BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật giáo Nguyên thủy

PHÁP TRÍCH LỤC - 2

Huỳnh Văn Niệm soạn dịch

Phật Bảo Tự tái bản
Pagode  Buddharatanarama
3, Rue Broca
91600  Savigny Sur Orge - France
Tel: 01 69 96 49 34


Tập I

-ooOoo-

Lời tựa

Người tu Phật hằng xem vạn-vật với cặp mắt bàng-quan, không ức-đoán rằng đây là tốt, đó là xấu, đây đáng trọng, đó đáng khinh, mà chỉ tìm hiểu coi chúng nó có lợi-ích hay chăng.

Người tu Phật, mỗi khi nghe được điều gì, chẳng vội tin mà cũng không vội bỏ, nên thí-nghiệm coi điều ấy đúng chân-lý hay sai chân-lý.

Người tu Phật không làm vừa lòng ai một cách trái lẽ, mà cố tìm phương-tiện để dìu-dắt đồng-loại đi đến nơi sáng-sủa.

* * *

Phật-giáo đã được phần lớn nhân-loại hoan-nghinh và thực-hành theo. Hiện nay, từ Âu sang Á, đâu-đâu cũng có nhiều bậc trí-thức để tâm nghiên-cứu Phật-pháp. Nhưng họ rất hoang-mang, điên-đảo trước vô-số tông-phái, không khác nào người thợ đốn cây phải lo-ngại lúc vào rừng để tìm cây danh mộc đang lẫn-lộn với các thứ cây khác.

Với thời-gian đã qua, Phật-giáo tại nước Ấn Ðộ bị ảnh-hưởng của các cuộc chiến-tranh, nên phải sai-lạc rất nhiều. Từ chỗ đơn-sơ khi xưa, các nhà vua ngoại-đạo đã chinh-phục xứ Ấn Ðộ, cho len-lỏi vào Phật-Giáo những nghi-thức thờ-phụng và tế-lễ rất phức-tạp mà chúng ta hằng thấy.

Hiện nay, khắp hàng Phật-tử trên thế-giới đều nương theo 84.000 pháp-môn của Ðức Phật-Tổ "Thích-Ca Mâu-Ni" để tu học, đều lấy Niết-Bàn làm mục-đích giải-thoát, dầu rằng hình-thức Phật-Giáo bên ngoài có khác nhau, tùy theo phong-hóa của mỗi nước. Tuy-nhiên, chúng ta chớ chấp-nê vì đó mà bỏ mất cơ-hội để trau-giồi đạo-đức trong kiếp sống thừa.

Vì nghĩ như thế, nên chúng tôi không nệ tài hèn đức kém, soạn ra cuốn "Pháp Trích Lục" này để cung-hiến trong muôn một, cho các bạn nhiều bài pháp ngắn - nhưng đầy ý-nghĩa - trong những kinh sách mà chúng tôi đã được xem qua.

Ngôn-ngữ trong cuốn sách này chứng tỏ sự giản-dị của Phật-Giáo hồi lúc sơ-khai. Mỗi khi có dịp tiếp-xúc với hàng tứ-chúng, tùy theo sự hiểu biết của từng hạng người, Ðức Thế Tôn dùng lời nói gọn-gàng và dễ hiểu, để dạy bảo người tu Phật về những phương-pháp tu-hành cho mau dứt khổ. Ngài cố tránh những lý-thuyết viễn-vông, chẳng có lợi-ích chi cho đường giải-thoát.

Vậy chúng tôi mong cầu các bạn vui lòng hưởng-ứng và cứ tự-tiện xét đoán về sự lợi-ích của soạn phẩm này và cũng xin chư cao tăng đại-đức, cùng các bậc cư-sĩ, nếu thấy điều chi sơ-thất, xin quí ngài vui lòng chỉ giáo, chúng tôi rất đa-tạ.

Quyển sách này chia làm ba đoạn:

1) Ðoạn đầu nói về những pháp của Ðức Phật đã thuyết ra để dạy bảo hàng tại-gia và bậc xuất-gia nên tu cách nào cho mau tấn-hóa.

2) Ðoạn giữa là phần phụ-trương, có chép những sử-tích về: Tư-cách giáng-sinh của Ðức Bồ Tát trong kiếp chót, Tích ông Ðề Bà Ðạt Ða chia rẽ tăng-hội và hãm-hại Ðức Phật, và cuộc lễ trà-tỳ (thiêu) kim-thân Ðức Thế Tôn.

3) Ðoạn chót nói về "Lịch-sử kết tập Tam-Tạng Pháp Bảo".

Mong thay!

Soạn-giả
Huỳnh Văn Niệm.

-ooOoo-

"Hết ngày này qua ngày khác, hết giờ nọ sang giờ kia, anh thợ vàng phải công-phu mới lọc ra dược chất vàng-ròng như thế nào?"
"Người muốn cho thân tâm mình trở nên trong sạch cũng phải cố-gắng khó-nhọc như thế ấy".

-- DHAMMAPADA (Pháp Cú Kinh)

Vài đặc-điểm về lịch-sử Ðức Thích-Ca

Muốn tin-tưởng, hấp-thụ Phật-Giáo phải cần biết rõ thân-thế và những đức-tính của Ðức Phật.

*   *   *

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammãsambuddhassa

Ðức Phật Thích-Ca, lúc chưa thành đạo, lấy tên là Siddhattha (Sĩ Ðạt Ta), Ngài vốn thuộc giòng Sakya (Thích-Ca), ra đời vào năm 623 trước Tây lịch, tại huê-viên Lumbini (Lâm-Tỳ-Ni), trong một nước nhỏ (hiện nay là xứ Népal) nằm dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn. Ngài là con của quốc-vương Suddhodana (Tịnh Phạn) trị-vì tại thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ) và hoàng-hậu Mahamayã (Ma Da). Lịnh Mẫu-Hoàng thăng-hà 7 hôm sau khi sinh Ngài. Vợ của Ngài là công-chúa Yasodhara (Da Du Ðà La) của tiểu quốc Deva-Gaha, sanh được một trai là thái-tử Rahula (Ra Hầu La), cùng một hôm với cơ-hội xuất-gia của Ngài.

Từ thuở bé, đông-cung Siddhattha đã có tánh hay ngồi yên-tĩnh trong nơi thanh-vắng, trầm-tư mặc-tưởng. Ðây là khởi-điểm của phép thiền-định về sau.

Nhờ trải qua nhiều kiếp Bồ-Tát, tâm từ-bi, bác-ái của Ngài được tấn-triển một cách triệt-để. Sự đau khổ của một con vật nhỏ-nhít cũng đủ làm cho Ngài cảm-động, xót thương. Một lá vàng rơi xuống đất cũng khiến Ngài nghĩ-ngợi. Mỗi hoàn-cảnh quanh mình đều đem lại cho Ngài một bài học đích-đáng về ba tướng: vô-thường, khổ-não, vô-ngã, của muôn loài.

Sau khi ra dạo chơi ngoài bốn cửa thành, được mục-kiến những cảnh-tượng: già, bệnh, chết, Ngài thấy rằng tất cả vạn-vật trên vũ-trụ toàn là bào-ảnh.

Tự xét rằng: "Ở trong gia-đình, hằng bị nhiều điều ràng buộc. Chỉ có ra khỏi gia-đình mới mong được tự-do hạnh-phúc". Lúc vừa 29 tuổi, một thời-kỳ tươi đẹp nhất của con người, Ðức Bồ-Tát rời bỏ cung vàng điện ngọc, đoạn-tuyệt thân-bằng quyến-thuộc, cắt tóc, cạo râu, mặc áo cà-sa, dấn thân vào rừng sâu núi thẵm, sống trong cảnh màn trời chiếu đất, bữa đói, bữa no. Ngài mang theo chí-nguyện: làm sao tìm được khoa linh-dược để chữa bệnh sầu-khổ cho tất cả chúng-sinh.

Ðem ngôi-vị đế-vương đổi lấy cuộc đời vất-vả của một người hành-khất, trong sáu năm suy-xét tìm tòi, Ðức Bồ-Tát có dịp đem ra thí-nghiệm nhiều phương-pháp hành đạo của mấy phái cực-đoan. Ngài khổ-hạnh cho đến mức tột cùng của hàng tu khổ hạnh, xong vô hiệu-quả.

Rốt cuộc, Ngài tìm được chân-lý, đúng với con đường trung-đạo của Chư Phật quá-khứ. Chẳng nệ nắng táp mưa sa, cố công, trì-chí, hành-trình kham-khổ theo đường ấy, lần hồi Ngài gỡ được mối thắc-mắc của sợi dây nhân-duyên gồm có mười hai khoen, cái này dính với cái kia, cái kia nối theo cái nọ. Tất cả sự bí-mật về tư-cách sinh diệt của vạn-vật, chúng-sinh, đều ở trong mười hai cái khoen ấy. Muốn khỏi sanh diệt, cần phải đập vỡ sợi dây nhân-duyên kia mới được. Ngài biết rõ rằng sở-dĩ chúng-sinh phải khổ là vì lòng tham muốn. Nhờ đắc huệ nhãn, Ngài dòm thấy trong tất cả chúng-sinh, dầu ở cõi trời[1], cũng bị sinh diệt. Ngoài ra, chẳng có bậc Tự-Tại Thiên nào có đủ năng-lực tạo-tác và cai-quản vạn-vật cả. Trong lúc ấy, Ngài tự tìm thấy hai pháp-môn: Tứ Diệu Ðế và Thập Nhị Duyên Khởi, có thể đem chúng-sinh ra khỏi vòng sanh tử luân-hồi.

Từ khi đắc đạo quả và trở thành một bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác, Ngài luôn-luôn đi từ thành này đến thành nọ để hoằng-pháp, độ-sinh; Ngài đem giáo pháp của Ngài ra chỉ bảo cho mọi người để khỏi khổ, được vui, và đó cũng là một giải-pháp duy-nhất để diệt-tận phiền-não.

Bên trong, Ðức Phật dựng ngôi Tam-Bảo, rèn tập tăng-chúng ăn ở theo khuôn-khổ giới-luật, tham-thiền, quán tưởng. Bên ngoài, Ngài khuyến hóa hàng thiện-nam, tín-nữ lánh dữ làm lành, tu thân, tích đức. Ðức Thế Tôn dùng xác thân giả tạm của mình làm gương mẫu cho người bắt chước hành theo. Mỗi việc làm, lời nói hay ý nghĩ của Ngài đều đúng theo chân-lý. Từ hàng vương-giả đến nhóm cần-lao, Ngài đều để tâm ái-truất một cách bình-đẳng và cương-quyết đánh đổ lý-thuyết phân chia giai-cấp của Bà La Môn Giáo. Trong 45 năm hoằng-pháp, vô-số chư-thiên, nhân-loại nhờ hấp-thụ lời giáo-huấn của Ngài mà được giải-thoát.

Tiểu-sử Ðức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni gồm lại có ba thời-kỳ:

a) 29 năm ở ngôi thái-tử trong cung-cấm,
b) 6 năm làm bậc sa-môn đi tìm đạo giải-thoát nơi chốn rừng sâu, và
c) 45 năm hoằng-pháp độ-sinh.

Ðến khi tuổi chẵn tám mươi, phận-sự độ đời vừa dứt, Ðức Thế Tôn nhập Niết-Bàn trên tảng đá giữa hai cây Sa La, gần thành Kusinãra. Tuy Ngài đã diệt độ, nhưng còn truyền lại 84.000 pháp-môn để tiếp-dẫn kẻ hậu-lai cho đến khi Phật-Giáo được năm ngàn năm.

-ooOoo-

Pháp trích lục

"Nếu không có cái sanh, cái già, cái chết, thì đấng Như Lai chẳng giáng-trần làm gì, và Phật Pháp cũng chẳng có cơ-hội để rải tủa ánh-sáng siêu-việt trên khắp thế-gian".

 -- Anguttara Nikãya

Ðức Phật thuyết cho vua Adjasattu[2] nghe về những phương-pháp hành đạo

1- Nhà vua đi viếng Ðức Thế Tôn

Ta[3] có nghe  như vầy:

Thuở nọ, Ðức Thế Tôn đang ngự tại thành Radjagaha (Vương Xá), trong vườn xoài của ông Jĩvaka, cùng với 1.250 vị tỳ-khưu.

Cũng trong khi ấy, nhằm hôm trăng tròn tháng Kattika (từ tháng 9 đến tháng 10 âm lịch, sau lúc ra hạ), đức vua trị-vì xứ Magadha (Ma kiệt Ðà), là Adjasattu, cùng các quan văn-võ triều-thần đồng nghiêm-trì giới hạnh[4]. Ðức vua ngự lên từng cao nhất trong đền. Lúc bấy giờ, với tâm trong sạch, nhiệt-thành, ngài phán ra như vầy: "Ðêm trăng hôm nay vui thật, đêm trăng hôm nay đáng mến thật! Ðẹp đẽ thay, quí-hoá thay, cái đêm sáng-lạng như vầy! Ðêm nay ắt đem lại cho chúng ta nhiều điềm tốt chẳng sai! Vậy chẳng biết có bậc đạo-sĩ nào, bậc sa-môn nào, đáng cho ta sùng-bái để mong cầu cho tâm-trí được an vui, mát mẻ hay chăng?" (Có vài vị quan yêu cầu nhà vua nên đến viếng sáu vị giáo-chủ ngoại-đạo, nhưng đức vua chẳng nhận lời).

Khi ấy, có ông Jĩvaka đang đứng yên lặng gần bên đức vua. Ngài phán hỏi ông Jĩvaka rằng: "Này Jĩvaka, hôm nay tại sao hiền-khanh lại đứng lặng thinh như thế?"

- "Tâu Bệ-Hạ, bậc tối-thượng, bậc trọn-lành, bậc hoàn-toàn giác-ngộ ấy, hiện bây giờ đang ngự tại vườn xoài của kẻ hạ-thần với một số đông thầy tỳ-khưu gồm lại có 1.250 vị. Tâu Bệ-Hạ, thinh-danh của Ðức Gotama được đồn ra khắp xa gần như vầy: "Ngài là bậc Thế Tôn, bậc trọn-lành, bậc hoàn-toàn giác-ngộ, có sự thông-hiểu nhiệm-mầu, có giới hạnh thanh-cao, bậc đã thoát khỏi vòng khổ-não, bậc thầy cả chư-thiên và nhân-loại, bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác!" Tâu Bệ-Hạ, vậy xin ngài ngự đến đó để cúng dường Ðức Thế Tôn, thì tâm-trí Bệ-Hạ sẽ được an vui, mát mẻ chẳng sai".

Ðức Vua phán rằng: "Này hiền-khanh Jĩvaka, vậy khanh hãy lo sắp đặt một đoàn voi cho trẫm".

- "Tâu Bệ-Hạ, kẻ hạ-thần xin vâng".

Ông Jĩvaka liền cho thắng 500 voi cái và một thớt voi riêng của nhà vua. Xong việc, ông đến tâu cho vua rõ.

Ðức vua liền truyền-lịnh đặt các công-phi mỹ-nữ trên lưng 500 voi cái, còn ngài thì ngự trên thớt voi riêng của mình. Rồi đó, cùng với đoàn tùy-tùng, đèn đuốc sáng rỡ, vua Adjasattu rời khỏi thành Radjagaha để thân-hành đến vườn xoài của ông Jĩvaka. Lúc gần đến nơi, nhà vua bỗng-nhiên phát tâm bôn-chôn, lo-sợ, và hỏi ông Jĩvaka rằng: "Này hiền-khanh có ý gạt-gẫm, hãm-hại trẫm, đem trẫm nạp cho quân-thù chăng? Chớ tại duyên-cớ nào, với một nhóm đông thầy tỳ-khưu gồm tới 1.250 vị, mà chúng ta chẳng nghe một tiếng khua-động, một tiếng ho, một tiếng kêu la gì cả?"

Ông Jĩvaka liền tâu rằng: "Tâu Bệ-Hạ, kẻ hạ-thần chẳng có ý gạt-gẫm, hãm-hại hoặc đem Bệ-Hạ nạp cho quân nghịch đâu. Vậy xin Bệ-Hạ hãy bình tâm bước tới. Ðàng trước kia là ánh đèn trong tịnh-xá".

Ðức vua cho đoàn voi đi suốt khoảng đường thuận-tiện, rồi ngài để chân xuống đất, đi lần đến cửa tịnh-xá. Lúc tới nơi, ngài phán hỏi ông Jĩvaka rằng: "Vậy chớ Ðức Thế Tôn ở chỗ nào?"

- "Tâu Bệ-Hạ, Ðức Thế Tôn chính là vị đang ngồi gần cây cột giữa, trước mặt Ngài là hàng tăng-chúng".

Nhà vua đến gần Ðức Thế Tôn rồi đứng một bên. Ngài nhìn xem khắp hàng tăng-chúng, thấy mỗi vị đều ngồi im-lìm như mặt nước hồ trong-trẻo, phẳng-lặng. Vua Adjasattu liền bạch với Ðức Phật như vầy: "Bạch Ðức Thế Tôn, đông-cung Udãyibhadda là con yêu-quí của trẫm. Trẫm nguyện sao cho đông-cung hằng được tâm-trí yên lặng cũng như chư-tăng hôm nay!" 

Ðức Phật thốt lên rằng: "Lành thay! Lành thay!".

2- Vua Adjasattu xin Ðức Phật giải về đạo-lý

Vua Adjasattu chấp tay, nghiêng mình, đảnh lễ Ðức Thế Tôn, rồi ngồi kế bên. Ngồi xong, nhà vua bạch với Ðức Thế tôn rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn, trẫm muốn hỏi vài điều, nhưng chẳng biết Ðức Thế Tôn có vui lòng chỉ dạy chăng?"

- "Ðại-Vương cứ việc tùy-tiện".

- "Bạch Ðức Thế Tôn, có rất nhiều công việc khác nhau, như những nghề: khiển voi, giữ ngựa, đánh xe, vác cờ, sĩ-quan, cung-cấp quân-nhu, công-hầu, vương-tôn, hoàng-tử, dẫn đường cho chiến-binh, dũng-sĩ, kỵ-mã, tôi-tớ, đầu bếp, thợ cạo, thợ kết tràng hoa, thợ giặt, thợ dệt, thợ đan thúng, thợ gốm, bút-toán, thơ-ký, vân-vân ... Bạch Ðức Thế Tôn, những nghề ấy đem lại phước báu rõ-rệt cho người đời trong kiếp hiện-tại. Nhờ các công-nghệ đó mà họ được an vui, giàu có, và làm cho tất cả cha mẹ, vợ con, thân-bằng quyến-thuộc cũng được vui-vẻ, giàu có như họ. Bạch Ðức Thế Tôn, còn các bậc đạo-sĩ hay Bà La Môn[5] thì chế-biến ra những cuộc tế-lễ đáng đem lại phước báu an vui nơi cõi trời. Bạch Ðức Thế Tôn, vậy chớ hiện bây giờ đây, chẳng biết có cách nào để chỉ cho họ thấy rõ phước báu về sự hành đạo của các bậc xuất-gia tu theo Phật-Giáo chăng?"

Ðức Phật liền giải cho vua nghe các phước báu cao-thượng về sự xuất-gia hành đạo, nhất là trong khi Ðức Phật còn tại thế. Xong rồi, Ðức Thế Tôn lại thuyết cho vua Adjasattu nghe luôn những cách trau-giồi thân tâm của thầy tỳ-khưu theo phương-pháp: GIới, Định, Huệ.

3- Bước đầu của bậc xuất-gia

Ðức Phật thuyết tiếp như vầy: "Này Ðại-Vương, trong trường-hợp này, có một đấng Như Lai, một bậc Toàn-Giác, một bậc Trọn-Lành, một bậc Thế Tôn suốt-thông Tam-Giới, một đấng thầy cả chư-thiên và nhân-loại, một vị Phật Tổ, xuất-hiện trong thế-gian".

"Này Ðại-Vương, có một người kia nghe Phật-pháp, bèn hết lòng tin-tưởng Ðức Như Lai, phát tâm suy-nghĩ như vầy: "Sống trong gia-đình, phải gặp biết bao nhiêu điều trở-ngại, xấu-xa. Chỉ có rời khỏi gia-đình mới mong đến chỗ tự-do. Kẻ tại-gia khó bề thực-hành đạo-đức cho được trong sạch, vuông tròn, trơn-tru như hòn ngọc quí. Vậy tương-lai sẽ ra sao, nếu ta cắt tóc, cạo râu, mặc y màu vàng, bỏ nhà để đi tìm một đời sống vô gia-đình?" 

4- Phần Giới

"Ra đi rồi, thầy tỳ-khưu luôn-luôn ở trong khuôn-khổ giới-luật, cố gắng ăn ở theo đường chánh. Dầu một lỗi nhỏ, người cũng chẳng dám phạm và coi đó là một điều tai-hại. Thầy tỳ-khưu ráng tu tập cho mau dứt khổ. Mỗi việc làm hay lời nói của người đều đúng theo chân-lý. Thầy tỳ-khưu nuôi mạng mình bằng một cách chính-đáng[6], gìn giữ giới-luật luôn-luôn trong sạch, thu-thúc lục-căn, có đầy đủ sự ghi nhớ biết mình. Người phát tâm thoả-thích, vừa lòng trong giới bổn".

"Này Ðại-Vương, vậy chớ thế nào mới gọi là thầy tỳ-khưu có giới trong sạch?"

"Trong điều này:

1) Thầy tỳ-khưu phải cố tránh sự sát hại sinh-vật và phải diệt trừ cái tâm muốn sát hại. Người chẳng dùng đến dao mác, luôn-luôn khiêm-nhượng và có lòng từ-bi, bác-ái đối với tất cả mọi loài;

2) Ngoài các vật dụng do tín-thí dâng cúng, thầy tỳ-khưu chẳng hề lấy món chi không phải của mình; người cố gắng diệt trừ tánh tham-lam và xa-lánh những sự trộm cắp;

3) Thầy tỳ-khưu phải cố tránh xa tình-dục và tìm sống riêng-biệt một cách tinh-khiết;

4) Thầy tỳ-khưu phải cố tránh xa sự nói dối, không nói lời giả-trá, chẳng gạt gẫm ai; người chỉ nói điều chân-thật đáng cho kẻ khác tin-cậy;

5) Thầy tỳ-khưu phải tránh xa sự nói xấu kẻ khác, không nói lời đâm thọc, chẵng đem chuyện người này đi nói cho kẻ khác biết để sanh ra sự cãi-lẫy. Người phải có tánh hoà-nhã, rất vui thích trong sự hoà-nhã, khao-khát sự hoà-nhã, hằng đem lại sự hoà-thuận cho tất cả mọi người. Thầy tỳ-khưu phải cố tránh nói lời hung-dữ; người chỉ thốt ra những lời lành, dịu ngọt, lễ-độ nghe vừa tai;

6) Thầy tỳ-khưu phải cố tránh những lời nói vô-ích, chỉ nói những lời ngay thật, có lợi-ích và những chuyện đạo-đức;

7) Thầy tỳ-khưu phải cố tránh sự phá-hại cây trái;

8) Thầy tỳ-khưu phải dùng vật thực theo giờ nhất-định, chẳng ăn chiều và ăn quá độ;

9) Thầy tỳ-khưu phải tránh xa sự múa hát, kèn đờn, dùng tràng hoa, chất thơm, các vật trang-điểm, nằm giường cao chiếu rộng, thọ lãnh vàng bạc, trái cây tươi[7], thịt sống. Không nên thu-nạp phụ-nữ, tôi-tớ trai hay gái, dê, cừu, gà, vịt;

10) Thầy tỳ-khưu không được lãnh đem tin hay giúp việc cho kẻ thế, không nên mua bán, thêm bớt cân lượng, làm đồ kim-khí giả-mạo, không nên gạt-gẫm dối-trá làm cho người thất-vọng, không nên làm khó kẻ khác.

Như thế gọi là thầy tỳ-khưu có giới trong sạch".

"Này Ðại-Vương, vậy chớ thế nào mới gọi là thầy tỳ-khưu biết thu-thúc lục-căn?"

"Trong điều này, khi mắt trông thấy vật chi, thầy tỳ-khưu không nên quan-tâm đến hình-sắc của nó. Muốn ngăn-ngừa những tư-tưởng xấu-xa, tội-lỗi có thể xâm-nhập vào tâm, thầy tỳ-khưu phải cố thâu tầm con mắt lại, không cho nó tiếp-xúc với sắc trần. Khi lỗ tai nghe, khi lưỡi nếm, khi mũi ngửi, khi thân đụng chạm vật chi, khi tâm tiếp-xúc với vật gì, thầy tỳ-khưu phải giữ vẻ bình-tĩnh, không để cho tâm xao-động vì các sự vui hay khổ. Khi lục-căn trở nên thanh-tịnh, thầy tỳ-khưu phát tâm thoả-thích, vừa lòng.

Như thế gọi là thầy tỳ-khưu biết thu-thúc lục-căn".

"Này Ðại-Vương, còn thế nào mới gọi là thầy tỳ-khưu có sự ghi nhớ và biết mình?"

"Trong điều này, khi thầy tỳ-khưu đi tới, phải biết rằng mình đi tới, khi đi lui, cũng phải biết mình đi lui, khi ngó phía trước, xem chung-quanh, đứng một chỗ hay khi nằm, lúc mặc y, mang bát, bát ở bên trong, y phủ bên ngoài, lúc độ vật thực, đi tiểu-tiện, vân-vân ... mỗi-mỗi đều phải biết mình.

Như thế gọi là thầy tỳ-khưu có sự ghi nhớ và biết mình".

"Này Ðại-Vương, còn thế nào mới gọi là thầy tỳ-khưu có đức tri-túc?"

"Trong điều này, thầy tỳ-khưu phải có tâm vừa lòng, thỏa-thích, khi có cái y để che thân, có chút ít vật thực để nuôi mạng sống. Ði đến đâu, người chỉ đem theo có bấy nhiêu.

Như thế gọi là thầy tỳ-khưu có đức tri-túc".

5- Phần Định

"Khi thầy tỳ-khưu giữ gìn giới-luật được trong sạch, biết thu-thúc lục-căn cho thanh-tịnh, có sự ghi nhớ biết mình và có đức tri-túc rồi, thì phải tìm một nơi thanh-vắng, hoặc nơi nhà bỏ trống, trong rừng, dưới cội cây, trên ngọn đồi, trong hang đá, nơi mộ-địa hay một đống rơm ngoài đồng trống. Sau lúc đi trì-bình trở về, độ ngọ xong, thầy tỳ-khưu ngồi bán-già, thân mình ngay thẳng, chăm chú vào pháp thiền-định".

A) Diệt trừ năm điều chướng-ngại:

1) Phá-tan được sự tham muốn ngũ-trần, thầy tỳ-khưu phát tâm trong sạch và thơ-thới;
2) Phá-tan được sự thù-oán, giận-hờn, thầy tỳ-khưu phát tâm từ-bi, thương-xót tất cả chúng-sinh;
3) Phá-tan được sự lười-biếng, thầy tỳ-khưu trở nên siêng-năng, sáng-suốt, biết mình;
4) Phá-tan sự phóng-tâm, thầy tỳ-khưu trở nên bình-tĩnh và không xao-lãng;
5) Phá-tan sự hoài-nghi, thầy tỳ-khưu có sự tin chắc về đạo quả của bậc thánh-nhân.

"Này Ðại-Vương, không khác nào một người kia trả được xong món nợ, được qua khỏi cơn bệnh, được ra khỏi khám đường, khỏi làm tôi mọi, tìm được đường để ra khỏi bãi sa-mạc. Thầy tỳ-khưu rất vui lòng, toại-nguyện, khi đã thoát khỏi năm điều chướng-ngại ấy".

B) Ðắc thiền-định:

"Khi đã tẩy-trừ được năm điều chướng-ngại rồi, lần-lần với tâm cố gắng, quả-quyết thực-hành những pháp cao-thượng, thầy tỳ-khưu đắc được bốn bậc thiền-định[8]. Chừng ấy, thầy tỳ-khưu trở nên trong sạch, nhẹ-nhàng, luôn-luôn vui thích trong chánh pháp".

6- Phần Huệ

A) Thấy rõ ba tướng: Vô-thường, Khổ-não, Vô-ngã

"Với cái tâm an-định, trong sạch, không nao-núng, không còn tham-dục ấy, thầy tỳ-khưu quán tưởng[9] cho thấy rằng: "Ðây là thân của ta, nó do bốn chất (tứ đại): đất, nước, gió, lửa tạo thành. Thân này do cha mẹ sinh ra, được nuôi dưỡng bằng sữa, bằng cơm, và phải bị rã rời, tiêu hoại. Còn đây là tâm của ta. Tâm này nương theo xác thân tứ-đại và phải chịu số-phận của ba tướng: vô-thường, khổ-não và vô-ngã".

B) Ðắc các phép thần-thông, thiên-nhĩ-thông, tha-tâm-thông, túc-mạng-thông, thiên-nhãn-thông và lậu-tận-thông

"Với cái tâm an-định và cái chí tinh-tấn của mình, lần-lần thầy tỳ-khưu đắc được:

1) Các phép thần-thông, như là: bay trên hư không, đi trên mặt nước, chun xuống đất, hoá hình, vân-vân ...;

2) Thiên-nhĩ-thông: với phép mầu này, thầy tỳ-khưu có thể nghe được tiếng của chư-thiên và tiếng người, bất cứ xa hay gần;

3) Tha-tâm-thông: với phép mầu này, thầy tỳ-khưu có thể đoán biết được tư-tưởng của kẻ khác;

4) Túc-mạng-thông: với phép mầu này, thầy tỳ-khưu có thể nhớ lại các tiền-kiếp của mình. Thầy tỳ-khưu biết rằng kiếp nào mình có tên gì, thuộc về giòng-dõi nào, làm nghề gì, vui khổ ra sao, lúc chết thế nào, rồi được tái-sanh lại ở chỗ nào, có tên họ chi, vân-vân ... mỗi-mỗi đều nhớ rõ;

5) Thiên-nhãn-thông: với phép mầu này, thầy tỳ-khưu có thể thấy rõ cách sanh diệt của tất cả chúng-sinh. Người thấy các sinh-vật đuợc sanh lên rồi bị diệt, diệt rồi lại tái-sanh, trong mỗi kiếp được vui hay khổ, sang hay hèn, tùy theo duyên nghiệp. Người thấy rõ rằng chúng-sinh nào có tà kiến, hay khinh rẻ những bậc hiền-triết, hằng làm việc dữ do Thân, Khẩu, Ý; sau khi chết, phải chịu khổ trong cảnh địa-ngục. Còn chúng-sinh nào có chánh-kiến, biết kính-trọng những bậc đạo-đức, hằng làm việc lành do Thân, Khẩu, Ý; sau khi chết, được huởng quả vui nơi cõi trời.

6) Lậu-tận-thông: với phép mầu này, thầy tỳ-khưu thấu rõ được lý "Tứ Diệu Ðế" và phương-pháp diệt trừ phiền-não: Tham, Sân, Si. Người biết rằng đây là sự khổ, đây là nguyên-nhân của sự khổ, đây là sự diệt khổ và đây là con đường diệt khổ. Người biết rằng đó là nguyên-nhân làm cho phát-sinh phiền-não và đó là con đường để tẩy-trừ phiền-não. Khi thầy tỳ-khưu thấu rõ lý "Tứ Diệu Ðế" và phương-pháp diệt trừ phiền-não rồi, thì tâm người được giải-thoát ra khỏi những sự: tham-dục, sân-hận, si-mê, và màn vô-minh cũng tận-diệt. Ðạt được trí-huệ giải-thoát, thầy tỳ-khưu biết rằng đời đạo-đức mình đã được sống đầy đủ, việc nên làm, mình đã làm rồi, và chẳng còn phận-sự gì ở thế-gian này nữa".

7- Sự hối-hận của đức vua Adjasattu

Tới đây, vua Adjasattu bạch với Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn, tuyệt-diệu thay! Tuyệt-diệu thay! Như người ta đỡ đứng dậy những vật chi ngã, tìm được vật gì bị giấu kỹ, chỉ nẻo cho người lạc lối, đem ngọn đuốc vào chỗ tối-tăm cho người có mắt thấy rõ mọi vật thế nào? Bạch Ðức Thế Tôn, cũng như thế ấy, Ðức Thế Tôn đã giải rõ giáo-pháp cho trẫm nghe nhiều cách khác nhau. Vậy trẫm xin nương nhờ nơi Phật, nơi Pháp, nơi Tăng. Xin Ðức Thế Tôn nhận trẫm là người thiện-nam kể từ nay cho đến trọn đời. Bạch Ðức Thế Tôn, vì có tâm hung-dữ, si-mê, lầm-lẫn, và muốn đoạt ngôi vàng, nên trẫm đã lỡ tay sát hại đấng phụ-vương là một vị vua công-bình và đức-hạnh. Bạch Ðức Thế Tôn, vậy trẫm xin sám-hối tội-lỗi đã qua, để trẫm lo làm lành kể từ đây cho đến trọn đời".

- "Này Ðại-Vương, quả thật vậy. Thuở trước kia, vì có tâm hung-dữ, si-mê, lầm-lạc, muốn đoạt ngôi vàng, nên Ðại-Vương lỡ sát hại cha lành. Như Lai nhận lời thú-tội của Ðại-Vương. Vì người nào biết ăn-năn, sám-hối tội-lỗi đã làm, người ấy đã được tấn-hóa trong giáo-pháp của Như Lai vậy".

Tới đây, đức vua Adjasattu đứng dậy từ-giã Ðức Thế Tôn như vầy: "Bạch Ðức Thế Tôn, trẫm xin cáo-từ Ðức Thế Tôn, vì trẫm còn nhiều công việc phải làm".

- "Xin Ðại-Vương cứ việc tùy-tiện".

Sau khi nhà vua đi rồi, Ðức Phật liền thuyết các vị tỳ-khưu nghe như vầy: "Này các thầy tỳ-khưu, nhà vua rất ăn-năn, sám-hối. Nếu trước kia không có phạm-tội giết cha, thì nội trong đêm nay đạo quả thánh-nhân sẽ mở rộng cho người chẳng sai".

-- DĨGHA NIKÃYA

 

Cái hại của ngũ-trần

Ðức Thế Tôn có thuyết như vầy: "Hỡi các thầy tỳ-khưu! Trên dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, có một vùng nọ mà bề giao-thông rất cam go, bất-tiện. Vùng ấy không phải dành riêng cho loài khỉ, mà cũng chẳng thuộc quyền sở-hữu của loài người. Có một vùng khác nữa, cũng khó-khăn, hiểm-trở như thế, để cho loài khỉ an-trú, nhưng hàng nhân-loại rất khó bề xâm-nhập được. Lại có những cánh đồng bằng, rộng-rãi phì-nhiêu, để cho cả loài khỉ và loài người cùng sinh-sống. Hỡi các thầy tỳ-khưu! Chính tại chốn này, trên những đường mòn, mà các bầy khỉ thường lui tới, người thợ săn có đặt một cái bẫy bằng nhựa cây. Khi ấy, những con khỉ nào sáng-suốt, không tham ăn, dòm thấy cái bẫy nhựa đều nhảy ngang qua để tránh. Nhưng có một con khỉ kia dốt, tham ăn, men lại gần, lấy một chân rờ lên bẫy. Chân ấy bị dính vào chất nhựa. Nó bèn nghĩ rằng: "Vậy ta hãy gỡ chân ấy ra". Nó để một chân khác lên bẫy, nhưng cũng bị dính luôn. Muốn gỡ hai chân trước, nó để thêm một cái chân thứ ba. Muốn gỡ chân thứ ba, nó đặt thêm cái chân thứ tư, rồi cũng dính nốt. Rốt cuộc, muốn giải-thoát cả bốn chân kia, nó liền kê mỏ vào bẫy, nhưng cũng bị dính luôn vào chất nhựa".

"Như thế, con khỉ bị vướng vào bẫy nhựa năm lần, lăn lộn, la rên. Nó đã lọt vào cảnh khổ, bị sa vào chốn diệt-vong. Nó là con thịt mà người thợ săn muốn xử-dụng cách nào tùy-ý. Người thợ săn phanh thây nó ra, để nướng lên trên lò lửa, ăn uống no-nê rồi rời khỏi chốn ấy, đi về nơi khác theo sở-thích".

"Kẻ nào bước chân vào đồng cỏ bị ngăn-cấm, vào những vùng thuộc quyền sở-hữu của kẻ khác, phải bị khổ-não như vậy đó. Hỡi các thầy tỳ-khưu! Các ngươi chẳng nên hành-trình sai-lạc như thế. Những kẻ nào lâm vào chỗ không phù-hợp với địa-vị mình, tức nhiên phải bị ma-vương men đến gần để hãm-hại chẳng sai. Này các thầy tỳ-khưu, mà thế nào mới gọi là đồng cỏ bị ngăn-cấm, là vùng đất thuộc quyền sở-hữu của kẻ khác? Chính là ngũ-trần vậy. Mà những ngũ-trần ấy như thế nào? Là những sắc do mắt trông thấy, những tiếng do lỗ tai nghe, những vật thơm do mũi ngửi, những vị ngon do lưỡi nếm, những sự vừa lòng do thân đụng chạm. Hỡi các thầy tỳ-khưu! Ðó là đồng cỏ bị ngăn-cấm, thuộc quyền sở-hữu của kẻ khác vậy. Này các thầy tỳ-khưu, các ngươi nên đi vào đồng cỏ nào không bị ngăn-cấm, thuộc quyền sở-hữu của các ngươi và phù-hợp với địa-vị các ngươi. Những kẻ nào biết hành-trình chân-chánh như thế, ma-vương không tài nào men đến gần để hãm-hại được. Hỡi các thầy tỳ-khưu! Vậy chớ đồng cỏ không bị ngăn-cấm và phù-hợp cho người hành đạo ra thế nào? Chính là bốn pháp niệm tưởng (Tứ Niệm Xứ) vậy. Mà bốn pháp ấy như thế nào? Muốn biết rõ chúng nó, thầy tỳ-khưu nên luôn-luôn cương-quyết, chăm-chú biết mình. Thầy tỳ-khưu nên quán tưởng cho thấy rõ thân trong thân, thấy thọ trong thọ, thấy tâm trong tâm, thấy pháp trong pháp, thảy thảy như nhau, chẳng phải riêng-biệt. Khi đã thấy rõ như vậy, thầy tỳ-khưu không để cho sự vui thích về ái-dục, hoặc-giả những sự thất-vọng, khổ-não của đời lung-lạc mình được. Ðó là cánh đồng cỏ không bị ngăn-cấm, là vùng đất phù-hợp cho người hành đạo vậy".

-- SAMMYUTTA NIKÃYA

Lời của soạn-giả:

Ðức Thế Tôn thuyết ra thời pháp trên đây để nhắc nhở hàng xuất-gia về sự tai-hại của ngũ-trần. Ngài ví ngũ-trần như cánh đồng cỏ bị ngăn-cấm, không cho ai léo-hánh đến, như một vùng kia thuộc quyền sở-hữu của kẻ khác. Những bậc tu-hành sáng-suốt, mong tìm sự giải-thoát, không nên sa-lạc vào nơi ấy để khỏi bị đau-đớn, khổ-não, vì sự cám-dỗ và hãm-hại của ma-vương. Cũng như con khỉ kia, đã mang tánh ngu-ngốc, ham ăn, đáng lẽ phải ở tận chốn sơn-lâm là nơi phù-hợp cho sự sinh-hoạt của nó, lại đi tìm len-lỏi vào chốn đồng bằng phì-nhiêu để thân-cận với loài người. Nên chi anh thợ rừng (ma-vương) mới có dịp gài bẫy, bắt nó đem đi sát hại để làm vật thực sở-thích.

Ðức Phật dạy các thầy tỳ-khưu nên chọn lấy đồng cỏ nào không bị ngăn-cấm, vùng đất nào phù-hợp với địa-vị mình, tức là bốn pháp ềTứ Niệm Xứ", làm phương-pháp quán tưởng để diệt trừ cái tâm ái-dục, ngã-chấp, lầm-lạc trong ngũ-trần ảo-ảnh, để thấy rõ ba tướng: vô-thường, khổ-não và vô-ngã của vạn-vật.

Quán tưởng về sự chết

Ðức Thế Tôn có thuyết như vầy:

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Tư-cách quán tưởng về sự chết, nếu con người chú-tâm đến nó, biết dùng nó làm một phương-tiện, thì sẽ được nhiều quả-báo và lợi-ích chẳng sai; chừng ấy con người sẽ được thấm-nhuần trong cái không chết, sẽ được thành-tựu trong cái không chết. Tại sao vậy?"

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! các ngươi thử nghĩ rằng có một bậc hành-giả kia, khi mặt trời vừa khuất bóng, trong đêm tối, quán tưởng rằng: "Thật vậy, biết bao nhiêu điều nguy-hiểm, tai-hại, có thể làm cho ta phải chết: một con rắn độc, một con bò cạp, một con rít có thể mổ cắn làm cho ta phải chết và đó là một trở-ngại cho bề hành đạo của ta. Ta có thể vấp té; vật thực ta dùng có thể làm cho ta mang bệnh; mật có thể làm lay-chuyển gân cốt; đàm có thể xâm-nhập vào thân làm cho ta phát lên run-rẩy; hoặc giả có những hạng phi-nhân toan hãm-hại ta ... vì vậy mà ta phải chết và đó là một trở-ngại cho bề hành đạo của ta".

"Lúc ấy, hành-giả lại quán tưởng rằng: "Vậy chớ hiện bây giờ đây, trong thân tâm ta còn sót những tật xấu nào, những nết sai-lầm nào chưa được chừa cải, và chúng nó có thể làm trở-ngại cho bề hành đạo của ta? Mà nếu ta phải chết nội trong đêm nay, thì sẽ ra sao?" Nếu sau khi suy xét, thấy mình chưa diệt được các ác pháp kia, thì hành-giả cần phải gây cho mình một tâm chí cố gắng, tinh-tấn chiến-đấu, luôn-luôn chăm chú biết mình, không nài khó nhọc, để ráng thực-hành những pháp cao-siêu".

"Này các thầy tỳ-khưu, như khăn hay tóc của mình đang bị lửa cháy, hành-giả cần phải cố gắng, tinh-tấn chiến-đấu, chăm chú biết mình, ráng sức để dập tắt ngọn lửa kia như thế nào thì hành-giả cũng phải ráng gây cho mình một tâm chí cố gắng, tinh-tấn chiến-đấu, luôn-luôn chăm-chú biết mình, không nài khó nhọc, để diệt-tận những điều xấu-xa, lầm-lạc".

"Nhưng nếu sau khi suy xét, hành-giả thấy không còn tật xấu-xa, lầm-lạc nào chưa trừ-tuyệt, và có thể làm trở-ngại cho bề hành đạo của mình, mà nếu mình phải chết nội trong đêm nay, chừng ấy hành-giả phát tâm toại-chí, hài-lòng, hăng-hái trau-giồi ngày đêm cho được tinh-vi thêm những pháp mà mình đã có".

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! tư-cách quán tưởng về sự chết, nếu con người hằng chú-tâm đến nó, biết dùng nó làm một phương-tiện, thì sẽ được nhiều quả-báo và lợi-ích chẳng sai. Chừng ấy, con người sẽ được thấm-nhuần trong cái không chết, sẽ được thành-tựu trong cái không chết".

-- ANGUTTARA NIKÃYA

Lời của soạn-giả:

Tất cả chúng-sinh, vì chẳng thấu lẽ vô-thường, khổ-não, vô-ngã của vạn-vật, nên hay hờ-hững, để cho trần cảnh lôi cuốn vào mảnh lưới của tam-giới, phải luân-hồi, chuyển-kiếp luôn-luôn, không sao thoát-ly ra khỏi thế-lực của ma-vương đặng.

Muốn nhắc-nhở hàng nhân-loại để khỏi say mê trong miếng mồi dương-thế, Ðức Phật có truyền pháp quán tưởng về sự chết. Các bậc thiện-trí-thức ví cái chết như chất đất bao-phủ trên đầu tay nấm, khi nó vừa trồi lên khỏi mặt đất; như mặt trời ló mọc từ đông để khuất bóng về tây; như điểm sương-sa trên ngọn cỏ buổi mai phải biến tan dưới sức nóng của thái-dương trong chốc lát; như tảng đá từ trên núi cao rơi xuống, mang theo các loài thảo-mộc dính quanh mình... Nói cho dễ hiểu, khi nào cái sanh được phát khởi, thì luôn-luôn có cái diệt đi kèm một bên.

Vì lẽ đó, người nào quán tưởng thường-thường về cái chết, ắt đâm ra chán-nản cõi đời giả tạm, nhờm gớm tất cả những vật hữu-vi, mộng-ảo, chẳng còn chấp rằng: Ðây là ta, đây là người, đây là của ta, đây là của người, vân-vân ... Chừng ấy, mùi vị của đạo xuất thế-gian mới bắt đầu thâm-nhiễm vào trí óc con người tinh-khiết.

Trên đây, Ðức Thế Tôn dạy hàng xuất-gia luôn-luôn niệm tưởng về sự chết xảy ra bất-ngờ, có thể ngăn trở bề hành đạo của mình. Nhờ suy xét thường về cái chết mà hành-giả phát tâm cố gắng, cương-quyết trên đường giải-thoát.

 

-ooOoo-

Đầu trang | 00 || 11 | 12 | 13 | 14 | 15 || 21 | 22 | 23 | 24 | 25 || 31 | 32 | 33 | 34 | 35


[Trở về trang Thư Mục]

updated: 19-04-2002



[1] Có nhiều hạng Phạm Thiên được hưởng tuổi thọ lâu hơn nhân-loại.

[2] Vua A Xà Thế.

[3] Lời của Ngài A-Nan.

[4] Ngày giới của Bà La Môn Giáo, mỗi tháng có 4 ngày như vậy, để cho các tín-đồ làm lễ tế thần bằng nước cam-lộ (Soma) hoặc bằng cách sát hại sinh-vật để lấy máu cúng dường.

[5] Tu theo ngoại-đạo.

[6] Xin được vật chi dùng vật nấy, không hành-động sái giới bổn của Ðức Phật để nuôi mạng sống.

[7] Trái cây nào mà hột còn có thể gieo trồng đặng.

[8] Xin xem phép chánh-định của Ðại-Ðức Hộ-Tông.

[9] Phép Minh-sát.