Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

TÂM SỞ  (Cetasikas)
Môn Tâm lý và Triết học Phật giáo

Nguyên tác: Cetasikas
Tác giả: Nina Van Gorkom
Dịch giả: Tỳ kheo Thiện Minh


Chương 17

MẠN (Mana)

Mana, là mạn ngã mạn hay là tự cao tự đại, là một sở hữu khác nữa. Ta có thái độ tự cao tự đại hay kiêu hãnh khi ta tự coi mình là quan trọng. Chính do tự cao tự đại mà chúng ta có thể tự so sánh mình với người khác. Mạn cũng xuất hiện khi chúng ta nghĩ mình tốt hơn, ngang bằng hoặc kém hơn  nguời khác. Chúng ta tin là tự cao tự đại chỉ có thể xuất hiện khi chúng ta tự nghĩ mình tốt hơn người khác, nhưng thực sự không phải là thế. Ở đây ta thấy có hành động tự nâng mình lên, tự coi mình quan trọng. Đang  khi chúng ta so sánh mình với người nào đó, bất cứ bằng cách nào, và điều đó là mạn, tự cao tự đại vậy.

Chúng ta đọc thấy trong Pháp Tụ (Dhammasangani §1116) như sau:

Mạn kiết sử là gì vậy?

Tự cao tự đại (Mana) khi ta suy nghĩ “Tôi là người tốt hơn hẳn” Tự cao tự đại (Mana) khi ta nghĩ “Tôi cũng tốt như người khác” Tự cao tự đại (Mana) cả khi ta nghĩ “Tôi kém hơn”. Tất cả những điều đó đều là tự cao tự đại. Tự cao tự đại coi mình quá cao vênh váo, kiêu căng cao kỳ, ngạo mạn, khoe khoang chưng diện, kiêu căng ngang ngược, có ước ao tự khoe mình. Tất cả những điều đó đều là tự cao tự đại cả.

Có ba cách để tự so sánh mình với người khác sẽ xảy ra nơi một người nào đó. Thực sự có trổi vượt hơn người khác. Nơi người nào đó ngang bằng với mình và cả nơi người nào đó thấp kém hơn mình nữa. Dưới góc độ này ta có tới chín loại tự cao tự đại.[114]

Không cần phải so sánh, mặc dù trong thực tế ta có cao hơn, ngang bằng hay thấp hơn người khác. Khi chúng ta tự coi mình quan trọng hơn người khác và cả khi chúng ta tự so sánh mình với người nào đó, chúng ta đã tích lũy nhiều điều bất thiện hơn bao giờ hết, cho dù ở dưới bất kỳ khía cạnh nào.

Ngay cả khi chúng ta không so sánh mình với người khác, chúng ta cũng vẫn có thể thấy mình quan trọng và thế là tự cao tự đại  lại xuất hiện. Tự cao tự đại luôn đi kèm với tham, với thủ hay chấp thủ thể, xuất hiện với bốn loại tâm tham căn không đi kèm với tà kiến. Tự cao tự đại và tà kiến là những Pháp (thực tại) hoàn toàn khác nhau. Không xuất hiện cùng một lúc với nhau. Khi nào chúnng ta coi một pháp (thực tại) nào đó thường hằng và coi đó là “bản ngã” của ta thì đó là tà kiến và không thể cùng lúc đó có tự cao tự đại, lúc đó thì tự cao tự đại chỉ là tính kiêu hãnh hoặc tự khẳng định mà thôi. Điều này không có nghĩa là tự cao tự đại xuất hiện mỗi khi có tâm tham căn và không có tà kiến xuất hiện. Tâm tham căn không có tà kiến đi kèm đôi khi lại đi kèm theo với tự cao tự đại, đôi khi không.

Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì II, P. IX chương III, 256) cho chúng ta một định nghĩa về tự  cao tự đại như sau:

... Trong tài liệu này Tự cao tự đại (Mana) tưởng tượng (nghĩ rằng, tưởng tượng quãng đường) với tính ngạo mạn là trạng thái, tự tán dương là nhiệm vụ, uớc muốn khoe khoang (tự đề cao mình) là thể hiện của Tự cao tự đại (Mana). Tham (lobha) tách ta khỏi thái độ cố chấp là nguyên do sâu xa và nên được coi như là một hình thức điên rồ mất trí

Tham là nguyên nhân sâu xa của tự cao tự đại, nhưng tham lam được tách rời khỏi bất tương ưng tà kiến (Ditthigata-vippayutta). Như chúng ta đã thấy, tự cao tự đại không thể xuất hiện chung với tà kiến, nó xuất hiện với tâm tham căn tách biệt khỏi tà kiến.

Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga XIV, 168) cũng đưa ra một định nghĩa tương tự như vậy, nhưng lại nói về thành tựu của tự cao tự đại như là “tính tán dương tự đắc” và không nói về đến ước muốn tự quảng cáo cho mình giống như một biểu ngữ.[115]

Trong định nghĩa của Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì), tự cao tự đại giống như ước muốn quảng cáo về mình được so sánh như một “băng rôn” căng lên để cho mọi người nhìn thấy. Chúng ta thường có ý định thấy mình quan trọng, tự tán dương và nâng mình lên.

Tự cao tự đại giống như một hành động điên rồ hay loạn trí. Cho dù không cần tự quảng cáo hay tự so sánh với người khác chúng vẫn cứ làm như vậy, vì tự cao tự đại đã được tích tụ. Nghiên cứu Pháp bất thiện là lợi nhất. Nếu như chúng ta chưa biết rõ tự cao tự đại là gì và trong trường hợp nào nó sẽ xuất hiện, chúng ta sẽ tích lũy tự cao tự đại ngày càng nhiều hơn là chúng ta tưởng tượng ra.

Cho đến khi nào tự cao tự đại chưa được tận diệt vẫn có nhiều cơ hội để tự cao tự đại xuất hiện. Tự cao tự đại xuất hiện thường xuyên hơn là chúng ta tưởng. Sách phân tích (Book of Analysis vibhanga, chương 17 § 832) cho chúng ta một danh sách đầy khám phá về những đối tượng liên quan đến kiêu hãnh và tự cao tự đại có thể xuất hiện:

Kiêu hãnh về gia tộc (Sanh); kiêu hãnh về bộ tộc; kiêu hãnh về sức khoẻ; kiêu hãnh vì trẻ trung; kiêu hãnh vì cuộc sống; kiêu hãnh vì lợi lộc, kiêu hãnh vì danh vọng, kiêu hãnh vì được kính trọng; kiêu hãnh vì lỗi lạc, vì có nhiều người trung thành; kiêu hãnh vì có nhiều tài sản, kiêu hãnh vì dáng vẻ bên ngoài; kiêu hãnh vì học thức uyên bác; kiêu hãnh vì trí thông minh; kiêu hãnh vì có nhiều uy tín; kiêu hãnh vì thường hay bố thí; kiêu hãnh vì không bị coi thường; kiêu hãnh vì có dáng điệu yêu kiều; kiêu hãnh vì là người thành đạt; kiêu hãnh vì là người nổi tiếng; kiêu hãnh vì là người đạo đức; kiêu hãnh vì là người luyện thiền (jhana); kiêu hãnh vì khéo tay; kiêu hãnh vì là người cao ráo; kiêu hãnh vì là người có thân hình cân đối; kiêu hãnh vì dáng vẻ đẹp trai; kiêu hãnh vì có thân hình hoàn hảo...

Tất cả các đối tượng đó có thể là nguồn độc hại và là nguồn tự cao tự đại và chúng ta phải cân nhắc đến hàng ngày, vì vậy mà chúng được liệt kê ra đây. Tự cao tự đại có thể xuất hiện vì những đối tượng kể trên, ta cảm nhận được qua các căn. Khi chúng ta cảm nhận được một cảnh tốt qua một trong số các căn trên, chúng ta trở nên  tự cao tự đại vì đối tượng đó; chúng ta cứ nghĩ là mình tài giỏi hơn so với người khác không có cảnh tốt đó. Ngay sát-na đó chúng ta lại quên mất rằng kinh nghiệm có được qua các căn chỉ là dị thục hay quả báo mà thôi, do nghiệp chướng chi phối. Như vậy, không có lý do gì để ta tự hào về kinh nghiệm sảng khoái đó nhưng vô minh đã che khuất sự thật, nó chi phối mọi pháp bất thiện xuất hiện. Tự cao tự đại không chỉ xuất hiện vì các đối tượng đó được cảm nghiệm qua các căn, nhưng cũng vì chính các căn đó nữa. Khi chúng ta nhìn thấy người khiếm thị, chúng ta có thể tự hào vì nhãn căn của chúng ta.

Chúng ta có thể tự hào vì gốc gác gia đình chúng ta sinh ra, vì gia đình ta được sinh ra trong đó. Hoặc  tự cao tự đại có thể xuất hiện vì nòi giống chủng tộc. vì quốc tịch hay mầu da của chúng ta có khá hơn mầu da của một số người khác. Đó chính là tự cao tự đại. Tự cao tự đại cũng có thể xuất hiện vì sắc đẹp, tài sản, địa vị hay công việc làm. Hoặc vì tài khéo của chúng ta, vì trí tuệ vì giáo dục hay trí thông minh. Rất có thể còn nổi lên ước muốn “quảng cáo” chính mình vì tất cả những sự việc đó. Chúng ta thích được kính trọng và được tán dương và điều tồi tệ nhất xảy đến với chúng ta là bị quên lãng, bị coi nhẹ hay bị khinh miệt. Chúng ta tự nghĩ mình phải là “một nhân vật nào đó” và chúng ta không muốn được đối xử như những người “vô danh tiểu tốt.” Ý tưởng cạnh tranh thường được thôi thúc các hành động, lời nói và suy tư của chúng ta do bởi vì chúng ta có thể không muốn người khác tốt hơn chúng ta, ngay cả với điều thiện và chánh kiến nữa.

Cuốn “Book of Analysis” đã phân loại tự cao tự đại thành nhiều kiểu để có thể chỉ ra những khía cạnh khác nhau. Thí dụ chúng ta đọc thấy về” tự cao tự đại vì thiếu tự trọng” (Omana § 881). Khi một người nào đó có thái độ khinh người hay coi thường người khác, hắn tự nâng mình lên và tự cảm thấy mình là quan trọng. Cũng còn có “tự cao tự đại vì đánh giá mình quá cao.” Một số người còn có suy nghĩ một cách nực cười là mình đã đạt đến thiền và đã thực hiện được những bậc thiền và rất tự hào về điều đó. Chúng ta đọc thấy trong Sách Phân Tích (chương 17. §882) về tự đánh giá cao về mình (Adhimana) như sau:

Về mặt ấy, thế nào là “tự đánh giá cao chính mình”? Vì không đạt đến được diều gì đó, lại ra vẻ như đã đạt được; vì không thể thực hiện được, mà làm ra vẻ mình đã thực hiện được; vì đã không dành được, mà lại ra vẻ như mình đã dành được; vì đã không thực hiện được, mà lại ra vẻ như đã thực hiện trót lọt; nhũng điều đó tương đương với tụ phụ, tỏ vẻ tự cao tự đại, hiện trạng tự cao tự đại, tính kiêu kỳ, ngạo mạn (chưng diện), làm ra vẻ, ước ao được phô trương, những điều đó chính là tự đánh giá mình quá cao vậy.

Có nhiều dạng tự cao tự đại. Tự cao tự đại đã được tích tụ trong một thời gian dài và buộc phải xuất đầu lộ diện ra. Khi chúng ta không hài lòng về cách người khác đối xử với ta, dứt khoát sẽ có giai đoạn ác cảm nổi lên, nhưng cũng có những giây phút tự hào. Chúng ta cảm thấy mình là quan trọng và như vậy chúng ta sẽ đau khổ do ước muốn khoe khoang đó; chúng ta muốn được người khác kính trọng. Chúng ta có thể tự hào vì trí tuệ của mình, vì có uy tín về trí tuệ cao như sách phân tích diễn đạt rất chính xác. Chúng ta muốn chứng tỏ mình có giá trị hơn người khác về mặt trí tuệ về Phật Pháp. Và thế là một lần nữa “băng rôn” của chúng ta lại tung bay phất phới.

Chúng ta thường có thành kiến với một số người nào đó, ngay cả với người thân của chúng ta, chúng ta có thể hạ giá hay đánh giá họ thấp. Chúng ta nên tìm ra xem mình  có tỏ vẻ tự cao tự đại khi cùng sống chung với người khác hay không. Nếu chúng ta hiểu ra được những điều thất lợi về tất cả các pháp bất thiện, kể cả tự cao tự đại, thì chúng ta sẽ có duyên hệ để tăng thêm các đức  tính tốt như lòng thương mến, từ bi và đôn hậu. Chúng ta tin rằng đa số vì tức giận và ác cảm mà chúng ta gây khó chịu cho người khác. Nhưng khi tự cao tự đại xuất hiện thì cũng không thể có lòng nhân ái và đánh giá cao người khác được. Khi nào có lòng nhân ái thì không cơ cơ hội để tự cao tự đại xuất hiện.

Có nhiều sát-na chúng ta hay quên lãng và rồi chúng ta không thể nhận ra được lúc nào thì có tự cao tự đại. Một sát-na tự cao tự đại, tự tâng bốc mình, có thể dễ dàng xảy ra. Thí dụ, khi chúng ta nghe người nào đó được lãnh lương, chắc chắn sẽ diễn ra so sánh, và tự tâng bốc mình lên, hoặc giả khi chúng ta đang lái xe và nhìn thấy người khác chờ xe buýt, chắc sẽ có nhận xét là” tôi có một chiếc xe, tôi may mắn” những sát-na so sánh ngắn ngủi như vậy, thay vì tu luyện lòng nhân ái và lòng từ bi, chúng ta lại thấy những tư tưởng như vậy là xấu xa, và chúng ta không muốn chấp nhận mình đã phạm phải như vậy, nhưng chúng vẫn xuất hiện vì chúng có duyên hệ để nổi lên tự cao tự đại một pháp hữu vi. Chúng ta nên thành thật và nghiên cứu những pháp nổi lên, kể cả các pháp bất thiện. Đây là cách duy nhất để nhận ra các pháp này không phải là “bản ngã”.

Khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta có thể tự so sánh với người lớn tuổi hơn chúng ta. Khi chúng ta thấy người nào bị ốm hoặc bị chết, chúng ta thấy tự hào vì chúng ta còn khoẻ mạnh và còn sống. Và chúng ta có thể tự hào về sức khoẻ của ta. Chúng ta phải chịu đựng tuổi già, bệnh tật và chết chóc ngay tại sát-na này. Không cần phải so sánh. Thay vì tự cao tự đại chúng ta có được chánh kiến về “vô thường” của pháp hữu vi vậy.

Đến chỗ này tự cao tự đại lại giống như “mất trí”, chúng ta rất dại dột khi tự cao tự đại. Tự cao tự đại là pháp bất thiện, pháp này không trong sạch. Khi có tự cao tự đại thì cũng có vô minh và ta không biết được bản chất đích thực của mình. Còn có cả vô tàm không biết mắc cở vì điều bất thiện đó. Còn có thiếu thận trọng vô quí khiến ta không nhìn ra được mối nguy của điều bất thiện. Cũng còn có cả phóng dật (Uddhacca) khiến ta lẫn lộn và ngăn cản tâm khiến cho nó không vững vàng trong điều thiện.

Tự cao tự đại chỉ được diệt tận gốc rễ khi chúng ta đạt đến bậc thánh A-la-hán. Vị thánh Nhập lưu, bậc thánh Nhất lai và đấng quả thánh A-na-hàm. Cả ba bậc thánh này vẫn còn vướng phải tự cao tự đại. Ngay cả những người đã diệt được tận gốc rễ tà kiến về bản ngã và người đã thực hiện được cái gì là một “con người” chỉ còn danh pháp và sắc pháp sinh và diệt, vẫn có thể bám chặt danh pháp và sắc pháp với tự cao tự đại. Tự cao tự đại đã được tích tụ từ rất lâu. Chúng ta có thể nghĩ đến “chính chúng” là danh pháp và sắc pháp tốt hơn. Ngang bằng và kém hơn người nào đó ngay cả như vậy chúng ta vẫn nhận ra là không còn “bản ngã”.

Tất cả những người chưa đạt đến bậc thánh A-la-hán chưa đạt đến bậc thánh đó. Cần phải vun trồng niệm xứ cho đến khi nào tất cả pháp bất thiện đã được diệt tận gốc rễ. Điều này nhắc nhớ chúng ta về nhu cầu phải tiếp tục chánh niệm ngay cả khi chúng ta không nhận ra ngã mạn. Chúng ta nên biết ơn Đức Phật người đã dạy dỗ chúng ta tất cả mọi pháp. Nếu ngài không dạy chúng ta về tự cao tự đại chúng ta không thể biết được là có nhiều cơ hội để chúng xuất hiện. và thật là ích lợi nếu như chúng ta nhận ra các pháp bất thiện của chúng ta.

Câu hỏi:

1. Tự cao tự đại xuất hiện với tâm tham căn không có tà kiến. Liệu có tự cao tự đại mỗi khi có loại tâm tham căn đó xuất hiện hay không?

2. Tại sao lại có tự cao tự đại khi  chúng tự nghĩ  mình thua kém người khác?

3. Vị thánh nhập lưu đã tận diệt đến tận gốc rễ tà kiến về bản ngã, tại sao vị đó vẫn còn có tự cao tự đại?

[114] Sách phân tích điều 960 và Chú giải bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì)  II, cuốn II phần II, summary, chương II, 372.

[115] So sánh  Pháp tụ (Dhammasangani) điều 1116 và giải thích trong Atthasàlinì, cuốn II, chp II, 372


 Mục lục | Lời nói đầu | Lời giới thiệu |
 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 |
20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | Phụ lục

 

Source: http://www.phatgiaonguyenthuy.com

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
08-08-2004