BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


NHỮNG BÀI GIẢNG CƯƠNG YẾU CỦA
KHÓA MƯỜI NGÀY TU TẬP THIỀN MINH SÁT TUỆ

Thiền sư Goenka
Thích Minh Diệu dịch


BÀI GIẢNG NGÀY THỨ BA

- Phần thứ ba của Bát Thánh Đạo: Trí tuệ: Trí tuệ do truyền đạt (văn tuệ), trí tuệ do tư duy (tư tuệ), trí tuệ do kinh nghiệm (tu tuệ).
- Kalāpā: Bốn đại ( đất, nước, lửa và gió)
- Ba đặc tính: Vô thường, bản chất huyễn hóa của ngã và khổ
- Sự thấu hiểu thực tại của các hiện tượng

Ngày thứ ba đã qua. Chiều mai quý vị sẽ bước vào lãnh vực trí tuệ (paññā), đây là phần thứ ba của Bát Thánh Đạo. Thiếu trí tuệ, lộ trình tu tập sẽ không hoàn hảo.

Chúng ta bắt đầu hành trình bằng trì giới (Sīla), đó là không làm hại đến mọi người; cho dù không làm hại người khác đi nữa, chúng ta vẫn còn gây hại bản thân vì phiền não vẫn còn sinh khởi trong tâm. Vì vậy, chúng ta thực hành thiền định, học phương cách điều phục tâm, phương cách đè nén những phiền não đã sinh khởi. Tuy nhiên, phiền não bị đè nén này không thể đoạn trừ được. Phiền não vẫn còn tồn tại và tăng trưởng trong vô thức và chúng tiếp tục gây não hại đến chúng ta. Vì vậy tu tập trí tuệ, phần thứ ba của Bát Thánh Đạo, không cho phép phiền não tự do sinh khởi và cũng không tìm cách đè nén chúng, thay vào đó, phương pháp tu tập này cho phép phiền não sinh khởi để rồi loại bỏ chúng. Khi phiền não được đoạn trừ, tâm sẽ giải thoát mọi cấu nhiễm. Và khi tâm được thanh tịnh, tự nhiên những hành vi làm hại người không còn nữa mà chỉ còn một tâm thuần tịnh đầy thiện chí và tình thương đối với mọi người. Tương tự, khi tâm thanh tịnh, những hành vi có hại cho bản thân cũng không còn nữa. Chúng ta sống một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc. Như thế, mỗi giai đoạn của hành trình tu tập cần phải tiến đến giai đoạn cao hơn. Giới dẫn đến phát triển thiền định (samādhi), hay chánh định; chánh định dẫn đến phát triển trí tuệ (paññā), trí tuệ thanh lọc tâm thức; trí tuệ đưa đến Niết-bàn (nibbāna), giải thoát mọi lậu hoặc, giác ngộ viên mãn.

Hai chi phần Trí tuệ trong Bát Thánh Đạo như sau:

Sammā-samkappa nghĩa là chánh tư duy: Toàn bộ tiến trình tư tưởng không cần thiết phải được chấm dứt trước khi trí tuệ phát sinh, tư tưởng vẫn còn tồn tại, chỉ có hình thức tư duy thay đổi mà thôi. Nhờ thực tập chánh niệm hơi thở, những cấu uế thô của tâm thức bắt đầu tiêu trừ. Thay thế những tư tưởng tham lam, sân giận và si mê chúng ta có những tư tưởng lành mạnh, những tư duy về chánh pháp, con đường để chúng ta tự giải thoát.

Sammā-ditthi nghĩa là chánh kiến: Đây là trí tuệ chân chánh, sự hiểu biết thực tại như nó đang hiện hữu, chứ không phải thực tại dường như sẽ là.

Tiến trình tu tập trí tuệ trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn một là suta-mayā paññā nghĩa là văn tuệ, trí tuệ đạt được qua nghe hoặc tiếp thu những kiến thức của người khác. Trí tuệ do được truyền đạt này giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong việc xác định phương hướng tu tập đúng đắn. Tuy nhiên, bản thân trí tuệ này nó không thể mang lại giải thoát vì nó chỉ là trí tuệ vay mượn. Chúng ta chấp nhận nó như chân lý có thể vì tin mù quáng, hoặc vì sân hận, sợ rằng "không tin" sẽ đưa chúng ta vào địa ngục, hoặc vì khao khát, hy vọng rằng "tin" sẽ đưa chúng ta đến thiên đường. Nhưng ở bất cứ trường hợp nào, trí tuệ này cũng không phải là trí tuệ của chúng ta.

Chúng ta nên chuyển vai trò của trí tuệ nhờ được truyền đạt sang giai đoạn kế tiếp: Cintā-mayā paññā nghĩa là tư tuệ. Về lý trí, chúng ta kiểm tra những gì chúng ta đã nghe hoặc đọc để xem chúng có logic, thực tế, ích lợi hay không; nếu đúng như vậy, chúng ta mới chấp nhận. Tư tuệ cũng rất quan trọng, nhưng cũng rất nguy hiểm nếu chúng ta quá xem trọng nó. Một số người đạt được một số kiến thức nhờ khả năng tư duy, và vì vậy anh ta tự cho mình là một người uyên bác. Tất cả những gì anh ta học được chỉ nhằm mục đích nâng cao tự ngã; anh ta càng xa lìa giải thoát.

Vai trò đúng nghĩa của tư tuệ là để dẫn đến giai đoạn kế tiếp: Bhāvanā-mayā paññā nghĩa là tu tuệ, chúng ta đạt được trí tuệ này là do kinh nghiệm tu tập. Đây mới là chân trí tuệ. Văn tuệ và tư tuệ rất có ích nếu chúng tạo ra nguồn cảm hứng cũng như dẫn đến giai đoạn tu tuệ. Tuy nhiên, chỉ có trí tuệ tự chứng mới có thể giải thoát, vì đây là trí tuệ của chính chúng ta, trí tuệ được phát sinh từ kinh nghiệm của chúng ta.

Một ví dụ về ba loại trí tuệ này: Một bác sĩ cho bệnh nhân một toa thuốc. Bệnh nhân về nhà, và vì quá tin tưởng vào bác sĩ của mình, anh ta đọc đi đọc lại toa thuốc mỗi ngày; đây là văn tuệ (suta-mayā paññā) Phương thức trị bệnh này không làm bệnh thuyên giảm, bệnh nhân trở lại bác sĩ, yêu cầu và tiếp thu lời giải thích về toa thuốc, tại sao nó cần thiết và nó sẽ hoạt dụng như thế nào; đây là tư tuệ (cintā-mayā paññā). Cuối cùng anh ta uống thuốc và rồi khỏi bệnh. Lợi lạc chỉ có từ giai đoạn thứ ba, tức tu tuệ (bhāvanā-mayā paññā).

Quý vị tham gia khóa tu này để tự mình uống thuốc, để phát triển trí tuệ nơi quý vị. Để thực hành điều này, quý vị phải hiểu chân lý qua kinh nghiệm. Chúng ta thường nhầm lẫn sự khác nhau giữa các sự vật và hiện tượng, vì các sự vật hiện tượng sẽ hiển thị trong tương lai dường như hoàn toàn khác với bản chất thực tại của nó đang hiện hữu. Để không còn nhầm lẫn, quý vị phải tu tập trí tuệ tự chứng. Và chân lý không thể chứng nghiệm được ngoài thân tứ đại của chúng ta; chân lý có thể bị tri thức hoá. Vì vậy, quý vị phải pháp triển khả năng thể nghiệm chân lý, từ cấp độ thô nhất đến cấp độ vi tế nhất, để thoát ra khỏi vô minh và trói buộc.

Chúng ta biết rằng toàn thể vũ trụ là sự biến đổi không ngừng, nhưng nếu chỉ có sự hiểu biết bằng tri thức về sự thực này sẽ không mang lại ích lợi gì cả; chúng ta phải kinh nghiệm sự thay đổi không ngừng này trong mỗi chúng ta. Có thể một biến cố đau lòng xảy ra, như cái chết của người thân, bắt buộc chúng ta phải trực diện với vô thường khắc nghiệt, và chúng ta bắt đầu hiểu biết, thấy những lo toan kiếm lợi vật chất thế gian và tranh đua với người chỉ là những mưu cầu vô ích. Nhưng không bao lâu thói quen cũ của tính vị kỷ xác định lại quyền lực của nó, và trí tuệ suy giảm, vì nó không được căn cứ vào kinh nghiệm trực tiếp của cá nhân. Chúng ta không tự chứng nghiệm được thực tại vô thường.

Vạn vật phù du, sinh và diệt trong mỗi sát na (anicca); nhưng quá trình sinh-diệt diễn ra nhanh và liên tục tạo ra ảo tưởng như thường hằng. Ánh sáng của ngọn đèn cầy và của đèn điện đều thay đổi liên tục. Nếu nhận thức bằng giác quan, chúng ta có thể khám phá ra tiến trình thay đổi liên tục và không còn ảo giác, như trường hợp ánh sáng ngọn đèn cầy. Nhưng trong trường hợp ánh sáng của đèn điện, các giác quan của chúng ta không thể nhận ra sự thay đổi quá nhanh và liên tục của nó, do đó ảo giác mê lầm càng khó phá vỡ. Chúng ta có thể khám phá sự thay đổi liên tục của dòng sông, nhưng làm thế nào để chúng ta nhận ra một người đang tắm trong dòng sông đó cũng đang thay đổi liên tục trong từng sát na?

Phương cách duy nhất để phá vỡ ảo giác là hiểu biết và khám phá tự thân, và thể nghiệm thực tại của thân và tâm. Đây là những khám phá và thể nghiệm mà Bồ-tát Siddattha Gotama đã thực hành để trở thành một vị Phật. Từ bỏ tất cả thành kiến trước đây, Ngài quán chiếu tự thân để khám phá bản chất thật của cơ cấu thân và tâm. Bắt đầu từ cấp độ thô, ngoại tại, Ngài thể nhập vào cấp độ vi tế nhất, và Ngài khám phá ra toàn bộ cấu trúc cơ thể, toàn bộ thế giới vật chất, được kết hợp bằng những vi bào, thuật ngữ Pāli gọi là attha kalāpā. Và Ngài khám phá ra rằng mỗi vi bào này hàm chứa bốn đại: đất, nước, lửa, không khí và những đặc tính hỗ trợ của chúng. Ngài thấy được những vi bào này là những khối cơ bản xây dựng nên vật chất, và chính chúng luôn luôn sinh diệt liên tục nhanh chóng hàng tỉ lần trong một giây. Thực tế không có sự thường hằng nào trong thế giới vật chất này; chúng không là gì cả ngoại trừ sự đốt cháy và dao động. Các nhà khoa học hiện đại đã công nhận những khám phá của đức Phật, và đã chứng minh qua thực nghiệm rằng toàn bộ thế giới vật chất được kết hợp bởi những thành nguyên tử luôn sinh diệt mau chóng. Tuy nhiên, những nhà khoa học này không giải thoát khỏi những khổ đau, vì trí tuệ của họ chỉ là tri thức. Các nhà khoa học không trực tiếp tự thể nghiệm chân lý như đức Phật. Khi nào chúng ta tự thân kinh nghiệm thực tại vô thường nơi chính chúng ta, chỉ khi đó chúng ta mới bắt đầu đoạn trừ khổ đau.

Khi chúng ta tu tập và tuệ tri vô thường trong chúng ta, một yếu tố khác của trí tuệ sinh khởi: chúng ta tuệ tri không có "cái Ta" và "cái của Ta" (anttā). Trong toàn bộ cơ cấu thân và tâm, không có gì có thể lưu lại hơn một sát na, không có gì chúng ta có thể xem như tự ngã bất biến hoặc linh hồn bất biến. Nếu có cái gì đó thật sự là "của Ta", thì chúng ta phải sở hữu nó, làm chủ nó, nhưng thực tế chúng ta không thể điều khiển được nó ngay cả thân thể của chúng ta. Nó luôn thay đổi, suy tàn, không màng đến những mong muốn của chúng ta.

Kế đến, chúng ta quán chiếu yếu tố thứ ba của trí tuệ: đó là khổ (dukkha). Nếu chúng ta muốn sở hữu hoặc chấp giữ những gì mà chúng thay đổi vượt ngoài khả năng điều khiển của chúng ta, ắt hẳn chúng ta tự tạo khổ đau. Thông thường, chúng ta nhận ra khổ đau qua những kinh nghiệm của cảm thọ bất lạc, nhưng những cảm thọ lạc có thể xem như tương đồng với những nguyên nhân của khổ, nếu chúng ta tham đắm các càm giác lạc thọ, vì chúng cũng là vô thường. Tham đắm những gì mang tính tạm bợ, chắc chắn phải chịu kết quả đau khổ mà thôi.

Khi tuệ tri rõ về vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anattā), tuệ tri này sẽ hiển bày trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Cũng như chúng ta tu tập để thể nhập vào nội tại, chúng ta cũng có thể nhận ra chân lý ngoại tại (apparent truth) và chân lý tối hậu (ultimate truth) tại các hiện tượng bên ngoài. Chúng ta đoạn trừ những ảo vọng và sống một cuộc đời lành mạnh và hạnh phúc.

Nhiều ảo tưởng được tạo ra do thực tại bên ngoài, do thực tại hợp nhất, hoặc do thực tại kết hợp - chẳng hạn như ảo tưởng về vẻ đẹp của thân thể. Thân thể dường như đẹp chỉ khi nó được phối hợp. Nhìn từng bộ phận của thân thể thì chẳng có gì hấp dẫn và đẹp cả (asubha). Cái đẹp thân thể là bề ngoài, thực tại ở bên ngoài, không phải là chân lý rốt ráo.

Tuy nhiên, tuệ tri bản chất hão huyền về vẻ đẹp của thân thể sẽ không còn giận ghét người khác. Khi trí tuệ sinh khởi, tự nhiên tâm trở nên bình an, không cấu nhiểm, thuần tịnh, thiện cảm đối với mọi vật. Sau khi kinh nghiệm thực tại trong mỗi chúng ta, chúng ta có thể đoạn trừ mọi ảo tưởng, tham lam, sân hận, và sống một cuộc đời an bình và hạnh phúc.

Chiều mai, quý vị sẽ thực hành những bước tiến đầu tiên vào lãnh vực trí tuệ, khi đó quý vị bắt đầu thực hành thiền Minh Sát. Đừng hy vọng rằng ngay lúc bắt đầu thực tập, quý vị sẽ thấy tất cả những phần tử vi tế sinh diệt trong thân thể quý vị. Không, quý vị bắt đầu với sự thật thô, bên ngoài, và bằng cách duy trì tâm xả ly, lần lượt quý vị thể nhập vào sự thật vi tế hơn, sự thật tối hậu của tâm, của thân, của những yếu tố thuộc về tâm và cuối cùng chân lý tối hậu vượt qua thân và tâm.

Để thành tựu mục đích này, quý vị phải tự nỗ lực. Vì vậy, hãy giữ nội qui thật nghiêm túc, vì đây là nền móng của thiền định, và duy trì thực tập hơi thở đến ba giờ chiều ngày mai; tiếp tục quán sát thực tại xung quanh khu vực mũi. Giữ tâm quý vị thật nhạy bén để khi bắt đầu thực hành thiền Minh Sát Tuệ vào ngày mai, quý vị có thể thể nhập vào cấp độ sâu hơn và đoạn trừ những phiền não tìm ẩn ở đó. Hãy hành trì tinh tấn, liên tục, kiên cố, vì sự tốt đẹp và giải thoát cho quý vị.

Nguyện cầu tất cả quý vị thành công trong hành trì những bước đầu tiên của giáo lý giải thoát.

Nguyện cầu tất cả chúng sanh đều hạnh phúc!


Mục lục |  1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | Ðầu trang

Chân thành cám ơn Đại đức Thích Minh Diệu đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 05-2004)


[Trở về trang Thư Mục]

revised: 10-05-2004