Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

Thức Biến

Hòa thượng Thích Thiện Siêu

Nxb TP. HCM, 2003


[24-b]

TƯỞNG NIỆM
(tiếp theo)

11. Tưởng nhớ bào đệ Thích Thiện Lộc

(Giám tự kiêm Tri sự chùa Từ Đàm, Huế)

Sau ba ngày đến nay, cố Thượng toạ Thích Thiện Lộc đã mặc nhiên trước cảnh tức sắc tức không, sinh thành hoại diệt, trước niềm thương tiếc vô vàn của Tăng Ni, Phật tử. Trong chốc lát nữa đây, kim quan của cố Thuợng toạ sẽ được cung nghinh nhập tháp tại khuôn viên Tổ đình Thuyền Tôn. Vì lộ trình xa xôi cách trở, sợ một số trong quí vị không có điều kiện để tiễn đưa kim quan cố Thượng toạ đến nơi an nghỉ cuối cùng, để cho hiếu đồ và tang quyến chúng tôi được tỏ bày niềm tin ân đến khắp quí vị, nên giờ đây, thay mặc cho Tăng chúng Tổ đình Từ Đàm, hiều đồ và tang quyến chúng tôi xin bày tỏ lòng chân thành biết ân đến với chư vị.

Trước hết, chúng tôi xin thành kính tri ân Ban Trị Sự Giáo hội, Hòa thượng Chứng minh, Hòa thượng Chấp lệnh, Thượng toạ Chủ sám cùng chư vị Hòa thượng, Thượng toạ, Đại đức, Tăng Ni và quí đạo hữu Phật tử, đã tận tâm thăm viếng giúp đỡ, chứng minh hộ niệm cho cố Thượng toạ, từ khi đau cho đến lúc an táng với nghĩa tình thắm thiết "một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ".

Chúng tôi xin bày tỏ lòng tri ân đến chính quyền địa phương, đã cử đại diện đến phúng điếu, chia buồn. Chúng tôi xin cảm ơn các đạo hữu khuôn hội Kim Sơn, thôn Lựu Bảo, đã không quản đường xa (cách 7, 8 cây số), đến kề vai gánh đưa kim quan đến nơi an táng, chúng tôi xin cảm ơn các đạo hữu đã tận tâm giúp đỡ trong giờ phút tẩm liệm cũng như các công việc khác, chúng tôi xin cảm ơn bà con thân thuộc nội ngoại xa gần tại quê nhà đã không quản ngại xa xôi, đến tiễn đưa hôm nay.

Nhân giờ phút đông đảo và trang nghiêm này chúng tôi xin có mấy dòng cảm nghĩ đơn bạc, ghi lại vài nét công hạnh tu hành, được đúc kết từ sự nhận biết của chúng tôi và của quý Tăng Ni, Phật tử về cố Thượng toạ.

Cố thượng toạ tục danh là Võ Trọng Thoan, pháp danh Tâm Phổ tự Thiện Lộc, sinh năm 1930 tại làng Thần Phù, xã Thủy Châu, huyện Hương Phú, tỉnh Thừa Thiên. Thân sinh cố Thượng toạ là cụ Võ Trọng Đạt, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Hương. Cố Thượng toạ có sáu anh em mà cố Thượng toạ là người anh đầu.

Vốn sinh trưởng trong một gia đình thuần hậu, cố Thượng toạ đã sốm được huân nhiễm lẽ đạo. Từ thuở ấu thơ, cố Thượng toạ theo thân phụ đến hương khói tại một ngôi chùa tịch mịch trong làng. Tại đây, cố Thượng toạ đã thấm nhuần kinh kệ. Năm lên mười bảy, cố Thượng toạ chính thức xin song thân xuất gia hành đạo tại Tổ đình Từ Đàm và làm đệ tử của cố Hòa thượng Giác Nguyên, Tổ đình Tây Thiên (tức Đại lão Hòa thượng Tây Thiên).

Trong thời gian ở Tổ Đình Từ Đàm, cố Thượng toạ đã theo học các lớp học nội điển tại Phật học viện Báo Quốc và đã tốt nghiệp bậc Trung học Phật giáo tại trường này vào năm 1955.

Năm 1956, cố Thượng toạ được Bổn sư cho phép thọ Cụ Túc giới tại giới đàn Báo Quốc. Hai năm sau cố Thượng toạ đuợc cử làm Tri sự rồi Giám tự Tổ đình Từ Đàm, chính thức trực tiếp điều hành mọi sinh hoạt tại đây, thay mặt Hòa thượng Trụ trì Thích Thiện Siêu, bận gánh vác các Phật sự khác.

Với bản tính hiền hoà, bao dung, khiêm cung nhỏ nhẹ, và luôn luôn hỷ xả, cố Thượng toạ không hề làm mất lòng một ai, dù với một em bé. Một hôm, có mấy cháu nhỏ leo cây hái trái, sợ chúng té, cố Thượng toạ từ trong nhà Thiền nói vọng ra "đừng leo mà té con, về nhà lấy cây đến chọc". Thế là các cháu nhỏ nghe tiếng, sợ chạy mà vui trước lối nói chậm rãi, khôi hài nhẹ nhàng ngộ nghĩnh của cố Thượng toạ.

Rồi lần khác, có kẻ đến nhổ hoa lan trộm, bị bắt quả tang, ai nấy tưởng rằng chúng sẽ bị trận đòn đích đáng. Nào ngờ, cố Thượng toạ cầm tay chúng vuốt ve bảo: "Bàn tay đẹp ri mà đi nhổ hoa của Thầy há con. Thôi, cho đem về, sau đừng đến nhổ của Thầy nữa nghe con". Thế thôi, không hề nóng giận, rầy la, không bao giờ đánh đập, ấy thế mà các cháu e ngại không phá phách. Nhiều đạo hữu phàn nàn về đức tính khoan dung của cố Thượng toạ, để kẻ xấu phá phách. Cố Thượng toạ cười bảo: "Chúng là trẻ con, mình phải lấy tình thương mà dạy bảo, lấy đức độ mà giáo hóa, còn la rầy, đánh đập đâu có ích bằng. Tánh của chúng đã không đổi, cha mẹ chúng không biết, trở lại oán trách mình, hoặc xấu hổ với Thầy mà bỏ chùa không đến".

Cố Thượng toạ, suốt ngày nọ qua ngày kia, ngoài việc kinh kệ, lại loay hoay với bông hoa cây cảnh, tăng gia sản xuất hoa màu, làm kinh tế phụ như gia công đèn cầy, nhang trầm, ruộng rẫy. Cố Thượng toạ cũng ít đi đâu xa, không ưa ứng phú. Nhờ vậy mà trên điện Phật, ngoài sân vườn, luôn luôn tươm tất sạch sẽ. Cố Thượng toạ cũng thích trồng cây bóng mát. Sân chùa Từ Đàm hồi rày, Phật tử đến hành lễ, thôi không còn chịu nắng, chính là nhờ công lao của cố Thượng toạ.

Ai cũng biết Tổ đình Từ Đàm, không một tất đất ruộng, lại là trụ sở của Giáo hội, hằng tháng hằng ngày có nhiều sinh hoạt đạo giáo, có đủ tầng lớp người, mọi cá tánh tham dự. Sau mỗi cuộc hội họp hay sau buổi hành lễ, ly tách bàn ghế ngổn ngang, sân chùa giấy rác bừa bãi; nếu ai không đủ kiên nhẫn, không có đức chịu đựng, tưởng chừng không ở đây lâu được. Ấy thế mà suốt cả một đời người, từ khi xuất gia đến ngày viên tịch, cố Thượng toạ âm thầm, lặng lẽ, lủi thủi săn sóc quét dọn, không một lời than thở phiền trách ai. Khi mọi người đến Từ Đàm đông đúc thì không ai thấy cố Thượng toạ, nhưng khi mọi người ra về cả thì cố Thượng toạ lại hiện ra như một tảng đá giữa ngọn thủy triều, nước dâng đầy thì không thấy đá, khi nước xuống thấp thì đá vẫn trơ trơ. Có thể nói đây là hình ảnh của cố Thượng toạ. Suốt đời sống cuộc sống bình dị, thanh đạm, không ồn ào sắc tướng, cũng không trầm trệ, ủ dột hay buông lung phóng túng, nhưng lại luôn luôn thầm lặng tấn tu, trước sau, đạo tâm và đạo hành vẫn không hề bị ngoại duyên làm lay chuyển.

Chính nhờ những đức tánh này mà gần 40 năm cuộc sống gắn liền với Tổ đình Từ Đàm, với bao thăng trầm vinh nhục của Giáo hội, cố Thượng toạ đã để lại một hình ảnh đẹp, một bài thuyết pháp không lời về cốt cách hành đạo, đủ để khắc cốt ghi tâm những gì đã thành và đã mất nhưng mãi mãi còn đồng vọng trong tâm tư tình cảm của những Phật tử đã từng đến với Từ Đàm, với cố Thượng toạ.

Cuộc sống hành trì tu niệm của cố Thượng toạ lặng lẽ trôi qua, những tưởng còn lâu dài để cùng chung niềm vui nỗi buồn với Giáo hội, với Tăng Ni, Phật tử. Nào ngờ đâu, sau một cơn bạo bệnh ngắn ngủi, cố Thượng toạ đã xả báo thân vào lúc 22 giờ ngà 16 tháng 12 năm Giáp Tý, tức ngày 06-01-1985 tại Tổ đình Từ Đàm, với 29 tuổi hạ, 55 tuổi đời, làm cho nhiều người vô cùng bàng hoàng xúc động, chưa nghe đau mà đã nghe mất, để lại một niềm thương tiếc đang thấm lạnh trong lòng chúng tôi và các Phật tử. Chúng tôi đã mất đi một pháp hữu, một vị thầy, một người con, người anh, người em đáng yêu đáng kính. Đạo pháp, và Giáo hội mất đi một bậc chân tu đạo hạnh, một người con trung hậu, chân thành.

Bậy giờ thì cố Thượng toạ như một cánh nhạn giữa bầu trời, đến và đi không vết tích. Trước giờ phút mà khoảnh khắc cũng là thiên thu, tìm đâu một người có đủ đức tánh như cố Thượng toạ để vào chỗ trống cho chốn Từ Đàm, chúng tôi cảm thấy có muôn vàn khó khăn, lo lắng.

Thưa toàn thể Phật tử và bà con thân quyến.

Chúng ta đang vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của cố Thượng toạ. Nhưng âm hưởng xa xưa, chư Phật chư Tổ đã ân cần dạy bảo trước giờ vĩnh biệt rằng, đừng khóc than, u buồn, vì thế gian vô thường, đã có sanh thì có diệt. Giờ phút thiêng liêng này, trước giác linh cố Thượng toạ, chúng ta nên thương thay vì khóc, hãy cầu nguyện thay vì hốt hoảng, buồn chán, hãy cố gắng noi theo những gì là hay, là đẹp của cố Thượng toạ để bổ túc vào chỗ thiếu sót của mình. Đó là mối chân tình của chúng ta tiễn đưa cố Thượng toạ.

Thưa Giác linh cố Thượng toạ,

Vẫn biết đường chim bay không vết tích, mất và còn như hạt sương mai trên đầu ngọn cỏ, nhưng khổ lụy hữu tình làm sao nguôi quên được trong lòng Phật tử chúng tôi. Kính xin Giác linh cố Thượng toạ chứng tri cho những cảm nghĩ chân thành không thể nói hết bằng lời của chúng tôi.

Kính bạch Chư tôn Hòa thượng, Thượng toạ, Đại đức, Tăng Ni và toàn thể quí vị.

Một lần nữa, xin thay mặt hiếu đồ và tang quyến, chúng tôi xin chân thành cảm ơn quí vị. Trong việc tổ chức tang lễ, không sao tránh khỏi các điều thiếu sót. Ngưỡng mong chư tôn Hòa thượng, Thượng toạ, Đại đức, Tăng Ni và toàn thể quí vị niệm tình hỷ xả.

12. Tưởng nhớ bào đệ Thích Thiện Giải

Trong chốc lát nữa đây, kim quan cố Thượng toạ sẽ nhập vào cõi địa lạc, trước sự thượng kính vô vàn của hàng Tăng Ni và Phật tử Bảo Lộc, ngay trong khuôn viên chùa Phước Huệ này.

Cố Thượng toạ Thích Thiện Giải thế danh Võ Trọng Song, con cụ Võ Trọng Giáng và cụ bà Dương Thị Viết. Sinh năm 1930 tại làng Thần Phù, huyện Hương Phú, tỉnh Thừa Thiên. Cố Thượng toạ là con thứ ba trong gia đình. Được sinh trưởng trong một gia đình thuần hậu tin Phật, cố Thượng toạ có sẵn túc duyên với Phật pháp nên lúc thiếu thời cố Thượng toạ đã theo gót anh trưởng xin với song thân và được xuất gia tu học tại chùa Từ Đàm, đầu sư với Hòa thượng Giác Nhiên (Đệ nhị Tăng Thống) chùa Thuyền Tôn - Huế, Pháp danh Tâm Tuệ, Pháp tự Thiện Giải. Đời thứ 43 dòng Thiền Lâm Tế.

Sau khi xuất gia, cố Thượng toạ đã được theo học tại các Phật học viện Báo Quốc - Huế, và Phật học viện Hải Đức - Nha Trang, từ cấp sơ học đến Cao đẳng Phật giáo. Với tinh thần hồn nhiên tự tại và trí tuệ mẫn tiệp, cố Thượng toạ đã tiếp thu giáo lý một cách dễ dàng, và được các bật Sư trưởng cũng như bạn hữu rất quý mến.

Khi đã đầy đủ cơ duyên, cố Thượng toạ đã liên tục theo như cầu của Giáo hội cùng các bạn đồng học nhận lãnh trách nhiệm hoằng dương Phật pháp, lợi lạc chúng sanh với danh nghĩa là Giảng sư hoặc Trú trì hay Chánh đại diện tại các Tỉnh hội Thừa Thiên, Phan Rang, Kontum, Quảng Ngãi, và đặc biệt tại Bảo Lộc này. Tại đây kể từ khi cố Thượng toạ được bổ nhiệm đến nay đã được 19 năm tròn. Cố Thượng toạ luôn luôn để tâm lo lắng xây dựng cho cảnh chùa ngày thêm tươi đẹp, tín đồ ngày càng đông đúc, xứng đáng là một đơn vị của Giáo hội Phật giáo Việc Nam.

Cố Thượng toạ với tính tình hoan hỷ, siêng năng, chân thành, trung hậu và nhất là tự tại không chấp trước, nên bất cứ ở đâu cố Thượng toạ cũng tạo được niềm tin Tam Bảo, sốt sắng tu trì, lo lắng cho hàng Phật tử. Đối với bất cứ ai cố Thượng toạ cũng đem tâm tính cởi mở, thái độ ân cần tiếp đãi, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, người lớn kẻ nhỏ. Dù với một cụ già hay một em bé, khi gần cố Thượng toạ cũng đều nhận được những điều khuyên bảo nhẹ nhàng, thân mật, nên ai chưa thân thì muốn thân, và ai đã thân với cố Thượng toạ thì cũng đều cảm thấy là bạn tri kỷ. Không những đối với người đồng đạo như vậy, mà đối với chính quyền, với các tôn giáo bạn cũng gây được mối cảm tình chân thành, đoàn kết. Sau ngày đất nước thống nhất, cố Thượng toạ đã sốt sắng hòa mình vào mọi sinh hoạt với giáo hội với địa phương trong việc xây dựng Tổ quốc an vui, giàu mạnh.

Một điều đáng ghi nhận nữa, cố Thượng toạ là một người cần cù tu niệm, giảng kinh, thuyết pháp, dìu dắt tín đồ gắn bó với đạo. Là mẫu người sống một đời sống rất đạm bạc mà cũng rất thanh cao, đầy tinh thần giải thoát không chấp ngã nhân, không câu nệ hình thức ăn mặc ngủ nghĩ, và luôn luôn giữ gìn sức khoẻ bằng định tâm, bằng lao động hằng ngày như sửa soạn chùa chiền, sửa san cây kiểng và thực hiện nếp sống bình dị với các thiếu nhi Phật tử để hứơng dẫn các em biết làm các công đức hướng thiện.

Cố thượng toạ thật là một bậc chân tu, đạo tâm và đạo hạnh sáng ngời trước sau vẫn không hề bị ngoại duyên làm lay chuyển. Dù ở cương vị nào cố Thượng toạ cũng làm tròn bổn phận một cách tốt đẹp, đáng là tấm gương sáng cho Tăng Ni, Phật tử noi theo.

Những tưởng cuộc đời của cố Thượng toạ còn dài để cùng chung đóng góp ích lợi cho đạo, cho đời, nhưng nào ngờ cố Thượng toạ đã nhẹ bước ra đi quá sớm, để lại một niềm thương tiếc vô vàn, một sự trống trải đang thấm lạnh trong hàng Tăng Ni, Phật tử. Giờ đây trong khoảng khắc trở thành thiên thu này, tăng tín đồ rất kính tiếc đau buồn vì đã mất đi một bậc Thầy khả kính, thân bằng quyến thuộc mất đi một người con hiếu đạo, một người anh, một người em đáng yêu, đáng kính, và Đạo pháp, Giáo hội mất đi một bậc chân tu đạo hạnh.

Vẫn biết thế gian vô thường, hễ có sinh là có diệt, nhưng bị lụy hữu tình làm sao vơi được nỗi niềm xót xa, chỉ duy chúng ta nên cố gắng nén nỗi ưu buồn, nhất tâm niệm Phật, cốt gắng noi theo hạnh tăng tiến trên đường tu học, đễ hộ đạo giúp đời. Chính đó là tâm niệm, là cử chỉ chân thành đầy ý nghĩa mà chúng ta dâng lên cố Thượng toạ trong giờ phút trang nghiêm tiễn đưa cố Thượng toạ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

13. Hòa thượng Thích Thiện Châu.

Thầy Thiện Châu lúc đầu xuất gia tại Đà Lạt, sau về học ở Từ Đàm mấy năm. Trong thời gian đó, Thầy đã học nội điển với tôi và Hòa thượng Trí Quang. Còn ngoại điển thầy tự học là chính, chứ không học một trường lớp nhất định nào cả. Với một ý chí bền chắc, cần cù đạm bạc, không ồn ào, Thầy chỉ cốt làm thế nào học cho được mà thôi. Vì thế, một hôm cùng đi phố với tôi, giữa đường Thầy gặp một người Pháp, Thầy nói với tôi: "Thầy cho con đến nói chuyện với ông này một chút". Thầy đến nói chuyện với ông ta một lát rồi trở lại. Sau tôi mới biết là Thầy học hỏi ông ta. Cho đến khi vào học ở Phật Học viện Hải Đức - Nha trang, Thầy Thiện Châu vẫn còn tiếp tục cách học như vậy. Ở đó, ngoài việc học nội điển, học tiếng Pháp, hằng ngày Thầy còn xuống phố, đến nhà một người Ấn để học tiếng Ấn Độ nữa. Tôi thấy Thầy học như vậy thì cũng khích lệ để Thầy học chứ không biết Thầy học tiếng Ấn để làm gì. Sau này tôi mới biết là Thầy học tiếng Pháp, tiếng Ấn là để đi du học.

Từ Nha Trang, Thầy vào Nam, thời gian đó, tôi với Thầy cách biệt nhưng tôi cũng biết rằng, nhờ sự khéo léo, cần mẫn, có chí tu học nên được rất nhiều người thương mến, nhất là cụ Mai Thọ Truyền - Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt. Cụ nhờ Hòa thượng Minh Châu, hồi đó đã học xong Tiến sĩ Phật học ở Nalanda, đã giới thiệu giúp đỡ Thầy vào việc học trường Đại học Phật giáo Nalanda ở Ấn Độ. Rồi sau đó Thầy qua Anh, qua Pháp để học. Hồi đó, một nhà sư ra học nước ngoài không phải là một chuyện đơn giản và dễ dàng, mà phải khéo léo làm quen người này, làm thân với người nọ mới có thể vào học được các trường Đại học Nalanda, ở Anh, Pháp. Thêm vào đó là sự thiếu thốn về vật chất: mỗi ngày chỉ một ổ bánh mì Thầy mang vào thư viện, ngày nọ sang ngày kia, để nghiền ngẫm nghiên cứu kinh điển. Tự mình tìm lấy con đường đi của mình; tự mình đào tạo lấy mình, nếu không có một ý chí mãnh liệt, không có sự cần mẫn tinh tấn, Thầy khó có thể theo học để thành đạt.

Sau giải phóng, Thầy về Việt Nam, tôi rất mừng. Tôi mừng vì thấy Thầy ở Châu Âu rất lâu, Thầy vào học các trường đời cũng rất lâu như Nalanda ở Ấn Độ, Sorbonne ở Pari - Pháp, nhưng cái tư cách phong độ của một ông thầy tu Việt nam ở nơi Thầy không bị lai Tây, mà vẫn giữ được cái đạo thầy trò như bao giờ. Cho nên, trong khi Thầy bị bệnh, bị đau chân, đi lại khó khăn như vậy, mà mỗi lần gặp tôi hay Hòa thượng Trí Quang, Thầy vẫn nhất định đảnh lễ cho được. Chúng tôi ngăn cản thế nào cũng không chịu.

Đó cũng là một sức chịu đựng và một sự lễ độ rất quý hóa, mà cũng chính nhờ những đức tính ấy mà Thầy được nên thân. Do đó, dù Thầy có bằng nầy nọ, bằng cấp kia cũng như Cao học, Tiến sĩ, thì sự tu hành và chí hướng hành đạo của Thầy vẫn không hề thay đổi.

Bởi thế, khi thành lập Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, tôi để tên Thầy làm Phó Viện trưởng mà tôi không hề báo trước với Thầy, sau đó tôi mới cho Thầy biết. Thầy chỉ nói: "Thầy sai con làm chi, con làm nấy". Tôi cũng nghĩ rằng, có Thầy vào đỡ một vai, Học viện Phật giáo Việt nam sẽ có nhiều thuận duyên phát triển tốt. Thì chính buổi đầu với cái tâm nguyện của Thầy cùng với một số anh em đã xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế có những bước khởi đầu tốt đẹp.

Tôi cũng tin tưởng rằng, sự đóng góp của Thầy còn lâu dài, và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế sẽ còn được nhiều sự giúp đỡ của Thầy từ trong nước cũng như ngoài nước. Nhưng không ngờ Thầy đã ra đi!

Sự ra đi của Thầy chẳng những là một sự mất mát lớn cho Phật giáo Việt Nam mà còn là một sự mất mát rất nhiều cho Phật giáo hải ngoại, vì chùa Trứúc Lâm của Thầy ở Paris hiện giờ quy tụ một số lớn Phật tử trí thức danh tiếng, tu học dưới sự hướng dẫn của Thầy. Ngay như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, một danh nhân Việt Nam mà lúc sống thường hay lui tới chùa Trúc Lâm, lúc chết cũng di chúc được thiêu thân và đem hài cốt lên thờ tại chùa Trúc Lâm.

Mấy năm sau này, chùa Trúc Lâm thỉnh thoảng lại mở những cuộc hội thảo Phật giáo để quy tục các Phật tử hải ngoại. Vừa rồi có một cuộc hội thảo, với đề tài là "Phật giáo hướng về tương lai", mà ở Việt Nam, Thượng toạ Chơn Thiện, Đạo hữu Võ Đình Cường ... có sang dự cuộc hội thảo đó. Hội thảo đang gây nhiều tiếng vang tốt và Thầy Chơn Thiện cùng phái đoàn mới về Việt Nam được hai tuần thì nghe tin Thầy Thiện Châu đã đột ngột ra đi. Chúng tôi vô cùng bỡ ngỡ và thương tiếc.

Như vậy, sự ra đi của Thầy Thiện Châu là một sự hụt hẫng lớn lao cho Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử hải ngoại.

Vì nhiệt tình, vì ý chí tu hành, vì phong độ ôn hòa, vì đạo hạnh của Thầy, cho nên sự viên tịch của Thầy đã biết lại biết bao nhiêu tấm lòng thương tiếc.

Ngày hôm nay, trong giờ phút này, với niềm thương tiếc ấy, chúng ta hãy cầu nguyện cho Giác linh Thầy cao đăng Phật quốc.

Nam-mô Bổn sư Thích Ca Mâu-ni Phật.

(Phát biểu tại chùa Từ Đàm, sáng 28/8 năm Mậu Dần -11.10.1998)

14. Sư bà Thích Nữ Diệu Không

I

Trong những ngày đầu của sự chấn hưng Phật giáoViêt Nam, năm 1932, Sư bà còn là một cư sĩ tại gia đã cùng với các bậc tôn túc, với các hàng cư sĩ trí thức như Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, v.v... cùng nhau xây dựng phát triển làm cho Phật giáo Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung mỗi ngày một phát triển.

Là một người con trong dòng quý tộc, Sư bà đã ngộ lẽ vô thường, thế gian như huyễn, nên đã phát nguyện xuất gia để thực hiện: Tu hạnh giải thoát, hoằng pháp lợi sinh. Đặc biệt, Sư bà đã hết sức chú trọng đến việc đào tạo Tăng tài, cho nên Sư bà đã đem hết cái vốn hiểu biết hiện có của mình để hướng dẫn, giáo dục Ni chúng vững tiến trên con đường giải thoát. Sư bà đã cùng với Ni bộ Bắc tông mở nhiều lớp học, Ni viện Phật học để đào tạo Ni tài cho Ni bộ. Lúc còn sinh tiền, Sư bà luôn luôn ước nguyện rằng Tại tỉnh Thừa Thiên - Thành phố Huế nên có nhiều cơ sở Phật giáo hơn nữa để giáo dục Tăng Ni. Ước nguyện đó hôm nay đã thành hiện thực. Riêng tại Thừa Thiên - Huế đã mở được trường Cơ bản Phật học (Trung học Phật giáo), và nay lại thêm Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Trong đó, ngay từ những ngày đầu thành lập, Sư bà đã đóng góp một cách tích cực từ tinh thần cho đến vật chất, trước sau một lòng vì sự tu học của Tăng Ni, hầu có nhiều Tăng Ni đủ tài đủ đức để gánh vác việc hoằng dương Chánh pháp, kế tục sự nghiệp của các vị tiền nhân. Lúc còn sinh tiền, khi chúng tôi vào thăm, Sư bà không giây phút nào là không nhắc nhở, không mong mỏi làm sao mở được trường này, mở được trường khác để Tăng Ni có nơi tu học

Thưa Giác linh Sư bà,

Sự mong mỏi đó hôm nay đã có, nhưng trong những ngày dài của năm tháng sau nay vẫn còn tiếp tục nhờ sự hỗ trợ, sự khuyến khích, khích lệ của bao nhiêu vị thiện tâm đại trí mới có thể viên mãn mà Sư bà là một vị trong các vị năng nỗ hộ đạo, giúp đỡ cho Học viện, cho trường Trung học Phật giáo. Thế mà nay Sư bà đã ra đi, làm cho Học viện và Trường Trung hoc Phật giáo chúng tôi mất đi một vị Hộ pháp, một vị hỗ trợ tích cực.

Mặc dầu Sư bà đã ra đi, nhưng cái chí nguyện cao cả của Sư bà, chúng tôi đã tin chắc vẫn còn mãi và trong môn đồ pháp quyến, Phật tử của Sư bà, chắc cũng có nhiều vị noi theo, nhiềuvị tiếp tục chí nguyện của Sư bà là ủng hộ để làm cho Học viện Phật giáo Viêt Nam tại Huế và trường Trung học Phật giáo tại tỉnh nhà mỗi ngày một phát triển và thành tựu viên mãn, hầu để có những vị Tăng Ni có đủ đức đủ tài, kế tục sự nghiệp của các bậc tiền nhân, trong đó có chí nguyện của Sư bà.

Sự ra đi của Sư bà trong những ngày này, đólà một sự mất mát lớn lao cho Giáo hội, cho Ni bộ và Ni chúng Thừa Thiên cũng như môn đồ pháp quyến và Phật tử khắp nơi. Chúng tôi hết sức xúc động, không biết làm sao hơn vì luật vô thường hể có sanh là có tử, nhưng sanh tử trong Chánh pháp, đến đi trong Chánh pháp mà Sư bà đã làm chủ, đólà một điều hết sức cao cả.

Vì vậy hôm nay, đối trước ngôi Tam Bảo, chúng tôi đại diện cho Học viện Phật giáo Viêt Nam tại Huế, trường Trung học Phật giáo tỉnh Thừa thiên - Huế cùng toàn thể Tăng Ni sinh đối trước Tam Bảo chí thành đại vị Sư bà đảnh lễ, cầu mong Giác linh Sư bà cao đăng Phật quốc.

Nam- mô tiếp dẫn đạo sư A-di-đà-Phật

(phát biểu tại chùa Hồng Ân ngày 29-09-1997)

II

Sư bà Diệu Không, một Ni giới đầy cả ý chí trượng phu và hạnh nguyện cao khiết. Suốt cả cuộc đời từ khi biết đạo cho đến ngày viên tịch luôn luôn gắn bó với đạo, đóng góp công lao rất lớn để xây dựng Giáo hội. Đạo pháp ở miền Trung hôm nay có được như thế này, trong đó một phần lớn cũng nhờ công lao đóng góp của Sư bà Diệu Không. Ni giới có được tổ chức qui cũ và có được sự học hành như hôm nay, trong đó cũng do công lao đóng góp không nhỏ góp vô tướng, với tâm nguyện luôn luôn cầu được giải thoát như Sư bà thường nói.

"Cái tâm vô trú rộng thênh thang,
Dẫu cảnh hơn thua cũng chẳng màng,
Qua lại mười phương không quái ngại,
Ra vào ba cõi vẫn hiên ngang"
.

Khi sống Sư bà đã như vậy, chắc chắn khi tịch cũng như vậy. Đó là những tâm nguyện, tâm cảnh của Sư bà mà cũng là tâm nguyện, tâm cảnh của chúng ta lúc này. Hôm nay tổ chức lễ kỷ niệm Chung thất cho Sư bà, một người có một tâm nguyện lớn lao, một ý chí mãnh liệt đạt đến tâm vô trú vô trước, hiên ngang vào ra ba cõi thì thật là hiếm có lắm thay. Mong rằng tâm nguyện của Sư bà cũng là tâm nguyện của tất cả đệ tử và của các vị Ni giới noi theo. Nếu tất cả các vị hôm nay đều noi theo gương của Sư bà để có một tâm nguyện, một tâm cảnh vô trú, để ra vào ba cõi hiên ngang như thế, chắc chắn Sư bà cũng mãn nguyện như Sư bà cũng sẽ được tự tại an vui như vậy.

Hôm nay cùng với tâm nguyện, tâm cảnh đó, chư Tăng nhất tâm cầu Phật gia hộ cho Sư bà và mong hàng đệ tử của Sư bà xuất gia cũng như tại gia đạt được hạnh nguyện viên thành và giống như Sư bà lúc còn sống cũng như khi viên tịch.

Nam-mô tiếp dẫn đạo sư A-di-đà Phật.

III

Bài châm tặng Sư bà Diệu Không

Tân mùi quí Hạ
Nhất chơn vô thị vô phi thị
Ngộ triệt tâm nguyên giác thỉnh đồng.
Thật tướng tinh minh hoa ốc hiện,
Viên văn tịnh chiếu diệu môn khai.
Tinh tu trực nhập Tam-ma-địa,
Tăng tấn tiêu trừ hý luận hôi.
Quyền thật song dung lưu bất trú,
Giả điều phi lộ tuyệt phi tình.

(Hữu tập cổ).

Tạm dịch:

Chơn tâm chẳng thị cũng chẳng phi,
Thấu rõ nguồn tâm mê ngộ đồng.
Thật tướng sáng soi, tòa sen hiện,
Tánh nghe rỗng suốt, cửa tâm khai.
Tinh chuyên thẳng tiến Tam-ma-địa,
Mau chóng tiêu trừ phiền não ma.
Quyền thật song tu không chấp trước,
Giả thì tiêu diệt chẳng nương tình

15. Bài châm tặng Sư bà Thanh Quang

(Thánh tử đạo 1966 ở Huế)

Phật lịch nghị ngũ tam ngũ niên
Tự tín liên hoa chính phát thì,
Bổn lai thanh tịnh bất tư nghì
Thiện cư hành xử thanh tâm mục,
Lạc nhập thiền môn viễn đái nghi.
Tùy thuận vị tha nhi chuyển hóa,
Chuyên tâm niệm Phật nhất tâm trì.
Hoàng mai thuý trúc hồn như tại,
Thân cận Di-đà chính biến tri.

Tam dịch:

Tự tín phát xuất đoá sen vàng,
Xưa nay thanh tịnh chẳng luận bàn,
Khéo tu đi ở, tâm trong sáng,
Vui cảnh thiền môn, xa thế gian.
Tùy thuận vị tha mau chuyển hóa,
Chuyên tâm niệm Phật một lòng ta.
Mai vàng trúc biếc tâm tự tại,
Gần gũi Di-đà chánh biến tri.

16. Bi ký tặng Ni sư Thể Thanh

Thể Thanh Ni sư tháp ký:

Ni sư bẩm tánh đôn thuần, tuệ căn thông mẫn, đồng chân xuất gia, nhị bát thọ cụ, giới đức nghiêm thân, giáo Ni vi vụ, quyền quyền thiện hối, trị đắc kham xưng, vãn niên cấu bệnh, trị bất khả y, tâm vô ưu lụy, bất khẳng phục dược nhi vân: Ngô chi tử, như hoán tệ y dĩ trước trân phục,

Bất giác Mậu Thìn tứ nguyệt bát nhật ngọ bài an nhiên quy tịch. Xuân thu lục lục, hạ lạp tam bát.

Khả vị, Ni sư tảo ngộ sắc thân thị huyễn, giác tánh thường minh, thị tử như quy, khứ lưu vô ngại. Hãn hữu tai!

Phật lịch nhị ngũ tam nhị, Mậu thìn mạnh hạ.
Thiện Siêu Hòa thượng thức
.

Tạm dịch:

Ni sư bẩm tánh đôn thuần, tuệ căn thông mẫn, đồng chơn xuất gia, thọ Cụ túc giới năm 28 tuổi, giới đức nghiêm túc, lấy việc giáo hóa chu Ni làm sự nghiệp, dạy dỗ bằng phương tiện thiện xảo, kết quả khả quan. Lúc lớn tuổi, Ni sư bị bệnh, biết rằng không chữa được nhưng tâm không buồn phiền. Không chịu uống thuốc, Ni sư bảo: "Tôi chết đi, như thay áo rách, mặc áo quí".

Năm Mậu Thìn tháng tư ngày tám, giờ Ngọ, Ni sư an nhiên quy tịch, thọ 66 tuổi, hạ lạp 38 năm.

Có thể nói: Ni sư đã sớm ngộ sắc thân là huyễn, giác tánh thường sáng, xem chết như trở về, đi ở vô ngại. Thật hiếm thay.

Phật lịch 2532. Đầu hạ năm Mậu Thìn

17. Nhớ Phật tử Chơn An - Lê Văn Định

Sách có dạy: "Nhơn năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhơn" (con người mới có thể hoằng đạo, chớ đạo không thể hoằng người). Đó là lời nhắn nhủ của chư Tổ đối với hàng Tăng Ni Phật tử chúng ta, những người có tâm niệm cầu giải thoát, thao thức với việc lợi tha tự giác. Muốn lợi tha tự giác. Muốn lợi tha tự giácthì chính vản thân mình làm thế nào xứng đáng là một người xuất gia cũng như một người Phật tử tại gia biết tôn trọng Pháp và biết hoằng dương chính pháp lên trên tất cả mọi việc, khi ấy cái chí nguyện tu hành độ sanh mới có ý nghĩa viên mãn.

Cụ Chơn An - Lê Văn Định là bậc cư sĩ lớn đã có công lao nhiều đối với Phật pháp. Cụ vốn là một ông Tuần Vũ quan lớn của triều đình, thế nhưng vẫn giữ phong cách một nhà Nho chân chính, quân tử, thanh liêm, không bị danh lợi làm ô uế. Cụ sớm hiểu đạo và biết đạo mà phát tâm theo đạo một cách vững vàng. Cùng chung với chư Tăng lãnh đạo Phật giáo phát huy Hội Phật học miền Trung trong giai đoạn cuối năm 1940-1952. Đó là thời gian chiến tranh chống Pháp rất gian nan khắc nghiệt, khó khăn và rất cực khổ. Cụ đảm đương chức vụ Hội trưởng Hội Phật học Trung phần, trong lúc đó tôi là Hội trưởng Tỉnh hội Thừa Thiên, cùng với Hòa thượng Trí Quang, Hòa thượng Thiện Minh với Cụ coi như là anh em, huynh đệ sát cánh bên nhau cùng chung lo Phật sự, nên bấy giờ có người nói tới hoặc nhắc tới cụ Chơn An Lê Văn Định thì ai ai cũng biết cả.

Người ta quan niệm Cụ cũng gần gần như cụ Tâm Minh Lê Đình Thám. Trong giới đàn tổ chức tại Nha Trang năm 1985, Cụ đã thọ Bồ-tát tại gia, ở tại đó với một lời phát nguyện như thế này:

Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai,
Trót mê lầm đắm đuối hình hài,
Bấm đốt đã sáu tuần thêm sáu tuổi.
Triều nội trong ngoài giong ruổi,
Nợ áo cơm luồn cúi lấy làm vinh,
Bởi căn trần lấp bít tâm linh,
Không thấy đạo Bồ-đề cao cả,
Vạn pháp nhơn sanh đô thị giả,
Hoán lai danh lợi hữu hoàn vô,
Biển trần ai sóng dậy lô nhô,
Cảnh phù thế cái vui lầm cái khổ.
Tâm tạp nhiễm không sớm lo tự độ,
Biết kiếp n
ào tỏ lộ pháp thân,
Trước đào sen vô thượng năng nhân,
Sửa mình lại nguyện làm đệ tử,
Đời đời noi đại sự độ sanh,
Mong cho thế giới an lành.

Qua lời phát nguyện của Cụ, ta biết tâm nguyện của Cụ như thế nào. Cụ đã phát tâm theo tinh thần Đại thừa, tự lợi lợi tha, coi thân mạng, coi danh lợi như rơm như rác, chỉ biết phụng sự đạo pháp để lợi lạc quần sanh. Do đó đã ảnh hưởng đến trong gia đình và bao nhiêu người khác, mà ngày hôm nay, như lời tác bạch của con gái Cụ là Phật tử Tâm Quảng, chính cũng nhờ cái đức, cái tâm, cái sự hiểu biết chính đáng của Cụ đã gieo rắc và đã thành tựu viên mãn.

Giờ phút này, trước một tâm chí thành của các Phật tử, chư Tăng xin nhớ lại công ơn của Cụ Chơn An - Lê Văn Định, chư Tăng cũng xin hết lòng cầu nguyện cho song thân, tiền nhân của Phật tử được siêu thân Lạc quốc, cũng y như là tiền nhân của các Phật tử, của các vị hảo tâm giúp đỡ cho việc hoằng dương Phật phát được mọi điều lợi lạc, được siêu thăng Lạc quốc.

Nam-mô Tiếp dẫn Đạo sư A-di-đà Phật.

(Mồng 07 tháng 07 năm Giáp Tuất)

(*) Cụ Chơn An - Lê Văn Định nguyên là Hội trưởng Tổng hội Phật giáo Trung phần từ năm 1945 - 1950.

18. Hộ niệm Hương linh Chị Hoàng Thị Kim Cúc

(Huynh trưởng cấp Dũng)

Hương linh Phật tử Hoàng Thị Kim Cúc hãy lắng nghe!

Đức Phật dạy đời sống thật bấp bênh, nhưng cái chết luôn chắc chắn. Không ai biết rằng mình sẽ sống mấy tháng, mấy ngày, nhưng ai cũng biết chắc chắn rằng mình sẽ chết. Như những trái cây ở trên cành, trái rụng sớm, trái rụng muộn, trái cây đều phải rụng xuống, rụng xuống để hóa thành cây cỏ dại, hoặc hóa thành cành hoa thơm.

Chúng ta từ đâu đến, không ai biết được, sẽ đi về đâu, không ai hay. Nhưng chúng ta đã có thân ở giữa cõi này, thân chúng ta cũng phải chết, chết lúc thơ ấu, chết lúc thanh niên, chết lúc lão thành để tái sinh theo nghiệp lực của mình. Một mình một thân, chúng ta đến một mình một thân, chúng ta đi cũng một mình một thân, điều đó ai cũng như ai. Nhưng chỉ khác nhau trong khoảng thời gian ngắn ngủi của kiếp nhân sinh ta đã sống như thế nào. Ta đã sống, gieo rắc an lạc hay là gieo rắc đau khổ, đã sống gieo rắc tình thương hay là gieo rắc điều bất hạnh, đã sống gieo rắc hân hoan hay là gieo rắc sợ hãi, đã sống vì ích kỷ, ngã nhân, hẹp hòi hay là đã sống tâm hỷ xả theo hạnh lợi tha.

Chị đã được sinh ra trong gia đình lễ giáo, có duyên lành sớm gặp Phật, có lòng tin Phật vững chắc, có sự hiểu biết thật thâm sâu, có sự hành trì theo giáo pháp của đức Phật, sống một cuộc đời thanh đạm, khiêm tốn, một cuộc đời chan hòa tình thương cho tất cả mọi người. Chị làm trợ duyên rất tốt cho lớp thanh niên đến với đạo Phật. Đến với đạo Phật để cùng nhau học cách sống của đức Phật, gieo rắc an lạc, gieo rắc hạnh phúc. Đó là niềm vui của chị, đó là thiện căn phước đức của chị, đó là điều để cho các Phật tử hôm nay thương tiếc chị, hộ niệm đưa tiễn chị đến nơi an nghỉ cuối cùng. Trong giờ phút mà khoảng khắc trở thành thiên thu này, tôi nguyện cầu đức Phật phóng hào quang tiếp độ chị, nhứt niệm siêu sanh, an lành về cõi Phật.

Nam-mô Tiếp dẫn Đạo sư A-di-đà Phật

19. Nhớ Phật tử Tâm Thành - Phạm Đăng Siêu

Anh và tôi có nhơn duyên gặp nhau rất sớm. Lúc tôi 18, 19 tuổi, còn là học tăng trường An Nam Phật học ở Huế, thì đã gặp Anh. Từ đó Anh qui y Tam Bảo, luôn luôn tiến lên làm một vị cư sĩ trung kiên, đúng đắn, có lòng chánh tín Tam Bảo, hiểu biết Tam Bảo một cách sâu sắc. Và tôi luôn luôn tiến bước trên đường làm ông Thầy.

Từ đó đến nay chắc anh còn nhớ: Bao nhiêu lần Anh gặp tôi, tôi gặp Anh. Qua những câu chuyện đạo, tôi biết Anh là một Phật tử trung kiên, tin Tam Bảo một cách sâu sắc, đúng đắn, không hời hợt, không dễ duôi, không lập lờ, luôn luôn tôn thờ Tam Bảo là đấng Đạo sư của mình, dắt đường chỉ lối cho mình thoát khỏi cảnh khổ đau của trần thế để bước lên cảnh an lạc, giải thoát của chư Phật. Anh tin tưởng đức Phật là đấng Giác ngộ cứu độ chúng sanh vô lượng, vô biên, chỉ có Ngài mới đem lại sự giải thoát vô minh, đau khổ của toàn thể chúng sanh. Vì chúng sanh không dứt trừ được vô minh nên đau khổ vẫn còn, không một thế lực nào làm cho hết đau khổ được, mà chính đức Phật mới đem lại sự giác ngộ để dứt trừ vô minh đó. Cho nên, Anh đã tin Phật với một lòng tin sáng suốt như vậy. Không lung lay, không thối chuyển. Hơn nữa, Anh hiểu đức Phật là đấng đại từ bi với một tình thương bao la, bao trùm cả vũ trụ, tất cả vạn loài chúng sanh, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, dại khôn, loài người hay loài vật: "Một lòng từ bi mà xưa đến nay chưa ai có được". Anh đã thấm nhuần được đức từ bi ấy của đức Phật, cho nên Anh đã phát tâm thực hành hạnh từ bi đó qua công hạnh bố thí của mình.

Tôi biết lòng tin Phật của Anh không phải đơn độc, vì hầu hết trong gia đình Anh là những đệ tử của đức Phật. Chẳng hạn như bào đệ của Anh là anh Phạm Đăng Minh, giáo sư. Tôi gặp Minh cũng là lúc tôi 18, 19 tuổi, anh Minh 25 tuổi. Có một lần anh đọc cho chúng tôi nghe bài thơ "Hướng Phật" tám câu mà tôi còn nhớ được bốn câu như thế này:

"Từ khi bắt gặp áo Cà-sa,
Tuổi mới hăm lăm đã thấy già,
Xưa không thành bướm theo Trang Tử
Nay nguyện làm sen đợi Thích Ca..."

Tôi hỏi anh: "Anh chưa có râu mà sao đã gọi là già?" Anh nói: "Già này không phải là già tuổi mà già này là già dặn. Gặp được Phật rồi, biết giáo lý Phật rồi thì chắc chắn vững vàng không còn u ơ, không còn nông nỗi, không còn cạn cợt, không còn buông lung như trẻ thơ trước cuộc đời nữa, cho nên gọi là già. Già dặn chức không phải già tuổi". Và anh đã nguyện làm sen đợi Thích Ca tức là một lòng tin Phật, không tin ai hết. Tin Phật mới là đấng cứu độ cho mình thoát khỏi vô minh đau khổ, dứt trừ tham ái, nghiệp chướng u mê. Như vậy, sự tin Phật của Anh chính là một sự tin Phật chung của gia đình và một sự tin Phật của người bào đệ của Anh mà tôi được gặp qua bài thơ đó. Nhưng tiếc rằng anh Minh sớm qua đời. Trước khi lâm chung, anh có mời Hòa thượng Đôn Hậu về để nói kinh Pháp Hoa cho anh nghe.

Như thế, thấy rõ ràng: Cuộc đời anh Minh cũng là cuộc đời của Anh hôm nay, trước sau đều một lòng tin Phật và trước sau đều gặp Phật trên con đường giải thoát giác ngộ của Ngài. Sau khi thấm nhuần được lòng từ bi của Phật, Anh đã dành ra trên nửa cuộc đời để thực hành hạnh Từ bi bố thí. Mặc dù thân Anh mỏng manh, nhưng chí Anh rất cao cường, gió không ngã, mưa không chán, nắng không khô héo dù trải bao nhiêu sự thăng trầm của thế cuộc. Trong thời giam Anh, nhưng rồi trước sau, tấm lòng thành thực, trung kiên của Anh cũng được hiểu rõ và Anh cũng được tiếp tục làm hạnh bố thí lợi tha của đức Phật hẳn Anh đã hiểu được rằng:

"Trăm năm trước thì ta không có
Trăm năm sau có lại hoàn không.
Cuộc đời sắc sắc không không.
Trăm năm còn lại tấm lòng Từ bi"

Anh đã hiểu rõ lý "Sắc-không" của đạo Phật. Tất cả thế gian, tất cả mọi sự đều là vô thường, trống rỗng, có đó không đó. Nếu vì vô minh, mù quáng chấp chặt lên sự sống thế gian, tất nhiên sẽ bị thế gian vô thường vùi dập vào trong con đường đau khổ, tham ái mà không thể nào thoát ra khỏi được. Nếu vì vô minh mà tham đắm sắc dục trong thế gian vô thường, không hiểu là "sắc sắc không không" thì nó sẽ đưa con người vào chỗ tội lỗi, tối tăm, hẹp hòi không thể vươn lên được. Nhưng Anh đã hiểu cuộc đời theo tinh thần "sắc sắc không không" của đạo Phật, cho nên Anh đã thoát được tất cả.

Danh không buộc Anh được, lợi không dính vào Anh được, giàu sang phú quý không ngăn bước chân của Anh được, và Anh đã bước đi trên con đường hạnh phúc thênh thang, giải thoát theo đức Phật. Anh trở nên một người sống đạm bạc. Sống cần mẫn siêng năng, không kể ăn, không kể mặc mà chỉ chăm chăm vào sự bố thí để giúp người khó, thương người đau vào sự bố thí để giúp người khó, thương người đau, người yếu mà thôi. Có những lúc chúng tôi gặp Anh đi giữa đường với bị gạo trên vai, hai tay bụm lại, mắt lim dim coi như một người đang Thiền định giữa đường; chân có khi đi guốc chiếc mới chiếc cũ, Anh cũng chẳng cần để ý tới. Quần ống cao ống thấp, Anh cũng chẵng màng nghĩ tới, hầu như trong lòng Anh bao giờ cũng nghĩ tới sự nghèo khổ của những người đang thiếu thốn, những người đang tật nguyền, những người đang đói khát.

Cho nên, chúng tôi đã nói đùa với nhau rằng: "Đó là hiền triết Diogène đó!" Vị hiền triết Diogène là một hiền triết cổ đại Hy Lạp. Ông ta thường sống trong một chiếc thùng tô-nô. Một hôm, vị vua đi cho đến hỏi vị hiền triết đó rằng: "Khanh muốn gì, Bệ hạ sẽ cho". Vị hiền triết đó thưa rằng: "Tôi không muốn gì cả. Tôi chỉ muốn Bệ hạ đứng xích ra một bên để cho ánh sáng mặt trời chiếu vào mà thôi". Là ý của nhà hiền triết muốn nói rằng: "Xin bệ hạ đừng có che ánh sáng mặt trời chiếu đến tôi, tôi chỉ ưa từng ấy thôi". Thì cuộc đời của Anh cũng tương tợ như thế. Anh chỉ bước đi trong ánh sáng từ bi của đức Phật mà Anh không thể bị những cái chung quanh, những cái danh lợi, những cái sắc hương phù phiếm của thế gian ràng buộc, Anh đã trở nên một người thân thương của tất cả mọi người, trở nên một người bạn hiền lành của tất cả mọi người. Có những lúc Anh đang đau mà Anh quên đau, với niềm vui bố thí của mình. Có những lúc trời mưa lụt đến mà Anh không kể mưa cũng không kể lụt, cứ vẫn tiếp tục làm theo hạnh nguyện của mình, không có cái gì cản trở được Anh.

Chí nguyện đó, phải chăng Anh đã thấm được cái hạnh Bồ-tát ở trong đạo Phật, Anh đã học được chí nguyện cao siêu ở trong đạo Phật chỉ vì sự tế độ chúng sinh, giác ngộ chúng sanh, giúp ích chúng sanh mà quên đi cái bản ngã nhỏ mọn hẹp hòi của mình. Và chính vì Anh quên được cái bản ngã của mình, cho nên Anh mới có được một tấm lòng rất lớn. Đó là tấm lòng bao dung, độ lượng, cái mà Anh không cần nghĩ tới, nhưng bao nhiêu người đã nghĩ tới Anh và thương mến Anh, quý trọng Anh. Vì vậy mà trong việc hành thiện của Anh, ai nấy đều đặt tin tưởng vào nơi Anh mà không có một điều gì thắc mắc nghi ngại. Chính điều đó là một điều tốt nhất nhưng không phải ai làm cũng được.

Có những người làm từ thiện lúc đầu thì hay nhưng lúc sau thì dở vì lẽ nọ hoặc lẽ kia, có thể vì cái tính tình không nghiêm, vì hành sự không hợp, vì sự nói năng không chỉnh chạc, cho nên có những người cũng phát tâm làm từ thiện nhưng chỉ làm được lúc đầu, không thể tiếp tục về sau. Ngược lại, năm mươi năm trường với một công việc hành thiện, Anh không bao giờ ngơi nghỉ chỉ vì trong lòng Anh có chí nguyện lớn, Anh có sự hiểu biết lớn và Anh có một sự khiêm tốn lớn, Anh có sự xứng đáng lớn như vậy, cho nên bao nhiêu người tin tưởng nơi Anh, để cùng chung với Anh làm việc từ thiện. Trong các việc từ thiện của Anh để lại đã nêu ra rất nhiều ý nghĩa:

Ý nghĩa thứ nhất

Anh giúp cho những người có của có tiền, muốn làm từ thiện mà chưa gặp duyên hoặc chưa gặp người tín nhiệm tiếp tay, giúp đỡ để đưa tiền gạo đến tay những người thương kẻ khó, và Anh đã giúp họ điều đó, tiếp nhận của cải của người đó để đem ban phát cho những người nghèo đói. Anh đã thay mặt họ làm được những công việc từ thiện giúp họ tín tâm Tam Bảo ngày càng tăng trưởng.

Ý nghĩa thứ hai

Đối với những người cùng bần, thiếu thốn, đau khổ, cô độc, đó là những người dễ bị đời bỏ quên. Cuộc đời của họ làm người nhưng không hưởng gì được cái tính cách của người. Họ sống trong cảnh ảm đạm, trong hiu hắt, trong cô độc, ít ai nghĩ tới. Cuộc đời của họ sống trong bóng tối, không thấy ánh sáng mặt trời, chẳng ai đoái hoài đến họ. Với tấm lòng từ bi, với ánh sáng trí tuệ của đức Phật, Anh đã tiếp tay với Phật, đã tiếp tay với các vị Bồ-tát để thực hành lợi tha mà đức Phật đã canh cánh răn dạy hàng đệ tử xưa nay.

Ý nghĩa thứ ba

Anh nêu lên tấm lòng từ thiện để nhắc nhở mọi người: Chính lòng từ thiện mới đem lại an lạc cho xã hội. Nếu đời thiếu lòng từ thiện thì đời sẽ sụp đổ, nếu thành phần xã hội hoặc bất kỳ con người nào mà thiếu tấm lòng từ thiện ấy, chắc không sớm thì muộn thành phần ấy hoặc con người ấy sẽ hư đốn, khốn cùng. Do đó, chính việc làm của Anh nhắc nhở cho họ nhớ lại, là phát khởi lòng từ thiện, cùng tiếp tay với Anh làm việc thiện để cuộc đời bớt khổ

Ý nghĩa thứ tư

Mặc dù trong bất cứ hoàn cảnh nào Anh vẫn tiếp tục làm từ thiện không bỏ. Lúc mưa, lúc nắng, lúc lạnh, lúc ráo, lúc thuận, lúc nghịch, Anh không bận lòng để ý tới. Anh chỉ biết để tâm tới việc làm từ thiện, giúp ích cho những người cô độc, đau khổ, Anh chỉ biết tới một chuyện đó thôi. Vì lẽ đó nên những việc từ thiện của Anh có nhiều kết quả. Chứ nếu làm từ thiện mà vì cái danh, vì cái lợi, lung lạc, sai khiến, quyến rũ, dối gạt người khác, hoặc chỉ vì một chút gì trong đó không đúng đắn, không rõ ràng và không lớn lao, chắc chắn Anh đã không tiếp tục được công việc từ thiện bền vững cho tới ngày Anh nhắm mắt.

Ý nghĩa thứ năm

Làm việc từ thiện của Anh tức là làm cho người có của hay không có của, người sống có gia đình với người sống cô độc xích gần lại với nhau. Cuộc đời sở dĩ đau khổ vì miếng cơm manh áo, vì nghèo khó, vì kiếp người phải sanh, lão, bệnh, tử của chúng sinh không thoát ly ra được đã đành, nhưng cũng còn nhiều nỗi đau khổ vì sự bất đồng, người có học khinh khi người ngu dốt, người giàu thì quá giàu, nghèo thì quá nghèo. Sự bất công đó cũng là một nạn của chúng sanh gây đau khổ cho nhau thì việc thiện của Anh chính là một gạch nối để làm cho người giàu, nghèo xích lại gần với nhau, biết tới nhau, giảm bớt sự bất công.

Ý nghĩa thứ sáu

Anh đi làm từ thiện, nhưng không phải chỉ đem tiền, gạo đến phát không cho kẻ khác, mà Anh còn đem những lời lẽ êm ái, dịu dàng, giáo lý của đạo Phật để khuyên răn dạy bảo, để cởi mở nỗi lòng đau khổ, để khuyên nhủ họ bỏ bớt vô minh và tham ái của họ nữa.

Có những lần thỉnh thoảng Anh đến tặng quà cho chúng tôi, chúng tôi nói rằng: "Thôi! Anh nên để lễ vật này giúp cho những người nghèo khó", thì Anh nói rằng: "Chính con có làm được việc từ thiện này cũng là nhờ biết được Tam Bảo, noi gương Tam Bảo con mới làm được. Cho nên, con không thể không cúng dường Tam Bảo mà phụng sự chúng sanh được. Thứ nữa, chúng sanh đau khổ vì còn tâm tham ái vô minh, vì ngã mạn, vì chấp tướng cho nên mới đau khổ, mong rằng chư Tăng chú nguyện cho chúng sanh vơi bớt sự đau khổ, vơi bớt sự chấp tướng, vơi bớt ngã mạn vô minh để cho họ được thoát khổ. Cho nên con phải làm cả hai".

Có những lần Anh lên cúng dường chúng tôi, với một sự thành kính, Anh tác bạch như thế này: "Chúng con xin đem cái tâm vô ngã cúng dường lên chư Tăng, mong chư Tăng chú nguyện cho chúng sanh được vơi niềm đau khổ".

Anh cúng dường với tâm vô ngã, đủ biết rằng việc làm từ thiện của Anh không phải làm từ thiện với sự trước tướng, dính vào tâm hữu lậu, chấp tướng là mình, là ta: Ta là người cho, còn kia là người nhận, nhưng chính Anh làm từ thiện như một pháp tu theo tinh thần vô lậu, vô ngã, thực hành, sống với tinh thần vô ngã, tức là tu tập đúng theo chánh pháp, như kinh Kim Cang phật dạy:

"Dĩ vô ngã, vô nhơn, cô chúng sanh, vô thọ giả, tu nhứt thiết thiện pháp tức đắc A-nâu-đa-la-tam-miêu-tam-bồ-đề". Đem cái tâm vô ngã, vô nhơn, vô chúng sanh, vô thọ giả mà tu các thiện pháp thì sẽ thành quả giải thoát lớn lao. Do đó, việc hành thiện của Anh không phải chỉ là một việc hành thiện bề ngoài, hành thiện hình thức mà Anh đã hành thiện chính từ trong thân tâm, hành thiện như vậy đã đi vào lòng sự sống của mọi người từng được Anh giúp đỡ.

Cho nên, có những người khi thiếu thốn, Anh tới giúp đỡ, họ nhận; nhưng khi họ làm ăn đủ rồi, Anh tới giúp đỡ họ từ chối và nói lời cảm ơn rằng: "Thôi! Tôi nhờ Bác giúp nay tạm có đủ ăn, được rồi! Xin Bác đem của nầy giúp cho những người khác còn đang thiếu thốn". Đó chính là cái việc hành thiện của Anh, không phải đem của đi cho không. Bởi vì nếu đem của đi cho không mà thiếu pháp thí, thì cũng có thể làm tăng thêm lòng tham cho con người nhận thí. Họ sẽ tham của bố thí đó, có một muốn hai, có hai muốn ba, có ba muốn bốn, muốn mãi không vừa. Sỡ dĩ họ biết được như thế là nhờ có pháp thí của Anh. Nhờ có được pháp thí có thể giúp tỉnh ngộ và tự chính họ xả bớt được lòng tham lam của họ. Cho nên, họ nhận nơi Anh không những chỉ hận tiền, nhận của, nhận áo, nhận cơm, mà còn nhận nơi Anh những lời Pháp hiền dịu, hòa nhã, làm thay đổi được cuộc đời của họ về mặt vật chất cũng như tinh thần, đó là một đặc điểm. Tôi mong rằng công hạnh từ thiện đó của Anh sẽ còn mãi trong lòng mọi người đã hoặc chưa có duyện gặp Anh, như câu:

"Cuộc đời sắc sắc không không,
Trăm năm còn lại tấm lòng Từ bi"

Cuộc đời rốt cuộc rồi cũng chẳng còn gì hết, không bố thí rồi cũng thế thôi. "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng". Đã có tướng thì đều làm tạm bợ mong manh, dù có muốn giữ nó lại, lấy dây mà ràng buộc lại, để cho nó đừng tiêu tan cũng không thể làm được. Lấy chức quyền, chức tước mà buộc nó lại cũng không thể giữ được. Hễ đã có tướng thảy đều hư vọng, chỉ có tấm lòng từ bi là khôg hư vọng mà thôi. Bởi vì tấm lòng từ bi là mẹ hiền nuôi nấng tất cả chúng sanh, tấm lòng từ bi là nước cam lồ rưới mát tất cả chúng sanh. Tấm lòng từ bi là ánh sáng mặt trời, chiếu sáng cho tất cả chúng sanh. Cho nên, tấm lòng từ bi còn thấm đượm mãi trong lòng mọi người để cho pháp giới chúng sanh đều an bình. Nếu tấm lòng từ bi không còn, chúng sanh sẽ chết hoặc sống mà đau khổ gần như chết và thế giới sẽ sụp đổ. Do đó mà tất cả đều sẽ chịu sự tan rã, biến hoại, vô thường, chỉ có tấm lòng từ bi là còn mãi trong lòng con người không mất đi được.

Anh đã học đuợc tấm lòng từ bi đó nơi đức Phật, đã thực hành hạnh từ bi đó qua bao năm tháng, không kể khó khăn, không tính toán hơn thua, không chấp ngã, không chấp nhơn. Tấm lòng từ bi ấy của Anh bây giờ vẫn còn ghi lại trong tâm tôi, trong tâm bao nhiêu người khác, trong tâm những người thân thuộc, những ngưòi đồ đệ của Anh. Tôi mong rằng sự ra đi của Anh chỉ là một sự đổi thay sắc thân giả huyễn, còn tinh thần của Anh hãy là một tinh thần còn giúp ích, còn làm gương mẫu cho những người khác thực hành công hạnh từ thiện, đúng như Anh

Tôi biết trong khi sanh tiền, có những người trong sự hành thiện theo Anh, nhưng đã không hiểu đúng tinh thần của Anh. Không thấy được tấm lòng cao cả của Anh, cho nên có một phần nào lầm lạc, tưởng làm như Anh, nhưng kỳ thực ngược lại tinh thần từ thiện nói chung và với Anh nói riêng. Tôi mong rằng: Từ nay trở đi, sự lệch lạc ấy không còn nữa để trở về với sự hành thiện trong sạch, đúng đắn, sáng suốt đúng theo tinh thần Phật giáo như Anh. Có được như vậy thì việc hành thiện này dầu anh qua đời nhưng vẫn còn tiếp tục tốt đẹp. Được như thế. Tôi chắc chắn trong giờ phút này, Anh sẽ mãn nguyện và thanh thản ra đi.

Giờ đây trước ngôi Tam Bảo, xin Anh thành tâm hướng về Tam Bảo một lần nữa để quy y Tam Bảo hầu luôn luôn giữ tâm niệm của mình gắn chặt với Tam Bảo. Dầu ở đời này hay ở đời khác, ở kiếp nọ hay kiếp kia, Anh vẫn đi trong ánh sáng của Tam Bảo, tức là đi trong đường lối giải thoát khỏi vô minh, đau khổ.

Tôi thành tâm cầu nguyện Anh luôn luôn tự tại với chơn tâm của mình

Nam mô Tiếp dẫn Đạo sư A-di-đà Phật.

20. Hộ niệm Hương linh Như Phước Tôn Nữ Thị Nhơn

Năm tháng phủ sinh dệt kiếp người,
Cuộc đời như thể áng mây trôi,
Buông tay nhẹ gót về theo Phật,
Chín phẩm đài sen toả sáng ngời.

Hương linh Phật tử Như Phước!

Trong khoảng khắc biến thành thiên thu này, Hương linh đã xả bỏ huyễn thân ở cõi Ta-bà để theo Phật. Cho biết, thế gian vô thường, muôn vật đều hư huyễn, chỉ có chơn tâm thường trụ bất biến. Sống thuận theo chơn tâm thì được giác ngộ giải thoát, nghịch lại chơn tâm thì sinh diệt khổ đau.

Hương linh nhờ có túc duyên thác sanh Nhơn đạo làm con thảo, làm mẹ hiền; vừa làm mẹ, vừa làm bà nội, nuôi nấng dạy bảo con cháu khôn lớn trưởng thành: Thành thân, thành tài và thành đức..., sống trong một tình thương yêu đùm bọc, thuận hòa trên dưới, luôn luôn gần gũi thân mật. Dầu sống trên cõi đời vô thường, nhưng Hương linh được sống một tâm thường tại. Dầu sống giữa phong ba bão táp, đủ mọi thứ xảy ra trên đời, nhưng Hương linh vẫn một lòng tin Tam Bảo, gìn giữ tâm và thân được yên lành, tránh mọi sự rối rắm, là nhờ phúc đức, nhờ đạo tâm từ thiện của Hương linh đã vun bồi, xây dựng bấy lâu nay.

đời không có gì quý bằng tâm từ thiện. Muôn việc đều do tâm sinh ra. Nếu tâm ác thì tạo thành cảnh ác, chắc chắn sẽ thọ quả báo đau khổ; tâm lành thì tạo cảnh lành, ắt sẽ đuợc kết quả an vui. Nhân quả hiện tiền trước mắt. Biết sống theo nhân quả, tránh dữ làm lành, luôn được hưởng điều an lạc, chính Hương linh đã biết sống như vậy. Lại nữa, nhờ duyên lành gặp ngôi Tam Bảo, làm đệ tử Phật nên Hương linh đã gần gũi Tam Bảo, nghe theo lời đức Phật dạy bảo, nhờ những lời giác ngộ giải thoát như vậy mà tâm hồn Hương linh đã sống một cuộc đời chan hòa với tất cả mọi người và con cháu. Do đó mà con cháu được ân hưởng rất nhiều và lúc còn sống cũng như khi qua đời, Hương linh luôn luôn được sự thương yêu, kính mến. Đó là cái phúc quả hiện tiền mà cũng là tư lương để cho Hương linh ở cõi này đi qua cõi khác.

Hôm nay, trong giờ phút ngàn năm một thuở, giây phút sẽ biến thành thiên thu, vì niệm tình thương cảm Hương linh đã có tâm vì đạo, đã biết sống một cuộc đời an lành thánh thiện, nên chư Tăng gia tâm hộ niệm cho Hương linh, bất cứ ở cảnh giới nào cũng được gần ngôi Tam Bảo, bất cứ ở cảnh giới nào cũng được tự tại an vui. Đó là điều cầu mong của chư Tăng hôm nay. Mong rằng Hương linh luôn luôn giữ niềm tin quy kính Tam Bảo, luôn làm đệ tử Phật, giữ trọn Tam quy Ngũ giới, và cũng chính nhờ phước duyên này mà Hương linh sẽ chuyển nghiệp vãng sanh, tu hành Thánh quả, giải thoát giác ngộ, tự tại yên vui trong nhiều kiếp về sau.

Giờ phút ngàn năm vĩnh biệt này, mặc dầu thể xác Hương linh tuy có xa, nhưng tâm nguyện luôn luôn giao cảm, bất cứ ở phương trời nào, tâm tư đều có một niềm cảm ứng lẫn nhau, Hương linh đã phát thiện tâm chánh niệm, luôn luôn giữ chánh niệm với thiện tâm áy, nhờ vậy mà Hương linh chắc chắn sẽ được siêu sanh Lạc quốc. Đối trước Hương linh trong giây phút linh thiêng này, chư Tăng thành tâm hộ niệm cho Hương linh đạt thành phúc quả.

Giờ đây Hương linh hãy đối trước Tam Bảo phát nguyện quy y, để giữ niệm chơn chánh mà phát khởi tín tâm của mình, luôn luôn không bao giờ thay đổi. Cầu nguyện cho Hương linh cao đăng Phật quốc.

Nam-mô Tiếp dẫn Đạo sư A-di-đà Phật

-HẾT-

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |
 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24.a | 24.b

 

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh đã giúp bố trí đánh máy vi tính (Bình Anson, 07-2003).

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 05-07-2003