BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Phật và Thánh chúng
Thích Minh Tuệ
Sài Gòn, 1990


BÀI 7

ÐỨC PHẬT GIÁO HÓA (Phần 3)

-ooOoo-

12)- Phật chế giới luật.

Tăng đoàn trong Giáo hội của Phật có từ lần thuyết pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển. Tuy tăng số Giáo Hội của Phật ngày một đông, nhưng hầu hết đều thánh thiện. Mãi đến năm thứ 13, trong Giáo Hội có Tỳ kheo mất phẩm hạnh, Phật mới chế giới để làm thành trì bảo vệ tư cách của chúng tôn.

Lúc bấy giờ, Phật giáo hóa tại Tỳ Xá Ly (Vaisàli). Một hôm khi Phật ở trong giảng đường trùng các, có một thanh niên thôn Ca La Ðà tên là Tu Ðề Na đến xin Phật xuất gia. Biết anh là người còn cha mẹ, vợ con, Phật bảo anh về xin phép cha mẹ và thu xếp gia đình rồi hãy thực hiện chí nguyện. Vì cha mẹ khước từ, anh tuyệt thực 6 ngày. Ngại anh chết đố, cha mẹ vợ con đành chấp thuận cho anh xuất gia.

Sau khi anh xuất gia một thời gian, nước Tỳ Xá Ly bị nạn đói, anh xin Phật đưa một số tăng đoàn về thôn Ca La Ðà hành đạo. Vì nơi đó là vùng trù phú. Nhân đó, anh gặp lại vợ con. Vì lòng trần chưa dứt sạch, nghe lời ngon ngọt của vợ, Tu Ðề Na bị dao động thân tâm và đã mất phẩm hạnh.

Nghe dư luận không đẹp, Phật triệu tập tăng đoàn và chế giới luật. Vào dịp đầu tiên này, Phật chế có 5 giới căn bản: Không giết, không trộm cắp, không dâm, không nói dối và không uống rượu.

Sau đó, vì nhóm lục quần Tỳ kheo thường làm mất đoàn kết tăng đoàn và phạm nhiều lỗi lầm, tùy tội nặng nhẹ, Phật tuần tự chế thêm giới cấm. Những giới luật Phật chế được qui định thành 5 giới cho Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di, 10 giới cho Sa Di, 250 giới cho Tỳ kheo, 348 giới cho Tỳ kheo Ni, 10 giới trọng và 48 giới nhẹ cho Bồ Tát xuất gia v.v...

Phật dạy tăng đoàn hãy lấy giới luật làm thầy, giới luật còn đạo ta còn.

13)- Không nên hý luận.

Một hôm, khi Phật ở Tinh Xá Kỳ Hoàn, Mang Ðồng Tử (Malunkyaputra) đến hỏi Phật về thế giới thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên, sau khi Phật diệt độ thế giới còn có hay không còn có, hoặc cũng có cũng không. Tỉnh tọa dưới gốc cây ở vườn Cấp Cô Ðộc, Mang Ðồng TỬ dặn lòng, nếu Phật không giúp sự hiểu biết của ta được thỏa mãn, ta sẽ trả y áo cho Phật. Vì sự hiểu biết có tường tận mới giúp cho con đường tiến tu được nhiều kết quả. Sau khi nghe hỏi, Phật hỏi lại Mang Ðồng Tử - Khi đến với ta, ông có định lấy những thắc mắc đó làm điều kiện quyết không! Ông có nghĩ rằng nếu ta không giải đáp thắc mắc đó, ông sẽ bỏ ta không!

Dù Mang Ðồng Tử không trả lời được, vả lại cũng để giải quyết vấn dề một lần cho xong, Phật tập họp đại chúng lại, dạy rằng:

- Này các Tỳ kheo! Với thắc mắc thế giới thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên, sau khi ta nhập diệt thế giới còn có hay không! Hoặc cũng có cũng không, đó là những vấn đề có giúp ích gì cho sự giải thoát sinh tử luân hồi không. Ta ra đời vì sự nhân duyên là "khai thị chúng sinh nhập Phật tri kiến"! (Chỉ cho chúng sinh thấu rõ tri kiến của Phật). Bởi thế, ta không rơi vào những lý luận vô ích. Có lần, trên đường đi giáo hóa, ta bảo A Nan vào rừng hái một nắm lá, khi lá đã được hái, ta hỏi A Nan: lá trong tay Ông nhiều hay lá trong rừng nhiều! - A Nan đáp: lá trong rừng nhiều. Do đó,ta đã nói rằng sự hiểu biết của ta thật vô hạn, nhưng ta không nói hết. Ta chỉ nói những điều cần thiết, bổ ích cho vấn đề tiến tu giác ngộ và giải thoát mà thôi. Ðiều đó, cũng giống như khi gặp một người bị mũi tên độc sắp chết, cấp thiết là hãy rút mũi tên và đắp thuốc cứu sống nạn nhân trước hết. Ngay lúc đó, không nên đòi hỏi để biết mũi tên từ đâu bắn lại, do ai bắn, thuốc độc chế bằng chất gì... vì nếu cứ lo tìm hiểu nguyên nhân cho ra lẽ thì nạn nhân đã trút hơi thở cuối cùng.

- Này các Tỳ kheo! Chúng ta không lý luận thế giới thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên v.v... Vì đó không phải là vấn đề cấp thiết cho đạo giải thoát sinh, già, bịnh, chết... đang đe dọa con người. Các Tỳ kheo hãy chú ý tâm thấu rõ 4 sự thật căn bản là khổ, tập, diệt, đạo, để tự giác ngộ cho tha nhân một cách viên mãn.

14)- Phật hóa giải cho hai phe tranh chấp giòng nước.

Một hôm đến bên tả ngạn sông Hằng, thành Tỳ Xá Ly để hóa đạo. Nơi đây là một vùng đất phì nhiêu, có hai phe thuộc dòng Sát Ðế Lợi đang tranh chấp nhau một giòng nước. Phe nào cũng muốn chận giòng nước chảy về phía ruộng của mình. Không ai nhường cho ai. Cả hai đều vác gậy gộc, dáo mác, dàn hàng, định ăn thua đủ với đằng đằng sát khí, trên bờ ruộng rải rác đã có một số tử thi do xô xát từ hôm trước đang sình thối. Thế nhưng cả hai phe đều chưa chịu chôn cất, phần đang lo tranh chấp, phần mượn xác chết làm bằng để chuẩn bị đi kiện thưa. Trước tình cảnh đó, Phật đến tìm cách giảng hòa. Hỏi nguyên nhân Phật thấy phe nào cũng lo sợ ruộng lúa bị khô, đành giành chận giòng nước.

Ðúng là sự đời quyền lợi phe nhóm gây nên nhiều nổi tang thương. Trước hai phe, Phật hóa giải: ở đời, sự s?ng là cần thiết. Nhưng không nên vì sự sống riêng tư mà tranh chấp nhau. Ðấu trường xảy ra, dù phe thắng hay phe bại, bên nào cũng bị thiệt thòi. Xác chết giữa hiện trường là một bằng chứng. Hơn nữa, phe thua sẽ mang tâm oán hờn, cừu thù. Còn phe thắng lại trở nên kiêu xa, hống hách. Oán hờn càng chồng chất, cuộc sống càng bi thương. Với giòng nước thiên nhiên hãy để cho nó chảy một cách hồn nhiên, thấm đậm vào ruộng đồng. Hai bên nên thương nhau, chia đều giòng nước để tránh tổn hại nhân mạng.

Nghe Phật giảng hòa, cả 2 phe lấy lại hòa khí, chia đều giòng nước, ruộng lúa cả hai phe đều xanh tươi, mơn mởn.

15)- Phật thuyết giảng lễ 6 phương.

Tại thành Vương Xá, có Thiện Sanh, con một trưởng giả giàu có, theo di chúc của cha mẹ, mỗi sáng ra vườn lễ bái 6 phương. Hằng ngày, Thiện Sanh như một cái máy, cứ lặng lẽ lễ bái mà chẳng hiểu ý nghĩa như thế nào.

Một hôm, vào thành Vương Xá khất thực thấy Thiện Sanh đang chí thành lễ bái, Phật dừng bước, dạy cho Thiện Sanh những điều ích lợi. Trước hết Phật tán thán lòng hiếu hạnh của Thiện Sanh, đã nối chí cha mẹ lễ bái sáu phương, dù chưa bao giờ nghe cha mẹ giải thích ý nghĩa. Ðặc biệt là tiếp tục lễ bái không bỏ một buổi sáng nào. Tiếp theo, Phật giảng dạy thi Thiện Sanh những thiện pháp cần thực hành để phẩm hạnh con người được nâng cao, để được đời kính nể, ngoài lễ bái sáu phương. Con người không nên giết hại sự sống của muôn loài, không nên xâm chiếm tài sản của người khác, không nên sống tà hạnh, dối trá, rượu chè ăn nhậu, phóng đãng, say đắm lời ca tiếng hát, kết bạn với người xấu, lười biếng v.v... Sau cùng nhưng là vấn dề chính yếu, Phật khuyên Thiện Sanh nên tiếp tục theo lời cha mẹ lễ bái sáu phương, nhưng nên thổi vào sự lễ bái một ý nghĩa đạo đức luân lý. Phật dạy: lễ phương đông là tỏ lòng hiếu kính cha mẹ, lễ phương tây là tỏ lòng tri ân thầy bạn, lễ phương nam là tỏ lòng kính thuận vợ chồng, lễ phương bắc là tỏ lòng lân mẩn với thân quyến, lễ phương dưới là tỏ lòng thương mến người giúp việc, lễ phương trên là tỏ lòng kính ngưỡng Sa Môn. Khi lễ lạy cần niệm âm để dặn lòng cách ăn ở, cư xử với những người liên hệ, sao cho phải đạo làm người.

Phép lễ bái 6 phương của Bà La Môn giáo có mục đích cầu tài lợi. Còn theo Phật, lễ bái là một phương thiện xảo, một phép tu nhân, tích đức, sống đúng luân thường đạo lý.

Nghe Phật giảng dạy, Thiện Sanh hoan hỷ phụng hành, xin qui y Phật và nguyện làm một con người tốt trong gia đình, xã hội.

16)- Phật độ tướng cướp Vô Não.

Tại xứ Kiều Tát La (Kosala), có một tướng cướp vô cùng hung bạo, tên là Vòng tay đeo (Angulimala, Ươm quật đa la), còn gọi là kẻ vô tội (Ahimsaa) hay thường gọi là kẻ Vô Não.

Thân phụ là một quan đại thần triều vua xứ Kiều Tát La. Vô Não theo học tại Taxila, một trung tâm nổi tiếng của xứ Kiều Tát La, bắc Ấn Ðộ. Là một học sinh giỏi, Vô Não được các thầy giáo thương mến. Vì thế Vô Não bị các bạn đồng học ganh tỵ, tìm cách ám hại. Cả tin lời nịnh bợ của học sinh, nhất là lời đâm thọc nói xấu Vô Não, thầy giáo trở mặt thù ghét Vô Não. Một hôm, để thỏa mãn sự hiềm khích, thầy giáo bắt Vô Não chuộc tội bằng cả ngàn ngón tay phải của con người. Ðể có thể trở lại con đường học vấn, Vô Não đành theo lời thầy, vào rừng Jalini rèn dao và đi giết người.

Lúc đầu, mỗi khi chặt được một ngón tay của người nào, Vô Não đem treo ở cành cây. Nhưng quạ diều ăn đã hết các ngón tay của Vô Não chặt được. Ðể khỏi bị mất mát, Vô Não lấy dây xâu các ngón tay, kết thành vòng, đeo vào cổ. Tiếng hung dữ của Vô Não được lan truyền, mọi người đều khiếp sợ. Khi Vô Não đến đâu, mọi người đều tìm phương chạy trốn. Do đó, khi đã chặt được 999 ngón tay, Vô Não chạy khắp nơi mà vẫn không thể giết thêm được một người nào để có đủ số ngón tay phải nộp theo lời thầy phán.

Ðể đem lại an lạc cho dân chúng, đồng thời để giúp Vô Não trở lại con đường lương thiện. Ðức Phật vận sức thần thông đến trước mặt Vô Não. Khi thấy Phật đi đằng trước. Vô Não rất mừng, vì sẽ không còn thiếu một ngón tay sau cùng, Vô Não vác dao hăm hở đuổi theo Phật. Dù Phật đi rất khoan thai, nhưng Vô Não không thể nào đuổi kịp. Khi đã mệt lã, Vô Não dừng lại và gọi lớn:"Này Ðạo Sĩ! Hãy dừng chân" Phật từ tốn trả lời:"Dù đang đi, ta đã dừng chân. Còn nhà người đã dừng chân hay chưa?" Không hiểu được ý Phật, Vô Não thấy Phật đang đi mà lại nói đã dừng chân. Còn mình đã dừng chân, Phật lại hỏi đã dừng chân hay chưa? Vô Não yêu cầu Phật giải thích, Phật nói:

"Này Vô Não! Ta mãi mãi dừng chân. Ðối với chúng sinh ta không dùng bạo lực. Ðể trở lại con người lương thiện, ngươi hãy dừng tay chớ giết đồng loại. Bởi thế, ta nói: Ta đã dừng chân và yêu cầu ngươi cũng hãy dừng tay".

Dù ác động đến đâu, lòng vẫn còn chút thiện hạnh, Vô Não cảm nhận được từ tâm của Phật, muốn đưa mình ra khỏi con đường độc ác. Liền khi đó, Vô Não buông dao và xin Phật được xuất gia. Dù đã là Tỳ kheo, lòng vẫn chưa hoàn toàn yên ổn, Vô Não luôn luôn nghe văng vẳng bên tai tiếng than khóc của người do mình giết hại. Một hôm, trên đường đi khất thực, Vô Não bị nhiều người ném đá, đánh đuổi, lỗ đầu. Trở về hỏi Phật lý do, Phật cho biết, đó là hậu quả do ác nghiệp của Vô Não đã gây ra từ trước. Một hôm khác, cũng trên đường đi khất thực, Vô Não gặp một phụ nữ than khóc vì sinh con không được, yêu cầu Vô Não giúp đỡ. Không thể giúp được, Vô Não liền trở về hỏi Phật phương thức. Phật bảo Vô Não hãy đến trước người phụ nữ đau đẻ và nói lời này:

"Này bà chị! Từ khi tôi sinh trở lại trong hàng Thánh chúng, tôi không còn giết hại bất cứ một loài nào. Cầu mong lời nói này giúp bà chị hết đau đớn và sinh nở được mẹ tròn con vuông".

Học thuộc lời Ðức Phật, Vô Não liền trở lại nơi phụ nữ đau đẻ và đọc lớn lời Ðức Phật. Bỗng chốc, người phụ nữ hết đau và sinh con an toàn. Từ đó, ngày nay các nước Phật giáo Nam truyền, người ta thường đọc lời của Vô Não để làm dịu cơn đau đẻ cho người phụ nữ.

Về sau, tinh tấn tu tập, Vô Não chứng A La Hán

17)- Phật nói bổn phận làm vợ và niềm vui của Phật tử tại gia.

Trên đường giáo hóa, Phật ghé thăm gia đình Trưởng giả Tu Ðạt (Anathapindika). Khi đang nói chuyện với Tu ÐạÏt, Phật nghe nhà sau có tiếng ồn ào. Phật hỏi lý do. Tu Ðạt thưa:

"Tôi có con dâu Suyata vô cùng ngổ nghịch. Nó hiện ở với chúng tôi trong nhà này. Vì ỷ lại sự giàu có, nó rất khinh người. Nó chẳng bao giờ săn sóc bố mẹ chồng và chiều chuộng chồng nó. Dù nghe Ðức Thế Tôn đến thăm gia đình, nó cũng không tỏ ra trọng nể".

Ðức Phật gọi Suyata đến và nói về bảy loại người vợ:

1/ Người vợ có tâm độc ác, không có tình thương, bỏ rơi chồng, yêu những người đàn ông khác. Ðó là loại vợ sát nhân.

2/ Người vợ hay phí tài vật của chồng làm ra, đó là loại vợ trộm cướp.

3/ Người vợ lười biếng lại tham ăn, thô ác, lấn lướt người chồng, đó là loại vợ kiêu xa.

4/ Người vợ trìu mến, yêu thương chồng như mẹ âu yếm con, giữ gìn tải sản do chồng làm ra, đó là loại vợ như mẹ.

5/ Người vợ kính trọng, khiêm tốn, chiều chuộng như em gái đối với anh cả, đó là loại vợ như em út.

6/ Người vợ vui vẻ, niềm nở khi thấy chồng, như lâu ngày xa cách gặp lại bạn cũ, đó là loại vợ như bạn bè.

7/ Người vợ luôn luôn bình tĩnh, chịu đựng, không giận hờn, dù bị chồng đối xử tồi tệ và biết chiều chuộng chồng, đó là loại vợ như người phục vụ.

Với 7 loại vợ này, Phật chia ra có:

- Bốn loại vợ không tốt: Vợ sát nhân, vợ hoang phí, vợ trộm cướp và vợ kiêu xa.
- Ba loại vợ tốt: Vợ như mẹ, vợ như em út và vợ như người phục vụ.

Phân tích xong, Phật hỏi Suyata muốn loại người vợ nào? Suyata thưa: "Bạch Thế Tôn! Con muốn trở thành người vợ phục vụ". Nhờ Phật, suyata trở thành một phụ nữ có đủ các đức tính tốt.

Một hôm khác, khi thuyết pháp cho một số Phật tử tại gia, Phật nói với Phật tử tại gia có 4 nhiệm vui. Ðó là:

- Niềm vui có của cải: Do bàn tay, mồ hôi, đúng pháp và tích lũy, Phật tử tại gia sẽ có của cải. Nhờ của cải, Phật tử tại gia có niềm vui trong cuộc sống.

- Niềm vui được giàu có: Khi tạo được của cải, Phật tử tại gia trở nên giàu có. Nhờ giàu có, Phật tử mới tạo được niềm vui.

- Niềm vui không bị chê trách: Ở đời, con người không bị chê trách thật hiếm có. Dư luận bao giờ cũng rất cay nghiệt đối với con người. Do đó, người Phật tử không có gì vui bằng, không bị chê trách, đi đâu cũng được mọi người niềm nở, đón mời...

Phật khuyên các Phật tử tại gia hãy cố gắng tạo dựng các niềm vui đó trong cuộc sống.

16)- Phật gặp nghịch cảnh.

Trên đường đi giáo hóa, Phật rất thành công trong vấn đề đưa người về Chính đạo, nhưng Phật vẫn không trách khỏi vài nghịch cảnh.

a)- Chiên Già vu khống Phật.

Khắp miền Trung Ấn, đặc biệt là nước Ma Kiệt Ðà và Kiều Tiết La, hai trung tâm văn hóa nổi tiếng bấy giờ, từ đạo sĩ Bà La Môn đến tiện dân, phần đông đều hướng về Phật giáo. Ảnh hưởng của Phật lan rộng khắp vùng đất trù phú này. Từ đò ánh hưởng Bà La Môn giáo yếu dần. Nhiều đạo sĩ Bà La Môn bỏ qua theo Phật, đặc biệt có đạo sĩ Bà Tư Tra. Vì thế, các đạo sĩ Bà La Môn lập mưu hại Phật.

Thiếu nữ Chiên Già (Ginca) bị mua chuộc. Ngày ngày cô ta đến Tinh Xá Kỳ Viên nghe Phật thuyết pháp. Rồi cứ mỗi buổi chiều, cô ăn bận thật lộng lẫy vào ở lại nhà một Bà La Môn trong khu vực cạnh tinh Xá của Phật. Sáng ngày, cô lại trở về nhà. Nhiều người hỏi cô đêm đêm đi đâu? Cô nói với mọi người là cô ngủ lại trong Tinh Xá Kỳ Viên, nơi phương trượng của Phật. Từ tháng này đến tháng nọ, cô độn bụng ngày một lớn dần. Một hôm, Phật đang thuyết pháp, từ giữa thính giả cô đứng dậy lớn tiếng với Phật: "Lâu nay, Cù Ðàm ăn ở với em, nay em đã có thai sắp đến ngày sinh nở, Cù Ðàm tính thế nào đây? Hãy lo cho em có một ngôi nhà riêng hoặc gởi em vào một nhà Ưu Bà Di thân tín nào đó, đẻ em khai hoa nở nhụy. Ngày con chúng ta ra đời đã gần kề rồi!

Nghe Chiên Già đòi hỏi Phật, thánh chúng xôn xao. Các đồ đệ Bà La Môn thì lên tiếng xỉ vả Phật. Giữa lúc đó Phật thản nhiên xem như không có gì xảy ra, Chiên Già đi tới đi lui, đi qua, đi lại. Vì các thứ độn trước bụng quá nặng, dây buộc bị đứt, một trái banh gỗ vẻ giẻ rách rơi tung tóe. Cơ mưu đổ bể Chiên Già và các đồ đệ Bà La Môn bẽn lẽn rút lui, trả lại sự yên tĩnh cho Tinh Xá.

- Không cần biện minh, Phật tiếp tục thuyết pháp.

b)- Ðề Bà Ðạt Ða phản nghịch.

Kẻ hiềm khích Phật không chỉ bằng hàng Bà La Môn và các đạo giáo khác, mà ngay trong giáo đoàn, nội thân của Phật, Ðề Bà Ðạt Ða, con trưởng của Bạch Phạn Vương, chú của Phật, dù là đệ tử, nhưng thường tị hiềm với Phật. Ông móng tâm thay Phật lãnh đạo Tăng đoàn. Phật nhiều lần khuyên ông không nên phá hòa hiệp tăng một trong 5 tội ngũ nghịch. Ông vẫn không bỏ tham vọng. Vì biết, Ðề Bà chỉ muốn học phép thần thông để có điều kiện hại người, Phật và Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên đ?u không chịu dạy cho Ðề Bà, Phật khuyên Ðề Bà nên rèn luyện nhẫn cách và quán vô thường, khổ, vô ngã trước hết. Ðề Bà bất mãn, khởi tâm hại Phật và phá giáo đoàn.

Khi Phật thiền định trong núi Kỳ Xà, Ðề Bà thuê thanh niên du đãng vào ám sát Phật. Với đức hiền từ của Phật, bọn du đãng buông gậy gộc và xin quy y Phật.

Khi Phật từ núi Kỳ Xà về Vương Xá, Phật gặp một đoàn thanh niên mai phục dọc đường. Phật gọi một thanh niên hỏi lý do, và được biết đoàn thanh niên nghe tin Ðề Bà sẽ giết Phật, nên đến để bảo vệ Phật. Phật giải thích vũ khí không bảo vệ được sinh mạng, chỉ có giới hạnh mới bảo vệ được. Tất cả đều buông vũ khí.

Sai người khác không thành công, Ðề Bà đích thân đi hại Phật. Một hôm, biết Phật sẽ đi qua chân núi Kỳ Xà, Ðề Bà leo lên núi đợi Phật đến để lăn đá hại Phật. Khi đi dưới chân núi, nghe đá lăn, A Nan hoảng sợ chạy tránh, còn Phật cứ từ từ đi tới. Một tảng đá lớn rơi bên cạnh Phật và làm chân Phật chảy máu tí đỉnh mà thôi.

Vẫn chưa hại được Phật, Ðề Bà lại mượn thế lực chính trị. Ðề Bà xúi A Xà Thế hạ ngục vua cha để lên ngôi. Sau khi đoạt được ngai vàng, A Xà Thế niệm ân Ðề Bà đã bày cho mưu kế. Bởi thế, nghe lời Ðề Bà xúi giục, A Xà Thế thả voi điên chà Phật, khi thấy Phật voi điên đã quì mọp trước Phật.

Thấy không thể hại được Phật, nhưng có A Xà Thế hỗ trợ. Ðề Bà cùng với một số đệ tử thân tín đặt ra một số luật lệ sinh hoạt tăng đoàn và tự phong lên chức thủ lãnh. Luật mới có 5 điều:

1)- Tỳ kheo mặc áo bằng giẻ rách vá lại.
2)- Tỳ kheo mỗi ngày chỉ ăn một bữa.
3)- Tỳ kheo không ăn mặn.
4)- Tỳ kheo không đến nhà thí chủ thọ cúng.
5)- Tỳ kheo mùa hè ở ngoài trời, mùa đông vè thảo am.

Với giáo điều thiên kiến, không hợp lý trung đạo, tăng đoàn mặc Tần Ðề Bà. Riêng A-Na em ruột của Ðề Bà, vừa chỉ trích vừa thóa mạ Ðề Bà thậm tệ. Vì bị sỉ nhục, Ðề Bà trốn khỏi Tăng đoàn và mất tích luôn.

19)- Ba Tư Nặc và A Xà Thế.

Sau khi lên nắm trọn quyền hành nước Ma Kiệt Ðà, A Xà Thế chiếm luôn được nước Kiều Tất La. Thừa thắng xông lên, A Xà Thế giả vờ sai sứ đến Việt Kỳ vấn an Ðức Phật, với mục đích dò la sự yếu mạnh của Việt Kỳ. Biết thâm ý của A Xà Thế, trước mặt của sứ thần Vũ Xá, Phật hỏi A Nan tình hình Việt Kỳ, nơi Phật đang giáo hóa. A Nan trình Phật về sức mạnh của Việt Kỳ, nếu có nước nào cất binh đến đánh, chắc chắn không thể nào chiếm được.

Nghe sứ thần Vũ Xá tâu lại, biết không thể đánh Việt Kỳ, A Xà Thế đổi chiến lược, cất binh đánh vương quốc Ba Tư Nặc. Bị đánh bất ngờ, Ba Tư Nặc bại trận. Nhà vua buồn bã, vào trốn trong một căn phòng nhỏ hẹp, tối om và rất lo lắng, sợ không thể nào thoát khỏi quân sĩ A Xà Thế lùng bắt. May mắn thay, nhà vua được mạnh thường quân Cấp Cô Ðộc cung cấp vàng bạc để sắm ngựa, rèn giáo mác cung tên, chiêu binh phục thù. Khi binh của ta ở thế mạnh, vua Ba Tư Nặc cất quân đánh Ma Kiệt Ðà. A Xà Thế bại trận và bị bắt. nghĩ đến tình giao hảo giữa bản thân và vua Tần Bà Sa La, cha của A Xà Thế, vua Ba Tư Nặc không nở giết hại A Xà Thế, kể cả việc hạ ngục nhà vua dẫn A Xà Thế đến yết kiết Phật và xin ý kiến.

Phật dạy: "Hãy trã tự do cho A Xà Thế! Bại thì mang nhiều ưu bi, thắng thì gây thù hận. Hại người thì người hại, oán oán chập chồng. Bậc hiền giả sáng suốt không ôm lòng thắng bại".

Nghe Ðức Phật giảng hòa, A Xà Thế phát nguyện sám hối những lỗi lầm ngày trước, xin qui y Phật và hứa mãi mãi là bạn trung thành với Ba Tư Mặc. Ðể tình thêm thắt chặt. A Xà Thế xin Ba Tư Nặc gả công chúa Cờ Sê Ma (Kohene) cho một hoàng tử.

Không có gì trở ngại, Ba Tư Nặc trả lời được thế sự hợp tác giữa hai quốc gia chúng ta thêm thắm thiết, như giữa tôi và vua Tần Bà Sa La ngày trước.

Ðức Phật hài lòng. Hai quốc vương mở đầu cuộc chung sống hòa bình, an lạc. Về sau A Xà Thế nổi danh là một vị vua nhân ái, hết lòng hộ trì Phật pháp.

20) - Gương can dải.

Khi về già, Phật không đi du hóa xa. Phật chỉ du hóa bên bờ sông Hằng trung tâm là thành Ba Liên Pháp (Pataliputra) và thành Tỳ Xá Ly (Vaisali). Còn những miền xa xôi, các đệ tử của Phật hành hóa.

Một hôm, thấy cần đưa dân xứ Ro Ma Ba Răn Ta bỏ tính ác độc, trở về con đường lương thiện, Phật gọi Tỳ kheo Biệt Na đến và hỏi: - Này Biệt Na! Người có thể đến xứ Ro Na Ba Răn Ta truyền giáo được không? - Bạch Thế Tôn! Ðược, Biệt Na trả lời. Nhưng này Biệt Na! Dân ở xứ đó không hiền lương lại rất hung bạo, người có can đảm để chịu đựng được không? - Bạch Thế Tôn! Con kham nhẫn. Khi Biệt Na sắp lên đường, Phật hỏi: - Này Biệt Na! Như ta đã nói với ông, dân Ro Na Ba Răn Ta thật hung bạo. Khi đến đó hóa đạo, nếu bị chửu rủa, xỉ mắng, ông nghĩ thế nào? - Bạch Thế Tôn! Họ còn hiền. Vì họ chỉ chửi mắng, xỉ vả, chứ chưa đánh đập, hoặc chọi đá con - Thế họ đánh đập, chọi đá, ông tính sao? - Bạch Thế Tôn! Họ còn thương con, vì chưa lấy dao đâm chém con. Nếu họ cầm dao đâm chém ông? - Bạch Thế Tôn! Họ còn tốt, vì chưa đâm con chết. Nếu họ đâm chết? - Bạch Thế Tôn! Họ đã giải thoát cho con hết kiếp đau khổ: sinh, già, bịnh, chết...

- Can đảm lắm! Giáo pháp của Như Lai sẽ không bị mai một, vì có người thừa kế. Ðèn sáng trí tuệ sẽ mãi mãi soi sáng trần gian u tối, ngu mê... người hãy chuẩn bị lên đường làm tròn sứ mệnh truyền đăng tục diện.

Một thời gian sau, Phật họp giám đoàn, nhắc nhở các Tỳ Kheo hãy noi gương can đảm của Biệt Na, trong lúc hoằng pháp độ sinh, rồi cùng A Nan rời Tỳ Xá Ly. Bấy giờ Phật gần 80 tuổi.

21) Dâm nữ Ambapali xuất gia

Trên đường đến rừng Sa La để nhập Niết Bàn, Phật dừng chân ở vườn xoài của dâm nữ Ambapali, tại thành Tỳ Xá Ly (Vesali).

Do nghe danh Phật đã lâu, nay lại được Phật dừng chân ở vườn xoài của mình, dâm nữ Ambapali ra vái chào và thỉnh Phật cùng chúng Tăng đến nhà chứng trai vào ngày hôm sau. Ðể thể hiện đạo bình đẳng, Phật nhận lời dâm nữ thay vì nhận lời xin cúng dường ngọ trai của hàng quí tộc Licchavi. Biết Phật sắp rời trần thế và để có phước báu, hàng quí tộc đến năn nỉ dâm nữ để xin được cúng dường Phật, với bao hứa hẹn đền ân đúng mức. Do chính mình đã cầu thỉnh Phật trước, dâm nữ một mực chối từ. Hôm sau, Giáo đoàn Ðức Phật đến nhà dâm nữ ngọ trai. Buổi ngọ trai hoàn mãn, dâm nữ lễ tạ ân Phật, xin cúng dường vườn xoài để Phật thiết lập tịnh xá và xin được xuất gia.

Phật nhận lời. Về sau, dâm nữ Ambapali chứng quả A La Hán.

* * *

NHẬN THỨC VÀ KẾT LUẬN

Trên đường hành hóa, gặp nhiều vấn đề, thuận có, nghịch có, hóc hiểm có... Phật đã giải quyết êm xuôi tất cả. Các vấn đề đó đều là những bài học quí giá cho chúng ta. Cũng qua đó chúng ta thấy Phật dạy nhiều vấn đề liên quan đến con người, đến gia đình, đến quốc gia, xã hội và nhân thế... Bởi thế, Phật không chấp lý luận, làm những chuyện xa vời với thực tế của cuộc sống, không ích lợi cho tiến trình ra khỏi sinh tử luân hồi.

Với con người, để nâng cao phẩm hạnh, tư cách, con người cần giữ giới luật. Với toàn bộ giáo pháp của Phật được thu gọn vào 3 vấn đề là giới, định và tuệ. Muốn có định và tuệ, trước tiên con người phải giữ giới. Có giữ mới có quan. Trong giáo đoàn của Phật, qua những năm đầu, Ðức Phật chưa chế giới, vì Tăng đoàn còn thánh thiện. Về sau có Tỳ kheo mất phẩm hạnh, rồi lục quần Tỳ kheo tạo cho Tăng đoàn nhiều bối rối. Do đó, Phật tuần tự chế nhiều giới luật. Ngày nay, đạo lực của con người quá thấp kém; khó giữ được phẩm hạnh, đặc biệt là hàng tăng sĩ. Bởi thế, là người cắt ái từ thân, hàng tăng sĩ cần lấy giới luật làm thầy. Muốn được người kính trọng, trước hết chúng ta hãy tự trọng.

"Hương thơm của hoa bay theo chiều gió
Hương thơm đạo đức, tỏa ngát mười phương". (Kinh Pháp cú)

Với gia đình, Thầy, bạn, qua Thiện Sinh, Phật dạy! Ở trong vai trò nào, con người hãy làm tròn nhiệm vụ của trách nhiệm đó. Làm con hãy hiếu kính cha mẹ. Ðối với Thầy, bạn, hãy nhớ niệm ân. Là vợ chồng hãy kính nhường, với bà con thân thuộc, hãy từ hòa, lân mẫn. Với người cộng tác, chia xẻ những mệt nhọc, không nên khi dễ, chèn ép... hãy tôn trọng, mếm thương với bậc trưởng thượng, hãy kính ngưỡng, thân cận, để noi gương, bắt chước phong cách, học hỏi điều hay. Ngoài ra, qua Kinh Thiện Sinh, Phật còn muốn dạy con người, khi tiếp cận với cuộc sống, không nên chỉ thừa hành theo con tim mà cần có khối óc. Tin khi hiểu rõ, đã nhận thức, đó là lẽ phải, không nên tin mù như Thiện Sinh khi theo di chúc cha mẹ trong việc lễ bái 6 phương. Ðạo Phật khác với tôn giáo khác ở chỗ có hiểu rõ rồi mới tin. Ngày nay, chúng ta tiếp nối kế thừa, nhưng cần có chọn lọc.

Với quốc gia, xã hội, Phật không chỉ chú trọng phương diện giải thoát sinh tử, luân hồi mà không quan tâm đến cuộc sống chung quanh. Vì thế, Phật đã giảng hòa hai phe tranh chấp một giòng nước. Khi Ba Tư Nặc đưa A Xà Thế, một kẻ chiến bại, đến yết kiến, Phật dạy nên trang trải tình thương, không nên lấy oán báo oán. Khi đối thủ khúm núm trước ta, ta không nên kiêu sa là đã chiến thắng. Thắng được lòng người sự thắng đó mới bền vững. Còn thắng vũ lực, sức mạnh chỉ gây oán thù. Tâm bình thế giới bình là thế!

Với riêng Ðức Phật, Phật cũng còn gặp những chuyện trớ trêu Chiên Già đến vu khống Phật, Ðề Bà Ðạt Ða âm mưu làm Phật bị thương ở chân. Tuy bị mưu hại, Phật vẫn thản nhiên, như không có gì xảy ra. Vì theo Phật, oan ức không cần bày tỏ, vì bày tỏ chỉ hèn nhát mà trả thù thì oán đối kéo dài. (Luận bảo Vương Tam Muội) những cơ mưu sớm muộn cũng đều bị thất bại, tự hại. Trong kinh 42 chương Phật nói: "Ngửa mặt lên trời để nhổ nước bọt, nước bọt chẳng đến trời mà trở lại rơi vào mình. - Ngược gió tung bụi, bụi trở lại lấm thân". Bởi thế, với lịch sử hơn 2.500 năm truyền giáo, Phật giáo chỉ làm đẹp thêm cho các quốc gia xã hội mà thôi, đạo Phật đến đâu, hòa bình đến đó là thế!

* * *

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1) Tại sao Phật chế giới?

2) Theo Thiền học, nghỉ nhiều thì ngộ nhiều thế tại sao, Phật không làm thỏa mãn thăc mắc của Mang Ðồng Tử?

3) Phật giải hòa hai phe tranh chấp giòng nước như thế nào?

4) Hãy nói ý nghĩa lễ sáu phương?

5) Chiên Ðà vu khống Phật điều gì và Phật xử sự thế nào?

6) Ðề Bà xúi A Xà Thế làm gì?

7) Ðề Bà đặt luật gì?

8) Khi Ba Tư Nặc dẫn A Xà Thế yết kiến, Phật giảng giải như thế nào?

9) Tỳ kheo Biệt Na như thế nào?

10) Phật xử sự như thế nào khi bị chướng duyên?

-ooOoo-

Ðầu trang | 1.01 | 1.02 | 1.03 | 1.04 | 1.05 | 1.06 | 1.07 | 1.08 |
| 2.01 | 2.02 | 2.03 | 2.04 | 2.05 | 2.06 | 2.07 | 2.08 | 2.09 | 2.10 | 3 | Mục lục

Chân thành cám ơn Đại đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 07-2001)


[Trở về trang Thư Mục]