BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Tâm bình, thế giới bình

Thiền sư Goenka
Tỳ khưu Giác Lộc dịch


Đọc với VU-Times font (Viet-Pali Unicode)

-ooOoo-

Vipassanā – Một Phương Tiện Hùng Mạnh Giúp Cho Xã Hội Hòa Hợp

Như những nhánh sông nối liền với con sông, những lời của Đức Phật là sự liên kết thực tiễn của giới định và tuệ, tất cả lời dạy này là phổ biến và không có óc bè phái. Đó là lý do tại sao, vào thời Đức Phật và ngay cả bây giờ, người ta từ nhiều giáo phái, truyền thống, xứ sở và văn hóa khác nhau muốn thực hành những lời dạy của ngài và cùng hưởng những lợi ích.

Lời dạy của Đức Phật không bao giờ là một giấc mơ không tưởng của chủ thuyết lý tưởng rỗng tuyếch, nhưng đó là một năng lực hợp nhất lớn trong xã hội bị xâu xé của chúng ta. Điều này đã được chứng minh trong 30 năm qua, bởi cách thức mọi người và những nhà lãnh đạo thuộc về những tôn giáo, giai cấp khác nhau, những đoàn thể khác nhau, những tầng lớp xã hội khác nhau và những người từ những xứ sở, văn hóa khác nhau, dự những khóa Vipassanā bằng những con số lớn như thế. Họ thiền với nhau và ăn với nhau không có phân biệt nào về điều gọi là địa vị cao thấp.

Không ai có thể chấp nhận truyền thống xã hội sai lầm về giai cấp hạ tiện. Đây là lời dạy thực tế của Đức Phật. Và sự bình đẳng này là văn hóa tinh thần cổ kính và tối thượng của xứ sở này, qua thời gian nó bị tàn lụi thật bi thảm. Giờ đây thật đáng mừng khi thấy sự bình đẳng và hòa hợp này phát sanh lần nữa, không chỉ ở mức độ nguyên lý, mà còn ở mức độ hiện thực. Một người hành trì chân chính theo những lời dạy của Đức Phật không thể và sẽ không đối xử phân biệt đối với bất cứ người nào.

Đáng chú ý rằng đến nay, xấp xỉ 2000 linh mục và nữ tu Cơ đốc, 500 munis (nam tu s ĩ) và sadhvis (nữ tu sĩ) Jain, hằng trăm nam nữ tu sĩ Hindu và Phật giáo đã tham dự những khóa Vipassanā. Những người cư sĩ của những truyền thống này có con số đến hằng trăm ngàn. Số này nhân lên thêm mỗi năm.

Không phe phái, những lời dạy khoa học của Đức Phật truyền đi trên một quy mô bao quát là một phương pháp cụ thể, thực tiễn để đạt đến hòa hợp xã hội. Nguyên do là khi người ta kinh nghiệm một cách tiến bộ lời dạy của đấng giác ngộ, việc đó trở thành không thể tin vào những khác biệt giai cấp, đoàn thể, giáo phái, giới tính, địa vị xã hội v.v... Người ta không thể chấp nhận truyền thống sai lầm về giai cấp hạ tiện.

Tam Bảo

Trong buổi hội thảo quan trọng này, tôi cũng xin làm sáng tỏ thêm về vấn đề ý nghĩa Tam bảo. Ở đầu khóa Vipassanā, mỗi thiền sinh đều quy y Tam bảo, bất kể quá trình đào tạo như thế nào.

Tam bảo là gì? Người ta nói, ‘Tôi quy y Phật; tôi quy y Pháp; tôi quy y Tăng’. Vì thời gian qua, người ta quan niệm sai về việc quy y Tam bảo như là chuyển từ một tôn giáo có tổ chức này sang một tôn giáo có tổ chức khác. Nhưng khi được hiểu bằng tầm nhìn xa rộng một cách đúng đắn, trong ý nghĩa uyên nguyên, lúc đó không chỉ những người cư sĩ, mà còn những nam nữ tu sĩ, những nhà lãnh đạo các tôn giáo khác không có do dự trong việc quy y Tam bảo.

Đức Phật đã giải thích rõ ràng và không mơ hồ ý nghĩa của Tam bảo là những đức của Dhamma (Pháp), khi ngài nói :

Idampi Buddhe ratanaṃ paṇītaṃ
Idampi Dhamme ratanaṃ paṇītaṃ
Idaṃpi Saṅghe ratanaṃ panītaṃ
(1)

Ngài giải thích Tam bảo là những đức tính trong mỗi câu trên. Và người ta đang quy y những đức tính này, không phải quy y một nhân vật nào.

Lời dạy như thực của đấng giác ngộ không muốn bất cứ ai quy y Đức Phật Gotama, không phải quy y ‘Dhamma Phật giáo’, cũng không phải quy y ‘Saṅgha Phật giáo’. Khi chúng ta tước bỏ những danh hiệu dễ nhầm lẫn này và hiểu ý nghĩa xác thực của Tam bảo, lúc đó mọi người có thể chấp nhận việc quy y. Đây là vì, khi ta quy y một ngôi trong Tam bảo, ta quy y không phải nơi một người, nhưng nơi đức tính của người đó để gây nguồn cảm hứng cho sự phát triển những đức đó ở nơi chính mình.

Khi ta quy y Phật bảo, ta quy y nơi những đức giác ngộ của Phật. Và sự giác ngộ này không bị giới hạn cho một giáo phái hoặc một đoàn thể cá biệt nào. Mọi người có hạt giống giác ngộ bên trong chính mình, nhưng ta phải tu tập rất tích cực trong nhiều đời sống để dần dần phát triển và được giác ngộ hoàn toàn. Sự giác ngộ hoàn toàn không phải là độc quyền duy nhất của đức Sĩ Đạt Ta Gotama. Ngài thường nói đã có nhiều vị Phật trước ngài và sẽ có nhiều vị Phật sau ngài.

Tương tự, khi ta quy y Pháp bảo, ta đang quy y đức Dhamma phổ biến, tức là, Sīla (giới), Samādhi (định) và Paññā (tuệ).

Cũng thế, khi ta quy y Tăng bảo, ta thực sự quy y đức của Tăng. Bất cứ ai đã đi trên con đường của Dhamma, đã thanh tịnh tâm, tự mình đã giải thoát tất cả phiền não, tiếp tục tạo ra tâm từ và tâm bi. Một bậc thánh như thế là Tăng. Người ta có thể thuộc về bất cứ ‘giai cấp’, đoàn thể, xứ sở, giới tính, không hề có khác biệt. Người ta được cảm hứng từ bất cứ người nào có tâm thanh tịnh như thế và từ người đó ta cảm thấy tin cậy về việc được hướng dẫn cho sự giải thoát bản thân, và tu tập tích cực để được thành lập trong chánh đạo.

Vì thế, việc quy y Tam bảo thực sự có nghĩa là quy y những đức phổ biến của Dhamma. Đây là những gì Đức Phật nhấn mạnh nhiều lần . Một cách chắc chắn, vì Pháp nên gọi là Phật. Vì Pháp nên gọi là Tăng. Do vậy, Pháp là tối thượng ở đời-

Dhammo hi seṭṭho jane tasmim.

Và nhiều lần Đức Phật đã nêu ra tầm quan trọng với việc quy y Pháp. Quy y Pháp nghĩa là Pháp trong chính mình- Dhāretī’ti Dhammo’.

Đây là sự nương tựa thực sự, nơi trú ẩn thực sự, một hòn đảo thực sự, nơi đó người ta có thể bảo vệ con thuyền của mình trong bất cứ trận cuồng phong bão tố nào.

Attadīpā viharatha attasaraṇā anaññasaraṇā, Dhammadīpā dhammasaraṇā anaññasaraṇā

Đức Phật đã nhấn mạnh rằng Pháp phát triển trong chính mình sẽ là nơi trú ẩn của mình và tuyên bố dứt khoát (na añña saraṇaṃ) – không có nương tựa trong bất cứ ai khác. Ngài đã nói ta là chủ của ta (attā hi attano nātho) (2), ta tạo ra tương lai của chính ta (attā hi attano gati) (3), và kế đó ngài nói dứt khoát rằng các người phải tự lực để cứu vớt mình (tumhehi kiccaṃ ātappaṃ)– và các đấng giác ngộ chỉ giảng dạy con đường chơn chánh (akkhātāro Tathāgatā), ta phải tạo mọi nỗ lực để đi trên đường đó. Vì thế việc quy y Tam bảo không phải là một nghi lễ giáo phái, như được hiểu rõ bởi các hành giả Vipassanā. Điều này giúp mọi người thoát khỏi những ràng buộc giáo phái và các tín điều và giúp họ sống một đời sống của Pháp, một đời sống mà mỗi tôn giáo thực sự muốn sống.

Tâm Bình, Thế Giới Bình

Chúng ta tìm thấy rằng mỗi truyền thống và những lời dạy của các bậc thánh thúc dục con người sống một đời sống đạo đức, với một tâm tự chế, thanh tịnh đầy từ bi với tất cả chúng sanh. Pháp phổ biến có thể được thực hành bởi mọi người, cho cùng những kết quả hữu ích đến mọi người. Nhưng vì thời gian biến chuyển, và những lời dạy như thực của Pháp thanh tịnh bị vướng vào những nghi lễ giáo phái, những nghi thức, những tín ngưỡng, giáo điều, những sự thờ cúng v.v... Chúng ta tìm thấy rằng trong đời sống thực tiễn, hằng ngày của con người, Pháp thanh tịnh trở thành không quan trọng và tất cả những điều khác đã đề cập trước lại được đặt lên hàng đầu. Và việc này tạo ra những trở ngại bởi vì những nghi lễ v.v... bất đồng trong những tổ chức tôn giáo khác nhau. Và khi tất cả sự quan trọng được đặt vào những cái vẻ ngoài nông cạn này, lúc đó chúng sẽ mất thực chất hoặc tinh hoa. Thực chất đang phát triển giới, định, tuệ. Không thể có sự xung đột qua ba yếu tố căn bản này để sống một đời sống hữu ích. Và ta phải đặt sự quan trọng vào thực chất, thay vì lớp vỏ bọc.

Lời dạy của Đức Phật muốn chúng ta nhận thức rằng thực chất như chân của Pháp là thực sự áp dụng giới, định, tuệ trong đời sống của mình. Những yếu tố phổ biến này có mẫu số chung và vĩ đại nhất của mỗi tôn giáo. Tập trung sự chú ý vào những yếu tố phổ biến này là cần thiết trong đời sống của mỗi người và sẽ giúp giải trừ những phân biệt hời hợt giữa các cộng đồng. Và chính vì những phân biệt hời hợt này gây ra quá nhiều va chạm, thù địch và ác ý giữa cộng đồng này với cộng đồng nọ.

Những lời dạy của đấng giác ngộ giúp ta bỏ đi những phân biệt hời hợt giữa người này với người kia. Chẳng hạn, các trường phái khác nhau trong truyền thống của Đức Phật như Theravada, Mahayana, Vajrayana, Tantrayana v.v... có thể có những khác biệt, nhưng không có xung đột trong đó. Tất cả trường phái đó đặt sự quan trọng ngang nhau vào cốt lõi của những lời Đức Phật dạy. Và những nhà lãnh đạo, những tín đồ của những trường phái bất đồng này muốn dự những khóa Vipassanā, nơi đây người ta dạy thực hành giới, định, tuệ và tu tập tâm từ.

Cũng vậy, nhiều người từ mỗi tôn giáo đã bắt đầu đặt nhiều quan trọng hơn vào điểm gặp gỡ chung của tất cả tôn giáo, tức là giới, định, tuệ - cốt lõi của những lời dạy phổ biến của tất cả đấng giác ngộ, có thể được chấp nhận bởi tất cả. Khi Vipassanā lan rộng, tôi chắc chắn rằng Pháp nguyện này sẽ cụ thể hóa và ngăn xung đột, những tranh chấp, ngay cả những cuộc chiến tranh nhân danh tôn giáo.

Tôi hy vọng hội thảo chuyên đề này sẽ đem lại lợi ích cho nhiều người hơn từ những lời dạy thực tiễn chân chánh của Đức Phật – đó là di sản tinh thần vô thời gian, vô giá của nền văn minh cổ Ấn độ và hiện tại vẫn thích hợp như ngày nào.

Lịch sử đã chứng minh rằng bất cứ khi nào những lời dạy về giới, định, tuệ đã đi từ Ấn độ đến các xứ lân cận, những lời dạy đó không bao giờ xung đột với truyền thống văn hóa của quốc gia đó. Mặt khác, như đường hòa tan trong sữa, những lời dạy đó đã được đồng hóa thật ôn hòa để làm lành mạnh và hướng thượng xã hội đó.

Ước mong lời dạy như thực của đấng giác ngộ lan rộng trong mọi ngõ ngách của thế giới. Ước mong càng lúc càng có nhiều nhân loại hơn sử dụng lời dạy vô giá này và sử dụng kiếp người vô giá để ra khỏi tất cả khốn cùng, khổ đau, vô minh, và phát triển trí tuệ vốn chỉ đến từ tâm thanh tịnh và chứng nghiệm hòa bình ở nội tâm. Trí tuệ và hòa bình thực chứng đó bên trong mỗi cá nhân là những gì có thể mang lại hòa bình nhiều hơn trong xã hội và hòa bình giữa các quốc gia.

Ước mong tất cả chúng sanh được an lạc! Hòa bình! Giải thoát!
Bhavatu sabba maṅgalaṃ

(Trích dịch bài diễn thuyết " PEACE WITHIN ONESELF, FOR PEACE IN THE WORLD" của thiền sư Goenka vào ngày 6 - 11- 1998 tại Sarnath, India.)

-ooOoo-

* Chú thích: (của người dịch)

(1)

Như vậy, nơi Đức Phật,
Là châu báu thù diệu.
Như vậy, nơi chánh pháp,
Là châu báu thù diệu.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.

- Suttanipāta, Kinh châu báu ( HT. Thích Minh Châu dịch)

(2) Nātho – chủ, người che chở

(3) Gati - hướng đi, số phận, sanh thú. Narada Mahā thera, Ācharya Buddharakkhita và Bhikkhu Pesala dịch là refuge (chỗ ẩn náu, chỗ nương tựa).

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 18-04-2006