Buddhasasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Tu là biết lo xa

Thích Thanh Từ


 

Tết đến, theo thông tục thế gian, tôi cũng chúc Tết, nhưng tôi không chúc phát tài, sống lâu, mọi việc đều như ý. Tôi chúc Tết bằng sự nhắc nhở cho Phật tử thấy rõ đường hướng và phương pháp tu hành để trọn năm được an vui hạnh phúc.

Ngày đầu năm là ngày chuẩn bị cho một năm. Nếu đầu năm, chúng ta đã định hướng và dùng pháp tu đúng, thì trọn năm sẽ thực hành được những điều hay và tốt. Nếu đầu năm định hướng sai, thì trọn năm sẽ đi lệch và tạo những điều bất lợi cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội. Ðối với người Việt Nam ngày đầu năm là ngày quan trọng, thế nên tôi nhắc quý Phật tử phải định hướng và dùng pháp tu cho đúng.

-- Hướng thứ nhất là tu trong cuộc sống bình thường. Người cư sĩ ít người dám nghĩ mình tu sẽ được giác ngộ giải thoát. Ða số đều nghĩ tu để gieo nhân lành cho đời này yên vui, đời sau được tốt đẹp hơn. Người Phật tử khi quy y, Phật dạy giữ năm giới, vì năm giới là nền tảng đạo đức để trở thành người hiền.

Người Phật tử không có niệm giết hại, không xúi bảo giết hại, không hành động giết hại thì không làm cho người sợ sệt khổ đau. Mạng sống là tối thượng, nên ai cũng quý trọng. Ai hại mạng sống của mình là làm cho mình khiếp sợ tránh xa. Do đó, Phật tử không giết hại thì mọi người thân thiện, quý mến. Ðiều này thể hiện rất rõ ở nước ngoài. Loài người không giết hại loài thú bừa bãi nên chim muông không sợ loài người, bay đến đậu trên vai, trên tay rất tự nhiên; ở Việt Nam thì không được như vậy. Người Phật tử không có hành động gian tham trộm cắp, người ở gần không sợ mất của, có khi còn tin cậy nhờ cất giữ giùm tài sản nữa. Người Phật tử không tà dâm có tư cách đứng đắn, khi giao tiếp với mọi người không ai nghi ngờ bất chính, qua lại rất bình thường, không e dè, tránh né. Tôi chỉ lược qua ba giới đầu, đã thấy người Phật tử tu sẽ đem lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội.

Phật dạy, muốn đời này trở thành người tốt, tiếp tục đời sau cũng thành người tốt thì phải giữ năm giới. Chỉ cần giữ năm giới, bảo đảm mất thân này, khi tái sanh sẽ trở lại làm người, mà là người tốt, nhiều an vui hạnh phúc. Ðời này tuy chúng ta có hạnh phúc, nhưng cũng có bất hạnh, vì quá khứ chưa biết giữ giới. Phật dạy: "Không sát sanh, đời sau được thọ mạng dài; không trộm cướp, đời sau được giàu có; không tà dâm, đời sau được thân đoan chánh, đẹp đẽ; không nói dối, đời sau nói lời lưu loát, ai cũng tin quý; không uống rượu, đời sau sinh ra có trí tuệ sáng suốt."

Ngày nay có người sống lâu, khá giả, đẹp đẽ, nhưng lại nói năng lấp vấp, người đời không tin tưởng. Lại có người đẹp đẽ, khá giả, nói năng lưu loát, nhiều người tín cẩn, như thọ mạng lại ngắn. Lại có người sống lâu, đẹp đẽ, thông minh, có uy tín nhưng lại nghèo. Ðó là do đời trước giữ năm giới không tròn, nên hạnh phúc không trọn vẹn. Nếu giữ tròn năm giới thì được hạnh phúc trọn vẹn. Phật tử thọ tam quy trì ngũ giới, có người giữ tròn, có người giữ không tròn. Giữ không tròn là là do hoàn cảnh chi phối, bạn bè lôi kéo. Như giới không uống rượu, có những Phật tử thỉnh thoảng bị bạn bè lôi kéo uống rượu; vì nể tình uống chút ít, vậy là giữ giới không tròn. Thế nên người Phật tử phải nỗ lực khắc phục, giữ tròn giới đã thọ, chẳng những cho bản thân mình, mà còn phải khuyên nhắc, hướng dẫn vợ con, bạn bè cùng học cùng tu với mình. Hướng dẫn vợ con, bạn bè tu, chẳng những giúp cho vợ con, bạn bè được lợi ích, mà còn tạo cơ hội ngăn chặn, bảo vệ cho mình không phạm giới. Vì tu một mình lâu lâu cũng yếu đuối, muốn phá giới, lúc đó nhờ vợ con, bạn bè nhắc nhở giùm. Hướng dẫn vợ con cùng tu chẳng những được an vui, hạnh phúc trong đời này, mà đời sau còn gặp nhau trong hoàn cảnh đạo đức, an vui. Chẳng lẽ đời này cùng sống trong gia đình với tình thân thiết, yêu thương; một mình mình tu, vợ con không biết tu, mình đành lòng để vợ con đi đường dữ một mình, mình đi đường lành sao? Vì vậy, phải ráng khuyên nhắc cho người thân cùng tu với mình để sau này cùng gặp lại trong cảnh tốt, mới tròn bổn phận. Ðó là tâm niệm người phàm tu hành.

Nếu là Bồ Tát thì khác; Bồ Tát thấy chúng sanh khổ nên các Ngài khổ. Nói như thế nghe như quá đáng, nhưng nghiệm kỹ sẽ thấy rõ điều này. Giả sử như cùng ở trong xóm, tất cả đều nghèo, chỉ một mình giàu thì sự giàu sang của mình làm cho người ta ganh tỵ, phá phách. Thế nên, muốn được an vui trong cảnh giàu, phải giúp đỡ cho tất cả mọi người chung quanh cùng được giàu như mình. Cũng vậy, chỉ có Bồ Tát giác mà chúng sanh còn mê, thì cái giác của Bồ Tát chưa viên mãn, nên Bồ Tát phải độ cho chúng sanh cùng được giác. Nếu còn một chúng sanh mê thì Bồ Tát chưa an lòng. Ðó là tâm niệm của Bồ Tát, còn tâm niệm của Phật tử thì sao? Chã lẽ mình an vui một mình, để cho thân nhân mê tối khổ đau sao? Người Phật tử đừng nghĩ mình lo tu phần mình, mặc vợ con, bạn bè không tu, chúng đi đâu mặc chúng. Nghĩ như thế là ích kỹ, mà phải nghĩ mình tu thì phải nhắc nhở, hướng dẫn cho thân nhân cùng tu. Mình tu mười, ít ra thân nhân mình tu cũng được năm, đừng phó mặc vợ con, bạn bè ra sao cũng được. Như thế là chưa có lòng từ bi, chưa biết bảo vệ hạnh phúc của mình và gia đình.

Người đời thường cho người tu là tiêu cực, là khờ dại, cứ lo trường chay, giữ giới, không biết thọ hưởng dục lạc thế gian. Nói như thế không đúng. Vì người đời, nếu ai ai cũng khỏe mạnh, ai ai cũng bất tử thì không cần phải tu. Nhưng vì con người sanh ra tới bốn, năm mươi tuổi là bắt đầu già, sức khỏe kém, rồi bệnh chết. Dù là người ăn sang mặc đẹp, tận hưởng mọi lạc thú thế gian, khi nhắm mắt, thân họ cũng bại hoại hôi thúi. Vậy lo nuôi dưỡng thân này cho chu đáo để rồi bại hoại thành đống thịt thúi sao? Chi bằng nuôi thân này vừa đủ sống an ổn, vừa chuẩn bị cho đời sau. Khi thân hoại mạng chung, có một hướng đi sáng sủa, tốt đẹp hơn. Người tu không phải là người khờ, mà là người nhìn xa thấy rộng. Ngày nay đang sống, biết ngày mai sẽ chết, nên chuẩn bị cho hướng đi tốt sau này. Giữ năm giới để mọi người cùng được an vui là nhìn rộng; biết thân này hoại, đời sau sẽ có thân khác tốt hơn, là lo xa. Ðó là ý nghĩa của sự tu hành theo hướng hiện đời được an vui, đời sau cũng được an vui.

-- Hướng thứ hai là tu thấy rõ được lẽ thật. Người thấy được lẽ thật là người không bị ảo giác, ảo tưởng đánh lừa. Hiện tại, ai cũng như ai, đều nhận thân này là ta. Nếu thân này là ta thì da, thịt, máu, mủ... cái nào là ta? Ví dụ ta bị thương, mất máu, lấy máu người khác truyền vào có phải là máu ta không? Khi máu còn ngoài bọc thì vô tri giác, không nói là ai cả, nhưng khi đưa vào thân này, liền nhận là máu ta! Nếu máu là ta thì ta vô tri giác sao? Chấp thân này là ta không có lẽ thật.

Kế đó, ai cũng chấp cái suy nghĩ là ta. Nhiều người cho những kiến thức học được ở trường, ở xã hội là ta. Cái học hỏi từ thầy bạn là cái vay mượn, đâu phải ta! Hai trường hợp trên cho thấy thể xác và tâm tư không phải là ta, thế mà ai cũng nói thân ta, tâm ta. Chiĩnh những ảo tưởng ai lầm này dẫn con người tạo tội đi trong đau khổ.

Nếu biết thân tâm này không thật là ta, thì làm chủ được nó; còn nhận nó là ta thì bị nó sai sử làm nhiều điều tội lỗi, khổ đau. Thấy rõ thân tâm này không phải là ta thì thấy đúng lẽ thật; nhận thân tâm này là ta là thấy sai. Vì khi chết, thân này sình thúi, chẳng lẽ ta là cái thân sình thúi! Thân người khi chưa tắt thở thì còn che giấu được những cái nhơ bẩn; khi tắt thở rồi thì nó phơi bày đầy đủ những tướng trạng nhớp nhúa. Tướng trạng này là lẽ thật mà mọi người không chịu nhận. Thân này không phải là ta; nó chỉ là cái tạm bợ nhơ nhớp không có gì đáng quý trọng. Tuy nhiên, chúng ta phải nhờ nó để tu, giống như người nhờ thuyền qua sông.

Phật dạy chúng ta nhìn thân này như người ôm khúc cây mục ở dưới nước, nhờ nó khỏi bị chết chìm. Lúc nào cũng ý thức rõ ràng cái mình đang ôm là khúc cây mục, bơi mau vào bờ để khỏi chết đuối; nếu thả lềnh bềnh, không chịu bơi, cây mục tan rã ra là chết chìm. Vậy đối với khúc cây mục, chúng ta có nên sơn phết, bảo vệ nó không? Và, biết là khúc cây mục, chúng ta có nên hủy hoại cho nó rã ra từng mảnh không? Cũng vậy, tuy biết thân này nhơ nhớp, tạm bợ, nhưng chúng ta còn nhờ nó để tu đến chỗ giác ngộ giải thoát. Nếu ai đó được thân này, cứ lo săn sóc, tô điểm cho nó đẹp mà không biết nó hôi thúi, bại hoại, chẳng khác người săn sóc sơn phết khúc gỗ mục. Vậy, người Phật tử khôn ngoan, sáng suốt phải biết thân này nhơ bẩn, không bền chắc, không chân thật, chỉ là tạm bợ, chúng ta nhờ nó để tu, tìm cho ra cái chân thật cao quý hơn. Ðó là trọng tâm mà người Phật tử phải thấy để khỏi lầm khi đã mang thân này. Ðã không lầm thì chúng ta biết lợi dụng nó để tu mới nhận được nhiều lợi ích cao siêu.

Phật thường dụ thân này là đống rác, trong đống rác có hòn ngọc quý; hãy khéo bươi trong đống rác sẽ lượm được hòn ngọc quý. Tu không phải việc làm tầm thường, mà là việc làm phi thường. Người thế gian đi tìm tài, sắc, danh, lợi là những thứ tạm bợ, có đó rồi mất đó là việc dung thường. Người tu tìm ra cái chân thường không sanh diệt ở ngay nơi thân năm uẩn vô thường giả tạm này. Ðó mới là cái chân thật quý báu.

Tóm lại, người Phật tử ngoài cái hướng tu đem lại an vui hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội, còn hướng cao siêu thanh thoát hơn là tìm cái chân thật thanh tịnh sáng suốt có sẵn nơi mình mà lâu nay quên đi, ngày nay thức tỉnh phải tìm cho ra.

Nhân ngày đầu năm, tôi nhắc quý Phật tử hãy vạch cho mình một hướng đi, nếu gần thì ứng dụng tu cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội được an vui hạnh phúc. Xa hơn thì ngay nơi thân vô thường tạm bợ này tìm cho ra cái chân thường không sanh diệt, đó là mục đích cứu cánh của người tu, nhớ là phải thực hiện cho kỳ được. Sống và tu như thế mới có ý nghĩa. Vậy, tôi mong tất cả quý Phật tử sang năm mới, có một hướng đi vừa an vui vừa cao siêu để xứng đáng một kiếp người tu.

Thích Thanh Từ