BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Triết lý về Nghiệp
Hoà thượng Hộ Tông


  

Thiên VIII

-ooOoo-

 NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO CŨNG DO NGHIỆP

Có tích ghi chép trong Kinh Vaasetthasuutra Majjhima- niikayaa Majjhima-pa~nnaasaka rằng:

Có hai thanh niên VaasetthamaanabaBhaaradvaajamaanaba trò chuyện và phản đối nhau như vầy: Vaasetthamaanaba cho rằng: người có giới đức và đầy đủ hạnh kiểm gọi là Bà-la-môn.

Bhaaradvaajamaanaba thấy rằng: người quý tộc cả hai bên (cha và mẹ) trong sạch đến bảy đời, không có ai phản đối, khiển trách được về dòng dõi, người ấy mới gọi là Bà-la-môn.

Nhưng cả hai không thể đồng ý thừa nhận về vấn đề ấy, bèn dẫn nhau vào hầu Phật nơi một cụm rừng, gần xóm Juhaanamgaha, rồiø Vaasetthamaanaba bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng:

- Bạch Phật, hai chúng tôi đây là người được giáo sư xác nhận là hạng học thức và tự mình cũng xét nhận là có học thức. Bạch Phật tôi là đệ tử của Pokakharasaati Bà-la-môn, thanh niên này (Bhaaradvaajamaanaba) là môn đồ của Tarukakha Bà-la-môn, chúng tôi đã học đủ Tam Phệ Đà (Trayabheda)( [1] ) và thấu triệt đạo lý Bà-la-môn. Nhưng hai chúng tôi không đồng ý thừa nhận nhau về vấn đề như sau:

- Bạch Ngài, Bhaaradvaajamaanaba nói rằng người được gọi là Bà-la-môn do dòng dõi, còn tôi, bạch Ngài, cho rằng được bằng nghiệp. Bạch Ngài, chúng tôi chưa tìm được người giải nghi, nên chi, chúng tôi đến hầu Ngài để cầu hỏi Đức Thế Tôn, là đấng Chánh biến tri rõ rệt, những kẻ được lễ bái Đức gotama, hằng sáng tỏ như vầng trăng trong đêm rằm.

Hai chúng tôi cầu hỏi Đức gotama là bậc có tuệ nhãn đã giáng thế chân chính trong đời. Bạch Đức gotama người được gọi là Bà-la-môn ấy, được bằng dòng dõi hay bằng nghiệp, xin Ngài giải cho hai chúng tôi là hạng chưa thông hiểu, cho chúng tôi quán triệt theo lẽ phải. Đức Thế Tôn đáp:

- Này Vaasettha, Như Lai dự đoán những điều ấy, chia chủng tộc chúng sanh theo thứ tự cho thấy rõ rằng dòng giống có tình trạng khác nhau. Các người nên hiểu tất cả chủng loại( [2] ) nảy nở đều dính với đất, dù có lỏi bên ngoài, da bên trong là loại cỏ (Tinajaati) hoặc cây có lỏi bên trong da bên ngoài gọi là (Rukkhajaati). Các loại ấy dù không có phận sự hiểu biết trả lời, thệ nguyện rằng chúng ta là loại cỏ, "chúng ta là loại cây" được. "Song tính"( [3] ) của loại cỏ và loại cây cũng kết quả theo giống là nhân cho biết rằng các loại có tình trạng khác nhau. Các ngươi hãy hiểu rằng loại không dính đất, vượt khỏi đất được, đấy là những loại có thức tính, có sinh mệnh, có hình thể vi tế như ong, muỗi, kiến đen, kiến vàng, tính của chúng cũng thành tựu theo loại, là nguyên nhân cho biết rằng tất cả các loại đều có trạng thái khác nhau.

Lại các ngươi nên hiểu những thú bốn chân nhỏ lẫn lớn, tính của chúng cũng thành tựu theo loại.

Có loại bò, trườn v.v. tính của loại ấy cũng thành tựu theo loại.

Các ngươi nên hiểu rằng thủy tộc là loại ở trong nước, tính của chúng cũng thành tựu theo loại.

Tính của các chủng loại ấy thành tựu theo loại, có rất nhiều như thế.

Tính trong loại người thành tựu theo loại, như thế, không có, là: không quan hệ đến như tóc không quan hệ đến đầu, không quan hệ đến cả hai tai, không quan hệ đến hai mắt, không quan hệ đến mặt, không quan hệ đến mũi, không quan hệ đến hai môi, không quan hệ đến hai lông mày, không quan hệ đến cổ, không quan hệ đến hai vai, không quan hệ đến bụng, không quan hệ đến xương sống, không quan hệ đến xương hông, không quan hệ đến ngực, không quan hệ đến chỗ hẹp, không quan hệ đến hai tay, không quan hệ đến hai chân, không quan hệ đến mười ngón, không quan hệ đến mười móng, không quan hệ đến hai phần trước của ống quyển, không quan hệ đến màu da, không quan hệ đến tiếng, là thành tựu theo dòng dõi, trong các kiếp nữa thế nào, phần trong thân thể của người như thế không được. Vì trong loại người họ gọi tư thể( [4] ) theo tên.

- Này Vaasettha! Trong loại người, kẻ nào làm việc chăn nuôi bò để dưỡng sinh, ngươi hãy hiểu rằng kẻ ấy là nông dân, không phải là Bà-la-môn.

- Này Vaasettha! Ngưòi nào nuôi mệnh bằng sự làm việc khó nhọc hầu hạ kẻ khác, ngươi hãy hiểu rằng ấy là người phục dịch, không phải là Bà-la-môn.

- Này Vaasettha! Kẻ nào trộm cắp của người, ngươi hãy hiểu rằng: đó là đạo tặc, không phải là Bà-la-môn.

- Này Vaasettha! Ngưòi nào nuôi mệnh bằng võ khí, ngươi hãy hiểu rằng đó là quân nhân, chiến sĩ, không phải là Bà-la-môn.

- Này Vaasettha! Người nào để hỏi ý kiến hoặc giùm góp ý kiến giúp cho một kẻ khác, ngươi hãy hiểu rằng, đó là cố vấn, không phải là Bà-la-môn.

- Này Vaasettha! Người nào thống trị một nước, ngươi hãy hiểu rằng, đó là Đức vua, không phải là Bà-la-môn.

Như Lai không gọi là Bà-la-môn những người sinh ra từ đâu hoặc từ người nào, mặc dù người ấy mong tìm sự tấn triển( [5] ) vì người ấy vẫn còn ô trọc, không tinh khiết là nguyên nhân khiến người phải lo âu phiền muộn. Như Lai tuyên bố rằng, người không ô nhiễm( [6] ) là không có mưu kế lo ngại, không có phiền não là lòng cố chấp, ấy là Bà-la-môn.

Như Lai phát biểu rằng, người ngay thật, đoạn tuyệt tất cả thúc phược phiền não( [7] ) (Samyojana) được rồi không bối rối băn khoăn lo lắng, đã vượt qua phiền não, đã lìa khỏi võ khí bó buộc rồi là Bà-la-môn.

Như Lai cho biết rằng, người đã cắt đứt ác tâm (Upanaana) cùng ái dục (Tanhaa) và mối nhân duyên( [8] ), được giác ngộ rồi là Bà-la-môn.

Như Lai phát biểu rằng, người không làm thiệt hại, có tâm nhẫn nhục với lời chửi mắng do sự hành ác của kẻ dữ, rằng là Bà-la-môn.

Như Lai nói người không biết giận có giới trong sạch đã tự hóa rồi, rằng là Bà-la-môn.

Như Lai gọi người không quyến luyến trong dục cảnh như nước không đọng trên lá sen rằng là Bà-la-môn.

Như Lai gọi người hiểu pháp, diệt khổ của mình trong kiếp hiện tại, đã liệng bỏ vật nặng rồi rằng là Bà-la-môn.

Như Lai gọi người có trí tuệ thực hành theo trí nhớ, sáng suốt trong phương pháp lợi và hại và đã được lợi ích đến mức cùng tột rằng là Bà-la-môn.

Như Lai gọi người không chung chạ cùng các gia chủ không liệt vào hạng xuất gia có dính mắc trong ngũ dục có sự ham muốn ít, là Bà-la-môn.

Như Lai gọi người không sát sinh, không xúi kẻ khác sát sinh, không làm hại chúng sinh, có tâm kiên cố, rằng là Bà-la-môn.

Như Lai gọi người không giận bị kẻ đổ lỗi cho mà nhịn được, khi kẻ khác cố chấp thế này thế kia, mà chính mình là người không câu nệ rằng là Bà-la-môn.

Như Lai gọi người đã diệt tham, sân, si được như bụi cát không dính vào lưỡi gươm rằng là Bà-la-môn.

Như Lai gọi người thốt lời ngay thật và êm dịu cho kẻ khác hiểu lẽ phải là Bà-la-môn.

Như Lai gọi người không trộm của cải dù dài hay vắn, nhỏ hoặc lớn, tốt hay xấu rằng là Bà-la-môn.

Như Lai gọi người đã thoát ly sự thèm khát trong đời này và trong cõi sau rằng là Bà-la-môn.

Như Lai gọi người đã đắc pháp bất diệt theo thứ tự rồi, là người không thương tiếc vì người đã thấu triệt rồi, rằng là Bà-la-môn.

Như Lai gọi người không còn than van rên siết, dứt hẳn bụi trần rồi, đã vượt qua hai pháp thúc phọc tức là phước và tội, rằng là Bà-la-môn.

Như Lai gọi người đã dứt hẳn pháp nhơ nhuốc (Maladina) như vầng trăng ra khỏi đám mây, xán lạn là người trong sáng cao siêu, không dơ đục, không có sự khoái lạc trong cõi đời nữa, rằng là Bà-la-môn.

Như Lai gọi người đã vượt qua vô minh như kẻ bị mắc bùn lầy khó triệt thối( [9] ) được, là người qua khỏi rồi, đến bờ kia rồi, có sự trầm tư mặc tưởng, vô ái dục, không còn sự ngờ vực, không câu nệ, con người đã dập tắt rồi, rằng là Bà-la-môn.

Như Lai gọi người đã được diệt dục là bậc xuất gia, không nhà ở, không dục vọng và dứt luân hồi rồi, rằng là Bà-la-môn.

Như Lai gọi người đã vượt qua và diệt ái dục dứt sự thèm khát rồi là bậc xuất gia, không trị gia, không còn dục vọng và hết luân hồi rằng là Bà-la-môn.

Như Lai gọi người ấy đã bỏ ngũ dục, mối bận bịu của hàng gia chủ đã thoát ly phiền não rằng là Bà-la-môn.

Như Lai gọi người bỏ sự yêu thích, và sự giao hợp, người vô tư lự thản nhiên không còn quyến luyến ái mộ cảm tình rằng là Bà-la-môn.

Như Lai gọi người hiểu biết sự sanh tử của chúng sanh hoàn toàn vô ngại đã đến nơi an lạc rồi, giác ngộ rồi rằng là Bà-la-môn.

Như Lai gọi người mà chư Thiên, Càn Thát Bà và nhân loại không biết rõ được Gati( [10] ).. Người chẳng còn lậu phiền não là bậc A-la-hán, rằng là Bà-la-môn.

Như Lai gọi người không có phiền não làm bận lòng phía trước, phía sau và khoảng giữa là người thản nhiên bất câu( [11] ) rằng là Bà-la-môn.

Như Lai gọi bậc vô song đáng lựa chọn, có tinh tấn, người tầm đạo đức cao siêu, đã thắng tối thượng rồi, là người bất động, đã tắm rửa sạch rồi, giác ngộ rồi, rằng là Bà-la-môn.

Danh hiệu thông thường ấy chỉ là lời đàm thoại trong đời mà thôi, do nhân nào?

Chỉ vì danh và tộc, đầu tiên là biệt hiệu mà thân quyến của người có tên tuổi, dòng họ đã xác định, lúc người ấy sinh ra, rồi phỏng gọi nhau truyền khẩu thành ý hiểu độc đoán, không biết mình. Khi đã quên mình thì đem nhau kêu gọi là Bà-la-môn, là được theo dòng dõi như vậy.

Khi Đức Thế Tôn thuyết rằng danh và tộc chỉ là phỏng đoán nhau theo câu chuyện thường, vừa để hiểu nhau trong tạm thời, như thế rồi Ngài giảng về sức thấy hiệu quả của nghiệp rằng: "ai là thế nào cũng do nghiệp" như dưới đây:

Người là hạng hèn chẳng phải do huyết thống. Người là Bà-la-môn chẳng phải do dòng dõi. Người là hạ tiện cũng vì nghiệp, hạng Bà-la-môn cũng vì nghiệp, nông phu cũng bởi nghiệp. Bậc có giới đức cũng tại nghiệp, thường nhân cũng do nghiệp, công nhân cũng tại nghiệp; đạo tặc cũng bởi nghiệp; quân nhân cũng vì nghiệp; cố vấn cũng bởi nghiệp; đế vương cũng tại nghiệp. Những bậc minh triết về thuyết Thập nhị duyên khởi, quán triệt trong nghiệp và sự kết quả của nghiệp thấy rõ được nghiệp ấy theo chân lý rằng: đời hằng thực hành theo nghiệp, chúng sinh thường thực hành theo nghiệp; chúng sinh bị điều buộc trói ràng rịt cũng vì nghiệp như cây nêm ngăn chận xe đang chạy. Song được là Bà-la-môn cũng do nghiệp xuất chúng là:

Tapa : tu hành nghiêm khắc.
Brahmacariya: phạm hạnh.
Sa~n~nama: tự chế tự hóa.
Dama: chinh phục tình dục.

Bốn nghiệp siêu nhân( [12] ) Này mà người thực hành đầy đủ bằng trí tuệ để đàn áp được phiền não, hết sinh tử luân hồi. Này Vaasettha! Ngươi hãy hiểu rằng, người mà được gọi là Bà-la-môn theo các nhà học thức nhận thấy là được bằng nghiệp như thế.


( [1] ) Tam tạng Bà la môn giáo.

( [2] ) Chủng loại: loài giống của sự vật.

( [3] ) Song tính: giống đực, cái.

( [4] ) Tư thể: trạng thái của động tác biểu hiện ra bề ngoài như đứng ngồi.

( [5] ) Tấn triển: tiến tới, mở mang.

( [6] ) Ô nhiễm: dính dơ, bẩn thỉu, cái xấu xa.

( [7] ) Phiền não buộc trói trong nẻo luân hồi.

( [8] ) Nhân duyên: như nhân quả.

( [9] ) Triệt thối: rút lui, rút về.

( [10] ) Gati: nơi mà chúng sinh phải đi lai sinh.

( [11] ) Bất câu: không câu nệ.

( [12] ) Siêu nhân: vượt lên trên cả người thường.

-ooOoo-

Chương trước | Ðầu trang | Mục lục | Chương kế


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 03-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

update: 14-03-2001