Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

LỄ DÂNG Y KATHINA

Tỳ khưu Hộ Pháp
(Dhammarakkhita Bhikkhu)

 

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức Arahán, Đức Chánh Đẳng Giác ấy
.

*

Lời Nói Đầu

Núi rừng Viên Không năm nay (Pl.2549), một lần nữa, người thí chủ là Cô Dhammanandā cùng thân quyến, bạn hữu xin làm Lễ Dâng Y Kathina đến chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại núi rừng Viên Không này.

Lần này, Cô Dhammanandā có lời thỉnh cầu bần sư biên soạn một quyển sách nhỏ giảng giải về tầm quan trọng của Lễ Dâng Y Kathina đến chư Tăng.

Nhân dịp này, bần sư xét thấy rằng: Lễ Dâng Y Kathina đến chư Tăng là một truyền thống của Phật giáo từ thời quá khứ xa xưa cho đến thời hiện tại này, đã trải qua từ các thế hệ người xưa mãi cho đến thế hệ của chúng ta bây giờ, và trở thành một truyền thống hằng năm trong các nước Phật giáo Nguyên Thủy Theravāda. Do đó, bần sư đã cố gắng sưu tầm từ Tam Tạng Pāḷi và Chú giải để biên soạn thành quyển sách nhỏ này, để cống hiến cho quý vị độc giả muốn tìm hiểu về Lễ Dâng Y Kathina đến chư Tăng:

- Xuất xứ của Lễ Dâng Y Kathina.

- Tính chất đặc biệt của Lễ Dâng Y Kathina đến chư Tăng.

- Nghi thức làm Lễ Dâng Y Kathina đến chư Tăng.

- Nghi thức chư Tỳ khưu Tăng thọ y Kathina.

- Phước thiện Lễ Dâng Y Kathina và quả báu của phước thiện ấy, v.v…

Đó là những vấn đề mà quý độc giả sẽ được hiểu biết được một phần nào qua quyển sách nhỏ này.

Thật ra, Lễ Dâng Y Kathina đến chư Tăng là một trong những pháp rộng lớn, có nhiều chi tiết nên biết, song quyển sách nhỏ này không thể nào đầy đủ được. Vả lại, khả năng của bần sư cũng có hạn, bần sư cố gắng sưu tầm được bao nhiêu, xin cống hiến đến quý độc giả bấy nhiêu!

Quý độc giả là bậc thiện trí, xem thấy có những điều gì sơ sót, thậm chí có chỗ nào sai, kính xin quý vị từ bi chỉ giáo cho bần sư biết, bần sư kính cẩn tiếp thu những lời chỉ giáo ấy để sửa chữa lại cho đúng.

Bần sư chân thành biết ơn quý vị.

Mùa an cư nhập hạ Pl. 2549
Núi rừng Viên Không,
Xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành,
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

 Tỳ khưu Hộ Pháp
 (Dhammarakkhita Bhikkhu)

-ooOoo-

Lời Nói Đầu Lần Thứ Nhì

Năm 2006 Phật lịch 2550, lễ dâng y kathina tại Tổ đình Bửu Long, Quận 9, T.p Hồ Chí Minh do gia đình cô Thái Thị Ngọc Dung, pháp danh: Trí Đăng làm chủ lễ; và tại Thiền viện Viên Không, Tân Thành, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do gia gia đình cô tu nữ Hoàng Thị Nga, pháp danh: Vô Niệm làm chủ lễ. Cả 2 thí chủ chính này có tác ý thiện tâm muốn ấn hành quyển “Lễ Dâng Y Kathina” này để làm món quà Pháp Bảo kính dâng đến chư Tỳ khưu Tăng và kính biếu đến tất cả các bà con, bạn bè đồng thí chủ trong buổi lễ dâng y kathina tại Tổ đình Bửu Long và Thiền viện Viên Không.

Những thí chủ làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng trong mùa mưa vừa là một phước thiện vô lượng và rất hy hữu; lại còn thêm phần bố thí Pháp Bảo cao quý hơn các loại bố thí khác, cho nên bần sư vô cùng hoan hỷ cố gắng biên soạn lại quyển Dâng Y Kathina năm 2005, Phật lịch 2549 tại Thiền viện Viên Không.

Lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng sau khi đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa, là một truyền thống từ khi Đức Phật còn trên thế gian và tiếp tục hằng năm trên các nước Phật giáo Nguyên Thủy Theravāda cho đến ngày nay. Phước thiện của lễ dâng y kathina này rất lớn lao vô lượng và rất hy hữu. Để thành tựu được lễ dâng y kathina, người thí chủ cần phải có sự hiểu về tấm y gọi là “Y Kathina” và nghi thức làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng. Về phần chư Tỳ khưu Tăng cũng cần phải hiểu biết nghi thức làm lễ thọ y kathina của chư Tăng. Do đó, quyển sách “Lễ Dâng Y Kathina” này có thể giúp cho các thí chủ và chư Tỳ khưu về công việc dâng y kathina và thọ y kathina cho được thành tựu, để cho những thí chủ có được phước thiện vô lượng, đồng thời để cho chư Tỳ khưu Tăng có được quả báu của lễ thọ y kathina của chư Tăng được trọn vẹn.

1) Gia đình cô Thái Thị Ngọc Dung, pháp danh: Trí Đăng là người thí chủ chính làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng tại ngôi Tổ đình Bửu Long. Do nhờ phần phước thiện thanh cao này hộ trì cho toàn thể gia đình bà con thân bằng quyến thuộc của cô Thái Thị Ngọc Dung, nhất là Trần Trung Kính, Trần Thảo Mai, Mickey, Thompson, Billy Trần v.v... Cầu xin tất cả quý vị hoan hỷ phần phước thiện thanh cao này để cho thân tâm thường được an lạc, mọi công việc trong đời được thành tựu như ý, nhất là tiến hóa trong mọi thiện pháp, để tạo duyên lành trên con đường giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Và xin hồi hướng phần phước thiện thanh cao này đến thân bằng quyến thuộc nội ngoại hai bên từ kiếp hiện tại cho đến vô lượng kiếp trong quá khứ, nhất là thân phụ là ông Đào Văn Trà và thân mẫu là bà Thái Thị Em, pháp danh: Chiếu Nguyên v.v... Cầu mong tất cả quý vị hoan hỷ thọ nhận phần phước thiện thanh cao này để giải thoát mọi cảnh khổ, được an lạc lâu dài.

2) Gia đình cô tu nữ Hoàng Thị Nga, pháp danh: Vô Niệm là người thí chủ chính làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng tại ngôi Thiền viện Viên Không. Do nhờ phần phước thiện thanh cao này hộ trì cho toàn thể gia đình bà con thân bằng quyến thuộc của cô tu nữ Hoàng Thị Nga, nhất là Hoàng Văn Nút, Hoàng Minh Thái, Hoàng Thị Bạch Vân v.v... Cầu xin tất cả quý vị hoan hỷ phần phước thiện thanh cao này để cho thân tâm thường được an lạc, mọi công việc trong đời được thành tựu như ý, nhất là tiến hóa trong mọi thiện pháp, để tạo duyên lành trên con đường giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Và xin hồi hướng phần phước thiện thanh cao này đến thân bằng quyến thuộc nội ngoại hai bên từ kiếp hiện tại cho đến vô lượng kiếp trong quá khứ, nhất là là ông Hoàng Văn Tính và bà Nguyễn Thị Nhung, ông Trịnh Văn Lùng và bà Đoàn Thị Nhớn v.v... Cầu mong tất cả quý vị hoan hỷ thọ nhận phần phước thiện thanh cao này để giải thoát mọi cảnh khổ, được an lạc lâu dài.

Mùa an cư nhập hạ Pl. 2550  
Núi rừng Viên Không,
Xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành,
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

 Tỳ khưu Hộ Pháp
 (Dhammarakkhita Bhikkhu)

-ooOoo-

XUẤT XỨ CỦA LỄ DÂNG Y KATHINA

Hằng năm vào ngày rằm tháng 9 (âm lịch), khắp mọi nơi trên các nước Phật giáo Nguyên Thủy Theravāda, chư Tỳ khưu Tăng sau khi làm đại lễ Pavāraṇā (lễ thỉnh mời nhắc nhở lỗi lẫn nhau) xong; bắt đầu ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 10, trong suốt 30 ngày ấy, tất cả mọi người Phật tử tại gia là cận sự nam, cận sự nữ  nô nức chuẩn bị làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa, tại mỗi ngôi chùa hoặc một nơi thanh vắng trong rừng núi. Lễ dâng y kathina là một nghi lễ theo truyền thống trong Phật giáo từ ngàn xưa cho đến nay.

Trong đời, có số truyền thống bắt nguồn từ thời gian nào, do một vị nào khởi xướng đầu tiên khó mà biết được, cho nên người ta thường nói: “Xưa bày nay làm”. Nhưng truyền thống lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng có xác định thời gian bắt đầu rõ ràng:

Trong Tạng Luật, bộ Mahāvagga, phần Kathinakkhandhaka ghi rõ về tích chuyện bắt đầu Đức Phật cho phép Tỳ khưu thọ y kathina như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana của ông phú hộ Anāthapiṇdika gần kinh thành Sāvatthi. Khi ấy nhóm 30 vị Tỳ khưu xứ Pāveyya[1] đều thọ hạnh đầu đà như: Hạnh đầu đà ở trong rừng, hạnh đầu đà đi khất thực, hạnh đầu đà thọ tam y,...  Quý Ngài đều có ý định đi đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn tại ngôi chùa Jetavana. Trên đường đi chưa đến kinh thành Sāvatthi, quý Ngài mới đến xứ Sāketa, thì nhằm vào ngày 16 tháng 6 (âm lịch) là ngày chư Tỳ khưu phải an cư nhập hạ tại một nơi cố định suốt 3 tháng mùa mưa. Cho nên, quý Ngài  đành phải an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại xứ Sāketa, mà tâm của quý Ngài luôn luôn hướng về Đức Thế Tôn, quý Ngài thường nói với nhau rằng:

Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, khoảng cách chỗ ở của chúng ta chỉ có 6 do tuần[2], nhưng chúng ta không thể đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn được”.

Khi qua 3 tháng mùa mưa, vào ngày rằm tháng 9 (âm lịch), quý Ngài làm đại lễ Pavāraṇā (Lễ thỉnh mời nhắc nhở lỗi lẫn nhau) xong, sáng ngày hôm sau (16 tháng 9), quý Ngài tiếp tục lên đường đi đến kinh thành Sāvatthi. Mặc dù tháng cuối mùa mưa[3] trời vẫn còn mưa nhẹ hột, trên đường có những vũng nước đầy, đường xá lầy lội, quý Ngài mặc trên thân mình bộ y bị ướt đẫm và dính đầy sình lầy, thân phải chịu vất vả, đi đến ngôi chùa Jetavana vào hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ.

Đức Thế Tôn truyền hỏi chư Tỳ khưu rằng:

- Này các con, các con có kham nhẫn được không?

Các con có điều hòa thân tứ đại này được không?

Các con sống với nhau hòa hợp, đồng tâm nhất trí, không cãi cọ lẫn nhau, sống an cư nhập hạ được an lạc trong suốt 3 tháng mùa mưa phải không?

Hằng ngày các con đi khất thực không vất vả lắm phải không?

Chư Tỳ khưu bạch với Đức Thế Tôn rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con đều kham nhẫn được; chúng con có thể điều hoà thân tứ đại này được; chúng con sống với nhau hòa hợp, đồng tâm nhất trí, không cãi cọ lẫn nhau, sống an cư nhập hạ được an lạc trong suốt 3 tháng mùa mưa. Hằng ngày chúng con đi khất thực không vất vả. Bạch Ngài.

Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con 30 người xứ Pāveyya đều có ý định đi đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, sau đó sẽ an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại kinh thành Sāvatthi. Khi chúng con đến xứ Sāketa, thì nhằm vào ngày 16 tháng 6, chúng con đành phải an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại đó, mà tâm của chúng con luôn luôn hướng về Đức Thế Tôn, chúng con thường nói với nhau rằng:

Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, khoảng cách chỗ ở của chúng ta chỉ có 6 do tuần, nhưng chúng ta không thể đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn được”.

Khi qua 3 tháng mùa mưa, vào ngày rằm tháng 9 chúng con làm đại lễ Pavāraṇā xong, sáng ngày hôm sau (16 tháng 9) tất cả chúng con tiếp tục lên đường đến hầu Đức Thế Tôn.

Đức Phật Cho Phép Chư Tăng Thọ Y Kathina

Khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết pháp tế độ nhóm 30 vị Tỳ khưu xứ Pāveyya, sau khi lắng nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp, quý Ngài đều chứng đắc thành bậc thánh Arahán.

Nhóm 30 vị Tỳ khưu xứ Pāveyya là nguyên nhân bắt nguồn đầu tiên Đức Thế Tôn cho phép chư Tỳ khưu, sau khi đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa, được thọ y kathina. Đức Phật dạy rằng:

- Này chư Tỳ khưu, Như Lai cho phép chư Tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa xong, được thọ y kathina.

Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu đã thọ y kathina xong rồi, sẽ được hưởng đặc ân 5 quả báu là:

1-       Khi được thỉnh mời, vị Tỳ khưu ấy có thể ra   khỏi chùa, mà không báo vị Tỳ khưu khác biết. (không phạm giới).

2-       Vị Tỳ khưu ấy không giữ gìn đủ tam y (không phạm giới).

3-       Vị Tỳ khưu ấy được dùng vật thực cùng nhóm (4 vị Tỳ khưu trở lên), dù thí chủ gọi tên vật thực ấy (không phạm giới).

4-       Vị Tỳ khưu thọ nhận y dư (ngoài tam y) cất giữ quá 10 đêm (không phạm giới).

5-       Y phát sinh nơi nào, Tỳ khưu được phép thọ nhận nơi ấy.

Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu đã thọ y kathina xong rồi, sẽ được hưởng đặc ân 5 quả báu này[4].

Sau khi đã làm lễ thọ y kathina của chư Tăng xong, Tỳ khưu nào đã nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng, không thay đổi chỗ ở, dù đi nơi nào, tâm vẫn lưu luyến, ràng buộc với ngôi chùa cũ (chỗ đã an cư nhập hạ), vị Tỳ khưu ấy được hưởng đặc ân 5 quả báu ấy suốt 5 tháng, kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 2, hết hạn quả báu kathina.

Nếu chư Tỳ khưu Tăng không làm lễ thọ y kathina, cũng không làm lễ hoan hỷ y kathina của chư  Tăng, thì chư Tỳ khưu ấy chỉ được hưởng đặc ân 5 quả báu trong 1 tháng, kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến rằm tháng 10, hết hạn quả báu.

Như vậy, sự thật rõ ràng là Đức Phật cho phép chư Tỳ khưu Tăng, sau khi đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa, được thọ y kathina. Cho nên, lễ dâng y kathina trở thành truyền thống của Phật giáo từ thời kỳ Đức Phật mãi cho đến nay.

Đức Phật Gotama cho phép Tỳ khưu Tăng được thọ y kathina từ thời gian nào?

Từ khi Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian cho đến khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn có 45 hạ (vassa: năm). Vào hạ thứ 14, Đức Phật cùng chư Tỳ khưu Tăng an cư nhập hạ tại ngôi chùa Jetavana của ông phú hộ Anāthapiṇdika, gần kinh thành Sāvatthi. Sau khi ra hạ, nhóm 30 vị Tỳ khưu xứ Pāveyya đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn tại ngôi chùa Jetavana. Chính nhóm 30 vị Tỳ khưu xứ Pāveyya là nguyên nhân bắt nguồn đầu tiên, Đức Thế Tôn cho phép chư Tỳ khưu Tăng sau khi đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa, được thọ y kathina.

Như vậy, lễ dâng y kathina bắt đầu từ sau hạ thứ 14 của Đức Phật và được lưu truyền trở thành truyền thống của Phật giáo mãi cho đến nay.

Y Kathina Không Thành Tựu và Thành Tựu

Thời xưa, những thí chủ dâng vải đến chư Tỳ khưu Tăng để may y, cho nên, may y là công việc của chư Tỳ khưu. Đặc biệt vải may y kathina phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch và cao quý. Trong Tạng Luật bộ Mahāvagga, phần Kathinakkhandhaka, Đức Phật quy định có 24 trường hợp vải may y làm lễ  thọ y kathina không thành tựu và 17 trường hợp vải may y làm lễ thọ y kathina được thành tựu.

Lễ Thọ Y Kathina Không Thành Tựu

Đức Phật dạy:

Này chư Tỳ khưu, 24 trường hợp phát sinh vải may y làm lễ thọ y kathina không thành tựu như sau:

1-       Tấm vải chỉ vạch đường ngang đường dọc để cắt: Làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

2-       Tấm vải mới giặt: Làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

3-       Tấm vải mới được chia 5 điều hoặc 7 điều chưa may thành y: Làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

4-       Tấm vải được cắt rời từng điều chưa may thành y: Làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

5-       Tấm y mới được ráp vào: Làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

6-       Tấm y đang được may chưa xong: Làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

7-       Tấm y được may hai thành đứng hai bên chưa xong: Làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

8-       Tấm y được may ráp các điều vào chưa xong:  Làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

9-       Tấm y được may hai thành y trên và dưới chưa xong: Làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

10-   Tấm y mới được may chỗ cột dây (y chưa xong): Làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

11-   Tấm y mới được kết gút (y chưa xong): Làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

12-   Tấm y nhuộm màu còn nhạt: Làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

13-   Tấm vải may y có được do vị Tỳ khưu biểu lộ bằng lời nói cho thí chủ biết: Làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

14-   Tấm vải may y có được do vị Tỳ khưu nói trực tiếp hoặc gián tiếp với thí chủ: Làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

15-   Tấm vải may y được mượn của người khác: Làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

16-   Tấm vải may y kathina, vị Tỳ khưu nhận xong cất giữ qua đêm: Làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

17-   Tấm vải may y kathina may chưa xong đã qua rạng đông (sang ngày khác): Làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

18-   Tấm y chưa làm dấu tròn kappabindu: Làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

19-   Tấm y không phải là y 2 lớp (saṃghāṭi): Làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

20-   Tấm y không phải là y vai trái (uttarasaṅga): Làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

21-   Tấm y không phải là y nội (antaravāsaka): Làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

22-   Tấm y không cắt may thành 5 điều hoặc 7 điều: Làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

23-   Không phải là vị Tỳ khưu: Làm lễ thọ y kathina thì không thành tựu.

24-   Tỳ khưu thọ y kathina bên ngoài sīmā (ngoài phạm vi) và chư Tỳ khưu nói lời hoan hỷ: Lễ kathina không thành tựu.

Này chư Tỳ khưu, đó là 24 trường hợp phát sinh vải may y làm lễ thọ y kathina không thành tựu.

Lễ Thọ Y Kathina Được Thành Tựu

Đức Phật dạy:

- Này chư Tỳ khưu, 17 trường hợp phát sinh vải may y làm lễ thọ y kathina được thành tựu như sau:

1-       Tấm vải còn mới may thành y: Làm lễ thọ y kathina được thành tựu.

2-       Tấm vải giặt rồi còn mới may thành y: Làm lễ thọ y kathina được thành tựu.

3-       Tấm vải cũ may thành y: Làm lễ thọ y được kathina được thành tựu.

4-       Lượm lặt những tấm vải dơ (paṃsukūlacīvara) may thành y: Làm lễ thọ y kathina được thành tựu.

5-       Lượm lặt vải người ta xả bỏ may thành y: Làm lễ thọ y kathina được thành tựu.

6-       Tấm vải may y có được không phải do vị Tỳ khưu biểu lộ bằng lời nói cho thí chủ, may thành y: Làm lễ thọ y kathina được thành tựu.

7-       Tấm vải may y có được không phải do vị Tỳ khưu nói trực tiếp hoặc gián tiếp với thí chủ, may thành y: Làm lễ thọ y kathina được thành tựu.

8-       Tấm vải may y có được không phải mượn của người khác, may thành y: Làm lễ thọ y kathina được thành tựu.

9-       Tấm vải may y kathina mà vị Tỳ khưu may thành y xong, không cất giữ qua đêm: Làm lễ thọ y kathina được thành tựu.

10-   Tấm y kathina may hoàn thành xong trước lúc rạng đông (chưa qua ngày khác): Làm lễ thọ y kathina được thành tựu.

11-   Tấm y đã làm dấu tròn nhỏ kappabindu xong: Làm lễ thọ y kathina được thành tựu.

12-   Tấm y ấy là y 2 lớp (saṃghāṭi): Làm lễ thọ y kathina được thành tựu.

13-   Tấm y ấy là y vai trái (uttarasaṅga): Làm lễ thọ y kathina được thành tựu.

14-   Tấm y ấy là y nội (antaravāsaka): Làm lễ thọ y kathina được thành tựu.

15-   Tấm y cắt may đủ 5 điều (hoặc 7 điều) làm xong trong ngày: Làm lễ thọ y kathina được thành tựu.

16-   Vị Tỳ khưu là người làm lễ thọ y (không phải nhóm hoặc chư Tỳ khưu Tăng): Làm lễ thọ y kathina được thành tựu.

17-   Tỳ khưu làm lễ thọ y kathina bên trong sīmā và chư Tỳ khưu Tăng nói lời hoan hỷ: Lễ thọ y kathina được thành tựu.

Này chư Tỳ khưu, đó là 17 trường hợp phát sinh vải may y làm lễ thọ y kathina được thành tựu.

Lễ Dâng Y Kathina Thời Xưa và Thời Nay

Trong thời xưa, thí chủ làm lễ dâng vải may y kathina (kathinadussa) đến chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa. Sau khi thọ nhận vải may y kathina xong, chư Tỳ khưu Tăng hội họp tại sīmā, tuyển chọn một vị Tỳ khưu nào xứng đáng, hiểu biết rõ 8 chi pháp mà Đức Phật đã chế định và ban hành đến chư Tỳ khưu Tăng. Chư Tỳ khưu Tăng làm lễ hành Tăng sự tụng Ñattidutiyakammavācā trao tấm vải may y kathina đến cho vị Tỳ khưu đã được chọn ấy.

Việc may y để làm lễ thọ y kathina rất quan trọng và cần kíp, bởi vì tấm y cần phải được may xong trong ngày hôm ấy, để làm lễ thọ y kathina trước lúc rạng đông. Nếu tấm y may chưa xong, trễ sang ngày hôm sau, thì không thể làm lễ thọ y kathina với tấm y ấy được. Vì vậy, tất cả chư Tỳ khưu trong ngôi chùa, bất luận là vị Tỳ khưu nào đều phải tập hợp chung, lo may cho xong một tấm y, để kịp làm lễ thọ y kathina hợp pháp của chư Tăng. Cho nên, mỗi vị Tỳ khưu mỗi việc, trước tiên, vạch đường ngang đường dọc, cắt tấm vải thành tấm y 2 lớp (saṃghāṭi), hoặc y vai trái (uttarasaṅga), hoặc y nội (antaravāsaka), tất cả chư Tỳ khưu, mỗi vị lo may mỗi phần, ráp vào thành tấm y rồi nhuộm cho đúng màu mà Đức Phật đã chế định. Vị Tỳ khưu kính thỉnh chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại trong ngôi chùa ấy hội họp lại, để cho vị Tỳ khưu đã được tuyển chọn làm lễ thọ y kathina của chư Tăng với tấm y ấy xong, tiếp theo vị Tỳ khưu ấy thỉnh mời tất cả chư Tỳ khưu Tăng đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina hợp pháp của chư Tăng. Tất cả chư Tỳ khưu Tăng đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina hợp pháp của chư Tăng.

Sau khi làm lễ thọ y kathina của chư Tăng xong, nếu vị Tỳ khưu nào tâm không muốn từ bỏ ngôi chùa cũ, thì vị Tỳ khưu ấy hưởng được đặc ân 5 quả báu, kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 2 (suốt 5 tháng) mới hết quả báu của kathina.

Trong thời nay, phần đông thí chủ không làm lễ dâng vải may y kathina, mà dâng y kathina (kathinacīvara), tấm y đã may sẵn, đến chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại trong ngôi chùa ấy. Cho nên, tất cả chư Tỳ khưu không bận rộn chung lo công việc may y, để làm lễ thọ y kathina. Sau khi thọ nhận tấm y kathina xong, chư Tỳ khưu Tăng hội họp tại sīmā, tuyển chọn một vị Tỳ khưu nào xứng đáng, hiểu biết rõ 8 chi pháp mà Đức Phật đã chế định và ban hành đến chư Tỳ khưu Tăng. Chư Tỳ khưu Tăng làm lễ hành Tăng sự tụng Ñattidutiyakammavācā trao tấm y kathina đến cho vị Tỳ khưu đã được chọn ấy.

Vị Tỳ khưu ấy làm lễ thọ y kathina của chư Tăng với tấm y ấy, và thỉnh mời chư Tỳ khưu Tăng đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina hợp pháp của chư Tăng. Chư Tỳ khưu Tăng đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina hợp pháp của chư Tăng.

Sau khi làm lễ thọ y kathina của chư Tăng xong rồi, nếu vị Tỳ khưu nào tâm không muốn từ bỏ ngôi chùa cũ, thì vị Tỳ khưu ấy hưởng được đặc ân 5 quả báu, kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến rằm tháng 2 (suốt 5 tháng) mới hết quả báu của kathina.

Tấm y kathina như  thế nào?

Tấm y kathina được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch, do thiện tâm trong sáng của thí chủ. Nếu vải may y kathina (kathinadussa) hoặc tấm y kathina (kathinacīvara) được phát sinh không hợp pháp, bởi do một nguyên nhân, một trong những trường hợp mà Đức Phật đã quy định, thì nghi lễ thọ y kathina chắc chắn không thành tựu, và tất cả chư Tỳ khưu Tăng cũng không hưởng được đặc ân 5 quả báu của kathina.

Ví dụ:

Nếu có vị Tỳ khưu nào tự mình biểu lộ bằng lời nói để cho thí chủ biết, để làm lễ dâng y kathina, hoặc Tỳ khưu gián tiếp nói với thí chủ rằng:

“Tấm vải này làm lễ dâng y kathina được” hoặc “Thí chủ làm lễ dâng y kathina được nhiều phước thiện thanh cao” v.v... Khi nghe Tỳ khưu động viên khuyến khích như vậy, thí chủ xin làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng, thì tấm y kathina ấy phát sinh không hợp pháp, vị Tỳ khưu làm lễ thọ y kathina với tấm y ấy chắc chắn không thành tựu lễ thọ y kathina, và tất cả chư Tỳ khưu Tăng cũng không hưởng được đặc ân 5 quả báu của kathina.

Trong chú giải bộ Luật Mahāvagga dạy rằng:

“Kathinaṃ nāma ati ukkaṭṭhaṃ vaṭṭati, mātarampi viññāpetuṃ na vaṭṭati, ākāsato otiṇṇasadisameva vaṭṭati”[5].

“Gọi tấm y kathina là tấm y được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch và cao quý tuyệt vời, cho nên Tỳ khưu làm lễ thọ y kathina không được phép xin tấm y, dù người thí chủ ấy là mẫu thân của mình. Tấm y Kathina nên được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch, ví như từ trên hư không rơi xuống”.

Thật ra, Đức Phật cho phép Tỳ khưu có thể xin 4 thứ vật dụng (y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh) từ mẫu thân, phụ thân và những người thân quyến có thỉnh mời trước, thậm chí từ thí chủ có thỉnh mời trước.

Ví dụ:

“Kính bạch Ngài Đại đức, khi Ngài cần thứ vật dụng nào, kính xin Ngài nói cho con biết, con sẽ dâng thứ vật dụng ấy đến cho Ngài”.

Nhưng về y kathina, Tỳ khưu không được phép xin trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc biểu lộ bằng lời nói cho thí chủ biết, để làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng, dù thí chủ đó là mẫu thân, phụ thân của mình, huống gì những thí chủ khác. Bởi vì, y kathina phải được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch và cao quý (kathinaṃ nāma ati ukkaṭṭham).

Kathina nghĩa là gì?

Danh từ kathina có nhiều nghĩa, trong bộ Vimativinodanīṭīkā, bo Vajirabuddhi-ṭīka định nghĩa rằng:

“Kathinan’ti pañcānisaṃse anto karaṇasamatthatāya thiranti attho”.

Kathina: nghĩa là “vững chắc” bởi vì có khả năng làm cho 5 quả báu được duy trì trong suốt khoảng thời gian 5 tháng kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 2, hết quả báu của kathina.

Tấm y kathina là tấm y nào?

Đức Phật chế định cho phép nhiều loại y như:

- Tấm y 2 lớp là tấm y dùng để đắp mùa lạnh, gọi là tấm y saṃghāṭi.

- Tấm y vai trái là tấm y mặc che phủ từ cổ xuống dưới đầu gối 4 lóng tay, gọi là tấm y uttarasaṅga.

- Tấm y nội là tấm y mặc che phủ trên lỗ rún xuống dưới đầu gối 8 lóng tay, gọi là tấm y antaravāsaka.

- Tấm y tắm mưa là tấm y dùng để tắm trong mùa mưa, gọi là tấm y vassikasāṭika.

Các tấm y phụ là những tấm y mặc thay cho tấm y trên, gọi là y cīvaraparikkhā-racoḷa.

Trong các loại y trên, Đức Phật cho phép tấm y để làm lễ thọ kathina là 1 trong 3 tấm y: Tấm y saṃghāṭi, hoặc tấm y uttarasaṅga, hoặc tấm y antaravāsaka, còn lại các tấm y khác không thể làm lễ dâng y kathina được.

Tấm Y Thường Dùng Với Tấm Y Kathina:

- Tấm y thường dùng gồm các tấm y như tấm y saṃghāṭi, tấm y uttarasaṅga, tấm y antaravāsaka, các tấm y cīvaraparikkhāracoḷa, v.v... mà vị Tỳ khưu có thể xin từ mẫu thân, phụ thân, bà con thân quyến đã từng thỉnh mời, thậm chí có thể xin từ thí chủ đã từng thỉnh mời rằng:

“Kính bạch Ngài Đại đức, khi Ngài cần tấm y nào, kính xin Ngài nói cho con biết, con sẽ dâng tấm y ấy đến cho Ngài”.

Như vậy, khi nào vị Tỳ khưu cần đến y, có thể đến xin y từ người thí chủ ấy, mà không có lỗi.

- Tấm y kathina chỉ là 1 trong 3 tấm y: Tấm y saṃghāṭi, hoặc tấm y uttarasaṅga, hoặc tấm y antaravāsaka mà Đức Phật cho phép chư Tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng trong mùa mưa, được phép làm lễ thọ y kathina.

Tấm y kathina này được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch do thiện tâm trong sạch của thí chủ; tấm y kathina có được không phải do vị Tỳ khưu biểu lộ bằng lời nói để cho thí chủ biết, hoặc xin trực tiếp hoặc gián tiếp từ thí chủ.

Trong chú giải Tạng Luật, bộ Mahāvagga aṭṭhakathā dạy rằng:

Animittakatena atthataṃ hoti kathinaṃ, aparikathākatena atthataṃ hoti kathinaṃ[6]

“Vị Tỳ khưu làm lễ thọ y kathina với tấm y không phải biểu lộ bằng lời nói để cho thí chủ biết, hoặc vị Tỳ khưu làm lễ thọ y kathina với tấm y không trực tiếp hoặc gián tiếp nói xin thí chủ”.

Bởi vì tấm y kathina phải được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch và cao quý, không do Tỳ khưu động viên khuyến khích thí chủ làm lễ dâng y kathina.

Thật vậy, trong Chú giải Tạng Luật dạy rằng:

“Kathinaṃ nāma ati ukkaṭṭhaṃ vaṭṭati, mātarampi viññāpetuṃ na vaṭṭati, ākāsato otiṇṇasadisameva vaṭṭati”.

“Gọi tấm y kathina là tấm y được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch và cao quý tuyệt vời, cho nên, Tỳ khưu làm lễ thọ y kathina không được phép xin tấm y, dù người thí chủ ấy là mẫu thân của mình. Tấm y kathina nên được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch, ví như từ trên hư không rơi xuống”.

Thời Gian Dâng Y Thường Dùng Với Dâng Y Kathina

- Thời gian dâng y thường dùng

Trong một năm có 12 tháng, thí chủ  có thể làm lễ dâng y thường dùng bất cứ tháng nào, ngày nào, giờ nào, không hạn định, không bắt buộc, hoàn toàn tuỳ ý của thí chủ. Còn chư Tỳ khưu có thể thọ nhận y mà thí chủ đem đến làm lễ dâng y thường dùng bất cứ thời gian nào, cũng không hạn định.

- Thời gian dâng y kathina

Trong một năm có 12 tháng, Đức Phật cho phép chư Tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng trong mùa mưa xong rồi, chư Tỳ khưu Tăng ấy được phép thọ y kathina, bắt đầu từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 10. Trong khoảng thời gian 30 ngày ấy, chỉ có một ngày, đối với chư Tỳ khưu đã an cư nhập hạ tại một ngôi chùa, hoặc tại một nơi chốn nào đó, chư Tỳ khưu ấy chỉ được phép một lần thọ nhận y kathina, mà thí chủ đem đến làm lễ dâng y kathina mà thôi; còn lại 29 ngày khác, chư Tỳ khưu ấy không được phép thọ nhận y kathina nữa.

Còn thí chủ có thể làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng trong mùa mưa, kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 10. Trong khoảng thời gian 30 ngày hay 1 tháng ấy, thí chủ có thể làm lễ dâng y kathina, còn 11 tháng còn lại, thí chủ không thể làm lễ dâng y kathina được.

Chỗ Ở Được Dâng Y Thường Dùng Với Dâng Y Kathina

- Chỗ ở được dâng y thường dùng

Là chỗ ở của chư Tỳ khưu, như một ngôi chùa, hoặc một nơi thanh vắng trong rừng núi, hang động, hoặc tại nhà thí chủ, v.v... Thí chủ có đức tin trong sạch đem các tấm y đến làm lễ dâng y thường dùng đến chư Tỳ khưu Tăng (saṃghikadāna) hoặc cá nhân Tỳ khưu (paṭipuggalikadāna) tại nơi ấy, bao nhiêu lần trong một năm, trong một tháng, trong một ngày cũng được, không hạn chế.

- Chỗ ở được dâng y kathina

Là chỗ ở mà chư Tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng trong mùa mưa tại một ngôi chùa hoặc một nơi thanh vắng trong rừng núi, hang động, v.v... Thí chủ có đức tin trong sạch đem một tấm y đến làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng (saṃghikadāna), không phải đến cá nhân Tỳ khưu (paṭipuggalikadāna). Tại nơi ấy, chư Tỳ khưu Tăng được phép thọ nhận y kathina  của thí chủ chỉ có một lần trong một ngày nào trong khoảng thời gian kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 10 là hết hạn dâng y kathina.

Cách Dâng Y Thường Dùng Với Dâng Y Kathina

- Bố thí (dâng) có 2 cách:

1-       Paṭipuggalikadāna: Dâng đến cá nhân.

2-       Saṃghikadāna: Dâng đến chư Tỳ khưu Tăng.

- Dâng (bố thí) đến cá nhân có 14 trường hợp:

Trong kinh Dakkhiṇāvibhaṅgasutta, Đức Phật dạy làm phước dâng đến cá nhân có 14 trường hợp như sau:

1-       Dâng cúng dường đến Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

2-       Dâng cúng dường đến Đức Phật Độc Giác.

3-       Dâng cúng dường đến bậc Thánh Arahán.

4-       Dâng cúng dường đến bậc Thánh Bất Lai đang thực hành thiền tuệ để chứng đắc thành bậc Thánh Arahán.

5-       Dâng cúng dường đến bậc Thánh Bất Lai.

6-       Dâng cúng dường đến bậc Thánh Nhất Lai đang thực hành thiền tuệ để chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai.

7-       Dâng cúng dường đến bậc Thánh Nhất Lai.

8-       Dâng cúng dường đến bậc Thánh Nhập Lưu đang thực hành thiền tuệ để chứng đắc thành bậc Thánh Nhất Lai.

9-       Dâng cúng dường đến bậc Thánh Nhập Lưu.

10-   Dâng cúng dường đến hành giả đang thực hành thiền tuệ để chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu.

11-   Làm phước cúng dường đến hành giả ngoài Phật giáo, vị ấy đã chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, thiền vô sắc, có ngũ thông.

12-   Làm phước cúng dường đến hạng phàm nhân có giới trong sạch như Tỳ khưu, Sadi, cận sự nam, cận sự nữ, ...

13-   Làm phước bố thí đến hạng người không có giới.

14-   Làm phước bố thí đến các loài súc sinh.

- Dâng cúng dường đến chư Tăng có 7 trường hợp:

Trong kinh Dakkhiṇāvibhaṅgasutta, Đức Phật dạy dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng có 7 trường hợp như sau:

1-       Dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng và chư Tỳ khưu ni Tăng có Đức Phật chủ trì.

2-       Dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng và chư Tỳ khưu ni Tăng, sau khi Đức Phật đã tịch diệt Niết Bàn rồi.

3-       Dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng (Bhikkhusaṃgha).

4-       Dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu ni Tăng (Bhikkhunisaṃgha).

5-       Dâng cúng dường đến một số Tỳ khưu Tăng và một số Tỳ khưu ni Tăng.

6-       Dâng cúng dường đến một số Tỳ khưu Tăng.

7-       Dâng cúng dường đến một số Tỳ khưu ni Tăng.

- Cách Dâng Y Thường Dùng

Thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, đem các y thường dùng dâng đến cá nhân Tỳ khưu (paṭipuggalikadāna) hoặc dâng đến chư Tỳ khưu Tăng (saṃghikadāna) cũng được, tuỳ theo tác ý thiện tâm của thí chủ.

- Cách Dâng Y  Kathina

Thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo có trí tuệ hiểu biết rõ rằng: Tấm y kathina chỉ dâng đến chư Tỳ khưu Tăng (saṃghikadāna) mà thôi, không phải dâng đến cá nhân Tỳ khưu (paṭipuggalikadāna).

Người Thí Chủ - Người Thọ Thí

Trong kinh Dakkhiṇāvibhaṅgasutta, Đức Phật dạy Ngài Ānanda rằng:

- Này Ānanda, thiện tâm trong sạch của người bố thí và người thọ thí có 4 trường hợp:

1-       Người bố thí có thiện tâm trong sạch, còn người thọ thí không có tâm trong sạch.

2-       Người bố thí không có tâm trong sạch, còn người thọ thí có thiện tâm trong sạch.

3-       Người bố thí và người thọ thí đều có tâm không trong sạch.

4-       Người bố thí và người thọ thí đều có thiện tâm trong sạch.

Này Ānanda, thế nào gọi là người bố thí có thiện tâm trong sạch, còn người thọ thí không có tâm trong sạch?

Trường hợp này, người bố thí là người có giới đức trong sạch, hành thiện pháp; còn người thọ thí là người phạm giới, hành ác pháp.

Như vậy, gọi là người bố thí có thiện tâm trong sạch, còn người thọ thí không có tâm trong sạch.

Này Ānanda, thế nào gọi là người bố thí không có tâm trong sạch, còn người thọ thí có thiện tâm trong sạch?

Trường hợp này, người bố thí là người phạm giới, hành ác pháp; còn người thọ thí là người có giới đức trong sạch, hành thiện pháp.

Như vậy, gọi là người bố thí không có tâm trong sạch, còn người thọ thí có thiện tâm trong sạch.

Này Ānanda, thế nào gọi là người bố thí và người thọ thí đều có tâm không trong sạch?

Trường hợp này, cả người bố thí lẫn người thọ thí đều là những người phạm giới, hành ác pháp

Như vậy, gọi là người bố thí và người thọ thí đều có tâm không trong sạch.

Này Ānanda, thế nào gọi là người bố thí và người thọ thí đều có thiện tâm trong sạch?

Trường hợp này, cả người bố thí lẫn người thọ thí đều là những người có giới đức trong sạch, hành thiện pháp.

Như vậy, gọi là người bố thí và người thọ thí đều có thiện tâm trong sạch.[7]

Quả Báu Của Paṭipuggalikadāna

Quả báu của phước thiện cúng dường đến 14 hạng cá nhân, Đức Phật dạy mỗi hạng khác biệt nhau như như sau:

Thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch làm phước thiện bố thí đến loài súc sinh như chim, cá, v.v... thì thí chủ sẽ hưởng được 5 quả báu: Sống lâu, sắc đẹp, an lạc, sức mạnh và trí tuệ được 100 kiếp.

Thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch làm phước thiện bố thí đến người không có giới, thì thí chủ sẽ hưởng được 5 quả báu: Sống lâu, sắc đẹp, an lạc, sức mạnh và trí tuệ được 1000 kiếp.

Thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch làm phước thiện cúng dường đến người có giới hạnh trong sạch, như Tỳ khưu, Sadi, cận sự nam, cận sự nữ, thì thí chủ sẽ hưởng được 5 quả báu: Sống lâu, sắc đẹp, an lạc, sức mạnh và trí tuệ được 100 ngàn kiếp (cả trong cõi người lẫn cõi trời dục giới).

Thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch làm phước thiện cúng dường đến bậc thiện trí ngoài Phật giáo, vị ấy đã chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, thiền vô sắc, có thần thông, thì thí chủ sẽ hưởng được 5 quả báu: Sống lâu, sắc đẹp, an lạc, sức mạnh và trí tuệ được triệu triệu kiếp (1.000 tỷ kiếp) (cả trong cõi người lẫn cõi trời dục giới).

Thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch làm phước thiện cúng dường đến hành giả đang thực hành thiền tuệ để chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, thì thí chủ sẽ hưởng được 5 quả báu: Sống lâu, sắc đẹp, an lạc, sức mạnh và trí tuệ vô số kiếp (cả trong cõi người lẫn cõi trời dục giới).

Thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch dâng cúng dường đến bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai, bậc Thánh Arahán, chư Phật Độc Giác, Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thì thí chủ sẽ hưởng được 5 quả báu cao quý đặc biệt trong mỗi cõi được tái sinh. Nếu thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người, thì sẽ là người cao quý đặc biệt, hoặc nếu thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chư thiên trong cõi trời dục giới nào, thì sẽ là chư thiên cao quý có hào quang sáng ngời đặc biệt hơn các chư thiên khác, được vô số kiếp không sao kể xiết. Đặc biệt, thí chủ đã gieo được duyên lành, chắc chắn sẽ được giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Quả Báu Của Saṃghikadāna

Quả báu của phước thiện dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng (saṃghikadāna) trong 7 trường hợp, chắc chắn nhiều hơn quả báu của phước thiện cá nhân thí (paṭipuggalikadāna) gấp bội phần.

Trong 7 trường hợp thí chủ làm phước thiện dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng, quả báu của mỗi trường hợp chắc chắn có sự khác biệt, nhưng vì lớn lao vô lượng nên không sao kể xiết được.

Trong kinh Dakkhiṇāvibhaṅgasutta, Đức Phật dạy Ngài Đại đức Ānanda có một đoạn rằng:

- Này Ānanda, trong thời vị lai sau này, sẽ có số người gọi là Bhikkhu: Tỳ khưu, còn mảnh y nhỏ quấn cổ, là người không có giới, hành ác pháp. Thí chủ có đức tin trong sạch làm phước thiện dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng, dù trong nhóm có Tỳ khưu không có giới ấy.

Này Ānanda, phước thiện cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng, mặc dù trong nhóm có Tỳ khưu không có giới trong thời kỳ ấy. Như Lai dạy rằng: “Quả báu của phước thiện bố thí ấy được vô lượng không sao kể được! (asaṅkheyyam), không sao lường được! (appameyyam)”.

Này Ānanda, Như Lai không dạy rằng: “Làm phước thiện cúng dường đến cá nhân sẽ hưởng quả báu nhiều hơn làm phước thiện dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng”.[8]

Quả Báu Của Lễ Dâng Y Thường Dùng Với Dâng Y Kathina

- Quả báu của lễ dâng y thường dùng

Thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, cung kính làm lễ dâng các y thường dùng đến cá nhân Tỳ khưu (paṭipuggalikadāna) hoặc dâng đến chư Tỳ khưu Tăng (saṃghikadāna). Sau khi thí chủ đã thành tựu được phước thiện dâng y rồi, quả báu của phước thiện dâng y vô cùng phong phú tuỳ theo lời phát nguyện của thí chủ.

Ví dụ:

- Tích Đức Bồ Tát kiếp đầu tiên của Đức Phật Gotama được tóm lược như sau:

Đức Thế Tôn ngự trên tảng đá quý cùng với số đông chư Tỳ khưu Tăng ở ven rừng có nhiều cây hoa thơm gần hồ Anotatta. Khi ấy Đức Thế Tôn truyền dạy về thiện nghiệp của Ngài đã tạo trong tiền kiếp đầu tiên rằng:

- Này chư Tỳ khưu, các con nên lắng nghe thiện nghiệp mà Như Lai đã tạo trong tiền kiếp. Như Lai thấy một vị Tỳ khưu hành pháp hạnh đầu đà sống trong rừng, nên phát sinh đức tin trong sạch, bèn dâng cúng dường đến vị Tỳ khưu ấy một tấm vải cũ. Ngay khi ấy, Như Lai phát sinh tâm đại bi, có ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, để tế độ cứu vớt chúng sinh thoát khỏi biển khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài. Đó là tiền kiếp Đức Bồ Tát đầu tiên của Như Lai có ý nguyện trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác. Chính nhờ thiện nghiệp bố thí cúng dường “tấm vải cũ” trong tiền kiếp đầu tiên ấy, dẫn đến kiếp hiện tại đã trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, có danh hiệu Đức Phật Gotama.[9]

- Tích chuyện tiền kiếp của Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇattherī, bậc Thánh nữ Tối Thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama, xuất sắc nhất về thần thông, được tóm lược như sau:

Trong thời quá khứ, tại Vương quốc Bārāṇasi [10],  tiền kiếp của Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇattherī là một cô gái sinh trong một gia đình nghèo khó. Vào ngày lễ hội, cô nhìn thấy các cô gái khác cùng trang lứa, ăn mặc y phục bằng tấm vải choàng màu đỏ đắt giá rất đẹp, khiến cô thèm được mặc tấm vải choàng màu đỏ ấy. Cô về xin cha mẹ mua cho cô tấm vải ấy, cha mẹ an ủi cô rằng:

- Này con yêu quý! gia đình ta nghèo khó, thiếu thốn, hằng ngày cha mẹ làm lụng vất vả, cực nhọc, lo kiếm miếng ăn, cái mặc thô sơ còn chưa đủ, làm sao mua sắm được tấm vải choàng đắt giá sang trọng như vậy, hỡi con!

- Thưa cha mẹ, nếu vậy, xin phép cha mẹ cho con đi làm thuê, ở mướn trong một gia đình giàu nào đó, qua một thời gian, người chủ nhà thấy con làm được việc, sẽ cho con tấm vải ấy.

Được cha mẹ cho phép, cô gái đến xin làm thuê, ở mướn trong một gia đình phú hộ. Cô thưa với ông bà chủ rằng:

- Thưa ông bà phú hộ, con xin ở đây làm công, chỉ mong ước được tấm vải choàng đỏ mà thôi.

Ông bà phú hộ đặt điều kiện với cô rằng:

- Nếu ngươi chịu ở đây, làm việc giỏi suốt 3 năm, chúng ta xét thấy xứng đáng, chúng ta sẽ cho ngươi tấm vải choàng màu đỏ, mà ngươi ước muốn.

Cô gái vô cùng hoan hỷ, chấp thuận điều kiện của ông bà phú hộ. Ngày đêm cô siêng năng cần mẫn làm tốt mọi công việc. Tuy cô làm chưa đủ 3 năm, nhưng ông bà phú hộ xét thấy cô rất xứng đáng được khen thưởng, nên một hôm gọi cô đến và bảo rằng:

- Hôm nay chúng ta ban tặng cho ngươi tấm vải choàng màu đỏ và các tấm vải khác. Ngươi hãy nên đi tắm cho sạch sẽ rồi mặc tấm vải choàng này.

Cô gái vô cùng sung sướng nhận tấm vải màu đỏ, thoả lòng mong ước từ lâu. Cô cám ơn ông bà phú hộ.

Cô cùng nhóm bạn gái đi đến bên sông, cô đặt tấm vải trên bờ và nghĩ rằng: “Xuống sông tắm xong, ta sẽ mặc tấm vải choàng này. Có được tấm vải choàng này, ta phải làm công vất vả ngày đêm, suốt thời gian gần 3 năm qua

Ngay khi ấy, một vị Đại đức là bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Kassapa bị mất trộm tất cả y, nên Ngài mặc tấm y dệt bằng chỉ gai thô đi ngang qua nơi ấy. Cô gái nhìn thấy Ngài và nghĩ rằng:

Vị Đại đức này bị mất trộm y, nên Ngài mặc tấm y như vậy. Còn ta có được tấm vải choàng này, phải làm công vất vả ngày đêm, suốt thời gian gần 3 năm. Bởi vì trong quá khứ, tiền kiếp ta không làm phước bố thí vải, cho nên kiếp hiện tại này, ta phải chịu cảnh nghèo khổ thiếu thốn như thế này. Bây giờ ta nên làm phước thiện dâng một nửa tấm vải choàng đến Ngài Đại đức

Nghĩ xong, cô vội vã bước lên bờ, mặc y phục cũ xong rồi bạch với Ngài rằng:

- Kính bạch Ngài Đại đức, kính thỉnh Ngài dừng lại một giây lát.

Cô đến đảnh lễ Ngài rồi ngồi tại nơi ấy, xé tấm vải thành 2 tấm, cô cung kính dâng đến Ngài một nửa tấm vải. Ngài tạm lánh vào chỗ kín thay tấm y cũ bằng nửa tấm vải choàng ấy, mặc nghiêm chỉnh xong, Ngài bước ra. Bây giờ, cô nhìn thấy Ngài Đại đức mặc nửa tấm vải vào, rất trang nghiêm, làm cho cô vô cùng hoan hỷ. Cô kính xin dâng đến Ngài một nửa tấm vải choàng còn lại rồi phát nguyện rằng:

Kính bạch Ngài, trong vòng tử sinh luân hồi, con nguyện kiếp nào cũng là người nữ xinh đẹp nhất, làm cho người nam nào nhìn thấy con, họ đều bị mê hồn, mất trí, không còn biết mình nữa. Con sẽ là người phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần”.      

Cô gái ấy, sau khi chết, do năng lực phước thiện dâng tấm vải cho quả tái sinh, khi thì tái sinh làm thiên nữ trên cõi trời, là một thiên nữ xinh đẹp nhất, có hào quang sáng ngời hơn tất cả các chư thiên khác; khi thì tái sinh làm người nữ, là một cô gái xinh đẹp tuyệt trần, không một ai sánh bằng. Như kiếp tái sinh làm con gái của ông phú hộ Tiriṭivaccha tại kinh thành Ariṭṭha, cô có tên là Ummādandī, có nghĩa là cô gái có sắc đẹp làm mê hồn. Thật vậy, những người đàn ông mới nhìn thấy cô, họ đều say mê, mất trí như người điên, như người say, say bởi tâm tham ái.

Thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu thân của cô gái nghèo dâng tấm vải choàng đến Ngài Đại đức, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Kassapa trong thời quá khứ, do phước thiện dâng tấm vải choàng ấy cho quả tái sinh kiếp chót làm con gái ông phú hộ xứ Sāvatthi, cô xinh đẹp tuyệt trần, rất trang trọng, thật đáng chiêm ngưỡng, nên được đặt tên là Uppalavaṇṇā. Khi cô trưởng thành thì Đức vua các nước lớn nhỏ, các phú hộ đều đến cầu hôn với cô. Ông phú hộ phụ thân của cô không thể gả cô cho một người nào được, ông khuyên dạy cô nên từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành Tỳ khưu ni. Vốn kiếp này là kiếp chót của cô, cho nên, khi nghe thân phụ khuyên dạy như vậy, cô vô cùng hoan hỷ nghe lời khuyên dạy ấy. Cô được phép xuất gia trở thành Tỳ khưu ni, sau đó không lâu, Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇa thực hành thiền tuệ, chứng đắc thành bậc Thánh Arahán cùng với Tứ tuệ phân tích, đặc biệt có Lục thông xuất sắc hơn các hàng nữ Thanh Văn của Đức Phật Gotama.

“Đức Thế Tôn tuyên dương Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇattherī là bậc Thánh nữ Tối Thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama, xuất sắc nhất về thần thông trong các hàng nữ Thanh Văn”.

Như vậy, quả báu của phước thiện dâng tấm vải choàng của cô gái nghèo, thật vô cùng phong phú từ kiếp này sang kiếp khác, cho đến kiếp chót trở thành bậc Thánh nữ Arahán Tối Thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama.

Quả Báu Của Phước Thiện Bố Thí Một Tấm Choàng

- Sự tích ông Bàlamôn Cūḷekasāṭaka [11]

Đức Phật đang ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, Ngài thuyết giảng đề cập đến ông Bàlamôn tên Cūḷekasāṭaka được tóm lược như sau:

Trong kinh thành Sāvatthi, có ông Bàlamôn Cūḷekasāṭaka, ông Bàlamôn này có một tấm choàng. Tấm choàng ấy là tài sản chung của vợ chồng ông Bàlamôn. Mỗi khi ông hay bà đi ra khỏi nhà, thì mới mặc tấm choàng ấy.

Một hôm, nghe tin Đức Phật thuyết pháp tại ngôi chùa Jetavana, ông Bàlamôn nói với bà Bàlamôn rằng:

- Này bà, hôm nay Đức Phật thuyết pháp tại ngôi chùa Jetavana, vợ chồng chúng ta chỉ có một tấm choàng, cho nên, chúng ta không thể cùng nhau đi chung được. Vậy bà đi nghe pháp ban ngày hay ban đêm?

Bà Bàlamôn thưa với chồng rằng:

- Này ông, tôi sẽ đi nghe pháp ban ngày, còn ông nên đi ban đêm.

Đêm hôm ấy, ông Bàlamôn đi đến ngôi chùa Jetavana, ngồi phía trước Đức Phật. Khi nghe Đức Phật thuyết pháp, ông liền phát sinh tâm hỷ lạc, có đức tin trong sạch nơi Đức Thế Tôn, ông muốn cúng dường đến Đức Thế Tôn tấm choàng mà ông đang mặc trên thân. Nhưng ngay khi ấy, do tâm keo kiệt bủn xỉn gấp ngàn lần phát sinh, nên ông nghĩ lại rằng: “Nếu ta cúng dường tấm choàng này đến Đức Thế Tôn, thì không chỉ có ta mà còn vợ của ta cũng sẽ không còn tấm nào để mặc nữa”.

Một lần nữa, đức tin trong sạch nơi Đức Thế Tôn lại phát sinh, tiếp theo tâm bủn xỉn keo kiệt ngàn lần lại phát sinh, đè bẹp đức tin. Ông Bàlamôn suy đi xét lại rằng: “Ta có nên cúng dường hay không nên cúng dường tấm choàng này đến Đức Thế Tôn?”. Suốt canh đầu đêm đã trôi qua, hễ đức tin phát sinh càng mạnh, thì tâm keo kiệt bủn xỉn cũng phát sinh càng mạnh, tự đấu tranh giằng co giữa đức tin với tâm keo kiệt bủn xỉn; bước sang canh giữa đêm vẫn chưa phân thắng bại. Đến canh chót, ông Bàlamôn suy xét kỹ càng và phân trích rõ ràng rằng: “Đức tin của ta với tâm keo kiệt bủn xỉn tranh đấu giằng co suốt 2 canh rồi, nếu để tâm keo kiệt bủn xỉn tăng trưởng thì nó chỉ dẫn dắt ta sa đọa trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh mà thôi”. Suy xét và phân tích rõ ràng như vậy, đức tin trong sạch nơi Đức Thế Tôn lại phát sinh mạnh, đè bẹp được tâm keo kiệt bủn xỉn; ông Bàlamôn liền đưa hai tay cởi tấm choàng đặt dưới bàn chân của Đức Thế Tôn, cung kính cúng dường đến Ngài. Ông Bàlamôn vô cùng hoan hỷ sung sướng lên tiếng 3 lần:

“Jitaṃ me! Jitaṃ me! Jitaṃ me!”

“Ta được thắng rồi! Ta được thắng rồi! Ta được  thắng rồi!”

Đức vua Pasenadi Kosala đang ngồi nghe Đức Phật thuyết pháp, Đức vua truyền gọi vị quan cận thần đến hỏi ông Bàlamôn kia: “Ông thắng ai?”.

Vị quan đến hỏi ông Bàlamôn biết rõ sự việc, đến tâu lên Đức vua. Đức vua nghĩ rằng: “Vị Bàlamôn này làm được việc khó làm, ta nên ban thưởng cho y”.

Đức vua truyền lệnh mang 2 tấm choàng đến để ban thưởng cho ông Bàlamôn. Ông Bàlamôn lại cung kính cúng dường 2 tấm choàng ấy đến Đức Thế Tôn.

Thấy vậy, Đức vua ban cho ông 4 tấm choàng, ông cũng cung kính cúng dường đến Đức Thế Tôn. Cứ như vậy, Đức vua ban cho ông 8 tấm choàng, 16 tấm choàng, 32 tấm choàng, 64 tấm choàng. Ông Bàlamôn nghĩ rằng: “Mỗi lần ta cung kính cúng dường hết các tấm choàng đến Đức Thế Tôn, Đức vua lại ban thưởng cho ta gấp đôi. Vậy lần này ta chỉ cung kính cúng dường đến Đức Thế Tôn 60 tấm choàng, còn lại 4 tấm choàng, phần của ta 2 tấm choàng và vợ của ta 2 tấm choàng”.

Đức vua nghĩ rằng: “Vị Bàlamôn này làm được việc khó làm, trong cung điện của ta có 2 tấm gấm quý giá, 100 ngàn đồng kapāpana, ta sẽ ban thưởng đến vị Bàlamôn này”.

Ông Bàlamôn nhận 2 tấm gấm quý giá mà Đức vua ban cho ông, ông nghĩ rằng: “2 tấm gấm quý giá này ta không nên sử dụng, ta chỉ nên cúng dường đến Đức Phật cùng chư Đại đức Tăng mà thôi. Vậy, một tấm gấm làm tấm trải chỗ nằm của Đức Phật trong cốc Gadhakuṭi, và một tấm gấm còn lại làm tấm trải chỗ ngồi của chư Đại đức Tăng thọ thực trong nhà của ta”. Ông Bàlamôn thực hiện theo ý nghĩ của ông.

Một buổi chiều, Đức vua Pasenadi Kosala đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn tại cốc Gadhakuṭi trong ngôi chùa Jetavana, nhìn thấy tấm gấm quý giá trải trên chỗ nằm của Đức Phật, Đức vua bèn bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, thí chủ nào cúng dường tấm gấm quý giá ấy? Bạch Ngài.

Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:

- Này Đại vương, ông Bàlamôn Cūḷekasāṭaka cúng dường Như Lai tấm gấm quý giá ấy.

Đức vua Pasenadi Kosala nói rằng:

- Vị Bàlamôn của ta thật đáng mến!

Đức vua ban cho ông Bàlamôn 4 con voi, 4 con ngựa, 4.000 đồng kahāpana, 4 người đàn bà, 4 người tớ gái, 4 người đàn ông, 4 làng để thâu thuế. Đức vua đã ban cho ông Bàlamôn gồm có 7 thứ, mà mỗi thứ có 4.

Tại giảng đường, chư Tỳ khưu tụ hội bàn luận về ông Bàlamôn Cūḷekasāṭaka rằng:

Thật lạ thường, ông Bàlamôn Cūḷekasāṭaka làm phước cúng dường một tấm choàng đến Đức Thế Tôn, chỉ trong chốc lát sau, Đức vua ban cho ông mỗi lần gấp đôi (2, 4, 8, 16, 32, 64 = 126 tấm choàng). Đức vua còn ban cho ông 7 thứ, mà mỗi thứ có 4. nghiệp thiện mà ông đã làm trong hiện tại này, nghiệp thiện ấy đã cho quả báu ngay hiện tại hôm nay”.

Chư Tỳ khưu đang bàn luận về ông Bàlamôn Cūḷekasāṭaka; khi ấy, Đức Thế Tôn ngự lên chỗ cao quý đã trải sẳn, Đức Thế Tôn bèn hỏi rằng:

- Này chư Tỳ khưu, các con đang bàn luận về chuyện gì?

Chư Tỳ khưu bạch với Đức Thế Tôn biết rõ câu chuyện như vậy, Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:

- Này chư Tỳ khưu, nếu ông Ekasāṭaka làm phước dâng tấm choàng đến Như Lai vào canh đầu đêm, thì ông sẽ được quả báu mỗi thứ có 16.

 Nếu làm phước dâng tấm choàng đến Như Lai vào canh giữa đêm, thì ông sẽ được quả báu mỗi thứ có 8.

Hai canh (canh đầu và canh giữa đêm), ông chưa có thể dâng được, đến canh chót đêm, ông mới làm phước dâng tấm choàng đến Như Lai, cho nên ông được quả báu 7 thứ mà mỗi thứ có 4.

Thực ra, người tạo nghiệp thiện, khi tâm thiện đầu tiên phát sinh không để cho chậm trễ, mà nên tạo nghiệp thiện ấy, ngay lúc đó. Người tạo nghiệp thiện chậm trễ, thì quả của nghiệp thiện ấy cũng bị chậm trễ. Vì vậy, nên tạo nghiệp thiện liền sau khi thiện tâm phát sinh.

Đức Thế Tôn thuyết dạy câu kệ rằng:

“Abhittharetha kalyāṇe,
pāpacittaṃ nivāraye.
Dandhaṃ hi karato puññaṃ,
pāpasmiṃ ramatī mano”
[12]

Nhanh chóng tạo nghiệp thiện,
Ngăn cản tâm tội ác.
Người làm phước chậm trễ,
Tâm thích thú trong ác.

Pāpasmiṃ: Tâm của hạng phàm nhân thường thích thú say mê trong những điều tội lỗi, tội ác; đó là tâm bất thiện, tâm ác trong đó có nghiệp ác mà nghiệp ác thì cho quả khổ trong kiếp hiện tại, trong kiếp kế tiếp (kiếp sau) và những kiếp vị lai. Bởi vậy cho nên, mỗi khi có tâm thiện phát sinh muốn làm phước thiện, tạo nghiệp thiện thì nên nhanh chóng thực hiện ngay ý định ấy. Nếu chậm trễ thì tâm dễ dàng thay đổi ý định ấy.

Cho nên, trong mọi phước thiện, mỗi người trong chúng ta nên tự mình động viên, khuyến khích mình rằng:

Ahaṃ pure! Ahaṃ pure! ...

Ta là người trước tiên! Ta là người trước tiên!...

Nghiệp thiện ấy chắc chắn có năng lực rất mạnh, thì quả báu của nghiệp thiện ấy chắc chắn rất đầy đủ và rất phong phú.

Nếu như ông Bàlamôn Cūḷekasāṭaka dâng cúng dường tấm choàng đến Đức Phật vào canh đầu đêm, thì ông sẽ được quả báu mỗi thứ có 16. Nhưng canh đầu và canh giữa đêm, đức tin của ông chưa có đủ sức mạnh thắng được tâm keo kiệt bủn xỉn, cho đến canh chót đêm; ông nhờ có một nhận thức đúng đắn, tạo nên đức tin mạnh mẽ, có năng lực thắng được tâm keo kiệt bủn xỉn, ông liền làm phước thiện kính dâng tấm choàng đến Đức Phật, do chậm trễ cho nên quả báu của nghiệp thiện bố thí ấy mỗi thứ chỉ có 4 mà thôi.

Ông Bàlamôn Cūḷekasāṭaka làm phước thiện bố thí cúng dường 1 tấm choàng đến Đức Phật, ngay sau đó, quả báu của nghiệp thiện bố thí là được Đức vua ban thưởng không những có được 164 tấm choàng, 2 tấm gấm quý giá, mà còn có 4 con voi, 4 con ngựa, 4.000 đồng kahāpana, 4 người đàn bà, 4 người tớ gái, 4 người đàn ông, 4 làng để thu thuế; gồm có 7 thứ mà mỗi thứ có 4.

8 Quả Báu Của Phước Thiện Bố Thí Vải

Trong bộ Apādāna, sự tích Ngài Đại Trưởng Lão Pilindavaccha[13] là bậc Thánh Arahán có Tứ tuệ phân tích, 8 Pháp giải thoát (Vimokkha), Lục thông. Ngài là bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama, có đức hạnh đặc biệt xuất sắc làm hài lòng hoan hỷ nhiều chư thiên hơn các bậc Thánh Thanh Văn khác. Ngài nhớ lại những tiền kiếp của mình đã từng làm phước thiện bố thí những thứ nào và quả báu của thứ ấy ra sao.

Trong phần này xin trích dẫn về phước thiện bố thí dâng vải và quả báu của phước thiện dâng vải (dussānisaṃsa). Ngài Đại Trưởng Lão dạy rằng:

Dussāni Sugate datvā,
Saṃghe gaṇavaruttame,
atthānisaṃse anubhomi.
Kammānucchavike mama...

Tôi đã cung kính cúng dường những tấm vải,
đến Đức Phật cùng chư Đại đức Tăng cao thượng,
Tôi hưởng được tám quả báu của phước thiện ấy,
tùy theo thiện nghiệp của tôi đã tạo như:

- Tôi là người có màu da óng ánh như vàng,
- Bụi bặm dơ dáy không thể bám vào thân,
- Có hào quang sáng ngời lan tỏa xung quanh,
- Có ánh sáng đặc biệt hơn các chư thiên khác.
- Thân hình của tôi rất xinh đẹp, mềm mại.
- Kiếp tử sinh luân hồi của tôi:
- Có một trăm ngàn tấm vải màu trắng,
- Có một trăm ngàn tấm vải màu vàng,
- Có một trăm ngàn tấm vải màu đỏ.
Như vải lụa, vải gấm, vải bông, vải len,
Mà tôi có được trong khắp mọi nơi.
Đó là quả báu của phước thiện bố thí vải,
Mà tôi đã làm trong kiếp quá khứ.

Ngài Đại Trưởng Lão Pilindavaccha thuật lại nghiệp thiện bố thí vải và 8 quả báu của nghiệp ấy.

Trong buổi lễ dâng y có dâng thêm cái bát (dùng cho vị Sadi, Tỳ khưu đi khất thực).

- Nếu người thí chủ làm phước thiện dâng cái bát thì có quả báu như thế nào?

Ngài Đại Trưởng Lão Pilindavaccha dạy rằng:

“Tôi đã cung kính cúng dường bát,
đến Đức Phật cùng chư Đại đức Tăng cao thượng,
Tôi hưởng được mười quả báu của phước thiện ấy,
Tùy theo thiện nghiệp của tôi đã tạo như:
Tôi thường dùng vật thực trong chén đĩa,
Bằng vàng, bằng ngọc mani, bằng bạc,...
Tôi là người không gặp điều nguy hiểm,
Không có điều rủi ro tai hại.
Được nhiều người cung kính.
Tôi là người có đầy đủ cơm, nước, y phục, và mọi thứ đồ dùng.
Tài sản của tôi không gặp tai họa nào làm hư mất.
Tôi là người có tâm định vững chắc.
Tôi luôn luôn thích trong chánh pháp.
Tôi là người ít phiền não.
Nay tôi không còn phiền não trầm luân (Ngài là bậc Thánh Arahán).
Những quả báu, ân đức ấy theo tôi trong các cõi trời, cõi người không bao giờ tách rời, như bóng không bao giờ tách rời khỏi cây.

Trong thời kỳ Đức Phật đang còn trên thế gian, một số người nam xin Đức Phật cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu, Ngài cho phép một số người nam xuất gia trở thành Tỳ khưu bằng cách truyền dạy rằng:

Ehi Bhikkhu! Svākkhato dhammo cara brahmacariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya”.

“Con hãy đến với Như Lai, con trở thành Tỳ khưu theo ý nguyện! Chánh pháp mà Như Lai đã thuyết hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối; con hãy nên cố gắng tinh tấn thực hành phạm hạnh cao thượng để chứng đắc Arahán Thánh Đạo, Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, để chấm dứt sự khổ tử sinh luân hồi”.

Sau khi Đức Phật truyền dạy vừa dứt lời, ngay tức thì người nam ấy (hoặc Đạo sĩ, tu sĩ ngoại đạo...) trở thành vị Tỳ khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của Samôn (3 y + 1 bát + 1 dây thắt lưng + 1 dao cạo + 1 ống kim chỉ + 1 đồ lọc nước) được thành tựu do quả của phước thiện bố thí của người ấy (iddhimayapattacīvara). Vị Tỳ khưu ấy có tăng tướng trang nghiêm, ngũ căn thanh tịnh như một vị Tỳ khưu có  60 hạ. Nhưng cũng có trường hợp, người nam sau khi lắng nghe Đức Phật thuyết pháp, ngay tại nơi ấy, chứng đắc thành bậc Thánh Nhân, người nam ấy xin Đức Phật cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu, thì Đức Phật truyền hỏi người nam ấy có đầy đủ 8 thứ vật dụng của Samôn hay không. Nếu người nam ấy chưa đầy đủ 8 thứ vật dụng của Samôn, thì cần phải đi tìm cho đầy đủ mới được phép xuất gia trở thành Tỳ khưu.

Vấn: Vì lý do gì khi người nam xin Đức Phật cho  phép xuất gia trở thành Tỳ khưu, có một số người nam được Đức Phật cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu bằng cách truyền dạy: “Ehi Bhikkhu!”, còn có một số người nam khác, Đức Phật hỏi người nam ấy có đầy đủ 8 thứ vật dụng của Samôn hay không. Nếu người ấy chưa  đầy đủ 8 thứ vật dụng ấy thì cần phải đi tìm cho đầy đủ mới được phép xuất gia trở thành Tỳ khưu?

Đáp: Mỗi khi Đức Phật cho phép người nam nào xuất gia trở thành Tỳ khưu bằng cách truyền dạy “Ehi Bhikkhu!” Đức Phật xem xét tiền kiếp của người nam ấy đã từng làm phước thiện bố thí tam y (y 2 lớp, y vai trái và y nội) bát và các thứ vật dụng của Samôn đến chư Tỳ khưu trong thời kỳ Đức Phật quá khứ hay không, và tiền kiếp người nam ấy có phát nguyện xuất gia trở thành Tỳ khưu bằng cách “Ehi Bhikkhu!” hay không. Nếu người nam ấy có đủ điều kiện như vậy, thì Đức Phật mới truyền dạy “Ehi Bhikkhu!”. Sau khi Đức Phật truyền dạy vừa dứt lời, tức thì người nam ấy (hoặc Đạo sĩ, tu sĩ ngoại đạo...) trở thành Tỳ khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của Samôn được thành tựu do phước thiện của người ấy (iddhimayapattacīvara).

Còn người nào trong tiền kiếp không từng làm phước bố thí 8 thứ vật dụng của Samôn và cũng không từng phát nguyện xuất gia trở thành Tỳ khưu bằng cách “Ehi Bhikkhu!” thì Đức Phật không thể truyền dạy “Ehi Bhikkhu!”được.

Trong thời kỳ Phật giáo hiện đang còn tồn tại trên thế gian, chư Tỳ khưu hiện đang còn tồn tại, đó là một cơ hội tốt hiếm có, cũng rất hy hữu để cho những thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có dịp tốt làm phước bố thí cúng dường tam y, bát và các thứ vật dụng đến chư Tỳ khưu Tăng, rồi phát nguyện kiếp sau gặp Đức Phật xin xuất gia trở thành Tỳ khưu theo cách “Ehi Bhikkhu!”. Nhất là trong dịp lễ dâng y kathina thì lời phát nguyện của mình sẽ thành tựu như ý, bởi vì buổi lễ dâng y kathina có nhiều phước thiện lớn lao vô lượng, phát nguyện điều gì mà chẳng thành tựu được! Chắc chắn sẽ thánh tựu như ý.

Để thành tựu những quả báu của phước thiện bố thí lớn lao vô lượng, thì cần phải hợp đầy đủ những nhân tố cần thiết như:

- Vật thí phải được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch.

- Thí chủ có tác ý thiện tâm (cetanā) hoàn toàn trong sạch.

- Bậc thọ thí là người có giới đức hoàn toàn trong sạch, hành thiện pháp cao thượng.

Khi đã thành tựu phước thiện bố thí rồi, thí chủ có được nhiều phước thiện thanh cao, cho nên thí chủ phát nguyện như thế nào, do nhờ năng lực nghiệp thiện ấy sinh quả đem đến thành tựu quả báu như thế ấy. Cũng như người đã cố gắng tinh tấn làm công việc lớn lao, có được nhiều tiền của; người ấy muốn mua sắm thứ gì, thì cũng được như ý.

Trong các buổi lễ làm phước thiện bố thí các thứ vật dụng (không phải pháp thí) thì chỉ có lễ làm phước thiện dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng trong mùa mưa là cao quý hơn cả, và quả báu của lễ dâng y kathina cũng phong phú vô lượng không sao kể xiết.

-ooOoo-

QUẢ  BÁU CỦA LỄ DÂNG Y KATHINA

Thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có trí tuệ sáng suốt, cung kính làm lễ dâng tấm y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng (saṃghikadāna) đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại một ngôi chùa, hoặc một nơi thanh vắng trong rừng núi, hang động, v.v... Đó là một cơ hội tốt rất hiếm có, rất đặc biệt, thật vô cùng hy hữu. Bởi vì chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại một nơi nào, chư Tỳ khưu Tăng tại nơi ấy chỉ được phép thọ nhận tấm y kathina của thí chủ một lần duy nhất trong ngày hôm ấy, trong mùa lễ dâng y kathina ấy mà thôi. Cho nên, quả báu của buổi lễ dâng tấm y kathina rất đặc biệt hơn quả báu của các buổi lễ làm phước thiện bố thí cúng dường khác đến chư Tỳ khưu Tăng.

Đức Phật thuyết giảng bài pháp Pakiṇṇakadesanā so sánh quả báu của một lần làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng như sau:

Yāva akamiṭṭhā devā,
Suvaṇṇaṃ rajatam bahuṃ.
Nānāratanarāsiṃ ca,
Dade saṃghassa sabbadā.
Ekakathinadānassa,
Kalaṃ nagghati soḷasiṃ.
Sataṃ hatthi sataṃ assā,
Sataṃ assatarī rathā.
Sataṃ kaññāsahassāni,
Āmuttamaṇikuṇdalā.
Ekakathinadānassa,
Kalaṃ nagghati soḷasiṃ.
Yatthake ca parikkhāre,
Dade saṃghassa sabbadā.
Ekakathinadānassa,
Kalaṃ nagghati soḷasiṃ.
Caturāsītisahasse,
Kārāpetvāna vihāre.
Pallaṅke ratanamaye,
Dade saṃghassa sabbadā.
Taṃ taṃ dānaṃ mahāpphalaṃ,
Vipulaṃ sukhadāyakaṃ.
Ekakathinadānassa,
Kalaṃ nagghati soḷasiṃ.
Suvaṇṇamayapāsādaṃ,
Ratanavicittaṃ katvā.
Uddhaṃ yāva akaniṭṭhā,
Dade saṃghassa sabbadā.
Tampi dānaṃ mahāpphalaṃ,
Uḷāraṃ sukhakāraṇaṃ.
Ekakathinadānassa,
Kalaṃ nagghati soḷasiṃ.
Yasmā cāpattiṃ nāseti,
Bhikkhūnaṃ kathinadānaṃ.
Tasmā taṃ sabbadānehi,
Atidānaṃ vuttaṃ mayā.
Tasmā hi paṇdito poso,
Sampassaṃ sukhamattano.
Sammate kathinakhette,
Dade saṃghassa kathinaṃ
...”
[14]

Ý nghĩa bài pháp:

Này các hàng Thanh Văn đệ tử !
Các con lắng nghe quả báu một lần
Dâng y ka-thi-na đến chư Tăng.
Hằng ngày dâng cúng dường đến chư Tăng,
Nhiều vàng bạc và các thứ châu báu,
Chất cao từ cõi người đến cõi trời,
Phạm thiên sắc giới Sắc cứu cánh thiên,
Không bằng quả báu một phần mười sáu,
[15]
Của một lần dâng y ka-thi-na,
Đến chư Tăng đã an cư nhập hạ.
Mỗi ngày có được trăm con voi quý,
Trăm con ngựa quý, trăm xe ngựa quý,
Trăm ngàn cô gái đeo bông tai ngọc,
Không bằng quả báu một phần mười sáu,
Của một lần dâng y ka-thi-na,
Đến chư Tăng đã an cư nhập hạ.
Hằng ngày dâng cúng dường đến chư Tăng,
Những thứ vật dụng dù nhiều bao nhiêu,
Không bằng quả báu một phần mười sáu,
Của một lần dâng y ka-thi-na,
Đến chư Tăng đã an cư nhập hạ.
Xây tám mươi bốn ngàn ngôi chùa lớn,
Làm pháp toà bằng các thứ châu báu,
Rồi hằng ngày cúng dường đến chư Tăng,
Sự cúng dường ấy có quả báu lớn,
Thật vĩ đại, cho quả được an lạc,
Không bằng quả báu một phần mười sáu,
Của một lần dâng y ka-thi-na,
Đến chư Tăng đã an cư nhập hạ.
Hằng ngày dâng cúng dường đến chư Tăng,
Lâu đài bằng vàng và các châu báu,
Cao đến cõi trời Sắc cứu cánh thiên,
Sự cúng dường ấy có quả báu lớn,
Thật vĩ đại, là nhân sanh sự an lạc,
Không bằng quả báu một phần mười sáu,
Của một lần dâng y ka-thi-na,
Đến chư Tăng đã an cư nhập hạ.
Bởi vì lễ dâng y ka-thi-na,
Đến chư Tăng đã an cư nhập hạ,
Tỳ khưu thọ y, chư Tăng hoan hỷ,
Được hưởng quả báu 4 giới không phạm,
Suốt thời gian hưởng quả báu dâng y.
Vì vậy, Như Lai dạy các con rằng:
Phước dâng y ka-thi-na cao quý,
Hơn tất cả mọi phước bố thí khác,
Cho nên người có trí tuệ quán xét,
Sự lợi ích sự an lạc của mình,
Trong mùa lễ dâng y ka-thi-na,
Nên làm lễ dâng y ka-thi-na,
Đến chư Tỳ khưu Tăng đã an cư,
Nhập hạ trong suốt 3 tháng mùa mưa.

Nhận Xét Về Phước Thiện và Quả Báu Của Lễ Dâng Y Kathina

Sở dĩ quả báu của lễ dâng y kathina đặc biệt hơn tất cả mọi quả báu của phước thiện bố thí khác, là vì lễ dâng y kathina được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch, do bởi đại thiện tâm hợp với trí tuệ hiểu biết rõ phước thiện dâng y kathina là cao quý, và quả báu của lễ dâng y kathina là cao quý, không do một vị Tỳ khưu nào động viên khuyến khích làm lễ dâng y kathina.

Lễ dâng y kathina chỉ có trong Phật giáo mà thôi, không có ngoài Phật giáo. Nơi nào có chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa, thì nơi ấy, thí chủ mới có cơ hội tốt làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng ấy. Thí chủ có thể làm lễ dâng y kathina được một tháng trong một năm, kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 10 là hết hạn mùa dâng y kathina. Và tại mỗi nơi, mà chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa xong, chỉ được phép thọ nhận y kathina của thí chủ một lần duy nhất trong một ngày ấy mà thôi; hay nói cách khác, trong một năm chỉ có 1 tháng, trong 1 tháng chỉ có 1 ngày, trong 1 ngày chỉ có 1 lần duy nhất tại nơi ấy, chư Tỳ khưu Tăng ấy được phép thọ nhận y kathina của thí chủ một lần duy nhất trong mùa lễ dâng y kathina mà thôi.

Nếu Tỳ khưu bị đứt hạ, Tỳ khưu an cư nhập hạ sau kể từ ngày 16 tháng 7 cho đến ngày 16 tháng 10, Tỳ khưu không an cư nhập hạ tại một nơi nào, Tỳ khưu an cư nhập hạ từ một nơi khác đến nơi này,... thì tất cả những vị Tỳ khưu ấy không được phép thọ nhận y kathina của thí chủ, không hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ thọ y kathina của chư Tăng, mà chỉ được phép thọ nhận y thường dùng mà thôi.

Do đó, cơ hội tốt để làm lễ dâng y kathina là một điều rất hiếm có, rất hy hữu. Có khi thí chủ phải chờ đợi qua thời gian lâu, mới có được cơ hội tốt làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng.

Còn các buổi lễ làm phước thiện bố thí khác, thí chủ có thể làm bao nhiêu lần trong một năm, trong một tháng, trong một ngày không bị giới hạn. Cho nên, làm lễ dâng y kathina dù chỉ một lần cũng thật là cao quý hơn các buổi lễ làm phước thiện bố thí khác gấp bội lần không thể so sánh được.

Đối với chư Tỳ khưu Tăng, sau khi đã làm lễ thọ y kathina của chư Tăng, tất cả chư Tỳ khưu Tăng đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng, chính lễ thọ y kathina của chư Tăng ấy, có một oai lực phi thường, hộ trì cho chư Tỳ khưu không bị phạm 4 giới, mà Đức Phật đã chế định và ban hành đến chư Tỳ khưu Tăng, trong suốt thời gian hưởng đặc ân 5 quả báu của y kathina, cho đến ngày rằm tháng 2 mới hết hạn.

Bố Thí Của Bậc Thiện Trí

Đối với thí chủ, buổi lễ dâng y kathina thuộc ve sappurisadāna: Phước thiện bố thí cúng dường của bậc thiện trí, gồm đủ 5 chi pháp như sau:

1-     Saddhadāna: Bậc thiện trí bố thí có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp.

Bố thí với đức tin này có quả báu giàu sang phú quý và đặc biệt nhất là có sắc thân xinh đẹp, đáng chiêm ngưỡng.

2-     Sakkaccadāna: Bậc thiện trí bố thí với sự cung kính và vật thí phát sinh một cách trong sạch.

Bố thí với sự cung kính có quả báu giàu sang phú quý và đặc biệt nhất là toàn thể gia đình vợ con, tôi tớ, bà con, bạn bè, thuộc hạ... cả thảy đều ngoan ngoãn vâng lời, dễ dạy.

3-     Kāladāna: Bậc thiện trí bố thí đúng thời, đúng lúc như trong buổi lễ dâng y tắm mưa, dâng y kathina, bố thí đến Tỳ khưu khách, Tỳ khưu đi xa, Tỳ khưu bệnh, người bệnh, người đang đói khát...

Bố thí cúng dường đúng thời, đúng lúc, có quả báu giàu sang phú quý và đặc biệt nhất là có quả báu tốt lành từ thuở ấu niên cho đến lão niên, có những vật mà người khác khó có, được những vật mà người khác khó được...

4-     Anuggahadāna: Bậc thiện trí bố thí với tâm tế độ người thọ thí.

Bố thí với tâm tế độ, có quả báu giàu sang phú quý và đặc biệt nhất là quan tâm đến sự hưởng thụ của cải cho được an lạc.

5-     Anupahaccadāna: Bậc thiện trí bố thí không làm khổ mình, không làm khổ người.

Bố thí không làm khổ mình, không làm khổ người có quả báu giàu sang phú quý và đặc biệt nhất là tất cả của cải không bị thiệt hại do bởi lửa thiêu hủy, không bị nước ngập lụt cuốn trôi, không bị kẻ trộm cướp chiếm đoạt, không bị Đức vua tịch thu, không bị người không ưa thích tranh giành.

Như trong kinh Sappurisadānasutta[16] Đức Phật dạy:

- Này chư Tỳ khưu, bậc thiện trí làm phước thiện bố thí bằng đức tin trong sạch sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý và đặc biệt là người có sắc thân rất xinh đẹp, có màu da mịn màng trắng trẻo, sạch sẽ, đáng để cho mọi người ngưỡng mộ.

Bậc thiện trí làm phước thiện bố thí bằng sự cung kính sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý và đặc biệt vợ con tôi tớ, người làm công, bè bạn, v.v... đều lắng nghe và cung kính vâng lời làm theo lời khuyên dạy.

Bậc thiện trí làm phước thiện bố thí hợp thời, hợp lúc, sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý và đặc biệt khi cần có thứ gì sẽ có được thứ ấy theo sự mong muốn của mình.

Bậc thiện trí làm phước thiện bố thí với tâm tế độ người thọ thí, sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý và đặc biệt là người ấy thường quan tâm đến sự thọ hưởng của cải, đầy đủ sung túc ngũ trần.

Bậc thiện trí làm phước thiện bố thí không làm khổ đến mình và người sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý và đặc biệt tất cả của cải tài sản không bị thiệt hại bởi lửa cháy, nước lụt, trộm cướp, vua chiếm đoạt và kẻ không ưa thích phá hoại.

Này chư Tỳ khưu đó là 5 cách phước thiện bố thí của bậc thiện trí và quả báu của nó.

Kathina có ý nghĩa là “vững chắc” thì quả báu của lễ dâng y kathina cũng có tính chất đặc biệt hơn các quả báu của các phước thiện bố thí khác đó là “vững chắc”, bền vững lâu dài, có đầy đủ 5 quả báu:

-         Āyu: Sống lâu.

-         Vaṇṇa: Có sắc đẹp đáng chiêm ngưỡng.

-         Sukha: Thân và tâm được an lạc.

-         Bala: Thân và tâm có sức mạnh.

-         Paññā: Có trí tuệ sáng suốt.

Những quả báu này được vững chắc, bền vững từ thời ấu niên, trung niên cho đến lão niên, và tất cả các tài sản sự nghiệp cũng được vững chắc, bền vững, không bị hủy hoại, không bị thiệt hại do lửa thiêu hủy, do nước lụt cuốn trôi, do bọn trộm cướp chiếm đoạt, do Đức vua tịch thu,...

Lễ dâng y kathina có tính chất đặc biệt hơn tất cả phước thiện bố thí khác đó là: Cơ hội tốt để thí chủ tạo được phước duyên sâu sắc nhất trong Phật giáo. Chính do nhờ phước duyên này hỗ trợ cho thí chủ dễ phát sinh đức tin nơi Tam Bảo; khi gặp Đức Phật, nếu hậu thân của thí chủ muốn xuất gia trở thành Tỳ khưu, Đức Phật cho phép xuất gia Tỳ khưu theo cách gọi“Ehi Bhikkhu!”: Con hãy lại đây! Con trở thành Tỳ khưu theo ý nguyện... Ngay khi Đức Phật truyền dạy dứt câu, vị ấy trở thành Tỳ khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng đó là y 2 lớp, y vai trái, y nội, bát, dây thắt lưng, dao cạo tóc, ống kim chỉ và đồ lọc; những thứ ấy được thành tựu do phước thần thông của vị ấy, vị tân Tỳ khưu liền có Tăng tướng trang nghiêm, lục căn thanh tịnh như một vị Đại đức có 60 tuổi hạ.

Trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế, có nhiều vị Tỳ khưu được Đức Phật cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu bằng cách gọi “Ehi Bhikkhu!”, đó là những vị Tỳ khưu mà trong kiếp quá khứ, quý Ngài đã từng dâng y, bát, các thứ vật dụng đến cá nhân Tỳ khưu, hoặc đến chư Tỳ khưu Tăng, nhất là có cơ hội đã từng làm lễ dâng y kathina và đã từng phát nguyện rằng:

Do năng lực phước thiện dâng y kathina này, kiếp sau sẽ gặp Đức Phật và được Ngài cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu bằng cách gọi “Ehi Bhikkhu!”.

Khi thí chủ có nhiều phước thiện dâng y kathina cùng với lời phát nguyện thì sẽ được thành tựu như ý.

 

-ooOoo-

 

PHẦN NGHI LỄ DÂNG Y KATHINA CỦA THÍ CHỦ

Tổ Chức Lễ Dâng Y Kathina

Mỗi ngôi chùa có thí chủ làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa, tại ngôi chùa ấy. Buổi lễ dâng y kathina thường được tổ chức rất long trọng như một ngày lễ hội trong chùa. Những thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có cơ hội tốt rất hiếm có được làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa xong. Đó là một dịp may, một vinh hạnh lớn lao đối với thí chủ.

Trong thời nay, phần đông thí chủ không dâng vải may y kathina (kathinadussa), mà đã may thành tấm y sẵn, làm lễ kính dâng y kathina (kathinacīvara) đến chư Tỳ khưu Tăng tại một ngôi chùa, hoặc một nơi rừng núi, hang động,... Như vậy, tất cả chư Tỳ khưu Tăng không phải vất vả lo may tấm y cho xong trong ngày hôm ấy, để cho vị Tỳ khưu làm lễ thọ y kathina của chư Tăng.

Nghi Thức - Lời Cảm Tưởng

Sau khi các Phật tử, cận sự nam, cận sự nữ, lễ bái Tam Bảo, kính xin thọ trì phép Tam quy và ngũ giới hoặc bát giới xong, trước sự hiện diện của chư Tỳ khưu Tăng, một thí chủ thay mặt tất cả các thí chủ bạch với chư Tỳ khưu Tăng rằng:

- “Kính bạch chư Đại đức Tăng, tất cả chúng con hết lòng thành kính đảnh lễ chư Đại đức Tăng, kính xin quý Ngài cho phép con thay mặt các thí chủ nói lên cảm tưởng của chúng con.

Đức Phật dạy: “Buddhuppādo dullabho lokasmiṃ” Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian này là một điều khó được, rất hiếm có, thật vô cùng hi hữu. Cũng như vậy, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo xuất hiện trên thế gian này cũng là điều khó được, rất hiếm có, thật vô cùng hi hữu. Như vậy, lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng cũng phải là điều khó được, rất hiếm có, thật vô cùng hi hữu. Mà chính hôm nay, tất cả chúng con có cơ hội tốt, một dịp may hiếm có, một vinh hạnh lớn lao, được làm buổi lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại............[17] này.

Tất cả chúng con thành kính tri ân sâu sắc chư Tỳ khưu Tăng tại.................. và chư Đại đức Tăng đã đến tham dự buổi lễ dâng y kathina, theo sự thỉnh mời của chúng con.

Kính thưa quý Ngài, tuy Phật giáo vẫn lưu truyền trên thế gian, chư Tỳ khưu Tăng vẫn còn hiện hữu, nhưng không phải có mặt khắp mọi nơi. Cho nên chúng con phải chờ đợi qua một thời gian lâu, mãi đến hôm nay, tất cả chúng con mới có được cơ hội tốt, một dịp may hiếm có, một vinh hạnh lớn lao, được làm buổi lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng tại............ Bởi vì, trong một năm có 12 tháng, chỉ có một tháng, tất cả chúng con có cơ hội tốt, có duyên lành làm buổi lễ dâng y kathina. Trong một tháng có 30 ngày, tại .............. này, tất cả chúng con chỉ có một ngày duy nhất này, mà trong ngày này có 24 giờ, tất cả chúng con chỉ có được giờ này là giờ  làm buổi lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng mà thôi. Như vậy, tất cả chúng con không hoan hỷ làm sao được! Thật ra chúng con vô cùng hoan hỷ! Và chúng con vô cùng biết ơn chư Tỳ khưu Tăng đã dành cho tất cả chúng con nguồn phước thiện vô lượng, niềm hạnh phúc vô biên này. Cho nên chúng con không tìm thấy có danh từ ngôn ngữ nào diễn tả được. Tất cả chúng con thành kính đảnh lễ chư Đại đức Tăng với tất cả tấm lòng tôn kính và tri ân của chúng con. Tiếp theo chúng con xin phép làm buổi lễ dâng y kathina”.

Người thí chủ thay mặt tất cả các thí chủ, hai tay nâng tấm y kathina (kathinacīvara) hướng dẫn tất cả các thí chủ khác đồng thanh đọc bài dâng y kathina cùng với các thứ vật dụng được phát sinh cùng trong lễ dâng y kathina ấy. Tấm y kathina cùng tất cả các thứ vật dụng đều kính dâng đến chư Tỳ khưu Tăng tại................... bằng tiếng Pāḷi và dịch ra tiếng Việt như sau:

Lời Dâng Y Kathina (Kathinacīvaradāna)

Mayaṃ Bhante, samasaddhā samachandā samacittā saṅgamma, Buddhaṃ, Dhammaṃ, Saṃghañceva kammaṃ kammaphalañca saddahitvā, saṃsā-ravaṭṭadukkhato mocanatthāya, Nibbānassa sacchikaraṇatthāya, imaṃ saparivāraṃ kathinacīvaraṃ “Viên Không araññe[18]   bhikkhusaṃghassa sakkaccaṃ damma, kathinaṃ attharituṃ.

Sādhu no Bhante, bhikkhusaṃgho imaṃ saparivāraṃ kathinacīvaraṃ paṭiggaṇhātu, paṭiggaṇhitvā iminā kathinacīvarena kathinaṃ attharatu, amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya, hitāya, sukhāya.

Tất cả chư Tỳ khưu đồng thanh nói lên lời hoan hỷ: Sādhu! Sādhu! Sādhu!

Ý nghĩa:

- Kính bạch chư Đại đức Tăng được rõ:

Tất cả chúng con có đồng đức tin, đồng nguyện vọng, đồng tâm trí, tin nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, tin nghiệp và quả của nghiệp, có nguyện vọng mong chứng ngộ Niết Bàn, để giải thoát khổ tử sinh luân hồi, cho nên, tất cả chúng con thành kính làm lễ dâng y kathina cùng với các thứ vật dụng này, đến chư Tỳ khưu Tăng đã an cư  nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại “Núi rừng Viên Không [19].

Kính bạch chư Đại đức Tăng, kính xin quý Ngài từ bi tế độ thọ nhận y kathina cùng với các thứ vật dụng này, khi quý Ngài thọ nhận xong, xin quý Ngài làm lễ thọ y kathina với tấm y này, để cho tất cả chúng con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài.

Tất cả chư Tỳ khưu Tăng đồng thanh nói lên lời hoan hỷ: Lành thay! Lành thay! Lành thay!

Một thí chủ thay mặt toàn thể thí chủ tự tay đem tấm y kathina dâng đến chư Tỳ khưu Tăng; vị Đại Trưởng Lão thay mặt chư Tăng thọ nhận tấm y kathina để làm lễ thọ y kathina đúng theo luật của Đức Phật đã ban hành.

Phát nguyện - Hồi hướng

Sau khi những thí chủ dâng tấm y kathina cùng với những thứ vật dụng đến chư Tỳ khưu Tăng xong, trở về chỗ ngồi, hướng dẫn mọi người thành tâm phát nguyện rằng:

Idaṃ me kathinadānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu.

Nguyện cầu phước thiện dâng y kathina này, dẫn dắt con chứng đắc đến Arahán Thánh Đạo Arahán Thánh Quả, diệt đoạn tuyệt được mọi phiền não trầm luân.

Idaṃ no ñātinaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo.

Cầu mong phước thiện dâng y kathina thanh cao này được thành tựu đến thân bằng quyến thuộc của tất cả chúng con, cầu mong cho những thân bằng quyến thuộc được thoát khỏi cảnh khổ, được an lạc lâu dài.

Imaṃ puññabhāgaṃ mātā-pitu-ācariya-ñāti-mittānañceva sesasabbasattānañca dema, sabbepi te puññapattiṃ laddhāna, sukhitā hontu.

Chúng con thành tâm chia phần phước thiện dâng y kathina thanh cao này đến ông bà, cha mẹ, thầy tổ, thân bằng quyến thuộc, bạn bè cùng tất cả chúng sinh đồng nhau cả thảy, cầu mong tất cả quý vị hoan hỷ thọ hưởng phần phước thanh cao này rồi, được thoát khỏi mọi cảnh khổ, được an lạc lâu dài.

Người thí chủ thay mặt thưa rằng:

-              Kính thưa tất cả quý vị, phần phước thiện của lễ dâng y kathina của tất cả chúng ta được thành tựu mỹ mãn, về phần vật thí, tuy kẻ ít người nhiều, song về phần phước thiện buổi lễ dâng y kathina thanh cao, tất cả chúng sanh nói chung, mỗi người trong chúng ta nói riêng, phước thiện đồng đều nhau cả thảy.

Kính xin quý vị đồng nói lời hoan hỷ (3 lần)

Sādhu! Sādhu! Anumodāma!.

Lành thay! Lành thay! Tất cả chúng ta đồng hoan hỷ phước thiện lễ dâng y kathina của ngày hôm nay!.

(Xong phần nghi lễ dâng y kathina của tất cả các thí chủ)

-ooOoo-

PHẦN NGHI THỨC LỄ THỌ Y KATHINA CỦA CHƯ TĂNG

Tất cả chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ tại một ngôi chùa hoặc một nơi núi rừng, hang động, đang tụ họp tại sīmā.

Sau khi tất cả các thí chủ đọc bài lễ dâng y kathina xong, người thí chủ thay mặt toàn thể thí chủ đem tấm y kathina đến gần vị Đại đức khoảng cách trong hatthapāda[20] cung kính dâng tận tay vị Đại đức ấy. Vị Đại đức thay mặt chư Tỳ khưu Tăng thọ nhận tấm y kathina của thí chủ, đúng theo luật [21] của Đức Phật đã chế định. Sau khi thọ nhận tấm y kathina xong, Ngài Đại đức đem tấm y vào trình giữa chư Tỳ khưu Tăng.

Tấm y kathina được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch do đại thiện tâm hợp với trí tuệ của thí chủ, hiểu rõ phước thiện thanh cao của lễ dâng y kathina và quả báu cao quý của lễ dâng y kathina; cho nên, tấm y kathina ấy ví như từ trên hư không rơi xuống giữa chư Tỳ khưu Tăng, không dành riêng cho một vị Tỳ khưu nào cả.

Thí chủ đã dâng tấm y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng, như vậy tấm y kathina ấy là của chư Tỳ khưu Tăng cả thảy, không phải của cá nhân Tỳ khưu nào.

Theo Tạng Luật mà Đức Phật đã chế định và ban hành đến chư Tỳ khưu Tăng: Chư Tỳ khưu Tăng (bhikkhusaṃgha) hoặc nhóm Tỳ khưu (gaṇabhikkhu) không thể làm lễ thọ y kathina được, Đức Phật chỉ cho phép một vị Tỳ khưu làm lễ thọ y kathina mà thôi.

Tuyển chọn Tỳ khưu xứng đáng làm lễ thọ y kathina

Tất cả chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa xong, đang tụ họp có mặt đông đủ tại sīmā, và tấm y kathina đã phát sinh đến chư Tỳ khưu Tăng rồi, chư Tỳ khưu Tăng tuyển chọn vị Tỳ khưu xứng đáng làm lễ thọ y kathina của chư Tăng.

Theo luật, tất cả chư Tỳ khưu Tăng thường dành ưu tiên cho Tỳ khưu có y cũ, y rách, Tỳ khưu ấy xứng đáng làm lễ thọ y kathina của chư Tăng, như chú giải Tạng Luật dạy:

Yo idha jiṇṇacīvaro, tassa dadeyya[22].

“Tại sīmā, chư Tỳ khưu Tăng đang tụ hội đông đủ, Tỳ khưu nào có y cũ, y rách, chư Tỳ khưu Tăng nên trao tấm y kathina cho vị Tỳ khưu ấy, để làm lễ thọ y kathina của chư Tăng”.

Trường hợp tại nơi sīmā, nếu không có vị Tỳ khưu nào có y cũ, y rách, thì chư Tỳ khưu Tăng nên trao tấm y kathina đến bậc Đại Trưởng Lão, bậc Đại Trưởng Lão hiểu biết rõ 8 chi pháp xứng đáng làm lễ thọ y kathina của chư Tăng, như chú giải Tạng Luật dạy:

Tena hi vuddhassa dadeyya [23].

“Nếu không có vị Tỳ khưu có y cũ, y rách thì chư Tỳ khưu Tăng nên trao tấm y kathina đến bậc Đại Trưởng Lão xứng đáng làm lễ thọ y kathina của chư Tăng”.

Nếu trường hợp bậc Đại Trưởng Lão không chịu làm lễ thọ y kathina của chư Tăng thì chư Tỳ khưu Tăng trao tấm y kathina đến vị Đại Trưởng Lão bậc thấp theo tuần tự cho đến khi tuyển chọn được một vị Tỳ khưu xứng đáng làm lễ thọ y kathina của chư Tăng.

8 Chi Pháp

Vị Tỳ khưu xứng đáng làm lễ thọ y kathina cần phải hiểu biết đầy đủ 8 chi pháp như trong Tạng Luật, bộ Parivāra dạy:

Katamehi aṭṭhahaṅgehi samannāgato puggalo bhabbo kathinaṃ attharituṃ. Pubbakaraṇaṃ jānāti, paccuddhāraṃ jānāti, adhiṭṭhānaṃ jānāti, atthāraṃ jānāti, mātikaṃ jānāti, palibodhaṃ jānāti, uddhāraṃ jānāti, ānisaṃsaṃ jānāti. Imehi aṭṭhahaṅgehi samannāgato puggalo bhabbo kathinaṃ attharituṃ” [24]

Tỳ khưu xứng đáng làm lễ thọ y kathina của chư Tăng cần phải biết đầy đủ 8 chi pháp là:

1-       Pubbakaraṇaṃ jānāti: Biết công việc ban đầu như đo, cắt, may y, nhuộm thành tấm y xong trong ngày, để làm lễ thọ y kathina của chư Tăng.

2-       Paccuddhāraṃ jānāti: Biết cách xả tấm y cũ của mình.

3-       Adhiṭṭhānaṃ jānāti: Biết cách nguyện tấm y mới của chư Tăng.

4-       Atthāraṃ jānāti: Biết cách làm lễ thọ kathina của chư Tăng.

5-       Mātikaṃ jānāti: Biết 8 trường hợp mất quả báu kathina.

6-       Palibodhaṃ jānāti: Biết 2 cách gắn bó, ràng buộc: chỗ ở và may y.

7-       Uddhāraṃ jānāti: Biết cách tụng Ñattidutiyakammavācā xả y kathina cũ.

8-       Ānisaṃsaṃ jānāti: Biết rõ 5 quả báu của kathina của chư Tăng.

Tỳ khưu biết rõ đầy đủ 8 chi pháp này, xứng đáng làm lễ thọ y kathina của chư Tăng.

Phần Giải Thích 8 Chi Pháp

1-       Biết công việc ban đầu như đo, cắt, may y

Thời xưa, thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, làm lễ dâng vải may y kathina (kathinadussa) đến chư Tỳ khưu Tăng, cho nên,  sau khi thọ nhận vải may y kathina xong, chư Tỳ khưu Tăng tuyển chọn một vị Tỳ khưu biết công việc ban đầu may thành tấm y. Công việc ban đầu may tấm y không phải việc riêng của vị Tỳ khưu ấy mà  toàn thể chư Tỳ khưu không ngoại trừ vị nào, đều đến tụ họp chung lo đo, cắt, may thành một tấm y, nhuộm cho xong trong ngày hôm ấy, để làm lễ thọ y kathina của chư Tăng, không thể để trễ sang ngày hôm sau.

Thời nay, phần đông thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, không làm lễ dâng vải may y kathina, mà đã may thành tấm y, rồi làm lễ dâng y kathina (kathinacīvara) đến chư Tỳ khưu Tăng. Cho nên, sau khi đã thọ nhận y kathina xong, (toàn thể chư Tỳ khưu không phải chung lo công việc may thành một tấm y nữa), chư Tỳ khưu Tăng tuyển chọn một vị Tỳ khưu xứng đáng, rồi hành Tăng sự tụng Ñattidutiyakammavācā trao tấm y kathina của chư Tăng cho vị Tỳ khưu ấy để làm lễ thọ y kathina của chư Tăng.

2-       Biết cách xả tấm y cũ của mình

Thời nay, thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, thường làm lễ dâng tam y: y saṃghāṭi, y uttarasaṅga, y antaravāsaka. Nếu có đủ 3 tấm y này, thì chỉ chọn 1 tấm nào là tấm y để làm lễ thọ y kathina, còn lại 2 tấm khác không phải y kathina, mà chỉ là những tấm y quả báu của kathina mà thôi.

- Nếu vị Tỳ khưu ấy muốn thọ y kathina của chư Tăng với tấm y saṃghāṭi, thì phải xả tấm y saṃghāṭi cũ của mình như sau:

“Imaṃ samghātiṃ paccuddhārāmi”.
(Tôi xin xả bỏ tấm y  saṃghāṭi này).

- Nếu vị Tỳ khưu ấy muốn thọ y kathina của chư Tăng với tấm y uttarasaṅga, thì phải xả tấm y  uttarasaṅga cũ của mình như sau:

“Imaṃ uttarasaṅgaṃ paccuddhārāmi”.
(Tôi xin xả bỏ tấm y  uttarasaṅga này).

- Nếu vị Tỳ khưu ấy muốn thọ y kathina của chư Tăng với tấm y antaravāsaka, thì phải xả tấm y antaravāsaka cũ của mình như sau:

“Imaṃ antaravāsakaṃ paccuddhārāmi”.
(Tôi xin xả bỏ tấm y antaravāsaka này).

Vị Tỳ khưu muốn thọ y kathina với tấm y nào trong 3 tấm y trên, thì phải xả tấm y cũ ấy của mình.

3-       Biết cách nguyện tấm y mới của chư Tăng

Vị Tỳ khưu đã xả tấm y cũ nào của mình rồi, thì nên nguyện tấm y mới ấy của chư Tăng, để làm lễ thọ y kathina của chư Tăng. Trước khi nguyện tấm y nào, vị Tỳ khưu cần phải làm dấu “kappabinduṃ karomi” làm dấu vòng tròn bằng mắt con công bằng mực màu đen, hoặc màu xám hoặc màu xanh.

- Nếu vị Tỳ khưu đã xả tấm y saṃghāṭi cũ của mình xong rồi, thì nguyện tấm y saṃghāṭi mới của chư Tăng như sau:

“Imaṃ samghātiṃ adhiṭṭhāmi”.
(Tôi xin nguyện tấm y saṃghāṭi này).

- Nếu vị Tỳ khưu đã xả tấm y uttarasaṅga cũ của mình xong rồi, thì nguyện tấm y uttarasaṅga mới của chư Tăng như sau:

“Imaṃ uttarasaṅgaṃ adhiṭṭhāmi”.
(Tôi xin nguyện tấm y  uttarasaṅga này)
.

- Nếu vị Tỳ khưu đã xả tấm y antaravāsaka cũ của mình xong rồi, thì nguyện tấm y antaravāsaka mới của chư Tăng như sau:

“Imaṃ antaravāsakaṃ adhiṭṭhāmi”.
(Tôi xin nguyện tấm y antaravāsaka này)
.

Vị Tỳ khưu đã xả tấm y cũ nào của mình rồi, thì nên nguyện tấm y mới ấy của chư Tăng, để làm lễ thọ y kathina với tấm y ấy.

4-       Biết cách làm lễ thọ y kathina của chư Tăng

Vị Tỳ khưu ấy đã nguyện tấm y mới nào của chư Tăng xong rồi, thì làm lễ thọ y kathina của chư Tăng với tấm y mới ấy như sau:

- Nếu vị Tỳ khưu đã nguyện tấm y saṃghāṭi xong rồi, thì làm lễ thọ y kathina của chư Tăng với tấm  y saṃghāṭi như sau:

“Imāya saṃghāṭiyā kathinaṃ attharāmi”.
(Tôi xin làm lễ thọ y kathina của chư Tăng với
tấm y  saṃghāṭi này).

- Nếu vị Tỳ khưu đã nguyện tấm y uttarasaṅga xong rồi, làm lễ thọ y kathina của chư Tăng với tấm y uttarasaṅga như sau:

“Iminā uttarāsaṅgena kathinaṃ attharāmi”.
(Tôi xin làm lễ thọ y kathina của chư Tăng với
tấm y uttarasaṅga này).

- Nếu vị Tỳ khưu đã nguyện tấm y nội gọi y antaravāsaka xong rồi, thì làm lễ thọ y kathina của chư Tăng với tấm y nội gọi y antaravāsaka như sau:

“Iminā antaravāsakena kathinaṃ attharāmi”
(Tôi xin làm lễ thọ y kathina của chư Tăng với
tấm y antaravāsaka này).

Vị Tỳ khưu ấy chỉ được phép thọ y kathina của chư Tăng với một tấm trong 3 tấm y ấy mà thôi.

5-       Biết 8 trường hợp mất quả báu của lễ Kathina

Sau khi đã làm lễ thọ y kathina và đã đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina xong, nếu vị Tỳ khưu nào có 1 trong 8 trường hợp sau đây, thì vị Tỳ khưu ấy mất quyền hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ kathina.

5.   1 - Pakkamantika: Do từ bỏ ngôi chùa (chỗ ở cũ).

Trường hợp vị Tỳ khưu nào đã làm lễ thọ y kathina của chư Tăng và đã nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina xong, vị Tỳ khưu ấy đem tấm vải phần của mình chưa đủ may thành tấm y, từ bỏ ngôi chùa cũ, hoặc nơi đã an cư nhập hạ cũ, với ý nghĩ rằng:

Ta sẽ không trở lại ngôi chùa (chỗ ở) này nữa” bước ra khỏi ranh giới chùa (chỗ ở) cũ.

Như vậy, vị Tỳ khưu ấy mất quyền hưởng đặc ân 5 quả báu của kathina do từ bỏ ngôi chùa cũ.

5.   2 - Niṭṭhānantika: Do may y xong.

Trường hợp vị Tỳ khưu nào đã làm lễ thọ y kathina của chư Tăng và đã nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina xong, vị Tỳ khưu ấy đem tấm vải  chưa đủ may thành tấm y, đi khỏi ngôi chùa cũ, hoặc chỗ đã an cư nhập hạ cũ, đến ngôi chùa mới khác và nghĩ rằng:

Ta sẽ may y tại ngôi chùa này xong rồi không trở lại ngôi chùa (chỗ ở) cũ nữa”.

Như vậy, khi vị Tỳ khưu ấy may xong tấm y, đồng thời cũng mất quyền hưởng đặc ân 5 quả báu của kathina, do may y xong và không trở lại ngôi chùa cũ.

5.   3 - Sanniṭṭhānantika: Do quyết định không may     y và cũng không trở lại.

Trường hợp vị Tỳ khưu nào đã làm lễ thọ y kathina của chư Tăng và đã nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina xong, vị Tỳ khưu ấy đem tấm vải chưa đủ may thành tấm y, đi khỏi ngôi chùa cũ, hoặc chỗ đã an cư nhập hạ cũ, đến ngôi chùa mới khác và nghĩ rằng:

 “Ta sẽ không may y tại ngôi chùa này và cũng không trở lại ngôi chùa (chỗ ở) cũ nữa”.

 Như vậy, vị Tỳ khưu ấy mất quyền hưởng đặc ân 5 quả báu của kathina, do quyết định không may y và cũng không trở lại ngôi chùa cũ.

5.   4- Nāsanantika: Do vải may y bị hư, bị mất.

Trường hợp vị Tỳ khưu nào đã làm lễ thọ y kathina của chư Tăng và đã nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina xong, vị Tỳ khưu ấy đem tấm vải chưa đủ may thành tấm y, đi khỏi ngôi chùa cũ, hoặc chỗ đã an cư nhập hạ cũ, đến ngôi chùa mới khác và nghĩ rằng:

“Ta sẽ may y tại ngôi chùa này và cũng không trở lại ngôi chùa (chỗ ở) cũ nữa” Vị Tỳ khưu ấy đang may y chưa xong, thì y của vị Tỳ khưu ấy bị hư, bị mất”.

Như vậy, vị Tỳ khưu ấy mất quyền hưởng đặc ân 5 quả báu của kathina, khi y bị hư, bị mất.

5.   5- Savanantika: Do nghe tin xả y kathina.

Trường hợp vị Tỳ khưu nào đã làm lễ thọ y kathina của chư Tăng và đã nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina xong, vị Tỳ khưu ấy đem tấm vải chưa đủ may thành tấm y, đi khỏi ngôi chùa cũ, hoặc chỗ đã an cư nhập hạ cũ, đến ngôi chùa mới khác may y xong sẽ trở lại ngôi chùa cũ. Khi vị Tỳ khưu ấy may y xong, nghe tin rằng:

Ngôi chùa cũ mà mình đã an cư nhập hạ, chư Tỳ khưu Tăng đồng tâm nhất trí hành Tăng sự tụng Ñattidutiyakammavācā xả y kathina rồi”.

Như vậy, vị Tỳ khưu ấy hết quyền hưởng đặc ân 5 quả báu của kathina, do nghe tin tại ngôi chùa cũ chư Tỳ khưu Tăng hành Tăng sự tụng Ñattidutiyakammavācā xả y kathina xong rồi.

5.   6- Āsāvacchedika: Do mất hy vọng được y.

Trường hợp vị Tỳ khưu nào đã làm lễ thọ y kathina của chư Tăng và đã nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina xong, vị Tỳ khưu ấy đi khỏi ngôi chùa cũ, hoặc chỗ đã an cư nhập hạ cũ, đến ngôi chùa mới khác với hy vọng rằng:

Tại ngôi chùa này, ta sẽ hy vọng có thí chủ dâng y và không trở lại ngôi chùa cũ”.

Khi vị Tỳ khưu ấy đến ngôi chùa mới ấy, với hy vọng có được y, nhưng không được y như đã hy vọng.

Như vậy, vị Tỳ khưu ấy mất quyền hưởng đặc ân 5 quả báu của kathina, do mất hy vọng được y.

5.   7- Sīmātikkamantika: Do quá hạn thời gian hưởng quả báu của kathina.

Trường hợp vị Tỳ khưu nào đã làm lễ thọ y kathina của chư Tăng và đã nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina xong, vị Tỳ khưu ấy đem vải may y đi khỏi ngôi chùa cũ, hoặc chỗ đã an cư nhập hạ cũ, đến ngôi chùa mới khác và nghĩ rằng:

Ta may y tại ngôi chùa này xong, sẽ trở về ngôi chùa cũ.

Khi vị Tỳ khưu ấy may xong y, trở về ngôi chùa cũ, thì thời gian đã qua rằm tháng 2. 

Như vậy, thời gian mà vị Tỳ khưu ấy hưởng đặc ân 5 quả báu của kathina đã hết.

5.   8- Sahubbhāra: Do cùng chư Tỳ khưu Tăng hành Tăng sự tụng Ñattidutiyakamma-vācā xả y kathina.

Trường hợp vị Tỳ khưu nào đã làm lễ thọ y kathina của chư Tăng và đã nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina xong, vị Tỳ khưu ấy đem vải may y đi khỏi ngôi chùa cũ, hoặc chỗ đã an cư nhập hạ cũ, đến ngôi chùa mới khác và nghĩ rằng:

“Ta may y tại ngôi chùa mới này xong, sẽ trở về ngôi chùa cũ.”

Khi vị Tỳ khưu ấy may xong y, trở về ngôi chùa cũ đồng thời cùng với chư Tỳ khưu Tăng hành Tăng sự tụng Ñattidutiyakammavācā xả y kathina tại ngôi chùa cũ.

Như vậy, vị Tỳ khưu ấy hết hưởng đặc ân 5 quả báu của kathina cùng với chư Tỳ khưu Tăng tại nơi chùa cũ.

Đó là 8 trường hợp mất quyền hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ kathina.

6-       Biết 2 cách gắn bó, ràng buộc: Chỗ ở và may y

Gắn bó, ràng buộc có 2 cách:

6.   1- Āvasapalibodha: Gắn bó, ràng buộc chỗ ở nơi mà mình đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại ngôi chùa (cũ), nơi núi rừng, hay hang động...

6.   2- Cīvarapalibodha: Gắn bó, ràng buộc vào sự may y.

- Gắn bó, ràng buộc chỗ ở như thế nào?

Vị Tỳ khưu nào đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa, tại một ngôi chùa hoặc một nơi thanh vắng trong rừng núi, hang động, vv...  được làm lễ thọ y kathina của chư Tăng và đã được nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng. Nếu vị Tỳ khưu ấy có phận sự phải đi đến ở một nơi khác, dù thời gian mau hoặc lâu mà tâm của vị Tỳ khưu ấy vẫn luôn luôn nghĩ sẽ trở lại ngôi chùa cũ hoặc một nơi thanh vắng trong rừng núi, hang động cũ, vv... mà mình đã từng an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa. Vị Tỳ khưu ấy vẫn hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ kathina cho đến ngày rằm tháng 2, hết hạn quả báu của lễ kathina.

Như vậy, gọi là vị Tỳ khưu gắn bó, ràng buộc nơi chỗ ở cũ đã an cư nhập hạ.

- Gắn bó, ràng buộc vào sự may y như thế nào?

Vị Tỳ khưu nào đã làm lễ thọ y kathina của chư Tăng và đã nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina xong, vị Tỳ khưu ấy đem tấm vải chưa đủ may thành tấm y, đi khỏi ngôi chùa cũ, hoặc nơi đã an cư nhập hạ cũ, đến ngôi chùa (chỗ ở) mới khác, để may cho thành tấm y, hoặc hy vọng sẽ có thêm vải để may cho thành tấm y.

Như vậy gọi là gắn bó, ràng buộc vào sự may y.

Nếu vị Tỳ khưu ấy đã cắt, may, nhuộm tấm y xong hoặc tấm y bị cháy hoặc bị mất, không có hy vọng có được tấm y mới nữa, thì vị Tỳ khưu ấy không còn gắn bó, ràng buộc vào sự may y nữa.

Thời nay, phần đông thí chủ không dâng vải may y đến chư Tỳ khưu Tăng, mà làm phước thiện cúng dường đến chư Tỳ khưu những tấm y đã may sẵn. Cho nên, chư Tỳ khưu không phải vất vả, cực nhọc lo cắt, may, nhuộm y nữa. Do đó, vị Tỳ khưu không còn gắn bó, ràng buộc vào sự may y nữa, chỉ còn gắn bó, ràng buộc nơi chỗ ở mà thôi. Vị Tỳ khưu nào còn gắn bó, ràng buộc nơi chỗ ở, vị Tỳ khưu ấy được hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ kathina của chư Tăng, cho đến ngày rằm tháng 2, mới hết thời hạn quả báu của lễ kathina.

7-       Biết cách tụng Ñattidutiyakammavācā xả y kathina cũ

Xả y kathina có 2 trường hợp:

7.   1- Sahubbhāra: Vị Tỳ khưu may y xong từ một ngôi chùa khác trở về ngôi chùa cũ (chỗ mà vị Tỳ khưu đã an cư nhập hạ) đúng lúc cùng chư Tỳ khưu Tăng hành Tăng sự tụng Ñattidutiyakammavācā xả y kathina của chư Tăng, trường hợp này ở trong trường hợp thứ 8, Tỳ khưu hết hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ kathina.

7.   2- Antarubbhāra: Tất cả chư Tỳ khưu Tăng đang ở tại ngôi chùa mà tất cả chư Tỳ khưu Tăng đã làm lễ thọ y kathina của chư Tăng và đã đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng, đang hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ kathina chưa đến ngày rằm tháng 2, (chưa hết thời hạn quả báu của lễ kathina). Trong ngôi chùa này, tất cả chư Tỳ khưu Tăng đồng tâm nhất trí tụ hợp tại sīmā hành Tăng sự tụng Ñattidutiyakammavācā xả y kathina cũ, để thọ y kathina mới không phải thời.

Trường hợp này, trong Tạng Luật, phần Bhikkhunīvibhaṅga, tích chuyện được tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana của Ông phú hộ Anāthapiṇdika, gần kinh thành Sāvatthi, có một trường hợp như sau:

Tena kho pana samayena aññatarena upāsakena samghaṃ uddissa vihāro kārāpito hoti. So tassa viharassa mahe ubhatosaṃghassa akālacīvaraṃ dātukāmo hoti. Tena kho pana samayena ubhatosaṃghassa kathinaṃ atthataṃ  hoti.

Ātha kho so upāsako samghaṃ upasaṅkamitvā kathinuddhāraṃ yāci. Bhagavato etamatthaṃ ārocesuṃ. Atha kho Bhagavā etasmiṃ nidāne etasmiṃ pakaraṇe dhammiṃ kathaṃ katvā bhikkhū āmantesi: “Anujānāmi Bhikkhave kathinaṃ uddharituṃ, ...”[25]

Ý nghĩa:

Khi ấy, một người cận sự nam cho người xây cất một ngôi chùa xong, người ấy tổ chức lễ khánh thành ngôi chùa có nguyện vọng dâng y không phải thời (akālacīvara) đến chư Tỳ khưu Tăng hai phái: chư Tỳ khưu Tăng và chư Tỳ khưu ni Tăng, khi ấy, chư Tỳ khưu Tăng hai phái đã làm lễ thọ y kathina xong rồi, người cận sự nam đến hầu đảnh lễ chư Đại đức Tăng, kính xin quý Ngài xả y kathina cũ.

Chư Tỳ khưu đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, bạch với Đức Thế Tôn về lời yêu cầu của người cận sự nam ấy. Khi ấy, trong trường hợp này, nhân dịp ấy, Đức Thế Tôn thuyết pháp giảng dạy chư Tỳ khưu Tăng xong, Ngài gọi chư Tỳ khưu dạy rằng:

“Này chư Tỳ khưu, Như Lai cho phép các con xả y kathina, ...”

Hành  Tăng  Sự  Xả Y Kathina

Tất cả chư Tỳ khưu Tăng đồng tâm nhất trí tụ họp tại sīmā, một vị Tỳ khưu luật sư rành rẽ cách tụng Ñattidutiyakammavācā xả y kathina của chư Tăng như sau:

“Suṇātu me Bhante Saṃgho, yadi Saṃghassa pattakalaṃ, Saṃgho kathinaṃ uddhareyya, esa ñatti.

Suṇātu me Bhante Saṃgho, Saṃgho kathinaṃ uddharati, yassāyasmato khamati, kathinassa uddhāro, so tuṇhassa, yassa nakkhamati, so bhāreyya.

Ubbhataṃ Saṃghena kathinaṃ, khamati  Saṃghassa, tasmā tuṃhī. Evametaṃ dhārayāmi”

Ý nghĩa:

Kính bạch chư Đại đức Tăng, kính xin chư Tăng nghe rõ lời tuyên ngôn của con. Nếu việc hành Tăng sự hợp thời đối với chư Tỳ khưu Tăng. Kính xin chư Tăng xả y kathina. Đó là lời tuyên ngôn, kính bạch quý Ngài được rõ.

Kính bạch chư Đại đức Tăng, kính xin chư Tăng nghe rõ lời thành sự ngôn của con. Chư Tăng xả y kathina, vị Tỳ khưu nào hài lòng sự xả y kathina, xin vị Tỳ khưu ấy ngồi im lặng; vị Tỳ khưu nào không hài lòng sự xả y kathina, xin vị Tỳ khưu ấy phát biểu lên giữa chư Tăng.

Chư Tỳ khưu Tăng đã xả y kathina rồi, chư Tỳ khưu Tăng đều hài lòng, vì vậy, quý Ngài ngồi im lặng. Con xin ghi nhận trạng thái hài lòng bằng cách im lặng ấy.

(Hành Tăng sự xả y xong)

Sau khi chư Tỳ khưu Tăng đồng tâm nhất trí hành Tăng sự tụng Ñattidutiya-kammavācā xả y kathina của chư Tăng xong, kể từ đó về sau cho đến ngày rằm tháng 2, tất cả chư Tỳ khưu Tăng trong ngôi chùa ấy mất hết quyền hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ kathina của chư Tăng.

Xả và Không Nên Xả Y Kathina Của Chư Tăng

- Trường hợp nào nên xả y kathina của chư Tăng?

Trong ngôi chùa đã làm lễ thọ y kathina của chư Tăng, tất cả chư Tỳ khưu đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng xong, nhưng những tấm y phát sinh trong dịp lễ kathina này quá ít, nên phần đông chư Tỳ khưu không có đủ tấm y để mặc, chịu cảnh thiếu thốn y. Nếu có thí chủ phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có ý nguyện muốn làm lễ dâng y kathina không phải thời (akālacīvara) cùng với rất nhiều y phụ đến chư Tỳ khưu Tăng một cách đầy đủ, tất cả chư Tỳ khưu Tăng trong ngôi chùa hội họp đông đủ tại sīmā, không thiếu vị Tỳ khưu nào, đồng tâm nhất trí xả y kathina của chư Tăng.

Sau khi đã xả y kathina của chư Tăng xong rồi, chư Tỳ khưu Tăng mất hết quyền hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ kathina của chư Tăng. Và chư Tỳ khưu Tăng có thể thọ nhận y kathina mới cùng với các y phụ của thí chủ, cốt để cho tất cả chư Tỳ khưu có được đầy đủ y, đồng thời giữ gìn được đức tin trong sạch của thí chủ sau.

Như vậy, trường hợp tất cả chư Tỳ khưu Tăng đồng xét thấy rằng: Lễ thọ nhận y kathina của thí chủ lần trước, những tấm y là quả báu phát sinh trong lễ kathina ấy quá ít, cho nên phần đông chư Tỳ khưu không có đủ y để mặc; và nếu thọ nhận y kathina của thí chủ lần sau, thì phần đông chư Tỳ khưu có được đầy đủ y mặc, cho nên tất cả chư Tỳ khưu Tăng đồng tâm nhất trí xả y kathina của thí chủ trước, để thọ y kathina của thí chủ lần sau.

 Nếu trường hợp tất cả chư Tỳ khưu Tăng đồng xét thấy rằng: lễ thọ nhận y kathina của thí chủ lần trước, những tấm y là quả báu phát sinh trong lễ kathina ấy, tất cả chư Tỳ khưu cũng có được y mặc, và nếu thọ nhận y kathina của thí chủ lần sau, những tấm y là quả báu phát sinh trong lễ kathina  cũng bằng lần trước, thì tất cả chư Tỳ khưu Tăng đồng tâm nhất trí có thể xả y kathina của thí chủ trước, để thọ y kathina của thí chủ sau, cốt để giữ gìn đức tin trong sạch của thí chủ sau.

- Trường hợp nào không nên xả y kathina của chư Tăng?

Trường hợp tất cả chư Tỳ khưu Tăng đồng xét thấy rằng: lễ thọ nhận y kathina của thí chủ lần trước, những tấm y là quả báu phát sinh trong lễ kathina ấy, tất cả chư Tỳ khưu có được y mặc đầy đủ, và nếu thọ nhận y kathina của thí chủ lần sau, những tấm y là quả báu phát sinh trong  lễ kathina ít hơn lần trước, thì tất cả chư Tỳ khưu Tăng không nên xả y kathina của chư Tăng, để cho chư Tỳ khưu được quyền hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ kathina của chư Tăng cho đến ngày rằm tháng 2, hết thời hạn quả báu kathina.

8-       Biết rõ 5 quả báu của kathina

Đức Phật dạy:

- “Này chư Tỳ khưu, Như Lai cho phép chư Tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa xong, được thọ y kathina.

Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu đã thọ y kathina xong rồi, sẽ được hưởng đặc ân 5 quả báu là:

Khi được thỉnh mời, vị Tỳ khưu ấy có thể ra khỏi chùa, mà không báo vị Tỳ khưu khác biết. (không phạm giới).

Vị Tỳ khưu ấy không giữ gìn đủ tam y (không phạm giới).

Vị Tỳ khưu ấy được dùng vật thực cùng nhóm (4 vị Tỳ khưu trở lên), dù thí chủ gọi tên vật thực ấy (không phạm giới).

Vị Tỳ khưu thọ nhận y dư (ngoài tam y) cất giữ quá 10 đêm (không phạm giới).

Y phát sinh nơi nào, Tỳ khưu được phép thọ nhận nơi ấy.

Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu đã thọ y kathina xong rồi, sẽ được hưởng đặc ân 5 quả báu này”.

Như vậy, khi vị Tỳ khưu do chư Tỳ khưu Tăng tuyển chọn, làm lễ thọ y kathina của chư Tăng xong, và tất cả chư Tỳ khưu đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng, nếu vị Tỳ khưu nào không nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina, thì vị Tỳ khưu ấy không hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ kathina của chư Tăng.

5 quả báu của lễ kathina như thế nào?

1-       Quả báu thứ nhất: Anāmantacāra

Đức Phật chế định điều giới và ban hành đến chư Tỳ khưu Tăng như sau:

“Yo pana bhikkhu nimantito sabhatto samāno santaṃ bhikkhuṃ anāpucchā purebhattaṃ vā pacchābhattaṃ vā kulesu cārittaṃ āpajjeyya aññatra samayā, pācittiyaṃ. Tatthāyaṃ samayo: cīvaradānasamayo, cīvarakārasamayo, ayaṃ tattha samayo”[26]

Ý nghĩa:

(Tỳ khưu nào được thỉnh mời dùng vật thực (tại nhà thí chủ), không thông báo cho vị Tỳ khưu khác biết, rời khỏi chùa đi đến nhà thí chủ trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn, vị Tỳ khưu ấy phạm giới pācittiya. Ngoại trừ trường hợp lúc làm phước bố thí dâng y kathina, lúc may y. Trong trường hợp này, vị Tỳ khưu ấy không phạm giới pācittiya).

Như vậy, do nhờ hưởng quả báu của lễ thọ y kathina, dù vị Tỳ khưu nào có phận sự đi khỏi chùa, đi đến nhà thí chủ, mà không thông báo cho vị Tỳ khưu khác ở trong chùa biết, vị Tỳ khưu ấy không bị phạm giới pācittiya này, cho đến hết rằm tháng 2, hết hạn hưởng đặc ân 5 quả báu của  kathina.

2-       Quả báu thứ nhì: Asamādānacāra

Đức Phật chế định điều giới và ban hành đến chư Tỳ khưu Tăng như sau:

Niṭṭhitacīvarasmiṃ bhikkhunā ubbhatasmiṃ kathine ekarattampi ce bhikkhu ticīvarena vippavaseyya, aññatra  bhikkhusammutiyā nisaggiyaṃ pācittiyaṃ”[27]

Ý nghĩa:

(Tấm y của Tỳ khưu đã may xong, hoặc đã xả y kathina rồi, nếu vị Tỳ khưu nào ở  cách xa tam y, ngoại trừ Tỳ khưu bị bệnh, được chư Tăng cho phép, Tỳ khưu ấy phải xả tấm y ấy, rồi xin sám hối giới pācittiya).

Giải thích:

Tỳ khưu đã nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa xong:

- Nếu tại chỗ ở ấy không có làm lễ thọ y kathina, thì vị Tỳ khưu hưởng đặc ân 5 quả báu trong vòng 1 tháng kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 10.

- Nếu tại chỗ ở ấy có thí chủ làm lễ dâng y kathina đến chư Tăng, Tỳ khưu làm lễ thọ y kathina và tất cả chư Tỳ khưu đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng, thì mỗi vị Tỳ khưu được hưởng đặc ân 5 quả báu của  kathina, cho đến ngày rằm tháng 2. Trong khoảng thời gian đang hưởng quả báu của kathina,Tỳ khưu có thể ở cách xa tam y, mà tam y ấy không phải bị xả và Tỳ khưu cũng không bị phạm giới pācittiya.

Khi hết hạn hưởng đặc ân 5 quả báu của kathina rồi, nếu Tỳ khưu nào ở cách xa tam y hoặc 1 tấm y nào quá khoảng cách 2 hắt tay và 1 gang (khoảng 1 mét) lúc rạng đông, thì tấm y ấy phải bị xả và vị Tỳ khưu ấy bị phạm giới pācittiya.

Cách Xả Tấm Y:

Vị Tỳ khưu mang tấm y bị xả ấy đến một vị Tỳ khưu cao hạ khác xin xả tấm y ấy như sau:

“Idaṃ me bhante cīvaraṃ rattivippavutthaṃ aññatra bhikkhusammutiyā nisaggiyaṃ, imāhaṃ āyasmato nisajjāmi”.

Ý nghĩa:

(Kính bạch Ngài Đại đức, tấm y này của tôi bị ở cách xa tôi qua đêm, nên phải bị xả. Tôi xin xả tấm y này đến Ngài).

- Nếu có nhiều (2-3) tấm y ở cách xa mình qua đêm, thì cách xả y như sau:

“Imāni me bhante cīvarāmi rattivippavutthāni aññatra bhikkhusammutiyā nisaggiyāni, imāni ahaṃ āyasmato nisajjāmi”.

Ý nghĩa:

(Kính bạch Ngài Đại đức, những tấm y này của tôi bị ở cách xa tôi qua đêm, nên phải bị xả. Tôi xin xả những tấm y này đến Ngài).

Sau khi xả tấm y ấy xong, vị Tỳ khưu ấy xin sám hối phạm giới pācittiya với vị Tỳ khưu nhận tấm y ấy. Sau khi sám hối xong, vị Tỳ khưu nhận tấm y ấy phải cho lại vị Tỳ khưu tấm y ấy (không cho y lại không được) như sau:

“Imaṃ cīvaraṃ āyasmato dammi”.
(Tôi xin cho lại pháp hữu tấm y này).

- Nếu có nhiều tấm y thì cách cho lại như sau:

“Imāni cīvarāni āyasmato dammi”.
(Tôi xin cho lại pháp hữu những tấm y này).

Vị Tỳ khưu nhận lại tấm y xong nguyện lại tấm y ấy và giữ gìn tấm y đúng theo giới luật của Đức Phật.

Như vậy, do nhờ hưởng quả báu của lễ kathina của chư Tăng, cho nên Tỳ khưu có thể ở cách xa tấm y khoảng ngoài 2 hắt tay và 1 gang (khoảng 1 mét) lúc rạng đông, thậm chí, Tỳ khưu đi nơi nào không mang theo đủ tam y, tấm y ấy không phải bị xả, và Tỳ khưu cũng không bị phạm giới pācittiya.

Đó là do quả báu của kathina của chư Tăng.

3-       Quả báu thứ ba: Gaṇabhojana

Đức Phật chế định điều giới và ban hành đến chư Tỳ khưu Tăng như sau:

“Gaṇabhojane aññatra samayā pācittiyaṃ. Tatthāyaṃ samayo gilānasamayo, cīvaradānasamayo, cīvarakārasamayo, addhānagamanasamayo, nāvābhiruhanasamayo, mahāsamayo, samaṇabhattasamayo, ayaṃ tattha samayo”.[28]

Ý nghĩa:

(Chư Tỳ khưu từ 4 vị trở lên dùng các món vật thực theo nhóm Tỳ khưu mà thí chủ thỉnh mời bằng cách gọi tên món vật thực, chư Tỳ khưu ấy bị phạm giới pācittiya. Ngoại trừ trường hợp lúc bệnh hoạn ốm đau, lúc làm phước bố thí dâng y, lúc may y, lúc đi đường, lúc đi tàu, thuyền, lúc hội chư Tỳ khưu, lúc dùng vật thực của Samôn, những trường hợp này, chư Tỳ khưu không bị phạm giới pācittiya).

Như vậy, nếu có thí chủ thỉnh mời bằng cách gọi tên món vật thực.

Ví dụ: “Ngày mai, con kính thỉnh quý Ngài đến nhà con dùng món cơm, canh, bánh bột lọc, thịt, cá, v.v...” Nếu nhóm Tỳ khưu từ 4 vị trở lên cùng nhau đi đến nhà thí chủ dùng các món ấy, thì nhóm Tỳ khưu ấy đều bị phạm giới pācittiya này.

Ngoại trừ 7 trường hợp trên, dù chư Tỳ khưu từ 4 vị trở lên cùng dùng các món vật thực mà thí chủ gọi tên món vật thực ấy, chư Tỳ khưu ấy vẫn không bị phạm giới pācittiya.

Và trường hợp chư Tỳ khưu từ 3 vị trở xuống cùng nhau dùng các món vật thực mà thí chủ gọi tên món vật thực ấy, bất cứ lúc nào chư Tỳ khưu ấy cũng không bị phạm giới pācittiya ấy.

Do nhờ hưởng quả báu của kathina, cho nên chư Tỳ khưu từ 4 vị trở lên cùng nhau độ các món vật thực mà người thí chủ thỉnh mời bằng cách gọi tên món vật thực ấy, không bị phạm giới pācittiya này, cho đến ngày rằm tháng 2, hết hạn hưởng quả báu của kathina.

4-       Quả báu thứ tư: Yavadatthacīvara

Đức Phật chế định điều giới và ban hành đến chư Tỳ khưu Tăng như sau:

Niṭṭhitacīvarasmiṃ bhikkhunā ubbhatasmiṃ kathine dasāhaparamaṃ atirekacīvaraṃ dhāretabbaṃ, taṃ atikkāmayato nisaggiyaṃ pācittiyaṃ.[29]

Ý nghĩa:

(Tấm y của Tỳ khưu đã may xong, hoặc đã xả y kathina rồi, Tỳ khưu thọ nhận tấm y dư (ngoài tam y) trong vòng 10 ngày, y dư được cất giữ quá 10 ngày phải bị xả và Tỳ khưu bị phạm giới pācittiya.)

Giải thích:

Trong thời hạn còn hưởng quả báu của  kathina của chư Tăng, Tỳ khưu có thể thọ nhận thêm tấm y dư (ngoài tam y) dù không nguyện y phụ (parikkhāracoḷa adhiṭṭhāna) hoặc không làm tấm y ấy thuộc của 2 người chủ: của mình và của một vị Tỳ khưu khác (vikappanā), tấm y ấy vẫn không phải bị xả và Tỳ khưu cũng không bị phạm giới pācittiya.

Nhưng khi hết thời hạn hưởng quả báu của kathina của chư Tăng rồi, nếu có vị Tỳ khưu nào thọ nhận thêm tấm y dư (ngoài tam y), mà không nguyện thành y phụ (parikkhāracoḷa adhiṭṭhāna) hoặc không làm tấm y ấy thuộc của 2 người chủ: của mình và của một vị Tỳ khưu khác (vikappanā), rồi cất giữ tấm y ấy quá 10 ngày, thì tấm y ấy phải bị xả và vị Tỳ khưu bị phạm giới pācittiya.

- Cách nguyện trở thành y phụ (parikkhāra coḷa adhiṭṭhāna)

Nếu chỉ có 1 tấm y thì cách nguyện như sau:

“Imaṃ cīvaraṃ parikkhāracoḷaṃ adhiṭṭhāmi”.
(Tôi xin nguyện tấm y này trở thành tấm y phụ)
.

Nếu có nhiều tấm y thì cách nguyện như sau:

“Imāni cīvarāni parikkhāracoḷāni adhiṭṭhāmi”.
(Tôi xin nguyện những tấm y này trở thành những tấm y phụ)
.

- Cách làm tấm y thuộc 2 người chủ (vikappanā)

Vị Tỳ khưu ấy mang tấm y đến gặp một vị Tỳ khưu khác, xin làm tấm y thuộc của 2 người chủ trực tiếp như sau:

Nếu có 1 tấm y thì cách làm vikappanā như sau:

“Imaṃ cīvaraṃ tuyhaṃ vikappemi”.
(Tôi xin làm  vikappanā tấm y này đến Ngài).

Nếu có nhiều tấm y thì cách làm vikappanā như sau:

“Imāni cīvarāni tuyhaṃ vikappemi”.
(Tôi xin làm vikappanā những tấm y này đến Ngài).

Vị Tỳ khưu nhận làm vikappanā đúng theo giới luật xong, trao lại cho vị Tỳ khưu ấy rằng:

“Mayhaṃ santakaṃ paribhuñja vā vasajjehi vā yathāpaccayaṃ karohi”.
(Tấm y thuộc của tôi, xin Ngài tự nhiên sử dụng hoặc xả đến vị nào, hãy làm tuỳ duyên).

Nếu vị Tỳ khưu thọ nhận tấm y dư (ngoài tam y) và nguyện tấm y ấy trở thành y phụ (parikkhāracoḷa adhiṭṭhāna) hoặc làm tấm y thuộc của 2 người chủ: của mình và của một vị Tỳ khưu khác (vikappanā), thì tấm y dư ấy không phải bị xả và vị Tỳ khưu ấy cũng không bị phạm giới pācittiya.

Nếu vị Tỳ khưu thọ nhận thêm tấm y dư (ngoài tam y) cất giữ quá 10 ngày, thì tấm y dư ấy phải bị xả và vị Tỳ khưu ấy bị phạm giới pācittiya.

- Cách xả tấm y quá 10 ngày

Nếu có 1 tấm y dư quá 10 ngày thì cách xả y như sau:

“Idaṃ me bhante cīvaraṃ dasāhātikkantaṃ  nisaggiyaṃ, imāhaṃ āyasmato nisajjāmi”.
(Kính bạch Ngài Đại đức, tấm y dư này của tôi đã quá 10 ngày, phải bị xả, tôi xin xả tấm y này đến Ngài).

Nếu có nhiều tấm y dư quá 10 ngày thì cách xả y như sau:

“Imāni me bhante cīvarāni dasāhātikkantāni  nisaggiyāni, imāni ahaṃ āyasmato nisajjāmi”.
(Kính bạch Ngài Đại đức, những tấm y dư này của tôi đã quá 10 ngày, phải bị xả, tôi xin xả những tấm y này đến Ngài).

Sau khi xả tấm y dư quá 10 ngày xong, vị Tỳ khưu ấy xin sám hối với vị Tỳ khưu khác về cách phạm giới pācittiya.

Nhận sám hối xong, vị Tỳ khưu khác cho lại tấm y dư ấy cho vị Tỳ khưu như sau:

Nếu chỉ có 1 tấm y dư thì cách cho lại như sau:

“Imaṃ cīvaraṃ āyasmato dammi”.
(Tôi xin cho lại pháp hữu tấm y dư này)

Nếu có nhiều tấm y dư thì cách cho lại như sau:
“Imāni cīvarāmi āyasmato dammi”.

(Tôi xin cho lại pháp hữu những tấm y dư này).

Như vậy, lễ dâng y kathina đến chư Tăng, Tỳ khưu làm lễ thọ y kathina của chư Tăng và tất cả chư Tỳ khưu đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng xong, được hưởng đặc ân 5 quả báu của kathina của chư Tăng.

Do nhờ hưởng quả báu của kathina của chư Tăng, cho nên Tỳ khưu có thể nhận thêm y dư (ngoài tam y) dù không nguyện parikkhāracoḷa adhiṭṭhāna hoặc không làm vikappanā, tấm y dư ấy vẫn không phải bị xả, và Tỳ khưu cũng không bị phạm giới pācittiya.

Đó là do nhờ quả báu của kathina của chư Tăng.

5-       Quả báu thứ năm: Yo ca tattha cīvaruppāda

Tỳ khưu đang hưởng quả báu của lễ thọ y kathina của chư Tăng tại ngôi chùa ấy, nếu có thí chủ có đức tin làm lễ dâng y cúng dường đến chư Tăng, vị Tỳ khưu ấy có quyền thọ y của thí chủ.

Đó là 8 chi pháp mà vị Tỳ khưu cần phải biết đầy đủ, để xứng đáng làm lễ thọ y kathina của chư Tăng.

Nhận Xét Về Quả Báu Của Lễ Thọ Y Kathina

Theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy Theravāda, chư Tỳ khưu đều tuyệt đối tôn trọng lời tuyên ngôn của Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa trong kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải Pāḷi lần thứ nhất tại động Sattapanni gần thành Rājagaha xứ Māgadha.

Kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải Pāḷi lần thứ nhất gồm có 500 vị Thánh Arahán, toàn là những bậc chứng đắc Tứ tuệ phân tích, Lục thông,... thông thuộc Tam Tạng và Chú giải, do Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa chủ trì, Ngài đọc tuyên ngôn (ñatti) và thành sự ngôn (kammavācā) có đoạn quan trọng như sau:

“... Yadi Saṃghassa pattakallaṃ, Saṃgho appaññattaṃ nappaññapeyya, paññattaṃ na samucchindeyya, yathā paññattesu sikkhāpadesu samādāya vatteyya. Esā ñatti...”[30]

Ý nghĩa:

 ... Nếu lời tuyên ngôn hợp thời đối với chư Tăng, xin chư Tăng không nên chế định điều nào mà Đức Phật không chế định, không nên cắt bỏ điều nào mà Đức Phật đã chế định. Chúng ta phải nên giữ gìn, duy trì, thực hành nghiêm chỉnh đúng theo những điều giới mà Đức Phật đã chế định. Đó là lời tuyên ngôn cần phải biết ...

Tất cả 500 vị Thánh Arahán đều đồng tâm nhất trí tuân theo lời tuyên ngôn của Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa, cho nên đoạn cuối lời thành sự ngôn (kammavācā) Ngài khẳng định một lần nữa có một đoạn rằng:

“... Saṃgho appaññattaṃ nappaññapeti, paññattaṃ na samucchindati, yathā paññattesu sikkhāpadesu samādāya vattati. Khamati saṃghassa, tasmā tuṇhī. Evametaṃ dhārāyami”.

Ý nghĩa:

 ... Chư Tăng không được chế định điều nào mà Đức Phật không chế định, không được cắt bỏ điều nào mà Đức Phật đã chế định. Chúng ta cần phải giữ gìn, duy trì, thực hành nghiêm chỉnh đúng theo những điều giới mà Đức Phật đã chế định.Tất cả chư Tăng đều hài lòng, cho nên tất cả chư Tăng đều im lặng. Tôi xin ghi nhận sự hài lòng này bằng trạng thái im lặng ấy ...

Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa tụng tuyên ngôn (ñatti) và thành sự ngôn (kammavācā) xong, tất cả 500 vị Thánh Arahán đồng hoan hỷ tuyệt đối tuân theo lời giáo huấn của Ngài. Do đó, gọi là “Theravāda” bắt đầu từ đó cho đến nay.

Những điều giới của Đức Phật đã chế định rồi, không có một ai có quyền cắt bỏ điều giới nào dù là điều giới nhẹ. Nhưng có một trường hợp thật vô cùng phi thường. Khi chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa rồi, đã được làm lễ thọ y kathina và tất cả chư Tỳ khưu Tăng đã đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng, thì mỗi vị Tỳ khưu ấy được hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ thọ y kathina, trong đó có 4 điều giới ngưng hiệu lực (không bị phạm giới) suốt thời gian còn hưởng quả báu của kathina đến thời hạn cuối cùng vào ngày rằm tháng 2. Qua ngày 16 tháng 2 bắt đầu 4 điều giới có hiệu lực trở lại, vị Tỳ khưu nào có tác ý không giữ gìn điều giới ấy, vị Tỳ khưu ấy bị phạm giới.

-ooOoo-

NGHI LỄ TRAO Y KATHINA CỦA CHƯ TĂNG

Theo truyền thống của chư Tỳ khưu Tăng tại nước Thái Lan, tất cả chư Tỳ khưu đã an cư nhập hạ xong tại ngôi chùa ấy, và có thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo làm lễ dâng y kathina  đến chư Tỳ khưu Tăng. Chư Tỳ khưu Tăng đã thọ nhận y kathina của thí chủ xong, tất cả chư Tỳ khưu Tăng đều tụ họp tại sīmā. Trước tiên, chọn một vị Tỳ khưu biết đầy đủ 8 chi pháp xứng đáng thọ nhận tấm y kathina của chư Tăng, để làm lễ thọ y kathina của chư Tăng, đúng theo luật mà Đức Phật đã chế định và ban hành đến chư Tỳ khưu Tăng.

Chư Tỳ khưu Tăng thỉnh 2 vị luật sư làm lễ trao y kathina của chư Tăng, nghi lễ theo tuần tự như sau:

1-       Apalokanakamma: Việc Tường Trình

Vị Tỳ khưu luật sư thứ nhất tường trình y kathina giữa chư Tỳ khưu Tăng đang tụ họp tại sīmā như sau:

LS1: Kính bạch chư Tỳ khưu Tăng được rõ, y kathina cùng với các thứ vật dụng này của những thí chủ, người thay mặt là........................ [31] cùng với các bà con, bạn bè là những người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, mong tạo phước thiện ba-la-mật, gieo duyên lành để mong chứng ngộ Niết Bàn, giải thoát khỏi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Cho nên những thí chủ ấy đã cùng nhau làm lễ dâng y kathina cùng với các thứ vật dụng này đến chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt trong 3 tháng mùa mưa tại ..............(tên chỗ an cư nhập hạ)

Y Kathina này đã phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch, ví như từ trên hư không rơi xuống giữa chư Tỳ khưu Tăng, không phải dành riêng cho một vị Tỳ khưu nào cả.

Đức Phật cho phép chư Tỳ khưu Tăng chọn một vị Tỳ khưu biết đầy đủ 8 chi pháp, để xứng đáng làm lễ thọ y kathina của chư Tăng. Chọn lựa đặc biệt ưu tiên cho vị Tỳ khưu nào có y rách, y cũ hoặc bậc Đại trưởng lão cao hạ nhất, là bậc có giới đức trong sạch, có hiểu biết đầy đủ 8 chi pháp để xứng đáng làm lễ thọ y kathina  của chư Tăng.

Vậy bây giờ tất cả chư Tỳ khưu Tăng đồng nhận xét thấy vị Tỳ khưu nào xứng đáng, kính xin quý Ngài cho phép dâng tấm y kathina của chư Tăng này đến vị Tỳ khưu ấy.

2-       Giới Thiệu Vị Tỳ khưu Thọ Y Kathina:

LS2: Kính bạch chư Tỳ khưu Tăng được rõ: Con xét thấy vị Đại đức Tissa[32] là bậc xứng đáng làm lễ thọ y kathina của chư Tăng. Nếu vị Tỳ khưu nào không chấp thuận, xin phát biểu lên giữa chư Tăng. (ngừng một lát)

Nếu chư Tỳ khưu Tăng đều chấp thuận, kính xin quý Ngài nói lên lời hoan hỷ: Sādhu! Sādhu! Sādhu!

(Sau khi chư Tỳ khưu Tăng đã chấp thuận bằng lời “sādhu” vị Tỳ khưu luật sư thứ nhất nói tiếp).

LS1: Kính bạch chư Tỳ khưu Tăng được rõ: Chư Tỳ khưu Tăng đã chấp thuận dâng y kathina đến Đại đức “Tissa”, để làm lễ thọ y kathina, không phải bằng lời apalokanakamma, mà phải bằng cách hành Tăng sự Ñattidutiyakammavācā đúng theo luật của Đức Phật đã ban hành, chúng con xin phép hành Tăng sự bây giờ.

Hành Tăng Sự Trao Y Kathina

Ví dụ: Vị Tỳ khưu được chọn thọ y kathina có đặt tên là Đại đức Tissa, thì pháp hành tăng sự sẽ tụng như sau:

- Ñatti:

Suṇātu me Bhante Saṃgho, idaṃ Saṃghassa kathinacīvaraṃ[33] uppannaṃ. Yadi Saṃghassa pattakallaṃ, Saṃgho imaṃ kathinacīvaraṃ Tissassa” bhikkhuno dadeyya kathinaṃ attharituṃ. Esā ñatti.

- Kammavācā:

Suṇātu me Bhante Saṃgho, idaṃ Saṃghassa kathinacīvarạm uppannaṃ, saṃgho imaṃ kathinacīvaraṃ “Tissassa” bhikkhuno deti kathinaṃ attharituṃ.

Yassāyasmato khamati, imassa kathinacīvarassa  “Tissassa” bhikkhuno dānaṃ kathinaṃ attharituṃ. So tuṇhassa, yassa nakkhamati so bhāseyya.

Dinnaṃ idaṃ Saṃghena kathinacīvaraṃ “Tissassa” bhikkhuno kathinaṃ attharituṃ. Khamati saṃghassa, tasmā tuṇhī. Evametaṃ dhārayami.

(Kathinatthāra kammavācā niṭṭhitā).

Ý nghĩa:

Kính bạch chư Đại đức Tăng, kính xin chư Tăng nghe rõ lời tuyên ngôn của con. Y kathina của chư Tăng đã được phát sinh, nếu việc hành Tăng sự hợp thời đối với chư Tăng, xin chư Tăng dâng y kathina này đến Tỳ khưu “Tissa”, để làm lễ thọ y kathina. Đó là lời tuyên ngôn. Kính bạch quý Ngài đượcrõ.

Kính bạch chư Đại đức Tăng, kính xin chư Tăng nghe lời thành sự ngôn của con. Y kathina của chư Tăng đã phát sinh, chư Tăng dâng y kathina này đến Tỳ khưu “Tissa”, để làm lễ thọ y kathina.

Lễ dâng y kathina của chư Tăng đến cho Tỳ khưu “Tissa”để làm lễ thọ y kathina, vị Tỳ khưu nào hài lòng với việc này, xin hãy ngồi im lặng, vị nào không hài lòng, xin phát biểu lên giữa chư Tăng.

Chư Tăng đã dâng y kathina này đến Tỳ khưu, “Tissa”để làm lễ thọ y kathina, chư Tăng đều hài lòng chấp nhận, vì vậy, nên ngồi im lặng. Con xin ghi nhận trạng thái hài lòng bằng cách im lặng ấy.

(Hành tăng sự thọ y kathina xong).

Sau khi tụng xong Ñattidutiyakammavācā, vị Tỳ khưu luật sư thay mặt chư Tăng dâng tấm y kathina đến vị Đại đức Tissa.

 Nhận tấm y kathina xong, vị Đại đức Tissa sẽ làm lễ thọ y kathina của chư Tăng.

Nghi Thức Làm Lễ Thọ Y Kathina

Nếu có Tam y: tấm y saṃghāṭi, tấm y uttarāsaṅga, tấm y antaravāsaka, thì vị Tỳ khưu chỉ chọn 1 tấm y trong 3 tấm y ấy mà thôi, để làm lễ thọ y kathina.

1-       Nếu chọn tấm y saṃghāṭi (tấm y 2 lớp) để làm lễ thọ y kathina, thì nghi thức làm lễ thọ y kathina theo tuần tự như sau:

1.  1-  Làm dấu tấm y saṃghāṭi: làm dấu : Kappabinduṃ karomi, làm dấu vòng tròn “O” bằng con mắt con công bằng mực màu đen, hoặc màu xanh đậm, hoặc màu xám đậm ở bên góc chéo tấm y saṃghāṭi.

1.  2-  Xả tấm y saṃghāṭi cũ của mình.

“Imaṃ saṃghāṭiṃ paccuddharāmi”.
(Tôi xin xả tấm y saṃghāṭi
cũ này).

1.  3-  Nguyện tấm y saṃghāṭi mới của chư Tăng.

“Imaṃ saṃghāṭiṃ adhiṭṭhāmi”.
(Tôi xin nguyện tấm y saṃghāṭi mới này).

1.  4-  Làm lễ thọ y kathina của chư Tăng với tấm y saṃghāṭi.

“Imāya saṃghāṭiyā kathinaṃ attharāmi”.
(Tôi xin làm lễ thọ y kathina với tấm y saṃghāṭi này)

(Lễ thọ y kathina bằng tấm y saṃghāṭi xong).

2-       Nếu chọn tấm y uttarāsaṅga (y vai trái) để làm lễ thọ y kathina, thì nghi thức làm lễ thọ y kathina theo tuần tự như sau:

2.  1-  Làm dấu tấm y uttarāsaṅga: làm dấu: kappabinduṃ karomi, làm dấu vòng tròn “O” bằng con mắt con công bằng mực màu đen, hoặc màu xanh đậm, hoặc màu xám đậm ở bên góc chéo tấm y uttarāsaṅga.

2.  2-  Xả tấm y uttarāsaṅga cũ của mình.

“Imaṃ uttarāsaṅgaṃ paccuddharāmi”.
(Tôi xin xả tấm y
uttarāsaṅga cũ này).

2.  3-  Nguyện tấm y uttarāsaṅga mới của chư  Tăng.

“Imaṃ uttarāsaṅgaṃ  adhiṭṭhāmi”.
(Tôi xin nguyện tấm y uttarāsaṅga mới này).

2.  4-  Làm lễ thọ y kathina của chư Tăng với tấm y uttarāsaṅga.

“Iminā uttarāsaṅgena kathinaṃ attharāmi”.
(Tôi xin làm lễ thọ y kathina với tấm y uttarāsaṅga này).

(Lễ thọ y kathina với tấm y uttarāsaṅga xong)

3-       Nếu chọn tấm y antaravāsaka (y nội) để làm lễ thọ y kathina, thì nghi thức làm lễ thọ y kathina theo tuần tự như sau:

3.  1-  Làm dấu tấm y antaravāsaka: làm dấu: Kappabinduṃ karomi, làm dấu vòng tròn “O” bằng con mắt con công bằng mực màu đen, hoặc màu xanh đậm, hoặc màu xám đậm ở bên góc chéo tấm y antaravāsaka.

3.  2-  Xả tấm y antaravāsaka cũ của mình.

“Imaṃ antaravāsakaṃ paccuddharāmi”.
(Tôi xin xả tấm y
antaravāsaka cũ này).

3.  3-  Nguyện tấm y antaravāsaka mới của chư Tăng.

“Imaṃ antaravāsakaṃ adhiṭṭhāmi”.
(Tôi xin nguyện tấm y antaravāsaka mới này).

3.  4-  Làm lễ thọ y kathina của chư Tăng với tấm y antaravāsaka.

“Iminā antaravāsakena kathinaṃ attharāmi”.
(Tôi xin làm lễ thọ y kathina
với tấm y antaravāsaka này).

(Lễ thọ y kathina với tấm antaravāsaka xong)

Nghi Lễ Anumodanā (hoan hỷ)

Sau khi đã thọ y kathina của chư Tăng xong, vị Đại đức Tissa mặc y chừa bên vai phải, ngồi chồm hổm ở giữa chư Tỳ khưu Tăng, chắp tay thỉnh mời chư Tỳ khưu Tăng đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng rằng:

Atthataṃ Āvuso (Bhante) Saṃghassa kathinaṃ dhammiko kathinatthāro anumodatha.

Thưa quý pháp hữu, lễ thọ y kathina của chư Tăng đã xong, lễ thọ y kathina hợp pháp rồi, xin quý vị đồng thanh nói lên lời hoan hỷ.

Thành phần chư Tỳ khưu đồng hoan hy

Theo Chú giải Luật tạng, bộ Mahāvagga dạy rằng:

Những Tỳ khưu có quyền nói lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng và được hưởng đặc ân 5 quả báu của kathina như sau:

- Tỳ khưu an cư suốt 3 tháng hạ trước và làm lễ pavāraṇā.

- Sadi an cư nhập hạ suốt 3 tháng hạ trước đủ 20 tuổi, được làm lễ thọ Tỳ khưu trong khi nhập hạ, vị tân Tỳ khưu được làm lễ pavāraṇā cùng với chư Tăng, được kể một hạ thứ nhất, có quyền nói lời hoan hỷ lễ thọ y kathina cùng với chư Tỳ khưu Tăng và được hưởng đặc ân 5 quả báu của kathina.

Tất cả chư Tỳ khưu đồng thanh nói lên lời hoan hỷ như sau:

- Atthataṃ Bhante (Āvuso) Saṃghassa kathinaṃ, dhammiko kathinatthāro anumodāma.

- Kính bạch Đại đức, lễ thọ y kathina của chư Tăng đã xong, lễ thọ y kathina hợp pháp rồi, chúng con xin đồng thanh nói lên lời hoan hỷ.

(Hoàn mãn xong nghi thức thọ y kathina của chư Tăng)

Thành phần Tỳ khưu không được hoan hỷ

- Tỳ khưu an cư 3 tháng hạ trước, kể từ ngày 16 tháng 6, nhưng bị đứt hạ.

- Tỳ khưu an cư 3 tháng hạ sau, kể từ ngày 16 tháng 7 đến 16 tháng 10.

- Tỳ khưu an cư suốt 3 tháng hạ trước, ở chùa khác đến tham dự lễ thọ y kathina.

- Tỳ khưu không nhập hạ.

Tất cả những Tỳ khưu trên không có quyền nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng, và cũng không được hưởng đặc ân 5 quả báu của kathina.

Tất cả Sadi an cư suốt 3 tháng hạ với chư Tỳ khưu, không có quyền hành Tăng sự pavāraṇā, không làm lễ thọ y kathina của chư Tăng, cũng không hành lễ nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng, nhưng tất cả vị Sadi được phép hưởng phần quả báu phát sinh trong lễ thọ y kathina của chư Tăng.

-ooOoo-

NHẬN XÉT VỀ LỄ DÂNG Y KATHINA

Lễ dâng y kathina thuộc về phước thiện bố thí rất đặc biệt hơn tất cả mọi phước thiện bố thí khác, bởi vì có những điểm đặc biệt như:

- Thí chủ: Thí chủ làm lễ dâng y kathina là người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có trí tuệ sáng suốt, hiểu rõ phước thiện đặc biệt của lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng, hiểu rõ quả báu đặc biệt của phước thiện dâng y kathina đến chư Tăng. Cho nên, họ biết tìm chỗ ở mà chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa, để xin chư Tỳ khưu Tăng cho phép họ làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng tại nơi ấy.

- Vật thí: Chỉ có 1 trong 3 tấm y đó là tấm y saṃghāṭi hoặc tấm y uttarasaṅga hoặc tấm y antaravāsaka mà thôi. Còn những tấm y khác không gọi là y kathina mà gọi là những tấm y quả báu phát sinh trong lễ dâng y kathina.

- Thời gian: Thời gian làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng bắt đầu từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 10 (âm lịch) trong vòng 1 tháng.

Ngoài thời gian hạn định này, thí chủ có thể làm phước thiện dâng nhiều bộ y đến chư Tỳ khưu Tăng, nhưng không gọi là lễ dâng y kathina.

- Chỗ ở: Là nơi mà chư Tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa kể từ ngày 16 tháng 6 cho đến sáng ngày 16 tháng 9. Tại nơi ấy, nếu có thí chủ làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng, thì chư Tỳ khưu Tăng được phép thọ nhận y kathina của thí chủ chỉ một lần duy nhất mà thôi. Chư Tỳ khưu Tăng làm lễ thọ y kathina xong, và hành lễ đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ kathina của chư Tăng, mỗi vị Tỳ khưu hưởng đặc ân 5 quả báu của kathina suốt 5 tháng kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 2, hết hạn quả báu kathina.

Nếu chư Tỳ khưu Tăng không làm lễ thọ y kathina, thì mỗi vị Tỳ khưu hưởng đặc ân 5 quả báu chỉ có 1 tháng kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến hết ngày rằm tháng 10 mà thôi.

- Tính chất của tấm y kathina: Tấm y kathina được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch và cao quý, do đại thiện tâm hợp với trí tuệ trong sáng của người thí chủ, hoàn toàn không do một vị Tỳ khưu nào gián tiếp hay trực tiếp động viên khuyến khích thí chủ làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng.

Tấm y kathina được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch và cao quý như vậy, khi người thí chủ làm lễ kính dâng đến chư Tỳ khưu Tăng, một vị Đại Trưởng Lão thay mặt chư Tỳ khưu Tăng thọ nhận tấm y kathina ấy, rồi đem trình giữa chư Tỳ khưu Tăng. Chư Tỳ khưu Tăng tụ họp tại sīmā, thỉnh vị Đại đức luật sư tụng  Ñattidutiyakammavācā trao tấm y kathina cho vị Tỳ khưu xứng đáng để làm lễ thọ y kathina của chư Tăng. Vị Tỳ khưu ấy làm lễ thọ kathina với tấm y ấy. Như vậy, lễ thọ y kathina của chư Tăng được thành tựu; tất cả chư Tỳ khưu đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina hợp pháp của chư Tăng, tất cả mọi vị Tỳ khưu hưởng được đặc ân 5 quả báu của kathina suốt 5 tháng kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 2, hết hạn quả báu kathina.

- Quả báu của lễ thọ y kathina: Quả báu của lễ thọ y kathina thật đặc biệt hơn các quả báu của phước thiện bố thí khác là có tính chất bền vững lâu dài đối với chư Tỳ khưu hưởng đặc ân 5 quả báu của kathina suốt 5 tháng kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến hết ngày rằm tháng 2.

Còn đối với thí chủ, phước thiện dâng y kathina cho quả báu vô lượng kiếp.

Trong kiếp tử sanh luân hồi, nếu phước thiện dâng y kathina này cho quả tái sinh làm người, người ấy sẽ là người có chánh kiến, giàu sang phú quý hơn người, có của cải được bền vững lâu dài, tránh khỏi những tai họa do lửa cháy, nước lụt cuốn trôi, do kẻ trộm cướp chiếm đoạt, phi pháp, v.v...

Nếu phước thiện dâng y kathina này cho quả tái sinh làm chư thiên trong cõi trời dục giới, sẽ là vị thiên nam hoặc thiên nữ có nhiều oai lực, có hào quang sáng ngời hơn các chư thiên khác, hưởng sự an lạc cao quý trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.

Phước thiện dâng y kathina này rất lớn lao vô lượng, cho nên người thí chủ thành tâm phát nguyện như thế nào, chắc chắn sẽ được toại nguyện như thế ấy. Ví dụ: Một người giàu sang phú quý nhất trong đời này, họ muốn có được thứ gì trong đời, muốn ăn món gì trong đời, v.v... đối với họ không phải vấn đề khó, có phải không? Cũng như vậy, người thí chủ đã làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng xong rồi, người ấy có phước thiện dâng y kathina đến vô lượng, cho nên họ phát nguyện như thế nào, chắc chắn sẽ được toại nguyện như thế ấy.

Thật vậy, như tích tiền kiếp của Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇattherī, là một cô bé gái con nhà nghèo khổ làm thuê ở mướn gần 3 năm mới được 1 tấm vải choàng. Cô bé gái phát sinh đức tin trong sạch kính dâng tấm vải choàng mới ấy đến vị Tỳ khưu trong thời kỳ Đức Phật Kassapa. Cô thành tâm phát nguyện rằng:

Kính bạch Ngài, trong vòng tử sinh luân hồi, con nguyện kiếp nào cũng là người nữ xinh đẹp nhất, làm cho người nam nào nhìn thấy con, họ đều bị mê hồn, mất trí không còn biết mình nữa. Con sẽ là người phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần”.

Lời phát nguyện của cô đã toại nguyện cho đến kiếp chót, hậu thân của cô là Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇattherī, bậc Thánh nữ Tối Thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama.

Và tiền kiếp của Đức Phật Gotama là một người đàn ông, nhìn thấy vị Tỳ khưu hành pháp hành đầu đà sống trong rừng, Đức Bồ Tát phát sinh đức tin trong sạch dâng một tấm vải cũ đến vị Tỳ khưu ấy rồi phát nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác; hậu thân của Đức Bồ Tát kiếp chót trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu Đức Phật Gotama của chúng ta.

Làm phước thiện bố thí tấm vải choàng mới đến vị Tỳ khưu của cô gái nghèo khó, tiền kiếp của Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇattherī; làm phước thiện bố thí tấm vải cũ đến vị Tỳ khưu của người đàn ông, tiền kiếp của Đức Phật Gotama; chính nhờ phước thiện bố thí ấy đã dẫn đến cho quả kiếp chót đều được toại nguyện như thế, huống gì người thí chủ làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng, phước thiện dâng y kathina ấy chắc chắn sẽ cho quả báu cao quý biết dường nào nữa!

Nhân dịp làm phước thiện dâng y kathina này, là phước thiện cao quý vô lượng, những thí chủ nào thành tâm phát nguyện như thế nào, những thí chủ ấy chắc chắn sẽ được toại nguyện như thế ấy.

Nếu những người nữ thí chủ, cảm thấy nhàm chán kiếp người nữ, có ý nguyện muốn trở thành người nam, thì những nữ thí chủ ấy thành tâm phát nguyện rằng:

Idaṃ no kathinadānakusalaṃ purisattabhāvapaṭilābhāya saṃvattatu”.
(Do năng lực phước thiện dâng y kathina này của chúng con, xin sinh quả kiếp sau được trở thành người nam cao quý).

Thật ra, chỉ có Đức Bồ Tát, sau khi đã được thọ ký rồi, chắc chắn Đức Bồ Tát không bao giờ trở thành người nữ. Ngoài Đức Bồ Tát ra, các hạng người khác, có khi tái sinh làm người nam, có khi tái sinh làm người nữ, tuỳ theo thiện nghiệp cho quả.

Dù là người nam hoặc người nữ, còn tử sinh luân hồi trong cõi người, cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới cũng vẫn còn có khổ. Cho nên ý nguyện giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới, đó là nguyện vọng cao cả nhất.

Như vậy, tất cả mọi người thí chủ nên phát nguyện rằng:

Idaṃ me kathinadānakusalaṃ   āsavakkhayāvahaṃ hotu”.
(Do phước thiện dâng y kathina thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo, Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.)

Khi phát nguyện mong chứng đạt đến mục đích cứu cánh như vậy, nếu chưa chứng đạt đến mục đích cứu cánh Niết Bàn, còn tử sinh luân hồi trong tam giới. Khi thì thiện nghiệp cho quả tái sinh làm người, sẽ là người giàu sang phú quý, có trí tuệ sáng suốt, không say mê trong của cải tài sản ấy, dễ dàng đem của cải làm phước thiện bố thí đến cho mọi người, thậm chí có khả năng từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành Tỳ khưu trong Phật giáo, hoặc trở thành vị Đạo sĩ trong thời kỳ không có Phật giáo trên thế gian.

Hoặc khi thì thiện nghiệp cho quả tái sinh làm chư thiên trong cõi trời dục giới, tuy là một thiên nam hoặc thiên nữ, nhưng không say mê hưởng sự an lạc trong cõi trời ấy. Bởi vì mục đích cứu cánh của họ là Niết Bàn, không phải là sinh làm người hoặc làm chư thiên, nhưng khi họ chưa chứng đạt đến Niết Bàn, họ hưởng quả báu trong cõi người hoặc quả báu trong cõi trời. Thật ra, mục đích cứu cánh cuối cùng của họ là Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.

Những Điều Nên Biết Về Lễ Dâng Y Kathina

Vị Tỳ khưu nên thuyết pháp giảng giải cho các hàng Phật tử là bậc xuất gia Tỳ khưu, Sadi, và người tại gia là cận sự nam, cận sự nữ hiểu biết về:

- Sự thành tựu của lễ thọ y kathina và sự không thành tựu của lễ thọ y kathina.

- Phước thiện đặc biệt dâng y kathina và quả báu đặc biệt của phước thiện dâng y kathina.

Khi các hàng Phật tử hiểu rõ về phước thiện đặc biệt của lễ dâng y kathina, nên phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có trí tuệ sáng suốt, có nhận thức đúng đắn, rồi tự mình quyết định làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng, mà không do một vị Tỳ khưu nào động viên khuyến khích làm lễ dâng y kathina.

Như vậy, tấm y kathina được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch, do đại thiện tâm hợp với trí tuệ đồng sanh với hỷ, không cần động viên của người thí chủ. (Somanassasahagataṃ ñaṇasampayutttaṃ asaṅkhārikaṃ).

Do đó, phước thiện dâng y kathina đặc biệt hơn các phước thiện bố thí khác. Cho nên tấm y kathina phải được tôn trọng tuyệt đối.

Tôn trọng tấm y kathina như thế nào?

Tấm y kathina là tấm y có chủ gọi là gahapaticīvara [34], khi người chủ chưa dâng tấm y đến chư Tỳ khưu Tăng, thì vị Tỳ khưu không được phép đụng chạm đến tấm y kathina.

- Nếu vị Tỳ khưu nào có tác ý đụng chạm đến tấm y kathina ấy (mà chưa dời chỗ) thì vị Tỳ khưu ấy bị phạm giới gọi là durupaciṇṇadukkaṭa āpatti. (riêng vị Tỳ khưu ấy không thể sử dụng tấm y ấy được).

- Tấm y kathina mà thí chủ chưa được dâng đến chư Tăng. Nếu vị Tỳ khưu nào tác ý không chỉ đụng chạm tấm y kathina , thì vị Tỳ khưu ấy bị phạm giới gọi là uggahi-takadukkaṭa āpatti. Và tấm y kathina không còn hợp theo luật nữa. Cho nên, tất cả mọi Tỳ khưu không thể sử dụng tấm y kathina ấy được.

Tuy thí chủ làm lễ dâng tấm y kathina ấy đến chư Tỳ khưu Tăng, chư Tỳ khưu Tăng thọ tấm y kathina ấy, rồi trao cho một vị Tỳ khưu để làm lễ thọ y kathina của chư Tăng, nhưng lễ thọ y kathina ấy không thành tựu, và tất cả chư Tỳ khưu Tăng không hưởng được đặc ân 5 quả báu của lễ thọ y kathina của chư Tăng. Vì tấm y kathina ấy không còn hợp pháp theo luật do bởi vị Tỳ khưu đụng chạm và dời tấm y kathina sang chỗ khác, phạm giới uggahitakadukkaṭa.

Cho nên, tất cả chư Tỳ khưu  không thể sử dụng tấm y kathina ấy được, thì làm sao vị Tỳ khưu làm lễ thọ y kathina của chư Tăng thành tựu được.

(Căn cứ vào điều giới Dantaponasikkhāpada phần điều giới Pācittiya).

Khi các thí chủ long trọng làm lễ dâng y kathina, một thí chủ thay mặt toàn thể thí chủ đọc bài dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại ngôi chùa nào hoặc một nơi thanh vắng trong rừng núi, hay động nào xong; Người thí chủ thay mặt toàn thể thí chủ cung kính đem tấm y kathina đến gần chư Tỳ khưu Tăng khoảng cách 2 hắt tay và 1 gang (khoảng 1 mét) đúng theo luật, dâng đến chư Tỳ khưu Tăng. Vị Đại đức thay mặt chư Tỳ khưu Tăng tại ngôi chùa ấy hoặc chỗ ở ấy thọ nhận tấm y kathina của các thí chủ. Tấm y kathina ấy trở thành tấm y kathina của chư Tỳ khưu Tăng. Sau khi thọ nhận tấm y kathina của chư Tăng xong, Ngài Đại đức ấy đem tấm y kathina ấy vào trình giữa chư  Tăng.

Tất cả chư Tỳ khưu Tăng không thể thọ y kathina của chư Tăng được. Đức Phật cho phép tất cả chư Tỳ khưu Tăng chọn một vị Tỳ khưu hiểu biết rõ 8 chi pháp xứng đáng, để làm lễ thọ y kathina của chư Tăng, còn tất cả chư Tỳ khưu đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng. Như vậy, gọi là chư Tỳ khưu Tăng thọ y kathina. Cũng như ngày uposatha hằng tháng, chư Tỳ khưu Tăng từ 4 vị trở lên tụ họp tại sīmā, một vị Tỳ khưu tụng Bhikkhupātimokkhasīla, chư Tỳ khưu ngồi nghe. Như vậy gọi là Saṃgha uposatha: Chư Tăng hành uposatha.

Sau khi đã chọn được một vị Tỳ khưu hiểu biết rõ 8 chi pháp xứng đáng, chư Tỳ khưu Tăng từ  5 vị trở lên tụ họp hành Tăng sự tại sīmā, thỉnh 1-2 vị Tỳ khưu tụng Ñattidutiyakammavācā trao tấm y kathina của chư Tăng cho vị Tỳ khưu mà chư Tỳ khưu Tăng đã chọn. Vị Tỳ khưu ấy thọ nhận y kathina của chư Tăng.

Sau đó, vị Tỳ khưu ấy làm lễ thọ y kathina của chư Tăng và kính thỉnh tất cả chư Tỳ khưu đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng. Tất cả chư Tỳ khưu đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng. Như vậy, tất cả chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại ngôi chùa ấy hoặc tại nơi ấy được hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ thọ y kathina của chư Tăng cho đến  ngày rằm tháng 2, mới hết hạn quả báu của lễ kathina.

-ooOoo-

ĐOẠN KẾT LỄ DÂNG Y KATHINA

Để thành tựu lễ thọ y kathina của chư Tăng, để chư Tỳ khưu được hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ thọ y kathina của chư Tăng cho đến  ngày rằm tháng 2, trải qua nhiều giai đoạn:

Giai đoạn đầu: Thí chủ làm lễ dâng y kathina

Thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có tác ý thiện tâm làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng (không phải đến cá nhân).

Giai đoạn thứ nhì: Hành tăng sự làm lễ trao y kathina của chư Tăng đến vị Tỳ khưu.

Chư Tỳ khưu Tăng phải có đủ từ 5 vị trở lên, tụ họp tại sīmā, tuyển chọn một vị Tỳ khưu xứng đáng. Chư Tỳ khưu Tăng thỉnh vị Tỳ khưu luật sư tụng Ñattidutiyakammavācā xong, trao tấm y kathina cho vị Tỳ khưu mà chư Tỳ khưu đã tuyển chọn để làm lễ thọ y kathina của chư Tăng.

Giai đoạn thứ ba: Lễ thọ y kathina của chư Tăng.

Vị Tỳ khưu thọ 1 trong 3 tấm y là tấm y saṃghāṭi hoặc tấm y uttarasaṅga hoặc tấm y  antaravāsaka. Tấm y này gọi là tấm y kathina của chư Tăng. Sau khi thọ tấm y kathina của chư Tăng xong, vị Tỳ khưu ấy kính thỉnh tất cả chư Tăng đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina hợp pháp của chư Tăng.

Giai đọan thứ tư: Chư Tỳ khưu Tăng đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina.

Tất cả chư Tỳ khưu Tăng đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng xong, tất cả chư Tỳ khưu được hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ thọ y kathina của chư Tăng, cho đến  ngày rằm tháng 2, hết hạn quả báu của lễ kathina.

Nếu vị Tỳ khưu nào không nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng, thì vị Tỳ khưu ấy không được hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ thọ y kathina.

Giai đoạn thứ năm: Phân chia y và vật dụng

Những thứ vật dụng cần thiết và những tấm y khác là quả báu phát sinh trong lễ dâng y kathina, được phân chia từ vị Đại Trưởng Lão cao hạ tuần tự xuống vị thấp hạ cho đến các vị Sadi, tất cả đều hưởng được quả báu phát sinh trong lễ dâng y kathina.

Vấn Đáp Về Lễ Dâng Y Kathina

Vấn: Trường hợp chỉ có1vị Tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại một nơi, vị Tỳ khưu ấy có thể thọ nhận y kathina của thí chủ được hay không?

Đáp: Trong trường hợp chỉ có 1 vị Tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại một nơi, sau khi mãn hạ, vị Tỳ khưu ấy có thể thọ nhận y kathina của thí chủ được. Nhưng sau khi thọ nhận y kathina của thí chủ xong, ngay trong ngày hôm ấy, vị Tỳ khưu ấy nên đem tấm y kathina ấy đến một ngôi chùa có sīmā, thỉnh chư Tỳ khưu trong ngôi chùa ấy từ 4 vị Tỳ khưu trở lên, tụ họp tại sīmā để hành Tăng sự; thỉnh vị Tỳ khưu luật sư tụng Ñattidutiyakammavācā xong, trao tấm y kathina cho vị Tỳ khưu ấy. Vị Tỳ khưu ấy đem tấm y kathina trở về trong ngày hôm ấy, vị Tỳ khưu làm lễ thọ y kathina đúng theo luật mà Đức Phật đã chế định. Sau khi làm lễ thọ y kathina  xong, vị Tỳ khưu ấy được hưởng đặc ân 5 quả báu của  kathina, cho đến  ngày rằm tháng 2, hết quả báu của kathina.

Như Đức Phật dạy trong Tạng Luật, bộ Mahāvagga rằng:

Idha pana bhikkhave bhikkhu eko vassaṃ vasati, tattha manussā ‘Saṃghassa demā’ ti cīvarāni denti. Anujānāmi bhikkhave, tasseva tāni cīvarāni yāva kathinassa ubbhārāya”.[35]

Ý nghĩa:

Này chư Tỳ khưu, trong nơi ấy, một Tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa. Trong vùng ấy dân chúng làm lễ dâng y và bạch rằng: chúng con xin dâng những tấm y này đến chư Tăng.

Đức Phật dạy rằng:

“Này chư Tỳ khưu, Như Lai cho phép những tấm y ấy chỉ thuộc về Tỳ khưu ấy mà thôi, Tỳ khưu ấy được hưởng đặc ân 5 quả báu cho đến  hết thời hạn  quả báu của lễ kathina”.

Trong Chú giải dạy rằng:

Vị Tỳ khưu ấy mang tấm y kathina đến thỉnh chư Tỳ khưu Tăng từ 4 vị trở lên tụ họp hành Tăng sự tại sīmā, thỉnh vị Tỳ khưu luật sư tụng Ñattidutiyakammavācā xong rồi trao tấm y kathina cho vị Tỳ khưu ấy. Vị Tỳ khưu ấy trở về nơi mình đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa, Ngài làm lễ thọ y tấm y kathina xong, sẽ hưởng đặc ân 5 quả báu của kathina cho đến ngày rằm tháng 2, hết quả báu của kathina.

Vấn: Trường hợp nếu có 2 vị Tỳ khưu, hoặc 3 vị Tỳ khưu, hoặc 4 vị Tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa; chư Tỳ khưu ấy đã thọ nhận y kathina của thí chủ xong rồi, thì phải hành Tăng sự như thế nào?

Đáp: Hành Tăng sự lễ thọ y kathina, Đức Phật chế định chư Tỳ khưu có ít nhất 5 vị, còn nhiều không hạn định, hành Tăng sự như sau:

Nếu có 2 vị Tỳ khưu đã thọ nhận y kathina xong rồi, thì ngay trong ngày hôm ấy, cần phải thỉnh thêm ít nhất 3 vị Tỳ khưu từ ngôi chùa khác đến, để cho đầy đủ chư Tăng hành Tăng sự tụng Ñattidutiyakammavācā, trao tấm y kathina cho một vị Tỳ khưu nào xứng đáng để làm lễ thọ y kathina của chư Tăng, còn 1 vị Tỳ khưu hành lễ nói lời hoan hỷ lễ thọ y kathina.

Nếu có 3 vị Tỳ khưu đã thọ nhận y kathina xong rồi, thì ngay trong ngày hôm ấy, cần phải thỉnh thêm ít nhất 2 vị Tỳ khưu từ ngôi chùa khác đến, để cho đầy đủ chư Tăng hành Tăng sự tụng Ñattidutiyakammavācā, trao tấm y kathina cho một vị Tỳ khưu nào xứng đáng để làm lễ thọ y kathina của chư Tăng, còn 2 vị còn lại hành lễ đồng thanh nói lời hoan hỷ lễ thọ y kathina.

Nếu có 4 vị Tỳ khưu đã thọ nhận y kathina xong rồi, thì ngay trong ngày hôm ấy, cần phải thỉnh thêm ít nhất 1 vị Tỳ khưu từ ngôi chùa khác đến, để cho đầy đủ chư Tăng hành Tăng sự tụng Ñattidutiyakammavācā, trao tấm y kathina cho một vị Tỳ khưu nào xứng đáng để làm lễ thọ y kathina của chư Tăng, còn 3 vị còn lại hành lễ đồng thanh nói lời hoan hỷ lễ thọ y kathina.

Những chư Tăng khách không có quyền nói lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng, và cũng không có quyền hưởng quả báu của kathina.

Chư Tỳ khưu và các Sadi cùng an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa, tại ngôi chùa ấy. Nếu có vị Sadi nào đủ 20 tuổi trong khi đang an cư nhập hạ, thì vị Sadi ấy được chư Tỳ khưu Tăng làm lễ nâng lên thọ Tỳ khưu, vị tân Tỳ khưu này có quyền hành lễ Pavāraṇā cùng với chư Tỳ khưu Tăng, và được phép tham dự hành lễ thọ y kathina của chư Tăng, cũng hưởng đặc ân 5 quả báu của kathina như chư Tỳ khưu. Vị tân Tỳ khưu này có 1 hạ đầu tiên.

Vấn: Những hạng người nào có thể làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng được?

Đáp: Trong Chú giải Tạng Luật dạy rằng:

“Yena kenaci devena vā manussena vā pañcannaṃ vā sahadhammikānaṃ aññatrena dinnaṃ vaṭṭati”.[36]

Ý nghĩa:

Chư thiên hoặc phạm thiên hoặc nhân loại hoặc 5 pháp hữu đồng phạm hạnh đó là Tỳ khưu, hoặc Tỳ khưu ni, hoặc tu nữ tập sự (sikkhamānā), hoặc Sadi, hoặc Sadi ni. Hạng nào cũng có thể làm lễ dâng y kathina được.

Thật ra, điều kiện để thành tựu lễ thọ y kathina, để tất cả chư Tỳ khưu được hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ kathina cho đến ngày rằm tháng 2, hết thời hạn quả báu của kathina. Thí chủ làm lễ dâng 1 tấm y saṃghāṭi hoặc 1 tấm y uttarasaṅga hoặc 1 tấm y antaravāsaka, đến chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại một ngôi chùa hoặc một nơi thanh vắng trong rừng núi, hay hang động nào đó. Tất cả chư Tỳ khưu Tăng tuyển chọn một vị Tỳ khưu hiểu biết rõ 8 chi pháp xứng đáng, để làm lễ thọ y kathina của chư Tăng xong, chư Tỳ khưu Tăng còn lại đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng, thì tất cả chư Tỳ khưu được hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ kathina của chư Tăng cho đến ngày rằm tháng 2, hết hạn quả báu của kathina.

Nếu thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có tác ý thiện tâm làm lễ dâng chỉ có 1 tấm y trong tam y gọi là y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng, thì chỉ có 1 vị Tỳ khưu được chư Tỳ khưu Tăng tuyển chọn làm lễ thọ y kathina của chư Tăng bằng 1 tấm y ấy, còn lại các vị Tỳ khưu khác đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng thì được hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ thọ y kathina trong thời vị lai cho đến ngày rằm tháng 2. Trong buổi lễ dâng y kathina này, ngoại trừ vị Tỳ khưu làm lễ thọ y kathina ra, còn lại các vị Tỳ khưu khác chưa hưởng được tấm y quả báu phát sinh trong buổi lễ dâng y kathina đến chư Tăng.

Nếu thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có tác ý thiện tâm làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại ngôi chùa ấy, ngoài 1 tấm y kathina ra, còn cúng dâng nhiều tấm y, nhiều thứ vật dụng cần thiết khác. Cho nên, sau khi một vị Tỳ khưu đã làm lễ thọ y kathina của chư Tăng, tất cả chư Tỳ khưu Tăng đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng, thì tất cả chư Tỳ khưu Tăng không những hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ thọ y kathina của chư Tăng, trong thời vị lai cho đến ngày rằm tháng 2; mà còn ngay hiện tại, trong buổi lễ dâng y kathina này, tất cả chư Tỳ khưu Tăng đều có hưởng được phần quả báu phát sinh trong buổi lễ dâng y kathina này đó là tấm y và các thứ vật dụng cần thiết khác,... thì tất cả chư Tỳ khưu được thuận lợi trong sự  duy trì sinh mạng, để lo phận sự học pháp học Phật giáo, hành pháp hành Phật giáo, hầu mong duy trì Phật giáo được trường tồn lâu dài trên thế gian, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài đến tất cả chúng sinh nhất là chư thiên và nhân loại.

“Sādhu! Sādhu! Anumodāma”.
“Lành thay! Lành thay! Chúng tôi xin hoan hỷ!”

“Icchitaṃ patthitaṃ amhaṃ,
Khippameva samajjhatu”

“Điều mong ước, ý nguyện của chúng con,
Cầu mong sớm được thành tựu như ý”

Mùa an cư nhập hạ Pl. 2549
Núi rừng Viên Không,
Xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành,
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tỳ khưu Hộ Pháp
 (Dhammarakkhita Bhikkhu)

-ooOoo-


[1] Tạng luật Thái gọi xứ Patheyya. Nhóm 30 vị tỳ khưu xứ Pāveyya đều là bậc Thánh Hữu Học (bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai và bậc Thánh Bất Lai) vốn là 30 Hoàng tử huynh đệ cùng phụ hoàng với Đức vua Pasenadi Kosala.

[2] Một do tuần khoảng 20 cây số.

[3] Xứ Ấn Độ mỗi năm có 3 mùa: Mùa mưa, mùa lạnh và mùa nóng; mỗi mùa có 4 tháng.

[4] Tạng Luật, bộ Mahāvagga, phần Kathinakkhandhaka.

[5] Chú giải Tạng Luật, bộ Mahāvagga, Kathinakkhandhaka.

[6] Chú giải Tạng Luật, bộ Mahāvagga, Kathinakkhandhaka.

[7] Muparipaṇṇasa, kinh Dakkhināvibhaṅgasutta.

[8] Muparipaṇṇasa, kinh Dakkhināvibhaṅgasutta.

[9] Bộ Apadāna, Buddhāpadāna pubbakammapiloti.

[10] Bộ Jātaka, phỏng theo tích Ummānandījātaka.

[11] Bộ Chú giải Dhammapadaṭṭhakathā, sự tích Cūḷekasāṭaka-brahmaṇavatthu.

[12] Dhammapadagāthā số 116.

[13] Bộ Apādāna, sự tích Pilindavacchatherāpādāna.

[14] Tipiṭakapakiṇṇakadīpanī.

[15] Soḷasiṃ còn có nghĩa 1 phần 256.

[16] Aṅguttaranikāya, phần 5 chi, kinh Sappurisadānasutta.

[17] Tên chỗ ở mà chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ.

[18] Tên ngôi chùa đang làm lễ. Ở đây ví dụ núi rừng Viên Không “Viên Không araññe”, hoặc Tổ đình Bửu Long thì đọc “Bửu Long ārāme”

[19] Tên ngôi chùa đang làm lễ. Ở đây ví dụ núi rừng Viên Không, hoặc tại Tổ đình Bửu Long.

[20] Hatthapāda là khoảng cách từ người thí chủ đến chỗ ngồi của vị Đại đức 2 cùi tay và 1 gang, khoảng 1 mét.

[21] Chú ý: Để buổi lễ thọ y kathina được thành tựu, tấm y kathina mà thí chủ chưa kính dâng đến tận tay của vị Đại Trưởng Lão. Tỳ khưu không được đụng chạm đến tấm y kathina ấy và cũng không được phép dời tấm y kathina ấy sang chỗ khác. Nếu vị Tỳ khưu nào có tác ý đụng chạm đến tấm y kathina ấy, vị Tỳ khưu ấy bị phạm giới (durupaciṇṇadukkaṭa). Và nếu vị Tỳ khưu nào có tác ý dời tấm y kathina sang chỗ khác, vị tỳ khưu ấy bị phạm giới (uggahitakadukkaṭa) tấm y kathina ấy không hợp theo luật. Dù thí chủ dâng tấm y kathina ấy đến chư Tỳ khưu tăng, nhưng vị Tỳ khưu làm lễ thọ y kathina của chư Tăng không thành tựu, bởi vì tấm y kathina không còn hợp theo luật. (căn cứ theo điều giới Dantaponasikkhāpada).

[22] Chú giải Tạng Luật, bộ Mahāvagga, phần Kathinakkhandha.

[23] Chú giải Tạng Luật, bộ Mahāvagga, phần Kathinakkhandha.

[24] Vinayapiṭaka, bộ Parivāra, phần Pubbakaraṇanidānādivibhāga.

[25] Vinayapiṭaka, Bhikkhunīvibhaṅga, dasamasikkhapāda.

[26] Bhikkhupātimokkha, phần Pācittiya, điều giới thứ 46.

[27] Bhikkhupātimokkha, phần nisaggiya pācittiya, điều giới thứ 2.

[28] Bhikkhupātimokkha, phần Pācittiya, điều giới thứ 32.

[29] Bhikkhupātimokkha, phần nisaggiya pācittiya, điều giới số 1.

[30] Vinayapitaka, bộ Cūlavagga, phần Sangitinidāna.

[31] Tên thí chủ chính của lễ dâng y kathina.

[32] Tên vị Đại Đức được giới thiệu để thọ y kathina, ví dụ: Đại Đức Tissa.

[33] Kathinacīvaram: Y đã may sẵn để làm lễ thọ kathina. Kathinadussa: Vải để may y làm lễ thọ kathina.

[34] Gahapaticīvara là y có chủ, còn paṃsukūlacīvara là y may bằng các tấm vải dơ, những tấm vải này không có chủ. Khi biết rõ những tấm vải này không có chủ vị Tỳ khưu tự mình có thể lượm những tấm vải ấy đem về giặt cho sạch sẽ, rồi may thành y mặc, mà không cần có thí chủ dâng tận tay đúng theo luật.

[35] Vinayapiṭaka, Bộ Mahāvagga, phần Cīvarakkhandhaka.

[36] Chú giải Tạng Luật, Chú giải bộ Mahāvagga, phần Kathinakkhandhaka.

-ooOoo-

Ðầu trang

 

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 07-07-2007