BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Pháp Duyên Khởi (Paticcasamuppàda)
Ðại Trưởng Lão Mahàsi Sayadaw - Tỳ kheo Minh Huệ dịch Việt


  

[Phần 1]

-oOo-

Tầm Quan Trọng Của Giáo Pháp

Duyên khởi là pháp rất quan trọng trong giáo lý nhà Phật. Bồ tát của chúng ta đã thiền quán rất sâu đậm về pháp duyên khởi này khi Ngài suy xét về bản chất của kiếp sống và đã chứng ngộ giải thoát. Cũng như các vị Bồ tát khác, đầu tiên Bồ tát của chúng ta đã quán niệm về Lão và Tử khi Ngài sắp thành Phật ở kiếp chót. Chỉ sau khi thấy người già, người bịnh và người chết, Bồ tát của chúng ta mới thấy một vị Sa môn và do nhân đó mà từ bỏ thế gian để tầm cầu pháp không già và không chết. Ngài trông thấy những điều tệ hại của đời sống đang hiện hữu trong sự già, bịnh và chết.

Mọi chúng sanh điều muốn tránh những sự khổ này, nhưng chúng cứ mãi bám theo họ từ kiếp này sang kiếp khác, liên tục, không cùng tận. Trong chuỗi đời tử sanh vô tận, tất cả chúng sanh tựa như đang sống trong ngục tù trói trăn và phải nếm đủ mọi điều đắng cay, khổ lụy. Ðời sống quả thật là chuỗi dài tử sanh vô định. Bây giờ hãy nhìn xem số phận bi thảm của gà vịt, một số bị người ta ăn thịt ngay khi còn nằm trong trứng, nếu thoát ra khỏi trứng thì chúng cũng chỉ sống thêm một thời gian ngắn, để rồi bị giết thịt. Chúng hiện hữu để bị giết chết, để làm vật thực cho loài người. Nếu số phận của một chúng sanh là phải bị giết hoài như vậy thì quả thật là đen tối và đáng sợ. Nhưng xem ra loài gà vịt rất vừa lòng với kiếp sống của chúng. Rõ ràng chúng rất yêu đời, kêu gáy rổn rảng, ăn và nô giỡn tung tăng, có khi chọi đá lẫn nhau. Có thể chúng cho rằng chúng có nhiều thời gian để sống, dẫu trên thực tế thời gian để chúng vui sướng chẳng được là bao. Quãng đời của chúng chỉ được tính bằng ngày hoặc tháng, sanh ra rồi chết sau một thời gian ngắn.

Thọ mạng của con người cũng vậy thôi, chẳng kể là bao. Ðối với người đã sống năm mươi hoặc sáu mươi năm tưởng lại như mới hôm qua. Sáu mươi năm hoặc bảy mươi năm so với đời sống của một vị Chư thiên chỉ là một ngày, nhưng dưới mắt các vị Phạm thiên thì thời gian như vậy thật rất ngắn ngủi, vì họ sống lâu hằng đại kiếp của quả đất. Nhưng so với chuỗi luân hồi bất tận, đời sống của các vị Phạm-thiên chỉ được ví như một nháy mắt mà thôi. Chư thiên và Phạm thiên cuối cùng rồi cũng già và chết, dầu họ không hề bị bịnh hay có dấu hiệu lẩm cẩm, sự già lão vẫn âm thầm nuốt dần thời gian của họ. Tóm lại, mọi chúng sanh đều phải đối diện với cái già và cái chết, không ai có thể thoát khỏi những điều đau khổ của kiếp sống.

Phương Pháp Tỉnh Giác Của Bồ Tát

Khi tỉnh sát về nguồn gốc của lão tử, Bồ tát quán ngược chuỗi nhân duyên từ cuối đến bắt đầu. Lão tử có nguồn gốc là Tái sanh, mà Tái sanh do Nghiệp hữu làm duyên sanh, Nghiệp hữu phát sanh từ Thủ, Thủ thì do Ái làm duyên sanh, Ái phát sanh từ Thọ, Thọ phát sanh từ Thập nhị xứ (àyatana) như mắt, cảnh sắc, vân vân; Thập nhị xứ là sản phẩm của Danh sắc (nàmarùpa), Danh sắc là kết quả của Thức (vinnàna), Thức lại do Danh sắc làm duyên.

Những bài kinh Pàli mô tả đầy đủ về Pháp duyên khởi thì cho rằng: Thức do Hành và Hành do Vô minh, nhưng trong sự quán trạch của Bồ tát chỉ giới hạn trong sự tương duyên giữa Thức và Danh sắc, không xét đến mối liên hệ của phần trên với kiếp sống quá khứ. Do đó, chúng ta có thể cho rằng: đối với các hành giả chỉ cần quán xét đời sống hiện tại cũng đủ để đảm bảo sự thành công trong việc thực hành minh sát.

Tùy Thuận Quán (quán xuôi)

Bồ tát quán xét về mối tương duyên giữa Thức và Danh sắc như vầy: "Thức này chẳng có nguyên nhân nào khác ngoài Danh sắc. Do Danh sắc làm nhân, kết quả là Thức. Do duyên Thức, Danh sắc phát sanh. Từ mối tương duyên giữa Thức và Danh sắc mới có Sanh và Lão tử, có thể có những sự sanh nối tiếp nhau hay tử nối tiếp nhau".

Hơn nữa, Thức tạo ra Danh sắc, Danh sắc tạo ra các Xứ, các Xứ làm sanh khởi Xúc, Xúc dẫn đến Thọ, Thọ làm duyên cho Ái phát sanh, Ái sanh Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu cho kết quả là Tái-sanh dẫn đến Lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não và những loại khổ khác của thân tâm.

Rồi Bồ tát quán sự diệt của chuỗi nhân duyên: "Nếu không có Thức thì không thể có Danh sắc, nếu không có Danh sắc thì không có các Xứ và cứ như thế". Sự diệt của mắt xích đầu tiên trong chuỗi nhân duyên dẫn đến sự chấm dứt khổ vốn theo sát chúng ta không ngừng trong vô số kiếp sống luân hồi. Sau khi quán sự sanh và diệt của chuỗi nhân duyên, Bồ tát quán về tánh chất của các thủ uẩn. Rồi Ngài chứng đắc lần lượt các Ðạo quả từ Thánh đạo và cuối cùng trở thành Ðức Phật Chánh biến tri. Chư vị Bồ tát đều chứng đắc Tối thượng giác sau khi thực hành pháp như vậy, các Ngài tự biết cách quán thế nào và quán cái gì, chẳng phải do ai khác chỉ dạy, do chính các pháp Ba-la-mật mà các Ngài đã tu tập viên thành trải qua vô số kiếp.

Vượt Ngoài Lý Luận Và Suy Ðoán

Khi đến lúc để Ðức Phật lăn bánh xe Diệu pháp, Ngài suy xét như vầy: "Pháp mà ta đã chứng ngộ quả thật rất cao siêu, Pháp ấy khó liễu tri, cao siêu và dẫn đến an tịnh nội tâm. Không thể dùng trí phán đoán hay suy luận để thấy được pháp ấy. Pháp có tánh vi diệu và chỉ những bậc trí tuệ mới có thể giác ngộ được".

Các triết gia trên thế giới đã vận dụng mọi khả năng hiểu biết, để tìm con đường thoát ly già, bịnh và chết. Nhưng sự giải thoát khỏi những điều khổ này có nghĩa là Niết-bàn, mà Niết-bàn không thể dùng suy luận và sự hiểu biết thường tình để đạt đến được. Người ta chỉ có thể chứng ngộ Niết-bàn bằng pháp Trung đạo và Minh sát (vipassanà). Hầu hết các triết gia đều dựa vào lý trí và óc suy luận, căn cứ vào đó họ đã xây dựng nhiều học thuyết khác nhau với mục đích đem lại hạnh phúc cho chúng sanh. Nhưng vì những học thuyết này chỉ dựa vào suy luận nên không giúp người ta chứng ngộ tuệ quán. Chớ nói chi đến Niết-bàn là mục tiêu rốt ráo, ngay cả giai đoạn thấp nhất của tuệ quán, là tuệ Phân biệt danh sắc, cũng không thể đạt được bằng con đường suy luận.

Tuệ quán chỉ phát sanh trong tâm hành giả bằng sự tu tập về Chỉ và Quán. Qua đó, hành giả quan sát quá trình diễn tiến của danh-sắc theo đúng với pháp Tứ niệm xứ và phân biệt giữa thức và sắc, như tâm muốn co tay và tay co lại, hoặc tai với âm thanh là một mối và nhĩ thức là mối khác v.v... Trí tuệ như vậy không mơ hồ, không duy lý, nó sống động và thực nghiệm.

Kinh điển cho rằng danh sắc là một dòng trôi chảy liên tục, khuyên chúng ta nên quan sát sự sanh và diệt của chúng. Nhưng với người sơ cơ thì nói dễ hơn làm. Hành giả bước đầu phải cố gắng nhiều để vượt qua năm triền cái. Thoát khỏi năm triền cái chỉ giúp hành giả phân biệt danh và sắc mà thôi, nhưng không đảm bảo sẽ đạt được trí phân biệt sự sanh và diệt của chúng. Trí này chỉ đạt được sau khi đã tu tập Ðịnh và Tưởng đến mức kiên cố qua pháp Niệm. Thường xuyên niệm về sự sanh và diệt sẽ dẫn đến tuệ quán thấy vô thường, khổ và vô ngã của tất cả các pháp. Nhưng vì chỉ là sự khởi đầu của pháp Minh sát bậc thấp, nên tuệ này còn cách xa Ðạo và Quả. Như vậy Pháp là cái gì đó vượt ngoài suy lý.

Pháp Dành Cho Những Người Có Trí

Pháp rất vi diệu (nipuna), chỉ những người có trí mới giác ngộ được (panditavedaniyo). Ở đây, bậc có trí là người có trí tuệ liên quan đến Vipassanà (minh sát) và Ðạo quả. Pháp không thể có được trong trí suy luận của các triết gia, giáo chủ, văn sĩ hay các khoa học gia đại tài có thể chia chẻ nguyên tử. Nhưng pháp ấy có thể hiện ra trong tâm của bất cứ ai, bất luận nam nữ, tuổi tác hay học vấn, nếu người ấy có thực hành pháp quán về danh sắc khi chúng đang sanh khởi. Pháp ấy càng rõ ràng hơn tromg tâm của những người đang trải qua các giai đoạn của tuệ quán và chứng đắc Thánh đạo cùng Thánh quả.

Khi dò xét căn tánh của tất cả chúng sanh, Ðức Phật thấy rằng hầu hết chúng sanh đều bị thâm nhiễm dục lạc. Dĩ nhiên cũng có một vài ngoại lệ, như năm người bạn đồng tu với Thái tử Sĩ Ðạt Ta trong khu rừng khổ hạnh hay hai vị Bà la môn mà về sau trở thành hai đại đệ tử của Ðức Phật. Còn đa số nhân loại đều xem dục lạc là nguồn hạnh phúc lớn nhất trong đời. Họ giống như những đứa trẻ suốt ngày vui thích với nhũng món đồ chơi của trẻ con mà không có ý nghĩa gì đối với những người lớn tuổi, nhưng những người lớn tuổi cũng tìm khoái lạc trong những trò chơi nhục dục của thế gian. Dục lạc như vậy không còn hấp dẫn chư Phật và chư vị A-la-hán. Những kẻ phàm phu và chư Thiên đều quí trọng nó,vì họ không thấy được những giá trị cao hơn như các tầng thiền, minh sát và Niết-bàn.

Người vui thích với dục lạc như vậy được ví như người nông dân sống ở miền nông thôn hẻo lánh. Dưới mắt những người thành thị thì những vùng như vậy được xem là những nơi lạc hậu, nghèo nàn, tối tăm và bịnh hoạn, nhưng dân chúng ở miền quê thì thấy hạnh phúc thoải mái và không hề có ý xa rời quê hương của mình. Chư thiên và nhân loại vui thích trong dục lạc cũng giống như những người dân quê ấy, dù Giáo pháp của Ðức Phật như thế nào chăng nữa, họ cũng chỉ thích lạc thú của thế gian và suốt đời đắm chìm trong đó. Thiếu vật dục thì họ cảm thấy không thoải mái, họ rất say mê và bận bịu với gia đình, tài sản, người ăn kẻ ở, đến nỗi họ không thể nghĩ gì cao siêu hơn mớ dục lạc đang nhan nhãn trước mắt họ.

Chính vì sự say mê dục lạc nên họ khó có thể hiểu được pháp Duyên khởi và Niết-bàn vi diệu thậm thâm.

Khó Lãnh Hội

Giáo pháp của Ðức Phật sở dĩ ít hấp dẫn đại đa số vì pháp ấy đi ngược với lòng ham nuốn dục lạc của họ. Dầu một bài pháp đơn giản họ cũng không thích chớ nói chi đến bài pháp về Niết-bàn, vì pháp ấy không có hương vị của dục lạc. Xem ra họ không thích thú trong bài pháp của chúng tôi, bởi vì không hoa văn ướt át, không có những câu chuyện tình tứ lâm ly, những chuyện tiếu lâm giải trí và những điều hấp dẫn khác. Những ai đã thực hành minh sát hay muốn học hỏi giáo pháp để đoạn diệt ô nhiễm, chỉ những người ấy mới chấp nhận giáo pháp của Ðức Phật. Nhưng nếu xem thường những bài pháp có chứa những câu chuyện ngụ ngôn khôi hài là điều sai lầm, vì đó là những bài học đạo đức thâm thúy.

Về cơ bản, những bài kinh khác với những bài pháp phổ thông, nội dung của những bài kinh ấy có ý nghĩa rất thâm sâu như: kinh Vô ngã tướng, kinh Ðại niệm xứ... Giáo lý Duyên khởi cũng thuộc về Tạng kinh. Giáo lý ấy phải được xem là Thắng pháp (abhidhamma) vì pháp ấy được thuyết theo cách của Tạng luận (abhidhammapitaka).

Vì bài pháp của chúng tôi là bài pháp không kém phần cao siêu, nên một số người lầm lẫn cho đó là Thắng pháp và không thể lãnh hội được, càng khó hơn là Ðạo và Niết-bàn mà pháp ấy nhấn mạnh đến. Giáo lý duyên khởi sở dĩ khó hiểu vì bàn về mối tương quan giữa nhân và quả, trước khi Ðức Phật tuyên thuyết chánh pháp thì sự thật này khó được công nhận.

Các bộ chú giải cũng nêu ra tính chất cao siêu của giáo pháp. Theo các bộ chú giải này, có bốn pháp khó hiểu đó là: Tứ diệu đế, bản chất của chúng sanh, bản chất của sự tái sanh và pháp Tùy thuộc duyên khởi. Khó hiểu được khổ đế, tập đế, diệt đế và khổ diệt đạo đế, khó đi sâu vào bốn chân lý này, giảng giải bốn chân lý ấy đến mọi người lại càng khó khăn hơn.

Thứ hai khó hiểu được rằng: chúng sanh là một tiến trình danh sắc đang diễn ra mà không có cái ta riêng biệt nào, tổng hợp của danh sắc phải đi theo định luật nghiệp báo, là định luật quyết định số phận sau này của mỗi chúng sanh tùy theo ác nghiệp hay thiện nghiệp mà chúng sanh ấy đã gieo tạo.

Thứ ba, khó thấy được rằng sự tái sanh xảy ra do kết quả của phiền não và nghiệp mà không có sự chuyển di của danh sắc từ kiếp sống trước.

Cuối cùng, hiểu được pháp duyên khởi cũng khó như thế. Pháp này bao gồm cả ba pháp trên. Phương tiện tiêu cực của nó liên quan đến hai Thánh đế đầu tiên cũng như bản chất của chúng sanh và sự tái sanh, trong khi đó phương tiện tích cực của pháp duyên khởi thì bao gồm hai Thánh-đế sau. Do vậy, pháp duyên-khởi khó thủ đắc nhất, lại càng khó diễn giải, có lẽ dễ dàng hơn, nếu đem pháp này giảng dạy cho người đã đạt đến Ðạo quả và Niết-bàn, hay người đã học Tam tạng, nhưng với người chưa chứng đắc gì hoặc chưa có kiến thức về Kinh tạng thì sự truyền đạt chẳng được bao nhiêu.

Người biên soạn chú giải về giáo pháp là người có đủ trình độ giải thích giáo pháp, vì người ấy có thể đã chứng đắc các Ðạo bậc thấp hoặc đã thông suốt Tam tạng.

Sở dĩ nhà chú giải nêu ra tính chất khó hiểu của giáo pháp là để lớp hậu thế học hỏi, nghiên cứu giáo pháp một cách nghiêm túc. Vị ấy ví tánh chất khó hiểu như thế giống như cảnh ngộ bi đát của người nhảy xuống biển mà không thể lặn xuống đáy. Nhà chú giải cũng tự thú nhận rằng: Vị ấy biên soạn chú giải dựa vào Tam tạng và những bộ chú giải cổ xưa đã được truyền lại bằng miệng theo đúng truyền thống. Pháp trình bày của chúng tôi cũng như thế ấy, vì pháp này khó giải thích nên hành giả cần phải tịnh tâm chú ý hết sức để tiếp thu. Nếu hành giả theo dõi pháp một cách hời hợt thì sẽ không hiểu được gì cả và không có kiến thức sâu đậm về giáo pháp, phải tiếp tục lang thang trong rừng hoang dã của kiếp sống luân hồi.

Phần chính của pháp duyên khởi như sau:

Do vô minh, hành sanh.
Do duyên hành, thức tái sanh của kiếp sống mới sanh khởi.
Do duyên thức, danh sắc sanh.
Do duyên danh sắc, lục xứ sanh.
Do duyên xứ, xúc sanh.
Do duyên xúc, thọ sanh.
Do duyên thọ, ái sanh.
Do duyên ái, thủ sanh.
Do duyên thủ, nghiệp hữu sanh.
Do duyên hữu, tái sanh sanh sanh.
Và tái sanh dẫn đến lão tử, sầu, bi và ta thán.
Toàn bộ khối đau khổ phát sanh lên như thế.

Thế Nào Là Vô Minh?

Theo kinh Phật dạy, vô minh là không biết bốn Thánh đế, tức là không biết khổ đế, không biết tập đế, không biết diệt đế, và không biết đạo đế. Xét về ý nghĩa tích cực, vô minh có nghĩa là quan niệm sai lầm hay ảo tưởng. Nó khiến chúng ta lầm tưởng cái sai và không thật là đúng và có thật, nó dẫn chúng ta đi sai đường, do đó nó được gọi là tà hành vô minh (micchàpatipatti-avijjà).

Vô minh khác với sự ngu dốt bình thường, không biết tên của một người hay một ngôi làng nào đó thì chưa gọi là hiểu sai, trong khi vô minh trong pháp duyên khởi có ý nghĩa rộng hơn sự ngu dốt, nó có trạng thái lầm lạc như người hoàn toàn mất khả năng định hướng, lầm lẫn hướng Ðông là hướng Tây, hướng Nam là hướng Bắc, người không biết chân lý về khổ thường lạc quan về đời sống mà bản chất thực sự của nó đầy đau khổ.

Tìm chân lý về khổ trong kinh sách quả là điều sai lầm, điều ấy chỉ được tìm thấy trong bản thân của chính mình mà thôi. Sự thấy, sự nghe hay nói chung, tất cả danh sắc đang sanh lên từ sáu căn đều là khổ, sự hiện hữu của các pháp đều mang tính chất vô thường, bất lạc và không đáng ưa thích, nó có thể diệt mất bất cứ lúc nào, nên tất cả đều là khổ, nhưng với người xem sự hiện hữu của họ là phúc lạc thì khó giác ngộ cái lý về sự khổ. Như vậy, họ tầm cầu các cảnh lạc, sắc khả ái, tiếng khả ái, vật thực tốt v.v... Mọi cố gắng đạt cho được những thứ mà họ cho là tốt đẹp trong cuộc sống đều xuất phát từ ảo tưởng về đời sống của họ.

Vô minh ở đây giống như cái kính màu xanh che mắt, khiến con ngựa ăn nhằm cỏ khô lại tưởng là cỏ non. Chúng sanh chìm đắm trong dục lạc, vì họ nhìn mọi thứ qua cặp kính màu hồng, họ mang nặng ảo tưởng về dục trần và danh sắc (bản thân và thế giới chung quanh).

Cũng như người mù dễ bị người ta lừa gạt, một người nào đó bán cho ông ta một món hàng, y bảo đó là vật đắc giá kèm theo những lời tô son vẽ phấn khác, người mù tin thật và suốt ngày yêu thích, gìn giữ vật ấy. Chỉ khi nào mắt sáng trở lại, anh ta sẽ nhận ra tính chất giả tạm của món đồ và sẽ quăng bỏ ngay vật ấy. Cũng vậy, người bị vô minh che mờ, đam mê đời sống mà không biết tánh chất vô thường, khổ và vô ngã của nó, chỉ khi nào thực hành pháp quán về danh sắc, nhờ đó người kia mới thấy được tánh chất bất thiện và đầy đau khổ của kiếp sống, khi ấy anh ta mới tỉnh ngộ.

Pháp quán danh sắc hay thiền Minh sát không nằm trong kiến thức của sách vở, đó là cái nhìn thông suốt và quan sát không gián đoạn quá trình đang diễn ra của danh sắc, tức là các cảnh trần và những tâm thức tương ứng. Pháp hành này giúp hành giả nhận biết đầy đủ về bản chất của chúng. Khi sự định tâm được phát triển mạnh, hành giả sẽ thấy rõ tánh chất đang sanh và đang diệt rất nhanh của chúng, nhờ đó đắc được tuệ quán về tánh chất vô thường, khổ và vô ngã của chúng.

Vô minh làm chúng ta mê mờ, không thấy được bản chất hiện thực, vì chúng ta không chánh niệm. Thất niệm làm sanh khởi ảo tưởng, cho rằng có đàn ông, đàn bà, tay, chân... Xét theo ý nghĩa thường dùng của các tên gọi. Chúng ta không biết rằng sự thấy (đây là ví dụ) chỉ là quá trình của danh và sắc hay quá trình của tâm lý và vật lý rằng, các pháp có sanh và có diệt, tức là có tánh chất vô thường, bất toại nguyện và vô ngã.

Người không hề thực hành thiền quán cuối cùng nhắm mắt mà chẳng biết gì về danh sắc. Người có chánh niệm sẽ nhận thấy bản chất của quá trình danh sắc, nhưng ở giai đoạn đầu, tuệ quán chưa phát sanh được vì định chưa phát triển mạnh. Vô minh hay con đường diễn tiến tự nhiên của tâm thức thường đi trước pháp quán, nên hành giả tu tập bước đầu không đạt được tuệ quán về bản chất của danh-sắc. Chỉ khi nào pháp hành được kiên cố, khi ấy Ðịnh và Tưởng mới mạnh và dẫn đến tuệ quán.

Ví dụ: Trong khi đang thực hành pháp Niệm, nếu hành giả cảm thấy ngứa, vị ấy chỉ biết trạng thái đang ngứa đó thôi, không nghĩ là tay ngứa, chân ngứa hay chỗ nào bị ngứa, cũng không nghĩ rằng: "Ta ngứa", chỉ có cảm thọ ngứa đang sanh khởi liên tục mà thôi. Cảm thọ ấy không kéo dài mãi, mà diệt mất khi hành giả chú tâm niệm vào đó. Tâm quan sát ghi nhận đúng lúc mỗi hiện tượng của danh và sắc, không để cho ảo tưởng về tay, chân, v.v... Sanh khởi lên.

Vô minh ngự trị con người không có chánh niệm và làm cho người ấy không thấy được bản chất bất toại nguyện của tất cả cảnh trần, nó thay khổ bằng lạc. Thật ra, Vô minh có hai ý nghĩa: không biết cái chân thực và quan niệm sai lầm làm méo mó bản chất của hiện thực.

Vì không biết sự thật của khổ (khổ đế) nên người ta mới tầm cầu dục lạc. Như vậy, Vô minh dẫn đến cố gắng tạo nghiệp, tức là Hành (Sankhàra). Theo các bài kinh thì do Vô minh, Hành sanh. Nhưng có hai mắt xích là Ái và Thủ ở giữa Vô minh và Hành. Vô minh làm duyên cho Ái sanh khởi, rồi Ái phát triển thành Thủ, Ái và Thủ nảy sanh từ lòng tham muốn khoái lạc và rõ ràng được nêu ra ở phần giữa của giáo lý duyên khởi. Khi quá khứ được mô tả đầy đủ, thì Vô minh, Ái, Thủ, Nghiệp hữu và Hành được nói đến.

Vô Minh Về Nguồn Gốc Của Khổ

Chúng sanh không biết rằng ái dục là nguồn gốc của khổ, ngược lại, họ cho rằng chỉ có đam mê mới làm cho họ hạnh phúc, không có đam mê thì đời sống thật là buồn chán. Vì thế, họ không ngừng tầm cầu dục lạc, vật thực, y phục, thân hữu, v.v... Nếu không có những thứ nầy thì họ cảm thấy không thoải mái và đời sống đối với họ trở nên đơn điệu.

Phần đông đều cho rằng đời sống mà không có sự lạc quan yêu đời thì quả thật hoàn toàn mất hết khoái lạc. Chính ái dục che mờ tánh chất bất lạc của đời sống và tạo ra hương vị khoái lại cho cuộc đời, nhưng đối với vị A-la-hán đã đoạn trừ ái dục thì sự vui thích với cuộc sống không hề xảy ra, vị ấy hằng hướng đến Niết-bàn, là sự chấm dứt hoàn toàn tất cả khổ.

Ái dục không thể gây ảnh hưởng nhiều đối với những hành giả đã thực hành thuần thục pháp thiền Minh sát. Vì thế, một số hành giả không còn ham thích đời sống nhiều như trước kia. Sau khi hành thiền ở thiền đường hay chỗ tịnh cư nào đó trở về nhà, họ cảm thấy chán cảnh gia đình và sự chung đụng. Trước mắt mọi người, vị hành giả trông như lạnh nhạt với môi trường chung quanh, nhưng trên thực tế, hành vi và cử chỉ của người ấy là dấu hiệu đánh mất sự vui thích trong thế giới hiện tại. Nhưng nếu hành giả ấy vẫn chưa vượt qua được dục lạc, thì trạng thái yểm ly ấy chỉ có tánh chất tạm thời và đến một lúc nào đó anh ta sẽ tự thích ứng với đời sống gia đình. Người nhà của anh ta không cần phải lo lắng về thái độ khác thường ấy, vì có mấy ai trên đời mà không ưa thích đời sống thế tục. Như vậy, hành giả nên tự xét mình đã thật sự yểm ly thế gian được bao nhiêu? Nếu tâm vẫn còn vương vấn dục lạc, hành giả nên tự thấy mình vẫn còn ở trong gọng kềm của ái dục.

Sống mà không có ái dục, chúng ta sẽ cảm thấy vô vị. Với sự tham dự của Vô minh, ái dục khiến chúng ta không thấy được khổ và cho chúng ta cặp kính màu hồng để nhìn thấy thế gian là lạc. Cho nên chúng ta tầm cầu các nguồn dục lạc một cách điên cuồng. Chúng ta hãy xét sự ưa thích phim ảnh, ca kịch của mọi người. Những trò giải trí này làm hao phí khá nhiều thì giờ và tiền bạc, nhưng ái dục đã làm cho họ không thể cưỡng lại được. Ðối với người không thích chúng thì những trò giải trí ấy là những nguồn đau khổ.

Một ví dụ rõ ràng hơn là sự hút thuốc. Người hút thuốt thích hít mùi thơm của thuốc lá, nhưng người không hút thuốc thì xem đó là cái khổ tự mình chuốc lấy, không hút thuốc thì không bị những phiền toái của người hút thuốc. Ái dục là nguồn gốc của đau khổ, cũng có thể thấy được nơi người nhai trầu. Có nhiều người thích nhai trầu, nhưng trên thực tế, đó là thói quen đầy phiền toái.

Cũng như người nghiền thuốc lá và nhai trầu, mọi người đều tìm cách làm thoả mãn ái dục, sự cố gắng khơi dậy ái dục nầy là động lực chính của sự tái sanh, dẫn đến già, bệnh và chết.

Khổ và nguyên nhân của khổ, tức là ái dục, hiển nhiên trong đời sống hằng ngày. Nhưng khó thấy được hai sự thật nầy vì chúng rất thâm sâu và người ta không thể biết được chúng qua suy quán, chỉ có thể biết được qua pháp hành Minh sát.

Vô Minh Về Diệt Ðế Và Ðạo Ðế

Vô minh cũng có nghĩa là không biết về sự chấm dứt khổ và đạo diệt khổ. Hai chân lý này cũng thâm diệu và khó hiểu, vì sự chấm dứt khổ liên quan đến Niết-bàn, mà chỉ qua Thánh đạo mới giác ngộ được, và Ðạo đế chỉ có thể biết được đối với hành giả đã chứng đạo mà thôi. Cho nên phần đông bị Vô minh về hai chân lý này cũng không lấy gì làm ngạc nhiên.

Ở đâu cũng có vô minh về sự chấm dứt khổ, vì thế nhiều tôn-giáo đã mô tả mục tiêu tối thượng "chấm dứt khổ" qua nhiều cách khác nhau. Một số cho rằng đến đúng thời kỳ khổ tự nhiên chấm dứt, số khác cho rằng dục lạc là tốt đẹp nhất và bác bỏ quan niệm kiếp sống vị lai. Sở dĩ có nhiều niềm tin khác nhau như vậy là do Vô minh, không thấy Niết-bàn thật sự, ngay cả những người tu Phật, một số cũng chấp rằng Niết-bàn là một cõi cực lạc hay một loại thiên đàng nào đó và đã có nhiều cuộc tranh luận về Niết-bàn.

Trên thực tế, Niết-bàn là sự chấm dứt hoàn toàn quá trình sanh diệt của danh sắc đã xảy ra không ngừng dựa trên cơ sở mối quan hệ nhân quả. Như vậy, theo lý duyên khởi thì Vô minh, Hành... tạo tiền đề cho danh sắc... sanh khởi. Quá trình nhân quả này có liên quan đến Lão tử và những điều khổ khác trong đời sống. Nếu Vô minh diệt tắt ở Thánh đạo thì những kết quả từ đó cũng diệt theo và kéo theo sự diệt tắt mọi đau khổ. Sự chấm dứt hoàn toàn đau khổ như vậy là Niết-bàn.

Ví dụ: Cây đèn được châm thêm dầu sẽ tiếp tục cháy, nhưng nếu nguồn nhiên liệu bị cắt đứt thì ngọn đèn sẽ tắt hoàn toàn. Cũng vậy, đối với vị hành giả đã chứng đắc Niết-bàn, tất cả mọi nguyên nhân như Vô minh... đều bị diệt tận và tất cả những kết quả nối theo như Tái sanh cũng bị diệt tận, đó là sự chấm dứt khổ hoàn toàn, tức là Niết-bàn.

Quan niệm về Niết-bàn như thế sẽ không hấp dẫn những người quá tham luyến đời sống. Ðối với họ, sự chấm dứt quá trình sinh diễn của danh sắc đồng nghĩa sự chết vĩnh viễn. Tuy nhiên, sự tin tưởng đầy sáng suốt về Niết-bàn là điều cần thiết với hành giả, nhờ đó có sự tinh tấn kiên trì để chứng đạt mục tiêu tối thượng .

Sự hiểu biết về đế thứ tư, tức là chân lý về Ðạo diệt khổ, cũng có tầm quan trọng thiết yếu. Chỉ có Ðức Phật mới có thể công bố chánh đạo, không một ai có thể làm điều ấy được, dầu là chư thiên, Phạm thiên hay người. Cũng có nhiều luận đề, giáo lý bàn về đạo. Một số ủng hộ đạo đức thường tình như bác ái, chủ nghĩa vị tha, nhẫn nại, bố thí. Một số khác thì nhấn mạnh đến các tầng thiền. Tất cả các pháp hành ấy đều đáng tán dương. Nhưng theo giáo lý của Ðức Phật thì những pháp hành ấy chỉ dẫn đến lợi ích tương đối ở các cõi Phạm thiên, nhưng không đảm bảo sự giải thoát cái khổ luân hồi như Lão, tử. Do đó chúng không thành chánh đạo dẫn đến Niết-bàn, dầu chúng là phương tiện hữu ích cho sự phấn đấu để đạt đến Niết-bàn.

Có một số người chọn pháp khổ hạnh như nhịn đói, sống hòa với thiên nhiên. Một số khác thì thờ cúng quỉ thần và những con linh thú. Lại có người sống như loài vật. Theo Phật giáo, những hình thức này là giới cấm thủ, nghĩa là sự thực hành không liên quan đến Bát chánh đạo.

Bát chánh đạo bao gồm: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Ðạo có ba loại: đạo cơ bản, đạo chuẩn bị và Thánh đạo, trong ấy Thánh đạo là chính yếu, nhưng không là mục tiêu tiên khởi của hành giả vì hành giả không phải mất nhiều thời gian và sự tinh tấn cho Thánh đạo. Khi pháp hành Minh sát phát triển đến giai đoạn đạo chuẩn bị thì tuệ quán ở mức độ bậc Thánh sẽ khởi lên trong tích tắc (sát na). Ví dụ như việc tạo ra ngọn lửa chỉ mất nhiều thời gian và sự tinh tấn ở giai đoạn cọ xát hai hòn đá, còn sự bốc cháy là vấn đề chốc lát, tương tự như thế, tuệ quán của Thánh đạo xảy ra tức khắc, nhưng nó bao hàm sự thực hành Minh sát ở giai đoạn đạo chuẩn bị.

Chánh Kiến

Tuệ minh sát là loại trí xảy ra ngay mỗi lúc quán niệm. Hành giả quán sát từng hiện tượng danh sắc đang xảy ra, sẽ giác tri được bản chất thật của nó, như khi hành giả tập trung sự chú ý của mình vào hành động co duỗi cánh tay hay chân, nhờ đó thấy được trạng thái cứng mềm và chuyển động. Ðó là chánh kiến vì thấy được yếu tố cơ bản của gió hay phong đại (vàyodhàtu), nếu không có chánh niệm sẽ bị vô minh hay ảo tưởng cho rằng "đó là cánh tay", "đó là con người"... Khi hành giả có chánh niệm mới thấy được các pháp như thật.

Chánh kiến về cảm thọ trong thân cũng như thế, tức là nhận biết trạng thái nóng lạnh, khổ lạc, hoặc các hoạt động của tâm như tưởng tượng, tư duy... Khi tâm hành giả được tập trung và yên tịnh, vị ấy sẽ thấy được hiện tượng đang sanh diệt của danh sắc, nhờ đó đạt tuệ quán về vô thường, khổ và vô ngã.

Tin chân chánh ám chỉ chánh tư duy và những pháp kết hợp khác của bát chi đạo, tuệ quán của đạo xảy ra khi quán niệm. Nhờ đạt được tuệ biến tri về vô thường, khổ hay vô ngã, hành giả liễu tri Niết-bàn. Như vậy, nếu Niết-bàn được giác ngộ ngay trong hiện tại thì pháp hành minh sát quả thật thiết yếu. Hành giả chưa thể thực hành pháp minh sát thì nên tập trung vào đạo cơ bản, đó là nền tảng của pháp hành minh sát. Ðạo cơ bản nghĩa là sự thực hành những việc thiện do có niềm tin về nghiệp báo. Nói cách khác, đó là sự thực hành pháp bố thí, trì giới... với ước nguyện chứng đạt Niết-bàn. Ðạo cơ bản, đạo chuẩn bị và Thánh đạo hình thành đường lối dẫn đến Niết-bàn, đặc biệt hành giả phải thừa nhận Niết-bàn là pháp đáng ưa thích, đáng tôn dương, đáng quí mến. Sự nhận thức như vậy rất cần thiết cho sự nỗ lực phấn đấu trong pháp hành minh sát. Hành giả cũng phải công nhận con đường minh sát là pháp của bậc Thánh và biết cách thực hành pháp ấy.

Một số người không biết bát chánh đạo là con đường dẫn đến Niết-bàn, lại còn xem thường những việc thiện gieo duyên Niết-bàn của người khác, một số khác lại phản đối lời khuyến giáo và pháp hành của người khác, dầu họ chưa hề thực hành một tí gì về thiền minh sát. Sở dĩ như vậy là vì họ chấp theo tà vạy, những người này đầy dẫy vô minh, không biết bát chánh đạo hay có quan niệm sai lầm về chánh đạo. Do vô minh khiến người ta không biết rằng bố thí, trì giới, tu thiền dẫn đến Niết-bàn, cũng do vô minh khiến người ấy xem bố thí là có hại đến quyền lợi của họ, nhưng do vô minh mà không biết hay có cái nhìn sai lạc về phương pháp chân chánh của pháp thiền minh sát lại càng tệ hại hơn. Không biết chánh đạo là hình thức tệ hại nhất của vô minh, vì nó làm cho mê mờ, không biết việc thiện, lại còn tạo ra ảo tưởng và tà kiến, vì thế ngăn chận con đường dẫn đến hạnh phúc cõi người, cõi trời, chớ nói gì đến Thánh đạo và Niết-bàn.

Tiếc thay, hầu hết mọi người vẫn chìm sâu trong vô minh, không quan tâm đến điều nên làm như bố thí, trì giới, tu thiền .

-ooOoo-

[Mục lục][01] [02] [03] [04] [05] [06] [07] [08] [09] [10] Ðầu trang

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh, Chùa Kỳ Viên, Quận 3, Sài Gòn,
đã gửi tặng phiên bản vi tính. (Bình Anson, 03-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

update: 18-10-2002