Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

GƯƠNG BẬC XUẤT GIA
(Anagāriyūdāharana)

Dhammarakkhita Bhikkhu
(Tỳ khưu Hộ Pháp)


Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

 

QUẢ BÁU CỦA BẬC XUẤT GIA

Trong bộ Chú giải Milindapañhā, Ðức vua Milinda hỏi Ðại Ðức Nāgasena rằng:

- Kính bạch Ðại Ðức Nāgasena, những người xuất gia có sự lợi ích gì?
- Sự lợi ích cao thượng nhất của bậc xuất gia là gì?

Ðại Ðức Nāgasena dạy rằng:

- Thưa Ðại vương, chúng tôi xuất gia để diệt khổ tâm trong kiếp hiện tại.
- Sự lợi ích cao thượng của bậc xuất gia là tịch diệt Niết Bàn, diệt khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Khổ tâm hiện tại bởi do 10 loại phiền não

Bậc xuất gia khi tiến hành thiền định có thể dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc giới, bậc thiền vô sắc giới. Do năng lực thiền định ấy có khả năng diệt bằng cách chế ngự được phiền não, làm cho phiền não không thể phát sanh trong tâm, nên không có khổ tâm kiếp hiện tại, do nhờ sự an lạc của bậc thiền. Bậc xuất gia ấy, nếu bậc thiền không bị hư mất, sau khi chết, kiếp vị lai do năng lực bậc thiền sở đắc của mình, chắc chắn sẽ cho quả tái sanh làm phạm thiên cõi sắc giới hoặc cõi vô sắc giới, thọ hưởng sự an lạc của thiền định trong cõi sắc giới hoặc cõi vô sắc giới cho đến hết tuổi thọ nơi cõi ấy.

Bậc xuất gia khi tiến hành thiền tuệ có thể dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả, và Niết Bàn, có khả năng diệt đoạn tuyệt được phiền não, vĩnh viễn không còn làm khổ tâm kiếp hiện tại, lẫn kiếp vị lai tùy theo mỗi bậc Thánh nhân như sau:

- Bậc Nhập Lưu Thánh Ðạo Tuệ có khả năng diệt đoạn tuyệt được tà kiến phiền nãohoài nghi phiền não. Bậc Thánh Nhập Lưu vĩnh viễn không bao giờ khổ tâm do tà kiến hoài nghi kiếp hiện tại; sau khi chết, kiếp vị lai, chắc chắn giải thoát khỏi khổ trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh), chỉ tái sanh cõi người, hoặc cõi trời dục giới nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi. Trong kiếp thứ 7 ấy chắc chắn sẽ chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo, A-ra-hán Thánh Quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt khổ tử sanh luân hồi trong tam giới.

- Bậc Nhất Lai Thánh Ðạo Tuệ có khả năng diệt đoạn tuyệt được sân phiền não loại thô. Bậc Thánh Nhất Lai vĩnh viễn không bao giờ khổ tâm do sân phiền não loại thô kiếp hiện tại; sau khi chết, kiếp vị lai, chắc chắn chỉ tái sanh cõi người, hoặc cõi trời dục giới 1 kiếp nữa mà thôi. Trong kiếp ấy chắc chắn sẽ chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo, A-ra-hán Thánh Quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt khổ tử sanh luân hồi trong tam giới.

- Bậc Bất Lai Thánh Ðạo Tuệ có khả năng diệt đoạn tuyệt được sân phiền não loại vi tế. Bậc Thánh Bất Lai vĩnh viễn không bao giờ khổ tâm do sân phiền não kiếp hiện tại; sau khi chết, kiếp vị lai, chắc chắn không còn tái sanh trở lại cõi dục giới, chỉ tái sanh cõi trời sắc giới, tại cõi trời sắc giới ấy, chắc chắn sẽ chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo, A-ra-hán Thánh Quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt khổ tử sanh luân hồi trong tam giới.

- Bậc A-ra-hán Thánh Ðạo Tuệ có khả năng diệt đoạn tuyệt được tất cả các loại phiền não không còn dư sót là: tham, si, ngã mạn, không biết hổ thẹn tội lỗi, không biết ghê sợ tội lỗi, buồn ngủ và phóng tâm. Bậc Thánh A-ra-hán đã diệt đoạn tuyệt được tất cả mọi phiền não, tham ái, ác pháp không còn dư sót, cho nên, bậc Thánh A-ra-hán hoàn toàn không còn khổ tâm nữa, song chỉ còn có khổ thân cho đến hết tuổi thọ. Bậc Thánh A-ra-hán đến khi hết tuổi thọ, tịch diệt Niết Bàn không còn tái sanh kiếp sau, chấm dứt mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong tam giới, mới hoàn toàn giải thoát khổ.

Ðó là quả báu của bậc xuất gia trong kiếp hiện tại, và kiếp vị lai.

ÐỊA VỊ CHA MẸ CÓ CON XUẤT GIA

Phật giáo được tồn tại lâu dài là nhờ vào tứ chúng: Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ biết phụng sự duy trì chánh pháp. Trong tứ chúng ấy, Tỳ khưu, Tỳ khưu ni thuộc hàng xuất gia; cận sự nam, cận sự nữ thuộc hàng tại gia cư sĩ. Bậc xuất gia có phận sự, đóng vai trò chính trong công việc phụng sự duy trì chánh pháp được trường tồn lâu dài trên thế gian, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an vui lâu dài cho tất cả chúng sinh.

Hàng tại gia cư sĩ có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, phụng sự Tam bảo, biết cống hiến những người con yêu quý, cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu, Tỳ khưu ni gia nhập trong đoàn thể chư Tăng để kế thừa truyền thống, giữ gìn duy trì Phật giáo được trường tồn lâu dài trên thế gian; Ðại Ðức Moggaliputtatissatthera đề cao địa vị người cha, người mẹ ấy trở thành người "Thân quyến kế thừa của Phật giáo" (Dāyādo sāsanassa).

Ðức vua Asoka là thân quyến kế thừa của Phật giáo

Ðức vua Asoka chính thức lên ngôi vua vào Phật lịch 218, là một Ðấng minh quân trị vì cõi Nam thiện bộ châu, có nhiều oai lực đặc biệt như thần thông. Ðức vua có đức tin trong sạch nơi Tam bảo.

Một hôm đức vua Asoka nhìn thấy Ðại Ðức Sa di Nirodha mới lên 7 tuổi, là bậc Thánh A-ra-hán đang đi khất thực, Ðức vua phát sanh đức tin đặc biệt nơi vị Ðại Ðức Sa di Nirodha (vì vị Ðại Ðức Sa di Nirodha kiếp trước đã từng là anh của Ðức vua). Ðức vua truyền lệnh các quan thỉnh mời vị Ðại Ðức Sa di Nirodha vào cung điện, thỉnh ngồi trên ngai vàng cao quý, tự tay Ðức vua để bát bằng những vật thực của Ðức vua dùng hằng ngày. Khi vị Ðại Ðức Sa-di thọ thực xong, Ðức vua bèn thỉnh thuyết pháp.

Ðại Ðức Sa-di Nirodha dạy 2 câu kệ trong Pháp cú, mà Ðức Phật thuyết dạy rằng:

"Appamādo amatapadaṃ,
Pamādo maccuno padaṃ...".

"Chánh niệm là con đường bất tử, Niết Bàn.
Dể duôi là con đường tử...".

--[Dhammapadagāthā, kệ số 21]

Ðức vua Asoka nghe pháp xong càng tăng thêm đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng gấp bội. Hằng ngày Ðức vua dâng cúng vật thực đến chư Tỳ khưu Tăng gồm 600.000 vị tại cung điện của Ðức vua, bởi do đức tin trong sạch nơi vị Ðại Ðức Sa di Nirodha.

Ðức vua Asoka xây cất chùa tháp

Ðức vua Asoka ngày càng tăng trưởng đức tin trong sạch nơi Tam bảo. Một hôm Ðức vua dự lễ bố thí tứ vật dụng đến chư Tỳ khưu Tăng 600.000 vị, Ðức vua bèn bạch chư Tỳ khưu Tăng rằng:

- Kính bạch chư Ðại Ðức Tăng, chánh pháp mà Ðức Phật thuyết giảng có bao nhiêu pháp môn? Bạch quý Ngài.

Chư Ðại Ðức thưa:

- Thưa Ðại vương! Chánh pháp mà Ðức Phật thuyết giảng, nếu kể theo chi, thì có 9 chi (navaṅga), nếu kể theo pháp môn (khandha) thì có 84.000 pháp môn.

Ðức vua Asoka phát sanh đức tin trong sạch nơi 84.000 pháp môn, nên Ðức vua truyền lệnh cho các quan ở khắp mọi nơi trong nước rằng:

- Trẫm muốn cúng dường mỗi pháp môn bằng một ngôi chùa và một bảo tháp. Vậy Trẫm muốn xây cất 84.000 ngôi chùa và 84.000 ngôi bảo tháp, trên toàn cõi Nam thiện bộ châu; các khanh hãy đến mỗi tỉnh xây một ngôi chùa để cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng và ngôi bảo tháp để tôn thờ Xá lợi Ðức Thế Tôn.

Ðức vua Asoka xuất ra số tiền gồm 960 triệu kahāpana để lo xây cất 84.000 ngôi chùa và 84.000 ngôi bảo tháp. Ngôi chùa đặt tên Asokārama....

Chư Ðại Ðức Tăng thấy sự lợi ích: chùa là nơi trú ngụ của chư Tỳ khưu Tăng và tháp là nơi tôn thờ Xá lợi của Ðức Thế Tôn, nên đề cử Ðại Ðức Indaguttatthera là bậc Thánh A-ra-hán có thần thông, có nhiều oai lực, có thể giúp cho công việc xây cất chùa, bảo tháp được mau chóng thành tựu. Nhờ oai lực thần thông của Ngài, do đó, công việc xây cất 84.000 ngôi chùa và 84.000 ngôi bảo tháp trong thời gian 3 năm là hoàn thành.

Lễ khánh thành 84.000 ngôi chùa và 84.000 ngôi bảo tháp

Các quan ở mỗi tỉnh đến chầu đức vua Asoka cùng một ngày, tâu lên Ðức vua rõ rằng:

- Tâu Hoàng Thượng, 84.000 ngôi chùa và 84.000 ngôi bảo tháp đã xây cất hoàn thành.

Ðức vua Asoka truyền chiếu chỉ đến khắp thần dân thiên hạ biết rằng:

- Còn 7 ngày nữa sẽ làm đại lễ khánh thành chùa và bảo tháp. Tất cả mọi thần dân trong nước đều thọ trì bát giới, sửa soạn làm đại lễ khánh thành tất cả các ngôi chùa, bảo tháp từ kinh đô đến các tỉnh thành.

Ngày đại lễ khánh thành chùa và bảo tháp trong kinh thành, cũng như các tỉnh thành trang hoàng đẹp đẽ như cõi trời. Ðức vua cùng các quan, quân cũng như dân chúng ăn mặc trang điểm đẹp đẽ, trang nghiêm đi dự đại lễ khánh thành chùa và bảo tháp.

Ðức vua ngự đến ngôi chùa Asokārama trung tâm chính tại kinh đô; kính thỉnh chư Tỳ khưu Tăng toàn cõi Nam thiện bộ châu đến dự đại lễ khánh thành và thọ lãnh 84.000 ngôi chùa cùng bảo tháp, có khoảng 800 triệu vị, trong số đó có 100.000 bậc Thánh A-ra-hán, chư Tỳ khưu ni Tăng đến tham dự khoảng 9.600.000 vị.

Chư bậc Thánh A-ra-hán suy tư rằng: "Nếu đức vua Asoka được nhìn thấy rõ việc đại bố thí 84.000 ngôi chùa và 84.000 ngôi bảo tháp, mà Ðức vua đã truyền lệnh xây cất, nay làm đại lễ khánh thành dâng cúng đến chư Tỳ khưu Tăng, sẽ làm cho Ðức vua vô cùng hoan hỉ, càng tăng thêm đức tin trong sạch nơi Tam bảo".

Trong đó, một vị thánh A-ra-hán liền hóa phép thần thông "mở thế gian" (lokavivaraṇa), Ðức vua nhìn thấy rõ khắp mọi nơi, không có gì cản ngăn, che án cả. Dầu Ðức vua đang đứng tại ngôi chùa Asokārama trung tâm chính, mà có thể nhìn thấy rõ 4 hướng, toàn cõi Nam thiện bộ châu có biển làm biên giới, có thể thấy rõ 84.000 ngôi chùa và 84.000 ngôi bảo tháp tôn thờ Xá lợi của Ðức Thế Tôn, mà chính Ðức vua đã truyền lệnh xây cất. Hôm nay, cùng một lúc làm đại lễ khánh thành dâng cúng đến chư Tỳ khưu Tăng và chư Tỳ khưu ni Tăng.

Thật vậy, đức vua Asoka thật vô cùng hoan hỉ hơn bao giờ hết. Do đó Ðức vua suy tư rằng: "Sự việc đại bố thí như thế này, không biết đã từng có ai làm phước đại bố thí như thế này chưa?". Vì vậy, đức vua Asoka bèn bạch hỏi chư Ðại Ðức Tăng rằng:

- Kính bạch chư Ðại Ðức Tăng! Trong giáo pháp Ðức Thế Tôn của chúng ta, có thí chủ nào làm phước đại thí như thế này không?

Chư Ðại Ðức Tăng kính thỉnh Ðại Ðức Moggali-puttatissatthera trả lời câu hỏi của đức vua Asoka.

Ðại Ðức Moggaliputtatissatthera đáp rằng:

- Thưa Ðại vương, Trong Phật giáo, việc đại bố thí như thế này của Ðại vương, dầu khi Ðức Thế Tôn còn hiện tiền cho đến nay, chưa có một ai làm được như vậy. Chỉ có Ðại vương là người đại thí chủ làm lễ đại bố thí lớn lao nhất từ trước đến nay mà thôi.

Ðức vua Asoka lắng nghe câu trả lời của Ðại Ðức Moggaliputtatissathera rồi, phát sanh hỉ lạc chưa từng có, suy tư rằng: "Từ trước cho đến nay, chưa có người thí chủ nào làm phước đại bố thí như ta, ta là người đại thí chủ làm đại bố thí 4 thứ vật dụng lớn lao như thế này, chắc có lẽ ta là "Thân quyến kế thừa của Phật giáo" (Dāyādo sāsanassa) có phải không?". Ðức vua Asoka bèn bạch hỏi Ðại Ðức Moggaliputtatissatthera rằng:

- Kính bạch Ðại Ðức, con đã làm đại bố thí 4 thứ vật dụng lớn lao như thế này, vậy con có phải là "Thân quyến kế thừa của Phật giáo" hay không?

Ðại Ðức Moggaliputtatissatthera nghe đức vua Asoka bạch hỏi như vậy, Ngài suy xét về ba la mật của thái tử Mahinda Công chúa Saṃghamittā con của đức vua Asoka như thế nào. Ngài thấy rõ, biết rõ nếu Thái tử Mahinda thọ Tỳ khưu sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, đặc biệt sẽ giúp cho Phật giáo phát triển tốt đẹp sau này. Cho nên Ðại Ðức Moggaliputtatissatthera đáp rằng:

- Thưa Ðại vương, người trở thành thân quyến kế thừa (dāyāda) của Phật giáo, không phải do nhân đại bố thí. Dầu người đại thí chủ bố thí 4 thứ vật dụng nhiều đến bao nhiêu đi nữa, cũng chỉ gọi là: paccayadāyaka: đại thí chủ bố thí 4 thứ vật dụng, hoặc gọi là: upaṭṭhāka: người hộ độ.

Thưa Ðại vương, sự thật, người nào dầu bố thí 4 thứ vật dụng đến chư Tỳ khưu Tăng chất chồng từ mặt đất cao đến cõi trời, người ấy không thể gọi là thân quyến kế thừa của Phật giáo.

Thân quyến kế thừa của Phật giáo

Sau đó Ðức vua bạch hỏi rằng:

- Kính bạch Ðại Ðức, người được gọi là "Thân quyến kế thừa của Phật giáo", là người như thế nào? Bạch Ngài.

- Thưa Ðại vương, người nào dầu nghèo hay giàu, cho phép con của mình bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu trong Phật giáo.

Thưa Ðại vương, chính người cha mẹ ấy được gọi là: "Thân quyến kế thừa của Phật giáo" (Dāyādo sāsanassa).

Ðức vua Asoka lắng nghe lời dạy của Ðại Ðức Moggaliputtatissatthera như vậy, nên Ðức vua suy tư rằng: "Ta đã làm phước bố thí lớn lao, từ trước cho đến nay chưa từng có một ai như ta, thế mà ta vẫn chưa được gọi là Thân quyến kế thừa của Phật giáo".

Ðức vua mong muốn trở thành "Thân quyến kế thừa của Phật giáo", đưa mắt nhìn Mahinda là Thái tử của Ðức vua đứng không xa, Ðức vua có ý định phong Thái tử làm phó vương, sự thật bậc Tỳ khưu ở địa vị cao thượng hơn phó vương, cho nên Ðức vua truyền dạy thái tử Mahinda rằng:

- Này hoàng nhi yêu quý, con có muốn xuất gia trở thành Tỳ khưu hay không?

- Tâu phụ hoàng, Con muốn xuất gia trở thành Tỳ khưu, kính xin phụ hoàng cho phép con được thọ Tỳ khưu trong Phật giáo. Về phần phụ hoàng, phụ hoàng cũng sẽ trở thành Thân quyến kế thừa của Phật giáo.

Khi ấy Saṃghamittā là Công chúa của đức vua Asoka, đang đứng gần nơi ấy, Ðức vua truyền dạy rằng:

- Này Saṃghamittā con yêu quý, con có muốn xuất gia trở thành Tỳ khưu ni hay không?

Công chúa Saṃghamittā đã từng tạo ba la mật nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, đến kiếp này là kiếp chót, nên khi Công chúa nghe Ðức vua hỏi xong, nàng vô cùng hoan hỉ tâu rằng:

- Tâu phụ hoàng, con muốn xuất gia trở thành Tỳ khưu ni, kính xin phụ hoàng cho phép con được thọ Tỳ khưu ni trong Phật giáo.

Ðức vua Asoka vô cùng hoan hỉ khi được nghe thái tử Mahinda và Công chúa Saṃghamittā đều ưng thuận muốn xuất gia. Như vậy, Ðức vua sẽ trở thành "Thân quyến kế thừa của Phật giáo" như ý.

Ðức vua Asoka bạch với chư Ðại Ðức Tăng rằng:

- Kính bạch chư Ðại Ðức Tăng, kính xin quý Ðại Ðức từ bi cho phép 2 hoàng nhi của con được xuất gia trở thành Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, để cho con được trở thành Thân quyến kế thừa của Phật giáo.

Do sự yêu cầu của Ðức vua, nên 2 người con đã được thọ Tỳ khưu, Tỳ khưu ni trong Phật giáo.

Thái tử Mahinda tròn đúng 20 tuổi, chư Tỳ khưu Tăng cho thọ Tỳ khưu, do Ðại Ðức Moggaliputtatissat-thera làm Thầy Tế độ, Ðại Ðức Mahādeva và Ðại Ðức Majjhantika làm Thầy dạy bảo. Trong lúc làm lễ thọ Tỳ khưu cho giới tử Mahinda, vị Ðại Ðức Luật sư đang tụng một lần ñatti (tuyên ngôn) và tụng 3 lần kammavācā (thành sự ngôn), giới tử Mahinda đang tiến hành thiền tuệ, cho đến khi vừa tụng xong, trở thành vị tân Tỳ khưu, đồng thời chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo, A-ra-hán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán trong Phật giáo.

Công chúa Saṃghamittā khi ấy đúng 18 tuổi, xuất gia sikkhamāna, do Ðại Ðức Tỳ khưu ni Dhammapāli làm Thầy Tế độ và Ðại Ðức Tỳ khưu ni Āyupāli làm Thầy dạy bảo.

Ðại Ðức Mahinda sau khi xuất gia, theo học Tam tạng và Chú giải với vị Thầy Tế độ suốt 3 năm là hoàn tất. Về sau Ðại Ðức Mahinda trở thành vị Thầy dạy chư Tỳ khưu.

Ðức vua Asoka hộ độ Tam Bảo

Ðức vua Asoka thật sự trở thành Thân quyến kế thừa của Phật giáo, nên vô cùng hoan hỉ. Mỗi ngày Ðức vua xuất ra số tiền 500.000 kahāpana để cúng dường đến Tam bảo, hộ độ 4 thứ vật dụng đến chư Tỳ khưu Tăng đầy đủ sung túc. Ngược lại, các nhóm tu sĩ ngoại đạo thiếu thốn, nên họ xâm nhập vào sống chung với chư Tỳ khưu, để có cuộc sống sung túc đầy đủ, nhưng vẫn cứ giữ nguyên tà kiến của mình.

Vì vậy, trong chùa Asokārama có số chư Tỳ khưu thật và số chư Tỳ khưu giả sống chung lẫn lộn với nhau, không thể hành tăng sự chung được. Tình trạng này kéo dài suốt 7 năm, sự kiện này được chư Tỳ khưu trình cho Ðức vua biết.

Ðức vua Asoka thanh lọc tỳ khưu

Ðức vua Asoka có đức tin trong sạch nơi Ðại Ðức Moggali-puttatissatthera, Ðức vua học chánh pháp với Ðại Ðức, hiểu rõ chánh kiến trong Phật giáo. Ðức vua thỉnh mời tất cả chư Tỳ khưu thật lẫn giả đến vấn đạo, Ðức vua làm giám khảo hỏi từng vị Tỳ khưu. Ðức vua biết được Tỳ khưu có chánh kiến trong Phật giáo và Tỳ khưu tà kiến ngoại đạo.

Qua cuộc thanh lọc, Ðức vua loại bỏ được 60.000 vị Tỳ khưu giả, bố thí mỗi người 1 bộ đồ trắng cho hoàn tục trở thành người cư sĩ. Ðức vua Asoka kính bạch chư Ðại Ðức Tăng rằng:

- Kính bạch chư Ðại Ðức Tăng, bây giờ chỉ còn Tỳ khưu thật, kính xin quý Ngài hành tăng sự.

Chư Tỳ khưu Tăng hội họp hành tăng sự "uposatha" gồm có 6 triệu Tỳ khưu thật, Ðại Ðức Moggaliputta-tissatthera chọn 1.000 vị là bậc Thánh A-ra-hán, chứng đắc Tứ tuệ phân tích, Tam minh, Lục thông... thông thuộc Tam tạng và Chú giải để kết tập Tam tạng lần thứ ba.

Kết tập Tam tạng lần thứ ba.

- Thời gian kết tập Tam tạng và Chú giải lần thứ ba: Phật lịch 235 năm sau Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn.

- Ðịa điểm kết tập: tại chùa Asokārama thuộc xứ Pāṭaliputta.

- Chủ trì cuộc kết tập: do Ðại Ðức Moggaliputta-tissatthera làm chủ trì.

- Chư Tăng hội kết tập: gồm 1.000 chư bậc Thánh A-ra-hán chứng đắc Tứ tuệ phân tích, Tam minh, Lục thông... thông thuộc Tam tạng và Chú giải.

- Thời gian hoàn thành: cuộc kết tập Tam tạng lần thứ ba kéo dài suốt 9 tháng.

- Người hộ độ: đức vua Asoka.

Trong kỳ kết tập Tam tạng lần thứ ba này, Ðại Ðức Moggaliputtatissatthera dùng 1.000 bài kinh để khai triển rộng bộ Kathāvatthu, mà trước kia Ðức Phật đã thuyết trên cung Tam thập tam thiên một cách tóm tắt. Khi Ðức Phật khai triển, Ngài biết rõ vị lai có vị đệ tử tên Moggali-puttatissa có khả năng đặc biệt tiếp tục khai triển rộng bộ Kathāvatthu này. Cho nên, Ðại Ðức Moggaliputtatissat-thera đảm nhận công việc mà Ðức Phật đã giao phó.

Kết quả kỳ kết tập Tam tạng lần thứ ba hoàn toàn y theo bản cũ của kỳ kết tập Tam tạng lần thứ hai tại Vesāli, Phật lịch 100 năm sau Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn, và kỳ kết tập Tam tạng lần thứ nhất tại Rājagaha, Phật lịch năm thứ nhất (3 tháng 4 ngày sau Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn). Trong 3 kỳ kết tập Tam tạng này đều do khẩu truyền, chưa ghi bằng chữ viết.

Ðức vua Asoka hộ độ truyền bá Phật giáo

Ðức vua Asoka không những hộ độ chư Tỳ khưu Tăng phát triển Phật giáo trong nước, mà còn truyền bá Phật giáo sang các nước lân cận.

Phật lịch 236 năm sau Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn, đức vua Asoka hộ độ phái đoàn gồm 5 Ðại Ðức: Ðại Ðức Mahindatthera là trưởng đoàn cùng với 4 Ðại Ðức: Ðại Ðức Iṭṭiyatthera, Ðại Ðức Uttiyatthera, Ðại Ðức Sambalatthera, Ðại Ðức Bhaddasālatthera... đi sang đảo quốc Srilankā, để truyền bá Phật giáo.

Vào thời ấy, Ðức vua Devānampiyatissa trị vì xứ Srilankā, là bạn thân của đức vua Asoka. Ðức vua Devānampiyatissa và các quan trong triều đình cùng toàn thể dân chúng đón rước cung thỉnh phái đoàn chư Ðại Ðức Tăng rất trọng thể, phát sanh đức tin trong sạch nơi Tam bảo. Các quan, các cận sự nam phát sanh đức tin nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, xin thọ Tỳ khưu rất đông, Phật giáo bắt đầu phát triển trên đảo quốc Srilankā.

Phật giáo phát triển trên đảo quốc Srilankā, không những chỉ có những người cận sự nam có ý nguyện muốn xuất gia trở thành Tỳ khưu, mà còn có những người cận sự nữ cũng có ý nguyện muốn xuất gia trở thành Tỳ khưu ni. Như Bà Anuḷādevī là Hoàng hậu của Ðức vua Devānampiyatissa cùng với 500 cận sự nữ trong hoàng tộc đều có ý nguyện muốn thọ Tỳ khưu ni.

Ðại Ðức Mahinda cho người về tâu với đức vua Asoka, thỉnh mời phái đoàn Tỳ khưu ni do Ðại Ðức Tỳ khưu ni Saṃghamittattherī làm trưởng đoàn sang đảo quốc Srilankā, để làm lễ thọ Tỳ khưu ni cho Hoàng hậu Anuḷādevī cùng 500 cận sự nữ trong hoàng tộc.

Ðại Ðức Tỳ khưu ni Saṃghamittā được tin sư huynh Mahinda, nên Ngài dẫn phái đoàn Tỳ khưu ni Tăng, cùng thỉnh một cây Bồ Ðề sang đảo quốc Srilankā để trồng.

Ðức vua Asoka tổ chức cuộc lễ tiển đưa cây Bồ Ðề rất long trọng. Và bên kia, Ðức vua Devānampiyatissa làm lễ đón rước cây Bồ Ðề cũng long trọng không kém. Cây Bồ Ðề được phát triển và đồng thời Phật giáo cũng thịnh hành trên đảo quốc Srilankā.

Hoàng hậu Anuḷādevī cùng 500 cận sự nữ trong hoàng tộc và 1.000 nô tỳ làm lễ thọ Tỳ khưu ni. Trước tiên làm lễ thọ Tỳ khưu ni giữa chư Tỳ khưu ni Tăng do Ðại Ðức Tỳ khưu Ni Saṃghamittattherī làm Thầy Tế độ, và sau đó làm lễ giữa Tỳ khưu Tăng. Tất cả sau khi trở thành Tỳ khưu ni, tiến hành thiền định, thiền tuệ, không lâu đều chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Ðế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo, A-ra-hán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Trên đảo quốc Srilankā, chư Tỳ khưu Tăng và chư Tỳ khưu Ni Tăng càng ngày càng đông, Phật giáo ngày càng thịnh hành và phát triển mạnh mẽ.

Phái đoàn chư Ðại Ðức Tăng đi sang vùng Suvaṇṇabhūmī

Ðức vua Asoka hộ độ một phái đoàn chư Ðại Ðức Tăng do Ðại Ðức Soṇatthera Ðại Ðức Uttaratthera dẫn đầu sang vùng Suvaṇṇabhūmī, vùng đất vàng, để truyền bá Phật giáo [Samyuttanikāya, phần Nidānavagga, kinh Chiggalasutta].

[*] Suvaṇṇabhūmī, vùng đất vàng, nay là các nước Indonesia, Miến Ðiện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt, ...

Ðức vua Asoka là người có công lớn hộ trì ngôi Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo cả về mặt vật chất, 4 thứ vật dụng, và cả về mặt tinh thần, lo phụng sự làm phát triển Phật giáo. Cho phép 2 người con yêu quý là thái tử Mahinda và công chúa Saṃghamittā thọ Tỳ khưu, Tỳ khưu ni trong giáo pháp của Ðức Phật Gotama.

Ðức vua Asoka không chỉ là một đại thí chủ chưa từng có từ trước đến nay, mà còn là một Thân quyến kế thừa của Phật giáo (Dāyādo sāsanassa) nữa.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1.1 | 1.2 | 2.1 | 2.2 | 3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 | 3.6 | 4.1 | 4.2 | 4.3 | 4.4 | 4.5 | 5.0

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Hộ Pháp đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2003).

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 10-06-2003