BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Hành trình theo Tam Bảo

Thích Phước Ðạt


 

Sự kiện của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời, thuyết pháp độ sanh đã hình thành nên Vương quốc trí tuệ (Dhammacakka-pavattana), và niềm hạnh phúc an lạc được hiển bày cho những ai lên đường thực thi cuộc hành trình "chuyển vận bánh xe pháp" mà Ðức Phật và các bậc Thánh đã đi qua.

Cuộc hành trình này được khởi đầu bằng sự vận hành chuyển hoá tâm thức của chính bạn trước một đời sống khổ đau luôn bao phủ xung quanh con người. Dĩ nhiên bạn phải là người tiên phong "giã từ":

"Si mê gần nửa cuộc đời
Hoang liêu rét buốt suông mười ngón tay" (Tâm Hằng)

Bạn phải thực sự trở về đời sống với chính bản tâm của mình, bằng cách nương tựa Phật, nương tựa Pháp, nương tựa Tăng. Hay nói cách khác, bạn đã tự thân phát nguyện thực thi cuộc hành trình đi theo Phật, đi theo Pháp, đi theo Tăng để an trú trong niềm hạnh phúc an lạc ngay giữa cõi đời này.

Hành trình theo bước chân của Ðức Phật:

Ði theo Phật là bạn đi theo tự tánh thành Phật vốn sẵn có trong tự thân của bạn. Chính Ðức Phật đã thực hiện cuộc hành trình để nhận chân sự thật đó. Từ một bậc vương giả, rồi sáu năm khổ hạnh rừng già, bốn chín ngày đêm tư duy thiền định, Ngài đã trở thành bậc đại giác ngộ. Ðây chính là cơ sở để bạn thấy rõ cái đích cuối cùng của cuộc hành trình bằng chính sự vận hành của một tâm thức được chuyển hóa, chứng ngộ. Xem ra việc đón nhận chân lý tối hậu này không còn cách nào khác cả, chỉ cách duy nhất là bạn phải tiếp cận, phải đến mà thấy. Nhìn nhận sự thật khổ đau cuộc đời để bạn tìm cách vượt thoát khổ đau. Tại đây, bạn chẳng cần đòi hỏi vào niềm tin tối hậu của Thượng đế hay đấng siêu hình nào, mà đòi hỏi sự nhận thức, việc giáp mặt sự thật cuộc đời với ánh sáng giác ngộ chân lý. Chẳng phải Ðức Thế Tôn đã tự mình thấy rõ sự thật sanh, lão, bệnh, tử để rồi giác tỉnh và chứng ngộ sự thật Duyên khởi và Vô ngã? Kinh nghiệm của Ðức Phật đã xác thực cho chúng ta thấy rõ đi theo Phật là đi vào cuộc hành trình tự thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ, chứ không phải đi theo bóng dáng của Ngài. Chính Ðức Thế Tôn đã tuyên bố một cách dứt khoát với Tôn giã A Nan, trước khi nhập Niết bàn: "Này A Nan, hãy tự mình làm ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ có y tựa khác..., dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương vào một pháp nào khác. Những vị ấy, này A Nan, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ kheo của Ta, nếu những vị ấy thiết tha học hỏi".

Các bậc Thánh, các vị Thiền sư chứng ngộ, khi lên đường hội nhập cuộc hành trình này đều nhận chân như vậy. Trong Khóa hư lục, Trần Thái Tông đã khuyến cáo, mời gọi các bạn hãy trở về tự tánh vốn thanh tịnh sẵn có của chính mình: "Khởi thức Bồ đề giác tánh, cá cá viên thành, tranh tri bát nhã, thiện căn nhân nhân cụ túc". (Bản tánh giác ngộ thì ai ai cũng có hoàn thiện, trí tuệ Bát nhã thì người có đầy đủ), hay "Nhược năng phản chiếu hồi quan giai đắc kiến tánh thành Phật" (Nếu có thể quay đầu nhìn lại, thì sẽ thấy được tánh mà thành Phật).

Chắc bạn còn nhớ câu chuyện Thiên tử Rohitasa trong kinh Tăng Chi đã dùng thần thông với vận tốc nhanh như tên bắn với mong ước sẽ đến chỗ tận cùng thế giới như là chứng ngộ sự thật cuộc đời này. Chính sự vọng tưởng này đã làm cho Thiên tử Rohitasa giác tỉnh và đã thỉnh cầu lên Ðức Thế Tôn như sau:

"Bạch Thế Tôn, bước chân của con là như vậy, từ khoảng cách biển Ðông qua biển Tây... với con, bạch Thế Tôn, thành tựu được với tốc độ như vậy, với con bước chân như vậy, con khởi lên ý muốn: Với bước chân đi, ta sẽ đạt đến chỗ tận cùng của thế giới, Bạch Thế Tôn, trừ khi ăn uống nhai nếm, trừ khi đi đại tiện, tiểu tiện, trừ khi ngủ để lấy lại sức, dầu tuổi thọ đến trăm tuổi, dầu đi đến một trăm năm, cũng không đạt được chỗ tận cùng của thế giới, nhưng giữa đường con đã chết".

Thế Tôn trả lời một cách rõ ràng: "Này hiền giả, trong cái thân dài mấy tấc này, bậc có trí hiểu biết rõ thế giới, đi tận cùng thế giới. Với phạm hạnh thành tựu, bậc có trí đạt được thanh tịnh, biết tận cùng thế giới".

Ðến đây, chẳng còn vấn đề gì đặt ra nữa, với một tâm thanh tịnh, ,mỗi bước đi hướng về cuộc hành trình theo Ðức Phật của bạn là mỗi bước hé nở đóa sen hồng trên miền đất an lạc.

Hành trình về nguồn mạch Chánh pháp:

Hành trình về nguồn mạch chánh pháp là cuộc hành trình về "Ai thấy Duyên khởi là thấy pháp, ai thấy Pháp là thấy Phật". Tại đây bạn là người cất bước chân vào miền đất cô tịch với bầu trời trong xanh, hàng cây phủ bóng mát đầy đủ sự nhiệm màu của sống. Nơi đây, bạn là người tự thân vén bức màn vô minh bao phủ thực tại của các tri kiến sai lầm. Tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến lý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược... thường đi đôi với khổ, với tổn hại, với não hại, với nhiệt não, không hướng đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Hay nói cách khác, bạn là người hành trì giáo pháp Như Lai để đạt được chứng ngộ chân lý. Tại đó bạn không bàn về triết lý nói về của lối tư duy hữu ngã hay nghĩ về, mà sống với tinh thần Phật giáo, sống với thực tại nhiệm mầu, sống với con đường dập tắt khổ đau, dẫn đến chân hạnh phúc an lạc Niết bàn.

Trong kinh "Ðoạn tận ái", Ðức Phật đã tuyên thuyết cuộc hành trình về nguồn mạch chánh pháp bằng quá trình tuệ quán đối với sự hiện hữu con người và sự tập khởi, sự đoạn diệt của toàn bộ năm thủ uẩn để đi đến sự giải thoát chứng ngộ. Ðồi tượng tuệ quán là con người. Ðầu tiên, Ðức Phật đề cập đến sự hiện hữu của con người (Bhùta), sự có mặt này lấy bốn thức ăn làm nhân duyên, làm tập khởi, làm sanh chủng, làm hiện hữu. Mỗi khi bốn thức ăn này đoạn diệt thì sinh vật không còn hiện hữu nữa. Khi sinh vật này lấy bốn món ăn làm sự tập khởi, thọ do xúc làm tập khởi, xúc do sáu xứ làm tập khởi, sáu xứ do danh sắc làm tập khởi, danh sắc do thức làm tập khởi. Thức do hành làm tập khởi, hành do vô minh làm tập khởi. Như vậy, duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có sáu xứ, duyên sáu xứ có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già chết, sầu bi khổ ưu não. Như vậy, Ðức Phật xác chứng tiến trình duyên sanh của toàn bộ khổ uẩn bằng một định thức: "Cái này có mặt, nên cái kia có mặt". Ðó là giai trình lý duyên sanh, do duyên sanh nên có già chết, do duyên hữu nên có sanh, do duyên thủ nên có hữu, do duyên ái nên có thủ, do duyên thọ nên có ái, do duyên xúc nên có thọ, do duyên sáu xứ nên có xúc, do duyên danh sắc nên có sáu xứ, do duyên thức nên có danh sắc, do duyên hành nên có thức, do duyên vô minh nên có hành...

Trên cơ sở lý duyên sanh, Ðức Phật giải trình lý duyên diệt - do vô minh đoạn diệt xả ly nên hành diệt, do hành diệt nên thức diệt, do thức diệt nên danh sắc diệt, do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt, do sáu xứ diệt nên xúc diệt, do xúc diệt nên thọ diệt, do thọ diệt nên ái diệt, do ái diệt nên thủ diệt, do thủ diệt nên hữu diệt, do hữu diệt nên sanh diệt, do sanh diệt nên sầu bi khổ ưu não diệt ; như vậy, toàn bộ năm thủ uẩn diệt. Thế nên giai trình lý duyên diệt được xác lập bởi định thức "Cái này diệt, cái kia diệt". Ðó là do danh diệt nên già chết diệt, do hữu diệt nên sanh diệt, do thủ diệt nên hữu diệt, do ái diệt nên thủ diệt, do thọ diệt nên ái diệt, do xúc diệt nên thọ diệt, do sáu xứ diệt nên xúc diệt, do thanh sắc diệt nên sáu xứ diệt, do thức diệt nên danh sắc diệt, do hành diệt nên thức diệt, do vô minh diệt nên hành diệt.

Từ đó, hành giả phải công phu hành trì quán chiếu tuệ giác, chứng đạt bốn cấp thiền định. Khi tiếp xúc sáu căn với sáu trần bạn không còn tham ái đối với sắc đẹp, không ghét bỏ sắc xấu, sống an trú niệm thân trên thân với tâm vô lượng. Bạn như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chính nhờ chúng mà các bất thiện pháp được trừ diệt, không dư tàn. Hành giả thật sự từ bỏ thuận nghịch ứng, có cảm thọ nào trỗi lên: lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ - bất lạc thọ, bạn không từ bỏ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy. Do vậy, nếu có dục hỷ nào đối với các cảm thọ, dục hỷ ấy được trừ diệt. Do dục hỷ diệt nên thủ diệt, do hữu diệt nên sanh diệt, do sanh diệt nên già chết sầu ưu khổ não diệt; như vậy là sự đoạn diệt toàn bộ khổ uẩn.

Ðến đây, bạn đã thật sự đi theo pháp bằng quá trình hành trì tuệ quán như thật các pháp để bước vào lộ trình giác ngộ chân lý niềm hạnh phúc an lạc tối hậu.

Hành trình về miền đất thanh tịnh hoà hợp chư Tăng:

Ðây là cuộc hành trình hướng về cộng đồng Tăng già, một đời sống hòa hợp thanh tịnh, hưng vượng. Tại đó, mỗi thành viên sống hướng nội theo tinh thần lục hòa. Kinh Xá Di Thôn (Trung Bộ III), kinh Tịnh Bất Ðộng (A-hàm) đều có đề cập đến đời sống an lạc giải thoát của cộng đồng này với sáu nguyên tắc căn bản:

1- Thân hoà đồng trú: mọi người chung sống với nhau trong ý niệm hoà hợp về nơi cư trú, sinh hoạt, khéo an trú về hành động của thân.

2- Khẩu hoà vô tranh: thái độ cư xử với nhau bằng lời nói hoà hợp, không tranh cãi, khéo an trú hành động của miệng.

3- Giới hoà đồng tu: mọi người sống với nhau trên nguyên tắc cùng nhau giữ gìn luật chung, an trú tịnh giới.

4- Lợi hoà đồng quân: chunng với nhau, cùng nhau chia sẻ các tài vật, lợi dưỡng thuộc vật chất.

5- Ý hoà đồng duyệt: mọi người chung sống với nhau trong ý niệm hoà hợp nhất trí, an trú các hành động của ý.

6- Kiến hoà đồng giải: chung lòng cùng nhau nuôi dưỡng những tri kiến thánh thiện hướng đến sự giải thoát.

Như vậy, đây là cuộc hành trình đi theo Tăng già, mục đích cuối cùng là vào đạo lộ đoạn tận khổ đau. Và tại đây, bạn là người phải đi sâu vào công phu hành trì ly dục, thực tập đời sống phạm hạnh. Kinh nghiệm thực tế cho thấy ai hành trì được sự ly dục, người đó đang đi vào đạo lộ giải thoát, như kinh Pháp Cú đã nói:

Ai sống ở đời này
Ái dục được hàng phục
Sầu rơi khỏi người ấy
Như nước rơi lá sen. (Kệ 336)

Từ đây đối tượng thực nghiệm thiền quán là thực tập loại trừ năm yếu tố căn bản thường xuyên có mặt với chúng ta, dẫn đến tình trạng rối loạn tâm lý, ngăn che sự đón nhận hạnh phúc của bạn, đó là: trạo cử, hôn trầm, dục, sân và nghi, để đi vào năm thiền tâm: tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm.

Thành tựu năm pháp này, bạn tiếp tục công phu thiền định, cho đến khi chứng đạt bốn cấp thiền định, an trú niềm hạnh phúc an lạc.

Cuối cùng, điều đáng nói ở đây, dù thế nào đi chăng nữa thì con người cũng cần phải chuyển hoá tâm thức, vẫn khát vọng mưu cầu hạnh phúc. Con người rất trông chờ vào thiên niên kỷ thứ ba, khởi đầu một sự đón chào nồng hậu vào thời khắc chuyển giao năm 2000. Ðành rằng, sống là phải biết suy tư và chờ đợi như con người thường vỗ về và hứa hẹn. Trong chiều hướng đó, bạn hãy khởi lên cái nhìn suy tư về cuộc hành trình để đạt đến kết quả như đã nói, cụ thể là những bước chân đi hướng về cái đích cuối cùng của cuộc hành trình đi theo Phật, theo Pháp, theo Tăng để an trú niềm hạnh phúc thật sự của giải thoát khổ đau thường xuyên đè nặng thân phận con người.

(Nguyệt san Giác Ngộ, số 49)

-oOo-


Source: LotusNet Production, http://www.lotuspro.net/ 


[Trở về trang Thư Mục]