BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Hòa thượng Thiện Căn
(1910 - 1998)

Tỳ kheo Thiện Minh

Hoà Thượng Thích Thiện Căn, thế danh Trần Văn Tức. Sanh ngày 01 tháng 10 năm 1910, tại ấp Bộng Dầu, xã Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Thân sinh là cụ ông Trần Văn Nghị, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Day.

Người sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống lễ giáo, nho phong, đạo đức. Có bậc cha mẹ nào mà không muốn con cái của mình trở nên người hữu dụng cho đời. Nên từ thuở nhỏ, cha, mẹ người đã ân cần giáo dưỡng cho Ngài. Ðối với gia đình, Ngài là một người con chí tình. Ðối với xã hội, Ngài đã thành đạt trên bước đường công danh, sự nghiệp của đời.

Ðến năm 20 tuổi, vâng lịnh song thân, Người thành lập gia đình. Những tưởng gia đình sẽ được an vui hạnh phúc từ đó. Nhưng cuộc đời luôn có lúc thăng, lúc trầm của thế sự. Giữa lúc đất nước bị ách ngoại xâm do thực dân Pháp đô hộ, nhân dân đói khổ, lầm than. Chí làm trai, Ngài không thể an hưởng hạnh phúc cá nhân gia đình, Ngài luôn thao thức với nỗi khổ của đồng bào bị ách đô hộ ngoại xâm. Với bầu nhiệt huyết thời trai trẻ, mong góp phần vào sự nghiệp cách mạng giải phóng ách đô hộ của thực dân, Ngài đã hăng say gia nhập lực lượng kháng chiến từ năm 1940, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Cuộc đời vốn bất định - Tâm ý vô thường, vạn vật đổi thay! Bao năm quay cuồng trong thế sự. Sức người có hạn, sự hy sinh đóng góp cho thế sự cũng nhiều. Giờ đây, bất chợt giây phút vô thường, hồi tưởng lại cuộc đời với bao thăng trầm, vinh nhục. Hạnh phúc khổ đau vẫn như hình với bóng, theo đuổi kiếp nhân sinh "đời người tợ bóng gió" - câu: "Sớm còn, Tối mất". Lòng chợt lên ý nghĩ cần phải tìm sự an vui hạnh phúc vĩnh hằng, mới mong thoát khỏi bể trầm luân của cuộc đời. Dù đã nghĩ, lòng đã quyết - có lẽ cũng do túc duyên tiền kiếp, nên Ngài đã mạnh dạn dũ sạch trần duyên. Vào năm 1961, Ngài xuất gia Sa Di tại chùa Pháp Quang, Bình Thạnh, Sài Gòn với Hòa thượng Hộ Tông là thầy Tế độ. Kể từ đây, với hình thức tu sĩ, Ngài đã bỏ hết tâm trí vào việc tu hành, trao dồi Giới-Ðịnh-Tuệ luôn được thầy thương bạn quí. Trải qua những tháng, năm dài xuất gia tu học, Ngài luôn tỏ ra là một vị Tăng có đầy đủ giới hạnh, trang nghiêm.

Vốn ưa thích cảnh thanh tịnh, u nhàn, nên vào năm 1962, Ngài đến hành đạo tại chùa Finôm, Đà Lạt. Năm 1963, Ngài hành đạo tại chùa Tam Bố, Di linh, Lâm đồng.

Với lòng muốn hành hương về nơi Xứ Phật, để chiêm bái 4 chỗ động tâm của đấng Cha lành nơi Ðất Ấn, Ngài tháp tùng đoàn hành hương về xứ Phật do ngài Hộ Tông hướng dẫn. Nhân dịp này Ngài đã đến thăm viếng các nước Phật giáo lâng bang như: Thái Lan, Singapore, Indonesia, Miến Ðiện, Tích Lan ... Đặc biệt tại Tích Lan, nơi Thánh địa của Phật giáo Nam Tông và là trung tâm Phật Giáo của thế giới, Ngài đã thọ Cụ Túc Giới tại chùa Wat Saddhamma Wabhassa với thầy tế độ là Hoà Thượng Wijayanaga Mahà Thera.

Trở về Việt Nam vào năm 1965, Ngài cùng Hoà Thượng Pháp Lạc thành lập chùa Bình Long ở Phan Thiết. Năm 1966, Ngài hành đạo ở chùa Giác Quang, quận 8, Sài gòn.

Năm 1967, Ngài được đề cử đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư Ký Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thuỷ Việt Nam. Ngài điều hành Phật sự tại chùa Kỳ Viên, trụ sở của Giáo Hội. Ðến năm 1969, Ngài trở về Bình Dương thành lập chùa Thanh Long. Kể từ đó đến năm 1998, Ngài trụ xứ tại Thanh Long Tự.

Năm 1981, sau khi thống nhất Phật Giáo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ra đời, Ngài được Giáo Hội Phật Giáo suy cử chức vụ uỷ viên Phật Giáo tỉnh Sông Bé, kiêm chánh đại diện Phật Giáo thị xã Thủ Dầu Một.

Suốt quá trình tu tập, Ngài luôn tỏ ra là một bậc cao tăng thạc đức, luôn tích cực hoằng hoá độ sanh, đem chánh pháp ban rải nhiều nơi, làm lợi lạc quần sanh, tế độ rất nhiều người nương theo chánh pháp, cả cuộc đời với công hạnh tự giác -giác tha, Ngài đã hiến dâng đời mình phục vụ Ðạo Pháp - Dân tộc. Chí đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời đạo hạnh, Ngài vẫn kiến tạo mỹ quan Phật cảnh ở trụ xứ Thanh Long, để làm nơi phát tâm chiêm bái cho hàng Tứ chúng mỗi khi vãn cảnh thiền môn, để tâm hồn được thanh thoát an vui - vui trong niềm vui an lạc thanh tịnh cõi lòng.

Năm Mậu Dần, tuổi đã cao, sức đã kiệt, nhưng Ngài vẫn luôn sách tấn hàng đệ tử quanh mình, luôn an trú trong chánh pháp. Thế rồi Ngài đã ra đi nhẹ nhàng, xả bỏ ngũ uẩn - giã từ cõi Ta Bà trở về cảnh giới an vui tịch tịnh vào ngày 27-03-1998 (nhằm ngày 28, tháng 2 năm kỹ mão).

Sự ra đi vĩnh viễn của cố Hòa Thượng Thiện Căn, Ngài đã để lại trong lòng mỗi người con Phật một tấm gương cao cả và lòng tôn kính, tiếc thương vô hạn.

-ooOoo-

Mục lục | Ðầu trang


[Trở về trang Thư Mục]