BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật Giáo, Nhìn Toàn Diện
"The Spectrum of Buddhism"

Hòa thượng Piyadassi
Phạm Kim Khánh dịch

Trung tâm Narada, Seattle, Hoa Kỳ, xuất bản, 1995.


Namo tassa bhagavato arahato sammà sammabuddhassa
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn, bậc Ứng Cúng, đấng Chánh Biến Tri


-1-

ÐỨC PHẬT

"Năm tháng trôi qua và, nghĩ cho cùng, Ðức Phật hình như không mấy xa cách với chúng ta; tiếng nói của Ngài vẫn thì thầm nói khẻ bên tai và dạy rằng không nên đào tẩu, lẫn trốn cuộc chiến, mà phải bình tĩnh đối phó, và phải thấy cuộc sống là cơ hội lớn lao hơn bao giờ hết để chúng ta trưởng thành và tiến bộ. Hiện nay cũng như từ thủa nào, phẩm cách cá nhân được xem là quan trọng, và một người đã tự thấm nhuần tư tưởng cứu nhân độ thế như Ðức Phật, cho đến ngày nay vẫn còn là cái gì sống và rung động mỗi khi ta tưởng nhớ đến. Chắc chắn Ngài là một con người tuyệt diệu -- một con người như Barth diễn tả, "mẫu người tuyệt hảo, trang nghiêm một cách trầm tĩnh và dịu hiền, vô cùng từ ái đối với tất cả chúng sanh và bi mẫn với tất cả những ai đau khổ, con người giới hạnh nghiêm túc và đã vượt ra ngoài mọi thành kiến.[1]" "Bức thông điệp xưa cũ nhưng vẫn còn rất mới mẻ và đặc thù của Ngài đối với những ai dấn thân vào những vấn đề vi tế của siêu hình học đã hấp dẫn cân não của hàng trí thức và thấm sâu vào tâm tư của dân tộc."[2]

Ra đời tại Sarnath, gần thị trấn Vàrànasi (Benares), Ấn Ðộ, với chỉ có năm tín đồ vào lúc sơ khai, Phật Giáo thâm nhập vào nhiều lãnh thổ, và ngày nay là tôn giáo của hơn 600 triệu người. Sở dĩ đạo Phật được hoằng dương mau lẹ như vậy cốt yếu là do giá trị cố hữu và tiếng gọi hấp dẫn của mình đối với những tâm hồn suy tư thích luận lý. Nhưng cũng có những yếu tố khác phụ giúp vào tiến bộ này: không bao giờ các nhà truyền giáo (dhammadùtas) dùng bất luận phương pháp bất công hay cưỡng bách nào để truyền bá Giáo Pháp. Khí cụ duy nhất của các Ngài là tâm từ và tâm bi.

Hơn nữa, Phật Giáo được hoằng khai trong những quốc gia ấy một cách ôn hòa, không gây xáo trộn cho tín ngưỡng căn bản sẵn có. Công cuộc truyền giáo của đạo Phật, mà trong lịch sử tôn giáo hầu như không có gì tương tợ, không bao giờ được thực hiện bằng bạo lực hay phương pháp cưỡng chế hay áp bức nào. Cưỡng bách người khác tôn giáo theo về đạo mình là phương pháp hoàn toàn xa lạ đối với người Phật tử và trái nghịch với đường lối của Ðức Phật và hàng đệ tử Ngài. Phật Giáo không bao giờ phỉ báng một tín ngưỡng khác, do đó có thể tự mình chan hòa trong nhiều văn hóa khác nhau trên cùng khắp thế gian. "Trong toàn thể lịch sử Phật Giáo dài dẳng," Tiến Sĩ T.W. Rhys Davids viết, "xuyên qua nhiều thế kỷ, trong khoảng thời gian ấy người tín đồ Phật Giáo cường thịnh vượt bực, không có điểm ghi nhận nào mà tôi được biết, nói lên bất luận sự hành hạ nào mà người Phật tử gây đau khổ cho những người khác đạo."

Ðản Sanh

Ðức Phật, vị thủy tổ sáng lập Phật Giáo, sống vào thời hơn 2500 năm về trước và được biết tên là Siddhattha Gotama (Sĩ Ðạt Ta Cồ Ðàm) [3]. Cha Ngài, Ðức Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) thuộc truyền thống Kshatriya [4], trị vì toàn thể lãnh thổ của Hoàng Tộc Sàkya (Thích Ca) tại Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ), trên biên giới Nepal. Ngài sanh trưởng trong gia đình họ Gotama (Cồ Ðàm) nên được gọi là Suddhodana Gotama. Công chúa xứ Koliya, Mahà- màyà (Ma Da), là Hoàng Hậu triều Vua Suddhodana. Năm 623 trước D.L. nhằm ngày Rằm tháng Vasanta (tháng Năm), vào lúc mà ở Ấn Ðộ cỏ cây đang thời xanh tươi, bông hoa đua nở, con người cũng như các loài chim muông đều vui vẻ thoải mái, Hoàng Hậu Mahàmàyà lên đường, từ Kapilavatthu ngự về hoàng cung của cha mẹ tại Devedaha, đúng theo phong tục thời bấy giờ, khi sanh đẻ thì về nhà cha mẹ ruột. Tuy nhiên, sự việc không xảy diễn đúng như vậy, vì lúc đi được nửa đường giữa hai thị trấn thì, trong khu rừng Lumbini (Lâm Tỳ Ni) tươi đẹp, dưới tàn bóng của những cây sala (long thọ) đang thời trổ bông, Bà hạ sanh một hoàng nam.

Lumbini, hiện nay được gọi là Rummindei, nằm cách Vàrànasi một trăm dặm Anh và từ đó nhìn thấy đỉnh núi Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn) tuyết phủ trắng phao. Tại địa điểm lịch sử này, để tưởng niệm nơi mà Thái Tử Siddhattha, vị Phật tương lai, giáng sanh Vua Asoka (A Dục) có cho xây dựng một trụ cột hùng vĩ bằng đá. Năm dòng chữ được khắc ghi trên đá bao gồm chín mươi ba chữ thời Asoka, trong đó có những chữ: "hida budhe jàte sàkyamuni. Nơi đây Ðức Phật, bậc hiền triết, đản sanh."

Trụ cột hùng dũng ấy đến nay vẫn còn. Trụ đá dõng dạc oai nghi ấy có một thời bị sấm sét làm hư, như Ngài Huyền Trang sang hành hương đã có thấy vào khoảng giữa thế kỷ thứ bảy. Thánh địa này được khám phá và nhận ra vào năm 1896 do nhà khảo cổ trứ danh, Tướng Cunningham.

Vào ngày thứ năm sau khi hoàng tử ra đời, vua triệu tập tám vị hiền triết để chọn tên cho con và tiên đoán tương lai của em bé vương tộc. Tên được chọn là Siddhattha (phiên âm là Sĩ Ðạt Ta, hay Tất Ðạt Ða), có nghĩa là người thành tựu nguyện vọng. Tám vị Bà La Môn bàn thảo, và bảy vị đưa lên hai ngón tay, tuyên bố: "Muôn Tâu Ðại Vương, Hoàng Tử sẽ trở thành bậc Cakravarti, Chuyển Luân Thánh Vương, vị hoàng đế vĩ đại nhất trên thế gian, nếu Ngài muốn trị vì. Nếu từ bỏ thế gian Ngài sẽ trở nên Sammà-sambuddha, bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác, và sẽ giải thoát nhân loại ra khỏi vòng tăm tối vô minh." Nhưng Kondanna, vị trẻ tuổi nhất và sáng suốt nhất, sau khi quan sát hoàng tử, đưa lên chỉ một ngón và nói: "Tâu Ðại Vương, một ngày nọ Hoàng Tử đi tìm Chân Lý và trở nên vị Phật Chánh Giác Tối Thượng."

Bảy ngày sau khi khai hoa nở nhụy Hoàng Hậu Mahàmàyà băng hà, và em bé được dì, em của mẹ, Bà Pajàpati Gotami nuôi dưỡng. Mặc dầu hoàng tử trưởng thành trong hoàn cảnh phong phú dồi dào trên nhung lụa vua cha vẫn hết lòng chú trọng đến việc tạo cho con một nền giáo dục đúng như một hoàng tử phải có. Ngài tinh thông mọi ngành kiến thức và trong nghệ thuật kiếm cung. Ngài chiến thắng dễ dàng tất cả mọi người. Dầu sao, từ thủa còn bé Ngài vẫn trang nghiêm, trầm tư mặc tưởng.

Bốn Ảnh Tượng Quan Trọng

Khi thái tử trưởng thành, điều ước mong khẩn thiết của vua cha là con mình lập nên gia thất, chăm lo gia đình, và xứng đáng kế vị mình; bởi vì lời tiên tri của nhà hiền triết Kondanna luôn luôn ám ảnh vua. Vua luôn luôn lo sợ một ngày nào thái tử sẽ rời bỏ nhà ra đi, sống đời tu sĩ không nhà cửa. Theo tập tục thời bấy giờ, thái tử kết duyên sớm sủa vào năm lên mười sáu, cùng với người bà con cô cậu xinh đẹp, Công Chúa Yasodharà, con gái duy nhất của Vua Suppabuddha và Hoàng Hậu Pamità xứ Koliya. Công chúa cùng tuổi với thái tử.

Vua cha cung ứng cho thái tử đầy đủ những tiện nghi sang trọng nhất. Sách ghi rằng Ngài có ba cung điện để sống thích hợp với ba mùa, theo thời tiết xứ Ấn Ðộ. Không thiếu gì trên đời để thọ hưởng những lạc thú trần gian, Ngài sống giữa cảnh đàn ca múa hát, trong xa hoa hỷ lạc lộng lẩy, không biết gì đến khổ đau sầu muộn. Tuy nhiên, tất cả những cố gắng của vua cha để giam hảm con trong nhục dục ngũ trần và tạo cho con một tâm hồn trần tục không đem lại hiệu quả. Bao nhiêu công trình để tách rời cặp mắt tìm tòi của con khuất xa những trạng huống khốn khổ phiền lụy trong đời sống chỉ làm cho tánh tò mò và ý chí quyết tìm chân lý và thành đạt Giác Ngộ của Thái Tử Siddhattha càng lên cao độ. Với tuổi lớn khôn và thành thục thái tử bắt đầu thoáng nhìn thấy nỗi thống khổ của thế gian.

Một hôm, khi thái tử ngồi xe do người đánh xe Channa (Xa Nặc) chở vào Ngự Uyển để thưởng ngoạn thì, hết sức ngạc nhiên, Ngài trông thấy một cảnh tượng não nề chưa từng bao giờ thấy: một cụ già lụm cụm ở vào giai đoạn cuối cùng của cuộc sống, rên rỉ khóc than:

"Muôn lạy Ngài, hãy giúp tôi! giúp tôi đứng vững trên cặp chân; trời đất ơi, hãy giúp tôi! Nếu không, tôi sẽ chết trước khi về đến nhà!." [5]

Ðó là khích động mạnh mẽ đầu tiên của thái tử. Lần thứ nhì, khi Ngài thấy một người chỉ còn da bọc xương, vô cùng khổ sở và buồn thảm, "quằn quại dưới một cơn bệnh dịch. Sức đã kiệt quệ, lưng khòm, gối yếu, tất cả sinh lực, tất cả hy vọng và tất cả niềm vui để sống của con người đã cạn. [6]" Lần thứ ba Ngài thấy một nhóm người than khóc van rên thê thảm, khiêng trên vai thi hài của một thân nhân để đi hỏa táng. Những ảnh tượng bất hạnh ấy mà Ngài thấy lần đầu tiên trong đời, làm cho Ngài vô cùng cảm kích. Và Ngài được người nài Channa cho biết là chính Ngài, Công Chúa Yasodharà và tất cả thân bằng quyến thuộc lớn nhỏ, tất cả không trừ bỏ một ai, đều phải trải qua những giai đoạn già, bệnh và chết.

Một ít lâu sau, thái tử thấy một tu sĩ khoan thai từng bước đi, mắt nhìn xuống, ung dung và vắng lặng, thanh thoát và tự tại. Tác phong trầm tĩnh của con người từ tốn ấy đập mạnh vào tâm tư Ngài. Ngài được Channa cho biết rằng đó là một tu sĩ đã lìa bỏ nhà cửa để sống đời trong sạch, tìm chân lý và giải đáp cho những bí ẩn của đời sống.

Ý niệm xuất gia bỗng chốc thoáng qua trong tâm thái tử và Ngài ngự về hoàng cung, trầm tư mặc tưởng. Nhịp tim ốm đau mòn mỏi của nhân loại lâm chung đã tìm được một vang âm cứu chữa trong tim Ngài. Càng đụng chạm với cuộc sống bên ngoài những vách thành của hoàng cung, Ngài càng xác nhận rằng thế gian quả thật không có hạnh phúc thật sự. Nhưng trước khi về đến hoàng cung thì có người đến báo tin Công Chúa Yasodharà lâm bồn, hạ sanh một hoàng nam. "Lại thêm một trói buộc cho ta", Ngài thốt ra lời than, và trở về. Cuộc Thoát Ly Vĩ Ðại

Trong cảnh tịch mịch của một đêm trăng thanh -- đêm Rằm tháng Bảy, Àsàlha -- ý nghĩ sau đây đến với thái tử: "Thời niên thiếu, tuổi thanh xuân của đời sống, chấm dứt trong trạng thái già nua, mắt mờ tai điếc, giác quan suy tàn vào lúc con người cần nhất đến nó. Sức lực cường tráng hao mòn, tiều tụy và những cơn bệnh thình lình trờ tới bước vào. Cuối cùng cái chết đến, có lẽ một cách đột ngột, bất ngờ, và chấm dứt khoảng đời ngắn ngủi của kiếp sống. Chắc chắn phải có một lối thoát cho cảnh bất toại nguyện, cho cảnh già và chết."

Như vậy cuộc đầu độc vĩ đại của tuổi thanh xuân (yobbana-mada), của sức khỏe (àrogya-mada) và của đời sống (jìvita-mada) đã rời xa, không còn ảnh hưởng đến Ngài. Ðã nhận thức tánh cách phù du ảo mộng và mối hiểm họa của ba độc hại trên Ngài cảm nghe có một năng lực hùng dũng thúc giục ra đi, nhằm khám phá và thành đạt trạng thái Vô Sanh Bất Diệt, kiên trì cố gắng vượt thoát ra khỏi cảnh đau, già, khốn khổ và chết [7], không phải chỉ riêng cho Ngài mà cho tất cả chúng sanh đau khổ (trong đó có vợ và con Ngài). Chính lòng bi mẫn thâm sâu đã dẫn dắt Ngài trên con đường và chấm dứt trong sự giác ngộ, trong Ðạo Quả Phật. Chính lòng bi mẫn lúc bấy giờ đã thúc giục Ngài Thoát Ly Vĩ Ðại và mở tung cửa cho Ngài thoát ra khỏi cái lồng vàng cung điện. Chính lòng bi mẫn đã đưa Ngài đến quyết định bất thối chuyển, chí đến lúc thoáng liếc nhìn qua để giả từ người vợ yêu quý đang yên giấc với con sơ sinh nằm trên tay.

Lúc ấy Ngài hai mươi chín tuổi, trong thời son trẻ của tuổi thanh xuân. Vào ngày mà bà vợ đẹp Yasodharà vừa hạ sanh hoàng nam duy nhất, Ràhula (La Hầu La), Thái Tử Siddhattha từ bỏ và xem thường sức quyến rũ của cuộc đời vương giả, khinh thường và đẩy lui những lạc thú mà phần đông bạn trẻ đắm đuối ham mê, ra đi, lánh xa vợ con và một ngai vàng đầy hứa hẹn đem lại quyền thế và vinh quang.

Ngài dùng gươm cắt đoạn suối tóc dài, bỏ lại áo giáp của một hoàng tử và đắp lên mình tấm y vàng của người tu sĩ ẩn dật, đi vào rừng sâu vắng vẻ để tìm giải pháp cho những vấn đề khó khăn của kiếp nhân sinh mà từ lâu vẫn làm bận tâm. Ngài đi tìm giải đáp cho những bí ẩn của đời sống, không phải cái gì tương tợ, một cái gì hình như vậy, mà thật sự là con đường vượt thoát ra khỏi mọi đau khổ -- con đường đến giác ngộ và Niết Bàn. Cuộc chiến đấu để thành đạt mức châu toàn tối thượng của Ngài để ra khỏi mọi trói buộc bắt đầu. Ðây là khước từ, là thoát ly vĩ đại, cuộc thám hiểm to lớn và cao cả nhất mà nhân loại được biết.

Ðầu tiên Ngài tìm đến sự hướng dẫn của hai vị đạo sư nổi tiếng, Àlàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta, hy vọng rằng hai vị này, vốn là bậc đại thiền sư, có thể trao truyền cho Ngài những lời giáo huấn dẫn dắt đến mức cao siêu của pháp môn hành thiền. Ngài hành thiền vắng lặng và đạt đến tầng cao nhất mà pháp hành này có thể đưa đến, nhưng không thỏa mãn với bất luận gì kém hơn là Tối Thượng Toàn Giác. Nhưng tầm mức kiến thức và phạm vi kinh nghiệm của hai vị đạo sư này không thể giúp thành đạt điều hằng mong muốn, và Ngài thấy mình còn xa mục tiêu cứu cánh. Mặc dầu cả hai vị đạo sư, hai lần khác nhau, đều có lời thỉnh mời Ngài ở lại dạy dỗ nhóm đệ tử, đạo sĩ Gotama (Cồ Ðàm) nhã nhặn từ chối. Từ giả thầy, Ngài lại cất bước lên đường, đi tìm cái gì vẫn chưa từng được biết.

Trên bước thênh thang Ngài cuối cùng đến Uruvela, gần ngọn sông Neranjarà tại Gayà. Nơi đây Ngài để tâm đến khu rừng rậm rạp yên tĩnh và dòng sông nước trong veo, làm êm dịu giác quan và kích thích tâm trí. Gần đó có xóm làng với dân cư chất phác làm ăn mà Ngài có thể đến trì bình. Nhận thấy rằng đây là nơi thích hợp để tiếp tục cuộc chiến đấu nhằm thành đạt Giác Ngộ, Ngài quyết định dừng bước. Không bao lâu sau, năm vị đạo sĩ mà trước kia đã hết lòng cảm phục sự quyết tâm và cố gắng của Ngài -- Kondanna, Bhaddiya, Vappa, Mahànàma và Assaji -- cũng đến cùng tu với Ngài.

Tu Khổ Hạnh

Vào thời bấy giờ, và đến nay vẫn còn, ở Ấn Ðộ, có nhiều đạo sĩ tin tưởng mãnh liệt rằng lối tu khắc khe ép xác khổ hạnh có thể thanh lọc thân tâm và đưa đến giải thoát cùng tột, và đạo sĩ Gotama quyết định trắc nghiệm chân lý này. Tại Uruvela Ngài bắt đầu cuộc đấu tranh quyết liệt để khắc phục thân xác, với niềm hy vọng rằng một khi đã thoát ra khỏi mọi khuấy động của thân, tâm có thể vượt đến mức độ giải thoát cao siêu. Ngài cố gắng đến mức cùng tột của pháp hành này. Chỉ ăn lá và rễ cây để sống và thâu gọn vật thực đến mức tối thiểu. Ngài đắp y may bằng giẻ rách lượm lặt ở các đống rác, ngủ trên giường gai hay giữa đám tử thi. Trạng thái rõ ràng thiếu thốn vật thực quá ư khắc nghiệt sớm biến Ngài thành một thân hình chỉ còn da bọc xương. Ngài nói: "Như Lai đã sống khắc khổ trong kỷ cương của người tu ép xác. Khắc khổ, Như Lai đã sống khắc khổ hơn tất cả những vị khác, đến độ tay chân chỉ còn như cọng sậy úa tàn, không dùng được nữa..." Về sau, khi đã chứng ngộ Toàn Giác Ngài mô tả như thế ấy cho hàng môn đệ, mức khổ hạnh kinh hoàng của những năm đầu tiên. [8]

Sau sáu năm trường chiến đấu cam go như thế Ngài đã đến tận ngưỡng cửa của thần chết, nhưng tự thấy mình không gần mục tiêu hơn chút nào. Lối tu khổ hạnh rõ ràng vô ích, kinh nghiệm của chính bản thân Ngài dồi dào sáng tỏ như vậy. Ngài nhận định rằng con đường đưa đến đạo quả mà Ngài hằng nóng lòng quyết thành đạt phải hướng về phía nội tâm. Không hề nản chí, tâm của Ngài vẫn tích cực hoạt động nhằm tìm một lối đi mới dẫn đến mục tiêu. Tuy nhiên, Ngài cảm nghe rằng cơ thể hao mòn và tiều tụy như thế ấy ắt không thể hy vọng thành công với lối tu tương tợ. Do đó Ngài từ bỏ lối sống ép xác và nhịn ăn uống đến mức cùng cực và trở lại dùng các thức ăn thông thường. Tấm thân gầy còm của Ngài dần dần bình phục và sức khỏe vô cùng kiệt quệ cũng sớm phục hồi. Lúc bấy giờ năm vị đạo sĩ cùng tu với Ngài thấy vậy lầm tưởng rằng Ngài đã từ bỏ cố gắng để trở về nếp sống dồi dào phong phú nên ra đi, làm cho Ngài thất vọng. Tuy nhiên, với tâm kiên cố quyết định và niềm tin trọn vẹn nơi trạng thái trong sạch và năng lực của chính mình, không có sự hỗ trợ của một đạo sư nào, không cùng tu với bất luận ai, Bồ Tát cương quyết thành tựu mục tiêu cuối cùng trong khung cảnh hoàn toàn cô đơn vắng vẻ.

Vào một buổi sáng, trước giờ ngọ ngày Thành Ðạo, trong khi Bồ Tát ngồi hành thiền dưới bóng cây da thì Sujàtà, người con gái của một trưởng giả, không biết Ngài là người hay thánh thần, dâng cơm nấu với sửa và bạch: "Bạch Ngài, con xin ngưỡng nguyện Ngài sẽ thành công!" Ðó là bửa cơm cuối cùng trước khi Ngài Thành Ðạo.

Chiến Thắng Cuối Cùng

Ngồi tréo chân dưới cội cây mà sau này được gọi là Bodhi, Bồ Ðề, "Cây Giác Ngộ", hay "Cây Trí Tuệ", bên bờ sông Neranjarà (Ni Liên Thiền), tại Gayà (nay được gọi là Buddhagayà, Bồ Ðề Ðạo Tràng), Ngài nhất quyết nỗ lực cùng tột với lời chú nguyện bất thối chuyển: "Dầu chỉ còn da, gân và xương, máu và thịt đã khô cạn và tan biến, ta vẫn không xê dịch khỏi chỗ ngồi này cho đến khi chứng ngộ Toàn Giác (sammà-sambodhi, Chánh Ðẳng Chánh Giác)." Cố gắng không biết mệt, nhiệt thành không thối chuyển, Ngài nhất quyết chứng ngộ chân lý và thành tựu trạng thái Toàn Giác.

Bồ Tát áp dụng pháp "niệm hơi thở-vào-thở-ra" (ànàpàna sati) nhập vào, giữ vững sơ thiền (jhàna, Skrt. dhyàna). Rồi dần dần từng bậc Ngài tiến lên nhị thiền, tam thiền và tứ thiền. Như thế ấy Ngài gội rửa mọi bợn nhơ trong tâm và, với tâm đã thanh lọc, Ngài hướng về tuệ giác hồi nhớ những kiếp sống quá khứ (pubbenivà-sànussatinàna, túc mạng minh). Ðó là tuệ giác đầu tiên mà Ngài thành đạt vào canh đầu trong đêm Thành Ðạo. Rồi Bồ Tát hướng tâm về tuệ giác thấy chúng sanh hoại diệt và tái sanh trong nhiều hình thức khác nhau, vào những cảnh giới nhàn hạ cũng như vào những khổ cảnh, mỗi chúng sanh đi và đến tùy hành động của mình (cutùpapàtanàna, thiên nhãn minh). Ðó là tuệ giác mà Ngài thành đạt vào canh giữa, đêm Thành Ðạo. Kế đó Ngài hướng tâm về tuệ giác tận diệt các hoặc lậu (àsavakkhayanàna, lậu tận minh [9]), tuyệt trừ những ô nhiễm ngủ ngầm từ vô lượng kiếp.

Ngài thấu triệt vạn pháp đúng như thật sự là vậy: "Ðây là khổ (dukkha), đây là sự phát sanh của khổ, đây là sự chấm dứt của khổ, đây là con đường dẫn đến chấm dứt khổ.

Ngài thấu triệt đúng như thật: "Ðây là những hoặc lậu (àsavas), đây là sự phát sanh của hoặc lậu, đây là sự chấm dứt hoặc lậu, đây là con đường dẫn đến chấm dứt hoặc lậu."

Thấu triệt như thế, nhận thấy như thế, tâm Ngài giải thoát, vượt ra ngoài mọi hoặc lậu: của dục vọng (kàmàsava, dục lậu), của mọi luyến ái bám níu vào đời sống (bhavàsava, hữu lậu), và của vô minh (avijjàsava, vô minh lậu) [10]. Khi tâm giải thoát như thế, phát sanh tuệ giác hiểu biết "giải thoát" và Ngài thấu triệt:

"Ðã tận diệt sự sanh, đời sống thánh thiện (brahmacariya, phạm hạnh) đã trải qua, đã làm những gì phải làm, không còn gì đến nữa" (có nghĩa là không còn thân và tâm đến rồi đi nữa, tức không còn tái sanh nữa). Ðó là tuệ giác thứ ba mà Ngài thành đạt vào canh cuối cùng trong đêm ấy. Những tuệ giác ấy được gọi là tevijjà (skt. trividyà). [11]

Lúc bấy giờ Ngài nói lên những lời hoan hỷ chiến thắng:

"Xuyên qua nhiều kiếp sống,
Như Lai thênh thang đi trong vòng luân hồi
Ðể tìm, nhưng không gặp, người thợ cất nhà này.
Phiền muộn thay, đời sống triền miên tiếp diễn.
Này hởi người thợ làm nhà!
Ngươi đã bị bắt gặp.
Ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa.
Tất cả rui mè của ngươi đã gãy.
Cây đòn dong của ngươi cũng bị phá tan.
Tâm của Như Lai đã thành đạt Niết Bàn Vô Lậu
Và hoàn toàn chấm dứt mọi hình thức ái dục."
[12]

Như vậy, vào ngày trăng tròn tháng Năm (Vesàkha, Vesak) năm 578 trước D.L., Bồ Tát Gotama [13], lúc ấy ba mươi lăm tuổi, thành đạt Chánh Ðẳng Chánh Giác bằng cách thấu triệt tận tường, đầy đủ và trọn vẹn Thực Tế Vĩnh Cửu, Bốn Chân Lý Cao Siêu, Tứ Diệu Ðế, và trở thành Phật, đấng Tối Thượng Y Vương và bậc Tôn Sư Toàn Thiện có thể trị liệu những chứng bệnh của chúng sanh. Ðây là cuộc chiến thắng vĩ đại không lay chuyển.

Tứ Diệu Ðế là bức thông điệp vô giá mà Ðức Phật ban truyền để hướng dẫn nhân loại đau khổ, cởi mở những trói buộc bất toại nguyện, và thoát đến Hạnh Phúc Tuyệt Ðối, Thực Tế Tuyệt Ðối -- Niết Bàn.

Những Chân Lý Thâm Diệu ấy không phải do Ngài tạo nên. Ngài chỉ khám phá, nhận diện ra nó. Như vậy nơi Ðức Phật ta tìm ra một nhân vật đáng được kỉnh mộ và tôn sùng, không phải chỉ như một vị thầy mà là mẫu người thánh thiện trong sạch, với đức độ hy sanh cao cả và cuộc đời mặc tưởng trầm tư sâu sắc, một gương sáng cho chúng ta noi theo nếu ta muốn trở nên toàn hảo.

Một trong những đặc điểm đáng ghi nhận đã phân biệt hẳn Ðức Phật và các vị giáo chủ khác là Ngài chỉ là một con người, không có bất luận liên hệ nào với một Thần Linh hay một nhân vật "Siêu Nhiên". Ngài không phải Thần Linh, không phải hiện thân của Thần Linh, cũng không phải là một nhân vật trong huyền thoại thần kỳ. Ngài là một người, nhưng là một người siêu phàm, một siêu nhân, một con người phi thường (acchariya manussa, con người khác người thường), một chúng sanh duy nhất, một người toàn thiện, tuyệt luân, tuyệt hảo (purisuttama). Tất cả những gì mà Ngài thành tựu, tất cả những gì mà Ngài thông hiểu, là thành quả của những cố gắng của chính Ngài, của một con người. Xuyên qua kinh nghiệm bản thân, Ngài thông suốt ưu thế của con người.

Tùy thuộc nơi nỗ lực không ngừng nghỉ và bất thối chuyển của chính mình, không nương nhờ sự giúp đỡ của một vị đạo sư, dầu người hay thần linh, Ngài thành tựu sự chứng ngộ trí thức và tinh thần đạo đức cao siêu nhất, tiến đến mức độ trong sạch tuyệt đỉnh và trạng thái toàn hảo trong những phẩm hạnh cao cả nhất mà bản chất thiên nhiên của con người có thể đạt đến. Ngài là hiện thân của từ bi và trí tuệ, vốn là hai nguyên tắc chỉ đạo trong Phật Giáo (sàsana).

Ðức Phật không bao giờ tự xưng mình là vị cứu thế, và không tự hào là mình cứu rỗi những "linh hồn" bằng một tôn giáo thần khải. Do hạnh kiên trì nỗ lực và kiến thức quảng bá của chính Ngài, Ngài chứng minh rằng bên trong con người có ngủ ngầm một khả năng vô cùng tận mà con người phải nỗ lực tinh tấn trau giồi và phát triển những tiềm năng ấy. Do kinh nghiệm của chính bản thân mình Ngài chứng tỏ rằng giác ngộ và giải thoát trọn vẹn nằm trong tầm mức cố gắng của con người.

"Tôn giáo của những tâm hồn cao cả và toàn vẹn nhất có thể tồn tại chung mà hoàn toàn không có niềm tin khải thị nào, trong ý nghĩa chân thật nhất của danh từ, không có niềm tin nơi tinh chất cốt yếu của đạo giáo thần khải, nơi một Thần Linh vô ngã. Trong danh từ thần linh vô ngã tôi bao gồm tất cả những ý niệm về cái gọi là thần linh siêu nhân, cùng một bản chất tinh thần và đạo đức như một người nhưng ở tầng lớp cao hơn, hoặc một năng lực đạo đức siêu phàm." (Julian Huxley, Religion Without Revelation, những trang 2 và 7)

Mỗi cá nhân phải cố gắng thích nghi để bẻ gảy những xiềng xích đã giữ chặt mình trong vòng trói buộc, thoát đến tự do, vượt ra khỏi mọi thằng thúc đã siết chắc mình vào những kiếp sinh tồn, bằng cách kiên trì nỗ lực gia công chuyên cần và trí tuệ minh sát. Chính Ðức Phật, lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, đã dạy rằng giải thoát có thể được thành tựu mà không nhờ đến một nguyên lý ngoại lai nào, rằng để vượt qua khỏi mọi khổ đau của đời sống mỗi người phải tự đặt mình lên hòn đe và uốn nắn, đập giũa, bằng hành động của chính mình.

Không ai có thể ban bố giải thoát cho người khác bởi vì người này chỉ làm có mỗi một việc là van vái nguyện cầu. Người khác có thể gián tiếp giúp ta một tay, nhưng tự do tối thượng chỉ có thể thành đạt bằng cách tự mình liễu chứng và tự mình thức tỉnh, giác ngộ chân lý, không phải bằng cách khấn vái hay thỉnh nguyện một Chúng Sanh Tối Thượng, người hay thần linh. Ðức Phật cảnh cáo hàng môn đệ không nên trao gánh nặng cho một nguyên lý ngoại lai, Ngài khuyến khích và hướng dẫn họ theo đường lối phân biện và khảo sát, và khuyến khích họ tinh tấn gia công trau giồi và phát triển những năng lực và phẩm chất bên trong mình.

Những Quan Ðiểm Sai Lầm

Vài người lấy làm thỏa thích làm ra như Ðức Phật không phải là một người. Họ trích một đoạn trong bộ Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm, (tr.11, 37), rồi phiên dịch sai và hiểu sai. Câu chuyện như thế này:

Ngày kia Ðức Phật ngồi dưới một cội cây trong tư thế tọa thiền, lục căn thu thúc, tâm vắng lặng hoàn toàn được kiểm soát và trầm tĩnh. Vào lúc ấy một vị bà la môn tên Dona đến gần Phật và bạch hỏi:

- Bạch Ngài, phải chăng Ngài là một vị trời, deva? - Không phải, này ông bà la môn. - Bạch Ngài, phải chăng Ngài là thiên thần trên cảnh trời, gandhabba (càn thác bà)? - Không phải, này ông bà la môn. - Bạch Ngài, phải chăng Ngài là quỷ, yakkha? - Không phải, này ông bà la môn. - Bạch Ngài, phải chăng Ngài là người? - Không phải, này ông bà la môn. - Như vậy, quả thật Ngài là gì?

Giờ đây, ta hãy thận trọng thông hiểu câu giải đáp của Ðức Phật:

"Này ông bà la môn, bất luận những ô nhiễm (àsava, hoặc lậu, hay những bợn nhơ ngủ ngầm trong tâm) nào mà, do sự hiện hữu của nó một chúng sanh được nhận diện là trời, thiên thần trên cảnh trời, hay quỷ, hay người, tất cả những ô nhiễm ấy bên trong ta đã được tận diệt, đã được bứng tận gốc rễ, đã được chặt đứt tận gốc, đã chết hẳn, không còn mọc lại nữa trong tương lai."

"Cũng như hoa sen xanh hay đỏ hay trắng trong nước, này ông bà la môn, sanh trưởng trong nước, và vượt lên khỏi nước mà không dính nước, ta cũng vậy, sanh trong thế gian, trưởng thành trong thế gian, đã vượt lên khỏi thế gian, và sống không vướng mắc thế gian.

Hãy nhớ đến ta là người đã giác ngộ (Buddhoti mam dhàrehi brahmana)."

Ý Ðức Phật muốn nói rằng Ngài không phải là trời hay thiên thần trên cảnh trời, cũng không phải quỷ hay người còn vướng bận ô nhiễm. Câu nói trên đây của Ðức Phật rõ ràng là muốn cho người bà la môn biết rằng Ngài không phải là một người đầy hoặc lậu. Ngài không muốn người bà la môn đặt Ngài vào bất cứ hạng nào trong những hạng kể trên. Ðức Phật sống trong thế gian nhưng không phải là người thế gian. Hình ảnh hoa sen rõ ràng nói lên điều này. Tuy nhiên có những nhà phê bình vội vã nhảy tới chụp lấy kết luận sai lầm, và muốn người khác tin rằng Ðức Phật không phải là người.

Cũng trong bộ kinh Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm, (1, 22) có một đoạn Ðức Phật tuyên ngôn khẳng định rằng Ngài là một người.

"Này hởi chư tỳ khưu, có một người (puggala) mà sự đản sanh ra đời là vì an lành và hạnh phúc của phần đông, vì lòng bi mẫn thương xót thế gian, vì lợi ích, vì trạng thái an lành và hạnh phúc của chư thiên (devas) và nhân loại. Ai là con người duy nhất (eka puggala) ấy? Ðó là Như Lai (Tathàgata), đấng Trọn Lành (arahat), bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác (sammà-sambuddho) ... Này chư tỳ khưu, một người đản sanh vào thế gian là người phi thường, người toàn hảo tuyệt luân (acchariya manussa)."

Hãy ghi nhận danh từ Pali "manussa", một người, một chúng sanh trong cảnh người. Ðúng thật vậy, Ðức Phật là một người, nhưng không phải chỉ là một người như tất cả mọi người, mà là một người toàn hảo, tuyệt luân. Kinh điển Phật Giáo chép rằng Bồ Tát (Bodhisatta, là danh từ để chỉ Ðức Phật trước khi đắc quả Phật) ở cung trời Ðấu Xuất (Tusita devaloka) và giáng sanh vào cảnh người (manussatta) trong thế gian. Cha mẹ Ngài, Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) và Hoàng Hậu Mahàmàyà (Ma Da) đều là người.

Bồ Tát [14] đản sanh là một người, chứng đắc Ðạo Quả Phật như một người, và cuối cùng nhập Ðại Niết Bàn (parinibbàna) như một người. Chí đến khi đã chứng ngộ Toàn Giác Tối Thượng Ngài cũng không bao giờ tự xưng là Thần Linh, hay Brahma, hoặc "Chúng Sanh Tối Thượng", mà chỉ là một người thường.

Tiến Sĩ S. Radhakrishnan, một người theo Ấn Ðộ Giáo, đã được giáo huấn theo kinh điển Veda và Vedanta, nói rằng Phật Giáo xuất nguyên từ Ấn Ðộ Giáo. Ngài lặp lại và làm ra mới những lý tưởng cũ xưa của văn hóa Ấn Ðộ Giáo ..." [15]

Tuy nhiên, Ðức Phật tuyên ngôn rằng giáo huấn của Ngài là những chân lý do chính tự Ngài đã khám phá, lúc bấy giờ chưa từng có ai biết, không phải là di sản của tập tục cổ truyền. Và như vậy, trong thời Pháp đầu tiên, đề cập đến Tứ Diệu Ðế Ngài nói:

"Này chư tỳ khưu, với ý tưởng 'Ðây là diệu đế về sự khổ, đây là nguyên nhân sanh khổ, đây là sự chấm dứt của đau khổ, đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ.' phát sanh đến Như Lai nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ, và ánh sáng liên quan đến những gì trước kia chưa từng được nghe đến (pubbesu ananussutesu, dhammesu). [16]

Lại nữa, trong khi chỉ vạch rõ ràng cho hàng đệ tử sự khác biệt giữa một bậc Toàn Giác và vị A La Hán, đấng Trọn Lành, Ðức Phật dạy:

"Ðấng Như Lai, này chư môn đệ, là Toàn Giác trong khi cũng là A La Hán. Chính Ngài tuyên bố con đường trước đó chưa từng được công bố, Ngài là người hiểu biết con đường, thấu triệt con đường, thuần thục trên con đường (maggannu, maggavidu, maggakovido). Và đến nay các vị đệ tử Ngài vẫn còn là khách lữ hành bước theo dấu chân Ngài," [17]

Con đường cũ xa xưa mà Ðức Phật đề cập đến là Bát Chánh Ðạo và không phải là lý tưởng nào của văn hóa Ấn Ðộ Giáo như Tiến Sĩ Radhakrisnan tưởng tượng.

Tuy nhiên, khi đề cập đến Ðức Phật, Mahatma Gandhi, vị kiến trúc sư của nền độc lập Ấn Ðộ, nói: "Bằng đức hy sinh rộng lớn mênh mông của Ngài, bằng hạnh từ khước vĩ đại của Ngài, và bằng phẩm hạnh thanh tịnh vô nhiễm của đời Ngài, Ngài đã ghi tạc lên trên Ấn Ðộ Giáo những dấu vết không bao giờ phai mờ, và đối với bậc thầy vĩ đại ấy Ấn Ðộ Giáo còn mang một mối nợ phải được tri ân muôn đời." (Mahàdev Desai, With Gandhiji in Ceylon, Madras, 1928, trang 26.)

Pháp Tùy-Thuộc-Phát-Sanh

Liền sau khi chứng đắc Toàn Giác Ðức Phật ngồi dưới cội Bồ Ðề suốt một tuần, chứng nghiệm hạnh phúc Giải Thoát. Vào cuối ngày thứ bảy Ngài xuất ra khỏi định (samàdhi) và trong canh đầu của đêm ấy suy niệm về pháp tùy thuộc phát sanh (paticca-samuppàda, thập nhị nhân duyên, hay thập nhị duyên khởi) theo chiều khởi phát (anuloma) của vạn pháp như sau:

"Khi có cái này, cái kia phát sanh; với sự phát sanh của cái này, cái kia phát sanh; tức là tùy thuộc nơi vô minh, có hành (những hành động có tác ý, hành động tạo nghiệp); tùy thuộc nơi hành có thức (thức-tái-sanh); tùy thuộc nơi thức có danh-sắc; tùy thuộc nơi danh-sắc có lục căn (tức năm giác quan cùng với ý là căn thứ sáu); tùy thuộc nơi lục căn, xúc; tùy thuộc nơi xúc, thọ; tùy thuộc nơi thọ, ái; tùy thuộc nơi ái, thủ; tùy thuộc nơi thủ, hữu (tiến trình của sự trở thành); tùy thuộc nơi hữu, có sanh đến; tùy thuộc nơi sanh có già và chết, phiền muộn, than van, đau khổ, âu sầu và tuyệt vọng. Như thế ấy phát sanh toàn thể khối đau khổ dukkha."

Vào canh thứ nhì của đêm ấy Ðức Phật suy niệm về pháp tùy thuộc phát sanh theo chiều chấm dứt (patiloma) như sau:

"Khi không có cái này, cái kia không phát sanh, với sự chấm dứt cái này, cái kia chấm dứt; tức là: với sự chấm dứt rõ ràng của vô minh, hành động có tác ý chấm dứt; với sự chấm dứt của hành, thức chấm dứt v.v... Như thế ấy, chấm dứt toàn thể khối đau khổ." Trong canh thứ ba của đêm ấy Ðức Phật suy niệm về pháp tùy thuộc phát sanh của vạn pháp theo cả hai chiều, phát sanh và chấm dứt, như sau: "Khi có cái này cái kia phát sanh; với sự phát sanh của cái này cái kia phát sanh; Khi không có cái này cái kia không có; với sự chấm dứt của cái này, cái kia chấm dứt; tức là: tùy thuộc nơi vô minh, hành phát sanh, v.v... Như thế ấy phát sanh toàn thể khối đau khổ. Với sự chấm dứt rõ ràng của vô minh, hành chấm dứt, v.v... Như thế ấy, chấm dứt toàn thể khối đau khổ." [18]

Ðức Phật trải qua sáu tuần nhật yên tĩnh ẩn dật ở sáu nơi khác nhau quanh quẩn cây Bồ Ðề. Vào cuối thời gian ấy có hai người lái buôn, Tapassu và Bhallika, đi ngang qua và dâng đến Ngài một loại bánh làm bằng gạo và mật ong và bạch: "Chúng con xin quy y Phật và Pháp [19]. Xin Ngài thâu nhận chúng con làm đệ tử. [20]" Ðây là hai thiện tín (upàsakas) đầu tiên.

Bài Pháp Ðầu Tiên

Trong khi Ðức Thế Tôn sống vắng vẻ cô tịch thì ý nghĩ sau đây phát sanh đến Ngài:

"Giáo Pháp mà Như Lai chứng ngộ quả thật thâm diệu, khó nhận thức, khó lãnh hội, vắng lặng, cao siêu, không nằm trong phạm vi luận lý, tế nhị, chỉ có bậc thiện trí mới thấu hiểu. Chúng sanh còn thỏa thích, ham vui, và mãi mê say đắm trong nhục dục ngũ trần. Ðối với những chúng sanh như thế ấy khó mà thấy được pháp duyên sanh, pháp tùy thuộc phát sanh. Cũng khó cho chúng sanh lãnh hội sự chấm dứt tất cả những pháp hữu vi, sự thoát ly ra khỏi tất cả những tinh chất của tiến trình trở thành, sự dập tắt mọi ái dục, buông bỏ, chấm dứt, Niết Bàn. Nếu Như Lai truyền dạy Giáo Pháp và người khác không thể hiểu thì quả thật là phí công vô ích. [21]"

Nghĩ như vậy thoạt tiên Ngài không sẵn sàng hoằng dương Giáo Pháp, nhưng với nhãn quan tinh thần Ngài quan sát thế gian và thấy chúng sanh kẻ ít người nhiều cát bụi trong mắt, kẻ thì có khả năng hiểu biết bén nhạy người chậm chạp nặng nề, người có phẩm cách cao quý, người thấp hèn, người dễ dạy, người khó, vài người nhận thức được mối hiểm họa mà họ phải gánh chịu trong tương lai vì hành động sai quấy trong hiện tại, vài người không. Thấy như vậy Ðức Tôn Sư tuyên ngôn sẵn sàng công bố Giáo Pháp với những lời lẽ long trọng như sau:

"Apàrutà tesam amatassa dvàrà
Ye sotavanto pamuncantu saddham."

"Cửa Vô Sanh Bất Diệt đã rộng mở.
Hãy để cho ai có tai muốn nghe đặt trọn niềm tin."
[22}

Khi xét suy sẽ dạy Giáo Pháp cho ai trước tiên, Ngài nghĩ đến Àlàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta, hai vị đạo sư đã dạy Ngài thủa xưa, bởi vì Ngài biết rằng hai vị này là bậc thiện trí minh mẫn. Nhưng không thể được vậy, hai vị đã viên tịch. Rồi Ðức Thế Tôn quyết định trao truyền chân lý cho năm đạo sĩ trước kia là huynh đệ đồng tu với Ngài, đến nay vẫn còn giữ vững lối tu khổ hạnh cùng cực, vốn không đem lại thành quả. Biết rằng năm đạo sĩ hiện ở Benares, trong khu Vườn Lộc Giả tại Isipatana (ngày nay là Sarnath), Ðức Thế Tôn rời Gayà đi từng giai đoạn đến Benares, cách đó độ 150 dậm Anh. Trên đường đi, không mấy xa Gayà Ngài gặp đạo sĩ Upaka, rất ngạc nhiên trước diện mạo trong sáng và tác phong trầm tĩnh của Ngài. Vị đạo sĩ hỏi: "Thầy của đạo hữu là ai? Ðạo hữu truyền bá giáo lý của ai?"

Ðức Phật trả lời: "Một đạo sư, ta không có, một người như ta không có trên thế gian, bởi vì ta là Tôn Sư Vô Song, bậc A La Hán, chỉ có ta duy nhất là Toàn Giác Tối Thượng. Ðã tận diệt tất cả mọi ô nhiễm, ta đã chứng ngộ trạng thái vắng lặng của Niết Bàn. Ta đang đến thành Kàsi (Benares) để vận chuyển Bánh Xe Pháp Bảo. Giữa thế gian mù quáng ta sẽ gióng lên hồi trống Vô Sanh Bất Diệt."

"Này đạo hữu, như vậy đạo hữu tự xưng là bậc siêu hùng, người chiến thắng toàn thể vũ trụ," Upaka nói. Ðức Phật trả lời: "Những ai đã chấm dứt mọi nhiễm ô, những người ấy, quả thật vậy, là bậc siêu hùng như ta. Tất cả bất thiện pháp, ta đã chinh phục. Như vậy, ta là đấng siêu hùng."

Upaka lắc đầu, chua cay ghi nhận, "Có thể được vậy chăng, đạo hữu," và rẽ sang một con đường nhỏ. Ðức Phật tiếp tục cuộc hành trình và lần hồi đến Vườn Lộc Giả, tại Isipatana. Năm vị đạo sĩ thấy Ðức Phật từ xa đến, bàn thảo với nhau: "Này chư đạo hữu, kìa đạo sĩ Gotama đang đi đến ta. Ðạo sĩ ấy bán đồ nhi phế, đã từ bỏ cuộc chiến đấu và trở về lối sống xa hoa phong phú. Ta không nên niềm nở đón chào." Nhưng khi Ðức Phật đến gần, phong cách trang nghiêm của Ngài cảm xúc mạnh mẽ cả năm và tất cả đều bỏ ý định. Người thì đến rước y và bát, người dọn chỗ ngồi, người đi lấy nước cho Ngài rửa chân. Ðức Phật ngồi trên chỗ đã dọn sẵn, và năm vị quây quần bu lại đón mừng với tư cách huynh đệ, xưng hô với Ngài là "àvuso", có nghĩa đạo hữu.

Ðức Phật nói, "Không nên gọi Như Lai bằng danh từ "àvuso". Này chư đạo sĩ, Như Lai là bậc ùng Cúng (A La Hán), đấng Toàn Giác Tối Thượng. Hãy lắng nghe, này chư đạo sĩ, Như Lai đã thành tựu trạng thái Bất Diệt. Như Lai sẽ giảng, sẽ dạy Giáo Pháp. Nếu hành đúng theo lời dạy, chính các thầy sẽ thông hiểu và tự mình chứng ngộ trong kiếp sống này mục tiêu thanh tịnh tối thượng mà bao nhiêu người con trong các gia tộc quý phái sẽ rời nhà để theo cuộc sống không nhà cửa." Ðến đây năm đạo sĩ nói: "Này đạo hữu Gotama, trước kia dầu đã thực hành khổ hạnh ép xác đến mức cùng cực đạo hữu đã không thành đạt trí tuệ nào siêu phàm và tuệ minh sát. Giờ đây đạo hữu đã trở về lối sống xa hoa lợi dưỡng và từ bỏ cuộc chiến đấu thì làm sao có thể có trí tuệ siêu phàm và tuệ minh sát?"

Ðức Phật đáp: "Như Lai không chấm dứt cố gắng và trở về lối sống xa hoa phong phú. Như Lai là bậc Toàn Giác Tối Thượng. Hãy lắng nghe, này chư đạo sĩ, Như Lai đã thành tựu trạng thái Bất Diệt. Như Lai sẽ giảng. Như Lai sẽ dạy quý thầy Giáo Pháp."

Lần thứ nhì năm vị đạo sĩ lặp lại lời thắc mắc như cũ, và lần thứ nhì Ðức Phật lặp lại lời giải đáp. Lần thứ ba, năm vị đạo sĩ hỏi như trước. Mặc dầu Ðức Bổn Sư khẳng định, năm vị không thay đổi thái độ. Lúc bấy giờ Ðức Phật nói như sau: "Hãy thú nhận, này chư đạo sĩ, trước đây có lần nào Như Lai đã nói với quý vị như thế không?" Cảm kích trước những lời kêu gọi chân thật của Ðức Thế Tôn, năm vị đạo sĩ khuất phục và công nhận: "Quả thật không, Bạch Ngài." Như thế ấy bậc Trí Tuệ Tối Cao, bậc Ðiều Ngự Trượng Phu, điều ngự tâm của năm vị đạo sĩ bằng nhẫn nhục và từ bi, bằng trí tuệ và tài năng. Những lời của Ðức Phật cảm hóa năm đạo sĩ, lúc bấy giờ tỏ ra sẵn sàng lắng nghe Ðức Phật.

Trung Ðạo

Lúc bấy giờ nhằm ngày trăng tròn tháng Bảy, 589 năm trước D.L. Vào buổi chiều, lúc mặt trời đang dần dần lặn và mặt trăng Rằm đang ló dạng, tại Vườn Lộc Giả, Isipatana, Ðức Phật dạy:

"Này chư tỳ khưu, có hai cực đoan mà người tu sĩ ẩn dật phải tránh. Hai là gì? Lợi dưỡng, dể duôi trong dục lạc là thấp hèn, thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh Nhân, và đưa đến tổn hại; và ép xác khổ hạnh là đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh Nhân, và đưa đến tổn hại. Con đường Trung Ðạo, này chư tỳ khưu, mà Như Lai đã chứng ngộ, tránh xa cực đoan, đem lại pháp nhãn và tri kiến và đưa đến tĩnh lặng, liễu ngộ, toàn giác và Niết Bàn. Và này chư tỳ khưu, Trung Ðạo ấy là gì? Ðó là Bát Chánh Ðạo, tức: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định."

Rồi Ðức Phật giải thích Tứ Diệu Ðế cho năm đạo sĩ: chân lý thâm diệu về sự khổ, chân lý thâm diệu về nguyên nhân sanh khổ, chân lý thâm diệu về sự chấm dứt đau khổ, và chân lý thâm diệu về con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ. [23]

Như thế ấy Ðức Tối Thượng Sư tuyên bố chân lý và vận chuyển Bánh Xe Pháp Bảo (dhamma-cakka-pavattana). Thời Pháp đầu tiên, bức thông điệp Lộc Giả này là phần nòng cốt của Phật Giáo. Cũng như dấu chân của tất cả mọi loài trên mặt đất đều có thể nằm bên trong dấu chân thớt tượng, pháp Tứ Diệu Ðế bao trùm toàn thể giáo huấn của Ðức Phật.

Giải thích từng diệu đế, Ðức Bổn Sư dạy, "Như vậy, này chư tỳ khưu, pháp nhãn, tri kiến, trí tuệ, tuệ minh sát, và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai. Như Lai đã thành đạt những gì mà trước kia chưa từng được biết. Này chư tỳ khưu, ngày nào mà tuệ giác của Như Lai, tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về Tứ Diệu Ðế chưa được hoàn toàn sáng tỏ thì Như Lai không khẳng định là mình đã chứng ngộ Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Và lúc ấy phát sanh đến Như Lai tuệ minh sát và tri kiến: tâm của Như Lai đã giải thoát bất thối chuyển (akuppà me ceto vimutti), đây là kiếp cuối cùng của Như Lai, không còn tái sanh nữa. [24]" Ðức Phật tuyên ngôn như thế, và năm vị tỳ khưu lấy làm hoan hỷ, tán dương lời dạy.

Vào ngày 2 tháng 12, năm 1930, trong một buổi dạ tiệc do Hoàng Gia Thụy Ðiển khoản đãi tại hoàng cung, khi đến lượt ông nói, Sir C. V. Raman, lúc ấy vừa đoạt giải thưởng Nobel ngành vật lý học, gác qua một bên vấn đề khoa học, và trước một thính giả kinh ngạc gồm những bậc thượng khách nổi tiếng trên thế giới, đọc lên một bài diễn văn vô cùng hùng biện về Ðức Phật và thời quá khứ vinh quang của xứ Ấn Ðộ. "Trong khu thành Benares," Sir Venkata Raman nói, "có một con đường mòn mà theo tôi là địa điểm thiêng liêng nhất của xứ Ấn. Trên con đường ấy một ngày nọ Thái Tử Siddhartha đã trải qua sau khi từ bỏ tất cả sự nghiệp trần gian để đi cùng khắp thế gian và công bố tình thương." (The Bosat, Quyển 5, số 1, 1942, Vajirarama, Colombo, trang 8). Rừng Cây Sinsapa

Vị thế tối quan trọng của pháp Tứ Diệu Ðế trong Phật Giáo được nhận thấy dồi dào và rõ ràng từ thông điệp tại khu Rừng Sinsapa (Rừng Trâm) cũng như bức thông điệp tại Vườn Lộc Giả. Một ngày kia Ðức Phật ngự trú tại Kosambi (gần Allahabad), trong khu Rừng Sinsapa. Lúc ấy, nắm trong tay một nắm lá trâm (sinsapa), Ðức Thế Tôn hỏi chư Tăng:

"Các con nghĩ thế nào, này chư tỳ khưu, số lá cây nằm trong tay Như Lai so với số lá trong toàn khu rừng sinsapa này, cái nào nhiều hơn?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, nắm lá trong tay Ngài quả thật không đáng kể, so với số lá trong toàn khu rừng sinsapa này."

"Cũng nhiều như lá trong toàn khu rừng, này chư tỳ khưu, những gì mà Như Lai hoàn toàn chứng ngộ; chỉ ít thôi, như số lá nắm trong tay, Như Lai tuyên dạy các con. Và tại sao, này chư tỳ khưu, Như Lai không truyền dạy hết? Này chư tỳ khưu, vì nó không hữu ích, không khẩn yếu cho đời sống thiêng liêng thanh tịnh, không dẫn đến nhàm chán, buông bỏ, chấm dứt, tĩnh lặng, thấu đáo toàn diện, không đưa đến Toàn Giác, Niết Bàn. Vì lẽ ấy, này chư tỳ khưu, Như Lai không tuyên dạy.

"Và Như Lai tuyên dạy gì? Ðây là đau khổ (dukkha) -- điều này Như Lai tuyên dạy. Ðây là sự phát sanh của đau khổ -- điều này Như Lai tuyên dạy. Ðây là sự chấm dứt đau khổ -- điều này Như Lai tuyên dạy. Ðây là con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ -- điều này Như Lai tuyên dạy. Và tại sao, này chư tỳ khưu, Như Lai tuyên dạy những chân lý ấy?

"Vì nó quả thật hữu ích, quả thật khẩn yếu cho đời sống thiêng liêng thanh tịnh, dẫn đến nhàm chán, buông bỏ, chấm dứt, tĩnh lặng, thấu đáo toàn diện, đến Toàn Giác, Niết Bàn. Vì lẽ ấy, này chư tỳ khưu, Như Lai tuyên dạy. Như vậy, này chư tỳ khưu, cần phải tinh tấn để chứng ngộ: Ðây là đau khổ, đây là sự phát sanh đau khổ, đây là sự chấm dứt đau khổ, đây là con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ." [25]

Ðức Phật cương quyết khẳng định: "Như Lai làm sáng tỏ một điều: đau khổ và sự chấm dứt đau khổ" (dukkhamceva pannàpemi, dukkhassa ca nirodham). Thấu hiểu rõ ràng Phật ngôn không thể nhầm lẫn này tức thấu hiểu Phật Giáo; bởi vì toàn thể giáo huấn của Ðức Phật không có gì khác hơn là áp dụng nguyên tắc duy nhất này. Cái gì mà có thể gọi là khám phá của Ðức Phật chỉ là Tứ Diệu Ðế. Từ nghìn xưa, đó là giáo huấn đặc thù của chư Phật.

Tối Thượng Y Vương

Ðức Phật cũng được tôn là bậc Tối Thượng Y Vương (bhisakko, vị lương y vô song), nhà giải phẩu không ai bì (sallakatto anuttaro). Quả thật vậy, Ngài là vị lương y độc nhất vô nhị.

Phương cách mà Ðức Phật trình bày Tứ Diệu Ðế có thể so sánh với phương pháp trị bịnh của một lương y. Cũng giống như bác sĩ, Ngài bắt đầu chẩn mạch, tìm hiểu chứng bịnh, kế đó tìm nguyên nhân sanh ra bịnh hay bịnh phát sanh như thế nào, rồi nghiền ngẩm khảo sát phương thức trị liệu, và cuối cùng áp dụng, cho thuốc chữa bịnh.

Ðau khổ (dukkha) là chứng bịnh; ái dục (tanhà) là sự phát sanh, hay nguyên nhân, căn cội của chứng bịnh (samudaya); bằng cách diệt trừ ái dục, căn bịnh cũng được diệt trừ, và đó là phương thức trị liệu (nirodha-nibbàna); Bát Chánh Ðạo (magga) là phương thuốc.

Một vị bà la môn muốn biết tại sao Ðức Bổn Sư được gọi là Phật. Lời giải đáp của Ðức Phật rõ ràng cho thấy rằng không có lý do nào khác hơn là vì Ngài hoàn toàn thông suốt Tứ Diệu Ðế.

Ðây là lời của Ðức Phật:

"Ta đã thông hiểu những gì phải được thông hiểu, Ðã trau giồi những gì phải được trau giồi, Ðã dứt bỏ những gì phải được buông bỏ. Do đó, này người bà la môn, ta là Phật -- đấng Giác Ngộ. [26]"

Với thời Pháp (Dhamma) được công bố lần đầu tiên, với sự vận chuyển Bánh Xe Pháp Bảo, và với sự thâu nhận năm vị đạo sĩ làm đệ tử, Vườn Lộc Giả tại Isipatana trở thành nơi chôn nhau cắt rún của Phật Giáo (Buddha-sàsana) và của Giáo Hội Tăng Già (sangha). [27]

Hoằng Dương Giáo Pháp

Sau đó Ðức Phật trải qua mùa hạ (vassa) [28] nơi Vườn Lộc Giả, tại Isipatana, ngày nay là địa điểm thiêng liêng (động tâm) của hơn sáu trăm triệu người. Trong ba tháng của mùa mưa này -- ba tháng hạ, vassa -- năm mươi vị khác do Yasa, một thanh niên khá giả, hướng dẫn gia nhập vào Giáo Hội. Giờ đây Ðức Phật có sáu mươi đệ tử, tất cả đều là A La Hán, những vị đã chứng ngộ Giáo Pháp và có đầy đủ khả năng để dạy người khác. Khi mùa an cư kiết hạ chấm dứt Ðức Bổn mở lời dạy các đệ tử thân tín như sau:

"Này chư tỳ khưu, Như Lai đã thoát ra khỏi mọi trói buộc, dầu ở cảnh người hay cảnh trời. Các con cũng đã giải thoát ra khỏi mọi thằng thúc, dầu ở cảnh người hay cảnh trời. Giờ đây, các con hãy ra đi đó đây vì tình trạng an lành và hạnh phúc của chư thiên và nhân loại. Mỗi người đi một ngã, hai người không đi chung về một hướng. Hãy công bố Giáo Pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn cuối, đầy đủ ý nghĩa trong tinh thần và theo văn tự, và rõ ràng là toàn hảo. Hãy công bố đời sống trong sạch, đời sống thiêng liêng, thanh cao và tinh khiết tột bậc. Có những chúng sanh với ít nhiều cát bụi trong mắt, họ sẽ lạc lối vì không được nghe Giáo Pháp, cũng có những người sẽ lãnh hội, Như Lai sẽ đi về phía Uruvela, đến Senanigama để hoằng dương Giáo Pháp." [29]

Như thế ấy Ðức Phật bắt đầu cuộc truyền giáo cao cả kéo dài đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Cùng với chư vị đệ tử Ngài đi trên các con đường lớn và các nẻo nhỏ của xứ Ấn Ðộ, bủa rộng vừng hào quang từ bi vô lượng vô biên. Mặc dầu khởi đầu với sáu mươi vị tỳ khưu, Giáo Hội Tăng Già sớm phát triển đến hằng ngàn vị và, do số chư Tăng càng ngày càng tăng, số tự viện cũng ngày càng tăng dần, và về sau các đại học Phật Giáo ở Ấn như Nàlandà, Vikramasilà, Jagaddalà, Vikrampuri và Odantapuri trở thành những trung tâm văn hóa có ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của nhân loại.

Sau bốn mươi lăm năm hoằng dương Giáo Pháp và thành công một cách vẻ vang, Ðức Phật viên tịch lúc tám mươi tuổi thọ, giữa hai cây Song Long Thọ (gọi là "song long thọ" vì là một cặp, hai cây long thọ, mỗi cây chia làm hai nhánh giống hệt như sanh đôi), tại Kusinàrà, ngày nay là Uttara Pradesh, khoảng 120 dậm Anh cách Benares. [30]

Công Trình Hoằng Pháp Của Ðức Phật

Trong bốn mươi lăm năm hoằng Pháp độ sinh dài dẳng, Ðức Phật đi bộ cùng khắp các châu quận miền Bắc xứ Ấn Ðộ. Nhưng vào mùa nhập hạ thông thường Ngài ở lại một nơi. Sau đây là tóm lược những nơi Ngài nhập hạ, được ghi nhận trong kinh điển.

* Năm đầu: Vàrànasi -- Sau khi Chuyển Pháp Luân vào ngày trăng tròn tháng Bảy D.L. Ðức Phật nhập hạ đầu tiên tại Isipatana, Vàrànasi.

* Hạ thứ nhì, thứ ba và thứ tư: Ràjagaha -- Ngài lưu ngụ trong khu Veluvana (Trúc Lâm). Trong hạ thứ ba này Sudatta, một trưởng giả tại thành Sàvatthi (Xá Vệ) mà người ta thường gọi là Anàthapindika, "người nuôi ăn những kẻ bị bỏ rơi" nghe nói đến Ðức Phật, tìm đến, lắng nghe Ngài và đặt niềm tin (saddhà) nơi Ðức Bổn Sư, nơi Giáo Huấn của Ngài và những vị đã được Ngài dạy (Phật, Pháp, Tăng), đắc quả Tu Ða Huờn (sotàpatti, nhập lưu), tầng Thánh đầu tiên trong Tứ Thánh. Ông nổi tiếng là vị thí chủ (dàyaka) chính của Ðức Tôn Sư. Ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc) kiến tạo ngôi chùa trứ danh Jetavana (Kỳ Viên) tại Sàvatthì, ngày nay là Sahet-mahet, rồi dâng lên Ðức Phật và các đệ tử Ngài. Những phế tích của ngôi chùa đến nay vẫn còn được thấy.

* Hạ thứ năm: Vesàli -- Ðức Phật nhập hạ trong bảo tháp Kùtàgàrasàlà. Vào lúc này Ðức Vua Suddhodana lâm trọng bịnh. Ngài trở về viếng cha và thuyết giảng Giáo Pháp. Ðức Vua cha chứng đắc A La Hán sau khi nghe Pháp và băng hà sau khi thọ hưởng quả phúc giải thoát trong bảy ngày. Giáo Hội Tỳ Khưu Ni cũng được thành lập trong khoảng thời gian này. (Xin xem phần "Hàng Phụ Nữ Trong Văn Học Phật Giáo, chương 12).

* Hạ thứ sáu: Ðồi Mankula -- Nơi đây Ðức Phật dùng phép yamaka pàtihàriya, làm cho nước và lửa cùng một lúc phun ra từ lỗ chân lông. Lần đầu tiên tại Kapilavatthu Ngài cũng dùng phép ấy để khắc phục tính ngã mạn của những người dòng Sakya, thân quyến Ngài.

* Hạ thứ bảy: Cung Trời Ðạo Lợi (Tàvatimsa, Tam Thập Tam Thiên) -- Nơi đây Ðức Phật thuyết giảng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma, Giáo Lý Cao Siêu) cho những vị Trời (devas), do mẹ Ngài hướng dẫn. Sau khi hạ sanh Hoàng Tử Siddhattha được bảy ngày thì Hoàng Hậu Mahàmàyà băng hà và tái sanh vào cảnh Tàvatimsa.

* Hạ thứ tám: Rừng Bhesakalà, gần Sumsumàragiri -- Tại nơi đây đôi vợ chồng khắng khít thương yêu nhau, Nakulapità và vợ, đến hầu Phật, nói lên cuộc sống gia đình nhiều hạnh phúc của mình và ước nguyện mãi mãi chung sống an vui đầm ấm trọn kiếp sống hiện tiền và lâu dài trong những kiếp về sau. Hai người này được Ðức Phật khen là đứng hàng đầu trong những người có niềm tin nơi Tam Bảo.

* Hạ thứ chín: Kosambi -- trong hạ này Ðức Phật lưu ngụ tại Chùa Ghosita.

* Hạ thứ mười: Rừng Pàrileyyakka -- Trong hạ thứ mười này, tại Kosambi, vụ tranh luận xảy ra giữa hai nhóm tỳ khưu vì có một vị phạm giới không đáng kể, nhưng rồi hai phe không thể hòa giải. Chính Ðức Phật bổn thân đứng ra giàn xếp cũng không xong. Ngài bỏ vào nhập hạ trong rừng. Vào cuối hạ (vassa) cuộc tranh luận được giảng hoà êm thuận, chư Tăng đến Sàvatthi xin sám hối và cung thỉnh Ðức Thế Tôn về chùa.

* Hạ thứ mười một: Làng Ekanàla (trong xứ Magadha, Ma Kiệt Ðà) -- Nơi đây Ðức Phật gặp vị bà la môn nông dân Kasìbhàradvàja. Vị này có những lời thiếu lễ độ, nhưng Ðức Thế Tôn vẫn bình tĩnh, thản nhiên giải đáp những câu hỏi của ông. Bhàradvàja trở thành một thiện tín nhiệt thành của Ðức Phật. Chính trong cơ hội này Ngài giảng thời Pháp rất đáng chú ý Kinh Kasìbhàradvàja Sutta (Sutta Nipàta). (Xin đọc quyển "The Book of Protection" cùng một tác giả, do nhà xuất bản BPS ấn hành).

* Hạ thứ mười hai: Veranjà -- Lời tựa của Tạng Luật (Vinaya) được xem là được ban hành trong hạ này. Cũng trong hạ này vị bà la môn Veranjà đến gặp Ðức Phật, bạch hỏi một loạt nhiều câu hỏi, xin quy y, và cung thỉnh Ðức Phật cùng chư Tăng nhập hạ (vasssa) tại làng Veranjà. Vào lúc ấy có nạn đói trong xứ, Ðức Phật và chư vị đệ tử Ngài phải dùng những thức ăn rất thô sơ do một người lái ngựa dâng cúng. Theo thường lệ, sau khi ra hạ Ðức Phật giả từ ông bà la môn thí chủ để lên đường. Ông ta thú nhận là mặc dầu cung thỉnh Ðức Thế Tôn và chư vị tỳ khưu đệ tử nhập hạ, ông đã thiếu sót bổn phận suốt trọn thời gian kiết hạ vì phải mắc bận công chuyện nhà. Dầu vậy, ngày hôm sau ông dâng y và cúng dường đầy đủ vật thực.

* Hạ thứ mười ba: Tại tảng đá Càliya (gần thị trấn Càlika) -- Trong hạ này Ðại Ðức Meghiya làm thị giả Ngài, thấy khu rừng xoài ở cạnh mé sông rất xinh tươi và thuận tiện để hành thiền, nên xin phép Ðức Phật đến đó hành đạo. Mặc dầu Ðức Phật khuyên sư hãy đợi chờ đến khi có một vị thị giả mới thay thế, sư vẫn lặp lại lời xin. Ðức Phật cho phép. Vị tỳ khưu ra đi, nhưng rồi hết sức ngạc nhiên cảm nghe còn luôn luôn mang nặng những tư tưởng tham dục, sân hận và hung bạo. Sư thất vọng trở về. Lúc bấy giờ Ðức Phật mở lời khuyên dạy: "Này Meghiya, để giải thoát cái tâm chưa thuần thục, có năm điều hỗ trợ cho nó trở nên thuần thục: 1. một người bạn lành; 2. phẩm hạnh thanh cao trong khuôn khổ của những quy tắc tu tập; 3. bàn thảo chân thành, những lời khuyên bảo có chiều hướng buông bỏ, vắng lặng, chấm dứt, Giác Ngộ và Niết Bàn; 4. tinh tấn loại trừ những tư tưởng bất thiện và 5. thành đạt trí tuệ phân biện trạng thái phát sanh và hoại diệt của vạn pháp." [31]

* Hạ thứ mười bốn: Tại ngôi chùa Jetavana (Kỳ Viên), Sàvatthi -- Trong hạ này Ðại Ðức Ràhula, lúc ấy còn là sa di (sàmanera), thọ Cụ Túc Giới (upasampadà). Ðúng theo Vinaya (Luật), phải đến hai mươi tuổi mới được thọ giới này. Như vậy, lúc ấy Ngài Ràhula vừa đúng tuổi thọ giới để trở nên tỳ khưu.

* Hạ thứ mười lăm: Kapilavatthu (nơi chôn nhau cắt rún của Thái Tử Siddhattha) -- Trong hạ này Ðức Vua Suppabuddha, cha của Công Chúa Yasodharà, băng hà.

* Hạ thứ mười sáu: Thị trấn Àlavi -- Trong hạ này Ðức Phật cảm hóa Alavaka, quỷ Dạ Xoa ăn thịt người. Quỷ nêu lên những thắc mắc, được Ðức Thế Tôn giải thích thỏa đáng và xin quy y Phật. (Về những câu hỏi của Alavaka và giải đáp của Ðức Bổn Sư, xin đọc Àlavaka Sutta, trong Sutta Nipàta hoặc "The Book of Protection" trang 81, do Ðại Ðức tác giả sách này, nhà xuất bản BPS ấn hành.)

* Hạ thứ mười bảy: Ràjagaha (Vương Xá), tại ngôi chùa Veluvana (Trúc Lâm). Trong hạ này cô gái giang hồ nổi tiếng, Sirimà em của vị lương y Jivaka, chết. Ðức Phật đến dự lễ hỏa táng và nói với nhà vua hãy truyền rao cho dân chúng, xem có ai muốn mua cái thi hài ấy không -- cái thân hình mà lúc nào, khi còn sống, đã quyến rũ thu hút bao nhiêu người. Không ai màng đến, dầu khỏi phải trả tiền. Nhân cơ hội Ðức Phật truyền dạy đám đông với lời kệ:

"Hãy nhìn cái hình ảnh xinh đẹp kìa,
Một thể xác đầy đau thương,
Một đống (xương), đầy bệnh tật,
Ðược nhiều người bận tâm lo lắng, nhưng trong đó
Không chứa đựng gì trường tồn hay ổn định."
-- Dhammapada, Kinh Pháp Cú, 147

* Hạ thứ mười tám: Tảng đá Càliya -- Trong hạ này một thiếu nữ, con gái người thợ dệt, đến hầu Phật và được nghe thuyết giảng thời Pháp dạy quán tưởng về sự chết (maranànussati). Trong một cơ hội khác, nhờ thường xuyên suy gẫm về những lời giảng của Ðức Phật nàng giải đáp đúng tất cả bốn câu hỏi của Ngài. Cuộc vấn đáp có tánh cách triết lý này vượt khỏi tầm hiểu biết của đại chúng, vốn không thường suy niệm theo lời Phật dạy. Ðức Phật ca ngợi nàng và mở lời dạy mọi người bằng kệ ngôn:

"Thế gian này mù quáng; ở đây,
người sáng suốt quả thật hiếm hoi
Như số chim thoát khỏi lưới,
Chỉ ít người vào nhàn cảnh."
-- Dhammapada, Kinh Pháp Cú, 174

Nàng lắng nghe Giáo Pháp và chứng ngộ tầng Thánh thứ nhất (sotàpatti, Nhập Lưu hay Tu Ðà Huờn), nhưng rồi lìa đời một cách bất ngờ. (Xin đọc Chú Giải Kinh Pháp Cú, Quyển lll, trang 170, hoặc Buddhist Legends, tác giả Burlingame, Phần 3, trang 14. Cũng xin đọc chương "Hàng Phụ Nữ Trong Văn Học Phật Giáo", trong phần sau sách này.)

* Hạ thứ mười chín: Tảng đá Càliya.

* Hạ thứ hai mươi: Ràjagaha, tại chùa Veluvana.

* Từ hạ thứ hai mươi mốt đến hạ thứ bốn mươi ba: Sàvatthì. Trong hai mươi bốn năm này, Ngài nhập hạ mười tám lần tại Tịnh Xá Jetavana, sáu hạ tại Pubbàràma. Ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc) và Bà Visàkhà là hai vị đại thí chủ.

* Hạ thứ bốn mươi bốn: Beluva (một làng nhỏ có thể ở gần Vesàli) -- Nơi đây Ðức Phật dùng năng lực của ý chí đè nén một cơn bịnh trầm trọng.

Vào năm thứ bốn mươi lăm sau khi Thành Ðạo, Ðức Phật viên tịch tại Kusinàrà trong tháng Năm (vesàkha), trước ngày nhập hạ.

Trong hai mươi mốt hạ đầu tiên, những vị tỳ khưu Nàgasamàla, Nàgita, Upavàna, Sunakkhatta, Sàgatta, Ràdha và Meghiya và sa di (sàmanera) Cunda hầu cận Ngài, nhưng không đều đặn. Tuy nhiên, đến hạ thứ hai mươi mốt, Ðức Phật muốn có một thị giả thường xuyên theo với Ngài. Tất cả tám mươi vị đại đệ tử A La Hán, như quý Ngài Sàriputta (Xá Lợi Phất) và Moggallàna (Mục Kiền Liên) đều tỏ ý tình nguyện. Nhưng Ðức Phật không nhậm lời. Có lẽ Ngài nghĩ rằng chư vị A La Hán này sẽ giúp ích cho nhân loại nhiều hơn.

Trong suốt thời gian ấy Ðại Ðức Ànanda giữ im lặng. Chư vị tỳ khưu thỉnh Ngài xin Phật. Ànanda Thera đáp rằng, "Nếu Ðức Bổn Sư muốn tôi làm thị giả cho Ngài thì Ngài sẽ nói." Lúc ấy Ðức Phật nói: "Này Ànanda, chớ nên để người khác thuyết phục. Chính con có thể tự nguyện hầu cận Như Lai." (Xem chương 2, đề cập đến Ngài Ànanda).

(Xin xem tiếp phần 1.b)

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01.a | 01.b | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 |
 10.a | 10.b | 10.c | 11 | 12.a | 12.b | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18.a | 18.b

Chân thành cám ơn Bác Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 10-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 05-10-2002