BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Triết lý về Nghiệp
Hoà thượng Hộ Tông


  

Thiên III

-ooOoo-

VẤN ĐỀ NGHIỆP (tiếp theo)

 

2.1 Nghiệp Phân Hạng Người

Thuở kia, Đức Thế Tôn ngự trong Kỳ Viên tịnh xá của ông Trưởng giả Cấp Cô Độc, gần thành xá Vệ.

Thuở ấy, có gã thanh niên con ông todeyya (Bà-la-môn) đến lễ Phật rồi bạch hỏi rằng:

- Bạch Đức gotama, cái chi là nhân là duyên làm cho nhân loại thấp hèn và cao sang khác nhau, nghĩa là cớ sao, có người:

1- Yểu thọ -- 2- Trường thọ
3- Nhiều bệnh -- 4- Ít bệnh
5- Có nhan sắc đáng ghét -- 6- Có dung mạo đáng yêu
7- Có quyền thế thấp -- 8- Có quyền thế cao
9- Nghèo khổ -- 10- Giàu có
11- Thấp hèn -- 12- Cao sang
13- Ngu dốt -- 14- Khôn ngoan

Đức Thế Tôn đáp:

- Này người thanh niên! Chúng sinh đều có nghiệp là của họ, là người thụ quả, có nghiệp tạo ra, có nghiệp là dòng dõi, có nghiệp là nơi nương tựa. Nghiệp hằng phân hạng người hèn, kẻ sang như vậy.

Người thanh niên (subhamaanaba) không thể hiểu pháp mà Ngài giảng đại khái được, bèn bạch, cầu Ngài thuyết rọâng thêm. Đức Thế Tôn liền giảng rằng:

1) Này thanh niên! Có hạng người trong thế gian này, không lòng trắc ẩn, hay sát sinh hại vật, sau khi thác hằng sa trong ác đạo, bằng không, tái sinh làm người yểu tử. Đấy là pháp hành làm cho người chết non.

2) Người có tâm từ bi, tránh sát sinh hại mệnh, chết rồi được sinh lên trời, nếu không, trở lại làm người trường thọ. Đấy là pháp hành làm cho người được sống lâu.

3) Người hành hạ đánh đập chúng sinh, thác rồi phải sa trong ác đạo, nếu không, trở lại làm người, thì nhiều bệnh hoạn. Đấy là pháp hành làm cho người nhiều bệnh tật.

4) Người không hành hạ chúng sinh, thác rồi hằng đến nhàn cảnh, bằng không, tái sinh làm người thì ít bệnh hoạn. Đấy là pháp hành làm cho người ít bệnh.

5) Người hay giận, bất bình, chết rồi sinh trong ác đạo, bằng không tái sinh làm người có dung mạo đáng ghét. Đấy là pháp hành làm cho người xấu xí.

6) Người ít nóng giận, thác rồi được sinh trong nhàn cảnh, nếu không, tái sinh làm người có sắc xinh đẹp.

7) Người ganh tị, thác rồi sinh trong ác đạo, nếu không, trở lại làm người thấp hèn. Đấy là pháp hành làm cho người ít quyền thế.

8) Người không ganh ghét, chết rồi được sinh trong nhàn cảnh, bằng không, trở lại làm người có quyền to thế lớn.

9) Người không bố thí, nhất là cơm nước.. . đến các bậc tu hành.. . thác rồi đọa trong ác đạo, nếu không, sinh lại làm người ít của cải. Đấy là pháp hành làm cho người ít của.

10) Người hay bố thí, như cho thực phẩm.. . đến nhà tu hành.. . thác rồi được sinh trong nhàn cảnh, bằng không, trở lại làm người giàu có. Đấy là pháp hành làm cho người trở nên phú túc.

11) Người hay ngoan cố, kiêu căng, không lễ bái, tiếp rước, không mời ngồi, không nhường đường, không cúng dường, không kính trọng bậc xứng đáng như cha mẹ, thầy tu.. . chết rồi phải sa trong ác đạo, nếu không trở lại làm người đê hèn thấp kém. Đấy là pháp hành cho sanh trong dòng dõi đê hạ.

12) Người không hay ngoan cố, không kiêu căng, thường lễ bái, đón tiếp, mời ngồi, nhường đường, cúng dường đến bậc xứng đáng, thác rồi được sinh trong nhàn cảnh, nếu không, tái sinh làm người có gia thế cao sang. Đấy là pháp hành làm cho người sinh trong quý tộc.

13) Người nào không tìm bậc chân tu, bạch hỏi rằng: thế nào là lành là dữ.. . chết rồi phải sa trong ác đạo, bằng không, sinh lại làm người ngu ngốc. Đấy là pháp hành làm cho người dốt nát.

14) Người nào hay tìm bậc Sa môn, Bà-la-môn để bạch hỏi rằng: cái chi là phước là tội.. . thác rồi được sinh trong nhàn cảnh, bằng không, trở lại làm người có trí tuệ.

Chú Thích: Trong kinh có chia các nhân tính ấy ra làm bảy loại thiện, theo họa đồ dưới đây, để xem cho dễ hiểu.

NHÂN DỮ

CHO QUẢ KHỔ 

NHÂN LÀNH

CHO QUẢ VUI

1- Sát sanh

Yểu tử

Không sát sanh

Trường thọ

2- Hành hạ người

Nhiều bệnh

Không hành hạ người

Ít bệnh

3- Hay sân

Dung mạo đáng ghét

Ít sân

Sắc đẹp

4- Hay ghen tỵ

Quyền thế nhỏ

Ít ganh tỵ

Quyền thế to

5- Hay keo kiệt

Ít của cải

Hay bố thí

Giàu có

6- Kiêu căng

Dòng dõi hèn

Không kiêu căng

Gia thế cao quý

7- Không tìm bậc học thức

Ngu độn

Hay tìm bậc học thức

Có trí thức

  

2.2 Nghiệp đen, nghiệp trắng

Thuở kia, Đức Thế Tôn ngự trong xứ Koliya, đến châu quận Haliddavasana.

Thuở ấy có người Pu.n.nakoliyaputta hành đạo như loài bò và Seniyaacelaka tu như loài chó, cùng nhau đến hầu Đức Thế Tôn, rồi Pu.n.nakoliyaputta bạch hỏi rằng:

- Bạch Ngài, Seniyaacelaka đây hành như loài chó, dùng thực phẩm mà người để trên đất, tu đã lâu không khuyết điểm như thế, vận mệnh của hắn sẽ ra sao? Cõi mà hắn sẽ thụ sinh trong kiếp sau sẽ thế nào?

Đức Thế Tôn ngăn không cho Pu.n.nakoliya hỏi đến ba lần, sau rốt Ngài đoán trước rằng:

- Này Pu.n.na! Có người trong đời này, tu hạnh như chó lâu ngày, không khuyết điểm, hành như chó và tâm quyết định như thế, có bộ tịch như chó, hành đạo không thiếu sót, sau khi chết sẽ sinh trong loài chó, nếu người ấy có ý kiến độc đoán rằng: ta sẽ làm một vị trời có nhiều quyền thế hoặc một vị trời nào, do thái độ mà mình đã thọ trì. Như thế sự hiểu biết của họ là sai lầm, thì số mệnh của họ chỉ có hai, là: địa ngục hay là cầm thú.

Khi Đức Thế Tôn đã dự đoán như vậy, seniyaacelaka liền khóc ròng và đồng thời bạch rằng:

- Tôi không phải khóc vì lời dự đoán ấy, nhưng bởi thấy rằng tu hạnh như loài chó mà tôi đã thực hành từ lâu, không khuyết điểm, là rỗng không, chẳng có lợi ích chi cả.

Tiếp theo Seniyaacelaka bạch hỏi đến số mệnh tương lai của Pu.n.nakoliyaputta tu hạnh như loài bò, Đức Thế Tôn ngăn, không cho hỏi đến ba lần, sau rồi Ngài tiên đoán như đã giải, khác nhau là người tu hạnh loài bò, sẽ phải sinh trong loài bò.

Pu.n.nakoliyaputta được nghe xong cũng khóc than như Seniyaacelaka, rồi cầu Đức Thế Tôn giảng đạo cho hai người dứt bỏ tu hạnh loài chó và loài bò.

Đức Thế Tôn bèn thuyết rằng:

- Này Pu.n.na! Bốn thứ nghiệp Như Lai giảng đây, người nên thấy rõ bằng trí tuệ cho thấu chân lý là:

1- Nghiệp đen có kết quả đen
2- Nghiệp trắng có kết quả trắng
3- Nghiệp đen lẫn trắng có kết quả đen lẫn trắng
4- Nghiệp không đen không trắng có kết quả không đen không trắng.

Khi đã thuyết đầu đề như thế rồi, Ngài giảng tiếp rằng:

- Này Pu.n.na! nghiệp đen có kết quả đen là thế nào? Này Pu.n.na! Trong đời có hạng người làm hại kẻ khác bằng thân, khẩu, ý sau khi thác họ sẽ sa trong khổ cảnh, chịu nhiều nỗi đớn đau rên siết, chỉ phải thọ khổ trăm bề, như chúng sinh trong địa ngục. Đấy là vì nghiệp ác đã tạo. Họ tạo nghiệp nào thì chịu khổ vì nghiệp ấy, như thế. Sự kết quả của nghiệp hằng hình phạt họ.

- Này Pu.n.na! Như lai gọi rằng: chúng sanh là người kế thừa của nghiệp tức là thụ quả của nghiệp. Cách thụ quả của nghiệp đến như vậy.

- Này Pu.n.na! Nghiệp trắng có kết quả trắng như thế nào?

- Này Pu.n.na! Trong đời không có hạng người không làm hại chúng sinh bằng thân, khẩu, ý, họ sẽ đến cõi ít khó khăn, như vậy, họ sẽ có sự tiếp xúc tình cảnh không nông nổi, rồi sẽ được an vui như Chư thiên vậy.

- Này Pu.n.na! Sự động tác của thân, khẩu, ý, không làm khổ kẻ khác, Như Lai gọi là nghiệp trắng có kết quả trắng.

- Này Pu.n.na! Nghiệp đen lẫn trắng có kết quả đen lẫn trắng là thế nào?

- Này Pu.n.na! Trong đời có chúng sinh dùng thân, khẩu, ý, hãm hại chúng sinh cũng có, không hãm hại cũng có, như vậy họ sẽ đến cõi khó khăn cũng có, không gặp cảnh khốn khổ cũng có, họ sẽ chịu khổ cũng có, không mang tai cũng có, nghĩa là có khổ lẫn vui.

- Này Pu.n.na! Khi có thân, khẩu, ý, ác lẫn thiện như vậy. Như Lai gọi là nghiệp đen lẫn trắng, có kết quả đen lẫn trắng.

- Này Pu.n.na! Nghiệp không đen không trắng ra sao?

- Này Pu.n.na! Trong tất cả ba loại nghiệp: nghiệp đen có kết quả đen, nghiệp trắng có kết quả trắng và nghiệp đen lẫn trắng có kết quả trắng, và nghiệp đen lẫn trắng có kết quả đen lẫn trắng, tác ý suy nghĩ ngoài ba nghiệp ấy. Như Lai gọi là nghiệp không đen không trắng, có kết quả không đen không trắng, tức là không tạo nghiệp nữa.

- Này Pu.n.na! Bốn loại nghiệp ấy, Như Lai đã tự mình thực hành phân minh bằng trí tuệ cao siêu, rồi phổ độ chúng sinh cùng được thấy rõ.

Khi đã thuyết xong Pu.n.nakoliyaputta hoan hỉ tán dương thời pháp và xin thọ quy giới làm cận sự nam.

Phần Seniyaacelaka cũng thọ quy giới và xin xuất gia theo Phật giáo. Đức Thế Tôn thuyết tiếp đến Tạng Luật rằng: những người đã quen tu theo ngoại đạo, trước phải chịu phạt cấm phòng bốn tháng, rồi mới có thể xuất gia được, nhưng Seniyaacelaka bạch xin chịu phạt cấm phòng đến bốn năm. Do nhân này, Seniya mới được xuất gia tại chỗ ngụ của Đức Thế Tôn, không phải bị phạt cấm phòng.

Không lâu, Seniya cố thực hành Chánh pháp đạt A-la-hán quả, thoát ly sinh tử luân hồi.

 

2.3 Năm Pháp Mà Chúng Sinh Khó Được

Thuở kia, Đức Thế Tôn ngự trong Kỳ Viên tịnh xá của trưởng giả Cấp Cô Độc gần thành Xá Vệ.

Khi ấy ông trưởng giả Cấp Cô Độc vào tịnh xá hầu Phật, Đức Thế Tôn giảng rằng:

- Này ông trưởng giả! Các pháp mà chúng sinh mong mỏi, hài lòng, nhưng họ rất khó được trong đời là:

1- Tuổi thọ
2- Sắc đẹp
3- An vui
4- Quyền thế
5- Cõi trời

- Này ông trưởng giả! Như Lai không gọi chúng sinh được năm pháp ấy bằng sự khẩn cầu, van lơn. Nếu được theo sự nài xin nguyện vọng, thì ai trong đời này, có sự thất vọng, thốn thiếu vật chi?

- Này ông trưởng giả! Các hàng thánh thinh văn mong được sống lâu, sắc đẹp, an vui, quyền thế và cõi trời, họ không cầu khẩn, vui thích với tuổi thọ, sắc đẹp.. . ấy dù họ có thực tiễn pháp hành cho sinh sự trường thọ, sắc đẹp an vui, sức mạnh và cõi Trời.

Đức Thế Tôn giảng tiếp rằng:

- Những bậc minh triết hằng tán dương người mong được trường thọ, sắc đẹp, quyền cao, danh vọng, cõi trời, được sinh trong nhà quý tộc, nhưng họ không cẩu thả, trong sự bỏ dữ về lành. Các hàng minh triết, hằng cẩn thận rồi được hai lợi ích là:

1- Lợi ích trong kiếp này.
2- Lợi ích trong đời tương lai.

Vì được hai lợi ích ấy, nên bậc trí thức thường thốt rằng: người có trí tuệ là bậc minh triết.

Chú thích: Trong kinh này, Ngài thuyết về năm pháp:

1- Sống lâu
2- Sắc đẹp
3- An vui
4- Quyền thế
5- Cõi Trời

Tất cả phàm nhân đều mong năm nguyện ước ấy, nhưng họ nan đắc và sự được ấy cũng không phải được bằng cách van xin rằng: cho tôi được sống lâu, sắc đẹp.. .vì nếu cầu mà đắc thì có ai là người thiếu thốn vật gì?

Người được năm pháp ấy, cần phải có tạo nhân lành, hợp với sự mong muốn. Pháp hành cho phát sinh tuổi thọ... có thuyết để trong các kinh, như có tích:

1)- Có nàng công chúa sumanaa bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng:

- Hai Thinh văn của Ngài có đức tin ngang nhau, song một vị được vật dụng theo lẽ đã rồi đem dâng đến Tỳ khưu khác, còn vị kia không cho chi cả, hai vị này thác rồi sinh lên cõi Trời hoặc làm Người được hạnh phúc khác nhau hay giống nhau?

Đức Thế Tôn đáp:

- Hai Thinh văn ấy sẽ khác nhau, nghĩa là vị bố thí vật dụng, khi sinh làm Trời hay Người hằng cao sang hơn vị kia, do năm quả báo là sống lâu, sắc đẹp, an vui, quyền thế trên cõi Trời hay trong thế gian.

2)- Trong kệ ngôn anumodana có dạy: Aayudo balado dhiio.. .

Sự cho cơm nước là nhân sinh sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh.

Tóm tắt rằng: sự bố thí, trì giới là pháp hành cho quả sống lâu.. . Trong kinh Ngài dạy chớ nên lãnh đạm trong việc lành, vì sẽ được thụ quả theo sở nguyện, tức là được các lợi ích: sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh.

1.- Bố thí không sát sinh sẽ được giàu có, sống lâu. . .
2.- Ít sân, không bất bình sẽ có sắc đẹp.
3.- Phụng dưỡng cha mẹ, cúng dường các bậc tu hành cho đến làm những việc vô tội sẽ được an vui.
4.- Không thiên vị sẽ được quyền thế.
5.- Hành chánh pháp (thân, khẩu, ý) liêm khiết sẽ được lên trời.

 

2.4 Dhammasamadana - Pháp Tạo Bốn Nghiệp

Trong majjhimanakaaya Mulaapa.n.nasaka, Đức Thế Tôn có giảng thuyết về sự thực hành bốn nghiệp là:

1- Có thứ nghiệp cho quả khổ trong hiện tại và trong nghiệp kế tiếp.
2- Có thứ nghiệp cho quả khổ trong hiện tại, những quả vui trong tương lai.
3- Có loại nghiệp cho vui trong hiên tại, quả khổ trong tương lai.
4- Có loại nghiệp cho vui trong hiện tại và vui trong tương lai.

Loại nghiệp MỘT: là tạo nghiệp ác bằng tâm không thừa nhận (bị động). Khi tạo nghiệp như thế sẽ chịu quả khổ, như người tạo nghiệp ác bị bắt buộc.

Loại nghiệp HAI: là tạo nghiệp bằng tâm tình nguyện phải chịu cực nhọc trong lúc làm, nhưng sau sẽ được quả vui, như người ưa thích hành thiện pháp, cho đến khi được thụ quả, chịu khổ lúc khởi đầu rồi sẽ hưởng hạnh phúc về sau.

Loại nghiệp BA: là tình nguyện làm nghiệp dữ mà được thỏa thích trong thuở đầu, sau nghiệp ác cho quả, thì phải chịu khổ, như người tự ý làm dữ, bắt đầu vui rồi phải chịu khổ về sau.

Loại nghiệp BỐN: là ưng thuận làm nghiệp lành, thì hằng được vui theo sở nguyện, như người tự ý làm lành được thụ quả vui về sau.. .

-ooOoo-

Chương trước | Ðầu trang | Mục lục | Chương kế


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 03-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

update: 14-03-2001