This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font

Tùy Duyên Bất Biến

Minh Tâm


Sau khi đau lòng phải rời bỏ quê hương để tìm tự do trên khắp năm châu, dù ở trong các trại tạm cư trên hoang đảo hoặc vùng hẻo lánh hoang vu, các Phật tử Việt Nam đều cố gắng tạo một ngôi chùa hoặc Niệm Phật đường để cùng nhau thờ phụng, lễ bái, cầu nguyện, giải quyết nhu cầu tinh thần. Do đó, hiện nay đã có hàng trăm cảnh chùa Việt Nam xuất hiện khắp nơi.

Các Phật tử mong ước có được những ngôi chùa rộng rãi, khang trang, tượng Phật to lớn, đẹp đẽ, với cổng tam quan, với mái cong vút tượng trưng cho văn hóa dân tộc. Nhưng ở hải ngoại đầy vật chất, máy móc, đời sống ích kỷ vội vàng, làm sao tạo dựng được những cảnh chùa lý tưởng như vậy. Ða số dân tỵ nạn đều tay trắng, đi làm chỉ đủ ăn, lại sống rải rác, lấy đâu ra tiền mà xây chùa? Thôi thì đành thuê tạm một ngôi nhà bé nhỏ hoặc vài phòng trong một cao ốc để sửa đổi thành một ngôi chùa, đáp ứng đòi hỏi cấp bách của vấn đề tinh thần. Tục ngữ Việt Nam có câu: "Chùa nát Phật vàng". Kinh Phật cũng dạy: "Phật tại tâm"; vậy không cần hào nhoáng bề ngoài, chúng ta cứ vui với hoàn cảnh địa phương hiện tại mà chấp nhận tình trạng vá víu này.

Chúng ta lập chùa, lập hội, thỉnh Thầy trụ trì, mong mỏi duy trì và phát triển đạo Phật cùng nền văn hóa dân tộc, để sau này con cháu có được chút di sản mà tuân theo, giữ gìn được phần nào những phong tục tập quán Việt Nam, đỡ bị mất gốc. Vì thiếu phương tiện tài chính, nhân lực và những điều kiện địa phương không cho phép chúng ta làm được những việc như ý muốn, nhưng các người con Phật đầy thiện chí đã tạo dựng được một số cơ sở chùa chiền, in thêm được kinh sách; trong những ngày lễ quan trọng như Phật Ðản, Vu Lan và những ngày Tết, đồng bào ta đã hoan hỉ kéo về chùa thật đông, trước là lễ Phật cầu nguyện, sau là gặp nhau vui vẻ chuyện trò.

Kinh Phật dạy có hai nguyên tắc quan trọng: Tùy Duyên và Bất Biến. Tùy Duyên là tùy hoàn cảnh, phương tiện, thời tiết mà thay đổi các chi tiết cho thích hợp. Còn Bất Biến là không được thay đổi những gì nòng cốt như giới luật, kinh điển, đạo hạnh, những điều này mà thay đổi thì không còn gì là Phật giáo nữa.

Chúng ta nên phân biệt rõ ràng đâu là phương tiện, đâu là mục đích. Phương tiện có thể thay đổi chứ mục đích thì bất di bất dịch.

Chúng ta có thể tùy duyên mà thay đổi ngày giờ làm lễ vào ngày thứ Bảy hoặc Chủ Nhật thay vì đúng ngày Rằm, sao cho phù hợp với hoàn cảnh địa phương khiến cho nhiều người có thể đến dự lễ được. Chúng ta có thể tùy duyên thực hành những nghi thức tụng niệm ngắn gọn bằng tiếng Việt để nhiều người hiểu và theo được, không tốn nhiều thì giờ. Chúng ta có thể tùy duyên mà dùng thêm ngoại ngữ (Anh, Pháp v.v...) để cho những thanh thiếu niên hiểu được dễ dàng hơn. Chúng ta có thể tùy duyên mở thêm lớp dạy tiếng Việt, tổ chức các buổi nói chuyện về văn hóa Việt Nam xen lẫn những buổi thuyết giảng về giáo lý Phật Ðà. Chúng ta có thể tùy duyên không thỉnh Ðại Hồng Chung trong đêm khuya để tránh lối xóm khiếu nại... Nói tóm lại, chúng ta có thể tùy duyên thay đổi những chi tiết để phù hợp với đời sống địa phương.

Nhưng có những điều không thể thay đổi được, gọi là Bất Biến. Ðó là những giới luật của Phật đặt ra, đó là những kinh điển của Phật đã dạy, đó là nếp sống thanh tịnh của người tu hành, đó là mục đích cao cả tự giác giác tha, hướng về giải thoát. Tỳ kheo có 250 giới, Tỳ kheo ni có 348 giới, Bồ Tát có 58 giới, cư sĩ có năm giới, không ai được vi phạm, dù ở không gian hay thời gian nào. Nếu một Tỳ kheo ăn mặn, uống rượu, dâm dục... thì không xứng đáng làm Trưởng tử của Như Lai, nên cởi áo mà về thế tục, đỡ mắc nợ đàn na thí chủ, đỡ gây thêm nghiệp chướng đọa lạc. Người cư sĩ tại gia mà sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, dùng các thứ say sưa thì không xứng danh Phật tử.

Sống ở nước ngoài, vàng thau lẫn lộn, mọi nấc thang giá trị cũ đều đảo ngược, vỡ nát tan tành, chỉ còn nếp sống đạo hạnh, giới đức trang nghiêm là xứng đáng được tôn trọng. Danh vị, chức tước, quyền thế chỉ là bề ngoài rỗng tuếch. Nếu tâm ý, miệng nói, hành động đều tốt đẹp như nhau thì mới thật đáng quý. Nhưng nếu chỉ khoác áo nhà tu mà phạm giới, dám nói là ở đâu theo đó, các Mục sư có vợ thì ta cũng lập gia đình, mọi người đi làm thì ta cũng đi làm, ở xứ lạnh uống chút rượu cho ấm bụng, ăn chút thịt cho đầy đủ chất bổ... mà quên bổn phận người xuất gia lãnh đạo tinh thần, thượng hoằng hạ hóa, thì ôi thôi còn gì là Phật giáo nữa. Vẫn biết ai tu nấy chứng, ai tội nấy mang nhưng thấy những người phạm giới đang đi vào địa ngục mà không khỏi thương hại.

Chúng ta cần tùy duyên thay đổi những chi tiết cần thiết để thích nghi với hoàn cảnh địa phương, tùy phương tiện mà tu hành, nhưng vẫn giữ vững mục đích bất biến là bảo tồn, phát triển đạo Phật, hướng về giác ngộ và giải thoát.

Nguyện cầu Ðức Thế Tôn soi sáng cho chúng sinh chóng thức tỉnh, ra khỏi u mê tội lỗi, được hết khổ, được an vui.

Minh Tâm
Trích "Tìm Phật ở đâu?", NXB Văn Nghệ, Hoa Kỳ.


Chân thành cám ơn anh Nguyễn Quang Trung đã có thiện tâm giúp đánh máy lại bài viết nầy