BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


CUỘC ÐỜI ÐỨC PHẬT

TỊNH MINH dịch Việt
P.L. 2540 - T.L. 1996


PHẦN HAI

 

I- ÐỀ-LÊ-PHÚ-BÀ VÀ BẠT-LÊ-CA

Ðức Phật ngồi kiết già an nhiên bất động dưới cây đại giác. Ngài tận hưởng nguồn hỷ lạc mà Ngài vừa chứng ngộ hoàn toàn. Ngài suy gẫm: "Ta đã tìm ra sự giải thoát." Suốt tuần Ngài kiết già bất động dưới cội bồ đề.

Tuần thứ hai, Ngài làm một cuộc hành trình thật xa, ngài dạo khắp tam thiên đại thiên thế giới.

Tuần thứ ba, Ngài lại an nhiên bất động dưới cội bồ đề và chưa một lần nào chớp mắt.

Tuần thứ tư, Ngài thực hiện một cuộc hành trình tương đối gần, chỉ từ biển đông sang biển tây.

Thế rồi Ma-vương, tên ác quỉ đại bại, đã tủi nhục bỏ đi lại đến gặp Phật và thốt lên những lời quái đãn:

"Bạch Ðức Thế Tôn, Ngài ở lại đây làm gì, Ngài biết đường đến giải thoát rồi? Hãy tắt đèn, dập lửa; bạch đức Thế Tôn, hãy vào niết bàn đi, đến giờ rồi."

Ðức Thế Tôn đáp:

"Không, này Ma vương, ta sẽ không dập lửa, ta sẽ không vào niết bàn. Trước hết là ta phải thâu nhận nhiều đệ tử để rồi đến lượt họ đem giáo pháp của ta ra hóa độ người khác. Bằng ngôn ngữ và hành động, ta phải khuất phục kẻ thù của ta. Không, này Ma-vương, ta sẽ không vào niết bàn cho đến khi Ðức Phật được tôn vinh khắp thế giới, đến khi giáo pháp từ bi của Ngài được công nhận khắp thế giới.

Ma-vương bỏ đi, Hắn chán nản, và hình như hắn thoáng nghe trên không có tiếng thiên thần trêu tức:

"Này Ma-vương, mi đã bị thất bại rồi. Mi đứng co ro tư lự như một con cò già. Ma-vương, mi bất lực như một con voi già bị sa lầy. Mi tưởng mi là một anh hùng cái thế, mi còn hèn yếu hơn cả một bịnh nhân bị lạc lõng trong rừng. Lời lẽ hỗn xược của mi có ích gì chăng? Chúng léo nhéo như tiếng quạ kêu, chả có lợi gì cả!"

Hắn nhặt một miếng gỗ khô và vẽ những hình người lên cát. Ba ái nữ: Ra-ti (Rati), A-ra-ti (Arati) và Trí-na (Trishna) của hắn nhìn thấy hắn. Chúng được triệu về để hiểu rõ nỗi khổ đau tê tái của phụ vương chúng.

Ra-ti thưa: "Tâu phụ vương, sao phụ vương trông khốn khổ thế?"

Ma-vương đáp: "Cha đã bị một thánh nhân đánh bại. Hắn đã bẻ gãy năng lực và quỉ kế của cha."

Trí-na nói: "Tâu phụ vương, chúng con đẹp lắm. Chúng con có cách quyến rũ."

A-ra-ti tiếp lời: "Chúng con sẽ đến gặp hắn; chúng con sẽ trói gọn hắn bằng những mắc xích ái ân. Chúng con sẽ mang hắn về cho phụ vương, đồ đốn mạt, hèn hạ!"

Chúng đến gặp Phật và cất tiếng hát:

"Bạn ơi, mùa xuân đến rồi, mùa của tình tự yêu đương, của phấn hương tú lệ. Thảo mộc đang bừng rộ nở hoa; chúng ta phải vui lên nào. Ðôi mắt của bạn đẹp làm sao, chúng lung linh như ánh đèn huyền diệu; bạn có nhiều biểu hiện vạn năng. Hãy ngắm chúng em: chúng em được sinh ra đời để mang lại nguồn vui, nguồn hạnh phúc cho cả nhân loại và chư thiên. Bạn ơi, hãy đứng lên, hãy cùng với chúng em tô điểm tuổi xuân rực rỡ nhất cho bạn. Hãy loại hết mọi ý tưởng nghiêm nghị ra khỏi tâm tư của bạn. Hãy nhìn mái tóc của chúng em, chúng mềm mại làm sao; chúng thoang thoảng hương hoa từ những sợi đen huyền óng mượt. Hãy ngắm đôi mắt của chúng em, nơi ấp ủ nồng nàn của những giấc ngủ say ngọt ngào tình ái. Hãy ngắm làn môi ấm áp của chúng em, chúng đỏ mọng như trái chín trên cây dưới ánh mặt trời. Hãy ngắm những bộ ngực căng tròn của chúng em. Chúng em múa những vũ điệu uyển chuyển nhịp nhàng như chim thiên nga; chúng em biết hát những khúc nhạc tình đê mê say đắm, và khi chúng em vũ, nhịp tim và mạch máu lại đập mạnh nhanh hơn. Bạn ơi, xin đừng ruồng rẫy chúng em; chỉ có kẻ ngu si đần độn, thật vậy, mới ruồng bỏ một kho tàng hiếm có. Hỡi người yêu dấu, hãy nhìn ngắm chúng em; chúng em đều là nô lệ hầu thiếp của người."

Ðức Thế Tôn chả hề xúc động theo lời hát. Ngài quắc mắt nhìn các thiếu nữ và chúng liền biến thành những mụ phù thủy gớm guốc.

Thất vọng ê chề, chúng quay về gặp phụ vương.

Ra-ti than khóc: "Tâu phụ vương, hắn đã mạt sát tuổi trẻ và sắc đẹp của chúng con."

Trí-na nói: "Ái ân sẽ không bao giờ làm xiêu lòng hắn, vì hắn có thể cự tuyệt hương sắc của chúng con."

A-ra-ti thở dài: "Ồ, hắn đã hành hạ chúng con một cách tàn nhẫn."

Trí-na cầu khẩn: "Tâu phụ vương, xin phụ vương chữa cho chúng con khỏi cái vóc dáng già nua xấu xí này."

Ra-ti kêu khóc: "Trả lại tuổi xuân cho chúng con."

A-ra-ti cũng kêu khóc: "Trả lại tuổi xuân cho chúng con."

Ma-vương đáp: "Các con khốn nạn của cha, cha vô cùng đau đớn cho các con. Vâng, Người ấy đã dập tắt ái ân, Người ấy đã hàng phục uy lực của cha, cha đau buồn lắm! Các con bắt cha trả lại tuổi xuân và sắc đẹp cho các con, nhưng làm sao cha có thể trả lại điều đó? Chỉ có Phật là có thể tẩy xóa những gì mà Phật đã làm. Các con hãy quay lại gặp ngài; hãy thú nhận với Ngài là các con thật có tội đáng trách; các con hãy ăn năn sám hối người ấy, và có lẽ nhờ thế mà người ấy sẽ trả lại sắc đẹp cho các con."

Chúng đến cầu Phật:

"Bạch Ðức Thế Tôn, xin tha tội cho chúng con. Chúng con có mắt mà không thấy ánh hào quang rực rỡ. Chúng con đần độn lắm, xin tha tội cho chúng con!"

Ðức Thế Tôn đáp: "Vâng, các ngươi ngu xuẩn lắm, các ngươi dùng móng tay mà ra sức phá vỡ núi rừng, các ngươi dùng răng mà cố cắn nát gang sắt. Nhưng các ngươi đã nhận ra lỗi lầm, đó là biểu hiện của trí tuệ. Này các thiếu nữ, ta hỷ xả cho các ngươi."

Ba ái nữ của Ma-vương xin tạ Phật ra về và đẹp hơn bao giờ hết.

Tuần thứ năm, Ðức Thế tôn vẫn ngồi dưới cội bồ đề. Nhưng, bỗng nhiên, một cơn gió thê lương thổi lên và một trận mưa buốt giá đổ xuống. Thế là Mu-xi-linh-đa (Mucilinda), một mãn xà vương, bạch Ngài: "Ðức Thế Tôn không hề bị gió mưa buốt giá đâu."

Mãn xà rời tổ ấm, bò đến quấn quanh đức Phật bảy vòng rồi phùng mang che trên đầu Ngài. Ðức Phật nhờ thế không bị gì cả trong suốt thời gian mưa gió tơi bời.

Tuần thứ sáu, Ngài đến chỗ có cây sung, nơi bọn chăn dê thường tới lui gặp gỡ. Tất cả đều cung kính cúi đầu khi Ngài đến gần. Ngài nói:

"Hỷ xả là sự tươi mát cho ai hiểu biết giáo pháp; từ bi là sự tươi mát cho ai thấy rõ giáo pháp; hỷ xả là sự tươi mát cho tất cả chúng sanh; từ bi là sự tươi mát cho tất cả chúng sanh. Ở đời ai không dục vọng là có hạnh phúc; ai hàng phục được tội lỗi là có hạnh phúc; ai thoát khỏi sự dày vò ray rứt của cảm giác là có hạnh phúc; ai hết khao khát sinh tồn là có hạnh phúc!"

Tuần thứ bảy, Ngài lại kiết già bất động dưới cây đại giác.

Hai anh em Ðề-lê-phú-bà (Trapusha) và Ðạt-lê-ca (Bhalika) đang trở về các nước phương bắc. Họ là những thương gia đem theo 500 cổ xe ngựa. Khi họ đến gần cây bồ-đê, các cổ xe đều dừng lại. Bọn phu xe cố thúc ngựa kéo xe tiến lên, nhưng vô ích, chúng không thể tiến thêm một bước. Các bánh xe đều lún sâu đến giữa trục. Ðề lê-phú-bà và Bạt-lê-ca hoảng hốt, một lão ông từ đâu xuất hiện và ôn tồn trấn an họ:

"Này các thương gia, hãy đi tới tí nữa là các ngươi sẽ gặp một đạo sư mà các ngươi phải kính lễ, tôn thờ."

Ðề-lê-phú-bà và Bạt-lê-ca nhìn thấy Ðức Thế Tôn, mặt Ngài rực lên ánh hào quang sáng chói.

Họ tự hỏi: "Ðó là thần sông hay thần núi? Có thể là đấng Phạm-thiên không chừng?"

Nhưng khi nhìn kỹ y phục, họ lại nghĩ:

"Ngài ấy hẳn là một đạo sĩ. Có lẽ Ngài muốn có gì để ăn."

Ðề-lê-phú-bà và Bạt-lê-ca đến xe chở lương thực, họ lấy bột, mật ong và bánh đựng trong một cái bát đem dâng Phật.

Họ vừa dâng bánh vừa thưa: "Bạch thánh nhân, xin Ngài dùng bánh và độ chúng con."

Ngài nhận bánh của các thương gia cúng dường. Khi dùng xong, Ngài nói:

"Này các thương gia, nguyện cầu chư thiên gia hộ cho các ngươi được phát đạt hạnh phúc!"

Ðề-lê-phú-bà và Bạt-lê-ca cúi đầu đảnh lễ, và nghe trên không có tiếng thiên thần vọng xuống:

"Ngài ngồi trước mặt các ngươi đã đạt đến tri kiến tối thượng. Ðây là bữa ăn đầu tiên kể từ khi ngài mở đường đi đến giải thoát, và niềm vinh dự cúng dường đặc thù này đã dành hẳn cho các ngươi. Giờ đây Ngài sẽ lên đường thuyết giảng chánh pháp qua khắp thế giới."

Ðề-lê-phú-bà và Bạt-lê-ca cảm thấy hân hoan sung sướng, họ là những tín đồ qui y Phật qui y Pháp đầu tiên.

 

II- PHẬT CHUẨN BỊ THUYẾT PHÁP

Ðức Phật bắt đầu phân vân không biết làm sao truyền bá tri kiến. Ngài tự nhủ:

"Ta đã khám phá một sự thật vô cùng thậm thâm vi diệu. Ðây là một sự thật khó nhận, khó hiểu; chỉ có bậc trí giả mới lãnh hội được. Trong một thế giới tràn đầy hỗn loạn, cuộc sống con người luôn luôn bất an xao xuyến, nhưng họ lại thích sống như vậy! Làm sao họ có thể hiểu nổi vòng xích nhân quả? Làm sao họ có thể hiểu nổi giáo pháp? Họ sẽ không bao giờ chế ngự được dục vọng của họ; họ sẽ không bao giờ vất bỏ lạc thú trần gian; họ sẽ không bao giờ thể nhập niết bàn. Nếu ta thuyết pháp, họ sẽ không hiểu ta; có lẽ họ không thèm nghe ta nữa là khác. Công bố cho nhân loại biết sự thật mà ta phải chiến đấu mới đạt được thì có ích gì? Sự thật không dính dáng đến những ai bị dục vọng và hận thù sai khiến. Sự thật khó thấy lắm. Chân lý vẫn còn là một sự huyền diệu. Tâm tính phàm phu ô trược sẽ không bao giờ nắm bắt được chân lý. Kẻ nào đầu óc chìm ngập trong vô minh đen tối, kẻ nào tâm trí khổ đau ray rứt vì dục vọng trần gian, người ấy sẽ không bao giờ hiểu được sự thật."

Ðức Thế Tôn không dự định truyền bá giáo pháp.

Thế rồi, nhờ thần thông diệu lực, hiểu được những hoài nghi đang vây hãm đức Thế Tôn, Phạm-thiên lo sợ tự nhủ: "Thế giới sẽ bị tiêu ma, thế giới sẽ bị hủy diệt nếu đức Phật, đấng Ðại Giác Thế Tôn đứng riêng lẻ một mình, không chịu cùng giữa dòng nhân thế để thuyết giảng giáo pháp, truyền bá tri kiến."

Phạm-thiên rời khỏi cung trời, tức tốc giáng trần, xuất hiện trước mặt Thế Tôn nhanh như cánh tay co dãn của một lực sĩ. Ðể tỏ lòng tôn kính sâu sắc, Phạm-thiên trịch một vai áo, rồi quì gối, chấp tay, cúi đầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn, bạch rằng:

"Bạch Ðức Thế Tôn, xin Ngài thuyết minh giáo pháp; bạch Ðức Thế Tôn, xin Ngài truyền đạt tri kiến. Ở đời có những người rất thanh tịnh trang nghiêm, những người chưa từng bị nhiễm ô phiền não, nhưng nếu họ không được trao truyền tri kiến, làm sao họ có thể tự thấy giải thoát? Những người này phải được cứu độ; bạch Ngài, xin Ngài hãy cứu họ! Họ sẽ nghe theo Ngài; họ sẽ là môn đệ của Ngài."

Phạm-thiên tác bạch như thế nhưng Ðức Thế Tôn vẫn im lặng. Phạm-thiên thưa tiếp:

"Ác pháp hiện nay đang dọc ngang thắng thế trên đời. Ác pháp đã lôi kéo nhiều người vào vòng tội lỗi. Sứ mạng của Ngài là tiêu diệt ác pháp. Bạch Ðấng Ðại Giác, xin Ngài hãy mở cửa bất diệt cho chúng con; xin cho chúng con biết Ngài đã tìm ra những gì, hỡi Ðấng cứu tinh của nhân loại! Ngài là người leo núi, Ngài đứng trên đỉnh đá tuyệt vời. Ngài thấy rõ nhân loại cùng khắp. Bạch Ðấng cứu độ, xin thương xót chúng con; xin nghĩ đến những kẻ bất hạnh thống khổ vì sinh tồn già lão tác hại. Hỡi tráng sĩ chiến thắng, hãy lên đường, lên đường đi thôi! Hãy đi khắp thế giới, hãy là ngọn đèn sáng, hãy là đấng Ðạo Sư. Hãy thuyết giảng, hãy truyền đạt; sẽ có nhiều người lãnh hội ngôn ngữ của Ngài."

Ðức Thế Tôn đáp:

"Giáo pháp mà ta đạt được thì vô cùng thậm thâm hy hữu, vi diệu khó hiểu và siêu việt hẳn các luận lý thông thường. Thế gian không hiểu sẽ nhạo báng; chỉ có một vài trí giả nào đó may ra nắm được ý nghĩa và dốc lòng qui ngưỡng mà thôi. Nếu ta lên đường, nếu ta thuyết giảng và rồi không ai hiểu ta, thế là ta tự chuốc lấy sự thất bại nhục nhã. Này Phạm-thiên, ta sẽ ở lại đây, nhân loại ham vui lười dốt lắm."

Phạm-thiên lại bạch:

"Hỡi vầng thái dương lồng lộng, Ngài đã đạt đến trí tuệ siêu việt; ánh hào quang rực rỡ của Ngài tỏa sáng khắp vũ trụ, vậy mà Ngài vẫn thờ ơ lãnh đạm! Không, thái độ như thế không phù hợp với Ngài; sự im lặng của Ngài là điều thật đáng trách; Ngài phải nói lên mới được. Xin Ngài hãy đứng lên! Hãy đánh trống dộng chuông! hãy làm cho giáo pháp huy hoàng như ngọn đuốc sáng ngời, như cơn mưa ngọt ngào tắm gội mặt đất cằn khô. Hãy cứu độ những ai bị khổ đau hành hạ; hãy mang lại hòa bình cho những ai bị lửa dữ đốt thiêu! Ngài là vì sao giữa dòng nhân thế; Ngài, chỉ có Ngài là nhổ sạch gốc rễ tử sinh. Ngài hãy xem, nhân danh Phạm-thiên, ta quì lạy dưới chân Ngài, xin nguyện cầu Ngài thương nhận lời ta!"

Ðức Thế Tôn Ngẫm nghĩ:

"Giữa đám hoa sen xanh trắng bừng nở trong hồ, có số thì còn ở dưới nước, có số thì trồi hẳn lên trên mặt nước, có số thì vươn cao đến độ cành hoa không còn dính nước. Trên đời cũng thế, ta thấy có kẻ ác, người hiền; người thì tâm trí sắc sảo, kẻ thì đầu óc đần độn; người thì cao sang, kẻ thì hèn mọn; có số sẽ không hiểu; nhưng ta sẽ xót thương tất cả. Ta sẽ coi sen nở dưới nước và sen nở tươi đẹp trên cao như nhau."

Ngài nói với Phạm-thiên:

"Nguyện cầu cánh cửa bất diệt mở ra cho tất cả chúng sanh! Nguyện cầu những ai có tai nghe được âm hưởng và tín nhận. Ta đang lo ngại là sự cố gắng của ta sẽ không được gì, chỉ nhọc xác vô ích; nhưng lòng từ bi của ta có giá trị hơn những đắn đo suy tính đó. Này Phạm-thiên, ta đứng lên đây, ta sẽ trao truyền giáo pháp cho tất cả chúng sanh."

 

III- PHẬT ÐẾN BA-LA-NẠI

Ðức Thế Tôn phân vân không biết ai là người đầu tiên đáng được tiếp nhận ngôn ngữ giải thoát.

Ngài tự hỏi: "Ở đâu có người đức hạnh thông minh, nghị lực, tính tình hiền thục, dứt hẳn hận thù, tâm trí thanh tịnh, không bo bo ôm giữ tri kiến như khư khư ôm ấp một âm mưu đen tối nào đó để ta có thể trao truyền giáo pháp?"

Ngài nghĩ đến Uất-đầu-lam-phất, con trai của Ra-ma. Ngài nhớ Uất-đầu-lam-phất không còn hận thù và đã cố gắng hướng dẫn một cuộc sống đức hạnh; Uất-đầu-lam-phất không phải là hạng người vẽ vời tô điểm sự bí mật của tri kiến. Ngài định trao truyền giáo pháp cho Uất-đầu-lam-phất. Ngài tự hỏi: "Uất-đầu-lam-phất hiện giờ ở đâu?" Sau đó Ngài biết Uất-đầu-lam-phất, con trai của Ra-na, đã qua đời cách đó bảy ngày. Ngài nói:

"Thương thay! Uất-đầu-lam-phất, con trai của Ra-ma, chưa nghe được giáo pháp thì đã qua đời. Uất-đầu-lam-phất có thể lãnh hội giáo pháp và rồi có thể truyền đạt giáo pháp."

Ngài nghĩ đến A-la-lam. Ngài nhớ lại trí óc minh mẫn và cuộc sống đức hạnh của người. Ngài đinh ninh là A-la-lam sẽ hân hoan truyền bá giáo pháp. Ngài lại tự hỏi: "A-la-lam hiện giờ ở đâu? Sau đó Ngài biết A-la-lam đã qua đời cách đó ba ngày. Ngài nói:

"A-la-lam chưa nghe được giáo pháp thì đã qua đời; A-la-lam mất đi là một sự thiệt hại to lớn."

Ngài suy đi nghĩ lại và nhớ ra năm đệ tử của Uất-đầu-lam-phất, những vị đã một thời xin theo Ngài thọ giáo. Họ có đức hạnh; họ có nghị lực; họ chắc chắn sẽ thông hiểu giáo pháp. Ðức thế Tôn, nhờ trí tuệ, biết năm môn đệ của Uất-đầu-lam-phất đang sinh sống trong vườn lộc-uyển tại thành Ba-la-nại. Thế là Ngài lên đường thẳng đến Ba-la-nại.

Tại núi Dà-da (Gaya), Ngài gặp đạo sĩ U-ba-ca (Upaka). Vừa trông thấy Ðức Thế Tôn, U-ba-ca liền tỏ lời thán phục.

U-ba-ca nói: "Ngài kỳ diệu làm sao! Khuôn mặt của Ngài ôi rạng rỡ! Trái cây đã chín mộng dưới ánh mặt trời thì hoa nụ hẳn phải thưa dần. Ngài là vẻ đẹp của cả một mùa thu trong sáng. Bạch Ngài, cho con xin hỏi đạo sư của Ngài là ai?"

Ðức Thế Tôn đáp: "Ta không có đạo sư. Không ai như ta cả. Chỉ có ta là trí tuệ, tịch tịnh, bất hoại."

U-ba-ca nói: "Ngài hẳn là một đạo sư tôn quí tuyệt vời!"

"Vâng, ta là đạo sư duy nhất trên cõi đời này; không thể tìm đâu ra người như ta trên trái đất này hoặc ngay trên thiên giới."

U-ba-ca hỏi: "Ngài định đi đâu?"

Ðức Thế Tôn đáp: "Ðến Ba-la-nại. Ta sẽ đốt lên ngọn đèn tại đó và nó sẽ tỏa sáng khắp nhân gian, nó sẽ mang lại nguồn sáng ngay cho những ai bị mù mắt. Ta sẽ đến Ba-la-nại, tại đó, ta sẽ gióng lên những hồi trống thức tỉnh nhân loại, những hồi trống rềnh vang khai thông thính giác cho cả những người điếc tai. Ta sẽ đến Ba-la-nại, ta sẽ thuyết giảng giáo pháp tại đó."

Ngài tiếp tục lên đường và đến bờ sông Hằng (Gange). Nước sông dâng cao, Ðức Thế Tôn tìm đò qua sông. Vừa thấy ông đò, Ngài nói:

"Này bạn, cho ta sang sông được chăng?"

Ông đò đáp: "Ðược chứ, nhưng phải trả tiền trước."

Ðức Thế Tôn đáp: "Ta không có tiền." và rồi Ngài lội qua bờ bên kia như đi trên mặt đất.

Ông đò đau khổ, kêu gào: "Ta không đưa Ngài sang sông. Ngài đúng là bậc thánh mà! Ồ, ta ân hận quá!" Ông đò lăn nhào xuống đất với cõi lòng ray rứt dày vò.

 

IV- PHẬT GẶP LẠI CÁC ÐỆ TỬ TRƯỚC KIA

Ðức Thế Tôn vào đại thành Ba-la-nại. Ngài khất thực qua các đường phố, và sau khi thọ trai xong, Ngài thẳng đến vườn lộc-uyển. Ngài biết là Ngài sẽ tìm ra các đệ tử trước kia của Uất-đầu-lam-phất.

Năm môn đệ thấy Ngài từ xa đi lại, họ nhận ra Ngài và nói với nhau:

"Chúng ta không biết người đang đi về hướng chúng ta kia là ai sao? Người ấy không phải là vị đạo sư khổ hạnh mà xưa kia từng làm ta sửng sốt để rồi một hôm dứt khoát chống lại pháp môn cực kỳ khắc khổ ấy sao? Nếu sự khổ tu của người ấy không phải là đường hướng đích thực cho người ấy đi đến vô thượng bồ đề thì làm sao ngày nay tư tưởng của người ấy có thể giúp ích chúng ta trong khi người ấy vẫn bị tham dục, hèn nhát tác động? Chúng ta không cần phải ra đón người ấy hoặc đứng lên khi người ấy đến; chúng ta không cần phải ôm y bát cho người ấy; chúng ta không cần phải nhường chỗ cho người ấy. Chúng ta sẽ nói với người ấy: "Ở đây hết chỗ rồi'. Chúng ta sẽ không mời người ấy ăn uống gì cả."

Họ quyết định như vậy. Nhưng Ðức Thế Tôn mỗi lúc một tiến đến gần, Ngài đến gần bao nhiêu thì họ lại càng nao nao bấy nhiêu. Họ tự nhiên muốn đứng lên. Họ quýnh quáng như bầy chim cố thoát khỏi lồng đang bị lửa đốt bên dưới. Họ cảm thấy bất an; họ bồn chồn như thể họ bị ngã bịnh. Cuối cùng, họ từ bỏ ý định, họ đồng loạt đứng lên và ùa chạy đến Ðức Thế Tôn. Người thì cầm bình bát, người thì ôm y phục, người thì bày chỗ ngồi. Họ đem nước đến rửa chân Ngài và đồng thanh cất tiếng chào mừng:

"Xin hân hạnh chào bạn. Xin mời bạn ngồi giữa anh em chúng tôi."

Ðức Thế Tôn ngồi xuống rửa chân. Sau đó Ngài ngỏ lời với năm ẩn sĩ:

"Này các đạo sĩ, đừng gọi ta bằng bạn. Ta là Thánh Nhân, là đấng Toàn Giác, là Phật Ðà vô thượng. Này các đạo sĩ, hãy lắng nghe, ta đã tìm ra đường dẫn đến giải thoát. Ta sẽ chỉ đường cho các ngươi. Hãy lắng nghe, các ngươi sẽ giác ngộ sự thật cao quí."

Họ đáp"

"Xưa kia dù tu khổ hạnh đến đâu Ngài cũng không đạt đến quả vị toàn giác, nay sống buông lung phóng dật, làm sao Ngài có thể chứng đắc vô thượng bồ đề?"

Ðức Thế Tôn đáp: "Này các đạo sĩ, ta không sống buông lung phóng dật; ta chưa hề từ bỏ một công đức nào mà ta khao khát. Ta là Thánh Nhân, là Ðấng Toàn Giác, là Phật Ðà vô thượng. Này các đạo sĩ, hãy lắng nghe, ta đã tìm ra đường dẫn đến giải thoát. Ta sẽ chỉ đường cho các ngươi; ta sẽ truyền đạt giáo pháp cho các ngươi. Hãy lắng nghe, các ngươi sẽ giác ngộ sự thật cao quí."

Ngài dạy tiếp: "Này các đạo sĩ, các ngươi có nhận thấy là trước đây ta chưa bao giờ nói với các ngươi như vậy phải không?"

"Bạch đạo sư, chúng tôi nhận thấy điều đó."

"Ta nói với các ngươi: ta là Thánh Nhân là Ðấng Toàn Giác, là Phật Ðà vô thượng. Này các đạo sĩ, hãy lắng nghe, ta đã tìm ra đường dẫn đến giải thoát. Hãy lắng nghe."

Năm đạo sĩ lắng nghe, Ngài dạy:

"Có hai thái cực mà người khôn ngoan trí tuệ phải tránh. Một hạng người đắm say dục lạc; cuộc sống của họ là cả một vòng tròn say sưa phóng đãng; họ chỉ tìm thú vui để thõa mãn cảm giác. Hạng người đó bần tiện lắm; phẩm hạnh của họ đê hèn, lếu láo; người như thế không làm sao có được khôn ngoan trí tuệ. Hạng người khác thì dấn thân vào khổ hạnh, họ từ bỏ các thứ; phẩm hạnh của họ ưu sầu, vô dụng; người như thế cũng không làm sao có được khôn ngoan trí tuệ. Này các đạo sĩ, Ðấng Toàn Giác vượt ngoài hai thái cực đó. Ngài đã khám phá ra con đường Trung Ðạo, con đường khai tâm mở mắt, con đường dẫn đến tịch tịnh, giác ngộ, niết bàn. Này các đạo sĩ, con đường cao quí này có tám nhánh: Chánh Tín, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Ðịnh. Này các đạo sĩ, đây là con đường Trung Ðạo. Con đường mà ta, Ðấng Toàn Giác, đã khám phá; con đường dẫn đến tịch tịnh, giác ngộ, Niết bàn."

Năm môn đệ như nín thở hân hoan theo dõi Ngài. Ngài dừng lại giây lát rồi giảng tiếp:

"Này các đạo sĩ, ta sẽ truyền đạt cho các ngươi sự thật về khổ. Sanh là khổ, già là khổ, bịnh là khổ, tử là khổ, bị ràng buộc vào những gì các ngươi không ưa là khổ, bị tách biệt với những gì các ngươi yêu quí là khổ, không đạt được điều các ngươi mong ước là khổ, bám trụ vào sắc, thọ, tưởng, hành thức là khổ khổ.

Này các đạo sĩ, ta sẽ truyền đạt cho các ngươi sự thật về nguồn gốc của khổ. Khao khát sinh tồn là mãi mãi luân hồi sanh tử; dục vọng, lạc thú cũng theo đó mà ra. Chỉ có uy quyền là thỏa mãn dục vọng. Khao khát uy quyền, khao khát lạc thú, khao khát sinh tồn; này các đạo sĩ, đó là nguồn gốc của khổ.

Này các đạo sĩ, ta sẽ truyền đạt cho các ngươi sự thật về sự diệt khổ. Hãy dập tắt tham dục bằng cách tiêu trừ dục vọng. Hãy loại bỏ dục vọng. Hãy triệt tiêu dục vọng. Hãy hủy diệt dục vọng. Hãy giết sạch dục vọng.

Này các đạo sĩ, ta sẽ truyền đạt cho các ngươi sự thật về con đường dẫn đến sự diệt khổ. Ðó là Thánh Ðạo, là Bát Chánh Ðạo: Chánh Tín, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Ðịnh.

Này các đạo sĩ, các ngươi đã biết sự thật cao quí về khổ. Chưa có ai trước ta khám phá ra nó; mắt ta mở ra là thấy khổ liền. Ta đã hiểu rõ sự thật về khổ; này các đạo sĩ, các ngươi giờ đây phải nhận ra nó.

Này các đạo sĩ, các ngươi đã biết sự thật cao quí về nguồn gốc của khổ; chưa có ai trước ta khám phá ra nó; mắt ta mở ra là thấy ngay nguồn gốc của khổ. Ta đã hiểu rõ sự thật về nguồn gốc của khổ; này các đạo sĩ, các ngươi giờ đây phải nhận ra nó.

Này các đạo sĩ, các ngươi đã biết sự thật cao quí về sự diệt khổ; chưa có ai trước ta khám phá ra nó; mắt ta mở ra là thấy ngay sự diệt khổ. Ta đã hiểu rõ sự thật về sự diệt khổ; này các đạo sĩ, các ngươi giờ đây phải nhận ra nó.

Này các đạo sĩ, các ngươi đã hiểu sự thật cao quí về con đường dẫn đến sự diệt khổ; chưa có ai trước ta khám phá ra nó; mắt ta mở ra là thấy ngay con đường dẫn đến sự diệt khổ. Ta đã hiểu rõ sự thật về con đường dẫn đến sự diệt khổ; này các đạo sĩ, các ngươi giờ đây phải nhận ra nó.

Năm đệ tử hân hoan lắng nghe lời dạy của Ðức Thế Tôn. Ngài tiếp:

"Này các đạo sĩ, trong khi ta chưa giác ngộ hoàn toàn về bốn sự thật này, ta biết rằng không phải ở tại nhân gian hay ở thế giới của chư thiên, thế giới của Ma-vương, thế giới của Phạm-thiên; ta biết rằng giữa chúng sanh, nhân loại, thiên thần, ẩn sĩ hay bà-la-môn, ta chưa đạt đến quả vị vô thượng Phật Ðà. Nhưng, này các đạo sĩ, giờ thì ta có được sự giác ngộ hoàn toàn về bốn sự thật này, ta biết rằng trên cõi đời này cũng như ở thế giới của chư thiên, thế giới của ma-vương, thế giới của phạm-thiên; ta biết rằng giữa chúng sanh, nhân loại, thiên thần, ẩn sĩ hay bà-la-môn, ta đã đạt đến quả vị vô thượng Phật Ðà. Ta vĩnh viễn giải thoát: ta không còn sinh tử luân hồi nữa."

Ðức Thế Tôn thuyết giảng như thế và năm đạo sĩ hoan hỷ tín nhận, tôn vinh kính lễ Ngài.

 

V- TRUYỆN ẨN SĨ VÀ THỎ RỪNG

Kiều-trần-như (Kaundinya) là một trong năm vị đạo sĩ đầu tiên đến gần Ðức Thế Tôn và bạch rằng:

"Bạch Ðức Thế Tôn, con xin lắng nghe, nếu Ngài thấy con có ít nhiều duyên phước, con xin làm đệ tử Ngài."

Ðức thế Tôn hỏi: "Kiều-trần-như, ngươi đã hiểu ta chưa?"

Kiều-trần-như đáp: "Con xin qui y Phật, con xin nương theo Phật. Con xin nương theo Ðức Thánh, Ngài đã giác ngộ hoàn toàn, đã quán triệt tam thiên đại thiên thế giới; con xin nương theo Ngài có khả năng giáo hóa chúng sanh như người ta giáo hóa bò mộng ở rừng hoang, ngôn ngữ của Ngài được cả chư thiên và loài người tiếp nhận; con xin nương theo Ngài vì Ngài là Ðấng Phật Ðà vô thượng. Con xin qui y pháp, con xin nương theo giáo pháp. Ðức thế Tôn đã truyền đạt giáo pháp, đã thuyết giảng giáo pháp một cách rõ ràng; chánh pháp dẫn đến giải thoát, bậc hiền trí phải nhận ra năng lực từ bi hỷ xả của giáo pháp. Con sẽ sống theo giáo pháp của Ngài, giáo pháp tôn quí mà các bậc hiền trí phải theo đó tu tập."

Ðức Thế Tôn nói: "Ngươi đã thông đạt rồi đó; Kiều-trần-như, hãy đến gần ta thêm tí nữa. Ta đã thuyết giảng giáo pháp rõ ràng. Hãy sống đời thánh thiện và chịu đựng khổ đau."

Sau đó, Thập-lực-ca-diếp, Bạt-đề, Ma-ha-nam-câu-lỵ, và Át-bệ cùng đến bày tỏ đức tin và xin qui y theo Phật. Thế là bấy giờ có sáu thánh giả trên đời.

Trong khi Ðức Thế Tôn ở an tịnh tại vườn lộc-uyển thì một thanh niên tên Da-xá (Yasas) đến. Da-xá là con trai của một thương gia giàu có tại thành Ba-la-nại. Anh đã sống một cuộc sống trần tục, nhưng anh cũng đã ý thức được sự trống rỗng vô vị của các lạc thú trần gian, anh đang tìm kiếm sự an tịnh thiêng liêng giữa cảnh núi rừng u tịch. Gặp Da-xá, Ðức Thế Tôn thuyết giảng giáo pháp cho anh nghe và anh tuyên bố là anh quyết định đi theo đường hướng thánh thiện.

Phụ thân của Da-xá đến vườn lộc-uyển để tìm con. Ông muốn làm con xiêu lòng, muốn bắt con từ bỏ đường hướng thánh thiện. Nhưng khi nghe Phật giảng giải, ngôn từ của Ngài đã làm ông cảm kích và xin qui y theo Ngài. Mẹ và vợ của Da-xá cũng xin tỏ lòng thâm tín sự thật của giáo pháp, nhưng khi Da-xá xin xuất gia với các sa môn thì phụ thân, mẫu thân và vợ của anh lại trở về nhà ở Ba-la-nại.

Bốn người bạn của Da-xá là Tỳ-ma-la (Vimala), Tu-bà-hầu (Subahu), Phù-lan-na ca (Purnajit) và Già-bà-bạt-đế (Gavampati) đều lấy làm buồn cười cho bước chân lên đường của anh. Họ nói:

"Chúng ta hãy đến vườn lộc-uyển tìm Da-xá. Chúng ta sẽ vạch trần lỗi lầm cho cậu ấy thấy và cậu ấy sẽ về lại với chúng ta."

Vào đến tận rừng, họ thấy Phật đang thuyết giảng cho các đệ tử. Ngài kể:

"Ngày xưa, có một ẩn sĩ lưu trú tại một thung lũng bé nhỏ hiu hắt trong rừng. Ngài sống kham khổ một mình. Y phục của ngài làm bằng vỏ cây, ngài chỉ uống nước lã, ăn toàn rễ cây và trái rừng. Người bạn tâm phúc của ngài là một chú thỏ. Chú thỏ này có thể nói được tiếng người và thích trò chuyện với ngài ẩn sĩ lắm. Chú học hỏi được nhiều điều lợi ích ở những lời huấn thị của ngài, chú tích cực phấn đấu để đạt đến trí tuệ. Rồi, vào một năm nọ, đại hạn khủng khiếp xảy ra; các dòng suối ở rừng đều khô cạn, cây cành chả còn hoa trái gì cả.

Vị ẩn sĩ không thể tìm đâu ra thức ăn nước uống; ngài đâm ra chán ngán cho cảnh ẩn dật núi rừng, và, một hôm, ngài đành vất bỏ y phục ẩn sĩ. Chú thỏ thấy thế hỏi: "Này bạn, bạn đang làm gì vậy?' vị ẩn sĩ đáp: "Bạn thấy đó, ta không còn dùng y phục này nữa'. Chú thỏ nói: "Ơ kìa! bạn sắp rời khỏi thung lũng này sao?' "Vâng, ta sẽ đi giữa dòng nhân thế. Ta sẽ khất thực và họ sẽ cho ta thức ăn chứ không phải rễ cây và trái rừng như thế này nữa'.

Nghe qua, chú thỏ giật mình hoảng hốt như thể một em bé bị cha mẹ bỏ rơi, chú kêu khóc: "Bạn ơi, đừng đi đâu nữa! Ðừng bỏ ta một mình! Hơn nữa, biết bao người phải tan hoang khi đến sinh sống ở thị thành! Chỉ có cuộc sống u tịch ở núi rừng là đáng quí.' Nhưng vị ẩn sĩ đã dứt khoát, ngài quyết tâm ra đi, ngài muốn đi. Chú thỏ van xin: "Ngài từ bỏ núi rừng thật sao? Thế thì đi! Nhưng xin ngày ban cho ta một ân huệ: hãy nán lại đây một ngày nữa, chỉ một ngày nữa thôi. Hãy ở lại đây hôm nay, ngày mai bạn có thể tha hồ lên đường.' Vị ẩn sĩ suy nghi: "Thỏ là loài giỏi tìm kiếm thức ăn; chúng có kho lương thực giấu kín đâu đây. Ngày mai có lẽ thỏ mang cho ta chút gì để ăn.' Thế là vị ẩn sĩ hứa ở lại cho đến ngày hôm sau, chú thỏ sung sướng vọt chạy mất. Vị ẩn sĩ là một trong những tín đồ thờ lửa (Agni), ngài cẩn thận, luôn luôn giữ lửa cháy đều trong thung lũng. Ngài tự nhủ: "ta không có gì để ăn, nhưng ít ra ta có thể sưởi ấm cho đến khi bạn thỏ trở về.'

Tảng sáng hôm sau, chú thỏ lại về với hai bàn tay trắng. Khuôn mặt của vị ẩn sĩ lộ hẳn vẻ thất vọng chán nản. Chú thỏ cuối đầu lạy tạ thưa rằng: "Súc vật chúng tôi không có tri thức hay khả năng nhận định gì cả; bạch ẩn sĩ tôn quí, nếu ta có gì lỗi lầm, xin ngài hỷ xả cho.' Chú thỏ nói xong đột nhiêu nhảy bổ vào lửa. Vị ẩn sĩ thét lên: "Bạn làm gì thế?' Ngài cũng nhảy đại vào lửa để cứu thỏ. Sau đó chú thỏ tâm sự với ngài: "Ta không muốn ngài từ bỏ nghĩa vụ; ta không muốn ngài rời khỏi nơi đây. Không còn gì để ăn cả. Ta nguyện hiến thân vào lửa; bạn ơi, hãy ăn ta, hãy dùng tạm thịt ta và ở lại nơi thung lũng này'. Vị ẩn sĩ vô cùng xúc động. Ngài đáp: "Ta sẽ không lên đường trở về phố thị; ta sẽ ở lại đây dù ta phải chết đói'. Chú thỏ sung sướng, ngước mắt nhìn trời, miệng lâm râm cầu nguyện: "Hỡi thần sấm, ta luôn luôn yêu quí cuộc sống cô tịch. Xin tưởng đến ta mà mưa đổ xuống'. Thế là mưa tuôn ào ào, không mấy chốc, vị ẩn sĩ và ông bạn của ngài thấy đầy đủ thức ăn cần thiết cho họ ở thung lũng.

Sau giây phút yên lặng, đức Thế tôn tiếp:

"Này các thầy tỳ kheo, chú thỏ lúc đó chính là ta đây. Còn vị ẩn sĩ chính là một trong những thanh niên ác ý vừa vào vườn lộc uyển. Vâng, người ấy chính là Tỳ-ma-la đó!"

Ngài từ chỗ ngồi đứng lên.

"Này Tỳ-ma-la, ngay khi còn là một chú thỏ rừng trong thung lũng, ta đã ngăn chận ngươi chạy theo ác đạo, ta còn chỉ đường cho ngươi đi đến thánh thiện huống hồ là nay ta đã đạt đến quả vị vô thượng Phật Ðà, tai mắt của ngươi đều nghe thấy điều đó. Vậy mà ngươi vẫn nỡ ra sức ngăn cản người bạn tâm phúc của ngươi đi tìm giải thoát!"

Tỳ-ma-la sụp lại dưới chân Ðức Thế Tôn, anh xin qui y theo Ngài và được Ngài chấp thuận xuất gia tu tập với các đệ tử. Sau đó, Tu-bà-hầu, Phù-lan-na-ca và Già-bà-bạt-đế cũng quyết tâm noi theo thánh giáo của Ngài.

Số đệ tử mỗi ngày một gia tăng, chẳng mấy chốc Ðức Thế Tôn đã có sáu mươi vị sa môn sẵn sàng truyền bá giáo pháp. Ngài khuyên các đệ tử:

"Này các đệ tử, ta đã giải thoát hết mọi ràng buộc nhơn thiên. Các ngươi ngày nay cũng thế. Này các đệ tử, các ngươi hãy khởi sự lên đường, hãy đi đi, hãy vì lòng xót thương nhân thế, hãy vì nguồn hạnh phúc của nhân gian, hãy đi đi! Chính nhờ các ngươi mà nhân loại và chư thiên sẽ được an vui hạnh phúc. Hãy đơn độc lên đường. Này các đệ tử, hãy thuyết giảng, hãy truyền bá giáo pháp rực rỡ huy hoàng: giáo pháp huy hoàng khi bắt đầu, huy hoàng ngay ở giữa, huy hoàng lúc sau cùng. Hãy truyền đạt tinh thần của giáo pháp; hãy thuyết giảng văn tự của giáo pháp; hãy phổ biến nếp sống hoàn hảo, thanh tịnh, thánh thiện cho những ai muốn nghe. Có những người không bị bụi phấn trần gian làm mù quáng, nhưng họ sẽ không thấy giải thoát nếu họ không được nghe giáo pháp. Vì thế, này các đệ tử, hãy lên đường, hãy truyền đạt giáo pháp cho họ."

Các đệ tử lên đường du hóa mỗi người một phương, Ðức Thế Tôn một mình thẳng đến Ưu-lâu-tần-loa (Uruvilva).

 

VI- TRUYỆN BÁCH-MA-CA

Ðức Thế Tôn đi được một hồi lâu thì mệt mỏi.

Ngài vào một cánh rừng nhỏ và ngồi nghỉ dưới một gốc cây. Ngài vừa thiu thiu ngủ thì thấy một đám ba mươi thanh niên vào rừng Ngài chăm chú quan sát họ.

Theo ngôn ngữ và cử chỉ của họ thì rõ ràng là họ đang tìm một người nào. Cuối cùng họ hỏi Phật:

"Ngài có thấy một phụ nữ đi qua đây không?"

"Không, các anh là ai?"

"Chúng tôi là những nhạc công. Chúng tôi lưu diễn từ thành phố này đến thành phố khác. Chúng tôi thường trình tấu trước sự hiện diện của các quốc vương, tài nghệ của chúng tôi được nhiều người hâm mộ lắm. Hôm nay chúng tôi có đem theo một thanh nữ để giúp vui, nhưng trong lúc chúng tôi ngủ say ở bên kia vệ đường thì hắn vơ hết đồ đạc của chúng tôi và trốn mất. Chúng tôi đang truy tìm con nhỏ đó.

Ðức Phật hỏi: "Việc làm nào tốt đẹp hơn, các anh đi tìm cô phụ nữ đó hay các anh đi tìm chính các anh?"

Các nhạc công cười ngoặt ngoẹo, ra vẻ châm biếm Ðức Thế Tôn.

Ngài nói với người cười to nhất: "Anh chơi đàn của anh xem nào."

Nhạc công khoe tài ngay. Anh chơi hay thật; thảo nào anh dễ dàng tin tưởng là các vua chúa đều say mê lời ca điệu nhạc của anh. Khi anh diễn xong, Ðức Thế Tôn nói:

"Cho ta mượn cây đàn của anh."

Ngài dạo qua một bản, các nhạc công lắng nghe sửng sốt. Họ chưa bao giờ nghe thấy âm điệu ngọt ngào từ cung đàn của họ phát ra như vậy. Ngay cả gió cũng im lặng phăng phắc, mọi người dường như nín thở lắng nghe tiếng đàn kỳ diệu của Ngài.

Ðức Thế Tôn ngừng dạo đàn.

Nhạc công thưa: "Bạch Ðức Thế Tôn, chúng con nghĩ là chúng con đã điêu luyện về nghệ thuật, nhưng thật ra chúng con chưa hiểu tí gì về nguyên tắc căn bản của nó. Xin Ngài thương tình dạy cho chúng con những điều mà Ngài đã quán triệt."

Ðức Thế Tôn đáp: "Ðến giờ phút này các anh mới thấy kiến thức âm nhạc của các anh còn nông cạn, nhưng trước đây các anh cho là các anh đã bát lãm về nghệ thuật. Vì thế cho nên các anh tưởng là các anh hiểu được các anh, thật ra sự hiểu biết của các anh còn hời hợt lắm. Các anh cầu ta dạy cho các anh nhưng các anh lại cười đùa ngạo nghễ khi ta khuyên các anh đi tìm lại chính các anh!"

Các nhạc công hết dám cười đùa nữa.

Họ thưa: "Bạch Ðức Thế Tôn, chúng con hiểu Ngài, chúng con hiểu Ngài! Chúng con sẽ đi tìm lại chính chúng con."

Ðức Phật nói: "Tốt lắm, các ngươi sẽ thông đạt giáo pháp của ta. Rồi đây, như quốc vương Bách-ma-ca (Padmaca), người đã hy sinh thân mạng để cứu sống quốc dân, các ngươi cũng sẽ truyền đạt trí tuệ các ngươi để cứu vớt nhân loại."

Ngài kể lại câu chuyện về vua Bách-ma-ca và các nhạc công chăm chú lắng nghe.

"Xưa kia có một quốc vương công minh, uy dũng, tên là Bách-ma-ca, trị vì tại thành Ba-la-nại. Bấy giờ có một bịnh dịch kỳ dị bỗng nhiên lan tràn khắp thành phố. Những ai nhiễm bịnh đều vàng cả người, và, dù phơi dưới ánh mặt trời, họ vẫn bị sốt run cầm cập. Quốc vương vô cùng xót thương dân chúng, ngài cố tìm phương cách để cứu chữa họ. Ngài hội ý với các y sĩ lừng danh nhất, ngài phân phát thuốc men và đích thân giúp đỡ, chăm sóc người bịnh. Nhưng hết hy vọng, bịnh dịch cứ tiếp tục hoành hành. Bách-ma-ca vô cùng đau đớn.

Một hôm, có một trưởng lão y sĩ đến tâu vua: "Tâu quốc vương, hạ thần biết một thứ thuốc có thể cứu chữa dân Ba-la-nại!' Quốc vương hỏi: "Thuốc gì thế' "Ðó là con cá mập Rô-hy-ta (Rohita). Hãy cho người bắt nó và phát cho bịnh nhân mỗi người một miếng, dù nhỏ thế nào chăng nữa, thì bịnh dịch tan biến ngay.' Quốc vương cuống quít cảm ơn vị trưởng lão y sĩ đó; ngài ra lệnh cho mọi người giăng sông chài biển để bắt cá Rô-hy-ta, nhưng họ không tìm đâu ra nó. Quốc vương đau buồn chán nản. Sáng hoặc tối, thỉnh thoảng ngài nghe có tiếng khóc than ai oán bên ngoài hoàng cung: "Quốc vương ơi, chúng tôi khốn khổ lắm. Xin cứu vớt chúng tôi với!' Ngài khóc nức nở.

Cuối cùng, ngài suy nghĩ: "Giàu sang quyền thế để mà chi, cuộc sống có ích gì nếu ta không cứu giúp những ai bị khổ đau hành hạ?' Ngài cho gọi người con trưởng nam của ngài đến, ngài nói: "Con ơi, cha để lại cho con tài sản và vương quốc này.' Ðoạn ngài đi thẳng lên sân thượng hoàng cung, ngài dâng cúng hương hoa đến chư vị thiên thần và khấn nguyện: "Ta hân hạnh hy sinh mạng sống mà ta cho là vô dụng này. Nguyện cầu sự hy sinh này mang lại lợi ích cho những ai bị khổ đau vây hãm! Ta xin nguyện làm cá Rô-hy-ta theo sông trôi qua thành này!' Ngài từ sân thượng gieo mình xuống đất và biến ngay thành cá Rô-hy-ta bơi theo dòng sông. Cá bị bắt, nó vẫn còn sống khi họ cắt nó thành những mảnh nhỏ để phân phát cho người bịnh, nó chả thấy bị dao búa cắt xẻ gì cả, nó run run cử động với lòng thương yêu tất cả chúng sanh.

Chẳng mấy chốc bệnh dịch biến mất, khắp thành Ba-la-nại, đâu đâu cũng vang lên lời ca tiếng nhạc: "Chính nhờ Bách-ma-ca, đấng minh quân thánh đức cứu vớt các ngươi! Hãy vui lên nào!' hầu hết dân cư trong thành đều tôn kính, tưởng nhớ đến Bách-ma-ca."

Các nhạc công lắng nghe Ðức Thế Tôn, họ hứa qui y theo Ngài để thọ trì giáo pháp.

Tại Ưu-lâu-tần-loa, Ðức Thế Tôn gặp ba anh em của Ca-diếp (Kasyapa). Ba đạo sĩ bà-la-môn đức hạnh này có một ngàn đệ tử. Họ thường bị một con rắn độc nhiễu hại, quấy phá các cuộc tế lễ của họ, họ đem sự phiền toái đó đến trình Phật. Ðức Phật mỉm cười; Ngài đón gặp rắn độc và bảo nó từ đó về sau hãy để cho họ an ổn tu hành. Rắn độc vâng lời, thế là các cuộc tế lễ của họ không bị gián đoạn nữa.

Ba anh em Ca-diếp mời Phật ở lại với họ vài hôm. Ngài nhận lời. Ngài muốn tạo sự ngạc nhiên cho các chủ nhân bằng cách phóng ra vô số phép màu kỳ diệu, bấy giờ hết thảy mọi người đều xin nương theo giáo pháp của Ngài. Chỉ có người anh cả của ba anh em Ca-diếp là không chịu theo Phật. Người ấy suy nghĩ:

"Ðúng, đạo sĩ có nhiều thần lực, Ngài phóng ra vô số thần thông diệu dụng, nhưng ngài chưa thánh thiện bằng ta."

Ðọc được tư tưởng của Ca-diếp, Ðức Thế Tôn nói:

"Này Ca-diếp, ngươi cho ngươi là người thánh thiện, nhưng ngươi chưa ở trên đường dẫn đến thánh thiện."

Thấy Phật đoán được ý nghĩ thầm kín của mình, Ca-diếp vô cùng kinh ngạc. Ðức Thế Tôn nói tiếp:

"Ngươi không biết làm sao tìm ra đường hướng dẫn đến thánh thiện. Này Ca-diếp, hãy nghe theo lời ta nếu ngươi muốn xua tan màn đêm vây hãm cuộc sống của ngươi."

Ca-diếp suy nghĩ trong giây lát rồi sụp lạy dưới chân Ðức Thế Tôn và bạch rằng:

"Bạch Ðức Thế Tôn, xin Ngài truyền thọ giáo pháp cho con! Xin cứu con ra khỏi màn đêm tăm tối."

Sau đó Ðức Thế Tôn lên núi thuyết giảng giáo pháp cho ba anh em Ca-diếp và môn đệ của họ

Ngài dạy: "Này các thầy tỳ kheo, các pháp ở thế gian đều đang bừng cháy, nhãn quan đang bừng cháy, tất cả những gì chúng ta nhìn thấy trên đời đều đang bừng cháy. Vì sao thế? vì ngọn lửa yêu ghét chưa được dập tắt. Các ngươi si mê mù quáng là vì thứ lửa này, các người chịu khổ đau, sanh già bịnh chết cũng vì thứ lửa này. Này các thầy tỳ kheo, mọi vật ở thế gian đều đang bừng cháy! Hiểu ta thì ngọn lửa đó sẽ được dập tắt cho các ngươi; mắt các ngươi sẽ hết bị thứ lửa đó làm mù quáng, và các ngươi sẽ hết ham thích cảnh tượng bừng cháy mà các ngươi đang say đắm hiện nay. Hiểu ta, các ngươi sẽ thấy hết luân hồi sanh tử, các ngươi sẽ thấy chúng ta không bao giờ trở lại trên trái đất này."

 

VII- PHẬT TẠI RỪNG TRÚC-LÂM

Ðức Thế Tôn nhớ rằng quốc vương Tần-bà-sa-la xưa kia đã bày tỏ ý định học hỏi giáo pháp, Ngài quyết định đến thành Vương-xá (Rajagriha). Ngài lên đường với trưởng tử Ca-diếp và một vài môn đệ mới khác. Ngài đến trú tại một khu rừng gần thành.

Chẳng mấy chốc, quốc vương Tần-bà-sa-la hay tin các thầy tỳ kheo đã đến. Vua quyết định đến viếng các ngài. Cùng với đoàn cận vệ theo sau hộ tống, quốc vương đi thẳng đến cánh rừng. Nhận ra Ðức Thế Tôn, quốc vương thưa:

"Bạch Ðức Thế Tôn, Ngài không quên ước nguyện của con chứ; con xin vô vàn biết ơn và kính lễ Ngài."

Quốc vương sụp lạy, Ðức Thế Tôn đỡ vua đứng lên và người đứng cách một khoảnh để tỏ lòng tôn kính của mình.

Nhưng trong đám tùy tùng có người nhận ra Ca diếp và coi ngài là bậc thánh đức tuyệt vời. Họ chưa bao giờ thấy Phật nên họ rất đỗi ngạc nhiên thấy quốc vương trọng vọng Ngài đến thế.

Một người bà-la-môn nói: "Quốc vương lạy như vậy hẳn là có lỗi; lẽ ra kính lễ Ca-diếp mới phải."

Một người khác nói: "Ðúng, Ca-diếp là bậc đạo sư vĩ đại."

Người thứ ba tiếp: "Quốc vương đã phạm phải một lỗi lầm kỳ dị, đã nhầm môn đệ là đạo sư."

Họ thì thầm với nhau như thế nhưng Ðức Thế Tôn đã nghe hết, bởi vì có gì qua nổi sự nhận xét của Ngài? Ngài hỏi Ca-diếp:

"Này người xứ Ưu-lâu-tần-loa, ai xúi giục ngươi từ giã nơi ẩn cư của ngươi? Ai bắt ngươi phải chấp nhận sự nhu nhược của ngươi? Này Ca-diếp, trả lời xem, làm sao ngươi từ giã được nơi ẩn cư quen thuộc của ngươi?"

Hiểu Ðức Thế Tôn muốn nói gì, Ca-diếp đáp:

"Ngày nay con mới biết các pháp môn khổ hạnh của con xưa kia đi đến đâu; con nhận thấy tất cả những gì con truyền đạt đều rỗng tuếch. Lời giảng của con là ác pháp, con bắt đầu chán ghét lối sống trước kia của con."

Ðáp xong, Ca-diếp sụp lạy dưới chân Ðức Thế Tôn, ngài bạch tiếp:

"Con là đệ tử thuần thành của Ngài. Cho con được phép quì lạy dưới chân Ngài! Ngài là Ðấng Thế Tôn, là đạo sư hướng dẫn chúng con. Con là môn đệ của Ngài, là thị giả của Ngài. Con sẽ nhứt tâm vâng phục theo Ngài."

Ca-diếp đảnh lễ Ðức Thế Tôn bảy lần, cả đám tùy tùng đều lên tiếng thán phục:

"Phi thường thay, đấng đã giáo hóa Ca-diếp thấy rõ vô minh! Ca-diếp coi Ngài là một trong những đạo sư tôn quí nhất, xem Ca-diếp quì lễ trước mặt người khác kìa! Ồ, phi thường thay, đấng đạo sư của Ca-diếp."

Sau đó Ðức Thế Tôn thuyết giảng cho họ về bốn sự thật cao quí. Khi Ngài thuyết xong, quốc vương Tần-bà-sa-la tiến đến gần Ngài, và, trước mặt mọi người, dũng mãnh tuyên thệ:

"Con xin qui y Phật, con xin qui y Pháp, con xin qui y Tăng."

Ðức Thế Tôn cho phép quốc vương ngồi bên cạnh Ngài, vua lại tác bạch:

"Trong đời con, con có năm ước vọng to lớn: ước rằng một ngày nào đó con sẽ là quốc vương; ước rằng một ngày nào đó Phật sẽ quang lâm đến đất nước con; ước rằng một ngày nào đó Ngài sẽ truyền thọ giáo pháp cho con; ước rằng một ngày nào đó con sẽ dốc lòng tín cẩn theo Ngài. Ngày nay, tất cả những ước vọng đó đều được thành tựu. Bạch Ðức Thế Tôn, con xin qui y Phật, con xin qui y Pháp, con xin qui y Tăng."

Quốc vương đứng lên.

"Bạch Ðức Thế Tôn, ngày mai, xin mời Ngài hoan hỷ đến hoàng cung của con thọ trai."

Ðức Thế Tôn nhận lời. Quốc vương xin ra về với cõi lòng hân hoan vô bờ bến.

Nhiều người trong đám tùy tùng theo gương quốc vương, họ cũng xin phát tâm qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng.

Ngày hôm sau, tất cả dân cư tại thành Vương-xá đều bỏ nhà để đến rừng, họ trông mong thấy được dung nhan của Ðức Thế Tôn. Tất cả đều thán phục, ca ngợi vẻ huy hoàng uy lực của Ngài.

Ðã đến giờ Ðức Thế Tôn đến vương cung, đường sá đông nghẹt người xem đến độ không thể nhích thêm một bước. Bỗng nhiên, một tanh niên bà-la-môn xuất hiện trước Ðức Thế Tôn. Không ai biết anh từ đâu đến. Anh nói:

"Ðức Thế Tôn cao cả giữa đoàn người quí tộc, Ngài đem đến sự giải thoát. Ngài tỏa hào quang sáng ngời như vàng ròng đã đến thành Vương-xá."

Với giọng nói vui vẻ, anh kêu gọi dám đông tránh đường, họ nhất tề vâng phục. Anh cất tiếng hát:

"Ðức thế Tôn đã xua tan bóng tối; màn đêm sẽ không bao giờ trở lại; Ngài chứng đắc vô thượng bồ đề đã đến thành Vương- xá.

Dân chúng tự hỏi: "Anh thanh niên bà-la-môn có giọng nói ngọt ngào trong sáng kia từ đâu tới?

Anh tiếp tục cất tiếng hát:

"Ngài đã đến rồi, Ngài là Ðức Thế Tôn toàn năng cao cả, là Phật Ðà vô thượng. Ngài là đấng toàn giác siêu việt trên đời; ta sung sướng được hầu hạ Ngài. Không phải hầu hạ kẻ thất phu ngu muội mà là cung kính hầu hạ bậc hiền giả thánh trí, là kính lễ các bậc tôn túc đức hạnh: có nguồn vui nào trên đời thánh thiện hơn thế? Có tài nghệ kiến thức, quí nghĩa cử bao dung, bước trên đường công lý: có nguồn vui nào trên đời thánh thiện hơn thế?"

Anh thanh niên bà la môn tìm cách chen qua đám đông, đưa Ðức Thế Tôn đến tận cung vua Tần-bà-sa-la rồi đi mất. Dân chúng tại thành Vương-xá tin đó là một thiên thần hân hạnh hầu Phật và tán dương đức hạnh cao cả của Ngài.

Vua Tần-ba-sa-la tiếp đón Ðức Thế Tôn rất trọng hậu. Sau bữa ngọ trai, quốc vương tâm sự với Ngài:

"Bạch Ðức Thế Tôn, con vô cùng sung sướng trước sự hiện diện của Ngài. Con phải thường hầu thăm Ngài, thường lắng nghe những lời cao quí từ kim khẩu Ngài. Giờ đây, xin Ngài nhận cho một phẩm vật cúng dường. Gần thành Vương- xá hơn cánh rừng Ngài ở, có một khu rừng mệnh danh là rừng Trúc-lâm. Nó rộng lắm, Ngài và đồ chúng có thể trụ xứ ở đó thoải mái. Bạch Ðức Thế Tôn, con xin dâng Ngài khu rừng Trúc-lâm đó; nếu Ngài nhận lời thế là Ngài sẽ ban cho con một ân huệ cao cả."

Ðức Phật vui cười hoan hỷ. Một chiếc thau vàng đựng đầy nước hoa thơm ngát được bê tới. Quốc vương bê thau nước hoa rót lên tay Ðức Thế Tôn. Ngài nói:

"Bạch Ðức Thế Tôn, khi nước từ tay con đổ qua tay Ngài, tương tự như thế, bạch Ðức Thế Tôn, nguyện cho khu rừng Trúc-lâm này cũng từ tay con chuyển qua tay Ngài."

Cả trái đất rung chuyển: giáo pháp ngày nay đã có đất cắm rễ. Cùng ngày hôm đó, Ðức Thế Tôn và cả đồ chúng đến trụ tại rừng Trúc-lâm.

 

VIII- XÁ-LỢI-PHẤT VÀ MỤC-KIỀN-LIÊN

Hai thanh niên bà-la-môn, Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên (Sariputra, Maudgalyayana) bấy giờ cũng đang cư ngụ tại thành Vương-xá. Họ là bạn tâm giao và cũng là đồ đệ của ẩn sĩ San-xa-dạ (Sanjaya). Họ đã hứa với nhau: "Ai đắc đạo trước thì thông báo ngay cho người kia cùng biết."

Một hôm, Xá-lợi-phất thấy Át-bệ đang khất thực trong thành Vương-xá. Ông rất đỗi ngạc nhiên về vẻ mặt phúc hậu hoan hỷ, phong thái cao quí hiền hòa, cốt cách điềm tĩnh uy nghiêm của Át-bệ. Ông tự nhủ:

"Ðúng rồi, có một đạo sĩ đã xuất hiện trên đời và đã tìm ra chánh đạo dẫn đến thánh quả. Ta phải đến gặp ngài ấy, ta phải hỏi xem đạo sư của ngài ấy là ai và ngài ấy qui ngưỡng theo giáo pháp nào"

Nhưng rồi ông ngẫm nghĩ:

"Giờ này chưa phải lúc để hỏi ngài. Ngài đang khất thực; ta không nên làm phiền ngài. Ta sẽ theo ngài, đợi ngài khất thực xong, ta sẽ đến hầu chuyện với ngài."

Tôn giả Át-bệ bấy giờ nghỉ khất thực. Xá-lợi-phất đến gặp ngài và chào hỏi ngài rất thân mật. Át-bệ cũng khiêm tốn đáp lại lời chào hỏi của Xá-lợi-phất.

Xá-lợi-phất hỏi: "Này bạn, dung mạo của bạn trầm tĩnh làm sao! Ánh mắt của bạn sao mà trong sáng thế! Ai đã thuyết phục bạn xuất gia? Bổn sư của bạn là ai? Bạn qui phục theo giáo pháp nào?"

Át-bệ đáp: "Thưa bạn, đức Ðại sa môn, con trai của dòng tộc Thích-ca, là bổn sư của tôi"

"Này bạn, bổn sư của bạn nói gì, Ngài dạy những gì?"

"Thưa bạn, tôi mới xuất gia học đạo, tôi mới lãnh hội giáo pháp chỉ trong một thời gian ngắn; tôi chưa thể luận giải dài dòng, nhưng tôi có thể cho bạn biết tóm lược tinh thần của giáo pháp."

Xá-lợi-phất nói: "Này bạn, xin bạn nói ít nhiều gì cũng được, miễn là bạn cho tôi biết tinh thần của giáo pháp. Ðối với tôi, chỉ có tinh thần của giáo pháp là quan trọng."

Tôn giả Át-bệ đọc câu:

"Ðấng Toàn Giác thuyết giảng nguyên nhân, Ðấng Toàn Giác thuyết giảng cứu cánh."

Xá-lợi-phất vô cùng hoan hỷ. Hình như sự thật đã hiển lộ trọn vẹn trước mắt người. Người suy nghĩ: "Các pháp do duyên sanh ắt phải do duyên diệt."Người cảm ơn Át-bệ, và, với niềm hy vọng tràn đầy, người đi tìm Mục-kiền-Liên.

Trông thấy Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên hỏi: "Này bạn, dung mạo của bạn trầm tĩnh làm sao! Ánh mắt của bạn sao mà trong sáng thế! Bạn đắc đạo rồi chăng?"

"Vâng, thưa bạn. Gần thành Vương-xá có một đạo sĩ thuyết giảng về sự giải thoát sanh tử."

Xá-lợi-phất tường thuật lại cuộc hội ngộ của mình và cả hai đều quyết tâm đến gặp Ðức Thế Tôn. San-xa-dạ, vị đạo sư của họ, hết lòng khuyên can họ.

Ông nói: "Hãy ở lại đây với ta, ta sẽ ban cho các ngươi một địa vị cao sang giữa hàng môn đệ. Các người sẽ là đạo sư như ta."

"Tại sao anh em chúng tôi cần phải ngang hàng với ngài? Tại sao chúng tôi phải gieo rắc vô minh? Chúng tôi hiểu giả trị của giáo pháp ngài. Nó chỉ biến chúng tôi thành những đạo sư ngu muội."

San-xa-dạ tiếp tục khuyên nhủ họ; bỗng nhiên, máu nóng từ trong miệng ông vọt ra, Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên hoảng sợ, rút lui.

Họ cùng nhau lên đường đến gặp Phật.

"Ðây rồi, Ðức Thế Tôn nói khi Ngài thấy họ tiến đến gần, đây là hai vị kiệt hiệt nhất trong hàng đệ tử của ta."

Ngài hoan hỷ đón nhận họ vào Tăng đoàn.

 

IX- PHẬT HÓA GIẢI CÁC CUỘC XUNG ÐỘT CỦA DÂN THÀNH VƯƠNG-XÁ

Tín đồ mỗi lúc một gia tăng, quốc vương Tần-bà-sa-la lại bày tỏ đức tin và tình bạn sâu sắc của mình với Ðức Thế Tôn. Vua thường thỉnh Phật đến hoàng cung và mời Ngài ngự tại ngai vàng. Mỗi lần thỉnh Phật như thế, vua lại hạ lệnh trang hoàng kinh thành sao cho ra vẻ vui tươi. Hoa giăng khắp phố, cờ bay rợp nhà, hương thơm ngào ngạt, ai ai cũng chưng diện y phục sặc sỡ. Quốc vương đích thân cầm lọng vàng đi đầu nghênh đón và che nắng Ðức Thế Tôn.

Nhiều thanh niên quí tộc nghe Ðức Thế Tôn thuyết pháp và nguyện xin qui y. Họ muốn làm thánh, họ từ bỏ gia đình tài sản, và chẳng mấy chốc, khu rừng Trúc-lâm đầy ắp những môn đệ thuần thành.

Nhưng cũng có nhiều người tại thành Vương-xá bực tức thấy Phật hóa độ số người xuất gia quá đông, họ lên tiếng phẫn uất khắp kinh thành.

Họ tra hỏi: "Tại sao hoàng tử dòng Thích-ca lại có mặt trên đất nước chúng ta? Chưa đủ đạo sĩ thuyết giảng đạo đức cho chúng ta sao? Họ không quyến rủ thanh niên chúng ta bỏ nhà bỏ cửa như vị đạo sư đó. Ừa, ngay cả con cái chúng ta cũng đang từ bỏ chúng ta. Vì hoàng tử dòng Thích-ca mà biết bao phụ nữ phải lâm cảnh góa bụa! Vì hoàng tử dòng Thích-ca mà biết bao gia đình phải mất con mất cháu! Chỉ vì đạo sư đó có mặt trên đất nước chúng ta mà đau khổ sẽ xảy đến cho vương quốc này!"

Ðức Thế Tôn sau đó gặp rất nhiều kẻ thù trong số dân cư trong thành. Mỗi khi gặp môn đệ của Ngài, họ tấn công hoặc hủy báng thậm tệ.

Một người đi qua nói: "Vị đại sa môn đó đến thành Vương-xá và chiếm trọn khu rừng Trúc-lâm; vị ấy sẽ chiếm cả vương quốc Ma-kiệt-đà (Magada) này không chừng?"

Một người khác nói: "Vị đại sa môn đó đến thành Vương-xá và đoạt cả môn đệ của Sa-xa-dạ; ngày nay vị ấy sẽ còn quyến rủ ai nữa đây?"

Người thứ ba nói: "Một tai họa dịch hạch còn ít nguy hại hơn là vị đại sa môn đó, bịnh dịch hạch sát hại trẻ em ít hơn."

Một phụ nữ thở dài nói: "Bịnh dịch hạch gây cảnh góa phụ là bao!"

Các môn đệ im lặng. Họ cảm thấy lòng phẫn uất của quần chúng đang dâng cao, họ thuật lại những lời thóa mạ mà họ đã nghe thấy cho Ðức Thế Tôn rõ. Ðức Thế Tôn đáp: "Này các đệ tử, đừng bận tâm về điều đó. Họ sẽ sớm chấm dứt thôi. Ðối với những ai theo hủy báng lăng nhục các ngươi, các ngươi hãy nhẹ nhàng từ tốn nói với họ: "Bởi vì họ hiểu biết sự thật, sự thật chân chính mà các tráng sĩ tin theo, sự thật chân chính mà các đấng toàn thiện giáo hóa. Ai dám xúc phạm đến Phật, bậc thánh giả hóa độ bằng uy lực của sự thật?' Thế là họ sẽ in ngay, và chỉ vài ngày sau đó, khi dạo qua kinh thành, các ngươi sẽ thấy được tán dương cung kính."

Ðúng như lời Phật dạy. Lời lẽ hủy báng không còn nữa, mọi người ở thành Vương-xá đều tôn vinh môn đệ của Ðức Thế Tôn.

 

X- TỊNH-PHẠN PHÁI SỨ THẦN ÐẾN GẶP CON MÌNH

Vua Tịnh-Phạn hay tin con mình đã chứng đắc vô thượng bồ đề và ở trong rừng Trúc-lâm, tại thành Vương-xá. Quốc vương mong gặp lại Ngài. Vua phái một sứ giả đến bạch Phật như vầy: "Bạch Ðức Thế Tôn, phụ vương của Ngài, vua Tịnh-Phạn, mong gặp Ngài."

Khi đến rừng Trúc-lâm, sứ giả thấy Ðức Thế Tôn đang giảng dạy các môn đệ:

"Có một cánh rừng nối liền với một sườn núi và dưới chân núi là một khu hồ rộng, sâu. Dã thú sinh sống trên bờ hồ đó. Có một kẻ từ đâu xuất hiện, hắn muốn hãm hại các loài dã thú đó, muốn làm cho chúng đau khổ, muốn làm hại chúng. Hắn rào bít con đường thông thương ra khỏi hồ, con đường lui tới an toàn, và hắn mở ra một đoạn đường ngụy tạo dẫn vào một cánh đầm lầy khủng khiếp. Dã thú gặp nạn; chúng sẽ chết từng con một. Trái lại, có một người nào đó xuất hiện để tìm ra sự an lạc, hạnh phúc, phồn vinh cho dã thú đó. Người ấy sẽ hủy bỏ lối đi ngụy tạo dẫn vào đầm lầy và mở ra một lộ trình an toàn dẫn tới đỉnh núi êm đềm. Thế là dã thú sẽ thoát khỏi nguy khốn, chúng sẽ được phồn vinh phát đạt. Này các đệ tử, hãy nhận ra những gì ta muốn nói với các ngươi. Ai sống gần lạc thú trần gian, người ấy như đã thú sống trên bờ hồ sâu rộng đó. Kẻ hãm hại ta, bức bách ta, tiêu diệt ta, ấy chính là tên ác quỉ Ma-vương. Cánh đầm lầy mà tất cả chúng sanh tự trầm mình trong đó là ái dục, là vô minh. Người mưu cầu hạnh phúc, an lạc và thịnh vượng cho chúng sanh là Ðấng Toàn giác, là Bậc Thánh Giả, là Ðức Phật từ bi. Này các đệ tử, Người ấy là ta vậy. Ta mở đường an lành; chính ta phá hủy lộ trình ngụy tạo. Các ngươi sẽ không vào đầm lầy; các ngươi sẽ lên núi, các ngươi sẽ đạt đến đỉnh cao rực rỡ tuyệt vời. Tất cả những gì Ðức Thế Tôn làm đều là thể hiện lòng từ bi và mưu tìm hạnh phúc cho môn đệ. Này các đệ tử, ta đã tìm kiếm sự an lạc cho các ngươi.

Sứ giả sung sướng lắng nghe và rồi sụp lạy dưới chân Ðức Thế Tôn, bạch rằng!

"Bạch Ðức Thế Tôn, xin nhận con vào hàng đệ tử của Ngài."

Ðức Thế Tôn dang tay nói:

"Này sa môn, hãy đến đây."

Sứ giả đứng lên, và, bỗng nhiên, y phục cá nhân biến thành hình dạng và màu sắc y phục của một sa môn. Sứ giả quên hết mọi việc, quên cả thư tín của Tịnh-Phạn truyền đi.

Quốc vương mệt mỏi đợi chờ sứ giả trở về. Mỗi ngày, lòng mong mỏi gặp con lại gia tăng. Vua phái một sứ thần khác đến rừng Trúc-lâm. Nhưng rồi quốc vương cũng hoài công chờ đợi người ấy trở về. Quốc vương chín lần phái sứ thần đến gặp Ðức Thế Tôn, chín lần được nghe thánh ngôn của Phật, các sứ thần quyết tâm ở lại và xin xuất gia làm sa môn.

Vua Tịnh-Phạn cuối cùng gọi Ưu-đà-di (Udayin) đến.

Quốc vương nói: "Này Ưu-đà-di, như khanh biết, chín sứ giả lên đường đến rừng Trúc-lâm không một ai trở về, không ai cho trẫm biết thư tín của trẫm được đón nhận thế nào. Trẫm chả biết họ có tiếp xúc được với con trẫm không, họ có gặp con trẫm không. Ưu-đà-di, trẫm sốt ruột lắm! Trẫm già rồi, cái chết đang mai phục trẫm đó. Trẫm có lẽ chỉ sống đến ngày mai, nhưng khó mà lường được những ngày sau đó. Này Ưu-đà-di, trước khi nhắm mắt buông tay, trẫm muốn gặp mặt con trẫm. Khanh xưa kia là bạn tâm giao của con trẫm; Giờ đây, mong khanh hãy đến gặp mặt con trẫm. Trẫm nghĩ không ai có thể được tiếp đón trọng vọng như khanh. Hãy nói cho con trẫm biết nỗi khổ đau của trẫm; hãy nói cho con trẫm biết niềm ước vọng của trẫm, nguyện cầu sao con trẫm đừng thờ ơ lạnh nhạt!"

Ưu-đà-di đáp: "Tâu bệ hạ, hạ thần sẽ đi."

Ưu-đà-di lên đường. Vừa đến rừng Trúc-lâm, Ưu-đà-di đã quyết tâm làm sa môn, nhưng lời lẽ tâm sự của vua Tịnh-Phạn quá khắc sâu vào tâm khảm, Ưu-đà-di suy nghĩ: "Ta sẽ báo cho Ðức Thế Tôn biết nỗi đau khổ của phụ vương Ngài. Ngài sẽ xúc động thương cảm mà về thăm phụ vương."

Ðức Thế Tôn sung sướng thấy Ưu-đà-di thành một trong những đệ tử của Ngài.

Mùa đông hầu như đã qua. Một hôm, thấy thời tiết thuận tiện, Ưu-đà-di bạch Phật:

"Cỏ cây đang bừng rộ nở hoa, mai đây chúng sẽ đâm chồi nảy lộc. Hãy xem những tia nắng mặt trời lung linh qua các cành lá. Bạch Ðức Thế Tôn, đây là lúc thời tiết thuận tiện để lên đường. Khí hậu không lạnh, không nóng; và khắp mặt đất bao phủ một màu xanh mơn mởn. Chúng ta sẽ khỏi bận tâm khất thực dọc đường. Bạch Ðức Thế Tôn, đây là lúc thời tiết thuận tiện để lên đường."

Ðức Thế Tôn mỉm cười hỏi Ưu-đà-di:

"Tại sao ngươi giục ta lên đường, Ưu-đà-di?"

"Bạch Ðúc Thế Tôn, phụ vương Ngài, vua Tịnh-Phạn, sẽ sung sướng gặp lại Ngài."

Ðức Phật suy nghĩ trong giây lát rồi nói:

"Ta sẽ đến thành Ca-tỳ-la-vệ, ta sẽ về thăm phụ vương ta."

 -ooOoo-

Đầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | Mục lục

Chân thành cám ơn Ðại đức Giác Ðồng đã gửi tặng phiên bản điện tử
(Bình Anson, tháng 05-2001)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 31-08-2001