BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Tìm Vào Thực Tại
Thích Chơn Thiện, 1997


  

Chương VII


Phụ Lục (I)

Thiền Công Án

Thực Chất Của Công Án

Thật là lúng túng khi bàn đến Công án Thiền. Hỏi Công án là gì cũng như hỏi Chân như là gì hay Diệu nghĩa của Phật pháp là gì! Làm sao đặt chân đến đó với ngôn ngữ khái niệm quá nghèo nàn, giới hạn?

Ðề cập đến Công án một cách gián tiếp, phủ định chăng? - Nếu bằng cách đó thì chúng ta đã trở lại ngôn ngữ mà Công án sử dụng.

Mở cửa Công án bằng những Công án mới chăng? Cách này chỉ đem lại cho người đọc thêm những lúng túng, mà vấn đề Công án vẫn còn bỏ ngõ.

Người viết bèn phương tiện mượn ngôn ngữ nhật dụng để nói đến Công án, nhưng nói đến thái độ đầy cẩn trọng.

Tông chỉ của Thiền Công án (hay Thiền Tổ sư) là: "Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật" (truyền riêng ngoài giáo, không lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật). Do đó, Công án Thiền thật sự dành riêng cho căn cơ đặc biệt thích hợp với nó. Tiếng hét, tiếng bổng, lởi lẽ v.v... hình như chỉ đến riêng với hành giả đang đối diện với Thiền sư ở một thời điểm đặc biệt nào đó. Mỗi Công án, vì vậy, có một tác dụng riêng. Ðiểm giống nhau của các Công án là trợ giúp hành giả bừng ngộ. Nói đến Ngộ là nói đến ngộ tự tánh, hay pháp tánh. Như thế, dù đối tượng nắm giữ có khác nhau, thời gian nắm giữ đối tượng có dài ngắn khác nhau ở mỗi hành giả, chung qui chỉ có một việc: thế nào để làm hiển lộ tâm giữa đám sương mù của vọng niệm. Nếu không phải thế thì chúng ta không có gì để bàn đến Thiền Công án cả, trong ý nghĩa đi tìm giải thoát từ nó.

Thật ra không chỉ có Công án Thiền hay ngôn ngữ Thiền Công án là khó hiểu, bí mật, mà mọi sự đang trình diện trước mắt ta, gồm cả ngôn ngữ khái niệm, cũng đầy bí mật cả. Bởi vì, thấy rõ thật nghĩa, thật tướng của chúng tức là thấy rõ Chân tính hay Niết-bàn. Thế giới mà ta gọi là hiện tượng giới hay thế giới vật lý, bình tĩnh mà nói theo ngôn ngữ triết học Tây phương, còn siêu hình hơn cả những gì siêu hình. Ta có thể lập luận: nếu triết lý là nói về cuộc sống, thì chính cuộc sống là triết lý siêu đẳng. Tương tự nếu Công án là để chỉ thấy Tánh, thấy Pháp, thì Pháp là Công án thượng thừa.

Với Công án Tổ dạy, do vì hành giả đặt nhiều tin tưởng vào đó, nắm giữ nó như nắm giữ chiếc đũa thần, nên hành giả tập trung mạnh tâm thức vào đó mà sớm vỡ lẽ tâm, pháp.

Với sự vật trước mắt, nếu hành giả can đảm, có đủ lòng tin, tập trung quán tưởng vào đó, chúng cũng sẽ giúp hành giả đi đến một thành tựu tương tự.

Một điều duy nhất đã làm cho Công án trở nên bí ẩn và làm cho việc thấy tánh trở nên khó khăn là do sức tập trung thức không đủ mạnh để làm tan vỡ các vọng niệm. Sức tập trung tâm thức ấy chỉ đủ mạnh nếu hội đủ hai điều kiện:

1. Ðối tượng quán thích hợp với điều kiện tâm lý của hành giả, thu hút được sức tập trung mãnh liệt của hành giả.

2. Lòng tin của hành giả chú tâm vào đối tượng.

Nói cách khác, bí ẩn của Công án chính ở chỗ làm dấy lên được sức tập trung mạnh để xóa tan các vọng niệm ấy.

Hai trường hợp được kể sau đây sẽ giúp ta soi sáng điều đó:

1.Trở về câu chuyện người đệ tử trẻ của Tôn giả xá-lợi-Phất: "Hãy thay bến nước khác"(Bổn sanh Tittha, Jàt. 182).

Chuyện kể rằng theo lời dạy của Tôn giả, một người đệ tử trẻ đã thực hành quán tưởng bất tịnh trong bốn tháng nhưng vẫn không có tiến bộ trong việc phát triển Thiền quán. Tôn giả quán biết người đệ tử có duyên được Phật độ, đã đưa người đệ tử đến yết kiến Thế Tôn và trình lên Thế Tôn sự việc.

Thế Tôn biết tâm hướng của người đệ tử trẻ ấy thích hợp với đối tượng quán tịnh hơn, do vì nhiều kiếp trước sinh vào gia đình thợ vàng chuyên thấy vàng thanh tịnh. Thế Tôn bèn cho người đệ tử trẻ ấy, mặc y phục trong và ngoài tốt đẹp, dẫn đi khất thực các thức ăn thượng vị, cho nghỉ trưa ở hương phòng, rồi cho đi ngắm một hồ sen tuyệt đẹp (hồ sen do thần lực của Thế Tôn thị hiện), ở đó có đóa hoa tuyệt thắm, đẹp mắt. Thế Tôn bảo người đệ tử trẻ ngắm sen và chờ Thế Tôn về hương phòng một lát sẽ trở lại.

Ðang lúc mãi ngắm đóa sen tuyệt thắm, đóa sen bỗng dưng héo và rụng. Người đệ tử hoát nhiên bừng sáng lý vô thường, tâm hoàn toàn ly tham, trực đắc A-la-hán quả.

Ðây là một trường hợp điển hình về đối tượng quán tưởng tương ứng với tâm lý của hành giả.

2. Chuyện "Với ít vốn, người trí" (Bổn Sanh Cullapanthaka, Jàt. 114).

Tỷ-kheo Cullapanthaka ám độn, bốn tháng chưa học thuộc bài kệ bốn câu. Tỷ-kheo thất vọng muốn hoàn tục để tu phước. Thế Tôn thấy rõ tâm hướng, bèn trao cho một tấm vải sạch bảo vừa lau bụi vừa nói: "Ðồ lau bụi"...

Khi miếng vải tinh bị nhớp, Cullapanthaka bỗng hoát nhiên bừng tỉnh tính vô thường của các hành, tâm an trú trên đoạn diệt, phát triển mạnh trên Thiền quán. Thế Tôn liền bảo Cullapanthaka để ý bụi tham, sân, si trong tâm, hãy lau sạch chúng và Ngài nói lên ý nghĩa đó bằng một bài kệ. Nghe xong, Cullapanthaka đắc A-la-hán, đắc Vô ngại giải, thông suốt Ba tạng giáo điển.

Trường hợp này là trường hợp điển hình đặt niềm tin mãnh liệt vào đối tượng quán. Do sức tập trung ấy, hành giả phát triển được Thiền quán và bừng tỏ thấy tánh.

Kiến tánh, như thế chỉ là sự bừng vỡ của nguồn tuệ có sẵn bên trong hành giả. Công án và các đối tượng quán tưởng khác không mang một bí ẩn nào khác hơn là trợ duyên tốt cho hành giả trong việc tập trung tư tưởng, phát triển Thiền quán. Những trường hợp đặc biệt của tiếng bỗng, tiếng hét, đạp gai, vấp ngã, nghe sỏi rơi, bị chặt đứt một ngón tay, bị nghiền nát bàn chân v.v... đều mang ý nghĩa trợ duyên ấy. Có lúc hành giả chỉ cần một sự kích động nhỏ khai thông chỗ kẹt là đủ để đánh thức giác tánh.

Ðốn ngộ ở Thiền quán cũng không phải là trường hợp ngẫu nhiên hay đặc biệt. Mọi sự bừng ngộ hầu hết là hoát nhiên. Ðiểm khác biệt nhanh, chậm giữa những người cùng tu là ở người này vô minh chỉ còn là làn sương mỏng, ở người kia là một lớp băng giá, phải cần nhiều nhiệt năng và thời gian mới có thể làm tâm thức hiển lộ.

Các trường hợp bừng ngộ được ghi lại rất nhiều ở Kinh Bộ, ở Trưỡng Lão Tăng Kệ và Trưỡng Lão Ni Kệ, qua đó ta có thể thấy rằng Thiền Công án không phải là khám phá đặc thù của Thiền Tổ sư.

Việc nắm giữ Công án thường là việc nắm giữ ròng Thiền quán về một đối tượng. Nó đặc biệt hợp với căn cơ luận giải và có một căn bản định lực (tối thiểu là Sơ thiền, Nhị thiền), không phải là căn tánh đó thì khó có thể, hay không thể, phát triển Thiền định. Nếu ngược căn tánh, có khi nỗ lực thực hành thì sẽ dẫn đến ảnh hưởng trái ngược, tâm lý dễ bị xáo trộn giữa lúc hành giả đang bận phải đối mặt với lắm phiền não ở đời. Ðể tránh tai hại ấy, hành giả cần tự xét căn tánh của mình, cần luôn luôn tỉnh giác khi đến với Thiền Công án.

Tại đây, ta có thễ rút ra một vài kết luận:

- Công án Thiền không thể bí ẩn và khó hiểu hơn cuộc đời vọng động mình đang sống. Công án không thể mang ý nghĩa nào khác hơn là một đối tượng Thiền quán.

- Việc chọn đối tượng Thiền quán thích hợp với căn tánh hành giả là quan trọng trong việc phát triển Thiền định.

- Mọi sự vật ở đời đều có thể trở thành Công án hay đề tài Thiền quán cả.

Ngôn Ngữ Công Án

Mọi thứ ngôn ngữ chỉ là dấu hiệu. Dấu hiệu chỉ là biểu tượng. Biểu tượng thì phải biểu tượng một cái gì khác nó. Thế nên, cái mà ngôn ngữ biểu tượng thì không có trong ngôn ngữ. Muốn biết nó, người ta phải chấp cánh cho ý niệm bay vào thực tại ở đằng sau ngôn ngữ ấy. Từ ngôn ngữ đến thực tại là một khoảng cách dài của: ngôn ngữ - ý niệm - tư tưởng - thực tại.

Tư duy hay tư tưởng, chỉ là sản phẩm của Năm uẩn đầy hư ảo. Nó không phải là thực tại.

Thiền sư biết rõ như thế, nên đã chủ trương "giáo ngoại biệt truyền", và trong việc "khai thị hành giả ngộ nhập thực tại chi tính" đã dùng đến một loại ngôn ngữ riêng gọi là ngôn ngữ Công án. Ðó là ngôn ngữ khái niệm được dùng qua một lối diễn đạt độc đáo. Ngôn ngữ của một Công án này không hẳn là loại ngôn ngữ của một công án khác, và không phải là ngôn ngữ khái niệm.

Dù sao, Thiền sư cũng phải nói tiếng nói con người. Và tiếng nói con người, dù được hiểu bằng cách nào cũng không rời khỏi tướng thanh trần. Nếu thấy được trần, thì sẽ thấy được đạo. Cái thấy đạo phải là cái thấy rời khỏi tướng "nhị thủ" (năng và sở). Do đó, khi Công án bừng sáng, thì bừng sáng một lượt với tâm thức ở ngoài vùng chấp thủ tướng của hành giả.

Bây giờ, ta thử đi vào một số Công án tượng trưng. Người viết không hề có tham vọng nói lên đúng ý nghĩa của Công án mà Thiền sư muốn nói mà chỉ thử đề nghị một lối đi vào để bạn có thể ổn định rằng: Công án không phải là cái gì bí mật mà cũng không phải là lời nói trống rỗng. Nó nói ít mà ý nhiều, sống động, và có khi có tác động mạnh vào tâm lý, lay đổ các vọng tưởng của hành giả.

* * *

Thử Bàn Một Số Công Án

(Phần nguyên văn trích từ Vô Môn Quan, bản dịch của Trần Tuấn Mẫn, Lá Bối, Sàigon 1970).

1. Công án số 1: Con chó của Triệu Châu.

Một ông Tăng hỏi Hòa thượng Triệu Châu:

- Con chó có Phật tánh không?

- Không.

Thử bàn: Như bạn đọc biết, đức Phật dạy: "Hết thảy chúng sinh đều có Phật tánh". Khi đặt câu hỏi trên, có lẽ vị Tăng nghĩ rằng Phật tánh có mặt một nơi nào đó. Vị Tăng đang bị vướng mắc vào nghĩa Có-Không đối đãi của ý niệm. Ðể giúp vị Tăng gở rối, Thiền sư liền đáp "không". Tiếng "không", và có lẽ cả thái độ của Thiền sư lúc đó, có tác dụng gây một chấn động vào suy nghĩ của vị Tăng, lay tỉnh vị này ra khỏi cơn mơ màng của tư duy hợp lý, của chấp tướng có không.

Hẳn nhiên câu trả lời ấy chỉ đặc biệt có tác dụng đối với vị Tăng ấy.

2. Công án số 5: Hương nghiêm leo cây.

Hòa thượng Hương Nghiêm hỏi:

- Như người trên cây miệng cắn vào cành, tay chân lơ lửng. Dưới cây có người hỏi ý "Tây lai", không đáp thì phụ câu hỏi, còn đáp thì bò thân mạng. Vậy phải đối đãi làm sao?

Thử bàn: Ý "Tây lai" là chỉ sứ mạng của Bồ-đề-đạt-mạ từ Tây Trúc sang, sứ mạng chỉ cho người khác kiến tánh.

Thật tánh hay thấy thật tánh thì ở ngoài thế giới ý nghĩa của ngôn ngữ khái niệm. Hỏi hay trả lời đều hư vọng cả, vì vậy Hương Nghiêm ví người trả lời câu hỏi như người miệng đang cắn cành cây, tay chân lơ lửng. Nếu mở miệng nói thì liền rơi xuống toi mạng. Nhưng nếu im lặng không đáp, thì sự im lặng có thể do vì không biết, hoặc do biết vấn đề không thể nói ra lời, hay do vì chưa phải lúc nói, cả ba lý do ấy đều phụ câu hỏi cả, bởi vì câu hỏi đang đòi hỏi câu đáp. Thái độ đối đãi thích hợp phụ thuộc vào sự sẵn sàng giác tỉnh của người hỏi, mà không hẳn phụ thuộc vào nói hay không nói của người đáp.

Nếu thiếu sự giác tỉnh của người nghe, thì nói hay không nói đều là không thích hợp. Nếu có sự giác tỉnh ở người nghe, hay người nghe đang ở bên bờ giác tỉnh, thì nói hay không đều hợp.

Thật tánh thì ở ngoài vòng đối đãi. Nên chỉ có sự giác tỉnh không đối đãi là không phụ ai.

3. Công án số 7: Triệu Châu rửa bát

Một vị Tăng hỏi Triệu Châu:

"Tôi mới vào chùa, xin ngài chỉ dạy".

Sư hỏi: "Ăn cháo chưa?"

Tăng đáp: "Ăn cháo rồi"

Sư nói: "Rửa bát đi."

Ông Tăng liền ngộ.

Thử bàn: Thử hỏi: Ông Tăng ngộ gì nhỉ? Có lẽ tâm vị Tăng bừng sáng lên và nhận ra rằng Thiền hay Ðạo có mặt trong mọi sinh hoạt hằng ngày, trong các việc làm giản dị như ăn cháo, rửa bát, quét nhà, gánh nước, bửa củi v.v... nếu biết nhiếp niệm tỉnh giác như chính đức Phật đã dạy ở Kinh Bộ (Thiền định có thể thực hiện trong bốn oai nghi). Ðiều này mở ra hai lối đi vào sự bừng ngộ của vị Tăng:

- Nếu giữ mình trong chánh niệm tỉnh giác thì ở đâu, làm gì cũng là Thiền cả.

- Ở trong bất cứ sinh hoạt nào của con người, hành giả cũng có thể thực hiện Chánh niệm tỉnh giác, nghĩa là có thể đi vào Thiền.

4. Công án số 19: Tâm bình thường là đạo.

Triệu Châu hỏi ngài Nam Tuyền: "Ðạo là gì?"

Sư đáp: "Tâm bình thường là đạo".

Triệu Châu lại hỏi: "Ðến đó được không?"

Sư đáp: "Nghĩ đến đã sai".

Triệu Châu tiếp: "Không nghĩ đến làm sao biết đó là đạo?"

Sư nói: "Ðạo không thuộc chuyện biết hay không biết. Biết là biết sai, không biết thì có ăn thua gì! Nếu quả đến được Ðạo, bấy giờ cũng như thái hư, trống rỗng khoảng khoát há có thể gượng cho là phải trái sao?"

Triệu Châu liền ngộ.

Thử bàn: Lời lẽ của Thiền sư Nam Tuyền đã quá sáng sủa, rõ ràng, vừa có vẻ nhẹ nhàng, hiền hòa và tự nhiên. Ðoạn văn đáp hiện ra như là một bài pháp mà không là ngôn ngữ của công án nữa.

Như bạn đã biết, đối tượng mà các Thiền sư mở ra cho hành giả thấy là Ðạo hay chân tánh; Ðạo là thoát ly ý niệm, thoát ly trí thức phạn biệt, thoát ly các cặp giá trị đối đãi (hữu - vô, tịnh - nhiễm, khứ - lai, năng - sở... ). Cái tâm bình thường mà Sư nói là tâm giác tỉnh, không chấp tướng, ở ngoài các giá trị đối đãi ấy. Từ tâm vô chấp thủ ấy, Ðạo hiển lộ ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Bởi vì Ðạo ở ngoài ý niệm, nên suy tư không đặt chân đến được (nghĩ là sai), bởi vì nó ở ngoài đối đãi của chủ thể và đối tượng, nên "biết đến là sai".

Ở ngoài vọng tưởng đối đãi, hành giả sẽ thấy các pháp đang an trú trong tánh vắng lặng của chúng. Ðạo tràn ngập cả trong lẫn ngoài. Ở ngoài sự chấp thủ tướng, cái nhìn của hành giả sẽ không còn bị vướng mắc vào thế giới tướng trạng nữa. Tâm khoảng khoát như thái hư là thế.

5. Công án số 23: Không nghĩ thiện, ác

Huệ Minh (người cố ý đoạt y bát của Lục Tổ) hỏi: "Xin hành giả khai thị cho."

Lục Tổ nói: "Không nghĩ thiện, không nghĩ ác. Ngay lúc ấy thì mặt mũi xưa nay của Thượng tọa Huệ Minh là gì?"

Huệ Minh liền ngộ, khắp mình đẫm mồ hôi, khóc lóc, sụp lạy nói: "Ngoài mật ý, mật ngữ đó ra, ngài còn truyền thọ ý chỉ gì nữa chăng?"

Tổ nói: "Ðiều tôi nói với ông đây có chi là mật. Nếu ông tự quay nhìn mặt mũi của chính mình thì bí mật chính là ở phía bên ông."

Thử bàn: Lời Lục Tổ đã dạy rõ như ban ngày, còn tác ý thiện, ác là rời khỏi vọng niệm. Rời khỏi vọng niệm là chánh niệm hay vô niệm. Ở trong vô niệm các pháp hiển lộ thật tướng.

Nói cách khác, niệm là chấp thủ tướng, rời khỏi vọng niệm là rời khỏi chấp thủ tướng, đi vào vô ngã tướng hay thật tướng. Ðó há không phải là "bản lai diện mục" của Huệ Minh hay sao?

Huệ Minh ngộ chỗ đó. Lục Tổ đã xác quyết sự thật thì hoàn toàn không mật, mà mật là ở về phía người tìm kiếm sự thật. Bí mật ở người tìm kiếm sự thật hay bí mật trong việc kiến tánh là sự ngăn che các suy nghĩ, lập luận nhiễm đầy thói quen và "mặc cảm bốc phân" của kẻ cùng tử trong Kinh Pháp Hoa. Bí mật luôn ở về phía chúng ta.

6. Công án số 25: Tòa thứ ba nói pháp.

Hòa thượng Ngưỡng Sơn nằm mơ thấy đến chỗ Phật Di-lặc ngồi tòa thứ ba. Có một Tôn giả bạch chùy thưa: "Hôm nay đến phiên tòa thứ ba nói pháp".

Sư liền đứng dậy bạch chùy nói: "Pháp Ma-ha-diễn rời bốn câu lý luận, dứt hết trăm cách phụ nhận. Nghe cho kỹ, nghe cho kỹ."

Thữ bàn:

* Ma-ha-diễn là dịch âm từ Mahàyana (Ðại thừa).

* Tứ cú: Bốn phạm trù tư tưởng:

- Có
- Không
- Có và không
- Không phải có, không phải không

* Bách phi: Mọi lối phủ định.

Lời công án trên của Hòa thượng Ngưỡng Sơn rõ ràng là bài pháp về thật nghĩa thật pháp.

Thật tướng là vô ngã tướng. Do đó, rời khỏi thật tướng mà chấp thủ tướng bằng bốn phạm trù tư tưởng, dù là phạm trù phủ định, cũng đều là rơi vào ý niệm, vọng niệm. Ði ra khỏi vọng niệm là đi vào pháp Ma-ha-diễn của Ngưỡng Sơn.

7. Công án 26: Hai Tăng cuốn rèm

Trước giờ trai, các Học Tăng đến thăm hỏi ngài Ðại Pháp Nhãn ở chùa Thanh Lương. Sư giơ tay trỏ bức rèm. Bấy giờ có hai ông Tăng cùng ra cuốn rèm. Sư nói: "Một được một mất."

Thử bàn: Lời Sư nói thật gọn, có một sức mạnh của chứng nghiệm thực tại chuyển qua đó.

Hai vị Tăng cuốn rèm là đang làm một việc giống nhau. Nói "một được một mất" tức là nói một đúng Ðạo, một sai, hay một chân một vọng, một ngộ một mê.

Chúng ta thấy cùng trì giới mà một người thì rơi vào giới cấm thủ, một người thì đi vào Ba-la-mật. Cùng bố thí, một người thì bố thí để cầu danh lợi hay phước, một người thì đi vào Ba-la-mật. Cùng niệm hơi thở vào hơi thở ra, một người thì ngập chìm trong Năm triền cái, chấp thủ ngã và ngã sở, người kia thì đi vào định tuệ, vào Bà-la-mật; một người Chánh niệm tỉnh giác, người kia thì loạn tưởng.

Ðó không phải là một được một mất thì là gì?

Công án trên là một bài Pháp nói rằng diệu pháp không ở nơi các tướng trạng chấp thủ được biểu hiện ở bên ngoài, mà là ở tâm tỉnh giác, bừng ngộ có mặt nơi các tướng trạng ấy.

8. Công án số 27: không phải tâm, không phải Phật, không phải vật.

Một ông Tăng hỏi Hòa Thượng Nam Tuyền:

"Có pháp nào chưa dạy nữa không?"

Sư đáp: "Có".

Ông Tăng lại hỏi: "Pháp chưa dạy là pháp gì vậy?"

Sư nói: "Không phải tâm, không phải Phật, không phải vật".

9. Công án 30: Tức tâm, tức Phật

Ngài Ðại Mai hỏi ngài Mã Tổ:

"Phật là gì?"

Sư đáp: "Tức tâm, tức Phật"

10. Công án 33: Chẳng tâm, chẳng Phật

Một ông Tăng hỏi ngài Mã Tổ:

" Phật là gì?"

Sứ đáp: "Chẳng tâm, chẳng Phật."

Thử bàn:

Vị Tăng, ở Công án 27, pháp mà Hòa Thượng Nam Tuyền chưa dạy là thật pháp, và muốn được nghe Hòa thượng dạy phật pháp ấy là gì. Tâm của vị Tăng chưa ngộ đạo này luôn luôn biến tất cả pháp thành ngã tướng để nắm bắt, dù là thật pháp như Phật tánh hay chân tâm. Vì thế, Hòa thượng Nam tuyền bèn nói: "Không phải tâm, không phải Phật, không phải vật" để giúp tư duy chấp ngã của vị Tăng kia rơi vào hụt hẫng mà tỉnh ngộ, hay ít ra để giác tỉnh rằng thật Pháp ở ngoài mọi khái niệm (về tâm, Phật, vật, v.v... ).

Về Công án 30 (Tức tâm, tức Phật), ngài Mã Tổ muốn giúp ngài Ðại Mai thấy thật Pháp ở nơi tâm: khi thấy thật pháp thì cái thấy ấy là thật pháp, thật tâm, là cái thấy của Phật hay là Phật. Hệt như lời dạy: "Ai thấy duyên khởi thì thấy pháp; ai thấy pháp thì thấy Phật". Hẳn nhiên ngài Mã Tổ muốn nói đến cái tâm lìa khỏi hết thảy các chấp thủ tướng, lìa khỏi hết các ngã niệm. Bấy giờ, câu hỏi và câu trả lời của Công án 27 và 30 là chỉ một.

Về Công án 33, tượng tự hai Công án vừa bàn, dù bảo "Chẳng tâm, chẳng Phật" nhưng tựu trung ý vẫn muốn chỉ thật nghĩa của Phật (hay thật pháp) thì thoát khỏi mọi khái niệm (bao gồm cả khái niệm về tâm và Phật).

Cái điểm duy nhất nhắm đến các câu trả lời trong ba Công án trên vẫn là: thật pháp ở ngoài thế giới khái niệm, cần được trí tuệ vô ngã thể nhận; nó là cái gì của sự thể nhập hay chứng ngộ.

11. Công án 35:

Ngài Ngũ Tổ hỏi một ông Tăng:

" Cô Thanh lìa hồn, cô nào là thật?"

Thử bàn:

Nếu biết rằng nhân duyên sinh thành các pháp thì nhận ra ngay rằng: chỉ có mặt toàn bộ khổ uẩn tập khởi và đoạn diệt của mười hai duyên, mà không ai có mặt, ai khổ hay ai hết khổ. Ðã không hề có mặt ngã tướng (ai) thì làm sao có chuyện "Cô Thanh lìa hồn, cô nào thật, cô nào giả".

Công án 35 là một cái bẫy chấp thủ của Ngũ Tổ đặt ra.

12. Công án 36: Gặp người đắc đạo

Ngũ Tổ nói:

"Giữa đường gặp người đắc đạo, chớ nói hay im mà đối đãi. Thử hỏi đối đãi ra làm sao?"

Thử bàn: Người đắc đạo là người thoát lý lẽ thị phi, đối đãi bình thường. Cách đối đãi xứng hợp với người là vượt ra ngoài mọi đối đãi. Vì thế, nếu nói năng hay im lặng như Chánh pháp (thoát ly đối đãi) là cách đối đãi tương xứng, nếu nói năng im lặng của phàm phu thì không hợp vậy.

Ðó là lý do mà khi các Thiền sư đối đãi nhau bằng tràng cười hay máy động chân tay một cách giải thoát biểu lộ vô chấp. Nếu bạn thấy còn gì bí mật ở Công án này thì đó là phần bí mật của bạn.

Trên đây là 12 Công án được nêu lại và được thử bàn vừa để cống hiến bạn đọc giải trí trong các giờ nhàn rỗi.

Thiền sư Huệ Khai, người kiết tập và chọn lựa 48 Công án Thiền có ướm thách ở lời tựa Vô Môn Quan rằng: "Ðã không cửa làm sao được?"

Thế hệ chúng ta, những kẻ đã "lì" trong sinh tử thì có khó gì mà không lọt qua cánh cửa không cửa của ngài Vô Môn Huệ Khai.

Cứ việc gói cái "ngã" (cái tôi) ném xuống vực thẳm thì một nghìn cánh cửa không cửa cũng qua lại được như không.

Như thế, vấn đề đã được rút gọn, tuy nhiên, việc thực hiện, giải quyết vốn còn do ở tự thân mỗi người.

Nhận xét tổng quát về Công án

Sau các phần tìm hiểu trên, chúng ta đi vào nhận xét toàn diện về Công án hầu có thể định vị trí của Thiền Công án trong dòng Thiền định Phật giáo.

Ý nghĩa Công án

Người Trung Hoa viết: Công án, người Nhật gọi là Koan, R.H. Blyth dịch là "Public affirmation", D.T. Suzuki dịch là "Public document".

Thoạt đầu, Công án có nghĩa là án lệnh ở công đường, công bố cho nhân dân. Sau đó nó trở thành pháp lệnh của nhà nước đáng để mọi người dân tham cứu.

D.T. Suzuki viết: "Một Công án, nói theo sách vở, là một chứng ngôn công khai dựng lên một tiêu chuẩn đoán án, nhờ đó mà người ta có thể khảo chứng trường hợp lãnh hội chính xác về Thiền. Một Công án thường là một phát ngôn nào đó do một Thiền sư xưa kia nêu lên, hay một câu trả lời nào đó được Thiền sư nói do người hỏi". (D.T. Suzuki, "Essays in Zen Buddhism", bản dịch của Tuệ Sĩ, An Tiêm, Sài gòn 71, tập II, tr. 130).

Thiền Sư Vô Môn thì nói về việc tham Công án rằng:

"Hãy tận dụng 360 xương cốt, 84.000 lỗ chân lông, vận dụng cả thân tâm trở thành một mối nghi ... ngày đêm nghiền ngẫm... như nuốt phải hòn sắt nóng, muốn nhã mà nhã không ra" (Ibid. 17-18).

Blyth thì viết: "... Ðây là một loại châm chọc thì việc làm khởi lên mối nghi lớn, mối nghi về chính Thiền, là việc đầu tiên của Thiền sư." ("Teaching is a kind of teasing and to arouse the Great Doubt, the doubt of zen itself, was the first work of the Master" -- R. H. Bylth - Zen and Zen classics; vol. 4, P.189).

Một số Thiền sư thì gọi Công án là dây bìm, dây sắn (cát đằng) chỉ làm cho người ta thêm rối rắm:

" Nó trói buộc, làm rối rắm, vì theo các Thiền sư không nên có một sự việc nào như là một Công án trong chính bản chất của Thiền, đó là một sáng tạo không cần thiết làm cho sự việc trở nên khó khăn phức tạp hơn trước. Thiền không cần tới Công án..."

(... which are entwining and entangling, for according to the masters there ought not be any such thing as a Koan in the very nature of zen, it was an unnecessary invention making things more entangled and complicated than ever before. Zen has no need for Koan... -- D.T. Suzuki, Essays in Zen Buddhism, 1st Series, p. 225, Grove Press Inc., New York, 1961).

Còn nhiều lời bàn khác nhau về Công án nữa, ở đây chúng ta đã có thể đưa ra một số nhận xét:

1. Qua trình bày của Thiền Luận (Essays in Zen Buddhism) của D.T. Suzuki và của Thiền Ðạo Tu tập (The Way of Zen Practice) của Chang Chen Chi, ta thấy có hai tác dụng chính của Công án:

- Rửa sạch tri thức (tâm phân biệt) để rời khỏi chấp thủ.

- Tạo nên mối nghi tình lớn trong tâm thức hành giả để chuẩn bị cho một cuộc bung vỡ của tâm thức (kiến tánh).

2. Mỗi Công án chỉ đặc biệt khế hợp căn cơ của hành giả mà Thiền sư có thời gian theo dõi và nắm vững.

3. Khi một Công án cũ đến với ta thì nó chỉ còn giá trị văn học của văn học Thiền, mà không còn có tác dụng của một Công án nữa. điều này có nghĩa Công án không còn được dùng, và không nên được dùng để khai tâm cho người đời sau, trừ trường hợp do chính một Thiền sư sử dụng.

Nếu về sau có người "tham" lại Công án cũ mà kiến tánh, thì đấy là trường hợp ngẫu nhiên. Có thể do người ấy có cùng căn tánh với người đã "tham" Công án cũ, hoặc do người ấy đã "tham" Công án với cách riêng và đã kiến tánh theo một nhân duyên riêng. Trường hợp "tham" này hiện rõ nét tình cờ hơn là "đúng điệu" Công án.

4. Thật khó mà có nhận định chính xác về tác dụng của mỗi Công án, khi mà văn học Thiền Công án không ghi rõ các tình tiết như là:

- Căn cơ của hành giả (trình độ tu học, kinh nghiệm Thiền định, ý chí giải thoát... ) lúc đón nhận Công án.

- Liên hệ giữa Thiền sư và hành giả.

- Bối cảnh Công án nói lên.

Khi mà nội dung Công án được khẩu truyền qua nhiều thế kỷ, thì mức độ chính xác của nó hẳn nhiên bị đặt thành nghi vấn.

5. Văn học Thiền không ghi lại các trường hợp khai thị hành giả bị thất bại, có thể dẫn đến một số bi kịch không tránh khỏi trên đường hoằng hóa.

6. Có nhiều trường hợp Thiền sư hành giả bạo như chém mèo, chặt ngón tay, nghiền nát bàn chân... mà ta không tìm thấy có trường hợp tương tự ở đức Phật hay ở các đệ tử lớn của Ngài trong suốt chặng đường giáo hóa.

Ở đây ta không biết cắt nghĩa thế nào cho ổn trong tư cách hành xử bạo của một nhà giáo dục mô phạm Phật giáo như các Thiền sư. Chỉ mong rằng đây là một số trường hợp quá đặc biệt mà không phải là phổ biến.

7. Về vấn đề "nghi tình" mà Công án dẫn dắt hành giả đi đến trạng thái tâm lý căn thẳng, để từ đó Thiền sư chỉ dạy cho hành giả một bước nhảy sau cùng đi vào sự bung vỡ của tâm thức, ta không biết trạng thái tâm lý ấy hẳn là trạng thái Thiền sư từ Sơ thiền đến Phi tưởng phi phi tưởng?

Nếu "nghi tình" được hiểu như là khát vọng, hay khổ cầu, để thấy tánh, thì nó sẽ là nhiệt tâm, tinh cần và tỉnh giác, hoặc là "Dục như ý túc" của Tứ như y túc trong 37 phẩm trợ đạo. Nếu thế, thì dù có tham Công án hay không, hành giả vẫn có thể vận dụng tâm để khởi lên nhiệt tâm, tinh cần và tỉnh giác. Nếu không phải thế thì Thiền Công án cần trình bày trạng thái rõ hơn tâm lý căng thẳng ấy là trạng thái tâm lý nào? Bởi vì có nhiều trạng thái tâm lý căng thẳng đưa đến nhiều ảnh hưởng tâm lý khác nhau. Cần xác định trạng thái tâm lý căng thẳng ấy thuộc cảm thọ khổ hay lạc. Nếu nó thuộc cảm thọ lạc thì là thuộc Thiền tâm, nếu nó thuộc cảm thọ khổ thì nó không thể đưa hành giả vào giải thoát dù bằng bước nhảy nào. Trừ phi phải chuyển tâm lý qua Thiền định (hay qua định). Nếu nó là trạng thái Thiền định, thì hành giả hành Công án là hành Thiền định, chứ không thể mang một ý nghĩa nào bí mật hơn.’

8. Chúng ta cần xét nghiệm để phân loại các Công án (có chừng 1700 Công án). Có những Công án là bài pháp rõ ràng, nhưng rất tóm tắt, hành giả cần hành theo để chứng ngộ, như Công án "phi thiện, phi ác" "phi hữu, phi vô", "ưng vô sở trụ như sinh kỳ tâm" v.v...

Có những Công án không phải là giáo lý, mà là lời nói có tính chất kỹ thuật khai ngộ, đánh thức hành giả, như Công án "Ðình tiền bách thụ", "Dược đảo tịnh bình", "Ðạt-mạ an tâm" v.v...

Có những Công án đòi hỏi hành giả phải hành sâu Thiền quán để thấy thật tướng các pháp, phá hủy ngã chấp, như Công án "Thanh nữ ly hồn", "trí bất thị đạo" v.v...

Dù Công án thuộc loại nào, nó vẫn không thể đi ra khỏi con đường Thiền định đã được dạy đầy đủ ở Kinh Tạng Nikàya và A-hàm, tác dụng của Công án không thể khác hơn việc phát triển định, tuệ và duy trì nhiệt tâm, tinh cần.

Tỉnh giác của Thiền định truyền thống theo đúng lời đức Phật dạy là đã loại đi tất cả vọng niệm phân biệt, kết quả là mọi Công án nhắc đến.

9. Và sau cùng, có thể có những mẫu chuyện được gọi là Công án nhưng thực ra chỉ là Công án giả hiệu, do người thuật, người chép thiếu hiểu biết, thiếu trình độ. Ðôi khi sự việc, ngôn ngữ trong một tình huống bình thường, lại được thuật lại như một mẫu thức để tham cứu; đó là chưa nói đến trường hợp "Công án" do một người hoặc do nhiều người, nhiều đời đóng góp qua sự tưởng tượng, sự thêm thắt, thậm chí bịa đặt! Những trường hợp như thế hẳn không phải là ít, hẳn gây rối rắm, mất thì giờ, công sức hay tai hại cho hành giả biết bao nhiêu!

Tóm lại, về Thiền Công án ta có thể nghi nhận rằng:

- Thiền Công án đã triển khai một vài khía cạnh Thiền của Thiền định theo Kinh tạng. Nói khác đi, Thiền Công án thể hiện một vài nét khía cạnh của Kinh tạng trong điều kiện của văn hóa và lịch sử Trung Hoa.

- So sánh với Thiền Công án, thì Thiền định truyền thống của Kinh tạng nổi bật sắc thái "hiền thiện", hợp với mọi căn cơ, thích ứng với các văn hóa, rất đáng được thời đại xiễn dương.

- Thiền Công án có đóng góp thực sự vào việc làm phong phú thêm văn học Thiền.

- Thiền Công án vẫn có thể sử dụng lại trong việc khai ngộ một số căn cơ thích hợp, nếu được vận dụng bởi một Thiền sư có chứng đắc, dưới một cái nhìn mới mẻ.


Phụ Lục (II)

Kinh Niệm Xứ

Tôi đã được nghe như vầy: Một thời, Thế Tôn sống giữa những người Kuru, tại Kamsàsadamma, một đô thị của dân Kuru. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo" và các vị ấy đáp: "Bạch Ngài, chúng con đây." Thế Tôn thuyết giảng như sau:

Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, thắng vượt phiền muộn bi thương, diệt trừ khổ đau sầu não, đạt đến chánh đạo, chứng đắc Niết-bàn, đó là Bốn niệm xứ.

Bốn niệm xứ ấy là gì? Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống mà quán tâm thể trong thân thể, tinh cần, liễu hội và chú tâm, thắng vượt tham dục, và sầu não trong cuộc đời này; vị ấy sống mà quán cảm thọ trong cảm thọ, tinh cần, liễu hội và chú tâm, thẳng vượt tham dục và sầu não trong cuộc đời này; vị ấy sống mà quán tâm thức trong tâm thức, tinh cần, liễu hội và chú tâm, thẳng vượt tham dục và sầu não trong cuộc đời này; vị ấy sống mà quán đối tượng tâm thức (hay pháp) trong đối tượng tâm thức, thẳng vượt tham dục và sầu não trong cuộc đời này.

I. Quán Thân Thể

1.Niệm tâm và sự hít thở:

Này các Tỷ-kheo, sau khi đã đến khu rừng, đến một gốc cây hay đến một nơi trống trãi, ngồi xuống theo thể kiết già, giữ thân thể ngay thẳng và sự chú tâm sẵn sàng. Chú tâm, vị ấy hít vào, và chú tâm, vị ấy thở ra, hít vào dài, vị ấy biết, "Tôi hít vào dài", thở ra dài, vị ấy biết "Tôi thở ra dài", hít vào ngắn, vị ấy biết "Tôi thở vào ngắn", thở ra ngắn, vị ấy biết "Tôi thở ra ngắn".

"Cảm nghiệm cả toàn thân (hơi thở), tôi sẽ hít vào" vị ấy tập như thế, "An tịnh sự hoạt động của thân thể (thân hành), tôi sẽ thở ra", vị ấy tập như thế.

Như một người thợ tiện khéo léo, hay một người đang học nghề tiện, khi quay một vòng dài, biết rằng "Tôi quay dài", hoặc khi quay ngắn, biết rằng "Tôi quay ngắn". Cũng y như thế, một Tỷ-kheo khi hít vào dài, biết rằng "Tôi hít vào dài" hoặc khi thở ra dài, biết rằng "Tôi thở ra dài", hoặc khi hít vào ngắn, biết rằng "Tôi hít vào ngắn", hay khi thở ra ngắn, biết rằng "Tôi thở ra ngắn". "Cảm nghiệm toàn cả thân thể như thế, tôi sẽ hít thở vào", vị ấy tập như thế. "Cảm nghiệm toàn cả thân thể như thế, tôi sẽ thở ra". Vị ấy tập như thế, "An tịnh sự hoạt động của thân thể, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập như thế.

Theo như thế, vị ấy sống mà quán thân thể trong thân thể bằng cách hướng vào bên trong, hoặc vị ấy sống mà quán thân thể trong thân thể bằng cách hướng ra ngoài, vị ấy mà quán thân thể trong thân thể bằng cách hướng vào bên trong và hướng ra bên ngoài. Vị ấy sống mà quán các yếu tố sinh khởi trong thân thể, hoặc vị ấy sống mà quán các hoại diệt trong than thể, hoặc vị ấy sống mà quán các yếu tố sinh khởi và hoại diệt trong thân thể. Hoặc niệm tâm của vị ấy được xác lập với ý nghĩa "có thân thể đây", đến mức cần thiết để cho sự hiểu biết và chú tâm như thế, và vị ấy sống tự tại và không chấp trước một thứ gì trong cuộc đời. Này các Tỷ-kheo, một vị Tỷ-kheo sống mà quán thân thể trong thân thể như thế đấy.

2. Các tư thế của thân thể:

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo khi đang đi, biết rằng "Tôi đang đi", khi đang đứng, biết rằng "Tôi đang đứng", khi đang ngồi, biết rằng, "Tôi đang ngồi, khi đang nằm xuống, biết rằng "Tôi đang nằm xuống", hoặc thân thể vị ấy được đặt trong tư thế nào, vị ấy biết thân thể ấy đúng như thế ấy.

Theo như thế, vị ấy sống mà quán thân thể bằng cách hướng vào bên trong, hoặc vị ấy sống mà quán thân thể trong thân thể bằng cách hướng ra ngoài, hoặc vị ấy sống mà quán thân thể trong thân thể bằng cách hướng vào bên trong và hướng ra bên ngoài. Vị ấy sống mà quán các yếu tố sinh khởi và hoại diệt trong thân thể, hoặc vị ấy sống mà quán yếu tố hoại diệt trong thân thể, hoặc vị ấy sống mà quán các yếu tố sinh khởi và hoại diệt trong thân thể. Hoặc tâm niệm của vị ấy được xác lập với ý nghĩa: "Có thân thể đây", đến mức cần thiết đủ cho sự hiểu biết và chú tâm như thế, và vị ấy sống tự tại và không chấp trước vào một thứ gì trong cuộc đời. Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống mà quán thân thể trong thân thể như thế đấy.

3. Niệm tâm với sự liễu hội (tỉnh giác):

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo khi đang đi tới và khi đang đi lui, vận dụng sự liễu hội về điều mình đang làm; khi đang nhìn ngay vào và khi đang quay nhìn đi, vị ấy vận dụng sự liễu hội về điều mình đang làm, khi đang co cúi và khi đang ưỡn duỗi, vị ấy vận dụng sự liễu hội về điều mình đang làm; khi đang mang y bát, vị ấy vận dụng sự liễu hội về điều mình đang làm; khi đang ăn, uống, nhai, nếm, vị ấy vận dụng sự liễu hội về điều mình đang làm; khi đang đại tiểu tiện, vị ấy vận dụng sự liễu hội và điều mình đang làm; khi đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang nằm, đang ngủ, đang thức, đang nói và đang im, vị ấy vận dụng sự liễu hội điều mà mình đang làm.

Theo như thế, vị ấy sống mà quán thân thể trong thân thể, bằng cách hướng vào bên trong, hoặc vị ấy sống mà quán thân thể trong thân thể bằng cách hướng ra ngoài, hoặc vị ấy sống mà quán thân thể trong thân thể bằng cách hướng vào bên trong và hướng ra bên ngoài. Vị ấy sống mà quán các yếu tố hoại diệt trong thân thể, hoặc vị ấy sống mà quán các yếu tố sinh khởi và hoại diệt trong thân thể. Hoặc niệm tâm của vị ấy được xác lập với ý nghĩa: "Có thân thể đây" đến mức cần thiết để cho sự hiểu biết và chú tâm như thế, và vị ấy sống tự tại và không chấp trước vào một thứ gì trong cuộc đời. Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo mà quán thân thể trong thân thể như thế đấy.

4. Quán tưởng về sự ghê tởm thân thể:

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, một vị Tỷ-kheo quán tưởng về chính cái thân thể này, được bao bọc bằng da và đầu cả những thứ dơ dáy, từ gót chân trở lên và từ đỉnh tóc trở xuống, mà suy nghĩ rằng: "Trong thân thể này đây có tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột non, ruột già, màng ruột, phân, mật, đàm, mủ, máu, mỡ đặc, mỡ nước, nước miếng, nước nhờn, nước khớp xương, nước tiểu".

Này các Tỷ-kheo, cũng giống như một bao tải có hai nắp đựng đầy các loại hạt như lúa, gạo lứt, đậu xanh, đậu mè, gạo và một người có mắt tốt, sau khi mở bao ra, nên quán tưởng rằng: "Ðây là lúa, đây là gạo lứt, đây là đậu xanh, đây là đậu bò, đây là mè, đây là gạo". Này các Tỷ-kheo, cũng như thế, một Tỷ-kheo quan tưởng về chính cái thân thể này được bao bọc bằng da, và đầy những thứ dơ dáy, từ gót chân trở lên và từ đỉnh tóc trở xuống, mà suy nghĩ rằng: "Trong thân thể này có tóc, lông, móng, ... nước tiểu".

Theo như thế, vị ấy sống mà quán thân thể bằng cách hướng vào bên trong, hoặc vị ấy sống mà quán thân thể trong thân thể bằng cách hướng ra bên ngoài, hoặc vị ấy sống mà quán thân thể trong thân thể bằng cách hướng vào bên trong và hướng ra bên ngoài. Vị ấy sống mà quán các yếu tố sinh khởi trong thân thể, hoặc vị ấy sống mà quán các yếu tố hoại diệt trong thân thể, hoặc vị ấy sống mà quán các yếu sinh khởi và hoại diệt trong thân thể. Hoặc niệm tâm của vị ấy được xác lập với ý nghĩa: "Có thân thể đây", đến mức cần thiết để cho sự hiểu biết và chú tâm như thế, và vị ấy sống tự tại và không chấp trước một thứ gì trong cuộc đời. Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo mà sống quán thân thể trong thân thể như thế đấy.

5. Quán tưởng về Tứ đại:

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo quán tưởng về chính cái thân thể này theo như các tư tưởng thế mà nó được đặt để, sắp xếp, về mặt Tứ đại: "Trong thân thể này, có địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại".

Này các Tỷ-kheo, cũng giống như một người đồ tể khéo léo hay một người đang học nghề đồ tể, sau khi đã giết một con bò và xẻ nó ra từng phần, đang ngồi giữa ngã tư đường; cũng như thế, một tỷ-kheo quán tưởng chính thân thể này, theo như các tư thế mà nó được đặt để, về mặt Tứ đại: "Trong thân thể này, có địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại".

Theo như thế, vị ấy sống mà quán thân thể trong thân thể bằng cách hướng vào bên trong, hoặc vị ấy sống mà quán thân thể trong thân thể bằng cách hướng ra bên ngoài, hoặc vị ấy sống mà quán thân thể trong thân thể bằng cách hướng vào bên trong và hướng ra bên ngoài. Vị ấy sống mà quán các yếu tố sinh khởi trong thân thể, hoặc vị ấy mà sống các yếu tố hoại diệt trong thân thể, hoặc vị ấy sống mà quán các yếu tố sinh khởi và hoại diệt trong thân thể. Hoặc niệm tâm của vị ấy được xác lập với ý nghĩa: "Có thân thể đây", đến mức cần thiết để cho sự hiểu biết và chú tâm như thế, và vị ấy sống tự tại và không chấp trước vào một thứ gì trong cuộc đời. Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống mà quán thân thể trong thân thể như thế đấy.

6. Chín phép quán nghĩa địa:

1/ Lại nữa, này các Tỷ-kheo, cũng như một Tỷ-kheo thấy một xác chết để đã một, hai, ba ngày, trương sình, xanh thâm, vaụ thối rã, bị vứt bỏ trong bãi tha ma, rồi vị ấy liên hệ với chính cái thân thể mình như thế: "Thật vậy, thân thể này của ta đây cũng cùng một bản chất như thế, rồi sẽ trở thành như thế, và sẽ không thoát khỏi điều ấy".

Theo như thế, vị ấy sống mà quán thân thể trong thân thể bằng cách hướng vào bên trong, hoặc vị ấy sống mà quán thân thể trong thân thể bằng cách hướng ra bên ngoài, hoặc vị ấy sống mà quán thân thể trong thân thể bằng cách hướng vào bên trong và hướng ra bên ngoài. Vị ấy sống mà quán các yếu tố sinh khởi trong thân thể, hoặc vị ấy sống mà quán các yếu tố hoại diệt trong thân thể, hoặc vị ấy sống mà quán các yếu tố sinh khởi và hoại diệt trong thân thể. Hoặc niệm tâm của vị ấy được xác lập với ý nghĩa: "Có thân thể đây", đến mức cần thiết để đủ cho sự hiểu biết và chú tâm như thế, vị ấy sống tự tại và không chấp trước một thứ gì trong cuộc đời. Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống mà quán thân thể trong thân thể như thế đấy.

2/ Lại nữa, này các Tỷ-kheo, cũng như một Tỷ-kheo thấy một xác chết bị vứt bỏ trong bãi tha ma, đang bị quạ, diều hâu, kên kên, chó, dã can hay các loài giòi bọ khác nhau ăn, rồi vị ấy liên hệ với chính cái thân thể của mình như thế này: "Thật vậy, thân thể này của ta đây, cũng cùng một bản chất như thế, rồi sẽ trở thành như thế, và sẽ không thoát khỏi điều ấy".

Theo như thế, vị ấy sống mà quán thân thể trong thân thể bằng cách hướng vào bên trong...

3/ Lại nữa, này các Tỷ-kheo, cũng như một Tỷ-kheo thấy một xác chết bị vứt bỏ trong bãi tha ma mà chỉ còn là một bộ xương với (một tí) thịt và máu (dính trong đó), được nối lại bằng gân, rồi vị ấy liên hệ với chính thân thể của mình như thế này: "Thật vậy, thân thể này của ta đây cũng cùng một bản chất như thế, rồi sẽ trở thành như thế, và cũng không thoát khỏi điều ấy".

Theo như thế, vị ấy sống mà quán thân thể trong thân thể bằng cách hướng vào bên trong...

4/ Lại nữa, này các Tỷ-kheo, cũng như một Tỷ-kheo thấy một xác chết bị vứt bỏ trong bãi tha ma và chỉ còn là một bộ xương, còn dính máu và không còn thịt, được nối lại bằng gân, rồi vị ấy liên hệ với chính cái thân thể của mình như thế này: "Thật vậy, thân thể này của ta đây cũng cùng một bản chất như thế và sẽ không thoát khỏi điều ấy".

Theo như thế, vị ấy sống mà quán thân thể trong thân thể bằng cách hướng vào bên trong...

5/ Lại nữa, này các Tỷ-kheo, cũng như một Tỷ-kheo thấy một xác chết bị vứt bỏ trong bãi tha ma và chỉ còn là một bộ xương không có thịt và máu, được nối lại bằng gân, rồi vị ấy liên hệ với chính cái thân thể của mình như thế này: "Thật vậy, thân thể này của ta đây cũng cùng một bản chất như thế, rồi sẽ trở thành như thế và sẽ không thoát khỏi điều ấy".

Theo như thế, vị ấy sống mà quán thân thể trong thân thể bằng cách hướng vào bên trong...

6/ Lại nữa, này các Tỷ-kheo, cũng như một Tỷ-kheo thấy một xác chết bị vứt bỏ trong bãi tha ma và chỉ là những cái xương rời, rải rác khắp mọi phía - chỗ này một xương bàn tay, chỗ kia một xương bàn chân một xương ống chân, một xương đùi, xương sống, xương chậu, xương sọ - rồi vị ấy liên hệ với chính cái thân thể của mình như thế này: "Thật vậy, thân thể này của ta đây cũng cùng một bản chất như thế, rồi sẽ trở thành như thế và sẽ không thoát khỏi điều ấy".

Theo như thế, vị ấy sống mà quán thân thể trong thân thể bằng cách hướng vào bên trong...

7/ Lại nữa, này các Tỷ-kheo, cũng như một Tỷ-kheo thấy một xác chết bị vứt bỏ trong bãi tha ma, chỉ còn là những cái xương trắng bệch như màu vỏ ốc...

8/ ... chỉ còn là những cái xương, đã hơn một năm, nằm trong một đống...

9/... chỉ còn là những cái xương mục rã hết và trở thành bụi, rồi vị ấy liên hệ với chính cái thân thể của mình như thế này: "... "

II. Quán Cảm Thọ

Và này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống mà quán cảm thọ trong cảm thọ như thế nào?

Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo khi thể nghiệm một cảm thọ vui thích thì biết: "Tôi thể nghiệm một cảm thọ vui thích"; khi thể nghiệm một cảm thọ phiền khổ, vị ấy biết: "Tôi thể nghiệm một cảm thọ phiền khổ", khi thể nghiệm một cảm thọ không vui thích, không phiền khổ, vị ấy biết: "Tôi thể nghiệm cảm thọ không vui thích không phiền khổ"; khi thể nghiệm một cảm thọ vui thích thuộc vật chất, vị ấy biết: "Tôi thể nghiệm một cảm thọ vui thích thuộc vật chất"; khi thể nghiệm một cảm thọ vui thích thuộc tinh thần, vị ấy biết: "Tôi thể nghiệm một cảm thọ vui thích thuộc tinh thần"; khi thể nghiệm một cảm thọ phiền khổ thuộc vật chất, vị ấy biết: "Tôi thể nghiệm một cảm thọ phiền khổ thuộc vật chất"; khi thể nghiệm một cảm phiền khổ thuộc tinh thần, vị ấy biết: "Tôi thể nghiệm một cảm thọ phiển khổ thuộc tinh thần"; khi thể nghiệm một cảm thọ không vui thích không phiền khổ thuộc vật chất, vị ấy biết: "Tôi thể nghiệm một cảm thọ không vui thích không phiền khổ thuộc vật chất"; khi thể nghiệm một cảm thọ không vui thích không phiền khổ thuộc tinh thần, vị ấy biết: "Tôi thể nghiệm một cảm thọ không vui thích không phiền khổ thuộc tinh thần".

Theo như thế, vị ấy sống mà quán cảm thọ trong cảm thọ bằng cách hướng vào bên trong, hoặc vị ấy sống mà quán cảm thọ bằng cách hướng ra bên ngoài, hoặc vị ấy sống mà quán cảm thọ trong cảm thọ bằng cách hường vào bên trong và hướng ra bên ngoài. Vị ấy sống mà quán các yếu tố sinh khởi trong cảm thọ, hoặc vị ấy sống mà quán các yếu tố hoại diệt trong cảm thọ, hoặc vị ấy sống mà quán các yếu tố sinh khởi và hoại diệt trong cảm thọ. Hoặc niệm tâm của vị ấy được xác lập với ý nghĩa: "Họ cảm thọ đây", đến mức cần thiết để cho sự hiểu biết và chú tâm như thế, và vị ấy sống tự tại và không chấp trước một thứ gì trong cuộc đời. Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống mà quán cảm thọ trong cảm thọ như thế đấy.

III. Quán Tâm Thức

Và này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống mà quán tâm thức trong tâm thức như thế nào?

Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo khi tâm có tham dục, biết rằng tâm có tham dục; khi tâm không tham dục, biết tâm không tham dục, khi tâm có sân hận, biết rằng tâm có sân hận, khi tâm không có sân hận biết rằng tâm không có sân hận; khi tâm có si muội biết rằng tâm có si muội; khi tâm không có si muội biết rằng tâm không có si muội; khi tâm có ở trong trạng thái nhu thiếp, biết tâm trong trạng thái nhu thiếp; khi tâm ở trong trạng thái tán loạn, biết tâm ở trong trạng thái tán loạn; khi tâm ở trạng thái phát triển biết tâm ở trạng thái phát triển; khi tâm ở trạng thái chưa phát triển, biết rằng tâm ở trạng chưa phát triển, khi tâm ở trạng thái có một trạng thái khác cao hơn nó, biết tâm trạng ở trạng thái cao hơn nó; khi tâm ở trạng thái không có một trạng thái nào khác cao hơn nó; khi tâm ở trạng thái định, biết rằng tâm ở trạng thái định; khi tâm ở trạng thái chưa định... ; khi tâm ở trạng thái giải thoát... ; khi tâm ở trạng thái chưa giải thoát, biết ở trạng thái chưa giải thoát.

Theo như thế, vị ấy mà sống quán tâm thức trong tâm thức bằng cách hướng vào bên trong... bằng cách hướng ra bên ngoài,... bằng cách hướng vào bên trong và hướng ra bên ngoài. Vị ấy sống quán các yếu tố sinh khởi trong tâm thức,... các yếu tố hoại diệt trong tâm thức,... các yếu tố sinh khởi và hoại diệt trong tâm thức. Hoặc niệm tâm vị ấy được xác lập với ý nghĩa: "Có tâm thức đây", đến mức cần thiết đủ cho sự hiểu biết và chú tâm như thế, và vị ấy sống tự tại không chấp trước vào một thứ gì trong cuộc đời. Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo mà sống quán tâm thức trong tâm thức như thế đấy.

IV. Quán Ðối Tượng Tâm Thức (Pháp)

1. Năm triền cái:

Và bày các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống mà quán đối tượng tâm thức trong đối tượng tâm thức như thế nào?

Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống mà quán đối tượng tâm thức trong đối tượng tâm thức thuộc Năm triền cái.

Này các Tỷ-kheo, khi có ái dục, một Tỷ-kheo biết: "Trong tôi có ái dục"; hoặc khi không có ái dục, vị ấy biết "Trong tôi không có ái dục". Vị ấy biết ái dục chưa sanh khởi nay sanh khởi như thế nào, vị ấy biết ái dục đã sanh khởi nay bị khử diệt như thế nào, và vị ấy biết ái dục đã bị khử diệt và không sanh khởi trong tương lai như thế nào.

Khi có sân hận, vị ấy biết: "Trong tôi có sân hận", hoặc khi không có sân hận, vị ấy biết: "Trong tôi không có sân hận".vị ấy biết sân hận chưa sanh khởi nay sinh khởi như thế nào, vị ấy biết sân hận đã sinh khởi nay bị khử diệt như thế nào, và vị ấy biết sân hận đã bị khử diệt sẽ không sinh khởi trong tương lai như thế nào.

Khi có hôn trầm và thụy miên, vị ấy biết: "Trong tôi có hôn trầm và thụy miên"; hoặc khi không có hôn trầm và thụy miên, vị ấy biết: "Trong tôi không có hôn trầm và thụy miên". Vị ấy biết hôn trầm và thụy miên chưa sinh khởi nay sinh khởi như thế nào, vị ấy biết hôn trầm và thụy miên đã sinh khởi nay khử diệt như thế nào, và vị ấy biết hôn trầm và thụy miên đã bị khử diệt sẽ không sinh khởi trong tương lai như thế nào.

Khi có trạo hối, vị ấy biết: "Trong tôi có trạo hối", hoặc khi không có trạo hối, vị ấy biết: "Trong tôi không có trạo hối". Vị ấy biết trạo hối chưa sinh khởi, nay sinh khởi như thế nào, vị ấy biết trạo hối sinh khởi nay bị khử diệt như thế nào, và vị ấy biết trạo hối đã bị khử diệt sẽ không sinh khởi trong tương lai như thế nào.

Theo như thế, vị ấy sống mà quán đối tượng tâm thức trong đối tượng tâm thức bằng cách hướng vào bên trong, hoặc vị ấy sống mà quán đối tượng tâm thức trong đối tượng tâm thức bằng cách hướng ra bên ngoài, hoặc vị ấy sống mà quán đối tượng tâm thức trong đối tượng tâm thức bằng cách hướng vào bên trong và hướng ra bên ngoài. Vị ấy sống mà quán các yếu tố sinh khởi trong đối tượng tâm thức, hoặc vị ấy sống mà quán các yếu tố hoại diệt trong đối tượng tâm thức, hoặc vị ấy sống mà quán các yếu tố sinh khởi và hoại diệt trong đối tượng tâm thức. Hoặc niệm tâm của vị ấy được xác lập với ý nghĩa: "Có đối tượng tâm thức đây"; đến mức cần thiết đủ cho sự hiểu biết và chú tâm như thế, và vị ấy sống tự tại và không chấp trước vào một thứ gì trong cuộc đời. Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống mà quán đối tượng tâm thức như thế đấy.

2. Năm uẩn:

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống mà quán đối tượng tâm thức trong đối tượng tâm thức vào Năm uẩn.

Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống mà quán đối tượng tâm thức trong đối tượng tâm thức về Năm uẩn như thế nào?

Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo nghĩ: Ðây là sắc, đây là sự sinh khởi của sắc, và đây là sự hoại diệt của sắc. Ðây là thọ, đây là sự sinh khởi của thọ, và đây là sự hoại diệt của thọ. Ðây là tưởng, đây là sự sinh khởi của tưởng và đây là sự hoại diệt của tưởng. Ðây là hành, đây là sự sinh khởi của hành, và đây là sự hoại diệt của hành. Ðây là thức, đây là sự sinh khởi của thức và đây là sự hoại diệt của thức.

Theo như thế, vị ấy sống mà quán đối tượng tâm thức, trong đối tượng tâm thức bằng cách hướng vào bên trong, hoặc vị ấy sống mà quán đối tượng tâm thức trong đối tượng tâm thức bằng cách hướng ra bên ngoài, hoặc vị ấy sống mà quán đối tượng tâm thức trong đối tượng tâm thức bằng cách hướng vào bên trong và hướng ra bên ngoài. Vị ấy sống mà quán các yếu tố sinh khởitrong đối tượng tâm thức, hoặc vị ấy sống mà quán các yếu tố hoại diệt trong đối tượng tâm thức, hoặc vị ấy sống mà quán các yếu tố sinh khởi và hoại diệt torng đối tượng tâm thức. Hoặc tâm của vị ấy được xác lập với ý nghĩa: "Có đối tượng tâm thức đây", đến mức cần thiết đủ cho sự hiểu biết và chú tâm như thế, và vị ấy sống tự tại không chấp trước vào một thứ gì trong cuộc đời. Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống mà quán đối tượng tâm thức trong đối tượng tâm thức như thế đấy.

3. Sáu nội xứ và sáu ngoại xứ:

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống mà quán đối tượng tâm thức trong đối tượng tâm thức về sáu nội xứ và sáu ngoại xứ.

Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo biết con mắt và sắc, và biết kiết sử sinh khởi tùy thuộc vào hai thứ này (mắt và các hình sắc) vị ấy biết kiết sử đã sinh khởi nay bị khử diệt như thế nào, vị ấy biết kiết sử đã khử diệt sẽ không sinh khởi trong tương lai như thế nào.

Vị ấy biết tai và các thanh và biết các kiết sử sinh khởi tùy thuộc vào hai thứ này, vị ấy biết kiết sử chưa sinh khởi nay sinh khởi như thế nào, vị ấy biết kiết sử đã sinh khởi nay bị khử diệt như thế nào, và vị ấy biết kiết sử đã bị khử diệt sẽ không sinh khởi trong tương lai như thế nào.

Vị ấy biết mũi và các mùi hương, và biết kiết sử sinh khởi tùy thuộc vào hai thứ này, vị ấy biết kiết sử chưa sinh khởi nay sinh khởi như thế nào, vị ấy biết kiết sử đã bị khử diệt sẽ không sinh khởi trong tương lai như thế nào.

Vị ấy biết thân và các đối tượng của sự xúc chạm, và biết kiết sử sinh khởi tùy thuộc vào hai thứ này, vị ấy biết kiết sử chưa sinh khởi nay sinh khởi như thế nào, vị ấy biết kiết sử đã sinh khởi nay bị khử diệt như thế nào, và vị ấy biết kiết sử đã bị khử diệt sẽ không sinh khởi trong tương lai như thế nào.

Vị ấy biết ý thức và các đối tượng của ý thức, và biết kiết sử sinh khởi tùy thuộc vào hai thứ này, vị ấy biết kiết sử chưa sinh khởi nay sinh khởi như thế nào, vị ấy biết kiết sử đã sinh khởi nay bị khử diệt như thế nào, và vị ấy biết kiết sử đã bị khử diệt sẽ không sinh khởi trong tương lai như thế nào.

Theo như thế, này các Tỷ-kheo, vị ấy sống mà quán đối tượng tâm thức trong tâm thức bằng cách hướng về bên trong, hoặc vị ấy sống quán đối tượng tâm thức trong đối tượng tâm thức bằng cách hướng ra bên ngoài, hoặc vị ấy sống mà quán đối tượng tâm thức bằng cách hướng vào bên trong và hướng ra bên ngoài. Vị ấy sống mà quán các yếu tố sinh khởi trong đối tượng tâm thức, hoặc vị ấy sống mà quán các yếu tố hoại diệt trong đối tượng tâm thức, hoặc vị ấy sống mà quán các yếu tố sinh khởi và hoại diệt trong đối tượng tâm thức. Hoài niệm tâm của vị ấy được xác lập với ý nghĩa: "Có đối tượng tâm thức đây", đến mức cần thiết cho sự hiểu biết và chú tâm như thế, và vị ấy sống tự tại và không chấp trước một thứ gì trong cuộc đời. Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống mà quán đối tượng tâm thức trong đối tượng tâm thức về sáu nội xứ và sáu ngoại xứ như thế nào.

4. Bảy giác chi:

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, một tỷ-kheo sống mà quán đối tượng tâm thức trong tâm thức về bảy giác chi.

Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống mà quán đối tượng tâm thức trong tâm thức về Bảy giác chi như thế nào?

Này các Tỷ-kheo, khi có Niệm giác chi, vị ấy biết: "Trong tôi có Niệm giác chi", hoặc khi không có Niệm giác chi, vị ấy biết: "Trong tôi không có Niệm giác chi", và vị ấy biết Niệm giác chi chưa sinh khởi nay sinh khởi như thế nào, và Niệm giác chi đã sinh khởi nay phát triển viên mãn như thế nào.

Khi có Trạch pháp giác chi, vị ấy biết: "Trong tôi có Trạch pháp giác chi", ...

Khi có Tinh tấn giác chi, vị ấy biết: "Trong tôi có Tinh tấn giác chi"...

Khi có Hỷ giác chi, vị ấy biết: "Trong tôi có Hỷ giác chi",...

Khi có Khinh an giác chi, vị ấy biết: "Trong tôi có Khinh an giác chi", ...

Khi có Ðịnh giác chi, vị ấy biết: "Trong tôi có Ðịnh giác chi", ...

Khi có Xả giác chi, vị ấy biết: "Trong tôi có Xả giác chi", ...

Theo như thế, vị ấy sống mà quán đối tượng tâm thức trong đối tượng tâm thức bằng cách hướng vào bên trong.

Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống mà quán đối tượng tâm thức trong đối tượng tâm thức về Bảy giác chi như thế đấy.

5. Tứ đế:

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống mà quán đối tượng tâm thức trong đối tượng tâm thức về Tứ đế.

Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống mà quán đối tượng tâm thức trong đối tượng tâm thức về Tứ đế như thế nào?

Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo biết đúng theo thực tại: "Ðây là khổ", vị ấy biết đúng theo thực tại: "Ðây là sự chấm dứt khổ"; vị ấy biết đúng theo thực tại: "Ðây là con Ðường dẫn đến sự chấm dứt khổ".

Theo như thế, vị ấy sống mà quán đối tượng tâm thức trong đối tượng tâm thức bằng cách hướng vào bên trong,... (như phần trước). Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống mà quán đối tượng tâm thức trong đối tượng tâm thức về Tứ đế như thế đấy.

* * *

Thực vậy, này các Tỷ-kheo, vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này, theo cách này, trong bảy năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả vị sau: quả vị Chánh trí ngay trong kiếp này đây, hoặc quả vị Bất hoàn nếu còn đôi chút dư báo trong hiện tại.

Này các Tỷ-kheo, đừng nói chi đến bảy năm, vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này, theo cách này trong sáu năm... trong năm năm... Vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này, theo cách này, trong bảy tháng... trong sáu tháng... trong năm tháng ... trong bốn tháng ... trong ba tháng ... trong hai tháng... trong một tháng... trong nửa tháng..., vị ấy cũng có thể chứng trong một hay hai quả vị sau: quả vị Chánh trí ngay trong kiếp này đây, hoặc quả vị Bất hoàn, nếu còn đôi chút dư báo trong hiện tại.

Này các Tỷ-kheo, đừng nói chi đến nửa tháng. Vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này, theo cách này, trong một tuần, vị ấy cũng có thể chứng một trong hai quả vị sau: quả vị Chánh trí trong kiếp này đây, hoặc quả vị Bất hoàn, nếu còn đôi chút dư báo trong hiện tại.

Vì như thế nên ta nói: "Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, thắng vượt phiền muộn bi thương, diệt trừ khổ đau sầu não, đạt đến Chánh đạo, chứng đắc Niết-bàn, đó là Bốn Niệm Xứ".

Thế Tôn thuyết dạy như thế. Các vị Tỷ-kheo hoan hỷ thọ trì lời dạy của Ngài.

-oOo-

Chương trước | Mục lục


[Trở về trang Thư Mục]

update:30-10-2000