Buddhasasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font

Mẹ Tôi

Sư Bà Thể Quán


Mẹ mất đã năm năm, nhưng dư hương của mẹ đối với tôi như còn phảng phất. Ðường mai mẹ đi, phòng nhà mẹ ở, đâu đâu cũng còn ngát thơm mùi mẹ. Tôi biết rằng: 'Ái bất trọng bất sanh Ta bà, niệm bất nhất bất sanh Tịnh độ', nếu tôi còn lưu luyến về mẹ thì thật trái lời Phật dạy, tín hữu sẽ cho tôi nói làm bất nhất. Song mẹ con tôi hẹn nhau đã có chỗ, gặp gỡ đã có nơi:

Mẹ về Cực lạc ít năm thì
Từ giã Ta bà con cũng đi
Mẹ nhớ đón con bên nước Phật
Mẹ, con cùng dự hội Liên Trì.

Ðó, mẹ con tôi đâu còn trở lại Ta bà? Ở Cực lạc mà tu cho đến khi đắc lực rồi phân thân vô số để độ chúng sinh. Nay viết mấy lời 'Ðể lại cho vui' mà không nói về Mẹ một ít thì cái vui mất đi đến nửa. Và tôi nghĩ rằng, một ngày nào khi đủ duyên, tập sách nhỏ này đến tay quý vị, những vị nào đã gặp mẹ tôi lúc về già, dù chỉ một lần thôi, cũng thấy những gì tôi viết về mẹ không thêm một lời, không bớt một ý.

Mẹ ơi, sau khi trả con về cho cha, mẹ thật đã hy sinh chịu đau khổ cho con được sung sướng. Mẹ hòa tình thương con với thương bà ngoại làm một mẹ rất có hiếu. Khi ngoại mất, mẹ khóc kể: 'Mẹ ơi, con sáu lăm tối nằm với mẹ tám ba, mẹ nhường chỗ ấm cho con, thật là mẹ chín mươi thương con bảy chục'. Mỗi khi cúng cơm, mẹ thắp thuốc xoay trầu cho bà ngoại. Mẹ rất kính Phật trọng Tăng, nhưng nâu sòng chay lạt thì mẹ rầu lắm. Vì hiếu với ngoại, mẹ dùng chay theo ngoại mỗi tháng mười ngày. Những ngày đó mẹ rầu như bị phạt. Lúc tôi xuất gia, ăn trường trai, mẹ phục lắm, gọi bằng chị liền, mẹ bảo: 'Ăn chay được thì tôi cho là Phật sống rồi đó'. Mẹ là dân trời (hoàng tộc) nên mặc dù không giàu mà phong lưu, phục sức lụa là, mẹ ưa nem chả, gặp mấy ngày chay liên tục từ 28 đến mồng một, mẹ gọi là đi tàu suốt, buồn bã rã rời, thức cho đến 12 giờ khuya để ngã mặn. Lúc ngoại mất, mẹ gần bảy mươi, ở hương khói cho ngoại. Mẹ sợ nhất tôi rủ cụ lên chùa, nên đưa ra bài toán nan giải này: 'Tui là bà Thanh Ðề đây, nghiệp chướng nặng nề lắm, ưa mùi cá thịt tanh hôi, chị tu răng cho bằng ngài Mục Kiền Liên mới độ tui nổi'.

Ngoại mất hai năm thì ni sư CT bàn: 'Ngoại mất rồi, mệ một mình đơn chiếc, sư lên về hao tốn. Nếu sợ ở với chúng mệ mất tự do, thì sư làm một cái nhà nhỏ ngoài vườn dừa, rồi ngoại giao với lối xóm nhờ họ kho trách cá trách thịt, mệ ra đó ngã mặn thì may ra mệ lên chùa được'. Nghe pháp muội đưa ý kiến chí tình chí lý, tôi cám ơn đến trào nước mắt. Năm ấy tôi vừa ra quyển 'Hai lần ơn Mẹ' được 150 ngàn, tôi làm nhà ngay. Nhà xong, tôi tôn trí tượng Quan Âm và thọ trì tại nhà mới một bộ Pháp Hoa. Khai kinh ngày 20/7, sau khi giải hạ, đến 26 xong, tôi khuynh hết tấc thành cầu Phật Bồ Tát xui khiến cho mẹ phát tâm lên ở chùa. Nhưng, thật tình tôi cũng ngại, mẹ nhiều nghiệp chướng, mà mình tu hành chưa ra chi, chắc Phật cũng khó xử, vậy xin để tùy ý Phật.

Hoàn kinh xong, tôi về hầu mẹ, thưa: 'Ngày mai mẹ đi tàu suốt, con mời mẹ lên chùa, mấy cô nấu chay ngon lắm. Mẹ ở bốn ngày, chiều mồng một về, khuya ngã mặn. Mẹ lên thử bốn ngày coi, mấy cô mấy chị điệu ai cũng trong ngoại lên chơi cả, và mẹ có một cái nhà mới xinh xắn. (Khi làm nhà, tôi không thưa với mẹ để dành một ngạc nhiên)'. Mẹ suy nghĩ một lúc rồi dạy: 'Thôi, lên thì lên luôn cho rồi'. Nghe mẹ dạy tôi lạnh xương sống, nghĩ làm sao lại có chuyện ấy được? Tôi thưa: 'Không, mẹ chỉ lên ít ngày cho vui, qua bốn ngày chay rồi về lại, chớ lên luôn làm chi!'. Mẹ dạy: 'Không, tôi đã nghĩ kỹ, trên bảy chục rồi, ăn cá thịt đã đủ, Chị nói mụ Diên ra mời ông thợ cúp vô thế phát cho tôi, rồi tôi sửa soạn lên chùa luôn'. Lạy Phật, giờ đây viết lại đoạn này, tôi vẫn còn tưởng như là một giấc mơ. Phật lực Pháp lực thật bất khả tư nghì. Nhờ ơn Tam Bảo và diệu kế của pháp muội mà mẹ tôi được lên chùa một cách bất ngờ. Lạc nguyện của mẹ con tôi đã thành tựu.

Mẹ ở chùa một thời gian thì xảy biến cố Mậu Thân. Qua nhiều cơn kinh hãi, mẹ đâm ra lẩn thẩn đến nổi gọi tôi bằng mạ. Những chiều tôi đi giảng xa, mẹ thường bảo dì Diên: 'Mụ đi tìm mạ tui cho tui một chút'. Tôi chưa về kịp, mẹ ngồi khóc nước mắt ràn rụa làm cả chùa ai cũng rưng rưng theo. Mẹ quên đến độ ấy, mà lễ phép thì không quên, cô nào gọi mẹ cũng dạ. Trong chùa có một điệu tám tuổi, gọi: 'Cố ơi!', mẹ đáp 'Dạ ơi', điệu thương quá ôm hôn và dặn: 'Con là nhỏ nhất trong chùa, cố ơi chớ đừng dạ mà tội hí'. Mẹ tôi dạ một cái rầm, khiến ai cũng cười lăn. Mẹ đẹp lắm, và vô tư, nên ai cũng thương. Những ngày tôi đi vắng, chúng xúm lại chơi với mẹ, lấy bút chì đỏ bôi môi thoa má cho mẹ, hái hoa dại đeo tai cho mẹ. Mẹ mặc bộ com-lê mầu mỡ gà ngồi như pho tượng, chúng tha hồ làm chi thì làm, thấy mẹ đẹp như bà tiên. Làm đẹp xong họ nói: 'Gả mệ cho Diêm Vương hí?'. Mẹ dạ tỉnh bơ. Mấy chị em đặt cái nhà mẹ ở là 'quán gió', mỗi chiều họ xúm quanh mẹ chơi đùa. Các tín hữu đem đồ chơi biếu mẹ như làm quà cho con nít. Có bà biếu tấm ảnh quảng cáo nấm tông cú, vẽ cô gái đẹp, mẹ thích lắm, chơi với cô ta suốt ngày.

Một hôm tôi ngồi hầu, mẹ chỉ cô gái: 'Cô ni đẹp quá, mặt trái soan nì, lỗ mũi cao, con mắt thật xinh, miệng cười cũng đẹp mà hàm răng cũng đẹp nữa luôn'. Tôi chỉ tôi rồi thưa: 'Rứa mẹ nhìn xem cô ni với cô nớ, cô mô đẹp hơn?'. Mẹ nhìn tôi một lúc rồi cười chúm chím không đáp. Tôi hỏi: 'Mẹ coi cô mô đẹp hơn'. Mẹ trả lời tỉnh bơ: 'Dạ thôi đừng nói nữa'. Tôi biết mẹ khó trả lời, nên cố nài: 'Ðừng nói răng được, mẹ phải thanh toán vấn đề cho xong chớ'. Rồi tôi chỉ: 'Con mắt của cô ni với cô nớ ai đẹp hơn, lõ mũi cô nớ với cô ni ai đẹp hơn?' (tôi chỉ con mắt nheo nheo và lỗ mũi xẹp của tôi), 'và mẹ coi hàm răng của cô nớ và cô ni ai đẹp hơn?' (tôi chỉ hàm răng sún của tôi). Mẹ nghĩ một lúc rồi nói: 'Cô nớ đẹp mà không đẹp, cô ni không đẹp mà đẹp'. Rồi mẹ ôm tôi. Tôi đem câu chuyện ấy bạch quí ngài, quí ngài dạy: 'Bà cụ lẫn mà biện tài vô ngại, tui sáng suốt như ri mà hỏi rứa chắc tui nói cũng không được'.

Một hôm, khi chị em vây quanh, mẹ nói: 'Tui chừ không ưng chi cả, không thương ai cả!'.

Tôi hỏi:
-- Mẹ có thương con không?
-- Dạ không.
-- Mẹ có thương cháu không?
-- Dạ không.
-- Mẹ có thương tiền không?
-- Dạ cũng không.
-- Rứa mẹ có thương Phật không?

Mẹ nghĩ một tí rồi đáp:
- Dạ, người nớ thì thương lắm.

Qua năm Nhâm Tý, Quảng Trị chạy loạn vào Thừa Thiên, tôi bàn giao công việc cho pháp muội, hầu mạ vào Ðà Nẵng, Nha Trang rồi Phan Rang. Ðến đâu ai cũng thương, và ưa chơi với mẹ. Phòng mẹ lúc nào cũng có các ni cô và phật tử xúm lại nghe mẹ nói chuyện mà cười lăn. Mẹ đến thăm hai dì tôi, ở lại. Hai dì dâng rượu chúc thọ mẹ 82 tuổi, ca hát cho mẹ nghe. Mẹ ngồi từ bi tự tại không nói năng chi cả. Dì út ôm mẹ: 'Chị tôi ngồi như Bụt sống, không nói chi với hai em cả. Hai em của chị đây, chị có biết không?'. Bỗng mẹ chỉ lên bàn thờ bảo: 'Nì, thờ cha mẹ thì thờ một bên, để giữa mà thờ cha mẹ chồng'. Hai dì sững sờ: 'Trời ơi, té ra chị tôi không lẫn chi cả'. Rồi dì đứng dậy để ảnh ông bà ngoại qua một bên, cha mẹ chồng vào giữa. Mẹ nói: 'Ứ, rứa mới phải chứ.'

Sư cụ viện chủ chùa Diệu Ấn Phan Rang mời mẹ vào chơi. Tôi cũng muốn hầu mẹ đi đổi gió nên nhận lời. Sư cụ để riêng tịnh thất tiếp mẹ tôi, theo yêu cầu của sư cụ, tôi đặt tên Lăng Già Thất. Thất không rộng nhưng gọn và xinh, dưới ở, trên gác thờ Phật. Ngày hai buổi cơm nước xong, tôi hầu mẹ lên lầu tụng Thủy Sám để mẹ lạy và nghe, mẹ ưa lắm. Tôi lạy thì mẹ lạy theo, tôi tụng thì mẹ gõ nhịp. Có con chó Tu Di nằm khoanh tròn dưới chân bàn Phật. Khi tôi quì tụng, mẹ bảo nó: 'Nì, mạ tụng kinh thì phải ngồi mà nghe như tui ri nì, chớ đừng nằm mà tội'. Nói không nghe, mẹ xích tới đẩy nó, lôi nó cũng không dậy, mẹ bảo: 'Thôi thì có mệt mỏi mà nằm cũng được, nhưng xây đầu vô bàn Phật, chớ xây lưng rứa mà tội lắm nghe'.

Tịnh thất sư cụ lát ca-rô tấm đen tấm trắng, những ngày hạ lau thật sạch, mẹ ngồi chơi một mình. Tôi nghe mẹ nói: 'Tui nói chuyện với chị đen ni nhiều lắm, chị có nghe không? Mà không thấy chị trả lời trả vốn chi cả rứa? Còn cái chị trắng ni (chỉ tấm gạch trắng) cũng khinh người, chị cũng chẳng nói năng chi với tui cả'.

Cuối năm 1973 tôi cõng mẹ về lại Huế, mẹ được 85 tuổi, càng lẫn nhiều. Những đêm mưa lạnh kinh khủng tôi thường nằm với mẹ, vỗ mẹ và thưa: 'Ngày nhỏ mẹ ấp con, bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn phải không mẹ?' Mẹ dạ. 'Bây giờ mẹ già, con nằm hầu mẹ thì bên ướt (nước tiểu của mẹ) con nằm, bên ráo mẹ lăn phải không mẹ?' Mẹ cười không đáp. Tôi thưa thêm: 'Con chỉ hầu mẹ một kiếp ni nữa thôi hí, rồi con về Cực lạc, mẹ có thương con thì gắng niệm Phật thật nhiều để cùng về Cực lạc với con hí'. Mẹ xây mặt vào tôi: 'Nì, cái nớ tôi để một rương đầy, đợi chi mà khuyên tui?'. Tôi hỏi: 'Mẹ để cái chi mà một rương đầy?'. Mẹ đáp: 'Cái Phật'. Năm sáu ngày sau tôi mới nhớ, mẹ dạy đúng, vì mẹ niệm công cứ đã trên hai mươi năm.

Mẹ xơi cơm xong bảo dì Diên: 'Mụ cho tui ba đồng'. Dì thưa: 'Chớ mệ lấy ba đồng làm chi?' Mẹ cầm tay dì, bảo: 'Tui nói thì lấy ý mà hội, chớ đừng nghe lời'. Dì thưa: 'Dạ hội là răng? Cha tui hội cũng không được, nữa là tui' - 'Nhưng ba, bốn lượt như vậy mà dì hội được mới tài chứ'. Mẹ xơi cơm xong cứ đòi ba đồng. Dì vấn một điếu thuốc đưa, mẹ liền chắp tay vái dì rồi ôm tay dì hôn. Dì Diên cũng mê mẹ nốt. Dì cuốc cỏ ngoài vườn, mẹ ngồi trong cửa sổ nhìn ra, dì gọi: 'Mệ ơi', mẹ: 'Dạ ơi' thật lớn, làm dì bỏ cuốc chạy lại cửa sổ cầm tay mẹ hôn.

Những ngày cuối cùng - Bây giờ mẹ nằm, không còn cầm đũa muỗng được, mỗi khi xơi cơm phải đỡ dậy. Khi đút cơm cho mẹ, tôi thường niệm Phật và đếm thầm. Thức ăn vừa miệng thì đếm tiếng thứ tám chín là mẹ nuốt. Tôi mừng thưa: 'Mẹ xơi ngon không mẹ?' Mẹ trả lời: 'Dạ ngon vô cùng vô tận'. Những thứ mẹ không ưa thì mẹ cứ nhai hoài, tôi niệm đến năm sáu chục tiếng Phật, mẹ cũng chưa nuốt. Tôi thưa: 'Có ngon không mẹ?'. Mẹ dạy: 'Dạ vừa thôi', thật là dễ thương. Từ ngày mẹ lên chùa cho đến ngày cuối chưa lúc nào mẹ đòi thứ này thứ kia, nhất là cá thịt. Cho nên, tôi chả có ngoại giao với các bà lối xóm để mẹ ngã mặn lần nào cả.

Ðầu năm Bính Thìn, tức 1976, khuya 27 tháng Giêng đúng 3 giờ 30 , mẹ về Phật. Mẹ bỏ ăn vài ngày rồi ra đi thật nhẹ nhàng. Tôi chả được dâng mẹ một viên thuốc nào trong mười mấy năm mẹ ở chùa, vì chả lúc nào mẹ bệnh. Tiễn mẹ về Cực lạc xong, tôi viết một bức thư gởi mẹ bên kia thế giới:

"Mẹ! Mẹ về Cực lạc trước, Mẹ trồng cây 'Mẹ' cho cao thiệt cao. Bao giờ cành lá xum xê, con sẽ làm con chim bay về đậu trên cành cây 'Mẹ' mà không dám làm sờn cành rụng lá đâu.

Mẹ ơi, Mẹ đừng ngại, cây bên Tịnh độ không sợ người đẵn gốc, bứt lá bẻ cành. Chim bên Tịnh độ không sợ người bắn ná phá tổ bắt chim, vì cây và chim đều do Ðức Phật hoá sanh. Chim con chuyền trên cành cây Mẹ, con hót tiếng thật êm đềm, tiếng Pháp âm nhắc mẹ tu hành hầu dự vào Phật địa. Gió trên cành cây Mẹ có tiếng vi vu cũng là Pháp âm nhắc con tinh tấn để bước lên Phật quả. Sương trên cành là sữa, con uống sữa mẹ trên cành cây tịnh, Mẹ con mình tu hoài tu mãi cho đến khi đắc quả mẹ hí.

Ðồng thời, nguyện cầu cho tất cả chúng sanh, những người niệm Phật thì được về nước Phật, còn ai chưa niệm Phật thì phát tâm niệm Phật, rồi cũng được về với Phật như Mẹ con mình. Mẹ ơi! con thương mẹ vô cùng vô tận, nhờ nghĩ đến ngày Mẹ con gặp nhau bên nước Phật mà con cảm thấy vui và rất an tâm. "

Một năm sau ngày mẹ mất, tôi vào Nha Trang rồi thăm lại Phan Rang, nhớ mẹ tôi cảm tác bài thơ:

Năm kia cõng mẹ vào đây
Nhãn ngon một nhánh tự tay ta trồng
Bây giờ nhãn đã ra bông
Than ôi từ mẫu đi không trở về
Lăng già trăng chiếu ủ ê
Quyện theo hồn mẹ biết về phương nao?
Không gian trời dệt mây sầu
Ta dìu hồn mẹ khỏi cầu sông mê
Lạc bang cảnh cũ mẹ về
Ðược gần Ðức Phật tựa kề đài sen
Giã từ thế giới đão điên
Bao giờ hoàn nguyện ta nguyền ra đi
Bên nớ vui hơn bên ni
Gặp Phật, gặp Mẹ còn chi vui bằng!


Source: Phat-Hoc Magazine, August 1997, Kentucky, USA