Buddhasasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Thiền Giả Yogi:
Sự Chuyển Hóa của Tâm với Pháp Niệm Xứ

Liễu Pháp

-ooOoo-

"Yogi" là danh từ ghép tiếng Pali gồm hai chữ "yoga" và "i". "Yoga" có nghĩa là sự thực tập chuyên cần hết sức mình. "i" có nghĩa là người có, người sở hữu. "Yogi" là người có sự thực tập chuyên cần hết sức mình, người thiền tập thực sự, thường được gọi là thiền sinh, thìền giả hay hành giả.

Mục đích của thiền giả là phát triễn tâm để đạt Ðịnh và Huệ. Người đạt được Huệ là người có hạnh phúc thực sự, có trí tuệ giải thoát, không còn khổ đau. Với kết quả của thiền tập, tâm sẽ được thanh lọc, kiến thức được phát triễn để đứng vững trước mọi hoàn cảnh của cuộc sống, để biết đối phó với Tham, Sân, Si , để thấy được thực chất của mọi hiện tượng, để kinh nghiệm được thực tại của chính mình.

Thực tập thế nào để đạt được Ðịnh và Huệ ? Phải trau dồi, giáo hóa tâm thế nào để thấy được Danh và Sắc ? Nên thực tập với phương thức thỏa đáng nào ? Ðể trả lời những câu hỏi này, ta phải hiểu thiền quán. Có nhiều trường phái thiền và phương pháp thiền khác nhau. Ðể phát triển tâm, thiết yếu chỉ có hai hình thức thiền : Thiền Chỉ hay Thiền Vắng Lặng (Samatha) và Thiền Quán hay Thiền Minh Sát (Vipassana). Thiền Chỉ dẫn đến sự an tĩnh vắng lặng và Thiền Quán tiến tới sự trực nghiệm bản chất của vạn vật và trí tuệ giải thoát. (Thiền Chỉ và Thiền Minh Sát được thực tập trong truyền thống Phật giáo Nam Tông, những phương pháp thiền khác trong truyền thống Bắc Tông và Mật Tông không bàn ở đây vì đề tài chính ở đây là sự chuyển hóa của tâm bằng phép tự quan sát).

Hiểu những khác biệt giữa Thiền Chỉ và Thiền Quán thật là quan yếu cho hành giả :

--Trong Thiền Chỉ có bốn mươi đề mục để thực tập định tâm. Khi quán một pháp trong Thiền Chỉ, ta dùng vũ trụ như là vũ trụ cho ta. Tập trung mắt và tâm ta vào một điểm , như dĩa kasina, hay tụng kinh, niệm Phật là những gì ta tạo lấy cho ta, những phương tiện để định tâm. Tứ đại, đất, nước, gió, lửa chỉ là những khái niệm ta tạo nên để giúp ta bắt cho được thực tại của vạn vật. Thiền Quán thì khác, Thiền Quán quan tâm tới vũ trụ như là vũ trụ chính nó; Vipassana có nghĩa là quan sát vạn vật hay hiện tượng như là vạn vật hay hiện tượng đang diễn tiến, không qua một khái niệm nào, để thấy được bản chất của vạn pháp. - Ðặc điểm của Thiền Chỉ là sự vắng lặng của tâm. Ðặc điểm của Thiền Quán là quan sát hiện tượng, quán cho đạt được trí huệ, cho thấy rõ được bản chất của mọi pháp : Vô thường (anicca), Khổ (dukkha) và Vô ngã (anatta). - Mục đích của Thiền Chỉ là vượt bỏ được những triền cái, như tham lam, sân hận hay hoài nghi. Mục đích của Thiền Quán là ra khỏi vô minh, không còn mơ hồ trong ảo tưởng, thấy được cái giả, chấm dứt si mê.

-- Kết quả của thực tập Thiền Chỉ là định, có khả năng tập trung tâm vào một đối tượng. Khả năng này giúp thiền giả xa lìa sự dính mắc vào các trần và căn, hưởng được sự an tĩnh vắng lặng của tâm. Kết quả của Thiền Quán là sự thanh lọc tâm, đạt được trí tuệ giải thoát, hoàn thành sự chuyển hóa của tâm, chấm dứt mọi đau khổ.

Sự thực tập Thiền Quán rất dễ lẫn lộn với Thiền Chỉ. Thiền giả cần phải nhận biết cảm thọ hay hiện tượng khi nó phát khởi và diễn tiến. Sự nhận biết này gọi là tâm niệm ,không cần phải niệm bằng lời hay nói thầm , điều cần thiết là tâm niệm phải được trang bị bằng chánh niệm, không cho một tư tưởng nào hiện lên. Tâm niệm về cảm thọ hay hiện tượng phải được niệm trong khi cảm thọ hay hiện tượng đang xảy ra. Trở ngại thông thường mà hành giả gặp phải là tâm niệm có khuynh hướng đi chậm hơn hiện tượng; trở ngại này thường đẩy tâm niệm về quá khứ, khi hiện tượng đã qua đi, làm cho tâm lâm vào lý luân hay cố tạo khái niệm, nhớ lại về hiện tượng thay vì chỉ quan sát hiện tượng. Yếu tố quan trọng ở đây là hiện tượng phải được quan sát khi nó đang xãy ra. Tâm niệm (mental note) rất quan yếu trong sự thực tập thiền Minh Sát.

Bước đầu của sự phát triễn tâm là thực tập định, tập làm chủ được cái tâm chưa trưởng thành còn non nớt của mình. Phương pháp có thể là để tâm ở nơi hơi thở chạm vào mủi hoặc tập trung tâm vào sự phồng xẹp của bụng khi đang thở vào và thở ra tự nhiên. Kỹ thuật có thể là chỉ quan sát cảm thọ hay bất cứ hiện tượng nào đang xãy ra mà không cho một tư tưởng nào phát khởi và xen lẫn vào sự quán cảm thọ hay hiện tượng . Sự thực tập này giúp ta kiểm soát tâm và tiến đến một mức định nào đó. Ðể đạt được Sơ Ðịnh (Kanika Samadhi), thiền giả phải thực tập hết sức mình, không lơ là.

Tuy nhiên không phải chỉ thiền tập, giữ giới luật trong đời sống hằng ngày là điều thật quan trọng. Trong đời sống thường nhật, một khuôn mẫu đạo đức được giữ gìn song song với sự thiền tập. Thiền giả phải giữ ít nhất là ngũ giới, không giết hại, không trộm cắp, không phạm điều dâm dục bất chính, không nói láo và không dùng chất ma túy. Theo giữ năm giới này, thiền giả khiến tâm lắng xuống cho dễ thực tập. Ðây là điều kiện cần thiết để gặt hái kết quả của sự thực tập.

Giữ giới và tập định rất là ích lợi cho thiền giả, tuy nhiên thực tập Thiền Chỉ không mà thôi có thể đưa hành giả đến chổ yếm thế nếu không tiếp tục phát triển , đào sâu để thấy được bản chất của chính mình. Ðó là Minh Sát Tuệ, là sự giáo hoá tâm, là tự quan sát mình. Tự quan sát chính mình là Phật pháp quan trọng nhất đức Phật để lại cho chúng sanh. Thiền Quán thì bất cứ ai cũng thực tập được vì mỗi người ai cũng phải đương đầu với đau khổ trong cuộc đời. Bất cứ ta theo một tôn giáo nào, hoặc là Phật giáo hoặc là Thiên Chúa giáo, ta cũng cần biết cách đương đầu với đau khổ là vấn đề ai cũng nhận là có. Hơn nữa, đa số chúng ta đều không phản đối một nếp sống đạo hạnh, tìm cách làm chủ tâm và phát triển sự hiểu biết về bản chất của vạn pháp. Thiền Quán là môn thuốc cho tất cả mọi người để trị một bệnh rất phổ thông: đau khổ.

Với sự mô tả về thiền giả (yogi) như đã bàn ở trên, hầu hết chúng ta trong đời sống hiện đại khó có thể là thiền giả hoàn toàn, nghĩa là có thể dùng hết thì giờ luôn luôn thực tập. Ðể có thành quả trong sự thiền tập, ta cần phải cố gắng thật nhiều. Một sự tinh tấn đơn thuần thường không đủ để vượt qua những triền cái trong tiến trình tu tập, phải tăng sự tinh tấn lên một mức nữa, rồi một mức cao hơn nữa. Sự tinh tấn luôn luôn phải vững chải trên đường Giới, Ðịnh, Huệ. Chánh tinh tấn thật là quan trọng trong Bát chánh đạo. Ta nên thực tập hằng ngày. Hơn nữa, ta nên dự, ít nữa là vài lần trong một năm, những khóa tu được các thiền sư hướng dẫn, hoặc là khóa tu ngắn hạn năm ngày, mười ngày, hai tuần hoặc khóa dài hơn một tháng hay ba tháng. Trong mỗi khóa tu, ta dùng hết thì giờ chỉ để tu học. Những khóa tu này thật cần thiết cho hành giả vì hai lý do sau đây:

-- Trong những khóa tu học tuy ngắn hạn này, thiền sinh ở xa những tiện nghi ở đời, những lạc thú ở thế giới này, những lạc thú không trọn vẹn. Ta xa được những điều thường chi phối ta trong đời sống hằng ngày, ta có thể tập trung có hiệu quả hơn trong thiền tập, giữ được đà này cho đến sau khóa tu và cho đến một khóa tu khác mà không phải rơi vào sự lơ là, mất đi sự thực tập nghiêm chỉnh, cần thiết cho sự tiến bộ.

-- Ðể thiền tập có kết quả, ta cần phải có thầy. Ta cần có thầy để được hướng dẫn đúng cách trong sự thực tập. Ta cũng phải có lòng tin tưởng nơi thầy hướng dẫn vì sự tin tưởng là nguồn gốc của thành công trong sự thực tập. Trong các khóa tu, thiền sinh thường được gặp riêng với thiền sư mỗi ngày để phúc trình sự thực tập và hỏi về những thắc mắc của mình. Thiền sinh thường được lĩnh hội lợi ích cho dù được thiền sư khuyến khích hay bày tỏ sự không bằng lòng về sự tinh tấn của thiền sinh.

Cho dù ta chưa phải là một thiền giả hoàn toàn (full time yogi), ta vẫn có thể thấy được sự tiến bộ của mình với điều kiện là ta thực tập tinh tấn hết sức mình. Ta có thể thấy sự tiến bộ của tâm (tâm chẳng hạn bớt tham, bớt nóng giận ...), ta nghiệm thấy ta có thể sống không cần tiện nghi hào nhoáng, chỉ cần những gì thật thiết yếu cho đời sống. Ta cũng thấy được là những thú vui vật chất hay tinh thần không còn hấp dẫn ta như trước. Những điều ta từng cho là quan trọng, ta có thể thấy là không còn dính mắc nữa. Ta nhiều khi còn cảm thấy được hạnh phúc thật sự chưa bao giờ cảm thấy từ trước.

Trí huệ giải thoát chỉ có thể đạt được bằng sự chuyển hóa của tâm với sự tự quan sát. Bước đầu là tập sống trong chánh niệm từng giây phút, giữ giới luật nghiêm chỉnh, thực tập thiền quán tinh tấn hết lòng cho mức định được tăng tiến, từ Sơ định , Cận hành định rồi Cận định, các triền cái tạm thời được chế ngự. Tuy nhiên sự định tâm có thể khiến hành giả thích hưởng sự an tĩnh vắng lặng mà quên niệm và nhớ những gì đang diễn tiến mà mình phải quan sát, nghĩa là không còn thực tập thiền Minh Sát. Chỉ định tâm không mà thôi sẽ không dẫn hành giả đến sự lĩnh hội được Danh và Sắc nếu hành giả không thực hành Minh Sát tuệ.

Một khi hành giả đạt được Sơ định thì tốt nhất là giữ cho mình khỏi an hưởng sự vắng lặng an tĩnh mà phải giữ chánh niệm và theo rõi các đề mục thân, thọ, tâm, pháp theo kinh Tứ Niệm Xứ.

Ðể đến được một mục đích thì thường có hơn một con đường để đi.Tuy nhiên tùy theo người, có đường thì tốt hơn đường khác vì nó thích hợp với những gì người đó đã có. Thực tập Thiền Quán với sự quan sát trực tiếp bốn đề mục niệm xứ giúp hành giả đạt được trí tuệ giải thoát. Trong lời mở đầu kinh Tứ Niệm Xứ, đức Phật nói: " Này các tỳ-kheo, đây ta chỉ cho quí vị con đường duy nhất (ekayano maggo) để có thể gạn lọc bản thân, vượt thoát phiền não,tiêu diệt ưu khổ, hành được chánh đạo và chứng ngộ Niết Bàn: Ðó là Pháp Niệm Xứ " (Satipatthana). "Sati" nghĩa là chánh niệm. Nghĩa đặc biệt của chánh niệm là trạng thái thức tĩnh và quan sát sự vật một cách trực tiếp không thành kiến từ quá khứ cũng không với khuynh hướng trong hiện tại. Về phương diện thực tập, tâm niệm (mental noting) là phương pháp để giữ chánh niệm. "patthana" là chữ rút ngắn của "upatthana" có nghĩa nền tảng . Kinh mô tả bốn nền tảng hay lãnh vực để quán sát nên gọi là tứ niệm xứ.

Thiền Quán chưa bao giờ được thấy cần thiết hơn là trong thời hiện đại vì những điên đảo, thống khổ ta thấy và nhận lãnh trong đời sống hằng ngày. Chỉ mỗi chúng ta mới nếm được mùi thiền duyệt trong thành quả thực tập của mình. Ðức Phật đã nói " EHI PASSIKO ", hãy đến và xem cho chính mình, ý nói " hãy thực tập đi rồi tự thấy thành quả ". Chúng ta hãy lặng lẽ thực tập và tinh tấn liên tục, hãy chuyển hóa tâm bằng cách tự quan sát, thành quả chỉ tùy thuộc vào sự thực tập của ta mà thôi.

Thanh lọc bản tâm bằng cách tự quan sát với chánh niệm phải chăng là tuyệt đỉnh của Phật pháp ?

Tâm nơi cảm thọ nơi chân bước
Chánh niệm không rời một phút giây
Vũ trụ trong ta không phiền trược
Hiện tại này an lạc nơi đây

Pháp tâm thân thọ hằng nhất niệm
Vọng tưởng vơi dần thấy diệt sanh
Bản tâm thanh lọc hoàn nhân quả
Chánh niệm soi đường lộ sắc danh

oOo

Roseville,Minnesota
Liễu Pháp
Tháng 12, 1991