BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Pháp Duyên Khởi (Paticcasamuppàda)
Ðại Trưởng Lão Mahàsi Sayadaw - Tỳ kheo Minh Huệ dịch Việt


  

[Phần 9]

-oOo-

Thiền Minh Sát Và Thủ

Pháp hành minh sát cũng được xem là do dục thủ của người tầm cầu sự giải thoát khỏi mọi đau khổ của kiếp sống. Người bình thường phải tu quán để thoát khỏi bốn loại thủ, trong khi các bậc thánh thì phải tu quán để diệt dục thủ. Như vậy, pháp hành minh sát do thủ chi phối. Theo bộ Thanh tịnh đạo và một bộ chú giải khác có tên Sammohavinodani, thì vô minh là nguyên nhân gián tiếp của các thiện nghiệp mà trong đó người ta phải hành thiện để thoát khỏi vô minh, và chú giải cũng nói rằng sự tu tiến (bhàvanà) hay sự thực hành minh sát là một trong những thiện nghiệp ở cõi dục mà người ta phải thực hành để đạt được sự giải thoát như vậy.

Có một thắc mắc là liệu pháp hành minh sát có thể dẫn đến tái sanh hay không? Những bài chú giải của bộ kinh Anguttara-nikàya và bộ Patthàna có nêu ra khả năng như vậy. Theo chú giải bộ Anguttara thì ba loại chánh kiến đầu dẫn đến thiện sanh, còn hai chánh kiến sau, là chánh kiến khởi sanh từ quả của đạo (Phala - sammàditthi) và chánh kiến phát sanh từ pháp hành minh sát thì có khuynh hướng giải thoát.

Tuy nhiên, chú giải cũng nói rằng vị Tu-đà-hườn còn phải tái sanh bảy kiếp trước khi chứng đắc đạo quả A-la-hán. Theo bộ Patthàna, quán về Appamà (nhân duyên của kiếp sống) dẫn đến tái sanh trong cõi dục và chú giải cũng định nghĩa Appamà cetanà là Gotrabhù cetanà. Do đó, thật hợp lý để kết luận rằng pháp hành minh sát có thể dẫn đến sự tái sanh trước khi chứng đắc đạo quả A-la-hán.

Nhưng Vipassanà có thể bảo đảm sự giải thoát luân hồi qua tuệ quán về vô thường, khổ và vô ngã của tất cả các cảnh trần - Ðó là tuệ quán đoạn trừ phiền não do sự khao khát những cảnh trần ấy. Sự không sanh khởi của ái như vậy có nghĩa là sự không sanh khởi của nghiệp và tái sanh. Như vậy, tuệ minh sát giúp đoạn trừ nghiệp và những quả luân hồi của nó bằng sự đoạn trừ từng phần (Tadangapahàna).

Hơn nữa, bằng sự tổng hợp, hành giả giác ngộ được tánh chất vô thường, khổ và vô ngã của các pháp mà vị ấy đã quán. Như vậy, vị ấy đoạn trừ các phiền não và tiềm năng tạo nghiệp của chúng bằng sự áp chế đoạn trừ (vikhambhana). Sau đó, có sanh khởi tuệ đạo của bậc thánh, giúp đoạn trừ vĩnh viễn các phiền não. Tính chất nhanh như chớp của tuệ quán này có thể ví như hành động phê chuẩn cuối cùng tờ công văn do bởi người đứng đầu của một cơ quan chính quyền, mà trong đó những phần việc cần làm đã được những viên chức cấp dưới làm rồi. Chúng ta không thể không nói đến sự đóng góp to lớn của quá trình thực hành minh sát, cũng như chúng ta không thể không kể đến những nhát cưa trước đó mà nhờ đó người ta có thể cưa nhát cuối cùng để cắt đứt cây gỗ. Do đó, phụ chú giải của bộ Thanh tịnh đạo có giải rằng:

"Tuệ đạo siêu thế giúp dập tắt vĩnh viễn những phiền não mà hành giả đã cố gắng hết sức để đoạn trừ qua tuệ minh sát hợp thế".

Những kẻ không thực hành thiền quán, sống trong ảo tưởng về lạc và ngã thường tồn, ảo tưởng ấy dẫn đến ái dục, nghiệp hữu, tái sanh và tất cả mọi thống khổ của kiếp sống luân hồi.

Luân Hồi Và Ba Thời

Giáo lý duyên khởi mô tả mười hai pháp duyên khởi đó là:

1- Vô minh.
2- Nghiệp hành.
3- Thức.
4- Danh sắc.
5- Lục nhập.
6- Xúc.
7- Thọ.
8- Ái
9- Thủ.
10- Hữu.
11- Sanh.
12- Lão và tử.

Theo giáo lý này, vô minh và ái dục là hai nguyên nhân chính của khổ. Có hai luân hồi: Tiền luân hồi và hậu luân hồi. Tiền luân hồi bắt đầu bằng vô minh, là nguyên nhân chính của nó, và kết thúc bằng thọ, trong khi đó hậu luân hồi bắt đầu bằng ái và kết thúc ở tử. Ở luân hồi trước, vô minh và nghiệp trong kiếp quá khứ dẫn đến tái sanh, trong khi ở luân hồi sau thì ái và thủ tạo ra tái sanh trong kiếp sau. Hai luân hồi cho thấy cách mà hai kiếp sống của con người được nối lại với nhau qua nhân và quả.

Lại nữa, nếu pháp duyên khởi được mô tả theo khía cạnh thời gian, thì vô minh và hành là hai mắc xích ở kiếp quá khứ, các mắc xích từ thức đến nghiệp liên quan đến hiện tại, còn tái sanh, lão và tử là những mắc xích dành sẵn cho chúng ta ở kiếp sau. Như vậy, giáo lý duyên khởi chỉ về ba khía cạnh thời gian.

Năm Nhân Quá Khứ

Giáo lý duyên khởi chỉ mô tả vô minh và hành là hai nhân quá khứ, nhưng trên thực tế, vô minh thường có ái đi theo và thủ, hành cũng luôn luôn dẫn đến nghiệp hữu. Bởi vậy, bộ Patisambhidàmagga có bình giải về giáo lý duyên khởi như sau:

"Vô minh là sự mê lầm chi phối chúng ta trong khi hành động tạo nghiệp. Hành có nghĩa là sự dốc sức cố gắng, ái là sự khao khát những kết quả của một hành động trong kiếp hiện tại và kiếp sau. Thủ là nỗi ám ảnh về hành động và kết quả của nó. Nghiệp hữu là sự cố ý. Năm yếu tố này trong quá khứ tạo thành nguyên nhân của sự tái sanh trong hiện tại".

Như vậy, chúng ta phải xét đến tất cả năm mắc xích này, đó là vô minh, ái, thủ, hành và nghiệp hữu, nếu chúng ta muốn mô tả đầy đủ nguyên nhân quá khứ. Trong năm yếu tố này, vô minh, ái và thủ được gọi là phiền não luân hồi (kilesavatta). Hành và nghiệp hữu được gọi là nghiệp luân hồi (kammavatta). Chú giải cũng nêu ra sự khác biệt giữa hành và nghiệp hữu, mô tả sự dụng công trước đó, sự trù liệu v.v... chuẩn bị cho một hành động là hành và sự cố ý ngay lúc tạo ra hành động là nghiệp hữu. Như vậy, sự kiếm tiền mua sắm vật dụng v.v... để chuẩn bị cho hành động bố thí là hành, trong khi trạng thái tâm vào lúc cúng dường là nghiệp hữu. Những công việc sửa soạn dẫn đến hành động giết người là hành, trong khi tư hay cố ý vào lúc giết là nghiệp hữu.

Sự Khác Biệt Giữa Hành Và Nghiệp Hữu

Một cách phân loại khác giữa hành và nghiệp hữu căn cứ vào những sát na đổng lực tâm (hay tâm thực). Người ta nói rằng trong một hành động sát sanh hay bố thí bao gồm bảy sát na đổng lực tâm. Sáu đổng lực tâm đầu tiên là hành, đổng lực thứ bảy là nghiệp hữu.

Cách phân loại khác nữa cho rằng sở hữu tư (cetanà - hay cố ý) là nghiệp hữu và những sở hữu khác đi cùng với sở hữu tư là hành.

Cách phân loại cuối cùng là hữu ích khi chúng ta nói về những thiện nghiệp ở cõi sắc và vô sắc. Tất cả ba phương pháp đều áp dụng trong trường hợp những hành động thiện và bất thiện ở cõi dục, còn phương pháp đầu tiên là dễ hiểu nhất đối với người sơ cơ học Phật.

Lại nữa, bộ Thanh tịnh đạo cho rằng sự tái sanh là do những cảnh hồi tưởng quá khứ, những nghiệp tướng và ảo giác giữ sự chú ý của người lâm chung trong giờ phút cuối cùng của kiếp sống. Bởi vậy, theo chú giải này, nghiệp hữu có thể định nghĩa là sở hữu tư (cetanà), là yếu tố xui khiến các hành động thiện hoặc ác trong kiếp quá khứ và hành là trạng thái tâm do cảnh lâm chung làm duyên.

Quả Hiện Tại Do Nhân Quá Khứ

Như vậy, do phiền não luân hồi và nghiệp luân hồi gồm năm nhân quá khứ của chúng, có sanh khởi thức tái sanh cùng với danh sắc (thân tâm), sáu xứ, sáu xúc và thọ. năm kết quả này được gọi chung là quả luân hồi (vipàkavatta). Do bởi vô minh, những người bình thường lầm tưởng cảnh trần và cảnh pháp là lạc. Họ phát triển tham ái, nhờ đó mà bắt đầu lại cái vòng nhân quả đầy đau khổ.

Thức, danh sắc, lục nhập v.v... sanh lên như là kết quả của những nghiệp quá khứ. Tất cả đều nằm trong mối quan hệ nhân quả. Trong mối quan hệ nhân quả này, chẳng hề có chỗ nào là ta, thượng đế hay đấng tối cao nào cả. Ðiểm khác biệt duy nhất là định luật thiện ác bao trùm mối quan hệ này. Tánh chất của thọ dầu lạc hay khổ, đều tùy thuộc vào hành thiện hay hành ác trong quá khứ. Thực tế, không có người cảm thọ cũng không có ai đem đến cảm thọ ấy. Ðời sống chỉ là một dòng trôi chảy liên tục của tâm thức, xúc v.v... do duyên của năm nhân là vô minh, ái dục v.v...

Kiến Thức Về Pháp Hành Minh Sát

Những người chỉ biết lỏm bỏm về pháp duyên khởi hoặc vi diệu pháp, thường cho rằng những ai không có kiến thức này thì không thể thực hành minh sát được. Thực ra, vị hành giả hành thiền dưới sự hướng dẫn của một vị thiền sư lão luyện thì không cần phải quan tâm nhiều về triết học cao siêu của Phật giáo, vì người ấy có thể làm theo những lời chỉ dạy của ông thầy, cộng thêm kiến thức căn bản rằng đời sống là một quá trình danh sắc, có tánh chất vô thường, khổ và vô ngã. Ðầy đủ kiến thức căn bản này là nhu cầu hiểu biết cần thiết cho vị hành giả có chí nguyện giải thoát. Ðiều này được Ðức Phật xác nhận ở trong bài kinh Culatanhàsakhaya sutta. Trong bài kinh ấy, Ðức Phật tiếp tục giảng giải về pháp hành minh sát. Trong bài kinh, sự hiểu biết về danh sắc được gọi bằng từ: "Abhijànàti - chứng tri", mà theo chú giải có nghĩa là sự hiểu biết đầy đủ và cũng chỉ về Nàma-rùpa paricchedanàna (danh sắc phân định trí) và Paccayapariggahanàna (duyên xác định trí).

Qua pháp quán, hành giả biết tất cả các pháp một cách chi tiết, là vô thường, khổ và vô ngã (viên tri - parijànàti). Do đó tiếng pàli chỉ về sammàsananàna (phổ thông trí) và những tuệ khác.

Ðối với pháp quán duyên khởi, sự hiểu biết về tánh chất tùy thuộc và mối quan hệ nhân quả trong đời sống cũng đủ để loại trừ sự chấp ngã. Không cần phải hiểu thông suốt về mười hai mắc xích hay hai mươi điểm chính của giáo lý duyên khởi. Nếu pháp hành minh sát đem lại sự hiểu biết như vậy, thì một người có trí ít ỏi như trưởng lão Culapanna mà chứng đắc đạo quả A-la-hán là điều không ai ngờ được. Trí nhớ của trưởng lão rất kém đến nỗi không thể nhớ được vài câu kệ mà vị ấy đã học trong bốn tháng. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi thực hành theo sự chỉ dạy của Ðức Phật, trưởng lão đã chứng đắc đạo quả A-la-hán.

Một tín nữ khác, tên là Màtikamàtà, đã chứng đắc tầng thánh thứ ba (A-na-hàm) nhờ sự chỉ dạy của một số Tỳ khưu, là các vị thầy của bà. Bà không biết nhiều về Vi diệu pháp và pháp Duyên khởi. Có nhiều hành giả khác cũng giống như tín nữ này và trưởng lão Culapanna. Bởi vậy, hành giả có thể chứng đạo qua pháp quán mà không cần phải có kiến thức thông suốt về giáo lý cao siêu của Ðức Phật.

Không biết bản chất thực của thọ lạc hay thọ khổ là vô minh. Chính ái dục ưa thích cảnh trần và thủ thì khao khát nó. Tầm cầu cái mà người ta ưa thích, hành thiện hoặc hành ác để đem lại hạnh phúc hay lợi ích cho mình trong đời hiện tại và vị lai là hành và nghiệp hữu. Năm yếu tố này là những nguyên nhân hiện tại và chúng tạo ra sự tái sanh sau khi chết. Giáo lý duyên khởi chỉ nêu ra ba nhân là thọ, ái và thủ, nhưng trên thực tế, ba yếu tố này ám chỉ hai nhân khác, là vô minh và hành, hai nhân này là những động cơ chính của ái và nghiệp hữu. Bởi vậy, bộ Patisambhidàmagga (Vô ngại giải đạo) mô tả tất cả năm yếu tố này là những nguyên nhân của sự tái sanh ở kiếp sau.

Ðoạn Trừ Các Nhân Hiện Tại

Mọi hành động thiện hoặc ác đều bao hàm sự nối kết đầy đủ của năm nhân hiện tại này và những trường hợp của sự nối kết như vậy xảy ra trong một kiếp sống đến hằng ngàn lần. Nhưng trong hoàn cảnh nào đó, những nhân này có thể dẫn đến sự tái sanh sau khi chết, hoặc hai hoặc ba kiếp liên tục. Mỗi kiếp sống đều gắn liền với sự già, chết, ưu sầu, ta thán v.v... và nếu chúng ta muốn tránh những điều này, chúng ta sẽ phải diệt trừ những nhân hiện tại.

Về mặt này, chúng ta nên niệm tất cả các pháp thuộc sắc như: "thấy à, nghe à" v.v... vào lúc chúng đang sanh khởi. Khi sự chú tâm mạnh lên, chúng ta niệm sự diệt nhanh chóng của chúng và sẽ biết rõ tánh chất của chúng là vô thường, bất toại nguyện và không đáng tin cậy. Sự nhận biết này giúp chúng ta khắc phục vô minh và ảo tưởng, thường dẫn đường cho ái, thủ và nghiệp hữu sanh khởi. Như vậy, chúng ta đã làm mất tác dụng và vô hiệu hóa năm nhân hiện tại, nhờ đó mà ngăn chặn được sự tái sanh và những điều khổ dính theo.

Phương pháp đoạn trừ năm nhân hiện tại như vậy được gọi là đoạn trừ tạm thời - Sự đoạn trừ một số phiền não qua pháp quán - . Bằng phương pháp này, hành giả đạt được Nhất-hướng Niết-bàn (tadanganibbuti) hay sự chấm dứt phiền não từng phần qua pháp quán. Về sau, có sanh lên đạo tuệ, nghĩa là sự chấm dứt tất cả các hành và sự giác ngộ Niết-bàn (samucchedapahàna).

Khi ấy, các phiền não và các nghiệp vĩnh viễn chấm dứt. Các hành giả chứng đắc tầng thánh Nhập lưu thì đoạn trừ các phiền não và các nghiệp dẫn đến các khổ cảnh, và chỉ tái sanh không quá bảy kiếp. Hành giả chứng quả Nhất lai (Tư-đà-hàm) thì đoạn trừ những phiền não và những nghiệp mà nhờ đó vị ấy tái sanh không quá hai kiếp. Trong khi đó bậc A-na-hàm thì đoạn trừ các phiền não và những nghiệp dẫn đến tái sanh các cõi dục. Cuối cùng, vị hành giả chứng đắc đạo quả A-la-hán thì đoạn trừ hết những phiền não và những nghiệp còn lại. Nói cách khác, vị ấy trở thành bậc thánh Ưng cúng vì đã hoàn toàn thoát khỏi mọi phiền não.

Cách Nhìn Của Vị A-La-Hán Về Ðời Sống

Vị A-la-hán không còn ảo tưởng về bản chất của các cảnh trần. Vị ấy đã thấy rõ tánh chất bất thiện của chúng và điều này có nghĩa là vị ấy đã giác ngộ sự thật về khổ nhờ phá tan vô minh. Bởi vậy, vị ấy không còn tham muốn bất cứ cái gì trên đời. Ðiều chắc chắn là vị A-la-hán vẫn còn phải vướng bận những nhu cầu tự nhiên về thân như ăn, ngủ v.v... nhưng vị ấy xem chúng là hành khổ (sankhàra dukkha) và không thấy cái gì là lạc đối với vị ấy.

Câu hỏi sanh lên là liệu vị A-la-hán có muốn chết sớm để chấm dứt cái khổ như vậy không. Nhưng ước muốn chết sớm hoặc sự tan rã của tấm thân cũng là ước muốn hủy diệt và vị A-la-hán đã đoạn diệt ước muốn này rồi. Bởi vậy, có một câu nói của một vị A-la-hán trong trưởng lão tăng kệ là: Vị A-la-hán không muốn chết cũng không muốn sống.

Vị A-la-hán không muốn sống lâu vì đời sống là một khối đau khổ trong uẩn. Mặc dầu, cái khối uẩn (khandha) cần sự chăm sóc và quan tâm thường xuyên, nhưng nó không đáng tin cậy chút nào. Ðối với nhiều người thuộc hạng trung niên và lão niên, đời sống đem lại khá nhiều điều trái ý nghịch lòng, sự thất bại và chua cay. Những điều kiện sống diễn ra càng ngày càng tệ hơn, sức khỏe suy giảm và không còn gì ngoài sự tan rã hoàn toàn và cái chết chờ đón chúng ta. Tuy thế, do bởi vô minh và ái dục, nhiều người vẫn thích sự hiện hữu. Nói cách khác, vị A-la-hán đã hết ảo tưởng và vị ấy thấy đời sống là ảm đạm và đơn điệu. Vì thế, vị ấy không còn ưa thích đời sống.

Nhưng vị A-la-hán cũng không muốn chết, vì ước muốn được chết là bản năng thù địch mà vị ấy đã đoạn trừ rồi. Ðiều mà vị ấy muốn là nhập Niết-bàn, đó là ước muốn hơi giống với ước muốn của người thợ muốn lãnh lương mỗi ngày hay cuối tháng.

Người thợ không thích đối mặt với sự vất vả và túng thiếu, nhưng anh ta phải làm việc để kiếm sống và cũng không muốn bị mất việc làm. Anh ta chỉ muốn có tiền và trông chờ đến ngày lãnh lương. Cũng vậy, vị A-la-hán chỉ chờ giây phút nhập Niết-bàn, không còn dư sót chút gì về thân và tâm. Bởi vậy, khi nghĩ về thọ mạng của mình, các vị A-la-hán tự hỏi rằng mình phải chịu đựng gánh nặng về danh sắc uẩn thêm bao lâu nữa. Do đã hết vô minh nên dòng sống của vị La hán hoàn toàn bị cắt đứt sau khi nhập Niết-bàn.

Không Phải Sự Ðoạn Diệt Mà Là Sự Chấm Dứt Ðau Khổ

Những người tin vào cái ngã hay linh hồn thường chê Niết-bàn là sự chết vĩnh viễn của một chúng sanh. Trên thực tế, đó là sự chấm dứt hoàn toàn đau khổ do các pháp thuộc thân và tâm cùng với những nhân của chúng, là nghiệp và phiền não, không còn sanh khởi nữa. Bởi vậy, Ðức Phật giải thích sự chấm dứt thủ là do sự chấm dứt hoàn toàn ái. Quá trình trở thành (hữu) không còn sanh khởi do sự chấm dứt của thủ v.v... Vì không còn tái sanh nên già, chết và những loại khổ khác cũng hoàn toàn chấm dứt.

Ở đây, quan niệm thông thường cho rằng, già và chết là những nỗi đau đớn làm khổ chúng sanh. Nhưng trên thực tế, những điều khổ này chỉ là quá trình danh sắc, chứ chẳng có ai chịu khổ cả, bởi vì không có cái ta hay linh hồn. Cho nên cho rằng sự chấm dứt tái sanh và khổ như là sự đoạn diệt của một chúng sanh thì thật là vô lý.

Như vậy, những ai cho rằng Niết-bàn là sự đoạn diệt thì không thoát khỏi ngã kiến. Ðối với một người Phật tử có trí, Niết-bàn có nghĩa là sự chấm dứt đau khổ. Ðiều này được chứng minh trong câu chuyện về Tỳ khưu Yamaka trong thời Ðức Phật.

Chuyện Tỳ Khưu Yamaka

Yamaka tin rằng vị A-la-hán bị đoạn diệt sau khi chết. Vị ấy cố chấp theo quan điểm của mình dầu các vị Tỳ khưu khác đã chỉ ra sự sai lạc của quan kiến ấy. Sau đó, trưởng lão Xá-lợi-phất cho vời Yamaka đến. Trước những câu hỏi xác thực và vững chắc, Yamaka phải chấp nhận rằng năm uẩn là vô thường và khổ, và thấy rằng gọi năm uẩn là sở hữu của ta, là ta thì quả thật sai. Trưởng lão Xá-lợi-phất bảo vị ấy nhìn vào năm uẩn đúng như thật. Nhờ đó, vị ấy sẽ hết ảo tưởng, vô chấp và được giải thoát.

Trong khi đang nghe thời pháp, Yamaka chứng đắc tầng thánh Nhập lưu. Giờ đây, vị ấy đã thoát khỏi các tà kiến. Sau đó, trưởng lão Xá-lợi-phất tiếp tục hỏi vị ấy. Ðể đáp lại những câu hỏi của trưởng lão, Yamaka nói rằng vị ấy không cho rằng vị A-la-hán là sắc, thọ, tưởng, hành hay thức nữa. Vị ấy cũng không tin rằng vị A-la-hán còn hiện hữu ở một nơi nào đó mà không có sắc, thọ hay bất cứ uẩn nào khác. Do đó, bởi vì vị A-la-hán hay một chúng sanh không thể tìm thấy ở đâu trong năm uẩn ngay cả trước khi chết, lại nói vị A-la-hán bị hoại diệt sau khi nhập Niết-bàn là điều phi lý.

Yamaka thú nhận rằng vị ấy đã có quan niệm sai lầm. Bây giờ, vị ấy đã thoát khỏi tà kiến và biết điều gì nên nói về vị A-la-hán. Nếu có người hỏi vị ấy rằng: "Ðiều gì xảy ra khi vị A-la-hán nhập diệt?" Vị ấy sẽ trả lời rằng: "Cái chết của vị A-la-hán có nghĩa là sự chấm dứt hoàn toàn đau khổ vốn có trong tánh chất vô thường của năm uẩn".

Lời tuyên bố này về vị A-la-hán được xác nhận bởi đại đức Sàriputta, trưởng lão ví năm uẩn giống như tên sát nhân đội lốt một người bạn thân và nói rằng sự đồng hóa các uẩn với ngã giống như xem tên sát nhân là bạn của mình vậy.

Ở đây, đầu tiên trưởng lão Yamaka tin rằng vị A-la-hán bị đoạn diệt sau khi chết, không còn gì cả. Niềm tin này bao hàm ngã kiến và như vậy quan kiến đoạn diệt về Niết-bàn được gọi là đoạn kiến (Ucchedaditthi), cho rằng Niết-bàn là sự phủ nhận cái ngã sau khi chết. Khi giác ngộ chân lý và chứng đắc tầng thánh Nhập lưu, thì trưởng lão nói rằng cái chết của vị A-la-hán có nghĩa là sự chấm dứt hoàn toàn đau khổ vốn có trong năm uẩn.

Ðể tóm tắt về con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ, chúng ta có thể nói rằng: Do không niệm về sự thấy, nghe và những pháp thuộc danh sắc, sẽ có sanh khởi vô minh, ái, thủ, nghiệp và hành, để rồi tạo ra sự tái sanh, già và chết trong kiếp sau. Chánh niệm về tất cả các pháp sẽ ngăn chặn năm nhân hiện tại là vô minh v.v... và năm kết quả bao gồm đau khổ.

Câu Khẳng Ðịnh Của Tỳ-Khưu-Ni Vajirà Về Bản Chất Của Năm Uẩn

Hơn nữa, sự chấm dứt đau khổ được nhấn mạnh trong câu nói nổi tiếng của Tỳ-khưu-ni Vajirà. Trong khi bà đang ngồi dưới cội cây gần tịnh xá Kỳ Viên, Ma vương xuất hiện và để gây hoang mang và bối rối cho bà, bèn hỏi rằng: "Này bà Tỳ-khưu-ni! Ai đã tạo ra chúng sanh? Ðấng sáng tạo ở đâu? Chúng sanh đã khởi thủy như thế nào và kết thúc như thế nào?"

Tỳ-khưu-ni Vajirà đáp lại rằng: "Này Ma vương! Theo ngươi nghĩ, cái gì là chúng sanh? Há không phải rằng ngươi tin có chúng sanh là ảo tưởng chăng? Cái mà ngươi cho là chúng sanh chẳng là gì cả ngoài một khối hữu vi (sankhàra). Không có chúng sanh nào được tìm thấy trong khối hữu vi này. Chúng sanh chỉ là một tên gọi chung cho năm uẩn đó thôi, tức là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Cũng thế "chiếc xe" là tên gọi của sự kết hợp gồm bánh xe, trục xe, gọng xe v.v... Không có chúng sanh nào cả, mà chỉ là một nhóm gồm năm uẩn. Năm uẩn ấy là khổ - Chỉ có khổ sanh, khổ trụ và khổ diệt. Không có sự sanh và diệt của cái gì khác ngoài khổ".

Do đó, chúng sanh chỉ là tên gọi chung. Nó không có mặt trong ý nghĩ tuyệt đối, chỉ có quá trình của danh và sắc, bao gồm vô minh, ái, thủ, nghiệp hành và nghiệp hữu là nhân. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ là quả. Những quả này lại trở thành nhân làm sanh khởi tái sanh và khổ.

-oOo-

[Mục lục] [01] [02] [03] [04] [05] [06] [07] [08] [09] [10] Ðầu trang

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh, Chùa Kỳ Viên, Quận 3, Sài Gòn,
đã gửi tặng phiên bản vi tính. (Bình Anson, 03-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

update: 01-03-2001