Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

THERAVĀDA
PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

KHO TÀNG PHÁP HỌC

Tỳ Khưu Giác Giới
biên soạn

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


CHƯƠNG PHÁP NĂM CHI

[260] Năm pháp đa tác dụng (Bahukārā dhammā):

Tức là năm chi cần (Padhāniyaṅga), năm chi phần trợ sự tinh tấn:

1. Có đức tin (Saddho), có niềm tin chắc chắn nơi tam bảo, tin lý nhân quả nghiệp báo.

2. Ít bệnh tật (Appābādho), thân khinh an, khỏe mạnh, dễ dàng trong bốn oai nghi.

3. Không gian trá (Asaṭho), tâm trung thực ngay thằng, không ươn hèn lừa lọc.

4. Siêng năng (Āraddhaviriyo), chăm chỉ năng động, không biếng nhác thụ động.

5. Có trí tuệ (Paññavā), sáng suốt hiểu biết trong mọi vấn đề.

D.III. 277

[261] Năm pháp cần tu tập (Bhāvetabbā dhammā):

Tức là năm chi phần chánh định (Pañcaṅgiko sammāsamādhi):

1. Hỷ biến mãn (Pītipharaṇatā), ám chỉ định nhị thiền; một trạng thái chánh định với hỷ sung mãn.

2. Lạc biến mãn (Sukhapharaṇatā), ám chỉ định tam thiền; một trạng thái chánh định với lạc sung mãn.

3. Tâm biến mãn (Cetopharaṇatā), ám chỉ tha tâm thông; một trạng thái chánh định nhạy bén về tác ý, biết được tâm người khác.

4. Quang biến mãn (Ālokapharaṇatā), ám chỉ thiên nhãn thông; một trạng thái chánh định nhạy bén về tác ý, thấy được các sắc gần xa thô tế.

5. Phản khán tướng (Paccavekkhaṇanimittaṃ) ám chỉ tuệ quán chiếu kiến danh sắc, một trạng thái chánh định nhạy bén sát trừ phiền não.

D. III. 277.

[262] Năm pháp cần biến tri (Pariññeyyā dhammā):

Tức là năm thủ uẩn (Pañcupādānakkhandha):

1. Sắc thủ uẩn (Rūpūpādānakkhandha), tức là bất cứ sắc gì thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai, nội phần, ngoại phần, thô tế, xa hoặc gần, mà bị chấp thủ, thành cảnh lậu.

2. Thọ thủ uẩn (Vedanūpādānakkhandha), tức là bất cứ thọ gì thuộc quá khứ... xa hoặc gần, mà bị chấp thủ, thành cảnh lậu.

3. Tưởng thủ uẩn (Saññūpādānakkhandha), tức là bất cứ tưởng gì thuộc quá khứ... xa hoặc gần, mà bị chấp thủ, thành cảnh lậu.

4. Hành thủ uẩn (Saṅkhārūpādānakkhandha), tức là bất cứ hành gì thuộc quá khứ... xa hoặc gần, mà bị chấp thủ, thành cảnh lậu.

5. Thức thủ uẩn (Viññāṇūpādānakkhandha), tức là bất cứ thức gì thuộc quá khứ... xa hoặc gần, mà bị chấp thủ, thành cảnh lậu.

Đây là sự phân biệt giữa uẩn (khandha) và thủ uẩn (upādāna): năm uẩn là nói tổng quát danh sắc hữu vi, năm thủ uẩn là nói giới hạn các uẩn còn bị chấp thủ, còn thuộc cảnh lậu.

D. III.278; S.III.47; PS.II.109; Vism.505

[263] Năm pháp cần đoạn trừ (Pahātabbā dhammā):

Tức là năm triền cái (Nīvaraṇa), năm thứ phiền não ngăn che sự tiến tu, làm trở ngại thiền định đạo quả:

1. Dục dục cái (Kāmāchandanīvaraṇa), sự tham muốn dục lạc.

2. Sân độc cái (Byāpādanīvaraṇa), sự sân hận thù oán.

3, Hôn thụy cái (Thīnamiddhanīvaraṇa), sự dã dượi buồn ngủ, uể oải mệt mỏi.

4. Trạo hối cái (Uddhaccakukkuccanīvaraṇa), sự ray rứt phóng tâm, xao động lo lắng.

5. Hoài nghi cái (Vicikicchānīvaraṇa), sự ngờ vực, do dự, hoang mang.

D.III.78; A.III.62; Vbh.378

Năm thứ triền cái này trong kinh có thí dụ tính chất ngăn che tâm như năm thứ nước:

Dục tham như nước pha màu.
Sân hận như nước nóng sôi.
Hôn thụy như nước đóng rong.
Trạo hối như nước dậy sóng.
Hoài nghi như nước bùn.

S.V.121

[264] Năm pháp thuộc phần hạ liệt (Hānabhāgiyā dhammā):

Tức là năm tâm hoang vu (Cetokhila):

1. Hoài nghi bậc Đạo Sư (Satthari kaṅkhati), là nghi ngờ, thiếu lòng tin nơi Đức Phật.

2. Hoài nghi Giáo pháp (Dhamme kaṅkhati), là nghi ngờ, thiếu lòng tin nơi lời dạy của Đức Phật, không tin chắc hiệu năng giáo pháp.

3. Hoài nghi Tăng chúng (Saṅghe kaṅkhati), là nghi ngờ, thiếu lòng tin nơi sự thanh tịnh và vai trò của giáo hội tỳ-kheo đệ tử Phật.

4. Hoài nghi Học giới (Sikkhāya kaṅkhati), là nghi ngờ pháp môn tu tập, thiếu lòng tin đối với giới học, định học, tuệ học.

5. Phẫn nộ với Bạn đồng phạm hạnh (Sabrahmacārīsu kupito hoti), có tâm hiềm khích, bất mãn đối với các vị đồng tu.

Khi một vị tỳ-kheo sống với tâm nghi ngờ bậc Đạo Sư v.v... thì vị ấy không chuyên cần nỗ lực để tu tập, không hướng đến mục đích, không thiết tha sống phạm hạnh. Nên gọi đó là tâm hoang vu.

M.I. 101; D.III.237, 278.

[265] Năm pháp thuộc phần thù thắng (Visesabhāyiyā dhammā):

Tức là ngũ quyền (Pañcindriya), năm pháp có khả năng đặc biệt, pháp trọng yếu để phát triển thiện pháp, pháp có quyền lực trấn áp các tính chất bất thiện:

1. Tín quyền (Saddhindriya), tức là niềm tin tam bảo, một yếu tố khắc chế tâm hoài nghi.

2. Tấn quyền (Viriyindriya), tức là sự dũng mãnh tinh cần, một yếu tố khắc chế tâm biếng nhác thụ động.

3. Niệm quyền (Satindriya), tức là chánh niệm ghi nhớ rõ ràng một yếu tố khắc chế tâm buông thả.

4. Định quyền (Samādhindriya), tức là sự tập trung tư tưởng, trụ tâm vào một cảnh, một yếu tố khắc chế tâm tán loạn.

5. Tuệ quyền (Paññindriya), tức là trí sáng suốt, hiểu biết thấu đáo, minh sát thực tính của danh sắc, một yếu tố khắc chế tâm si mê.

Năm quyền này cũng được gọi là năm lực (Bala), sức mạnh nội tâm.

D.III.239; A.III.10; Vbh.342

[266] Năm pháp khó thể nhập (Duppaṭivijjhā dhammā):

Tức là năm xuất ly giới (Nissāraṇīyā dhātuyo), tính chất ly khai chướng ngại pháp:

1. Xuất ly các dục (Kāmānaṃ nissaraṇaṃ), tức là tâm giải thoát khỏi sự tham muốn dục lạc. Được như vậy do khéo tu chứng thiền đề mục Bất tịnh (Asubhajhānaṃ).

2. Xuất ly phẫn nộ (Byāpādassa nissaraṇaṃ), tức là tâm giải thoát khỏi sự sân giận. Được như vậy nhờ khéo tu tập thiền đề mục Từ tâm (Mettājhānaṃ).

3. Xuất ly não hại (Vihesāya nissaraṇaṃ), tức là tâm giải thoát khỏi sự não hại. Được như vậy nhờ khéo tu tập thiền đề mục Bi tâm (Karuṇā jhānaṃ).

4. Sự xuất ly các sắc (Rūpānaṃ nissaraṇaṃ), tức là tâm giải thoát khỏi các sắc tưởng. Được như vậy nhờ khéo tu tập, chứng bốn thiền vô sắc (Arūpaj jhānaṃ).

5. Xuất ly hữu thân (Sakkāyanissaraṇaṃ), tức là sự giải thoát khỏi năm thủ uẩn tái sinh trong tương lai. Ở đây một vị đã chứng đắc đạo quả A-la-hán (Arahattamaggaphalaṃ), sự chứng đạt ấy gọi là xuất ly hữu thân.

D.III.239,278, D.A Saṅgītisutta.

[267] Năm pháp cần được sanh khởi (Uppādetabbā dhammā):

Tức là năm chánh định trí (Pañcañāṇiko sammāsamādhi), loại chánh định được thấu triệt bởi năm phản khán trí (Paccavekkhaṇañāṇa):

1. Tự sanh trí, biết "Đây là Định hiện tại lạc, tương lai quả lạc" (Ayaṃ samādhi paccuppannasukho c' eva āyatiñca sukhavipāko' ti paccattaṃyeva ñā-naṃ uppajjati).

2. Tự sanh trí, biết "Đây là Định cao thượng ly vật chất" (Ayaṃ samādhi ariyo nirāmiso' ti paccat-taṃyeva...).

3. Tự sanh trí, biết "Đây là Định chỉ do bậc kỳ nhân thực nghiệm" (Ayaṃ samādhi akāpurisasevito' ti paccattaṃyeva...)

4. Tự sanh trí, biết "Đây là Định thanh tịnh, tinh lương, tĩnh lặng, đạt đến nhất tâm, không hữu trợ, không bị chống đối, không bị thất bại" (Ayaṃ samādhi santo paṇīto paṭippassaddhaladdho ekodi-bhāvādhigato na ca sasaṅkhāraniggayhavāritavato' ti paccattaṃyeva...)

5. Tự sanh trí, biết "Ta đang chánh niệm nhập định này, đang chánh niệm xuất định này" (So' haṃ imaṃ samādhiṃ sato va samāpajjāmi sato vuṭṭhahāmī' ti paccattaṃyeva ñāṇaṃ uppajjati).

D. III.278

[268] Năm pháp cần thắng tri (Abhiññeyyā dhammā):

Tức là năm giải thoát xứ (Vimuttāyatana), năm nhân tố giúp vị tỳ-kheo đạt đến tâm định tĩnh:

1. Lãnh hội nghĩa văn giáo pháp (Dhamme atthapaṭisaṃvedī ca hoti dhammapaṭisaṃvedī ca), nhờ hiểu nghĩa lý pháp nên sanh hân hoan, nhờ hân hoan nên sanh hỷ tâm, nhờ hỷ tâm nên thân khinh an, nhờ khinh an nên cảm thọ lạc, nhờ cảm thọ lạc nên tâm được định tỉnh.

2. Thuyết pháp rộng rãi đến người khác (Dhammaṃ vitthārena paresaṃ deseti), tùy theo pháp đã nghe, pháp đã học, đem pháp ấy giảng rộng cho người khác biết, nhờ vậy mà càng thâm hiểu giáo lý, nhờ thâm hiểu giáo lý nên sanh hân hoan...

3. Làu thông giáo pháp (Dhammaṃ vitthārena sajjhāyaṃ karoti), pháp nào đã nghe đã học, thuộc làu pháp ấy; nhờ thuộc làu nên thâm nhập nghĩa lý, nhờ thâm nhập nghĩa lý nên sanh hân hoan...

4. Thẩm nghiệm giáo pháp (Dhammaṃ cetasā anuvitakketi anuvicāreti), pháp nào đã nghe đã học, suy tư quán xét pháp ấy; nhờ vậy mà thâm hiểu nghĩa lý pháp, nhờ thâm hiểu nên sanh hân hoan...

5. Khéo nắm giữ định tướng (Samādhinimittaṃ suggahitaṃ hoti), tức là khi tu tập có phát sanh ấn chứng thiền định gì, vị ấy khéo tác ý, khéo gìn giữ ấn chứng tâm định ấy, nhờ khéo nắm giữ ấn chứng tâm định nên sanh hân hoan, nhờ hân hoan nên sanh hỷ tâm, nhờ hỷ tâm nên thân khinh an, nhờ thân khinh an nên cảm thọ lạc, nhờ cảm thọ lạc nên tâm được định tĩnh.

D. III. 241, 279

[269] Năm pháp cần tác chứng (Sacchikātabbā dhammā):

Tức là năm pháp uẩn (Dhammakkhandha):

1. Giới uẩn (Sīlakkhandha), sự tổng hợp pháp môn thuộc phần giới, như là pháp cung kính, pháp phục vụ, biệt giải thoát thu thúc, thân thiện hạnh, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng v.v...

2. Định uẩn (Samādhikhandha), sự tổng hợp pháp môn thuộc phần định, như là dục, cần, tâm, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định...

3. Tuệ uẩn (Paññākhandha), sự tổng hợp pháp môn thuộc phần tuệ, như là trạch pháp, thẩm, đạt tri, chánh kiến, chánh tư duy...

4. Giải thoát uẩn (Vimuttikhandha), sự tổng hợp pháp môn thuộc phần giải thoát, như là sự đoạn trừ, sự ly tham, sự giải thoát, sự thanh tịnh, sự tịch tịnh, sự đoạn diệt, níp-bàn...

5. Giải thoát tri kiến uẩn (Vimuttiñāṇadassana khandha), sự tổng hợp pháp môn thuộc về thánh trí đạt đến giải thoát, như là đạo tuệ, quả tuệ, phản khán tuệ.

Bốn pháp uẩn đầu còn gọi là pháp cốt lõi (Sāra).

D. III.279, A.II.140, A.III.134.

[270] Năm cố chấp (Saṅga), năm thứ phiền não hệ lụy tin thần:

1. Tham chấp (Rāgasaṅga), sự ái luyến làm cho người thành cố chấp.

2. Sân chấp (Dosasaṅga), sự oán hận làm cho người thành cố chấp.

3. Si chấp (Mohasaṅga), sự ngu dốt làm cho người thành cố chấp.

4. Mạn chấp (Mānasaṅga), sự kiêu ngạo làm cho người thành cố chấp.

5. Kiến chấp (Diṭṭhisaṅga), tà kiến làm cho người thành cố chấp.

Vibh.509, Thag.633, DhA. IV.187

[271] Năm mũi tên (Salla), năm thứ phiền não làm đau khổ như bị tên bắn xuyên thủng:

1. Ái tiển (Rāgasalla), tham ái như mũi tên.

2. Sân tiển (Dosasalla), sân hận như mũi tên.

3. Si tiển (Mohasalla), si mê như mũi tên.

4. Mạn tiển (Mānasalla), kiêu mạn như mũi tên.

5. Kiến tiển (Diṭṭhisalla), tà kiến như mũi tên.

Vibha. 509

[272] Năm sự suy sụp (Byasana):

1. Suy sụp thân quyến (Ñātibyasana), là không có bà con người thân, hoặc quyến thuộc bị ly tán.

2. Suy sụp tài sản (Bhogabyasana), là nghèo khổ không có tài sản, hoặc tài sản khánh tận.

3. Suy sụp bệnh hoạn (Rogabyasana), là sức khỏe suy sụp do bệnh tật.

4. Suy sụp giới hạnh (Sīlabyasana), là sống ác giới, vi phạm giới luật, có giới bị ô nhiễm bất tịnh.

5. Suy sụp tri kiến (Diṭṭhibyasana), là chấp theo tà kiến, ác kiến, có quan điểm sai lầm phi chân lý.

Ba suy sụp đầu là ba sự bất hạnh thuộc quả của nghiệp xấu, hai suy sụp sau là sự dể duôi thiếu trí, là nhân đưa đến bất hạnh.

Vbh.128, 184

[273] Năm nghiệp vô gián (Anantariyakamma):

1. Giết mẹ (Mātughāta)

2. Giết cha (Pitughāta)

3. Giết bậc thánh A-la-hán (Arahantaghāta)

4. Làm chảy máu Phật (Lohituppāda)

5. Chia rẽ tăng (Saṅghabheda).

Một người với sân tâm hay tà kiến hành động giết mẹ, giết cha v.v... mới kể vào trọng nghiệp vô gián.

Một người tạo nghiệp như vậy chắc chắn bị quả sanh báo nghiệp đọa địa ngục, không có nghiệp khác ngăn che được, nên gọi là vô gián nghiệp.

A. III. 146.

[274] Năm cách bỏn xẻn (Macchariya):

1. Bỏn xẻn chỗ ở (Āvāsavamacchariya), hẹp lượng về trú xứ, không thích cho người khác ngụ nhờ tá túc, thậm chí là ở dưới bóng cây nhà mình.

2. Bỏn xẻn gia đình (Kulamacchariya), có hai nghĩa: kỳ thị giai cấp, hoặc không muốn người khác chia sẻ tình cảm quan hệ của mình.

3. Bỏn xẻn lợi lộc (Lābhamacchariya), không muốn bố thí đến người khác, không muốn ai chia sẻ lợi lộc của mình.

4. Bỏn xẻn dung sắc (Vaṇṇamacchariya), tức là hẹp lượng lời khen tặng, không muốn khen ngợi người khác.

5. Bỏn xẻn pháp (Dhammamacchariya), hẹp hòi sự chỉ dạy cho người khác về tài nghệ hay kiến thức, sợ người khác sẽ biết bằng mình hoặc hơn mình.

D. III. 234; A. III. 271; Vbh. 357

[275] Năm nghề buôn bán trái đạo của người cư sĩ (Micchājīvavaṇijjā):

1. Buôn bán vũ khí (Satthavaṇijjā), bán khí giới để người dùng giết hại nhau như gươm đao, cung tên, súng đạn v.v...

2. Buôn bán chúng sanh (Sattavaṇijjā), theo chú giải điều này tức là bán con người để người khác mua về làm nô lệ.

3. Buôn bán thịt (Maṃsavaṇijjā), theo chú giải điều này tức là bán con thú để người mua về lấy thịt ăn, cũng có nghĩa là mua thịt thú bán lại cho người khác ăn...

4. Buôn bán chất say (Majjavaṇijjā), nghĩa là bán thức uống làm cho người khác say sưa như các loại rượu...

5. Buôn bán thuốc độc (Visavaṇijjā), tức là bán chất độc dùng để hại chúng sanh.

Người cư sĩ nuôi sống bằng năm nghề buôn bán này gọi là người sống tà mạng, có nghề tà mạng.

A. III. 207

[276] Năm lực (Pañcabala), năm sức mạnh hỗ trợ tinh thần tu tập:

1. Tín lực (Saddhābala), sức mạnh niềm tin.

2. Tấn lực (Viriyabala), sức mạnh tinh tấn.

3. Niệm lực (Satibala), sức mạnh ghi nhận.

4. Định lực (Samādhibala), sức mạnh tập chú.

5. Tuệ lực (Paññābala), sức mạnh trí tuệ.

Năm lực này có chi pháp giống như năm quyền (indriya); khi nói đến khả năng hoạt dụng thì gọi là Quyền, nói đến công năng tác dụng thì gọi là Lực. Xem [263] năm pháp thuộc phần thù thắng.

D. III. 239; A.II.10; Vbh. 342.

[277] Năm pháp thu thúc (Saṃvara), sự phòng hộ, sự ngăn ngừa:

1. Biệt giải thoát thu thúc (Pāṭimokkhasaṃvara), sự thu thúc trong giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa, giữ gìn các học giới thanh tịnh không vi phạm. Đây cũng gọi là Giới thu thúc (Sīlasaṃvara).

2. Niệm thu thúc (Saṭisaṃvara), sự thu thúc bằng chánh niệm khi thấy - nghe - ngửi - nếm - đụng - suy nghĩ, không để bất thiện sanh khởi. Đây cũng gọi là Quyền thu thúc (Indriyasaṃvara).

3. Trí thu thúc (Ñāṇasaṃvara), sự thu thúc ngăn chặn phiền não bằng trí tuệ quán xét, như là quán tưởng khi thọ dụng bốn món vật dụng. Đây cũng gọi là Quán tưởng thu thúc (Paccayapaccavekkhaṇasaṃvara).

4. Nhẫn thu thúc (Khantisaṃvara), sự thu thúc ngăn chặn phiền não bằng cách kham nhẫn với nghịch cảnh, kham nhẫn với các cảm thọ khó chịu.

5. Cần thu thúc (Viriyasaṃvara), sự thu thúc ngăn chặn phiền não bằng cách tinh tấn, cố gắng duy trì thiện pháp và từ bỏ ác pháp, sống chánh mạng. Đây cũng gọi là Dưỡng mạng thanh tịnh (Ājīvaparisuddhi).

Năm pháp thu thúc này là phần Luật thu thúc (Saṃvaravinaya) kể trong hai phần luật: Samva-ravinaya Pahānavinaya (Luật đoạn trừ).

Vism. 7; PsA.14, 447; VbhA. 330.

[278] Năm chi phần đa văn (Bahussutaṅga), điều kiện để trở thành bậc đa văn:

1. Nghe nhiều (Bahusutā), siêng học hỏi pháp với các bậc trí hoặc nghiên cứu kinh điển.

2. Ghi nhớ (Dhatā), nhớ được những điều đã học hỏi.

3. Đọc làu (Vacasā paricitā), tập quen tụng đọc hoặc phát ngôn những pháp đã biết.

4. Suy luận (Manasānupekkhitā), thường suy nghĩ thẩm nghiệm pháp đã học.

5. Khéo thể nhập tri kiến (Diṭṭhiyā supaṭividdhā), chứng nghiệm pháp bằng chánh tri kiến.

A. III. 112.

[279] Năm pháp tân tỳ-kheo (Navakabhikkhudhamma), điều mà vị tỳ-kheo mới tu phải hành theo:

1. Thu thúc giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa (Pāṭimokkhasaṃvara), nghiêm trì giới hạnh, không vi phạm các điều học đã được Đức Phật chế định, biết sợ hãi trong các tội lỗi nhỏ nhặt.

2. Thu thúc lục căn (Indriyasaṃvara), phòng hộ chánh niệm đối với mắt - tai - mũi - lưỡi - thân - ý; khi thấy - nghe - ngửi - nếm - đụng - suy nghĩ đều chánh niệm để ngăn ngừa tham sân sanh khởi.

3. Hạn chế phiếm luận (Bhassapariyanta), ít nói chuyện vô ích; nếu có nói thì đàm luận các đề tài Phật pháp cho trí phát sanh.

4. Sống thân viễn ly (Kāyavūpakāsa), thích sống yên lặng độc cư, không tụ họp ồn ào.

5. Có chánh kiến (Sammādassana), hiểu biết đúng, quan niệm đúng, có tri kiến chân chánh về Phật pháp.

A. III. 138.

[280] Năm pháp của vị tỳ-kheo trụ trì (Āvāsikadhamma) đáng nêu gương:

1. Đầy đủ hạnh kiểm và trách nhiệm (Ākappavattasampanna).

2. Nghe nhiều học rộng (Bahussuta)

3. Sống tĩnh lặng (Paṭisallekhitā)

4. Lời nói hiền thiện (Kalyāṇavācā)

5. Có trí tuệ sáng suốt (Paññavā)

A. III. 261

[281] Năm pháp của vị tỳ-kheo trụ trì (Āvāsikadhamma) đáng kính trọng:

1. Có giới hạnh (Sīlavā)

2. Nghe nhiều học rộng (Bahussuta)

3. Lời nói hiền thiện (Kalyāṇavācā)

4. Đắc được thiền định (Jhānalābhī)

5. Chứng ngộ vô lậu tâm giải thoát và tuệ giải thoát (Anāsavacetovimittipaññāvimuti).

A. III. 261.

[282] Năm pháp của vị tỳ-kheo trụ trì (Āvāsikadhamma) làm chói sáng địa phương:

1. Có giới hạnh (Sīlavā).

2. Nghe nhiều học rộng (Bahussuta).

3. Lời nói hiền thiện (Kalyāṇavācā)

4. Có khả năng thuyết pháp khích lệ sách tấn người khác (Dhammikathāya sandassanā).

5. Đắc được thiền định (Jhānalābhī).

A. III. 262.

[283] Năm pháp của vị tỳ-kheo trụ trì (Āvāsikadhamma) làm lợi ích cho địa phương:

1. Có giới hạnh (Sīlavā)

2. Nghe nhiều học rộng (Bahussuta)

3. Biết tu sửa vật hư hỏng (Khaṇḍaphullapaṭi-saṅkharaka)

4. Biết kêu gọi làm phước đến tăng khách (Puññakaraṇāy' ārocaka).

5. Đắc được thiền định (Jhānalābhī).

A. III. 263.

[284] Năm pháp của vị tỳ-kheo trụ trì (Āvāsikadhamma) có lòng bi mẫn với cư sĩ:

1. Sách tấn tu tăng thượng giới (Adhisīle samā dapaka).

2. Hướng dẫn sống theo gương chánh pháp (Dhammadassane nivesaka).

3. Trợ niệm cho người bệnh (Gilānasatuppādaka).

4. Kêu gọi làm phước đến khách tăng (Puññakaraṇāy' ārocaka).

5. Không làm tổn thất của tín thí (Saddhādeyyāvinipātaka).

A. III. 263.

[285] Năm pháp của vị tỳ-kheo trụ trì (Āvāsikadhamma) đáng được sanh cõi trời:

1. Đã thẩm xét mới chê người đáng chê (Anuvicca avaṇṇārahassa avaṇṇaṃ bhāsati).

2. Đã thẩm xét mới khen người đáng khen (Anu-vicca vaṇṇārahassa vaṇṇaṃ bhāsati).

3. Đã thẩm xét mới không tín ngưỡng nơi không đáng tín ngưỡng (Anuvicca appasādanīye ṭhāne appa-sādaṃ upadaṃseti).

4. Đã thẩm xét mới tín ngưỡng nơi đáng tín ngưỡng (Anuvicca pasādanīye ṭhāne pasādaṃ upadaṃseti).

5. Không làm tổn thất của tín thí (Saddhādeyyaṃ na vinipāteti).

A. III. 264.

[286] Năm pháp của vị tỳ-kheo trụ trì (Āvāsikadhamma) cũng đáng được sanh cõi trời:

1. Không bỏn xẻn trú xứ (Na āvāsamaccharī hoti), không ngăn cản chỗ ở khách tăng.

2. Không bỏn xẻn gia đình (Na kulamaccharī hoti), tức là không ngăn cản gia đình đàn tín cúng dường đến khách tăng.

3. Không bỏn xẻn lợi lộc (Na lābhamaccharī hoti), tức là không tiếc chia sẻ lợi lộc đến khách tăng.

4. Không bỏn xẻn lời khen (Na vaṇṇamaccharī hoti), tức là không tiếc lời khen tụng người đáng khen tụng.

5. Không bỏn xẻn pháp (Na dhamma maccharī hoti), tức là không tiếc lời để giảng giải Phật pháp cho những ai muốn học hỏi.

A. III. 264.

[287] Năm đức tính pháp sư (Dhammadesakadhamma), năm pháp trú để thành vị pháp sư chân chánh:

1. Thuyết tuần tự pháp (Anupubbikathaṃ katheti), tức là thuyết pháp dẫn giải thứ lớp từ thấp lên cao.

2. Thuyết trọng tâm vào pháp môn (Pariyāyadassāvī kathaṃ katheti), tức là dẫn giải y cứ vào pháp, không nói lạc đề.

3. Thuyết pháp vì lòng bi mẫn (Anudayataṃ paṭicca kathaṃ katheti), tức là thuyết cho người khác nghe với tâm thương xót muốn họ lợi ích

4. Thuyết không vì tài vật (Na āmisantare kathaṃ katheti), tức là thuyết pháp không phải vì được tài vật cúng dường.

5. Thuyết không làm thương tổn đến mình và người (Attānañca parañca anupahacca kathaṃ katheti), tức là thuyết pháp không xuyên tạc người khác, cũng không tự hạ mình.

A. III. 184.

[288] Năm pháp tăng thịnh cao quí (Ariyavaḍḍhi):

1. Đức tin (Saddhā), niềm tin chân chánh nên làm tăng trưởng

2. Giới hạnh (Sīla), sự thanh tịnh giới nên an trú.

3. Đa văn (Suta), sự học hỏi nên phong phú.

4. Xả thí (Cāga), sự dứt bỏ lòng bỏn xẻn nên thực hành.

5. Trí tuệ (Paññā), sự hiểu biết nên trau dồi.

A. III. 80.

[289] Năm pháp tiến hành cho thuần thục tâm giải thoát (Cetovimutt paripākasaṃvattana dhamma):

1. Có bạn lành (Kalyāṇamitto hoti), nghĩa là thân cận với bạn hiền thiện, cũng có nghĩa là làm bạn với thiện pháp.

2. Có giới hạnh (Sīlavā hoti), tức là thọ trì giới được thanh tịnh.

3. Không biết mệt mỏi với cuộc thảo luận về đề tài bổ ích như hạnh thiểu dục... (Apicchakathādiyā kathāya nikāmalābhī hoti).

4. Sống chuyên cần (Āraddhaciriyo viharati), tức là tâm siêng năng linh hoạt không biếng nhác thụ động.

5. Có trí tuệ (Paññavā hoti), tức là có sự hiểu biết sáng suốt trong pháp môn tu tập.

A.IV.354, Ud.328.

[290] Năm pháp lạc trú (Phāsuvihāra):

1. Thể hiện thân nghiệp từ (Mettaṃ kāyakam-maṃ paccupaṭṭhitaṃ hoti), là hành động bằng tâm từ.

2. Thể hiện khẩu nghiệp từ (Mettaṃ vacī-kammaṃ paccupaṭṭhitaṃ hoti), là miệng nói bằng tâm từ.

3. Thể hiện ý nghiệp từ (Mettaṃ manokammaṃ paccupaṭṭhitaṃ hoti), là ý nghĩ bằng tâm từ.

4. Sống thành tựu giới (Sīlasāmaññagato viha-rati), là an trú trong giới hạnh cao thượng.

5. Sống thành tựu tri kiến (Diṭṭhisāmaññagato viharati), là an trú với chánh tri kiến.

A.III.132

[291] Năm pháp tăng chúng lạc trú (Saṅ-ghaphāsuvihāra):

1.Vị tỳ-kheo tự thành tựu giới mà không phiền hà người khác về tăng thượng giới (Bhikkhu attanā sīlasampanno hoti no paraṃ adhisīle sampavattā).

2. Tự xét lỗi mình không xét lỗi người (Attānupekkhī hoti no parānupekkhī).

3. Không có danh tiếng nhưng chẳng thất vọng vì không có danh tiếng (Appaññāto ca hoti tena Appañ-ñātikena no paritassati).

4. Chứng đắc thiền hiện tại lạc trú không khó khăn (Jhānānaṃ diṭṭhadhammasukhavihārānaṃ ni-kāmalābhī hoti).

5. Ngay hiện tại chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát tuệ giải thoát (Anāsavaṃ cetovimuttiṃ paññāvimutti diṭṭheva dhamme sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharati).

A.III.132

[292] Năm pháp tạo can đảm (Vesārajjakaraṇadhamma), pháp làm cho thành người dạn dĩ:

1. Đức tin (Saddhā), có niềm tin tam bảo, tin lý nhân quả nghiệp báo.

2. Giới hạnh (Sīla), sống đạo đức, không lầm lỗi.

3. Đa văn (Bāhusaccaṃ), kiến thức quảng bác, nghe nhiều học rộng.

4. Tinh cần (Viriyārambha), nỗ lực siêng năng.

5. Trí tuệ (Paññā), hiểu biết thấu đáo mọi điều.

Năm pháp này gọi là pháp tạo can đảm vì cái gì làm cho người không niềm tin bị sợ hãi thì cái đó không làm cho người có niềm tin sợ hãi, cái gì làm cho kẻ ác giới sợ hãi thì cái đó không làm cho người có giới sợ hãi v.v... nên gọi là pháp tạo can đảm.

A. III. 127.

[293] Năm pháp làm tăng tuổi thọ (Āyussadhamma):

1. Làm việc thích hợp (Sappāyakārī), là làm việc không quá phí sức, làm việc điều hòa.

2. Tiết độ trong sự thích hợp (Sappāye mattaññū), là biết vừa phải trong việc ăn uống sao cho thích hợp.

3. Ăn đồ dễ tiêu hóa (Pariṇatabhojī), là tránh ăn những thức ăn khó tiêu hóa làm cho cơ thể mệt mỏi.

4. Sở hành hợp thời (Kālacārī), là sự đi, đứng, nằm, ngồi đúng lúc và điều hóa.

5. Sống phạm hạnh (Brahmacārī), là không trụy lạc, không đam mê sắc dục.

Cũng có năm pháp gia tăng tuổi thọ khác nữa là:

1. Làm việc thích hợp
2. Tiết độ trong sự thích hợp
3. Ăn uống dễ tiêu hóa
4. Có giới hạnh (Sīlavā)
5. Có bạn lành (Kalyānamittatā)

Có sự khác biệt ở 2 pháp sau.

A. III. 145.

[294] Năm điều nên thường quán tưởng (Abhiṇhapaccavekkhaṇa):

1. Tình trạng già (Jarādhammatā), phải thường quán xét rằng: "Ta phải già, không thoát khỏi sự già." Quán tưởng điều này để giảm trừ kiêu mạn tuổi trẻ.

2. Tình trạng bệnh (Byādhidhammatā), phải thường quán xét rằng: "Ta phải bệnh, không thoát khỏi sự bệnh". Quán tưởng điều này để giảm trừ kiêu mạn sức khỏe.

3. Tình trạng chết (Maraṇadhammatā), phải thường quán xét rằng: "Ta phải chết, không thoát khỏi sự chết". Quán tưởng điều này để giảm trừ kiêu mạn sống lâu.

4. Tình trạng thân ly (Piyavinābhāvatā), phải thường quán xét rằng: "Mọi thứ ta thương yêu đều phải đổi khác, biệt ly". Quán tưởng điều này để giảm trừ ái luyến dính mắc.

5. Tình trạng sở hữu nghiệp (Kammassakatā), phải thường quán xét rằng: "Ta là sở hữu của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp, ta sẽ chịu lãnh hậu quả tùy theo nghiệp thiện hay nghiệp ác đã làm". Quán tưởng điều này để giảm trừ các ác hạnh.

Năm điều quán tưởng này giúp cho từ bỏ sự dể duôi trong bất thiện pháp. Nếu thường xuyên quán sát như vậy có thể phát sanh tuệ quán đắc đạo quả níp-bàn.

A. III. 71.

[295] Năm pháp của người cận sự tam bảo (Upāsakadhamma), đức lành của cư sĩ:

1. Có niềm tin (Saddho hoti)

2. Có giới hạnh (Sīlavā hoti)

3. Không bói toán, đoán điềm (Akotuhala-maṅgaliko hoti).

4. Không tìm đối tượng đáng cúng dường ngoài tam bảo (Na ito bahiddhā dakkhineyyaṃ gavesati).

5. Phục vụ tam bảo trước hết (Idha ca pubbakāraṃ karoti).

A. III. 206.

[296] Năm giới của cư sĩ, ngũ giới (Pañcasīla):

1. Tránh sát sanh (Pāṇātipātā veramaṇī), từ bỏ sự hại chết sanh mạng người và vật.

2. Tránh trộm cướp (Adinnādānā veramaṇī), từ bỏ việc lấy tài sản kẻ khác mà người ta không bằng lòng.

3. Tránh tà dâm (Kāmamicchācārā veramaṇī), từ bỏ hành vi tà vạy gian dâm trái đạo.

4. Tránh nói dối (Musāvādā veramaṇī), từ bỏ lời nói sai với sự thật.

5. Tránh uống rượu (Surāmerayamajjapamā daṭṭhānā veramaṇī), từ bỏ sự uống các chất say là nhân làm cho dể duôi.

Năm giới này trong Tiểu bộ kinh (tập Apadāna Buddhavaṃsa). Còn gọi là thường giới (niccakāla) vì là giới mà cư sĩ phải thường thọ trì; cũng được gọi là giới nhân đạo (manussadhamma) vì đây là điều đạo đức căn bản của con người.

D. III. 235; A. III. 203; Vbh. 285.

[297] Năm hảo pháp (Pañcakalyāna dhamma), năm đức hạnh, năm pháp hỗ trợ cho sự giữ giới tốt đẹp:

1. Từ bi (Mettākaruṇā), tính hiền hòa và thương xót mọi loài. Đức tính này hỗ trợ giới thứ nhất (không sát sanh).

2. Chánh mạng (Sammā-ājīva), nuôi mạng chân chính, không gian tham. Đức tính này hỗ trợ giới thứ hai (không trộm cắp).

3. Thúc liễm dục tham (Kāmasaṃvara), kềm chế tình dục, thu thúc ý căn không cho ái nhiễm dục trần. Đức tính này hỗ trợ giới thứ ba (không tà dâm).

4. Chân thật (Sacca), tính ngay thẳng trung thực. Đức tính này hỗ trợ giới thứ tư (không nói dối).

5. Chánh niệm tỉnh giác (Satisampajañña), tâm bén nhạy trong sự ghi nhớ và nhận thức. Đức tính này hỗ trợ giới thứ năm (không uống rượu).

Năm hảo pháp này có nhiều chỗ sai khác nhau vài điểm, như là pháp thứ hai có chỗ ghi là bố thí (dāna), pháp thứ ba là tri túc vợ nhà (sadārasantosa), pháp thứ năm là không dể duôi (appamāda). Sở dĩ có sự sai khác như vậy vì năm pháp này do các vị đời sau dẫn giải dựa theo sự tu tập mà nêu lên thôi.

Về xuất xứ kinh trình bày năm pháp này cũng không rõ ràng.

[398] Năm pháp tự lợi lợi tha (Attahitaparahitapaṭipanna):

1. Tự mình thành tựu giới và khuyến khích người khác thành tựu giới (Attanā ca sīlasampanno hoti parañca sīlasampadāya samādapeti).

2. Tự mình thành tựu định và khuyến khích người khác thành tựu định (Attanā ca samādhisam-panno hoti parañca samādhisampadāya samādapeti).

3. Tự mình thành tựu tuệ và khuyến khích người khác thành tựu tuệ (Attanā ca paññāsampanno hoti parañca paññāsampadāya samādapeti).

4. Tự mình thành tựu giải thoát và khuyến khích người khác thành tựu giải thoát (Attanā ca vimuttisampanno hoti parañca vimuttisampadāya samādapeti).

5. Tự mình thành tựu tri kiến giải thoát và khuyến khích người khác thành tựu tri kiến giải thoát (Attanā ca vimuttiñāṇadassanasampanno hoti parañca vimuttiñāṇadassanasampadāya samādapeti).

A.III.13

[299] Năm uy lực (Teja), quyền năng áp chế được nghịch cảnh:

1. Uy lực hạnh (Caraṇateja), sở hành thiện, nhất là giới hạnh, có uy lực giải trừ nghịch cảnh.

2. Uy lực đức (Guṇateja), đức độ có uy lực cảm hóa, như ân đức Phật, ân đức Pháp, ân đức Tăng, ân đức Mẹ Cha...

3. Uy lực trí (Paññāteja), trí tuệ có uy lực tỏa sáng.

4. Uy lực phước (Puññateja), phước báu có uy lực thành tựu.

5. Uy lực pháp (Dhammateja), chánh pháp có uy lực thắng tà.

PsA. Ñāṇakathā.

[300] Năm pháp chúc tụng (Vara), điều tốt lành mà người ta chúc cho nhau:

1. Tuổi thọ (Āyu)
2. Dung sắc (Vaṇṇa)
3. An lạc (Sukha)
4. Tài sản (Bhoga)
5. Thế lực (Bala)

Năm pháp chúc tụng này theo Phật giáo thì muốn thành tựu cho mình phải nên thực hành những thiện pháp tương xứng. Riêng về các bậc xuất gia nên biết ý nghĩa đặc biệt và an trú theo đó. Ý nghĩa đặc biệt như sau:

a) Tuổi thọ, ám chỉ sự duy trì sanh mạng bằng bốn như ý túc (Iddhipāda).

b) Dung sắc, ám chỉ sự trong sáng các căn, đó là giới hạnh (Sīla).

c) An lạc, ám chỉ sự hạnh phúc tinh thần, là bốn thiền chứng (Jhānalābhī).

d) Tài sản, ám chỉ pháp hỗ trợ an vui tu tập, là bốn phạm trú (Brahmavihāra).

e) Thế lực, ám chỉ sức mạnh đoạn trừ phiền não, chấm dứt khổ đau, đó là sự giải thoát (Vimutti) hay quả vị A-la-hán (arahattaphala).

D.III.77; S.V.147

Pháp chúc mừng này có chỗ nói 5 điều khác là tuổi thọ (āyu), dung sắc (vaṇṇa), an lạc (sukha), sức lực (bala), biện tài (paṭibhāna)

A.III.42

Lại có chỗ nói 5 điều chúc mừng khác nữa là tuổi thọ (āyu), dung sắc (vaṇṇa), danh vọng (yasa), an lạc (sukha), địa vị (ādhipacca)

Pv.308.

Lại có chỗ nói 4 điều chúc mừng là tuổi thọ (āyu), dung sắc (vaṇṇa), an lạc (sukha), sức mạnh (bala) Dh.109,

A.II.63.

Lại có chỗ nói 6 điều chúc mừng là tuổi thọ (āyu), dung sắc (vaṇṇa), danh vọng (yasa), tiếng tăm (kitti), an lạc (sukha), sức mạnh (bala)

A.II.35, A.III.36, It.89.

Lại có chỗ nói 7 điều chúc mừng là tuổi thọ (āyu), dung sắc (vaṇṇa), an lạc (sukha), danh vọng (yasa), tiếng tăm (kitti), thiên giới (sagga), thế gia tộc (uccākulīnatā)

A.III.48

[301] Năm pháp tự tại (Vasī) của vị hành giả đắc thiền:

1. Tự tại hướng tâm vào đề mục (Āvajjanavasī).

2. Tự tại nhập thiền (Samāpajjanavasī).

3. Tự tại an trú thiền (Adhiṭṭhānavasī).

4. Tự tại xuất thiền (Vuṭṭhānavasī).

5. Tự tại phản khán chi thiền (Paccavekkhaṇavasī).

Ps. ñānakathā

[302] Năm thời tranh thủ tu tập, thời để tinh cần (Padhānasamayā):

1. Thời tuổi trẻ (Daharo hoti)

2. Thời khỏe mạnh, ít bệnh (Appābādho hoti)

3. Thời no đủ, dễ kiếm sống (Subhikkhaṃ hoti)

4. Thời con người sống hòa bình (Manussā samaggā viharanti)

5. Thời tăng chúng sống hòa hợp (Saṅgho samaggo viharati).

A.III.65

[303] Năm duyên hợp thọ ký độc giác (Samodhānadhamma):

1. Thân nhân loại (Manussattaṃ), bồ tát kiếp được thọ ký phải là loài người.

2. Thành tựu giới tính (Liṅgasampatti), bồ tát kiếp được thọ ký phải là đàn ông.

3. Gặp bậc lậu tận (Āsavakkhayaṃ dassanaṃ), bồ tát nguyện độc giác, kiếp được thọ ký phải gặp được thánh nhân A-la-hán, không nhất thiết phải gặp đức Toàn giác.

4. Đang tạo một công đức lớn (Adhikāro), lúc sẽ được thọ ký phải làm được thiện sự gì lớn lao đến vị thánh nhân vô lậu.

5. Có nguyện vọng (Chandatā), phải có tâm nguyện vững chắc mong quả vị Độc giác ngay lúc đối diện với vị vô lậu ấy.

Bv. Khuddakanikāya

[304] Năm loại châu báu hy hữu (Dulla-bharatanapātubhāva):

1. Sự xuất hiện bậc Chánh Đẳng Giác là khó tìm (Sammāsambuddhassa pātubhāvo dullabho).

2. Người thuyết được pháp do Đức Phật trình bày, là khó tìm (Tatthāgatappaveditassa dham-mavinayassa desitā puggalo dullabho).

3. Người hiểu được pháp do Đức Phật trình bày là khó tìm (Tathāgatappaveditassa dhammavi-nayassa viññātā puggalo dullabho).

4. Người tùy hành pháp khi hiểu rõ pháp do Đức Phật trình bày là khó tìm (Tathāgatappaveditassa dhammavinayassa viññātā dhammānudhammappaṭi-panno puggalo dullabho).

5. Người tri ân báo ân là khó tìm (Kataññūkatavedī puggalo dullabho).

A.III.239.

[305] Năm sự đoạn diệt (Nirodha):

1. Trấn phục đoạn diệt (Vikkhambhananirodha), là sự đoạn diệt phiền não bằng cách đè nén áp chế. Như hành giả đã đắc thiền thì trong suốt thời gian trú trong thiền sẽ chế ngự được phiền não triền cái.

2. Nhất thời đoạn diệt (Tadaṅganirodha), là sự đoạn diệt phiền não bằng cách khởi pháp đối trị. Như hành giả dùng trí phân tích danh sắc, khi ấy tạm thời diệt thân kiến ngã chấp.

3. Triệt tiêu đoạn diệt (Samucchedanirodha), là sự đoạn diệt phiền não bằng trí thánh đạo. Khi tâm đạo sanh khởi thì phiền não lập tức bị tuyệt trừ.

4. Tịnh chỉ đoạn diệt (Paṭipassaddhinirodha), là cách đoạn diệt phiền não của tâm quả siêu thế. Phiền não đã được tuyệt trừ vào sát na tâm đạo nên khi tâm thánh quả sanh khởi thì vắng lặng phiền não.

5. Xuất ly đoạn diệt (Nissaraṇanirodha), là sự xuất ly phiền não của trạng thái níp-bàn (nibbāna), sự đoạn diệt phiền não do đã giải thoát.

Năm sự đoạn diệt này cũng được gọi là năm sự đoạn trừ (pahāna), năm sự giải thoát (vimutti), năm sự viễn ly (viveka), năm sự vô nhiễm (virāga), năm sự xả thí (vossagga).

Ps.I.27,220.221, Vism 410.

[306] Năm sự lo sợ (Bhaya):

1. Lo sợ việc nuôi mạng (Ājīvitabhaya), sợ thất nghiệp, sợ suy sụp tài sản, sợ kinh tế khó khăn.

2. Lo sợ thị phi (Asilokabhaya), sợ mang tai tiếng, sợ người chê trách.

3. Lo sợ dính líu hội chúng (Parisasārajjabhaya), sợ hội chúng dưới tay không đoàn kết, rạn vỡ, phản bội.

4. Lo sợ tử biệt (Maraṇabhaya), sợ chết rồi bỏ tài sản, bỏ người thân, hoặc ám ảnh với tình trạng đau đớn.

5. Lo sợ khổ cảnh (Duggatibhaya), sợ phải tái sanh đọa vào cõi khổ, nhất là đối với kẻ đã tạo ác nghiệp.

Vbh. 379

[307] Năm dục trưởng dưỡng (Kāmaguṇa), năm món vật chất làm tăng trưởng phiền não dục, ngũ trần:

1. Sắc (Rūpa), là bất cứ cảnh sắc gì khả ái mà mắt thấy được.

2. Thinh (Sadda), là bất cứ âm thanh gì khả ái mà tai nghe được.

3. Hương (Gandha), là bất cứ mùi thơm nào khả ái mà mũi ngửi được.

4. Vị (Rasa), là bất cứ chất gì khả ái mà lưỡi nếm được.

5. Xúc (Phoṭṭhabba), bất cứ vật gì khả ái mà thân xúc chạm được.

Năm cảnh dục này nếu là cảnh tốt hấp dẫn thì mới gọi là cảnh dục trưởng dưỡng, nếu là cảnh xấu không hấp dẫn được lòng tham thì đó chỉ là cảnh đối tượng của ngũ quan mà thôi. Được gọi là tốt hay xấu tùy theo môi trường, sở thích, hay tùy sự nhận thức của số đông.

M. I. 85, 173.

[308] Năm thiên xứ (Devadūta), năm hiện tượng như sứ giả đến báo tin, năm hiện tượng làm tâm thức tỉnh tu tập:

1. Trẻ sơ sinh (Darara), cảnh tượng hài nhi mới sanh ra yếu ớt, bất lực, chịu nhiều điều khổ... cảnh tượng ấy cảnh báo cho bậc trí sợ hãi sanh tử mà tu tập.

2. Người già (Jiṇṇa), cảnh tượng một ông lão hay bà lão thân thể suy tàn, thể lực suy yếu, bạc nhược... cảnh tượng ấy cảnh báo cho bậc trí chán nản mà tu tập.

3. Người bệnh (Byādhita, ābādhika), cảnh tượng một người mắc phải bệnh tật chịu đau đớn với cảm thọ khốc liệt, oằn oại rên xiết... cảnh tượng ấy là điềm báo cho bậc trí chán xác thân mà tu tập.

4. Người bị gia hình (Kammakāranappatta), cảnh tượng một người phạm lỗi lầm bị xử tội, bị hành phạt, như bị đánh đập tra tấn với nhiều hình thức đáng sợ... cảnh tượng ấy làm động tâm người trí, nhận thức thảm trạng cuộc đời mà tu tập.

5. Người chết (Mata), cảnh tượng một người mất mạng sống, bị thiêu xác hay bị chôn vùi trong lòng đất hoặc bị vất bỏ tại tha ma mộ địa... cảnh tượng ấy làm động tâm người trí, nhận thức sự giả tạm của thân này mà tu tập.

M. III. 179.

[309] Năm thứ ma (Māra), sự phá hoại, sự đem lại bất hạnh, sự xấu xa:

1. Phiền não ma (Kilesamāra). Phiền não phá hoại thiện pháp và làm cho chúng sanh bị bất hạnh luân hồi nên gọi là ma.

2. Ngũ uẩn ma (Khandhamāra). Ngũ uẩn có thực tính đổi thay biến hoại, luôn là tính chất khổ đau, đem lại sự suy sụp, nên gọi là ma.

3. Hành vi ma (Abhisaṅkhāramāra). Nghiệp thiện ác tạo ra quả luân hồi, kết buộc vào vòng sanh tử khổ đau triền miên, nên gọi là ma.

4. Thiên tử ma (Devaputtamāra). Hạng thiên thần nhiều uy lực trong cõi trời dục giới nhưng có tính đố kỵ, hay quấy phá người tu tập hiền thiện, cản trở sự tu tiến của người tu hành, nên gọi là ma.

5. Tử thần ma (Maccumāra). Sự chết luôn cướp đoạt mạng sống và tạo nên nỗi ám ảnh sợ hãi cho chúng sanh, nên gọi là ma.

Vism. 211; Thag A.II.16, 46

[310] Năm thứ mắt (Cakkhu):

1. Nhục nhãn (Maṃsacakkhu), là mắt bằng thịt, thần kinh nhãn, thị giác.

2. Thiên nhãn (Dibbacakkhu), là mắt do thần thông hay do phước sanh, có khả năng thấy xa, thấy được cảnh sắc mà mắt thường không thấy được.

3. Tuệ nhãn (Paññācakkhu), là mắt trí tuệ, thứ mắt có khả năng thấu triệt tính chất các pháp hay thấy rõ tứ đế.

4. Phật nhãn (Buddhacakkhu), là mắt giác ngộ, hay là khả năng trí hiểu biết căn cơ trình độ cao thấp của chúng sanh. Chỉ Đức Phật mới có Phật nhãn như vậy.

5. Biến nhãn (samantacakkhu), là toàn giác trí, nhứt thiết chủng trí, trí này như mắt thấy suốt tam giới pháp. Chỉ có Đức Phật Chánh Đẳng Giác mới có loại biến nhãn.

Đối với Đức Phật có đủ cả năm thứ mắt này. Hạng thánh thinh văn và phàm phu không thể có Phật nhãn và biến nhãn.

Nd2 235.

[311] Năm Phật sự thường nhật (Buddhakicca), lịch sinh hoạt hằng ngày của Đức Phật:

1. Buổi sáng Ngài khất thực (Pubbaṇhe piṇḍapātañca).

2. Buổi chiều Ngài thuyết pháp cho các cư sĩ (Sāyaṇhe dhammadesanaṃ).

3. Buổi tối Ngài giáo giới cho chư tỳ-kheo (Padose bhikkhu ovādaṃ).

4. Khuya Ngài trả lời nghi vấn của chư thiên (Adharatte devapañhānaṃ).

5. Buổi rạng đông Ngài quán xét người hữu duyên nên tế độ (Paccūseva gate kāle bhabbābhabbe vilokanaṃ).

BvA.

[312] Năm cách hỏi pháp (Pucchā):

1. Hỏi cho biết điều chưa biết (Adiṭṭhajotanā pucchā).

2. Hỏi cho rõ điều đã biết (Diṭṭhasaṃsandanā pucchā).

3. Hỏi để dứt nghi ngờ (Vimaticedanā pucchā).

4. Hỏi để xác nhận (Anumati pucchā).

5. Hỏi để tự nói (Kathetukamyatā pucchā), như Đức Phật muốn thuyết pháp gì cho chư tỳ-kheo, Ngài nêu câu hỏi rồi tự Ngài giải thích luôn.

Atthasālinī.

[313] Năm tuần tự pháp thoại (Anupubbī-kathā), pháp thoại thứ lớp từ thấp lên cao:

1. Đề tài bố thí (Dānakathā), là thuyết về hạnh xả ly tài sản, san sẻ đến kẻ khác và nói về quả báo bố thí.

2. Đề tài trì giới (Sīlakathā), là thuyết về đời sống phạm hạnh, nghiêm trì giới hạnh và nói về quả báo trì giới.

3. Đề tài cõi trời (Saggakathā), là thuyết về sự vinh hoa ở các cõi chư thiên là những chúng sanh có nhiều phước báu.

4. Đề tài sự nguy hiểm dục lạc (Kāmādīnava kathā), là thuyết về nỗi khổ lụy của sự mê luyến dục trần.

5. Đề tài lợi ích xuất ly (Nekkhammānisaṃsa kathā), là thuyết về lợi ích của sự xuất gia, lìa bỏ ái dục.

Năm pháp thoại này Đức Phật thường giảng áp dụng đối với những người có duyên tiệm tiến, cần dẫn dắt niềm tin của họ từ thấp lên cao. Ngài thuyết năm pháp thoại này trước, rồi khi thấy tâm tư của họ đã nhu nhuyến, đã sẵn sàng lãnh hội pháp cao, Ngài mới thuyết tứ diệu đế, chừng ấy họ dễ dàng chứng pháp nhãn.

Vin.I.15; D.I. 148.

[314] Năm nguyên nhân chánh pháp không vững trú (Aciraṭṭhitikasaddhamma):

1. Tứ chúng không tôn kính vâng thuận bậc Đạo Sư (Satthāri agāravā viharanti appatissā).

2. Tứ chúng không tôn kính vâng thuận Giáo pháp (Dhamme agāravā viharanti appatissā).

3. Tứ chúng không tôn kính vâng thuận Tăng chúng (Saṅghe agāravā viharanti appatissā).

4. Tứ chúng không tôn kính vâng thuận học giới (Sikkhāya agāravā viharanti appatissā).

5. Tứ chúng không tôn kính vâng thuận lẫn nhau (Aññamaññaṃ agāravā viharanti appatissā).

A.III.247

[315] Năm nguyên nhân chánh pháp vững trú (Ciraṭṭhitikasaddhamma):

1. Tứ chúng tôn kính vâng thuận bậc Đạo Sư (Satthāri sagāravā viharanti sappatissā).

2. Tứ chúng tôn kính vâng thuận Giáo pháp (Dhamme sagāravā viharanti sappatissā).

3. Tứ chúng tôn kính vâng thuận Tăng chúng (Saṅghe sagāravā viharanti sappatissā).

4. Tứ chúng tôn kính vâng thuận học giới (Sikkhāya sagāravā viharanti sappatissā).

5. Tứ chúng tôn kính vâng thuận lẫn nhau (Añ-ñamaññaṃ sagāravā viharanti sappatissā).

A.III.247

[316] Năm nguy hại của ác hạnh (Duccaritādīnava):

1. Tự mình chê trách mình (Attāpi attānaṃ upavadati).

2. Các bậc trí thẩm xét chỉ trích (Anuvicca viññū garahanti).

3. Tai tiếng đồn đãi (Pāpako kittisaddo abbhug-gacchati).

4. Lâm chung mê loạn (Sammuḷho kālaṃ karoti).

5. Sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào khổ cảnh (Kāyassa bhedā parammaraṇā duggatiṃ upapajjati).

A.I.58

[317] Năm lợi ích của thiện hạnh (Sucaritānisaṃsa):

1. Tự mình không chê trách mình (Attāpi attānaṃ na upavadati).

2. Các bậc trí thẩm xét khen ngợi (Anuvicca viññū pasaṃsanti).

3. Danh thơm tiếng tốt đồn đãi (Kālyāṇo kittisaddo abbhuggacchati).

4. Lâm chung không mê loạn (Asammūḷho kālaṃ karoti).

5. Sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào cõi vui (Kāyassa bhedā parammaraṇā sugatiṃ upa-pajjati).

A.I.58

[318] Năm sự bố thí hợp thời (Kāladāna):

1. Bố thí cho người mới đến (Āgantukassa dānaṃ deti), người cư sĩ hộ độ cúng dường đến một vị tỳ-kheo là khách ghé qua địa phương. Như vậy gọi là bố thí hợp thời.

2. Bố thí cho người sắp ra đi (Gamikassa dānaṃ deti), như có một vị tỳ-kheo sắp rời khỏi địa phương, cư sĩ hộ độ cúng dường vị ấy, gọi là bố thí hợp thời.

3. Bố thí đến người bệnh (Gilānassa dānaṃ deti), tại địa phương có vị tỳ-kheo đang bị bệnh, cư sĩ hộ độ cúng dường vị ấy, gọi là bố thí hợp thời.

4. Bố thí lúc nạn đói (Dubbhikkhe dānaṃ deti), trong thời kỳ vật thực khó tìm, cư sĩ hộ độ cúng dường các tỳ-kheo địa phương, gọi là bố thí hợp thời.

5. Dành ưu tiên cho các bậc giới hạnh những gì đầu mùa như trái cây mới có... (Yāni tāni navasas-sāni navaphalāni tāni paṭhamaṃ sīlavantesu patiṭ-ṭhāpeti). Đó gọi là bố thí hợp thời.

Lời giải trên đây dựa theo kinh luật Đức Phật thuyết trong trường hợp có người làm phước đến các tỳ-kheo, bậc trí nên suy xét để hiểu trường hợp khác cũng được gọi là bố thí hợp thời.

A.III.41

[319] Năm cách bố thí của bậc chân nhân (Sappurisadāna):

1. Bố thí có tôn trọng (Sakkaccaṃ deti), là bố thí đến bậc tu hành thì cung kính, nếu bố thí đến người thường thì có lòng từ mẫn.

2. Bố thí có suy nghĩ (Cittīkatvā deti), là bố thí có suy xét đến nghiệp quả, hay có tư tiền, tư hiện và tư hậu.

3. Bố thí tự tay (Sahatthā deti) là bố thí bằng tài vật do chính mình làm ra, hay là đích thân bố thí, không ra lệnh cho ai làm.

4. Bố thí đồ không quăng bỏ (Anapaviddhaṃ deti), là bố thí vật mình đang dùng xài, không phải là vật thiu thối dư thừa.

5. Bố thí có nhìn tương lai (Āgamanadiṭṭhiko deti), tức là bố thí có mục đích để thành tựu, có nguyện vọng.

A.III.171.

[320] Năm cách bố thí của hạng phi chân nhân (Asappurisadāna):

1. Bố thí không tôn trọng (Asakkaccaṃ deti), là có thái độ khinh thường đối tượng thọ thí.

2. Bố thí không suy nghĩ (Acittākatvā deti), là thái độ bố thí thờ ơ, không quan tâm tới việc đang làm.

3. Bố thí không tự tay (Asahatthā deti), là bố thí chỉ bằng mệnh lệnh để người khác làm, không phải tự mình làm, hoặc bố thí bằng vật không phải do chính mình tạo nên.

4. Bố thí đồ quăng bỏ (Apaviddhaṃ deti), là cho những thứ mà mình dư thừa không dùng xài được nữa.

5. Bố thí không nhìn tương lai (Anāgamanadiṭ-ṭhiko deti), là bố thí không nhắm đến mục đích, không có nguyện vọng thành tựu.

A.III.171.

[321] Năm kết quả bố thí của bậc chân nhân (Sappurisadānavipāka):

1. Bố thí bằng niềm tin (Saddhāya dānaṃ deti), được quả tương lai giàu có và xinh đẹp khả ái.

2. Bố thí tôn trọng (Sakkaccaṃ dānaṃ deti), được quả tương lai giàu có và nhiều người qui phục.

3. Bố thí hợp thời (Kālena dānaṃ deti), được quả tương lai giàu có và các nhu cầu được đáp ứng đầy đủ đúng lúc.

4. Bố thí tâm không gượng ép (Anuggahitacitto dānaṃ deti), được quả tương lai giàu có và hưởng thụ với tâm thoải mái mãn nguyện.

5. Bố thí không tổn hại mình và người khác (Attānañca parañca anupahacca dānaṃ deti), được quả tương lai giàu có và giữ vững được tài sản, không bị phá sản bởi lửa, nước, vua, kẻ cướp, hay người thừa kế.

A.III.172

[322] Năm lợi hưởng do thí thực (Bhojanadānabhāgī):

Người bố thí vật thực (thức ăn) là đem lại cho người thọ thí lợi ích về tuổi thọ, dung sắc, an vui, sức lực và biện tài. Do đó thí chủ được lợi hưởng năm điều là

1. Hưởng tuổi thọ nhơn thiên (Āyussa bhāgī hoti dibbassa vā mānusassa vā).

2. Hưởng dung sắc nhơn thiên (Vaṇṇassa bhāgī hoti dibbassa vā mānusassa vā).

3. Hưởng an vui nhơn thiên (Sukhassa bhāgī hoti dibbassa vā mānusassa vā).

4. Hưởng sức lực nhơn thiên (Balassa bhāgī hoti dibbassa vā mānusassa vā).

5. Hưởng biện tài nhơn thiên (Paṭibhāṇassa bhāgī hoti dibbassa vā mānusassa vā).

A.III.42

[323] Năm lợi ích của sự bố thí (Dānānisaṃsa):

1. Được nhiều người thương mến (Bahuno janassa piyo hoti manāpo).

2. Các bậc chân nhân thiện đức thân cận (Santo sappurisā bhajanti).

3. Danh thơm tiếng tốt loan truyền (Kalyāṇo kittisaddo abbhuggacchati).

4. Không đi lệch đạo đức người cư sĩ (Gihidhammā anapagato hoti).

5. Sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào nhàn cảnh thiên giới (Kāyassa bhedā parammaraṇā sugatiṃ saggaṃ lokaṃ upapajjati).

A.III.41

[324] Năm lợi ích của đức tin (Saddhānisaṃsa):

1. Các bậc thiện đức chân nhân thương tưởng người có niềm tin trước nhất (Santo sappurisā te saddhaññeva paṭhamaṃ anukampantā anukampanti).

2. Các bậc thiện đức chân nhân sẽ viếng thăm người có niềm tin trước nhất (Saddhaññeva paṭhamaṃ upasaṅkamantā upasaṅkamanti).

3. Các bậc thiện đức chân nhân sẽ thọ nhận của người có niềm tin trước nhất (Saddhasseva paṭhamaṃ paṭiggaṇhantā paṭiggaṇhanti).

4. Các bậc thiện đức chân nhân sẽ thuyết pháp cho người có niềm tin trước nhất (Saddhasseva paṭhamaṃ dhammaṃ desentā desenti).

5. Người có niềm tin sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào nhàn cảnh cõi trời (Saddho kāyassa bhedā parammaraṇā sugatiṃ saggaṃ lokaṃ upapajjati).

A.III.42

[325] Năm lợi ích của sự kinh hành, việc đi tản bộ (Caṅkamānisaṃsa):

1. Có sự chịu đựng đường xa (Addhāna khamo hoti), đi đường xa không mệt mỏi.

2. Có sức chịu đựng bền chí (Padhānakhamo hoti), sức dẻo dai.

3. Ít đau bệnh (Appābādho hoti) nhờ hoạt động gân cốt.

4. Dễ tiêu hóa các thứ ăn uống nhai nếm (Asitaṃ pitaṃ khāyitaṃ sāyitaṃ sammāparināmaṃ gacchati).

5. Năm pháp định có thể chứng đạt và duy trì trong lúc kinh hành (Caṅkam' ādhigato samādhi ciraṭṭhitiko hoti).

A.III.29

[326] Năm lợi ích của sự nghe pháp (Dhammassavanānisaṃsa):

1. Nghe được điều chưa từng nghe (Assutaṃ suṇāti).

2. Thông suốt điều đã từng nghe (Sutaṃ pariyodapeti).

3. Đoạn trừ được nghi ngờ (Kaṅkhaṃ vihanati).

4. Cải chánh tri kiến (Diṭṭhī ujuṃ karoti).

5. Tâm được trong sáng (Cittam-assa pasīdati)

A.III.248

[327] Năm lợi ích của sự trì giới (Silānisansa):

1. Do nhân không dể duôi nên đạt được tài sản lớn (Appamādādhikaraṇaṃ mahantaṃ bhogakkhan-daṃ adhigacchati).

2. Danh thơm tiếng tốt đồn xa (Kaḷyāṇo kitti-saddo abbhuggacchati).

3. Đi đến bất cứ hội chúng nào cũng dạn dĩ ung dung (Yaññadeva parisaṃ upasaṅkamati visārado amaṅkubhūto).

4. Chết không hôn mê (Asammūḷho kālaṃ karoti).

5. Sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào nhàn cảnh cõi trời (Kāyassa bhedā parammaraṇā sugatiṃ saggaṃ lokaṃ upapajjati).

Ud.86

[328] Năm nguy hại cho người ác giới (Dussīlādīnavā):

1. Do nhân dể duôi nên hư hao tài sản (Pamādādhikaraṇaṃ mahatiṃ bhogajāniṃ nigacchati).

2. Tiếng xấu đồn đãi (Pāpako kittisaddo ab-bhuggacehati).

3. Đi đến hội chúng nào cũng sợ sệt hổ thẹn (Yaññadeva parisaṃ upasaṅkamati avisārado maṅku-bhūto).

4. Chết bị hôn mê (Sammuḷho kālaṃ karoti).

5. Sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào khổ cảnh đọa xứ (Kāyassa bhedā parammaṇā apā- yaṃ duggatiṃ upapajjati).

Ud.85

[329] Năm định luật, pháp cố nhiên, qui luật tự nhiên (Niyāma):

1. Định luật về thời tiết (Utuniyāma), mùa mưa, nắng, nóng, lạnh là qui luật tự nhiên của vũ trụ, không ai làm khác lại được.

2. Định luật về chủng tử (Bīyaniyāma), giống chua, ngọt, cay, đắng là qui luật tự nhiên của thảo mộc, không ai làm khác được.

3. Định luật về tâm thức (Cittaniyāma), tâm sanh trụ diệt, từng sát na biết cảnh, đó là qui luật của danh uẩn, không thể làm khác được.

4. Định luật về nghiệp (Kammaniyāma), sự kiện có nguyên nhân sanh hậu quả, nhân tốt kết quả tốt, nhân xấu kết quả xấu, nghiệp báo ứng... Đó là qui luật tự nhiên, không thể làm khác.

5. Định luật về pháp (Dhammaniyāma), sự vận hành của pháp hữu vi, mỗi pháp có thực tính riêng biệt, được cấu tạo bởi nhiều duyên hệ... Đó là qui luật tự nhiên, không ai điều phối được.

DA.II.432, DhsA.272

[330] Năm điều không xác định (Avavaṭṭhāna):

1. Thọ mạng (Jīvita). Một kẻ phàm phu không thể định đoạt được mình sẽ sống bao lâu, tuổi thọ của mình phải là chừng nào.

2. Bệnh tật (Byādhi). Không thể định đoạt được là mình phải bệnh như thế này, đừng đau bệnh như thế kia, hoặc mình đừng bệnh gì hết.

3. Thời điểm (Kāla). Không thể định đoạt được rằng ta phải chết vào lúc này hay lúc kia, chết sáng hay chết trưa v.v...

4. Chỗ bỏ xác (Dehanikkhepana). Không thể định đoạt được rằng mình sẽ chết trong nhà hay ngoài đường, chết dưới nước hay trên mặt đất v.v...

5. Chỗ sanh (Gati). Không thể định đoạt được chỗ mình tái sanh sau khi chết là cõi này hay cõi kia.

Vism. 236

[331] Năm uẩn, ngũ uẩn (Pañcakkhandha), những tổng hợp tính chất của danh sắc, những thành phần tạo nên chúng sanh:

1. Sắc uẩn (Rūpakkhandha), nhóm vật chất, thuộc sắc pháp tiêu biểu là bốn đại (đất, nước, lửa, gió).

2. Thọ uẩn (Vedanākkhandha), nhóm cảm thọ như khổ, lạc, ưu, hỷ, xả, thành phần giúp tâm có cảm giác khi bắt cảnh. Thọ uẩn chính là tâm sở thọ trong 52 tâm sở.

3. Tưởng uẩn (Saññākkhandha), nhóm ký ức, tưởng tri đối tượng, thành phần giúp tâm nhận biết cảnh. Tưởng uẩn chính là tâm sở tưởng trong 52 tâm sở.

4. Hành uẩn (Saṅkhārakkhandha), nhóm danh pháp cấu tạo tính chất của tâm, có tốt có xấu. Hành uẩn là 50 tâm sở ngoài thọ và tưởng.

5. Thức uẩn (Viññāṇakkhandha), nhóm thức biết cảnh: nhãn thức, nhĩ thức v.v... Thức uẩn đây là 89 hoặc 121 tâm.

Ngũ uẩn phân theo danh sắc thì thọ, tưởng, hành, thức là danh, sắc uẩn là sắc.

Ngũ uẩn phân theo pháp chân đế thì thức uẩn là tâm, thọ, tưởng và hành uẩn là tâm sở, sắc uẩn là sắc pháp. Riêng níp-bàn chân đế là ngoại uẩn.

S.III.47; Vbh.1

[332] Năm cảm thọ (Vedanā), cảm giác của tâm khi xúc cảnh:

1. Lạc (Sukha), cảm giác thoải mái của thân. Thọ này đồng sanh thân thức thọ lạc.

2. Khổ (Dukkha), cảm giác khó chịu của thân, thọ này đồng sanh thân thức thọ khổ.

3. Hỷ (Somanassa), cảm giác vui thích của tâm. Thọ này đồng sanh với 62 tâm thọ hỷ.

4. Ưu (Domanassa), cảm giác bực phiền của tâm. Thọ này đồng sanh với 2 tâm thọ ưu.

5. Xả (Upekkhā), cảm giác thản nhiên của tâm. Thọ này đồng sanh với 55 tâm thọ xả.

Năm thọ này trong 22 quyền (Indriya), chúng là lạc quyền, khổ quyền, hỷ quyền, ưu quyền, và xả quyền.

S.IV.232; Vism. 461

[333] Năm thứ hỷ lạc (Pīti), phỉ lạc, sự no vui do thiền định sanh:

1. Tiểu hỷ (Khuddakā pīti), cảm giác an vui nhẹ nhàng như nổi lông ốc, chảy nước mắt v.v…

2. Đản hỷ (Khaṇikā pīti), cảm giác hưng phấn thoáng qua.

3. Ba hỷ (Okkantikā pīti), cảm giác hưng phấn dạt dào như sóng nước ập vào bờ.

4. Khinh hỷ (Ubbegās pīti), cảm giác vui lâng lâng như bay bổng.

5. Sẩm hỷ (Pharaṇā pīti), cảm giác vui tràn ngập toàn thân, sung mãn toàn thân.

Vism. 143

[334] Năm hạng Đạo Sư (Satthā), các bậc thầy lãnh đạo môn phái, hạng thầy phàm phu:

1. Có hạng thầy nhờ đệ tử bao che về giới hạnh (Satthā sāvakehi sīlato rakkhaṃ paccāsiṃsati).

2. Có hạng thầy nhờ đệ tử bao che về sự nuôi mạng (Satthā sāvakehi ājīvato rakkhaṃ paccāsiṃsati).

3. Có hạng thầy nhờ đệ tử bao che về sự thuyết pháp (Satthā sāvakehi dhammadesanato rakkhaṃ paccāsiṃsati).

4. Có hạng thầy nhờ đệ tử bao che về sự ứng đáp (Satthā sāvakehi veyyākaraṇato rakkhaṃ paccāsiṃsati).

5. Có hạng thầy nhờ đệ tử bao che về tri kiến (Satthā sāvakehi ñānadassanato rakkhaṃ paccāsiṃsati).

A.III.122.

[335] Năm hạng thánh Tư-đà-hàm (Sakadāgāmipuggala), cũng gọi là thánh Nhất lai:

1. Hạng chứng đắc trong cõi này và níp-bàn tại cõi này.

2. Hạng chứng đắc trong cõi này rồi sanh cõi trời và níp-bàn tại đấy.

3. Hạng chứng đắc trong cõi trời và níp-bàn tại cõi trời.

4. Hạng chứng đắc trong cõi trời rồi sanh xuống cõi này và níp-bàn tại đây.

5. Hạng chứng đắc tại cõi này, sanh lên cõi trời rồi sanh lại cõi này mới níp-bàn.

Sớ giải Paramatthamañjusā (Kh A .182), phân 5 hạng Nhất lai như vậy. Còn trong Pāli chánh tạng thì chỉ nói đến một hạng thứ năm.

Sớ giải Paramatthajotikā chỉ phân có 3 hạng Nhất lai là hạng chứng đắc trong cõi dục, hạng chứng đắc trong cõi sắc, hạng chứng đắc trong cõi vô sắc.

Ngoài ra, còn có chỗ phân thành 4 hạng, 12 hạng Nhất lai, nhưng ở đây không cần nêu ra.

[336] Năm hạng A-na-hàm (Anāgāmipuggala), cũng gọi là thánh Bất lai:

1. Trung bang níp-bàn (Antarāparinibbāyī), là hạng Bất lai sau khi sanh vào một trong năm cõi tịnh cư, đắc A-la-hán và viên tịch trong khoảng từ nửa đời trở lại dù tuổi thọ chưa hết.

2. Sanh bang níp-bàn (Upahaccaparinibbāyī) là hạng Bất lai sanh lên cõi tịnh cư, đến quá nửa đời, sắp mãn tuổi thọ mới đắc A-la-hán và viên tịch.

3. Vô hành bang níp-bàn (Asaṅkhāraparinibbāyī) là hạng Bất lai không cần ráng sức nỗ lực cũng đắc A-la-hán dễ dàng.

4. Hữu hành bang níp-bàn (Sasaṅkhāraparinibbāyī), là hạng Bất lai phải cần ráng sức nỗ lực mới đắc A-la-hán và viên tịch.

5. Thượng lưu sắc cứu cánh (Uddhaṃsotāka-niṭṭhagāmī), là hạng Bất lai sanh tuần tự qua năm cõi tịnh cư, đến cõi sắc cứu cánh tột cùng mới đắc A-la-hán và viên tịch.

A.I.233; A.IV.14,70,380; A.V.120; Pug.16.

[337] Năm hạng A-la-hán (Arahantapuggala), cũng gọi là bậc Ưng cúng:

1. Bậc tuệ giải thoát (Paññāvimutti), là hạng A-la-hán chỉ có tuệ quán đoạn trừ phiền não chứ không có chứng thiền hiệp thế. Còn được gọi là bậc Can Quán (Sukkhavipassako). Xem [255].

2. Bậc câu phần giải thoát (Ubhatobhāgavi-mutta), là hạng A-la-hán chứng đắc cả hai phần giải thoát là tâm giải thoát và tuệ giải thoát.

3. Bậc tam minh (Tevijja). Xem [255].

4. Bậc lục thông (Chaḷabhiññā). Xem [255].

5. Bậc đắc tuệ phân tích (Paṭisambhidappatto). Xem [255].

Thật ra hai bậc Tam minh và Lục thông cũng đắc được Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát, như bậc Câu phần giải thoát (2), nhưng ở đây phân ra ba bậc: Bậc câu phần giải thoát, bậc Tam minh và bậc Lục thông vì bậc tam minh là có minh hiệp thế, bậc lục thông là có thông hiệp thế; còn bậc Câu phần giải thoát thì không hẳn có minh và thông hiệp thế.

Riêng về bậc đắc tuệ phân tích, dù không như bậc Câu phần giải thoát, nhưng lại đặc biệt hơn bậc Tuệ giải thoát vì là bậc thuần thục bốn tuệ đạt thông với các yếu tố học, nghe và thẩm nghiệm.

Vism. 710

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục |
Một Pháp: 1-10 | Hai Pháp: 11-71 | Ba Pháp: 72-163 | Bốn Pháp: 164-259 | Năm Pháp: 260-337 |
Sáu Pháp: 338-369 | Bảy Pháp: 370-398 | Tám Pháp: 399-423 | Chín Pháp: 424-442 | Mười Pháp: 443-476 |
Trên Mười Pháp: 477-497

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Giác Giới và Tỳ khưu Thiện Minh đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 06-2002, 06-2005)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 01-06-2005