BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Ðại cương về "Thắng pháp tập yếu luận"
(Abhidhammatthasangaha)

Thích Tâm Thiện


Bộ "Thắng pháp tập yếu luận" này là một công trình khảo cứu, tóm tắt và hệ thống hóa nội dung của bảy bộ luận thuộc Thượng Tọa Bộ bởi một vị Tăng sĩ người Ấn Ðộ, tương truyền là ngài Anuruddha (A Nậu Ða La).

Về mức độ chính xác của công trình tóm tắt và hệ thống hóa này không thể hoặc khó có thể minh định rõ ràng, vì chúng ta không có điều kiện để đọc hết bảy bộ luận đó, ít ra là về phía người viết. Tuy nhiên, theo truyền thống Nam phương Phật giáo, thì bộ "A tỳ đàm thắng pháp luận" này là một trong những nền tảng triết học cơ bản nhất của Nam phương Thượng Tọa bộ. Do đó, chúng tôi dựa vào bộ luận này - và đặc biệt là thông qua bản dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu, một học giả có thẩm quyền chuyên môn về tạng thư Pàli, ít nhất là đối với người Việt Nam, để trình bày đại cương về tâm lý học Phật giáo theo quan điểm của Nam phương Thượng Tọa bộ.

(I) Dòng chảy của tâm thức qua Tỳ Ðàm Thắng Pháp Tập Yếu

1- Tâm bất thiện (Akusalacitta): Có ba loại tâm cơ bản là: tâm tham, tâm sân và tâm cuồng si.

2- Tâm vô nhân (Ahetukacitta): Có ba loại: Tâm quả bất thiện vô nhân, tâm quả thiện vô nhân và tâm duy tác vô nhân.

3- Tâm dục giới bất tịnh: Có hai loại: Tâm bất thiện và tâm vô nhân.

4- Tâm (hữu nhân) dục giới thanh tịnh: Có ba loại: tâm thiện, tâm quả, tâm duy tác. Cả dục giới thanh tịnh và bất tịnh đều thuộc về tâm hữu nhân.

5- Tâm sắc giới (Rùpàvacaracitta): Có ba loại: Tâm thiện, tâm quả, và tâm duy tác.

6- Tâm vô sắc giới (Arùpàvaracitta): Có ba loại: tâm thiện, tâm quả, và tâm duy tác. Cả ba loại tâm trên của sắc giới và vô sắc giới đều gọi là tâm thế gian (hiệp thế).

7- Tâm đạo siêu thế (Lokattaracitta): Có 4 loại: tâm của cảnh giới Sơ thiền (ly dục sanh hỷ lạc), Nhị thiền (định sanh hỷ lạc), Tam thiền (ly hỷ diệu lạc) và Tứ thiền (xả niệm thanh tịnh).

8- Tâm quả siêu thế (dị thục siêu thế): Có 4 loại: tâm của quả vị Sơ thiền (Dự lưu quả), Nhị thiền (Nhất lai quả), Tam thiền (Bất lai quả) và Tứ thiền (A la hán quả).

Cả tâm đạo siêu thế và quả siêu thế gọi chung là tâm siêu thế. Và, cả tâm thế gian (hợp thế) và siêu thế gian (siêu thế) được gọi là Tâm (citta). Tám phân loại trên của tâm được gọi là Tâm Vương, tức là cội nguồn của Tâm.

(II) Tác năng trong dòng chảy của tâm (Tâm Sở Hữu)

1- Tâm sở biến hành (Sabbacittasàdhàranà) - Có 7 loại tâm sở:

Xúc (Phasso), thọ (Vedanà), tưởng (Sannà), tư (Cetanà), nhất tâm (Kaggatà), mạng căn (Jivitindriyam) và tác ý (Manasikàra).

2- Tâm sở biệt cảnh (Akusalacetasika) - Có 6 loại tâm:

Tầm (Vitakka), tứ (Vicàra), thắng giải (Adhimokkho), tinh tấn (Viriyam), hỷ (Piti) và dục (Chando). Cả tâm sở hữu biến hành và biệt cảnh gọi là sở hữu tự (chủ thể), tha (đối tượng).

3- Tâm sở bất thiện (Akusalacetasika) - Có 14 loại:

- Tâm si mê (Moho), vô tàm (Ahirikam), vô quí (Anottapam), trạo cử (Uddhacca).
- Tâm tham (Lobho), tà kiến (Ditthi), kiêu mạn (Màno).
- Tâm sân (Doso), tật đố (Issà), bỏn xẻn (Macchariyam), hối quá (Kukhuccam), hôn trầm (Thina), thùy miên (Middha) và nghi (Viccikicchà).

4- Tâm sở thiện (Tịnh quang) (Sabhanacetasika) - Có 19 loại:

Tín (Saddhà), niệm (Sati), tàm (Hiri), quí (Ottappam), không tham (Alobho), không sân (Adoso), xả ly (Tatramajjhattatà: trung tính), tâm sở thư thái (Kàyapassaddhi), tâm thư thái (Cittapassaddhi), tâm sở khinh an (Kàyalahùta), tâm khinh an (Cittalahutà), tâm sở nhu hòa (Kàyamudutà), tâm nhu hòa (Cittamudutà), tâm sở thích ứng (Kàyakamm-annatà), tâm thích ứng (Cittakammannatà), tâm sở tinh cần (Kàyapàgunnatà), tâm tinh cần (Cittapàgunnatà), tâm chính trực (Cittujjukatà).

(III) Hiện hữu (Pháp) qua A Tỳ Ðàm Thắng Pháp Tập Yếu

1- Sắc cơ bản (Bhùta - rupam)

Có 4 loại: Ðất (Pathavi - dhàtu), nước (Apo - dhàtu), gió (Vàyo - dhàtu) và lửa (Tejo - dhàtu).

2- Sắc chủ thể (Pasàda-rùpam)

Có 5 loại: Mắt (Cakkhu), tai (Sotam), mũi (Ghànam), lưỡi (Jihà), và thân (Kàyo).

3- Sắc đối tượng (hay Hành cảnh: Gocararùpam)

Có 5 loại: Sắc (Rùpam), thanh (Saddo), hương (Gandho), vị (Raso), xúc (Photthabbam).

4- Sắc bản tính (Bhàvarùpam)

Có 2 loại: Nam tính (Purisattam); nữ tính (Itthattam).

5- Sắc tâm sở y (Hadayrùpam): là cơ cấu nền tảng của tâm thức (Hadayavatthu).

6- Sắc sinh mạng (Jivitarùpam): là mạng căn, tức là thân thể và các quan năng (Jivitindriyam).

7- Thực sắc (Ahàra-rùpam): là đoàn thực (kabalinkàro-àharo) cũng gọi là thực tố.

Sắc tâm sở y, sắc sinh mạng và thực sắc còn được gọi là thân biểu và khẩu biểu.

Như vậy 18 loại sắc pháp trên được phân loại theo tự tánh (Sabhàvarùpam), tự tướng (Salakkhana - rùpam), sở tạo (Nipphannarùpam), sắc sắc (Rùpa - rupam) và tư duy sắc (Sammasanarùpam).

Sắc là vật chất, là những gì thuộc vật lý. Do đó tự tánh sắc là những gì có tính chất nóng, lạnh, cứng, ướt, âm, dương v.v... Sắc tự tướng là chỉ cho vô thường, vô ngã của sắc tướng. Ðó là sự diễn biến của sinh, trụ, dị, diệt; thành, trụ, hoại, không... Các pháp thuộc về tâm (tâm lý) và sắc (vật lý) gọi chung là Hữu vi pháp (Sankhatam). Và ngược lại, các pháp vượt ngoài diễn biến chế định của tâm lý và vật lý, không bị giới hạn, chế định bởi sinh và diệt, thì được gọi là Vô vi (Asamskrta). Các pháp hữu vi được gọi là Tục đế, các pháp vô vi (như Niết Bàn) được gọi là Chân đế.

(IV) Nhận xét chung về Thắng pháp luận

Ở trên chúng ta vừa trình bày tóm lược một số thể cách và các danh từ diễn đạt cơ bản về tâm lý học theo Thắng pháp tập yếu luận của Nam phương Thượng Tọa bộ. Ở đây, chỉ trình bày tóm tắt một số nội dung "tư tưởng" cơ bản của luận thư này.

Trước hết, chúng ta thấy rằng, Thắng pháp luận cắt nghĩa và giải minh tâm lý học qua bốn khái niệm cơ bản, đó là: (a) Tâm (Citta), (b) Tâm sở (Cetasika), (c) Sắc (Rùpa) và (d) Niết bàn.

Qua bốn khái niệm trên, con người theo Thắng pháp luận trước hết là một con người bao gồm tâm thức (tâm lý) và sắc pháp (vật lý). Ðiều này tương tự như hợp thể của 5 uẩn (Pancaskandhas) trong Phật giáo Nguyên thủy, hay chính những giáo huấn của Phật trong Nikàya. Tuy nhiên, trong năm uẩn, Sắc uẩn (Rùpa) thuộc về sắc pháp (thế giới vật lý), 4 uẩn còn lại (thọ, tưởng, hành và thức) thuộc về tâm pháp (thế giới tâm lý). Trên cơ sở của Tâm pháp này, luận thư đã đi sâu vào phân tích thế giới của tâm lý và các hiện tượng diễn biến của nó qua 89 hay 121 loại tâm và 52 tâm sở.

Sự phân tích này được dựa vào cảnh giới (trạng thái) của tâm lý qua các cấp độ như: cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc và siêu thế, hay được cụ thể hóa theo tác năng hoạt động như: tâm thiện, tâm bất thiện, tâm vô nhân, tâm tịnh quang; hoặc như: tâm thiện, tâm dị thục, tâm duy tác - Theo tác năng dẫn khởi sự tái sinh hay không... Bên cạnh đó, các loại tâm sở (tác năng của tâm vương) như: xúc, thọ, tưởng, tư, mạng căn, nhất tâm và tác ý luôn luôn cùng hiện khởi cùng với sự tri giác của mắt, tai, mũi, lưỡi và thân (5 căn). Với sự phân tích chi tiết như thế, luận thư Abhidhamma (Thắng pháp) đã xây dựng lên một lộ trình tâm (Cittavithi) thông qua sự sinh và diệt trong 16 sát na tâm:

1- Hữu phần chuyển động (Bhavangacalana) (sinh khởi, rung chuyển)
2- Hữu phần dừng nghỉ (Bhavangupaccheda) (sự đứng yên)
3- Ngũ môn hướng tâm (Pancadvàràvajjana) (5 căn hướng tâm)
4- Nhãn thức (hay các thức) (Cakkhuvinnana) (các thức hiện hữu)
5- Tiếp thọ tâm (Sampaticchana) (cảm thọ)
6- Suy đạc tâm (Santirana) (suy thức)
7- Xác định tâm (Votthapana) (chuyển động 7 sát na tâm)
8-14- Tốc hành tâm (Javana)
15-16- Ðồng sở duyên tâm (Tadàlambana) (cùng sinh khởi...)

Ðây là lộ trình của tâm, nó là sự hiện khởi và hoàn diệt của tất cả các hiện tượng và diễn biến tâm lý. Sự khám phá này là một cống hiến vĩ đại của luận thư Abhidhamma cho ngành khảo cứu Tâm lý học nói chung và Tâm lý học Phật giáo nói riêng.

Một điểm nổi bật kỳ vĩ khác, đó là khái niệm Kiết sinh thức (Patisandhi). Khái niệm này diễn đạt về sự vận hành của tâm trong điểm khởi đầu và kết thúc của đời sống con người, cũng còn gọi là "ý niệm tối sơ" của sinh linh vạn hữu (sentient beings). Nó là sức mạnh các nghiệp thức (nghiệp lực) và vận hành dưới hình thức của những năng lượng tâm lý (mental energy), duy trì đời sống tâm thức của con người và các loài hữu tình khác. Mặc dầu vấn đề này vượt ngoài khả năng tri giác của tri thức thường nghiệm, song, nó có thể được nhận thức trong các cảnh giới của thiền định ở tầm cao. Do đó, sự hiểu biết về Kiết sanh thức là điều cần thiết cho con người và cũng là điều mà các triết gia luôn luôn tìm kiếm.

Con người và thế giới quan của con người là Dục giới, tức thế giới của những sinh linh, khát vọng trần tục. Do đó, muốn biết được hiện hữu của Sắc giới, Vô sắc giới và Siêu thế giới, tất yếu phải đi vào hiện quán (thiền định), thuật ngữ gọi là Vipassanà (Minh sát tuệ). Vì lẽ, những cảnh giới siêu hình đó vốn thoát hiện ngoài tri thức, luận lý hay phán đoán của con người; nó chỉ có thể được cảm nhận và hiển thị bởi trong thiền định. Và để đạt được những cảnh giới đó, đòi hỏi con người một sự nỗ lực tối cao, vượt qua mọi cảm nhiễm trần tục của mạng căn và ý thức phân biệt. Ðây là nội dung của Ðịnh học trong luận thư Abhidhamma.

Về mặt giải thoát, luận thư, như đã trình bày, đề cập rất cụ thể về tác năng hoạt động của tâm theo khuynh hướng thiện, bất thiện và vô nhân (tâm lơ lửng không tiến đến mục đích cũng không lui về nguyên động lực). Tâm thiện là tâm đưa con người đến gần sự giải thoát, tâm bất thiện đưa con người đến khổ đau, và tâm tịnh quang (Sobhanacitta) hay tâm sáng suốt (tuệ giác) đưa con người đến giải thoát, giác ngộ. Ðây là nội dung của Giới học và Tuệ học trong luận thư Abhidhamma.

Từ ba phương diện trên cho thấy rằng Abhidhamma là nền tảng cơ cấu của tư tưởng triết học Phật giáo sau thời Phật diệt độ. Ðiểm đặc biệt của nó là giải minh hiện hữu qua lăng kính của Ðệ nhất nghĩa đế (Paramatthasacca), nghĩa là hiện hữu được nhìn từ tự tướng của duyên sinh tương tác - cái căn nguyên để thiết lập nên một tổng tướng, chứ không phải là từ cái diện mạo bao quát của mỗi mỗi sự thể trông có vẻ như độc lập, cô liêu.

Và cái mục đích tối hậu của luận thư Abhidhamma là dùng phương tiện hiện quán để đưa con người đi vào thăng chứng Niết bàn như đã trình bày trong 4 tâm quả siêu thế. Ðó chính là sự đoạn diệt 14 bất thiện tâm hay nói cụ thể là: Tham, sân và si. Ðây là lộ trình tiêu biểu của tâm lý học Phật giáo được trình bày qua Thắng pháp luận của Nam phương Thượng Tọa bộ.

Trích "Tâm Lý Học Phật Giáo", Thích Tâm Thiện, Sài Gòn, 1998.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục Vi Diệu Pháp


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 10-09-2003