Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

Nữ Thiền sư Phật giáo tại Hoa Kỳ

Nguyên tác: Buddhist teachers in America

Tác giả: Lenore Friedman
Dịch giả:
Tỳ khưu Thiện Minh


[01]

Thiền Sư Toni Packer

"Nào các bạn hãy tự cân nhắc lấy cho mình... nhân loại xuyên suốt lịch sử, rất quan tâm đến đời sống Tôn giáo, đã luôn cố gắng để tiêu diệt bản ngã, hay chiến đấu với bản ngã, nhân loại cũng đã phát minh ra nhiều hệ thống để làm tiêu tan cái tôi. Nhưng một thực tế rất phủ phàng là bản ngã không thể tự tiêu diệt. Vì điều gì còn tồn tại vẫn lại là bản ngã: kẻ chiến thắng chỉ là những ai đã thắng vượt được bản ngã... đó là một hình ảnh mới! Vì thế cho nên điều gì chúng ta sắp phải thực hiện dưới ánh sáng của nhận thức này? Qui tụ mọi nghị lực chúng ta có thể ý thức được những gì chúng ta thực hiện chăng?”-- Toni Packer

Tại thành phố Rochester, bang New York, ngay tại nghĩa trang Mount Hope, leo lên một đoạn đường đến một căn nhà đá, nấp sau bức tường cũng làm bằng đá là dãy phố. Không có dấu hiệu nào rõ ràng, nhưng tại đó tọa lạc Trung Tâm Thiền định Genesee Valley. Hiện thời ở đây rất tĩnh mịch, nhưng năm năm về trước Trung Tâm đã là điểm hội tụ những biến cố nổ ra làm đảo lộn cộng đoàn Thiền định Phật giáo tại Rochester. Những sóng gió và xáo trộn xảy ra vẫn còn gây tiếng vang, không những tại Rochester mà còn tại các đoàn thể Phật giáo trên toàn quốc.

Vắn tắt điều gì xảy ra chính là Toni Packer, người được chọn kế vị cho Philip Kapleau (Thượng Tọa trụ trì tại trung tâm thiền Rochester), sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và kiên trì, đã cắt đứt liên lạc với Phật giáo truyền thống và bắt đầu dạy thiền một cách mới mẻ và không ràng buộc vào bất kỳ truyền thống nào. Cũng đã có những biến cố đầy kịch tính xảy ra trong các đoàn thể thiền định trong những năm qua. Nhưng biến cố trên có lẽ là biến cố gây ảnh hưởng và gây nhiều đồn đoán nhất. Không ám chỉ một nguyên nhân và hậu quả đơn giản, chúng ta cảm thấy có mối liên hệ giữa điều đã xảy ra ở Rochester và sự thể là, tại các trung tâm thiền khác trên toàn quốc, vấn đề được đặt ra là ngày nay loại hành thiền nào được cảm nhận và tìm kiếm tại Hoa kỳ đang được đặt ra và cân nhắc lần đầu tiên.

Tôi đã được nghe sơ qua những biến cố xảy ra tại Rochester và đã nghe một số băng ghi âm những bài nói chuyện của Toni. Giọng của nữ thiền sư rất mạnh mẽ và rõ ràng tôi có ấn tượng nghe một khối óc sáng suốt và một cá tính đầy thuyết phục. Mùa hè năm 1983 tôi có dịp ghé thăm Rochester và hẹn gặp nữ thiền sư trước và không chút sợ hãi nào cả.

Trời đã tối, lối đi và bờ dậu còn ướt sũng vì trận mưa mới tạnh. Buổi tối tôi có mặt tại Trung Tâm GVZC. Trên cửa sổ căn nhà đá lớn không có ánh đèn và không có ai trả lời tiếng gõ cửa sau khi tôi đã kéo lê chiếc va-li lên bậc cửa phía trước. Tôi nhận ra có người ra hiệu cho tôi đi lại về phía cửa hông. Đi được nửa đoạn đường, tôi nhìn thấy hai bóng người bước lên lối hẻm. Người cao dỏng là một người đàn ông, tự giới thiệu tên là Kevin, "Và đây là Toni" ông lên tiếng. Tôi buột miệng, "Xin chào bà Toni," và rồi ngưng luôn. "Bạn muốn nói Toni Toni phải không?"

Cả ba chúng tôi cười vang. Tôi phải lùi lại vì Toni với giọng nói mạnh mẽ đã hiện nguyên hình: đầu đội mũ len và mặc chiếc áo khoác vẻ mặt ửng hồng vì mới ở ngoài nhà vào, Bà nở nụ cười chào đón tôi, cặp mắt xanh, rất sắc, tóc ngắn màu bạc vừa để lộ ra dưới chiếc mũ len.Chỉ là một con người, tôi nhận ra giọng nói của bà, nhưng dáng vẻ hiền dịu thực sự làm tôi xúc động. Tôi hơi mệt và cảm thấy nhức đầu một chút. Tại bếp ăn chúng tôi ngồi trên một chiếc bàn dài bằng gỗ ngay giữa căn phòng ấm cúng rộng rãi và sau đó có người mang trà đến. Tiếp theo là người trợ lý của Toni, tên là Sally xuất hiện – Bà là một phụ nữ xinh xắn khoảng 30 tuổi – tính tình rất bộc trực bà chỉ chỗ cho tôi nghỉ đêm tại phòng trên lầu.

Căn phòng tôi ở nho nhỏ có cửa chớp bằng gỗ chạm tới tận trần nhà. Khi chúng tôi bước xuống một cầu thang rộng rất xinh. Tôi phải thú thực là đầu tôi nhức như búa bổ. Sally đề nghị với tôi, “Tôi mat-sa cho bà được không?”

Trở lại nhà bếp tôi ngồi ngay trên một chiếc ghế tại góc bàn và Sally đặt tay lên trên đầu tôi. Tôi nhắm mắt lại, thở vào thật sâu, hầu như cứ muốn la lên. Những ngón tay Sally lúc này chạm ngay vào đầu tôi, bà nói "Ồ bà bị đau đầu quá nặng, phải không?” Bà ta nói giọng Anh nhẹ nhàng, sau này tôi biết được bà là người Úc. Người ngồi ngay trước mặt tôi bên kia bàn, chỉ trong nháy mặt tôi nhận ra ngay đó là Toni. Thiền sư dùng một ly trà và ngồi ngay tại đó rất yên tĩnh. Những ngón Sally di chuyển nhẹ nhàng trên đầu tôi. Bà ta bắt đầu tập trung vào bên phải, nơi nhức nhối nhất. Cho dù tôi không tỏ ra một tiếng nào.. khi toàn thân tôi đã thư giãn, tôi cảm thấy sự hiện diện của Toni rất rõ ràng. Nói năng nhẹ nhàng. Không bất ngờ hiện diện mọi nơi. Ít ngày sau và trong những cuộc tiếp xúc kế tiếp, tôi được biết Toni mang theo những đức tính đó đến bất kỳ chỗ nào và bất kỳ hoàn cảnh nào.

Trước khi bắt đầu hành thiền buổi chiều hôm ấy, còn có đủ thời gian để rửa mặt bằng nước nóng với Sally. Đó là một chiếc chậu nhỏ trong phòng tắm ở lầu dưới, chỉ đủ chỗ cho hai người mà thôi. Trong một thùng bằng gỗ chỉ dành cho một người rửa mặt một lần. Sally nói với tôi Kevin lưu ý và xếp đặt tất cả những gì có trong đó.

Phòng hành thiền đã trở thành một chỗ thu hút mọi người, rất đơn sơ, với sàn bằng gỗ bóng loáng, tường cũng bọc bằng gỗ, phản chiếu ánh sáng hắt lên trần nhà và một cánh cửa gỗ rộng, gắn kính rất đẹp. Căn phòng có đủ chỗ cho khoảng hai mươi người ngồi trên đệm và gối. Căn phòng kế bên có chỗ cho khoảng mười hai người nữa. Vào các ngày Chúa Nhật khi Toni đọc bài thuyết trình hàng tuần, toàn bộ chỗ ngồi đều chật cứng và người ngồi trên cả các phòng hội và cả trên lầu nữa. Để nghe bài diễn thuyết, mọi người đều ngồi chung với nhau tại phòng hành thiền, chiếm tất cả những chỗ trống, rất yên tĩnh và đạt hiệu quả rất cao.

Vào những ngày Chúa Nhật và trong suốt những buổi thảo luận, tất cả các góc phòng đối diện với phòng hành thiền cũng được trang bị thêm gối thiền. Không những chỉ có các vị thiền ngồi nệm và thiền ngồi gối (Zafus và Zabutons thiền ngồi nệm và ngồi gối truyền thống) – mà có cả những chiếc gối hình chữ nhật kê ở dưới các Zafus để đủ cao nếu họ có yêu cầu. Và còn có cả những chiếc gối nhỏ hơn trong đổ trấu lúa mì để kê dưới đầu gối của họ. Sự nghiêm ngặt thể chất trong việc ngồi thiền không kéo dài cách cứng nhắc tại GVZC. Chúng ta có thể cảm thấy được chăm sóc rất chi tiết tại đây. Toni thường dùng từ "sự chăm sóc đầy yêu thương".

Ngày hôm sau chúng tôi ngồi thiền nệm trên sàn nhà tại căn phòng rất thoải mái của Toni trên lầu trung tâm để đàm đạo với nhau lần đầu tiên. Tôi đề cập đến một số thay đổi trong cách hành thiền và giảng thiền tại đây hiện giờ. Thí dụ như Dokusan là những cuộc bàn hỏi truyền thống, đối thoại giữa thiền sư và thiền sinh hiện nay chỉ đơn giản gọi là "hội kiến" (meeting) mà thôi. Các thiền sinh muốn tiếp chuyện với Toni phải hẹn trước và được sắp xếp theo thời gian biểu vào một ngày trong tuần. Không có cảnh tượng chen lấn tới trước như thường thấy tại một số trung tâm thiền khác. Người không có việc làm và có thể đến trung tâm sớm không được ưu tiên hơn những người bận làm việc phải đến trễ. Hầu như tất cả mọi người đều có thể được vào. Nếu có ít người thì cuộc gặp có thể kéo dài hơn. Nếu ai có nhu cầu đặc biệt hơn đòi hỏi phải có thêm thời gian. Toni sẽ đề nghị thực hiện một cuộc hẹn đặc biệt.

Tôi đề cập đến cách họ sử dụng những công thức được dùng để hành thiền (koans). Một số người không dùng công thức nào cả. Một số khác có sử dụng. Một số khác lại dùng những công thức thật đơn giản, họ dùng hơi thở. Một số người khác lại dùng những câu hỏi gây cảm xúc cho họ, tỷ như "tình yêu là gì?" Một người có quan hệ rộng rãi nhưng thực sự không đạt được quan hệ tốt với bất kỳ ai. Câu hỏi “thế nào là tình yêu đích thực?” cũng có thể là một công thức.

Lenore: Thiền sư không đề ra những công thức (koans) hành thiền nữa hay sao?

Toni: Không đâu trừ khi có người yêu cầu làm thế.

Lenore: Giả tỷ như có người muốn áp dụng những công thức đó, thiền sư giúp họ áp dụng “Mu” như thế nào, hay thiền sư có đưa ra câu hỏi cho họ không? Và đó có phải là một công thức thiền đầu tiên hay không?

Toni: Công thức đầu tiên thường được áp dụng để đặt câu hỏi “Ai đó?” nói một cách chính xác, câu hỏi “Ai đó” không phải là một công thức. Đó chỉ là một lời thẩm vấn – "tôi là ai?" hay "điều gì đó?”

Lenore: Thiền sư có đề ra cho họ sự lựa chọn nào không?

Toni: Vâng, tôi hỏi xem có điều hấp dẫn đặc biệt nào trong những lựa chọn đó hay không. Hoặc giả chúng chỉ tự động diễn ra. Thường thì vấn nạn sẽ tự động xuất hiện ngay cả khi ai đó được nghe biết đến thiền định trước đó.

Lenore: Xin cho phép tôi hỏi thêm một chút về Mu [tôi vừa mới thực hiện Mu. Xem chương II] khi đang ngồi thiền tôi tự nhủ trong đầu Mu. Tôi nghiệm thấy có gì đó lan trong người từ trên xuống dưới – tới tận mông. Hơi thở tôi mạnh dần và có cảm giác mình đang tập trung tư tưởng... không biết sao nhận thức tôi tối dần đi. Nhưng Mu tôi nói đây là gì vậy? Một tiếng động? Một lời van xin (mantra), tôi có thể khẳng định không phải là lời van xin. Và tôi có cảm giác hơi sờ sợ. Có lẽ là cái gì đó hơi đen tối – hình như rất đen tối trong Mu. Đang lan dần đến phần khác trong tôi.

Toni: Để tôi nói về điều bà vừa đề cập đến. Cách tôi diễn tả bằng lời cho người ta hiểu được Mu là sự diễn đạt "cái- không- biết" (not-knowing). Đây là cách tốt nhất để diễn tả điều đó. Vì Mu không phải là một lời van xin, không phải là một từ, chỉ là cái- không- biết. Mu chỉ là chóp của toàn thể cái- không- biết bao la đó và cái đó đen tối. Bất cứ điều gì xuất hiện, như sợ hãi cũng là Mu, vì bạn không biết cái đó- là- gì. Bạn loại bỏ ra ngoài tất cả hiểu biết Phân tâm học và các hiểu biết khác về thế nào là sợ hãi, để đối mặt trực tiếp với nó, trong cái- không- biết đó (Mu). Bạn đang đối mặt – không phải “tôi” với “cái-đó” – nhưng là sợ hãi, bất kể là gì, cồn cào trong ruột, nôn nao trong dạ dày và cổ họng thắt lại và đủ thứ trên đời: hãy để tất cả các thứ đó pha trộn trong cái-không- biết đó và còn phải sẵn sàng chết nữa, không phải chết thể lý. Nếu kinh hoàng xảy ra, ở đâu vậy?

Trong cuốn sách Tây Tạng về Tử Thần thầy pháp (lama) nói nhỏ vào tai người đang hấp hối “Bất cứ điều gì xảy ra, Phật tổ, quỉ thần, tất cả thứ đó đều chỉ là sản phẩm của trí tuệ bạn thôi. Đừng sợ gì cả." Nhưng điều đó thực sự là phải là cái - không - biết và rồi khi bạn tỉnh dậy, có thể đây kia bạn thực sự không thể biết điều gì đang diễn ra và thế là bạn quan sát nó, nếu bạn chưa biết đừng vội đặt cho nó một cái tên, hay cắt nghĩa cũng như mô tả gì thêm - không có nghĩa là bạn bị mất phương hướng. Khi bạn cần suy nghĩ bạn có thể làm được.

Nhận thức mà không biết chính là Mu (cái- không- biết). Chính là đặt vấn đề mà không biết (Mu) – thực sự đen tối và sâu thẳm. Nếu như sợ hãi xuất hiện, rất có thể bạn lại đang suy nghĩ. “Điều đó đang dẫn tôi đến đâu?” tư tưởng đó đã trôi qua tâm trí tôi, nó đã nhắm bắn hạ sợ hãi "Điều gì sẽ xảy đến với tôi? Điều gì vậy?"

Lenore: Tôi nghĩ đôi khi sợ hãi chỉ đơn giản xuất hiện tại đó.

Toni: Nhưng có cần tiếp cận không? Và đừng vội cho là nó không liên quan gì đến suy nghĩ. Điều đó còn là gì được nữa.. một suy nghĩ có thể trôi qua rất nhanh. “cái chết” “hấp hối” tư tưởng đã vụt mất rồi, nhưng cái gì chúng ta nhắm được bằng một bộ phận gì đó thì vẫn còn đó.

Lenore: Thế nên bà đang cho biết, nếu sợ hãi xuất hiện, đó là gì vậy?

Toni: Đó là gì vậy! Một số người đang tìm hiểu điều đó, họ thấy hiệu quả hơn và có ý nghĩa hơn là [cái- không- biết] Mu

Lenore: Tôi thích Mu vì là...

Toni: nó không tập trung...

Lenore: Vâng, tôi đã không thể tập trung được tí gì.

Toni: Chính vì thế mà người ta chọn Mu đặc biệt trong những ngày này. Và rồi nó mở ra cho lắng nghe, chú tâm và không biết gì nữa...

Toni sinh tại Bá-Linh vào năm 1927, thời niên thiếu của thiền sư thật đen tối vì sợ hãi Hít-le và Đức Quốc Xã. Hít-le lên nắm quyền khi thiền sư mới lên 6 tuổi. Vì mẹ là người Do thái, nên trong gia đình ai cũng rất sợ hãi. Và để bảo vệ con cái, Toni và chị gái và cả người anh khác mẹ của bà xin được rửa tội. Toni còn nhớ lại y nguyên mục sư Lu-ther đến nhà và vẩy nước lên họ. Bà cũng còn nhớ bầu khí đạo đức phát triển trong gia đình sau đó, đó là sự khao khát những gì vượt ra ngoài bản thân bà. Những câu hỏi về chiến tranh và bức hại người Do thái luôn dầy vò tâm trí bà. Cha mẹ bà rất thận trọng, rất sợ phát biểu thoải mái trước con cái e rằng chúng nhắc lại ở bên ngoài những gì có thể gây nguy hại cho gia đình. Bạn bè và các bạn học đều phải mặc đồng phục của phong trào thanh niên. Toni cảm thấy ganh với chúng. Bà cảm thấy an toàn hơn nếu như được đeo Cà-vạt và chiếc nút thắt bằng da như họ. Mặc dù những thứ đó mang ý nghĩ gì vẫn không rõ ràng. Rồi những cuộc dội bom và nỗi kinh hoàng trong đêm và đổ nát xảy ra. Toni thắc mắc, làm sao có thể tồn tại song song được khái niệm một Thiên Chúa đầy yêu thương luôn chăm sóc đến con cái người và luôn bảo vệ họ? Điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả.

Bà cũng gặp rắc rối vì mặc cảm tội lỗi cứ đeo đẳng bà mãi. Nếu Chúa Giê-su chịu chết trên cây thánh giá để gánh lấy tất cả tội lỗi thế gian, tại sao bà vẫn còn cảm thấy mặc cảm tội lỗi? Tại sao ngài không gánh hết cho bà những mặc cảm tội lỗi đó? Một ngày kia bà lấy can đảm chạy lại hỏi một mục sư về tất cả những thắc mắc đó. Nhưng, chỉ với một nhận định cộc lốc, ông ra rút êm. Ngài mục sư không muốn đối phó với những vấn đề bà đặt ra.

Mẹ bà thường buồn bã trong gia đình. Toni thường cảm thấy bị dầy vò không hiểu lỗi tại ai. Người em trai học hành sa sút thường gây cho mẹ buồn khổ. Cứ mỗi khi điều đó xảy ra, Toni rất buồn vì đứa em trai. Điều gì xảy đến với cậu em bà cũng coi như xảy ra với chính mình Bà luôn ước ao như thế, để không phải đau khổ mỗi khi thấy đứa em trong tình trạng đó. Ngay cả khi cậu em còn rất nhỏ, bà còn nhớ rất sợ đứa em sẽ tự vẫn. Và rồi chỉ ít năm sau sự việc đã xảy ra.

Khi trò chuyện với Toni tôi cảm nhận được nỗi đau của bà. Thảm trạng của đứa em trai vẫn còn lảng vảng đâu đó trong căn phòng này.

Toni cười tươi cho biết, "Nhưng lễ Giáng sinh luôn là những giây phút hạnh phúc nhất, đó là điều khác. Rất nhiều anh em bạn bè tụ tập lại. Và con người ta cảm thấy bớt phiền muộn rất nhiều. Vào lúc đó mặc cảm tội lỗi cũng biến tan."

Một biến cố khác bà nhớ rất rõ đó là cuộc dội bom lần đầu tiên. Toni và người em gái đang bị bệnh tiêu chảy. Nhưng khi cuộc oanh kích bắt đầu, họ nhảy ra khỏi giường, bệnh tiêu chảy biến mất, sự ốm yếu cũng biến tan. "Tôi cảm thấy có sức mạnh lạ thường và hành động đúng đắn. Trong hoàn cảnh đó bạn biết phải làm gì." Chị em vội giúp dập tắt đám cháy. Nhưng sau này, khi mọi sự đã kết thúc, nhiều suy nghĩ vụt lóe trong đầu, “Ôi Chúa ơi, điều gì đã xảy ra thế? Điều đó có nhất thiết phải xảy đến hay không?” một nỗi buồn ray rứt xuất hiện và rồi, một vấn nạn mạnh mẽ lại xâm chiếm lòng bà: Cuộc đời còn ý nghĩa gì nữa không? Y nghĩ đó cứ đeo đẳng bà hoài, gây khó chịu và phiền toái vô cùng. Đâu là ý nghĩa của cuộc sống, một cuộc sống hoàn toàn vô nghĩa, hoàn toàn khó hiểu và tàn nhẫn? Bà tìm đâu được nguyên nhân lý giải cho những hành động của chúng ta?

Sau này cả gia đình di chuyển sang Thụy Sĩ và tại đó Toni đã gặp một sinh viên trẻ người Mỹ tên là Kyle Packer. Năm 1950 họ cưới nhau và năm sau đó họ di cư sang Mỹ. Hai người định cư tại miền bắc New-York và Kyle động viên Toni theo học tiếp tại Đại học Buffalo. Sau đó ít lâu nàng tốt nghiệp khoa tâm lý học. Nhưng phân viện đại học lại chủ trương dạy Tâm Cử Thuyết (behaviourism), nhấn mạnh đến qui trình thử nghiệm và học hỏi phải dựa trên những thí nghiệm ở chuột. Chủ tâm của Toni lại không mấy quan tâm đến điều đó, ít lâu sau bà đã từ giã khoa đó. Về phần mình bà đọc sách của Freud và Jung, cả Joseph Campell, đặc biệt tác phẩm bốn cuốn của Campell Masks of God (mặt nạ của Chúa).

"Tôi nghĩ trong những cuốn sách đó tôi tìm được sự an bình trong tâm hồn với toàn bộ vấn đề nữ giới” – một phần vì vấn đề đó có liên quan trực tiếp đến văn hóa và đã có một giai đoạn các nữ thần đã hiển trị rất cao. Đó chính là giai đoạn trước các chiến binh, chiến xa và các kỵ binh xuất hiện và chinh phục thế giới bằng sức mạnh và đã áp đặt một hệ thống tôn giáo mang đậm nam tính và đôi khi rất hà khắc. Toàn bộ vấn đề chẳng nhằm nhò gì với tôi cả. Tôi nhận thấy có điều chi đó hoàn toàn tương đối và có điều kiện hữu kiện, ai là người nắm giữ quyền lực và người nào đàn áp người nào? Đã có một mối ganh đua ở cả hai phía và sợ hãi lẫn nhau.. phái nam sợ phụ nữ, đàn bà sợ nam giới đàn áp. Nhưng điều đó có thể thay đổi bất cứ lúc nào."

Chính trong giai đoạn này Toni đã tiếp cận với Phật giáo và chính xác đối với tôi và rất nhiều người thuộc thế hệ chúng ta. Là thông qua các tác phẩm của Alan Watts màToni đã làm được điều đó. Bà đã đọc tất cả các tác phẩm của Alan, rồi các tác phẩm của Suzuki và nhiều hơn thế nữa. Đến mức độ Toni đã thấm nhập toàn bộ triết lý Phật giáo, Kyle đã đem về nhà tác phẩm của Phillip Kapleau mang tên Ba Cột Trụ Của Thiền định. Toni nhớ lại bà đã lật qua từng trang một cách hời hợt, như thể có người đưa thêm một món tráng miệng sau một bữa tiệc thịnh soạn. Bà đối chiếu qua loa với những gì Alan Watts viết và thấy hoàn toàn trái ngược. Và rồi bà bắt gặp lần đầu tiên những hướng dẫn cách hành thiền. Bà ngồi với tư thế thẳng đứng. Và đó là điều lúc này bà có thể thực hiện được.

Chẳng bao lâu sau bà đã ngồi hành thiền đều đặn tại nhà. Rồi chín tháng sau, sách của Kapleau bầy bán với giá rẻ và trên bìa bà đọc thấy Kapleau đã thiết lập một Thiền Viện tại Thành phố Rochester, bang New York. Đó là vào năm 1967, cả bà cùng với chồng và đứa con nuôi đang sinh sống tại Bắc Tonawanda, bang Nữu Ước, một thị trấn nhỏ nằm giữa Buffalo và thác Niagara. Cách Rochester khoảng độ một giờ rưỡi lái xe hơi. Họ chuyển tới đó và tham dự sáu khóa huấn luyện nhập môn và tham gia trong Thiền viện đó.

Toni nhớ rất rõ những cảm nhận đầu tiên. Khi còn nhỏ bà thường có thói quen đi xem các đại thánh đường tại Đức bất luận khi nào gia đình đi du lịch. Họ cảm thấy rất ấn tượng và bí hiểm tại thiền viện, với mùi nhang khắp nơi và có những chỗ ngăn bằng dây thừng không cho phép người ngoài xâm nhập. Có gì đằng sau những sợi dây nhung đỏ kia nhỉ? Tại Rochester, sau bài tập huấn nhập môn tại phòng ăn. Mọi người được mời di chuyển sang phòng khách. Ở đây, chắc chắn là phải có nhang và một tượng Đức Phật – nhưng không có dây phân ranh. Bạn có thể tiến thẳng tới đó, bạn có thể lập một bàn thờ ngay tại nhà bạn với một tượng Phật cho chính bạn. Tượng Phật này không phải là một thần linh, nhưng là cái thuộc chính bạn và mọi người có thể tập luyện và tuân thủ một số kỷ luật nhất định nào đó cho tất cả mọi người không phân biệt một ai cả. Chẳng có biên giới nào ngăn cách.

Ngay sau đó Toni đã tham dự các khóa huấn luyện thiền một cách nghiêm túc và áp dụng các biểu mẫu đối thoại nhập thiền (koans) với thiền sư Kapleau. Mối quan hệ giữa hai người phát triển mạnh trong niềm tôn kính và thương yêu. Ngay trong buổi học tập thiền (dokusan) đầu tiên thiền sư đã cho Toni biết, nếu như con chưa bao giờ giảng dạy con chớ có giảng như cách thiền sư đã làm. Toni hơi giật mình. Cho tới lúc tư tưởng truyền đạt lời dạy đã bị loại bỏ xa khởi tâm trí bà, nhưng bà vẫn còn nhớ những gì thiền sư nói. Nhiều năm sau đó, những lời nói của thiền sư vẫn còn nguyên giá trị và thiền sư không bao giờ rút lại những gì đã nói, cho dù những hậu quả có thể làm cho thiền sư đau khổ. Đã xảy ra một niềm cảm xúc đặc biệt trong hoàn cảnh này vì không lâu trước khi thiền sư nói những lời trên cho Toni. Chính Đại Thiền sư Kapleau đã gây ra một điều phụ tình nặng nề đối với chính sư phụ người Nhật đáng kính của mình là sư phụ thiền sư Yasutani, sư phụ đã một mực chống đối lại bất kỳ thay đổi nào Kapleau cảm thấy cần thiết để truyền đạt Thiền định sang quốc gia mới này.

Đối với Toni, tìm được hành thiền cũng giống như tìm thấy thức ăn trong lúc đang đói cồn cào vì không nhận ra được. Bà đã xông vào với cả tâm trí và thể xác. Bà đã làm việc hăng say, với niềm say mê và ham muốn, tìm đủ nghị lực để thực hành. Trí thông minh của bà bị thách thức chưa từng thấy. Những vấn đề thầm kín nhất của bà có thể được khám phá và kiểm tra cho đến khi chỉ còn điều nghi ngờ tồn tại. Kỷ luật đã giúp bà rất nhiều. Trong khoảng thời gian dài những hình thức không áp chế được bà. Chúng đem lại cho bà một cấu trúc để đổi mới bên trong..

Tuy nhiên, bà cảm thấy đa số Kinh Phật đều quá cầu kỳ, khô khan và khó hiểu. Liệu bà có thể tự mình kiểm nghiệm được những gì Kinh Phật truyền đạt hay không? Đó là điều duy nhất có ý nghĩa đối với bà. Sau cùng, trong cuốn sách do W.Y. Evans-Wentz viết có tên gọi Thiền định Tây Tạng Và Những Tín Điều Bí Hiểm (Tibetan Yoga and Secret Doctrines), bà đã khám phá ra một vài đoạn nói trực tiếp với bà. Đề cập đến những điều liên quan đến một số việc tập luyện có quan hệ đến tư tưởng trong khi hành thiền, như dẹp bỏ tư tưởng khỏi đầu óc, theo dõi một tư tưởng cho tới cùng, hoặc thả cho tư tưởng trôi dạt tự nhiên. Rồi biến người hành thiền giống như một người ngồi tại bờ suối, để tư tưởng trôi dạt theo dòng nước. Nhưng ngay cả ở đây, quá trình tư duy vẫn được vận dụng. Chúng ta vẫn đang suy nghĩ. Chúng ta đang dùng tư tưởng để khám phá tư tưởng. Ý thức được điều này là bước đột phá đầu tiên.

Toni còn cho tôi hay. "Tôi không thể cho bà biết làm sao tôi thường xuyên đọc điều này và tôi vui mừng thế nào khi tôi hiểu được đôi điều trong đó. – không phải từng chữ, nhưng những từ đó dẫn bạn trực tiếp hiểu được chút ít trong đó. Có thể tự mình thấy được trí tuệ hoạt động ra sao. Vì thế cho nên chúng ta không bị mắc kẹt trong đó, không thể tự lừa dối mình và không lừa dối kẻ khác. Điều này rất dễ xảy ra. Không có chú ý hoặc ý thức, đó là cách thức trí tuệ hoạt động!”

Vào đầu những năm 70 Toni được mời tư vấn cho các sinh viên về những quan tâm cá nhân hay những khó khăn tâm lý xuất hiện trong việc hành thiền và rồi Toni cũng được mời diễn thuyết về Thiền định tại các trường đại học và nhiều nơi khác. Mỗi một bước như thế Toni cảm thấy mình như bị đẩy ra khỏi chính bản ngã mình một ít. Chính tự bản thân Toni đã tìm đến những hoạt động này. Nhưng đó lại trở thành một phần rèn luyện của bà để khi thiền sư của bạn yêu cầu bạn thực hiện một vài điều gì đó., bạn trả lời đồng ý. Vậy nên khi sư phụ thiền sư Roshi yêu cầu, Toni chấp thuận ngay.

Trong khi đó, tầm hiểu biết của bà được mở rộng. Với những quan hệ bên ngoài trung tâm, với các thiền sinh mới cũng như cũ Toni đã được nghe những gì họ quan tâm, bà không còn chỉ tập trung vào công việc riêng tư của bà nữa,mà còn bắt đầu nhận thức một số hình thức truyền thống bằng dưới một cách nhìn khác. Thí dụ, động tác vái lạy chẳng hạn.

được biết động tác vái lạy có thể xuất phát từ một vị trí vô ngã. Vái lạy trước bàn thờ hay trước vị Đại thiền sư trong khi thọ giới (dokusan) có thể phát xuất từ trạng thái vô vi (trống rỗng). Nhưng giờ đây nếu các thiền sinh đến trước bà và vái lạy, liệu chúng có nhìn thấy con người bà rõ rệt không hay chúng chỉ coi bà như là một bức ảnh treo ở trên cao? Và chắc chắn bà có thể nhận ra chính bản thân của bà vì thế mà được đề cao hay không? Hình ảnh nào đã được hình thành trong tâm trí các thiền sinh? Ngay cả khi bà có đề phòng chuyện này – có nghĩa là hoàn toàn ý thức được những việc đó, còn các học trò thì chưa chắc đã làm được như vậy.

Còn về tụng kinh thì sao? Có rất nhiều bài tụng kinh, rất dài và được lặp đi lặp lại rất nhanh và nhiều lần liên tiếp. Mục đích của Tụng Kinh là gì? Nếu ý nghĩa là quan trọng, tại sao không đọc các từ đó chậm rãi hơn tránh rơi vào chỗ lặp đi lặp lại một cách máy móc, như con vẹt.?

Toni cũng bị chất vấn một cách nghiêm về cách sử dụng gậy để quật (heisaku) một cách tàn nhẫn không thương tiếc, các thiền sinh mới tập sự mệt mỏi phải chịu quật lên vai để gia tăng nghị lực. Toni cũng quan tâm sâu sắc đến những cú gậy đó đem lại lợi lộc gì cho thân xác và trí tuệ những người chịu đòn đó? Cũng vậy, dùng gậy như thế có giúp gì cho những người cầm gậy quát lên thiền sinh hay không? Dùng gậy cách trịnh trọng như thế có được coi như là một hành đông từ bi hay không? Và nghị lực có được tăng thêm cách tự nhiên trong quá trình thẩm vấn hay không? (sau này, tại thiền viện riêng của Toni, bà đã loại bỏ truyền thống gậy thiền này) .

Qua nhiều năm tập luyện, tâm trí Toni dám nghĩ đến những vấn nạn hóc búa như thế có thể diễn ra. Bà không cần có phản ứng hay để lộ bất kỳ hành động nào. Bà để tâm chú ý, suy tính đường nước và chờ đợi cơ hội. Bà biết Đại sư Roshi đặt nhiều tin tưởng ở bà và bà cũng rất tự tin ở mình. bà không thể đem ra áp dụng luyện tập nào cảm thấy không thích hợp. Bà hội ý với một số thiền sinh cao niên. Và dần dà bà bắt đầu thực hiện một số thay đổi.

Vào thời điểm bà và Đại sư Roshi thuyết pháp lẫn nhau. Đại sư có thể vắng mặt mỗi lần hàng mấy tháng trời, đi nghỉ hè hay chuyển đến các trung tâm thiền khác tại Hoa kỳ hay ra ngoại quốc và Toni được yêu cầu thay thế mỗi khi Đại sư vắng mặt. Một lần kia vào năm 1975 tại thiền viện Rochester, Đại sư Roshi cho gọi Toni vào văn phòng của mình và cho hay ông đang suy tính sẽ về hưu nay mai, rất có thể trong năm năm tới. Đại sư muốn chuyển đến một vùng có khí hậu ấm áp hơn và với một lượng thiền sinh ít hơn. Ông muốn Toni thay chỗ ông một cách vĩnh viễn tại thiền viện Rochester khi ông chính thức về hưu. Bà có muốn nhận hay không?

Toni như bị trời đánh. Bà nhớ lại trên đường lái xe về nhà lòng bà như chìm nghỉm không biết phải báo cho Kyle ra làm sao. Tuy vậy điều đó vẫn chưa xảy ra sau nhiều năm, viễn cảnh đó đè nặng lên Toni như một cục đá lớn. Bà không biết cách nào để lãnh lấy trách nhiệm đó. Bà không thể cứ tiếp tục công việc như bà vẫn thường làm từ bấy lâu nay. Vào thời điểm này bà ý thức rõ ràng được điều đó hơn ai hết. Nhưng liệu bà có khả năng thực hiện khác đi hay không?

Tuy vậy, bà vẫn trả lời Đại sư là bà chấp thuận. Công việc huấn luyện, mà bà đang thực hiện không dành cho bà một lựa chọn nào khác hơn.

Cũng trong thời điểm đó, Đại Sư Roshi đưa cho bà mượn một cuốn sách của tác giả Jacob Needleman mang tựa đề Tôn Giáo Mới (The New religions) lần đầu tiên tình cờ Toni khám phá ra những Phật pháp của Ngài Krishnamurti. Hậu quả mang tính xúc tác rất mạnh mẽ. Toàn bộ những nỗi nghi ngờ đều nổi lên. Tất cả những vấn nạn lại được phóng đại lên gấp bội. Krishnamurti cho biết: hãy xa lánh tất cả những hệ thống, tất cả quyền lực và tất cả những ảnh tượng. Hãy chấm dứt mọi gắn bó đặc biệt của bà đi ngay lập tức. Tâm trí phải được hoàn toàn thoát khỏi mọi quyền lực ràng buộc. Và vọng lại những lời dạy cuối cùng Đức Phật với các đồ đệ của mình: Các con hãy là ánh sáng tự soi chiếu cho chính mình. Ngài cũng nói thêm, trong một bài thuyết pháp về tình yêu, "Điều đó có thể hiểu là một cuộc nổi dậy bất ngờ và toàn diện; cũng có thể phá vỡ gia đình... các con rất có thể làm tan vỡ căn nhà các con vừa mới xây; các con có thể không bao giờ trở lại tu viện nữa." Cho dù Toni có đọc những lời đặc biệt này hay không, nhưng rõ ràng những lời đó đã ám chỉ cách lạ lùng về những biến động sắp sửa xảy ra.

Đầu năm 1981, Đại sư Kapleau đi nghỉ phép thường niên trong vòng một năm và Toni được cử lãnh nhiệm vụ điều hành thiền viện. Vào thời điểm này Toni cố gắng tìm kiếm một phương án thực sự phù hợp với đường lối riêng của mình trong việc điều hành thiền viện, đồng thời vẫn trung thành với thiền sư và với truyền thống rất quí mến của mình, Toni đã soạn ra tất cả những thay đổi nho nhỏ bà cảm thấy cần thiết. Như những lời trong nghi thức tuyên thệ, những lời tụng kinh cầu Phật, nhịp điệu các bài niệm Phật, những cách ngồi thiền và một số chi tiết nghi thức hành thiền hàm chứa tính chất phẩm trật. Khi Toni đem trình bày với Đại sư Roschi, ông tỏ ra rất bối rối. Tại sao bà lại muốn tiến quá nhanh như thế? Ông đồng ý thay đổi một số bài niệm Phật, nhưng muốn bà giữ nguyên những chi tiết khác. Đại sư cho Toni hay: dưới thời Harada-Roshi (một trong những thiền sư bậc thầy của ông) một thiền sư mới nhận chức trưởng thiền viện chưa bao giờ dám mơ tưởng đến việc thay đổi bất cứ điều gì. Điều đó được coi như một việc làm hoàn toàn trơ trẽn. Đại sư nói tiếp với Toni, điều gì con muốn thực hiện trong phương cách truyền đạt Thiền (dokusan) thì tùy ở con. Nhưng còn về những mô thức thì lại là một chuyện khác. "Chúng ta đã khổ công tạo dựng một số trong thiền viện này".

Toni nhận ra ngay Đại sư Roshi đã cảm nhận trung tâm này thuộc quyền ông mạnh mẽ đến nhường nào... và ông không muốn thay đổi điều gì hết. – ít nhất không thay đổi nhanh đến vậy. Và ở vào thời điểm này bà phải đồng ý với Đại sư là không nên thay đổi quá nhanh như thế.

Bà muốn mọi sự vẫn diễn ra tốt đẹp. Bà đã đấu tranh để điều đó được thực hiện và để tìm ra được một thỏa hiệp hài hòa cho những bất đồng với Đại sư. Theo một số thiền sinh của Toni cho biết, họ tán đồng phương án cứ giữ nguyên hiện trạng như bấy lâu nay. Họ mô tả một sự chia rẽ kịch liệt tại trung tâm vào thời điểm này cũng như những cuộc hội họp đầy xáo trộn trong đó hành động của Toni bị công kích kịch liệt. Và bà dư biết họ chỉ nhìn thấy những gợn sóng nơi những thay đổi sâu đậm trong ý định của bà.

Bà cho tôi hay, "Tôi bắt đầu rà soát lại toàn bộ những gì tôi đang thực hiện. Tôi biết mình đang là thành viên của một nhóm và sự gắn bó phải có với nhóm. Nhưng tôi cố gắng tìm cách giải thích, tôi không muốn khắc phục điều đó.

Những vấn đề đó buộc phải phát sinh. Tỷ dụ như, có một chi tiết nhỏ trong việc lãnh pháp phục (Rakusu). Đối với nhiều thiền sinh, nhận áo cà sa hay pháp Phục (Rakusu) là biểu tượng tình trạng đạt đến một mức phát triển mới trong việc hành thiền. Nơi một số truyền thống thì điều đó hàm ý đã hoàn tất thực hiện một số Koans. Một số truyền thống khác chỉ cho nhận pháp phục khi tuyên thệ hay được tấn phong. Tại thiền viện Rochester vào những năm 1970 áo cà sa được trao cho những thiền sinh đã hoàn tất những koans đầu tiên và thực hành một số koans "tổng hợp" cũng như sẵn sàng thi hành Mumon-kan, một bài Koans được giao cho các thiền sinh ở cấp cao hơn.

Pháp phục là loại áo rộng khoác ngoài áo cà sa hoặc ngay cả mặc ngoài áo mặc thường ngày. Áo được cắt may rất cẩn thận theo truyền thống gồm những mảnh vải chữ nhật may ghép chung lại với nhau theo một cách nhất định. Theo truyền thống một số nơi thiền sinh còn phải chính tay may lấy pháp phục để mặc, việc khâu vá đó cũng chính là một bài học thiền. Cứ mỗi đường kim mũi chỉ lại phải đọc một lời niệm Phật và cứ như vậy phải kể đến cả triệu lời niệm Phật như thế. Tại Thiền viện Rochester các thiền sinh không tự tay máy Áo Rakusu, nhưng có người may và dâng cho những ai xứng đáng được nhận áo. Như một biểu tượng đặc trưng cho việc thành đạt của thiền sinh.

Đương nhiên thông lệ này được thực hiện vì phẩm trật và gây chia rẽ. Tại sao không loại bỏ đi? Và đối với bất kỳ ai sẵn tính thắc mắc những chuyện như vậy –Toni là hạng người như thế – thì lãnh Rakusu chắc chắn là điều gây nhiều phiền toái. Trong bối cảnh cái tôi (bản ngã) và niềm kiêu hãnh – được phân định rõ ràng – đang được đề cao tối đa, thì làm sao áo Rakusu còn có chỗ đứng?

Toni đã cởi bỏ áo Rakusu và không bao giờ khoác lại nữa. Bà chắc chắn phải biết điều này không thể qua mắt được bất cứ ai. Thế mà việc này và những thay đổi khác bà đã ấn định hiện nay vẫn chưa thể hợp với trào lưu suy nghĩ của nhiều người. Vì vậy tận đáy lòng có nhiều người cảm thấy như bị sốc và không hài lòng về việc làm của Toni. Va chạm và đối đầu gây nhiều đau khổ phiền toái và làm nản lòng Toni. Gợi lại những bóng ma khủng khiếp thời niêu thiếu. Nhưng bà không thể thoái lui hoặc rẽ sang một bên. Khi đã nhận ra ảo tưởng ám ảnh con người ta sẽ không được cổ động cho ảo tưởng nữa. Áo Rakusu, những phục lạy, chỗ đặc biệt dành riêng trong phòng hành thiền – tất cả những thứ đó đều mang nặng tính phân biệt đối xử. Tuy vậy đã nhiều lần bà vẫn phải chứng kiến, bà nhất định phải tiến hành loại bỏ.

Một hội nghị mang nhiều ý nghĩa đã diễn ra ngay sau khi Đại sư Roshi từ Santa Fe trở về Rochester vào tháng 6 năm 1981. Nhiều người đã viết thư cho đại sư và trực tiếp nói với ngài, phàn nàn về những thay đổi đã diễn ra. Trong một phòng họp đầy những người phẫn nộ, Toni chỉ được phép có hai thành viên đi kèm. Những lời tố cáo được nhắm vào cả ba người. Vào cuối buổi họp (và ngay cả sau khi có sự đóng góp ý kiến khẩn cấp của một nhân vật kỳ cựu trong một cuộc tranh luân kéo dài đến tận 2 giờ rưỡi sáng. Toni biết rất rõ cuối cùng, nếu không phải ngay tức khắc, rồi thế nào bà cũng phải ra đi – cho dù rất buồn về điều bà đã gây ra và bất kể sự chia rẽ không thể tránh khỏi. Chỉ còn vài người lưu lại, một thiền sinh của bà và một của Đại Sư Roshi. Họ còn có thể làm được gì nào? Làm sao có thể thương lượng riêng rẽ và bầy tỏ lòng trung thành với thầy mình được? Những vấn này phải được giải quyết. Rất có thể sẽ gây nhiều đau khổ. Cần phải có thời gian. Nhưng trước tiên thì ly khai là điều chắc chắn phải xảy ra.

Toni đã ý thức được toàn bộ tình hình đó sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bà. "Có một số người rất thích thay đổi và họ cảm thấy rất thích thú. Còn đối với Toni, lớn lên tại nước Đức Hitler, điều này làm bùng dậy trong bà nhiều nỗi kinh hoàng cũ. – như bị tố cáo, bị lên án."

Và vấn đề còn trở nên trầm trọng hơn nhiều –Toni có còn là một Phật tử nữa hay không? Điều này vẫn chưa được nêu ra. Nhưng bà vẫn chưa phải đối mặt với vấn đề đó. Bà chưa thể lìa bỏ tất cả mọi thứ cùng một lúc. Vậy nên ngày hôm sau Đại sư Roshi đã nói với bà, "Nếu con ở lại thì con có thể làm bất kỳ điều gì con muốn. Thầy sẽ để cho con hoàn toàn tự do thực hiện theo cách con muốn." Bà đồng ý và lưu lại.

Toni: Đại sư nói với tôi, “Được rồi, hãy làm những gì con thấy cần phải thực hiện." Nhưng trong một thời gian ngắn như thế tôi biết chắc đại sư không để tôi được “hoàn toàn" tự do muốn làm gì thì làm. Vì tôi sắp sửa từ giã Phật giáo trong nay mai.

Lenore: Bà có thể nói rõ điều đó được không?

Toni: Vâng, chính tôi đã thực hiện đủ thứ vái phục, thắp nhang và vái lạy tỏ lòng tôn kính và hàng loạt các thứ khác. Tôi phát hiện ra mình đang gây ảnh hưởng đến người khác, do vị thế tôi đang nắm giữ, nơi toàn bộ tổ chức, tôi nhận ra điều đó và không muốn can dự gì trong đó nữa.

Trừ phi bạn thực sự không muốn thắc mắc điều gì cả, nếu có người nào giúp bạn không tìm hiểu điều tra. bạn sẽ không làm đâu. Tôi nhận thấy điều đó khi hành thiền định. Một hệ thống luôn giúp bạn không tìm hiểu hay khám phá chi hết. Cho dù hệ thống đó tự cho là đã nghi vấn mọi sự. Thắc mắc đủ thứ có nghĩa là bạn "thiêu rụi Đức Phật.” nhưng rồi bạn lại đặt Ngài lên bàn thờ..!

Tôi đã xem xét kỹ càng: Có phải tôi gây chia rẽ khi tôi vái lạy chăng? Người ta thường nói, “Khi bạn xá lạy, bạn không lạy Phật đâu, bạn lạy chính bạn đó. và khi bạn phủ phục trước người nào đó, mọi sự đều biến mất, bạn cũng biến luôn cả Phật nữa và chẳng còn gì tồn tại." Tôi đã cố gắng tìm tòi xem xét và chẳng thấy có gì rõ ràng. Tôi chỉ thấy lúc nào cũng có hình bóng, của người lạy, hoặc của người "chẳng có gì hết" Lúc nào cũng hiện diện bóng dáng của điều gì đó, hoặc người nào đó đang xá lạy. Hoặc ít nhất cũng có tư tưởng là có thể thực hiện rất vô tư!

Lenore: Xin hỏi bà một điều, vái trong tình trạng "Vô Vi" có ổn không.?

Toni: Tại sao chúng ta lại làm thế nhỉ? Để tôi hỏi bạn xem: Nếu bạn chưa bao giờ biết đến truyền thống vái lạy, trong một giây phút hiểu biết và tình yêu tràn trề – bạn có vái không?

Lenore: Vâng, theo những gì tôi đã học, tôi biết cử chỉ này diễn tả lòng kính trọng, biết ơn và tình yêu. Và đôi khi những tình cảm này tự nhiên xuất hiện trong tôi

Toni: Bạn có chỉ cho người khác làm như vậy không? Tôi muốn nói những người Tây phương ấy, họ chưa bao giờ biết làm điều đó, chớ làm điều gì một cách vô ý thức.

Lenore: Như vậy là bà đã dạy người ta thực hiện một cử chỉ vô ý nghĩa?

Toni: Vâng đúng vậy, bạn không thể dạy tình yêu cho người khác được, nó có sẵn hay không là tùy ở bạn và nó thể hiện ra sao, hoặc có diễn ra bằng cử chỉ hay không là điều hoàn toàn vô nghĩa.

Rốt cục, sự việc cũng đi đến chỗ kết thúc không thể tránh khỏi. Cho dù theo kinh nghiệm một số thiền sinh của Toni sự việc kéo dài trong một thời gian dài, nhưng hình như tất cả đã diễn ra hết sức nhanh chóng. Toni đã từ giã trung tâm vào ngày 1 tháng Giêng năm 1981, trong khi đó Đại sư Kapleau do phải chuyển đến Santa Fe. Nên tháng Sáu năm đó ông mới quay trở lại Rochester và cuộc họp sóng gió đã diễn ra như mô tả ở trên. Đến tháng 11 năm đó, Toni đến thăm Đại sư Roshi tại Mexico, nơi ông đang chiêu mộ đệ tử và báo cho ông biết bà không thể tiếp tục được nữa vì bà không còn coi mình là phật tử nữa. "Đó là điều cực kỳ khó khăn. Nếu như đại sư thực sự muốn tôi ở lại thêm một năm nữa thì tôi sẽ ở lại, cho dù có phải tuân thủ những lề luật cũ." Nhưng sau khi trao đổi với những người có trách nhiệm quản trị thiền viện, đại sư chỉ yêu cầu Toni lưu lại đến hết tháng Giêng. Thế nên toàn bộ câu chuyện đã diễn ra nội trong vòng một năm.

Tuy nhiên xuất phát từ một điểm thuận lợi khác, vấn đề vẫn tiếp diễn. Những vết thương lòng vẫn đang được hàn gắn. Đang diễn ra nhiều công kích, đau khổ cay đắng, cũng như nhiều mất mát. Trong khi nhiều người tản mác đến các trung tâm khác. Một số không còn cảm thấy gắn bó, thận trọng, cho dù vẫn tỉnh táo. Một số trong tận đáy lòng vẫn còn muốn hàn gắn việc ly giáo này. Ngay cả hiện tượng hai trung Tâm Thiền trong một thành phố đang có dấu hiệu bất đồng với nhau, đang đố kỵ nhau về những quan điểm hòa hợp và bất phân chia. Một số đang kiểm định lại thái độ và những cách thức suy nghĩ khả dĩ có thể giải quyết sự ly giáo đó. Một thiền sinh viết cho Toni lá thư bà trích đọc trong một buổi tọa đàm vào ngày Chúa Nhật nọ, phàn nàn về những cách thức "chúng ta đã làm dấy lên sự chia rẽ giữa hai đoàn thể tu trì."

Vẫn theo phong cách cố hữu của mình, Toni cho biết, "Không hề tồn tại hai đoàn thể tu trì riêng biệt. Chỉ có con người tự chia rẽ và tự ly gián nhau." Toni không tỏ ra mất kiên nhẫn bà vẫn đi tìm an bình và hòa hợp. Hơn thế nữa, Toni muốn biết: an bình và hòa hợp là gì? Cho dù chúng ta đề cập đến hai quốc gia, hai trung tâm thiền, hai cá nhân, hoặc tình trạng nội tại của mỗi cá nhân, điều chúng ta đang đề cập đến là phạm trù tư tưởng, ý kiến và tưởng tượng. "Bạn có nhận ra điều này hay không?" Bà biết nhiều người sẽ thấm thía điều bối rối này, sẽ phấn đấu hết sức mình. Nhưng sinh trưởng tại Đức, Toni đã kinh qua những giây phút "hòa bình" giả tạo đã xảy ra đan xen trong chiến tranh.

Toni cho biết, tất cả chúng ta đều mủi lòng khi giải quyết những khó khăn trong thế giới, tuy thế chúng ta đâu có trực tiếp tiếp cận với những vấn đề đó. Chúng ta đã làm cho tình thế rối bời lên. Chúng ta có thể có một vài ấn tượng nhất định và tạm thời, nhưng không phải là một câu trả lời thực sự. vì đó là điều chúng ta cần để đi sâu vào vấn đề nơi chính chúng ta là khám phá ra vấn đề đó một cách cơ bản.

Làm sao chúng ta có thể cống hiến cho hòa bình và hài hòa khi mà chính chúng ta không có được những điều đó trong thâm tâm chúng ta? Và sự hòa bình chân chính, sự hòa hợp phải là điều khác biệt với một vài tư tưởng mà chúng ta thường nhắc lại, một vài hình ảnh của chính chúng ta như là một người kiến tạo hòa bình và hài hòa." Những hình ảnh như vậy ngăn cản chúng ta nhìn ra mối bất hòa, sự chia rẽ và sự phân tán trong chính chúng ta.

Thế cho nên Toni không vội vã gì trong những ngày này che dấu bất kỳ những cảm nghĩ thô thiển nào có thể xuất hiện, ngay cả khi điều đó phục vụ cho sự ổn định hay tình yêu thương. Chia rẽ là có thực. Hờn giận, cay đắng và lợi ích riêng tư cũng có thật. Chúng ta đừng che giấu chúng trước khi đi lùng kiếm, cảm nhận chúng và thấu hiểu lý do chúng xuất hiện."

Đâu là nguyên nhân của sân hận, bạo loạn, chiến tranh, bất hòa và chia rẽ? Nếu như chúng ta để cho vấn đề này hủy hoại chính chúng ta – cũng như nó đang phá hủy thế giới – thế thì chúng ta phải bắt đầu từ điểm nào?"

Toni đã bắt đầu từ bản ngã. Là vì nếu như vẫn còn quyền lợi riêng tư, bản ngã sẽ bị va chạm với quyền lợi riêng tư khác. Và cho đến khi nào chúng ta chưa đạt đến một sự thống nhất (nên một trong tư tưởng) thì sẽ không có hòa bình.

Toni nhấn mạnh nhiều lần mối quan trọng phải có thái độ sẵn sàng lắng nghe một cách vô vị lợi. Và khả năng tỏ ra luôn cởi mở và thân thiện trước mọi công kích bất luận chúng có là thái độ giảm bớt hận thù. Toni đã đặt cơ sở một số bài nói chuyện của bà về những câu hỏi đáng chú ý và đầy thách thức do các học viên đưa ra. (một học viên đã đặt câu hỏi, “chẳng phải điều bà đang thực hiện đều chỉ là vấn đề tâm lý hay sao? Còn vấn đề giác ngộ thì sao? Hay đạt đến Phật tính là thế nào? Một học viên khác lại viết: "Nỗi lo duy nhất của tôi là những học viên của thiền sư vì quá lóa mắt trước tài biện luận của thiền sư và nhân cách quá đẹp của bà mà tìm ra được con đường chân chính” . Toni đã bắt đầu đưa ra hàng loạt những lớp học diễn thuyết về bất kỳ hay toàn bộ những câu hỏi có thể nổi lên liên quan đến những thay đổi tại thiền viện mới mở này.

Toni nói, chúng ta cần phải lắng nghe lẫn nhau và lắng nghe chính mình, không sợ sệt điều gì cả. Và điều này chỉ có thể xảy ra nếu thực sự không có mối đe dọa nào cả. – đó là điều không hề dễ dàng chút nào cả. Cần phải có "khả năng tập trung và năng lực ý thức cao độ, không bị lún sâu vào toàn bộ những khuynh hướng này một cách mù quáng," Thật quá dễ dàng để không nhìn nhận những gì đang xảy ra nơi bản thân chúng ta đang khi ghen tuông đầy tham vọng hay đang gièm pha chê bai kẻ khác. Những phản ứng này xuất phát từ đâu? Tìm đâu ra nguyên nhân bất hòa, chiến tranh, thiếu tương quan giữa nhân loại với nhau? Chúng ta phải đặt vấn đề và ngồi thiền về những vấn đề này. Ta hãy nhắc lại thường xuyên: điều đó hàm ý điều gì?

Ngay cả đặt câu hỏi: Phật giáo là gì? Ai biết điều đó? Toni hỏi các học viên. Ai thực sự hiểu được vấn đề này? Toni lại hồi tưởng lại những lời Đức Phật dạy: Anh em hãy là ngọn đèn sáng soi cho chính mình. Hãy dựa trên sự thật và đừng trông cậy vào sự trợ giúp của bất kỳ điều gì cả.

Đó là điều Toni thuyết giảng, cho dù bà có tự coi mình là người phật tử hay không không cần thiết. Bà giảng dạy và còn đang giảng dạy về ngọn đèn đang được đặt vấn đề, chiếu rọi ánh sáng trên bất kỳ điều gì nẩy sinh và xuất hiện trên bước đường bà đang đi. "Một điều không thể nào xảy ra được nơi một con người là nhìn xem mà không hề suy tưởng đến điều gì mình đang chiêm ngắm. Nhưng bạn phải ngồi thiền và ngồi thiền về vấn nạn vừa được nêu ra và chỉ cần nhìn xem và lắng nghe một cách nội tại, không cần ý thức gì cả."

Toni thuyết giảng bằng cách đặt ra những vấn nạn. Bà đặt vấn đề không những tất cả những gì liên quan đến niềm tin và qui trình hành động của mình, mà còn đặt vấn đề cả cái cơ cấu quan hệ thầy và trò. Toni không có mặt để ban tặng cho bạn điều gì, cũng chẳng phải để truyền đạt sự thật. Có điều chi đó đang xảy thực sự ra, nhưng chẳng có gì liên quan đến người ban phát và người được nhận. Cả hai khối óc đang gặp nhau và, nếu như có sự cởi mở, sẽ có điều gì đó chuyển động, thay đổi và được làm sáng tỏ. "các bạn có nhận ra điều này không?" Toni nhắc lại nhiều lần điều này. Hay là "Có thể nào chỉ cần lắng nghe, mà không ước muốn, mà không lựa chọn điều này hơn điều kia chăng?”

Những lời nói của Toni chẳng bao giờ hàm ý thuyết phục hay tạo niềm tin cho ai hoặc ngay cả truyền cảm hứng cho bất kỳ ai. Lời nói đâu phải là sự thật. Sự thật là hội kiến trực tiếp và không thể giảng dạy mà hiểu được. “Nếu như đã nhìn nhận được rõ ràng thì đâu có cần đến “thầy” và "trò" làm gì. Sẽ không có sự phân rẽ" có hai người, đầu óc của họ rất giống nhau, họ cùng nhau nêu ra những câu hỏi, cùng nhau "khảo sát "toàn bộ vấn đề”, luôn chú tâm và chú tâm liên tục. Có đôi khi một vài chi tiết được làm sáng tỏ, có đôi khi thì không.

Khi còn ở lại Rochester tôi chỉ được tiếp kiến Toni có hai lần. Nhưng mỗi lần tôi gặp thiền sư là mỗi lần tôi lại phải quan sát – hay nói đúng hơn là bắt đầu quan sát. Những gì tôi thấy được là khuynh hướng trí tuệ của tôi đưa ra những tư tưởng và hình ảnh kèm theo với cảm xúc và vì vậy tôi nghiệm thấy sự "thật" đoạn đối thoại sau đây trực tiếp làm sáng tỏ phương cách Toni thực thi "chức vụ thiền sư" của mình như thế nào.

Chúng ta đã đề cập đến một số thay đổi được tiến hành tại trung tâm GVZC, những điều đã bị bãi bỏ như xá lạy hay vái. Tôi có vài nhận định căn cứ vào những ấn tượng mạnh mẽ về trung tâm thiền này. Tuy nhiên đó cũng chỉ là một "nơi hành thiền." Khi được hỏi tôi muốn ám chỉ gì khi nói như vậy, tôi đã trả lời:

Lenore: Một nơi diễn ra việc luyện tập thuộc một số loại hình, đang gây thắc mắc sâu xa, được thể hiện nơi một số vật dụng mang nặng tính hình thức – như việc bầy biện các nệm thiền và thảm trải sàn phòng thiền chẳng hạn – hiện nay không còn được gọi với cái tên trịnh trọng như là Zafu (nệm thiền) hay Zabuton (thảm thiền), nhưng những thứ đó vẫn còn đó. Vẫn còn chuông thiền, được sử dụng nhằm một vài "mục đích” trong đầu, nhưng mục đích có thể sai... theo một vài qui trình suy nghĩ nào đó. Một qui trình không đếm xỉa gì đến những điều kiện cụ thể, không chấp nhận một giá trị nào cả, không nhắm tới bất kỳ điều gì. Nhưng lại tồn tại một sự hà khắc trong đó, thiền sư muốn công việc mình tiến hành trôi chảy. Một sự hà khắc từ những hình thức và gậy thiền... một hình thức kính trọng mang nặng phong cách Thiền định (Zen) đối với tôi.

Toni: Tôi không biết có nên nói là kính trọng những thứ đó hay không, tôi là ai và phải tôn vinh điều gì. Nhưng chúng ta đang thực hiện điều đó dưới hình thức này vì ta thấy đem lại lợi ích. Đến thời điểm nào đó điều gì không mang lại lợi ích, hoặc đem lại lợi ích ít hơn (chúng ta có thể thử nghiệm) chúng ta sẽ giữ lại. Chúng ta đã loại bỏ một số chuông, bạn thấy có hai chiếc và ngồi hành thiền chúng ta không cần đến một chiếc thứ ba. Chúng ta thấy đã có một cách chuyển từ ngồi thiền sang hành (đi) thiền một cách rất nhuần nhiễn, thì cứ việc chuyển sang, chứ cớ gì lại phải vái lạy chiếc đệm thiền.

Lenore: Xin ý kiến của bà, tôi dùng từ "kính trọng" ở đây và từ đó mang một ý nghĩa nào đó theo suy nghĩ của tôi, nhưng bà trả lời hơi đơn giản để cho qua luôn ba cái lẻ tẻ đó...

Toni: Vâng, nếu không có ba thứ lẻ tẻ đó và không có tôi, thì ắt hẳn những hành động đó không trở thành mãnh liệt đâu. Vì vậy không nên áp đặt kính trọng làm gì, bạn phải áp đặt kính trọng ở chỗ nào sợ là lộng hành và bất kính. Nếu ở đâu không có sự bất kính thì cần gì phải áp đặt kính trọng.! Và với ý tưởng "tôi đang kính trọng điều này điều nọ” liệu trong đó có hình ảnh tôi kính trọng điều nọ điều kia không? Hai thứ đó là gì vậy?

Lenore: Tôi hiểu ý bà muốn nói.

Toni: Nhìn thấy cái khay, bà có thấy tôi và cái khay hay không. Hay chỉ có cái khay không mà thôi? Nếu như tôi kính trọng điều gì đó thì chính tôi cũng phải dính dáng trong đó cách này hay cách khác,...

Lenore: Thôi không bàn tiếp điều đó nữa. Tôi cảm thấy trong một vài trường hợp không mấy khi có tôi tôn trọng điều gì đó mà tôi thấy mọi người đều ủng hộ nỗ lực này một cách vô tư.

Toni: Đó chỉ là trong suy nghĩ! Và cần phải được đặt thành vấn đề. Vì suy nghĩ cần phải đem ra thực hành. Đã có một suy nghĩ nào có thể tạo ra vô số cảm hứng và làm nổi dậy rất nhiều sức mạnh chưa?

Lenore: Đã bao giờ bà cảm thấy được nâng đỡ, một cách đơn giản và không cầu kỳ khi có khoảng hai ba mươi người cùng nhau thực hiện một việc gì đó không.?

Toni: Nâng đỡ về điều gì cơ?

Lenore: Việc tập luyện của tôi được nâng đỡ do những cố gắng qua lại lẫn nhau mà ra. Có phải tôi nêu ra cùng một vấn đề bằng cách nói khác đi hay không?

Toni: Điều đó là qui trình suy tư và bạn diễn đạt đúng rồi đấy, chứ không phải vật chất cụ thể.

Lenore: Vâng, Điều gì xảy ra nếu như tôi ý thức được người ngồi kế bên tôi...

Toni: Vâng, Ý thức đó là gì khi có sự tương trợ lẫn nhau có khác với tình yêu hay không?

Lenore: Điều chi vậy?

Toni: Điều chi đó? Hay vẫn còn là một ý tưởng - chúng ta tất cả cùng hiện diện ở đây. Chỉ điều này thôi tôi cảm thấy được nâng đỡ rất nhiều, chỉ cần nghĩ đến đã đủ. Tư tưởng tạo ra nâng đỡ và sức mạnh.

Lenore: Thế còn toàn bộ những cảm giác thể lý...

Toni: Y bà muốn hỏi về sức mạnh? Có một thứ sức mạnh được tạo ra trong khóa huấn luyện, điều đó là có thực.

Lenore: Bà biết không, đúng rồi. Tôi đang có một ý tưởng!

Toni: Hãy nhìn xem và bạn sẽ tìm thấy chúng ở khắp nơi. Giống như những hạt dẻ rụng khỏi cây! Và chúng còn có lông ngứa lắm đấy.

Lenore: Đúng vậy.

Toni: Và càng nhiều hạt dẻ rơi thì càng thấy nhiều khả năng hạt được tự do (tách khỏi cây). Cũng như thế có nhiều sinh lực được tạo nên nơi các cuộc huấn luyện thiền, những người không hiện diện trong đó phải thốt lên, "Ôi tôi cảm thấy nghị lực toát ra từ cuộc huấn luyện thiền," và điều đó cũng xảy ra với tôi, thực sự lúc nào chúng ta cũng cảm thấy tăng thêm sức lực, vì có quá nhiều các trung tâm thiền trên khắp thế giới, lúc nào cũng có người luyện tập thiền! Và thế còn những năng lực có thể lấp biển dời non thì sao? Và tôi nhớ đến một ngọn cỏ có thể di chuyển được hơn hai trăm ki-lô đất cát! Một ngọn cỏ dưới trời thu, bay qua vùng đất chính điều đó đã phát sinh năng lượng! Cuộc sống là năng lượng. Và chúng ta chỉ thực hiện được những gì rất giới hạn không đáng kể, chúng ta đã tạo được gì nào. Và rồi chúng ta cảm thấy hài lòng. Vì chúng ta đã thực hiện được ít việc! [cả hai người phá lên cười].

Về nghị lực đó đã có một thời một thiền sư Zen gọi là "nghị lực pháo." Một số người hỏi ông về thiền định tại Hoa kỳ ra sao, ông trả lời, “như quả pháo” đó là nhiều năm trước đây. Nhưng đó là cách diễn tả rất tuyệt vì có một thứ nghị lực kinh khủng phát xuất từ những cảm hứng và ý tưởng đó. Và chúng ta đang thực hiện điều đó, chúng ta là những người tuyệt vời có phải không? Điều đó đã gây ra tiếng vang rất mạnh trên bầu trời đen tối để rồi kết thúc một cách yếu ớt. Rồi chúng ta lại phải tìm kiếm tại nơi nào khác trở lại. Vì chúng ta đâu có tiếp xúc được với năng lượng của cuộc sống đâu.

Lenore: Bà có nghĩ là không có kinh nghiệm về tình đoàn kết không? Không phải kinh nghiệm về... để tôi coi tôi muốn nói... tôi không hiểu điều này phải đề cập đến lòng mộ đạo hay không? Và đó có phải là một tư tưởng hay không nhỉ?

Toni: Lòng mộ đạo đầy nhóc các tư tưởng trong đó không thấy à!

Lenore: Bà biết đó, chúng ta sắp đụng chạm đến một vài điều quan trọng. Tôi không bao giờ nghĩ đến điều đó bằng từ “tư tưởng”, nhưng tôi biết tôi có khả năng rất lớn để... tạo ra sung sướng vô ngần? Vâng điều đó sẽ giải quyết tất cả.

Toni: Vâng. Trạng thái sung sướng tột độ – một chút hơi thần bí và một chút sảng khoái tột độ.

Lenore: Vâng, đại loại như thế! và như vậy, khó lòng có thể bỏ qua được vì điều đó rất ngọt ngào và tuyệt vời. Mặt khác bà không thể biết được tôi không sẵn sàng bỏ qua để giải quyết, để sống trong điều kiện bất lợi nhất.

Toni: Điều bất lợi nhất là gì? [ngưng một chút] tôi không có cảm nhận nào về điều đó lúc đó lại là một ý tưởng – nhưng đừng để trở thành một ý tưởng nhé!

Lenore: Không đâu.

Toni: Bà không cần phải diễn tả điều đó, cứ để nó trở thành một câu hỏi đi. Cái đẹp của một câu hỏi luôn là không có được câu trả lời cho câu hỏi đó, rồi bà sẽ thấy. Nhiệm vụ duy nhất của câu hỏi là khơi đậy cho người ta quan sát tìm tòi, không phải là câu trả lời. Bất kể điều gì được hé mở ra trong đó chỉ tương đối vô chất mà thôi.

Tháng Năm năm 1983, ngày hôm trước buổi họp khoáng đại với danh nghĩa là một tổ chức đã diễn ra tại trung tâm GVZC, Toni đề cập đến, “Chúng ta là ai và chúng ta là gì và không là gì." Bà cho biết tổ chức này rất quan trọng, không những chỉ giúp mỗi chúng ta tự nhìn lại bản thân mà còn hiểu được mỗi người chúng ta là ai mà không ảo tưởng. Bà nhấn mạnh đến nguy cơ là một tổ chức có thể trở thành quan trọng hơn con người tạo ra nó và phục vụ. Một tổ chức có thể trở thành đối tượng để cho thành viên kiêu hãnh và gắn bó. Nó có thể gây nên niềm kiêu hãnh và chia rẽ khỏi các tổ chức khác. Bà đặt vấn đề “Thế nào là một trung tâm?" có phải nó tạo ra tự mãn, địa vị và thanh thế.? Những điểm này cần được liên tục làm sáng tỏ, "Thế nên chẳng có gì phát triển mà không được biết đến.”

Bà cũng đề cập đến: làm sao lý tưởng làm lóa mắt chúng ta trước những gì thực sự đang diễn ra trong tâm trí trong suy nghĩ và trong thể xác chúng ta. Chúng ta che đậy hoặc chối bỏ những khiếm khuyết của chúng ta và nhận ra chúng rất rõ nơi người khác! Bà cho biết những tương quan giữa con người với nhau thật tế nhị đến mức độ nào. Chúng đòi hỏi rất nhiều tình thương – và thói thường tình yêu này không đủ đáp ứng. Bà nhớ lại lần đầu tiên bà gặp chính mẹ mình trong tình trạng bà khiếp sợ cả điều tối quan trọng trong cuộc sống. Bà cụ chẳng muốn nghe cũng như không thể tin điều đó.

"Điều đó thật sự đã trở thành một điều gây ngạc nhiên rất lớn, tôi cứ tưởng mẹ tôi nhìn ra, nhưng bà cụ lại cố tình không muốn. Và bà cũng chẳng tỏ ra như thế. Bà đã có trong đầu một “lý tưởng” là bà đang sống tốt và đáng yêu! Thế nên lý tưởng thật sự không có giá trị, nguy hiểm, làm lóa mắt và cản trở chúng ta. Và chúng ta thường xuyên tạo ra lý tưởng và nương náu nơi chúng."

Bà lại nói thêm, chẳng có hình thức tổ chức nào cho dù được hình thành dựa trên cơ sở lý luận, lại có thể bảo đảm cho chúng ta không gặp nguy hiểm. Tổ chức không thể làm cho Thiền định hoạt động được! Có chăng đó chỉ là một chuỗi những ngôn từ và khái niệm. Chúng ta phải thực hiện lý tưởng bằng việc làm. Nếu không có thứ tình thương, là quan tâm đến người khác cũng như đến chính bản thân chúng ta, làm sao các qui luật có thể làm điều đó hộ chúng ta được.” Mỗi người trong chúng ta phải nhận thức được những thôi thúc muốn chế ngự kẻ khác, cũng như sự an toàn có được do tuân phục một cách mù quáng.

"Trung tâm này được thành lập không nhằm mục đích cất giữ niềm tin, hoặc niềm tin không tin gì cả. Cũng chẳng phải là chỗ tìm được giải đáp cho mọi vấn đề kể cả khi không có vấn đề gì cả. Một khi không có gì tồn tại (nothing), thì chẳng cần đến niềm tin. Điều không tồn tại không thể được coi như là biểu tượng được. Đó chỉ là thiếu vắng tự tập trung nơi mỗi bản thân và nỗi lo sợ chính mình. Tôi còn là ai được nếu tôi chẳng có điều gì đặc trưng cho bản thân tôi cả.?”

Toni tiến tới quả quyết rằng từ Thiền định (Zen) thấy nơi tên của một trung tâm, không ngầm ám chỉ một sự gộp lại hay sát nhập nào cả. Nó được sử dụng để mô tả – về một vài hình thức được áp dụng cho công việc trôi chảy trong đó như: ngồi thiền, các cuộc huấn luyện, bài nói chuyện, các cuộc tiếp kiến với các thiền sư. Ta cũng bắt gặp ở chỗ khác Toni cũng viết: Từ "Zen" dùng để mô tả một trạng thái tâm linh tự am hiểu mình cách rõ ràng và toàn diện trong mọi trường hợp. Thiền Zen có thể cống hiến cho ta một phương cách để quan sát và phản ứng lại một cách tự do không bị những giới hạn do bản thân tạo ra. Và vạch ra một sự thật để suy nghĩ, ngôn từ hoặc bất kỳ loại hình ảnh nào ta có thể nắm bắt và cắt nghĩa được.

Buổi tối hôm đó, bà còn đề cập đến một số điều thật sự hấp dẫn như những “vùng cấm" Trong mỗi bản thân chúng ta có nhiều điều chưa được khám phá. Và nó tồn tại thật sâu thẳm và tăm tối, ví dụ như, ta sợ hãi không được tồn tại, sợ điều dữ, sợ phá phách và bạo động. Và ta trông chờ xuất hiện một điều gì đó vượt trên những thứ vừa kể, một điều gì đó vượt lên khỏi sự rỗng tuếch thường ngày, vượt khỏi những khó khăn bất tận trong quan hệ. Và hình như thế là ta quay trở lại những thời xa xưa, những cấm kỵ đặc biệt đã giúp làm xuất hiện những kết quả mong đợi để xoa dịu những điều như – phô bầy, chiếm cảm tình, thờ tự, ma thuật, nghi lễ. Bà đã nêu những căn hầm Cro-Magnon tại Lascaux, được gọi với cái tên "những căn hầm đền thờ” và rồi đến các nhà thờ Gothic tại Âu châu "trong đó mọi thứ đều được xây thẳng đứng – kiến trúc thực hiện điều đó cho bạn. Bạn rùng mình trước những cảnh tượng đó.” và quên đặt câu hỏi: điều đó đã phát xuất từ đâu? Ai đã xây dựng nên? Ai đã vẽ những biểu tượng này? Ai viết nên Kinh Thánh? Và ai có quyền chú giải Kinh Thánh?

Vậy bạn nên lưu ý khi bạn dựng lên một vùng cấm. Bạn nên quan sát những gì đang xảy ra bên trong. Trong phạm vi vùng cấm đó nữa, bà nói thêm, có nghĩa là ngay cả bản thân con người trong đó, cho tới khi bạn bắt đầu đặt câu hỏi – con người trong đó là ai? – một điều không rõ đó có phải là vùng cấm không., nó tạo ngăn cách tách biệt chúng ta khỏi người khác, khỏi môi trường thiên nhiên. Chúng ta nhìn ngắm, tiếp xúc và quan hệ với thế giới bên ngoài thông qua những kinh nghiệm quá khứ của chúng ta và những kinh nghiệm đó tô thêm màu sắc cho tất cả mọi sự, định đoạt toàn bộ cách tiếp cận của ta. "Tôi nhìn ngắm toàn bộ sự vật thông qua mắt kính mầu của tôi. Tôi có thể gỡ bỏ mắt kính đó ra không?”

Bà nói tiếp, nếu không xây tường bao quanh ta đâu có vùng cấm kỵ. Chỉ có không gian nhưng không có bên trong và bên ngoài. Nếu chúng ta bám vào một tổ chức, nếu ta gắn bó và lệ thuộc vào nó, đó không phải là một vùng cấm kỵ cho chính chúng ta hay sao? Có phải chúng ta đang đi tìm sự bảo vệ trong khuôn viên vùng cấm một Trung tâm Thiền hay không? "Để khám phá được điều này ta phải can đảm dám bước ra ngoài trung tâm đó. Không phải trốn chạy vào một nơi nào khác. Ta có thể thực hiện được điều này hay không?"

Toni luôn thu hút thính giả theo kiểu trình bày như vậy. Toàn bộ những bài nói chuyện của bà đều dẫn đến đối thoại. Những câu hỏi cứ vang vọng trong tâm trí, tạo ra những câu trả lời và rồi lại đặt ra những câu hỏi cho chính họ. Sau đó trong bài nói chuyện bà đã trích dẫn một bài kệ trong tập Mumon-kan (Lối Vào Không Có Cổng) trong đó có câu: Bạn phải leo một ngọn núi chất đầy gươm bằng chân không. “Thế nên liệu chúng ta có thể bước đi hết sức cẩn thận, ý thức được những hiểm nguy, không hoảng sợ, nhưng bước đi cẩn thận không? Quan hệ thật cẩn thận, lắng nghe cẩn thận, thực sự cẩn thận đối với chính mình và với người ngay bên cạnh mình không?"

Trong một tập san tôi có được viết về chuyến đi của tôi tới Rochester, ngay đoạn đầu tiên có viết. "Tính khí bà tựa như dòng nước trong veo, lấp lánh. Cặp mắt bà nhìn thấu tận sự thật và bà luôn có mặt tại đó, ngay tại đó. Bà luôn thể hiện tính dịu dàng đơn sơ. Không đòi hỏi cũng không kỳ vọng gì."

Một đoạn tiếp theo ta đọc được: “Tôi không gặp khó khăn gì để tưởng tượng ra câu hỏi căn bản bà luôn nắm vững. Đó là làm sao tôi thấu hiểu được câu: ngay nơi lời khẳng định ‘Cái gì vậy? (What is it?’) thế nên không có điều gì khác có thể làm lẫn lộn, hoặc xen vào được. Không có gì làm mất quân bình. Câu hỏi đó luôn bám sát ta. Nó thâm nhập vào mọi sự, tổ chức và khai sáng mọi sự.

"Và tôi giả thử rằng điều đó có thể ảnh hưởng đến bản thân, đến nhân cách. Đương nhiên – câu vấn nạn chẳng phải do nhân cách mà đến, vì ngay cả nhân cách cũng cần phải xét lại."

Hiện nay đọc lại những điều này. Tôi nhận ra nó hàm chứa biết bao "ý tưởng" trong đó. Và tôi nhận ra lý do tại sao chúng tách biệt tôi với Toni, tách tôi khỏi cả những kinh nghiệm của tôi nữa. Tuy nhiên nó vẫn truyền tải một ít thông tin, nếu không phải là toàn bộ sự thật và vì thế tôi loại bỏ chúng – đặc biệt như dòng nước trong veo lấp lánh.

Mùa xuân năm 1986

Trong suốt hai năm rưỡi kể từ ngày tôi đến thăm trung tâm GVZC, đã có một số thay đổi đáng kể tại đó. Thay đổi đầu tiên là vào đầu năm 1984 Trung Tâm đã tăng thêm 284 mẫu đất không thể trồng tỉa được để thành lập một trung tâm mới tại Springwater, bang Nữu Ước cách Rochester một giờ lái xe. Đường xá được xây dựng, nhà cửa mọc lên từ điểm khởi đầu. Nhưng đến mùa thu năm 1985, tuy còn nhiều việc phải làm Toni đã tổ chức cuộc tĩnh tâm toàn quốc đầu tiên tại đó. Kể từ đó sinh hoạt chính của trung tâm GVZC đều chuyển về khu vực Springwater, dẫu vậy một trung tâm nhỏ hơn tại Rochester vẫn được duy trì.

Đến thời điểm này Toni đã công bố một thay đổi cơ bản đối với tên gọi của trung tâm. Vì trong suốt một thời gian dài bà luôn lưu ý đến từ "Thiền định" gợi lại những hình ảnh không thích hợp với công việc hiện tại do bà và các cộng sự viên đang thực hiện tại đó. Trong lá thư vừa rồi gửi các thành viên bà viết: "Cho dù từ "Zen" có thể được sử dụng theo một ý nghĩa rộng rãi, đối với hầu hết mọi người, từ này ám chỉ một truyền thống tôn giáo tách biệt. Được liên hệ với suy nghĩ của nhiều người mang một ý nghĩa không chỉ là Phật giáo đơn thuần mà là liên quan đến những truyền thống Nhật bản. Sử dụng từ này gợi lại những phương pháp và mục tiêu huấn luyện đặc biệt, gắn bó với một hình ảnh của một con người đang hành thiền... được gắn liền với một truyền thống đặc biệt mà kết quả là gây phân tách thành nhiều phần, chia rẽ và Bà lập luận... tốt hơn là sử dụng một tên đơn giản và trực tiếp hơn."

Rất nhiều đề nghị được đưa ra, tất cả đều muốn giữ nguyên tên Geneze Valley, nhưng cuối cùng tất cả đều đi đến lựa chọn tên Springwater Center, một tên đơn giản nhất và trực tiếp nhất.

Một sự phát triển quan trọng nữa, đặc biệt đối với những người cư ngụ tại Bờ Tây (West Coast,) đó là cuộc du diễn thuyết pháp hàng năm Toni thực hiện tại California. Tiếp theo là một bản tường trình về cuộc viếng thăm đầu tiên của bà, do tôi thực hiện được đăng tải trên tờ liên lạc của trung tâm GVZC.

Vào đầu tháng Năm năm 1985 Toni di chuyển đến California để tổ chức một cuộc huấn luyện 5 ngày tại thành phố Olema, khoảng một giờ lái xe từ San Francisco ngược lên, gồm có 16 phụ nữ và 10 đàn ông. Thuộc nhiều hoàn cảnh khác nhau, tuy vậy một số đông đã hành thiền trong nhiều năm. Chỉ một số ít được gặp Toni. Phong cảnh thật hữu tình, trung tâm huấn luyện Vedanta tọa lạc trên một ngọn đồi giữa đám rừng chồi rộng khoảng hai ngàn mẫu Anh.

Căn phòng chúng tôi hành thiền có một bệ trên đó trang hoàng hoa, nến, nhang và trên tường treo ba bức chân dung: Đức Giê-su Ky-tô, ngài Ramakrishna và Đức Phật. Chúng tôi có cảm tưởng rằng đây không phải là khung cảnh thuận tiện nhất để cho Toni thuyết giảng. Tuy nhiên trong suốt thời gian đó, tất cả những gì riêng tư đều tan biến, những cách biệt giảm thiểu, những ý kiến riêng tư cũng được dẹp sang một bên và chúng tôi cùng ngồi với nhau đơn giản, với tâm trí của những người mới nhập cuộc và chỉ nghe chim hót. Vâng những con chim, chúng hót suốt ngày, từng hồi từng hồi vọng lan ra xa. Chúng thức giấc ngay vào giờ hành thiền thứ nhất vào buổi sáng và nếu đi dạo quanh lần đầu tiên, chúng tôi có thể nghe tiếng chim hót buổi sáng khi mặt trời mọc. Cũng có cả những con nai và thỏ rừng nữa., rồi có cả tiếng bò rống. Hai người đã nhìn thấy một con chồn đi ăn đêm về.

Toàn bộ khóa huấn luyện rất nghiêm túc. Không bó buộc tất cả mọi người phải hành thiền là một chi tiết hết sức cách mạng. Câu hỏi được nêu lên về bất luận điều gì, ngay cả trên cơ sở thái độ niềm tin của mỗi người (td: thái độ chịu đựng đau khổ và mệt mỏi), được thay phiên nhau thảo luận sôi nổi, chúng tôi tạo ra sợ hãi và đối kháng, rồi lại tháo gỡ. Mỗi phản ứng thay phiên nhau như thế được giới thiệu một cách nhẹ nhàng và vui vẻ. Tất cả mọi sinh hoạt trong ngày, tất cả các phản ứng qua lại với nhau giữa môi trường và mỗi người trong chúng tôi đều được trải qua một cách sống động, trìu mến. Chúng tôi tìm hiểu về bất bạo động tới những chi tiết nhỏ nhất.

Không có điều gì mang tính bắt buộc (chúng tôi có thể vái lạy hoặc không tùy ý, ngồi thiền giáp mặt vào nhau hay quay vào tường cũng vậy); bầu không khí hoàn toàn tôn trọng nhu cầu mỗi cá nhân và những nhịp độ tại trung tâm. Chúng tôi cảm thấy được động viên nương tựa lẫn nhau và tìm hiểu động lực thúc đẩy của mỗi người trong việc hành thiền thay vì tuân theo một cách mù quáng ngay cả trước uy quyền nội tại. Trong những lần giải lao vào ban sáng và ban chiều chúng tôi đi bách bộ vào những cánh rừng lân cận, đi lần theo những dấu vết nai rừng trên cánh đồi. Những giây phút thư giãn, đầy tính chiêm niệm gần gũi với hoa cỏ, gió và cây cối. Thiên nhiên đã trải rộng và tinh túy hơn bất cứ kinh nghiệm nào của chúng tôi.

Những giờ đi bộ cũng mang một sắc thái rất riêng. Vì không bắt buộc ngồi thiền, hình như mọi người tự nhiên phỏng đoán rằng đi bách bộ cũng được tự do lựa chọn. Và chỉ trong chốc lát chúng ta có thể nhận ra đủ kiểu đi bách bộ, từ đi bộ nhẹ nhàng vòng vòng trong nhà, đến đi chậm rãi theo kiểu Thiền Minh Sát (vipassana) bên ngoài cổng, đến kiểu Yoga và nằm dài ra trên nền thư viện! Nhưng chất lượng tập trung tư tưởng cao độ luôn được duy trì và mỗi người tự động chiếm một góc nào đó để thực tập.

Trong cuộc nói chuyện, Toni đề cập đến tập trung tư tưởng, đến mỗi cá nhân và cả sự chết nữa. Bà thường đọc cho nghe những trích đoạn trong Huang Po. Bà thường xuyên ngừng lại, lắng nghe và bắt chước tiếng chim hót bên ngoài. Nhiều người cho rằng những bài nói chuyện này được sửa soạn một cách đặc biệt dễ hiểu và không có điều gì sai sót. Phần còn lại của buổi tĩnh tâm cũng tương tự như vậy, các mục cứ đơn giản và tự nhiên diễn ra, như dòng nước trong xanh lững lờ chảy trên vách đá.

Mùa Đông 2000

Trong những ngày này tại thiền viện Springwater một bầu không khí hoàn toàn khác với những gì tôi đã viết trong chương đầu đề cập đến Thiền sư Toni. Vào thời đó, chúng ta vẫn cảm nhận thấy hình bóng sự thay đổi đau buồn tại trung tâm thiền Rochester, kết thúc bằng cuộc ra đi của Thiền sư Toni và một thiền viện mới riêng của bà được thành lập. Những rạn nứt vẫn còn đang được hàn gắn. Sự căng thẳng và kích động trong việc chia tay và thành lập thiền viện mới độc lập đã lui vào dĩ vãng. Ngày nay thiền viện Springwater là nơi rất yên tĩnh, ổn định, xây cất vững chắc trên sườn đồi xinh đẹp thơ mộng và trong nhiều năm nay đã tổ chức nhiều cuộc tĩnh tâm an bình và yên tĩnh hơn. Hiện nay nguồn nghị lực được phát xuất từ những tìm kiếm nội tại được cống hiến hơn là đến từ những xung khắc bên ngoài.

Tháng 6 năm 1998, tôi đã lưu lại đó ba tuần lễ liền, trước tiên là tham gia một tuần tĩnh tâm 7 ngày và sau là tiến hành một cuộc tĩnh tâm nữa một mình kéo dài 12 ngày trong một phòng tĩnh tâm cá nhân được xây dựng trong một cánh rừng thơ mộng ngay trên triền đá dốc uốn quanh dành riêng cho mục đích này. Tôi đến tìm sự yên tĩnh liên tục và cũng để hội kiến với Toni để có không gian và thời gian thoải mái đàm luận với thiền sư. Ngay cả khi những cuộc tĩnh tâm đã kết thúc và cuộc sống đã trở lại bình thường đối với bất kỳ ai còn lưu lại Thiền viện (là nơi tôi vẫn lui tới dùng cơm và một số nhu cầu khác.) không ai được vào ở phòng dành riêng cho tôi. Khi tôi tự tay đi lấy nước mỗi ngày, tôi cảm thấy một sự yên lặng bao trùm ngay cả trong bếp trong thời gian sửa soạn bữa ăn.

Những cuộc tĩnh tâm ngày càng trở nên đơn giản hơn. Kèm theo một ít chi tiết theo cơ chế. Phòng hành thiền rộng mở và sáng sủa. Những buổi tập thiền vào ban chiều không ấn định giờ giấc, với nhiều người qua lại tùy theo nhu cầu mỗi người thường kéo dài liên tục hơn chương trình thiền thường nhật yêu cầu. Ghế bành nệm được xếp một hàng dài bên ngoài cửa phòng khách và thường xuyên có người sử dụng. Những chiếc nệm nhỏ vào lúc bắt đầu cuộc tĩnh tâm rất ít người sử dụng, vậy nên người ta có thể lấy mang đến bất kỳ đâu họ muốn. Thời khóa biểu trong ngày không có điều gì bắt buộc trừ những việc cá nhân hàng ngày.

Đôi khi Toni đang phải thuyết giảng tại California hay tại Au châu. Thiền viện Springwater vẫn có thể tổ chức những buổi tĩnh tâm ba bốn ngày hoàn toàn do các thành viên ban điều hành đảm nhiệm. Thời gian ngồi thiền không cố định và những người tham dự cũng được tự do phát biểu hay đăng ký tham gia phiên họp chung giữa họ với nhau. Cũng còn có rất nhiều cuộc tĩnh tâm trong năm, Thiền sư Toni tham gia như những người thường. Thiền sư không thuyết giảng hoặc tổ chức thảo luận. – nhưng những thành viên tham gia tự động có thể đăng ký trình bày bài nói chuyện của họ với nhau. Mỗi buổi chiều có một buổi thảo luận theo nhóm kéo dài trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ. Những cuộc tĩnh tâm này rất phổ biến tại Springwater. Những người tham dự cho biết những cuộc nói chuyện do họ thực hiện và những cuộc thảo luận tổ đặc biệt rất cảm động và rất hấp dẫn.

Thực hiện "Koans" chỉ là truyện trong quá khứ. Toni còn nhớ lại là người ta bắt đầu thích ngồi thiền mà không cần nhồi nhét điều gì vào trong đầu cả, không cần “phải đề nghị điều gì với Thiền sư" cả. Và không ai còn muốn quay lại với những mô hình quá hình thức (koans) nữa.

Những vết thương cũ xuất phát từ những biến cố vào đầu những năm 80 hình như đã lành lặn đối với những người liên quan. Đại sư Roshi Kapleau đã trở lại thăm Springwater đã đánh giá cao và tỏ ra ngưỡng mộ những gì đang xảy ra tại đây. Dần dà những thành viên cũ tại Trung Tâm thiền Rochester cũng trở lại Springwater và tham gia những cuộc tĩnh tâm tại đây. Còn một số người mới từ khắp nơi trên thế giới và thuộc nhiều truyền thống khác nhau cũng tới tham gia. Họ bị thu hút vì tại Springwater không áp dụng những nghi thức rườm rà, không phân biệt phẩm trật, hoặc những niềm tin và thực hành cố định. Theo như nhận định của Toni thì điều họ tận hưởng được nơi bầu khí hoàn toàn cởi mở tại đây chính là "được nếm thử tự do.”

Trong những năm vừa qua., cùng với một số người khác chúng tôi đã nhận thấy những thay đổi nơi những cuộc nói chuyện của Toni cũng như những cuộc tiếp xúc cá nhân hay theo nhóm. Những lời phát biểu của Toni đã ít trừu tượng hơn, ấm áp hơn và rất trực tiếp. Bà đã ổn định tại đây, trong sáng, không giả dối. Lời nói của bà hoàn toàn phát xuất từ giây phút hiện tại. Không bị ức chế. Một sự dịu dàng cảm nhận được đã ló rộ, một cảm nhận "tình yêu bao la". Như có người vừa mới nhận định. Không có điều gì dính dáng đến “cái cũ” hoặc được tạo ra từ những biến cố đã qua. Những lời phát biểu đơn giản, tỏa sáng tràn ra ngay từ giây phút hiện tại này.

Cuối năm 1998, chỉ một ngày trước khi cuộc tĩnh tâm mùa đông tại California được bắt đầu tại thành phố Berkley, Toni và tôi ngồi ngay tại bàn ăn trong bếp, ngoài nhiều điều khác, chúng tôi đề cập đến tình yêu và sự chết. Ông Kyle, chồng Toni đã mắc chứng bệnh Parkinson trong suốt 49 năm và đã mang trong người chứng bịnh ung thư tuyến tiền liệt đã tám năm nay. Trong suốt thời gian đó ông rất khỏe mạnh một cách lạ lùng. Cho dù những chỉ dẫn chẩn đoán bệnh cho thấy căn bệnh ung thư đã lan rộng khắp cơ thể. Ông vẫn không cảm thấy đau đớn gì cả và vẫn thường xuyên thực hiện các chuyến hành trình với Toni xuống California và sang cả Âu châu và vẫn tiếp tục tham gia nhiều sinh hoạt tại thiền viện Springwater. Tuy nhiên mới đây không những các kết quả thử nghiệm đã xấu đi, nhưng cả sự di chuyển và sức chịu đựng của ông cũng giảm sút. Toni mô tả đã chứng kiến mỗi buổi sáng ông mang giầy vớ một cách rất cẩn thận, kiên trì và chậm chạp tỏ lộ nỗi đau đớn khủng khiếp. Bà cảm thấy một thôi thúc muốn giúp đỡ ông nhưng bà lại chọn phương án bất động, không can thiệp, nhưng tính tình dễ mến và những cử động vụng về của người đàn ông này đã bao phủ toàn bộ con người của bà.

Toni và Kyle đã đàm đạo với nhau về sự chết, cả hai đều không cảm thấy một chút sợ hãi nào cả. Và cả hai đều biết họ sẽ phải đối mặt với cái chết trọn vẹn khi đến ngày đến giờ. Những gì họ quan tâm nhất vào lúc này là có được thời gian gần gũi nhau càng nhiều càng tốt. Và mở ra những gì đang xảy ra trong hiện tại, loại bỏ ra ngoài những suy nghĩ hay những toan tính không cần thiết. (sau này Toni đã viết cho tôi, "Không tỏ ra xung đột với toàn bộ tình huống hiện tại hình như là điều xảy đến rất tự nhiên." ) chỉ cần ở vào hoàn cảnh của họ, thực hiện công việc với họ nhận báo cáo về sức khỏe mới nhất và cảm nhận cả những hòn sỏi và sàn nhà gỗ dưới chân họ.

Chúng tôi hẹn với nhau là trưa nay sẽ đề cập đến những vấn đề đó kỹ hơn trong một cuộc phỏng vấn tiếp theo để tôi có tư liệu viết trong cuốn sách này. Nhưng vì bệnh tật của Kyle ngày càng tiến triển xấu đi, toàn bộ cố gắng và nghị lực của Toni đều tập trung vào đó. Bà mong muốn không bị lạc đề đặc biệt là với những khái niệm và ngôn từ trừu tượng. Thay vào đó, vì muốn đem tiếng nói của Toni vào những trang giấy trong cuốn sách này, tôi cũng đang dự định đưa vào đó một số trích đoạn ngắn trong các bài thuyết trình của bà tại các cuộc tĩnh tâm. Tất cả những trích đoạn đó đều nói về những điều hóc búa như “cái tôi” hoặc bản ngã hay nhân cách và cá tính.

Trong trích đoạn đầu tiên, Toni cho biết: "Tất cả chúng ta đều nói “tôi nói” và "bạn nói" Chúng ta suy nghĩ về điều đó, đọc điều đó, mơ tưởng đến điều đó, nhưng rất ít khi ngừng lại... làm thế nào chúng ta có thể đạt được sự thật nếu như tách biệt được, coi như là điều đương nhiên, được cảm nhận như là một thường nghiệm?...

"Điều khó không phải là gì quá bao la to tát. Toàn bộ vấn đề, sinh vật bất biến (being) luôn hiện hữu ở đây và lúc này, giống như mặt trời ẩn đằng sau đám mây, ánh sáng ban ngày vẫn hiện hữu cho dù đám mây có che khuất.”

Sau này trong một lần nói chuyện, bà kể câu chuyện này: "Tôi luôn gặp khó khăn trong quan hệ với mẹ tôi. Tôi rất sợ bà cụ. Bà cụ là người đàn bà rất hăng say nhưng luôn hay bực tức. Nhưng bà cụ cũng rất đáng yêu. Một lần kia (trong lần về thăm Thụy Sĩ) tôi gặp bà cụ ngay trong phòng ăn đối diện với tôi. Bà cụ vừa đứng đó và không hiểu được lý do cũng như nguyên nhân nào. Tôi thình lình nhận ra mẹ tôi mà không nghĩ gì về quá khứ cả. Không phải là hình ảnh của bà và cũng không có chút suy nghĩ về những gì bà đã thấy nơi tôi. Toàn bộ tư tưởng đó đều đã qua đi. Không còn điều gì tồn tại ngoại trừ tình yêu đối với (người đàn bà này) mẹ tôi. Một vẻ đẹp thình lình tỏa sáng ra khỏi con của người bà. Và mối quan hệ của chúng tôi đã thay đổi; đã có một sự gần gũi mới xuất hiện, nó vừa mới xuất hiện."

Trong một bài nói chuyện khác, bà đặt câu hỏi: “Chúng ta có thể thẩm tra được điều gì ngoài bóng tối của thiếu hiểu biết? Bên trong bóng tối đó?... bà im lặng một lúc, không gian của sự thiếu hiểu biết đã mở ra, không có gì chiếm hữu được... không có ai bị phân cách khỏi tất cả những thứ đó... chỉ có một sự sống sôi nổi không có phân chia biên giới, một cái ôm của tình yêu."

Cuối cùng vào tháng 4 năm 1999, Toni lại lặp lại chủ đề này bà đề cập đến yên lặng tồn tại bên trong tất cả tiếng ồn đang diễn ra (giống như mặt trời bị che đằng sau đám mây) và đó là sự thay đổi từ chỗ lắng nghe tiếng động đến chỗ lắng nghe thinh lặng.

"Tại sao phải chống lại đủ thứ như thế? Bà đặt nghi vấn.”

"Trên mặt đại dương, chỉ thấy toàn là sóng gió, bọt sóng và bọt biển. Bọt sóng được ví như nhân cách hay cá tính... Giả như chúng ta cứ ở mãi trong cái thế giới cá tính đó, chúng ta không thể giao tiếp được với nhau hay với vũ trụ đầy bí hiểm đó là sự sống, là sự sống động... chúng ta có thể quan sát, một cách thuần túy hơn, rằng bao lâu chúng ta còn bám víu vào "cái thế giới của chúng ta," chúng ta không thể thực sự chuyển giao thông tin với mỗi người chúng ta trên một bình diện sâu xa hơn - Vượt khỏi nhũng bọt sóng và bọt biển và cả sóng biển và vượt trên cả những mảnh vụn trôi nổi trên bề mặt đại dương?

"Tương tự như ra khỏi căn nhà {hay phòng cấm} bước vào khoảng không gian quang đãng, bước ra khỏi tất cả chỗ tù túng đó, bỏ lại đàng sau những cửa sổ và tường chắn, không nhìn cây cối qua kiếng cửa, nhưng nhìn mọi sự với con mắt trần...

"Chúng ta có thể sống hòa nhập với cá tính của mọi người không – tôi hầu như muốn nói đến “bằng cách tha thứ tất cả” nghĩa là "để yên mọi thứ như cũ, để yên mọi thứ như cũ" như bài hát của băng Beatles vẫn hát?... Chúng ta có quan tâm đến khám phá và tìm tòi và thử sống – ít nhất ngay tại giây phút này không? – Rất có thể bị tổn thương, nếu không chống cự lại, cho dù phải đem lại nhiều điều tồi tệ đến đâu chăng nữa?.

Ngoài kia chim đang hót, đang kêu mời chúng ta đó.”

Kyle Packer qua đời tại nhà riêng, chỉ cách thiền viện Springwater ít dậm vào ngày 15 tháng 11 năm 1999.

-ooOoo-

[02]

Thiền Sư Maurine Stuart

Dogen Zenji nói: "Nếu bạn không tìm được một thiền sư đích thực, tốt hơn đừng nên luyện thiền." Ông muốn ám chỉ điều gì thế? Tôi đoan chắc rằng có nhiều cách giải thích, nhưng tôi cảm thấy trong lúc này việc luyện thiền, cho dù bằng cách nào đi chăng nữa, chính là thiền sư của chúng ta. Cuộc sống chính là luyện thiền. Nếu chúng ta chú ý lắng nghe những gì đang diễn ra – nếu chúng ta chú tâm đến tận cội nguồn hoàn cảnh cuộc sống cụ thể – đây chính là thiền sư đích thực của chúng ta, thiền sư đáng kính nhất. Đại thiền sư cuộc sống!
-- Maurine Stuart, Đại Thiền Sư.

Chín người phụ nữ quay mặt vào chín phụ nữ khác, chân xếp bằng ngồi tựa lên những chiếc nệm thiền, mắt nhắm nghiền. Yên lặng bao trùm toàn căn phòng dài, vách ván gỗ. Cuối phòng là chiếc lò sưởi to xây bằng đá âm trong tường. Ngay trước căn phòng, trên chiếc bàn gỗ bày một bức tượng Quan Am (nữ Bồ Tát từ bi), trên đó còn cả nến và một bình bông nhỏ. Đại sư Maurine Stuart ngồi đối diện với hai dãy phụ nữ đang yên lặng ngồi thiền. Nữ Đại Sư đã băng qua khắp đất nước Hoa Kỳ đến từ Massachusetts để tổ chức cuộc huấn luyên Thiền định (Zen) cho các phụ nữ tại California.

Vài giờ trước đó, nơi đây còn là một căn phòng khách rộng lớn bày biện đủ thứ nệm thiền và ghế ngồi, đèn và bàn kể cả tấm thảm trải trên sàn nhà. Lúc này đã được dọn sạch chỉ còn để lại hai dãy nệm thiền màu đen trên sàn nhà lát gỗ. Tiếng chuông điểm ba hồi báo hiệu giờ hành thiền đầu tiên bắt đầu. Mọi sự đều thinh lặng và bất động. Căn phòng đã biến thành một phòng hành thiền (Zendo).

Cởi bỏ bộ đồ đi đường ra, bà khoác vào chiếc áo cà sa vải phin nõn đen có viền vải trắng nhạt ngả sang màu xám và với lọn tóc điểm bạc buộc thành đuôi trên bờ vai rộng. Đại sư ngồi đó giữa chúng tôi trong buổi hành thiền đầu tiên. Chúng tôi quy tụ lại đây gồm đủ mọi hoàn cảnh xã hội và mọi truyền thống Phật giáo khác nhau, Maurine đã đưa ra những huấn thị nhắc nhở mở đầu bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc chúng ta chấp nhận và tôn trọng những nhu cầu cũng như cách thức riêng của mỗi người, "Chúng ta không còn là những cá nhân riêng biệt nhưng là thành viên của một đoàn thể đang chia sẻ với nhau công việc thực hành Phật pháp. Chúng ta phải tế nhị với mọi người, gắn bó và hòa đồng với từng người trong nhóm, thích ứng không chỉ đối với những qui trình nội tại riêng, mà còn với qui trình của toàn nhóm nữa.

Đối với chúng tôi tinh thần đó hoàn toàn mới mẻ và cũng là điểm chính yếu trong việc thuyết pháp của Đại sư Maurine, bà đề cập thường xuyên đến "sự hiện diện của chúng ta" hơn là những thuyết pháp của bà hoặc việc điều hành cuộc huấn luyện (Sesshin). Một khi việc thực hành đã đi vào nea%nnếp, bà cho biết thêm, "Hãy mở cõi lòng ra, tôi nhìn thấy tấm lòng của tôi ở giữa chị em và chị em phải cảm nhận được tấm lòng của chị em cũng đang hiện diện nơi tôi, chúng ta không được tạo ra một khoảng cách nơi thái độ chúng ta với nhau.”

Sau buổi hành thiền đầu tiên chiều hôm đó và mỗi buổi tối trong bốn ngày liên tiếp, chúng tôi cùng nhau tụng Tâm Kinh (Heart Sutra), cùng nhắc lại Bốn Lời Tuyên Thệ và Ba Nơi Nương Tựa. Trước khi đi ngủ chúng tôi vái lẫn nhau, đầu cúi rạp trên những cánh tay vòng lại đặt trên sàn nhà.

Buổi sáng hôm sau, trong bài nói chuyện chính thức Maurine phát biểu: "Chúng ta là những chiến binh phụ nữ" Nữ thiền sư đọc cho chúng tôi nghe một câu chuyện về một nữ thiền sư, đã thành lập tu viện Tokei-ji. Sau khi được sự chấp thuận chính thức của Thiền sư Chokei tại Peachtree Valley cho phép thuyết pháp, Bà đã bị nhà sư trụ trì tại đó thử thách về khả năng kiến thức. Thay vì trình bày Phật pháp, ni sư chỉ đơn giản giơ lên một con dao dài độ 10 inch bà tuyên bố "Tôi là một phụ nữ thuộc dòng chiến binh tôi cần đọc sách gì đây?” Nhà sư, vẫn chưa hài lòng, tiếp tục chất vấn ni sư thêm nữa. Nhưng bà chỉ yên lặng nhắm nghiền mắt lại. Sau đó một lúc bà lên tiếng, "Thiền sư có hiểu không?" lúc này vị sư hiểu ra ý nghĩa, đã mở miệng bằng những vần thơ như sau: "Bầu rượu của tôi đã nghiêng đổ vào Peachtree Valley, những con mắt say khướt nhìn thấy mười dặm đường phủ đầy hoa.”

Maurine cho biết, trước khi bà đến với chúng tôi, bà có nghe nhiều người lo sợ phải tham dự lớp hành thiền do một thiền sư Rinzai tổ chức. "Những người Rinzai gây ra nhiều nỗi kinh hoàng. Họ có thể chặt đầu bạn mà không cần suy nghĩ. Đương nhiên việc chặt đầu này không phải là cắt đầu bạn thực sự, nhưng chỉ cắt đứt những ảo tưởng của chúng ta mà thôi." Thế nên là một phụ nữ Rinzai, tôi ngồi lại đây và thúc đẩy mạnh mẽ các bạn ngay từ buổi hành thiền chung với nhau lần đầu tiên là, "hãy cắt đứt, cắt đứt và cắt đứt. Hãy trở nên bình thường và đơn giản đi các bạn.”

đề cập đến con người đích thực – một con người “Duy nhất, không giới hạn và chân thực" - được tìm thấy nơi mỗi người chúng ta. "Chúng ta đến đây để làm gì?" Con người đích thực này chẳng phải là đàn ông cũng không phải là phụ nữ, không là học viên mà cũng chẳng phải là thiền sư, không phải là quá khứ, hiện tại, cũng không phải là tương lai. Nhưng chỉ là "một người vì tất cả và tất cả cho một người. Và khi nào điều này được thực hiện, thì chẳng còn phải lo lắng về những gì không hoàn hảo." Chúng ta có thể tự do di chuyển, bất luận điều gì xảy ra, chúng ta sẽ đáp lại một cách thoải mái. “Đi đứng tự do thoải mái, di chuyển thoải mái, ăn nói thoải mái và hành động cũng thoải mái. Con người đích thực của chúng ta thể hiện ở đây, để thức tỉnh chính mình."

Bà lưu ý chúng tôi đừng nên quá gắn bó với truyền thống Rinzai, với chính bà, hay với bất kỳ một thiền sư nào khác. "Thiền sư đích thực chính là việc hành thiền của các bạn vậy." Ngồi trong tư thế mạnh mẽ, vững vàng sẽ cho phép chúng ta trở nên thinh lặng và bình tâm. "Trong sự thinh lặng này, một thứ thinh lặng sâu thẳm tại căn nhà này, tại phòng thiền này, cái khác biệt giữa nội tại và ngoại vi, giữa cử động và bất động đã được phân định rõ rệt. Bị thu hút vào chính hữu thể, chúng ta nhận ra ý thức của chúng ta không được tạo thành hoặc thuộc về bất kỳ một bản ngã nào cả. Ý thức đó chính là một trạng thái thức tỉnh phổ quát mà mỗi chúng ta có thể tận dụng được. Trong lúc khóa huấn luyện tiếp diễn, chúng tôi cảm nhận rõ được điều này hơn bao giờ hết. Mọi người trở nên dịu dàng hơn, lanh lợi hơn, tỉnh táo hơn. Nhất là tỏ ra khoan khoái rõ ràng vì có được những giây phút gần gũi nhau như thế.”

Vào buổi sáng thứ hai trong buổi tĩnh tâm, mọi sự bắt đầu được thực hiện chung với nhau. Chúng tôi cùng ngồi thiền chung với nhau, cùng nhau tụng kinh, bách bộ chầm chậm và dùng bữa chung với nhau nhiều lần. Không ai nói với ai, chúng tôi khám phá ra được nhịp điệu và tâm trạng của mỗi người. Tất cả đều khác biệt và tất cả đều giống nhau.

Trong bài nói chuyện sáng nay Maurine nhấn mạnh đến Đạo (Tao), là đường, là lối, là chân lý. Làm thế nào chúng ta có thể khám phá được Đạo? Maurine cho biết, bằng cách chân tình họp lại với nhau – ngồi thiền chung với nhau, cùng nhau rửa chén, cùng nhau lau nhà, tắm rửa, điều gì vượt trên lời nói và thinh lặng, điều đó đang được thực hiện thông qua chúng ta trong mọi lãnh vực cuộc sống, trong từng giây phút cuộc đời, trong tất cả những gì chúng ta đang thực hiện. “Chẳng có gì ngăn cản chúng ta khám phá lẫn nhau ngoại trừ chính chúng ta, bà nói tiếp, hãy gặp gỡ nhau trực tiếp, không cần nhiều lời hay trong thinh lặng cũng tốt thôi. Hãy tìm hiểu nhau trực tiếp bằng toàn bộ bản thân mỗi người, không phải chỉ bằng khối óc mà thôi."

Trong không khí hành thiền nghiêm túc chúng ta cởi mở cho nhau ngày càng nhiều hơn. Bà nói tiếp. "Mọi sự đã trở thành tốt đẹp hơn. Bầu trời đầy màu sắc, cảm nhận được chất liệu y phục, thưởng thức đựợc món ăn, được nụ cười tươi tỉnh của người đồng liêu đang ngồi thiền đối diện. Khi bạn đến hành thiền với một đại thiền sư và với nụ cười nở trên môi, thật là một hạnh phúc tuyệt hảo biết mấy. Chúng ta chân thành chào hỏi nhau, không bằng lời nói hay trong thinh lặng, với mối tương quan sống động, chúng ta chỉ nhìn nhau là đủ.”

Sáng ngày thứ ba của đợt tĩnh tâm, căn phòng thiền mới thực sự trở thành một phòng thiền chính thống. Mọi người có thể cảm nhận được điều đó. Chúng tôi hành động thực sự như là một phần trong toàn khối – nhạy bén, khoan thai và cảnh giác cao độ. Việc hành thiền trở nên trơn tru hơn, đi bách bộ cũng nhuần nhiễn hơn, chúng tôi cùng vái chào nhau, cùng nhau tụng kinh rất đều đặn. Chúng tôi cùng nhau dọn dẹp phòng thiền cùng nhau nhặt rau làm bữa. Đã là lần thứ ba chúng tôi cùng nhau ngồi thiền khi ánh sáng ban mai vừa ló rạng bên ngoài cửa sổ.

Ngay buổi sáng Maurine trích đọc trong cuốn sách Rinzai Roku, như sau: “Hãy làm cho nguồn tư tưởng còn lại đạt đến độ tìm kiếm chân lý liên tục và rồi bạn sẽ trở nên giống như đấng tổ phụ, tức Đức Phật. Bạn muốn am tường về Đấng Phật Tổ, tức Đức Phật chăng? Ngài đâu có là ai khác hơn là chính bạn đang ngồi thiền đối diện với tôi và nghe những lời tôi đang giảng dạy,” Bà cũng trích đọc vị Bồ Tát, đã nói hãy biến tâm trí bạn giống như "cây cỏ và sỏi đá”

Ngồi quay vào tường, chúng tôi ngồi nghe và biến tâm trí giống như cây cỏ và sỏi đá.“Điều gì ngăn cản chúng ta quan sát rõ ràng? Điều gì ngăn cản chúng ta trở thành những gì chúng ta có thể đạt đến? Hình như có điều chi đó bên trong chúng ta, liên quan đến bản ngã chúng ta, ngăn cản chúng ta cởi mở ra. Trở ngại này rất gần gũi chúng ta, như chính hình bóng gần gũi chúng ta vậy. Một số người trong các bạn có suy nghĩ là một khi bạn từ bỏ mọi sự, các bạn sẽ bị rơi vào vực thẳm? Và các bạn rất ái ngại điều đó. Hãy tiến lên. Hãy chân tình làm ngơ tất cả các thứ đó, rồi bạn sẽ khám phá ra ở đó những gì tuyệt vời nhất. Luôn hiện hữu tại đó và bạn chẳng bao giờ tồn tại được nếu thiếu vắng nó.”

Bà cho biết, "Chúng ta sẽ đạt được tự do đích thực, đang lan tỏa rộng ra toàn thể vũ trụ, bằng cách ngồi thiền, bằng cách tuân thủ những quy trình thiền định. Bà ví như một vòi phun nước. Những lỗ nhỏ len lỏi trong hốc đá và nước bị dồn mạnh qua những lỗ đó. Khi đã lọt ra ngoài đầu vòi, nước sẽ phun ra. Cũng như vậy, thông qua điệu bộ vững mạnh và mang dáng vẻ hình thức, thông qua sự thinh lặng lắng đọng chúng ta sẽ đạt đến trí tuệ thực sự minh mẫn. Một trí tuệ không bị vướng mắc với bất kỳ hình thức nào, hoàn toàn tự do triển nở, không lệ thuộc vào kinh nghiệm nào và có thể biến đổi tự nhiên. Không yêu sách, không ý thức. Bà trích trong Haiku: "Một khi bạn vừa sống động lại vừa bất động (chết) (hoàn toàn chết cho chính mình), "thật kỳ diệu biết bao cái hạnh phúc nhỏ nhoi đó!”.

Tám tháng trước đó, tôi đã từ California bay đến Massachusetts để tiếp kiến với Maurine và lưu lại một thời gian tại Cambridge Buddhist Association, Maurine đang giữ chức chủ tịch và thiền sư tại đó.

Vào cuối tháng Mười, mùa thu đã qua đi tại nhiều nơi trên đất Hoa Kỳ. Tại đây thu vẫn in hằn dấu trên mọi phía. Trên mỗi đường phố, trong mỗi lối đi, cây cối vẫn dõi bóng mát dịu một màu đỏ vàng cam giữa bầu trời trong xanh. Xen giữa Phố Brattle và Đại lộ Huron, khoảng độ 15 phút lái xe từ Quảung trường Harvard tới, Phố Sparks trải dài thẳng tắp và vững vàng. Số 75 là căn nhà cao, màu nâu xám và vuông vắn hiện rõ phía sau hàng dậu chắn màu nâu. Bên trong là những căn phòng có trần cao, được trang hoàng cân đối và rộng rãi kết hợp với màu gỗ tự nhiên tỏa sáng mọi phía. Từ năm 1979 nơi đây là trụ sở của Hội Phật giáo Cambridge (Cambridge Buddhist Association.) Maurine đang trụ trì tại đó do Elsie Mitchell chuyển giao cho, ông đã tặng căn nhà lại cho Hội. Elsie đã lãnh đạo tinh thần cho Hội từ năm 1957 khi đó, Bà cùng với D.T. Suzuki và Shinici Hisamatsu (cả hai đều giảng dạy Thiền tại Đại học Harvard) họ đã soạn thảo ra bản điều lệ cho hội. Tài liệu này rất nổi tiếng vì tính chất không bè phái và đại kết của nó. Bản điều lệ nêu rõ hội không chỉ được thiết lập dành riêng cho Phật giáo mà thôi. Chắc chắn là không chỉ dành cho việc hành thiền Phật giáo, nhưng mở ra cho mọi người thuộc mọi tín ngưỡng. Vào bất kỳ thời điểm nào ta cũng có thể bắt gặp các tín hữu Công giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo cùng hành thiền với nhau tại đó.

Năm 1982, với một nghi thức hết sức âm thầm kín đáo, Maurine được xuất gia Đại sư trụ trì tại trung tâm do Đại sư Soen Nakagawa, vị thiền sư bậc thầy người Nhật đáng kính của bà chuyển giao cho. Đại sư tuyên bố, "Hãy cho mọi người được biết là con đã được xuất gia Đại sư (Roshi) trụ trì hội. Và chỉ có thế thôi. Maurine không quan tâm mấy đến điều đó đã cho biết, "Đó là điều hoàn toàn thích hợp. Bà khoác áo Cà sa ngồi thiền và cho các nghi thức tiếp theo - và bà cũng trang điểm đôi chút, sửa soạn bữa tiệc và chơi dương cầm hết sức say đắm.

Nhưng tôi không biết gì về điều này cho tới buổi chiều tôi đến trung tâm, ngay sau bữa trưa chút ít, còn đang kéo lê mấy chiếc va-li lên mấy bậc thang ngay trước cửa nhà, ngay lúc đó Maurine lái xe vào lối rẽ, giơ tay vẫy chào tôi. Bên trong làn cửa thứ hai, tôi cởi giầy và được chỉ lên lầu, đi ngang qua một bức bình phong rộng trên có viết chữ Nhật. Tại một căn phòng nhỏ ngay bên trên cầu thang, Maurine xuất hiện, ôm chào mừng và mời tôi ngồi xuống một chiếc bàn thấp trên sàn nhà, cho biết bà sẽ trở lại trong chốc lát để dọn trà và bữa trưa cho tôi. Ít phút sau bà mở ra những đồ sửa soạn cho một cuộc dã ngoạn không được trù liệu trước. Bà lấy ra nào rau sống Cà-rốt, rau sống tortellini (kiểu ý) đủ loại phô-mai. Bữa điểm tâm thật ấn tượng. Chúng tôi nói chuyện liên tục. Cả phòng lan tỏa sự ấm áp và lòng quảng đại - tinh thần đó lan tỏa khắp nhà và nhập cả vào việc hành thiền đang diễn ra. Đó là điều tôi phải học hỏi trong những ngày sắp tới.

Sáng nay Maurine cho biết, "Hình như tôi cảm thấy tôi đã là phật tử ngay từ kiếp trước." Chúng tôi quay lại ngồi ngay tại chiếc bàn thấp trong phòng Maurine sau giờ hành thiền sáng sớm và điểm tâm. “Khi tôi còn rất nhỏ, mẹ tôi thường bảo, tôi luôn cần phải có thời gian kiếm 1 chỗ ngồi thinh lặng đâu đó, nhà chúng tôi là một nơi thật dễ thương, thường xuyên có nhiều người qua lại, khách đến thăm thường xuyên và rất nhiều điều diễn ra tại đây. Bà còn cho biết, "Tôi thường lấy nguyên một giỏ bánh ướp lạnh đủ ăn trong một ngày và ra đi tìm nơi yên tĩnh đề ngồi thinh lặng. Hình như tôi luôn luôn cần có điều đó. Một lần kia tôi đi đến một cửa hàng nhỏ và bắt gặp một bức tượng Phật nhỏ xíu xinh xinh và một ít nhang, tôi mua về và thường ngồi trong phòng với mấy thứ đó. Lúc tôi khoảng tám chín tuổi. Đây là nhu cầu tôi luôn cảm thấy trong tôi: đó là cảm nhận đôi lúc cả các bạn nữa cũng phải dẹp tất cả sang một bên, chỉ cần tiếp xúc... tôi luôn luôn đi ra ngoài đâu đó, leo lên một ngọn đồi đầy gió mát, hay đến một cánh đồng mọc đầy cỏ cao ngập đầu, tôi ngồi tại đó nghe tiếng dế gáy, tiếng chim hót và khép lại mọi hoạt động tinh thần.” "Ông nội tôi là một thiền sư rất tuyệt, chỉ nhìn vào lối tổ chức cuộc sống của ông là rõ. Tôi đoan chắc là ông cụ chẳng có chút kiến thức gì về Phật giáo cả. Nhưng tôi thật sự cảm thấy ông là một phật tử bẩm sinh. Ông hành động hết mực tôn trọng các sinh vật, đặc biệt là con người khi ông tiếp xúc. Ông chẳng bao giờ đi nhà thờ và coi ông là người thuộc phái bất khả tri. Đôi khi ông tự nhận mình là người vô thần. Nhưng ông luôn thể hiện một cuộc sống rất tuyệt vời. Khi có ai tới nhà thăm, ông biếu họ bất kỳ cái gì ông có. Nếu họ muốn có cái gì và ông cảm thấy họ cần, ông biếu họ ngay mà không bao giờ nghĩ đến việc đòi lại. Ông đối xử với gia súc và với tất cả mọi người trong trang trại với mối quan tâm chăm sóc đặc biệt – có thể nói ngay cả đó là tình yêu cũng vẫn được. Ông nội là thiền sư đầu tiên của tôi và tôi thường đề cập đến ông trong những bài nói chuyện của tôi."

Mối giao hảo thật sự đầu tiên với tư tưởng Phật giáo đến với bà khi lưu lại Paris, lúc đó bà mới 23 tuổi với tư cách là một nhạc sĩ. Nhận học bổng theo học tại Nadia Boulanger. Bà sinh trưởng tại Saskatchewan, Canada vào năm 1922 và là con mọt sách, cho đến lúc này bà vẫn chưa bắt gặp được bất kỳ một cuốn sách nào về Phật giáo. Tuy nhiên, một ngày nọ trên đường phố Paris bà bắt gặp một cuốn sách mang tựa đề: Tư Tưởng Đông Phương Nhập Môn (An introduction to Oriental Thought ) và bà đã đọc ngấu nghiến cuốn sách đó. “Tôi vẫn còn nhớ rõ, một cảm nhận muốn trở nên đồng nhất với những tư tưởng đó. A ha! Có thế chứ! Tôi viết ngay vào lề sách: "Có thế chứ!" Tìm được cuốn sách là một bước ngoặt trong đời tôi. Nhưng tôi chẳng tìm được ai để hỏi cả. “Làm sao thực hiện được điều này? Điều này ám chỉ gì vậy? Bạn làm thế nào về điều này?" Toàn bộ những điều đó thực sự tựa như một thực đơn: không phải là một món ăn thực sự. Cuốn sách đã gợi cho tôi một vài điều thực hành, nhưng không đưa đến cho tôi bất kỳ hướng dẫn nào cả. Là một nhạc công chơi dương cầm bà dư biết khả năng chơi đàn dương cầm của bà hoàn toàn lệ thuộc vào luyện tập hàng ngày. Làm sao bà có thể hiểu được toàn bộ bản thân (hữu thể) của bà mà không thông qua thực hành?

Thế nên bà chuyển lên TP. Nữu Ước để hy vọng kiếm ra được một thiền sư. Vào những năm năm mươi bà đã "có được kinh nghiệm tuyệt vời” đó là gặp được D.T. Suzuki trên TV và bà đã bị ông hớp hồn. "Tôi ngồi ngay bên cạnh ông và đã có được mối quan hệ tuyệt vời với ông.”

Trong thời gian đó bà gặp và lập gia đình với Oscar Freedgood, một nghệ sĩ và cũng là một doanh nhân và thêm vào hoạt động tích cực của một nghệ nhân hòa nhạc bà bắt đầu với một gia đình. Rồi vào mùa xuân năm 1966, sau khi đã đưa ba đứa con đến trường tại khu Manhattan, bà quyết định theo một lối khác đi về nhà. Bà đang thả bộ xuống đại lộ West End thì nhìn thấy, bên cạnh tòa nhà có tấm bảng viết mấy chữ: "Hội Nghiên cứu Thiền định” bà suy nghĩ, "Đây là điều tôi tìm kiếm bấy lâu nay", bà bước vào và xin một chương trình sinh hoạt. Hai ngày sau bà ngồi thiền lần đầu tiên với nệm(Zafu). Ba tuần sau bà theo học khóa huấn luyện thiền định lần đầu tiên diễn ra tại miền Bắc Nữu ước với Đại sư Yasutani từ Nhật Bản đến. “Và đó là điểm khởi động”.

Khóa huấn luyện diễn ra tại Trung tâm Theosophical Society và là nơi "rất hoang vu" chỉ có độc nhất một ngôi nhà cũ cùng với nhiều túp lều nhỏ trong rừng dành cho mỗi cá nhân làm chỗ qua đêm. Có một phòng khách trang hoàng tường giấy hoa văn. Trên cửa sổ có treo rèm để che bớt nắng. Và tất cả đồ trang bị nội thất đều đưa ra ngoài. Có rất nhiều người từ xưa đến giờ chưa bao giờ tham gia khóa huấn luyện thiền định. Thế nên mọi người di chuyển rất nhiều, ngó ngang ngó ngửa. Nhưng Đại sư Yasutani đã điều hành mọi sự theo cách thức "mạnh mẽ tuyệt vời của ông". Và đã trở thành một kinh nghiệm bao trùm toàn diện với Maurine. Tuy nhiên, bà nhớ lại là sau khi kết thúc ngày huấn luyện thứ nhất, bà cũng có ý định rút lui. Bà nghĩ tất cả những cảnh tụng kinh, vái lạy lẫn nhau, tiếng người la hét, cười đùa – "rõ ràng là điên cả đám”. Nhưng vào cuối ngày thứ hai có điều gì đó đã giữ bà ở lại. Sau khi kết thúc năm ngày, "tôi đã bị mắc câu".

Kinh nghiệm làm nhạc công đã đem lại cho bà nhiều lợi thế. Hầu như ngay từ hồi còn nhỏ khi bắt đầu chơi dương cầm bà đã quá quen với những bài tập đàn thường xuyên.. "Công việc sửa soạn vô tận, trau chuốt đến từng chi tiết và không bao giờ kết thúc. Chỉ ngồi vào tập luyện, tập luyện và tập luyện liên tục." Mỗi ngày không có một ngoại lệ nào khác. Thế rồi bạn có thể chơi thật thoải mái. Bạn có thể tự cho mình là chơi chưa đạt. Có điều chi đó điều khiển bạn. Bạn phải sửa soạn nhạc cụ. Mọi sự phải được sẵn sàng trước khi bắt đầu công việc. Có lẽ không cần hoàn hảo tuyệt đối, nhưng ít nhất cũng phải tương đối. Vì thế bạn phải gạt bỏ tất cả điều gì khác xảy ra. Bạn hoàn toàn thoải mái là vì bạn không cảm thấy bạn đang biểu diễn. Một khi bạn thực hiện được điều gì với phong cách đó thì công việc diễn ra rất tự nhiên, không cần nhiều cố gắng, cũng như sức lực. Bất kỳ đó là công việc gì – ngồi thiền, nấu ăn, chơi dương cầm, hoặc liên lạc với bạn bè.

"Đó chính là điều tôi đang gắng sức truyền đạt cho mọi người. Chẳng có điều gì bí mật, xa vời cả, cũng chẳng mang phong cách Đông phương, Nhật Bản, Ấn Độ, Triều Tiên hay thần bí. Đó chỉ là những vấn đề căn bản đối với tất cả mọi người bất luận họ sinh sống ở đâu trên thế gian này. Đó chính là một bộ phận tuyệt đối của mỗi một người. Bạn không cần phải suy nghĩ điều đó chỉ xảy ra ở một quốc gia hay một nơi nào khác. (Maurine chưa bao giờ đến Nhật Bản).

"Một ngày nọ, một bạn trẻ đã đến đây với con trai tôi và nói cậu ta muốn xem một ngôi chùa Đông phương. Tôi cho cậu ta hay, đây là nước Mỹ, thế nên ông bạn sẽ chỉ thấy chùa kiểu Mỹ mà thôi. Và chúng tôi đang hành thiền tại một ngôi chùa kiểu Mỹ. Chúng tôi thấy không cần phải có chùa Đông phương. Chúng tôi ngồi thiền với nệm trên sàn nhà, điều đó được du nhập từ phong cách Đông phương. Điều đó đã mang lại cho chúng tôi những tư thế thoải mái, thực tiễn và hoàn hảo. Nhưng chúng tôi không làm thế chỉ vì đó là những tư thế Đông Phương... chúng tôi có tượng Phật, nhưng bức tượng đó cũng có thể mang dáng vẻ một người Tây phương được không? Thực chất, điều thường được thực hiện tại hầu hết các thiền viện. Tượng Phật có thể với bất kỳ dung mạo nào, bạn chỉ chiêm ngưỡng bức tượng mà thôi, điều đó tùy thuộc ở bạn có ý thức được mình là ai. Tôi nghĩ đó là một khía cạnh quan trọng trong việc truyền đạt Thiền tại Hoa kỳ. Vâng, bạn có thể thực hành như một bà nội trợ, như một bà mẹ trong gia đình. Bạn chẳng cần phải biến mất vào một tu viện"

Lenore: Tôi có nghe nói tại khóa huấn luyện thiền vừa qua bà đã thực hiện công việc bếp núc, ngồi thiền, trả lời phỏng vấn, giảng Phật pháp - thực hiện không mệt mỏi hết việc này sang việc khác. Tôi rất muốn học hỏi điều đó, thưa bà.

Maurine: Vâng, bà Lenore thân mến, chúng tôi đâu có học hỏi gì đâu. Tôi nghĩ nó tự động xảy ra thôi. Khi mà tâm trí của bạn đã tràn ngập được vấn đề rồi, nó sẽ tự động trôi dạt như bong bóng vào mỗi hoạt động của bạn. Thế nên bạn càng tiếp thu, bất luận là điều gì, điều kỳ diệu tại đây vào lúc này, thì bạn càng cống hiến được nhiều. Và nếu bạn càng cống hiến được nhiều thì nghị lực của bạn lại tăng thêm rất dồi dào. Người ta bảo tôi đã làm việc quá nhiều, coi chừng bị bệnh. Không phải vậy đâu. Mỗi công việc lại tăng sức cho công việc tiếp theo. Lúc kết thúc khóa thiền, tôi không cảm thấy mệt mỏi chi cả. Tôi rất hạnh phúc được trở về nhà và đánh một giấc ngon lành, nhưng sáng hôm sau tôi cảm thấy hăng hái hơn bao giờ hết. Chẳng thấy có gì xung khắc. Tại các thiền viện, công việc bếp núc cũng quan trọng y như và công việc truyền đạt thiền vậy.

Lenore: Tiếp thu và rồi lại cống hiến... giống như hít thở không khí, có phải không, thưa Bà?

Maurine: Chính xác là như thế, bạn tiếp thu vào rồi bạn lại cho ra. Và bạn có thể tiếp thu được rất nhiều chỉ cần tập trung vào công việc bếp núc. Nếu như bạn thực sự ý thức được bất kỳ công việc gì bạn đang làm. Giống hệt như: lấy vào rồi cho ra.

Lenore: Thế còn cố gắng đóng vai trò gì trong qui trình này, thưa bà?

Maurine: Vâng, nếu như bạn chỉ nghĩ bạn làm điều gì đó, vấn đề sẽ nổi lên ngay. Nếu như bạn hoàn thành tốt công việc đó, chẳng có chuyện gì xảy ra. Nếu bạn lúc nào cũng chỉ bận tâm đến công việc đó, nó sẽ hành hạ bạn ngay. Đây là vấn đề căn bản trong những bài tập đàn của tôi.

Lenore: Tập trung cố gắng rồi lại thư giãn thoải mái. Công việc tập luyện, kỷ luật và rồi lại còn để cho công việc tự chi phối bạn. Tôi vừa lóe ra trong đầu một ý tưởng tôi hình dung ra điều đó giống như như một nhạc cụ. – phải chăng chúng ta là những dụng cụ cả hay sao?

Maurine: Hoàn toàn đúng, chúng ta là những dụng cụ. Phật pháp đang tác động trên chúng ta, Chính xác, Phật pháp tác động đến tất cả mọi người. Rất có thể một vài người trong chúng ta hơi bị lạc điệu, nhưng một khi bạn lên dây đàn lại một chút không quá căng, không quá chùng, như vậy bạn sẽ chơi nhạc rất tốt.

Lenore: Điều rất tuyệt là cả ba vị nữ thiền sư tôi phỏng vấn đều là nhạc sĩ cả: Bà là một, rồi Joko và cả Đại sư Kennett nữa.

Maurine: Đó là điều rất cơ bản. Con người của bạn phải nhuần nhuyễn với một công việc gì đó rồi bạn sẽ diễn đạt được thôi. Và rồi bạn phải thực hiện điều này mỗi ngày, mỗi ngày và mỗi ngày. Rồi bạn sẽ cảm thấy như vậy không có luật trừ nào cả.

Trong những năm của thập kỷ sáu mươi và những năm đầu thập kỷ bảy mươi Maurine đã thực hiện được nhiều cuộc huấn luyện rất có chất lượng tại thiền viện Dai Bosatsu ở thành phố Catskill chung với Đại sư Eido (cho dù sau này bà chia tay với Eido vì ông đã không chấp nhận và phân biệt đổi xử với phụ nữ) và nhiều năm huấn luyện Thiền tại Thành phố Nữu Ước chung với Đại Thiền sư Yasutani hoặc với Đại thiền sư Soen Nakagawa, mỗi năm ông từ Nhật Bản sang Hoa Kỳ. Là người vợ và người mẹ trong gia đình đòi hỏi phải thu xếp nhiều công chuyện. May mắn thay, trong mọi trường hợp, bà đều có sự cộng tác đắc lực của gia đình. Bà cũng may mắn kiếm được một người chăm sóc con cái rất tốt thay cho bà khi phải xa nhà. Đôi khi, bà rất lo lắng trong những ngày khóa huấn luyện mới bắt đầu, không biết các con ở nhà có thể xoay sở được khi mẹ vắng nhà hay không, nhưng bà đã sớm nhận ra các con có thể làm được điều đó. Thế rồi sau hơn bốn năm rưỡi miệt mài luyện tập và tham gia tích cực tại thiền viện Zen Studies Society, lại xảy ra một rắc rối nhỏ đó là gia đình bà phải di chuyển xuống Boston. Thoạt tiên bà cảm thấy rất lẻ loi cô độc. Những nền móng Phật pháp và đoàn thể Phật học của bà đều ở tại Nữu Ước. Và Boston là một vùng đất xa lạ. Đại Thiền sư Soen lúc đó đang có mặt tại Nữu ước đã bảo đảm cho Maurine là: "Bà sẽ có được bảo tàng viện Boston trong tay," Ông cho biết. "Với một sưu tập nghệ thuật phương Đông tốt nhất thế giới. Và cả Elsie Mitchell cũng có mặt, gặp được nữ thiền sư Elsie thì mọi sự sẽ ồn cả thôi."

Và mọi sự đã diễn ra y hệt như vậy.

Đây là những gì Maurine hồi tưởng về Soen: "Ông nghiêm khắc trong hết mọi sự, nhưng lại rất hòa nhã. Lúc nào cũng rất hòa nhã. Ông rất từ bi (compassionate) hỷ xả. Trong mọi công việc, tuyệt đại đa số mọi công việc đều toát ra lòng từ bi hỷ xả. Chẳng có điều gì qua mắt ông được. Một số người đề nghị tôi đi Ryutku-ji (là ngôi chùa Soen trụ trì ở Nhật Bản) để luyện thiền. Có một lần trong lớp huấn luyện thiền dành cho các vị sư tại đó, chân của một vị sư đã xưng húp lên và rướm máu vì đi lại quá nhiều mà chân chỉ mang đôi giầy rơm, ông ta bị kiệt sức và có phần nản chí. Đại sư Soen có mặt và thấy những đôi giầy rơm dính máu. Thay vào những đôi giầy rơm đó đại sư đem lại những đôi dép rất êm đi trong nhà. Một sự quan tâm kín đáo tuyệt vời đến từng việc rất nhỏ mọn. Thiền sư luôn luôn quan tâm đến từng người trong chúng tôi. Xoay chuyền kịp thời mọi tình huống, cho dù đen tối đến mức độ nào, trở thành những bài học thiền tuyệt vời. Ông luôn ấp ủ một cảm nhận là ấp ủ toàn bộ tập thể thiền viện mỗi khi ông phụ trách huấn luyện tại đó. “Bạn đâu phải có mặt ở đây để phục vụ cho chính bạn mà thôi, nhưng là để phục vụ cho bá tánh.” Tôi thường nghe ông nói: “Hãy giữ cho lòng mình được thanh thoát và hòa nhã." Chỉ cần thực hiện điều đó thôi, từng bước một, từng bước một, đơn giản chỉ từng bước một với một tâm hồn kính cẩn và tri ân. Đó chính là những gì tuyệt vời nơi Đại sư Soen. Ngài đã biến đổi tất cả những gì khô khan cằn cỗi nơi tôi trở thành bóng láng và tươi mát. Có một lần nọ ông tổ chức một khóa huấn luyện và có một người cảm thấy rất chán nản và muốn rút lui. Đó là điều gây đau khổ và khó khăn cho chúng tôi. Và thiền sư Soen đã chuyển biến tình hình đó trở thành sinh động và thoải mái cho thiền sinh đó, thay vì để cho mọi người buồn chán vì công việc tập luyện ông đã tập trung vào mỗi cá nhân thiền sinh – đại sư đã chuyển biến thành những điều tuyệt vời. Và ông đã thực hiện được những điều kỳ diệu đó tại các khóa huấn luyện. Ông đã nhìn ra ngoài, để mắt theo dõi mặt trăng đang chiếu sáng ngoài cửa sổ. Ông nói: "Nào chúng ta lên mặt trăng đi’ chúng ta đi dạo với chị hằng xem sao. Và chúng ta có thể ra ngoài không gian vũ trụ và ngắm nhìn tinh tú". Ngài luôn nói với chúng tôi, "Xin đừng nhìn vào tôi làm gì, đừng để tâm nhiều đến tôi là thiền sư của các bạn, đừng bám sát theo tôi. Hãy nhìn ngắm vũ trụ bao la. Nhìn ngắm tinh tú đi! hãy nhìn ngắm trăng thanh gió mát! Ngắm nhìn buổi bình minh" Tại một trong những buổi ngồi thiền cuối cùng ông thực hiện, mọi người đang bước lên cầu thang và ông cũng có mặt và đứng ngay đầu cầu thang, ông chỉ ngay cho mọi người hãy nhìn ra ngoài cửa sổ và lúc đó bình minh đang ló dạng. Ông choàng tay lên vai chúng tôi và cùng chiêm ngưỡng cảnh mặt trời mọc và chúng tôi tụng kinh chung với nhau.

Hàng chữ tiếng Nhật đẹp mắt treo trên tường ngay cầu thang tôi nhìn thấy ngay khi đến phố Sparks là do thiền sư Soen viết tặng cho Maurine. Gồm có hai hàng chữ đại tự in đậm nằm chồng lên nhau. Hàng chữ phía trên gọn gàng, cứng cáp và vững vàng. Tôi được biết đó là chữ "Thiên" chữ nằm dưới lại rộng hơn, bay bướm và phức tạp hơn. Hình như hai đại tự này gồm hai phần nối kết với nhau bằng một hàng kẻ đu đưa ở giữa biển cả mênh mông. Và thực tế đại tự đó lại có nghĩa là nhảy múa. Gộp cả hai chữ lại là "Trời đất nhảy mừng” (Heaven dance) chữ gợi lên: từ vùng vô thức bao la, ta bước vào cuộc sống". Hàng chữ S-O-E-N được ghi dọc bên lề trái. Gợi lại một biến cố nho nhỏ Maurine đã kể cho tôi nghe tại Cambridge.

Hôm đó bà đến thăm Đại Sư Soen và ông ta đang họa chữ Nhật. Có lẽ là hàng chữ đang treo trên tường tại Sparks Street. Cả nhà văn nổi tiếng Paul Reps cũng có mặt, ông đang loay hoay viết. Soen yêu cầu Maurine hát cho họ nghe trong khi họ đang trổ tài họa chữ và Maurine đã hát lên bài Hợp xướng thứ IX của Beethoven. Mỗi khi bà ngưng, ông lại yêu cầu bà hát tiếp "Hát nữa đi, hát nữa đi” cả Paul cũng hát theo. Và Soen thốt lên. "Thật là tuyệt, thật tuyệt vời" Paul hoàn tất bức họa và đề tên REPS. Soen cũng hoàn tất bức họa chữ và đề Soen ngay tại góc trái. “Nhìn này Paul, anh thấy gì không?".

Ông rất nhỏ con và thấp, chỉ độ khoảng 1,50 m. Thế mà khi gặp ông lần đầu tiên ai cũng thốt lên "Một con người cao to như trái núi" ông mất tại Nhật tháng 3 năm 1984, nhưng dấu ấn tinh thần của ông vẫn còn rất sinh động tại Cambridge cho đến ngày nay.Tại Sparks Street, những buổi hành thiền hàng ngày, các khóa huấn luyện hàng tháng và các lễ nghi được cử hành theo phong cách truyền thống.. với kiểu vái và tụng kinh theo kiểu Nhật bản có cả chuông, cồng và keisaku. Trong khi đó chúng ta cũng thấy diễn ra những việc lặt vặt, như hành thiền được tổ chức vào nhiều thời điểm khác nhau trong những ngày và trong tuần. Vào thứ ba chẳng hạn, ngồi thiền được tổ chức vào buổi chiều. Nhật trình được thiết kế sao cho thích hợp nhất đáp ứng những nhu cầu khác nhau của nhiều người. Đa số mọi người đều có cơ hội ngồi thiền ít nhất mỗi tuần một lần. Nhưng điều này cũng còn mang ý nghĩa là tất cả những người đã đăng ký nhưng vẫn bị trễ vì bất kỳ lý do nào đó đều có thể ngồi thiền tại phòng kế bên, có lối vào riêng. Chúng ta cũng có thể tham gia cuộc rước (kinhin) trước hoặc sau thời gian hành thiền cả buổi sáng lẫn buổi chiều.

Kể từ thời gian tôi đến tham gia hành thiền tại đây, tôi cảm thấy được đón tiếp nồng nhiệt và được coi như là người thân trong nhà. Tôi thấy một sự tử tế đơn sơ với riêng cá nhân tôi vì tham dự vào thời biểu hàng ngày, được mời dùng bữa, được tham khảo trong thư viện. Bầu khí tại đây rất ấm cúng thân ái nội trong khuôn viên bốn bức tường. Khi Maurine biết được tôi nhận định như trên về trung tâm bà thật hài lòng.

"Đó chính là những điều tôi muốn thấy xảy ra tại đây. Tôi thực sự cảm thấy đây không phải là nơi cho một số người phải sợ hãi. Có rất nhiều điểm tôi đã lui tới thật sự rất khủng khiếp và căng thẳng. Như “các bạn phải thực làm như vậy, các bạn phải vái theo kiểu này chứ không phải kiểu khác." Và bạn cảm thấy nhụt chí! Điều này cũng đã xảy đến cho tôi khi tiếp xúc với Đại sư Soan lần đầu tiên. Tôi còn nhớ có một lần bước vào cửa phòng thiền và tôi nói, "Dạ tôi quên mất không biết phải vái như thế nào cả và ông cho biết, "không sao đâu, chỉ cần vái, có vậy thôi”. Và tôi nói cho các bạn của tôi. "Các bạn không làm gì phải lo lắng khi các bạn có lỡ quên một vài nghi thức nào đó, chỉ cần tỏ ra thái độ thành kính chân thật là đủ rồi. Hãy thực hiện mọi sự với trái tim rộng mở." Đó là ước nguyện của tôi – làm sao cho mọi người cảm thấy được thiền viện chấp nhận.”

Tôi hỏi bà xem tại sao tinh thần đó lại rất hiếm thấy nơi các thiền viện Phật giáo khác. Bà không muốn trả lời trực tiếp, trừ điều bà tin tưởng tuyệt đối “đó là như vầy: Nếu tôi không thể chấp nhận con người hiện thời của bạn thì..."

Có một số người đến với thiền viện vì họ gặp trục trặc trong cuộc sống. Họ được chấp nhận, với chính con người nguyên trạng của họ và họ đã thay đổi. Một người phụ nữ đến thiền viện trong tình trạng thất vọng hoàn toàn. Bà đã phải điều trị tại bệnh viện trong nhiều năm. Thoạt tiên bà ta ăn nói huyên thuyên như mê sảng, quả thật bà ta đã đánh Maurine. “Bà giận dữ, tức bực, tức bực và tức bực liên tục. Bà ta vật vã và luôn miệng kêu gào, ‘Tại sao bà lại làm thế? Sao bà lại nói vậy? Tại sao chúng ta phải làm vậy?’ Và rất nhiều câu hỏi khác nữa. Và chúng tôi vẫn nhất định chấp nhận bà ta, tất cả chúng ta đồng ý làm thế. Chúng tôi không nói, "Bà không được làm thế, bà đang làm rối tung thiền viện đó’. Chúng tôi đơn giản chỉ chấp nhận để cho bà được lui tới thiền viện. Hiện nay bà đã có việc làm, có cả một chiếc xe hơi. Và tâm thần hoàn toàn ổn định. Bà ta đến và ngồi thiền thật yên tĩnh vẻ mặt luôn tỏ ra bình thản. Bà đã cảm thấy được chấp nhận và được chăm sóc. Nếu như chúng tôi chỉ thuyết giảng về Phật pháp thì chúng tôi đã chẳng làm thế....!"

Một thành viên khác trong cộng đoàn mới đây đã mất thị giác. Vì tình trạng ngày càng xấu đi, nhận ra là mình sẽ bị mù làm ông rất tức giận. Ông nó "Ôi trời ơi! Tôi rất bực tức không thể nào nói hết cho bà biết được”. Có người nói với ông ta, “Thật là một diễm phúc nếu ông không nhìn được nữa” và ông nói điều đó chỉ làm cho ông thêm bực tức hơn. Nhưng ông ta vẫn tiếp tục ngồi thiền, ngồi miết, ngồi miết, cho đến một hôm ông đến thưa chuyện với Maurine và cho biết, "Tôi thực sự bắt đầu hiểu ra rằng tôi không còn nhìn được bằng mắt trần nữa. Tôi luôn phải chú ý mỗi lần bước đi, giống y hệt đi rước sau khi ngồi thiền vậy (kinhin). Tôi phải ý thức đến từng bước đi. Và bây giờ tôi đã có thể liên lạc được với cảm nhận của mọi người. Tôi cảm nhận được họ đang hiện diện. Tôi không còn phải thủ trước mặt họ. Tôi đọc được tư tưởng của họ. Tôi không nhìn thấy họ nhưng tôi biết họ hiện diện ở đó.”

Maurine cho ông biết là ông đã giải quyết được “koans” lớn nhất của ông.

Ông đã học được cách chấp nhận cuộc sống với nguyên trạng của nó.

Một số người tại thiền viện bắt đầu kêu Maurine với cái tên Mã Đại sư (Ma-Roshi). Bà không quan tâm, nhưng bà chấp nhận ý nghĩa nó truyền tải: Đó là bạn có thể tỏ ra rất mặn mà và âu yếm trong khi đó vẫn duy trì được một kỷ luật mạnh mẽ.. “Rất nhiều lần tôi ôm hôn người ta, ôm chặt họ vào lòng. Tôi hôn họ rất thắm thiết lên má hoặc mơn trớn lên vai họ. Nhưng tôi vẫn có thể ngừng lại không làm thế và cho biết đây không phải là lúc hành động như vậy.” Đó là vấn đề rất tế nhị, chúng ta là cha là mẹ đều biết điều đó. Đôi khi bạn phải rất cứng rắn với con cái và đôi khi bạn phải ban tặng cho con cái tất cả tình yêu và tình thương bạn có được. Nhưng con cái luôn biết rất rõ là tình yêu bao giờ cũng vẫn hiện diện nơi cha mẹ cho dù kỷ luật có khắt khe đến đâu.” Thế nên tôi hy vọng tất cả chúng ta đều ghi nhớ trong lòng đây là bài thực hành thuần túy, nếu bạn tránh xa tất cả những điều đó một cách lạnh lùng, thì rốt cục, điều gì sẽ xảy ra và sẽ không xảy ra đây.”

Vào một buổi chiều tôi lưu lại Cambridge, Maurine lái xe đưa tôi đi ngang qua nghĩa trang Mount Auburn, Bà đưa tôi về nhà riêng và dùng bữa với chồng tại đó, bà mời tôi dùng trà và biểu diễn các bản dạo đầu của Bach cho tôi thưởng thức. Ngày hôm sau bà truyền Koan Mu cho tôi.Chúng tôi thảo luận rất nhiều về cách tập luyện và tôi thấy có nhiều điều cần phải hỏi, đặc biệt về một số điều còn nhiều nghi vấn đang nổi lên trong tôi. Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả chỉ là giả đò và ảo tưởng? Nếu tất cả chỉ là hình thức rỗng tuếch? Hoặc còn tệ hơn, nếu tôi cũng thực hiện cách đó? điều gì sẽ xảy ra nếu tôi tự lừa dối mình và lừa dối người khác? Điều gì sẽ xảy đến nếu tất cả đều sụp đổ, tan rã hết? Và bây giờ khi đã nắm được câu trả lời, liệu tôi có thể hành động từ điểm đó được không?

Maurine: Bạn nhớ lời Đức Phật đã dạy, "Đừng cho lời nói của tôi ám chỉ điều này điều nọ. Đừng suy diễn theo kiểu riêng của bạn. Nhưng hãy tự cảm nghiệm lấy đi.” Hãy nghĩ xem ngài đã thực hành ra sao. Bạn đã biết tất cả những nỗi nghi ngờ, tất cả những ảo giác đã xuất hiện và biến đi trong suy nghĩ của ngài. Giống như trường hợp của tôi và của bạn. Và tất cả mọi người không trừ một ai. Đó chính là một phần kinh nghiệm trong cuộc sống... Nếu bạn không đặt vấn đề, nếu không tìm hiểu tới cội nguồn vấn đề, điều này thực sự đã xảy ra như vậy sao? Như vậy mới chỉ hoàn toàn hời hợt. Vâng, rất hời hợt. Chúng ta phải đặt vấn đề thế này: Điều gì đây? Điều gì kia? Và đặt những vấn đề đó với ý thức tuyệt đối về hiện trạng con người chúng ta. “Điều- gì- kia?" là nỗi nghi ngờ lớn nhất chúng ta đang bàn tới ở đây. Nghi ngờ này phải được trả lời bằng toàn bộ hiện thực của bạn. Không những chỉ bằng lý trí mà thôi. Và căn cứ vào một số bản văn cổ, bạn càng nghi ngờ sâu xa bao nhiêu thì bạn càng được giác ngộ cao độ bấy nhiêu. Bạn càng nắm được vấn đề tường tận đến tận gốc rễ thì bạn càng nhận rõ vấn đề hơn. Điều này sẽ quân bình điều kia. Và chân thực là điều cơ bản nhất. Phải nói, tôi có thực sự đang thực hiện điều này từ tận đáy lòng con người tôi không? Hay tôi chỉ khơi khơi ngồi thiền tại đó thôi?

Lonore: Làm sao tôi có thể tự thực hiện như vậy nếu không có một vị thiền sư hướng dẫn?

Maurine: Từng bước, từng bước và từng bước một, (Mu) thực hiện Mu với toàn bộ con người của bạn. Đây không phải là một kỹ xảo. Mà chỉ là một lối sống mà thôi.

Lenore: Tôi không cần đến thử nghiệm trước hay sao. Tôi hỏi thêm, "tôi đang nghiền ngẫm điều gì đó, đó có phải là Mu không...

Maurine: Không phải thế. Đừng hỏi như thế, đừng hỏi gì cả – hãy cứ làm đi. Hãy làm đi thôi và xem điều gì xảy ra.

Lenore: Và khi nghi ngờ xảy đến về khả năng của tôi để...

Maurine: Chẳng có gì liên quan đến khả năng của bạn ở đây cả, chẳng có gì cả. Khả năng là khả năng và cần dùng đến khả năng này trong mọi tình huống trong cuộc đời bạn, nhưng điều bạn thực hiện đó phải có liên quan đến thực tế tuyệt đối, chứ không phải tương đối. Vậy thế cho nên chẳng nhằm nhò gì đến hiện trạng bạn đang là người lương thiện, người xấu hoặc là chỉ dửng dưng. Trong lãnh vực này, một điều cơ bản là bạn phải am tường đến tận cội nguồn thực tại này, thực tại Mu, thực tại Thượng đế, thực tại bản chất Phật. Và điều đó hiện thực nơi mọi người, không tùy thuộc vào những gì bạn có thể thực hiện được một cách thể lý hoặc trí tuệ, bất kỳ thế nào. Thực tại tinh thần của bạn lại là điều khác. Nó hiện thực nơi mỗi người chúng ta, hoàn toàn trong sáng và trần trụi. Và chúng ta bầy biện đủ thứ trên đó. Vậy thì: Điều gì đây? Điều gì đây? Tại sao tôi lại phải che đậy kỹ đến như thế.? Làm sao tôi có thể làm sáng tỏ được những che đậy trên? chỉ bằng cách ăn ở trung thực nhất, như bạn đang làm đó và tự nhủ. Nào ta hãy mổ xẻ vấn đề đến cùng tận và xem có gì ở đó. Chắc chắn sẽ thấy những điều rất ngoạn mục khi bạn mổ xẻ đến tận cùng vấn đề. Có một phụ nữ trẻ đến kể với tôi về giấc mộng của bà. Bà ta cho biết: "Tôi mơ thấy bà đưa cho tôi một đôi giầy thật đẹp và một cuốn Album trong đó có những hình chụp tôi mà trong tất cả các bức hình đó tôi đều trần truồng. Thật là tuyệt. Chỉ hai chi tiết đôi giầy và trần truồng. Vì thế cho nên không cần phải lo sợ về những yếu đuối, những hy vọng hão huyền, những ảo tưởng của chúng ta, bất luận chúng là gì đi nữa. Tất cả chúng ta đều có những thứ đó. Nhưng phải ý thức đến tận cội rễ vấn đề thì mới phát hiện những điều khác nữa.. Tôi nghĩ trong nhiều tình huống thật kỳ lạ tôi luôn có cảm nhận đó, mà chẳng suy xét đến tận cội rễ vấn đề. Cho dù bất kỳ điều gì đang diễn ra chung quanh tôi, nếu là điều cực kỳ khó khăn và đau đớn hoặc đầy tai tiếng – và điều đó thường xuyên xảy ra trong đời tôi – tôi luôn suy nghĩ chắc phải có một nơi, ở đó mọi sự đều ổn thỏa. Chỉ cần đến đó, ngồi xuống và hít thở một hơi thật dài.

Một điều thật thú vị là Đại sư Soen đã cảm nhận được ngay một khi bạn đã giải quyết được Koan Mu, khi bạn đã thấu suốt được vấn đề này, thì bạn cũng sẽ biết được toàn bộ những gì còn lại. Đại sư Soen cho biết, “Nếu như bạn đã thực sự nắm bắt được điều đó, hãy đến gặp tôi và tôi sẽ chỉ cho bạn tất cả những câu trả lời khác."

Ngay cả Đại sư Soen cũng như Đại sư Yasutani, hai thiền sư chính của Maurine, đều không nghĩ là cần phải thực hành toàn bộ cả trăm koans mà rất nhiều các học viên nhập thiền cổ điển đã phải hoàn tất, như là một cách đào sâu và hoàn thiện việc hành thiền. Đối với hai vị này cũng như Maurine vấn đề cốt lõi là chúng ta phải thấu hiểu đến tận gốc rễ thực trạng vấn đề. Cơ sở chúng ta tồn tại. Đó là tất cả những gì Mu hàm chứa. Chẳng có chi liên can đến bản thân con người chúng ta.. Đó chỉ là những gì đang hoạt động xuyên qua mỗi chúng ta và chúng ta thấm nhập vào điều đó – thông qua Mu hay bất kể điều gì – là một quy trình kéo dài suốt cả cuộc sống.. thực hành thì vô cùng vô tận, ngay cả đòi hỏi kéo dài qua nhiều thế hệ. "Koan" lớn nhất theo ý kiến Maurine là phát hiện được thực tại Mu ngay trong cuộc sống mỗi người chúng ta. Maurine cho biết, “Điều hành khóa huấn luyện, sửa soạn bữa ăn, thuyết pháp, thực hiện thảo luận thiền (dokusan), sử dụng gậy, thực hiện bất kỳ điều gì, tiến hành từ việc này sang việc khác. Đó chính là Koan: bạn đối mặt với điều đó ra sao? “

Tôi hỏi thêm Maurine về việc sử dụng gậy. Bà cho biết, "Chỉ khi nào có người yêu cầu mà thôi. – bằng cách dùng hai bàn tay chụm lại với nhau, thiền sư khẽ vỗ nhẹ vào thiền sinh. Làm như vậy bà cảm thấy ít gây phiền hà cho người khác hơn là cúi gập lưng xuống như thường thấy thực hiện tại các thiền viện khác. Tôi nói hình như bà đánh lên cả hai vai hai lần. Maurine trả lời đúng thế, có đôi khi ba lần, nếu như người đó buồn ngủ quá.

"Làm vậy tỉnh ngủ ngay, không gây đau đớn. Nhất là khi bạn nhận được cú đánh (Keisaku) do một người đồng nghiệp thiền tốt. Đại sư Soen dùng gậy (keisaku) không gây tiếng ồn to và không đánh mạnh và làm ồn như một số nhà sư cố tình đánh mạnh đến nỗi bạn bị đau đến ba bốn tiếng đồng hồ. Cú quật Đại sư Soen thực hiện rất mạnh nhưng không gây tiếng động và rất đúng chỗ, bạn chỉ cảm thấy một tiếng: Uhhhh. Sau đó tôi lại có thể ngồi lên lại!"

(Tại những khóa tĩnh tâm tại California, Maurine không dùng gậy. Thay vào đó, Bà dùng hai bàn tay xòe ra và phát nhẹ lên vai, hai lần – lần đầu tiên mạnh rồi lần thứ hai nhẹ hơn - theo một nhịp điệu đã trở thành quen thuộc trong suốt năm ngày tĩnh tâm liên tiếp. Đôi khi Maurine còn xoa bóp lưng chúng tôi, sửa cho ngay ngắn và tăng sức mạnh cho chúng tôi.)

Maurine tin là tư thế ngồi thiền rất là cần thiết cho việc hành thiền. Và tư thế thay đổi luôn nơi mỗi người. “Nguyên do thay đổi là vì khi bạn đã dẫn sâu vào hành thiền và hơi thở của bạn trở nên nhẹ nhàng và rõ ràng hơn và truyền xuống toàn thân bạn, thì con người của bạn thay đổi theo từng hơi thở ra và hít vào, một tư thế thiết yếu vì lý do đó chứ không còn lý do nào khác. Cơ bản mà nói tư thế của bạn là thể hiện bản chất Phật trong bạn. Tuyệt nhiên, tuy rõ ràng như thế và với cảm nhận bạn cảm thấy tôn trọng cuộc sống của bạn, thì bạn mới ngồi lên nệm hành thiền! Thật là một cảm nhận tuyệt vời và bạn chỉ cần ngồi thiền là đủ. Hít vào một hơi thật sâu và cảm thấy tất cả lỗ chân lông của bạn trở thành sống động ngay tại chân tơ kẽ tóc của bạn cho tới đầu ngón chân và tới da đầu và trên má – mọi sự đều trở thành sống động. Thiết yếu cần phải có một tư thế thích đáng đối với kinh nghiệm này. Bằng không thì hơi thở của bạn sẽ không thể chuyển thông qua khắp thân thể bạn được.”

Khi bắt đầu dạy thiền cho những học viên mới tại thiền viện, Maurine nhấn mạnh đến cảm nhận vững vàng, cảm nhận thấy mình đứng vững trên hai chân. "Điều luyện tập này rất cụ thể, không mông lung trên mây trên gió. Bạn hiện diện ngay tại đây, trên hành tinh này gối bạn quỳ ngay trên mặt đât vững vàng này. Xuất phát từ đó bạn tiến lên. Cột sống bạn như là một cuống hoa, đầu bạn như là chùm hoa nở rộ trên đó. và mọi sự như được sắp xếp theo một thứ tự tuyệt vời. Bạn điều khiển dược hơi thở: bạn hít vào cho đầy, rồi thở ra từ từ, rồi để cho hơi thở bạn thì thào với bạn. Rồi để cho tư thế của bạn diễn tả tất cả điều này. Và điều này thay đổi từ ngày này qua ngày khác. Từ phút này qua phút khác. Và phải diễn ra như thế. Nếu chúng ta cứ ngồi yên bất động, điều này không thể xảy ra được.”

Sau đó, tôi cũng đã nêu những câu hỏi cuối cùng liên quan đến Mu.

Lenore: Bà có nắm giữ Koan trong suy tư tưởng không.

Maurine: Koans phải tràn ngập toàn thân của bạn!

Lenore: Một câu hỏi về nguồn gốc Mu: thế con chó có bản chất Phật (mu) đó không?

Maurine: Chẳng có liên quan đến câu hỏi đó cả. Trong mỗi giai đoạn “koans” có một số ngôn từ quan trọng. Mu và bản chất Phật. Đó chính là Mu. Là bản chất Phật. Chính bạn thể hiện bản chất đó, nhưng chính bạn lại thực hiện điều đó. Không phải suy nghĩ: Mu là gì? - không phải thế. Bạn có hiểu không?

Lenore: Vâng, với khả năng hiểu biết hạn hẹp theo như tôi hiểu, tôi hiểu ạ.

điều gì đó rất mạnh mẽ (như sư tử) nơi Maurine. Đằng sau ánh mắt của bà, chúng ta có thể thấy tích tụ cường độ sức mạnh phi thường. Chúng ta cảm thấy một sức sống mãnh liệt, một ấp ủ toàn diện cuộc sống. Rất ít khi bà lưỡng lự điều gì. Giọng nói trầm mang đầy nữ tính phát ra tận sâu thẳm cõi lòng đang nói với bạn. Giọng cười cũng phát xuất từ đó. Với sự tập trung cao độ và đầy bản lãnh bà đã hướng dẫn cuộc rước thiền đúng mức. Với bước chân vững vàng đã tiến bước chững chạc trên khắp đoạn đường.

"Bà là một thiền sư thực sự" một trong những thiền sinh lâu năm đã nhận xét, "Bà cầu mong bạn tận dụng hết khả năng của mình" Maurine đã kể cho cậu nghe câu chuyện về người thầy dạy nhạc nổi tiếng người Pháp, bà giáo Nadia Boulanger. Một ngày nọ bà giáo nói với Maurine, "Thưa tiểu thư, tiểu thư có rất nhiều tài, tiểu thư có hiểu điều đó là gì không? Điều đó có nghĩa là tiểu thư phải làm việc nhiều hơn bất kỳ người nào khác."

Tuy nhiên tại trung tâm Cambridge Buddhist Associetion không ai được tỏ ra “tài năng” vượt trội hơn các bạn thiền sinh. Maurine quan tâm đến từng người một cách riêng biệt. Nhưng nếu như bà thấy bạn mơ màng đang khi ngồi thiền (Zafu), Bà sẽ cảnh cáo bạn ngay lập tức.

Bà thường nói: "Đây không phải là một chốn tĩnh dưỡng tâm thần, chúng ta đến đây không phải để làm dịu mọi căng thẳng hay suy tưởng đến những gì cao đẹp. Đây là một sự luyện tập tích cực’ và chúng ta đến đây để học cách không để phí phạm cuộc sống chúng ta” bà thêm vào một đoạn Kinh Tụng ban chiều:

Hãy để tôi chân thành nhắc nhở bạn:
Cuộc sống và cái chết là hai điều quan trọng
Xin đừng l
ãng phí cuộc sống của bạn.

Khoảng hơn một năm sau gì đó khi Mauric bắt đầu thuyết pháp tại Trung tâm Parks Streets một thiền sinh cho tôi biết, “Tình hình ở đây rất lỏng lẻo, “lỏng lẻo đến mức dễ sợ” lịch thiền và những giờ ngồi thiền rất tùy tiện và mọi sự đều có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Đã có một thời gian bất kỳ ai tới trung tâm cũng phải luyện koan: nhưng sau một thời gian, những đặc tính duy nhất nơi Maurine chính là luyện thiền Rinzai truyền thống "hành động mạnh mẽ” kèm với sự chăm sóc nữ tính và mẫu tử đã sản sinh ra điều ngày nay đã trở thành kinh nghiệm hàng ngày tại Spart Street đó là: một khí thế mạnh mẽ và liên kết trong thực hành.

Một thiền sinh khác cho biết: "Maurine là một con người rất sâu sắc, bạn có để ý đến đôi chân của bà khi hành thiền rước không? Điều đó rất rõ ràng". Thiền sinh phải xúc động liên tục do tính nhiệt tình sốt sắng giúp đỡ người khác khám phá ra tinh thần Thiền định duy nhất của bà. "Trong Bài thuyết pháp bà nói, ‘Các bạn là những thiền sư của chính mình’ và tất cả hành động của bà đều phản ánh điều đó. Bà không đề ra một lịch trình nào để cho thiền sinh phải theo như tại các thiền viện khác. Chương trình duy nhất của bà chính là: chúng ta hãy tìm hiểu để diễn đạt chính mình."

Tất cả mọi người đều đồng ý là Sparks Street rất thống nhất. Gồm toàn những điều rất tình người và hoàn toàn thực tiến. – một ngôi nhà bình thường tràn đầy tinh thần thiền định cao ngự trị trong đó. Chính Maurine kiêm nhiệm tất cả mọi vai trò tại trung tâm.

Tôi đã nêu câu hỏi xem bà có nghĩ là một thiền sư đối với bà có là điều quan trọng lắm không. Bà cho biết, "Thật tôi chẳng bao giờ nghĩ đến điều đó cả. Tôi nghĩ đối với một số người điều đó thật là quan trọng vì tôi là một phụ nữ. Cả phụ nữ lẫn nam giới thường gặp nhiều khó khăn với những nhân vật phụ nữ nắm quyền lực trong tay, điều đó lại rất có lợi cho những người có cái nhìn chín chắn về vấn đề phụ nữ.” Trong cuộc hội thảo về phụ nữ Phật giáo được tổ chức tại Trung Tâm Thiền Providence vào năm 1983, Bà thu được một kinh nghiệm là: phụ nữ cùng nhau hành thiền chung với nhau sẽ được củng cố hơn, nhiệt tình gia tăng hơn. Thật đáng khích lệ khi được biết có nhiều phụ nữ cũng đang hành thiền trên khắp mọi miền đất nước. Nhưng bà không muốn tạo ra cảm nhận tách biệt và trong bài diễn văn đọc tại hội nghị bà đã phát biểu:

"Tại đây chúng ta rất hạnh phúc được tiếp đón sự hiện diện của cả phụ nữ lẫn nam giới. Hơn bao giờ hết nam giới và nữ giới đang gắn bó với nhau không gì tách biệt được. Trong tinh thần độc lập và thành đạt đang lớn mạnh trong chúng ta với danh nghĩa là phụ nữ, chúng ta không được quên rằng mọi người đang nhìn vào chúng ta như những tác nhân gây chuyển biến, tạo hòa giải, duy trì và nâng đỡ, chúng ta phải tự hào về điều đó. Những gì chúng ta quyết định lựa chọn tại đây sẽ ảnh hưởng đến sự sống còn của phái nữ chúng ta. Đương nhiên tôi đang phát biểu với tư cách là một phụ nữ. Điều này không loại trừ các bạn là nam giới, tôi vẫn trân trọng các bạn hơn bao giờ hết. Chúng ta không đến đây để bắt chước lẫn nhau. Một trong những điều đáng sợ nhất tôi nhận ra được là đôi khi người ta đang phá bỏ sự khác biệt. Thật đáng tiếc, biến mọi sự thành đồng nhất vì lý do bình đẳng là một điều ngu xuẩn. Cùng nhau thăm dò và tìm hiểu sự đa dạng và sự khác biệt là chúng ta đã vượt qua được những khác biệt nơi chúng ta và đi đến chỗ hiểu nhau và tỏ ra quan tâm đến nhau hơn bao giờ hết. Chúng ta vượt lên trên những khác biệt để tiến tới một tầm mức sâu sắc hơn trong thông tin với nhau, không những chỉ nhằm thông tin cho nhau mà chúng ta còn muốn hiệp thông với nhau nhiều hơn nữa."

"Các bạn rất thân mến, chúng ta đã trở nên một, nhưng chúng ta cứ tưởng tượng vẫn còn đang bị phân cách. Chúng ta đã dựng nên những hàng rào chắn. Điều chúng ta phải thu lại chính là sự đoàn kết nguyên thủy giữa chúng ta và chúng ta phải thực hiện điều này bằng cách thể hiện tuyệt đối tình trạng hiện hữu của chúng ta."

Bà cũng đưa ra một số nhận định về những cáo buộc cho là công việc huấn luyện thiền định, với đặc tính năng nổ, hà khắc và cứng nhắc chỉ thích hợp cho nam giới,. "Nhưng đó cũng là yếu tố cơ bản tạo thành người phụ nữ. Yếu tố đó là mạnh mẽ, có lòng nhân ái, nhưng sức mạnh này lại phát xuất từ kỷ luật nội tại thực sự vững vàng do thực hành mà có.."

Bà cho biết, "Nhưng cội nguồn tất cả mọi kỷ luật, đạo đức thiền định và hiểu biết đều phải là tình yêu và từ bi hỉ xả. Thiếu những điều kể trên tất cả chỉ là lạnh lùng và không còn sức sống. "Nếu không nhằm mục đích thể hiện lòng từ bi hỉ xả đối với bá tánh trên trần gian này, thử hỏi chúng ta luyện thiền để làm gì."

Bà kết thúc bài nói chuyện bằng trích dẫn lời Đức Đạt-Lai Lạt-ma, khi ngài đến thăm Hoa Kỳ. “Mục đích của tôi thực sự chỉ là đóng góp một phần rất nhỏ những cống hiến của mình trong phạm vi tình thương, lòng nhân ái và đoàn kết giữa các dân tộc. Thật đáng để chúng ta tập luyện lòng nhân ái, tình yêu và từ bi hỉ xả, cho dù chúng ta làm chính trị, là giáo dân hay lương dân. Điều cốt lõi nhất vẫn là tình yêu"

Chỉ có thể thôi," Maurine kết thúc.

Lenore: Hình như hiện nay đang thấy xuất hiện nhiều nữ thiền sư có phải thế không?

Maurine: Tôi hy vọng là thế. Nhưng không phải là điều có thể ép buộc được. Tôi nghĩ là các thiền sư không phải được lựa chọn. Nhưng do một số yếu tố họ phải được học biết, không phải do họ quyết định trở thành thiền sư. Cũng như trường hợp người bạn của tôi, bà Elsie Mitchell, không được chỉ định chính thức nhưng do chính cuộc sống của bà thể hiện trong việc giảng dạy với tư cách là một phụ nữ trong cuộc sống của chúng ta.

Lenore: Bà có cho là điều này sẽ ảnh hưởng đến cách thức Phật giáo phát triển trên đất nước này hay không?

Maurine: Rất có thể, tôi cho là Phật giáo sẽ phát triển, tôi thấy không còn nghi ngờ gì nữa. Trong sự phát triển nơi mỗi quốc gia luôn phải kể đến nét riêng của từng quốc gia đó. Vì Phật giáo là một tôn giáo không có tín điều, không có truyền thống nhất định, Phật giáo sẽ mang sắc thái của quốc gia nơi nó xuất hiện. Vì thế, tại đất nước này, vì phụ nữ là thành phần hành đạo rất tích cực, nên không thể không có những ảnh hưởng nhất định.

Lenore: Thế nên nhất định một số hình thức sẽ được thay đổi?

Maurine: Vâng, tôi nghĩ Phật giáo đã thay đổi một số hình thức. Ngay tại thiền viện này chẳng hạn. Truyền thống của tôi ở đây rất mạnh. Tôi được huấn luyện với một phong cách mạnh mẽ và những hình thức của tôi đúng hiểu theo ý đó, nhưng không phải là hà khắc. Bạn nói là bạn đã cảm thấy. Đó cũng đã là một thay đổi, mọi sự luôn thay đổi, thay đổi liên tục. Điều này là một trong những tiền đề của Phật giáo, không có gì cố định cả.

Thực sự tôi không nằm trong phong trào phụ nữ đấu tranh theo kiểu quá khích, như một số trong chúng ta đang làm thế. Đó không phải là cách thức của tôi. Tôi không cảm thấy mình đã là nguyên nhân phiền toái đó trong cuộc sống. Tôi nghĩ tôi có đủ mọi cơ hội với tư cách là một phụ nữ. Tôi thực sự rất may mắn. Ngay cả trong trường hợp Đại sư Eido và Đại sư Bosatsu nữa, họ là những phụ nữ bị ngược đãi. Tôi không bị điều đó; nhưng nếu như tôi thấy những phụ nữ khác bị ngược đãi hoặc giả bị xâm phạm, thì nhất định tôi không thể đứng yên – chỉ đơn giản, vì tôi không có được kinh nghiệm đó – nếu như tôi có tình cảm họ hàng với một phụ nữ, nhất định tôi phải bảo vệ bà ta, không phải chống lại nam giới, nhưng với một ý tưởng là làm cho chúng ta hiểu nhau hơn.

Vấn đề cơ bản chẳng nhằm nhò gì đến nam giới, phụ nữ, Nhật bản, Triều Tiên hay là gì gì đi nữa. Một số đoạn sách cho thấy phụ nữ khó lòng đạt đến giác ngộ, chỉ là từ một số nam giới viết ra mà thôi. Đó không phải là chân lý Kinh Phật. Nếu bạn thấy bị ảnh hưởng vì lý do đó thì chính bạn đã hủy hoại mọi tiềm năng của bạn vậy.

Lenore: Từ trước đến giờ chắc chắn là chưa thấy xuất hiện nhiều Nữ Thiền sư. Tôi nghe nói giới nữ "nhập cuộc "nhanh hơn nam giới. Nhưng họ không quan trọng hóa vấn đề đó, không coi đó là thành công, hoặc không muốn được coi là thiền sư. Ý kiến của bà về điều này ra sao?

Maurine: Ồ tôi nghĩ điều đó cũng đã xảy ra cho phụ nữ tại nhiều nơi khác. Họ là những người phụ nữ chỉ biết nuôi con và chăm sóc chồng con... và nếu họ chỉ muốn thực hiện sứ mệnh đó thì họ đã tự tiêu diệt chính họ. Là vì nam giới – tôi không muốn nói một cách cường điệu- đa số nam giới, khi đã nắm giữ những vị trí trong xã hội, họ đâu có làm công việc nội trợ và chăm sóc con cái công việc chợ búa. Vì thế cho nên đối với một số phụ nữ xem ra điều này không thể thực hiện được.

Lenore: Xin Thiền sư cho biết đôi điều về tương quan tình dục giữa thiền sư và thiền sinh?

Maurine: Tôi nghĩ điều quan trọng nhất liên quan đến vấn đề này, khi có sự việc xảy ra, cũng chỉ là chuyện thường tình – không phải chỉ có phụ nữ là thủ phạm, nhưng bất kể người nào đã hành động sai lạc, bị phiền nhiễu – được hiểu là họ đã không kiên định được việc hành thiền của họ. Với người phụ nữ, điều này vượt khỏi mọi vấn đề riêng tư cá nhân. Và một khi ai đó có hành vi sai trái như thế, họ không lừa dối bạn trong việc hành thiền, điều đó làm cho bạn vững vàng hơn, tự chủ hơn và tự mình hiểu được vấn đề theo đường lối Phật giáo thực sự. Vậy điều đó là gì? Thật đáng tiếc có biết bao nhiêu người đã hơi lạm dụng chức vụ một chút và nghĩ là Thiền sư có thể muốn làm gì thì làm. Đã có những phụ nữ trẻ quá nhẹ dạ nghĩ hành động như vậy cơ bản để đạt đến giác ngộ và người ta đã lợi dụng vấn đề này. Đó là điều sai quấy, điều không có thực và chỉ là đánh lừa thiên hạ. Thật đáng buồn. Vấn đề gây khổ tâm cho tôi nhất không phải là sinh hoạt tình dục - đó là điều bình thường và vô hại, nhưng lạm dụng tình dục mới đáng nói.

Lenore: Thật phiền phức một số người đã được giác ngộ, hay đang tiến đến giác ngộ lại có thể vô tâm đến như vậy sao?

Maurine: Vì thế cho nên đã làm cho bạn không muốn hiểu thêm thế nào là giác ngộ?

Lenore: Đó không phải là điều xảy ra một lần cho mọi trường hợp sao?

Maurine: Tuyệt nhiên rồi. Trừ phi bạn kiên trì luyện tập, nuôi dưỡng ý đồ đó... Thiền sư Soen nói, “Tôi chỉ là một nhà sư bình thường, tôi cũng đang tập luyện giống như bạn. Tôi luôn phải tập luyện liên tục." Và tôi cho là chỉ có con đường đó mà thôi, nếu như có người cảm thấy không cần thiết phải như vậy, họ có thể đạt đến giác ngộ, hoặc họ để cho những vấn đề khác gây rối họ.

Lenore: Thiền sư có nghĩ tình dục là điều nội tại trong quan hệ nam nữ thiền sư hay không?

Maurine: Vâng, xét dưới góc độ phân tâm học thì mối quan hệ đó có dư khả năng kiểm soát được. Hành động là điều quan trọng. Tình dục và tâm linh là hai khái niệm. Đó là một sức mạnh tích cực trong chúng ta. Nhưng chúng ta biến đổi chúng như thế nào đây? Không được dùng vào những việc phù phiếm, mà sử dụng nguồn lực mạnh mẽ và tuyệt vời này trong chúng ta để đẩy mạnh công việc luyện tập, hãy sử dụng một cách trong sáng và lành mạnh.

Lenore: Lý do là tình dục rất giống tình yêu phải không?

Maurine: Tình dục chính là hơi ấm của tình yêu. Nó rất mãnh liệt và rất dễ dàng vượt khỏi vùng kiểm soát nếu không chú ý. Nếu bạn ngồi thiền trong vòng bảy ngày liên tục với một người nào đó, bạn cảm nhận được tình cảm dễ mến tuyệt trần, một thiện cảm thực sự đối với người đó. Và nếu như bạn ôm hôn, hay bất kỳ hành động nào tương tự (lấy tay mơn trớn). Rất dễ dàng thốt lên, "ồ, nào tiến tới nữa đi” thay vì nói như trường hợp những vị Đại sư, “Tôi yêu Bà, nhưng... tôi đã có vợ, có gia đình, tôi còn có nhiều nhiệm vụ khác phải hoàn thành." Nhưng thực tế nỗi nguy vẫn còn đó, một sức mạnh ghê gớm trong ta. Và không dễ gì đàn áp được - bạn biết đấy.

Lenore: Tôi đã hiểu không phải là hành động mà là muốn thử, đã để cho sự việc xảy đến cho bạn – điều đó diễn tiến ra sao...

Maurine:... bằng đủ mọi cách. Vâng. Khi bạn chơi đàn dương cầm, điều gì đã xảy ra? Một sinh lực tình dục đáng yêu. Tôi không muốn gán một nhãn cho tình dục, nhưng thực sự sức mạnh đó là một phần trong tôi. Và là một phần quan trọng nữa là đàng khác. Và đùa giỡn với sức mạnh đó, đùa giỡn với tình thân thiện và đam mê – đó chính là phá lệ vậy.

đôi ba lần Maurine đề cập đến “nguồn gốc nữ giới” của bà. Ba người phụ nữ mạnh mẽ đã làm thiền sư cho bà: Bà nội, Bà mẹ và Elsie Mitchell. Chính là Elsie Mitchell, là thiền sư Soen đã giới thiệu cho bà đến gặp khi phải di chuyển từ Nữu Ước xuống Boston. Elsie là một trong những phụ nữ trở lại Phật giáo sớm nhất tại Hoa Kỳ. Bà đã đến Nhật nhiều lần vào những năm năm mươi, ghi lại những bài niệm Phật tại thiền viện Eihejii (sau này được bán ra ngoài như những đĩa nhạc dân ca) và bà đã viết một cuốn sách rất hay về những chuyến du hành của bà đến Nhật Bản, nói về việc luyện thiền và những vị thiền sư (Sun Buddas, Moon Buddas, Weatherhill xuất bản năm 1973) Bà được mô tả như là một gương mặt "phụ nữ" mẫu mực nhất tại Hoa Kỳ. Dẫu vậy trong vòng ba thập kỷ bà đã liên lạc mật thiết với nhiều nhân vật quan trọng lo việc phát triển thiền định Phật giáo tại đây. Và bằng những cách thức hết sức kín đáo, bà đã nhanh chóng giúp cho Phật giáo phát triển trên đất nước này.

Maurine gặp Elsie lần đầu tiên năm tháng sau khi bà di chuyển đến Boston vào năm 1970. Nghe theo lời khuyên của Đại Sư Soen Bà đã cố gắng đến gặp Đại sư sớm hơn, nhưng cả Elsie và trung tâm thiền viện Cambridge Associetion không đăng ký trong danh mục điện thoại! Cuối cùng Đại sư Eido và một nhóm từ Nữu Ưóc xuống đến xem một cuộc triển lãm tranh và chữ viết tại bảo tàng Boston, Eido đã dàn xếp cho cả nhóm đến thăm Elsie và Maurine cũng được mời.

"Vậy là ngày đó tôi đã tìm gặp được bà. Tôi cứ tưởng là sẽ gặp một bà thật già. Mọi người cứ tưởng là Elsie phải lớn tuổi lắm và đã tham gia vào công việc này từ rất lâu. Nhưng Elsie thực sự mới 45 tuổi vào thời điểm đó. Maurine tưởng tượng sẽ gặp một “con người chậm chạp, nặng nề”, Maurine giật mình khi thấy xuất hiện trên cầu thang một "phụ nữ trẻ đẹp tuổi chừng độ mười sáu”! Bà và ông chồng ra mời tôi vào ngồi với bà. Và tôi nhận lời mời ngay. Tôi đến và hành thiền tại nhà bà mỗi tuần một lần. Và khi bà chuyển đến Brattle Street sau đó khoảng độ một năm thì tôi đã rất thuần thục mọi việc. Bà nhận ra điều đó rất có ý nghĩa đối với tôi, vì thế bà giao cho tôi nhiều công việc để thực hiện”.

Ít lâu sau Maurine đã phụ trách công tác thông tin cho Hội và kiêm luôn quản thủ thư viện. Đó là dịp để hâm nóng trái tim của bà và trong nhiều tháng nhiều năm tiếp theo bà đã làm quen với rất nhiều người qua lại hành thiền. Và chẳng bao lâu họ đã đến gặp bà với nhiều vấn nạn và khó khăn. Elsie bắt đầu giao cho bà điều khiển những phiên họp, diễn thuyết, huấn thị.

Một ngày nọ Elsie nói: "Tôi nghĩ bà rất cảm thông với bá tánh" Bà dự định làm gì đây? Làm thế nào bà có thể cố gắng nhiều hơn để giúp đỡ bá tánh.”

Maurine chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một nhà hướng dẫn tinh thần (priest). Bà đang đóng vai một người mẹ, một nhạc công và một diễn viên. Nhưng những lời ngọt ngào của Elsie đã thúc bách bà tiến tới. Và một ngày nọ có người yêu cầu bà chủ trì một lễ cưới cho họ. Bà cho biết, "Ồ, không được tôi đã được xuất gia đâu.”

"Được rồi,” Elsie cho biết, “Tốt hơn hết bà nên xuất gia đi, đã đến thời điểm rồi đó.”

Thế là Maurine viết cho Dai Bosatu, xin phép Đại sư Eido cho bà được xuất gia. Vì hình như đó là nghiệp báo (karma) đối với bà. Đại sư trả lời: “Đúng vậy đó là Nghiệp Báo của con" và họ cùng nhau bắt đầu sửa soạn. Trong lễ nghi đó một lọn tóc phải được cắt theo nghi thức, nhưng Maurine không bao giờ cạo đầu cả. “Điều đó có thể trở thành hành vi không trung thực đối với tôi”. Tôi là một con người trong xã hội. Điều đó có thể làm cho nhiều người để ý đến tôi. Dẫu sao, điều quan trọng là phần nội tâm, chứ không phải bề ngoài. Nếu đó là một cái gì phù phiếm hay tỏ thái độ chân thành đến điều gì đó thì bạn nên cạo đầu đi. Đối với nam giới điều đó có khác – cũng có nhiều đàn ông không bao giờ cạo đầu cả. Nyogen Senzaki không bao giờ cạo đầu. Và dẫu sao thì ông ta cũng là một thiền sư vĩ đại nhất tại Hoa Kỳ.

Khi đã được xuất gia, Maurine nghiễm nhiên trở thành thiền sư. Và phong cách thuyết pháp của bà luôn luôn liên kết thực hành với cuộc sống hàng ngày.

"Tôi thiết nghĩ việc học hỏi "koans" lớn nhất chính là học hỏi về cuộc sống," Bà cho biết, "không có gì liên quan tới những công chuyện xưa để bạn phải đưa ra những điều quyết tâm thực hiện. Koans đó đòi hỏi bạn một sự sàng lọc những luyện tập của chúng ta để đi sâu vào nghiên cứu, nhưng luôn dưới ánh sáng những gì chúng ta đang thực hiện ở thế kỷ hai mươi này. Tôi luôn nhắc nhỏ các thiền sinh: chẳng có gì liên quan đến một vài tổ phụ Trung hoa cổ xưa cả – đây chính là các bạn, là tôi, là hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta. Tôi thường đề ra cho họ những koans châm ngôn sống tương tự như: Làm sao bạn có thể vượt qua được những gì bạn phải thực hiện ngày mai? Nói cách khác, bạn sẽ đối phó thế nào với tình huống đặc biệt này trong cuộc sống?"

Khi người ta hỏi tôi làm thế nào Elsie đã trở thành thiền sư của bà, Maurine đã trả lời, "Bằng chính cuộc sống, bằng cả hành động, bằng thái độ cư xử của bà. Mối quan tâm kín đáo đến những nhu cầu của người khác, chăm sóc đến công việc làm ăn cặn kẽ tối đa cũng giống như bà chăm sóc cho chính mình vậy. Một con người rất đặc biệt, Bà rất khiêm tốn, nhưng rất khôi hài hồn nhiên, thông minh nhạy bén và có tài nhận định cá tính của người khác. Tôi phải tôn bà như là người thầy quan trọng nhất, vĩ đại nhất trong vòng mười bốn năm qua.”

Tuy nhiên Maurine cho biết thêm, vị thiền sư tuyệt vời nhất, trung thực nhất của chúng ta lại chính là việc hành thiền (zazen) của chúng ta đó. Ngồi tựa gối thiền, điều chỉnh hơi thở, ý thức những cử điệu của chúng ta, cảm nhận được thay đổi trong tiềm thức, cảm thấy tấm lòng ta mở ra, cảm thấy lực cân đối (hara) của chúng ta được tăng cường, cảm thấy chúng ta đang dành một chỗ trong chính chúng ta để đối phó với cuộc sống hàng ngày. Những điều đó dần dà cũng trở thành thiền sư của chúng ta. Nội tâm và ngoại vi cũng là một. Ngồi thiền sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta., bằng cách lưu tâm đến toàn bộ hành động của mình.

"Mở rộng cõi lòng ra, làm rõ cách nhìn vào vạn vật để có thể quan sát một cách nhạy bén, sống động, rõ ràng và không có mảy may khó khăn vướng mắc nào cả. Để đạt đến chỗ chúng ta có thể thốt lên: "Ôi! thật sự tôi chưa từng được chứng kiến điều đó bao giờ.” Sau năm ngày hành thiền, chúng ta ra ngoài và thấy được cả những chiếc kim trên cây thông đang tỏa sáng. Chúng lúc nào cũng tỏa sáng. Chỉ tại các bạn không đủ giác ngộ để nhận ra điều đó.

Đúng mười giờ sáng ngày tĩnh tâm cuối cùng chúng tôi thực hiện tại California. Chúng tôi đang ngồi thiền. Mặt quay vào tường. Maurine rung chuông ba lần và đọc đoạn trích trong cuốn Mumon-kan:

Thầy Joshu hỏi Nansen, "Đạo là gì?"

Nansen trả lời, "Trí tuệ bình thường chính là Đạo vậy”

Vào đoạn cuối câu chuyện bà đọc một trích đoạn của Mumon:

Hoa nở mùa xuân, trăng rằm mùa thu
Gió thoảng mùa hè, tuyết rơi mùa đông
Nếu những điều vô dụng đó không gây huyên náo cõi lòng.
Bạn đã hưởng được những ngày tuyệt vời nhất trên đời này

Bà nói tiếp, "Chúng ta đang hành thiền vào ngày thứ tư, Một ngày tuyệt vời và quang đãng. Những khoảnh khắc ít ỏi chúng ta còn sống chung với nhau. Mỗi người trong chúng ta đã cố gắng hết sức. Vậy đâu là đường (Đạo) chúng ta sẽ phải theo. Chân lý thiền định là gì nào? Để nhận ra chân lý đó ngay tại thân xác và tâm hồn, một số trong chúng ta đã phải vượt qua một chặng đường rất dài đến đây để cùng nhau luyện thiền. Và các bạn đã nghe tôi thuyết giảng về Phật pháp. Chính bản thân các bạn đã nghe bản thân tôi trình bày. Khi bộ mặt thực của chúng ta xuất hiện, người truyền đạt và người nghe chỉ là một. Bằng sự đồng nhất như thế những vấn đề liên quan đến Phật pháp mới được truyền đạt và được đón nhận (nghe). Hãy nghe với toàn bộ con người bạn, nghe bằng xúc giác của bạn, bằng thị giác và bằng cả thính giác nữa. Sau lần tập trung này chúng ta sẽ trở lại cuộc sống hàng ngày trên trần gian và đó mới là nơi luyện tập đúng đắn nhất của chúng ta. Điều đó rất dễ dàng. Khi chúng ta về đến nhà điều gì sẽ xảy ra? Việc hành thiền ảnh hưởng thế nào đến đời sống hàng ngày của chúng ta? Tại đây chúng ta đã ngồi thiền thinh lặng, không làm gì cả; mùa hè đang đến gần và chim chóc hót vang. Tỉnh dậy khỏi chốn thinh lặng này và trở về với gia đình, với bạn bè và mang theo nhiều ấn tượng tốt, điều gì sẽ xảy ra? Nếu có người tỏ ra cục cằn với chúng ta hoặc thâm nhập vào chốn riêng tư của ta, chúng ta sẽ phản ứng ra sao? Nếu có bất kỳ những tình huống khó khăn nào xảy ra. Chúng ta sẽ xử trí ra sao? Liệu chúng ta có được một chút lòng từ bi hỉ xả và khôn ngoan hơn không? Chúng ta sẽ đối xử với đồng loại ra sao? Trong rất nhiều hoàn cảnh trong cuộc sống chúng ta? Những điều đó chính là Koans đó.

Cả ngày chúng tôi ngồi thiền rồi đi bách bộ, ngồi tiếp rồi lại đi bộ trở lại cho đến khi ngày tàn. Đèn đêm được bật lên và rồi chúng tôi lại ngồi đối diện nhau và tụng kinh Ho-o-o-o-o-o, mỗi người mỗi giọng, cho đến khi giọng đọc yếu. Rồi lại cất giọng lên tiếp. Giọng của Maurine rất trầm, mạnh mẽ và kéo dài hầu như không nghỉ. Một số trong chúng tôi lúc đầu tụng với giọng rụt rè và run run, hơi thở yếu đi và chỉ trong chốc lát tất cả giọng đọc đều giảm dần. Và chúng tôi chìm đắm trong luồng âm thanh dẫu sao cũng đã biến thành tiếng nhạc, với một hòa âm không ai có thể tưởng tượng ra đó là âm nhạc. Sau đó, chúng tôi tụng Tâm Kinh (Heart Sutra) và kinh Kannon Sutra; giọng chúng tôi hòa lẫn với nhau và rất mạnh, tràn ngập toàn thân chúng tôi, cả căn phòng và cả bóng tôi bên ngoài. Giọng tụng kinh mới là quan trọng, chứ không phải ý nghĩa lời kinh hay bất kỳ một cảm nhận nào có thể khơi dậy. Chúng tôi nghe bằng bụng, bằng lưng và bằng cổ. Chúng tôi vái lẫn nhau, cảm thấy êm ái, mềm mại, được nâng đỡ và hạnh phúc.

Tài năng đặc biệt của Maurine là tạo ra được một khung cảnh, một môi trường trong đó việc luyện tập phát triển, cởi mở tấm lòng và những khác biệt giữa mọi người hòa hợp được và trở nên dễ chịu để dễ dàng sống chung bên nhau, cho dù có người điên loạn (crazy) cá tính mạnh mẽ, hay công kích, hoặc thác loạn. Lúc nào cũng có chỗ đón tiếp hết mọi hạng người. Nội qui rộng rãi, thoải mái, nghiêm khắc nhưng rỗng không (spacious) và được chấp hành bằng cả tấm lòng. Không có gì bị đào thải hoặc sợ hãi. Có đôi khi chúng tôi cảm thấy một trật tự tuyệt vời (implicit). Mọi sự tồn tại trong đó, thoải mái, đơn giản và phức tạp như nhạc Bach, tất cả mọi sự hiện diện trong đó đều tuôn trào như tiếng nhạc.

Và giống như sư tử mà đôi khi tôi thường ví bà Maurine đôi khi cũng rống lên nhưng là tiếng rống súc tích, không đáng sợ, xuất phát từ tấm lòng và đầy tình thương yêu.

Mùa Đông năm 2000

Maurine Stuart, một trong những con người sống nghị lực nhất mà nhiều người chúng ta đã được biết, bà đã viên tịch vào tháng Hai năm 1990 vì căn bệnh ung thư, ba năm sau khi phát hiện ra bệnh. Trong những năm đó, ngoại trừ khoảng sáu tháng, bà không tỏ dấu hiệu sút giảm trong hoạt động (một số người cho là bà còn tăng tốc nữa là đàng khác) bà còn đảm nhận một khóa huấn luyện sau cũng vào tháng Giêng năm 1990, chỉ ít tuần lễ trước khi bà qua đời. Một số người thắc mắc vì sao thái độ của Maurine thật bình thản một cách lạ lùng và luôn xác định bà khỏe mạnh bình thường trước mọi người.

Maurine dạy chúng tôi trong những tháng cuối cùng là, "Sức khỏe không phải là điều trái ngược với bệnh tật”, Roko Sherry Chayat gợi nhớ lại trong tác phẩm mang tựa đề Tiếng Lòng Nhẹ Nhàng: Thuyết Pháp Thiền Của Đại Thiền Sư Maurine Stuart (Suttle Sound: the Zen Teachings of Maurine Stuart) (nhà xuất bản Shambhala, 1996) "Cho dù cách thức suy nghĩ thường ngày của chúng ta mang tính cách nhị nguyên, trong thực tế tất cả chúng ta đều sống với những tế bào khỏe mạnh và bệnh đồng thời với nhau, trong một điều kiện (hoàn cảnh) hoàn toàn biến đổi thường xuyên." (vô thường).

Khi tôi điện thoại cho tác giả để sửa soạn tái bản cuốn sách này, Sherry đã đề cập đến khả năng thu hút phi thường các thiền sinh của Maurine, đặc biệt sau khi bà đã ly dị với chồng vào giữa những năm tám mươi, khi đó bà có thể cống hiến nhiều hơn cho công việc huấn luyện tại thiền viện CBA.(Cambridge Buddhist Association) Sherry cho biết, "Đó là đam mê chính của bà, là sự cống hiến mãnh liệt tuyệt đối nhất cho Phật pháp. Đặc biệt khi bà đã chẩn đoán được bị mắc bệnh ung thư, bà đã trở thành nguồn mạch trong sáng tuyệt vời qua đó Phật pháp lưu chuyển, cũng như Phật pháp cũng được luân chuyển qua bà, hoàn toàn sẵn sàng phục vụ và mang đầy nhuệ khí hăng say.”

Sherry nhớ lại trong giai đoạn này, khi bà từ chối những cảm tình thương xót, Maurine thực sự đã đề cập rất nhiều đến sự chết., “Bạn có cảm tưởng như Maurine đang đứng ngay bên bờ vực thẳm và bà không tỏ ra sợ sệt chút nào.

"Trudy Goodman, một người bạn cũng như thiền sinh lâu năm của Maurine kể cho tôi câu chuyện sau: “Một ngày trước khi bà ra đi vào cõi vĩnh hằng, vì bà bị mê tỉnh liên miên, với bất kỳ tiếng động nào trong ngoài căn phòng - tiếng còi xe, tiếng động chuyển giường bệnh, tiếng giày của ai đó nện trên nền nhà - Maurine đều đáp lại rất rõ ràng bằng tiếng "Cám ơn... cám ơn... cám ơn." Và rất nhiều người cùng thuật lại chi tiết đó cùng một lúc. Có lẽ một ngày trước khi qua đời và hình như vừa tỉnh dậy sau cơn hôn mê. Bà mở mắt và thốt lên: "Ôi hòa bình tuyệt vời, không có ai ở đó sao?”

Sau khi Maurine viên tịch, tình hình tại CBA gặp khó khăn và xáo trộn một thời gian. Cho dù lý do có phức tạp hay đơn giản (có nhiều nguồn giải thích khác nhau) Maurine đã không chỉ định một người kế vị Phật pháp trước khi chết. Một nguồn đáng tin cậy cho biết hình như bà không có thẩm quyền thực hiện điều này (có nghĩa là bà không nắm giữ cây gậy để truyền lại cho người khác.) Nguyên do là vì Soen Nakagawa đã truyền cho bà quyền đó một cách không chinh thức. Trong một cuộc phỏng vấn thực hiện vào năm 1982, không có ai hiện diện cả Đại sư Soen chỉ nói một cách đơn giản là, "Hãy để cho các thiền sinh gọi con là thiền sư." Chỉ có vậy thôi. Không có nghi lễ Xuất gia chính thức nào cả., cũng không có gì ghi lại trong văn khố lưu trữ chính thức tại trung tâm. Tuy nhiên Maurine vẫn thực hiện điều bà đã được truyền, trong khi đó cũng thêm nhiều chi tiết đặc biệt của riêng cá nhân bà, "Làm ơn xin gọi tôi là Maurine."

Một nguồn tin nhỏ khác nữa, rất có thể không có thiền sinh trưởng thành nào tại Spark Street được coi là người vững vàng và đủ bản lãnh lên kế vị Maurine. Vả lại, sau khi Maurine qua đời, ban giám đốc CBA lại muốn trả lại cho Spark Street mục đích ban đầu của nó, đó là một trung tâm dành cho các biến cố Phật giáo phổ quát và chuyên sâu mang đặc tính không thuộc riêng một truyền thống nào. Ngày ngày các thiền sư thuộc nhiều truyền thống Phật giáo tổ chức những buổi hội thảo và huấn luyện tại đây và nhiều lần trong tuần thường có các khóa thiền và thuyết pháp do một thiền sư hướng dẫn được ban điều hành trung tâm chỉ định.

Trong khi đó (và quan trọng hơn, theo như một số người tôi có dịp tiếp chuyện) tinh thần của Maurine vẫn tiếp tục tỏa sáng tại nhiều nơi cũng như nơi một "số người khổng lồ, khoảng độ hai ngàn hoặc hơn thế," theo như lời kể lại của Sheila La Farge, một trợ lý thân cận nhất của Maurine trong nhiều năm. Bà còn cho biết thêm, cuộc sống của nhiều người đã được Maurine chuyển hóa, thuộc đủ mọi thành phần, vô danh hay nổi tiếng, sống cuộc sống bình thường hay cuộc sống đặc biệt. Họ đã thể hiện được tinh thần của Maurine trong bất kỳ công việc gì họ làm. Sheila nhận ra được Maurine như là một nghệ nhân tài ba có biệt tài giải thoát bá tánh khỏi những hoàn cảnh hiểm nghèo, một người vun xới cho tự do và sáng tạo. Maurine thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần, “các bạn hãy sống tự lập". Thật vậy, Sheila cho biết, nhiều thế hệ thiền sinh bà để lại “trông không giống các vị sư Phật giáo chút nào" (theo nghĩa đầu không cạo trọc và không mặc áo cà sa) nhưng họ mang trong lòng ngọn lửa cảm thông và hiểu biết tất cả những gì diễn ra trong đời thường của họ.”

Nhiều năm sau khi Maurine đã qua đời và hầu như do chính bàn tay của mình Sheila đã tạo dựng được một thiền viện tại Harvard, bang Massachusetts, là nơi dành cho nhiều người đến luyện tập hành thiền ba lần một tuần cũng như một lần trọn ngày mỗi tháng. Sheila còn viết cho tôi, "Phương thức thiền mang đậm sắc thái Maurine, hơn kém thuộc thiền định hình thức (formal Zen). Bà đã quyết tâm một cách rõ ràng là phải tránh kiểu hành thiền mờ ám tai hại và loại tâm lý trị liệu biến điều Phật giáo phải cống hiến đồng nghĩa với khoa tâm lý học đơn thuần.”

Một "câu hỏi hóc búa nữa" của Maurine là làm thế nào chúng ta có thể nắm bắt được sức chú ý của mọi người và không mang dáng dấp một người có "quyền lực", thực hiện Phật pháp một cách trong sáng, với ngôn từ hiện đại trong khi đó vẫn là một con người từ tốn bình thường không mặc áo cà sa."

Ở cùng thời điểm Sherry Chayat được nhận truyền Phập pháp vào cuối năm 1998, hiện nay ông là thiền sư trụ trì tại trung tâm thiền định Syracuse, tọa lạc trên một khu đất rộng năm mẫu tây nằm tại miền cực nam thành phố Syracuse, bang Nữu Ước. Bà cho biết, Maurine hiện diện trong bất kỳ những gì chúng tôi thực hiện tại đây, chúng tôi đưa tên bà vào lời tụng kinh tận hiến, cũng như chúng tôi đã đưa cả Nyogen Senzaki, người chưa bao giờ được truyền Phật pháp. Bà nói tiếp, tuy cả hai người đều có đường lối riêng, nhưng cả hai thiền sư này cực kỳ quan trọng đối với thiền định tại nước Mỹ ngày nay.

Vì thế cho nên tinh thần Phật pháp Maurine không còn lưu lại trong bất kỳ nơi nào hoặc một con người đặc biệt nào cả. Trong một lá thư Sheila La Farge vừa viết cho tôi mới đây cho biết, “Xét cho cùng thì điểm thực tiễn nhất chính là Maurine đã đánh động được nhiều người, bà là gương sáng tận tụy trong công việc huấn luyện thiền định, Bà đã động viên mọi người áp dụng Koans trong hoàn cảnh thực tiễn riêng của mỗi người, đã khích lệ mọi người đừng tỏ ra quá tận tụy đến khúm núm với bất kỳ một thiền sư nào, nhưng làm việc với tinh thần trách nhiệm và tự chủ, Bà cũng nhắc nhở thêm, "Chúng ta đang sống trên đất Mỹ chứ không phải trên đất Nhật bản, Bà cũng nhấn mạnh là chúng ta phải làm rõ và phân biệt giữa thời gian chúng ta bỏ ra để hành thiền và thời gian chúng ta tiêu hao vào (bất kỳ phương cách nào mỗi người chúng ta tự chọn) để cống hiến những kết quả công việc luyện tập của chúng ta cho bá tánh,”.

Rồi đoàn đoàn lớp lớp những người trên toàn quốc và tất cả toàn thể trên toàn thế giới, đang tiếp tục thực hiện những Phật pháp của Maurine bằng nhiều cách khác nhau., “Tinh thần của bà là tự do", Sherry Chayat nói tiếp, "Chính trong việc thực hiện thiền mà chúng ta nắm bắt được sự hiểu biết đích thực những gì bà đã thuyết pháp. Bà chỉ muốn chúng ta trở thành những con người không bị kìm kẹp. Đạt đến được trình độ Maurine chính là đạt đến một nơi không hề có địa chỉ.”

-ooOoo-

[03]

Thiền Sư Pema Chodron

Phát xuất từ đất màu nâu xám xịt
Bông hướng dương bung nở cánh hoa vàng

Quay hướng về ánh dương sáng chói,
Hoa ngỏ lời chào đến mọi sinh linh

V
à mỗi ngày
Từ rễ tới ngọn
Là một vái chào thành kính. -- Lenore Friedman

Dưới bầu trời New Mexico trong sáng, một bóng hình in đậm lên ánh nắng chói chang, một phụ nữ mặc bộ đồ đỏ tía nhạt đứng một mình trên đỉnh ngọn đồi đá lổm chổm. Còn đang thời xuân sắc và cho dù đã hơn 30 tuổi, mái tóc vàng hoe cắt ngắn trước trán, đi chân không, thân hình đong đưa trước gió. Tất cả những yếu tố đó ai cũng coi bà như là một đấng siêu nhân nhàn hạ. Ngay phía dưới, một người bạn trẻ dõi mắt nhìn theo bà, đứng như bất động tại đó một hồi lâu rồi tiến lại gần. Cậu ta nói những gì không được biết, nhưng xem ra lời nói của cậu ta đã gây tổn thương và khiến cho bà bối rối, nghịch lại tất cả những gì bà đang suy nghĩ về mình ngay lúc đó. Lời cậu nói như sau: “Tôi đã mường tượng ra bà phải là một Ni Sư Phật giáo".

Lần đầu tiên tôi gặp bà, khoảng độ mười lăm năm sau. vào mùa thu năm 1982, tôi đang chờ khai mạc buổi tĩnh tâm cuối tuần tại thiền viện Dharmadhatu ở thành phố Berkley, bang California. Một tòa nhà rộng mênh mông, trần cao đầy nghẹt những người đang yên lặng và chờ đợi gì đó. Sàn nhà bóng loáng bày rất nhiều gối thiền màu đỏ vàng, trên tường treo những biểu ngữ bằng vải lụa rực rỡ. Vị thiền sư chúng tôi đang chờ chính là nữ tỳ Kheo Pema Chodron. Trước đó tôi không hay biết một chút gì về thiền sư, cũng không hiểu vì lý do gì tôi lại có mặt ở đây. Thế rồi bà xuất hiện qua những cánh cửa gỗ nặng nề phía đàng sau chúng tôi đang đứng. Bà như đi duyệt qua hai hàng người nhìn thẳng về phía trước và miệng mỉm cười. Bà mặc áo cà sa màu nâu sậm bằng vải len, một áo khoác lụa màu vàng cộc tay quàng lên một bên vai và để lộ vai kia. Tóc cắt ngắn sát trán. Điều gây ấn tượng cho tôi ngay từ đầu là cái nhìn vừa cá biệt lại vừa bâng khuâng khi bà đưa mắt rảo qua chúng tôi một lượt. Tôi nghĩ trong bụng, “Bà thực sự là một nữ thiền sư."

Có ba điều khiến tôi nhớ mãi về buổi chiều cuối tuần đó. Một là chất từ tốn hòa nhã đến độ khôi hài. Một thái độ hòa nhã mà mỗi người chúng tôi đều có thể chia sẻ một cách riêng tư. Và sự tinh nghịch, đùa cợt và châm biếm khiến chúng tôi không thể nghiêm chỉnh được. Thứ hai là những gì Pema nói về những đặc trưng hữu ích cho đường lối hành thiền, hoặc theo như bà gọi là cái chất phải tập trung vào nhóm hành thiền (mandala). Đây là một sự hiếu kỳ. Một sự hiếu kỳ bất tận. Một mối quan tâm thường xuyên nơi bất kỳ điều gì đang nổi lên ngay trong giây phút hiện tại này.

Điều thứ ba tôi nhớ mãi lại xảy ra vào buổi sáng sau khi kết thúc khóa huấn luyện. Tôi đang dạo chơi với con chó, lê bước dọc theo con đường mòn dẫn lên Strawberry Canyon, một nơi thường cung cấp cho tôi những tư tưởng tốt nhất. Vì đôi khi những tư tưởng viết sách về các vị lãnh đạo tinh thần phụ nữ thường được chắt lọc từ những sự kiện xảy ra không liên tục.. Năm vừa qua tôi đã khởi sự một cách sai lầm, tầm cỡ một cuốn sách với quá nhiều tham vọng không thể thực hiện được. Giờ đây tôi nghĩ, “Đây chính là Nữ Tu Sĩ Phật giáo, ở ngay tại Berkley này." Nếu bạn cũng muốn làm điều gì đó. hãy bắt tay vào việc ngay đi! Đừng để vuột mất cơ hội biến mọi sự thành hiện thực."

Và không muốn mất thời gian hay đổi ý. Tôi quyết định xuống trở lại lối mòn. Tôi viết lời nhắn nhỏ để lại Dharmadhatu với tên Bà Pama trong đó. Vì cuối tuần đó tôi không thể trực tiếp gặp được bà. Tôi nghĩ tên tôi chẳng nghĩa lý gì với bà cả. Nhưng buổi tối hôm đó, trong một buổi họp mặt nho nhỏ tại nhà riêng một người mời Pama đến nói chuyện, Bà đã đi vào nhà và ngay tức khắc quay lại nhìn tôi, mỉm cười và nói, "Bà đã để lại tôi lời nhắn có phải không?”

Sau đó khi tôi hỏi tại sao bà biết điều đó, Bà nói, "Tôi vừa biết đây thôi” Bà rất phấn khởi nghe dự án tôi trình bày và đồng ý dành ít thời giờ làm viêc với tôi sau này khi tôi có thể trở lại Boulder. Cùng lúc chúng tôi có điều kiện để viết và bà cũng có thể gửi cho tôi những tư liệu bà đang ưu tư trong đầu.

Vì thế nên Pema là nhân vật chủ chốt để triển khai cuốn sách này (thành thật cám ơn Pema.) Tuy nhiên một điều thật khôi hài là tôi chẳng bao giờ tới được Boulder. Một năm sau lần chúng tôi gặp nhau, có một hội nghị bàn về phụ nữ theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng tổ chức tại Naropa, tôi dự định tham gia và chúng tôi hẹn thời gian cho cuộc phỏng vấn. nhưng vào phút chót hội nghị đã bị bãi bỏ. Vì mọi người đều mong muốn tổ chức lại hội nghị. chúng tôi đồng ý chuyển cuộc gặp cho đến khi nào hội nghị nhóm họp trở lại. Thực tế, hội nghị đã chẳng bao giờ xảy ra. Nhưng vào thời điểm đó Pema lại đến Berkeley thực hiện một khóa huấn luyện cuối tuần khác và vào dịp này tôi đã gặp và tiếp chuyện với bà.

Pema là một nữ tỳ kheo, hay một nữ tu Phật giáo, được xuất gia đầy đủ, một trong số rất ít phụ nữ phương Tây và còn rất hiếm thấy đối với các phụ nữ theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng và chắc bà là phụ nữ Hoa kỳ đầu tiên theo truyền thống Đại Thừa Mật Tông được sửa soạn xuất gia. Thực chất điểm đặc biệt trong cuộc xuất gia này chính là phụ nữ đã bị gạt ra ngoài cả trong truyền thống Phật giáo nguyên thuỷ lẫn Phật giáo Đại Thừa. Vào năm 1977 Pema nhận được chỉ thị của ngài Đại đức Gyalwa Karmapa báo cho biết bà được tiếp nhận tuyên thệ đầy đủ để trở thành nữ tỳ kheo. Kết quả là, không những chính bà đã hoàn tất việc tiếp nhận xuất gia, nhưng với một sự lạ đi kèm bà đã khai quật lên những qui luật cùng với những chi tiết phức tạp trong các nghi thức xuất gia và bà đã bỏ rất nhiều công sức chuyển ngữ rất cẩn thận các nghi thức đó từ tiếng Trung Hoa sang tiếng Anh. Cuối cùng chính việc làm đó đã tạo điều kiện cho phụ nữ được xuất gia đầy đủ tại phương Tây.

Tuy vậy, Pema phải đi Hong Kong. Theo học ba năm trước khi hoàn tất mọi sửa soạn cho việc xuất gia. Nhưng vào năm 1981, Pema được đưa đến Chùa Minh-Phát tại Hong kong, sẵn sàng cho nghi thức xuất gia làm nữ tỳ kheo đầy đủ tại đó. Bà là phụ nữ Tây phương duy nhất có mặt tại đó. Không có ai nói tiếng Anh, thời tiết nóng bức và ẩm đến mức không thể tưởng tượng được và những giai đoạn đầu tiếp nhận nghi thức rất hồ hởi, đôi lúc rất mệt. Nghi thức tột đỉnh là đốt trên da đầu trần của tuyển sinh, một truyền thống Đại Thừa Trung quốc mang nhiều ý nghĩa: một là, để trắc nghiệm khả năng chịu đựng đau khổ để sửa soạn nhận nhiệm vụ Bồ Tát là chấp nhận đau khổ cho bá tánh. Hai là để thanh tẩy, vết cháy được xác định ngay tại tọa độ quan trọng nhất và ba là một bằng chứng đã được xuất gia.

Pema cho tôi hay, "Tôi có ba vết sẹo tròn trên trán có thể thấy được khi tôi cạo đầu.” Chúng tôi ngồi thiền trong phòng khách căn nhà bà đang lưu lại trong cuộc viếng thăm Berkeley. Tôi nhận xét, “Bà trở thành nữ tu quá trẻ bà đã chọn con đường nghịch lại với đường đời.”

"Vâng. Và không có một tiền lệ nào trong việc này từ trước đến giờ vì tôi chưa gặp một nữ tu nào trừ nữ tu Palmo (một phụ nữ người Anh được xuất gia nhiều năm trước đây theo truyền thống Tây Tạng), nữ tu này gây nhiều ảnh hưởng trong tôi. Tôi đã gặp bà hai năm trước khi tôi được chính thức xuất gia và bà đã có mặt trong nghi thức xuất gia thử của tôi tại tập viện. chính bà là người nói cho tôi biết phải làm những gì, những lễ vật nào phải được dâng lên Đức Phật, tôi được mặc loại áo cà sa nào. Và cũng chính nữ tu đó nói với tôi nếu như muốn nhận nghi lễ xuất gia đầy đủ, thì phải đi Hong Kong. Bà là người đầu đã làm điều đó.”

Nhưng nữ tu Palmo không cho Pama biết những thông tin cần thiết về diễn tiến công việc xuất gia, tỷ dụ như bà phải biết toàn bộ tiến trình xuất gia từ đầu (thí dụ, đi theo thiền viện trưởng đã thực hiện nghi thức tại Hong Kong, nhưng ông đã di chuyển đến Bronx!.)

Pema sinh năm 1936, tại thành phố Nữu Ước. Khi còn trẻ, gia đình bà di chuyển đến New Jersey, ở đó bà phải sống trong một nông trại, trong một căn nhà mang nhiều dấu tích cách mạng (xây năm 1774) tại đó bà đã trải qua trọn vẹn quãng đời thanh thiếu niên, Bà chỉ ra khỏi nơi đó khi đi lấy chồng, năm đó mới hai mươi mốt tuổi. Bà nhớ lại thời tuổi thơ rất hồn nhiên và êm đềm. Bà có một anh trai và ba em gái. Khởi đầu con đường siêu nhiên bà đã gán cho những kỷ niệm có được tại trường nội trú, khi đó bà đã tham gia một nhóm các bạn gái tuyệt nhất để học và làm bài tại nhà. "Nhóm này đã gieo vào óc tò mò tìm tòi của tôi, tôi còn nhớ là thời gian bắt đầu nghiên cứu sâu sa hơn, bắt đầu tìm hiểu và muốn tiến xa hơn nữa."

đã lập gia đình hai lần - "hình như liên tục - tôi chưa bao giờ không có gia đình - bạn có thể nói như vậy," Ở vào tuổi ba mươi lăm bà kết thúc hôn nhân thứ hai. Bà đã bị một cơn tức giận bùng nổ dữ dội. bà rất ngạc nhiên, thực tế bà chưa có kinh nghiệm nào như vậy bao giờ và không biết phải đối phó ra sao.

"Tôi bị chồng ruồng bỏ. Nghĩ lại mới thấy vấn đề chỉ tại tôi quá lệ thuộc vào ông ta. Tôi đã thấy thấm thía điều vô lý đó và nỗi sợ hãi khi ta có tương quan phụ thuộc vào người khác và đột nhiên không còn chỗ dựa ấy nữa. Cảm nhận đó đang lấn át tôi. Tôi không bao giờ muốn bị lấn át như vậy. Nhưng một trong những trở ngại chính lại là sự lệ thuộc. Thế nên tôi tìm kiếm đây đó để có lời giải đáp. Trước tiên làm sao đối phó với cường độ bực tức của tôi, điều này đã làm tôi hoảng sợ rất nhiều. Khuynh hướng quen thuộc chính tạo nên cá tính của tôi đã biến mất. Và điều đó khiến tôi kinh hoàng."

Bà bắt đầu đi thăm dò nhiều phương pháp trị liệu. Bà đến cư trú với một nhóm theo Ấn độ giáo một thời gian, ngay tại Trung Tâm Lama Foundation tại thành phố New Mexico. Tại đó cũng không đáp ứng được những điều bà đang cảm nhận.

Và rồi thình lình bà đọc được một bài báo tác giả là Đại Đức Chogyam Trungpa, Ringpoche. Bà chưa có một ý tưởng nào về Phật giáo cả, bà cũng chưa biết bài viết đó là do một Phật tử viết. "Bài báo đề cập đến vấn đề tiêu cực và làm giải quyết vấn đề bằng khôn ngoan của năng lực bị tiêu hao vào tiêu cực đó, điều đó đã mách bảo tôi được đôi điều lý thú.” Thay vì nhìn tiêu cực như là một điều xấu, là điều phải xa lánh, bài báo đã vạch ra sự khôn ngoan tiềm tàng, chúng ta có thể tận dụng được thay vì cố gắng dẹp bỏ đi. Đây là những tư tưởng đầu tiên có liên quan đến những gì Pema đang phải trải qua. Bà không biết điều này có liên quan gì đến Phật giáo không. Hiện nay bà cho biết "Đương nhiên đó là phần rất chính yếu trong truyền thống Phật giáo Đại thừa (Mật tông.)

Chỉ sau ít ngày bà đọc được bài báo đó, một người bạn cũ tự nhiên xuất hiện cho biết đang trên đường du lịch đến Trại Sufi trên dãy Alpes nước Pháp. Bà cảm thấy đau khổ và chỉ mong có cơ hội là "nhảy vô liền." Hai đứa con ở với bố, vậy nên bà được tự do theo đuổi ước muốn của mình và thế là bà lên đường đến rặng núi Alpes bên Pháp. Tại đó bà đã gặp Lama Chime Rinpoche, ông ta là người rất "dầy dạn kinh nghiệm" và hỏi xem Pema có thể sang Luân Đôn với ông để học về Phật giáo. Bà chấp nhận thực hiện điều này và trong nhiều năm bà đã đi tới đi lui từ Mỹ sang Anh quốc để theo học với Lama Chime.

Vào thời điểm này hai đứa con của bà đã lên mười và đang sống với bố khi Pema đi học tại Anh quốc, bà cũng tiếp tục học tại San Francisco – "Vậy là chúng có điều kiện tốt.” Trong thời gian ở Mỹ, Pema đến sống tại thiền viện Dharmadhatu ở San Francisco. Ban ngày bà dạy học tại một trường tư trong trang phục dân sự bình thường vào ban đêm bà mặc áo cà sa màu nâu đỏ để dạy các lớp Phật học tại trung tâm. Bà đã trở thành một nữ tu (nữ tỳ kheo) khi còn theo học với Lama Chime tại Luân đôn, khi đó một lần Đại Đức Gyalwa Karmapa đến thăm Anh quốc và xuất gia cho bà lần đầu tiên vào năm 1974. Cũng chính Lama Chime đã động viên bà cộng tác với Chogyam Trungpa, Rinpoche, cứ mỗi lần bà về lại Hoa kỳ và cuối cùng bà đã có những quan hệ sâu đậm nhất với Trungpa Rinpoche.

Khi Đại Đức Kampana đến thăm nước Mỹ lần thứ hai vào năm 1977, ông đã gặp Pema trong nhóm thính giả và ông báo cho bà biết để sửa soạn xuất gia vĩnh viễn. Bà hỏi lại: "Nhưng điều đó diễn ra thế nào được” bà dư biết là nghi thức xuất gia cho phụ nữ theo truyền thống Tây Tạng đã biến mất từ lâu, nhưng ngài Karmapa cho biết chính ông sẽ xuất gia cho Pema.

Điều này không dễ gì thực hiện được – Điều xảy ra là Đại đức không thể tiến hành nghi lễ cho một phụ nữ, vì quyền hạn thực hiện điều phụ thuộc luật lệ (vinaya) của thế hệ khác. Vì thế Pema bắt đầu công việc điều tra.

"Tôi thường điện thoại đến Trung tâm Bronx, nhưng không có ai biết nói tiếng Anh. Vậy là chúng tôi không thể liên lạc được. Tôi phải viết thư đến nhưng cũng không được hồi âm. Không hiểu vì lý do gì. Cuối cùng tôi điện thoại vào một ngày Chúa Nhật và có người nói được tiếng Anh trả lời và vì thế tôi biết được địa chỉ chính xác ngôi chùa tại Hong Kong và đã đến tận nơi để hỏi thăm.”

"Dạ thưa bà Pema, theo như bà kể lại thì tất cả đều rất đơn giản! Và nếu như mọi sự tiến triển tốt đẹp.” Ngay lần đầu tiên bà đọc bài báo của Trungpa Rinpoch, bà đã tiến tới, từng bước một, với thái độ tích cực và không lạc hướng. Tôi thắc mắc: "Thế bà cắt nghĩa ra sao sự việc đó? “.

"Tôi nghĩ rằng ở một vài điều trong cuộc sống của bất kỳ ai cũng đều có liên quan tới dòng chảy nghiệp báo (karma) quá khứ. Bạn cứ lao vào rồi bạn sẽ biết lý do tại sao phải tiến tới. Trở thành một Phật tử không nhất thiết phải có những cảm nhận như tôi. Nhưng một khi tôi bắt đầu nhận tấn phong dứt khoát nghiệp báo đã ứng nhiệm. Khi mới vào tu viện tôi cũng thấy như thế. giống như có sức mạnh gì đó thôi thúc và bạn không thể làm gì hơn để cưỡng lại được.

"Thí dụ, lần cuối cùng gặp Karmapa, tôi đã hỏi ông xem tôi có thể giúp ông được gì, sau khi được xuất gia. Karmapa trả lời, “Hãy đem tất cả các bản kinh và dịch sang tiếng Anh." Và đó cũng là một việc dễ làm. Họ đưa cho tôi tất cả các bản văn. Tôi trở về Mỹ. Tôi viết thư báo cho một người ông ta đã giới thiệu với tôi có thể dịch được. Ông đến chỗ tôi thăm tại Pennsylvania. Ông ta đưa cho tôi tên một người ở Đài loan. Người này đồng ý ngay. Và đoàn thể Phật giáo Đài Loan sẽ trả tiền thù lao. Tôi cũng đã huy động được một ít tiền dùng cho công việc này, tôi cảm thấy như ép họ phải nhận thực hiện.! Thế là mọi việc trở thành dễ dàng, cho dù phải qui hoạch nhiều chi tiết trong công việc, giống như công việc xây dựng một tu viện."

Tôi hỏi tiếp, "Có chi tiết nào trong cuộc sống quá khứ giúp bà đoán được khuynh hướng theo đuổi cuộc sống tu trì của bà không?

"Không có"

"Chẳng có chi hết sao." Đây là một chi tiết hoàn toàn mới. Nhưng hình như điều đó đã không làm cho bà khó chịu.

"Vâng, có đôi lúc, tôi đã muốn đem hết nghị lực thực hiện một chuyến thám hiểm gì đó.. Tôi đã lập gia đình khi mới có hai mươi mốt tuổi, đã nuôi dạy con cái và cảm thấy mình đã hoàn thành trách nhiệm với các công việc gia đình. Tôi đã khám phá tình dục đến mức độ tôi không cảm thấy có bất kỳ góc độ mờ ám hoặc vấn đề gì chưa được giải quyết. Tôi không muốn lập gia đình trở lại hay đặc biệt ngay cả tiến hành bất kỳ tương quan mới nào nữa. Sở thích và đam mê thực sự của tôi là muốn đi sâu hơn nữa. Tôi cảm thấy đã trở thành dày dạn hơn và để thực sự tiếp cận với sự thật hoặc thực tế nguyên trạng của nó. – Bất kỳ bạn muốn gọi là gì cũng được – tôi cần đặt hết nghị lực vào đó, một cách toàn diện. Chính vì thế tôi đã trở thành một nữ tu. Đó chính là ước- muốn- chỉ- có- một- điểm duy nhất để thực hiện. Đối với tôi giống như đã cảm thấy bước được một bước vĩ đại tiến lên phía trước vào chốn vô tri. Tôi cũng đã suy nghĩ một khi đã có ý định thực hiện điều này tôi không thể quay lại được nữa. Mà chỉ có biết tiến tới."

Vì Pema được nuôi dạy là người Công Giáo, ấn tượng đầu đời của bà là các nữ tu thuộc thành phần những người bị áp bức. Trái lại giờ đây bà lại nhận thấy cuộc sống tu trì là "một khát vọng cho cuộc sống." Bạn có một thèm khát thành đạt và bạn chỉ cần quyết tâm muốn tiến lên phía trước. Cũng còn có một vài điều cần thực hiện để làm sao bạn không tự giới hạn trước một con người hay một hoàn cảnh nào đó, nhưng thực chất bạn đang chia sẻ chính mình với mọi người."

Thế nên tính lệ thuộc đã thúc đẩy bà lao vào nghiên cứu. Và rồi thời gian qua đi, “điều đó đã dần dà tan biến. Tôi đã bắt đầu tìm được chỗ đứng. Nghiệp chướng và phong cách của tôi đã bắt đầu phối hợp với nhau. Và cuối cùng cả hai đã hòa hợp vào nhau. Tôi cảm thấy tự tin hơn, niềm tin đó không tùy thuộc vào bất kỳ điều gì. Tôi đã tự khám phá ra điều đó. Tất cả những ai tìm tòi nghiên cứu đều phải trải qua cuộc hành trình này. Bạn phải tự thực hiện điều đó. Cho dù đoàn thể bạn đang sống có to lớn đến đâu chăng nữa, hay bạn quí mến thiền sư của mình đến mức độ nào, hoặc bất kỳ điều gì khác. Bạn dư biết trong cuộc hành trình này bạn chỉ có một mình. Thực chất, đây là điều Rinpoche đã luôn dạy tôi – tức là mình phải tìm tòi lấy hết mọi sự. Đó là điều hoàn toàn trái ngược với tính lệ thuộc. Điều duy nhất bạn phải lưu ý đó là đừng trở thành quá lố bịch hay lạnh lùng hoặc vô cảm. Bạn luôn thấy mình bận bịu, rất bận bịu nữa là đàng khác."

Pema cho biết thêm, tính lệ thuộc là điều khó hiểu cho đến khi nào bạn loại bỏ được nó. Có lẽ, không lệ thuộc đôi khi cũng dễ bị hiểu lầm. “Thường được gọi là không dính bén, nhưng từ không đúng. Vì trên đời này bạn phải tham gia nhiều hơn. Sự lệ thuộc giống như được bảo vệ. Và không lệ thuộc lại giống như dũng cảm và can đảm.”

Cho dù bạn đang sống ở giai đoạn nào trong cuộc sống, Pema nhắc nhở bạn là hãy làm cho thực tốt. "Vì cuộc sống sẽ dạy bạn, luôn đang dạy bạn. Và sau này, bạn luôn rút tỉa được kinh nghiệm quí báu về giai đoạn đó trong cuộc sống., hơn là điều bạn luôn ghét cay ghét đắng. Theo thiểu ý của tôi, khôn ngoan xuất phát từ việc tập trung toàn bộ tư tưởng và năng lực vào bất luận điều gì bạn đang làm. Những bài học cuộc sống cho bạn thấy nhan nhản khắp nơi.

Thế nên điều quan trọng là đừng bao giờ chiều theo khuynh hướng phẫn nộ quá mạnh mẽ, đừng trách móc người khác hoặc có ác cảm với bất kỳ hoàn cảnh khó xử nào trong cuộc sống, Bà cảm nhận được, “Điều ta cần phải thúc đẩy là lòng can đảm và sẵn sàng dám nhận trách nhiệm về chính cuộc sống của mình. Tôi không bao giờ muốn ta thán trách móc ai. Tôi nghĩ đó là điều sai lầm lớn nhất ta có thể phạm phải. Và chúng ta rất dễ can dự vào. Nhưng đó là sai lầm, sai lầm hoàn toàn."

Ngay giai đoạn đầu công việc nghiên cứu, Pema giới thiệu tôi quan hệ với một thiền sư thuộc truyền thống Đại Thừa và cũng là một ni sư, đang sống tại Úc. Bà đã thành lập một trung tâm Phật giáo Quốc Tế dành cho phụ nữ tại Sri Lanka. Đó là Ayya Khema, chúng tôi đã trao đổi thư từ trong nhiều năm và bà vừa ghé chỗ tôi một tuần trong chuyến sang thăm Hoa Kỳ lần thứ hai. Pema chưa bao giờ gặp Ayya. “Nhưng trong câu chuyện bà nhắc nhở tôi một chi tiết xảy ra trong chuyến thăm Hoa kỳ vừa rồi. Tôi quyết định tham gia ngay, như hòn đá cuội ném xuống vũng nước để xem có chuyện gì xảy ra."

Chúng tôi ngồi nói chuyện quanh chiếc bàn trong bếp ăn, gồm một số bạn bè của tôi, Ayya Khema và tôi. Chỉ sau một ít phút cuộc tranh luận trở nên căng thẳng, ngay cả náo động đến mức độ một người bạn của tôi phải rơi lệ vì không thể kiềm chế được.

Tôi nói với Pema, "Ni sư biết không, Ayya không bao giờ khoan nhượng. Theo như lời bà nói, bà đang gặp khó khăn về tiền bạc. Bà không làm qua loa cho xong chuyện. Bà luôn vạch ra yếu điểm nơi ảo giác của nhiều người cho là họ có thể thoải mái và duy trì được những gì tốt đẹp trong cuộc sống mà vẫn đạt đến thành công. Đêm hôm đó bà đề cập rất nhiều đến vấn đề “đau khổ” (dukkha) và bàn cách làm thế nào để thoát khổ. Bà nói một khi bạn thật sự nếm mùi đau khổ và tại sao đau khổ lại có mặt ở khắp nơi như vậy thì bạn sẽ không còn muốn chờ đợi gì nữa...

"Và hãy cứ để cho nó tự trôi qua, tách biệt nó ra khỏi bản ngã?" tôi nói chêm vào "hoặc chỉ cần loại bỏ nó đi?” tôi đoan chắc bà không có ý muốn nói là tiêu diệt hoặc gác vấn đề sang một bên. Nhưng vẫn có điều gì đó rất khắc nghiệt vì đau khổ như bà đang trình bày. Và hình như nó đi ngược lại với chính khát vọng cuộc sống của chúng ta.”

Pema nói: "Vâng, vấn đề từ bỏ đau khổ rất quan trọng. Nhưng có nhiều cách khác nhau để hiểu ý nghĩa đau khổ. Trong bản dịch Kinh Phật chúng ta tụng mỗi buổi sáng, “từ bỏ đau khổ” (dukkha) mang nghĩa là "chống lại cái vòng luân hồi (Samsara)" theo chỗ tôi hiểu: bạn không thể tự lừa dối mình lâu hơn được nữa trong việc tận dùng mọi cơ hội để kiến tạo bản thân. Bạn phải biết tự lượng sức mình, tự biết mình cách toàn diện, giống như nghiên cứu ngành nhân loại học, theo tôi được biết. Đó là cách suy luận mỗi khi bạn đề cập đến từ bỏ. Hiện giờ đó là điều hết sức tế nhị và tôi nghĩ cũng rất thích hợp với những Phật tử Đại Thừa và Mật Tông để gặp gỡ một Phật tử Tiểu Thừa sắp sửa vạch ra sai trái cho bạn về vấn đề đó.”

"Như Ayya đang thực hiện đúng không?”

"Vâng, tự lừa dối mình thật quá dễ dàng! Vì thế nên thà cảm thấy khó chịu bực bội vẫn cứ tốt. Luôn có những điều bạn chưa thể hiểu, tiếp thu hay hoàn thành được. Bạn luôn cảm thấy như vậy. Có điều thật hấp dẫn là bạn luôn tiến tới phía trước. Nhưng tôi cảm thấy bạn không bao giờ tiến tới đích cả. Toàn bộ qui trình đó không bao giờ kết thúc vì suy nghĩ của bạn không giới hạn.Vậy nên chúng ta luôn phải tích cực nghiên cứu. Tôi gọi đó là sở thích hay sự tò mò. Đối với tôi, phải thực hiện điều đó với cả tấm lòng mở rộng, hơn là chỉ muốn loại bỏ điều gì đó.”

"Trí tuệ bạn đang rộng mở...”

"Điểm qui chiếu của bạn không còn vững vàng nữa. Chúng đã thay đổi. Bản ngã không phải là điểm qui chiếu.”

"Và đương nhiên trí tuệ luôn vô tận."

"Tôi luôn hình dung trí tuệ và không gian luôn đồng nhất với nhau.”

"Trí tuệ và không gian hay thời gian và không gian?"

"Trí tuệ "

"Trí tuệ và thời gian là một hay sao?"

"Có người ảo tưởng cho rằng trí tuệ chúng ta là điều hữu hạn và nhỏ bé. Điều đó thực sự không hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, đó chính là nền móng việc nghiên cứu của chúng ta.. Và chính là điểm phát xuất ra lòng từ bi hỷ xả. Vì chúng ta đang sống trên một thế giới tương đối (vô thường). Nên theo tôi chúng ta rất muốn giúp đỡ mọi người.”

Vì trí tuệ vô hạn và lòng từ bi cũng vậy. Nên điều đó không chỉ áp dụng cho một số người nào đó. Nó còn vươn tới cả những ai có những hành vi khiến chúng ta phải hoảng sợ. Thí dụ như, việc lạm dụng tình dục trẻ em hay làm tổn thương con vật trong phòng thí nghiệm- nếu bạn không hiểu lý do tại sao có người thực hiện những điều này, bạn không nắm được vấn đề, Pema cho biết thêm, "Không có gì làm thuyên giảm lòng từ bi của bạn được.”

"Bà đối phó ra sao khi bị xúc phạm?”

"Bằng cách không quá cường điệu nguyên nhân những xúc phạm đó. Và không trách móc, nguyền rủa. Rồi bạn có thể hành động với cảm nghĩ hoàn toàn thoải mái. Rồi bạn đừng nên suy nghĩ lý do là do tôi, do chúng tôi gây ra bạn cố gắng giới hạn sự thiệt hại có thể xảy ra. Nhưng nếu khi nào bạn còn coi người khác là kẻ thù, đó lại là một cách thức khác để đối phó với chính bản ngã của bạn vậy.

Bà kết luận, "Thế nên xúc phạm là một cảm nhận tuyệt vời để chúng ta nghiên cứu, Thật sự xúc phạm hết sức đau khổ và làm tổn thương đến người khác thế mà bạn vẫn còn rất muốn gây ra cho người hay vật nào đó. – Nhưng nếu bạn không gây ra đau khổ và tổn thương, điều đó sẽ mở ra cho bạn khả năng được nối kết với trực giác và hiểu biết thực sự.."

Một trong những vấn đề khác tôi nêu ra với Pema đó là sự tồn tại các cơ cấu giáo quyền và các biểu tượng nơi truyền thống Đại Thừa Tây Tạng. Xuất phát từ bối cảnh Thiền Minh Sát và Thiền định (Zen) tôi không thể không chú ý đến hệ thống phẩm trật sinh động, lộng lẫy và nhiều nghi thức hình như đã thấm sâu vào môi trường Phật giáo Tây Tạng.

Pema cho biết tiếp, "Đó là điều rất phức tạp theo tôi kinh nghiệm. Nếu ai đó trình bày phẩm trật như là một khái niệm triết học, tôi chẳng quan tâm đến làm gì. Nhưng thực tế khái niệm đó có thể rất mạnh theo quan điểm những gì đã được dạy cho bạn. Tôi rất kính trọng truyền thống và nghi thức. Tôi coi đó như là một tiêu chí có thể liên kết bạn với nền văn minh có thể bị mai một đi nếu không có cách cứu vãn. Và phẩm trật là một phần trong đó. Sự sùng kính cũng là một phần quan trọng trong Phật giáo Đại thừa. Nhưng bạn biết đó nó dựa trên nền tảng sự hiểu biết về shunayata (khoảng trống không hay hư vô) Thực chất không có cơ sở nào để quan niệm như vậy. Vì thế cho nên chúng ta có thể sử dụng những hình thức để đạt được thông minh trí tuệ. Những người thổ dân Hoa Kỳ cũng làm y như vậy. Họ có những già làng và có những phương cách mang tính chất nghi thức để liên hệ với vũ trụ. Điều đó cũng hoàn toàn giống với Phật giáo Đại Thừa trong nhiều lãnh vực. Điều đó liên quan đến phát triển trí tuệ và tấm lòng.. Và đối với những vấn đề thuộc tấm lòng nó còn liên quan nhiều đến lòng kính trọng và biết ơn."

Tại hội nghị Đại kết mới đây với những phát biểu của nhiều phát ngôn viên thuộc nhiều tôn giáo trên thế giới, kể cả những người thổ dân Hoa kỳ, Pema đã nói, mọi người đều đồng ý là có ba điều kiện tất yếu để cho quá trình siêu nhiên nơi bá tánh phát triển đó là lòng biết ơn, lòng khiêm tốn và sự khôi hài. Cơ bản mà nói những điều này có liên quan trực tiếp đến việc khám phá ra vị thế của bạn trong vũ trụ. “Bạn có thể chỉ là một hạt bụi nhỏ nhất và chính vì thế bạn cũng có thể là chúa tể vũ trụ không chừng." Bà cảm thấy, "Chúng ta cần có cảm nhận tri ân và kính trọng, ngược lại với thái độ đó là tính kiêu căng.”

Khi một thiền sinh của Trungpa Rinpoch đọc một bài phát biểu, thói quen của mọi người là đứng lên khi người phát ngôn bước vào, Pema nói, "Thật là tuyệt ở vào vị trí đó, vì bạn có thể suy nghĩ, "Ôi, tôi đâu có xứng được như vậy!” Bà dư biết rằng đâu có phải tại Pema mà họ đứng dậy đâu, đó là một hành vi đánh giá cao đối với thế giới này.

Bà nhớ lại một lần bà trao đổi với Gerald Red Elk, một bác sĩ người Sinoux, ông đề cập đến phép xã giao trẻ con Sinoux được huấn luyện ngay từ thời chúng còn rất nhỏ. Tỷ dụ như, chúng không bao giờ nói chuyện với người lớn mà gọi tên người ta. Chúng không được chào người chú bằng tên "Joe" hay "Tom" đâu. Khi chúng bước vào trong nhà của bạn chúng khoanh tay lại và nói: "Chào chú ạ"

"Chúng ta kịch liệt bác bỏ những điều trên đây và chúng ta đồng hóa chúng với những hình thức trống rỗng vô nghĩa. Với một cái "nắp" Pema nói tiếp, "nhưng theo trường phái Tăng già Mật Tông (Vajrayana), họ lại nói về sự khác nhau giữa cái "nắp" và "cái hoa". Nghĩa là có một hệ thống cấp bậc tự nhiên trên thế gian này. Thí dụ như, nếu có ai nói, ‘đừng để cuốn Kinh Thánh trên sàn nhà,’ nếu bạn không có một chút nhận thức nào về lòng kính trọng bạn có thể tranh cãi về điều đó. ‘Nền nhà không sánh bằng cuốn sách hay sao? "nhưng nếu bạn nhận ra biết bao nhiêu công sức và cống hiến cũng như biết bao nhiêu trí tuệ đã được bỏ vào cuốn sách đó, bạn sẽ đặt cuốn sách lên một chỗ cao hơn, không phải dưới sàn nhà, rất có thể có người sẽ dẫm lên cuốn sách đó. Tất cả những hệ thống cấp bậc đều như thế cả. Điều đó cần tới tấm lòng của bạn có thể trở nên mềm dịu hơn, có thể để cho bạn ôm vào chính lòng bạn và có thể cởi mở tấm lòng ra để kính trọng thế gian này. Vì thế mà họ nói bạn có thể coi đó như là cái nắp hay coi đó như là cái hoa tùy ý. Cũng giống như một hạt giống phải được chăm bón rồi nó mới mọc thành cây. Tôi được huấn luyện cơ bản rất chính quy và kinh nghiệm của tôi về hệ thống cấp bậc luôn luôn giúp tôi hiểu được tại sao tôi đang làm những gì tôi đang làm. Kết quả là tôi thường phải nhượng bộ một khi tôi thấy điều đó là sai. Một khi bạn đặt niềm tin vào một vị thiền sư và kính trọng ông và rồi có ước muốn tiếp tục theo đuổi những gì bạn đã được dạy dỗ, vì đôi khi đó là cách duy nhất để đạt đến kết quả khi mà sự đối kháng quen thuộc của bạn bắt đầu nổi lên.

Cuộc họp đầu tiên giữa Pema với Chogyam Trungpa Rinpoche, diễn ra vào một ngày tháng Hai đầy tuyết rơi năm 1972. Bà đang giảng cho một lớp con nít về Đạo (Tao) tại thành phố New Mexico. Lớp học đang đọc cuốn sách của Trungpa mang tên Sinh Ra Tại Tây Tạng (Born in Tibet). Lúc ông đang đến thăm một trung tâm Lama Foundation gần đó. Ngay tức khắc Pema dẫn các em lên ba chiếc xe car và leo lên đồi để gặp Chogyam Trungpa Rinpoche.

"Chúng được gặp mặt thiền sư và tất cả các trẻ em đều hỏi ông nhiều điều, ông đã trả lời chúng rất khôi hài và đầy ấn tượng. Làm sao giới hạn được khuynh hướng của bọn trẻ quá thần tượng hóa ông kể cả những kinh nghiệm của ông nữa. Tôi cảm thấy ông rất thu hút và lưu lại với ông thêm ba bốn ngày nữa. Những cuộc thảo luận suốt buổi tối luôn được tổ chức với mọi người có mặt ở đó. Điều hấp dẫn tôi không phải là cảm giác ấm cúng lúc ban đầu, tôi đã cảm thấy như vậy khi gặp Lama Chime. Nhưng với sự hiện diện của Rinpoche tôi cảm thấy dễ thổ lộ tâm tình và có thể nhận ra cái nghiệp chướng (karma) chưa hoàn chỉnh của tôi – tức là những điều chưa kết thúc và còn nhiều điều đáng nói trong đời tôi. Sau này khi tôi chính thức xin làm thiền sinh của ông, đa phần là vì ông đã đẩy tôi vào điểm biết được quá nhiều hay toàn bộ sự việc về ông bị khuấy động lên."

Sau khi Pema được xuất gia Ni sư (nữ tu) ít lâu và trở lại San Francisco, bà mới chính thức trở thành thiền sinh của Chogyam Trungpa. Vào thời điểm đó Pema đã hoàn tất những luyện tập bốn bài thực hành mở đầu (Ngondro) Tây Tạng với Lama Chime. Những thực hành đầu tiên này cần đến nhiều năm tập luyện. Gồm tới 100.000 kiểu vái lạy, 100.000 lần Tụng Kinh Niệm Phật. (mantra), 100.000 lần dâng lễ vật (Mandala) và 100.000 lần Guruyaga. Pema đã tiến tới thực hành bài luyện tập suy tư cao cấp hơn. Nhưng khi bà đã trở thành thiền sinh của Trungpa Rinpoche, ông đưa bà trở lại với hành thiền thuần túy – Nhập Định Thiền Minh Sát (Vipassana) chuyên việc tập luyện về hơi thở, đặc biệt là thở ra.

Pema cho biết "Có nhiều điều mới trong việc luyện tập này, nó giúp ta tu luyện lòng nhân ái, khuynh hướng bất bạo động, chính xác trong suy tư. Tôi ngồi thiền như vậy trong một thời gian dài thực hiện những chương trình kéo dài hàng tháng và nhiều công việc khác nữa. Một năm sau tôi yêu cầu thử xem có thể bắt đầu luyện tập thiền Vajrayana được chưa, nhưng Rinpoche nói hãy còn quá sớm. Thế là tôi ngồi thiền như thế trong vòng ba năm. Và rồi tôi thực hiện trở lại toàn bộ bốn bài tập mở đầu (Ngondro) lần thứ hai.

Sau đó như đa số các thiền sinh của Trungpa Rinpoche, Pema được nhận giáo huấn Vajrayogini sơ khởi (abbisheka,) rồi bắt đầu luyện tiếp thiền Vajrayogini (Sadhana), bà đã luyện Thiền Sadhana trong vòng tám năm cho đến khi tôi đến phỏng vấn bà. Trước khi kết thúc một năm, Trungpa RinPoche muốn hướng dẫn các thiền sinh trưởng thành của mình tiến thêm một bước nữa và cho phép nhận tiếp giáo huấn Chakrasamvara sơ khởi (abhisheka) và sau đó Pema lại bắt đầu luyện đến thiền Chakrasamvara (sadhana.)

"Bài luyện tập khác Rinpoche đã ban cho chúng tôi chính một bài luyện tập thiền Đại Thừa Mahayana gọi là luyện thở Tonglen, chủ trương thiết lập tương quan giữa ta và người khác, tu luyện tâm trí, tu luyện thiện tâm với chính mình và người khác. Thế nên tôi đã thực hiện Thiền Minh Sát tĩnh lặng tâm hồn (Samatha vipassana) đồng thời nhận dấu ấn mahamudra, tôi cũng luyện tập tương quan Tonglen và luyện tập thiền theo trường phái Kim Cương Thừa (Vajrayana) – gồm tất cả các ba thừa yanas. Điều này thật đặc biệt cho một thiền sinh theo Tungpa Rinpoche. Chúng tôi cũng được học Vương quốc thần thoại Shambhala và thực hành rất nhiều kinh Đại Niệm Xứ. Nơi cuộc sống hàng ngày.

Vị thiền Sư nữa gây ảnh hưởng đến Pema rất nhiều đó là ngài Đại Đức Gyalwa Karmapa thứ Mười Sáu. Cho dù ông là người đầu tiên đã xuất gia cho Pema, bà cảm thấy liên lạc giữa hai người rất thân tình trong thời gian đó. Bà chỉ có được một kỷ niệm sâu sắc nhất đó là một giai đoạn ngắn sau nghi thức truyền chức. Karmapa đang ngồi thiền trước cửa sổ và có ánh sáng dội qua, phản chiếu trên mặt ông.

"Màn cửa sổ có màu quả mơ và lưới mỏng, ông ta ngồi đó và mỉm cười thoải mái. Ông đang nói chuyện với tất cả chúng tôi là những người vừa được phong chức. Và ông nói "các bạn biết đó nếu các bạn giữ được ý nghĩa việc phong chức này kéo dài suốt cả đời, các bạn sẽ tề tựu lại với tôi sau khi trở về với bồ tát Maitreyna” ý ông muốn nói ông sẽ trở thành Phật tổ Bồ tát Maitreya và chúng tôi sẽ ở với ông tại đó. bạn có thể hình dung chính bạn hiện diện ở đó với ông dưới một gốc cây. Và rồi ông nói thêm, "Nếu bạn chưa bao giờ bị cám dỗ vì phạm lời tuyên thệ, chỉ cần suy nghĩ đến tôi đang ngồi thiền dưới gốc cây này – một người rất mập đầu cạo trọc - và chỉ cần nhớ đến mặt tôi và điều đó sẽ nâng đỡ bạn rất nhiều,” tôi cảm thấy điều đó thật tuyệt vời và điều này còn đem lại nhiều sức mạnh hơn bất kỳ bài diễn thuyết hay huấn dụ đạo đức nào khác, ông đã thực hiện. Tôi chỉ cần liên tưởng đến ông tại đó, cười vang với vẻ mặt tươi tắn.

Trong suốt thời gian Karmapa trở lại viếng thăm nước Mỹ lần cuối, ông bị bệnh ung thư nặng. Pema cảm thấy rất gần gũi với ông, đến nỗi “hầu như không thể chịu đựng được nữa.” Mỗi giây phút thật quý báu. Để phục vụ cho ngài, đơn giản chỉ là đưa cho Ngài một chút nước, cố gắng làm cho Ngài thoải mái hơn – dẫu sao ông không bao giờ than vãn và tiếp tục thuyết giảng. Điều đó Pema cảm thấy rất vinh dự.

Trong chuyến trở lại Tây-tạng, căn bệnh ung thư ngày càng trầm trọng và sau cùng Ngài được đưa trở lại một bệnh viện nhỏ trị ung thư tại Zion bang Illinois. Đến với ngài có rất nhiều thầy Tulkus và các vị thiền sư Kagyu, kể cả Trungpa Rinpoche. Trong suốt thời gian ông nằm viện tại đây người ta thường xuyên gặp Pema đến thăm ông. Nhưng bà không hiểu vì lý do gì bà lại làm thế, ông bị ốm nặng, nằm liệt giường. Bà làm được gì ở đó?

Nhưng một đêm nọ bà không thể ngủ được. Đó không phải đơn giản là chứng mất ngủ. Bà cảm thấy bồn chồn khác lạ. Và tất cả những gì bà suy nghĩ là phải đến gặp ngài Đại Đức Karmapa. Vào nửa đêm bà gọi điện thoại đến nhà Chogyam Trungpa đang ở Chicago. Mặc dù đã 3 giờ sáng bà biết ông vẫn còn thức. Có người trả lời điện thoại ngay lập tức và bà gửi nhắn đến Rinpoche xem có thể đến gặp đại đức ngay được không. Ông hỏi, “tại sao bà lại định đến đây.” Bà hơi bối rối giây lát, rồi đơn giản trả lời ngay, “vì tôi muốn gặp thầy trước khi Thầy qua đời.”

"Thế thì đừng để mất thời gian nữa,” có tiếng trả lời lại, “hãy đến ngay sáng mai.”

Bà bay ngay tới Illinois vào buổi sáng hôm đó, có mặt ngay bên giường bệnh vào buổi chiều thì Đại đức viên tịch, "Vậy nên tôi đã gặp được thầy mình vào ngày cuối cùng trong cuộc đời Ngài." Tôi có mặt với Trungpa Rinpoche khi Ngài ra đi vào cõi vĩnh hằng. Và có một nhóm người ngồi lại với ngài suốt đêm đó. Chúng tôi chỉ yên lặng ngồi thiền giờ này qua giờ khác không nói với nhau một lời. Và thật thoải mái, đầy tình thương thay vì buồn chán. Đó là những giây phút thật quí báu và là một biến cố đáng ghi nhớ trong cuộc đời tôi.”

Sau đó có một điều lạ xảy ra khi quan tài của thầy được mang đến phi trường. Không hiểu vì lý do gì quan tài của thầy được hạ xuống trên đường bay và có một thiền sư người Trung Quốc bước đến đặt trên quan tài một mảnh vải đặc biệt, theo truyền thống người trung quốc thường để trên quan tài của người quá cố. Và ông bắt đầu vái lạy. Và rồi có Jamgon Kongtrul Rinpoche và T’ai Situ Rinpoche và một số vị sư khác cũng có mặt, có cả Pema trong số đó, cùng với các vị sư người Trung quốc ngay tại đó máy bay lên xuống tấp nập, họ cùng nhau vái tiễn biệt Ngài Đại sư.

"Một nghi thức thật cảm động và đơn giản đã diễn ra ngay trên đường bay. Có nhiều người bước xuống và đặt vòng hoa trên quan tài vị quá cố và sau đó quan tài đưa lên máy bay."

Thiền viện Gampo tọa lạc trên mảnh đất rộng hai trăm mẫu Anh dọc theo bờ biển Cape Breton miền Nova Scotia. Nơi có ngôi nhà đã xây dựng tại đó từ năm 1983, Pema viết cho tôi, “Một vách đá trên bờ đại dương và hẻo lánh yên tĩnh đến mức bí hiểm.” Có một căn nhà rộng rất tiện nghi được xây trên khu đất đó. Mùa hè năm 1984 một khóa huấn luyện thiền đầu tiên được tổ chức tại đây do thiền sư Ven Yuen Yi chủ trì, Bà là một nữ tỳ kheo Trung quốc có nhiều kinh nghiệm trong việc huấn luyện các thiền tập sinh tại Đài loan. "Lịch huấn luyện của chúng tôi rất nghiêm khắc nhưng thoải mái," Pema ghi lại. Trong tương lai bà hy vọng trở thành nữ thiền viện trưởng, nhưng vào lúc này bà chỉ đóng vai một người gây quỹ cho thiền viện.

Mùa đông tiếp theo họ tổ chức một khóa huấn luyện kéo dài một tháng cho các cộng đoàn tu sĩ đã được xuất gia, trong đó có Lama Drupgyn, một vị sư người Canada đã phụ trách một khóa huấn luyện kéo dài trong ba năm gần Vancouver. Đây là giai đoạn sửa soạn nghiêm túc để đón Đại Đức Thrangu Rinpoch (thiền sư trụ trì tại tu viện Rumtek thành phố Sikkim) đến thăm. Ngài sẽ khai trương một khóa huấn luyện mùa hè vào tháng tám năm 1985. Trong suốt mùa xuân, nhiều người đến làm công quả để xây dựng một phòng hành thiền mới tại đây. Phòng thiền hoàn tất vào đúng buổi sáng trước ngày Đại đức Thrangu Rinpoche đến tu viện.

Pema cũng đến trước ngài Đại đức Thrangu Rinpoche. Bà rời đó vào tháng Hai năm sau Bà nhớ có một cái kho lớn chứa rơm và các cây khô dùng làm củi và các thùng chứa gỗ còn sực mùi phân bò và phân gà, hiện nay đã được cải tạo thành một phòng thiền xinh đẹp với trần nhà theo kiểu một đại thánh đường cao ráo, sàn lát gỗ bóng loáng và nhiều cửa sổ rộng khắp nơi, phía trước là một quang cảnh trời biển bao la thoáng mát.

Tuần lễ tiếp theo, Rinpoche đã biến bầu không khí tại đây trở lại như bầu không khí các dòng tu Tây Tạng cổ xưa. Ông đã xuất gia cho nhiều người Châu âu trong những năm qua, nhưng vì không còn chỗ để huấn luyện hoặc theo đuổi giới luật tại tu viện, nhiều người cho biết họ gặp nhiều khó khăn trong việc nắm giữ lời thề tu trì. Ông cảm thấy phải có một tu viện theo kiểu phương Tây là điều cần thiết để họ có thể làm quen dần với luật giới tu trì hợp với văn hóa và tập tục phương tây. Thế nên, mùa hè năm đó ông chỉ đưa ra một ít luật lệ truyền thống mới đối với những người tham dự khóa huấn luyện. Và thêm vào công việc thuyết pháp và dịch thuật tiếp những cuộc đàm đạo với các thiền sinh, ông bỏ thời gian nghiên cứu để làm quen với cây cối và sinh vật tại địa phương, ông đã leo lên đỉnh các vách đá để nhìn cá voi, ngồi thiền tại một phòng tĩnh tâm mới xây và thiết lập liên lạc với không gian và thời gian tại đây.

Sau này Pema tâm sự tại Berkley "Tôi yêu tính cách đơn giản trong cuộc sống tu trì, nhưng những gì tôi thấy trong khoảng thời gian ngắn ngủi tại thiền viện Nova Scotia cuộc sống đó không đơn giản chút nào! Hàng loạt những khó khăn cần được giải quyết. Còn nữa, mô hình cuộc sống tu trì chính là điều bạn đơn giản hóa mọi sự để có thể tập trung mọi nỗ lực để thực hiện. Đó chính là nghề nghiệp bạn lựa chọn, kể cả cuộc sống hôn nhân và toàn bộ những gì bạn có. Điều đó thực sự mời gọi tôi, nhưng đối với những người khác sự việc lại khác hoàn toàn. Họ cần phải hết mình với gia đình, với con cái, lo phát triển cho chúng về cuộc sống và trí tuệ. Điều cần thiết đối với tôi chính là phải trở thành một con người toàn diện tự đứng vững trên hai chân của mình và kinh qua nỗi cô đơn trong cuộc sống. Và cách này hay cách khác đã dẫn tôi ngay tới cuộc sống tu trì."

Tôi hỏi bà, "Hình như thời gian thuận tiện nhất để bước vào cuộc sống tu trì là sau khi đã sống cách nào đó ngoài đời, đã có con cái và một số kinh nghiệm ở trường đời có phải không?”

"Vâng, điều đó đã xảy đến với tôi đó là thời gian thuận tiện nhất để được tấn phong chính là sau khi bạn đã có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Tôi rất thâm tín rằng chúng ta phải sửa soạn nhiều trước khi nhận xuất gia. Có thể từ một đến ba năm ngay cả trước khi nhập vào tập viện. Và rồi nhiều thời gian nữa trước khi xuất gia hoàn toàn. Tôi cũng rất thích ý tưởng xuất gia tạm. Cho dù điều đó không được thực hiện ở Tây Tạng, Trungpa Rinpoche đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Một người có thể gia nhập và tận hưởng cuộc sống tu trì không cần phải cảm thấy gắn bó vào cuộc sống ấy. Đó là một ý tưởng khẩn khoản mời gọi tôi vì tôi đã thấy nhiều người sau khi đã xuất gia và cảm thấy bị kẹt trong đó để giảm thiểu tối đa ý định phấn đấu chính là người tốt rồi."

Tôi nhận định, “Hình như sự phát triển Phật giáo trên đất nước này có khuynh hướng thiên về cuộc sống đời thường hơn thì phải"

"Vâng, đúng vậy. Và tôi nghĩ có điều đó đấy. Nếu như không có một căn bản tài chánh và căn bản xã hội đối với Phật giáo trên đất nước này, Phật giáo sẽ không thể phát triển và chắc chắn nó sẽ không thể nào nâng đỡ được cuộc sống tu trì."

Tuy nhiên, chính bản thân Pema lại tỏ ra rất quan tâm đến sự phát triển truyền thống tu trì Phật giáo tại Phương Tây. Không phải là "Một nguyên nhân" bà bảo đảm với tôi, “nhưng chính là vì bà bị cuốn hút do tính súc tích và khôn ngoan phi thường có nơi truyền thống Tây Tạng một cách đặc biệt, là điều bà rất quen thuộc. Tỷ dụ như, được sử dụng tiếng động, nhảy múa và dụng cụ âm nhạc. Đây là những tập tục đòi hỏi nhiều năm mới có thể thấm nhuần được. Bà cho biết, "Nhưng khi bạn nhìn thấy các điệu múa, hay đặc biệt là tiếng nhạc, điều đó tạo điều kiện cho bạn ngừng ngay những thành kiến trong đầu.”

Một điều vô cùng thích thú chỉ nghĩ đến những gì đang được du nhập vào Tây phương và khả năng các thiền sinh Tây Phương được học hỏi ngay tại những môi trường thích hợp với họ. Và cuộc sống tu trì phát triển rất khác biệt ở những nền văn hóa khác nhau. Hiện nay mầm mống đó đã được gieo rải tại đây, tôi thực sự sẽ bị mê hoặc xem nó đâm hoa kết trái như thế nào tại Phương Tây.

Tại Tu viện Gampo, chỉ đơn giản có ý định bắt đầu với các thiền sinh theo truyền thống Tây Tạng trước đã, cho tới khi mọi việc đã được thiết lập vững chắc và cơ bản hiểu được những gì họ đang thực hiện. Nhưng ý định thực sự là muốn trở thành một hiện tượng đại kết và cuối cùng là muốn vươn tới tất cả những truyền thống Phật giáo khác, thực sự vươn tới cuộc sống chiêm nghiệm nơi tất cả các truyền thống Phật giáo khác nữa. Đó là một tầm nhìn mới, bà Pema nói thêm, "Nhưng trước tiên bạn phải có cơ sở vững chắc, "

Đó là những gì bà đang tiếp tục hoạt động từ bây giờ trở về sau.

Mùa Đông năm 2000

Trong những năm tiếp theo sau lần xuất bản thứ nhất cuốn sách Gặp Gỡ Các Gương Mặt Phụ Nữ Phi Thường (Meetings With The Remarkable Women). Cuộc sống bà Pema Chodron vẫn tỏa sáng rực rỡ trong quỹ đạo. Và cũng đưa bà trở lại thực tế. Bà đã xuất bản ba cuốn sách (The Wisdom of No Escape, 1991; Start Where You Are, 1994; và When Things Fall Apart, 1997 - Tất cả các cuốn sách này đều do Nhà Xuất bản Shmbhala thực hiện) Những cuốn sách và các băng ghi âm đều do hãng Sound True Audio phát hành đem tiếng nói và kiểu dáng thuyết pháp của bà đến tận quảng đại quần chúng. – cho đến khi bà trở thành một nhà văn sao! Có nghĩa là, nổi tiếng các cuộc tĩnh tâm do bà tổ chức vòng quanh đất nước Mỹ đã được đông đảo số người mới đến tu viện Gampo, không đặt thành một tiền lệ nào cả và những thư mời thuyết giảng đổ tới từ khắp mọi phương trời đề nghị bà đến thuyết pháp, viếng thăm, nói chuyện, phỏng vấn, đủ mọi kiểu công cụ truyền thông. Vừa qua bà cho tôi biết, sự nổi tiếng của bà "đã leo thang thật chóng mặt" và tên tuổi tĩnh lặng của bà đã trở thành quá khứ."

Trong khi đó, sức khỏe của Pema đã suy giảm trầm trọng. Sau nhiều năm những triệu chứng không được chẩn đoán. Cuối cùng bà đã được xác định mắc bệnh mệt mỏi kinh niên - hội chứng trục trặc miễn giảm một dạng bệnh do ảnh hưởng của môi trường (bị nhạy cảm với lây nhiễm môi trường các loại.) vì những yêu cầu do hoàn cảnh xã hội bên ngoài tăng nhanh, sức mạnh thể lý của bà ngày càng bắt đầu bay hơi. Trong nhiều năm bà đã thử nhiều phen quên đi hoàn cảnh xung quanh và cố chịu đựng bình thường. Nhưng vào năm 1994 toàn bộ sức lực thể lý của bà đã cạn kiệt và bà không còn con đường nào để lựa chọn và đành phải chú ý tới căn bệnh.

Với sự giúp đỡ của một chuyên gia trị chứng mệt mỏi mãn tính, bà phải tham gia một quá trình điều trị liên tục dài hạn. Nghỉ ngơi toàn diện là toa thuốc quan trọng nhất và Pema phải thực hiện những thay đổi căn bản nhất trong cuộc sống. Vào năm 1995, sau khi đã bị bệnh được 10 năm bà phải quyết định nghỉ hoàn toàn trong vòng 1 năm.

Thật là trái ngược, hiện nay Pema tin là những năm bị bệnh nặng nhất lại là những năm bà hoạt động hiệu quả nhất. Tất cả những cuốn sách của bà được viết trong dịp này. Và ngay cả tu viện Gampo cũng được thành lập. Ngày nay, Pema coi bệnh tật như là một biến cố tạo thành lớn lao. "bệnh tật đòi hỏi tôi phải đơn giản hóa cuộc sống.” Bà nói như thế.

Nhưng điều quan trọng nhất về căn bệnh đặc biệt này, bà cho biết, chính là những mô hình chống đỡ bình thường của mỗi người chúng ta. Đó là những cấu trúc bản ngã sai lệch và có giới hạn của con người, nó bao trùm lên cả bản chất thật của chúng ta. Đã trở thành không thể sai phạm. Trong trường hợp Pema, đó là tính cách "làm vui lòng mọi người", những cố gắng để sống với chính những ước vọng của chính mình và của người khác nữa. Bà đã bắt đầu nhận thức được một cách nhạy bén. Một khi những mô hình này trổi dậy, những triệu chứng bệnh tật của bà lại gia tăng đáng kể. Giống như thiền sư của bà lấy gậy thiền đập mấy cái vào vai bà vậy.

Những đau khổ, những khó chịu của bà đã trở thành nguồn từ bi vô hạn, là "nguồn tương quan chân tình với tất cả những người đau khổ bà không quen biết." cũng đau khổ tương tự như bà hoặc giả còn đau khổ hơn bà rất nhiều nữa. Bà nói. "Đau khổ có thể mở rộng tấm lòng của bạn ra rất nhiều hay nó cũng có thể đóng lại vĩnh viễn.” Bệnh tật gây cho chúng ta nỗi lo vô cớ và tổn thương đối với bất kỳ con đường giải thoát nào khả dĩ có được. Như chúng ta tự cho mình là những người "bệnh hoạn" – là những công cụ chúng ta phải không ngừng loại bỏ đi để có thể hiện diện với những người mình không quen biết. Pema đã đồng hóa khát vọng lúc nào cũng sẵn sàng cởi mở cho dù có chủ tâm hay không ý thức trong bất kỳ hoàn cảnh nào có nghĩa là điều đó còn "cao quý hơn cả những lý tưởng của chúng ta" so với Maitri. Một từ Phạn có nghĩa là lòng nhân ái đối với bản thân mình.

Chúng ta học cách tự tồn tại trong hoàn cảnh của mỗi chúng ta, trở nên thân thiết với đau khổ của chúng ta - và đồng thời cũng đứng vào hoàn cảnh của người khác nữa - để dần dà, qua thời gian, bất kỳ điều gì đang xảy ra, ta cảm thấy hạnh phúc trào dâng và chúng ta không bị tiêu diệt, hoặc bị quét đi do những điều tốt hay xấu, lên hay xuống. Pema suy tính, đây phải là "điểm nhắm tới – không phải là "một hiện trạng siêu vượt" nhưng, trong tình trạng cảm nhận được lòng từ bi và cởi mở chính xác ngay giữa lòng cuộc sống bình thường.

Liên quan đến những phát triển trong thế giới “thực tế” Tu viện Gampo được thiết lập vững chắc và nhộn nhịp với những họạt động của nó. Một trung tâm tổ chức những cuộc huấn luyện kéo dài trong ba năm được xây dựng gần đó và đón tiếp các nam nữ thiền sinh (tách biệt nhau ở hai cánh) từ năm 1990.

Có bốn mươi người kể cả Pema hiện nay đã hoàn tất khóa huấn luyện ba năm. Cơ cấu các khóa huấn luyện này rất khác biệt, so với các khóa huấn luyện truyền thống tổ chức tại Tây Tạng và các quốc gia khác quanh thế giới. Thay vì được tổ chức hoàn toàn tách biệt trong vòng ba năm, ba tháng và ba ngày, tại tu viện Gampo (theo yêu cầu của thiền viện trưởng Thrangu Rinpoche), học viên chỉ lưu lại mỗi lần từ sáu đến tám tháng, trong năm đợt tách biệt bởi các giai đoạn cuộc sống thường ngày tại gia đình. Cuộc huấn luyện được tổ chức hoàn toàn bằng tiếng Anh và cả nam lẫn nữ đều cùng tham gia tĩnh tâm chung (theo Pema, tất cả những chi tiết này thực sự rất khác biệt đối với những cuộc tĩnh tâm kéo dài) nam giới và nữ giới sống tách biệt nhau nhưng thường luyện tập chung với nhau.

Vào mùa hè năm 1997, một cuộc huấn luyện kéo dài một tháng được tổ chức cho thanh thiếu niên (tuổi từ 16 đến 25) tại thiền viện Gampo. Họ đã tiếp nhận xuất gia có thời hạn, cạo đầu và mặc áo cà sa, nhận Phật pháp và thực hiện một lượng hành thiền đáng kể. Vào năm 1999, một giai đoạn tập viện kéo dài một năm lần đầu tiên được tổ chức, Pema cho biết, “Các thanh thiếu niên rất quan tâm đến đời sống tu hành trong một thời gian nhất định.” Họ lưu lại một vài năm thường xuyên có được những kinh nghiệm xúc tích và lành mạnh và đôi khi tiếp tục tuyên thệ vĩnh viễn.

Pema đã trải qua giai đoạn cuối cùng trong cuộc huấn luyện kéo dài ba năm tại thiền viện, một mình trong một căn phòng. Bà đã trở bệnh ngày càng trầm trọng và không thể tham gia theo lịch sinh hoạt hàng ngày được. Nhưng dầu sao đó cũng đã là một kinh nghiệm hết sức ý nghĩa. Bà cho biết "Tôi rất đam mê với những cuộc tĩnh tâm như thế" và kể từ đó đến nay bà đang thực hiện một cuộc tĩnh tâm kéo dài hai tháng hàng năm. Năm 1999, Bà cũng sẽ hy vọng thực hiện được một cuộc tĩnh tâm kéo dài ba tháng.

"Tôi rất ham mê nơi thanh vắng tĩnh mịch. Tôi cần điều đó vì lý do sức khỏe. Nhưng đó cũng là khuynh hướng của tôi" (một nhà chiêm tinh vừa đây nói cho bà biết, "Bà là một người rất ẩn dật với một cuộc sống hết sức công khai. Không lạ gì bà đã đau ốm liên tục." )

Liên quan đến công việc riêng của bà với các thiền sinh, Pema vẫn duy trì một số cảm xúc lẫn lộn nhất định. Bà tin là, lợi ích chính trong công việc này là qua đó ta hiểu biết nhau chân tình hơn và thân mật hơn, làm nổi dậy những tiềm năng cả nơi thiền sư lẫn thiền sinh, nhận rõ qua kiểu dáng quen thuộc mà bắt đầu tiến tới cõi vô hằng (Groundlessness). Nhưng kinh nghiệm cho thấy có nhiều thiền sinh chưa sẵn sàng cho công việc trên. Hơn thế nữa, bà nói thêm, "Chỉ với mức độ chính bản thân tôi tiếp tục tập luyện và đem tất cả những gì tôi bắt gặp trên đường thì họa may mới có được chút gì cống hiến cho bá tánh."

Pema nhớ lại ngay cuộc phỏng vấn đầu tiên, tôi đã gọi bà như là một thiền sư thực sự, Vừa mới đây bà cho biết, "Nhưng chính tôi đã không nhận ra điều đó”. Hiện nay, với danh tiếng nổi lên như cồn, bà lại phải đối đầu với những mối nguy danh vọng. Thí dụ như: Bà đang bắt đầu tin vào những nhận định của người khác về mình. Kể cả thần tượng hóa. Hành thiền trở nên ngày càng quan trọng để giữ cho bà không bị dính vào cái vẻ mặt bề ngoài đó. Không bị triệt tiêu cũng không cường điệu hóa, nhưng “giữ được bản chất đích thực của mình."

Trong năm 2000, bà định nghỉ thêm trọn một năm nữa. Bà sẽ trải qua một phần thời gian tại California, phần còn lại tại Nova Scotia.. Bà đã thực hiện một hợp đồng tình nguyện thuyết pháp mỗi năm bốn tháng tại California và ở đó bà cũng có thể dành nhiều thì giờ hơn cho gia đình. Bà không còn là thiền viện trưởng hay lãnh đạo chính thức của thiền viện Gampo nữa, Pema đã tự phong là "Thiền Sư Ngắn Hạn" tại đó. Bà vẫn tiếp tục thuyết pháp và phát triển công việc huấn luyện tu đức tại thiền viện, nhưng bà sống tách biệt tại phòng riêng, tại đó bà có thể thực hiện các cuộc phỏng vấn và viết sách. Bà rất thích viết sách và nhận thấy "tiếng nói của nữ giới", tiếng nói đầy trực giác đó đã mang lại lợi ích to lớn cho công cuộc thuyết pháp của Phật giáo.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Thiện Minh đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 07-2006)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 21-07-2006