Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

TÂM SỞ  (Cetasikas)
Môn Tâm lý và Triết học Phật giáo

Nguyên tác: Cetasikas
Tác giả: Nina Van Gorkom
Dịch giả: Tỳ kheo Thiện Minh


Phần IV

SỞ HỮU TỊNH HẢO

(SOBHANA-CETASIKAS)


Chương 24

NHẬP ĐỀ

Khi chúng ta bố thí, tuân giữ giới luật, tụ luyện tĩnh trí hay phát triển thiền quán cùng lúc đó tâm thiện cũng xuất hiện. Tâm thiện đi kèm với sở hữu tịnh hảo và giúp tâm thực hiện nhiệm vụ của mình. Khi tâm thiện xuất hiện sẽ không có tham lam, ác cảm hoặc vô minh, chúng ta tạm thời thoát khỏi những phiền não. Tuy nhiên, sau khi tâm thiện đã diệt, tâm bất thiện buộc phải sinh. Trong cuộc sống chúng ta tâm bất thiện nhiều hơn tâm thiện gấp bội.

Tâm thiện không thường xuyên xuất hiện là do chúng ta đã tích luỹ quá nhiều phiền não. Mỗi tâm thiện lại đi kèm với vô tham, nhưng đặc tính này hình như đi ngược lại với bản chất tự nhiên của chúng ta. Các cảnh trần cảm nhận được qua sáu “môn” giác quan, đã thu hút và khiến chúng ta say mê. Chúng ta muốn có những cảnh trần dễ chịu, và cũng do bản chất tự nhiên chúng ta chỉ biết nghĩ đến bản thân ta trước mà thôi. Điều bất thiện đã bám rễ sâu nơi ta và bao lâu những pháp tùy miên chưa được tận diệt tâm bất thiện buộc phải xuất hiện thường xuyên. Ngay cả khi chúng ta cố gắng không keo kiệt, ghen tương hoặc kiêu hãnh, các phiền não trên vẫn cứ  xuất hiện. Chẳng có “bản ngã” nào có thẩm quyền gì với những tâm xuất hiện, do tâm chẳng phải là bản ngã. Khi chúng ta cảm nghiệm được một đối tượng đẹp đẽ xinh xắn tức khắc lòng tham sẽ nổi lên và nếu đối tượng cảm nghiệm đó là cảnh khó chịu ác cảm sẽ nỗi lên thay vào đó.

Chúng ta đọc thấy trong Tăng Chi Bộ Kinh - Gradual Sayings (cuốn I, chương II §15) như sau:

Hỡi này chư Tỳ-khưu, thầy chẳng biết đến một đối tượng hữu hình nào có sức tạo ra tham ái nổi dậy cả, nếu trước đó tâm này chưa nổi dậy, chắc sẽ xuất hiện, hoặc, nếu đã nổi lên ắt sẽ tăng triển thêm, vì đó là nét đặc trưng của sắc đẹp (nơi vật thể) vậy.

Người nào không như lý tác ý vào nét đặc trưng nơi cho sắc đẹp đó thì tham ái chắc chắn sẽ nổi dậy, nếu như trước đó đã không nổi dậy, hoặc, nếu đã nổi lên ắt sẽ tăng triển thêm, vì đó là nét đặc trưng của sắc đẹp (nơi vật thể) vậy.

Này chư Tỳ-khưu, thầy chẳng biết đến một đối tượng hữu hình nào có sức  tạo cho ác tâm (Vyapada-vitakka) xuất hiện, nếu trước đó ác tâm chưa nổi dậy, hoặc, nếu đã nổi lên ắt sẽ tăng triển thêm, vì đó là nét đặc trưng của sắc đẹp (nơi vật thể) vậy.

Người nào không như lý tác ý vào nét đặc trưng đáng ghét và ác tâm, nếu chưa nổi dậy, chắc sẽ xuất hiện, hoặc, nếu đã nổi lên ắt sẽ tăng triển thêm, vì đó là nét đặc trưng của sắc đẹp (nơi vật thể) vậy.

Đối với chúng ta hình như một cảnh khả ái lại là nguyên nhân cơ bản tạo ra lòng tham nơi ta và ngược lại đối tượng xấu lại tạo ra ác cảm.[145] Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự tạo ra bất thiện lại xuất hiện nơi vật thể được cảm nghiệm. Cho dù tâm bất thiện hay tâm thiện có xuất hiện đi chăng nữa, điều này còn tuỳ thuộc vào những tích lũy của ta bấy lâu nay mà ra. Rất có thể ta như lý tác ý nơi đối tượng đó, điều này còn tùy thuộc những duyên hệ ảnh hưởng đến cảnh đó. Khi đã như lý tác ý nơi cảnh đó chúng ta nhận ra ngay giá trị nơi điều thiện đó và ta tin tưởng vào điều thiện. Tuy nhiên, thường thì tâm bất thiện xuất hiện sau đó ta mới phi như lý tác ý nơi cảnh đó. Rất có thể chúng ta sẽ thay đổi thói quen và thực hành điều thiện. Dần dà những tích lũy trong ta sẽ thay đổi qua nghiên cứu Phật Pháp và tu luyện chánh kiến.

Qua nghiên cứu Phật Pháp chúng ta bắt đầu phát hiện ra pháp hành không tồn tại, chúng hoàn toàn là “vô thường” mà thôi. Chúng ta có thể thường xuyên nhớ lại thật vô tích sự chấp thủ với của cải vì cuộc sống của ta quá ngắn ngủi và ta không thể mang theo được bất kỳ của cải gì sau khi chết. Đức Phật giải thích rằng: Ta khó có thể tái sanh nơi cõi Nhân loại này, nơi chúng ta đã có cơ hội nghe được Phật Pháp và tu luyện chánh kiến về những pháp đó. Chính vì vậy mà chúng ta, giống như những người điên, không nên lãng phí cuộc sống với những gì bất thiện. Chúng ta đọc được trong  Tương Ưng Bộ Kinh-- Kindred Sayings (I, Sagatha-vagga, đấng chư Thiên, chương IV, §6, bàn về đức tin) như sau:

...thật điên rồ không lưu ý để phí phạm cuộc đời:

hạng người như vậy vẫn không hiểu được

người khôn luôn thôi thúc lòng nhiệt tình

khi nhìn lại những tài sản kếch sù.

Đừng tự để lãng phí cuộc đời mà uổng

Không quen với những thú vui dục lạc

Chỉ có ai hăm hở nghiềm ngẫm

Mới chiếm được nguồn vui vô tận

Người can đảm và bền chí tu luyện chánh kiến sẽ đạt được “niềm vui vô tận” kết cuộc người đó sẽ đạt đến bậc A-la-hán. Đức Phật đã chỉ rõ những hiểm nguy và thất lợi nơi điều bất thiện, những hậu quả xấu ngay trên đời này và cả đời sau. Chính nhờ chánh kiến ta mới nhận ra được những thất lợi nơi điều bất thiện và những điểm lợi nơi điều thiện. Phát xuất từ chính kinh nghiệm đó chúng ta có thể nhận ra hạnh phúc có liên quan đến lòng tham đã khiến ta phải thao thức, vì ta không bao giờ thoả mãn được lòng tham cả, và lòng quảng đại và suy tư đến người khác chi phối bình an trong tâm hồn ta. Chúng ta thường hướng theo sân hận, nhưng khi nhận ra giá trị của điều thiện ta sẽ tu luyện lòng nhân ái. Ta dễ ngả theo tính keo kiệt, nhưng khi đã nhận ra giá trị của lòng quảng đại, ta sẽ có duyên hệ cho lòng quảng đại thay vì tính keo kiệt xuất hiện. Tâm thiện sinh rồi diệt ngay tức khắc. Nhưng điều thiện cũng được tích tụ và như vậy điều thiện cũng có duyên hệ cho tâm thiện xuất hiện trở lại sau này. Chánh niệm được danh pháp và sắc pháp không phải dễ dàng bao lâu chú niệm chưa được tích luỹ. Nếu chúng ta thấy chánh kiến chưa có thể tu luyện được và chánh niệm lại không xuất hiện ngay lúc này sẽ  chẳng còn cơ hội nào để tu luyện chánh kiến nữa đâu. Đức Phật đã dùng hình ảnh con ngựa được huấn luyện cẩn thận, tức con “ngựa nòi” để so sánh và chỉ ra chánh kiến phải được tu luyện ra sao. Ta không thể huấn luyện được con ngựa nòi trong ngày một ngày hai, nhưng cần phải có những bài luyện tập lập đi lập lại thường xuyên. Cũng vậy chúng ta không hy vọng đạt đến giác ngộ mà không biết tu luyện chánh kiến.

Chúng ta đọc thấy trong Tương Ưng Bộ Kinh- Gradual Sayings (cuốn VI chương I điều 5, bàn về “con ngựa nòi” như sau:

Hỡi  chư Tỳ-khưu, con ngựa nòi của vị vương công được phú cho sáu điều thích hợp với vị vương công đó, là tài sản của vương công,và xứng với  địa vị của vương công đó nữa. Sáu điều đó là gì vậy?”

Này đây, hỡi chư Tỳ-khưu, một con ngựa nòi tốt phải biết chịu đựng những thói quen tiếng động,mùi, vị va chạm và nhất là phải đẹp.. Này Tỳ-khưu, một vị Tỳ-khưu được những đức tính như vậy thì lễ vật của vị đó đáng được chấp nhận...chẳng có gì trên trần gian này sánh bằng. Sáu điều đó là chi vậy?

Ở đây, Này chư Tỳ-khưu, một vị Tỳ-khưu chịu đựng được những thói quen, tiéng động, mùi, vị những vật hữu hình và cả những điều siêu nhiên nữa.

Thật vậy, này chư Tỳ-khưu, một vị Tỳ-khưu với sau đức tính đó của cùng  người  đáng được chấp nhận...

Chúng ta nên học cách “chịu đựng” những đối tượng tự xuất hiên qua sáu “môn” bằng cách tu luyện chánh kiến Phật Pháp. Ngay sát-na chánh niệm xuất hiện thì trí tuệ sẽ điều nghiên các pháp đó và nhận ra được trọn vẹn thực tại đó chỉ là danh pháp và sắc pháp chứ không phải là bản ngã đâu. Dần dần chúng ta mới có thể không bị cuốn hút và không say đắm với những cảnh ta cảm nghiệm được.

Để có thể chuyên tâm tu phát triển điều thiện và đặc biệt là phát triển chánh kiến, ta phải có những duyên hệ thích hợp với công việc này. Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì II, chương I, 75) đã đề cập đến những duyên hệ thích hợp đó như sau: có chỗ ở thích hợp, có quan hệ trong sáng, biết lắng nghe “Phật Pháp” và phước báu thực hiện được ở kiếp truớc. Thật hữu ích cho ai sống nơi quốc gia hay nơi nào có thể lắng nghe Phật Pháp và phát triển được Bát chánh đạo giúp tận diệt được phiền não. Để biết cách ý thức được danh pháp và sắc pháp chúng ta phải tương ưng với bạn hữu Phật pháp (Kalyama-mitta) họ là những người có thể giải thích đúng đắn Phật Pháp.

Những đức tính tốt nơi bạn hữu Phật pháp phải gồm những gì? Chúng ta quay trở lại với  Kinh Đại Niệm Xứ  (III, số. 110 viết về những bài nói chuyện vào ngày Rằm) kể lại đang khi còn lưu lại tại vùng Savatti, ngôi chùa mùa Đông Phương Tự, gần cung điện của thân mẫu Migara, Đức Phật đã nói với  chư Tỳ-khưu của ngài về phi chân nhân (Asappurisa) và chân nhân (Sariputta) như thế nào. Chúng ta đọc thấy bạn hữu Phật Pháp và chân nhân kết bạn với hạng người nào:

... Này chư Tỳ-khưu, làm thế nào chân nhân lại kết bạn với chân nhân được? Này chư Tỳ-khưu, về điểm này, ôi! Này chư Tỳ-khưu, những kẻ nào ẩn nơi Phật pháp có được đức tin  (Saddha), kẻ nào lắng nghe nhiều về lòng kính sợ bị khiển trách, thì tinh tấn được khơi dậy nơi họ,, chánh niệm được khuấy lên, cộng với trí tuệ, - đây chính là bạn hữu của chân nhân. Thực sự như vậy đó, này chư Tỳ-khưu, chân nhân kết thân với bạn hữu là như vậy đó...

Vị thánh đã được phú cho nhiều đức tính tốt nơi các chân nhân, như đã được đề cập đến trong kinh này. Vị này có được đức tin không lay chuyển nơi đức Phật, nơi Giáo Pháp và Tăng già và cả nơi những gì là hoàn hảo. Làm thế nào ta phát hiện ra được vị thánh? Khi nào chưa đạt đến giác ngộ chúng ta không dễ gì nhận ra được vị thánh. Điều này tuỳ thuộc vào duyên hệ người đó có gặp được vị thánh hay không. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận ra được người bạn Phật Pháp có giúp ta phát triển tu luyện Phật Pháp hay không.

Đức Phật đã dạy vạn sự đều “vô ngã” cả, nhưng diệt “bản ngã” nơi cuộc sống đời thường là điều cực kỳ khó khăn. Chúng ta luôn luôn chỉ nghĩ đến bản thân mình mà thôi, chúng ta muốn có được những điều sảng khoái. Khi chúng ta kết giao được với bạn hữu nơi Phật Pháp thì chúng ta mới học cách tu luyện chánh kiến và rồi cuối cùng ta sẽ bớt dễ dàng diệt “ngã chấp thủ” hơn.. Người nào tu luyện chánh kiến và bằng gương sáng của mình lại động viên người  khác cũng làm như vậy để bớt ích kỷ hơn và nghĩ đến người khác nhiều hơn chính là bạn hữu Phật Pháp đích thực của ta vậy. Họ không quan tâm đến Phật pháp bằng môi bằng miệng, nhưng thực sự đã tu luyện Phật pháp trong cuộc sống đời thường vậy.

“Nghe Chánh Pháp” cũng là yếu tố cần thiết để tu luyện điều thiện. Chúng ta không nên chỉ lắng nghe Pháp một cách thụ động; chỉ khi nào ta nghiêm túc lắng nghe, nghiền ngẫm cẩn thận và đem ra áp dụng; bằng không việc lắng nghe Phật Pháp đó sẽ chẳng mang lại cho ta lợi lộc gì.

Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng không ít đến việc phát triển điều thiện chính là “những việc phước báu ta đã thực hiện trong quá khứ”. Nếu ai đã chuyên tâm vào làm việc thiện, giữ giới luật và luyện tu tiến, tham thiền trong quá khứ thì sẽ có cơ may đạt được đức tin (niềm tin) nơi điều thiện hiện nay.

Suy ngẫm về những duyên hệ làm điều thiện lại nhắc nhớ chúng ta một hiện thực khác là không có gì xuất hiện mà không kèm theo những duyên hệ thích hợp. Tâm thiện không thuộc “bản ngã” , không có “bản ngã” nào có thể định hướng cho tâm thiện xuất hiện cả.

Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì cuốn I, phần II, chương I, 62) khẳng định về điều thiện như sau:

Điều thiện  (luân lý) có nghĩa là “tốt đẹp” hiểu theo nghĩa nó hủy hoại hay quấy nhiễu những trạng thái bất hảo; hay hiểu theo nghĩa là điều hoàn hảo, điều vô tội, và thực hiện được do tài khéo...

Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì)  giải thích: từ “điều thiện” có thể được sử  dụng theo nghĩa khoẻ mạnh, không đau yếu về phần xác. Khi từ “điều thiện” dùng để chỉ những hiện tượng tâm, “nên hiểu theo nghĩa “sức khoẻ” có nghĩa là không bệnh tật, không đau ốm  hay mắc bệnh gì do bởi mắc phải những” tha hoá” thể chất. Hơn nữa, do vắng bóng tính chất thiếu sót, sân hận, và những tra tấn do những tha hoá thể chất mà ra, điều thiện còn được hiểu là vô tội nữa.  

Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì), lại định nghĩa điều thiện trong cùng một đoạn (đoạn 63) như sau:

Điều thiện có trạng thái là hoàn hảo và mang lại những hiệu quả sung mãn.

Phận sự của điều thiện là phá huỷ những điều phi luân.

Điều thiện thành tựu nơi lòng trong trắng, và chánh tác ý (Manasikara) nguyên nhân gần phát sinh ra điều thiện.

Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì) lại đưa ra cách thứ nhì để định nghĩa về điều thiện như sau:

Trạng thái của điều thiện là vô tội, đối nghĩa với với tội lỗi. Nhiện vụ của nó là thanh tẩy, điều thiện thành tựu nơi những kết quả đáng mong đợi. Nguyên nhân sâu xa là như lý tác ý (Yoniso manasikara).

Trạng thái của điều thiện, theo định nghĩa thứ nhất là những kết quả sảng khoái, ngược lại, theo định nghĩa thứ hai lại là cách điều thiện thể hiện mọi điều. Những cách phân loại trên không cứng ngắc và bằng nhiều phương pháp phân loại như vậy nên nhiều khía cạnh khác của điều thiện được sáng tỏ. Những kết quả sảng khoái có thể được cảm nghiệm trong cuộc sống hàng ngày. Điều thiện là hiện thân của những gì đó hết sức hiển nhiên, chính là các hành vi  hoàn hảo đã thực hiện được. Bất kỳ khi nào chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm hay tiếp xúc với một đối tượng dễ chịu, tức khắc tâm quả thiện là kết quả của hành động tốt đó xuất hiện. Những sát-na tâm quả sinh rồi diệt ngay tức khắc, tâm quả đó chỉ là những pháp hành không thể tồn tại lâu. Khi chân đế này chưa được nhận thức đầy đủ ta phải chấp thủ với những đối tượng sảng khoái đó và sẽ buồn khổ khi những đối tượng này diệt (tan biến).

Trạng thái của điều thiện, hiểu theo định nghĩa thứ hai là tính chất toàn thiện toàn mỹ, vô tội đối lại với sai trái lỗi lầm. Ngay khi tâm thiện xuất hiện không thể có bất kỳ cơ hội nào để tâm bất thiện xuất hiện cả. Khi có cơ hội tâm thiện xuất hiện ta nên nắm ngay lấy cơ hội đó và không nên chểnh mảng, có những sát-na tâm thiện xuất hiện ngay tức khắc, như thể trước những lời nói dịu dàng, một ý tưởng đánh giá cao những đức tính tốt của người khác. Hay trước một ít sát-na chánh niệm về những thực tại như : cứng, dịu dàng, cảnh thinh hay nghe.

Chúng ta nên tìm xem ngay lúc này những gì đang diễn có liên quan gì đến điều thiện và điều bất thiện chúng ta đang chứng kiến. Chúng ta thường bị cuốn hút hay mải mê vào những chi tiết sự việc đang diễn ra chung quanh ta, nhưng đôi khi cũng cần phải đặt niềm tin vào giá trị tỉnh thức thực tại đang xuất hiện trước mắt chúng ta, ngay lúc này. Ngay cả nếu như chúng ta mới chỉ bắt đầu và chưa thể hiểu biết rõ ràng thế nào là danh pháp và sắc pháp, nhưng ta vẫn có thể đặt niềm tin vào chánh niệm về sự thật hiện hữu và rồi tâm thiện thế nào cũng sẽ xuất hiện.

Theo định nghĩa thứ nhất thì phận sự của điều thiện là phá bỏ điều bất thiện. Ta không thể tận diệt được điều bất thiện trừ phi ta phát triển được chánh kiến về thực tại, nhưng điều đó không có nghĩa là ta có thể chểnh mảng thực hiện bố thí và tuân giữ giới luật. Nhờ chánh kiến ta giới hạn được “bản ngã” nhưng nếu lòng quảng đại không được tu luyện và chúng ta vẫn tiếp tục thủ chấp với của cải, thì làm sao ta có thể diệt thủ ra khỏi bản ngã? Thật hữu ích biết bao nếu ta phát triển được nhiều điều thiện cùng một lúc để tích lũy lấy cho bản thân mình, nhưng một khi điều thiện được tu luyện cùng với chánh kiến về các thực tại cuối cùng điều bất thiện có thể bị tiêu diệt.

Theo cách định nghĩa thứ nhất lòng trong trắng là cách thể hiện điều thiện. Ngược lại theo định nghĩa thứ nhì lòng trong trắng lại là phận sự của điều thiện. Một khi tâm là bất thiện, thì tâm đó không trong sáng và ô uế. Khi chúng ta quá thủ chấp với một đối tượng ta cảm nghiệm được, đối tượng đó sẽ nô bộc ta ngay sát-na đó tâm không còn tinh khiết nữa. Ngược lại khi tâm thiện xuất hiện ta không còn bị nô dịch, không còn ích kỷ; tâm trở nên trong trắng, và ta được giải thoát khỏi mọi phiền não. Nếu ta phân biệt được tâm bất thiện với tâm thiện, sẽ hiểu được lòng trong trắng chính là nhân đức của tâm thiện vậy.

Theo hai định nghĩa trên, nguyên nhân sâu xa của điều thiện là như lý tác ý. Khi tâm bất thiện xuất hiện tức khắc sẽ xảy ra phi như lý tác ý trước đối tượng. Khi có tâm thiện xuất hiện thì có như lý tác ý đối với cảnh. Khi có như lý tác ý thì không còn say mê, ác cảm, và vô minh trước đối tượng nữa. Thấy được các thực tại cụ thể chính là những điều chi phối như lý tác ý. Vị A-la-hán có như lý tác ý ở mức độ cao nhất: đối với người phiền não không xảy ra đối vì bất kỳ đối tượng nào ông cảm nghiệm được, cho dù đối tượng đó có dễ chịu hay khó chịu.

Tâm thiện không chỉ xuất hiện một mình, nó luôn đi kèm với các sở hữu: với các sở hữu biến hành, thì sở hữu đi kèm với bất kỳ tâm nào xuất hiện, còn với các sở hữu biệt cảnh, sở hữu đi kèm với bốn loại tâm đó là tâm thiện, tâm bất thiện, tâm quả và tâm tố [146], nhưng lại không đi kèm với từng tâm một, và đối với Sobhana ctasikas, tức là các sở hữu tịnh hảo. Sở hữu bất thiện không thể đi kèm với tâm thiện được. Người ta hay thắc mắc tại sao lại dùng từ “Sobhana” tịnh hảo thay cho từ “Kusala” nghĩa là “thiện” khi dùng chung với sở hữu đi kèm với tâm thiện. Lý do chỉ đơn giản là sở hữu tịnh hảo không chỉ đi kèm với tâm thiện, nhưng còn đi kèm với cả các tâm  thuộc loại tâm quả và tâm tố.[147] Tất cả các tâm đi kèm với sở hữu tịnh hảo được gọi là tâm tịnh hảo. Gồm có:

8 tâm đại thiện (Maha-kusala cittas)
8 tâm đại quả (Maha-vipakacittas)
8 tâm đại tố (Maha-kiriyacittas)

Các tâm thuộc cõi dục giới cũng có thể là các tâm tịnh hảo, các tâm đi kèm với các sở hữu tịnh hảo, là các tâm tịnh hảo, và các tâm không đi kèm theo với các sở hữu tịnh hảo. Các tâm thuộc cõi tâm khác với cõi dục giới luôn luôn được gọi là các tâm tịnh hảo. Những ai đã tu luyện tĩnh trí đạt đến mức độ nhập định, lại có tâm thiền và các tâm này cũng được gọi là tâm tịnh hảo. Có các tâm thiền sắc giới hay là các  tâm sắc giới và tâm thiền vô sắc giới được dịch là tâm vô sắc giới. Thiền sắc giới được dịch là thiền có đề mục sắc pháp và thiền vô sắc giới được dịch là thiền có đề mục không phải sắc pháp. Thiền vô sắc giới không được tinh tế như thiền sắc giới do đề thiền thuộc thiền vô sắc giới không phụ thuộc vào sắc pháp.

Các tâm tịnh hảo là tâm sắc giới, thuộc năm giai đoạn thiền sắc giới, bao gồm:

5 tâm thiện sắc giới (Rupavacara-kusala cittas)
5 tâm quả sắc giới (Rupavacara-vipakacittas)
5 tâm tố sắc giới (Rupavacara-kiriyacittas)

Các tâm tịnh hảo là tâm vô sắc giới thuộc bốn giai đoạn thiền vô sắc giới như sau:

4 tâm thiện vô sắc giới (Arupavacara kusala cittas)
4 tâm dị thục vô sắc giới (Arupavacara vipakacittas)
4 tâm tố vô sắc giới (Arupavacara kiriyacittas)

Không kể các tâm tịnh hảo là tâm thiền còn có một số tâm tịnh hảo là các tâm siêu thế là các tâm siêu phàm trần đang làm nhiệm vụ cảm nghiệm Níp-bàn. Chỉ có tám tâm siêu thế, nhưng khi chúng ta khảo sát các tâm siêu thế đi kèm với các thiền chi thuộc các giai đoạn thiền khác nhau lại có tới bốn mươi tâm siêu thế khác nhau[148]:

Khi các tâm được liệt kê thành con số tám mươi chín (ngoại trừ các tâm siêu thế đi kèm với các thiền chi thuộc các giai đoạn khác nhau) lại còn có năm mươi chín tâm tịnh hảo, và khi các tâm này được đếm đến con số một trăm hai mươi mốt tâm (ngoại trừ bốn mươi tâm siêu thế đi kèm với các thiền chỉ) còn có chín mươi mốt tâm tịnh hảo.

Các tâm tịnh hảo đi kèm với sở hữu biến hành, với sở hữu biệt cảnh và các sở hữu. Có tất cả tới hai mươi lăm sở hữu tịnh hảo có thể đi kèm với các tâm tịnh hảo. Không phải tất cả hai mươi lăm sở hữu tịnh hảo đi kèm với mỗi tâm tịnh hảo. Nhưng ít nhất cũng có đến chín mươi sở hữu tịnh hảo đi kèm với mỗi tâm tịnh hảo như vậy.

Trong số hai mươi lăm sở hữu tịnh hảo lại có các nhân tịnh hảo đó là:

Vô tham (Alobha)
Vô sân (Adosa) hay không ác cảm
Vô si (Amoha) hay là  huệ (Panna) 

Vô tham và không ác cảm phải đi kèm với mỗi tâm tịnh hảo, và tuệ hay hiểu biết có thể đi kèm với tâm tịnh hảo hay không còn tuỳ.

Mỗi sở hữu tịnh hảo lại có các trạng thái riêng, có phận sự riêng, thành tựu cũng rất riêng và  nguyên nhân trực tiếp xuất hiện cũng thế. Khi chúng ta thực hiện bố thí, tuân giữ giới luật tự chuyên tâm tu luyện phát triển thiền tịnh, thiền chỉ, tu tịnh, thiền quán, các sở hữu tịnh hảo hỗ trợ các tâm thiện thực hiện nhiệm vụ nơi các việc hoàn hảo.

Các tâm quả tịnh hảo cũng đi kèm với ít nhất mười chín sở hữu tịnh hảo, tâm quả tịnh hảo không thể thực hiện được bất kỳ hành vi nào, mà chỉ là kết quả của các hành vi đó mà thôi. tâm quả tịnh hảo là kết quả của các hành động do tâm thiện thực hiện đi kèm với các sở hữu tịnh hảo. Thí dụ tâm tái tục có thể là kết quả của một hành vi do tâm thiện thực hiện, khi đi kèm với nhân tịnh hảo và các sở hữu tịnh hảo khác. Trong trường hợp đó lại gọi là tâm dị thục hữu nhân.

Vị A-la-hán không thực hiện được nghiệp thiện, người này được giải thoát khỏi vòng luân hồi. Như thế, thay vì các tâm thiện người này lại có được các tâm tố đi kèm với các nhân tịnh hảo và các sở hữu tịnh hảo khác. Các tâm tố tịnh hảo lại đi kèm với mười chín sở hữu tịnh hảo.

[145] Chú giải bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì) I phần II chương I, 75.

[146] Xin đọc lời giới thiệu.

[147] Cũng còn có các tâm quả và tâm tố không phải là tâm tịnh hảo, cụ thể là tâm quả vô nhân và tâm tố vô nhân, xin đọc Abhidhammain daily life chương 19.

[148] Xem Abhdhamma trong đời thường.


 Mục lục | Lời nói đầu | Lời giới thiệu |
 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 |
20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | Phụ lục

 

Source: http://www.phatgiaonguyenthuy.com

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
08-08-2004