BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Tìm hiểu Ðạo Phật
Maha Thongkham Medivongs


Chương 10

Phật Giáo với Nghiệp

Ðối với Phật-giáo không có ý niệm tin tưởng ở thần linh cúng tế van xin, mà không có ý chê bai và chỉ trích. Phật-giáo chỉ dạy hàng tín đồ nên tin ở Nghiệp, vì Nghiệp là sự thật của sự hành động của con người. Nghiệp ấy chính là phản ảnh của sự làm xấu hay tốt của mọi người.

Nghiệp, Nam phạn gọi là Kamma, còn Bắc phạn goị là Karma, có nghĩa là:"Những hành vi tạo tác của con người". Nghiệp gồm có hai điều là Thiện nghiệp và Ác nghiệp. Người đã tạo ra Thiện hay Ác, khi quả ấy trả lại cùng một thứ là vui hay khổ.

Ðể chứng tỏ Phật Giáo chú trọng về vấn đề Nghiệp, nơi đây tôi xin nhắc lại bài kinh Abhinhapaccavekkhana. Ðức Thế-Tôn có dạy: Nữ, Nam, Cư sĩ hay người xuất gia, nên phải luôn luôn quán tưởng rằng: Ta có nghiệp là của ta. Ta phải thọ lãnh lấy quả của Nghiệp. Nghiệp là nơi sanh ra ta. Nghiệp là quyến thuộc ta. Nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta tạo ra Nghiệp Thiện hay Ác thì ta phải thọ lãnh lấy cái quả của Nghiệp ấy.

Tam-tạng, Tạng kinh bộ Majjhima-nikaya đoạn, Majjhima-pannasaka, bài kinh Vasetthasutta có dạy: (bài kinh này quá dài nơi đây tôi xin tóm tắt đại cương)

Khi Ðức Thế-Tôn ngự tại rừng gần làng Icchanangala khi ấy có người thanh niên tên Vasettha đến hỏi Ðức Thế-Tôn rằng: Bạch Ngài Cồ-đàm, tôi là đệ tử của ngài Bà-la-môn tên Pokkharasatika, người thanh niên này bạn tôi là đệ tử của ngài Bà-la-môn tên Tarukkha, hai tôi đều không rõ Tam phệ đà. Hai chúng tôi hằng cãi nhau về vấn đề Bà-la-môn.

Bạn tôi bảo: Sở dĩ Bà-la-môn là hạng trong sạch là do nhờ nơi dòng giống cao thượng trong sạch hai họ cha và mẹ.

Còn tôi (Vasettha) thì có ý kiến tương phản nói là: Bà-la-môn mà trong sạch cao thượng là do nhờ sự hành động (Nghiệp).

Vậy tôi xin cung kính đảnh lễ Ngài, và xin bạch hỏi Ngài giữa hàng đại chúng đây rằng: Người gọi là Bà-la-môn được trong sạch là vì dòng giống hay là vì Nghiệp (sự hành động)?

Theo bài kinh nầy Ðức Thế-Tôn thuyết thật dài, nơi đây tôi xin tóm lại cho quí vị để nhận thức.

- Không phải người quí, hèn vì dòng giống, nhưng do nơi sự hành động (Nghiệp). Người ta nhận định được người này là nông dân, thợ thuyền, thương gia, công nhân, quân nhân, trộm cướp, vua chúa v.v... đều do nơi sự hành động. Thế gian nầy mà còn được tồn tại cũng do nhờ sự hành động (Nghiệp). Chúng sanh còn luân hồi cũng bởi sự hành động, cũng như cái xe khi còn đầy đủ phương tiện là xe không hư có vật kéo thì nó còn đi mãi mãi.

Ý bài kinh nầy nói, người nhận định ra được người xấu hay tốt đều coi nơi sự hành động. Người hành động chân chính dầu hạng nào cũng là người tốt, người hành động xấu xa dầu hạng nào cũng đều bị chỉ trích là hạng không lành.

Tạng kinh bộ Majjhimanikaya Uparipannasaka, bài kinh Culavibhangasutta có dạy như vầy: (Tôi dịch nguyên văn).

Ta là Ananda có nghe như vầy.

Lúc nọ Ðức Thế-Tôn ngự tại Kỳ viên Tịnh xá của ông Trưởng giả Cấp cô độc, gần thành Savathi (Thất-la-Phiệt). Khi ấy có người thanh niên tên Subha, con của vị Bà-la-môn tên Todeyya, có vào hầu Phật đảnh lễ xong ngồi nơi phải lẻ, khi ngồi xong mới bạch hỏi Phật rằng: Bạch hóa Ðức Thế-Tôn do nhân nào, duyên nào làm cho con người đã sanh lại làm người lại có sự đê hèn, cao quí, có người được trường thọ, kẻ chết yểu, người bịnh nhiều, kẻ bịnh ít, kẻ đẹp người xấu, người có quyền to chức trọng, người lại không có quyền hành gì hết, kẻ giàu, người nghèo, người sanh vào gia đình quí tộc, người lại sanh vào gia đình bần tiện hèn hạ, người thông minh, kẻ ngu dốt. Bạch Ngài Cồ-đàm, vậy do nơi Nhân Duyên nào làm cho người đã sanh làm người mà có sự sang, hèn khác nhau như vậy?

Ðức Thế-Tôn liền dạy rằng: Nầy Subha, chúng sanh có nghiệp là của mình, là quyến thuộc mình, là nơi sanh mình ra nghiệp ấy, là nơi nương nhờ của mình. Chỉ có Nghiệp mới đưa người sanh ra sang hèn khác nhau.

- Bạch hóa Ðức Thế-Tôn, tôi không thể thông đạt được ý nghĩa sâu rộng của Phật ngôn vì Ngài giảng quá ngắn, tôi không thể hiểu sâu rộng được. Xin Ngài vui lòng giảng dạy cho tôi hiểu theo đường lối của Ngài đã dạy sâu rộng thêm ra.

- Nầy thanh niên Subha. Vậy ngươi hãy nghe đây, và nên chú tâm lời giảng của Như Lai.

- Bạch Ngài tôi đã sẵn sàng rồi.

- Nầy Subha, người trong thế gian nầy, nữ hay nam, là người hay sát sanh, là người hung ác, sân hận, tay hằng đẫm máu, say mê trong sự giết hại, không hề biết thương hại người hay thú. Những người ấy, sau khi chết phải bị đọa vào ác đạo là địa ngục, ngạ quỉ vì sự tạo tác của họ. Nếu sau khi chết, không sanh vào ác đạo địa ngục, ngạ quỉ, nếu được sanh làm người ở nơi nào thì sẽ chết yểu. Nầy Subha, sự hành động làm cho người phải chết yểu ấy là do nơi người sát sanh, hung ác, tay đẫm máu, say mê theo sự giết hại, không biết thương chúng sanh.

Nầy Subha, còn người trong thế gian nầy, nữ hay nam, không sát sanh, lánh xa sự sát sanh, bỏ uy quyền xuống, để khí giới giết người xuống, có sự hỗ thẹn tội lỗi, có sự thương hại, giúp đỡ chúng sanh, sau khi chết, người ấy được sanh về cõi an vui, vì lẽ người thọ trì sự không sát sanh. Nếu khi chết không được sanh về cõi an vui, sanh lại làm người là người trường thọ. Sự hành động cho được trường thọ là sự dứt bỏ sát sanh, xa lánh sự sát sanh, bỏ hết uy quyền, để khí giới giết người xuống, người thường có sự hỗ thẹn, có lòng thương hại, và giúp đỡ chúng sanh.

Nầy Subha, còn người trong cõi thế gian nầy, nữ hay nam, là người hay đánh đập chúng sanh, bằng tay, hay bằng cục đất, tảng đá, khúc cây hay khí giới gì. Người ấy sau khi chết sẽ sanh vào ác đạo là địa ngục, ngạ quỉ vì nghiệp ấy. Người đã tạo nghiệp như vậy nếu sau khi chết không sanh vào ác đạo là địa ngục ngạ quỉ, được sanh lại làm người, sẽ là người hay bịnh hoạn ốm đau. Nầy Subha, sự hành động đem lại sự có nhiều bịnh hoạn đau ốm là người thường hay hành hạ đánh đập chúng sanh bằng tay, bằng cục đất, viên đá, hay khúc cây hoặc khí cụ.

Nầy Subha, người trong thế gian nầy, nữ hay nam, không làm hại, đánh đập người hay thú, bằng tay, bằng cục đất, viên đá, khúc cây hay khí cụ chi, sau khi chết, người ấy được sanh về cõi an vui vì nghiệp ấy. Nếu không sanh vào cõi an vui, sanh lại làm người ở nơi nào là người ít bịnh hoạn. Nầy Subha, sự hành động để được ít bịnh hoạn là người hằng không đánh đập hành hạ làm hại chúng sanh, bằng tay, bằng cục đất, viên đá hay khí cụ.

Nầy Subha, người trong thế gian nầy, nam hay nữ, là người hay sân hận, giận hờn, hễ người nói động đến là nổi giận, sân hận cố làm hại người, hay tỏ ra sự giận hờn, hung dữ ra bên ngoài cho người biết, sau khi chết, người ấy sẽ sanh vào ác đạo là địa ngục ngạ quỉ vì quả ấy. Nếu sau khi chết không sanh vào ác đạo, địa ngục ngạ quỉ, nếu được sanh lại làm người, là người hình dáng mặt mày xấu xa. Nầy Subha, người hành có hình dáng mặt mày xấu xa là vì sự hay giận hờn, sân hận, cố ý làm hại người.

Nầy Subha, người trong thế gian này, nữ hay nam, là người không hay sân hận, giận dữ, hờn dỗi, bị người chỉ trích cũng không tỏ ra giận hờn, sân hận, làm hại người, làm cho người thấy sân hận. Sau khi chết người ấy được sanh về cõi an vui vì nghiệp ấy. Nếu sau khi chết không sanh vào cõi an vui, được sanh lại làm người, ở nơi nào, sẽ được người mến thương. Nầy Subha, sự hành động làm cho người yêu thương trong đời nầy là không sân hận, giận hờn, làm hại người, không tỏ vẻ hờn dỗi.

Nầy Subha, người trong thế gian nầy, nữ hay nam, có tâm ganh tị, ghen ghét cố ý làm hại người, cố ý ganh tị vì quyền lợi, sự cung kính, sự mến thương, sự lễ bái cúng dường của người khác. Người ấy sau khi chết phải sanh vào ác đạo là địa ngục ngạ quỉ vì nghiệp ấy. Nghiệp mà người thực hành ấy. Nếu không sanh vào ác đạo là địa ngục ngạ quỉ, nếu được sanh làm người ở nơi nào là người không có uy quyền. Nầy Subha, người hành để không được có uy quyền là do nơi tâm ganh tị, hằng ganh tị, cố làm hại người, hằng để ý ganh tị lợi lộc, quyền chức v.v... của người khác.

Nầy Subha, người trong thế gian nầy, nữ hay nam, là người không có tâm ganh tị ghen ghét, cố tâm làm hại người, không để tâm ganh tị trong lợi lộc, kính trọng, mến yêu, lễ bái cúng dường của người khác, người ấy sau khi chết được sanh về cõi trời bởi nghiệp ấy. Nghiệp mà người tạo rồi, nếu sau khi chết không được sanh về cõi trời, sanh làm người nơi nào là người có uy quyền lớn. Nầy Subha, sự hành để được uy quyền kiếp sau là người có tâm không ganh tị, không cố tâm ganh tị sự được lợi lộc, kính trọng v.v... của người khác.

Nầy Subha, người trong thế gian nầy, nữ hay nam, là người bỏn xẻn, keo kiệt, không cho cơm nước, y phục, vật thơm, vật thoa, chỗ ở, đèn đuốc, thuốc thang, cho Sa-môn, Bà-la-môn. Sau khi chết người sẽ bị sanh vào ác đạo là địa ngục ngạ quỉ bởi nghiệp ấy, nếu nghiệp mà tạo ra, khi chết không bị sanh vào ác đạo là địa ngục ngạ quỉ. Nếu được sanh làm người ở nơi nào, sẽ là người nghèo khổ. Nầy Subha, sự hành động làm cho trở nên nghèo khổ là không bố thí cơm nước v.v... các vị Sa-môn, Bà-la-môn.

Nầy Subha, người trong thế gian nầy, nữ hay nam, là người hằng bố thí cơm nước, y phục, vật thơm, vật thoa, chỗ ở, đèn đuốc, thuốc thang cho Sa-môn, Bà-la-môn. Sau khi chết người ấy được sanh về cảnh an vui vì nghiệp ấy. Nếu nghiệp mà người tạo ra sau khi chết không được sanh vào cõi an vui, nếu sanh lên làm người ở nơi nào, cũng là người giàu có sang trọng có của cải nhiều. Sự hành cho trở nên người giàu sang là nhờ bố thí cơm nước v.v... đến các vị Sa-môn, Bà-la-môn.

Nầy Subha, người trong thế gian nầy, nữ hay nam là người ương ngạnh hống hách, không bao giờ chịu lễ bái người đáng lễ bái, không đứng dậy đón chào bậc đáng đón chào, không nhường chỗ ngồi cho người đáng nhường, không cúng dường cho người đáng cúng dường, không kính trọng người đáng kính trọng. Sau khi chết, người ấy sanh vào ác đạo là địa ngục ngạ quỉ vì nghiệp ấy. Nghiệp đã tạo ấy nếu sau khi chết không sanh vào địa ngục, sanh làm người nơi nào, sanh vào gia đình thấp hèn, đê tiện không ai kính trọng, không ai nhường chỗ cho ngồi, không ai cúng dường. Nầy Subha, người hành phải bị người không kính trọng v.v... là vì không lễ bái người đáng lễ bái v.v...

Nầy Subha, người trong thế gian nầy, nữ hay nam, là người không ương ngạnh, không hống hách, lễ bái các bậc đáng lễ bái, đứng dậy đón chào các bậc đáng đón chào, nhường chỗ ngồi cho bậc đáng nhường, cúng dường đến bậc đáng cúng dường, kính trọng các bậc đáng kính trọng. Sau khi chết người ấy được sanh về cõi an vui vì nghiệp ấy. Nếu sau khi chết không sanh về cõi an vui, sanh làm người, ở nơi nào cũng sanh vào gia đình quý tộc. Nầy Subha, sự hành động để được sanh vào gia đình quý tộc là biết không ương ngạnh v.v...

Nầy Subha, người sanh trong thế gian nầy, nữ hay nam, là người không chịu đến gặp các bậc Sa-môn, Bà-la-môn để hỏi cho biết điều nào thiện, điều nào ác, điều nào có tội, điều nào vô tội, điều nào nên hành theo, điều nào không nên hành theo, điều nào khi hành theo được sự lợi ích, điều nào hành theo bị đem khổ đến. Người ấy sau khi chết bị sanh vào ác đạo là địa ngục ngạ quỉ vì nghiệp ấy. Nếu nghiệp đã tạo ấy không đưa vào ác đạo là địa ngục ngạ quỉ, khi sanh lại làm người ở nơi nào là người ngu xuẩn, không có trí tuệ. Nầy Subha, sự tạo nghiệp, làm cho con người ngu dốt là không chịu đến gặp các bậc Sa-môn, Bà-la-môn v.v...

Nầy Subha, người trong thế gian nầy, nữ hay nam, là người thường vào hầu các bậc Sa-môn, Bà-la-môn để học hỏi điều nào thiện, điều nào ác, điều nào tội, điều nào phước, điều nào nên hành theo, điều nào không nên hành theo, điều nào hành theo được an vui, điều nào hành theo phải bị khổ sở thời gian dài vô hạn. Người ấy sau khi chết được sanh về cõi an vui vì nghiệp ấy. Nếu nghiệp mà người ấy đã tạo không đưa người vào cõi an vui, khi sanh lại làm người ở nơi nào sẽ là người có nhiều trí tuệ. Nầy Subha, sự hành được nhiều trí tuệ là người hằng vào hầu các bậc Sa-môn, Bà-la-môn để học hỏi điều nào thiện, điều nào ác v.v...

Nầy Subha, những lý do người hành theo phải chết yểu, thì sẽ bị chết yểu. Người hành làm cho được sống lâu thì được sống lâu. Hành để có nhiều bịnh hoạn, thì sẽ có nhiều bịnh hoạn, hành làm cho có ít bịnh hoạn thì sẽ ít bịnh hoạn. Hành làm cho có hình dạng, mặt mày xấu xa thì sẽ bị xấu xa. Hành để cho hình dáng được đẹp đẽ, thì sẽ được đẹp đẽ. Hành làm cho người yêu mến thì sẽ được yêu mến. Hành làm cho mình trở nên người không có uy quyền, thì sẽ trở nên người không có uy quyền. Hành làm cho mình trở nên người có uy quyền, thì sẽ trở nên người có uy quyền. Hành để trở nên người khổ sở nghèo khó, thì sẽ trở nên người khổ sở nghèo khó. Hành làm cho trở nên người sang giàu, thì sẽ được sang giàu. Hành để sanh vào gia đình hạ tiện thì sẽ được sanh vào gia đình hạ tiện. Hành để sanh vào gia đình quý tộc, thì sẽ được sanh vào gia đình quý tộc. Hành để sanh ra người dốt nát, ngu xuẩn thì sẽ sanh ra dốt nát, ngu xuẩn. Hành để ra người thông minh trí tuệ thì được sanh lại người thông minh trí tuệ.

Nầy Subha, chúng sanh có nghiệp là của, của mình, là quyến thuộc mình v.v...

Khi nghe xong thời pháp người thanh niên tên Subha hiểu rõ nguyên nhân của Nghiệp, hết lòng trong sạch với Phật giáo, vì có lý do rõ rệt là định mạng của con người không phải do nơi thần quyền. Vì vậy nên ông trở nên người Thiện nam.

Bài kinh nầy chỉ cho quý vị thấy rằng Phật Giáo chú trọng ở nghiệp, mọi việc mà mình được hưởng hay bị khổ đều do nơi mình đã tạo, nếu muốn đừng có khổ, đừng bị tai hại gì đến mình thì nên tạo thiện nghiệp thì khỏi phải coi bói, xem tướng số ngày giờ xấu tốt làm chi.

Tạng kinh bộ Anguttara-nikaya, đoạn Mahavagga số 5 có dạy:

Lúc nọ Ðức Thế-Tôn ngự tại Kỳ viên Tịnh xá của Trưởng giả Cấp cô độc, gần Savatthi (Thất-la-phiệt).

Khi ấy, có bà Hoàng hậu tên Mallika vào hầu Phật, đảnh lễ xong ngồi nơi phải lẻ, khi ngồi xong mới bạch hỏi Phật rằng: - Bạch hóa Ðức Thế-Tôn, do nơi lý do nào nguyên nhân nào làm cho hạng phụ nữ trong thế gian nầy, có màu da xấu xí, thân hình thô kệch (người không ai) ưa nhìn, nghèo khổ cực nhọc, không có của tiền mà cũng không có quyền chức? Bạch hóa Ðức Thế-Tôn, do nơi lý do nào, nguyên nhân nào làm cho hạng người phụ nữ trong thế gian nầy, có màu da xấu xí, thân hình thô kệch (người không ai) ưa nhìn, nhưng lại giàu sang, có của cải nhiều, và có uy quyền lớn? Bạch hóa Ðức Thế-Tôn, vì lý do nào, nguyên nhân nào làm cho người phụ nữ trong thế gian nầy, có màu da đẹp, thân hình xinh đẹp (người ai ai cũng) ưa nhìn, yêu mến, thật là người đẹp tuyệt. Nhưng trái lại, lại nghèo khổ, không có của cải không có quyền hành? Bạch hóa Ðức Thế-Tôn, do lý do nào, nguyên nhân nào làm cho hàng phụ nữ trong thế gian nầy, có màu da đẹp, thân hình đẹp (người ai ai cũng) ưa nhìn, yêu mến, thật là người đẹp tuyệt, mà lại là người giàu sang và có nhiều uy quyền?

Ðức Thế-Tôn dạy: - Nầy Hoàng hậu Mallika, có hạng phụ nữ trong thế gian nầy, ưa giận hờn, nhiều lần uất hận, bị người nói chạm đến là giận dỗi, búng rải, sừng sộ, lộ vẻ tức giận, không vừa lòng, cho người thấy. Người không hề bố thí, cơm nước, thuốc thang, vật thoa, vật thơm, chỗ ở, mùng mền, y phục, dầu, đèn, đuốc, đến chư Sa-môn, Bà-la-môn, lại là người có tâm ganh tị, trong sự được lợi, sự kính trọng yêu vì sự lễ bái cúng dường của kẻ khác, ganh tị ngăn đón những sự ấy. Nếu hàng phụ nữ nầy sau khi chết sanh lại đời này, thì là người có màu da xấu xí, thân hình thô kệch (người không ai) ưa nhìn, là người nghèo khổ, bần cùng, mà cũng không có quyền thế.

Nầy hoàng hậu Mallika, có hạng phụ nữ trong thế gian nầy, là người ưa giận hờn, nhiều lòng uất hận, bị người nói chạm đến thì giận dỗi búng rãi, sừng sộ, lộ vẻ tức giận, tỏ ra sự không vừa lòng cho người thấy. Nhưng lại là người bố thí là cho cơm nước, thuốc thang, vật thoa, vật thơm, chỗ ở, mùng mền, y phục, dầu đèn, đuốc đến chư Sa-môn, Bà-la-môn; là người có tâm ganh tị trong sự được lợi, sự kính trọng, yêu vì, sự lễ bái cúng dường của kẻ khác, không ganh ghét làm mất lợi của kẻ khác. Nếu người ấy, thoát sanh từ cõi nầy, sanh trở lại kiếp sau, là người không có sắc đẹp, hình dáng thô kệch (người ai ai cũng) không ưa nhìn. Nhưng trái lại là người có của cải giàu sang và có uy quyền.

Nầy Hoàng hậu Mallika hàng phụ nữ trong thế gian nầy, là người không hay sân hận, không nhiều lòng uất hận, dầu có bị người chỉ trích nặng nề cũng không hề hờn giận, không tỏ vẻ bất mãn, không búng rải, không sừng sộ, không tỏ vẻ tức giận, không vừa lòng ra mặt, nhưng mà không bố thí cơm, nước, thuốc thang, vật thoa, vật thơm, chỗ ở, mùng mền, y phục, dầu đèn, đuốc, đến chư Sa-môn, Bà-la-môn và lại là người có tánh ganh tị trong lợi lộc, dâng cúng, sự kính trọng, sự lễ bái cúng dường của người khác, ghen ghét ngăn đón những sự ấy, cố chấp sự ganh tị. Sau khi chết người phụ nữ ấy sanh vào cõi nào là người có màu da đẹp, thân hình đẹp (người ai ai cũng) ưa nhìn, yêu chuộng thật là một người đẹp. Nhưng lại là người nghèo khó, bần hàn và không có quyền thế.

Nầy Hoàng hậu Mallika, người phụ nữ trong thế gian nầy, là người không thích sân hận, không uất hận, khi bị người chỉ trích nặng nề cũng không hề bất mãn, không búng rải, không sừng sộ, không tỏ vẻ tức giận và không vừa lòng ra, lại là người bố thí cơm nước, thuốc thang, vật thoa, vật thơm, chỗ ở, mùng mền, y phục, dầu đèn, đuốc, đến chư Sa-môn, Bà-la-môn; Sau khi chết người phụ nữ ấy sanh về kiếp sau là người có màu da đẹp (người ai ai cũng) ưa nhìn, yêu mến, thật là một người đẹp, mà lại là người giàu sang có quyền chức.

Nầy Hoàng hậu Mallika, đây là lý do, là nguyên nhân của hàng phụ nữ trong thế gian nầy là như vậy.

Khi bà hoàng hậu Mallika nghe xong bạch với Ðức Thế-Tôn rằng: Bạch hóa Ðức Thế-Tôn; chắc kiếp trước đệ tử là người hay sân hận, giận hờn, bị người nói đến là bất mãn, nhiều sự uất hận, búng rải, sừng sộ, tỏ vẻ giận dữ cho người biết, nên kiếp nầy đệ tử có màu da xấu xí, hình dáng thô kệch (người) không ưa nhìn. Nhưng đệ tử có bố thí cơm, nước, thuốc thang v.v... nên kiếp nầy đệ tử sang giàu tột bậc, có uy quyền hơn tất cả hàng phụ nữ trong cung nội. Bạch Ðức Thế-Tôn, kể từ ngày nay đệ tử sẽ không sân hận, giận hờn, bất mãn, búng rải, sừng sộ, tỏ ra giận dữ, và cúng dường cơm nước v.v... đến chư Sa-môn, Bà-la-môn.

Thời pháp Ðức Thế-Tôn dạy bà Hoàng hậu đây cho chúng ta thấy rằng: Mọi người có nghiệp là của mình. Mình đã tạo ra thì nó theo trả cho tùy theo xấu tốt. Vì vậy người muốn được an vui nên cố tạo ra thiện nghiệp thì kiếp nào cũng được an vui. Khỏi sợ tai nạn không cần phải coi ngày giờ tốt xấu, hay xem tài tướng. Vì chính chúng ta đã tu bổ và sửa chữa đời sống của chúng ta được.

Dạy về Nghiệp, Phật Giáo dạy rất rõ rệt. Nghiệp có 12 tên khác nhau và chia ra làm 3 thời kỳ trả quả khác nhau, vì vậy cũng có tên khác nhau, nếu cần biết phải học thuộc lòng.

Ba thời kỳ của nghiệp là:

1. Nghiệp trả quả theo thời: có bốn chi.
2. Nghiệp trả quả theo phận sự: có bốn chi.
3. Nghiệp trả quả theo thứ tự: có bốn chi.

1. Nghiệp trả quả theo thời

a) Ditthadhamma Vedaniyakamma - Hiện nghiệp. Nghĩa là nghiệp trả quả trong kiếp hiện tại, và cho biết rằng: Ðây là Thiện Nghiệp hay là Ác Nghiệp, lẻ cố nhiên người tạo Thiện hay ác cũng do nơi Tâm, nghĩ đến việc làm và Tác ý là người tạo tác ra. Tâm khiến cho ta tạo ra Tội hay Phước trong cõi dục nầy Phạm ngữ gọi là Kamavacarajavanacitta nghĩa là Tốc lực Tâm (Javanacitta) ở Cõi Dục (Kamavacara). Tốc lực Tâm cõi dục nầy chia ra có Bảy hạng (hay gọi là Ðiểm). Ðếm từng Javanacitta (Tốc lực Tâm) số một đến bảy. Người làm phước hay tội, được nhiều phước hay bị nhiều tội ấy không trả quả được liền trong kiếp hiện tại nầy, nhưng cũng chẳng mất đâu, nó lại tuần tự trả kiếp sau sau nữa.

Nếu trong lúc người đang làm việc Thiện, hay Ác mà Tâm ấy đi rất mạnh, hết sức mạnh, hay hết khả năng của nó có thể có được, đó là Tốc lực Tâm thứ nhất. Nghiệp mà người tạo ấy có một sức mạnh vô biên, nó sẽ lấn vào để tự trả quả bắt đầu từ ngày người đã tạo ra, cho đến khi lâm chung một lúc nào đó. Ðó Phạn ngữ gọi là Ditthadhamma-vedaniya-kamma, Hiện Nghiệp. Nếu nó không trả quả trong kiếp hiện tại nầy, để đến kiếp sau thì lại gọi là Quá Nghiệp.

Nhưng đã gọi là Hiện Nghiệp rồi thì nhất định phải trả trong kiếp nầy, sở dĩ mau hay là chậm vì Tốc lực Tâm khi người tạo ấy đi mau hay chậm nên trả quả mau chậm mà thôi hay vì Tốc lực Tâm đi chưa đúng độ nên đến hơi trể. Nếu Tốc Lực Tâm thuộc về Tốc lực Tâm thứ nhì hay thứ ba v.v... nghiệp ấy trả quả ở kiếp sau một kiếp nào đó, nó có chen vào để trả cho kỳ được. Ðó gọi là Upajjavedaniyakamma nghĩa là Hậu Nghiệp.

Nếu với Tốc lực Tâm thứ nhất mà lại là Tốc lực Tâm ác, định hay đang làm hại một người nào, người ấy là người có giới đức thanh cao, trái lại khi bị làm hại không oán giận ta, hay cố cột oan trái oán thù, thì tội ấy càng mạnh và càng trả quả mau hơn.

Muốn quí vị dễ nhớ và dễ thông đạt được ý nghĩa của pháp bảo tôi xin nhắc lại chuyện tích trong Pháp cú kinh, đoạn Papavacga. Tích của người thợ săn tên Koka tâm hung ác muốn giết một vị Ðại đức, người có giới đức thanh cao và không có ý làm hại Ông ta.

Khi Ðức Thế-Tôn ngự tại Kỳ viên Tịnh xá của trưởng giả Cấp cô độc, có nghe rằng: Ngày nọ có một người thợ săn tên Koka mang cung tên dẫn chó vào rừng. Khi đang đi vào rừng, lại gặp một vị Tỳ-khưu, cũng từ rừng ra, đi khất thực, người thợ săn ấy mới nghĩ rằng: Tảng sáng mới ra đi mà gặp bọn trọc nầy thì xui lắm, chắc chắn ngày nay ta không được một con vật nhỏ nào. Riêng vị Ðại đức ấy không biết chi hết, Ngài vẫn đi khất thực rồi lại đi về.

Người thợ săn ấy đi cả buổi sáng, không được một con thịt nào lại trở về, khi về, lại gặp lại thầy Tỳ-khưu đã gặp ở buổi sáng cũng đang trở về nơi cư ngụ. Người thợ săn nghĩ: Ngày nay ta gặp phải bọn trọc nầy nên không được gì hết, ta cho chó cắn lão nầy. Nghĩ xong y liền xịch chó săn lại cắn Ngài Ðại đức.

Vị Tỳ-khưu ấy nói: Ồ! ông Thiện nam, xin ông đừng làm như vậy.

Người thợ săn đáp: Hôm nay tôi vào rừng không được một con thịt nào, bởi gì ban sáng tôi gặp ông. Giờ ông gặp lại tôi, tôi cho chó săn cắn lại ông. Anh ta liền xịch cho chó đến cắn ông Ðại đức, mặc dầu ông Ðại đức van xin nhưng tên thợ săn cũng chẳng dừng: cứ xích chó cắn Ngài cho chết. Vị Ðại đức ấy cùng đường không biết chạy đâu cho khỏi. Ngài thấy có một cái cây cao, lật đật trèo lên trên cây ngồi ở một chân ba, chó không làm gì Ngài được.

Người thợ săn bảo: Ông tưởng rằng ông leo lên cây mà thoát khỏi tay tôi hay sao? Anh dùng cây lao đâm vào Ngài Ðại đức. Ngài Ðại đức không biết làm sao đành phải đưa chân ra để chịu ngọn lao ấy, khi bị đâm nát bàn chân nầy, ông liền đưa bàn chân kia ra chịu. Khi hai chân bị đâm máu ra nhiều và rất là đau nhức, Ngài không còn đủ trí nhớ để giữ đừng cho lá y rớt xuống.

Ngài liền bảo người thợ săn rằng: Xin ông đừng đối xử với tôi như thế nầy. Mặc dầu van xin nhưng người thợ săn cũng chẳng dung. Vì đau đớn quá sức ông không giữ được trang nghiêm, nên y rớt xuống trùm ngay vào người của anh thợ săn. Bầy chó tưởng rằng: Ngài Ðại đức rớt từ trên cây xuống, nên nó ráp lại cán xé người thợ săn. Ngài lấy làm thương hại bẻ lấy một nhánh cây khô liệng xuống đuổi bầy chó nhưng đã muộn rồi. Người thợ săn bị chết bởi chó của anh ta nuôi rất dữ. Vị đại đức ấy đuổi bầy chó đi xong mới lần xuống và lần về chùa.

Khi về đến chùa, vào hầu Ðức Thế-Tôn thuật rõ mọi việc đã qua và bạch hỏi: Bạch hóa Ðức Thế-Tôn, người thiện nam ấy bị y của Ðệ tử rớt trùm lên đầu, nên bị chó cắn chết. Vậy giới của đệ tử có bị nhơ đục không? Ðệ tử vẫn còn là vi Sa-môn không?

Ðức Thế Tôn dạy: Nầy thầy Tỳ-khưu, giới hạnh của người không bị nhơ đục, ngươi cũng vẫn còn là vị Sa-môn trong sạch. Người thợ săn làm hại người, mà ngươi là người không làm hại nào hết. Vì lẻ ngươi không có ác tâm làm hai một ai, nên người thợ săn ấy mới bị tai hại. Chuyện nầy không phải mới có trong hiện nay, mà kiếp quá khứ người thợ săn nầy cũng đã từng làm hại người không bao giờ có tâm làm hại kẻ khác. Rồi cũng bị tử nạn như ngày hôm nay (Còn có Túc sanh truyện nhưng xin miễn kể nơi đây).

Ðức Thế-Tôn liền thuyết câu kệ:

Yo Appadutthassa Narassa Dussati
Suddhassa Balam Possassa Ananganassa
Tam Evam Balam Pacceti Papam
Sukhumo Rajo Pativatam Vakhitto.

Nghĩa: Người làm hại bực không làm hại (lại mình) là người trong sạch. Không có phiền não, như cánh đồng trống (ý nói không có cây). Tội hằng trở lại với người (làm hại người vô tội). Cũng ví như người đứng dưới gió dùng bụi rãi người đứng trên gió.

Trong tạng Luật, thầy Tỳ-khưu không được leo cây vô cớ, khi leo vô cớ phạm tác ác, nhưng khi có chuyện nguy hiểm như bị thú dữ rượt không leo phạm tác ác. Leo càng cao càng hay.

Nhắc tích nầy lại đây để quí vị thấy rõ rằng: Người thợ săn tạo ác nghiệp với Tốc Lực Tâm số một và thật mạnh, vì y đã có ý niệm xấu từ buổi sáng sớm vừa gặp Ngài Ðại đức. Vì vậy nên Nghiệp trả liền trong khi ấy nên gọi là Ditthadhammavedaniyakamma, Hiện Nghiệp.

Còn người tạo Thiện nghiệp được kết quả mỹ mãn hiện tại nầy, trong Pháp cú kinh đoạn Kodhagga tích của ông Trưởng giả tên Punna. Tích ấy như vầy:

Tại Vương-xá thành, một người làm công rất nghèo, tên là Punna, ông ta làm công với ông Trưởng giả tên Sumana.

Gia đình ông chỉ có ba người là ông, vợ ông, và một người con gái tên Uttara. Ngày nọ, tại Vương-xá thành có cuộc lễ 7 ngày đêm, cuộc lễ thật là vui và long trọng. Ông chủ của ông ta là ông Sumana gọi ông ta đến nói: Người trong thành nầy đều nghỉ việc để vui chơi trong những ngày lễ. Vậy ngươi có muốn đi dự cuộc lễ không? Hay ngươi muốn làm việc?

Ông Punna đáp: Thưa chủ gia, chuyện ăn chơi lễ là chuyện của bậc sang giàu, trưởng giả, dư ăn dư để, còn trong nhà tôi không có gạo để nấu ăn sáng mai nầy, thì tôi còn màng gì với lễ lộc? Tôi chỉ muốn được bò để đi cày thôi.

Ông Trưởng giả Sumana nói: Lành thay. Vậy ngươi hãy đến chuồng bò đem bò ra đi cày đi.

Khi lãnh bò và cày xong, dẫn về nhà nói với vợ ông rằng: Nầy bà, người trong Vương-xá thành đang ăn uống vui chơi cuộc lễ, còn tôi thì đi cày thuê, vì chúng ta là người nghèo khó. Vậy hôm nay bà phải nấu rau cải hai lần nhiều hơn rồi đem ra đồng cho tôi.

Ðồng thời ấy, Ngài Ðại đức Xá-lợi-Phất cũng vừa xả đại-định bảy ngày. Ngài dùng trí tuệ quan sát coi chúng sanh nào có duyên để Ngài tế độ trong ngày đó. Ngài tự hỏi: Hôm nay ta phải tế độ ai? Ngài thấy vợ chồng ông Punna rất nghèo. Ngài tự xem: Vậy ông Punna nầy có Ðức tin hay không? Ngài biết có. Ngài có thể tế độ được, và sau khi cúng dường cho Ngài thì sẽ được kết quả hiện tại và được nhà vua phong cho chức Trưởng giả. Ngài liền đắp y mang bát đi đến nơi ông Punna đang cày, đứng nơi một cội cây gần đấy. Khi ông Punna thấy Ngài Ðại đức, dừng cày, đến đảnh lễ Ngài và nghĩ rằng: Chắc Ngài Ðại đức cần tăm xỉa răng. Ông liền đi chuốc cây tăm xỉa răng đem đến dâng cho Ngài.

Ngài Ðại đức liền đưa bát và vải lọc nước cho ông. Ông nghĩ: Chắc Ngài Ðại đức cần nước. Ông lật đật lấy bát đi lọc nước đem lại dâng cho Ngài.

Ðại đức nghĩ: Nhà của ông Punna ở trong kẹt, nếu ta đến đó thì bà không thể nào thấy ta để dâng cúng, vậy ta phải ở nơi nầy đợi bà đến. Ngài ở đợi một nơi đến khi bà Punna đến.

Bà Punna thấy đức Xá-lợi-Phất khi còn ở đàng xa, bà nghĩ: Khi mình có vật thực cúng dường thì không gặp Ðại đức. Khi không có vật thực cúng dường mà lại gặp Ngài. Vậy không biết Ngài Ðại đức có ý tế độ ta chăng? Bà liền để vật thực xuống xong bà đảnh lễ Ðại đức và Bạch: Bạch Ðại đức xin Ngài đừng nghĩ rằng vật thực nầy thô sơ, hay không đáng giá, xin Ngài vui lòng tế độ tôi.

Ðại đức vẫn lặng thinh và đưa bát ra dở nấp tỏ vẻ thọ lãnh. Bà liền để hết vật thực vào bát Ðại đức, Ðại đức dạy: Thôi, đã vừa đủ rồi.

Bà Punna nói: Bạch Ðại đức, phần còn dư nầy tôi không thể nào chia ra làm hai phần được. Xin Ðại đức đừng cứu độ kẻ tôi đòi nầy trong kiếp hiện tại, xin Ngài tế độ linh hồn chúng tôi kiếp vị lai. Tôi đã định cúng dường hết vật thực nầy đến Ngài.

Ngài Ðại đức thọ hết vật thực. Khi để bát xong bà liền phát nguyện: Xin cho tôi đắc được pháp mà Ngài đã đắc.

Ðại đức cầu chúc: Xin cho người được như ý. Rồi Ngài đi thọ thực một nơi có nước.

Bà liền trở về nhà kiếm mượn gạo và nấu cơm khác đem ra cho ông. Ông Punna làm việc đến trưa đợi cơm không được, ông cảm thấy đói quá sức; nghỉ cày vào ngồi nghỉ ở bóng mát. Khi mà bà nấu cơm xong đem ra, khi còn đàng xa thấy ông ngồi khoanh tay rế, bà liền nghĩ: Tội nghiệp ông ta đã đói lắm rồi, nên đang ngồi trông ta đây. Nếu ông hỏi: Sao mà trẻ quá vậy? Rồi dùng roi đánh ta, thì việc cúng dường của ta trở nên vô ích, vậy ta phải nói cho ông ta nghe trước.

Bà nói từ xa: Ông ơi! Hôm nay ông nên làm cho tâm trở nên trong sạch. Xin ông đừng làm phước thiện của tôi đã làm bị giảm hiệu quả. Tôi đã đem cơm ra cho ông từ sớm, nhưng gặp Ðại đức Xá-lợi-Phất giữa đường, nên tôi cúng dường phần cơm ấy đến Ngài hết rồi, mới nấu cơm khác đem ra cho ông đây.

Ông Punna hỏi: Bà nói chi tôi nghe không rõ? Bà liền thuật lại việc làm của bà ban sáng cho ông nghe.

Ông Punna nói: Bà ơi, bà đã cúng dường cho Ðại đức đã làm một việc lành. Sớm mơi nầy tôi cũng đã cúng dường đến Ngài tăm xỉa răng và nước súc miệng. Ông lấy làm vui mừng và ăn uống, khi ăn uống xong, vì làm việc cực nhọc ông mỏi mệt nằm gối đầu trên vế bà để ngủ.

Những thửa ruộng mà ông đã cày được từ ban sáng đến chừng đó, bao nhiêu đất cày đều trở thành vàng khối cả. Ông lật đật ngồi dậy, vì ông không tin vào mắt mình. Ông tưởng vì quá mệt nên hoa mắt chăng? Ông mới hỏi bà: Bà ơi, ruộng mà tôi đã cày xong, đều trở thành vàng hết có phải vì tại tôi làm việc mệt nhọc ăn trẻ mà khiến tôi hoa mắt thấy không rõ phải không?

Bà đáp: Chính tôi cũng thấy như ông vậy.

Ông liền ra ruộng coi những cục đất rõ ràng là những khối vàng thật. Ông nghĩ: Ô! sự cúng dường đến đại đức Xá-lợi-Phất đã trả quả cho ta hiện tại. Ta không thể nào dấu số vàng khổng lồ nầy vào đâu cho hết. Ông liền vào tâu Ðức vua rằng: Tâu Ðại vương; những đám ruộng tôi cày hôm nay đất cày đều trở nên vàng hết. Xin Ðại vương nên truyền cho người đem vàng ấy về kho.

Ðức vua hỏi: Ngươi tên chi?

- Tâu Ðại vương tôi tên Punna.

- Vậy hôm nay ngươi làm được việc chi?

Sáng nay tôi có dâng cúng tăm xỉa răng đến Ngài Ðại vương đức Xá-lợi-Phất, còn vợ tôi có cúng dường vật thực đến Ngài Ðại đức Xá-lợi-Phất.

- Vậy trẫm phải làm sao đây?

- Xin Ðại vương đưa ra vài ngàn cỗ xe để chở về.

Ðức vua liền làm theo lời của ông Punna. Khi những người đi chở vàng đến nơi đó nói rằng: Chở vàng về kho nhà vua thì vàng ấy trở thành đất cục. Thật là chuyện phi thường. Những người ấy mới về tâu lại cho nhà vua nghe.

Ðức vua mới dạy rằng: Ðó đâu phải vàng của trẫm. Các người phải nói cho đúng lại rằng: Vàng của Punna. Khi những người ấy nói như vậy thì những khối đất ấy trở thành vàng.

Sau khi chở hết vàng về để đầy một sân rộng lớn ngay đền vua, nhà vua cho gọi tất cả dân chúng trong thành đến cùng tất cả chư Trưởng giả đến, coi của cải của ông Punna có xứng đáng làm một Trưởng giả chăng? Người thời ấy đồng lòng cho ông được lên hàng Trưởng giả. Từ ấy đi gọi là Trưởng giả Punna.

Nhắc tích nầy để chỉ người làm phước cần phải có Tốc lực Tâm thứ nhất, và đi hết sức mãnh liệt thì sẽ được kết quả hiện tại, mà nhất là phải cúng dường đúng vào bậc đáng cúng dường.

b) Upajjavedaniyakamma, Hậu Nghiệp. Có nghĩa là Nghiệp trả quả kiếp kế tiếp theo kiếp mà người đã tạo ra nó. Người tại nghiệp nầy Thiện hay ác ở Tốc lực Tâm thứ 7. Sau khi tạo ra xong việc đã làm ấy sẽ được hay bị quả đưa lại vào kiếp kế tiếp theo.

Nếu thuộc về Thiện nghiệp thì chỉ từ sơ thiền Hữu sắc đến tứ thiền Vô sắc. Các vị nào đắc được một trong 8 thiền ấy, và giữ như vậy đến ngày lâm chung thì chắc chắn sẽ được sanh về cõi Phạm thiên, một cõi nào tùy theo thiền mà mình đã đắc được.

Nếu nói về Ác nghiệp thì chỉ về Ngũ nghịch Ðại tội là: 1) Giết cha, 2) Giết mẹ, 3) Làm cho Phật bị chảy máu, 4) Chia rẽ chư Tăng, 5) Dâm hãm bà Tỳ-khưu ni bậc Thánh nhơn.

Nếu người làm phước bằng Tốc Lực Tâm ấy thì chắc chắn rằng nó là Hậu nghiệp.

Như tích đức vua A-xà-thế, ngài là bậc có đức tin rất mạnh, đối với Phật pháp chúng ta đều là người mang ơn ngài không ít. Vì ngài là vị Hộ pháp kết lập tam-tàng lần thứ nhất. Nhưng sau khi chết mặc dầu là làm việc lành vĩ đại như thế, nhưng không thể cứu vãn tình thế được, ngài bị sanh vào A-tỳ địa ngục, vì tội giết cha là đức vua Bình-sa-vương.

c) Aparaparavedaniyakamma, Tùy Nghiệp. Nghĩa là nghiệp nầy theo bên người tạo nó ra mãi mãi như bóng với hình. Có thể ví như kẻ trộm cố ý trộm cứ vẫn theo dính bên người, nếu vô ý là nó trộm ngay. Nghiệp nầy dầu sớm muộn, hay lúc nào cũng chẳng hạn nó theo bên mãi mãi, nghiệp nầy không bao giờ bỏ cuộc, đến bao giờ người tạo ra nó nhập Niết bàn mới thôi.

Các bậc trí thức, ví nghiệp nầy như con chó săn đuổi dính theo bên con mồi, con mồi ấy chạy nơi nào, đến đâu nó cũng bắt hơi và theo được. Con thịt ấy chính là ta, còn chó săn ấy chính là nghiệp. Xin nhắc lại lần nữa là nghiệp nầy theo bên mình, dầu thiện hay ác, cũng xin ví như con chó săn. Ðây là ví dụ sự cố gắng và sáng hơi của loại chó săn không bỏ mồi, cũng như nghiệp thiện hay ác chẳng hạn đều theo bên người tạo ra nó.

Người tạo ra nghiệp nầy gọi là Tùy nghiệp đây do nơi Tốc Lực tâm thứ nhì đến thứ sáu: một trong 5 Tốc Lực tâm ấy tạo ra nghiệp. Nghiệp ấy gọi là Tùy nghiệp.

Nơi đây tôi xin nhắc lại sự chạy theo trả quả của Tùy nghiệp nầy của một vị Thánh-nhơn Ðại đệ tử Phật, như Ðại đức Mục-kiền-Liên.

Tín đồ Phật giáo không ai, không biết Ngài Ðại đức Mục-kiền-Liên là một vị thần thông quảng đại chỉ kém Ðức Thế-Tôn mà thôi. Ngài là tay trái của Phật, nhờ Ngài mà Phật giáo truyền bá rất sâu rộng, bọn ngoại đạo rất ghét Ngài, chúng mới thuê người giết Ngài.

Bọn giết thuê ấy, hàng năm trăm người, kéo đến vây xung quanh tư thất của Ngài, định đánh Ngài cho nát như tương mới chịu. Vì bọn chúng biết Ngài có nhiều thần thông, nếu không làm như vậy Ngài sẽ không chết. Lần thứ nhất, bọn chúng vây Ngài, Ngài liền dùng thần thông ra theo lỗ khóa. Lần thứ nhì, Ngài ra theo lỗ cửa sổ. Ðấn lần thứ ba Ngài nghĩ coi tại sao bọn nầy cứ theo giết Ngài. Ngài liền nhìn thấy đây là nghiệp Ngài đã tạo ra, và ngày nhập diệt của Ngài cũng đã đến, nên Ngài không tránh và để cho bọn ấy đánh Ngài nát ra như tương, và rút xương thịt của Ngài đem đổ thật xa. Khi bọn chúng đi hết Ngài dùng thần thông nhập lại nguyên như cũ. Ngài lại hầu Ðức Thế-Tôn và xin phép cho Ngài nhập diệt.

Ðức Thế-Tôn nhận lời, sau khi Ngài nhập diệt xong, chư Tỳ-khưu trẻ tuổi hội nhau lại bàn nhau rằng: Thật là chán nản, Ngài Ðại đức Mục-kiền-Liên nhập Niết bàn không thích đáng với địa vị của Ngài (Ý các vị ấy nói, vị Ðại đệ tử có thần thông không ai bì kịp mà nhập diệt bởi sự đánh đập của bọn phàm phu hung ác).

Ðức Thế-Tôn ngự đến nơi các thầy đang nói với nhau, phán hỏi các thầy đang bàn về gì. Các thầy bạch đang nói chuyện của Ðại Ðức Mục-kiền-Liên.

Ðức Thế-Tôn dạy: Nầy các thầy Tỳ-khưu, sự nhập diệt của Mục-kiền-Liên thật ra thì không thích đáng với kiếp nầy. Nhưng sự chết ấy thích đáng với nghiệp khi xưa đã tạo rồi.

Các thầy Tỳ-khưu yêu cầu Ðức Thế-Tôn dạy về Nghiệp quá khứ của Ngài Ðại đức Mục-kiền-Liên. Ðức Thế-Tôn thuyết: Lúc quá khứ có một người thanh niên ở thành Baranasi là người con hiếu thuận, lo việc ngoài đồng áng cũng như việc trong nhà, cha mẹ già nhờ vậy khỏi vất vả. Bà mẹ thấy con mình quá vất vả muốn cưới vợ cho, nhưng người thanh niên ấy không ưng thuận, vì muốn tự tay mình phụng sự cha mẹ già để đền ơn muôn một. Vì cha mẹ nài nỉ và ép buộc nên người thanh niên ấy bằng lòng.

Khi cưới vợ về, thời gian không lâu, cô dâu thấy chán nản với sự phụng sự cha mẹ chồng, nên nói với chồng: Tôi không thể chung sống với cha mẹ được, Ông, bà khó lắm. Cô ta bịa ra đủ mọi việc làm cho chồng xiêu lòng. Nhưng chàng thanh niên một mực kính yêu cha mẹ. Cô nghĩ ra nhiều việc như đổ cơm đầy nhà, xả rác v.v... chồng hỏi cô bảo là ông bà làm những chuyện quái gở ấy. Sau đập chén bát bỏ đầy nhà. Chồng mới hỏi: Cô bảo việc làm đó làl do cha mẹ chồng làm, cô không thể chịu đựng nổi, việc làm thật cực nhọc.

Khi mà người đàn bà đàn mãi như vậy, cũng làm cho người đã đào tạo Bà-la-môn đầy đủ như thế phải xiêu lòng, không sao chịu được. Người thanh niên ấy nói: Ðể đó, tôi sẽ xử sự với hai Ngài. Ngày nọ, lo cho cha mẹ ăn uống xong xuôi mới nói: Thưa cha mẹ, có nhiều quyến thuộc ở xa muốn cha mẹ đến thăm họ. Ðể con đưa cha mẹ đi. Ông bắt kế xe đưa cha mẹ lên ngồi xong đánh xe đi, vào độ một khoảng xa nhà gần rừng. Ông trao cương cho cha mẹ và nói với cha rằng. Nơi đây có nhiều kẻ cướp đường, cha cầm cương con xuống để đối phó với chúng. Nói rồi, xuống đi một đổi xa bẻ cây chạy đến la hét làm tiếng lạ như kẻ cướp thật, đánh đập ông bà. Khi nghe tiếng thét ấy, bà tưởng là kẻ cướp thật nên bà gọi bảo con bà: Con ơi! cha mẹ đã già rồi, có chết cũng chẳng sao, con còn trẻ hãy lo lấy thân con chạy đi cho thoát chết. Ông nghe lời mẹ gọi bảo như vậy lấy làm đau lòng, bỏ cây chạy đi một lúc chạy lại bảo: Bọn cướp đã chạy hết rồi, Ông ẳm cha mẹ để lên xe đưa về nhà phụng dưỡng thật chu đáo.

Ðức Thế-Tôn dạy: Nầy các thầy Tỳ-khưu, Mục-kiền-Liên đã tạo ra nghiệp đê tiện như vậy đã bị cháy trong địa ngục đếm năm không hết. Ðây chỉ là nghiệp thừa lại, nên mới bị đánh đập như vậy hàng trăm kiếp rồi. Mục-kiền-Liên chết như thế thật là tương xứng với nghiệp đã tạo ra. Còn bọn ngoại đạo và 5 trăm tên côn đồ ấy làm hại con ta là người không hề có tâm làm hại chúng sanh nào. Những người ấy sẽ bị nghiệp trả quả tương xứng với việc làm. Vì người làm hại người không có tâm làm hại lại (trả oán) thì thường bị mười điều tai nạn.

Ðức Thế-Tôn liền dạy câu kệ: (Câu kệ nầy quá dài, xin vắn tắt câu đầu và câu chót).

Yo Dandena Adandesu
Appadutthesu Dussati
...
Kayassabheda Duppanno
Niriyam So Uppajjati.

Nghĩa: Người làm hại người không làm hại lại (trả oán). Người ấy (là người bị hại) là người không có uy quyền. Người (làm hại) người ấy thường bị mười điều tai hại một điều nào trong kiếp hiện tại nầy là: Sự khổ là một. Sự mất của cải là một. Sự bị tàn phá cơ thể là một. Bị lâm trọng bịnh là một. Sự xáo trộn tinh thần là một. Sự bị nhà vua trừng phạt là một. Sự bị người phao vu là một. Sự bị mất quyến thuộc là một. Sự bị mất của là một. Người ấy là người thiếu trí sau khi chết bị đọa vào Ðịa ngục.

Chú giải: Xáo trộn tinh thần: có nghĩa là điên. Bị nhà vua trừng phạt: ý nói bị mất chức hay bị tù đày.

Ðây để thấy rằng: Tùy Nghiệp là nghiệp theo bên ta mãi mãi như bóng theo hình, tìm cơ hội để trả quả, khi nào trả xong hay nhập Niết-bàn rồi mới thôi.

d. Ahosikamma, Quá Nghiệp: nghĩa là Nghiệp không trả quả. Ðừng tưởng rằng: Nghiệp không trả quả. Ý nghĩa tiếng "không trả quả" là:

- Khi nghiệp đã chen vào trả quả được rồi, nhưng còn dư lại rất ít không đủ sức và trả quả được vẫn chờ ấy đến ngày nào lại bị lạc sau mất đi. Nghĩa là không còn đủ sức theo, hay chen vào trả quả được.

- Ðã trả đủ số rồi không còn có dư sót nên kể như không thể trả quả nữa được.

- Vì đã đắc đạo quả Niết-bàn và nhập diệt trước khi nghiệp lực đến kịp để trả quả được.

Ðây là một ví dụ. Câu thứ nhất: Ví như người bắn mũi tên trúng vật gì đã xuyên qua rồi còn sức đi thêm một đoạn đường nữa, nhưng không đủ sức làm gì được, tự nó rớt.

Câu thứ nhì: Ví như người chủ nợ đã đòi đủ số nợ rồi không đòi thêm nữa được.

Câu thứ ba: Ví như người đi ngang qua rừng, bị bọn cướp chận đường cướp của, nhưng nhờ tài chạy tránh khỏi bọn chúng, vào đến kinh thành bọn chúng không theo được. Vì trong thành có quan quân chúng không theo nữa. Rừng ấy ví như Luân hồi, kẻ cướp ví như nghiệp, người đi đường ấy ví như chư Thánh-nhơn chạy đến kinh thành là Niết-bàn nên khỏi tay bọn cướp là Nghiệp.

2. Nghiệp trả quả theo phận sự

a) Janakakamma, Tạo Tác Nghiệp. Nghĩa là nghiệp đưa đi sanh (nơi đây ý nói sanh làm người, còn bốn nơi kia, nơi ác đạo có một ý nghĩa khác hơn). Tạo tác nghiệp đưa chúng sanh, sanh vào thai bào của mẹ. Nghiệp nầy rất mạnh nhưng chỉ có quyền trả quả trong vòng 49 ngày, nghĩa là từ ngày thọ sanh vào lòng mẹ tới ngày thứ 19, đó là trong vòng của Tạo tác nghiệp trả quả, chỉ có khi nào có một nghiệp nào sức mạnh mới có thể chen vào được, mà nếu Nghiệp chen vào làm cho hư thai trong khi ấy là nghiệp ác, chớ không phải thiện. Nghiệp vào diệt được Tạo tác nghiệp ấy gọi là Upacchedakakamma, có nơi cũng gọi là Upaghatakakamma nghĩa là Chuyển tấn nghiệp. Bắt đầu từ ngày 50 trở đi là hết quyền hạn của Tạo tác nghiệp.

Tạo tác nghiệp có thể ví như người mẹ sanh ra con rồi để con cho vú em nuôi. Nói cho dễ hiểu hơn, Tạo tác nghiệp chỉ có phận sự là đưa đi sanh khi sắp nên hình là hết phận sự, còn thêm thân thể ra sao thì những nghiệp kế tiếp.

Còn nếu nói nghiệp này đưa về cõi trời, địa ngục, ngạ quỉ, a-tu-la, súc sanh thì Tạo tác nghiệp chỉ đưa tới nơi sanh rồi thôi, không nói là phải có phận sự bao nhiêu ngày, tháng cả. Sau ấy tùy theo những nghiệp đã tạo hưởng hay bị vui khổ tùy theo nghiệp tiếp theo sau. Xin xem ba chi kế tiếp đây.

b) Upatthambhakakamma, Trợ Tiền Nghiệp: nghĩa là giúp vào nghiệp trước đang trả quả. Nếu nghiệp trước là thiện nghiệp đang cho người sang giàu sung sướng. Trợ tiền nghiệp nầy giúp vào làm cho càng sang giàu thêm lên. Bằng nghiệp trước đang trả quả mà Trợ tiền nghiệp giúp vào thì người ấy đang nghèo khổ ít càng nghèo khổ thêm hơn nữa.

Nếu trợ tiền nghiệp này bắt đầu vào trả quả sau ngày 50 trong thai bào. Như ngày 50 Thiện nghiệp chen vào trả quả được để tạo cho người có tứ chi ngũ quan đầy đủ, nghiệp nầy thêm vào tạo cho người ấy nhãn quang tươi sáng tốt đẹp, bốn điều kia cũng vậy. Nhưng nếu khi ấy mà nghiệp ác chen vào trả quả thì Trợ tiền nghiệp xen vào làm cho ngũ quan ấy như mắt thì mù lòa hay lé v.v... nghĩa là làm cho xấu.

Nhưng cái tội làm cho ngũ quan xấu đẹp ấy từng người tạo. Như người bị đui, mù, lé thì do nơi người ấy khi còn sanh tiền hay háy quích những người có đức hạnh, hoặc đâm đui mắt thú. Bốn điều sau tùy nghiệp ác như mắt vậy.

Nhược bằng sanh vào ba đường khổ là địa ngục, ngạ quỉ, a-tu-la thuộc về hàng quá sanh, khi sanh lên có hình hài đầy đủ, nên trợ tiền nghiệp vào trả quả làm cho khổ sở tùy theo nghiệp đã tạo trong kiếp này.

Nếu được sanh về cõi trời cũng thuộc vào hạng hóa sanh, nếu khi sanh lên đã có hình thể đầy đủ. Trợ tiền nghiệp chỉ vào cho thêm sự hạnh phúc an vui mà thôi. Riêng sanh vào cảnh súc sanh thì cũng có ý nghĩa như sanh làm người. Cũng tùy theo nghiệp thiện ác tạo ra hình thể.

Tóm lại, Trợ tiền nghiệp cũng có hai là Trợ tiền nghiệp Thiện và Trợ tiền nghiệp Ác. Trợ tiền nghiệp nầy chỉ đi theo con đường vạch sẵn của nghiệp trước chớ chính nó không chen lấn vào trả quả chi hết.

c) Upapilakakamma, Ðương Tấn Nghiệp: có nghĩa là Nghiệp nầy thường chống đối với nghiệp đang trả quả. Như nghiệp đang trả quả là ác nghiệp, Ðương tấn nghiệp là thiện nghiệp từ từ tiến vào đánh đuổi ác nghiệp kia dang ra, để thiện nghiệp trả quả. Ðây là ví dụ: như người đang bị bịnh nặng, đây là ác nghiệp đang trả quả, bỗng dưng gặp được vị bác sĩ có tài chữa cho khỏi bịnh. Hoặc người đang nghèo khó lại được sự giúp đỡ của một người nào làm ăn trở nên khá. Hay có dịp may chi đó trở nên giàu có.

Bằng như người đang giàu có, sang trọng, nhưng bị tai nạn gì đó như làm ăn thua lỗ, làm cho hết tiền hết của, mà cái hết này từ từ, chớ không phải một ngày một buổi. Vì vậy nên gọi là nghiệp vào từ từ đánh đuổi nghiệp trước.

Chuyện nầy chắc quý vị đã thấy trên trường đời nhiều rồi tôi khỏi phải giải nhiều.

Tóm lại, Ðương tấn nghiệp là nghiệp vào đánh đuổi nghiệp trước đang trả quả phải thua và tự mình vào đảm nhiệm để trả quả.

d) Uppacchedakakamma, hay cũng gọi Upaghatakakamma, Chuyển Tấn Nghiệp: có nghĩa là nghiệp nầy đoạn tuyệt nghiệp trước ngay lập tức. Chuyển tấn nghiệp có khác hơn Ðương tấn nghiệp, Chuyển tấn nghiệp vào là diệt ngay lập tức nghiệp trước để tự mình trả quả. Còn Ðương tấn nghiệp thì đánh đuổi từ từ chứ không đủ sức diệt liền lập tức. Tóm lại là 2 cái nghiệp, một cái có đủ khả năng lực diệt ngay nghiệp đang trả quả để vào trả quả. Còn một cái kia thì không đủ khả năng diệt ngay lập tức, mà từ từ đẩy lùi nghiệp trước để mình trả quả.

Thiết tưởng cũng nên nhắc lại tích của Ông Trưởng giả Cấp cô độc trong Pháp-cú kinh, đoạn Papavagga (nói về tội).

Ông Trưởng giả Cấp cô độc là người Thiện nam và cũng là Ðại thí chủ trong Phật-đạo. Ông dám đem vàng ra trải hết một vườn xoài của Kỳ đà Thái tử để mua đất làm chùa Kỳ viên. Vì sự làm phước của ông rất mạnh, nên ngày kia ông bị nghèo đến nổi ăn cơm tấm với dưa rau mướp chua mà thôi.

Ðức Thế-Tôn biết rõ tình trạng gia đình của ông nên ngày nọ, Ngài phán hỏi: Nầy ông Trưởng giả, Ông vẫn còn bố thí chớ?

- Bạch hóa Ðức Thế-Tôn, sự bố thí ấy vẫn còn, nhưng không cao thượng, chỉ cơm tấm với dua rau mướp.

- Nầy ông trưởng giả, Ông đừng nghĩ rằng sự bố thí không cao quý. Sự bố thí đã cúng dường đến chư Thánh Tăng, nhất là Phật, thì không thể gọi là không cao quý được. Khi Như Lai còn là một vị Bà-la-môn bố thí cho tất cả người trong cõi Diêm phù, người trong thời ấy khỏi phải làm ruộng. Nhưng khi ấy ta không gặp được nơi đáng cúng dường cao quý, nghĩa là không ai Tam qui ngũ giới. Thật ra, sự cao quý là bậc Thánh nhơn rất khó tìm gặp được. Vì vậy, người đừng nghĩ rằng "Ta bố thí không cao quý".

Khi ấy, có một vị chư thiên ở trên ngạch cửa tại nhà ông Trưởng giả Cấp cô độc lấy làm bực mình, khi Ðức Thế-Tôn và chư Thánh-Tăng ngự vào nhà ông. Vì chư Thánh-nhơn nhất là Ðức Thế-Tôn ngự đến nơi nào, chư thiên không thể nào ở trên cao hơn Ngài được. Vì vậy nên vị chư thiên ấy lấy làm bực nên mới nghĩ: Ta phải nói sao cho ông Trưởng giả nầy đừng cho chư Tăng, nhất là Ðức Thế-Tôn vào nhà nầy nữa, nhân cơ hội hôm nay ông đã nghèo, ta nhân cớ nầy thuyết phục ông ta, làm cho ông ta nghe theo ta.

Ðợi đến khuya, vị chư thiên ấy mới hiện đến vào phòng Ông Trưởng giả hào quang chiếu sáng.

Ông Trưởng giả hỏi: Ai đó?

Chư thiên đáp: Ông Trưởng giả, tôi là chư thiên ngự tại ngạch cửa thứ tư trong nhà ông, đến đây để bảo ông một chuyện.

- Vậy ông cứ nói, tôi nghe đây.

- Ông Trưởng giả, Ông không để ý xem đến vị lai của ông hay sao, ông đã phí tiền cho giáo pháp của ông Sa-môn Cồ-đàm. Giờ đây, ông đã trở nên nghèo khó mà cũng vẫn còn chưa kịp thôi phí tiền. Khi ông còn tiếp tục làm như vậy, thì chừng khoảng đôi ba ngày nữa ông sẽ không có cơm ăn, không có áo quần đã mặc. Vậy ông cần được gì với ông Cồ-đàm ấy. Ông nên bỏ sự cúng dường ấy, rồi ráng làm việc khác và thu tiền lại.

- Chư thiên, có phải đây là lời của ông muốn giáo huấn tôi?

- Thưa ông phải.

- Vậy, xin ông hãy đi ra khỏi nhà tôi ngay bây giờ. Người như ông, cả muôn người, cả triệu người cũng không thể làm cho tôi rung động được. Ông nói chuyện không đáng nói. Tôi có cần gì vị chư thiên như ông ở trong nhà tôi. Vậy ông nên ra khỏi nhà nầy lập tức.

Ông Trưởng giả là bậc Thánh-nhơn hạng Tu-đà-hườn, người có đức rất trọng, nên lời nói của ông thật là có oai lực rất lớn, nên khi ông đã đuổi thì vị chư thiên ấy không thể nào ở được. Phải ra đi lập tức. Vị chư thiên ấy lấy làm khổ sở vì không thể tìm ra được một chỗ ở nào khác. Ông nghĩ: Ta không thể biết làm sao để Ông Trưởng giả tha thứ. Ông liền đến hỏi ý kiến của các vị chư thiên có oai đức trọng vọng hơn nhưng không có vị nào có thể có oai lực, hay ý kiến gì giúp ông được. Ông hỏi đến Tứ đại Thiên-vương cũng không có ý kiến nào hết. Ông liền đến cõi Ðạo-Lợi để hỏi Ðức Ðế-Thích, xin Ngài cho ý kiến hay làm sao để ông Trưởng giả tha lỗi.

Ðức Ðế-Thích dạy: Chính tôi cũng không dám đến xin lỗi hay yêu cầu ông Trưởng giả được, nhưng có phương thế cứu ông được, ông phải hiện ra làm thâu ngân viên của ông Trưởng giả, lấy giấy nợ đi đòi tiền người còn thiếu 18 tỷ vàng, đem để vào kho ông, xong rồi người phải đi mò 18 Tỷ vàng ở dưới đại dương, của nầy không có chủ, rồi để vào kho cho ông ta. Xong rồi người hiện vào xin lỗi ông. Vị chư thiên ấy vâng lời hành theo.

Khi công việc hoàn thành, vị chư thiên ấy hiện vào phòng ông Trưởng giả xin ông tha lỗi. Ông trưởng giả bằng lòng tha nhưng ông phải đưa vị chư thiên ấy vào hầu Phật để xin Ðức Thế-Tôn tha lỗi.

Ðức Thế-Tôn tha lỗi và dạy: Nầy ông Trưởng giả, người làm tội ở cõi nầy hằng thấy rằng: Tội ấy tốt, vì khi tội ấy chưa trả quả. Khi trả quả thì mới trông thấy đó là khổ.

Ðức Thế-Tôn liền thuyết câu kệ:

Papopipassati Bhakaram.
...
Athabhadro Bhadrãni Passati (Câu kệ này dài đến tám hàng, đây tôi viết tắt)

Nghĩa: Thật ra người làm tội, vì nhìn thấy tội ấy đẹp tốt, trong khi nó chưa trả quả. Nhưng khi nó trả quả thì họ mới nhận thấy là xấu xa đê tiện. Còn người làm việc lành hằng thấy rằng: Nghiệp thiện ấy xấu, trong khi mà nghiệp ấy chưa trả quả. Nhưng khi mà nghiệp lành ấy trả quả, thì khi ấy người mới thấy quả thiệt ấy rất đẹp quí.

Theo tích nầy để cho quí vị thấy rằng: Nghiệp và trả quả cho ông Trưởng giả đang nghèo trở nên giàu sang lại lập tức, đây rõ là Chuyển Tấn Nghiệp.

Tóm lại nếu Chuyển Tấn Nghiệp Thiện có năng lực đưa ta được sang giàu một cách đột ngột hay rất lẹ.

Còn nếu Chuyển Tấn Nghiệp là Ác, thì nó cũng sẽ làm cho suy sụp mất hết tài sản hay quyền chức một cách không tưởng tượng được, như bị cháy nhà, hoặc chìm ghe v.v... hoặc bị chết bất đắc kỳ tử.

3. Nghiệp Trả Quả Theo Thứ Tự

Nghiệp trả quả theo thứ tự nghĩa là Nghiệp nào nặng thì trả quả trước, nhẹ hơn thì tuần tự trả quả sau. Có nghĩa là: Khi Nghiệp mà ta mới làm đây, nhưng nó là nghiệp mạnh hơn thì nó trả quả trước cũng có.

a) Garukamma, Ðại nghiệp cũng có chỗ gọi là Trọng Nghiệp. Theo ý kiến riêng tôi, tiếng Trọng Nghiệp đúng hơn. Vì tiếng Garu có nghĩa là Nặng, nghiệp này tùy trường hợp mà trả quả. Nếu nghiệp mà người tạo ra bị trả quả liền trong kiếp hiện tại này thuộc Hiện Nghiệp, nếu nó trả quả kiếp thứ nhì thì thuộc về Hậu Nghiệp.

Nghiệp này nếu là Thiện thì chỉ người đắc Thiền từ Sơ thiền Hữu sắc đến Tứ thiền Vô Sắc. Người giữ được Thiền đến ngày lâm chung thì kiếp kế này chắc chắn là sanh vào cõi Phạm Thiên một cõi nào tuỳ theo khả năng của Thiền mà mình đang có.

Nếu nghiệp này là nghiệp ác là người bị phạm vào Ngũ nghịch đại tội, hoặc trả trong kiếp này hay kiếp kế đó. Người này chắc chắn phải sanh vào cõi khổ là Ðịa ngục.

b) Bahulakakamma, cũng có chỗ gọi là Acinnakamma, Trường Kỳ Nghiệp: nghĩa là nghiệp này người tạo mãi mãi một việc làm, mặc dầu là không phải Trọng Nghiệp, nhưng cứ tạo mãi thành càng ngày càng chồng chất lên thêm, lâu ngày cũng thành nhiều. Nên hiểu câu nói: Tạo mãi mãi một việc làm đây, có hai ý nghĩa là:

- Cứ làm một tội, chẳng hạn làm hàng heo hay hàng bò, một công chuyện ấy làm đi làm lại mãi.

- Làm tội gì chẳng hạn nhưng không phải là Ngũ nghịch đại tội, mặc dầu tội ấy nhỏ nhưng cũng trả quả. Nhưng nơi đây ngụ ý nói: làm một chuyện nhưng làm hoài.

Nơi đây tôi xin nhắc lại tích của người làm hàng bò, tích này có trong Pháp cú kinh đoạn Malavagga (nói về Phiền não).

Tại thành Sãvatthĩ (Thất-la-phiệt) có người làm hàng bò trót 55 năm. Trong thời gian 55 ấy, người hàng bò ấy không làm một chuyện phước thiện nào mặc dầu thật nhỏ. Người hàng bò này có tật là không có thịt bò là không chịu ăn cơm. Ngày nọ anh trao cho vợ một miếng thịt như mọi ngày, để vợ anh làm vật thực cho anh. Cũng trong ngày ấy có người cùng xóm có khách đến bất thình lình không có vật thực đãi khách nên đến nài thịt, thịt bò ở hàng hết nên cô phải đến nhà cô bạn hàng thịt để xin mua, cô thấy miếng thịt đó, lấy ngang đem về làm món ăn.

Khi người hàng thịt bán xong về, thấy trên mâm cơm không có thịt bò, hỏi vợ mới biết không có. Y đi luôn ra sau chuồng bò níu lấy lưỡi bò ra cắt lấy cái lưỡi đem vào biểu vợ làm món ăn; khi làm cơm xong, người hàng thịt lên cầm lấy miếng thịt lưỡi để vào miệng, lưỡi của anh hàng bò rớt ra lập tức, như bị người cắt ra; ấy là nghiệp mà anh đã làm 55 năm hôm nay đã đến với anh. Anh ta phải khổ sở, la cả ngày như vậy, người ai ai cũng tưởng anh đang làm bò nên bò la như vậy.

Tích này chỉ cho thấy: Mặc dầu tội ấy không phải là trọng tội nhưng khi tạo mãi mãi nhiều ngày, tháng, năm thì cũng có thể trả quả một cách đáng sợ lắm vậy.

c) Asannakamma. Cận Tử Nghiệp hay Cận Nghiệp. Nghĩa là nghiệp làm trong lúc sắp lâm chung. Bất cứ nghiệp ấy thiện hay ác mà người tạo ra trong lúc sắp lâm chung, nghiệp ấy ăn sâu vào tâm người sắp chết, mặc dầu nhỏ hay ít nhưng nó lại trả quả trước.

Ví như một chuồng bò nhỏ, nhốt nhiều con thật chật mà lại bỏ đói khát nhiều ngày. Chúng đợi mở cổng là chen nhau ra. Có lắm khi con bò già, nhưng nhờ may mắn nó lại được đứng gần cổng, khi người mở cửa là nó chen ra được liền. Cận nghiệp ví như con bò già yếu kia được đứng gần cổng nên ra được. Cận nghiệp được trả quả trước vì nó đứng gần nơi sắp lâm chung. Nơi đây thiết tưởng cũng nên nhắc lại tích của con ông Trưởng giả keo kiệt tên Matthakundalĩ trong Pháp cú kinh đoạn Yamakavagga.

Tại thành Thất-la-phiệt (Savattĩ) có một ông Trưởng giả tên Adinnabubbaka (nghĩa là từ bao giờ đến bao giờ không khi nào biết làm một việc phước thiện nào cả). Vì vậy nên người ta gọi ông ta là Trưởng giả Keo Kiệt. Ông có một đứa con trai, rất cưng muốn cho con đeo vàng nhưng sợ tốn công, nên lấy vàng quấn lại cái vòng cho con đeo, nên con ông được tên là Matthakandalĩ có nghĩa là chiếc vòng trơn. Khi con ông bịnh, không dám để trong nhà sợ thân bằng quyến thuộc đến thăm, họ sẽ ăn trầu uống nước làm hao tốn, nên đem con ra cho nằm ở hàng ba, không dám rước thầy hốt thuốc cho con uống, đi hỏi thăm thuốc, các vị lương y chỉ thuốc không nhầm bịnh, nên bịnh không thuyên giảm mà càng trầm trọng lên.

Ngày ấy, Ðức Thế Tôn xem thấy duyên lành của Ông Matthakundalĩ và gia đình ông Trưởng giả keo kiệt ấy. Nên Ðức Thế Tôn ngự đến người con ông Trưởng gia đang nằm vai mặt vào vách, nên không thấy Ðức Thế Tôn, Ðức Thế Tôn mới dùng thần thông hiện rõ hình Ngài ở trên vách, với hào quang sáu màu rực rỡ. Ông Matthakundalĩ đang đau nặng nhưng khi thấy hào quang ấy biết rõ là Ðức Phật đến độ ông; ông tự nói: ta là đứa con vô phước, nên có người cha không thông minh bổn xẻn, không vào hầu Phật Ngài là đấng cao cả, Ngài là vị Thiên-nhơn Sư, thật Ngài là một đấng Tôn-Nghiêm như thế này mà ta không được phụng sự hay cúng dường đến Ngài, hoặc giả nghe lời giảng dạy của Ngài. Hôm nay ta bịnh nặng, tay chân không thể cử động được nữa, ta không còn làm gì khác hơn là dùng Tâm trong sạch nơi Ngôi Tam Bảo mà thôi. Ông Matthakundalĩ chỉ dùng Tâm trong sạch với Phật bảo.

Ðức Thế Tôn hiểu thấu rõ lòng của Matthakundalĩ đã trong sạch với Ngài. Ngài nghĩ: Như Lai ngự đến đây, chừng này đã đủ làm lợi ích cho con của Trưỏng giả lắm rồi. Ngài liền ngự đi khất thực nơi khác.

Nhờ sự trong sạch với Phật bảo nên sau khi Ðức Thế Tôn vừa ngự đi nơi khác ông tắt thở, được sanh về cõi Ðạo Lợi. Ông được ở trong một tòa lâu dài thật là nguy nga tráng lệ cao ba mươi do tuần (mỗi do tuần là 16 cây số ngàn). Ông có cảm tưởng như người vừa tỉnh cơn mộng. Tích này có rất dài, nhưng tôi chỉ sơ lược đoạn này để chỉ ra Cận nghiệp nghĩa là nghiệp làm trong lúc sắp lâm chung dầu là nhỏ hay ít nhưng gần hơn nên trả trước.

Vì vậy, thường khi tín đồ Phật giáo có bịnh nặng thường hay rước chư Tỳ-khưu đến đọc kinh. Theo ý nghĩa không phải là nhờ đọc kinh ấy được sanh về Trời mà nhờ đọc kinh ấy cho người bịnh nghe và để Tâm bám vào lời kinh hầu suy nghĩ cho thấy đời là Vô thường, khổ não vô ngã đừng mến tiếc việc đời. Làm cho Tâm trong sạch để làm thiện nghiệp gọi là Cận Nghiệp. Xin quý vị đừng nghĩ đọc kinh ấy hầu cầu xin được phước để sanh về cõi an vui.

Còn người, khi sắp lâm chung, không tạo ra được cận nghiệp hoặc thiện hay ác, thì tùy theo nghiệp thiện ác khác mà người đã tạo hoặc trong kiếp này, hay bao nhiêu kiếp quá khứ về trước đến trả quả. Khi người sắp lâm chung sẽ nhìn thấy nghiệp mình hiện ra. Phạm ngữ gọi cái Nghiệp hiện ra cho người thấy ấy là Kammanimitta dịch là Nghiệp Mộng, Ý nói nghiệp ấy hiện ra cho người thấy như một cảnh mộng. Khi nghiệp hiện ra làm cho người kinh sợ la khóc ấy là thấy ác nghiệp gọi là Khổ Kiến. Còn như người sắp lâm chung tươi tỉnh không kinh sợ chi hết là người thấy thiện nghiệp mà cái thấy ấy gọi là Lạc Kiến. Còn nơi mà người sắp đi sanh gọi Kiến Mộng, Gatinimitta.

Ta thường thấy người sắp chết nằm mê mang. Khi ta thấy vẻ mặt họ kinh sợ la hoảng không nhìn biết người nào hết, ta nói rằng người ấy đang mê. Sự thật là người ấy đang trông thấy Khổ Kiến do nghiệp mà họ đã tạo ra.

d) Kattatãkamma, hoặc Vô Ý Nghiệp. Có nghĩa là nghiệp làm không chú ý đến, ý nói làm chớ không có tác ý gì hết. Khi làm cũng không chú ý rằng: làm việc này có phước hay có tội chi hết. Vì vậy nên khi Nghiệp trả quả một cách bất ngờ, mà người cũng không biết được.

Tôi xin nhắc lại Túc sanh truyền tiền thân của Ðức Từ phụ Thích Ca Mâu-ni. Khi ngài còn là vị Ðại Bồ Tát tên Suvannasama.

Ðức Bồ Tát tên Suvannasama sanh làm con của 2 ông bà Ðạo sĩ tu hành rất tinh tấn, giới hạnh trang nghiêm, nhưng cả hai ông bà đều bị mù lòa. Ðức Ðại Bồ Tát là người chí hiếu lo phụng dưỡng cha mẹ già rất chu đáo. Kể từ ngày, Ngài lớn lên lo giúp từ việc nhỏ đến lo việc lớn. Ngài thường đi đào khoai, hái trái, và múc nước về nuôi cha mẹ già. Ngài là người niệm Tâm từ rất đúng mực, nên khiến cho những con thú ấy ở vùng rừng của Ngài đang cư ngụ, không giết hại nhau, và khi Ngài đi đâu chúng theo bên Ngài như loại thú nhà.

Ngày nọ Ðức Bồ-Tát Suvannasama mang bình đi múc nước ở bờ ao, khi Ngài đi, thì nào là sư tử, hùm, beo, sói, thỏ v.v... theo bên Ngài, lủ trước, lủ sau, đùa giỡn không hề sợ hhau. Cũng trong ngày ấy, có một đức vua tên Yakkha đi săn, trông thấy cảnh tượng phi thường như vậy lấy làm lạ, Ngài nghĩ thật là chuyện phi thường. Ông nghĩ vậy đợi cho Ðức Ðại Bồ Tát đưa cái bình ấy lên đầu đội đem về. Ngài liền bắn một mũi tên trúng vào hông của Ðức Ðại Bồ Tát, trong khi Ngài bắn, cũng chẳng có chủ định gì hết chỉ bắn vậy thôi.

Khi Ðức Ðại Bồ Tát bị mũi tên, Ngài cảm thấy đau khổ vô cùng, nhưng cố gắng chịu, và từ từ để bình nước xuống, ngã day đầu về hướng tư thất của cha mẹ rồi mới nghĩ rằng: Trong khu rừng này, ta và cha mẹ không hề gây oán thù với ai, chắc có kẻ thù ở nơi nào khác, ta muốn thấy mặt người thù ấy. Nghĩ xong Ngài mới gọi to lên: Ai bắn tôi? Nhằm khi tôi để duôi quên niệm lòng Từ. Người bắn tôi đây là vua chúa, hay người đi săn, hay người đi buôn, hoặc người nấu bếp. Da thịt tôi, xương tôi, không có lợi ích gì cho các người, tại sao lại bắn giết tôi? Tại sao bắn tôi mà lại lánh mặt? Tích này rất dài, nhưng tôi chỉ rút ra một đoạn nói về nghiệp mà thôi.

Khi Ðức Thế Tôn thuyết Túc-sanh Truyện này xong, Ðức Thế Tôn dạy: Sở dĩ mà Ðức Ðại Bồ Tát bị bắn như vậy vì có một kiếp nọ Ngài sanh làm Thái Tử, nên Ngài phải học văn võ. Ngài học được nghề bắn rất tài. Khi học xong Ngài muốn thử tài mình nhưng không biết bắn vật gì, Ngài ngó lên trên đọt cây có một cái bông nhỏ, Ngài nghĩ: Nếu bắn nơi khác sợ trúng chi hay con thú khác, thôi bắn vào cái nhụy hoa này coi có trúng đích không? Ngài bắn trúng ngay nhụy hoa. Sự làm không có tác ý muốn hại nhân vật nào hết. Nhưng trong nhụy hoa ấy có một con sâu. Con sâu ấy chết vì việc làm vô ý thức ấy. Khi Ngài Ðại Bồ Tát bị Ðức Vua bắn cũng không có tác ý ác, mà lại bắn đúng vào Ngài vô ý không niệm lòng Từ.

Nhắc tích này lại để thấy rằng: Mặc dầu nghiệp làm vô ý thức nhưng nếu có dịp cũng chen vào trả quả chứ không tha. Hơn nữa nơi đây muốn nhắc lại rằng: Nghiệp vẫn rình theo bên ta, đợi có cơ hội là trả quả ngay, thiện và ác cũng đều rình để trả quả, nhưng người đời hằng bị Nghiệp ác trả quả luôn, nên thấy khổ dồn dập đến cho, chớ ít thấy Phước, hay sự an vui. Xin quí vị dùng Trí tuệ tự quan sát lấy mình coi, từ khi sanh ra đến khi coi đến đoạn kinh này, vậy quí vị đã nhìn thấy mình làm những gì trong thời gian qua. Vì vậy, khi biết mình chưa làm đủ việc lành thì hãy nên mau mau đào tạo thiện căn, đừng để cho nghiệp ác theo kịp. Khi nghiệp ác theo kịp khó mà thoát ly được.

Viết đến đoạn này tôi còn nhớ 15 năm trước đây Ông Phán Bút có hỏi tôi một câu mà bao giờ tôi cũng vẫn nhớ bên tai, mặc dầu ông đã ra người thiên cổ. Ông hỏi: Tại sao hằng vạn người lại cùng bị chung một tai nạn, một lúc, một cách, như vụ cháy nhà ở vùng Bàn Cờ. Nơi đây hằng vạn người không có nhà ở?

Tôi có đáp: Vì Cộng Nghiệp. Tiếng Cộng nơi đây ý tôi muốn nói là Cùng Nhau, Chung Nhau, Với Nhau. Cộng Nghiệp đây có nghĩa là những nạn nhân ấy trước kia cùng tạo một nghiệp giống nhau, hay hợp nhau lại làm một việc. Hoặc làm riêng biệt nhau nhưng việc làm giống nhau như đốt ổ ong, hay phá ổ chim, hoặc đốt ổ kiến v.v... Quí vị hãy coi việc làm của người giống nhau không ít, như đốt rừng, đồ tể v.v... Tuy làm nơi khác nhau, thì giờ khác nhau. Nhưng đồng một việc làm một tác ý vì vậy nên những người ấy lại cùng sanh lại ở gần nhau và chịu nghiệp như nhau. Quí vị chắc không quên tính giòng Thích Ca bị Thái Tử Vidodabha tiêu diệt. Ðức Thế Tôn dạy: Ðó là Cộng Nghiệp là làm nghề chài lưới.

Tưởng nói về Cộng Nghiệp cũng nên nhắc lai chuyện của 7 vị Tỳ khưu trong Pháp Cú kinh, đoạn Pãpavagga (nói về Tội).

Tích này như vầy. Khi Ðức Thế Tôn ngự tại Kỳ viên Tịnh xá của Trưởng giả cấp cô độc. Có 7 Thầy Tỳ-Khưu ở xa muốn về hầu Phật để thính pháp. Một buổi chiều nọ, các thầy có đến một cảnh chùa xin vào nghỉ tạm một đêm, sáng ngày tiếp tục lên đàng. Chùa ấy có một cái hang có 7 chỗ nghỉ ngơi cũng vừa cho Bảy vị vừa đến. Vị Sư trưởng ở nơi ấy cho 7 vị vào nghỉ trong hang.

Khi ngủ đến nửa đêm, bổng dưng có một tảng đá to từ trên núi cao rơi, lăn xuống, đậy đúng ngay miệng hang của 7 vị Tỳ-khưu xin nghỉ nhờ ấy. Chư Tỳ-khưu ở chùa ấy hội nhau lại và nói rằng: Chúng ta có cho 7 vị Tỳ-khưu tha phương đến ngụ trong hang này bổng dưng có chuyện như vầy, tảng đá đã đậy kín miệng hang. Chúng ta phải cại tảng đá ấy ra cho kỳ được. Các ngài liền hội tất cả người trong 7 làng gần đó đến cái tảng đá ấy ra. Bên trong 7 vị Tỳ-khưu cũng ráng hết sức mình đẩy ra, nhưng dẫu làm thế nào tảng đá cũng chẳng lay chuyển.

Bảy vị Tỳ-khưu ấy chịu đói khát hằng 7 ngày thật là khổ. Ðến ngày thứ bảy tảng đá ấy tự động lăn đi nơi khác. Bảy thầy được thoát chết. Nghĩ rằng: Tội của chúng ta đây ngoài đấng Giác Ngộ thì không có ai biết được. Chúng ta phải bạch hỏi Ngài.

Khi đến nơi hầu Phật xong, liền bạch lại những chuyện đã xảy đến cho các thầy khi đi đường. Ðức Thế Tôn mới dạy rằng: Trong lúc quá khứ có 7 đứa bé chăn bò gần thành Bãrãnasĩ, thường đuổi bò đi ăn mỗi nơi một ngày. Ðúng 7 ngày thì đáo lại chỗ cũ. Ngày nọ đang cho bò ăn, có một trong 7 người ấy thấy con Kỳ đà liền rượt đập. Kỳ đà sợ quá chung vào một gò mối hoang gần ấy, gò mối ấy có 7 cửa hang ra vào, 7 người ấy không có vật gì cuốc để bắt Kỳ đà ra, nên có ý kiến là kiếm đồ bít miệng hang lại, để ngày mai đem cuốc ra cuốc bắt kỳ đà. Ðến sáng lại quên đi, đến 7 ngày sau thì mới đào lại chỗ cũ. Thấy gò mối mới nhớ đến Kỳ đà. Các người ấy liền lại lấy đồ đấp miệng hang ra. Bảy ngày đói khát khổ sở. Kỳ đà không còn sợ chết nữa liền bò ra. Bảy người ấy thấy Kỳ đà ốm gầy liền thương hại, mới bàn với nhau rằng: Thôi, chúng ta chẳng nên giết nó làm gì, nó đã bị đói khát 7 ngày rồi, 7 ngài đồng lòng thả, nên đùa với Kỳ đà và nói: Thôi, ngươi hãy đi đi, xin cho người được an vui.

Bảy đứa bé trong quá khứ ấy, không sanh bị vào địa ngục, vì không giết con Kỳ đà. Nhưng 7 đứa bé bị đói khát như thế ấy đến kiếp này đã 14 kiếp. Nầy các thày Tỳ-Khưu, nghiệp ấy 7 thầy đã tạo ra ở kiếp trước.

Khi ấy các thầy Tỳ Khưu bạch hỏi Ðức Thế Tôn: Bạch hóa Ðức Thế Tôn, chúng sanh đã tạo ác nghiệp không giải thoát được, dầu hay lên hư không, vào ở trốn trong núi, cũng chẳng thoát khỏi sao?

Ðức Thế Tôn dạy: Sự thật là vậy, tất cả mọi nơi kể cả trên hư không, khi mà có người ở rồi thì không thế nào chạy khỏi ác nghiệp mà tự đã tạo.

Ngài liền dạy:

Người đã tạo ra ác nghiệp rồi dầu có trốn trong hư không cũng không thoát khỏi sự xấu. Trốn giữa biển sâu cũng không tránh khỏi ác nghiệp, vào giữa núi cũng không khỏi. Không có một nơi nào để ngươi trốn thoát được tội lỗi.

Trong Tạng Kinh Bộ Samyutanikãya, đoạn Sãlay Tanavaga, bài Kinh Kammasutta có dạy:

Nầy các thầy Tỳ-Khưu, Như Lai sẽ thuyết Nghiệp mới, và sự diệt tắt Nghiệp, sự hành để diệt hết nghiệp. Các thầy hãy nghe đây. Như Lai sẽ dạy đây. Này các thầy Tỳ-Khưu, Nghiệp cũ là gì? Này các thầy Tỳ-Khưu, các bực Trí thức thấy rằng: Nghiệp cũ là do nơi các pháp cấu tạo rồi, và kết quả nghiệp của ấy do nơi Tác Ý, đó là nơi cư ngụ của Thọ ở mắt, mũi, thân, tâm. Các bực Trí thức biết đó là Nghiệp, do nơi nhân duyên ấy cấu tạo. Này các Thầy Tỳ-Khưu đây là Nghiệp cũ.

Này các thầy Tỳ-Khưu, Nghiệp mới ấy là chi? Nghiệp mới là sự tạo ác do nơi thân, khẩu, ý hiện tại đây. Nên gọi là Nghiệp Mới.

Này các thầy Tỳ-khưu. Sự dụi tắt được nghiệp mới ấy là thế nào? Diệt và giải thoát là sự dụt tắt thân, khẩu, ý gọi là sự dụt tắt Nghiệp mới.

Này các Tỳ-khưu. Hành thế nào để diệt dụt tắt được nghiệp? Bát Thánh đạo có Chánh kiến v.v...

Này các thầy Tỳ-khưu, đây Như Lai gọi là hành và nhân dụi tắt được Nghiệp.

Này các thầy Tỳ-khưu, Nghiệp cũ, nghiệp mới, sự dụi tắt Nghiệp và sự hành để diệt tắt Nghiệp Như Lai đã dạy các thầy như thế ấy. Ðiều nào, Như Lai là vị Giáo chủ, đã tìm sự lợi ích vĩnh viễn là người giúp chư đệ tử, vậy các vị hãy cố hành theo những sự việc mà Như Lai đã giảng dạy. Này các thầy Tỳ-khưu, kia là cội cây vắng vẻ, nọ là tư thất thanh tịnh, các thầy hãy cố gắng đừng dể duôi, không nên để còn có sự ân hận, đây là lời giảng giải của Như Lai.

-oOo-

[Chương trước][Mục Lục][Chương Kế]


[Trở về trang Thư Mục]