BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Ðại Tạng No. 1451

CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
- Mùla-Sarvàstivàda -

TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ
- Mùla-Sarvàstivàda Vinaya Ksudraka Vastu -
(Cuộc đời đức Phật và các đệ tử)

Hán dịch: Tam Tạng Nghĩa Tịnh, đời Ðường, Trung Quốc
Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh, PL 2542 - TL 1998


Thành kính đảnh lễ đức Thế Tôn, Ngài là bậc Ứng Cúng, Ðấng Chánh Biến Tri.

Quyển thứ mười lăm

--- ooOoo ---

Nhiếp tụng bảy trong biệt môn ba:

Thí thân lý xà yên
Thạch khí sinh nghi hoặc,
Nhiễm y hữu đa chủng
Tùy ý họa Già lam.

* Duyên khởi tại thành Thất La Phiệt. Vừa tắm xong, thân thể còn ướt, Bí-sô đã mặc y làm cho y ố màu và có mùi hôi. Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

- Nên sắm khăn lau thân.

Có Bí-sô không tìm được khăn. Phật dạy:

- Tắm xong, ngồi xổm một lúc trên đất, dùng y tắm lau khô thân thể, sau đó mặc y.

Mang dép da bị dính bùn đất, Bí-sô chà đập làm dép bị đứt quai. Phật dạy:

- Không nên làm như vậy.

Họ lại rửa bằng nước làm dép bị hư. Phật dạy:

- Không nên làm vậy, dùng khăn ướt lau.

Do đó, Bí-sô nên dùng vật để lau giày dép. (Y tắm - nguyên ngữ là tẩy quần, dùng một tấm vải rộng một khổ rưỡi, dài sáu thước Tàu quấn chặt che từ eo lưng xuống dưới đùi, không cột đai. Ðó là theo phép của các nước Tây trúc). (Chăn tắm của chư Tăng Nam Truyền xử dụng là tấm vải dài chừng 2,2m rộng chừng 0,8m. N.D).

* Phật ở bên bờ hồ Yết Già, nước Chiêm Ba. Có Long nữ tín tâm thuần thiện nhưng rồng con lại không tin, không sống theo pháp luật. Rồng mẹ tìm cách khuyến khích con nghe pháp:

- Con hãy đến bên Thánh giả nghe chánh pháp để con được phước lợi.

Không biến đổi hình rồng, rồng con đến chỗ tụng kinh. Thấy vậy, Bí-sô trẻ tuổi sợ hãi kêu lớn:

- Lưng dài! Lưng dài!

Các Bí-sô chưa ly dục khác đều sợ hãi, dùng dây lông cột cổ rồng, lôi ném ra ngoài chùa.

Rồng con về nhà, mẹ hỏi:

- Vừa rồi con đến chỗ Thánh giả nghe pháp phải không?

Ðáp:

- Mẹ yêu mến! Không nên nói đến người không từ ái này làm gì.

Mẹ hỏi:

- Ðối với con, họ đã làm việc phi pháp gì?

Rồng con kể lại đầy đủ chuyện bị dây lông cột cổ.

Mẹ nói:

- Do sự việc như vậy nên gọi họ là Thánh giả, nếu là hạng khác thì chắc đã giết chết con rồi.

Rồng con im lặng.

Bạn bè của rồng con thấy vậy cùng nhau chê bai, gọi nó là cổ lở. Bị họ diễu cợt, rồng con buồn rầu thân thể vàng vọt, gầy ốm, mất sức, suy nhược. Thấy vậy, rồng mẹ hỏi:

- Vì sao thân thể con ốm vàng như vậy?

Ðáp:

- Mẹ thân! Con thường bị bạn bè châm chọc là cổ lở. Con xấu hổ nên gầy ốm như vậy.

Mẹ nói:

- Vì con không biến đổi thân hình cũ nên bị lỗi như vậy, nếu biến hình thì không bị dây lông trói cổ. Từ nay, đi nghe diệu pháp, con phải biến hình, tùy thuận như vậy thì mặc sức thấy nghe. Nếu giữ thân cũ, con phải ần mình để nghe.

Vì thiếu lòng tin nên rồng con chỉ im lặng chứ không theo lời mẹ dạy. Rồng mẹ suy nghĩ: "Thánh giả dùng dây lông cột cổ rồng con, gây khó khăn cho người muốn nghe pháp. Vì chuyện này, ta nên đến bạch Phật ".

Vào giữa đêm, với thân hình chiếu sáng rồng mẹ đến gặp Phật, lạy sát chân Ngài, ngồi qua một bên. Do hào quang trên thân của rồng mẹ chiếu ra làm cho khắp hồ Yết Già sáng rực rỡ. Rồng mẹ bạch Phật:

- Ðại Ðức! Con của con thiếu lòng tin, con khuyên nó đến nơi tụng kinh. Trông thấy nó, Thánh giả dùng dây lông cột chặt cổ ném ra ngoài chùa nên cổ bị thương tổn. Các bạn của nó thấy vậy nên châm chọc gọi là cổ lở. Vì bị châm chọc nên thân thể nó vàng vọt gầy yếu hao tổn. Cầu xin Thế Tôn nhẹ nhàng ngăn ngừa chư thánh chúng chớ nên dùng dây lông cột cổ các rồng con, xin Ngài từ mẫn cho.

Biết như vậy, Thế Tôn im lặng nhận lời. Long nữ lễ Phật từ giả.

Sáng sớm hôm sau, khi an tọa trước chúng tăng, Thế Tôn bảo các Bí-sô:

- Ðêm qua, Long nữ đến gặp Ta, lạy sát chân rồi ngồi qua một bên với ánh sáng chiếu ra làm sáng rực cả bờ hồ, thưa với Ta: "Ðại đức! Con của con chưa có lòng tin nên con khuyên nó đến chỗ tụng kinh. Trông thấy nó, Thánh giả dùng dây cột lông chặt cổ ném ra ngoài chùa. Do cổ thương tổn, bị các bạn châm chọc nên thân thể nó âu sầu vàng vọt suy nhược hao tổn. Cầu xin Thế Tôn nhẹ nhàng ngăn các thánh chúng đừng dùng dây lông cột các rồng con, xin Ngài từ mẫn cho ".

- Này các Bí-sô! Vì sao các thầy làm việc phi pháp như vậy, làm cho long thần kia sinh tâm khinh mạn, có thể khiến cho chánh pháp bị đưa đến tiêu vong. Thế nên các Bí-sô không được dùng dây lông cột cổ rồng rắn, khi thấy chúng đến, nên búng ngón tay bảo:

- Hiền thủ! Hãy đi đến chổ khuất. Nếu chúng theo lời bỏ đi thì tốt, nếu không đi thì dùng gậy chỉa hai như chân dê nhẹ nhàng kẹp đầu bỏ vào trong ống đất có khoét lỗ bên hông, dùng vật bịt miệng, khiêng bỏ ra ngoài. Nếu không có loại gậy này thì dùng loại dây mềm cột nhẹ cổ kéo đi. Nếu không có dây mềm thì dùng gậy nhẹ nhẹ đè giữ rồi dùng dây tơ buộc cổ bỏ vào trong ống, như trước đưa ra ngoài thả nơi vùng cây cỏ ...

Rắn phun lửa sân, đốt cháy đám cỏ, rắn cũng bị chết. Phật dạy:

- Không nên thả trong đám cỏ.

Sau, họ bỏ rắn nơi đất trống, không trông chừng lâu, lại có các loại trùng khác đến ăn thịt. Phật dạy:

- Thả ra, không nên đi ngay, thả nơi đất trống, đợi chúng vào hang rồi sau đó mới đi.

* Duyên khởi tại thành Vương Xá. Trong thành có một trưởng giả giỏi làm những vật dụng bằng đá, tùy thời trữ hay bán nên thu hoạch nhiều lợi nhuận. Ông ta suy nghĩ: "Làm cách gì để được nhiều phước nghiệp, ngay trong đời này được lợi không cùng. Ta nên thỉnh Phật và Tăng đến nhà cúng dường, dùng thực phẩm đựng trong đồ dùng bằng đá, thu hoạch nhiều phước nghiệp, được lợi ích vô cùng".

Ông ta đến gặp Phật thưa như trên ... cho đến Phật và chư Tăng đến nhà an tọa. Trưởng giả dọn đồ dùng mới cho thượng tọa, đồ dùng cũ cho hạ tọa. Bí-sô nghi ngại không chịu thọ nhận. Phật dạy:

- Phát xuất nơi tâm thanh tịnh nên được nhận chớ nghi ngại.

Trưởng giả cúng dường làm cho tất cả đều no đủ. Ðức Phật thuyết pháp xong, rời tòa ra về.

* Duyên khởi tại thành Thất La Phiệt. Bí-sô cần nhuộm, Thế Tôn cho phép. Bí-sô nấu cây nhuộm còn ướt để nhuộm y cho hoại sắc. Phật dạy:

- Nên phơi cây cho khô sau đó mới nấu nhuộm.

Họ phơi y vào giữa trưa nên màu nhuộm không tốt. Phật dạy:

- Không nên phơi giữa trưa nắng.

Họ để chỗ tối làm cho y bị mốc. Phật dạy:

- Không nên để nơi quá nắng hay quá tối tăm, tùy lúc phơi cho khô ráo.

Họ lại nấu chung y cùng với cây nhuộm làm cho y bị hư. Phật dạy:

- Nấu nước nhuộm riêng.

Họ nhuộm chỉ một lượt rồi đổ bỏ cây nhuộm. Phật dạy:

- Nên nấu nhuộm ba lần rồi mới bỏ.

Bí-sô nấu ba lần nước để nhuộm đổ chung một chỗ. Phật dạy:

- Nên để riêng ba chỗ.

Họ không nhớ nước nào trước sau và giữa. Phật dạy:

- Ghi rõ thứ tự của nó.

Bí-sô dùng nước nhuộm rưới trên y. Phật dạy:

- Không nên vậy, đổ nước nhuộm vào chậu trước, sau đó nhúng y vào.

Họ dùng nhiều nước nhuộm, khi phơi bị chảy nước. Phật dạy:

- Không nên dùng nhiều nước nhuộm.

Có lúc họ nhuộm ít nước làm y bị loang lỗ. Phật dạy:

- Không được quá nhiều hay quá ít, châm chuớc vừa phải.

Họ phơi y trên đất, làm y bị dính bụi đất. Phật dạy:

- Không nên như vậy.

Họ phơi trên cây nhọn làm cho nước nhuộm nghiêng về một bên. Phật dạy:

- Nên phơi trên dây hay trên sào.

Họ vắt trên dây làm y đùn vào giữa nên không ăn màu. Phật dạy:

- Nên phơi một bên y trên dây, dùng kẹp tre kẹp lại cho ổn định. Nếu sợ hư y thì dùng vật lót chỗ kẹp.

Bí-sô không thường trở tấm y làm cho màu nhuộm ở một bên. Phật dạy:

- Nên trở nhiều lần.

Bấy giờ có Bí-sô làm đại y nhiều lớp, nhuộm rồi phơi trên dây, nặng quá dây không chịu nổi. Phật dạy:

- Trải phơi trên cỏ, trở nhiều lần (cho khô).

Có người dùng thuốc nhuộm mới nhuộm y cũ, có người lấy y mới nhúng vào nước nhuộm cũ. Phật dạy:

- Y mới dùng nước nhuộm mới, y cũ dùng nước nhuộm cũ, không nên làm khác đi.

Có người đem y mới phơi nơi bóng râm, đem y cũ phơi giữa ánh mặt trời. Phật dạy:

- Y mới phơi giữa trời, y cũ nơi bóng râm.

Khi nhuộm y, họ dùng nước nhuộm thứ ba để nhuộm y lần đầu, nước tiếp theo nhuộm lần hai, nước thứ nhất nhuộm y lần ba. Phật dạy:

- Nước thứ nhất dùng nhuộm y lần đầu, nước tiếp theo nhuộm lần giữa và cuối.

Nhuộm y xong, không dùng nước xả, làm y bị loang lỗ. Phật dạy:

- Nên dùng nước xả.

Bí-sô nhuộm y xong, xả nước ngay trong ngày. Phật dạy:

- Nên đợi sáng hôm sau.

Ngay khi nhuộm y, có mưa gió, Bí-sô hoảng hốt không biết sẽ phơi y chỗ nào. Phật dạy:

- Nên phơi trước hiên.

Họ nhuộm y trước hiên, nước nhuộm làm dơ đất, thấy vậy, người thế tục hỏi:

- Thánh giả! Vì sao nơi này có máu chảy?

Ðáp:

- Không phải máu, là chỗ tôi nhuộm y.

Người đời sinh bất mãn. Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

- Dùng phân bò hay đất trát láng nơi nhuộm y.

Duyên xứ như trước. Trưởng giả Cấp Cô Ðộc sáng tạo tịnh xá ... cúng Phật và Tăng xong, nhưng tường vách chưa có tô vẽ, nên suy nghĩ: "Ta hãy xin phép Phật tô vẽ chùa tăng ".

Trưởng giả đến gặp Phật, lạy sát chân, lùi qua một bên bạch:

- Ðại Ðức! Vách chùa chưa được vẽ, con muốn vẽ.

Phật dạy:

- Tùy ý.

Trưởng giả không hiểu, đến bạch Bí-sô, Bí-sô không biết dùng màu sắc gì nên đến gặp Phật. Phật dạy:

- Lành thay trưởng giả! Nay ông không biết nên lại đến hỏi, nên dùng bốn màu xanh vàng đỏ trắng và tạp sắc để tô vẽ.

 

Nhiếp tụng tám trong biệt môn ba:

Tạo tự sở tu vật
Xuyên sàng lễ kính nghi,
Biệt súc thế phát y
Hoa man trụ miên xứ.

* Duyên xứ như trước. Trong thành này có một trưởng giả. Bí-sô khất thực thường đến nhà ấy hướng dẫn cho trưởng giả thọ trì quy giới. Một hôm, nhân nghe giảng thuyết về bảy loại phước nghiệp, ông ta thưa:

- Thánh giả! Con phát tâm muốn tu tập một loại phước nghiệp.

Bí-sô đáp:

- Lành thay! Nên làm.

Hỏi:

- Thánh giả, con nên làm gì?

Ðáp:

- Nên làm trú xứ cho chúng Tăng.

Hỏi:

- Thánh giả! Con đang hiện có chi phí để làm chùa, nhưng không có bạn giỏi giúp con thực hiện.

Ðáp:

- Trưởng giả! Ngài hãy sắm đủ vật liệu, tôi sẽ giúp ngài xây dựng.

- Lành thay Thánh giả!

Họ giao tiền vật, Bí-sô suy nghĩ: "Vật này thuộc về tứ phương Tăng, làm sao xử dụng để làm đồ dùng được, ta nên đi xin ở nơi khác, còn tiền trưởng giả thì cất vào kho.

Sau đó, trưởng giả suy nghĩ: "Thánh giả hảo tâm giúp ta làm chùa, hãy đến xem hình dáng như thế nào ".

Ðến nơi, thấy chưa làm gì cả, ông ta hỏi Bí-sô:

- Ngài hứa làm chùa, ý gì mà chẳng có gì cả?

Ðáp:

- Ông không đưa vật liệu lấy gì để làm?

Nói:

- Vật đã giao sao không xử dụng?

Ðáp:

- Vật để trong kho.

Trưởng giả nói:

- Hãy dùng vật này sắm các đồ dùng.

Ðáp:

- Vật này thuộc tứ phương Tăng, tôi không dám xử dụng.

Trượng giả nói:

- Làm chùa vốn thuộc tứ phương Tăng, xử dụng có lỗi gì?

Ðáp:

- Trưởng giả! Tôi đến thưa với Phật và làm theo lời dạy của Ngài.

- Tùy ý ngài đi thưa.

Bí-sô đến nói với các Bí-sô, Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

- Vật này dùng sắm vật dụng để xây cất chùa.

Gặp lúc Bí-sô làm chùa đi khất thực từng nhà, thấy vậy trưởng giả lấy làm lạ nói:

- Ngài làm chùa cho con vì sao còn khất thực, có thể dùng tiền vật trong việc cất chùa để ăn, nếu thiếu con sẽ đem lại thêm.

Ðáp:

- Chả lẽ một mình tôi ăn vật của tứ phương?

Trưởng giả:

- Theo ý con hiểu, nào có lỗi gì?

Bí-sô đáp:

- Ðể tôi hỏi Thế Tôn.

Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

- Người làm chùa được ăn trong chi phí làm chùa.

Tuy nghe cho phép ăn nhưng Bí-sô vẫn ăn thức ăn dở. Phật dạy:

- Không nên ăn thức ăn dở.

Họ ăn món thượng hạng. Phật dạy:

- Không nên ăn thượng hạng, hãy xem chùa khác mà ăn như họ.

* Duyên xứ như trước. Có Bí-sô bị đau bụng, phải đi tiêu luôn đến nổi rất mệt nhọc. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

- Nên khoét lỗ nơi giường để tùy lúc đi tiêu.

Họ khoét lỗ nơi giường quá tốt. Phật dạy:

- Nên dùng giường cũ hay giường dây, nên khoét lỗ hay vạch lỗ trống theo sợi dây đan, sau khi hết bệnh tùy việc mà sửa chửa.

Do đi ngoài ma sát nhiều nên phần dưới bị lở loét. Phật dạy:

- Nên lót vật mềm bên cạnh lỗ.

Bất tịnh rơi ra đất dùng bồn đất hứng không cho rơi từ trên cao xuống. Bồn bị mùi phẩn hôi nên bỏ ra và tìm bồn khác, thay đổi như vậy không tìm thêm được vật dụng. Phật dạy:

- Không nên bỏ tất cả, phải giữ lại một cái xử dụng, một cái đem rửa sạch rồi phơi khô. Nếu không có cái bồn thứ hai thì lót bằng lá cây. Bồn tuy được rửa nhưng không hết mùi hôi thì nên bôi dầu.

Như lời Phật dạy nên săn sóc người bệnh. Bấy giờ có các Bí-sô già và trẻ cùng nhau đến thăm bệnh. Ðến nơi, vị trẻ kính lễ bệnh nhân.Vị già đến, bệnh nhân phải kính lễ. Do làm lễ nên bệnh nặng thêm. Phật dạy:

- Thân bệnh nhân bất tịnh, không nên làm lễ họ. Thân mình ô nhiễm cũng không nên lễ bái người. Giả như họ có lễ bái cũng không nên nhận. Nếu ai làm trái đều bị tội vượt pháp.

Cụ thọ Ô Ba Ly thưa Thế Tôn:

- Như Thế Tôn dạy người chẳng thanh tịnh không nên nhận lễ bái của người và không lễ bái người khác. Thưa Ðại Ðức! Có bao nhiêu loại bất tịnh ô nhiễm?

Phật bảo Ô Ba Ly:

- Có hai loại bất tịnh. Một là nhai cắn bất tịnh, hai là uế ô bất tịnh. Nhai cắn bất tịnh nghĩa là nhai bằng răng các loại cây, cắn nuốt các thức ăn uống rễ trái bánh rau. Khi ăn và đã ăn xong, chưa súc miệng sạch đều gọi là bất tịnh.

Ô uế bất tịnh nghĩa là khi đại tiểu tiện, dọn dẹp nơi bất tịnh và cạo tóc, mà chưa rửa ráy súc miệng sạch đều gọi là bất tịnh. Khi tiếp xúc những việc bất tịnh như vậy mà nhận người lễ hay lễ người đều bị tội Ác tác (Lời văn sáng tỏ từ kim khẩu Phật nói ra nhưng xứ này không dùng làm cho quy tắc bị chìm mất cả).

* Duyên xứ như trước. Cụ thọ Ô Ba Ly thưa Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn! Bà-la-môn Diệu Hoa nói lời thế này: "- Thưa Kiều Ðáp Ma! Khi con đi xe mà nắm cương giữ ngựa lại hoặc giơ roi gọi to, ngay khi ấy xin biết rõ cho con là Bà-la-môn Diệu Hoa đảnh lễ dưới chân Phật và thăm hỏi sức khỏe Ngài. Thưa Kiều Ðáp Ma! Khi nếu thấy con đang đi bộ mà tháo giày dép ra hoặc tránh qua bên đường, hoặc đưa tay chào, khi ấy xin biết rõ cho là con đang kính lễ thăm hỏi như trước. Thưa Kiều Ðáp Ma, khi thấy con đang cùng bàn luận với mọi người, nếu rời khỏi chỗ ngồi, hoặc bỏ thượng y hoặc lột khăn đội đầu, ngay khi ấy cũng như trước, xin biết rõ cho là con đang lễ kính". Thưa Thế Tôn! Không biết trong thánh giáo của Như Lai cũng có pháp lễ kính như vậy không?

Phật bảo Ô Ba Ly:

- Không nên lễ kính bằng hành động như vậy. Phàm miệng nói: "Tôi xin lễ kính chỉ là khẩu nghiệp biểu thị lễ kính. Nếu khom người nói:xin làm lễ, thì cũng là lễ nhưng chưa đầy đủ ".

Này Ô Ba Ly! Trong pháp-luật của Ta có hai loại lễ kính. Thế nào là hai?

1- Năm vóc sát đất,
2- Hai tay nắm lấy mu bàn chân, miệng nói: "Tôi xin kính lễ". Người nhận lễ nói: "Khỏe mạnh".

Nếu không làm như vậy đều bị tội vượt pháp.

* Duyên xứ như trước. Các Bí-sô tùy tiện mặc các loại y để cạo râu tóc, lại mặc y ấy để thọ thực và lễ bái Ðại sư. Người không có tín tâm thấy vậy sinh bất mãn: "Sa-môn Thích tử thật không thanh tịnh, mặc y cạo tóc để thọ thực, lại mặc y ấy kính lễ Ðại sư. Ðối với họ, làm sao chúng tôi kính trọng được!"

Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

- Không được mặc một trong ba y để cạo râu tóc, nên sắm y cạo tóc riêng ( tức man điều) và mặc y này để cạo râu tóc.

Có người quá nghèo khó có y này. Phật dạy:

- Nên dùng y tăng khước kỳ che thân để cạo.

Sau khi cạo tóc, Bí-sô không gội. Thấy vậy, những người thế tục cùng nhau chê bai:

- Sa-môn Thích tử sau khi cạo râu tóc không biết tắm rửa thật khả ố.

Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

- Sau khi cạo râu tóc phải nên tắm rửa.

Có người già bệnh sức khỏe suy yếu, có lúc khó lấy nước. Phật dạy:

- Trường hợp như vậy nên rửa năm chi phần là đầu và tay chân.

* Duyên xứ như trước. Có những Bà-la-môn và cư sĩ kính tín đem vòng hoa đẹp đến cúng dường Bí-sô nhưng họ không dám nhận. Người thế tục nói:

- Thánh giả ... nói rộng như trước, cho đến ... chả lẽ chúng con bỏ hết các thiện phẩm để qua đời sau hay sao, mong ngài nhận cho!

Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

- Ðược cúng dường vòng hoa nên nhận.

Nhận xong, họ vứt bỏ tùy tiện. Thấy vậy, người cúng bất mãn nói:

- Con dùng vật quý để mua hoa này cúng dường quý ngài, vì sao lại xem thường vứt bỏ.

Phật dạy:

- Không nên tự ý vứt bỏ.

Bí-sô dùng vòng hoa cúng dường tháp thờ tóc và móng (Phật), người cúng nói:

- Thánh giả! Chả lẽ con không thấy tháp thờ tóc móng hay sao? Con đã cúng dường tháp trước rồi. Nay mới đem hoa đến cúng quý ngài.

Nghe như vậy, Bí-sô gắn hoa trên cửa phòng. Thấy vậy, người tục cho là điện Phật nên lễ bái. Phật dạy:

- Chớ để ngoài cửa, nên để trong phòng.

Họ để nơi trống trải, bị lỗi như trước. Phật dạy:

- Nên để chỗ khuất. Khi ngửi có mùi thơm, là vật thơm làm ích lợi cho mắt.

Bí-sô không biết thế nào là chỗ khuất. Phật dạy:

- Nên gắn một bên chỗ nằm.

 

Nhiếp tụng chín trong biệt môn ba

Hảo tọa tinh sàng thí
Hương nê cập bát lung,
Du khí pháp ngữ hành
Y đại trì tam sách.

* Duyên tại thành Thất La Phiệt. Phật dạy các Bí-sô:

- Nếu được giường, chỗ ngồi tốt đẹp, Tăng già nên nhận, không cho phép cá nhân nhận. Ðược cúng giường dựa lớn, Tăng được nhận lấy, không cho phép cá nhân nhận.

* Duyên khởi như trước. Người tục có tín tâm đem bột thơm thượng hạng đến dâng, nhưng Bí-sô không dám nhận. Họ nói:

- Thánh giả! Chúng con lấy quý ngài làm phước điền ... nói rộng như trước cho đến ... nay lẽ nào chúng con vứt bỏ thiện phẩm đi qua đời sau hay sao, xin ngài nhận cho.

Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

- Nên nhận.

Nhận xong, Bí-sô vứt dưới đất trước mặt người cho. Họ bất mãn nói:

- Con dùng vật quý giá để mua hương này mà ngài lại vứt bỏ.

Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

- Không nên vứt bỏ, hãy đem thoa phết nơi tháp thờ tóc móng của Phật, ... nói rộng như trước, cho đến... nhận rồi nên để bên đầu tháp, thoa lên tường, mũi thường ngửi luôn, phàm vật thơm làm cho mắt sáng.

Có trưởng giả có tín tâm thỉnh chúng Bí-sô đến nhà thọ trai, dùng dầu thơm thượng hạng thoa lên chân Bí-sô. Bí-sô không dám nhận. Họ thưa:

- Thánh giả! Những người kính tín Bà-la-môn, người khác cúng dầu thơm họ đều nhận và thoa nơi đầu hoặc thân thể. Chúng con kính trọng nên lấy dầu thơm thoa chân quý ngài, vì sao không nhận?

Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

- Ðược nhận dầu thơm thoa chân.

Bí-sô nhận rồi vứt bỏ. Người tục thấy vậy, nói rộng như trước ... "Lành thay quý ngài xin nhận cho chúng con đem về chùa tuỳ ý xử dụng ".

Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

- Không nên vứt bỏ trước mặt họ như trước.

* Duyên xứ như trước. Các Bí-sô để bát bừa bãi làm cho hư vỡ. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

- Không nên để bát bừa bãi mà nên làm tủ đựng bát.

Các Bí-sô đục tường làm tủ. Phật dạy:

- Không nên làm như vậy, khi bắt đầu làm chùa nên làm tủ đựng bát trong các phòng.

Như Phật dạy nên làm tủ đựng bát, các Bí-sô ở Lan nhã không có nơi để làm tủ đựng bát. Phật dạy:

- Nên dùng dây sắn hay cỏ bện thành lồng, trát phân bò hay bùn bên ngoài rồi đựng bát bên trong.

Có đất bụi rơi vào, Phật dạy:

- Nên như cách cũ làm nắp đậy lại, không nên để ngoài đất mà làm dây treo lên nhánh cây.

Ði ra ngoài, Bí-sô mang lồng theo. Thấy vậy, người bất tín chê cười, hỏi:

- Thánh giả! Ngài đang mang lồng gà hay chuồng nhốt khỉ vậy?

Phật dạy:

- Khi đi ra ngoài, không được mang theo, nên để lại chỗ cũ.

* Duyên xứ như trước. Có Bí-sô du hành trong nhân gian, đến tụ lạc kia, tìm nơi nghỉ lại. Sau khi được chủ nhân đồng ý, Bí-sô rửa chân rồi lại xin dầu. Cô gái trong nhà đem dầu ra cúng. Không có vật đựng, Bí-sô đưa tay muốn nhận. Cô gái nói:

- Thánh giả biết xin dầu mà không biết đưa vật đựng.

Ðáp:

- Này tiểu muội! Ðức Phật chưa cho phép.

Cô gái im lặng. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

- Nên cầm theo vật đựng dầu.

Nghe Phật cho phép, Ô Ba Nan Ðà đem theo hai đệ tử đều cầm vật đựng dầu đi xin dầu. Có một phụ nữ đem dầu đến cúng, thấy đồ đựng dầu quá lớn nên đấm ngực nói:

- Thánh giả! Ai có thể cho đầy bình dầu này?

Bí-sô nói:

- Lạ thật! Keo kiệt quá, hãy cho theo ý bà, sẽ có các Bà-la-môn tín tâm khác cho đầy thêm.

Phụ nữ ấy im lặng. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

- Không được đồ đựng dầu quá lớn để xin dầu.

Phật đã ngăn cầm đồ lớn, họ cầm đồ quá nhỏ xin dầu nên không đủ dùng. Phật dạy:

- Không nên cầm đồ quá nhỏ. Ðồ đựng có ba hạng, loại lớn hai muỗng, loại nhỏ m?t muỗng, giữa hai hạng trên là vừa, nên sắm dùng như vậy.

* Duyên xứ như trước. Có hai Bí-sô một già một trẻ vừa đi theo đường vừa nói lời phi pháp. Có Dạ xoa không tín tâm nghe như vậy, suy nghĩ Thích ca tử này đi theo đường nói lời phi pháp, vậy ta nên hút tinh khí của hắn.

Ði theo sau, Dạ xoa lại suy nghĩ: "Việc trước bỏ qua, không truy cứu nữa, nếu họ lại nói bậy, ta sẽ hút tinh khí ".

Khi đi theo, Dạ xoa này gặp một Dạ xoa khác là hạng có kính tín hỏi:

- Ngươi muốn làm gì?

Dạ xoa này kể lại sự việc trên. Dạ xoa kia nói:

- Hai vị đi đường chắc bàn luận về pháp. Ngươi hãy chờ một lúc, đừng theo Bí-sô nữa, ta đích thân cùng ngươi bàn luận.

Ðáp:

- Này bạn! Tôi không thể thả hai kẻ này được.

Khi ấy, hai Dạ xoa đi theo sau.

Hai Bí-sô nói lời phi pháp đ?n ngã rẽ, một người đến vườn Cấp Cô Ðộc, một người về hướng tinh xá Lộc Tử Mẫu. Khi ấy, vị nhỏ lạy sát chân vị thượng tọa, nói:

- Ngài đi bình an.

Thượng tọa đáp:

- Cụ thọ! Chúc ông không bệnh, chớ có phóng dật.

Hai Bí-sô đều đi theo đường của mình. Dạ xoa bất tín biểu hiện hình dạng muốn hút tinh khí. Dạ xoa đến sau nói:

- Ngươi không nên vội vàng làm ẩu, hai Bí-sô ấy đã nói diệu pháp. Ngươi không hiểu nên vội sanh sân hận.

Dạ xoa kia hỏi:

- Cái gì là pháp?

Ðáp:

- Chả lẽ ngươi không nghe vị lớn nói không bệnh, chớ có phóng dật. Ðược không bệnh, đức Phật gọi là lợi lớn. Chẳng phóng dật, là gốc của các điều thiện. Như Thế Tôn dạy:

Nếu người không phóng dật,
Ðược đến nơi bất tử,
Ai sống theo phóng dật,
Phải trở về đường chết.

Nghe pháp xong, Dạ xoa kia hoan hỷ và theo đường trở về.

Dạ xoa đến sau suy nghĩ: đây là việc nên làm của ta, ta hãy đến thưa với Thế Tôn để Ngài biết.

Ðến nơi, lạy sát hai chân, ngồi qua một bên, Dạ xoa bạch Phật:

- Ðại Ðức! Có các Dạ xoa là chúa phi nhân có tâm kính tín Phật pháp nhưng cũng có Dạ xoa không có tín tâm. Ðối với Phật pháp, chúng dạ xoa phần nhiều không kính tín. Có những Bí-sô đi theo đường nói lời phi pháp, sợ bị dạ xoa nghe và gây chuyện bất lợi. Cầu xin Thế Tôn chế định các Bí-sô luôn luôn giữ chánh niệm, khi đi đường không được nói lời phi pháp, xin Ngài từ bi cho.

Biết như vậy, Thế Tôn im lặng nhận lời.

Biết Phật đã nhận lời, Dạ xoa lạy sát chân Phật rồi từ giả.

Sau khi Dạ xoa đã đi, Thế Tôn an tọa giữa đại chúng bảo các Bí-sô:

- Ta nghe Dạ xoa nói thế này: "Trên đường, Bí-sô vừa đi vừa nói chuyện phi pháp. Dạ xoa bất tín tìm cầu thuận tiện cho chúng vì chỗ quấy của ngươi, người xuất gia mà khi đi đường nói lời phi pháp. Thế nên, nay Ta chế định những pháp phải làm cho Bí-sô khi đi trên đường. Khi đi đường, Bí-sô có hai việc phải làm, một là nói lời đúng pháp, hai là im lặng như bậc thánh, ở nơi an nghỉ đọc thánh kệ:

Năm dục lạc trong đời
Hay là các thiện-lạc,
So với lạc hết ái
Không bằng một phần ngàn.
Do Tập hay sinh Khổ
Nhân Khổ lại sinh Tập,
Bát thánh đạo vượt qua
Ðến nơi Diệu Niết bàn.
Hành động người bố thí
Tất thu hoạch ích lợi,
Hỷ lạc nên bố thí
Sau tất được an lạc.

* Duyên xứ như trước. Làm ba y xong, Bí-sô vắt trên vai đi theo đường nên bị thấm mồ hôi và dính bụi đất. Phật dạy:

- Nên làm túi đựng đặt trên vai mang đi.

Bí-sô không biết làm túi như thế nào. Phật dạy:

- Làm dài ba gang, rộng một gang rưỡi. Trên chiều rộng một gang rưỡi may dính lại bên trong.

Họ để trống một đầu, hình như vòi voi. Phật dạy:

- Không nên như vậy nên chừa miệng ngay giữa túi.

Họ không làm nút nên bụi đất rơi vào. Phật dạy:

- Nên làm nút.

Bí-sô để y thường dùng bên dưới, y không thường dùng lên trên, khi lấy dùng làm thứ tự đảo lộn. Phật dạy:

- Cái thường dùng để trên, không thường dùng để dưới.

* Duyên xứ như trước. Có bọn giặc rượt người trên đường chạy vào trong làng. Mọi người chạy ra rượt bọn giặc chạy tứ tản. Khi ấy, giặc tìm nước uống nhưng không có dây và gầu. Ðầu đảng sai người leo lên cây nhìn xa, nếu có ai đến thì mượn dùng. Họ thấy có Bí-sô đang trên đường đi đến nên bảo nhau:

- Có Thích tử đến, họ mang nhiều thứ chắc có gầu và dây. Nếu có thì tốt, bằng không có thì mổ bụng hắn ra lấy máu uống.

Sau khi bàn luận, bọn chúng nhìn theo dõi, thấy Bí-sô đến, nên hỏi:

- Thánh giả! Có dây và gầu múc nước giếng không?

Ðáp:

- Tôi không có.

Nghe như vậy, bọn giặc nhốn nháo lên đều cầm dao gậy nhìn xem hai bên.

Vị thượng thủ trong chúng là bậc A-la-hán quan sát vì sao những người này đều cầm dao gậy, biết rõ bọn giặc muốn giết Bí-sô, nên bảo với bọn chúng:

- Vì sao trong lòng các vị rối loạn lên vậy?

Bọn họ kể lại đầy đủ. Thượng tọa nói:

- Các vị chớ lo, tôi sẽ làm tất cả, chắc có nước trong mặc sức uống no đủ.

Vị này liền lấy dây đai lưng của các Bí-sô nối nhau và cột bát vào thật chắc chắn, thả xuống giếng tùy ý lấy nước, quán sát thấy không có trùng nên uống thỏa mãn. Mọi người vui mừng nói:

- Thánh giả! Nếu không có nước, chắc chắn tôi đã giết hại các ngài rồi. Lành thay! Thánh giả nên mang theo dây gầu.

Bí-sô nói:

- Sẽ làm theo lời ông.

Bọn giặc liền lạy sát chân Bí-sô và ra đi. Các Bí-sô cũng đều uống nước, đựng đầy bình lọc và bình rửa (bình lọc bịt miệng, bình rửa mở miệng), rồi cùng nhau đi về đường phía trước đến vườn Cấp Cô Ðộc. Thấy vậy, Bí-sô chào hỏi:

- Lành thay mới đến, các vị đi đường có an ổn không?

Họ kể lại tất cả. Bí-sô bạch Phật. Phật bảo:

- Vậy nay ta cho phép các Bí-sô nên mang theo dây gầu.

Nghe như vậy, Bí-sô mang theo dây quá dài. Phật dạy:

- Không nên như vậy.

Họ mang dây quá ngắn. Phật dạy:

- Không nên như vậy. Dây có ba hạng là dài, vừa và ngắn. Loại dài là 150 gang, ngắn 10 gang, trung bình giữa hai loại trên.

Có nơi đầy đủ nước, họ vẫn mang theo dây gầu dài. Phật dạy:

- Nên tính theo thế đất, dài ngắn tùy lúc.

 

Nhiếp tụng mười trong biệt môn ba:

Tu thế đao ưng súc,
Cập tiễn giáp đẳng vật,
Chi sàng tinh yển chẩm
Hương thổ dụng tùy tình.

* Duyên xứ như trước. Một Bí-sô nọ tóc đã dài nên đến thợ cạo, nói:

- Hiền thủ! Xin cạo tóc cho tôi.

Thợ suy nghĩ: "Sa-môn Thích tử dùng cường lực sai người, làm uổng công phí sức mà cuối cùng họ chẳng đền đáp gì cả ".

Người thợ cố kéo dài thời gian chùi mài dao dụng cụ và suy nghĩ nếu ta cạo nhanh, lại có người đến nữa, liên miên như vậy phế bỏ gia nghiệp của ta nên nói:

- Hãy tạm thời đi nơi khác, sau giờ ngọ rồi đến đây.

Theo lời dặn, Bí-sô đến, thợ lại bảo chiều đến. Chiều Bí-sô đến, thọ bảo sáng mai, cứ nói dối như vậy cuối cùng không chịu cạo.

Có Bí-sô bạn hỏi:

- Cụ thọ! Vì sao thầy đến nhà ấy mãi vậy. Họ là thân thuộc hay người quen?

Ðáp:

- Không phải vậy! Chỉ vì tóc tôi dài nên đến cạo, bị họ gạt, tôi phải đến nhiều lần.

Người bạn nói:

- Thầy không nghe hay sao, thợ giỏi thường không nói thật. Tôi biết cạo tóc nhưng Phật chưa cho phép.

Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

- Nếu có Bí-sô biết cạo tóc nên cạo cho nhau, nên ở chỗ khuất đừng để kẻ tục sinh chê cười.

Nghe Phật dạy, Bí-sô ấy đến gặp người bạn, nói:

- Cụ thọ! Ðức Phật đã cho phép, vậy thầy hãy đến cạo tóc cho tôi.

Ðáp:

- Lành thay! Tuy Phật đã cho phép nhưng chả lẽ tôi cạo tóc bằng đầu ngón tay hay sao, cần phải có đá mài, dao cạo, kéo cắt móng tay.

Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

- Nay Ta cho phép Tăng già được giữ dao cạo và các vật kèm theo.

* Ðức Phật trú tại vườn Ða Căn Thọ, thành Kiếp Tỷ La. Ngài bảo mỗi nhà Thích tử xuất gia một người nhưng giường không chân đỡ nên họ nằm không an. Thân hình họ mềm mại, trước đây nằm trên những vật hoa lệ, nay nằm giường thấp nên thân thể không an, nhiệt độ trong người giảm xuống nên đến y sĩ, hỏi:

- Hiền thủ! Nhiệt độ tôi giảm xuống, hãy trị cho tôi.

Y sĩ nói:

- Hãy đưa tôi đến phòng ở của thầy, xem xếp đặt chỗ nàèm như thế nào.

Thấy đầu giường nằm bị thấp, y sĩ nói:

- Vì đầu giường nằm của ngài bị thấp làm cho nhiệt độ của bốn đại suy giảm, hãy kê thêm vật làm chân dưới giường.

Ðáp:

- Phật chưa cho phép.

Y sĩ nói:

- Ðức Phật đ?i từ bi chắc chắn cho phép.

Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

- Nên làm chân cho giường nằm.

Họ làm theo lời nhưng không hết bệnh nên hỏi y sĩ về cách điều trị. Y sĩ nói:

- Khi nằm ngủ nên để gối.

Ðáp:

- Phật chưa cho phép. v.v ... như trên.

Phật dạy:

- Khi nằm nên để gối.

Bí-sô không biết làm như thế nào. Phật dạy:

- Cách làm gối là dùng vật dài bốn gang tay rộng hai gang tay, xếp chồng hai lớp may như cái túi bên trong độn bông gòn, dùng để kê đầu.

* Duyên tại thành Xá Vệ. Tất Lân Ðà Bà Ta thường sinh bệnh ...như đã nói ở trước ... cho đến hỏi:

- Trước đây dùng vật gì?

Ðáp:

- Trước đây dùng đất thơm.

Hỏi:

- Nay sao không dùng.

Ðáp:

- Phật chưa cho phép.

Họ đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

- Vì bệnh cho dùng đất thơm.

TẠP SỰ PHÁP,
HẾT BIỆT MÔN THỨ BA.

 

Nhiếp tụng tổng biệt môn thứ tư

Thượng tòa cập tường sách,
Duyên phá tinh dưỡng bệnh,
Chiên trà trư giá tự,
Bát y tài thọ pháp.

Nhiếp tụng một trong biệt môn bốn:

Thượng tòa phiên thứ thuyết
Hoặc khả cộng chí chung,
Lự tác phi thời tương
Xứ bất vi hạn tề.

* Như Thế Tôn dạy mỗi nữa tháng phải tiến hành trưởng tịnh. Bí-sô không biết sai ai thuyết giới.

Phật dạy:

- Nên khiến thượng tọa, khi thuyết giới thượng tọa nên thường tụng.

Có một trú xứ kia, thượng tọa không tụng được. Mọi người nói:

- Sắp thuyết giới rồi sao không ôn tập lại?

Ðáp:

- Cụ thọ! Tôi không có khả năng làm sao bây giờ?

Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

- Thượng tọa không có khả năng, vị thứ hai nên thuyết.

Lại có trú xứ, vị thứ hai cũng không thuyết giới được ... nói rộng như trước... vị thứ hai không làm được thì sai vị thứ ba. Lại có trú xứ vị thứ ba không làm được ... nói rộng như trước.

Phật dạy:

- Bí-sô nên làm cách luân phiên thuyết giới.

Khi Bí-sô luân phiên thuyết giới, có vị thuyết được, có vị thì không. Vị có khả năng thì thuyết, vị không khả năng thì chẳng biết làm gì. Phật dạy:

- Người không biết thuyết cầu vị có khả năng thuyết cho.

Lại có trú xứ luân phiên thuyết giới, đến lượt vị không biết thuyết tìm vị biết thuyết thì họ không chịu nên không biết phải làm sao. Phật dạy:

- Nên dự phòng thỉnh trước vị có khả năng thuyết giới.

Như Thế Tôn dạy: "Sai thượng tọa thuyết giới. Thượng tọa không làm được thì sai vị thứ hai. Vị thứ hai không làm được thì sai vị thứ ba. Nếu như vậy mà vẫn không làm được thì luân phiên nhau làm. Vẫn không làm được thì nên cầu vị có khả năng hoặc thường thỉnh vị làm được. Có trú xứ nọ không có một ai tụng hết giới được nhưng riêng thượng tọa tụng được bốn pháp Ba La Thị Ca, ngoài ra không tụng được nữa ". Khi ấy, các Bí-sô không thuyết giới nữa.

Phật dạy:

- Không nên tất cả đều ngưng thuyết giới. Người nào tụng được đoạn nào thì tụng đoạn ấy. Thượng tọa có thể tụng bốn pháp Tha thắng, thứ tọa tụng Tăng tàn, thứ tọa tụng hai Bất định, thứ tọa tụng Ba mươi, vị tiếp theo tụng chín mươi, vị tiếp tụng pháp đối thuyết, vị tiếp theo tụng pháp chúng học, vị thứ đến bảy diệt tránh, nên tụng trình tự như vậy, không được không tụng giới kinh.

* Duyên tại thành Thất La Phạt, Cụ thọ Ô Ba Ly thưa Thế Tôn:

- Như Phật dạy về nước đúng thời và phi thời. Thế nào là (nước dùng cho) thời và phi thời?

Phật dạy:

- Nước không lược là thời, nước phải lược sạch là phi thời. Nhưng lấy nước nhỏ giọt cũng là sạch.

* Duyên xứ như trước. Bấy giờ Lục chúng thường bị trói buộc bởi nhiều ác dục tham lam cấu uế, đến các trú xứ khác để hưởng thụ một cách phi lý, hoặc nhất thiết thời, hoặc phòng phân tề thời, hoặc nhật phần thời, hoặc thân hữu thời. Thế nào là tất cả thời? Ðây là trú xứ mùa xuân của ta, đây là trú xứ mùa hạ, đây là trú xứ mùa đông; gọi là tất cả thời. Thế nào là phân tề? Ðây là phòng tôi, đây là phòng người khác. Thế nào là nhật phần thời? Ðây là trú xứ ở buổi sáng, đây là trú xứ ở buổi chiều. Thế nào là thân hữu thời? Ðây là chỗ của quỹ phạm sư tôi, đây là chỗ của thân giáo sư, đây là chỗ của đệ tử, đây là chỗ của môn nhân, đây là trú xứ của người quen. Do như vậy, có nhiều người đến làm phiền não các Tỷ kheo. Họ đem sự việc bạch Phật.

Phật dạy:

- Bí-sô không được tự phân chia giới hạn trong trú xứ như vậy; ai thọ dụng như vậy bị tội vượt pháp.

CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
TỲ-NẠI-DA TẠP-SỰ.

Hết quyển mười lăm.

-ooOoo-

Ðầu trang | 00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 |
 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 |

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Tâm Hạnh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 03-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 01-03-2002