BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Tìm hiểu Ðạo Phật
Maha Thongkham Medivongs


Chương 6

Phật Giáo và Sự Tín Ngưỡng

Ðặc điểm quan trọng nhứt của Phật giáo là sự tin tưởng. Phật dạy: Người muốn tin tưởng một vật gì không nên tin theo ý mình, mà trước hết phải dùng trí tuệ quan sát cho kỷ càng chuyện mà mình sắp tin ấy có hợp theo lẽ phải không.

Xin hỏi: Nếu muốn biết đúng hay không, ta phải dùng vật gì để làm khuôn, thước đo coi đúng hay không?

Trong Tạng kinh, bài kinh Kalamasutta, Ðức Thế Tôn có dạy rằng: Nầy các người xứ Kalama các người nên nghĩ kỹ không nên tin rằng:

1. Anusavana: Nghe nối nhau (có nghĩa là người nầy nói cho người kia nghe tiếp nối nhau (truyền ngôn).
2. Paramparaya: Vì chuyện ấy đã có từ xưa (ý nói nghe và tin theo phong tục).
3. Itikiraya: Vì có nghe như vậy.
4. Pitakasampadanena: Vì tin theo sách vở đã nói.
5. Takkaheth: Vì tự mình nghĩ sao tin vậy.
6. Nayahetu: Vì lẽ: Có lẽ sự việc ấy có thật. Ý nói không biết rõ chuyện ấy nhưng vẫn tin chuyện ấy theo lý do mình cho là phải.
7. Akaraparivitakkeneva :Vì sự suy nghĩ của mình xem theo sự việc hành động bên ngoài (Ý nói tin vì thấy sự hành động của một nhân vật nào đó, cho là thật).
8. Ditthinijjhanakkhantiya: Tin vì vừa ý rằng: Ðây đúng với sở thích của chúng ta.
9. Bhabbarupataya: Tin rằng: Người nầy nói đáng tin được.
10. Samano: Vị Sa-môn nầy là thầy của ta (Ðừng nghĩ rằng: Thầy ta nói mà tin chớ không cần suy nghĩ).

Mười điều của Ðức Thế Tôn dạy người xứ Kalama có thể dùng làm khuôn vàng thước ngọc được. Nơi đây thiết tưởng nên nhắc lại lời Ðức Thế Tôn dạy Ðại Ðức Upali là một vị Thánh Tăng mà cũng là vị Luật sư lỗi lạc nhứt, Ngài được Ðức Thế Tôn khen là vị Luật sư rất có biệt tài. Sở dĩ mà Ðức Thế Tôn thuyết cho Ngài nghe vì Ngài muốn biết làm thế nào nhận định đâu là Phật ngôn.

Ðức Thế Tôn dạy: - Nầy Upali, những Pháp nào của Như Lai dạy có đủ 7 điều là:

1. Hành theo Pháp ấy, lòng chán nản (Sanh tử Luân hồi) phát sanh.
2. Hành theo pháp ấy, dứt được lòng tham ái.
3. Hành theo pháp ấy để diệt tất cả phiền não.
4. Hành theo pháp ấy để làm cho lòng được thanh tịnh.
5. Hành theo pháp ấy hầu đắc được Lục thông.
6. Hành theo pháp ấy hầu được giác ngộ.
7. Hành theo pháp ấy hầu thấu rõ Niết-bàn.

(Nếu người hành theo pháp mà kết quả trái ngược, ví như hành để lòng ham mê trong Luân hồi gia tăng chớ không giảm; đây không phải là Phật ngôn, là sự bịa đặt của một số người).

Hơn nữa Ðức Thế Tôn có thuyết cho bà Gotami, 8 pháp để nhận định phân biệt được đâu là Phật ngôn, đâu không phải Phật ngôn. Tám pháp hành làm cho lòng không an tịnh là Tà thuyết ấy là:

1. Ye Khamma Saragayas Anvattanti: Những pháp nào khi hành theo làm cho tăng trưởng lòng dục.
2. Sayogaya Sanvattanti: Những pháp nào hành theo làm cho khổ càng gia tăng.
3. Acayaya Sanvattanti: Những pháp nào hành theo làm cho phiền não càng gia tăng.
4. Mahicchataya Sanvattanti: Những pháp nào hành theo làm lòng ham muốn phát triển mạnh hơn.
5. Asantutthiya Sanvattanti: Những pháp nào hành theo làm mất hạnh tri túc, trái lại gia tăng sự tham muốn thêm lên.
6. Sanganikaya Sanvattanti: Những pháp nào hành theo càng có nhiều sự thân cận với bạn tác (ý nói thêm nhiều bạn, nhiều quyến luyến không tu hành được).
7. Kosajjaya Sanvattanti: Pháp nào hành theo làm cho sự lười biếng càng phát triển thêm.
8. Dubbarataya Sanvattanti: Những pháp nào hành theo càng làm cho ra người khó nuôi (ý nói rằng: Người hành theo Pháp ấy ra người kén ăn, khó cho người nuôi được).

Neso Dhammo Neso Vinayo Netam Satthusasa Nam: ấy không phải là kinh, không phải là Luật, không phải là lời giảng giải của Như Lai.

Nếu chúng ta muốn hành theo chánh đạo, nên dùng Trí tuệ suy nghĩ cho rõ, coi có đủ Nhân và Quả hay không, đừng vội tin mà lầm vào sự ngụy biện của kẻ lợi dụng chân lý của đức Thế Tôn đưa chúng ta đi lầm đường.

Phật tử nên biết Ðức Thế Tôn thuyết Pháp có ba điều đặc biệt, ba điều ấy gọi là tánh cách thuyết pháp của đức Thế Tôn:

1. Abhinna: Ngài dạy Sự thật rõ rệt để cho người nghe có thể dùng Trí tuệ suy nghĩ thấy rõ và dễ thông hiểu rõ rệt.

Nghĩa là Ngài dạy đều gì trước nhứt đều có lý, có nhân và tiếp theo là hật quả của chuyện ấy. Ngài chỉ rõ sự thật để người trông thấy hành theo sẽ đem lợi ích đến. Nhứt là Ngài dạy chúng sanh biết rõ sự thật để chán với cái giả mà mau tìm đường giải thoát.

Ðức Thế Tôn biết rằng chúng sanh thường lầm tưởng cái giả cho là thiệt, vì vậy nên không bao giờ giải thoát được. Người đời không mấy ai chịu rằng mình dùng đồ giả, xài đồ giả, mà chính bản thân của mình cũng giả. Vì ta lầm thân nầy là của ta, nên ta chấp chắc, thương yêu, quí mến, không có chi hơn, chăm lo cho thân nầy hơn cả mọi việc. Nhưng rất tiếc là mặc dầu chăm sóc đến đâu cũng không được an vui, trái lại bị khổ nhiều hơn. Sở dĩ mà ta bị khổ như vậy, là vì ta dùng nhầm đồ giả. Vì vậy nên có Ðức Phật dạy cho chúng ta biết nhìn thất sự thật.

Sự thật mà Ðức Thế Tôn dạy đó là chi? Ðức Phật dạy cho chúng ta biết rằng thân nầy hay vạn vật mà có đây không phải là của ta, không dưới quyền kiểm soát của ta, nếu ta yêu cầu, van xin theo ý ta chăng nữa, nó cũng không theo ta. Như ta yêu cầu nó đừng già, đừng đau, đừng chết, nhưng có ai có thể được như ý nguyện chăng. Nếu nó không theo ý ta là không phải của ta, theo Phật giáo gọi dễ hiểu hơn là Vô Ngã. Vật nào vô ngã là vật không bền chắc lâu dài, như chúng ta biết thân ta có ai giữ được trường cửa đâu, sống cao lắm là hơn trăm năm, mà người tới tuổi nầy thật là ít. Vì không bền vững như vậy nên theo Phật giáo gọi là Vô Thường nghĩa là không thường. Vật gì vô thường là vật hay đem khổ não lại cho ta.

Tóm lại Ðức Thế Tôn dạy cho chúng ta thấy rằng: Ðời chúng ta sống trong sự không bền vững, hằng bị đau khổ, vì nó không phải của ta. Thường bị mất tất cả những nhân vật thương yêu quí mến, đến thân nầy cũng chẳng giữ được. Người vì sự dối gạt nên không nhận thấy sự thật. Ðức Thế Tôn có ví người ta như người đang đi trong bãi sa mạc, đang thiếu nước, khao khát, phần thì bên ngoài bị nóng thiêu đốt thường thấy trước mặt mình có những hồ nước, cố để đến nơi ấy hầu được uống và tắm cho thỏa mãn, nhưng đến chết cũng chẳng được tí nước nào. Bãi sa mạc ấy là đời nầy, trong đời nầy có Tài, sắc; lợi danh thường hiện ra gạt ta, như những hồ nước mà mình thấy bãi sa mạc cố gắng đến đâu cũng không thâu thập được theo ý mình, còn cái thiêu đốt bên ngoài đó là phiền não như là Tham lam, sân hận, si mê, làm cho con người nóng nảy muốn được tài vặt.

Ðức Thế Tôn dạy sự thật để người nhìn thấy. Như vậy nên những lời nào của Ngài cũng không bao giờ sai sự thật. Nhờ vậy mà hơn 25 thế kỷ mà Phật giáo vẫn Trường tồn. Hiện nay các nhà bác học tìm ra sự thật như nguyên tửc v.v... Các nhà bác học ấy tìm được sự thật của vũ trụ nhờ phòng thí nghiệm và số tốn kém thật là vượt bực người tưởng tượng. Riêng đối với Phật giáo, Ðức Thế Tôn đã nói sự thật ấy từ lâu và sự thật cao cả hơn nữa là giải thoát khỏi khổ trong tâm người. Ðó mới là Chân thật. Cái Thật bất di bất diệt.

2. Sanidnanam: Ngài dạy cho thấy Nguyên nhân khởi sanh mọi việc để người nghe có thể suy nghĩ theo sẽ thông hiểu và không còn nghi ngờ và lầm lạc khi đã hành theo.

Khi xưa, có đạo khổ hạnh dạy người nếu muốn hết phiền não thì phải hơ, hay nướng thân nầy cho khô phiền não. Vì vậy người thời ấy thường hay đốt lửa quanh mình, còn mình ngồi giữa, ban sơ còn để lửa ở xa lần lần đem lửa xích lại gần càng gần càng hay, đó là làm cho khô phiền não. Có hạng cả đời phải nằm trên tro nóng, trong mùa nóng, như mùa lạnh không tắm rửa gì hết. Có hạng nằm trên gai để gai đâm để nhớ không phóng tâm, nguyên nhân diệt phiền não của người thời đó là vậy.

Riêng Phật giáo thì dạy khác, Ngài dạy phiền não không ở da thịt xương cốt hay trong máu của con người nhưng ở trong Tâm xấu xa đê tiện, muốn đừng làm tội lỗi phải diệt phiền não trong Tâm, cũng như muốn cho cỏ cú đừng mọc thì phải đào lấy hết gốc rễ nó, đừng cắt phần lá, không làm cho nó chết tuyệt được. Nghĩa là muốn giải thoát thì phải diệt tận nơi nó phát sanh. Nơi đây tưởng nên nhắc lại câu của Ngài Ðại đức Assaji thuyết cho Ngài Xá-lợi-Phất nghe khi ngài còn là người ngoại đạo.

Ngài dạy: Yedhamma Hetu Pabhgva v.v..

Tàu dịch: Chư Pháp tùng duyên sanh, Diệt phục tùng duyên diệt, Ngã Phật Ðại Sa-môn, Thường tác như thị thuyết.

Ta dịch: Các pháp nào sanh lại cũng do nhân cả, khi nhân ấy diệt rồi, thì pháp kia cũng diệt, Ngài Ðại Sa-môn dạy như vậy.

Câu kệ tuy ngắn, nhưng có ý nghĩa thật huyền diệu. Ý nói câu ấy thâu gọn trọng Tứ diệu đế là Khổ, Tập, Diệt. Ngài Ðại đức Xá-lợi- phất hiểu câu kệ ấy là: Sanh do nơi Phiền não, khi biết nguyên nhân sanh khổ do phiền não thì nên diệt ngay phiền não thì phiền não sẽ không còn, nếu không còn phiền não thì tức nhiên giải thoát là đến Niết-bàn.

Người đời vì không tìm cho thấy rõ cái nhân nên thường bị người lừa gạt, và lầm lạc mãi. Ðây tôi xin nhắc lại tích người nhìn thấy Nhân, hiểu rõ cái Nhân ấy do đâu sanh ra thì được thoát khổ. Tích nầy trong Pháp cú kinh đoạn Balavagga như vầy.

Ðêm nọ, vua Ba tư nặc nghe bốn tiếng "Du, Sa, Na, So" rất lớn, Ngài lấy làm kinh hoàng, cả đêm không yên giấc. Sáng ngày lâm trào hỏi vị Purohita rằng: Thầy, đêm hôm trẫm nghe tiếng rất kinh khủng độ khoảng nửa đêm. Trẫm không biết rằng có hại gì đến ngai vàng hay Hoàng hậu hoặc một ai không? Vì vậy trẫm cho vời khanh đến.

Ông Purohita đáp: Tâu Ðại vương, tiếng ấy nghe như thế nào?

- Trẫm nghe bốn tiếng "Du, Sa, Na, So". Vậy xin thầy xét đoán coi, đó là tiếng gì?

Ông Purohita ấy không hiểu gì hết như người đi lạc vào rừng sâu đêm không trăng sao chi hết. Nhưng lại không dám bảo rằng: không biết! Ông lại bảo rằng: Chuyện này thật là nguy hiểm.

- Chuyện chi vậy, thưa thầy?

- Ðây là chuyện có hại đến sanh mạng của hoàng thượng.

- Vậy muốn tránh tai nạn ấy phải làm sao?

- Xin Ðại vương an tâm, người thông Tâm Phệ đà như tôi thì có thể cứu vãn được tình thế.

- Thưa thầy, vậy phải làm cách nào?

- Tâu Ðại vương phải tế Thần, phải có mỗi thứ thú một trăm con còn sống, những thú ấy là tượng 100 con, bò đực 100 con, bò cái 100 con, dê 100 con.v.v.. và trăm đồng nhi nam và trăm đồng nhi nữ.

Ðức vua hạ lệnh thi hành theo lời của ông Purohita liền.

Theo lời chú giải: Thời kỳ ấy sự cúng tế thường có như vậy nên vật cúng tế thường có sẵn. Những người và thú bị đem ra cúng tế như vậy lấy làm kinh sợ la khóc.

Khi bọn người ấy la khóc các con thú rống la inh ỏi làm náo động đến Hoàng hậu Mallika, bà là Thí chủ, là người có nhiều Trí tuệ và Ðức tin rất mạnh với Phật giáo. Khi bà nghe tiếng ấy lấy làm lạ mới hỏi Ðức vua: Tâu Ðại vương, vì sao Ðại vương có vẻ kinh sợ, hình như hoàng thượng, thiếu sự an dưỡng?

- Vậy hậu không nghe tiếng kêu la thảm thiết của người và thú đó chăng?

- Tâu Hoàng thượng, vậy vì lý do gì có tiếng ấy?

Ðức vua thuật lại tiếng nghe và lời của ông Purohita cho Hoàng hậu nghe. Bà mới tâu rằng: Tâu hoàng thượng, thật ngài là người thiếu trí. Ngài trị vì hai xứ, nhưng thật ra không có Trí tuệ.

- Tại sao hậu lại bảo trẫm như vậy?

- Sự giết người, để an vui cho bản thân mình có bao giờ có hay không? Tại sao Hoàng thượng lại tin nơi lời bàn của những tên thầy bàn ngu xuẩn ấy, để bắt thần dân chịu cái khổ như vậy? Ðức Chánh-đẳng Chánh-giác, là đấng cao cả siêu diệt nhứt trong Tam thế, Ngài là đấng có Trí tuệ thông thấu quá khứ, vị lai, ở tại chùa gần bên chúng ta đây. Hoàng thượng vào hầu Phật hỏi, và thực hành theo lời Ngài có phải là chính đáng hơn không?

Ðức vua liền truyền ngưng việc tế ấy lại. Ngài liền lên xa giá ngự vào chùa với hoàng hậu. Khi vào hầu Phật, Ðức vua bạch rõ mọi việc xảy ra.

Ðức Thế Tôn dạy bốn tiếng ấy không hại chi cả. Ðó là bốn tiếng của bốn người sanh trong địa ngục than khổ của mình thôi, mỗi người muốn nói một câu kệ, nhưng chỉ nói có một tiếng phải chìm xuống nên không nói kịp. (Tích nầy rất dài ngoài phạm vi của chuyện này, nên tôi không nhắc lại nơi đây, vì Ðức Thế Tôn nhắc lại tiền kiếp).

Ðức vua nghe tích bốn người ấy xong, Ngài trở về truyền thả hết những người và thú sắp bị tế ấy hết. Những người khỏi chết trong khi ấy, nói với nhau rằng: Sở dĩ mà chúng ta thoát chết đây, là nhờ lệnh hoàng hậu là bực có Trí tuệ, biết rõ nhân quả nên cứu chúng ta, cầu xin lệnh bà sống muôn năm.

Khi ấy các thầy Tỳ-khưu trẻ tuổi nghe chuyện đó, mới hội nhau lại nơi giảng đường nói với nhau rằng: - Thật đáng khen, Lệnh Hoàng hậu Mallika, bà là người có nhiều Trí tuệ, nhờ có trí tuệ ấy mà cứu mạng được bấy nhiêu người và thú.

Ðức Thế Tôn ngự đến giảng đường, hỏi các thầy đang nói gì. Các thầy bạch lại những sự việc ấy.

Ðức Thế Tôn dạy, không phải Hoàng hậu Millika mới dùng Trí tuệ cứu người trong kiếp nầy thôi đâu, trong kiếp trước bà cũng đã từng cứu người rồi. Chư Tỳ-khưu mới yêu cầu Ðức Thế Tôn nhắc Túc sanh truyện.

Trong kiếp quá khứ, Thái tử xứ Baranasi đi đến cội cây dừng to lớn, khấn với Thọ thần rằng: Kính thưa Ngài, trong cõi Diêm phù nầy có 101 nhà vua, nếu khi tôi được lên cai trị ngôi báu, sẽ bắt 101 nhà vua, và Hoàng hậu lấy máu cúng dường Ngài.

Sau khi Thái tử trị vì thiên hạ; liền đem binh đi đánh và chiếm hết 101 xứ bắt 101 nhà vua và 101 vị Hoàng hậu để lấy máu cúng dường Thọ thần. Nhưng trong 101 bà hoàng hậu có một bà vợ vua Uggasena là bà Dhammadinna đang có thai nên không thể đem ra tế thần được.

Khi vị thọ thần biết chuyện tế 101 nhà vua và 101 vị Hoàng hậu, mới nghĩ rằng: Sở dĩ mà nhà vua nầy bắt cả nhà vua và hoàng hậu trong cõi Diêm phù nầy do nơi ta mà ra, nay ông lại muốn giết những người ấy để lấy máu ở cổ họng cúng dường cho ta. Nếu nhà vua nầy làm được việc thì cõi diêm phù nầy tiêu diệt hết rồi. Vậy ta làm sao ngăn đừng cho nhà vua Baranasi hành lễ được? Ngài thấy rằng: Chính mình ta không thể ngăn được ý chí nhà vua. Vị Thọ thần ấy mới hỏi ý kiến của các vị thọ thần khác, không vị nào có thể giúp được. Phải hỏi lần đến đức Ðế-Thích.

Ðức Ðế Thích đáp: Chính trẫm cũng không thể nào ngăn được cuộc lễ nầy nhưng trẫm có kế như vầy. Khi nhà vua sắp tế, người hãy hiện ra và phải mặc đồ để cho nhà vua thấy và làm như bỏ cội cây ấy ra đi. Khi ấy nhà vua sẽ nghĩ rằng: Ta phải làm sao cho vị Thọ thần của ta lưu lại đây để thọ lễ. Tức nhiên nhà vua phải yêu cầu ngươi ở lại. Khi ấy ngươi bảo nhà vua rằng: Khi Ðức vua khấn với ta, phải có đủ 101 nhà vua và Hoàng hậu trong cõi Diêm phù để cúng dường cho ta, nhưng nay nhà vua lại bỏ hoàng hậu vợ vua Uggasena lại thì không y như lời hứa ta không nhận. Khi mà ngươi nói như vậy, nhà vua Baranasi sẽ đưa hoàng hậu Dhammadinna vợ vua Uggasena đến, Hoàng hậu sẽ thuyết pháp cho nhà vua Baranasi nghe, cứu sống những người có mặt nơi ấy. Vị Thọ thần vâng lời và hành động theo lời dạy của Ðức Ðế Thích.

Khi ấy, Ðức vua Baranasi phải đem bà hoàng hậu vợ vua Uggasena đến nơi tế lễ. Bà chỉ lạy chồng bà thôi, còn không cần gì đến đức vua Baranasi hết. Ðức vua Baranasi lấy làm tức giận và nói: Khi ta là nhà vua cao cả hơn tất cả nhà vua nơi đây, tại sao nàng chỉ lễ bái chồng nàng thôi?

Bà đáp: Thần thiếp có việc gì với Ngài mà phải lễ bái ngài? Chỉ có Ðức vua nầy là chồng thần thiếp, là người mà thần thiếp kính trọng mến yêu, cho thần thiếp mọi việc cần thiết, nếu thần thiếp không lễ bái Ngài, mà phải lễ bái nhà vua là nghĩa gì chớ?

Khi ấy vị Thọ thần ngự trên cây mà mọi người nơi ấy đều trông thấy. Ngài nói: Lành thay, thiện thay, sự thật là đúng như vậy. Hoàng hậu nói thật đúng chân lý!

Ðức vua Baranasi nói: Nếu ngươi không lễ bái ta thì thôi, nhưng tại sao ngươi không đảnh lễ vị Thiên thần oai đức thần thông như vị thiên thần của ta đây? Ngài là người cho ta được Ngai vàng.

- Tâu Ðại vương, Ngài là người có phước to đức lớn, nên mới bắt được 101 nhà vua, không phải do nơi vị thọ thần nầy giúp đâu!

Thọ thần nói: Lành thay, thiện thay, đúng vậy, đúng vậy.

Hoàng hậu liền thưa tiếp: Hoàng thượng bảo rằng 101 nhà vua nầy do vị thọ thần bắt cho ngài. Vậy hiện giờ, cây của vị thọ thần bị cháy ở phía tay trái kia, tại sao vị thọ thần không tự tắt lấy, nếu là vị thọ thần có thần thông quảng đại.

Vị Thọ thần ấy lại khen tặng bà một lần nữa: Hoàng hậu ơi, lịnh bà nói đúng như vậy, lành thay, thiện thay.

Khi bà đang nói, bỗng dưng đang khóc rồi lại cười. Ðức vua Baranasi thấy vậy phán hỏi: Người có điên không?

- Tâu Ðại vương, người như Thần thiếp mà điên thế nào được.

- Nếu không điên tại sao người khóc rồi lại cười, cười rồi khóc.

- Tâu Ðại vương. Kiếp quá khứ, thần thiếp là vợ của một gia đình khá giả. Khi nhà có khách, thần thiếp phải giết một con dê cái làm thịt đãi khách. Vì nghiệp sát sanh ấy phải đọa vào Ðịa ngục đến trăm năm không hết, nghiệp còn dư sót thần thiếp phải bị chết chém bằng số lông của con dê ấy. Nếu Ðại vương làm tội vĩ đại như thế này biết chừng nào cho khỏi khổ, vì thần thiếp nhớ đến cái khổ ấy nên mới khóc. Rồi bà ngâm câu kệ: Thần thiếp chỉ giết một con dê cái thôi, bị cháy ở Ðịa ngục, và phải đếm số lông dê để bị chết chém. Tâu Ðại vương, Ngài chặt đầu nhiều người, vậy ngài làm được những gì?

Ðức vua hỏi: Vậy sao ngươi lại cười?

- Thần thiếp cười vì: Ta đã hết khổ nữa rồi.

Vị Thọ thần liền hoan hô: Ðúng như vậy, đúng như vậy.

Ðức vua nghĩ rằng: Thật là kinh khủng! Ta làm tội thật nặng nề, Bà Hoàng hậu nầy chỉ giết có một con dê, phải bị đọa vào Ðịa ngục quả dư lại phải đếm lông lại cho người ta giết, còn ta giết chừng nầy mạng người, vậy ta có được hạnh phúc chăng?

Ngài liền ra lịnh thả 101 nhà vua và 101 bà hoàng hậu. Rồi Ngài đảnh lễ những nhà vua cao niên hơn Ngài, rồi xin sám hối tội lỗi đã phạm.

Ðức Thế Tôn thuyết: Các thầy Tỳ-khưu, Hoàng hậu Mallika dùng Trí tuệ cứu người trong kiếp quá khứ cũng như trong kiếp nầy vậy. Ngài liền thuyết tích truyền kiếp rằng: Ðức vua Baranasi là tiền thân của Ðức vua Ba tư nặc. Bà hoàng hậu Dhammadinna là tiền thân của bà Mallika. Vị Thọ thần chính là Như Lai hiện tại đây.

- Nầy các thầy Tỳ-khưu, gọi là tội sát sanh mà việc làm mà người không nên làm, vì người đã sát sanh thì hằng bị sự đau khổ buồn rầu.

Ngài có dạy câu kệ:

Nếu chúng sanh biết rằng sanh trong đời nầy khổ, chúng sanh không nên sát sanh, vì người sát sanh hằng bị khổ và buồn rầu.

Nhắc lại tích nầy để chứng minh rằng: Phật giáo chủ trương chỉ rõ Nhân để người nhìn thấy rõ điều phải và quấy. Như đoạn bà Hoàng hậu Dhammadinna chỉ cho nhà vua thấy rõ chính cây của Thọ thần bị cháy mà ông ta cũng không ngăn được trước khi cháy thay, thì ông ta có tài gì giúp nhà vua thắng được 101 nhà vua kia. Riêng bà Hoàng hậu Mallika chỉ cho vua Ba tư này biết rằng: Từ cổ chí kim không bao giờ người giết hại kẻ khác mà đem sự an vui lại cho mình được dùng như câu Phật ngôn dạy trong Pháp cú kinh đoạn Dandavagga rằng:

Sukkhakamani Bhutani
Yo Dandena Vihisati
Attano Sukhamesano
Pecca So Na Labhate Sukham.

Nghĩa: Tất cả chúng sanh, sanh ra trong đời này đều không muốn khổ. Người nào muốn tìm sự hạnh phúc cho mình mà hành hạ đánh đập kẻ khác bằng cây, sau khi sanh về cõi đời sau sẽ không được an vui.

Chú giải dạy: Chẳng những cõi đời sau mà hiện tại nầy cũng bị khổ. Câu nói đánh bằng cây có nghĩa dùng tất cả những gì làm cho người đau khổ, hay chết.

3. Sappaparihariyam: Ngài dạy rất phi thường. Có nghĩa là khi người vâng giữ hành theo lời giáo truyền của Ngài thì sẽ được kết quả an vui như ý.

Trên thế gian nầy có nhiều vị Tổ sư nhưng các vị ấy dạy tìm an vui trong đời nầy, hoặc cho thể chất, hay an vui tạm thời, nhưng với Ðức Thế Tôn dạy chúng sanh tìm cái an vui tuyệt đối là giải thoát ra khỏi tất cả những khổ sở trong thế gian nầy; những lời dạy bảo của Ngài thật cao quí, nếu người cố hành đúng theo thì được kết quả như ý, và pháp nầy bất luận người hạng nào, tuổi nào, đều được kết quả như ý cả chớ không phân biệt giai cấp.

Tóm lại, nếu muốn biết rõ lời nào của Phật dạy là phải dùng trí tuệ quan sát, những lời Phật dạy thường phải có những lý do đã giải trước. Cũng có nghĩa là: Hiểu biết rõ sự thật. Biết nguyên nhân sanh ra các ác pháp. Ðây phương pháp cho người trừ các ác pháp Hậu quả của sự hành đúng theo Phật ngôn là đưa con người đi đến nơi an lạc trong kiếp nầy và đời vị lai. Trong khi đang hành đạo cũng không khổ hạnh thái quá mà cũng chẳng sung sướng thái quá. Khi người hành theo hạnh của Ðức Thế Tôn chỉ dạy là được nhiều người thương yêu kính mến.

Hơn nữa, Phật ngôn dạy người hành theo thường được 10 điều lợi ích:

a. Visamyogaya: Làm cho các pháp giam hãm chúng sanh từ khởi thủy đến nay là phiền não bị tiêu diệt. Có nghĩa là, khi người thực hành đúng theo Phật ngôn thì diệt được phiền não làm cho chúng sanh mờ ám như kẻ mù, được trông thấy rõ sự thật.

b. Anupanaya: Làm cho dứt được những điều cố chấp (là chấp rằng thân này của ta, và vạn vật cũng là của ta).

c. Madanimmadanaya: Làm cho dứt được các pháp say đắm (ý nói người thường say đắm trong trần cảnh, như Sắc, Thịnh, Hương, Vị, Xúc và Danh, Lợi).

d. Pipasavinayaya: Làm cho dứt được khao khát dục tình (ý nói chúng sanh không bao giờ biết đầy đủ dục tình, như người khát nước giữa bãi sa mạc).

e. Analayasamugghataya: Diệt trừ được sự mến tiếc (Người đời sự thường có sự mến tiếc trong tài, săc lợi, danh ngũ trần lục dục, khó mà diệt trừ được, ngoại trừ hành theo).

f. Vattupacchedaya: Diệt trừ được sự Luân hồi. Ý nói khi người hành đúng theo Phật ngôn thì không còn luân hồi nữa vì đã diệt hẳn được phiền não trong Tâm.

g. Tanhakkhayaya: Tiêu diệt được lòng tham lam, ích kỉ, và nhứt là Ái dục.

h. Viragaya: Diệt được lòng thích thú trong dục tình (Tham ái), ý nói chúng sanh nặng lòng thương mến trong tình dục, khi hành đạo chân chánh sẽ diệt được.

i. Nirodha: Làm cho diệt tắt tận nguồn gốc của sự thống khổ nghĩa là khi hành đạo chân chánh thì có đủ trí tuệ diệt được phiền não thì không còn thống khổ nữa.

j. Nibbanaya: Làm cho thấu rõ Niết-bàn.

Người hành được những pháp kể trên gọi là người hành đúng theo lời Phật dạy, và lời Phật dạy đều làm cho người theo được đắc những điều kể trên. Ðây là khuôn vàng thước ngọc để đo cho biết rằng: Ðâu là Phật ngôn, đâu là Ma vương nói.

-oOo-

[Chương trước][Mục Lục][Chương Kế]


[Trở về trang Thư Mục]