BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phỏng vấn Thiền sư Nhất Hạnh:
Bông hồng cài áo, sự tiếp nối đẹp đẽ của cha, mẹ nơi mình

Chúc Phú - Quảng Kiến


LTS: Bông hồng cài áo là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Thiền sư Nhất Hạnh. Được sáng tác cách đây hơn 40 năm, cho đến nay, tác phẩm ngắn này vẫn được đông đảo bạn đọc nhiệt thành đón nhận và đã được dịch, in ra nhiều thứ tiếng. Nhân mùa Vu lan Báo hiếu PL.2550, bộ phận biên tập nguyệt san Giác Ngộ đã hân hạnh có cuộc phỏng vấn từ xa với Thiền sư Nhất Hạnh về những vấn đề xung quanh tác phẩm Bông hồng cài áo - tác phẩm gợi hứng cho nhạc phẩm cùng tên của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ và nghi thức cài hoa hồng, hoa trắng tưởng niệm công ơn của các đấng sinh thành…

-ooOoo-

GN: Được biết, sau khi tác phẩm ra đời, Thiền sư đã phát động phong trào cài hoa hồng để tưởng niệm về công ơn mẹ. Xin Thiền sư cho biết lần đầu tiên phong trào này được tổ chức là vào mùa Vu lan năm nào, tại đâu; Thiền sư có gặp sự trở ngại nào chăng khi đưa ra một nét văn hóa tuy đẹp đẽ song cũng rất mới lạ này?

Ts NH: Tôi không hề có ý định phát động phong trào Cài Hoa Hồng để tưởng niệm về công ơn mẹ. Phong trào ấy tự động phát khởi một cách tự nhiên mà thôi. Điều đó cũng làm cho tôi ngạc nhiên. Hồi đó, năm 1962, sau chín tháng nghiên cứu về khoa Tỷ giảo Tôn giáo tại Princeton University, tôi về nghỉ hè tại Camp Ockanickon ở Medford thuộc tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ. Ban ngày tôi chơi và nói chuyện với thanh thiếu niên về văn hóa Việt Nam và đi chèo thuyền trên hồ, ban đêm tôi viết văn. Tôi đã viết đoản văn Bông hồng cài áo trong một căn lều gỗ người trẻ dành cho tôi. Viết xong, tôi gửi cho các vị đệ tử của tôi trong Đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn do tôi hướng dẫn. Bài này gửi qua chị Trương Thị Nhiên. Chị Nhiên và Đoàn Sinh viên Phật tử đọc xong rất cảm động nên quyết định đem chia sẻ cho mọi người. Họ bàn nhau chép tay ba trăm bản làm quà tặng cho những bạn bè của họ trong các phân khoa Đại học Sài Gòn. Mỗi bản chép tay đều có gắn thêm một chiếc hoa màu hồng hay màu trắng cho người còn mẹ, hay mất mẹ. Rằm tháng Bảy năm ấy, họ họp nhau lại tại chùa Xá Lợi, làm lễ Bông hồng cài áo lần đầu tiên. Anh Tôn Thất Chiểu, một thành viên của Đoàn Sinh viên Phật tử đã gửi cho Hòa Thượng Thích Đức Tâm, hồi đó đang làm chủ bút nguyệt san Liên Hoa của Giáo hội Tăng già Trung Phần. Tập san Liên Hoa đã đăng nguyên bài dưới tựa đề là Nhìn kỹ Mẹ. Hòa thượng Trí Thủ, bổn sư của HT. Đức Tâm, đọc được đoản văn trên nguyệt san Liên Hoa đã khóc vì cảm động. Sau đó Bông hồng cài áo được in ra nhiều lần, một số các chùa bắt đầu tổ chức lễ Bông hồng cài áo. Từ đó, lễ Bông hồng cài áo đã trở thành một truyền thống. Tôi không nghĩ là đã có những trở ngại trong khi phong trào được lan rộng. Năm 1964, Nhà Xuất bản Lá Bối ra mắt độc giả quyển Bông hồng cài áo, in khổ ốm dài để có thể bỏ vào bì thư gửi tặng bạn bè trong ngày Vu lan. Quyển sách nhỏ này đã phải tái bản nhiều lần. Năm 1965, đoàn cải lương Thanh Nga đã dựng và trình diễn vở tuồng Bông hồng cài áo và có mời tôi tham dự.

Tại trong nước cũng như tại ngoại quốc, đoản văn Bông hồng cài áo đã được dịch và in ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh, Pháp, Đức, Hòa Lan, Trung Hoa, Nga và Lào.

GN: Theo Thiền sư, giữa Ngày lễ của Mẹ trong văn hóa Nhật và ngày Vu lan Báo hiếu trong văn hóa Việt Nam có những nét tương đồng và khác biệt nào?

Ts NH: Lễ Bông hồng cài áo tổ chức tại Làng Mai vào mùa Hè mỗi năm kể từ năm 1983 đã làm theo tinh thần Việt Nam, khác truyền thống Nhật. Lễ này không những để vinh danh người mẹ mà cũng để tưởng nhớ và vinh danh người cha nữa. Mỗi người được cài hai chiếc hoa hồng, một dành cho Mẹ và một dành cho Cha. Chiếc hoa dành cho Cha nằm hơi cao lên một chút để phân biệt với hoa cho Mẹ. Và anh sẽ cài một hoa hồng cho Cha khi cha còn sống, một hoa hồng cho Mẹ khi mẹ còn sống.

GN: Không ít người thắc mắc tại sao Thiền sư lại chọn hoa hồng mà không phải là loài hoa nào khác? Phải chăng đơn thuần chỉ vì hoa hồng là loài hoa biểu trưng cho tình yêu?

Ts NH: Mình nên hiểu chữ hồng trong bông hồng là đỏ. Cài hoa hồng thì cài hoa hồng đỏ. Cài hoa khác như hoa cẩm chướng thì cẩm chướng màu cũng màu đỏ, không nhất thiết là phải có hoa hồng (rose).Và khi mẹ không còn, cha không còn thì được cài hoa trắng. Các đệ tử người Hoa của tôi khi làm lễ Bông hồng cài áo đầu tiên tại Đài Loan năm 1995 thì họ dùng hoa cẩm chướng màu đỏ và trắng cho buổi lễ cài hoa tưởng nhớ mẹ cha. Mẹ cha còn thì cài hoa cẩm chướng màu hồng. Mẹ cha mất thì cài hoa cẩm chướng màu trắng. Bất cứ hoa gì cũng được, kể cả hoa lan.

GN: Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã phổ nhạc thành công ca khúc Bông hồng cài áo từ đoản văn của Thiền sư, góp phần đưa nghi thức cài hoa hồng vào sâu trong đời sống văn hóa dân tộc. Xin Thiền sư cho biết cảm nhận mình của khi nghe bài hát ấy - lần đầu tiên cũng như bây giờ?

Ts NH: Phạm Thế Mỹ làm bài Bông hồng cài áo rất dễ dàng và tự nhiên như thở vào thở ra, tự nhiên như bước chân đi dạo, tự nhiên như khi nâng chén trà lên uống. Tôi không thấy tôi và nhạc sĩ là hai người khác nhau khi nghe ca khúc Bông hồng cài áo, trước kia cũng vậy và bây giờ cũng vậy.

GN: Là người rất quan tâm đến giới trẻ Việt Nam nói riêng và giới trẻ trên toàn thế giới nói chung, Thiền sư có nhắn nhủ điều gì với các bạn nhân mùa Vu lan PL.2550 năm nay?

Ts NH: Ngày lễ Bông hồng cài áo không phải là chỉ để tưởng nhớ công ơn mẹ cha. Các bạn phải biết thực tập nhìn sâu, tức là thực tập thiền quán trong ngày ấy. Phải thấy được những tài năng, đức hạnh và nét đẹp nào mà mình đã tiếp nhận từ cha và từ mẹ. Rồi thấy được cha và mẹ không phải là những thực tại có ngoài mình mà đang có ngay trong mình. Mình là sự tiếp nối của Cha, mình là sự tiếp nối của Mẹ . Và mình mang Mẹ, mang Cha đi về tương lai. Phải biết mỉm cười cho mẹ, thở cho cha và bước đi cho cả hai. Sự tiếp nối đẹp đẽ của cha mẹ nơi mình là biểu hiện cụ thể nhất cho lòng Hiếu.

Nếu bạn lỡ có những khó khăn với cha hay mẹ thì đừng nghĩ cạn là mẹ không thương, cha không thương. Có thể những vụng về trong quá khứ về phía cha mẹ đã tạo ra những lớp khổ đau đè nặng và làm khuất lấp tình thương ấy. Mình biết nếu có gì xảy ra cho mình thì cha mẹ sẽ khóc hết nước mắt. Và nếu có gì xảy ra cho mẹ hay cho cha thì mình cũng sẽ khóc hết nước mắt. Phải thấy rằng các vị đã có nhiều khổ đau và khó khăn mà chưa đủ khả năng chuyển hóa nên đã tự làm khổ mình và làm khổ lây đến các con. Mình cũng vậy. Mình đã khổ đau vì hiểu lầm, vì bực tức, và do đó đã lỡ nói những lời không dễ thương, có những phản ứng không đẹp đẽ với cha và với mẹ. Bên nào cũng chịu một phần trách nhiệm. Thấy được cái khổ của cha, của mẹ, mình tìm cách giúp cha và giúp mẹ. Mình phải biết nói lời hối lỗi đã không giúp được mẹ cha mà còn làm cho cha mẹ khổ đau thêm. Sử dụng pháp lắng nghe và ái ngữ để tái lập được truyền thông, để dựng lại thâm tình, đó là điều mình có thể làm được. Tôi có nhiều vị đệ tử đã làm được việc đó, người Việt cũng như người ngoại quốc.

Có những người trẻ dại dột đã đi tự tử. Đó là một hành động tuyệt vọng, nhưng cũng là một hành động trừng phạt. Trừng phạt người đã làm mình khổ, trong trường hợp này, đó là những vị sinh thành ra mình. Ta sinh ra đời để thương yêu, không phải để trừng phạt. Chết như thế là một sự thất bại. Nếu bạn là Phật tử, bạn phải biết giáo pháp Đức Thế Tôn có công năng chuyển rác thành hoa, biến phiền não thành bồ đề, dựng lại tình thâm từ xác chết hận thù. Cha Mẹ là Bụt đó, đừng đi tìm Bụt nơi nào khác. Ngày hôm nay bạn nói được câu gì, làm được cử chỉ gì để mẹ vui, để cha vui thì làm ngay đi, đừng để tới ngày mai, sợ rằng muộn quá. Đọc Bông hồng cài áo để nhớ điều đó. Tôi chúc bạn một ngày Vu lan thật ngọt ngào, thật hạnh phúc, thực tập thành công.

Nếu bạn được cài bông trắng, nên quán chiếu là cha hoặc mẹ vẫn còn trong bạn và có mặt trong từng tế bào của cơ thể bạn. Đưa bàn tay lên nhìn, bạn sẽ thấy bàn tay ấy của bạn mà cũng là bàn tay của cha, của mẹ. Trong bàn tay bạn, có bàn tay của cha, của mẹ. Bạn hãy đưa bàn tay ấy đặt lên trán và sẽ thấy, đó là bàn tay của mẹ hay của cha đang đặt trên trán bạn. Thật là nhiệm mầu.

Năm nay Thượng tọa Đức Nghi ở tu viện Bát Nhã (Bảo Lộc, Lâm Đồng) và các vị cộng sự đang dựng một công trường Bông Hồng Cài Áo nơi khuôn viên tu viện. Nơi công trường sẽ có tượng một bà mẹ Việt Nam đang đứng với hai em bé, một trai và một gái, bé gái được cài trên áo một bông hồng, bé trai đang hí hửng cầm trên tay một bông hồng khác. Ta hãy tôn vinh Mẹ, tôn vinh Cha trong trái tim. Bụt dạy: Vào thời không có Bụt ra đời thì thờ Cha thờ Mẹ cũng là thờ Bụt. Đây là điều tôi muốn nói với các bạn trẻ ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

GN: Xin chân thành cảm ơn Thiền sư. Kính chúc Thiền sư và Tăng thân Làng Mai một mùa Vu lan Báo hiếu tràn đầy hỷ lạc.

-ooOoo-

Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ, 2006, www.chuyenphapluan.com


[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
16-08-2006