnh kể như quá lớn. Phải làm suy yếu nó trước khi đối trị, bằng cách dùng tội lỗi, một xúc cảm không hợp pháp của người đời. Nhìn thật kỹ cái xúc cảm mà bạn muốn gạt bỏ. Đúng ra nên nghiền ngẫm thì hơn. Xem nó làm bạn nghĩ thế nào. Xem nó đã gây ảnh hưởng gì tới cuộc đời, sức khỏe, hạnh phúc, vân vân của bạn. Xem nó đã ngăn che thế nào mà bạn không tiến được tới bờ giải thoát. Bạn phải nghiền ngẫm thâm sâu. Rồi bạn phát triển ý tưởng kinh tởm và nhục nhã mà bạn có như khi bạn đi rễu quanh phố với cái xác của một con vật đã thúi rữa quanh cổ bạn. Bạn sẽ ghê tởm tột độ. Bước này có thể sẽ giúp bạn thoát khỏi ám ảnh trước đây. Nếu bạn chưa thoát khỏi hoàn toàn, dùng phép đối trị nói trên để giải quyết phần ám ảnh còn sót lại.

Tâm nào có trạng thái dính mắc vào đối tượng đều đươc gọi là tâm tham. Tâm tham trải dài từ sự tom góp của cải một cách thô bạo cho riêng mình đến nhu cầu vi tế của người mà đời cho rằng đạo đức[2]. Ý tưởng sân có lộ trình từ cáu kỉnh lặt vặt đến sự giết người. Ý tưởng si bao gồm từ sự chiêm bao ban ngày đến ảo giác thật sự. Quảng đại đối trị tham lam. Từ bi hỷ xả đối trị sân. Bạn có thể tìm thấy ngay liều thuốc giải độc cho mọi ý tuởng bất thiện.

Phương Cách 6: Luôn Nhớ Lấy Mục Đích

Niệm dấy lên trong tâm nhiều lúc rất bất thần. Một chữ hay một câu bỗng nhiên xuất phát từ tiềm thức mà không biết lý do. Vật thể xuất hiện không biết từ đâu. Hình ảnh chớp tắt không biết tại sao. Bạn có những kinh nghiệm không an trụ rồi. Tâm bạn giao động như lá cờ bay trong gió hay như những đợt sóng vỗ lên ghềnh. Gặp phải tình huống này, bạn hãy tự nói: "Tôi không phải ngồi đây để mất thời giờ vì các ý tưởng đó. Tôi ngồi đây để chú ý vào hơi thở, một hiện tượng thông thuờng của mọi sinh vật." Thường tâm bạn sẽ an tịnh ngay, trước khi lời nói của bạn chất hết. Nhiều lúc khác bạn phải nói đi nói lại nhiều lần trong lúc chú ý vào hơi thở của bạn.

Những phương cách chỉ dẫn trên có thể dùng riêng rẻ hay phối hợp, và nếu được dùng đúng cách, chúng sẽ giúp bạn hữu hiệu trong việc thuần hóa "tâm viên" của bạn.

-ooOoo-

Hãy buông xả.....

Hành trì với tâm buông xả.
Đừng mong cầu được khen thưởng.
Nếu bạn buông xả một chút,
bạn sẽ được một chút an lành.
Nếu bạn buông xả nhiều,
bạn sẽ được nhiều an lành.
Nếu bạn buông xả tất cả, bạn sẽ tự tại.
Mọi đấu tranh của bạn trên thế gian này sẽ chấm dứt.
-- Ajahn Chah

-ooOoo-

Chương 12

GIẢI QUYẾT XAO LÃNG (II)

Bạn đang ngồi thiền với thân tâm an tịnh. Bạn đang nhẹ nhàng theo dỏi hơi thở ra, vào, ra, vào... một cách thanh thản và tập trung. Tuyệt! Bỗng nhiên trong tâm bạn dấy lên ý niệm "Tôi thèm một cây cà rem thật thơm ngon." Bạn bị xao lãng rồi. Bạn ghi nhận và trở về với hơi thở ra, vào, ra, vào... Nhưng, bạn tự nghĩ "À, tôi trả tiền đổ xăng chưa cà?" Thêm một nhiễu loạn nữa. Bạn lại ghi nhận và trở về với hơi thở ra, vào, ra, vào... "Có một phim rất hay. Có thể tôi sẽ đi xem vào tối thứ Ba tới. À, mà không, vì thứ Tư tôi có nhiêu việc phải làm lắm. Thứ Năm tốt hơn." Thêm một xao lãng nữa. Bạn ghi nhận và trở về với hơi thở. Nhưng lần này bạn không thành công mấy, vì bạn nghe đau đau nơi lưng. Rồi hết cái này đến cái khác, xao lãng và xao lãng tiếp nối dài dài.

Thật phiền toái, các nhiễu loạn này! Vậy là bạn phải tìm cách giải quyết chúng. Cách hay nhứt là tập ghi nhận nhưng không bị vướng vô chúng. Chỉ có vậy. "Tâm viên" chắc chắn là không tốt, nhưng tâm vận hành tự nhiên như vậy. Đừng nghĩ đó là một bức bách. Nó là như vậy. Và, nếu bạn muốn thay đổi nó, việc đầu tiên phải làm là hãy nhìn nó như thật là nó.

Lúc mới đầu ngồi xuống để chú ý vào hơi thở, bạn có cảm tưởng tâm mình vô cùng bận rộn. Nó nhảy tới trước, lùi ra sau. Nó quay qua trái, quay qua phải. Nó chạy lòng vòng. Nó nói. Nó nghĩ. Nó tạo ảo mộng, chiêm bao ngày. Vân vân. Đó là xao lãng và xao lãng xảy ra tự nhiên. Không có gì bạn phải bực dọc. Cho nên, khi nào thấy sự chú ý của bạn rời khỏi đối tượng thiền, bạn mới phải giải quyết: dùng tỉnh thức quan sát sự xao lãng.

Trong thiền minh sát, khi nói đến xao lãng là nói tới những bận rộn đang lôi kéo sự chú ý của bạn ra khỏi hơi thở. Hiểu vậy, thiền có thêm cho bạn một quy tắc mới như sau: Khi có một trạng thái tâm đủ mạnh để làm bạn xao lãng khỏi đối tượng thiền, bạn hãy chuyển sự chú ý của bạn sang sự xao lãng, và tạm thời dùng sự xao lãng làm đối tượng thiền. Xin lưu ý hai chữ "tạm thời", vì tôi không muốn khuyên bạn đổi bè lúc đang ở giữa dòng. Tôi chỉ muốn bạn đổi đối tượng thiền trong một thời gian ngắn, đủ để bạn có thể quan sát một số chi tiết đặc biệt của sự xao lãng. Xem nó là gì? Nó mạnh yếu thế nào? Và nó kéo dài bao lâu? Ngay sau khi bạn trả lời không bằng lời hết các câu hỏi đó, bạn đã quan sát xong và trở về liền với hơi thở. Xin nhớ "trả lời không bằng lời", bởi vì bạn không muốn có một cuộc đối thoại dai dẳng để tránh đi lạc hướng đến những ý tưởng khác. Bạn hãy trở về ngay với cái "kinh nghiệm không lời và không quan niệm" của hơi thở. Các câu hỏi đặt ra chỉ nhằm một mục đích duy nhứt là để bạn ghi nhận sự xao lãng rồi bỏ mặc nó ra đi.

Nguyên câu chuyện được trình bày trọn vẹn như sau: Khi có sự nhiễu loạn (hay một tâm sở nào đó) dấy lên trong tâm bạn, nó xuất hiện trước tiên trong tiềm thức. Một lát sau nó mới ra mặt nơi tâm thức và bạn mới biết có nó. Giây phút giữa tiềm thức và tâm thức rất nhanh nhưng đủ để cho tâm sở đồng sanh tham ái nổi lên[3]. Tham ái cũng xuất hiện trong tiềm thức trước, và khi lộ diện trong tâm thức nó có nhiệm vụ như sợi dây buộc chặt tâm bạn vào với xao lãng. Khi diễn tiến tiếp tục tự nhiên, bạn càng lúc càng bị lún sâu vô sự xao lãng, bởi lúc bấy giờ bạn có khuynh hướng suy nghĩ đến sự xao lãng hơn là thuần túy quan sát nó. Ba câu hỏi trên được đặt ra là ba liều thuốc để chửa trị căn bệnh đặc biệt đó (diệt xao lãng). Để có thể trả lời ba câu hỏi, bạn phải xác minh phẩm chất của sự xao lãng. Để xác minh, bạn phải tách rời mình khỏi xao lãng, lùi lại một bước, và nhìn nó một cách khác quan. Bạn sẽ ngừng suy nghĩ (về sự xao lãng) hay ngừng cảm xúc (cảm giác do xao lãng gây ra) để nhìn nó như một đối tượng của sự xác minh. Tiến trình này cũng chính là một thực tập về sự tỉnh thức không can dự và tách rời. Sơi dây buộc chặt sự xao lãng bị cắt đứt; và tỉnh thức tự do quay lại với đối tượng ban đầu là hơi thở.

Lần đầu tiên áp dụng phương cách nầy, có lẽ bạn nên dùng lời để đối thoại. Bạn hỏi bằng lời và trả lời cũng bằng lời. Sau đó (chắc chẳng bao lâu đâu) bạn sẽ không còn cần lời nữa. Với thói quen huân tập, bạn sẽ ghi nhận sự xao lãng, ghi nhận thể chất của nó, rồi trở về với hơi thở. Quan niệm hoàn toàn không có mặt trong tiến trình này, và tiến trình xảy ra rất nhanh. Sự xao lãng có thể bắt nguồn từ bất cứ thứ gì: một tiếng động, một cảm giác, một cảm xúc, một ảo tưởng, hay một cái gì đó. Dầu nó là gì, cũng đừng xa đuổi nó hay triệt tiêu nó khỏi tâm. Chỉ cần quan sát nó một cách đơn thuần. Quan sát nó không lời, rồi nó sẽ ra đi, và bạn sẽ thấy sự tập trung chú ý của bạn sẽ tự nhiên trở lại với hơi thở. Đừng kết tội mình sao đã bị xao lãng. Sự xao lãng xảy ra tự nhiên. Nó đến rồi đi.

Dầu đã được khuyên, nhưng thế nào bạn cũng sẽ kết án bạn như thường. Cũng là chuyện thường thôi. Chỉ cần quan sát diễn tiến kết án như một sự xao lãng khác, và trở về với hơi thở.

Thử hình dung diễn tiến của sự việc xảy ra: Thở. Thở. Xao lãng đến. Phiền toái dấy lên vì ý tưởng xao lãng. Bạn tự kết án mình sao bị xao lãng. Bạn ghi nhận sự kết án. Bạn trở lại với hơi thở. Thở. Thở. Diễn tiến là một chu kỳ rất tự nhiên và xuôi thuận, nếu bạn hành sử đúng đắn. Chìa khóa của tiến trình xuôi thuận là sự nhẫn nại. Nếu bạn nhẫn nại quan sát tiến trình và không can dự vào, mọi việc sẽ trôi chảy tự nhiên. Bạn chỉ lướt nhẹ trên sự xao lãng và sự chú ý của bạn sẽ trở về với hơi thở dễ dàng. Dĩ nhiên, sự xao lãng có thể xảy ra nữa. Nhưng bạn đừng lo. Cứ mỗi lần nó xuất hiện, bạn tỉnh giác lập lại diễn tiến vừa mô tả. Đừng bao giờ tranh đấu với xao lãng, bởi mỗi chút năng lực bạn dùng trong việc đấu tranh sẽ giúp xao lãng lớn mạnh.

Sự tỉnh thức là một chức năng nhằm phá tan mọi nhiễu loạn, giống như một chuyên gia tháo ngòi nổ. Xao lãng thông thường được tháo gở dễ dàng: chỉ rọi ánh sáng tỉnh thức vào là chúng tan ngay. Xao lãng gây nên bởi thói quen huân tập cần sự kiên nhẫn của tỉnh thức (thời gian lâu và lập lại nhiều lần) mới cắt đứt được mối dây tham ái đã buộc chặt chúng vô tâm. Xao lãng chỉ là những cọp giấy. Tự chúng không có sức mạnh; chúng cần được nuôi dưỡng mới tồn tại. Nếu bạn không nuôi dưỡng chúng bằng sự sợ hãi, giận dữ và tham ái, chúng sẽ chết.

Bạn không cần hơn thua với xao lãng vì trong thiền, sự tỉnh thức mới là yếu tố quan trọng. Chức năng trọng yếu nhứt của thiền là trau dồi tỉnh thức chớ không phải kiểm soát những gì xảy ra trong tâm. Nên nhớ rằng định chỉ là một công cụ. Trên quang điểm của tỉnh thức, không có cái gọi là xao lãng thật sự. Những gì dấy lên trong tâm đều được xem như cơ hội (đối tuợng thiền) để trưởng dưỡng sự tỉnh thức. Ví như bạn đã tùy tiện chọn hơi thở làm đối tượng chánh của thiền vậy. Nếu như bạn có thễ tỉnh giác về đối tượng là hơi thở thì bạn cũng có thể tỉnh giác về đối tượng là xao lãng. Bạn đã tỉnh giác được về sự an tĩnh của tâm và về sức mạnh của sự tập trung, thì bạn cũng có thể tỉnh giác về tình trạng yếu ớt của của sự tập trung và về sự đổ vở của tâm. Tất cả đều là tỉnh thức. Chỉ cần giữ lấy sự tỉnh thức ấy và sự tập trung sẽ đến tự nhiên.

Mục đích của thiền không phải là sự tập trung vào hơi thở liên tục và bất tận. Đó là một việc làm vô bổ. Mục đích của thiền không phải là để đạt một trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng và trong sáng bởi tự nó, nó không giải thoát bạn được dầu đó là một trạng thái tốt đẹp. Mục đích của tỉnh thức là đạt đuợc sự tỉnh thức không bị gián đoạn. Tỉnh thức và chỉ có tỉnh thức mới giải thoát bạn.

Xao lãng đến dưới nhiều hình thái và dạng thức khác nhau. Tâm lý Phật giáo chia chúng làm nhiều nhóm. Một nhóm có tên là triền cái[4] (niravana) vì chúng có phận sự ngăn che sự phát triển của hai yếu tố thiền là sự tỉnh thức và sự tập trung. Cũng nên hiểu rõ triền cái có tánh tiêu cực nên bạn phải tìm mọi cách diệt trừ chúng. Diệt trừ không có nghĩa là bạn phải thúc ép, xa lánh hay kết tội chúng.

Hãy dùng tham ái làm một ví dụ để khảo sát triền cái. Bạn không muốn tham ái kéo dài bởi tình trạng ấy dẫn đến sự dính mắc và khổ đau. Nói vậy không có nghĩa rằng bạn sẽ vứt nó ra khỏi tâm bạn mà là bạn chỉ "khuyến khích" nó đừng ở lâu. Nó đã tự đến vậy bạn hãy để nó tự đi. Bạn ghi nhận cái tham đến bằng một cách đơn thuần chớ không phán đoán. Rồi bạn đứng lui ra, xem nó dấy lên từ lúc đầu đến lúc cuối. Bạn không giúp mà cũng không can dự vào. Nó ở bao nhiêu lâu thây kệ nó, và bạn quan sát được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Bạn xem tham ái làm gì? Bạn xem nó gây cho bạn và cho người khác những phiền toái nào? Bạn ghi nhận việc nó làm sao khiến cho bạn bất toại nguyện thường xuyên và không nguôi? Kinh nghiệm này giúp bạn khẳng định rằng tham ái là một căn bản bất thiện của đời bạn. Sự khẳn định của bạn là một chứng nghiệm chớ không phải một suy đoán. Đó là sự thật.

Tất cả các triền cái phải được giải quyết như nói trên. Và bây giờ chúng ta hãy quan sát từng triền cái một.

1. Dục[5].

Bạn đang bị xao lãng do một kinh nghiệm khả ái nào đó gây nên; có thể là một ý nghĩ thương yêu hay một cảm giác hạnh phúc do thiền đem tới. Có là gì, đó cũng là một "mong muốn"--mong muốn nơi đối tượng (người bạn yêu) hay mong muốn kéo dài kinh nghiệm chứng đạt (hạnh phúc). Mọi mong muốn (dục) đều được đối xử như nhau, bằng một cách duy nhứt là ghi nhận. Bạn ghi nhận cấp độ ham muốn. Bạn ghi nhận tâm trạng của dục (một tâm sở riêng biệt) đang đi theo (đồng sanh với) dục. Bạn ghi nhận lúc sanh, thời gian trụ và lúc diệt của dục. Sau khi ghi nhận xong, bạn trở về với hơi thở.

2. Sân hận[6]

Ở đây, bạn bị xao lãng vì một kinh nghiệm tiêu cực như sợ hãi, lo âu, tội lỗi, trầm cảm, hay đau khổ. Bạn bèn có phản ứng chối bỏ hay đàn áp, tức là tránh né hay chống đối. Bạn cũng dùng phương sách trên để đối phó với sân hận. Xem ý tưởng hay cảm giác phát sanh. Ghi nhận tình trạng chối bỏ đi theo nó (đồng sanh với nó). Đo cấp độ của sự chối bỏ. Xem ý tưởng hay cảm giác (sân) kéo dài bao lâu và chừng nào nó tan biến. Xong, trở lại với hơi thở.

3. Hôn trầm[7]

Triền cái hôn trầm xuất hiện dưới nhiều dạng thức và nhiều cấp độ, từ sư trầm lặng đến tình trạng mất linh hoạt (lờ đờ). Đây nói về tình trạng của tâm hơn là tình trạng của thân. Sự buồn ngủ hay mệt mỏi thể xác là một hình thức khác mà thuật ngữ Phật giáo gọi là thụy miên[8]. Hôn trầm gần giống như pháp sân ở chỗ nó cũng tìm cách tránh né những gì không khả ái. Nó làm cho tâm không linh hoạt và muốn ngưng nghỉ. Nó là một trạng thái gần giống như trạng thái bạn thể nghiệm trước khi ngủ. Hôn trầm rất khó giải quyết vì nó là pháp đối nghịch trực tiếp của tỉnh thức. Tuy nhiên, tỉnh thức cũng vẫn là liều thuốc được dùng để trị hôn trầm, và phương sách cũng là phương sách cũ. Ghi nhận hôn trầm khi nó xảy ra. Ghi nhận cấp độ của nó. Ghi nhận lúc nó đến, lúc nó đi và thời khoãng nó hiện bày. Điểm quan trọng là phải sớm nhận ra nó. Bạn phải nhận biết nó ngay khi nó đang hình thành và dùng tỉnh thức trị nó ngay. Nếu bạn chậm trể, nó sẽ lớn mạnh ngoài khả năng giải quyết của bạn. Và khi nó thắng rồi, bạn chỉ còn cách là phải đi ngủ.

4. Trạo hối[9]

Đó là trạng thái tâm lo âu, buồn rầu, ray rứt. Tâm bạn chạy quanh không an định vào đối tượng và hối tiếc về việc đã lở làm. Cũng dùng phương sách đã mô tả. Nhận diện nó. Ghi nhận lúc nó phát khởi, lúc nó mất, và thời khoảng nó hiển bày. Xong, trở lại với hơi thở.

5. Hoài nghi[10]

Kinh tạng Pali mô tả hoài nghi như tâm trạng của người đi qua vùng sa mạc, đến ngả ba đường, không biết chọn đường nào; người cứ đứng đó phân vân. Mẫu đối thoại thông thường sau đây giúp bạn hiểu rõ thế nào là hoài nghi trong thiền: "Tôi đang làm gì mà ngồi bó gối nơi đây? Tôi có thật sự đạt được gì chăng? Ồ, có chớ. Sách nói làm vậy là rất tốt cho bạn đó. Không, tôi đang là thằng khùng. Tôi mất thì giờ vô ích. Nhưng không, tôi không chịu thua. Tôi nhứt định sẽ đi tới cùng. Phải rằng tôi quá cứng đầu? Tôi thật sự không biết." Đừng bị vướng vô cái bẫy nầy. Chỉ là một triền cái, một màn khói ngăn án không cho bạn "biết rõ và hiễu rõ những gì đang xảy ra." Để trừ hoài nghi, bạn chỉ cần lấy hoài nghi làm đối tượng cho tỉnh thức. Đừng dính mắc vô nó. Hãy đứng lui ra và nhìn. Nhìn xem nó mạnh thế nào. Nhìn xem nó đến lúc nào, ở lại bao lâu và đi lúc nào. Rồi trở về với hơi thở.

Nói trên là phương sách chung để bạn giải quyết triền cái. Triền cái, như đả định nghĩa, là trạng thái tâm ngăn chận không cho bạn hành thiền. Một số rất vi tế mà sau đây là ví dụ tiêu biểu: bất an, sợ hãi, sân hận, trầm cảm, và phiền toái.

Dục hơi khó nhận thức vì chúng không luôn luôn là tình trạng của các pháp bất thiện; chúng có thể được thấy cả trong lãnh vực thiện. Ví như bạn có thể mong muốn được hoàn thiện, mong muốn làm lành, hay mong muốn kéo dài hạnh phúc do thiền đem đến. Trong các trường hợp này, hơi khó cho bạn tách rời mình ra khỏi cảm nhận vị tha. Tuy nhiên, cuối cùng các cái dục ấy cũng không thoát ra khỏi lãnh vực của tham ái vì có sự "mong muốn".

Khó nhứt có lẽ là những tâm sở tích cực thâm nhập tâm bạn trong lúc thiền. Những trạng thái như hạnh phúc, bình an, tịnh bình, từ bi và hỷ xả đối với chúng sanh thật quá tốt đẹp khiến bạn không muốn xa lìa. Xa rời chúng, bạn có cảm tưởng như mình là người bất bình thường. Bạn đừng nghĩ vậy. Tôi không khuyên bạn chối bỏ các tâm trạng vị tha ấy để trở thành người máy. Tôi chỉ muốn bạn xem chúng là những trạng thái của tâm (tâm sở). Chúng đến rồi đi. Bạn đừng dính mắc với chúng.

Tâm sở hiển bày cũng như hơi thở hiển bày. Mỗi hơi thở có sanh, trụ và diệt. Mỗi tâm sở cũng có sanh, trụ và diệt. Bạn nên cố gắng biết và hiểu chúng rõ ràng như vậy. Không dễ nhưng không phải không làm được. Như đã dẫn, mỗi ý tưởng hay cảm thọ (tâm sở) hình thành trước tiên trong tiềm thức, sanh ra trong tâm thức, hiển bày một khoảng thời gian ở đây, và sau cùng ra đi. Theo lộ trình này, khi bạn biết có ý tưởng hay cảm thọ (tâm sở) trong tâm là lúc nó sắp bước vô giai đoạn ra đi. Nói cách khác, khi nhận diện được nó, bạn bị hơi trễ rồi; bạn chỉ kịp "chụp đuôi con sư tử", một việc làm thiếu khôn ngoan. Trước tâm sở như trước thú dữ, bạn phải đối đầu mới mong thắng được. Với kiên nhẫn, bạn sẽ học cách nhận thức chúng khi chúng từ từ hiển lộ từ các lớp của tâm thức.

Vì tâm sở hình thành đầu tiên trong tiềm thức, bạn phải đưa tỉnh thức mình xuống tận tiềm thức để nhận diện nó. Rất khó, bởi bạn không thể thấy rõ những gì xảy ra dưới đó (không thể thấy rõ như thấy những gì xảy ra trong tâm thức). Không thấy rõ, nhưng nhờ đã có học, bạn có một cảm giác chung chung về sự chuyển động của nó bằng cảm xúc (touch). Tất cả sẽ đến với sự thực hành, và năng lực lại là một trong những tác dụng của sự tập trung sâu lắng. Sư tập trung sẽ làm chậm lại sự hiển bày của tâm sở và giúp bạn có đủ thời giờ để "cảm nhận" mỗi tâm sở nổi lên từ tiềm thức trước khi bạn "thấy rõ" nó trong tâm thức.định đưa tỉnh thức đến tiềm thức, vùng mà tâm sở đang hình thành.

Khi sự tập trung của bạn xuống sâu dần, bạn sẽ có khả năng thấy tâm sở (ý tưởng hay cảm giác) nổi lên chầm chậm và riêng biệt, như những bong bóng. Chúng nổi lên từ tiềm thức. Chúng ở lại trong tâm thức một thời gian. Rồi chúng ra đi.

Sự "làm việc" của tỉnh thức với tâm sở là một hoạt động chính xác, nhứt là đối với cảm thọ là những tâm sở dễ làm bạn thất bại vì chúng vượt quá tầm tay kiềm giữ của bạn (nhiều nguời rất dễ xúc động!). Nói vậy, có nghĩa là bạn (người dễ xúc động) đã thêm một chút gì vào cái đã sẵn có đó rồi. Ngược lại, tâm sở cảm thọ cũng rất dễ bị nhận diện thiếu sót, tức là khó thể được nhận diện trọn vẹn (cũng vì chúng vượt quá tầm tay kiểm soát của bạn). Lý tưởng nhứt là bạn kinh nghiệm tâm sở trọn vẹn, đúng như là thực vậy, không thêm không bớt gì cả. Hãy dùng đau nhức nơi chân làm một ví dụ để hiểu rõ hoạt động chính xác nầy. Những gì xảy ra trong cái đau thật ra chỉ là một dòng những cảm giác đơn thuần. Cảm giác thay đổi liên tục, không lúc nào giống lúc nào. Chúng di chuyển từ chỗ nầy sang chỗ khác; chúng có cấp độ lúc mạnh lúc yếu. Đau nhức không phải là một vật thể. Nó là một tình huống. Không nên có một quan niệm nào gắn lên nó hay kết hợp với nó. Để sự tỉnh thức thuần túy chứng nghiệm nó và bạn sẽ thấy rằng nó chỉ là một dòng năng lượng không hơn không kém. Không tưởng nghĩ và cũng không chối bỏ. Chỉ là năng lượng.

Lúc mới học hành thiền, một trong những việc đầu tiên bạn cần làm là xét lại những giả định của cái gọi là sự khái niệm hóa. Trong đời (như ở trường học, nơi sở làm, lúc giao tế, vân vân, được xem như "ngon lành" nếu ai đó có được những quan niệm hay, tốt, hoặc hợp thời. Trong việc phát triển tỉnh thức, bạn hãy tạm thời ngưng tiến trình khái niệm hóa, và chú ý vào bản tánh thuần túy của hiện tuợng tâm linh. Trong lúc thiền, bạn tìm cách kinh nghiệm tâm ở giai đoạn tiền khái niệm.

Người đời quan niệm cảm giác kia là đau rồi bạn cũng nghĩ theo nó là "cái đau". Thật sự nó chỉ là một quan niệm. Nó là một cái nhản dán lên cảm giác. Bạn dựng lên một hình ảnh của cái đau, thấy nó như có dáng có tướng. Đi xa hơn, bạn còn nhìn thấy cả một họa đồ của chân mình với chỗ đau được tô đậm màu rõ ràng. Rất sáng tạo và ngoạn mục! Nhưng đó chỉ là một quan niệm gắn liền với một thực thể.

Rồi, bây giờ nếu bạn nghĩ: "Tôi bị đau chân, " bạn đã vô tình thêm vô tiến trình một quan niệm nữa, "Tôi". Như "đau", "tôi" chỉ là một quan niệm được thêm cho kinh nghiệm đau đơn thuần. Lúc bạn thêm "tôi" vô, bạn tạo ra một khái niệm cách biệt giữa thực tại và tỉnh thức, cái tỉnh thức quán xét thực tại đó. Quan niệm "tôi", "của tôi" không có chỗ đứng trong tỉnh thức. Chúng là những phụ thuộc bên ngoài được thêm vào một cách ngấm ngầm. Khi bạn thêm "tôi" vào, bạn xem bạn là cái đau và vô tình bạn nâng cao sự chú ý vào cái đau. Nếu bạn để cái "tôi" ra ngoài, cái đau sẽ không đau. Đau chỉ là một dòng năng lượng đang dâng lên. Nhìn dưới một khía cạnh nào đó, nó còn có thể được xem như ngoạn mục nữa là khác. Vậy, khi nào thấy cái "tôi" ngầm len lỏi vô kinh nghiệm đau, bạn chỉ quan sát nó một cách tỉnh thức. Đừng quan tâm đến quan niệm xem mình là cái đau hay cái đau là của mình.

Ý nghĩa chánh yếu thật rất đơn giãn. Bạn muốn thật sự thấy mỗi cảm thọ, dầu đó là cái đau, hạnh phúc, hay sự nhàm chán. Bạn muốn kinh nghiệm cảm thọ đó với sự trọn vẹn và bản chất thuần khiết của nó. Có một cách và chỉ có một cách mà thôi: phải đúng lúc. Nói rõ hơn, sự tỉnh thức về mỗi cảm thọ phải đến đúng lúc với sự sanh khởi của cảm thọ ấy. Đợi khi bạn thấy nó, bạn bị trể rồi; bạn bị thiếu không nắm bắt được lúc đầu; bạn không kinh nghiệm nó trọn vẹn. Nếu bạn giữ một cảm thọ qua khỏi thời điểm nó trở thành ký ức, cảm thọ ấy đã qua đi rồi. Và nếu bạn còn nắm giữ ký ức của nó, bạn sẽ bị trễ cho cảm thọ kế tiếp đang sanh khởi. Để khỏi bị trễ, bạn phải làm một công việc rất tế nhị và chính xác là sẵn sàng trên lộ trình hiện tại để khéo léo buông ngay cái trước và bắt liền cái nối tiếp theo. Bạn phải trực tiếp làm việc với cảm thọ đang hiển lộ trong hiện tại chớ không phải là cái trước hay cái sau.

Con người hay tìm cách quan niệm hóa các hiện tượng, nên thường đề ra vô số cách để thực hiện. Do đó, một tâm trí không bị thu thúc có thể tạo ra không biết bao nhiêu khái niệm từ một cảm thọ nhỏ nhoi thông thường. Sau đây là một ví dụ điển hình. Bạn đang thiền. Có người trong phòng bên cạnh làm rơi cái dĩa. Tiếng động tới tai bạn, bạn liền hình dung ra căn phòng bên cạnh. Bạn cũng có thể "thấy" cả người làm rớt dĩa. Nếu là nhà bạn, và bạn quen với mọi vật dụng trong nhà, bạn có thể thấy trọn cuốn phim màu về cái gọi là làm rớt dĩa. Ảnh trong phim xuất hiện nhanh đến nổi tâm bạn bị chúng lấn chiếm trọn vẹn. Bấy giờ bạn không còn cái kinh nghiệm thuần túy của lúc ban đầu, tức là "cảm giác nghe." Bạn bị mất cái thực tại và bị lôi cuốn vô "thế giới tưởng tượng."

Một ví dụ khác. Bạn đang thiền. Có một tiếng động đến tai. Tiếng động ấy có thể là một tiếng không rõ ràng, một tiếng nhai thận trọng, hay bất kể tiếng gì. Tâm bạn bèn đặt những câu hỏi như: Tiếng gì vậy? Ai làm đó? Tiếng từ đâu tới? Phải chăng từ chỗ gần đây? Có nguy hiễm không? Và, bạn cứ tiếp tục hỏi không cần được trả lời.

Quan niệm hóa là một tiến trình ngầm lan dần. Nó len lõi vô kinh nghiệm của bạn và đẩy chúng ra ngoài. Biết vậy, khi nghe tiếng động trong lúc thiền, bạn chỉ ghi nhận kinh nghiệm nghe. Những gì xảy ra rất đơn giãn mà bạn không cần ghi nhớ làm gì. Âm ba chạm vào tai, tạo ra luồn điện dẫn lên não, và thính thức được tâm ghi nhận. Chỉ có vậy. Không có hình ảnh. Không có phim chiếu trong tâm. Không có quan niệm. Không có đối thoại. Chỉ là âm thanh. Thực tại đơn giãn và không màu mè. Khi nghe tiếng động, biết rõ và hiễu rõ tiến trình của sự nghe. Tất cả những gì khác chỉ là những thêm thắt mà bạn cần bỏ rơi đi. Quy luật này được áp dụng cho mọi cảm xúc, mọi cảm giác, mọi kinh nghiệm bạn có. Bạn sẽ ngạc nhiên thấy tất cả đều đơn giản và tốt đẹp.

Có lúc bạn gặp phải tình huống trong ấy nhiều cảm thọ cùng đến một lượt. Ví như bạn vừa lo sợ, vừa đau bụng, mõi lưng, ngứa tai, vân vân. Bạn không cần phải quýnh quáng không biết phải tiếp cảm thọ nào trước, cảm thọ nào sau. Bạn chỉ cần mở tâm mình và cảm thọ mạnh nhứt sẽ ùa vào để được bạn chú ý trước. Chú ý đến với nó, nó sẽ đi qua, rồi bạn sẽ trở về với hơi thở. Nếu một cảm thọ khác đến, bạn hãy để nó vô và sử xự như bạn đã sử xự với cảm thọ trước.

Trong lúc thiền, bạn không nên ngồi đó tìm đối tượng để thiền, vì bạn đã có đối tuợng thiền rồi: hơi thở của bạn. Chỉ khi nào sự tỉnh thức của bạn về hơi thở bị xao lãng, bạn mới giải quyết sự xao lãng. Nên nhớ, bạn giải quyết bằng cách không đấu tranh, mà chỉ nhẹ để tỉnh thức lướt qua sự xao lãng, hầu nó có cơ hội nổi lên và ra đi.

Cũng có lúc bạn ngủ gục. Không sao cả. Chỉ cần ghi nhận bạn đã không tỉnh thức bao nhiêu lâu là đủ rồi. Đừng phản ứng tiêu cực. Bạn biết tức là bạn tỉnh thức. Sự tỉnh thức phát triển nhờ phép hành tỉnh thức, cũng như cơ bắp to lên nhờ tập tạ. Vậy là bạn thắng chớ nào có thua mà phản ứng tiêu cực. Cũng đừng hối tiếc vì hối tiếc là một phản xạ có thể trở thành tập quán. Khi nào bạn cảm thấy khó chịu, thối chí hay lỗi lầm, chỉ cần sử xự các cảm thọ ấy như bạn đã sự xự với xao lãng. Mà thật sự chúng là những xao lãng không hơn không kém.

Quy tắc mà chúng ta mới học qua có thể áp dụng cho mọi tâm sở. Chúng là những luật lệ không có sự phân biệt, và bạn có nhiệm vụ thi hành một cách rốt ráo. Rất khó khăn, nên chi trong nhiều trường hợp bạn có thể chỉ thi hành được một phần; phần còn lại, bạn có thể không đủ can đảm để thi hành!

Thiền được ví như acít tâm linh. Nó ăn mòn những gì bạn đưa vô tâm. Con người có cái ngộ là ưa thử độc dược rồi bướng bỉnh tiếp tục dùng chúng dầu biết chúng giết người. Bạn có khuynh hướng đào lật gốc rể một số tâm sở trong lúc nưng niu chìu chuộng một số khác.

Thiền minh sát không phải là một trò chơi. Hành pháp tỉnh thức không phải là một lối giải trí. Đó là con đường dẫn bạn ra khỏi vũng lầy của tham ái. Bạn không ngần ngại áp dụng tỉnh thức để tiêu diệt các tâm sở bất thiện, vì chúng gây phiền toái và đau khổ. Ví như bạn vui mừng khi thấy những nổi lo âu hay sợ hãi tan biến trong lò thiêu của tỉnh thức, rồi bạn muốn lập lại diễn tiến nầy với các tâm sở xấu xa và kinh tởm khác. Tuy nhiên đối với những tâm sở như tình thương, lòng yêu nước thuộc nhóm thiện mà tâm bạn ao ước thực hành, chắc chắn bạn khó lòng áp dụng quy tắc nghiệt ngã dành cho các tâm sở bất thiện. Bạn đừng nghĩ như vậy, mà hãy xem các tâm sở thiện và bất thiện trong vũng lầy tâm linh của bạn như nhau, bởi cả hai đều làm xao lãng bạn như nhau. Bạn chỉ vươn lên khỏi vũng lầy đó để có thể thở dể dàng hơn đôi chút nếu bạn tận tụy hành thiền minh sát. Vipassana là con đường đưa đến bến ngộ. Và kinh nghiệm của các bậc tiền bối cho biết công lao hành thiền minh sát đem lại kết quả to tát khôn lường.

-ooOoo-

Chương 13

TỈNH THỨC (SATI)

Tình Thức đuợc dịch từ chữ Sati của Pali. Sati là một sinh hoạt. Rất khó định nghĩa chính xác Sati là gì. Cũng rất khó diễn giải ý nghĩa của Sati bằng lời. Ngôn từ do trí ở cấp độ biểu tượng giả định và được dùng để mô tả những thực tại do tư duy biểu tượng chế định. Tỉnh thức lại tiền biểu tượng. Nó không bị trói buộc vào biện luận (logic). Tuy nhiên, tỉnh thức có thể được kinh nghiệm--không khó khăn mấy--và cũng có thể được diễn giải theo tinh thần "ngôn từ như là ngón tay chỉ mặt trăng." Ngôn từ (ngón tay) không phải là tỉnh thức (mặt trăng). Sự chứng nghiệm nằm ngoài ngôn từ và trên mọi biểu tượng. Tỉnh thức có thể được mô tả bằng những từ hoàn toàn khác biệt với từ dùng trong sách nầy, và mỗi mô tả đều không sai một mảy may.

Tỉnh thức là một tiến trình vi tế mà bạn đang sử dụng ngay trong lúc nầy. Việc mà nó nằm ngoài và trên mọi ngôn từ không có nghĩa rằng nó không thật, trái lại. Tỉnh thức là một thực tại, một thực tại tạo nên nhiều từ, mà các từ định nghĩa dưới đây được xem như hình bóng hơn là chính thực tại ấy. Do đó, xin bạn hiểu cho rằng những gì đề cặp đây đều là phép loại suy (analogy). Sẽ không có cái gọi là "đúng nghĩa" vì, như nói trên, tất cả đều ở ngoài và trên ngôn từ biện luận. Tuy nhiên bạn có thể nhận biết qua kinh nghiệm. Pháp thiền minh sát (nội quán) do Đức Phật truyền thừa trong 2500 năm qua là một hệ thống sinh hoạt tâm linh đặc biệt nhắm vào việc kinh nghiệm tình trạng tỉnh thức liên tục.

Để biết một sự vật, bạn phải khái niệm hóa sự vật trước, rồi sau đó mới nhận ra sự vật. Trong tiến trình nầy, tỉnh thức đến trong một thoáng thời gian ngay trước sự khái niệm hóa. Đó là trạng thái tỉnh thức. Thông thường trạng thái nầy rất ngắn, chỉ bằng một cái nháy mắt, tức ngay lúc bạn đưa mắt nhìn một vật, ngay lúc bạn tập trung chú ý vào nó, ngay trước khi tâm bạn đối tượng hóa, nắm bắt, và phân biệt nó. Tỉnh thức xảy ra ngay trước khi bạn bắt đầu nghĩ về một vật--ngay trước khi tâm bạn thốt lên "Ồ, con chó." Cái biết thuần túy, trôi chảy, uyển chuyển, và phát sinh từ khoảng khắc tập trung chú ý đó là tỉnh thức. (That flowing, soft focused moment of pure awareness is mindfulness). Trong sát na tâm ấy bạn kinh nghiệm một vật như là không-vật (un-thing). Bạn kinh nghiệm một khoảnh khắc trôi chảy nhẹ nhàng của một kinh nghiệm thuần túy, cái kinh nghiệm được khóa chặt và bất khả phân với thực tại còn lại. Tỉnh thức cũng như là cái gì bạn thấy bằng nhản thị ngoại vi, đối nghịch với nhản thị trung tâm hay cái nhìn tập trung. Dầu vậy, cái khoảnh khắc của cái nhìn ngoại vi dịu mềm, không tập trung ấy chứa đựng một cái biết rất thâm sâu, và cái biết nầy sẽ tan biến khi bạn chú tâm và đối tượng hóa đối tượng thành một vật. Trong tiến trình của sự nhận thức thông thuờng, tỉnh thức chớp qua nhanh đến đỗi không thể quan sát được. Chúng ta có khuynh hướng phí phạm thì giờ trong việc nhận thức, nhận ra sự nhận thức, đặt tên cho nó, và nhứt là dính mắc vào dòng tư tưởng biểu tượng lê thê về nó. Cái khoảnh khắc đầu tiên của tỉnh thức đi qua rất nhanh. Mục đích của Vipassana (Thiền minh sát hay nội quán) là tập cho chúng ta kéo dài thời gian của cái biết ngoại vi nói trên.

Khi bạn có thể kéo dài tình trạng tỉnh thức ra lâu hơn (bằng những phương pháp thỏa đáng), bạn sẽ thấy kinh nghiệm ấy (tỉnh thức) rất thâm sâu và nó sẽ thay đổi toàn diện vũ trụ quan của bạn. Phải học và thực tập đều đặn kinh nghiệm (tỉnh thức) đó.

ĐẶC TÍNH CỦA TỈNH THỨC

Tỉnh thức là tư duy phản chiếu (mirror-thought). Nó chỉ chiếu lại cái gì đang xảy ra một cách trung thực như đang xảy ra ngay bây giờ. Không thiên kiến.

Tỉnh thức là sự quan sát không xét đoán. Nó là khả năng quan sát của tâm không có sự phán đoán. Với khả năng nầy, bạn nhìn thấy sự vật thực như là sự vật, tức là đúng thực với thực chất của nó. Không có ức quyết mà cũng không có phê phán. Chỉ quan sát. Khi nói "không có ức quyết, không có phê phán" có nghĩa là bạn quan sát đối tượng như nhà khoa học quan sát một vật thể duới kính hiển vi; nhà khoa học không có ý niệm trước vật thể đó là gì, mà chỉ nhìn thấy vật thể đúng y như là vật thể đang ở dưới ống kính. Cùng lúc, bạn dùng ánh sáng của tam tướng là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã để quan sát đối tượng.

Trên phương diện tâm lý, rất khó cho chúng ta quan sát một cách khách quan những gì xảy ra trong tâm, nếu như trong cùng lúc ấy, chúng ta không chấp nhận sự hiện diện của các tâm trạng đồng sanh. Để có thể quan sát sự sợ hãi, chúng ta phải biết rằng chúng ta đang sợ hãi. Chúng ta không thể quan sát sự trầm cảm nếu chúng ta không thấy rằng mình đang bị trầm cảm. Bạn không thể quan sát trọn vẹn một kinh nghiệm nào nếu bạn chỉ bận rộn với sự chiếu lại nó. Bất kỳ kinh nghiệm nào bạn kinh nghiệm, tỉnh thức đều nhận hết, vì đó chỉ là một trong những sự việc xảy ra trong cuộc sống, là một đối tượng mà tỉnh thức khách quan xem xét. Không có vấn đề cá nhân--cái gì có thì có đó.

Tỉnh thức là sự biết vô tư. Nó không thiên vị bên nào. Nó không dính mắc với cái được biết. Nó chỉ nhận biết suông. Nó không gắn bó với cái tốt, không né tránh cái xấu, không bám víu vào cái vui, không xua đuổi cái buồn. Tỉnh thức nhìn tất cả kinh nghiệm như nhau, các tư tưởng như nhau, và các cảm thọ như nhau. Không có cái gì bị dìm xuống, không có cái gì được nâng lên. Tỉnh thức không chơi trò "phe đảng".

Tỉnh thức là sự biết đơn thuần[11] (awareness) không dựa trên khái niệm, mà thuật ngữ Anh văn gọi là "bare attention" và được tạm dịch là "sự chú ý rỗng không". Có nghĩa là trong tỉnh thức không có (rỗng không) tư duy hay khái niệm. Nó không có ảnh hưởng của ý tưởng, quan điểm hay ký ức. Nó chỉ nhìn. Tỉnh thức ghi nhận kinh nghiệm nhưng không so sánh, không đặt tên, hay phân loại. Nó chỉ quan sát suông sự vật, tưởng chừng như sự vật này mới có mặt lần đầu tiên trên địa cầu. Nó không phân tích dựa trên nhớ tưởng và ký ức. Nó là sự cảm biết trực tiếp sự việc xảy ra trong cái tâm không có tư duy. Trong tiến trình nhận thức nó đến trước tư duy.

Tỉnh thức là sự biết trong hiện tại, xảy ra tại đây và ngay bây giờ. Nó nhìn cái gì đang xảy ra và ngay trong hiện tại. Nó luôn luôn ở trong hiện tại, trên đầu của các đợt sóng kéo nhau đi qua. Nếu bạn nghĩ tới cô giáo của bạn ở lớp mẫu giáo, bạn rơi vào ký ức. Và khi bạn nhận biết mình đang nghĩ về cô giáo lớp mẫu giáo, bạn tỉnh thức. Nếu bạn khái niệm quá tiến trình và tự nói "Ồ, tôi đang nhớ cô giáo...", bạn suy nghĩ.

Tỉnh thức là sự biết không vị kỷ, xảy ra không có nhắc tới "cái tôi". Người tỉnh thức nhìn vạn hữu với nhản quan không có "cái tôi", "cái của tôi". Ví như khi chân đau, người thường sẽ nói "Tôi đau chân", còn người tỉnh thức chỉ ghi nhận cảm giác đau chớ không dán vô cảm giác đó cái khái niệm "Tôi". Tỉnh thức không thêm, không bớt, không tăng, không giảm cái được nó nhìn thấy. Nó chỉ quan sát và không thay đổi.

Tỉnh thức là sự biết không có mục đích. Người tỉnh thức không mong cầu kết quả, không tìm cách đạt được bất cứ cái gì. Người chỉ kinh nghiệm thực tại xảy ra tại đây ngay bây giờ và trong trạng thái thực. Chỉ có quan sát chớ không có cầu mong kết quả.

Tỉnh thức là sự biết về đổi thay. Nó quan sát dòng kinh nghiệm đang đi qua. Nó quan sát sự vật lúc chúng thay đổi. Nó thấy sự sanh, trụ, diệt của mọi hiện tượng. Bằng cách liên tục, nó nhìn sự vật từng lúc một. Nó quan sát mọi hiện tượng--tâm lý và vật lý--ngay khi chúng hiển lộ. Tỉnh thức quan sát bản chất của mỗi hiện tuợng đi qua. Nó nhìn sự vật nổi lên và ra đi. Nó xem sự vật làm chúng ta cảm nhận và phản ứng như thế nào. Người tỉnh thức được ví như một quan sát viên không thiên vị có nhiệm vụ chính là quan sát dòng kinh nghiệm đang trôi chảy trong tâm. Người quan sát này không quan tâm đến thế giới bên ngoài. Người tỉnh thức còn được ví như một phòng thí nghiệm của chính mình. Mỗi kinh nghiệm, cảm thọ, nhận thức của người chính là một đề tài nghiên cứu của phòng thí nghiệm đó. Được biết vũ trụ bên trong dung chứa không biết bao nhiêu dữ kiện phản ảnh vũ trụ bên ngoài. Và, khảo sát vũ trụ bên trong sẽ giúp giải thoát bạn.

Tỉnh thức là cái biết với sự tham gia. Người tỉnh thưc vừa làm người quan sát vừa làm người tham dự. Người vừa nhìn xem cảm giác của mình vừa cảm nhận. Tỉnh thức không phải là tri thức (intellectual knowledge). Nó chỉ là sự biết thuần túy. Pháp ẩn dụ về ý tưởng phản chiếu (mirror-thought) dẫn trên không thể áp dụng tại đây. Khách quan, nhưng tỉnh thức không lạnh lùng và không phải không có cảm giác. Trong tỉnh thức, thành tố tham gia luôn luôn linh hoạt.

Tỉnh thức là một khái niệm rất khó định nghĩa bằng lời, không phải vì nó phức tạp mà vì nó quá đơn giãn và mông lung. Thông thường, một khái niệm càng căn bản chừng nào thì càng khó nhận định chừng nấy. Hãy lật tự điển ra bạn sẽ thấy ngay. Từ dài thường có định nghĩa chính xác, còn từ ngắn như "cái", "là" có định nghĩa dài thuờn thượt. Và trong vật lý, chức năng khó định nghĩa nhứt là những chức năng căn bản nhứt. Tỉnh thức là một chức năng tiền biễu tượng. Chúng ta có thể mất cả ngày với ngôn từ nhưng không thể nào diễn tả được hết ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, chúng ta có thể biết nó làm gì.

 BA SINH HOẠT CĂN BẢN

Tỉnh thức có ba hoạt động căn bản. Chúng ta có thể dùng ba sinh hoạt nầy để hiểu thêm yếu nghĩa của "tỉnh thức"qua chức năng.

1. Tỉnh thức nhắc lại những gì bạn phải làm. Lúc thiền, bạn chỉ chú ý vào một đối tượng. Khi bạn phóng tâm và rời khỏi đối tượng, tỉnh thức sẽ nhắc bạn sự đi rong của tâm bạn và những gì bạn cần phải làm. Rồi chính tỉnh thức đem tâm bạn trở về với đối tượng. chức năng này có tánh cách tự nhiên và chớp nhoáng vì tỉnh thức không có suy nghĩ hay lý luận. Sự hành thiền huân tập tạo nên chức năng ấy như một thói quen mà tâm có thể giữ lại trọn đời. Người có thiền tuệ cao luôn luôn có cái biết thuần túy (bare awareness) trong lúc hành cũng như xả thiền, ngày cũng như đêm. Thói quen quý báu ấy đòi hỏi rất nhiều thời gian tu tập, phải nhiều năm hay nhiều thập niên. Chúng ta quá quen với suy tư rồi, và tập quán nầy không thể lột bỏ trong một sớm một chiều. Do đó, tâm nhẫn rất cần cho sự hành thiền tinh tấn. Lúc nào tỉnh thức có mặt, bạn mới biết mình đang sống với tâm đầy tư duy. Bấy giờ, bạn mới có dịp lui lại, ra khỏi dòng tư duy, và tự do quan sát. Nếu bạn đang thiền, cái biết ấy của bạn sẽ làm đối tượng cho thiền. Nếu bạn không trong thiền, cái biết ấy sẽ là một sự chú ý thuần túy (bare attention) ghi nhận những gì xảy ra mà không dính mắc vào chúng--"À, nó tới... và bây giờ cái nầy tới..., và bây giờ cái nầy...." Chỉ khách quan nhận biết mà thôi.

Tỉnh thức vừa là sự để ý thuần túy vừa là chức năng nhắc nhở chúng ta để ý thuần túy nếu chúng ta quên để ý. Để ý thuần túy là nhận biết một cách đơn thuần. Nó được tái lập bằng sự nhận biết nó không có mặt lúc bấy giờ. Ngay khi bạn nhận ra rằng bạn không có nhận biết, tức là, theo định nghĩa, bạn đã nhận biết rồi, và bạn đương nhiên sẽ trở lại với sự chú ý thuần túy.

Tỉnh thức tạo ra một sự cảm thọ riêng biệt của chính nó trong tâm thức. Nó có hương vị riêng--một huơng vị nhẹ nhàng, trong sáng và nhạy bén. Nếu so với nó, ý thức (conscious thought) rất nặng nề, chậm chạp và cầu kỳ. Chúng ta lại vướng vô vấn đề ngôn từ rồi! Hãy dừng lại đây và thực hành, bạn sẽ thấy sự khác biệt. Có thể bạn sẽ biết bằng ngôn từ riêng của mình và những dòng viết ra đây sẽ bằng thừa. Thực hành luôn luôn là chiếc chìa khóa huyền diệu.

2. Tỉnh thức nhìn thấy sự việc thực như là[12]. Nó không thêm mà cũng không bớt. Nó cũng không uốn nắn. Nó chỉ là sự biết thuần túy và khách quan nhìn xem những gì xảy ra. Trái lại, ý thức dán nhản các kinh nghiệm của bạn, chồng chất lên bạn quan niệm và tư tưởng, nhận chìm bạn trong vòng xoáy của lo âu, sợ hãi, và ảo tưởng. Tỉnh thức, bạn không còn trong mê hồn trận đó. Bạn chỉ ghi nhận những gì xảy ra trong tâm, từng cái một. "À, cái..., cái... và cái..." Rất đơn giản.

3. Tỉnh thức nhìn bản chất thực của mọi hiện tuợng.

Chỉ có tỉnh thức mới có thể nhìn thấy ba tướng của vạn hữu: vô thường (anicca), bất toại nguyện (dukkha) và vô ngã (anatta). Ba chân lý này không phải là giáo điều đòi hỏi lòng tin mù quáng mà trái lại có thể chứng nghiệm được bằng pháp tỉnh thức. Tỉnh thức có phương cách giúp bạn đạt sở nguyện. Chỉ tỉnh thức mới có khả năng phát lộ các tầng sâu của thực tại để con người có thể quan sát. Ở đó chúng ta sẽ thấy (a) tất cả các pháp hữu vi vốn tạm bợ (có sanh có diệt), (b) vạn hữu rốt cuộc đều bất toại nguyện, và (c) thật sự không có thực thể tồn tại mà chỉ có tiến trình.

Tỉnh thức vận hành như chiếc kính hiển vi điện tử. Nó trực tiếp nhìn thấy thực tại vi tế mà ý thức, nếu hiểu được, chỉ có thể hiểu bằng lý thuyết. Nó thấy đặc tính không thường còn của mỗi tưởng (perception). Nó thấy trạng thái chuyển tiếp và hoại diệt của tất cả những gì nó nhận biết. Nó cũng thấy bản chất vốn bất toại nguyện của vạn hữu. Nó thấy sự không cần thiết phải dính mắc vào các cảnh của những cái đến rồi ra đi, vì an lành và hạnh phúc không thể tìm được trong đó. Và sau cùng, nó thấy các hiện tượng vốn không có tự ngã. Nó thấy chỉ có chúng ta độc đoán chọn một số nhận thức, tách chúng khỏi dòng kinh nghiệm, rồi quan niệm chúng như những thực thể riêng biệt và tồn tại. Tỉnh thức thấy hết những chuyện đó. Nó nhìn thấy trực tiếp chớ không phải thấy qua sự suy luận.

Khi được trao dồi đúng mức, tỉnh thức thấy ba tướng vô thường, bất toại nguyện và vô ngã của vạn hữu một cách tự nhiên, không bằng ánh sáng của tư duy. Ba tướng ấy vốn tùy thuộc và liên quan lẫn nhau và không bao giờ hiện diện riêng rẻ. Tỉnh thức cũng vậy. Chúng ta tốn rất nhiều thì giờ và công lao để diễn tả tỉnh thức bằng nhiều lời rườm rà nhưng không bao giờ đầy đủ ý nghĩa. Nó là một tiến trình nhưng không diễn tiến từng bước. Trái lại, nó vận hành như một đơn vị toàn diện và trọn vẹn: bạn nhận biết lúc nào không có tỉnh thức, và sự nhận biết đó là sự tỉnh thức. Tỉnh thức là sự nhận biết sự vật đúng thực như là (tri kiến như thực). Và "tri kiến như thực" là vô thường (anicca), bất toại nguyện (dukkha), và vô ngã (anatta). Tất cả chỉ xảy ra chớp nhoáng, trong một ít sát na tâm. Nói vậy không có nghĩa rằng bạn sẽ đạt được ngay sự giải thoát (khỏi các tạp nhiễm của thế gian) như là quả của sự tỉnh thức nhứt thời. Quả của tỉnh thức chỉ chín muồi sau một thời gian thực tập dài để trước tiên đưa tỉnh thức vào đời sống ý thức, và sau đó kéo dài tình trạng tỉnh thức trong cuộc sống hằng ngày.

TỈNH THỨC (SATI) VÀ THIỀN MINH SÁT (VIPASSANA)

Tỉnh thức là tâm điểm của thiền minh sát và là chìa khóa của toàn tiến trình. Nó vừa là mục tiêu vừa là công cụ của thiền minh sát. Bạn đạt tỉnh thức bằng cách tỉnh thức. Một từ Pali nữa để chỉ sự tỉnh thức là Appamada có nghĩa . Người mà biết rõ và hiểu rõ một cách liên tục những gì xảy ra trong tâm không ai khác hơn là người ở trong trạng thái tỉnh thức.

Từ Pali Sati còn ám chỉ sự nhớ lại. Nó không phải là ký ức khi nói về tư tưởng hay hình ảnh trong quá khứ, mà là sự biết trực tiếp, rõ ràng và không ngôn từ về một cái gì có hoặc không có, một cái gì đúng hoặc không đúng, hay một cái gì mà chúng ta đang làm và làm thế nào. Tỉnh thức nhắc nhở thiền giả đặt sự chú ý vào đúng đối tượng, đúng lúc và đúng với số năng lượng cần thiết để hoàn tất nhiệm vụ. Khi năng lượng được cung cấp đúng mức, thiền giả sẽ được an tĩnh và bén nhạy. Và các ngăn che (triền cái) sẽ không thể nổi lên--sẽ không có tham, sân, dục ái, hay trầm cảm.

Làm người, chúng ta cũng có nhiều lúc lầm lạc. Mặc dầu đã thật tâm cố gắng, người thiền vẫn không sao không phóng tâm. Tỉnh thức ghi nhận sự phóng tâm đó, và nhắc nhở người thiền quay trở về. Tỉnh thức gạt ra ngoài các xao lãng để lấy chỗ cho các trạng thái tịnh hảo xuất hiện. Sân nhường chỗ cho từ bi, quảng đại thế chỗ của tham. Cũng chính tỉnh thức ghi nhận sự thay ngôi này và nhắc nhở người thiền minh sát gìn giữ tâm bén nhạy hầu trưởng dưỡng hữu hiệu các trạng thái tâm tịnh hảo. Nhờ có tỉnh thức, thiền tuệ và từ bi trưởng thành; không có tỉnh thức, chúng không thể nẩy nở.

Thâm tâm có khuynh hướng thâu nhận những kinh nghiệm tốt đẹp và ưa thích và loại bỏ những kinh nghiệm xấu xa và không ưa thích. Khuynh hướng ấy gây ra những tình trạng như tham, sân, si, ganh tị, vân vân mà người thiền luôn luôn muốn xả ly. Họ muốn buông bỏ các ô trược đó không phải chỉ vì chúng bất thiện (theo nghĩa thông thường của người đời) mà vì chúng có hấp lực mạnh; vì chúng chế ngự tâm và thu hút trọn sự chú ý; vì chúng lẩn quẩn trong suy tư; và vì chúng ngăn án không cho thấy thực tại.

Triền cái không thể xuất hiện nếu tỉnh thức hiện diện. Tỉnh thức là sự chú ý vào thực tại xảy ra tại đây và ngay bây giờ, nên được xem là đối nghịch của các chướng ngại gây rối loạn trong tâm. Nếu tỉnh thức không có mặt, các cơ chế nằm sâu trong tâm (như tâm trạng thủ và tâm trạng khước từ) sẽ xuất hiện và áp đảo. Tâm trạng chống đối sẽ xuất hiện và làm lu mờ tâm hiểu biết. Tuy nhiên, chúng ta không hay biết có sự đổi ngôi đó, vì tâm bận rộn với ý tưởng tham, hay trả thù, hay bất cứ kiết sử nào. Người thiền chưa đủ kinh nghiệm sẽ tiếp tục với tình trạng này vô hạn định; còn nguời có kinh nghiệm sẽ nhận biết ngay những gì đang xảy ra nhờ có tỉnh thức nhạy bén. Chính tỉnh thức nhạy bén ấy ghi nhận sự đổi ngôi và nhớ sự huân tập (sự lập đi lập lại sự hành thiền trước đây) và định (tập trung sự chú ý vào đối tượng) nên chi mọi rối loạn trong tâm phải tan biến. Và cũng chính tỉnh thức bén nhạy ấy cố gắng lưu lại trong tâm vô hạn định nên tâm sở chống đối không thể trở lại. Do đó, tỉnh thức là đối kháng của kiết sử. Nó vừa là phương pháp phòng ngừa vừa là liều thuốc điều trị.

Được phát triển đúng mức, tỉnh thức là trạng thái hoàn toàn không có chấp trước bất kỳ cái gì trên thế gian. Nếu chúng ta tỉnh thức, chúng ta không cần phải lo âu về các ngăn che và được xem như thoát khỏi mọi lậu hoặc[13] (ô nhiễm, cặn bã) của con người. Tỉnh thức là sự chú ý thâm sâu. Nó nhìn thấy sâu vô trong nội tâm, đến các tầng mà quan niệm và tư duy không vói tới. Cái nhìn sâu sắc ấy giúp thấy sự thực trọn vẹn và loại bỏ tất cả lầm lẫn. Nó là sự chú ý không bao giờ chùn chân và không bao giờ thối lui.

Cái "tri kiến như thực" có đặc tính khám phá ấy không những cản ngăn mà còn loại bỏ các lậu hoặc. Tỉnh thức tiêu diệt mọi cặn bã của tâm, làm tâm trong sáng, an tịnh, và hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi những trầm luân của cuộc đời.

-ooOoo-

Chương 14

TỈNH THỨC VS. ĐỊNH

Thiền minh sát cân bằng hai đặc tính của tâm là tỉnh thức (sati) và định (samadhi). Hai đặc tính nầy hoạt động trong tinh thần đồng đội, nên cần được trau dồi cùng lúc và như nhau. Nếu không, cán cân sẽ bị lệch và thiền không thể đạt kết quả mong muốn.

Tuy là hai chức năng riêng biệt, nhưng định và tỉnh thức tùy thuộc và liên quan lẫn nhau một cách rất mật thiết và tinh tế. Định, thường được gọi là "nhất tâm điểm", buộc chặt tâm vào một điểm bất động (đối tượng). Nói rằng "buộc" vì định có nhiệm vụ gắn, buộc và được trau dồi bằng sự ép buộc với một ý chí sắt đá. Vì vậy, khi được phát triển rồi, nó vẫn luôn giữ lại âm hưởng của cái lực ép buộc nó lúc trước. Dầu gắn sự chú ý vào đối tượng nhưng định không có khả năng nhận biết đối tượng. Tỉnh thức, trái lại, là một chức năng tạo sự nhạy cảm tinh tế, là tình trạng cảm nhận; nó ghi nhận và hiểu biết sự việc. Nó chọn đối tượng và nhận biết tình trạng của định (đang chú ý hay bị xao lãng) đối với đối tượng đó. Nếu vì lý do gì một trong hai, định hay tỉnh thức, bị suy yếu, sự hành thiền sẽ không thể phát triển đúng hướng.

Định được định nghĩa như là chức năng của tâm có nhiệm vụ tập trung sự chú ý vào một đối tượng duy nhứt một cách liên tục (không ngừng nghỉ). Cũng nên nhấn mạnh rằng chơn định (định theo hướng thiện) là "nhứt tâm điểm" chơn chánh; tâm không còn tham, sân, si. Cũng có loại "nhứt tâm điểm" không chơn chánh, khi định theo huớng bất thiện (tà định). Bạn rất có thể nhứt tâm trong dục lạc. Dĩ nhiên, "sự nhứt tâm điểm" này không đưa bạn tới bờ giải thoát được; sự kiện bạn khăng khăng ghét một người nào đó đâu có giúp bạn được gì. Ngoài ra "cái nhứt tâm điểm" bất thiện này, nhứt là để ám hại người, không bền vững dầu nó có đạt được. Chơn định không bị ảnh hưởng bởi các ô nhiễm của tâm. Nó là trạng thái tâm quy tập mà kết quả là làm cho năng lực của nó sung mãn và có cuờng độ cao. Chiếc kính lồi là một ẩn dụ điển hình: tia sáng song song đi qua kính, quy tụ tại một điểm, và có thể đốt cháy mảnh giấy đặt tại điểm hội tụ đó. Sự sung mãn và cường độ cao của năng lượng giúp định chiếu sáng các tầng sâu của tâm. Nhờ đó, tỉnh thức nhận thấy rõ đối tượng nằm sâu trong tâm.

Định đuợc xem như một công cụ, và như một công cụ, nó có thể dùng trong tà đạo hay chánh đạo. Một con dao bén có thể dùng để khắc một bức tượng mỹ thuật hay giết người, tùy người sử dụng. Cũng vậy, định có thể giúp giải thoát bạn mà cũng có thể làm bạn lún sâu trong cái ta và trở thành ích kỹ hại nhân.

Định có thể làm phát sanh lòng ích kỹ nơi bạn, nhưng nó không hay biết. Chỉ có tỉnh thức mới nhận biết. Tỉnh thức nhìn thấy qua cái kính định, chớ kính định tự nó không thể thấy gì cả. Biết rõ và hiểu rõ, tỉnh thức làm khai nở tuệ.

Định thật thâm sâu chỉ có thể thực hiện trong môi trường thông thoáng. Môi trường thông thoáng nói đây trước tiên ám chỉ các trung tâm thiền hay tu viện mà Phật tử dày công xây dựng trong những nơi tĩnh mịch, không bị ô nhiễm bởi cặn bã ngoài đời. Môi trường tu viện luôn luôn được kiểm soát để phòng hộ sáu căn môn (mắt, tai, nũi, lưỡi, thân, ý); những gì gây ô nhiễm cho sáu giác quan đều bị triệt tiêu tối đa. Ví như tu sỉ nam nữ không sống chung nên tham dục không có cơ hội phát khởi; tu sỉ không giữ tài sản nên tranh dành không xảy ra và tham lam không sanh. Chướng ngại cho việc định tâm được giải tỏa hy vọng tu sĩ có tâm định sâu hầu quên mọi phiền toái thế gian. Ngoài ra, tu sỉ trong tu viện không phải bận lo cho cuộc sống hằng ngày nên dễ định tâm. Quan trọng hơn là tâm thông thoáng, tức không bị ngăn che bởi những chướng ngại mà thuật ngữ Phật giáo gọi là triền cái . Xin xem năm loại triền cái: dục, sân hận, hôn trầm, trạo hối và hoài nghi trong chương 12.

Tỉnh thức không bị giới hạn bởi các chướng ngại ấy. Nó không tùy thuộc vào bất cứ tình huống nào, vật lý hay tâm lý. Nó là yếu tố ghi nhận thuần túy. Do đó, nó tự do ghi nhận những gì xảy ra--thâm, sân, hay âm thanh. Nó không bị giới hạn bởi điều kiện nào. Nó hiện diện trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc. Nó không tập trung vào một đối tượng duy nhứt nên rộng đường quan sát. Nó chỉ quan sát nhưng không xếp loại bất kỳ những gì xảy ra; đối với nó, xao lãng hay đối tượng mà thiền giả chọn để thiền cũng đều như nhau. Nó di chuyển theo những thay đổi nào xảy ra trong tâm. "Đổi, đổi, đổi. Bây giờ là..., bây giờ là..., bây giờ là..."

Tỉnh thức không thể phát triển bằng sự ép buộc; sự ép buộc, trái lại, làm nó ngưng trệ. Tỉnh thức không thể phát triển bằng tranh đấu; nó chỉ phát triển bằng nhận thức, tùy duyên, và cách đi theo dòng chảy của tâm thức. Nói vậy không có nghĩa rằng nó tự động đến. Không phải vậy. Cần phải có năng lượng và nghị lực. Nghị lực nói đây không phải là sự ép buộc, mà là sự cố gắng thư thả hay sự cố gắng không cố gắng. Thiền giả trưởng dưỡng tỉnh thức bằng cách linh động lưu ý thường xuyên đến những gì đang xảy ra. Ở đây, sự kham nhẫn và sự tế nhị là hai bí quyết quan trọng. Tỉnh thức được trau dồi bằng cách trở về với trạng thái hiểu biết thường xuyên và tự nhiên.

Tỉnh thức không thể là ích kỹ. Không có "cái tôi" hay "cái của tôi" trong tình trạng tỉnh thức. Hơn thế nữa, chính tỉnh thức giúp bạn có cái nhìn trung thực của chính bạn. Nó giúp bạn bước ra khỏi tham ái và dục vọng riêng tư để bạn có thể nhìn thấy và thốt lên rằng: "À há, đó mới thật sự là ta." Trong trạng thái tỉnh thức, bạn thấy bạn như thật sự là bạn. Bạn thấy cách ứng xử của chính bạn. Bạn thấy phiền não của chính bạn, và thấy cả cách bạn tạo ra các phiền não đó. Bạn thấy bạn làm khổ người khác thế nào. Bạn thấy bạn từng nói láo với mình làm sao, và đâu là sự thật. Tỉnh thức dẫn đến trí tuệ.

Tỉnh thức không tìm cách thực hiện gì cả. Nó chỉ nhìn. Vì vậy, tham ái và sân hận không can dự vào. Tranh đua và tranh đấu cũng không có mặt. Tỉnh thức không nhắm vào đâu cả. Nó chỉ thấy những gì xảy ra.

So với định, tỉnh thức to lớn và rộng rải hơn; nó là một chức năng toàn diện. Trong lúc định chuyên nhứt, tức chỉ nhắm vào một đối tượng duy nhứt và lờ những gì xảy ra chung quanh, tỉnh thức lại bao gồm; nó đứng sau định và ghi nhận tất cả những thay đổi chung quanh. Nếu bạn định tâm vào hòn đá, định sẽ thấy hòn đá, và chỉ hòn đá mà thôi. Còn tỉnh thức sẽ biết hòn đá, biết định đang gắn sự chú ý lên hòn đá, và biết cả cường độ của sự chú ý. Lúc định di chuyển sự chú ý khỏi hòn đá, tỉnh thức biết ngay sự di chuyển này và biết nhắc nhở định đưa sự chú ý trở về hòn đá. Tỉnh thức khó trưởng dưỡng hơn định vì nó là một chức năng vừa đi xa vừa đi sâu. Định chỉ là sự chú ý của tâm, như một tia laser. Nó có khả năng đốt cháy các ngăn che để thâm nhập các vùng sâu của tâm và soi rọi (chớ không thấy) để tỉnh thức nhìn xem những gì dưới đó. Tỉnh thức thấy cơ chế của ích kỹ và biết những gì nó thấy. Tỉnh thức có thể xuyên thủng màn bí mật của khổ đau và cơ chế của phiền não để giải thoát bạn khỏi các lậu hoặc thế tục.

Tuy nhiên có một vòng lẩn quẩn. Tỉnh thức không phản ứng với những gì nó thấy. Nó chỉ nhìn thấy và hiểu biết. Nó là cốt lõi của kham nhẫn. Do đó, những gì bạn thấy chỉ được quan sát, biết có và chấp nhận một cách thản nhiên. Tỉnh thức biết chúng ta ngu muội, ích kỹ, tham lam, khoe khoang, kiêu hảnh, thèm khát, láo khoét, vân vân, và kham nhẫn chấp nhận những sự thật đó để chấp nhận chúng ta như là chúng ta. Nhưng, chúng ta nào có ai nhẫn nhục chịu nhận như vậy; chúng ta cứ chối bỏ hay ít ra là tự bào chữa. Thật trái ngược. Nếu chúng ta muốn trưởng thành trong tỉnh thức, chúng ta phải chấp nhận những gì tỉnh thức nhìn thấy. Nói cách khác, chúng ta phải tập kham nhẫn và tỉnh giác. Không ép buộc mà cũng không dễ duôi, chỉ theo tiến trình tự nhiên.

Định và tỉnh thức luôn luôn song hành. Tỉnh thức hướng dẫn, định cung cấp năng lực. Nhờ vào định, tỉnh thức nhìn sâu vô tâm. Sự hợp tác giữa đôi bên làm nẩy nở nội quán và tuệ tri. Trong sự hợp tác này, nhiệm vụ của tỉnh thức có phần rộng rãi hơn, vì tỉnh thức được xem như phối hợp viên của thiền minh sát. Tuy nhiên, không vì vậy mà chuyên tâm phát triển tỉnh thức để sự quân bình trong thiền phải bị đổ vở. Tỉnh thức năng động sẽ gây tình trạng nhạy cảm thái quá giống như tình trạng phê của thuốc LSD[14]. Định vượt trội sẽ có kết quả là hội chứng "Phật Đá", tức là thiền giả vào trạng thái không còn biết gì như ông Phật bằng đá. Cần tránh hai trạng thái này.

Trong hành trình tu tập thiền minh sát, giai đoạn đầu rất khó khăn vì không biết đâu là điểm cân bằng giữa tỉnh thức và định. Ngoài ra, lúc mới tu thiền, bạn không thể nào tránh khỏi tình trạng tâm đi lung tung mà thuật ngữ Phật giáo chung chung gọi là "tâm viên" và thuật ngữ Lạt Ma giáo gọi là "thác ý thức". Nếu bạn thiên về tỉnh thức, bạn sẽ có đủ thứ để nhận biết khiến tâm bạn không định được. Có lẽ bạn sẽ hỏi vậy phải làm sao? Trong trường hợp này, bạn nên cố gắng phát triển tâm nhứt điểm trước (xem chương 7 và 8). Sau vài tháng bạn sẽ đạt được định lực, rồi bạn mới chuyển sang phát triển tỉnh thức. Nhớ đừng thiên về định thái quá để tránh hội chứng Phật đá.

Cũng nên nhớ rằng tỉnh thức là tâm điểm của thiền nên bạn cần phát triển nó để có được một căn bản vững chắc cho sự phát triển thâm sâu hơn của định. Nếu tỉnh thức mạnh, định sẽ đương nhiên mạnh theo. Tỉnh thức càng được phát triển, tâm sẽ nhận biết và thoát ra khỏi xao lãng càng nhanh và trở về với đối tượng càng dễ dàng. Kết quả đương nhiên là định được gia tăng. Và khi được phát triển, định sẽ soi sáng sâu rộng và giúp lại tỉnh thức nhìn thấy sâu rộng hơn.

Do đó, tỉnh thức và định có khuynh hướng quân bình nhau và hỗ trợ cho nhau để phát triển tự nhiên. Ở đây, bạn chỉ cần nhớ là nên phát triển định trước để chế ngự tâm viên. Sau đó bạn dồn nổ lực phát triển tỉnh thức. Nếu bạn thấy mình còn bị giao động, nghiêng về sự phát triển định. Nếu bạn thấy mình thành Phật đá, nghiêng về sự phát triển tỉnh thức. Chung chung, nên lưu ý tới tỉnh thức, vì nó là tâm điểm của thiền minh sát.

Tỉnh thức hướng dẫn sự phát triển thiền vì nó có khả năng tự hiểu biết mình. Chính tỉnh thức giúp bạn có cái nhìn về sự hành thiền của bạn. Tỉnh thức giúp bạn biết bạn làm thế nào. Nhưng đừng quan tâm nhiều đến vấn đề này vì đây không phải là cuộc tranh hơn thua. Bạn không chạy đua với ai hết.

Tỉnh thức không tùy thuộc vào trạng thái tâm linh nào cả. Chúng ta thường nghĩ rằng thiền là sinh hoạt của người trầm tĩnh và chỉ tu tập trong hang động vắng vẻ. Có phần đúng bởi đó là môi trường lý tưởng để tập hành thiền, để trau dồi định và tỉnh thức. Nhưng khi bạn đã học được kỷ năng ấy rồi, bạn không nhứt thiết cần môi trường tu tập lý tưởng đó nữa. Bạn không cần phải đi như rùa bò để được tỉnh thức. Bạn cũng không cần tĩnh lặng mới tỉnh thức. Bạn có thể tỉnh thức trong lúc giải toán vi tích phân. Bạn có thể tỉnh thức trong sân banh náo nhiệt. Bạn cũng có thể thỉnh thức trong lúc bạn đang giận dữ. Sinh hoạt vật lý và tâm linh không ảnh hưởng được tâm tỉnh thức của bạn. Nếu bạn thấy tâm mình năng động thái quá, chỉ cần quan sát bản chất và cường độ của sinh hoạt đó. Chỉ là một phần của "cái cảnh ra đi" trong tâm mà thôi.

-ooOoo-

Chương 15

THIỀN Ở MỌI NƠI TRONG MỌI LÚC

Chơi nhạc phải học thang âm. Chơi dã cầu phải học cách dùng chày. Đó là những kỹ thuật căn bản cần phải đạt mới mong chơi giỏi được. Và, dầu đã điêu luyện thế mấy đi nữa, đệ nhứt nhạc sĩ dương cầm hay vận động viên dã cầu trong các trận tranh tài thế giới đều chơi với các kỹ thuật căn bản mà họ học được lúc trước và bây giờ đang không ngừng dồi mài.

Cũng vậy, người thiền cũng phải học cách thiền căn bản rồi hành trì thường xuyên và tinh tấn mới mong đạt được lợi lạc. Người thiền dùng sáu giác quan hay sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý) để biết rõ và hiểu rõ kinh nghiệm sống của mình. Và họ chuyên cần hành thiền ngày này qua ngày khác để đưa sự tịnh hóa tâm mình lên các tầng cao thâm.

Mục đích của thiền minh sát không gì hơn là sự chuyển hóa toàn diện và vĩnh cữu các kinh nghiệm đi vào tâm qua sáu căn. Nói cách khác, thiền giúp "cách mạng hóa" toàn bộ kinh nghiệm sống của người thiền. Và, thời thiền là lúc mà người thiền thể nhận tập quán tâm linh mới; người phát triển phương pháp mới để ứng xử với ý thức cũng như cảm giác và cảm xúc trôi chảy trong dòng tâm thức. Thời thiền còn là lúc để trau dồi các tập quán tâm linh mới đạt được hầu chúng hiện diện miên viễn. Nếu không được vậy, thiền sẽ trở nên khô khan và vô hiệu; nó chỉ còn là một khoảng lý thuyết trống rổng không liên hệ gì với cuộc sống.

Trong quá trình thiền, chắc chắn có lúc bạn hân hoan nhận biết mình đang thiền trong khi sinh hoạt thường lệ, như khi đang láy xe trên xa lộ hay kéo rác ra lề đường; những lúc "thiền không có trong thời biểu" này đến bất chợt và tự nhiên. Được vậy là nhờ bạn đã dày công hành thiền trước đây. Bấy giờ bạn có thể nói mình được kinh nghiệm một khắc kỳ diệu: bạn đứng ngoài các ám ảnh, không phải bận tâm với nhu cầu của tham ái.

Suất thiền vừa xong, bạn xả và rời gối ngồi; đó là lúc quan trọng nhứt. Bạn có thể reo vui đã làm xong phận sự hoặc tỉnh giác mang các tập quán tâm linh mới đạt được theo vào sinh hoạt hằng ngày.

Hiểu thiền là gì là một sự hiểu biết rất thiết yếu. Thiền không phải chỉ là một thế ngồi hay một chuỗi thực tập tâm linh. Thiền là sự trưởng dưỡng tỉnh thức và sự áp dụng tỉnh thức ấy. Bạn không cần ngồi mới gọi là thiền. Bạn có thể thiền trong lúc rửa chén. Bạn có thể thiền trong lúc tắm giặt hay viết thư. Thiền là tỉnh thức nên bạn phải tỉnh giác mỗi sinh hoạt trong đời bạn.

Chúng ta thường được thấy ngồi thiền tại một nơi yên tĩnh vì làm vậy là dễ dàng nhứt. Đi thiền có vẻ hơi khó hơn. Thiền ở nơi ồn ào còn khó hơn nữa. Và thiền trong lúc đang sánh vai với người yêu hay ấu đả chắc là không thể được. Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cần nhớ rằng mục đích tối hậu của thiền vẫn là phát huy định và tỉnh thức đến độ vững vàng.

Mang thiền theo vào các sinh hoạt thường ngày không phải dễ làm vì điểm chuyển tiếp giữa lúc xả thiền và lúc nối tiếp lại sinh hoạt là một cái nhảy dài, rất dài đối với hầu hết chúng ta. Bấy giờ, tâm định đạt được trong giờ thiền như liền tan theo mây khói và không còn gì mấy so với lúc trước khi vào thiền. Để tránh tình trạng mất mát này, thiền Phật giáo có đặt ra một số bài bản thực tập mà căn bản là chia cái nhảy dài ra thành từng bước rồi thực tập từng bước một.

1. Đi Thiền (Thiền Hành)

Cuộc sống hằng ngày rất động. Ngồi bất động hằng giờ là một kinh nghiệm đối nghịch. Hơn thế nữa, những trạng thái chúng ta đạt được trong tĩnh lặng thường có khuynh hướng tan nhanh khi chúng ta bắt đầu cử động. Chúng ta cần phải thực tập để thích nghi với sự chuyển tiếp từ tâm bất động sang tâm động. Đi thiền là một cách. Đi quân bình với ngồi. Và đi thiền có thể thay thế ngồi thiền. Đi rất tốt, nhứt là trong lúc lúc tâm bạn giao động mạnh. Một giờ đi thiền có thể giúp bạn lắng đọng và, đồng thời, phát triển tỉnh giác. Sau đó, nếu bạn muốn ngồi thiền, bạn sẽ thấy dễ dàng và hiệu quả hơn.

Khóa tu thiền là một cách khác mà thiền Phật giáo thường khuyến khích. Một hoặc hai ngày dành cho tu học thiền là khoảng thời gian rất tốt đối với cư sĩ. Nhiều thiền giả lâu năm sống trong thiền viện đi còn xa hơn; họ dành mỗi lần cả tháng để chỉ thiền không mà thôi. Dĩ nhiên, thiền như vậy đòi hỏi rất nhiều nơi thân và tâm. Thông thường bạn nên xem khả năng chịu đựng của mình trước khi định thời lượng cho xuất thiền. Xuất thiền kéo dài mười tiếng cho người mới thiền chẵng những không đem lại lợi lộc gì mà còn gây thêm thống khổ vô ích. Ngoài ra, trong khóa thiền nên thay đổi cách: ngồi xen kẻ với đi. Chừng một giờ cho mỗi xuất với sự nghỉ ngơi thư giãn là tốt nhứt.

Đi thiền, bạn cần có một khoảng trống cho từ năm đến mười bước trên một đường thẳng. Bạn cần đi chẩm rảy như là đang tách mình ra khỏi cuộc sống hằng ngày. Và để tránh sự hiếu kỳ của khách qua đường, bạn nên chọn một nơi tương đối kín đáo.

Về cách đi, nên đi từ đầu này qua đầu kia. Truớc khi bắt đầu đi, cần đứng tại đầu này đôi phút trong thế định. Hai tay có thể buông thỏng hai bên hông hoặc đan vào nhau và để ở phía trước bụng hay phía sau lưng. Thở vô, nhón gót trái. Thở ra, ngón chân trái còn chấm đất. Thở vô, dở chân trái đưa tới trước. Thở ra, đặt chân trái xuống đất. Lập lại các động tác này cho chân mặt. Đi rất chậm đến đầu kia. Dừng lại đôi phút trước khi đi trở lại. Tiếp tục đi tới và đi lui tự nhiên, chầm chậm, dùng các động tác mô tả trên. Giữ đầu thẳng đứng. Thư giãn cơ cổ. Mở mắt để giữ quân bình nhưng đừng nhìn đối tượng nào cả. Đi tự nhiên. Đi theo nhịp độ chậm có thể đi được. Xem chỗ nào trên thân bị gồng cứng, và thư giãn chỗ ấy ngay. Đừng cố tạo tướng đi đẹp hay dáng đi uyển chuyển. Nhớ rằng đi đây không phải là một động tác thể dục hay một điệu vũ. Đây là bài thực tập về tỉnh thức. Mục đích của bạn là đạt sự tỉnh thức toàn diện, sự nhạy cảm trọn vẹn và cao độ, kinh nghiệm không bị ngăn che về tánh động của oai nghi đi. Đặt hết sự chú ý vào những cảm giác xảy ra trên chân, kể cả bàn chân. Cố gắng ghi nhận càng nhiều thông tin càng tốt về mỗi chân đang cử động. Thể nhập vào cảm giác đi thuần túy, và ghi nhận các sắc thái vi tế của chuyển động. Cảm giác mỗi cơ chân lúc nó cử động. Kinh nghiệm mỗi cảm xúc và sự thay đổi của cảm xúc mỗi khi bàn chân ấn xuống đất và dở lên.

Động tác đi tưởng chừng như rất liên tục nhưng thật sự gồm nhiều cử động phối hợp. Cố gắng ghi nhận tất cả các cử động này và đừng để thiếu sót cử động nào. Muốn được vậy, bạn phải phân nhỏ động tác đi. Mỗi chân lập đi lập lại sự dở lên, đưa tới và đặt xuống. Mỗi cử động này có lúc bắt đầu, lúc giữa và lúc sau. Để có thể thể nhập vào dây chuyền cử động đó, bạn có thể bắt đầu bằng cách ghi nhận rõ ràng mỗi giai đoạn.

Ghi nhận sự "dở (chân), (đưa) tới, (đặt chân) xuống, đất, đạp," và vân vân. Đây là cách thực tập để bạn quen với chu kỳ cử động nên cố gắng đừng bỏ sót cử động nào. Khi bạn bận rộn với vô số sự việc đang diễn tiến, bạn không còn thì giờ cho ý và lời nữa; bạn sẽ cảm thấy mình chìm trong sự tỉnh thức về di động và chân bạn bấy giờ là cả một vũ trụ. Nếu bạn bị phóng tâm, dùng phương pháp đã dẫn để đưa sự chú ý trở về động tác đi. Khi đi, đừng nhìn đôi chân hay nhìn vào hình ảnh của đôi chân. Cũng đừng nghĩ, chỉ cảm nhận. Bạn không cần ý niệm về đôi chân; bạn cũng không cần hình ảnh của đôi chân. Chỉ ghi nhận cảm giác hiện diện. Lúc ban đầu, có thể bạn sẽ gặp chút ít khó khăn trong việc giữ thăng bằng, bởi bạn dùng cơ chân theo cách mới. Ghi nhận khó khăn để cho chúng qua đi.

Thiền hành của thiền minh sát nhằm mục đích làm tràn ngập tâm với những cảm giác đơn giản hầu đẩy những thứ khác qua một bên. Ý thức và cảm xúc không có chỗ đứng. Tâm tham không có thì giờ hoạt hóa hay phát khởi. Không có tâm tưởng về "cái tôi". Chỉ có những xúc cảm và động lực cảm, một chuỗi cảm giác thô tế bất tận. Bạn đang học cách vượt vô chớ không phải vượt ra khỏi thực tại. Nội tại nào bạn thu đạt được đều có thể áp dụng trực tiếp vào cuộc sống không có ý niệm của bạn.

2. Thế của Thân

Mục đích của sự thực tập là để tỉnh giác trọn vẹn mọi kinh nghiệm xảy ra trong hiện tại và ngay bây giờ trong dòng tâm thức đang trôi chảy liên tục. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta rất ít chú ý đến những gì chúng ta làm. Nói cách khác, chúng ta làm một đành và tâm đi một ngả. Chúng ta được lái bằng bộ máy điều khiển tự động và lạc lối trong giấc mộng ngày.

Chúng ta rất ít chú ý tới thân thể mình, nhứt là phần xúc cảm và động lực cảm. Những cảm giác này đến tâm chúng ta hằng loạt và liên tục, nhưng bị chúng ta lại tìm cách ngăn tâm thức mình không cho tiếp xúc. Thiền Phật giáo giúp mở rộng cổng để mọi tiếp xúc giữa chúng và tâm thức được dễ dàng và, do đó, để biến vô thức thành ý thức.

Mỗi ngày thân thể chúng ta trải qua không biết bao nhiêu sự thay đổi thế: chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi, bò, lết, chạy, vân vân. Thiền khuyên chúng ta nên tỉnh giác những thay đổi bất tận đó. Sau một ngày, chúng ta nên dành vài phút để nhìn lại các thế mình đã trải qua trong ngày. Sự nhìn lại nói đây không nhằm để sửa đổi hay thay thế dáng điệu của chúng ta. Chúng ta chỉ ghi nhận các sự "đi", "đứng", "nằm", 'ngồi". Công việc có vẻ dễ dàng quá nhưng rất quan trọng. Nếu chúng ta tỉnh thức ghi nhận và làm cho tập quán thâm nhập sâu vô tâm, chúng ta đã cách mạng kinh nghiệm của chúng ta rồi đó. Nó nhẹ đưa chúng ta vào chiều kích mới của cảm giác và chúng ta như người mù vừa được sáng mắt.

3. Cử Động Chậm

Mỗi hành động được xây dựng bằng nhiều cử động riêng biệt. Hành động cột giày của bạn là một chuỗi cử động nhỏ mà chắc ít khi bạn để ý đến. Để phát huy tập quán tổng quát của tỉnh thức, bạn có thể hành động chậm lại--cố gắng chú ý tới mọi chi tiết của cử động.

Bạn có thể xác chứng bằng cách thử ngồi vào bàn và uống tách nước trà. Bạn hãy quan sát thế ngồi; cảm giác cầm cái quay tách giữa hai ngón tay; thưởng thức hương trà; ghi nhận vị trí của cái tách, nước trà, tay bạn, và cái bàn. Bạn tiếp tục quan sát cái ý muốn đưa tay lên khởi phát trong tâm; cảm giác cánh tay đang đưa lên, môi kề vào miệng tách, và nước hớp vô miệng. Bạn quan sát sự việc bạn đang thưởng thức trà. Và sau cùng bạn quan sát cái ý muốn để tách xuống và các cử động của diễn tiến để tách xuống. Nếu bạn thật sự chú ý từng cảm giác, từng ý tưởng, từng cảm xúc, bạn sẽ kinh ngạc thấy quá trình "ngồi vào bàn uống tách nước trà" thật ngộ nghỉnh và lý thú.

Bạn có thể áp dụng những điều dẫn trên vào bất cứ hoạt động hàng ngày nào. Cố ý làm chậm lại tư duy, ngôn từ và hành động, bạn sẽ kinh ngạc thấy mình thấu hiểu chúng hơn. Lúc đầu, bạn thấy rất khó, nhưng từ từ rồi quen. Nhận thức không chỉ phát triển thâm sâu trong lúc bạn ngồi thiền, mà còn thâm sâu hơn trong những lúc bạn quan sát sự vận hành nội tại đang khi sinh hoạt hàng ngày, bởi đó là một môi trường thí nghiệm mà bạn có thể thấy cơ chế của cảm giác và sự vận hành của dục vọng. Ở đó bạn có thể đo lường thực chất của tư duy và thấy sự khác biệt giữa chất thực và lớp vỏ bên ngoài mà bạn tra vào để lừa mình và lừa người.

Bạn sẽ ngạc nhiên nhận thấy nhiều thông tin vô cùng hữu ích, kể cả những thông tin gây ngạc nhiên khó chịu. Sự chú ý đơn thuần giúp bạn sắp xếp lại những hốc kẹt bừa bãi trong tâm thức bạn. Trong đời sống hàng ngày, khi ánh sáng tỉnh thức soi rọi đến mọi ngóc ngách u tối của tâm, bạn đạt được sự hiểu biết rõ ràng và kết quả là bạn có thể giữ tâm mình trong sáng và an tĩnh. Bạn bắt đầu thấy mình trách nhiệm thế nào đối với sự khổ đau. Bạn thấy tại sao mình khốn khổ, sợ hãi, căn thẳng. Bạn thấy bạn làm thế nào để tạo cho mình cái khổ, cái đau. Và, càng hiểu sâu các tâm trạng ấy, bạn càng ít bị chúng chế nghự.

3. Sự Phối Hợp Hơi Thở

Lúc ngồi thiền bạn tập trung chú ý hoàn toàn vào đối tượng chính là hơi thở để giúp bạn nhận thức hiện tại. Bạn cũng áp dụng nguyên tắc này vào lúc đi thiền. Bạn phối hợp các cử động đi của bạn với nhịp điệu của hơi thở trước để mọi điều trôi chảy suông sẻ và sau để tỉnh thức của bạn dể nhận diện hiện tại. Lý tưởng của người thiền là làm sao tỉnh giác trong suốt 24 tiếng mỗi ngày.

Tỉnh thức là trạng thái tâm sẵn sàng, không bị vướng bận hay lo lắng. Những gì xảy ra đều được ứng xử tức thì. Trong lúc tỉnh giác, hệ thần kinh của bạn trong sáng và kiên cường khả dĩ giúp bạn phát huy nội tâm cao. Nếu gặp phải vấn đề, bạn có thể giải quyết ngay và rất hiệu quả; bạn khỏi cần tìm chỗ yên tịnh để "thiền" về nó. Và, trong trường hợp (rất ít khi gặp) bạn chưa có giải pháp, bạn cũng không lo lắng; bạn chỉ bước tới vấn đề khác đang cần sự chú ý của bạn. Trực giác của bạn lúc bấy giờ có năng lực rất thực dụng.

5. Không phung phí một giây phút nào.

Người thiền không bao giờ phung phí thì giờ. Mỗi lúc đều có thể dùng để thiền và gặt hái lợi lạc. Đang băn khoăn ngồi đợi nha sĩ, bạn có thể thiền về sự băn khoăn của mình. Bồn chồn trong hàng đợi tới phiên, bạn thiền về sự bồn chồn đó. Tẻ nhạt nơi bến đợi xe buýt, bạn thiền về sự buồn tẻ. Tập tỉnh giác liên tục, tỉnh giác ngay trong hiện tại, và tỉnh giác mọi chuyện nhỏ nhặt nhứt. Cố gắng không bỏ lở cơ hội hay giây phút nào.

6. Tập Trung vào Mọi Hoạt Động

Bạn nên cố gắng tỉnh giác mọi vấn đề và mọi cảm thọ, bắt đầu từ cảm thọ đầu tiên lúc bạn vừa ngủ dậy cho đến cảm thọ chót lúc bạn vào giấc ngủ. Đối với người mới thiền như bạn, việc làm này rất khó; bạn cần nhiều thời gian và cách thức tu tập. Một trong những cách tốt nhứt là chia ngày của bạn ra làm nhiều thời khoảng nhỏ. Dành một lúc nhỏ đó quan sát cái thế (đi đứng, nằm ngồi, vân vân) của thân bạn. Rồi nới rộng sự quan sát ra các sinh hoạt khác như: ăn, tắm, mặc, vân vân. Rồi một lúc nào đó, bạn dành chừng 15 phút để quan sát các tâm trạng đặc biệt như vui, buồn, không vui không buồn; hoặc những khó khăn hay tư duy xảy đến với tâm bạn mà bạn tự chọn để quan sát. Mục đích là tập thẩm xét một số vấn đề và giữ sự tỉnh thức sống động suốt ngày.

Cố gắng tạo ra một tập quán không khác biệt giữa lúc bạn ngồi thiền và không ngồi thiền; tập cho tập quán ấy chuyển đổi nhẹ nhàng và mau lẹ giữa hai tình huống. Thân bạn không có lúc nào được gọi là không động. Trong lúc bạn tưởng nó không động (như ngủ hay ngồi thiền), thật sư nó đang động--động vì hơi thở. Tâm bạn không bao giờ yên, ngoại trừ những lúc định sâu. Bạn luôn luôn có cái gì đó để quan sát, và nếu bạn luôn luôn tỉnh giác, bạn sẽ không bị mất gì cả.

Bạn nên tỉnh thức trong mọi sinh hoạt hàng ngày vì đó là phòng thí nghiệm hữu dụng của bạn. Nó cung cấp mọi thứ thử nghiệm và thách thức cần cho sự thực tập đích thực và thâm sâu của bạn. Nó còn giúp bạn biết đâu là sự thực, đâu là sai lầm, đâu là thử thách, đâu là nơi bạn đến, và đâu là lúc bạn lãng phí thời gian. Nếu thiền mà bạn không ứng xử đuợc những trở ngại thường ngày, bạn đang hành loại thiền nông cạn. Hơn thế nữa, nếu thiền mà bạn không nhìn thấy rõ ràng và có thể giải quyết những cảm xúc thường tình, bạn đang lãng phí thời giờ thiền một cách vô ích. Gặp phải những tình trạng ấy, bạn phải xét lại.

Người thiền không chỉ tỉnh giác trong lúc thiền mà tỉnh giác liên tục. Người thiền không chỉ tỉnh giác trong tháp ngà mà ở mọi nơi trong mọi tình huống. Người thiền ghi nhận tất cả các pháp (mọi sự mọi việc), từ hiện tượng của tâm đến diễn tiến sanh-trụ-diệt của chúng. Người không quay lưng lại bất kỳ điều gì và không để bất cứ điều gì qua đi mà không ghi nhận. Người biết rõ và hiểu rõ các ý tưởng, cảm xúc, sinh hoạt, ham muốn, và tất cả. Người không cần biết chúng đẹp hay xấu, thiện hay ác, chỉ nhìn biết chúng thật như là và chúng đang thay đổi. Người thiền rốt ráo.

Nếu trong cuộc sống hàng ngày, bạn cảm thấy buồn chán, hãy thiền về sự buồn chán ấy: tìm hiểu nó là gì, gồm yếu tố nào, và vận hành làm sao. Nếu bạn tức giận, thiền về sự tức giận bằng cách tìm hiểu cơ chế của nó. Nếu bạn bị xuống tinh thần, thiền về đề tài đó bằng cái tâm tra cứu; đừng trốn chạy; khảo sát mê cung của nó và đánh dấu bước đi của nó. Làm vậy, bạn sẽ đối trị dễ dàng hơn khi tinh thần của bạn xuống dốc lần thứ hai.

Thiền không ngưng nghỉ trong cuộc sống hàng ngày là mục đích của minh sát. Rất khó, nhưng nếu làm được, bạn sẽ có một tâm linh siêu việt. Tâm bạn sẽ rộng mở. Bạn khám phá đời, xem xét các kinh nghiệm, nhìn cuộc sống một cách riêng rẻ và tò mò. Do đó, bạn tiếp nhận chân lý dưới mọi hình thức, từ mọi nguồn, và bất cứ lúc nào. Đó là trạng thái Tâm Giải Thoát.

Được biết người ta đạt giác ngộ trong mọi tình huống nếu tâm trong tư thế sẵn sàng thiền. Một cảm xúc thông thường như nhìn thấy trăng, nghe tiếng chim kêu hoặc tiếng lá xào xạc cũng có thể làm người ngộ. Ở đây, đối tượng không quan trọng bằng sự cảm nhận đối tượng. Nếu tâm trạng bạn đã mở và sẵn sàng, xúc chạm với quyển sách này hay tiếng vang của những chữ trong đầu bạn là đủ rồi. Bạn có thể đạt giác ngộ ngay tại đây và bây giờ nếu bạn sẵn sàng.

-ooOoo-

Chương 16

CÓ GÌ CHO BẠN?

Thiền có thể đem lại một số lợi lạc mong uớc. Trong giai đoạn tiên khởi, những lợi lạc thường chỉ có tánh cách thế tục tầm thuờng; chỉ về sau mới có được những lợi lạc siêu thế. Sau đây là một ít lợi lạc được mô tả, nhưng kinh nghiệm của riêng bạn mới thật sự quý báu.

Những gì chúng ta gọi là trở ngại hay tạp nhiễm chỉ là những thói quen tâm linh không được đáp ứng toại nguyện. Chúng là những biểu thị đầu tiên của cái bản ngã nhìn thấy mình và người riêng biệt. Sở dĩ có sự nhìn thấy riêng biệt ấy vì nó được huân tập, và sự huân tập này do các trở ngại tạo nên.

Tham ái và dục vọng luôn luôn chực chờ để "lấy cái gì đó cho ta"; sân hận luôn luôn tìm cách phân biệt "ta và người". Tất cả các tạp nhiễm đều tùy thuộc vào cái nhìn phân biệt ta với người, và chúng trưởng dưỡng cái nhìn ấy mỗi khi hiện khởi. Tỉnh thức biết rõ và hiểu rõ mọi sự việc. Nó giúp ta biết cội nguồn và cơ chế vận hành của các tạp nhiễm. Nó thấy ảnh hưởng và hậu quả của chúng nơi chúng ta. Một khi bạn biết rõ tham là gì và gây tai hại nào cho bạn cũng như cho người khác, bạn sẽ tự động cắt đứt sự hỗ trợ dành cho nó. Như đứa bé bị phỏng một lần rồi sẽ tự động rút tay ra khỏi lò lửa, không cần phải suy tư hay quyết định gì cả. Đó là do phản xạ và phản xạ nhanh hơn suy tư nhiều. Khi đứa bé cảm nhận hơi nóng và bắt đầu khóc, tay nó đã rút ra khỏi ngọn lửa rồi. Tỉnh thức vận hành cũng như vậy: nó không có ngôn từ, nó tự động và vô cùng hữu hiệu. Nó ngăn chận sự phát triển của tạp nhiễm và tìm mọi cách tiêu diệt chúng. Do đó, khi tỉnh thức được trưởng dưỡng, bức thành bản ngã sẽ bị xói mòn, tham ái sẽ bớt dần, sự tự biện hộ và cứng nhắc sẽ giảm thiểu; bạn sẽ trở nên cởi mở, uyển chuyển và hiểu biết hơn. Bạn biết rải tâm từ mình ra rộng hơn.

Theo truyền thống, người học Phật ít khi muốn đề cặp đến bản chất rốt ráo của con người. Nhưng khi cần nói đến, họ gọi đó là Phật tánh, một bản tánh chơn thật, tốt lành và đẹp đẻ. Lý do duy nhứt mà con người trở nên khác đi là vì chơn tánh ấy bị ngăn che như nước bị che chắn bởi đập. Và tạp nhiễm là những viên gạch xây nên cái đập che chắn ấy. Khi tỉnh thức xói mòn gạch, che chắn bị phá thủng, tâm từ bi hỷ xả sẽ có dịp tuôn trào. Do đó, càng thiền, bạn thấy tâm mình càng đổi thay. Kinh nghiệm sống thực và tỉnh giác trở nên rõ ràng, chính xác, và thường hằng chớ không còn lờ mờ đằng sau hậu trường nữa.

Mỗi giây phút đi qua được thấy rõ và biết rõ; nó không còn là một cái gì mờ ảo khó nhận diện như trước đây. Không còn cái gì gọi là "được nhìn phớt qua" hay "tầm thường"; tất cả đều sáng tỏ và đặc biệt. Tâm thức không xếp kinh nghiệm vô xó mà quan sát chúng một cách tỉ mỉ khiến bạn thấy chúng tường tận và hấp dẫn tưởng chừng như chúng mới xuất hiện lần đầu. Khi thiền tuệ của bạn tiến triển mạnh, nó trở thành bất di bất dịch. Bấy giờ bạn có thể vừa theo dỏi hơi thở vừa quán xét mỗi hiện tượng tâm linh. Bạn cảm thấy thanh thản và sống với kinh nghiệm đơn thuần của mỗi lúc trong hiện tại.

Khi không còn bận rộn với tư duy, tâm trở nên trong sáng và chỉ an định nơi sự tỉnh thức đơn thuần. Không thể mô tả sự tỉnh thức này một cách trung thực bởi ngôn từ không đủ khả năng. Vì vậy, nó chỉ có thể được chứng nghiệm. Hơi thở sẽ không còn là cái hơi thở tĩnh tại quan niệm theo lối thông thường; nó không phải là cái hít vô thở ra đều đều và nhàm chán. Trái lại, nó là quy trình sinh động rất ngoạn mục. Nó là một hiện thực trong hiện tại chớ không phải là một chức năng xảy ra trong thời gian; thời gian vật lý chỉ là một khái niệm chớ không phải là một hiện thực chứng nghiệm được.

Sự tỉnh thức đơn thuần là tỉnh thức được tước hết những ngoại vi vô bỗ. Nó gắn liền với hiện tại sinh động và được đánh dấu bởi sự hiện thực đậm nét. Bạn chắc chắn biết rằng nó thật, thật hơn bất cứ cái gì bạn chứng nghiệm được. Khi nào bạn thật sự đạt đến trạng thái này, bạn có được một lơi thế tốt để đánh giá các kinh nghiệm khác của bạn. Bạn sẽ biết thế nào là một hiện tượng đơn thuần và thế nào là một hiện tượng nhìn với thái độ. Bạn sẽ thấy mình uốn nắn sự thật bằng cái tâm hay phê phán, so sánh và tư kiến. Bạn sẽ biết mình làm gì và làm lúc nào. Bạn sẽ nhạy cảm hơn khi thấy mình tách rời hiện thực cũng như khi biết mình trở lại với chiều kích khách quan không thêm và không bớt. Bạn trở thành một người rất mẫm cảm, biết rõ hiểu rõ mọi sự vịệc, và nhìn thấy sinh hoạt của thân và tâm với đầy đủ chi tiết. Bạn tỉnh giác theo dỏi sự sanh diệt của hơi thở; bạn quan sát dòng cảm thọ luân lưu vô tận; bạn thẩm tra các tư duy và cảm xúc tuôn chảy không ngừng; và bạn cảm nhận nhịp điệu thời gian diễn tiến đều đặn. Giữa các sinh hoạt liên tục ấy, không có người quan sát mà chỉ có sự quan sát.

Trong giai đoạn nhận thức nói trên, không có cái gì bất biến trong hai khoảnh khắc khác nhau. Tất cả đều đang trở thành. Tất cả đều sanh, trụ và diệt. Một định luật không có ngoại lệ. Bạn sẽ tỉnh giác những thay đổi liên tục của đời bạn. Nhìn quanh, bạn thấy tất cả và tất cả đều chảy theo dòng: xuất hiện, phát triển, tàn dần, rồi mất đi. Trên đời, từ vật vi tế đến đại dương đều ở trong thế động liên tục. Và vũ trụ được xem như một đại hà của kinh nghiệm. Cuộc sống cũng như mọi sở hữu quý giá nhứt của bạn đều tan hoại vào một lúc nào đó; chúng vô thường. Tuy nhiên, bạn đừng nên buồn vì sự vô thường ấy. Bạn nên nhìn sâu vô đại giang vô thường để thấy tất cả đều biến đổi theo vũ điệu đầy sự sống và hoan lạc.

Trong lúc nhìn các biến đổi tuần tự đi qua và duyên vào nhau, bạn hiểu rằng có sự liên kết mật thiết giữa các hiện tượng tâm lý, cảm thọ và cảm giác. Bạn thấy ý tưởng này dẫn đến ý tưởng khác, ý tưởng diệt tạo ra cảm xúc, cảm thọ tạo ra ý tưởng, vân vân. Ý tưởng, hành động, cảm thọ, vân vân được nhìn thấy như liên kết vào nhau trong mạng lưới nguyên nhân và kết quả. Bạn thấy dục ái sanh rồi diệt chớ không bao giờ tồn tại lâu bền. Bạn thấy đau khổ không được mời mà đến và thấy mình thất bại ê chề khi không thể xua đuổi chúng đi. Tất cả đến đi và đi đến. Tuy nhiên bạn nên bình tâm và nhìn chúng vận hành.

 Từ những quan sát trên bạn có thể kết luận rằng đời bạn có nhiều bất toại nguyện và bạn có thể nhìn thấy cội nguồn của chúng. Chúng phát xuất từ sự không thể đạt được những gì bạn mong muốn, sự sợ phải mất đi những gì bạn tưởng đã nắm trong tay, và thói quen không bao giờ thỏa mãn với những gì bạn có. Những gì vừa trình bày không phải là lý thuyết suôn, bởi bạn có thể xác chứng được chúng là thật. Bạn từng sợ hãi hay bất an trước sự sống và chết. Bạn thấy mình ưu tư tìm quanh, nắm bắt bất kỳ cái gì vớ tay đến được, nhưng rồi bạn thất vọng thấy mình không tóm thâu gì được vì không có cái gì là không thay đổi.

Bạn cảm cái đau vì mất mát và ưu buồn; bạn nhìn mình chịu đựng những khổ đau chồng chất từng ngày. Bạn chứng kiến những va chạm và căn thẳng vốn có trong mọi diễn biến của cuộc sống thường tình. Và bạn thấy các mối quan tâm của bạn thật nông cạn, không có chiều sâu. Bạn nhìn sự khổ đau, bịnh tật, già nua và chết chóc; bạn học để không sợ hãi; bạn biết chúng là sự thật hiển nhiên.

Qua sự quan sát các khía cạnh tiêu cực của đời sống, bạn biết thế nào là khổ (dukkha), bản chất bất toại nguyện của cuộc sống. Bạn bắt đầu nhận thức dukkha trong mọi tầng lớp của đời, từ lớp hiển nhiên đến lớp tinh tế. Bạn thấy khổ đau đến ở nơi nào có tham ái; khi bạn bám víu vào một cái gì đó, chắc chắn bạn sẽ chuốt khổ. Khi bạn quen với sự vận hành của tham ái, bạn sẽ thấy nó phát khởi như thế nào, lúc nào và nơi nào. Bạn sẽ thấy nó ở mọi nơi và mọi lúc, chế ngự tâm, và biến tâm thức thành nộ lệ của nó.

Bạn thấy tham ái và chấp trước xuất hiện trong hoàn cảnh hân hoan; còn trong hoàn cảnh bất toại bạn thấy có sự chống trả quyết liệt. Bạn đừng chế ngự chúng, mà chỉ nên nhìn chúng như "cái gì đó" của tư duy con người. Bạn tìm cái gọi là "ta" nhưng chỉ thấy tấm thân vật lý và thấy cách bạn xác định "cái tôi" của bạn với cái túi da bọc xương ấy. Bạn tiếp tục tìm và thấy mọi thứ hiện tượng tâm linh như cảm xúc, ý tưởng, quan điểm, vân vân, và thấy bạn xác định "cái tôi" của bạn với mỗi thứ ấy. Bạn thấy mình trở thành ích kỷ, tự vệ và tự phòng đối với các thứ lỉnh kỉnh đó, và bạn thấy thật điên rồ biết bao. Bạn xông xáo lục lạo trong các thứ đó để tìm cho mình--vật chất, cảm xúc, và cảm giác-- và cho ra "cái ta".

Tiếc thay, bạn không tìm được gì cả. Trong dòng kinh nghiệm tuôn chảy liên tu ấy, bạn chỉ thấy vô số tiến trình khách quan duyên vào nhau, tức cái trước làm nhân cho cái sau hay cái sau là quả của cái truớc. Không có cái gọi là "ta bất biến"; chỉ có tiến trình. Bạn chỉ thấy ý tưởng chớ không có người tư tưởng. Bạn thấy cảm giác và ham muốn, nhưng không có người cảm giác hay ham muốn. Nhà bạn hoàn toàn trống vắng, không có chủ nhân.

Tầm nhìn của bạn về "cái tôi" thay đổi từ đây. Bạn bắt đầu nhìn mình như một tấm hình trong báo. Khi nhìn với mắt trần, hình bạn thấy đích thị là một ảnh. Nhưng khi nhìn với kính phóng đại, hình chỉ còn là một lô chấm đen. Cũng vậy, dưới sự quán xét của tỉnh thức "cái tôi" hay "cái trở thành gì đó" không còn ý nghĩa nữa. Chỉ còn lại ba tướng của cuộc sống là vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta). Bạn thật sự chứng nghiệm sự không thường còn của mọi kinh nghiệm, sự bất toại nguyện của cuộc sống, và sự thiếu vắng của cái tôi. Bạn chứng nghiệm rõ ràng ba tướng ấy của đời và kết quả là bạn tỉnh giác sự vô nghĩa của tham ái, chấp thủ và kháng cự. Trong giây phút tỉnh giác ấy, tâm thức biến đổi. Cái tôi tan biến. Chỉ còn lại hằng hà sa số những hiện tượng khách quan hình thành do duyên khởi và biến đổi liên tục. Tham ái tan biến, vậy là gánh nặng được để xuống. Dòng tâm trôi chảy nhẹ nhàng không còn bị sức ép nào cả. An tĩnh và Niết Bàn được chứng ngộ.

- HẾT -

-ooOoo-

ĐỌC THÊM: ĐỐI TƯỢNG CỦA THIỀN ĐỊNH[15]

Những gì giúp tâm trở nên an tĩnh được gọi là đối tượng của Thiền Định. Đó cũng là những phương pháp làm tâm an lạc. Những ai muốn hành Thiền Định đều phải hiểu rõ đối tượng của pháp thiền này mới mong đạt đuợc kết quả như ý. Như người lính xông pha trận mạc, trước tiên anh phải được huấn luyện quân sự mới mong chiến thắng. Tuy nhiên có chút khác biệt là lính chỉ chiến đấu với kẻ thù bên ngoài, còn người thiền phải chiến đấu với kẻ thù bên trong.

Vi Diệu Pháp (Abhidhammatthasangaha) và Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) có ghi bốn mươi đối tượng của Thiền Định, chia làm bảy nhóm như sau:

1. 10 đề mục Kasina (đối tuợng để định tâm)

2. 10 đề mục tử thi bất tịnh (Asubha)

3. 10 đề mục Tùy niệm (Anussati)

4. 4 đề mục Vô lượng tâm (Brahmavihara)

5. 1 đề mục Quán Vật thực (Aharepatikulasanna)

6. 1 để mục Quán Tứ đại (Catudhatuvavatthana)

7. 4 đề mục Quán Vô sắc (Arupadamma)

Mười Kasina

Kasina chủ yếu:

1. Đề mục Đất lấy đất làm đối tuợng

2. Đề mục Nước lấy nước làm đối tượng

3. Đề mục Lửa lấy lửa làm đối tượng

4. Đề mục Gió lấy gió làm đối tượng

Sắc kasina:

5. Đề mục Xanh lục lấy màu xanh lục làm đối tượng

6. Đề mục Vàng lấy màu vàng làm đối tượng

7. Đề mục Đỏ lấy màu đỏ làm đối tượng

8. Đề mục Trắng lấy màu trắng làm đối tượng

9. Đề mục Ánh sáng lấy ánh sáng làm đối tượng

10. Đề mục Hư không lấy hư không làm đối tượng.

Mười Đề Mục Tử Thi Bất Tịnh (Asubha): Có mười trạng thái phân hóa của tử thi như sau (dùng làm đề mục Thiền Định):

1. Tử thi sình chương (chết 2-3 ngày) (Uddhumataka)

2. Tử thi ngã sang màu tím thâm (Nilaka)

3. Tử thi chảy máu mủ (Vipubbaka)

4. Tử thi chặt lìa thành đoạn (Vicchiddaka)

5. Tử thi bị thú vật cấu xé bỏ rải rác (Vikkhayitaka)

6. Tử thi bị chặt chân, tay, đầu, mình bỏ rải rác (Vikkhittaka)

7.  Tử thi bị đâm lủng nhiều lỗ (Hatavikkhittaka)

8. Tử thi bị chảy máu lai láng (Lohitaka)

9.  Tử thi có giòi (Puluvaka)

10. Tử thi còn bộ xương trắng (Atthika)

Mười Đề Mục Tùy Niệm (Anussati): Có mười đề mục Tùy niệm dùng làm đề mục Thiền Định:

1. Niệm 9 ân đức Phật (Buddhanussati)

2. Niệm 6 ân đức Pháp (Dhammanussati)

3. Niệm 9 ân đức Tăng (Sanghanussati)

4. Niệm về giới trong sạch của mình (Silanussati)

5. Niệm về sự bố thí của mình (Caganussati)

6.  Niệm về 5 pháp của Chư Thiên nơi mình (Devatanussati)

7. Niệm về sự chết (Maranasati)

8. Niệm về 32 thể trược (Kayagatasati)

9. Niệm hơi thở vô hơi thở ra (Anapanasati)

10. Niệm về trạng thái tịch tịnh Niết Bàn (Upasamanussati)

Tứ Vô Lượng Tâm (Bramavihara): Bốn đề mục Tứ Vô Lượng Tâm là:

1. Niệm rải tâm Từ (Metta)

2. Niệm rải tâm Bi (Karuna)

3. Niẹm rải tâm Hỷ (Mudita)

4. Niệm rải tâm Xả (Upekkha)

Quán Vật Thực Bất Tịnh (Aharepatikulasanna): Mục đích là để gây cảm giác kinh tởm.

Quán Tứ Đại (Catudhatuvavatthana): Mục đích để phân tích bốn yếu tố của thân cho thấy thân chỉ do đất, nước, gió, lửa tạo nên. Do đó, thân không có gì hấp dẫn.

Bốn Bậc Thiền Vô Sắc (Arupadhamma): Đó là 4 bậc thiền không có hình thể:

1. Không vô biến xứ thiền có hư không (Akasanancayatana) làm đối tượng. Chứng đắc đệ nhứt thiền vô sắc.

2. Thức vô biến xứ thiền có tâm không vô biến xứ (Vinnanancayatana) làm đối tượng. Chứng đắc đệ nhị thiền vô sắc.

3. Vô sở hữu xứ thiền có vô sở hữu (Akincannayatana; không có gì) làm đối tượng. Không còn mải mai tư duy nào về vô sắc và chứng đắc đệ tam thiền vô sắc.

4. Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền. Sau khi chứng ngộ đệ tam thiền vô sắc, tiếp tục tiến hành thiền định và thấy "có tâm vô sở hữu xứ thiền rất vắng lặng, rất vi tế" đến đổi không thể xác định rằng "đó là có tưởng hay không có tưởng." Chứng đắc đệ tứ thiền vô sắc.

Người hành pháp Thiền Định phải quán xét các đề tài nêu trên cho đến khi hiểu rõ phương pháp hầu đạt sự an tịnh do bốn mươi đối tượng ấy đem lại. Sau khi thử nghiệm một thời gian, hành giả sẽ chọn trong số bốn mươi đề mục trên một đề tài thích hợp với bản tánh[16] của mình nhứt để làm đối tượng thiền. Ở Thái Lan và nhiều quốc gia khác, đối tượng Quán Hơi Thở (Anapanasati) được ưa chuộng nhứt bởi lẽ hơi thở sẵn có nơi mọi người và dễ nhận diện. Được biết hơi thở còn là đối tượng của Thiền Quán nữa.

(Trích từ "A Buddhist Meditation Way -- Một Lối Thiền Phật Giáo" của Sư Phra Tepvisuddhikavi).


[1] "Tâm vô trụ là tâm bất động," Thiền sư Soko Morinaga từng nói vậy. (nd).

[2] Mong muốn đạt được quả La Hán là cái tham vi tế hướng tới điều thiện (nd).

[3] Vì đồng sanh hai tâm sở này hiển lộ cùng lúc (nd).

[4] Hán Việt: triền (xoay); cái (che) (nd).

[5] Pali: Chanda với ngữ căn "chad" là" ao ước, mong cầu." Tâm Sở Vấn Đáp, Tỳ Kheo Chánh Minh, NXB Tôn Giáo, 2005, tr 196.

[6] Pali: Dosa với ngữ căn "du" là "khó chịu, buồn rầu." Tâm Sở Vấn Đáp, Tỳ Kheo Chánh Minh, NXB Tôn Giáo, 2005, tr 373.

[7] Pali: Thina có ngữ căn "the" là "co rúm lại". Tâm Sở Vấn Đáp, Tỳ Kheo Chánh Minh, NXB Tôn Giáo, 2005, tr 422.

[8] Pali: Middha có ngữ căn "middh" là "không có khả năng hoạt động". Tâm Sở Vấn Đáp, Tỳ Kheo Chánh Minh, NXB Tôn Giáo, 2005, tr 424.

[9] Pali: Kukkuccha gồm ngữ "ku" (xấu, sái quấy) và "kata" (đã làm xong). Tâm Sở Vấn Đáp, Tỳ Kheo Chánh Minh, NXB Tôn Giáo, 2005, tr 414.

[10] Pali: vicikiccha có ngữ căn "khakhi" là "nghi ngò". Tâm Sở Vấn Đáp, Tỳ Kheo Chánh Minh, NXB Tôn Giáo, 2005, tr 438.

[11] Sự biết đơn thuần (awareness) là nhận biết qua giác quan; khác với ý thức (consciousness) là sự nhận biết nhờ trí (nd).

[12] "Tri kiến như thực" (nd).

[13] Hán Việt: lậu (rỉ ra); hoặc (lừa dối, nghi ngờ, mê loạn) Hán Việt Tự Điển, Đào Duy Anh, NXB Trường Thi, 1957.

[14] Lysergic Acid Diethylamise, C20H25N3O, hợp chất hữu cơ gây ảo giác (nd).

[15] Biên dịch phần Đọc Thêm này, người dịch có dựa theo "Tìm Hiểu Pháp Hành Thiền Tuệ" của Tỳ Khưu Hộ Pháp, NXB Tôn Giáo, 2000, tr. 135-166.

[16] Có sáu loại tánh của hành giả hành thiền định: tánh Tham Dục (Ragacarita), tánh Sân Hận (Dosacarita), tánh Si Mê (Mohacarita), tánh Tà Tư Duy (Vitakkacarita), tánh Tín (Saddhacarita), và tánh Giác (Buddhicarita). Xin tham khảo thêm "Tìm Hiểu Pháp Hành Thiền Tuệ" của Tỳ Khưu Hộ Pháp, NXB Tôn Giáo, 2000, tr. 140-146 để biết đề mục thiền định thích hợp và không thích hợp với từng mỗi tánh của hành giả (nd) .

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02 | Mục lục


Chân thành cám ơn Đạo hữu Chơn Quán đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 09-2007).


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 02-10-2007