BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Thiền cho mọi người

Tìm hiểu PHÁP MÔN NIỆM PHẬT

Tỳ kheo Hộ Pháp

PL 2546 - TL 2002
(Tái bản lần thứ nhất, có sửa chữa và bổ sung)


  

Tất cả Phật tử chúng con có được duyên lành niệm Ân Ðức Phật là do nhờ các bậc Thầy Tổ tiền bối, nhất là Ngài sư Tổ Hộ Tông, có công đem Phật giáo Nam Tông Theravàda về truyền bá ở quê hương thân yêu.

Tất cả chúng con thành kính tri ân.

MỤC LỤC

[00]

LỜI GIỚI THIỆU
LỜI NÓI ÐẦU

[01]

I. PHÁP MÔN NIỆM PHẬT

Tiến Hành Ðề Mục Niệm Ân Ðức Phật

Cách thứ nhất
Cách thứ nhì
Cách thứ ba

Quả báu ở kiếp hiện tại
Quả báu ở kiếp vị lai
Phương Pháp Ðặc Biệt Niệm 9 Ân Ðức Phật

Chín Ân Ðức Phật theo thứ tự

Ðiểm ưu việt cách niệm 9 Ân Ðức Phật cùng chuỗi 108 hột

Theo dõi Ân Ðức Phật trước - sau liên quan với nhau như thế nào?
Kiểm soát được tâm mình như thế nào?
Không chuỗi hột, khó kiểm soát tâm mình.

Phương Pháp Niệm Phật Phổ Thông

Phân chia 108 hạng Thánh nhân

[02]

II. Ý NGHĨA ÂN ÐỨC PHẬT

ÂN ÐỨC PHẬT THỨ NHẤT

Araham Có 5 Ý Nghĩa

1) Araham có ý nghĩa xa lìa mọi phiền não là thế nào?

Tính chất của phiền não có ba loại
Phiền não tính rộng có 1500 loại
Tham ái có 108 loại

2) Araham có ý nghĩa diệt đoạn tuyệt mọi kẻ thù là phiền não như thế nào?

3) Araham có ý nghĩa phá huỷ vòng luân hồi trong ba giới bốn loài như thế nào?

Biểu tượng vòng luân hồi, vòng tam luân
Phiền não luân khiến tạo nghiệp luân
Nghiệp luân cho quả luân
Quả luân sanh phiền não luân

4) Araham có ý nghĩa không bao giờ hành điều ác ở nơi kín đáo như thế nào?

5) Araham có ý nghĩa bậc xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường như thế nào?

Niệm Ân Ðức Araham

ÂN ÐỨC PHẬT THỨ NHÌ

Chân Lý Tứ Thánh Ðế
Niệm Ân Ðức Sammàsambuddho

[03]

ÂN ÐỨC PHẬT THỨ BA

Tam Minh
Bát Minh
15 Ðức Hạnh Cao Thượng
Niệm Ân Ðức Vijjàcaranasampanno

ÂN ÐỨC PHẬT THỨ TƯ

Sugato Có 4 Ý Nghĩa

1) Sugato có ý nghĩa ngự theo Thánh Ðạo như thế nào?
2) Sugato có ý nghĩa ngự đến Niết Bàn an lạc tuyệt đối như thế nào?
3) Sugato có ý nghĩa ngự đến mục đích cao thượng bất thoái chí như thế nào?
4) Sugato có ý nghĩa thuyết pháp chân lý đem lại sự lợi ích cho chúng sinh như thế nào?

Niệm Ân Ðức Sugato.

ÂN ÐỨC PHẬT THỨ NĂM

Thế Giới Có 3 Loại:

1) Thế nào gọi là chúng sinh thế giới?
2) Thế nào gọi là cõi thế giới?

11 cõi Dục giới.
16 cõi Sắc giới Phạm thiên.
4 cõi Vô sắc giới Phạm thiên.

3) Thế nào gọi là pháp hành thế giới?

Niệm Ân Ðức Lokavidù.

ÂN ÐỨC PHẬT THỨ SÁU

Giáo hoá loài súc sanh
Giáo hoá người ác trở thành bậc Thánh nhân
Giáo hoá dạ xoa hung dữ trở thành bậc Thánh nhân
Giáo hoá Phạm thiên tà kiến trở thành chánh kiến
Anuttaro purisadammasàrathi chia thành 2 ân đức
Niệm Ân Ðức Anuttaro purisadammasàrathi

[04]

ÂN ÐỨC PHẬT THỨ BẢY

Sự Lợi Ích An Lạc Kiếp Hiện Tại

Biết siêng năng cần mẫn trong nghề nghiệp như thế nào?
Biết giữ gìn của cải tài sản như thế nào?
Có bạn lành, bạn tốt là bậc Thiện trí như thế nào?
Biết sử dụng của cải có chừng mực tuỳ theo khả năng của mình như thế nào?

Sự Lợi Ích An Lạc Những Kiếp Vị Lai

Có đức tin trọn đủ như thế nào?
Có giới trong sạch và trọn đủ như thế nào?
Sự bố thí trọn đủ như thế nào?
Có trí tuệ trọn đủ như hế nào?

Sự Lợi Ích An lạc Cao Thượng Niết Bàn

Niệm Ân Ðức Satthàdevamanussànam

ÂN ÐỨC PHẬT THỨ TÁM

Niệm Ân Ðức Buddho

ÂN ÐỨC PHẬT THỨ CHÍN

Ân Ðức Bhagavà Có 6 Ðức Chính
Năm phận sự của Ðức Phật
Niệm Ân Ðức Bhagavà

[05]

III. QUẢ BÁU CỦA ÐỀ MỤC NIỆM ÂN ÐỨC PHẬT

Niệm Ân Ðức Phật Tránh Ðược Tai Họa
Oai Lực Niệm Ân Ðức Tam Bảo
Câu Chuyện Ðại Ðức Subhùti
Câu Chuyện Singàlakamàtàtherìvatthu

Tiến Hành Thiền Tuệ

Quả Báu Ðặc Biệt Niệm Ân Ðức Phật

IV. ÐOẠN KẾT

LỜI NGỎ

-ooOoo-

Lời Tái Bản Lần Thứ Nhất

Chúng con thật vô cùng hoan hỉ được biết quyển "Tìm hiểu Pháp Môn Niệm Phật" đã hết rồi! Có một số Phật tử gởi thư đến thỉnh sách tại Tổ Ðình Bửu Long, còn có số khác tự mình đích thân đến thỉnh quyển sách này.

Thật rất tiếc! Tổ Ðình Bửu Long chưa đáp ứng được nhu cầu của quý vị, đã làm mất thì giờ quý báu, rất mong quý vị thông cảm.

Ðiều không ngờ, với một số lượng sách nhiều như vậy, mà chỉ trong thời gian ngắn đã thỉnh hết rất nhanh. Ðiều đó chứng tỏ rằng: "Phần đông Phật tử đã ưa thích món quà pháp này". Thật đáng vui mừng!

Nhân dịp này, chúng con xin báo cho chư thí chủ trước đã ấn tống quyển sách này rằng: "Món quà pháp, món ăn tinh thần, của quý vị đã được phần đông bậc thiện trí thưởng thức hết rồi, không phí hoài chút nào cả. Chắc chắn phước thiện pháp thí của chư thí chủ tăng trưởng theo thời gian và không gian trong kiếp hiện tại và vô lượng kiếp vị lai.

Ðể đáp ứng nhu cầu của chư thiện trí chúng con đến trình Àcariya Hộ Pháp xin phép được tái bản; Àcariya rất hoan hỷ đồng ý cho tái bản quyển sách này. Như vậy, thỉnh nguyện của chúng con được thành tựu. thay mặt chư thí chủ chúng con xin được tỏ lòng biết ơn.

Thay mặt chư thí chủ
Dhammanandà Upasikà

-ooOoo-

 

Namo tassa Bhagavato Arahato Sammàsambuddhassa

Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn,
bậc Arahán, bậc Chánh Ðẳng Giác.

-ooOoo-

NIỆM ÂN ÐỨC TAM BẢO

"Aranne rukkhamùle và,
sunnàgàre va bhikkhavo.
Anussaretha Sambuddham,
bhayam tumhàka no siyà.
No ce Buddham sareyyàtha,
lokajettham naràsabham.
Atha dhammam sareyyàtha,
niyyànikam sudesikam.
No ce dhammam sareyyàtha,
niyyànikam sudesikam.
Atha samgham sareyyàtha,
punnakkhettam anuttaram.
Evam Buddham sarantànam,
dhammam samghanca bhikkhavo.
Bhayam và chambhitattam và,
lomahamso na hessati".

(Samyuttanikàya, phần Sagàthàvagga, kinh Dhajaggasutta)

"Này chư Tỳ khưu!

Ở nơi rừng sâu, nơi cội cây,
Nơi thanh vắng, trong am vô chủ,
Các con niệm tưởng đến Ðức Phật,
Sợ hãi không sanh đến các con.

Nếu không niệm tưởng đến Ðức Phật,
Bậc vô thượng cao cả chúng sinh,
Các con niệm tưởng đến Ðức Pháp,
Mà Ðức Thế Tôn đã thuyết giảng.

Nếu không niệm tưởng đến Ðức Pháp,
Mà Ðức Thế Tôn đã thuyết giảng,
Các con niệm tưởng đến Ðức Tăng,
Phước điền cao thượng của chúng sinh.

Này chư Tỳ khưu!

Ðối với các con thường niệm tưởng.
Ðức Phật, Ðức Pháp và Ðức Tăng,
Sợ hãi run sợ, rởn tóc gáy,
Không bao giờ sanh đến các con!

* * *

Con thành kính đảnh lễ Tam bảo,
Biên soạn tập
"Pháp Môn Niệm Phật".

-ooOoo-

LỜI GIỚI THIỆU

Ðọc tập sách hướng dẫn "Pháp Môn Niệm Phật" của sư Hộ Pháp, tôi vô cùng hoan hỉ, vì đó là pháp môn mà tôi vẫn thường hành trong quá trình tu tập của mình.

Thật tình mà nói, lúc đầu thực hành pháp môn niệm Phật tôi hơi có mặc cảm. Lý do là mặc dù cố gắng hành thiền Vipassanà nhưng tôi chỉ hành được vào những lúc thích hợp chứ không thể hành liên tục trong mọi sinh hoạt hằng ngày. Tôi nghĩ có lẽ tâm mình còn thiếu định lực nên thỉnh thoảng tôi dùng một đề mục thiền định để cố gắng định tâm, cũng có một vài kết quả khiêm tốn đáng mừng nhưng tôi vẫn chưa đi sâu vào thế giới tâm Ðại Hành một cách kiên cố được. Vậy là tôi quay qua thử nghiệm pháp môn niệm Phật để có thể nhiếp tâm bất cứ lúc nào. Tuy nhiên tôi vẫn ít nhiều có cảm tưởng là pháp hành của mình càng ngày càng đi xuống!

Lúc đầu tôi niệm Phật trong tâm chứ không dùng tràng hạt vì nghĩ rằng việc gì mình lại phải lệ thuộc vào một xâu chuỗi. Về sau, mấy lần qua Miến Ðiện, Thái Lan tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều vị Cao Tăng, nhiều vị Thiền Sư nổi tiếng ở những trung tâm thiền Vipassanà tại các xứ Phật giáo hưng thịnh này vẫn thường sử dụng tràng hạt. Cảm động nhất là mỗi tối, mỗi sáng khi đến các ngôi bảo tháp như Shwedagon, Kyaikhỉiyo... tôi đều thấy chư Tăng và Phật tử tụ họp đông đảo trong không khí tĩnh tại tu hành: người niệm kinh, người ngồi thiền, người lễ bái và có khá nhiều vị ngồi lần tràng hạt với nét mặt hết sức thành kính, trang nghiêm và thanh thoát. Thế là tôi về thử lần chuỗi xem sao thì thấy phương tiện này quả là thiện xảo, nó giúp chúng ta tiến đến "thân tâm nhất như" một cách dễ dàng, nhờ thân và tâm khéo điều hợp với nhau một cách nhịp nhàng, đồng điệu.

Ðiều kiện cơ bản của thiền Vipassanà là "thân tâm nhất như" nghĩa là chánh niệm tính giác phải trọn vẹn trên thân - thọ - tâm - pháp, không hai, không khác tức là không thất niệm, phân tâm, dị tưởng. Ðể được điều kiện đó thì không gì bằng pháp môn niệm Phật. Khi tâm đã được định tĩnh trong sáng thì việc hành Vipassanà trở nên dễ dàng tự nhiên không cần khẩn trương cố gắng nữa. Nếu chúng ta cố gắng quá sức để hành Vipassanà với mong cầu đạt đến tuệ này tuệ khác thì coi chừng bị ảo tưởng của chính mình đánh lừa mà cứ tưởng là đã thấy được thật tánh của pháp. Tinh tấn chưa tới hoặc quá mức thì chánh niệm thường bị dị tưởng xen vào thay vì tính giác. Nếu đó là tạp tưởng thì chẳng thể nào nắm bắt được đối tượng thật tánh, còn nếu đó là sắc tưởng thì dễ lầm ấn chứng của thiền định là tuệ này tuệ kia, biến thiền tuệ thành sở đắc rồi sinh ra ngã mạn, tà kiến, tai hại không sao lường được, vì chưa tới mà tưởng đã hành xong.

Cũng có một loại tưởng khác khá nguy hiểm phát xuất từ kiến thức có trước về pháp hành Vipassanà. Ðem tưởng tri có trước này để đi tìm thật tánh thì chỉ thấy bản sao kiến thức của mình chứ không thể nào phát sinh trí tuệ Vipassanà như chân như thật được.

Sở dĩ hành giả bị đánh lừa như vậy là vì chưa đủ cơ bản tâm để vào được thiền Vipassanà, lúc bấy giờ pháp môn niệm Phật sẽ giúp hành giả chuẩn bị đầy đủ hành trang đi vào thật tánh.

Nhờ pháp môn niệm Phật tôi mới có đủ trầm tĩnh để biết mình đã sai lầm khi nghĩ rằng phải hành Vipassanà liên tục mới là hành rốt ráo. Ðồng thời tôi không còn mặc cảm khi biết rằng các vị Thiền Sư danh tiếng vẫn tùy nghi tùy lúc sử dụng pháp môn niệm Phật, niệm tâm từ, niệm sự chết, niệm bất tịnh... xen kẽ vào pháp hành Vipassanà như tôi đã tự mình tùy cơ ứng biến.

Chúng ta có thể dự một hai khóa thiền ở một trung tâm thiền định hoặc thiền Vipassanà trong một thời gian nhất định nào đó, nhưng không thể cứ áp dụng bài bản như vậy trong suốt cả đời mình. Mục đích thiền Vipassanà là để thấy tánh (thật tánh pháp) bằng trí tuệ, nhưng trong đời sống hằng ngày chúng ta còn phải đối đầu với biết bao nhiêu khê của thế giới tục đế (sammutisacca). Do đó, ngoài Vipassanà Ðức Phật còn dạy rất nhiều pháp môn khác để chúng ta có thể tùy cơ ứng xử.

Ðiều quan trọng là phải biết mình - biết căn cơ trình độ của mình - để thể hiện một pháp môn đúng chỗ đúng thời. Còn thấy tánh là để giúp chúng ta không bị rơi vào các tướng chế định của thế gian hay ứng hiện từ tưởng tri nội tại, nhờ đó chúng ta thoát khỏi cái lưới thủ, hoặc, triền... của vô minh, tà kiến.

Tóm lại, phương tiện nào vừa hợp với chánh pháp vừa hợp với trình độ của chúng sinh, có thể trợ duyên hay đưa đến mục đích giác ngộ giải thoát đều là phương tiện thiện xảo, lợi lạc quần sinh.

Sư Hộ Pháp đã từng du học Thái Lan, Miến Ðiện gần 29 năm, đã học được những điều hay lẽ đẹp từ các nước thủ phủ của Phật Giáo Nam Tông này đem về đóng góp vào việc xây dựng Phật Giáo Nam Tông Việt Nam, vốn còn non trẻ trên đất nước chúng ta.

Pháp Môn Niệm Phật là một trong những đóng góp thiết thực mà tôi mong rằng sẽ đem lại nhiều lợi lạc cho chư Tăng, Phật tử trên đường tu học và hoằng dương chánh pháp.

Tổ Ðình Bửu Long, mùa an cư 2545
Tỳ kheo Viên Minh
(Trụ trì Tổ Ðình Bửu Long)

-ooOoo-

TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM PHẬT

Soạn giả: Tỳ khưu Hộ Pháp

LỜI NÓI ÐẦU

Pháp hành thiền định có tất cả 40 đề mục, trong đó có 4 đề mục cơ bản cho tất cả hành giả tiến hành thiền định và tiến hành thiền tuệ.

Bốn đề mục ấy là:

1- Ðề mục niệm Ân Ðức Phật: làm cho hành giả tăng trưởng đức tin trong sạch nơi Tam bảo.

2- Ðề mục bất tịnh: giúp cho hành giả nhàm chán, thân ô trược này để diệt tâm tham ái.

3- Ðề mục niệm sự chết: làm cho hành giả không dễ duôi, cố gắng tinh tấn tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ.

4- Ðề mục niệm rải tâm từ: giúp cho hành giả tâm được an lạc, diệt tâm sân hận, nóng giận khó chịu; đồng thời làm cho tất cả mọi chúng sinh cũng được an lạc dễ chịu, thương yêu quý mến lẫn nhau; nên không làm trở ngại pháp hành của hành giả.

Pháp môn niệm Phật chính là pháp hành niệm Ân Ðức Phật, là một trong 4 đề mục cơ bản.

Niệm Ân Ðức Phật là niệm Ân Ðức của Ðức Phật (không phải niệm đến danh hiệu Ðức Phật Gotama).

Ân Ðức Phật vô cùng vi tế, sâu sắc, rộng lớn, vô lượng vô biên, không sao kể xiết. Tuy vậy, trong kinh Dhajaggasutta Ðức Phật dạy:

"Itipi so Bhagavà Araham, Sammàsambuddho, Vijjàcaranasampanno, Sugato, Lokavidù, Anuttaro purisadammasàrathi, Satthàdevamanussànam, Buddho, Bhagavà".

Gồm có 9 Ân Ðức Phật, mỗi Ân Ðức Phật có nhiều ý nghĩa vi tế, sâu sắc, rộng lớn, vô lượng vô biên... để hiểu rõ ý nghĩa không phải là việc dễ dàng, song hành giả chỉ cần ghi nhớ những ý nghĩa thiết yếu để tạo cho mình một đức tin trong sạch nơi Ðức Phật.

Pháp hành niệm Ân Ðức Phật không chỉ là đề mục thiền định có khả năng chứng đạt đến cận định, mà còn có thể làm nền tảng để tiến hành thiền tuệ dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả và Niết Bàn nữa. Như Ðức Phật dạy:

"Này chư Tỳ khưu, pháp hành tuỳ niệm Ân Ðức Phật mà hành giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sanh sự nhàm chán trong ngũ uẩn, danh pháp - sắc pháp này, để tận diệt tâm tham ái, sân hận, si mê; để làm vắng lặng mọi phiền não; để phát sanh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã; để chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn". (Anguttaranikàya, phần Ekadhamma -vagga.)

Người Phật tử, là bậc Xuất gia tu sĩ, cũng như các hàng tại gia cư sĩ, ai cũng có đức tin nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, nghĩa là có đức tin nơi Ân Ðức Phật, Ân Ðức Pháp, Ân Ðức Tăng, để làm cho đức tin càng tăng trưởng, làm cho đại thiện tâm càng trong sạch, trí tuệ càng sáng suốt, phước thiện càng dồi dào thì nên tiến hành niệm Ân Ðức Phật.

Trong tập sách nhỏ này, bần sư cố gắng trình bày nhiều phương cách niệm Ân Ðức Phật, song có phương pháp đặc biệt niệm 9 Ân Ðức Phật bằng xâu chuỗi 108 hột rất kỳ diệu, hy vọng sẽ phổ thông cho mọi tầng lớp, nhất là đối với những người thường hay phóng tâm, chuyện này chuyện kia; những người có nhiều công lắm việc, lo nghĩ, tâm bất an; những học sinh, sinh viên học nhiều môn, tâm không an trú, trí không sáng suốt, học khó nhớ dễ quên,... Những trường hợp trên, phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật bằng xâu chuỗi 108 hột này, chắc chắn sẽ giúp cho quý vị tâm chóng ổn định an tịnh tự nhiên, làm cho phát sanh trí tuệ sáng suốt, chắc chắn đem lại những kết quả đáng hài lòng.

Như vậy, ban đầu xin quý vị cố gắng học tập phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật bằng tiếng Pàli, lời giáo huấn nguyên thủy từ kim ngôn của Ðức Phật, không thể thay thế một thứ tiếng nào khác, làm mất đi tính chất nguyên bản, không còn thiêng liêng, giảm hết oai lực của Ân Ðức Phật. Bởi vì, Phật giáo là lời giáo huấn của Ðức Phật chỉ bằng tiếng Pàli, là một thứ tiếng phổ thông của chư Phật, chư thiên, phạm thiên cả thảy, còn mọi thứ tiếng khác như tiếng Việt, tiếng Anh,... chỉ dùng để hiểu rõ ý nghĩa lời giáo huấn của Ðức Phật mà thôi.

Hành giả tiến hành niệm Ân Ðức Phật bằng tiếng Pàli chắc chắn có oai lực phi thường, đem lại cho mình một đức tin vững chắc nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, là nơi nương nhờ cao thượng cho mình.

Tập sách nhỏ này được ấn hành do nhờ đệ tử Vĩnh Cường đã cố gắng đánh máy bản thảo, Rakkhitasìla Antevàsika trình bày, dàn trang và chư thí chủ như gia đình cô Dhammanandà, gia đình Trần Văn Cảnh - Trần Thị Kim Duyên, cô Ðặng Thị Năm (cô Năm Lò-ven), gia đình Cô Bảy, gia đình cô Tịnh Uyên, nhóm Phật tử tịnh thất Siêu Lý Cần Thơ... cùng chư thí chủ khác có đức tin trong sạch nơi Tam bảo đã hùn phước bố thí tài chánh để lo việc in ấn này.

Bần sư thành tâm hoan hỉ phước thiện pháp thí thanh cao này; xin cầu nguyện Ân Ðức Tam Bảo cùng phước thiện pháp thí này, hộ trì cho chư thí chủ cùng toàn thể thân bằng quyến thuộc của thí chủ thân tâm thường được an lạc, mọi thiện pháp được tăng trưởng, để tạo duyên lành chóng giải thoát mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nếu còn trong vòng tử sanh luân hồi, thì do nhờ phước thiện pháp thí này nâng đỡ, dẫn dắt tất cả chúng con hằng được tái sanh nơi cảnh thiện giới, kiếp nào cũng có chánh kiến, có duyên lành thân cận với bậc Thiện trí, lắng nghe lời giáo huấn của Ngài, thực hành theo lời dạy của Ngài chỉ mong giải thoát khổ sanh.

"Idam me dhammadànam
àsavakkhayàvaham hotu".

Cầu mong phước thiện pháp thí này dẫn dắt con đến sự chứng đắc Arahán Thánh Ðạo - Arahán Thánh Quả, diệt đoạn tuyệt được tất cả mọi phiền não trầm luân ở trong tâm.

"Idam no nàtìnam hotu,
sukhità hontu nàtayo".

Cầu mong phước thiện thanh cao này được thành tựu đến thân bằng quyến thuộc của chúng con, cầu mong họ được giải thoát khổ, được an lạc lâu dài.

"Imam punnabhàgam sabbasattànam dema, sabbepi te punnapattim laddhàna, sukhità hontu".

Chúng con xin hồi hướng phần phước thiện pháp thí thanh cao này đến cho tất cả chúng sinh. Cầu mong tất cả chúng sinh hoan hỉ thọ lãnh phần phước thiện thanh cao này rồi, thoát khỏi mọi cảnh khổ, được an lạc lâu dài.

Núi Rừng Viên Không
Phật Lịch 2545 /2001
Tỳ khưu Hộ Pháp

-ooOoo-

 Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Hộ Pháp, Thiền viện Viên Không, Bà Rịa, đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, tháng 04-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 11-05-2002